Nghệ thuật kể chuyện trong kitchen của Banana Yoshimoto - Đào Thị Thu Hằng

Tài liệu Nghệ thuật kể chuyện trong kitchen của Banana Yoshimoto - Đào Thị Thu Hằng: 52 JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0027 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 52-62 This paper is available online at NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG KITCHEN CỦA BANANA YOSHIMOTO Đào Thị Thu Hằng Phòng Tạp chí & TTKHCN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Banana Yoshimoto là nữ văn sĩ Nhật bản đương đại có lối kể chuyện điềm đạm và sâu lắng. Kitchen thật nhẹ nhàng, nhưng qua lối kể của cô, cuộc sống cá nhân với những vấn đề mang tính thời đại được biểu hiện đầy tinh tế, chạm đến tâm hồn người đọc. Sự cô đơn, đứt gãy trong tâm hồn, vấn đề giới tính, những nỗ lực vượt thoát với các motip cổ mẫu lần lượt được tái hiện bằng lối kể tối giản với một chiều sâu đầy ẩn ý. Đọc Kitchen trên hệ quy chiếu nghệ thuật trần thuật, để thấy đóng góp của Banana cho văn chương đương đại Nhật cũng như thế giới. Từ khóa: Banana Yoshimoto, Kitchen, nghệ thuật kể chuyện. 1. Mở đầu Nữ văn sĩ Nhật Bản Banana Yoshimoto tên thật là Mahoko Yoshimoto. Bút danh...

pdf11 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 565 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghệ thuật kể chuyện trong kitchen của Banana Yoshimoto - Đào Thị Thu Hằng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
52 JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0027 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 52-62 This paper is available online at NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG KITCHEN CỦA BANANA YOSHIMOTO Đào Thị Thu Hằng Phòng Tạp chí & TTKHCN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Banana Yoshimoto là nữ văn sĩ Nhật bản đương đại có lối kể chuyện điềm đạm và sâu lắng. Kitchen thật nhẹ nhàng, nhưng qua lối kể của cô, cuộc sống cá nhân với những vấn đề mang tính thời đại được biểu hiện đầy tinh tế, chạm đến tâm hồn người đọc. Sự cô đơn, đứt gãy trong tâm hồn, vấn đề giới tính, những nỗ lực vượt thoát với các motip cổ mẫu lần lượt được tái hiện bằng lối kể tối giản với một chiều sâu đầy ẩn ý. Đọc Kitchen trên hệ quy chiếu nghệ thuật trần thuật, để thấy đóng góp của Banana cho văn chương đương đại Nhật cũng như thế giới. Từ khóa: Banana Yoshimoto, Kitchen, nghệ thuật kể chuyện. 1. Mở đầu Nữ văn sĩ Nhật Bản Banana Yoshimoto tên thật là Mahoko Yoshimoto. Bút danh “Banana” xuất phát từ sở thích yêu hoa chuối của Yoshimoto. Cô sinh ngày 24/7/1964 tại Tokyo trong một gia đình trí thức. Cha cô Yoshimoto Takaaki là một trí thức đa tài. Ông là nhà phê bình và là triết gia Tân Cánh tả (New Left) có ảnh hưởng lớn tới xã hội Nhật Bản từ thập niên 1960. Xuất thân từ một gia đình có tinh thần dân chủ và truyền thống nhân ái, Banana mang tư tưởng tự do và đam mê sáng tạo văn chương. Cuốn tiểu thuyết được đặt tên là Bếp (Kitchen), được in chung với Bóng trăng trong ấn phẩm bằng tiếng Anh vào năm 1993, là thành công ngoài sức tưởng tưởng của một người mới bước vào làng văn. Không nhiều nghệ sĩ có được sự hưởng ứng từ phía độc giả ngay từ lần đầu ra mắt sách của mình như Banana. Bếp trở thành một hiện tượng văn học với hơn hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ và đã tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản. Thành công của Kitchen là động lực lớn để Banana sáng tác hàng loạt tiểu thuyết tiếp theo và khẳng định thêm nữa tài năng lẫn vị trí của mình trên văn đàn Nhật Bản đương đại. Tác phẩm của Banana tập trung vào những vấn đề giới trẻ Nhật phải đối mặt. Đấy là cuộc sống đô thị nhàm chán của thanh niên, nơi họ như bị nghẽn giữa thế giới tưởng tượng và thực tế. Thế giới nhân vật, biến tấu cốt truyện, cách bộc lộ cảm xúc của Banana mang phong cách hậu hiện đại và ít nhiều bị Mỹ hoá. Nhưng dẫu sao, căn tính Nhật vẫn hiện diện diện sâu đậm trong lối viết của cô. Bằng cách nào đó, Banana kéo độc giả tham dự vào mạch trần thuật, tham dự cuộc hội ngộ trong bếp, một cuộc bơi trên biển, một chuyến leo núi thậm chí là chỉ để thưởng thức một mùi vị dễ chịu của thức ăn. Ngày nhận bài: 9/1/2018. Ngày sửa bài: 20/23/2018. Ngày nhận đăng: 5/4/2018. Tác giả liên hệ: Đào Thị Thu Hằng. Địa chỉ e-mail: thuhangdao17@gmail.com Nghệ thuật kể chuyện trong Kitchen của Banana Yoshimoto 53 Bếp, thức ăn và mơ là những chủ đề trở đi trở lại trong tiểu thuyết của Banana. Đấy là thế giới của cảm xúc và ước vọng. Banana muốn sống trong những giấc mơ. Giấc mơ đưa cô và thế giới nhân vật xâm nhập vào những nẻo khuất của cuộc đời, số phận để nói lên tiếng nói đậm nghĩa tình và day dứt dai dẳng về những đổi thay của cuộc đời. Yuji Oniki trong bài viết Kỷ nguyên thương hiệu mới của Banana Yoshimoto, đưa ra nhận xét thú vị: “Đọc truyện Yoshimoto giống như xem một chương trình quảng cáo truyền hình Nhật Bản. Sự giản dị hết mực của nó thật tuyệt vời nhưng sau đó bạn nhận ra mình chẳng hiểu gì về nó cả. Giống như quảng cáo, tất cả đều rất rõ ràng, hầu như tinh khiết. Cảm xúc được đo bằng một cái thìa lấy mẫu và nếm. Một liều u sầu, hơi cay đắng, khá bất ngờ, nhưng không có gì kéo dài quá lâu. Nhân vật thậm chí không có vẻ như tất cả những điều đó bị châm ngòi bởi những rối loạn cảm xúc như nói, mất trí nhớ” [1]. Các nhà nghiên cứu thường so sánh Banana vơi Murakami Haruki bởi phong cách hậu hiện đại của họ. Murakami Fuminobu cũng có xu hướng tổng kết theo hướng đó. Ông viết: “Những tác phẩm ban đầu của ông [Murakami Haruki] cố gắng giữ sự tách rời khỏi những người khác, trong khi những tác phẩm sau này của Murakami thay đổi lập trường từ sự tách ly đến cam kết và trực tiếp đối mặt với khát vọng nhị phân bằng cách thỏa ước với tình yêu sâu sắc và khát vọng hành động bạo lực. Ngược lại, tác phẩm của Yoshimoto Banana cố gắng khám phá ra sự khác biệt trong tổng thể hoặc tính phổ biến trong cá biệt bằng cách thay đổi dạng thức khát vọng” [2;tr.59]. Vốn là “nữ sĩ”, phong cách Banana dung dị, đơn giản và rất nữ tính. Cô chọn “thức ăn” hơn là “tình dục”, chọn những giấc mơ, nhưng lại không khai thác các yếu tố hoang đường mang tính tâm linh như ở nhà văn nổi tiếng cùng thời là Murakami Haruki. Với lối kể chuyện chậm rãi nhưng cuốn hút, những cảm xúc yêu thương, giận dữ, cô đơn, vượt thoát đầy tinh tế và sâu lắng mà Banana mang lại đã thấm đẫm hàng triệu trái tim người đọc. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Đứt gãy và “chuyển giới” Câu chuyện liên quan đến cái bếp, phải, đúng là bếp (kitchen), nhưng đấy không phải là tên nhân vật theo cách của Tony Morrison - Beloved (Người yêu dấu), mà là cách của riêng Banana. Vậy bạn đọc hẳn sẽ thắc mắc tại sao sách lại có cái nhan đề ấy? Người kể “tôi” – Mikage của thiên truyện vào đầu tập tức, “Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp” [3;tr.13]. Một sở thích rất nữ tính. Một dấu chỉ gợi sự đầm ấm, hạnh phúc Nhưng rồi truyện lại không phát triển theo hướng ấy. Trong tâm thức của người phương đông, đặc biệt là người Việt, hẳn bếp là nơi chẳng thể thơ mộng gì lắm để lấy làm nền cho một câu chuyện lãng mạn. Chuyện được kể là lãng mạn, tôi quên chưa giới thiệu là chuyện của đôi trai gái đang phải lòng nhau hoặc suýt phải lòng nhau. Tóm tại họ có thể là những kẻ đang yêu hoặc có nguy cơ nảy sinh tình yêu rất cao. Họ cùng yêu bếp, không chỉ là bếp sạch mà bất cứ bếp nào cho dù không được sạch sẽ cho lắm miễn là nơi ấy có đủ các chức năng của bếp. Hai con người cô đơn, gặp nhau trong một cái bếp cô đơn. Ta gọi thế giới đó là cô đơn bởi đấy dường như là bản thể của người Nhật, một dân tộc mẫu mực về kỉ cương lao động, về thành tựu khoa học công nghệ, nhưng đó đồng thời là dân tộc có lẽ sớm rơi vào vòng xoáy của cơn lốc vật chất mà đến nay, khi đã nhìn thấy được tác hại của nó thì đã có hàng triệu thanh thiếu niên chìm trong nỗi cô đơn vô bờ, đến mức họ nhìn cuộc sống như là chuỗi hư vô, cố níu kéo e chừng cũng chỉ là tuyệt vọng? Tôi gọi Kitchen là khúc bi ca diễm lệ cho nỗi cùng quẫn kiếp người. Quan niệm cái đẹp văn chương của Banana có nét gần gũi với Kawabata trong sự đúc kết Đẹp và buồn (tên tác phẩm của Kawabata) qua những dòng văn ngập đầy nữ tính: “Những kỉ niệm đẹp thực sự bao giờ cũng sống Đào Thị Thu Hằng 54 và tỏa sáng một cách bền bỉ. Chúng sẽ cất lên những tiếng thở xót xa sau mỗi lần thời gian trôi chảy” [3;tr.170]. Tác phẩm được ghép từ hai câu chuyện, Kitchen (Bếp) và Moonlight Shadow (Bóng trăng). Hai câu chuyện này được viết ở hai thời điểm khác nhau, nội dung chẳng liên quan gì nhau, nhân vật, không gian, cốt truyện, hệ thống kí hiệu, là những khuôn hình khác biệt, thế nhưng việc đặt bên nhau không hề làm giảm đi chút nào giá trị nghệ thuật, mà ngược lại, có lẽ chúng càng tôn thêm sức hấp dẫn về “nỗi buồn tái tê truyền kiếp” của nhau. Điểm kết nối giữa hai “kẻ” xa lạ đó chính là cái nhìn triết học về nỗi cô đơn và tuyệt vọng của con người trong một thế giới đầy ứ vật chất, hoang hoải công việc và shoping. Nơi đó, người người đều làm việc, lăn lưng ra làm, chỉ để tồn tại một cách phô trương, chỉnh trang sắc đẹp và mua sắm bất cứ thứ gì họ thích. Banana tái hiện đúng thực chất cuộc sống của con người hậu hiện đại, “tôi shoping, tôi tồn tại”, một lối nhại René Descartes qua nhân vật “mẹ” Yuichi. Người mẹ này tất bật suốt ngày ngoài cửa hàng, một cửa hàng dành cho người chuyển giới, kiếm tiền và mua sắm. Ngày qua ngày, năm lại năm, cuộc sống họ cứ tuân theo vòng quay sản xuất – tiêu dùng đó cho đến ngày cái chết ngẫu nhiên sẽ lấy đi của họ tất thảy. Không chỉ cấu trúc cốt truyện ghép mảnh, mà nhân vật cũng là những mảnh ghép. Bếp kể về một đôi trai gái được đặt “liền kề ngẫu nhiên” theo lối tư duy Siêu thực. Cô gái Sakurai Mikage, mồ côi sống cùng bà, cái mở đầu chẳng khác gì một thiên cổ tích? Bỗng nhiên, biến cố xảy ra, người bà qua đời. Mikage còn lại một mình trên đời. Mối thảm họa này, ngày xưa chỉ là cái cớ để thử thách nhân vật, thì nay hoàn toàn không phải thế. Banana lấy ngay cái khoảnh khắc bất hạnh đó để kể tiếp những trường đoạn bất hạnh khác mà nhân vật phải trải qua, tịnh chẳng phải là để thử thách nghị lực hay ý chí hay hướng tới cái kết là sự đổi đời nào đó nơi thực chất cuộc sống luôn là trò đùa của số phận, hầu như chẳng ai có thể biết cái ngày mai của cuộc đời sẽ ra sao. Cảm giác về nỗi buồn tê tái ngập giăng khắp truyện: “Tại sao con người lại không thể tự mình lựa chọn được điều gì cả? Giống hệt loài sâu bọ, bị đánh cho tơi bời, nhưng vẫn phải nấu cơm, vẫn phải ăn, và vẫn phải ngủ. Những người mình yêu rồi sẽ ra đi hết. Vậy mà vẫn phải sống” [3;tr.138]. Kẻ mồ côi Mikage bơ vơ, không điểm tựa, không mục đích sống. Trong lúc mất phương hướng với khả năng cái chết cận kề, “hoàng tử” xuất hiện, đó là Yuichi. Câu chuyện có mạch tiếp diễn gần giống cổ tích. Yuichi quan tâm đến Mikage, hiểu được cảnh ngộ nên đã tìm đến mời Mikage đến ở nhà mình. Ngôi nhà đó đặc biệt không chỉ vì có “Kitchen” – nơi tác giả lấy làm bối cảnh chính của truyện mà còn có hàng loạt sự bất thường, gây sốc thực sự cho người đọc. “Mẹ” Eriko của Yuichi chính là người “bố” (hình như có tên là “Yuji hay sao đó”, theo lời kể của Yuichi) đã chuyển đổi giới tính. Việc chuyển giới này, đương nhiên người đọc khó biết lý do thực, tuy qua đối thoại giữa Yuichi và Mikage, ta có thể biết rằng người cha đó vì quá yêu vợ, không muốn có thêm người phụ nữ nào trong đời hoặc vì muốn đứa con mình được chăm sóc trọn tình yêu thương của người mẹ, nên ông ta đã tự nguyện biến mình thành phụ nữ. Hoặc giả, người đọc có thể nghĩ khác đi rằng người đàn ông đó tự thân muốn chuyển giới, muốn được sống cho con người thực của mình Có thể có nhiều cách lý giải khác nhau về hành vi chuyển giới của người cha yêu con đó, nhưng tất cả sẽ có một điểm chung rằng, chuyện chuyển giới hiện nay không còn là vấn đề xa lạ nữa. Vậy chuyển giới sẽ có ích lợi gì cho cá nhân và cộng đồng? Văn chương nhân loại từ xưa đã viết về chuyện bất lực của đàn ông như một biểu hiện của sự nhập nhằng giới tính. Truyện hư cấu đồng tính hiện đại có thể được tính từ Carmilla (1871) cuốn tiểu thuyết Gothic của Sheridan Le Fanu. Tác phẩm đề cập đến quan hệ đồng tính nữ qua hình tượng nữ ma cà rồng có hành vi tính dục với người đồng giới. Tiếp theo, cuốn tiểu thuyết Bức tranh của Dorian Gray (The Picture of Dorian Gray, 1890) của Oscar Wilde cũng từng khiến độc giả sốc vì nhiều đoạn miêu tả tính dục đồng tính Sang những thập niên cuối thế kỉ 20, sự bùng nổ văn chương đồng tính diễn ra với hàng loạt tiểu thuyết, Cobra (1972) của Severo Sarduy, Stone Butch Blues (1993) của Leslie Feinberg, Đàn ông đủ để là đàn bà (Man Enough to be a Woman, 1995) của Jayne County, Con nhóc: Nữ Nghệ thuật kể chuyện trong Kitchen của Banana Yoshimoto 55 chuyển giới và tế thần tính nữ (Whipping Girl: A Transsexual Woman on Sexism and the Scapegoating of Femininity, 2007) của Julia Serano Các tác phẩm văn học viết về đề tài đồng tính trên đa phần đứng vào nhóm “bestseller” (bán chạy nhất) theo khảo sát của tờ New York Times. Diện mạo văn chương trên phản ánh việc chuyển giới đang là vấn đề nóng trong khoảng vài thập niên gần đây. Chắc chắn “chuyển giới” có mối quan hệ mật thiết nào đó với phong trào nữ quyền. Khi các nhà đấu tranh nữ quyền xuất hiện thì cùng lúc việc đấu tranh cho giới thứ ba cũng song hành. Việc chuyển giới diễn ra hai chiều, nam thành nữ và nữ thành nam. Thực tế thì, đa số, nếu không nói là tất cả thì luôn là nam thành nữ. Dường như, chỉ đàn ông khao khát thành đàn bà còn đàn bà thì hiếm khi mang khao khát thành đàn ông. Vậy nên, từ “cha”, Yuji đã chuyển giới thành “mẹ”. Một “ca” điển hình chứ không là cá biệt. Các tác phẩm văn chương Việt khi viết về đồng tính cũng thường lấy đàn ông làm tâm điểm. Sông của Nguyễn Ngọc Tư, Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, hay Nháp của Nguyễn Đình Tú, đều có nhân vật kiểu này. Việc chuyển giới xét về mặt cá nhân thì có thể có ích, nhưng xét về mặt cộng đồng thì có phần nguy hại. Thử hình dung, nếu một ngày, toàn nhân loại đều chuyển giới thì liệu có còn con người trên trái đất này? Chuyển giới gắn với mất khả năng sinh sản, vậy nên chuyển giới cá biệt thì chẳng sao, nhưng nếu chuyển giới chuyển sang dạng tập thể, thì cộng đồng đó nhất định bị xóa sổ. Không biết việc chuyển giới này là bột phát mang tính cá nhân hay nhân loại đến một ngày nào đó, ai ai cũng không chắc về giới tính mình thì cái việc chuyển giới lại trở thành điều nan giải và tiềm ẩn mối nguy hại khôn cùng. Kitchen, tuy nói về việc người cha yêu thương con, nhưng thực chất là hướng đến việc cảnh báo một về nền công nghiệp tiêu dùng, một xã hội lao động, mê vật chất toàn tòng, thì sẽ sinh ra một thế hệ những người dị dạng, dễ đánh mất đi thiên tính người. Đam mê lao động luôn là phẩm chất cao đẹp của bất cứ giống người nào, nhưng lao động đến mức chỉ biết cắm đầu lao động để thỏa mãn nhu cầu vật chất thì thật bất thường. Banana có lẽ là một trong những nhà văn đầu tiên phát hiện cái sự phi lý trong tính nhân văn cao cả này của nhân loại. Một sự cảnh báo đau đớn, khi trong mạch truyện, người kể đã để cho mẹ Eriko đón nhận một cái chết bất đắc kỳ tử, vì bị gã trai cuồng si mình đâm chết. Vậy ra, ngay cả khi con người chuyển giới, với mục đích được sống bình yên, thì vẫn cứ bị khuấy động bởi người khác. Cái thế giới ấy đích thực là không bình yên, đầy bóng tối và cô đơn. “Đêm nay, cũng như mọi ngày, bóng tối công bằng đã bao trùm lên tất cả, và rồi sẽ lại qua đi. Chính vào lúc này đây, dưới đáy sâu của nỗi cô độc mà tôi chưa hề chạm tới, tôi thực sự chỉ có một mình” [3;tr.155]. Như được tiên báo về sự đơn độc, Mikage và Yuichi, sau cái chết của “mẹ” Eriko bỗng trở thành hai kẻ côi cút trên đời. Bức thư người mẹ chuyển giới để lại khi linh cảm về cái chết ngẫu nhiên của mình giúp người đọc hiểu hơn về cuộc hôn nhân bất hạnh của cha mẹ Yuichi trong môi trường đậm tính Nhật truyền thống. Để lấy được mẹ Yuichi, người cha đó đã dám đương đầu với đằng nhà vợ để có được người mình yêu dấu. Rồi sau cái chết của người vợ, người cha đó quyết định chuyển giới triệt để, biến mình thành một phụ nữ xinh đẹp. Việc làm đó khiến nhà ngoại Yuichi không thể chấp nhận, nên Yuichi không được thừa nhận vì cha mình. Bất hạnh đối với “mẹ” Eriko chưa dừng ở đó, xuất hiện một gã lập dị, đem lòng yêu cái người đàn ông trong lốt đàn bà đó, trong phức cảm tuyệt vọng đã dùng dao đâm chết mẹ Yuichi. Theo lời nhắn nhủ của mẹ Yuichi, thì những bất trắc trên đời đó giống hệt như chúng ta phải nộp thuế hằng ngày, dẫu ai nào có muốn, nhưng thuế thì vẫn phải nộp, một lối so sánh đậm chất “hài hước đen” của Kafka. Con người càng nỗ lực khẳng định mình bao nhiêu thì càng đánh mất mình bấy nhiêu. Thể chất kép mẹ-cha đó đã chết tức tưởi sau khi đã nỗ lực suốt cả đời nuôi dạy con. Yuichi lớn lên trở thành một người dũng cảm, tình cảm, đầy cá tính. Cậu cảm thông với bà của Mikage. Một người già có sở thích về hoa đến mức mỗi tuần hai lần đến quầy hoa nơi Yuichi giúp việc để mua. Yuichi yêu quý và ngưỡng mộ bà. Qua bà, Yuichi mới biết đến Mikage, một cô gái xinh đẹp, Đào Thị Thu Hằng 56 bản lĩnh. Giống Yuichi, họ là những người luôn tự chủ để được đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Tự Yuichi, trong mối quan hệ tình cảm với người bà đã có ý thức chia sẻ trách nhiệm với Mikage. Trong cấu trúc bộ bốn nhân vật này, ta thấy mối quan hệ giữa họ thấm đẫm tình cảm nhưng vẫn có sự lỏng lẻo nào đó. Dường như mỗi người là một thành trì tự thân, rất khó công phá để đi đến tận nẻo khuất tâm hồn nhau. Nỗi cô đơn như là món nợ truyền kiếp mà tất cả họ đều mang. Mạch truyện không nối liền và phi mạch lạc đã khiến nó như là dấu chỉ của những chia lìa. Câu chuyện được bắt đầu từ sau vài ngày Mikage chuyển đến ở nhà Yuichi. Việc chuyển dịch đó đơn giản là vì lời mời chân thành của mẹ con Yuichi ngay sau khi bà Mikage mất. Cảm xúc của Mikage lúc đó là vô cùng trỗng rỗng. Cô không thiết và không biết phải làm gì. Ý nghĩ của cô vận hành theo hướng, thử hình dung, ngày nọ ai đó thức dậy để thấy xung quanh mình chẳng còn có lấy một người thân nào và đây là định nghĩa đầy cay đắng về hạnh phúc của cô: “Hạnh phúc, nghĩa là một cuộc đời không bao giờ phải cảm thấy rằng, thực ra ta chỉ có một mình” [3;tr.100]. Thế giới xung quanh Mikage như đã tan loãng hết. Nhưng tại thời khắc gay go đó, một lời mời và một thái độ chân thành đã dứt Mikage ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Mikage đến nhà Yuichi, được đón chào như một thành viên không thể thiếu. Cuộc sống ấm áp trong khung cảnh yên bình đó đã giúp Mikage trụ vững. Nhưng trước đó, Mikage đã từng yêu và từng hạnh phúc. Chỉ có điều khi bà ốm nặng, cô mới nói lời từ biệt với người tình hào nhoáng nhưng rỗng tuếch mà cô từng nghĩ đó là người mình yêu. Dẫu sao thì cuộc tình đó vẫn hằn in những đau khổ nhất định. Tương tự, khi Mikage đến ở nhà Yuichi, người yêu của Yuichi đã nổi cơn ghen tuông và Yuichi cũng đã chia tay cô gái đó. Không phải vì Mikage mà chỉ vì cuộc tình đó tự thân đã chấm dứt. Với Mikage cũng vậy, người tình cũ Sotaro hẹn gặp Mikage, nhắc đến chuyện om sòm về Yuichi với bạn gái chứ không hề mang lại chút an ủi nào cho trái tim đau đớn, cô đơn của Mikage. Hành động đó càng khoét sâu thêm sự ngăn cách giữa hai người. Kitchen gồm hai phần. Phần một, Kitchen hiện diện ba nhân vật, đúng hơn là bốn nhân vật, tuy người bà đã mất, nhưng vẫn được nhắc đến qua những lời ngưỡng mộ, dấu yêu. Với cách vào truyện như thế, người kể Mikage cho thấy ngay dấu hiệu thảm họa của bản thân. Đặt biến cố lên đầu truyện, câu chuyện đã đưa người đọc vào bầu không khí sầu thương, bi kịch. Toàn bộ diễn biến tiếp theo, gần như là những tai ương nối tiếp, Mikage buộc phải đương đầu để trưởng thành. Phần hai của Kitchen là Trăng tròn. Phần này cũng xoay quanh chuyện của Yuichi và Mikage. Mở đầu cũng là một thông báo tai họa, cái chết của cô Eriko. Lúc này, Mikege đã vượt qua được nỗi đau mất mất, đã rời nhà Yuichi và đang sống một cuộc sống bình thường, thì đến lượt Yuichi nhận thảm họa. Người cha - mẹ nuôi nấng mình bấy lâu đã bị một gã cuồng tình đâm chết. Hai phần truyện được khởi đầu bằng hai cái chết. Dường như Banana đã cố tình tạo nên những tình huống bi kịch mang đậm bản sắc Nhật. Những cái chết bất đắc kỳ tử như là hậu quả của những trận động đất, sóng thần kinh hoàng, hoặc có khác đi thì lại là thảm họa của hai quả bom nguyên tử tàn phá tan tành hai thành phố của Nhật. Từ trong kí ức, các mô hình mẫu về môi sinh kia đã tác động một cách vô thức đến nhãn quan nghệ thuật của nghệ sĩ. Có thể khi sáng tác, Banana không ý thức về thảm họa kia, nhưng khi chọn đối tượng viết và cách triển khai, bất giác ngòi bút của nữ văn sĩ lại không thể cưỡng được sự cuốn hút của cõi chết chóc kia. Trong trường tư duy đó, “cô đơn” và “cái chết bất đắc kỳ tử” như là cổ mẫu mang đậm bản sắc Nhật. Điều này có thể được kiểm chứng qua sáng tác của hàng loạt các nhà văn nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào. Từ Ryūnosuke Akutagawa, Junichiro Tanizaki, Abe Kobo đến Mishima Yukio, Yasunary Kawabata, Haruki Murakami, tất cả đều viết về thảm họa, những thảm họa bất ngờ, ngẫu nhiên, mà nguyên nhân rất khó nhận biết hoặc lường trước. Từ cổ mẫu văn hóa này, người đọc sẽ hiểu được phần nào dụng ý của Banana khi cô đặt hai Nghệ thuật kể chuyện trong Kitchen của Banana Yoshimoto 57 câu chuyện (chuyện của Mikage – Yuichi và chuyện của Satsuki – Hitoshi) vào trong một cuốn sách, đúng hơn là ba câu chuyện (Phần 1 gồm Kitchen I và Trăng tròn – Kitchen II. Phần 2 là Bóng trăng): chuyện về người bà đã mất vì tuổi tác, chuyện về người mẹ chết vì kẻ cuồng tình, và một người tình chết vì tai nạn xe cộ. Đặt người sống vào bối cảnh của những cái chết, người kể không cốt khơi dậy sự cảm thông hay niềm bi đát mà hơn thế, mọi chi tiết đều hướng đến việc thái độ của người sống đối với cảnh ngộ mình phải đối đầu. Có lẽ đây là thông điệp cốt lõi mà bất cứ nhà văn lớn nào của Nhật cũng hướng đến. Sự thích ứng hoàn cảnh là nguyên tắc tối thượng. Người Nhật vốn sinh trưởng trên miền đất nhiều chết chóc nên đã hình thành trong họ sự can đảm, nhẫn nại đến lạ thường. Banana cũng vậy, khi viết về những tai ương của kiếp phận người, nữ văn sĩ quả đã nắm bắt được hồn cốt Nhật, sẵn sàng để nhân vật mình đương đầu một cách bình dị với mọi biến cố là cách Banana thông cáo với phần còn lại của nhân loại rằng bất cứ nỗi đau thương nào dù lớn đến đâu thì người Nhật vẫn sẽ vượt qua. Nhưng họ vượt qua bằng cách nào? Và có phải lúc nào họ cũng là người chiến thắng? Đương nhiên là không ít lần người Nhật chịu thất bại. Vĩ đại đến như Mishima hay Kawabata rồi cũng đều tìm đến cái chết tự sát. Những con người này, xét ở góc độ nào đó, họ là tinh túy của Nhật Bản, nhưng từ khía cạnh khác họ lại là những con người lạc loài trong truyền thống Nhật. Phải chăng họ đã rút hết ruột gan cho những nhân vật bất tử của mình đến mức mà họ không còn thiết sống? Ta chưa thể biết Banana sẽ hành động như thế nào, nhưng các nhân vật của cô là những mẫu mực tuyệt vời của tình yêu thương và nhẫn nại. Cái nhìn từ đau bóng tối của khổ đau luôn hướng đến một khoảng trời bình yên và tươi sáng: “Nụ cười tươi tắn mà cô đơn, tựa như ánh sáng tan ra. Đêm, mỗi lúc một khuya hơn. Tôi quay ra nhìn khung cảnh ban đêm đang lấp lóa tuyệt đẹp bên ngoài cửa sổ. Khu phố nhìn từ trên cao xuống như được tô một đường viền bằng những hạt sáng, và làn xe cộ chợt biến thành dòng sông ánh sáng chảy tràn giữa bóng tối” [3;tr.87]. Còn đây là kết luận đầy lạc quan và hi vọng về thế giới người dẫu còn không ít những khổ đau và đọa đày: “Tôi chợt nhận ra rằng, trong trái tim mỗi con người, ai cũng có một viên ngọc quý” [3;tr.146]. 2.2. Tối giản và chiều sâu ẩn ý Câu chuyện về cái bếp đó đã ghi dấu rõ nét cách con người Nhật cùng nhau vượt qua gian khó. Trong tình đoạn Mikage và Yuichi, nhìn bề ngoài ta cứ nghĩ là họ yêu nhau, nhưng thực chất giữa họ chỉ là tình người, cái còn lớn hơn bất cứ tình yêu nam nữ nào khác. Việc Yuichi tìm đến bảo Mikage tới ở nhà mình hoàn toàn không hề xuất phát từ tình yêu mà chỉ là tình người, một chút tình cảm ấm áp dành cho nhau trong hoạn nạn. Để rồi, khi mẹ Yuichi qua đời, Mikage lại hoán vị Yuichi, trở thành người dang tay cưu mang nỗi đau lạc loài của đồng loại. Banana quả thật vĩ đại khi khám phá và viết một cách xuất sắc về vấn đề này. Qua Kitchen, người đọc có thể nhận ra rằng trong đời con người thường xuyên phải đối đầu với những cảnh ngộ bất như ý, trong tình huống đơn độc, con người luôn cần phải được thắp sáng niềm tin bởi tình yêu thương từ một ai đó. Cái nhìn này đã chi phối thiên truyện. Cả người tình của Yuichi lẫn người yêu của Mikage đều không thể nào hình dung nổi mối quan hệ đặc biệt này. Đơn giản là họ ích kỷ, họ chẳng thể nào hiểu nổi con người ta, ngay dù lúc tuổi trẻ cũng cần tôn trọng mọi tình người cao quý hơn là chuyện tình thường nhật của các đôi sửu nhi. Lối kể lưỡng phân này của Banana tỏ ra rất hấp dẫn người đọc. Kí hiệu trong truyện của cô, dù được sử dụng theo lối tối giản của phong cách hậu hiện đại, thì bao giờ cũng mang tính đa nghĩa. Trên bề mặt, người đọc có thể đọc theo cách đôi trẻ có tình cảm với nhau đang trong quá trình tìm hiểu, để kết cục là một cuộc hôn nhân. Nhưng đọc sâu hơn, người ta có thể thấy rằng tác giả sử dụng tình yêu thương như là công cụ để hàn gắn những chấn thương, đổ vỡ kinh hoàng trong tâm thức người Nhật. Và đọc sâu hơn nữa, ta có thể thấy đó là nỗ lực vượt thoát nỗi cô đơn, sự mất mát của cá thể người Đào Thị Thu Hằng 58 Vì lẽ này mà các câu chuyện của Banana ngỡ như chẳng có mối quan hệ gì với nhau nhưng thực chất được gắn kết bởi nhiều tầng lớp nghĩa. Đến mức, tự chúng trong cuộc tương tác bất tận với người đọc sẽ tạo sinh vô vàn nghĩa, vô vàn tầng bậc cảm xúc trong hồn người. Được viết theo lối “tối giản”, sự kiện của truyện không nhiều và chưa đủ để có thể tạo nên những xung đột gay cấn theo lối tự sự cũ, nhưng như thế không hẳn tác phẩm không có xung đột. Lối viết này vẫn duy trì xung đột, tuy không có những cạnh tranh bề mặt, nhưng những xung lực đó vẫn hiện diện ở chiều sâu văn hóa, tạo nên những đối thoại ngầm không dứt, làm nền cho “nghĩa” của truyện tiếp lục lan tỏa theo người đọc và theo thời gian. Tôi gọi kiểu xung đột này là xung đột văn hóa. Chuyện chuyển giới là một vấn đề văn hóa, không chỉ của người Nhật mà còn là cả của nhân loại. Trước đây, người nào mang vấn đề về giới thì đều tự giấu, không phô ra và xem đó như là sự xấu hổ của con người. Không ít nghệ sĩ tự sát vì cái gánh nặng đó. Tchaikovsky chẳng hạn. Nhưng hiện thời, việc chuyển giới hay lưỡng giới được công khai như là chuyện thường và nó có nguy cơ trở thành “mốt”, có lẽ, không chuyển giới thì không phải là tay chơi? Thứ nữa, xung đột của lối viết tối giản được chuyển vào nội tâm. Ta đọc thấy độ căng truyện thông qua độ căng tâm trạng của nhân vật. Cái này thì truyện xưa cũng đã có, chỉ khác là nếu rơi vào tay Marcel Proust thì ông ta sẽ tương ngay ra vài trang đến vài chục trang độc thoại nội tâm. Trong khi đó, với Banana chỉ cần một hình ảnh thẫn thờ của Mikage trong ngôi nhà thuê, được dọn sạch của mình, thì người đọc có thể hình dung, một Mikage trong cảm nhận đau đớn về nỗi mất mát người bà, về nơi chốn cô từng sống và cả về cái tương lai mờ mịt chẳng biết đi về đâu. Văn chương cực hạn kiểu Banana tự nó là loại văn chương vô hạn, nghĩa và ý nghĩa của thiên truyện cứ mở đến vô cùng. Việc tạo sinh nghĩa cho văn bản bao giờ cũng được thực hiện trên các dạng thức tương tác. Đương nhiên là nếu tương tác càng nhiều thì nghĩa sẽ càng được tạo lập nhiều. Xét từ góc độ người đọc, kiểu truyện tối giản của Banana sẽ mang lại cho người đọc nhiều cơ hội khi tiếp xúc. Điều này có thể kiểm chứng qua lối kể rời rạc, vốn là điều tối kị trong trần thuật truyền thống. Để diễn tả sự cô đơn, bất hạnh của con người, người kể trong truyện Banana chọn ngay lối dẫn không mạch lạc, đang nói chuyện này lại đột ngột chuyển sang chuyện khác. Kỹ thuật này được khai triển chủ yếu trong đối thoại. Nhiều đối thoại giữa Yuichi và Mikage thường xuyên bị đứt gãy. Cái phần “gãy” đó là những điều chưa được nói hết (ví như các đoạn đối thoại về việc chuyển giới của người cha, việc Yuichi bị người tình gây sự,). Như thế sẽ có nhiều khoảng trống được dành cho người đọc và việc của người đọc là “đoán định” điều gì sẽ xảy ra giữa các sự kiện bị đứt gãy đó. Mỗi người đọc tùy vào trình độ và văn hóa của mình sẽ có những tương tác nhất định trong việc biểu nghĩa của văn bản. Không chỉ tối giản chữ nghĩa, Banana còn mơ hồ hóa nghĩa của chữ để khiến ý đồ truyện được ẩn giấu, tạo cho người đọc cảm giác bất định về nghĩa hay điều tác giả định nói. Kiểu tự sự này theo cách nói của Umberto Eco là tự sự “mở”. Tính mở của văn bản có thể được thấy ở cốt truyện. Chẳng hạn một cốt truyện chưa kể hết, chưa chấm dứt về thân phận người, hoặc là kiểu cốt truyện có nhiều tuyến nhân vật mà mỗi tuyến đều có giá trị nhất định trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề, nhưng độc giả chưa đoán định được đâu là tư tưởng chủ đề chính của văn bản Có thể có nhiều cách quan niệm khác nhau nữa về “tính mở” này. Một trong số đó chính là sự mơ hồ trong đọc và diễn giải. Ở Banana, đơn cử “bếp”. Vậy “bếp” nghĩa là gì, nó biểu đạt cho cái gì, đâu là nghĩa đúng của “bếp”? Các dạng câu hỏi này chắc chắn sẽ được đặt ra khi người đọc tiếp xúc với tác phẩm, và cũng chắc chắn là sẽ chẳng thể có câu trả lời cuối cùng hoặc “đúng” trong trường hợp này. “Bếp” với Banana luôn vận động. Nó là cầu nối quá khứ với thực tại, kí ức với tương lai. “Bếp” luôn mở hướng cho con người có nơi chốn để hoài niệm và vững tin về cái kết cục tốt đẹp. Người kể nhiều lần tự vấn và bày tỏ: “Tại sao tôi yêu cái công việc liên quan đến bếp núc này nhỉ? Thật là lạ. Nó đáng yêu như một sự ngưỡng vọng xa xôi được khắc sâu vào trong kí ức của linh Nghệ thuật kể chuyện trong Kitchen của Banana Yoshimoto 59 hồn. Hễ cứ đứng ở nơi này, là tất cả mọi thứ sẽ trở lại lúc ban sơ, và thế nào rồi cũng có điều gì đó sẽ quay về” [3;tr.96]. Văn bản “mở” tạo nên tính đa diện cho nhân vật. Đọc Banana, người đọc sẽ thấy thế giới nhân vật của cô được xây dựng theo lối đa diện. Họ vừa là con người tuyệt vọng, bi quan, nhưng đồng thời cũng tràn đầy lạc quan, tin tưởng vào bản thân vào ngày mai tốt đẹp. Nhân vật “tôi” là hiện thân rõ nét cho tính đa diện này: “Tôi bỗng thấy một cảm giác vô cùng kỳ lạ, vừa buồn đau vừa dịu ngọt” (tr.176]. Nhưng tổng hòa phức hợp này đã khiến thiên truyện vừa rõ ràng vừa phức tạp về nghĩa, khiến người đọc cần hơn một lần giải mã. Chủ đề về Bếp liên quan đến chuyện ăn uống, chủ đề về Chuyển giới liên quan đến chuyện tình dục. Banana đã kết hợp độc đáo hai chuyện này và phần nào đó đã “xô lệch” nội hàm của chúng. Murakami Fuminobu, trong công trình Dòng chảy nữ quyền, hậu thực dân, hậu hiện đại trong văn hóa đương đại Nhật Bản ghi nhận: “Hiện rõ trong Kitchen của Banana không phải là lối ẩn dụ theo nghĩa truyền thống, mà là sự xâm phạm của khát vọng ăn uống vào địa hạt ham muốn tình dục. Nếu đây là một vấn đề ẩn dụ, thì đó là phép ẩn dụ của việc tái cấu trúc diễn ngôn hiện tại và tạo ra một cái gì đó mới mẻ: nghĩa là, ý nghĩa văn hóa cho đến nay liên quan đến dục tình, trong truyện này, thì lại liên quan đến khao khát ăn uống. Khi thực hiện điều này, truyện của Banana lật đổ đường biên giữa ham muốn tình dục và ăn uống; và kết quả là đã mang lại “cái khác”, không phải là ham muốn tình dục và cũng không phải là khát khao thực phẩm” [2;tr.61]. Nhận định này đã chỉ ra hai ý đồ quan trọng trong tự sự của Kitchen. Chính điều đó tạo nên sức hấp dẫn cho thiên truyện. Người đọc thưởng thức chuyện ăn uống của nhân vật như là sự che giấu phần nào đó dục tính. Điều đó gợi lên sự mất mát hoặc đổ vỡ. Cái mà nhân vật muốn trì níu nhưng có lẽ sẽ không thể. 2.3. “Tôi” kể chuyện, cổ mẫu và nỗ lực vượt thoát Vẫn chủ đề về cái chết, nỗi đau, và sự vượt thoát số phận theo cách “Cứ cho rằng trên đời này thực sự có may và rủi đi, nhưng phó mặc số phận mình cho nó thì quả là vô trách nhiệm. Đổ lỗi cho may rủi cũng đâu có giảm bớt được nỗi đau” [3;tr.95), câu chuyện thứ hai có tên là Bóng trăng với bốn nhân vật là Satsuki – người vừa mất người yêu Hitsuto – và Hiiragi em trai của Hitsuto, người cũng vừa mất người yêu Yumiko, mất cùng anh trai mình trong tai nạn ô tô. Hai người sống đặt trong mối quan hệ với hai người chết. Để vơi giảm nỗi đau, Satsuki chọn giải pháp chạy bộ mỗi sáng. Trong khi đó, Hiigari thì cứ mặc váy đồng phục nữ của người yêu đã mất đến lớp với hi vọng làm thế thì người yêu vẫn cứ mãi bên mình. Đây cũng là sự móc nối nữa của hai câu chuyện. Nếu chuyện của Mikage là việc cố gắn kết giữa cô với Yuichi, thì chuyện của Satsuki lại là việc cố tìm lại bóng hình của Hitsuto. Như đã đề cập, tuy kể về hai câu chuyện khác nhau nhưng trong sự gắn kết chủ đề và phong cách, trong các ấn phẩm Kitchen, người đọc đều luôn thấy Kitchen song hành với Moonlight Shadow. Nhân vật trong cuốn sách đi xuyên qua nỗi cô đơn, trên hành trình nhận thức và gặm nhấm nỗi cô đơn hòng tìm ý nghĩa của sự sống. Không những thế, người đọc còn dễ nhận thấy sự chống trả của con người trước số phận cay đắng và bi đát của mình bằng một nhận thức đúng đắn: “Con người không khuất phục trước hoàn cảnh hay những thế lực từ bên ngoài, mà sẽ thua cuộc bắt đầu từ chính bên trong” [3;tr.155]. Nỗ lực vượt lên chính mình là một hành động gian khó và rất đáng ngợi ca. Trong trạng thái hoang hoải vì đau buồn, chọn lối chạy đến cây cầu mỗi sáng, Satsuki vừa cố quên đi bóng hình người yêu cũ, song cũng vừa như muốn níu giữ nó. Cuộc sống hạnh phúc của bốn bọn họ ngắn ngủi. Tai nạn ô tô đã cướp đi sinh mạng của cả người yêu Satsuki lẫn Hiigari. Người chết thì đã chết và có lẽ chẳng thể vương vấn điều gì, nhưng đối với người sống thì đấy quả là gánh nặng khôn cùng. Dường như mỗi hơi thở, mỗi cử động dù nho nhoi nhất của cả hai chị em Satsuki cũng đều quặn đau vì nỗi nhớ nhung người đã khuất. Cái chết tức tưởi đó đã cướp đi ở họ lời giã từ cuối cùng. Vậy nên trong họ, luôn khao khát bằng cách Đào Thị Thu Hằng 60 nào đó để có thể chào nhau một lần cuối qua ngàn trùng cách biệt âm dương. Cuộc gặp với Urara trên cầu như một định mệnh. Trong tác phẩm này, Urara đóng vai trò như là một nhân vật tiên tri huyền ảo. Urara có thể hiểu thấu tim gan của Satsuki, có thể biết số điện thoại của Satsuki dựa trên trực giác của mình, có thể biết một sự kiện phi thường “trăm năm có một” sẽ xảy ra nơi cây cầu ấy... Cuộc nói chuyện giữa hai người trong lần đầu tiên diễn ra đầy bất ngờ với Satsuki, vì như thể Urara đã quá hiểu hết mọi chuyện về Satsuki, đến mức, Satsuki chẳng thể nào phản ứng được trước những yêu cầu và kết luận của Urara về khả năng kỳ diệu của việc sẽ gặp được ai đó, mà trăm năm chỉ xảy ra có một lần. Người đọc hoàn toàn bị thuyết phục bởi lối kể chuyện này. “Sự bí ẩn duyên dáng” đầy nữ tính của lối kể đã mang lại sức hấp dẫn gần như tuyệt đối cho thiên truyện. Người kể vay mượn một cổ mẫu vốn rất nổi tiếng trong văn hóa phương Đông. Đó là ngày Thất tịch, mùng bảy tháng bảy, ngày Ngưu Lang, Chức nữ gặp nhau. Câu chuyện tình ngang trái này vốn là biểu tượng cho mọi chuyện tình trắc trở. Những ai sống trong trường văn hóa của nó cũng đều ngộ ra rằng mọi ngăn cách tình yêu đều có giới hạn và mọi cuộc tình ngăn cách dù cách trở đến mấy thì vẫn có thể có dịp trùng phùng dẫu chỉ là khoảnh khắc. Có thể triết lý đầy tính nhân văn này đã gợi cảm hứng để Banana xây dựng nên câu chuyện tình bi đát đến khắc khoải của mình. Mỗi câu văn của Bóng trăng ngấn đẫm lệ chuyện tình đầy thương cảm. Một sự tự ý thức nỗi bi đát thân phận. Thế rồi, định mệnh mở ra, tại khoảng khắc các chiều không gian dịch chuyển, theo cách nói của Urara, khi thanh âm của tiếng chuông “Tơ linh tơ rinh” vọng đến, hình ảnh Hitsuto xuất hiện bên kia sông thảng thốt, tê tái cả tâm hồn Satsuki lẫn người đọc. Họ gặp nhau như trong thiên diễm tình đã đến hồi kết, nhưng cũng đã kịp trao nhau những cử chỉ, hình ảnh dấu yêu. Đó, theo cách nói của Urara, là họ đã có thể vĩnh biệt nhau một cách tử tế và cả hai có thể nguôi ngoai trong những không gian cách biệt của sự sống và cõi chết. Banana rất giỏi trong việc xây dựng các hình tượng đồng cảnh ngộ. Điều này khiến tác phẩm luôn có chiều sâu và tạo cho người đọc cảm giác về một biến cố nào đó cứ dai dẳng, ám ảnh mãi, không dứt. Trong thiên truyện Bóng trăng, nỗi mất mát người yêu đâu chỉ riêng ở Satsuki. Phần trên ta đã biết về cậu em Hiigari. Thì nay lại có Urara cũng mang cùng nỗi mất mát. Chỉ có điều người kể không nói rõ nỗi mất mát của Urara là gì. Qua những đối thoại giữa Satsuki và Urara, ta có thể đoán được việc Urara tìm đến bên dòng sông đó là chỉ để chộp lấy cơ hội tiễn biệt một người bạn mà cái chết bất thình lình đã mang người đó đi xa. Giữa Satsuki và Urara có nỗi đau song trùng, nên họ dễ thông cảm nhau. Còn với người đọc, hai nhân vật này là cặp bổ khuyết: câu chuyện của Satsuki được kể rõ ràng, chuyện của Urara thì mờ khuất, chỉ để lộ chút ít đầu mối để người đọc suy đoán. Lối kể này đã tạo nên tính chất hư ảo, làm tăng thêm sự hư ảo từ câu chuyện cổ tích và sự hư ảo của cuộc sống thực tại. Xã hội công nghiệp (tai nạn do ô tô gây ra) có thể nghiền nát mọi thứ theo cái cách gây nên thảm họa cho các đôi tình nhân kia, nhưng rốt cuộc nó vẫn chẳng thể nào ngăn cấm tình yêu của họ, ngăn cấm sự tiếp xúc dẫu chỉ qua khoảnh khắc tựa giấc mơ. Nhà văn Nhật vốn có truyền thống sử dụng giấc mơ trong truyện kể. Ở phương diện này Kawabata là bậc thầy. Trong Tiếng rền của núi, Kawabata đã để ông lão Shingo chìm trong những giấc mơ. Mỗi lần mơ gợi nhắc về những cảnh mộng xưa cũ đau đáu, đầy nuối tiếc. Về sau, khi cần gia tăng thêm tính mơ hồ, huyền ảo cho truyện, Murakami lẫn Banana đều sử dụng kỹ thuật này. Giấc mơ, theo Freud là con đường dẫn lối vào vô thức, nơi dày đặc bóng tối phức cảm, nơi con người chỉ có thể cảm nhận, linh giác về nó chứ chưa thể hiểu rõ. Dùng các giấc mơ, nhà văn như tái tạo lại một không gian chìm dưới không gian, một lối đi lồng trong bao lối đi khác, để khiến người đọc có dụng công bao nhiêu, cũng chỉ có thể suy đoán được đôi phần. Lối kể mơ hồ này luôn tỏ ra hữu hiệu trong việc tạo nên tính đa nghĩa cho văn bản. Bởi những giấc mơ của con người thì luôn khó đoán định và nó có gốc rễ đâu đó từ sâu trong cõi u tối của hồn người. Banana rất khéo khi sử dụng giấc mơ để giải quyết cái điều mà nếu không mơ thì nhân vật Nghệ thuật kể chuyện trong Kitchen của Banana Yoshimoto 61 chẳng thể nào thực hiện được. Việc Hiigari mặc váy cô người yêu đã mất như một biểu hiện của tình yêu bền vững, bất chấp mọi lời can ngăn kể cả của cha mẹ cô bạn đó. Nhưng chẳng cứ để một cậu trai suốt đời mặc váy đến trường? Cái tôi của cậu ta cần được tôn trọng, nhưng chẳng thể đến mức bất chấp mọi đạo lý ở đời. Nhưng để thuyết phục Hiigara từ bỏ việc mặc váy là không thể. Vậy nên, nhân cái chuyện các chiều không gian và thời gian bị xô lệch và trùng nhau trong ngày Thất tịch đó, người kể đã để cho bạn gái Hiigari xuất hiện lấy đi bộ váy áo đồng phục. Một lối hư cấu rất Nhật nhưng đồng thời cũng rất huyền ảo kiểu Marquez. Và thế là Hiigari cũng đã chia tay với người bạn một cách đàng hoàng và vợi bớt nỗi đau mất mát. Như thế có thể thấy cái đích của việc miêu tả thảm họa của Banana là để hướng đến sự vượt thoát, để nhân vật được sống đúng nghĩa con người. Giống nhiều nhà văn lớn khác trên thế giới như Ernest Hemingway hay Kenzaburo Oe, Banana để nhân vật của mình đối đầu với bất hạnh để hòng tìm lối thoát qua bất hạnh. Việc để con người đương đầu với bi kịch cuộc đời, chẳng qua là để khẳng định hơn những giá trị làm người. Cuộc sống với muôn vàn cạm bẫy không thể ngăn con người chùn bước mà chỉ khiến họ bước nhanh hơn đến cái đích cao đẹp của cuộc đời. Banana đã tạo nên một lối kể chuyện “tôi” đặc thù. Nhân vật người kể này vừa quan sát thế giới bên ngoài vừa theo dõi chính bản thân họ. “Tôi” của Banana hấp dẫn người đọc ở chỗ luôn thẳng thắn với bản thân vào thế giới xung quanh. Vì lẽ đó, lối kể luôn tạo độ tin cậy và khá nhất quán trong các tiểu thuyết của Banana. Nữ văn sĩ luôn có xu hướng vừa kể vừa nêu cảm nhận của mình về sự việc. “Tôi” trong Vĩnh biệt Tuguni [5] nhận định về chuyện ly biệt, “Đó là một công việc lấp lánh đẹp nhưng đau lòng. Nó rất giống sóng biển. Tuy khó lẫn tránh nhưng sự ly biệt thông thường cũng không hẳn là bất hạnh. Hễ bất chợt dừng lại ở bất cứ chỗ nào khi dọn dẹp lúc chia ly, ta sẽ biết được không phải là nỗi cực khổ mà là thứ tình cảm đớn đau, hồi hộp đang không ngừng dâng lên trong lòng” [3;tr.33]. Cái cách kể lưỡng phân này luôn tạo điều kiện để người đọc soi chiếu vấn đề ở nhiều góc độ. Nó tạo nên một sự bừng ngộ nhất định ở những phiến đoạn trần thuật: “Nhìn thấy hình dáng cánh tay của bố từ khuỷu tay xuống phía dưới rất giống mình, đột nhiên tôi sững sờ. Vừa thoa kem chống nắng tôi vừa nghĩ quả nhiên cái người không thể lẫn vào đâu kia là bố tôi thật” [3;tr.117]. Hạnh phúc nho nhỏ của gia đình bé nhỏ ấy luôn trong xu thế không bền vững. Khoảng khắc bên nhau ngắn ngủi của họ luôn hàm ần những đỗ vỡ, chia lìa: “Bố từ chối ngay cả việc để “biển” len vào trong những khoảng thời gian hạnh phúc của gia đình chúng tôi. Dường như bố sợ sự yên bình nhỏ nhoi của gia đình chúng tôi sẽ tan biến trong đám đông náo nhiệt, uể oải, chói chang nắng nơi bãi biển lúc trưa hè” [3;tr.115]. Ngay đến cả lời dạy của người bố thỉnh thoảng qua nhà dành cho cô con gái yêu vẫn cho thấy một cái tôi không chắc với những gì mình đã có: “Tình yêu là cái mà khi ta nhận ra thì ta đã trót làm rồi, dù ở tuổi nào cũng thế. Nhưng nó được phân chia rõ ràng thành loại có thể nhìn thấy và loại không nhìn thấy được kết cục, điều đó thì bản thân mình chắc chắn là hiểu rõ nhất. Trường hợp không nhìn thấy được là dấu hiệu của một tình yêu lớn đấy nhé” [3;tr.124]. Cái tôi của cô con gái, song trùng với cái “tôi” người kể đã tạo nên những vang vọng vừa ngọt ngào trước tình phụ tử vừa vẽ lên viễn cảnh bất trắc của những điều chưa thể đoán định trong tương lai. 3. Kết luận Có thể nói, Banana là nhà văn của những thảm họa hậu hiện đại. Phong cách của Banana trẻ trung nhưng đầy suy vấn về cuộc đời. Nữ sĩ viết về những mất mát trong cuộc đời, sự chống chếnh của những mảnh đời cô độc luôn khao khát được dung hòa, nhưng kết cục thì mọi sự gặp gỡ, dung hòa đều tiểm ẩn những mất mát chia lìa. Người kể không hề nhắc đến những sự kiện xã hội to lớn, tất cả chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp của đôi ba người trong một gia đình nhỏ bé, nhưng dấu ấn thời đại luôn hằn sâu. Sự tối giản trong bút pháp đó đã mang đến hiệu quả thật bất ngờ. Đào Thị Thu Hằng 62 Người đọc ngay tập tức được đặt vào tình huống chiêm nghiệm và câu chuyện lẽ ra là của nhân vật, của người kể, thì nay lại có phần nhất định cho người đọc. Một sự để ngỏ, lôi cuốn diệu kì, đầy nữ tính của Banana. Xuất hiện như cây bút đầy tiềm năng, Banana cùng Murakami Haruki và Ryu Murakami tạo nên một bộ ba nhà văn Nhật đương đại có sức khuynh đảo văn đàn thế giới bậc nhất. Họ tạo nên những mạch truyện và mạch đọc đặc sắc, vừa mang tính cá biệt của người Nhật, đồng thời hướng đến tính quốc tế. Tác phẩm của họ đã đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của nhiều nền văn hóa đọc khác nhau. Dẫu tầm ảnh hưởng có thể khác nhau, nhưng mỗi một cây bút này đã tạo nên dấu ấn riêng, khó phai mờ trong lòng người đọc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Yuji Oniki, Banana Yoshimoto’s Brand New Era, https://web.archive.org/ [2] Murakami Fuminobu, 2005. Postmodern, Feminist and Postcolonial Currents in Contemporary Japanese Culture. Routledge, New York, p.59. [3] Banana Yoshimoto, 2006. Kitchen, Lương Việt Dzũng dịch. Nxb Hội nhà văn. [4] Murakami Fuminobu, 2005. Postmodern, Feminist and Postcolonial Currents in Contemporary Japanese Culture. Routledge, New York, p. 61. [5] Yoshimoto Banana, 2007. Vĩnh biệt Tuguni, Vũ Hoa dịch. Nxb Đà Nẵng. ABSTRACT The narrative art in Kitchen by Yoshio Banana Dao Thi Thu Hang Department of Journal & Technology and Sciences Information Banana Yoshimoto is a modern Japanese woman writer known for her calm and profound narrative art. Kitchen is mild and soulful; however, from that style, the personal life which was iconic for its current trend was precisely depicted. Loneliness, emphasis on twist of emotions, gender-relating stories, and the grit with archetype motif were respectively narrated with the simplified narrative style but thought-provoking purposes.Kitchen should be read in order to understand Banana's contribution to Japanese and international modern literature. Keywords: Narrative art, Kitchen, Yoshio Banana.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf5195_7_dao_thu_hang_8683_2123684.pdf
Tài liệu liên quan