Tài liệu Nghiên cứu đặc điểm hình thái và giải phẫu của một số loài thực vật thủy sinh: Nguyễn Thị Thu Hà và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 180(04): 105 - 110
105
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI VÀ GIẢI PHẪU CỦA MỘT SỐ LOÀI
THỰC VẬT THỦY SINH
Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Luyến,
Cao Thị Phương Thảo, Lê Phương Dung*
Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên
TÓM TẮT
Một số loài thực vật thủy sinh như rau Rút (Neptunia oleracea Lour.), rau Dừa nước (Ludwidgia
adscendens L.) và Bèo tây (Eichhornia crassipes Solms) là những loài cây sống phổ biến trong
nước ao, hồ. Chúng có nhiều công dụng khác nhau như dùng làm thuốc chữa bệnh, làm rau ăn và
có vai trò làm sạch môi trường nước bị ô nhiễm. Vì vậy, chúng là đối tượng được nhiều nhà khoa
học quan tâm nghiên cứu. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái, cấu tạo
giải phẫu thích nghi với môi trường sống ở nước ao, hồ của ba loài thực vật thủy sinh nói trên. Sử
dụng phương pháp làm tiêu bản hiển vi, quan sát và mô tả theo tài liệu của Hoàng Thị Sản,
Nguyễn Phương Nga (2008). Kết q...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 252 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu đặc điểm hình thái và giải phẫu của một số loài thực vật thủy sinh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Thị Thu Hà và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 180(04): 105 - 110
105
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI VÀ GIẢI PHẪU CỦA MỘT SỐ LOÀI
THỰC VẬT THỦY SINH
Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Luyến,
Cao Thị Phương Thảo, Lê Phương Dung*
Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên
TÓM TẮT
Một số loài thực vật thủy sinh như rau Rút (Neptunia oleracea Lour.), rau Dừa nước (Ludwidgia
adscendens L.) và Bèo tây (Eichhornia crassipes Solms) là những loài cây sống phổ biến trong
nước ao, hồ. Chúng có nhiều công dụng khác nhau như dùng làm thuốc chữa bệnh, làm rau ăn và
có vai trò làm sạch môi trường nước bị ô nhiễm. Vì vậy, chúng là đối tượng được nhiều nhà khoa
học quan tâm nghiên cứu. Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thái, cấu tạo
giải phẫu thích nghi với môi trường sống ở nước ao, hồ của ba loài thực vật thủy sinh nói trên. Sử
dụng phương pháp làm tiêu bản hiển vi, quan sát và mô tả theo tài liệu của Hoàng Thị Sản,
Nguyễn Phương Nga (2008). Kết quả đã mô tả được đặc điểm hình thái, cấu tạo giải phẫu thích
nghi của các loài rau Rút, rau Dừa nước và Bèo tây sống trong môi trường nước ao, hồ, nhằm cung
cấp những dữ liệu phục vụ trong học tập và nghiên cứu.
Từ khóa: Rau Rút, rau Dừa nước, Bèo tây, rễ, thân.
MỞ ĐẦU*
Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió
mùa nóng, ẩm nên hệ thực vật rất phong phú
và đa dạng. Theo Phạm Hoàng Hộ (2003) [2],
ở nước ta hiện nay có gần 13.000 loài thực vật
bậc cao có mạch sống trong các môi trường
trên cạn và dưới nước. Những loài thực vật
thủy sinh như cây rau Rút (Neptunia oleracea
Lour.), rau Dừa nước (Ludwidgia adscendens
L.) và Bèo tây (Eichhornia crassipes Solms)
là những loài cây sống phổ biến trong các ao,
hồ ở nước ta. Mặc dù có nhiều công trình
nghiên cứu về tác dụng làm thuốc chữa bệnh,
làm rau ăn hoặc dùng làm sạch môi trường
nước bị ô nhiễm của cây rau Rút, rau Dừa
nước và cây Bèo tây [3], [4], [5], [7], nhưng
chưa có công trình nào nghiên cứu một cách
đầy đủ, có hệ thống về đặc điểm hình thái,
cấu tạo giải phẫu thích nghi của các loài cây
này trong môi trường sống ở nước ao, hồ. Vì
vậy, kết quả thu được nhằm cung cấp những
dữ liệu phục vụ trong học tập, nghiên cứu và
giải thích mối quan hệ thích nghi của các loài
thực vật với môi trường sống.
*
Tel: 0971 338385, Email: lephuongdung@dhsptn.edu.vn
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Là ba loài thực vật rau Rút (Neptunia oleracea
Lour.), rau Dừa nước (Ludwidgia adscendens
L.) và cây Bèo tây (Eichhornia crassipes
Solms.) được thu thập tại Thái Nguyên.
Phương pháp nghiên cứu
Xác định tên khoa học theo phương pháp hình
thái so sánh, đối chiếu với khóa phân loại và
mô tả loài theo Phạm Hoàng Hộ (2003) [2],
Nguyễn Tiến Bân và cộng sự (2003, 2005)
[1]. Nghiên cứu cấu tạo giải phẫu hiển vi rễ,
thân, lá theo phương pháp của Hoàng Thị Sản,
Nguyễn Phương Nga (2008) [6], quan sát và
chụp ảnh tiêu bản trên kính hiển vi quang học
kết nối với phần mềm Microscope Manager.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Đặc điểm hình thái
Cây rau Rút (Neptunia oleracea Lour.)
Rau Rút được trồng ở các ao, hồ, làm rau ăn,
rau có mùi thơm đặc trưng. Rau Rút là loài
cây thân thảo xốp sống dưới nước, mọc lan
trên mặt nước. Thân thường mềm, xốp, rỗng
ruột, cọng non được bao bọc bởi một lớp
phao trắng xốp. Lá kép lông chim hai lần,
Nguyễn Thị Thu Hà và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 180(04): 105 - 110
106
phiến lá chét nhỏ 2 x 5 mm và mọc đối. Rễ
chùm, có rễ gốc bám vào đất, rễ đốt mọc
thành chùm từ đốt thân phát triển ở trong
nước. Hoa tập hợp thành cụm hoa hình đầu,
màu vàng, quả có 6 hạt dẹt, nhẵn.
Rau Dừa nước (Ludwidgia adscendens L.)
Rau Dừa nước thường sinh sống tự nhiên ở
các ao, hồ và đầm lầy. Thân có tiết diện tròn,
phân cành nhiều, cành nằm được mọc ra từ
các kẽ lá, về sau các cành hơi đứng. Lá đơn
nguyên, hầu hết đều mọc cách, phiến lá hình
xoan ngược, mép lá thẳng, gân lông chim,
cuống lá thường dài bằng một nửa phiến lá.
Có hai loại lá, lá chìm trong nước có màu đỏ
tím, lá nổi trên mặt nước có màu xanh. Cây
sống ở nước có rễ phát triển từ các mấu thân
và tạo thành các chùm phao chứa khí giúp cây
ngập trong nước nhưng vẫn đảm bảo chức
năng sinh lý bình thường và giúp ngọn cây
hướng lên khỏi mặt nước. Rau Dừa nước có
hoa to màu trắng, lá đài hình tam giác, tràng
hoa rời, quả hình trụ, hạt nhỏ và nhiều.
Cây Bèo tây (Eichhornia crassipes Solms)
Bèo tây là loài dễ sống, có thể ở ao, hồ, kênh
mương hay nơi đất ẩm. Cây Bèo tây mọc cao
khoảng 30 cm hay hơn, cây thân thảo với
phiến lá dạng hơi tròn, màu xanh lục, láng và
mặt nhẵn. Cuống lá phồng lên thành phao
trông giống như chiếc lọ lục bình giúp cây nổi
trên mặt nước. Lá mọc hình hoa thị, gân lá
hình cung dài, hẹp. Hoa không đều, mọc thành
chùm ở ngọn, màu tím nhạt, đài và tràng cùng
màu, dính liền với nhau ở gốc. Cánh hoa trên
có một đốm màu vàng, 6 nhị, quả nang. Rễ
Bèo tây màu đen buông rủ trong nước.
Từ đặc điểm hình thái của các loài cây rau
Rút, rau Dừa nước, Bèo tây, cho thấy cả ba
loài đều có những đặc điểm phù hợp thích
nghi với môi trường sống nổi trên mặt nước
như cây thân thảo, thường xốp, nhẹ, thân có
sự biến đổi tạo thành các phao trắng bao
quanh phía ngoài thân (rau Rút), hoặc ở các
đốt phần thân bị ngập nước có các chùm phao
xốp (rau Dừa nước) hay có cuống lá phình to,
xốp tựa như phao (Bèo tây).
Đặc điểm cấu tạo giải phẫu
Cây rau Rút (Neptunia oleracea Lour.)
Cấu tạo giải phẫu thân
Cấu tạo sơ cấp thân cây rau Rút gồm các phần
như sau (Hình 1):
Hình 1. Cấu tạo sơ cấp thân rau Rút
Ngoài cùng là một lớp tế bào biểu bì hình chữ
nhật, kích thước đồng đều xếp sít nhau, có
chức năng bảo vệ. Dưới biểu bì là hệ thống
mô dày rất phát triển, chủ yếu là mô dày góc
và mô dày xốp, gồm 15 - 16 lớp tế bào có
vách dày bằng xenluloz đảm nhiệm chức
năng cơ học. Mô cứng gồm 6 - 7 lớp tế bào
rất khác nhau về hình dạng và tính chất, các tế
bào này sắp xếp chủ yếu ở phía ngoài các bó
dẫn, thực hiện vai trò cơ học đảm bảo cấu trúc
vững chắc của cây. Hệ dẫn ở thân cây là các
bó dẫn kiểu chồng chất hở xếp thành vòng
trong thân thực hiện chức năng dẫn truyền.
Libe sơ cấp gồm nhiều lớp tế bào sống, có
hình đa giác, kích thước nhỏ, sắp xếp sít
nhau. Giữa gỗ và libe là tầng trước phát sinh
gồm các tế bào sống có hình dẹt, màng mỏng.
Gỗ sơ cấp gồm 5 - 7 lớp tế bào, phân hóa theo
hướng li tâm. Phần chiếm diện tích chủ yếu
trong thân là hệ thống mô mềm, gồm 20 - 25
lớp tế bào, các tế bào có hình hơi tròn, kích
thước khá đồng đều, màng mỏng bằng
xenluloz, sắp xếp thưa nhau để chừa ra nhiều
khoảng gian bào lớn chứa khí. Chính những
khoảng trống này giúp thân cây rau Rút nhẹ,
xốp và nổi trên mặt nước.
Cấu tạo giải phẫu cuống lá
Phía ngoài của cuống lá cây rau Rút là một
lớp tế bào biểu bì hình chữ nhật, xếp xít nhau
Nguyễn Thị Thu Hà và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 180(04): 105 - 110
107
làm nhiệm vụ bảo vệ. Tiếp theo là mô dày với
chức năng cơ học gồm 2- 3 lớp tế bào sống,
có màng sơ cấp dày bằng xenluloz, sắp xếp sít
nhau. Mô mềm rất phát triển chiếm phần lớn
diện tích của cuống lá gồm nhiều lớp tế bào,
các tế bào hình tròn cạnh xếp thưa để chừa ra
những khoang trống lớn chứa khí. Mô cứng
gồm 5 - 7 lớp tế bào có hình đa giác và kích
thước không đồng đều, các tế bào có màng
dày hóa gỗ và sắp xếp theo hình vòng cung
bao quanh bên ngoài bó dẫn để nâng đỡ phiến
lá. Các bó dẫn nằm trong khối mô mềm
thường xếp thành hình cung, mặt lõm của
cung quay vào phía trong, bó lớn nhất nằm
trên mặt phẳng đối xứng, các bó khác nhỏ
hơn nằm đối xứng ở hai bên. Cấu tạo một bó
dẫn gồm libe sơ cấp có 8 - 9 lớp tế bào sống,
màng mỏng, hình đa giác nhỏ, kích thước
không giống nhau, xếp sít nhau. Gỗ sơ cấp
nằm phía trong libe sơ cấp, có 10 - 12 lớp tế
bào với hình dạng và kích thước không đồng
đều (Hình 2).
Hình 2. Cấu tạo cuống lá cây rau Rút
Rau Dừa nước (Ludwidgia adscendens L.)
Cấu tạo giải phẫu thân cây
Cấu tạo sơ cấp thân rau Dừa nước từ ngoài
vào trong bao gồm các phần như sau: biểu bì
có một lớp tế bào sống không chứa diệp lục,
tế bào dạng hình phiến xếp sít nhau, thường
có vách ngoài dày hơn vách trong làm nhiệm
vụ bảo vệ. Mô dày nằm dưới biểu bì, chủ yếu
là mô dày góc gồm 1 - 2 lớp tế bào sống, các
tế bào mô dày có hình đa giác, kích thước
không đều nhau, có vách dày bằng xenluloz,
đảm nhận chức năng cơ học. Mô mềm vỏ
nằm ở phía trong mô dày, gồm 14 - 16 lớp tế
bào, mỗi tế bào có hình hơi tròn sắp xếp
không sít nhau để chừa ra các khoảng trống
lớn chứa khí. Vách tế bào mỏng, kích thước
không đồng đều. Các tế bào mô mềm vỏ ở
phía ngoài có lục lạp nên thân non có màu
lục, đảm nhiệm chức năng quang hợp. Vỏ
trong có cấu tạo từ 1-2 lớp tế bào, kích thước
các tế bào khá đồng đều, xếp sít nhau, nhỏ
hơn các tế bào mô mềm và hơi kéo dài theo
hướng tiếp tuyến. Vỏ trụ là miền ngoài cùng
của phần trụ nằm phía trong lớp nội bì gồm
các tế bào sống, hình chữ nhật nhỏ, có màng
mỏng. Hệ dẫn của thân có kiểu bó chồng chất
với libe nằm ngoài, gỗ nằm trong. Libe sơ cấp
gồm những tế bào sống có hình đa giác nhỏ,
xếp sít nhau, phân hóa hướng tâm. Gỗ sơ cấp
gồm 5 - 6 lớp tế bào, các mạch gỗ có vách
dày hóa gỗ, cứng. Phần mô mềm ruột gồm
các tế bào màng mỏng bằng xenluloz, hình
hơi tròn, kích thước tăng dần từ ngoài vào
trong, mô mềm chứa nhiều chất dự trữ cho
cây (Hình 3).
Hình 3. Cấu tạo sơ cấp thân rau Dừa nước
Cấu tạo giải phẫu lá cây
Bên ngoài lá có biểu bì trên (mặt trên lá) và
biểu bì dưới (mặt dưới lá) gồm các tế bào
hình chữ nhật, xếp sít nhau làm nhiệm vụ bảo
vệ. Biểu bì mặt dưới lá có nhiều lỗ khí giúp lá
thực hiện việc trao đổi khí giữa cây và môi
trường. Giữa hai lớp biểu bì trên và biểu bì
dưới là phần thịt lá gồm có mô giậu, mô xốp.
Mô giậu gồm 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật
dài, xếp vuông góc với lớp biểu bì, tế bào mô
giậu có rất nhiều diệp lục đảm nhiệm chức
năng quang hợp. Mô xốp nằm tiếp giáp với
Nguyễn Thị Thu Hà và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 180(04): 105 - 110
108
lớp biểu bì dưới, gồm những tế bào tròn cạnh,
kích thước không đều, sắp xếp rời rạc tạo ra
những khoang trống là nơi dự trữ khí giúp
cho quá trình trao đổi khí tiến hành thuận lợi.
Hệ dẫn gồm các bó dẫn kiểu bó chồng chất
đảm nhiệm chức năng dẫn truyền. Libe sơ cấp
gồm 2 - 3 lớp tế bào hình đa giác nhỏ. Gỗ sơ
cấp nằm phía trong gồm 5 - 6 lớp tế bào hình
tròn cạnh. Phần gân lá gồm: Mô dày nằm sát
dưới biểu bì, gồm 2 lớp tế bào có màng dày
bằng xenluloz đảm nhận chức năng cơ học.
Tiếp đến là mô mềm gồm 15-17 lớp tế bào có
hình đa giác hơi tròn xếp rời rạc để lại nhiều
khoang trống lớn chứa khí. Bó dẫn xếp thành
dải hình vòng cung theo gân lá, thuộc bó
chồng chất, đảm nhiệm chức năng dẫn truyền.
(Hình 4).
Hình 4. Cấu tạo lá rau Dừa nước
Cấu tạo giải phẫu rễ cây
Cấu tạo sơ cấp của rễ gồm các phần như sau
(Hình 5).
Hình 5. Cấu tạo sơ cấp rễ rau Dừa nước
Bên ngoài là biểu bì có một lớp tế bào có hình
chữ nhật, màng mỏng, xếp sít nhau làm nhiệm
vụ bảo vệ. Phần vỏ sơ cấp có vỏ ngoài nằm
ngay dưới biểu bì gồm một lớp tế bào có
nhiều cạnh, hơi kéo dài, màng mỏng và xếp
sít nhau. Mô mềm vỏ gồm 13 - 14 lớp tế bào,
các tế bào có màng mỏng bằng xenluloz xếp
thưa nhau, để hở nhiều khoảng gian bào nhỏ
chứa khí. Vỏ trong có một lớp tế bào nằm
phía trong cùng của vỏ sơ cấp, có đai caspari
tại các vách xuyên tâm nên việc dẫn truyền
nước và chất dinh dưỡng được thực hiện theo
một chiều nhất định. Phần trụ giữa có vỏ trụ
nằm ngay sát vỏ trong, gồm một lớp tế bào
sống có màng mỏng. Hệ dẫn gồm các bó gỗ
và bó libe riêng biệt, xếp xen kẽ nhau dưới vỏ
trụ và vòng quanh trụ giữa. Libe sơ cấp phân
hóa hướng tâm, gồm các tế bào hình đa giác.
Gỗ sơ cấp cũng phân hóa hướng tâm, gồm 2 -
3 lớp tế bào có hình hơi tròn. Phần trong cùng
là mô mềm ruột gồm các tế bào có màng
mỏng bằng xenluloz, kích thước tăng dần từ
ngoài vào trong có chức năng dự trữ.
Cây Bèo tây (Eichhornia crassipes Solms)
Cấu tạo giải phẫu cuống lá
Bèo tây là cây một lá mầm, có cuống lá phình
to, phía ngoài là biểu bì gồm 1-2 lớp tế bào
hình chữ nhật xếp sít nhau có kích thước khá
đồng đều và thực hiện chức năng bảo vệ. Mô
mềm gồm các tế bào có hình tròn cạnh, kích
thước tăng dần từ ngoài vào trong. Các tế bào
mô mềm này sắp xếp thưa nhau tạo thành các
khoang trống lớn chứa khí. Chính nhờ khoảng
gian bào này làm cho cuống lá phình to chứa
khí như chiếc phao giúp cây nổi trên mặt
nước. Giữa các tế bào mô mềm là các tinh thể
canxi oxalate hình kim. Số lượng các bó dẫn
nhiều, nằm rải rác khắp cuống lá, bó dẫn kiểu
chồng chất kín (libe ở phía ngoài, gỗ nằm
phía trong). Trong cuống lá các bó dẫn nhỏ
nằm phía ngoài, bó dẫn lớn hơn nằm phía
trong (Hình 6).
Hình 6. Cấu tạo cuống lá Bèo tây
Nguyễn Thị Thu Hà và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 180(04): 105 - 110
109
Cấu tạo giải phẫu phiến lá
Phiến lá được bao bọc bởi hai lớp biểu bì,
biểu bì trên và biểu bì dưới đều có một lớp tế
bào hình chữ nhật có vách dày xếp sít nhau
làm nhiệm vụ bảo vệ. Lỗ khí có cả ở biểu bì
trên và biểu bì dưới của lá giữ vai trò trao đổi
khí cho cây. Cấu tạo lá Bèo tây có sự phân
hóa thành mô giậu và mô xốp. Mô giậu có 2 -
3 lớp tế bào, hình dạng tế bào dài, xếp vuông
góc với biểu bì. Tế bào mô giậu có màng
mỏng chứa nhiều diệp lục, xếp khá sít nhau
để chừa ra các khoảng gian bào nhỏ cho
không khí đi qua. Mô xốp gồm 10 - 12 lớp tế
bào, hình dạng tế bào đồng đều (tròn hay bầu
dục), xếp không sát nhau để chừa ra những
khoảng gian bào lớn chứa khí, các tế bào mô
xốp có ít diệp lục hơn ở tế bào mô giậu. Số
lượng các bó dẫn ở lá thường nhiều (Hình 7).
Hình 7. Cấu tạo phiến lá Bèo tây
Cấu tạo giải phẫu rễ
Ở bên ngoài rễ Bèo tây là biểu bì có một lớp
tế bào kích thước đồng đều, màng hóa bần
xếp sít nhau làm nhiệm vụ bảo vệ. Dưới biểu
bì là lớp vỏ ngoài gồm 3 - 4 lớp tế bào có
hình đa giác không đều, màng mỏng và xếp
sít nhau. Tiếp theo là 10 - 12 lớp tế bào mô
mềm vỏ có kích thước không đồng đều, các tế
bào mô mềm nằm phía ngoài lớn hơn và xếp
không sít nhau để lại những khoảng gian bào
lớn chứa khí. Ở phía trong mô mềm vỏ với
các tế bào nhỏ hơn hình tròn cạnh, gồm 3 - 4
lớp tế bào xếp thành các vòng đồng tâm. Vỏ
trong chỉ có một lớp tế bào và thường có đai
caspari hình chữ U. Nhờ có đai này mà các
chất được lông hút hút vào qua phần mô mềm
vỏ chỉ được tiếp tục dẫn vào theo một chiều
nhất định. Phần trụ giữa gồm vỏ trụ có một lớp
tế bào có màng mỏng nằm sát với lớp vỏ
trong. Hệ dẫn với các bó gỗ, bó libe riêng rẽ
nhau và xếp xen kẽ nhau, bó gỗ phân hóa
hướng tâm. Bó libe gồm các tế bào hình đa
giác nhỏ, chiếm tỷ lệ nhỏ nằm xen kẽ với các
bó gỗ. Phần ruột cấu tạo bởi các tế bào mô
mềm hình tròn cạnh, xếp không sít nhau để
hở những khoảng gian bào nhỏ chứa chất dự
trữ (Hình 8).
Hình 8. Cấu tạo rễ Bèo tây
KẾT LUẬN
Đặc điểm hình thái và cấu tạo giải phẫu cơ
quan sinh dưỡng (rễ, thân, lá, cuống lá) của
ba loài thực vật thủy sinh là cây rau Rút, rau
Dừa nước và cây Bèo tây đã thể hiện sự thích
nghi cao với môi trường sống ở nước. Các cơ
quan, bộ phận của cây thường xốp hoặc biến
đổi trở thành những phao chứa nhiều không
khí, giúp cây nhẹ và sống nổi trên mặt nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Tiến Bân và cộng sự (2003-2005),
Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập 2-3, Nxb
Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Phạm Hoàng Hộ (2003), Cây cỏ Việt Nam, Nxb
Trẻ Tp. Hồ Chí Minh.
3. Võ Thị Mai Hương, Trần Thanh Tùng (2008),
“Nghiên cứu chỉ tiêu sinh lý-hóa sinh và khả năng
xử lý nước thải lò mổ của rau Dừa nước
(Ludwidgia adscendens L.)”, Tạp chí Khoa học,
Đại học Huế, số 48, tr. 75-84.
4. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc
Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
5. Vũ Thị Nguyệt, Trần Văn Tựa, Nguyễn Trung
Kiên, Đặng Đình Kim (2014), “Nghiên cứu sử dụng
Bèo tây Eichhornia crassipes Solms để xử lý nitơ và
phôtpho trong nước thải chăn nuôi lợn sau công nghệ
biogas”, Tạp chí Sinh học, 37(1), tr. 53-59.
Nguyễn Thị Thu Hà và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 180(04): 105 - 110
110
6. Hoàng Thị Sản, Nguyễn Phương Nga (2008),
Thực tập hình thái - giải phẫu học thực vật, Nxb
Đại học Sư phạm, Hà Nội.
7. El Zawahry M. M., Kamel M. M. (2004),
“Removal of azo and anthraquinone dyes from
aqueous solutions by Eichhornia crassipes”,
Water Research, 38, pp. 2967-2972.
SUMMARY
STUDY OF MORPHOLOGICAL AND ANATOMICAL CHARACTERISTICS
OF SOME AQUATIC PLANTS
Nguyen Thi Thu Ha, Nguyen Thi Luyen,
Cao Thi Phuong Thao, Le Phuong Dung
*
TNU – University of Education
Several aquatic plants species such as Neptunia oleracea, Ludwidgia adscendens and Eichhornia
crassipes are common species in ponds and lakes. They can be used for different purposes such as
medicine, food as well as cleaning the contaminated water environment. Accordingly, many
scientists have chosen them as subjects in recent studies. In this paper, we present the research
results on morphological and anatomical characteristics of the above three aquatic plants in order
to see how they adapt to the ponds and lakes water environment. The study findings have
described the morphological and anatomical characteristics of Neptunia oleracea, Ludwidgia
adscendens and Eichhornia crassipes adapted to their living in ponds and lakes water environment
to provide data for study and research.
Keywords: Neptunia oleracea, Ludwidgia adscendens, Eichhornia crassipes, roots, stems
Ngày nhận bài: 12/3/2018; Ngày phản biện: 22/3/2018; Ngày duyệt đăng: 27/4/2018
*
Tel: 0971 338385, Email: lephuongdung@dhsptn.edu.vn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 567_658_1_pb_5797_2128375.pdf