Tài liệu Nghiên cứu mô tả sự cố liên quan đến phẫu thuật chấn thương chỉnh hình: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 209
NGHIÊN CỨU MÔ TẢ SỰ CỐ LIÊN QUAN ĐẾN
PHẪU THUẬT CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH
Trương Trí Hữu*
TÓM TẮT
Mở đầu: tần suất sự cố y khoa trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình luôn xảy ra trên thế giới ảnh
hưởng đến bệnh tình và tính mạng người bệnh, gây tiêu tốn nhiều chi phí để khắc phục sự cố. Nghiên cứu này
nhẳm cho thấy tỉ lệ các sự cố y khoa và đưa ra phương cách khắc phục
Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả các sự cố y khoa trong phẫu thuật. Phân tích xác định nguyên nhân, đề xuất
biện pháp ngăn ngừa sự cố y khoa
Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả các trường hợp lâm sàng tại BV CTCH (Mức độ IV chúng cớ
y khoa). Khảo sát ghi nhận các trường hợp sự cố y khoa liên quan đến phẫu thuật CTCH
Kết quả: Tổng kết trên 69093 bệnh nhân được phẫu thuật từ 01/01/2015- 30/01/2017 có 121 (0,18%) BN bị
sự cố y khoa (67 nam, 54 nữ). Phân tích trong 121 ca sư cố cho thấy sự cố hệ thống là 48...
7 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 13/07/2023 | Lượt xem: 176 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu mô tả sự cố liên quan đến phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 209
NGHIÊN CỨU MÔ TẢ SỰ CỐ LIÊN QUAN ĐẾN
PHẪU THUẬT CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH
Trương Trí Hữu*
TÓM TẮT
Mở đầu: tần suất sự cố y khoa trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình luôn xảy ra trên thế giới ảnh
hưởng đến bệnh tình và tính mạng người bệnh, gây tiêu tốn nhiều chi phí để khắc phục sự cố. Nghiên cứu này
nhẳm cho thấy tỉ lệ các sự cố y khoa và đưa ra phương cách khắc phục
Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả các sự cố y khoa trong phẫu thuật. Phân tích xác định nguyên nhân, đề xuất
biện pháp ngăn ngừa sự cố y khoa
Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả các trường hợp lâm sàng tại BV CTCH (Mức độ IV chúng cớ
y khoa). Khảo sát ghi nhận các trường hợp sự cố y khoa liên quan đến phẫu thuật CTCH
Kết quả: Tổng kết trên 69093 bệnh nhân được phẫu thuật từ 01/01/2015- 30/01/2017 có 121 (0,18%) BN bị
sự cố y khoa (67 nam, 54 nữ). Phân tích trong 121 ca sư cố cho thấy sự cố hệ thống là 48,2%, sự cố có nguyên
nhân là 51,8%. Sự cố do thuốc (0,8%) và sự cố nhầm bệnh (0,8%) gây nguy hại nhiều cho người bệnh. Phẫu
thuật viên liên quan đến sự cố là 86%, điều dưỡng là 11,6%, qui trình phẫu thuật là 76,9%.
Kết luận: sự cố y khoa trong phẫu thuật chỉnh hình luôn tồn tại và đôi khi làm nguy hại đến sức khỏe của
người bệnh được điều trị phẫu thuật. Phương cách cải tiến chất lượng và nghiên cứu chi tiết hơn nhằm xoáy vào
các sự cố có tần suất quan trọng như phẫu thuật viên, qui trình phẫu thuật và các sự cố nguy hiểm như dùng
thuốc hay nhầm bệnh.
Từ khóa: sự cố y khoa.
ABSTRACT
SURVEY OF MEDICAL ERRORS IN ORTHOPAEDIC SURGERY
Truong Tri Huu * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement Vol. 22 - No 1- 2018: 209 - 215
Introduction: The frequency of medical errors in orthopedic surgery has continued to happen in the world,
in addition to the significant patient morbidity and mortality, which give rise to a substantial economic burden.
This study describes the current prevalence of medical errors within orthopedics, and strategies for prevention.
Objectives: we describe prevalence of medical errors in orthopedic surgery, then we analyze causes and
suggest strategies for prevention.
Method of study: type of study is descriptive prospective research of series of clinical cases (Level IV
evidence base) in Hospital for Traumatology- Orthopedics Hochiminh City. Surveys were reported an observed
medical error in orthopedic surgery.
Results: This study population included 69093 surgery patients from 01/01/2015- 30/01/2017, there are 121
cases (0.18%) of medical errors (67 males, 54 females). A classification of 121 errors showed commutative error of
48.2%, individual error of 51.8%. Medication errors (0.8%) and wrong-patient surgery (2.5%) represented
serious potential patient harm. The reporting orthopedic surgeon was involved in 86% of the errors; a nurse in
11.6%; the wrong procedure (76.9%).
Conclusions: Medical errors in orthopedic surgery continue to occur and therefore represent a harm to
*. BV Chấn thương Chỉnh hình
Tác giả liên lạc: TS.BS Trương Trí Hữu. ĐT: 0918591576 Email: truongtrihuu08@gmail.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Ngoại Khoa 210
surgery patient. Quality assurance improvements and more refined research can be addressed toward higher error
occurrence (surgeons and wrong procedure) and high risk (medication and wrong-patient surgery).
Keywords: Medical errors
MỞ ĐẦU
Y văn đã sử dụng thuật ngữ khác nhau để
mô tả những rủi ro trong thực hành y khoa. Sự
cố y khoa không mong muốn (Medical Error)(14)
được sử dụng ngày càng phổ biến. Trong quá
trình phẫu thuật tại Bệnh viện Chấn thương
Chỉnh hình(BVCTCH) tất cả đều thực hiện đúng
qui trình từ chẩn đoán xác định đến hướng dẫn
phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu. Tuy nhiên đôi
khi sự cố y khoa liên quan đến phẫu thuật cũng
có thể xảy ra gây ra nỗi bất an cả người bệnh,
thân nhân và nhân viên y tế. Phân tích khảo sát
các sự cố y khoa do phẫu thuật nội viện tại Bệnh
viện CTCH là việc nghiên cứu cần thiết. Một sự
cố y khoa sẽ hữu ích nếu được công khai, phân
tích để từ đó rút kinh nghiệm nhằm không lặp
lại lần sau(4). Tuy nhiên, một rào cản rất lớn trong
việc ghi nhận và báo cáo sự cố là văn hóa buộc
tội và trừng phạt. Theo Who(15) với tình trạng quá
tải và áp lực công việc cao, bệnh viện đã triển
khai hệ thống quản lý sự cố như thế nào? Trong
công tác quản lý ấy, những yếu tố nào tác động
đến việc báo cáo sự cố của nhân viên. Nhằm góp
phần xây dựng một môi trường an toàn cho công
tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, góp phần chủ
động phòng ngừa những sự cố. Shojania(12) cho
rằng vẫn còn rất nhiều người lo sợ khi tham gia
báo cáo gồm sợ bị kỹ luật, nhóm kỹ thuật viên
điều dưỡng có thái độ lo sợ cao hơn bác sĩ.
Người có địa vị cao sợ mất uy tín. Bộ Y tế(4) cần
kiện toàn hơn lại qui trình quản lý sự cố cho
nhân viên toàn bệnh viện, tăng cường khuyến
khích khen thưởng cho công tác báo cáo sự cố,
sự cam kết không trừng phạt của lãnh đạo. Nhìn
lại các trường hợp phẫu thuật nội viện tại BV
CTCH số lượng bệnh nhận được phẫu thuật
tăng nhanh đáng kể từ năm 2015- 2017 tổng cộng
69093 ca phẫu thuật, vì thế các sự cố y khoa cũng
cần phải xem xét khảo sát phân loại sự cố nào là
do hệ thống hay do cá nhân để kiểm soát hạn
chế bớt dần sự cố do cá nhân trong điều kiện
khách quan quá tải.
Mục tiêu nghiên cứu
Mô tả các sự cố y khoa trong phẫu thuật
Phân tích xác định nguyên nhân, đề xuất
biện pháp ngăn ngừa sự cố y khoa.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
Thiết kế nghiên cứu
Tiền cứu thống kê mô tả.
Đối tượng nghiên cứu
Tất cả các bệnh nhân phẫu thuật nội viện từ
tháng 01/01/ 2015 đến tháng 30/01/ 2017 có biến
cố liên quan đến phẫu thuật trong mổ và sau mổ
kể cà dùng thuốc, dụng cụ đặt vào người. Cỡ
mẫu: tất cả số ca phẫu thuật được khảo sát trong
khoảng thời gian này có tổng cộng 69093 ca phẫu
thuật.
Sử dụng phần mềm SPSS 16.0 để thống kê
mô tả.
Nơi thực hiện: Bệnh viện Chấn thương
Chỉnh hình.
KẾT QUẢ
Kết quả các sự cố y khoa của nhóm người
bệnh nội viện có chỉ định điều trị phẫu thuật
trong 2 năm 2015 và 2016 là 121 trường hợp sự
cố y khoa trên tổng số 69093 người bệnh
chiếm tỉ lệ là 0,18%. Trong đó năm 2015 là 44
ca sự cố so với 33511 ca mổ chiếm tỉ lệ là 0,13%
và năm 2016 là 77 ca so với 35582 ca mổ chiếm
tỉ lệ là 0,22%.
Thời gian nhận được báo cáo sau khi sự cố
xảy ra từ 1 đến 28 ngày với chỉ số trung bình
là 48 giờ sau khi xảy ra sự cố, đa phần là trong
vòng 3 ngày là sự cố được báo cáo về Phòng
Quản lý Chất lượng (QLCL).
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 211
Bảng 1: Phân bố tỉ lệ các sự cố xảy ra theo loại mổ cấp
cứu hay theo chương trình
Loại mổ Số lượng Tỉ lệ %
Cấp cứu 49 40,5
Chương trình 43 35,5
Yêu cầu 29 24,0
Tổng số N 121 100,0
Bảng 2: Khảo sát nơi sự cố xảy ra được phát hiện tại
các Khoa
Khoa phát hiện Số lượng (N) Tỉ lệ %
Tiền phẫu 04 2,4
Phòng mổ 70 58,7
Hậu phẫu 45 37,2
Tại Khoa lâm sàng 2 1,7
Tổng số N 121 100,0
Kết quả thống kê mô tả 121 ca sự cố trong 2
năm 2015 và 2016.
Phân loại theo giới tính thì có nam 67 ca
chiếm tỉ lệ 55,4% và nữ 54 ca chiếm tỉ lệ là
44,6%. Phân bố tỉ lệ các sự cố xảy theo tuổi
người bệnh 1-15 tuổi là 23,1%, 16-60 tuổi là
62,9%, trên 60 tuổi là 24%. Tỉ lệ sự cố y khoa
liên quan đến phẫu thuật hay xảy ra thuộc các
Khoa Cấp cứu (37,2%), Chi dưới (16.5%), Chi
trên (11,6%). Phòng mổ, Hậu phẫu là nơi phát
hiện sớm sự cố xảy ra.
Sự cố hệ thống (không xác định nguyên
nhân) (communative errror) là 54 ca (48,2%). Sự
cố có nguyên nhân liên quan (individual error) là
66 ca chiếm 51,8%.
Số ca tử vong chung là 6 trường hợp trong
121 sự cố chiếm tỉ lệ 5%. nếu tính trên tổng số
69093 ca phẫu thuật nội viện thì tỉ lệ tử vong là
0,065%.
Sự cố nặng xảy ra 2 trường hợp vào thời
gian hậu phẫu thay khớp háng bệnh nhân già
trên 80 tuổi bị đột tử, không mổ tử thi nên
không xác định được nguyên nhân.
Sự cố nặng dẫn đến hậu quả tử vong là
bệnh nhân già trên 80 tuổi gãy vùng cổ mấu
chuyển xương đùi bắt đầu vô cảm tê tủy sống,
sau bệnh nhân bị đột tử không rõ nguyên
nhân với số lượng là 2 trường hợp (tỉ lệ 1,7%)
trong nhóm sự cố.
Sự cố nguy hiểm là liệt sau mổ cột sống có 5
trường hợp tỉ lệ là 4,1%. So với tổng số ca mổ
69093 thì rất thấp là 0,05%.
Sự cố nặng nề và khó khắc phục là liệt hô
hấp vận động, lệ thuộc vào máy thở sau mổ
BN bị gãy cột sống cổ có 2 trường hợp chiếm tỉ
lệ 1,7%. Sau một thời gian điều trị cả 2 bệnh
nhân đều rơi vào tình trạng viêm phổi và
nguy tử xin về.
Sự cố không mong muốn và khó khăn để
khắc phục là liệt vận động sau mổ nắn chỉnh
vẹo cột sống nặng chiếm 3 trường hợp với tỉ lệ
là 2,5%.
Sự cố nguy hiểm nếu phát hiện không kịp
thời có thể gây hoại tử chi đó là tổn thương mạch
máu sau mổ. Có 3 trường hợp tổn thương vùng
động mạch khoeo chiếm 2,5% và 5 trường hợp
(4,2%) tổn thương vùng động mạch cánh tay sau
kết hợp xương gãy trên 2 lồi cầu ở bé nhi.
Sự cố sốc sau truyền dịch, truyền máu
cũng có xảy ra với tỉ lệ thấp là 0,8% tuy nhiên
là sự cố nguy hiểm cần phải cẩn trong trước
khi truyền.
Sự cố nhầm bệnh và nhầm xét nghiệm vẫn
xảy ra tỉ lệ 2,5% (4 trường hợp) phát hiện kịp
thời trước mổ nên không gây hậu quả.
Bảng 3: Mô tả người liên quan nhiều đến sự cố
Người liên quan sự cố Số lượng Tỉ lệ %
Bác sĩ mổ 104 86,0
BS gây mê 2 1,7
KTV gây mê 2 1,7
Dụng cụ viên 12 9,9
Điều dưỡng 2 1,7
Tổng số (N) 121 100,0
Bảng 4: Kết quả sau khi xử trí các sự cố y khoa
Kết quả xử trí Số lượng Tỉ lệ %
Hiệu quả 93 76,8
Thất bại 22 18,2
Tử vong 6 5,0
Tổng số N 121 100,0
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Ngoại Khoa 212
Bảng 5: Các biện pháp gợi nhớ nên được thực hiện
hay được nhắc nhở sẽ lảm giảm thiểu sự cố y khoa
Biện pháp Số lượng Tỉ lệ %
Chẩn đoán đúng lại ngay lúc mổ 29 24,0
Kiểm tra C Arm lúc mổ 48 39,7
Lập kế hoạch mổ cẩn thận 15 12,4
Cẩn thận sau gây tê tủy sống 1 0,8
Kiểm tra kỷ khi dùng sản phẩm máu 3 2,5
Chọn thuốc phù hợp 4 3,3
Sốc nhiễm trùng 5 4,1
Kỹ thuật sử dụng dụng cụ 16 13,2
Tổng số N 121 100,0
Bảng 6: Mô tả qui trình liên quan sự cố
Nhóm sự cố liên quan đến Số lượng Tỉ lệ %
Sử dụng thuốc 4 3,3
Truyền máu 2 1,7
Quy trình phẫu thuật 93 76,9
Kỹ thuật chăm sóc 7 5,8
Dụng cụ kết hợp xương 10 8,3
Chưa xác định 5 4,2
Tổng số 121 100,0
BÀN LUẬN
Các báo cáo thống kê về sự cố y khoa trong
nước còn rất ít đặc biệt là chuyên ngành phẫu
thuật Chấn thương chỉnh hình. Tình hình trên
thế giới thì phát triển nhiều hơn tại các nước tiên
tiến Anh, Pháp, Mỹ, Canada... có thành lập các
Ủy ban về An toàn sức khỏe cho người bệnh
nhằm kiểm soát hạn chế sự cố y khoa(1,2). Do
những sự cố y khoa nặng nguy hại tính mạng
liên quan đến kiện thưa của người bệnh đối với
nhân viên y tế riêng ở Mỹ về chuyên ngành
Chấn thương chỉnh hình các nhà chức trách đã
thành lập Ủy ban chuyên trách về thay khớp
(Joint Commission on the Accreditation of
Healthcare Organizations (JCAHO)) hay các ban
an toàn người bênh như the National Quality
Forum (NQF)(11). Trong nước ta ngày 03 tháng 12
năm 2013 Bộ Y Tế quyết định về việc ban hành
thí điểm bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh
viện(4). Trong bộ tiêu chi này đã đưa ra phần tiểu
mục đánh giá an toàn người bệnh, đặc biệt
khuyến cáo lập sổ ghi nhận các biến cố y khoa tự
nguyện.
Tỉ lệ sự cố y khoa chung khảo sát tại cho các
ca có chỉ định điều trị phẫu thuật tại BV CTCH là
0,18%. Tỉ lệ này không cao tuy nhiên con phụ
thuộc vào nguồn thu thập dữ liệu các sự cố y
khoa phát hiện được có đầy đủ không. Sự phát
hiện điều được thông qua khuyến cáo báo cáo tự
nguyện về Phòng QLCL trong vòng 24- 48 giờ
khi phát hiện. Mẫu báo cáo sự cố đều được phân
về từng Khoa và có để trên thư mục chung của
bệnh viện để tiên lợi trong báo cáo. Tuy nhiên
đây là giai đoạn đầu tiên triển khai nên việc thu
thập thông tin về sự cố với chỉ số trung bình là
48 giờ sau khi xảy ra sự cố. Có những trường
hợp phát hiện muộn khi bệnh nhân đi tái khám 4
tuần sau phẫu thuật. Khi Phòng QLCL thu thập
được thông tin sẽ họp ngay xin ý kiến các
chuyên gia về lĩnh vực riêng từng sự cố đưa
ngay hướng khắc phục và triển khai biện pháp
khuyến cáo đề phòng không xảy ra. Giai đoạn
này nhân viên phòng QLCL và Ban An toàn
người bệnh thường xuyên giám sát Khoa cấp
cứu, Phòng mổ, Hậu phẫu và Săn sóc đặc biệt để
kịp thời phát hiện sự cố giải quyết nhanh. Một số
trường hợp nặng tử vong, nguy tử, hay thương
tật không phục hồi đều được thông qua Hội
đồng QLCL để bình bệnh án cho mọi người
tham dự để rút kinh nghiệm. Tổng hợp sự cố y
khoa tại các nước phát triển nghiên cứu năm
1984 tại Mỹ (Harvard Medical Practice Study) tỷ
lệ là 3,7 % (1.133 /30.195 BN)(11,17). Tại Úc (Quality
in Australia Health Case Study)(3,16) năm 1992 là
16, 6% (2.353 / 14.179 BN). Anh (Adverse event
in British hospitals) năm 2000 là 10,8 %
(119/1.014)(13). Canada (The incidence of adverse
events among hospital patients in Canada) năm
2000 tỉ lệ là 7,5% (745/2553BN)(2). Đan Mạch 1998
là 9,0 % (176/1.097 BN)(8). Hà Lan (2004) (Adverse
Events and potentially preventable deaths in
Dutch hospitals) là 5,7 %(18). New Zealand năm
2001 tỷ lệ biến cố y khoa là 3,4%(6).
Nghiên cứu khảo sát sự cố tại BVCTCH
chuyên ngành về phẫu thuật chỉnh hình cho nên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 213
đa phần gắn liền với nguyên nhân phẫu thuật
viên là người trực tiếp điều trị đi kèm với sử
dụng dụng cụ đặt vào trong người. Sự cố có
nguyên nhân liên quan (individual error) là 66 ca
chiếm 51,8%. Sự cố hệ thống (không xác định
nguyên nhân) (communative errror) là 54 ca
48,2%. Trong đó khảo sát sự cố liên quan nhiều
đến phẫu thuật viên là 88,6% và dụng cụ viên là
9,9%. Khảo sát tỉ lệ sự cố y khoa liên quan đến
phẫu thuật là 93%. Thống kê mô tả chi tiết các sự
cố liện quan đến bác sĩ phẫu thuật ở một số điểm
cần chẩn đoán đúng lại ngay lúc mổ để tránh bỏ
sót thương tổn là 24%. Vấn đề cẩn thận quan sát
chẩn đoán trước mổ để chọn kỹ cách tiếp cận
phương pháp phẫu thuật nhằm không gây nguy
hại cho người bệnh chiếm 12,4%. Khi mổ nhứt
thiết cẩn thận sử dụng C Arm để tránh sai lầm
chủ quan mắc phải khi đặt dụng cụ vào trong
người bệnh là 39,7%. Thao tác kỹ thuật sử dụng
dụng cụ đúng cách tránh gãy dụng cụ chiếm
13,2%. Thông tư số 19 /2013/TT-BYT Hướng dẫn
thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám
bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện bổ sung thêm nội
dung an toàn người bệnh trong việc sử dụng
trang thiết bị y tế(4). Qua khảo sát trên yếu tố con
người liên quan đến sự cố có thể được giải quyết
bằng cách thường xuyên giáo dục y đức nghề
nghiệp, tổ chức các lớp chứng chỉ hỗ trợ chuyên
ngành CTCH trong đào tạo và huấn luyện và
đào tạo liên tục hàng năm để cập nhật kiến thức.
Nhận thức sớm báo cáo các sự cố y khoa và phân
tích nguyên nhân sự cố do lỗi cá nhân hay hệ
thống tìm giải pháp tích cực đóng góp cho Hội
đồng QLCL để cải tiến chất lượng điều trị tốt cho
người bệnh giảm thiểu sự cố y khoa. Khảo sát sự
cố y khoa trong phẫu thuật chỉnh hình tại Mỹ(5),
nguyên nhân do hệ thống chỉ có 24,7% trong khi
sự cố liên quan đến phẫu thuật viên sử dụng
dụng cụ chiếm 29%. Sai lầm mắc phải do không
dùng C Arm chiếm 8,4% các trường hợp phải
mổ lại lần hai(17). Trong khi đó cũng tại Mỹ như
chuyên khoa Tai Mũi Họng nguyên nhân do
phẫu thuật viên chiếm tỉ lệ nhỏ hơn là 19,3%(7).
Khi sự cố y khoa nếu được dự đoán và đề phòng
trước thì sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí điều trị và
mang lại sức khỏe tốt cho người bệnh. Tác giả
Bate năm 1977 Bates(3) cho thấy tốn nhiều chi phí
thực hiện hoàn chỉnh qui trình điều trị sẽ giảm
được các biến cố y khoa, từ đó giảm chi phí điều
trị chung.
Sự cố nghiêm trọng gồm: 6 ca tử vong 5%
(nếu tính trên tổng số 9093 ca phẫu thuật nội
viện thì tỉ lệ tử vong là 0,065%). Đa số các trường
hợp không có chẩn đoán giải phẫu tử thi nên
khó xác định chẩn đoán. Sự cố không mong
muốn và khó khăn để khắc phục là liệt vận động
sau mổ nắn chỉnh vẹo cột sống nặng chiếm 3
trường hợp với tỉ lệ là 2,5%. Sự cố nguy hiểm
nếu phát hiện không kịp thời có thể gây hoại tử
chi đó là tổn thương mạch máu sau mổ. Có 3
trường hợp tổn thương vùng động mạch khoeo
chiếm 2,5% và 5 trường hợp (4,2%) tổn thương
vùng động mạch cánh tay sau kết hợp xương
gãy trên 2 lồi cầu ở bé nhi. Vấn đề giải quyết các
sự cố nặng này cần phải có nhiều giải pháp động
bô cần thực hiện để mong giảm thiểu cho người
bệnh. Hội đồng QLCL cần tăng cường giám sát
sư cố y khoa nghiêm trọng và đào tạo huấn
luyện công tác an toàn cho người bệnh. Thiết lập
hệ thống báo cáo sai sót, phân tích nguyên nhân
gốc, từng bước minh bạch thông tin sự cố y khoa
đến tất cả nhân viên để hiểu biết phòng tránh.
Cải thiện môi trường làm việc của nhân viên
(nhân lực, phương tiện, ca kíp..) tránh mệt sức
do quá tải công việc, triển khai bảo hiểm nghề
nghiệp. Khắc phục đồng thời lỗi cá nhân và hệ
thống “giải pháp kép”. Chuẩn hóa các qui trình
huấn luyện và đào tạo liên tục, tăng cường kiểm
tra giám sát tuân thủ của người hành nghề.
Nghiên cứu Cơ quan Quản lý Y tế Mỹ sử dụng
Bộ công cụ đánh giá sự cố y khoa của Viện cải
thiện chăm sóc y tế - Mỹ “Global Trigger Tool of
the Institute for Healthcare Improvement” ước
tính thấp nhất 210.000 tử vong hàng năm liên
quan tới sự cố y khoa so với nghiên cứu của Viện
y học Mỹ (Institute of Medicine)(10). Năm 2013,
Shojania ước tính hàng năm có tới 98.000 người
tử vong liên quan tới sự cố y khoa(12). Các chuyên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018
Chuyên Đề Ngoại Khoa 214
gia y tế Mỹ ước tính ít nhất có 44.000 - 98.000
người bệnh tử vong trong các bệnh viện của Mỹ
hàng năm do các sự cố y khoa. Số người chết vì
sự cố y khoa trong các bệnh viện của Mỹ cao hơn
tử vong do tai nạn giao thông, Ung thư vú, tử
vong do HIV/AIDS là ba vấn đề sức khỏe mà
người dân Mỹ quan tâm hiện nay(7,11).
Sự cố sốc sau truyền đạm, truyền máu cũng
có xảy ra với tỉ lệ thấp là 0,8% tuy nhiên là sự cố
nguy hiểm cần phải cẩn trong trước khi truyền.
Khuyến cáo của Sở y tế TP HCM đối với các
bệnh viện an toàn trong sử dụng thuốc cần được
thực hiện. Đôi khi người bệnh cũng là tác nhân
gây ra sự cố sử dụng thuốc như dùng lén các sản
phẩm gây nghiện tại phòng bệnh. Các y lệnh
bằng miệng khi bệnh chuyển năng cũng cần
phải hết sức cẩn trọng. Tại Mỹ theo Wong báo
cáo thống kê về sự cố y khoa trong chuyên
ngành CTCH thì sự cố sử dụng thuốc nhầm
chiếm 9,7% các trường hợp(17).
Sự cố nhầm bệnh và nhầm xét nghiệm vẫn
xảy ra tỉ lệ 2,5% (4 trường hợp) phát hiện kịp
thời trước mổ nên không gây hậu quả. Tại
bệnh viện CTCH đã triển khai bảng kiểm an
toàn trong phẫu thuật theo mẫu của WHO(15)
tuy nhiên điều này vẫn xảy ra. Vấn đề này
thuộc lỗi cá nhân trên con người không
nghiêm túc thực hiện, cần thiết luôn nhắc nhở
y đức trong thực hành.
Sự cố cũng đáng quan tâm là tỉ lệ nhiễm
trùng nặng phải mổ cắt lọc lại là 4,8%. Nhiễm
khuẩn bệnh viện trong các bệnh viện của Việt
Nam qua các báo cáo đã được đăng trên các tạp
chí y học ghi nhận mắc từ 5,4% - 8% người bệnh
nội trú, nhiễm khuẩn vết mổ trên những người
bệnh có phẫu thuật chiếm từ 2,5% - 8,45% và
viêm phổi bệnh viện trên các người bệnh có thở
máy từ 40% - 50%(9).
Biện pháp giảm thiểu sự cố y khoa
- Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản
pháp quy về an toàn người bệnh: Sự cố y khoa
cần được xem xét nghiên cứu như một vấn đề y
tế công cộng.
- Xem xét thành lập các tổ chức an toàn
người bệnh.
- Triển khai hệ thống báo cáo sự cố y khoa
bắt buộc. Báo cáo sự cố y khoa và báo cáo đánh
giá định kỳ cho Hội đồng QLCL về các sự cố y
khoa, phân tích nguyên nhân gốc và các giải
pháp khắc phục.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát sự tuân
thủ của người hành nghề. Giảm thiểu các sai
sót sự cố y khoa liên quan tới việc xác định sai
tên người bệnh; thông tin không đầy đủ giữa
các cán bộ y tế; sai sót trong dùng thuốc; sai
sót trong phẫu thuật, thủ thuật; tăng cường
công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; sử dụng
trang thiết bị y tế.
KẾT LUẬN
Phân tích thống kê sự cố y khoa trong
chuyên ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh
hình tại BV CTCH cho thấy tỉ lệ là 0,18%. Sự cố
hệ thống là 48,2%. Sự cố có nguyên nhân liên
quan chiếm 51,8%. Phẫu thuật viên là người trực
tiếp liên quan đến sự cố y khoa nhiều nhứt
chiếm 86%. Sự cố liên quan đến quy trình phẫu
thuật là 76,9%. dụng cụ kết hợp xương là 8,3%.
Một số sự cố đáng tiếc vẫn xảy ra gồm: Sự cố
nhầm bệnh và nhầm xét nghiệm vẫn xảy ra tỉ lệ
2,5% phát hiện kịp thời trước mổ nên không gây
hậu quả. Sự cố y khoa trong phẫu thuật chỉnh
hình luôn tồn tại và đôi khi làm nguy hại đến
sức khỏe của người bệnh được điều trị phẫu
thuật. Phương cách cải tiến chất lượng và nghiên
cứu chi tiết hơn nhằm vào các sự cố có tần suất
quan trọng như phẫu thuật viên, qui trình phẫu
thuật và các sự cố nguy hiểm như dùng thuốc
hay nhầm bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Baines RJ (2013). Change in adverse event rates in hospital
over time: a longitudinal retrospective record review study.
BMJ Qual Saf N 22,pp 290–298.
2. Baker GR, Norton PG, Flintoft W, Blais R, Cox J (2004). The
Canadian adverse event study: The incident of adverse events
among hospital patient in Canada, CMẠ,170 (11), pp1678-
1686
3. Bates DW, Spell N, et al (1997). The costs of adverse drug
events in hospitalized patients, JAMA 277, pp 301-34.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 1 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 215
4. Bộ Y tế. Thông tư Số 19 /2013/TT-BYT (2013) Hướng dẫn thực
hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại
bệnh viện.
5. Daniel R, et al (2010). Advrese events in hospitals: National
incident among medical beneficiaries. OFFICE OF
INSPECTOR GENERAL. Department of Health and Human
Services. November 2010, pp 35-39.
6. Davis P, Lay-Yee R, Briant R, Ali W, Scott A, Schug S (2001)
Adverse events in New Zealand public hospitals II:
preventability and clinical context. Published by the Ministry of
Health, Wellington, New Zealand. pp 15-19.
7. Leape LL, Brennan TA (1991) Results of Harvard Medical
Practice Study II. New England Journal of Medicine,N 384, pp
323-377.
8. Lundgaard M, Raboel L (2005) Danish Society for patient
Safety. The Danish patient experience: the Act on patient
safety in the Danish health care system. ITALIAN JOURNAL
OF PUBLIC HEALTH. IJPH - Year 3, Volume 2, Number 3-4,
pp 64- 68
9. Mai Thị Tiết (2014) Giám sát NKVM của 810 người bệnh có
phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Tạp Chí y học
thực hành, số 904: 53-56.
10. MINNESOTA DEPARTMENT OF HEALTH (2013) Adverse
health events in Minnesota. Ninth Annual Report/Jannuary.
Division of Health Policy Minnesota Department of Health
651- pp 201-209
11. Serious Reportable Events in health care-2011 Update (2011):
A consensus report. National Quality forum. Washington, DC:
NQF,2011. Permissions National Quality Forum 1030 15th
Street NW Suite 800 Washington, DC 20005 Fax 202-783-3434
www.qualityforum.org
12. Shojania KG, et al (2013) Trends in adverse events events over
time: why are we not improving. BMJ Qual Saf N 22: pp 273–
277.
13. Vincent C, Neale G, Woloshynowych M (2001). An adverse
events in British hyospitals: Preliminary retrospective record
review. British Medical Journal, 322 (7285), pp 517-519.
14. Vincent C (2004). Systems approaches to surgical quality and
safety: from concept to measurement. Annals of Surgery, N 239
pp 475–482.
15. WHO (2011). Patient Safety curriculum guide. Multi-
professional Edition,2011,pp 96-97.
16. Wilson RM, Runciman WB, Gibberd R, Newby L, Hamilton
JD (1995). The quality in Austrailia health care Study. The
medical Journal of Australia,163 (9), pp 458-471.
17. Wong DA, Herndon JH, Canale ST, Brooks RL, Hunt TR
(2009). Medical Errors in Orthopaedics. Results of an AAOS
Member Survey. J Bone Joint Surg Am 91, pp 547-557.
18. Zegers M, Bruijne MC, Wagner C (2009) Adverse events and
potentially preventable deaths in Dutch hospitals. Results of
retrospective patient record review study. Nivel review study
Quality & Safety in Health Care: 18(4), pp 297-302.
Ngày nhận bài báo: 21/11/2017
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 28/11/2017
Ngày bài báo được đăng: 15/3/2018
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nghien_cuu_mo_ta_su_co_lien_quan_den_phau_thuat_chan_thuong.pdf