Tài liệu Nghiên cứu ca dao quảng nam từ góc độ cấu trúc văn bản - Bùi Thị Lân: 82
NGHIÊN CỨU CA DAO QUẢNG NAM
TỪ GÓC ĐỘ CẤU TRÚC VĂN BẢN
Bùi Thị Lân1
Tóm tắt: Mỗi bài ca là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất giữa cấu trúc hình
thức và cấu trúc ngữ nghĩa. Hai mặt này có quan hệ biện chứng với nhau. Bài viết thử
nghiên cứu ca dao từ góc độ cấu trúc, phân tích mối quan hệ biện chứng giữa cấu trúc
hình thức và cấu trúc nghĩa trong một bài ca dao cụ thể của địa phương Quảng Nam.
Từ khóa: Cấu trúc văn bản, ca dao
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, việc tiếp cận các đặc trưng hình thức - ngữ nghĩa của các thể loại thơ
ca nói chung và thơ ca dân gian nói riêng từ góc độ ngôn ngữ học là hướng nghiên cứu
được nhiều người quan tâm. Với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của lí thuyết phân tích
diễn ngôn, phân tích hội thoại, ngữ dụng học các đặc trưng cấu trúc hình thức, ngữ
nghĩa của văn bản (trong đó có thơ ca) càng thu hút sự chú ý đặc biệt của giới chuyên
môn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn thử vận dụng lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại
để xem xét các yếu ...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 578 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu ca dao quảng nam từ góc độ cấu trúc văn bản - Bùi Thị Lân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
82
NGHIÊN CỨU CA DAO QUẢNG NAM
TỪ GÓC ĐỘ CẤU TRÚC VĂN BẢN
Bùi Thị Lân1
Tóm tắt: Mỗi bài ca là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất giữa cấu trúc hình
thức và cấu trúc ngữ nghĩa. Hai mặt này có quan hệ biện chứng với nhau. Bài viết thử
nghiên cứu ca dao từ góc độ cấu trúc, phân tích mối quan hệ biện chứng giữa cấu trúc
hình thức và cấu trúc nghĩa trong một bài ca dao cụ thể của địa phương Quảng Nam.
Từ khóa: Cấu trúc văn bản, ca dao
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, việc tiếp cận các đặc trưng hình thức - ngữ nghĩa của các thể loại thơ
ca nói chung và thơ ca dân gian nói riêng từ góc độ ngôn ngữ học là hướng nghiên cứu
được nhiều người quan tâm. Với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của lí thuyết phân tích
diễn ngôn, phân tích hội thoại, ngữ dụng học các đặc trưng cấu trúc hình thức, ngữ
nghĩa của văn bản (trong đó có thơ ca) càng thu hút sự chú ý đặc biệt của giới chuyên
môn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn thử vận dụng lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại
để xem xét các yếu tố hình thức, các yếu tố nghĩa cũng như mối quan hệ giữa hình thức
và ngữ nghĩa của bài ca dao nổi tiếng xứ Quảng:
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Coi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta!
[2; 255]
Đây là bài ca dao được xếp vào loại những bài ca hay nhất của ca dao Quảng
Nam. Cái hay không chỉ ở tình đất tình người mênh mang, thấm đẫm mà còn nằm ngay
ở cấu trúc bài ca. Cấu trúc bài ca dao không thể lẫn lộn với bất cứ một bài ca dao của
địa phương nào. Bởi ở đó đã có sự hòa quyện chặt chẽ giữa hai mặt hình thức và nội
dung ý nghĩa.
2. Cấu trúc của bài ca dao “Đất Quảng Nam”
2.1. Cấu trúc hình thức của bài ca dao
Đây là bài ca dao được sáng tác theo thể song thất lục bát biến thể (biến thể ở hai
1. TS, Khoa Tiểu học-Mầm non, trường Đại học Quảng Nam
83
BÙI THỊ LÂN
câu lục bát). Vần, nhịp, thanh điệu của bài ca đều rất chuẩn, nhất là hai câu đầu của bài
ca dao: âm tiết thứ bảy trong câu thất trắc vần với âm tiết thứ năm trong câu thất bằng
theo đúng luật, các âm tiết này hiệp vần chính và thuộc loại vần nửa khép:
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.
Hai câu lục bát biến thể về số tiếng (câu bát có 9 tiếng) nên vần nhịp đã có sự
thay đổi so với nguyên thể: âm tiết thứ sáu của câu lục vần với âm tiết thứ bảy của câu
bát biến thể:
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Coi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta!
Về từ ngữ, các từ ngữ địa phương được lựa chọn phân bố với một tỉ lệ vừa phải đã
làm nổi bật tính địa phương của bài ca dao. Vừa đọc, người đọc đã biết ngay đó là ca
dao của địa phương nào. Bởi mỗi câu đều chứa đựng một từ địa phương nơi đây. Mở
đầu bài ca, người đọc đã bắt gặp địa danh Quảng Nam. Địa danh này ngày trước được
tính từ Nam đèo Hải Vân (bao gồm cả Đà Nẵng hiện nay) cho đến Quảng Ngãi như ca
dao xưa có câu:
Quảng Nam là xứ tỉnh ta
Trong là Quảng Ngãi, ngoài là Thừa Thiên.
[1: 143]
Kế đến là từ ngữ chỉ đặc sản của quê hương đất Quảng: rượu Hồng Đào - một
loại rượu không có ở vùng đất nào khác và ở câu cuối cùng là đại từ nghi vấn “mô”
nằm trong tốp từ địa phưong mô, tê, răng, rứa có từ toàn dân tương ứng là đâu, kia,
sao, vậy Đặc biệt các từ ơn trượng, nghĩa dày là các từ “đặc sệt” Quảng Nam như
một lời tâm sự, phân bua, tỉ tê làm nao lòng người. Sự có mặt của các từ ngữ này đã
làm cho tính địa phương của bài ca dao thêm đậm nét. Cần lưu ý, hai câu đầu tác giả
dân gian dùng đà chứ không phải đã. Theo Từ điển tiếng Việt, đà cũng có nghĩa tương
tự như đã, là biến âm của đã. Nhưng ở đây đà không chỉ có ý nghĩa chỉ quá khứ đã qua
mà bao hàm cả ý niệm về thời gian vừa, mới, hay cả ba ngữ nghĩa: đã, đang và sẽ. Sức
mạnh truyền cảm của bài ca dao được lan tỏa nhờ từ đà. Và sự khác nhau cơ bản của
việc dùng đà so với đã là ở chỗ đà có sắc thái nhanh hơn, mau lẹ hơn và tất nhiên là
sâu đậm hơn, “trượng” hơn, “dày” hơn. Từ này diễn tả chính xác hơn tính cách nhạy
bén của con người xứ Quảng. Đến đây, bài ca làm người đọc liên tưởng đến hai câu ca
dao sau của vùng đất này:
Thương nhau hột luỵ nhỏ sa
Trong lòng tơ tưởng gan đà bầm gan.
[1: 189].
84
NGHIÊN CỨU CA DAo QUẢNG NAM TỪ GóC ĐỘ CẤU TRÚC VăN BẢN
Nếu thay từ đà bằng từ đã thì ắt hẳn lời ca sẽ khô cứng hơn và sức lan tỏa cũng
kém hơn nhiều.
Bài ca này có cấu trúc một lượt lời, chỉ có lời trao, không có lời đáp. Lời đáp là
để người nghe tự suy ngẫm, tự trả lời mỗi khi đọc lại, nghe lại. Kết cấu: chưa đà
đã thể hiện sự mau lẹ, nhanh trí trong suy nghĩ, và đó cũng là sự tự tin, tự hào của con
người xứ Quảng.
Về nghệ thuật tu từ, biện pháp khoa trương, phóng đại đã được tác giả dân gian
khai thác sử dụng triệt để càng làm tăng tính chất khác thường của mảnh đất và con
người nơi đây: đất chưa mưa đà thấm; rượu chưa nhấm đà say. Thực ra đây chính là
cách nói quá sự thật của người xưa. Quảng Nam là tỉnh duyên hải miền Trung có bờ
biển dài gần 170 km, đất cát là loại đất chủ yếu của khu vực ven biển. Những bãi cát
trắng, trong suốt như pha lê trải dài từ bãi biển Mỹ Khê của thành phố Đà Nẵng đến sân
bay Chu Lai huyện Núi Thành. Loại đất cát có độ thấm nước rất nhanh, tưởng chừng
như đất rất “khát nước”, rất thèm nước nên dân gian đã nói quá một cách rất hình ảnh:
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” là vậy. Biện pháp nghệ thuật này cũng được sử
dụng khi giới thiệu về rượu Hồng Đào như một niềm tự hào của quê hương đất Quảng
(chưa nhấm đà say).
Về mạch lạc, liên kết, bài ca dao có tất cả 14 dị bản đã được sưu tầm và giới thiệu.
Các dị bản đều khác nhau chỉ ở hai câu cuối. Hai câu đầu của bài ca có tính ổn định,
bền vững, chặt chẽ. Có thể xem đây là hai câu “bản lề” để các tác giả dân gian tự do
sáng tác. Hai câu cuối bài ca, ở những dị bản khác nhau, có khác nhau ít nhiều, xin dẫn
một số câu tiêu biểu:
“Thương nhau chưa đặng mấy ngày y
Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi!”
“Hai đứa ta ơn trượng nghĩa dày y
Chưa nên câu duyên nợ đã mấy trăm ngàn ngày nhớ thương”
“Bạn về đừng ngủ gác tay y
Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo”
“Kể từ ngày đó xa đây y
Sầu đêm quên ngủ, sầu ngày quên ăn”.
[2: 255-256]
Mặc dù bài ca dao có nhiều dị bản khác nhau ở hai câu cuối nhưng toàn bài ca
vẫn có sự thống nhất toàn vẹn của một chỉnh thể nghệ thuật. Đó là nhờ mạng lưới liên
kết chặt chẽ trong bài ca dao. Trước hết, đó là việc sử dụng các từ ngữ cùng trường
nghĩa: đất, mưa, thấm; rượu, nhấm, say; bạn, ta; Quảng Nam, Hồng Đào... kế đến là
việc lặp lại cấu trúc chưa đà ở hai câu đầu bài ca dao. Chúng vừa được liên kết chặt
85
BÙI THỊ LÂN
chẽ bằng các phương tiện liên kết hình thức vừa có sự liên kết ở phương diện nội dung.
Câu thứ nhất nói về đất - mưa, câu thứ hai là rượu – say. “mưa”, “rượu” là hai đề tài
vốn dễ đi vào thơ ca làm say lòng người và dễ níu chân người lữ khách. Hai câu đầu
bài ca dao là hai vế đối chặt chẽ, hoàn hảo. Chính nghệ thuật đối này đã làm nên tính
liên kết, mạch lạc cho bài ca dao. ở đây, có thể hai từ mưa - rượu còn nói lên sự tương
quan cấu trúc và nguyên lí sắp đặt vận hành: mưa là ơn mưa móc cội nguồn; rượu tượng
trưng cho sự lễ nghĩa (vô tửu bất thành lễ). Có thể thấy nước mưa và rượu đều được
hình thành từ sự bay hơi nước và kết tụ, ngưng đọng. Chính vì vậy, hai câu thơ cũng
phản ánh sự kết tinh tinh khiết “khí thiêng sông nước” của xứ sở “địa linh nhân kiệt”.
Nhưng hai hình ảnh mưa - rượu ấy cũng chỉ là cái cớ để nói đến tình người sâu nặng
ở hai câu sau:
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Coi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta!
Nếu như hai câu đầu được liên kết chặt chẽ trước hết là nhờ các phương tiện
liên kết hình thức thì hai câu sau được liên kết chặt chẽ với nhau và với hai câu đầu ở
phương diện nội dung. Hai câu thất bài ca đã thể hiện niềm tự hào sâu sắc về quê hương
đất Quảng và niềm tự hào ấy còn tăng lên gấp bội khi nói về con người nơi đây. Đó là
lời nhắn, lời khẳng định những điều đã nói ở hai câu đầu. Lời đề nghị: nằm ngủ gác
tay thể hiện lời khuyên chân thành về cách suy nghĩ nghiêm túc, có sự đắn đo kĩ lưỡng
trước khi đi đến kết luận “nơi mô ơn trượng nghĩa dày”. Chính sự đắn đo, cân nhắc,
thắc mắc ấy là điều kiện để khẳng định điều mấu chốt ở câu cuối cùng:
Coi nơi mô ơn trượng nghĩa dày cho bằng ta!
Đây là một cấu trúc so sánh, có hình thức là một câu hỏi nhưng thực chất đó là lời
khẳng định. Khẳng định về sự thủy chung, son sắt trong cách đối nhân xử thế, về sự ăn
ở đầy nghĩa tình của con người. Hai câu cuối bài ca làm thành một vế đối rất chuẩn với
hai câu đầu. Tính chất đối ở đây không nằm ở hình thức câu chữ mà ở mặt nội dung,
ý nghĩa. Nếu hai câu đầu cho thấy sự cằn cỗi, khắc nghiệt, nghèo nàn vì không được
thiên nhiên ưu đãi của mảnh đất này như một nghịch lí chưa từng có ở bất cứ nơi nào
thì hai câu cuối lại là sự giàu có về tình cảm của con người nơi đây. Người dân nơi đây
tuy nghèo về vật chất nhưng rất giàu lòng mến khách, giàu ân tình. Liên kết chủ đề theo
kiểu phát triển chủ đề đã được tác giả dân gian vận dụng một cách hiệu quả. Chính “ơn
trượng nghĩa dày” đã kết nối con người lại với nhau để vượt qua những khó khăn, khắc
nghiệt của cuộc sống, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. Và chính tình người,
lòng hiếu khách mới là lý do níu giữ bước chân người, mới tạo tình cảm đặc biệt giữa
bạn và ta chứ không hẳn chỉ vì đất và rượu. Như vậy, sự liên kết nội dung của bài ca
dao này đã thể hiện bằng những phương thức và phương tiện liên kết hình thức cụ thể;
sự liên kết hình thức ấy chính là để diễn đạt nội dung, ý nghĩa của bài ca dao. Vì lẽ đó,
bài ca vừa là lời giới thiệu vừa là lời mời gọi chân thành, thắm thiết.
86
NGHIÊN CỨU CA DAo QUẢNG NAM TỪ GóC ĐỘ CẤU TRÚC VăN BẢN
2.2. Cấu trúc nghĩa của bài ca dao
Cấu trúc nghĩa chủ đề và nghĩa liên nhân của bài ca dao hòa quyện vào nhau.
Nghĩa chủ đề là niềm tự hào về quê hương đất Quảng, là tình đất tình người mênh
mang, thấm đượm. Nghĩa liên nhân của bài ca dao được thể hiện thông qua các từ xưng
hô biểu thị vai giao tiếp. Cặp từ xưng hô: bạn – ta tạo sự thân tình, dễ gần nhưng cũng
hàm chứa một khoảng cách nhất định. Bạn là người quen, người thân, là vợ, là chồng,
cũng có thể là người mới gặp. Đại từ ta ở cuối bài ca dao cũng hàm chứa nhiều tâm sự:
ta có thể là ta, là mình, là em, là tôi, là người dân đất Quảng, là cả đất trời Quảng Nam
yêu dấu. Trong cặp xưng hô bạn – ta này, ta vừa là chủ ngôn vừa là thuyết ngôn còn
bạn chính là tiếp ngôn và cũng là đích ngôn. Với cách gọi thân mật “bạn” đã làm cho
người nghe hiểu thêm rằng người dân đất Quảng rất có tình người trong mọi quan hệ,
mọi hoàn cảnh, kể cả hoàn cảnh “dỗi hờn”, hoàn cảnh “có vấn đề”. Liên hệ hình ảnh có
tính chất nhân xưng ở đầu bài: đất Quảng Nam với đại từ ta ở cuối bài có thể thấy có sự
thay thế, liên tưởng đồng nghĩa của tác giả dân gian. Do vậy, bài ca không còn là tâm
sự, là nỗi lòng của riêng ta nữa mà đó là tấm chân tình của người dân xứ Quảng đang
giới thiệu, ngợi ca, tự hào mời gọi bạn bè về với quê hương Quảng Nam yêu thương,
giàu lòng mến khách. Lời mời gọi như thôi thúc người về để khám phá, thưởng thức nét
đẹp của đất và người nơi đây, bởi dù sao nơi đây vẫn còn chứa đựng ít nhiều bất ngờ
với lữ khách như lời giới thiệu của bài ca dao sau:
Đàn Châu Tuấn ít ai biết gảy
Sáo Tam Kỳ ít kẻ biết nghe.
[2: 274]
Nghĩa bề mặt của bài ca dao là nói về đất, về rượu nhưng hàm ý của bài ca là
thể hiện tình người. Để nói về tình đất, tình người giản dị nhưng bao la, sâu nặng ấy,
tác giả dân gian cũng đã xây dựng cách thức nói năng dễ đi vào lòng người nhất. Hai
câu đầu là lối nói hàm ẩn, mượn các hình ảnh đất và rượu để nói về con người. Trong
giao tiếp, lảng tránh, dùng lối nói gián tiếp là cách thức thể hiện lịch sự âm tính (mặc
dù đây không phải là lối nói phổ biến của người Quảng). Bằng cách nói này, sự khẳng
định chủ quan về tấm lòng nhân nghĩa, “ơn trượng, nghĩa dày” của người nói đã không
còn nữa mà nhường chỗ cho sự nhìn nhận, đánh giá từ phía người nghe. Nói cách khác,
cách nói gián tiếp này đã giảm thiểu được sự áp đặt cho người nghe: “không nơi mô ơn
trượng nghĩa dày bằng nơi đây” là do người nghe tự suy ngẫm hay tự cảm nhận được
sau khi được tiếp xúc với con người của vùng đất này. Hình ảnh đất - chưa mưa đà
thấm; rượu - chưa nhấm đà say cũng giống như tính cách nhạy bén của con người nơi
đây: dám nghĩ, dám làm, dám chịu và nhờ đó ở vùng đất này đã từng xuất hiện những
người như Thủ Thiệm mưa trí quật ngã bọn cường hào gian ác, xảo trá. Từ cuộc đời
cơ cực nơi vùng đất vốn không được thiên nhiên ưu đãi, người Quảng Nam đã thấm
87
BÙI THỊ LÂN
thía nỗi cơ hàn, dũng mạnh, kiên cường trong đấu tranh, say sưa, cần cù, kiên nhẫn
trong học tập để có những bậc tài năng, những “thám hoa”, “bảng nhãn”, “ngũ phụng
tề phi”.
Điều đó đã làm tăng thêm vẻ đẹp và sự tự hào của người dân nơi vùng đất nghèo
khó, khắc nghiệt nhưng giàu nghĩa tình này. Việc sử dụng chữ “trượng” ở câu cuối
cùng của bài ca dao đã gây ấn tượng mạnh đối với người nghe. “Trượng” bao hàm cả
ba chiều không gian ngữ nghĩa: vừa cao, vừa nặng, vừa dày Cách nói dành cho người
khác sự quyết định ở cuối bài ca dao: Coi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta càng
thể hiện rõ hơn tính cách con người xứ Quảng: luôn trọng nghĩa tình. Cấu trúc so sánh
này đã diễn tả nỗi lòng hết sức thiết tha, cảm động pha chút “kiêu kỳ”. Cụm từ bằng ta
là sự khẳng định, tự hào chưa chắc ai hơn ta, không thể như ta, không thể so bì với ta!
Quả là cách nói hàm chứa nhiều điều cần suy ngẫm.
Toàn bài ca dao gồm ba hành vi ngôn ngữ. Hai câu đầu là hành vi giới thiệu
về quê hương Quảng Nam với những điều li kì, khác lạ như một huyền thoại khó tin:
Đất - chưa mưa đà thấm; Rượu - chưa nhấm đà say. Đây là hành vi ở lời gián tiếp [4:
145]. Vì thông qua hành vi này, người nói muốn thông báo cho người nghe dựa vào
những hiểu biết ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ để suy ra một hiệu lực ở lời khác. Hiệu
lực trực tiếp của lời giới thiệu này là khảo nghiệm nhưng có hiệu lực gián tiếp là mong
muốn, cầu khiến người nghe hiểu biết về quê hương đất Quảng rất giàu ân tình. Câu
cuối cùng của bài ca dao: Coi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta cũng là một hành vi
ngôn ngữ gián tiếp. Hiệu lực trực tiếp ở lời là hỏi nhưng có hiệu lực ở lời gián tiếp là
khẳng định, khẳng định không nơi nào “ơn trượng nghĩa dày” bằng nơi này! Từ trong
sâu thẳm lòng người, ai ai cũng có lòng tri ân đối với những người mà mình đã mang
ơn. Sống cho hợp lẽ với đời là điều đáng quý trọng. Cách sử dụng các hành vi ngôn ngữ
như vậy cho thấy, bài ca dao là niềm tự hào pha chút kiêu hãnh nhưng sự kiêu hãnh ấy
lại mang đậm tính chân thực, bình dị của con người nơi đây. Cả bài ca chỉ có một hành
vi ngôn ngữ trực tiếp cầu khiến: Bạn về nằm nghĩ gác tay. Là hành vi cầu khiến nhưng
không có tính chất mệnh lệnh mà rất chân tình, thiết tha là nhờ cụm từ bạn về.
Hình ảnh “nằm nghĩ gác tay” thể hiện sự giản dị, mộc mạc, chân thành như
chính con người nơi đây. Cách nói thẳng thắn, bộc trực thật không thể khác với cốt
cách người Quảng. Đó là tư thế nằm gác tay lên trán để suy ngẫm, chiêm nghiệm, một
kiểu suy nghĩ nghiêm túc, có sự đắn đo, so sánh kĩ lưỡng về một vấn đề mình luôn trăn
trở, ôm ấp trong lòng. Tư thế ấy đã gợi lên những nét đẹp về văn hóa của người dân
vùng đất “ngũ phụng tề phi”. Nằm mà không nghỉ ngơi, không vô tư vứt bỏ mọi thứ
đời thường mà luôn suy nghĩ, trăn trở về những điều đã qua và những điều sắp đến. Đó
chính là cung cách “lo ăn, lo làm”, lo lắng cho mình, cho người và cho cả cộng đồng
đã làm say lòng bao người như “rượu chưa nhấm đà say” vậy.
88
NGHIÊN CỨU CA DAo QUẢNG NAM TỪ GóC ĐỘ CẤU TRÚC VăN BẢN
3. Kết luận
Sự phân tích trên cho thấy mỗi bài ca dao là một chỉnh thể nghệ thuật hoàn mĩ về
mặt cấu trúc. Bài ca dao này vừa dân dã, mộc mạc vừa hàn lâm, uyên bác bởi có sự hòa
hợp cao giữa cấu trúc hình thức và ngữ nghĩa. Đó là một thông điệp trữ tình sâu lắng
đã hóa thân vào da thịt mỗi người, như một dòng chảy bất tận, vượt không gian và thời
gian để đến với mọi tâm hồn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản, Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
[2] Nguyễn Văn Bổn (1984), Văn nghệ dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, Sở Văn hóa
Thông tin Quảng Nam- Đà Nẵng (1).
[3] Nguyễn Văn Bổn (2001), Văn học dân gian Quảng Nam, Sở Văn hóa Thông tin
Quảng Nam (1).
[4] Đỗ Hữu Châu (2005), Tuyển tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội (2).
Title: INVESTIGATING QUANG NAM FOLK- SONGS FROM THE POINT
OF VIEW OF THE DOCUMENTARY STRUCTURE
BUI THI LAN
Quang Nam University
Abstract: Each folk-song is a unified art whole between the form structure and
the semantic structure. Two sides have a dialectical relationship. This article tried
to investigate folk-songs from the point of view of the structure aims to analyze the
dialectical relationship between the form structure and the semantic structure in a
specific folk-songs of Quang Nam province.
Key words: Documentary structure, folk-songs.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 123_7044_2134828.pdf