Tài liệu Một trường hợp viêm mô mỡ và hội chứng thực bào máu: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 1 * 2017
50
MỘT TRƯỜNG HỢP VIÊM MÔ MỠ VÀ HỘI CHỨNG THỰC BÀO MÁU
Lê Thái Vân Thanh*, Trần Thị Thúy Phượng*, Huỳnh Nguyễn Mai Trang*, Phạm Thị Kim Ngọc*,
Văn Thế Trung*
TÓM TẮT
Viêm mô mỡ thực bào (cytophagic histiocytic panniculitis, CHP) là do sự thấm nhập vào lớp mỡ dưới da các
tế bào lympho T và mô bào thực bào có hình ảnh lành tính với biểu hiện các mảng cứng hoặc cục dưới da có thể
diễn tiến thành loét. Sang thương chủ yếu tập trung ở chi, thân mình với màu sắc và kích thước đa dạng. Viêm
mô mỡ do thực bào có thể là một bệnh đơn độc nhưng cũng có thể kèm theo các biểu hiện hệ thống như sốt, gan
lách hạch to, rối loạn chức năng gan, giảm các dòng tế bào máu, rối loạn đông máu... Theo nhiều báo cáo lâm sàng,
việc điều trị CHP chủ yếu bằng glucocorticoid toàn thân kết hợp với cyclosporin, kết hợp với kiểm soát nhiễm
trùng, bệnh lý ác tính nếu có và chăm sóc hỗ trợ. Ở đây chúng tôi báo cáo một bệnh nhân nữ 32 t...
6 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 12/07/2023 | Lượt xem: 245 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một trường hợp viêm mô mỡ và hội chứng thực bào máu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 1 * 2017
50
MỘT TRƯỜNG HỢP VIÊM MÔ MỠ VÀ HỘI CHỨNG THỰC BÀO MÁU
Lê Thái Vân Thanh*, Trần Thị Thúy Phượng*, Huỳnh Nguyễn Mai Trang*, Phạm Thị Kim Ngọc*,
Văn Thế Trung*
TÓM TẮT
Viêm mô mỡ thực bào (cytophagic histiocytic panniculitis, CHP) là do sự thấm nhập vào lớp mỡ dưới da các
tế bào lympho T và mô bào thực bào có hình ảnh lành tính với biểu hiện các mảng cứng hoặc cục dưới da có thể
diễn tiến thành loét. Sang thương chủ yếu tập trung ở chi, thân mình với màu sắc và kích thước đa dạng. Viêm
mô mỡ do thực bào có thể là một bệnh đơn độc nhưng cũng có thể kèm theo các biểu hiện hệ thống như sốt, gan
lách hạch to, rối loạn chức năng gan, giảm các dòng tế bào máu, rối loạn đông máu... Theo nhiều báo cáo lâm sàng,
việc điều trị CHP chủ yếu bằng glucocorticoid toàn thân kết hợp với cyclosporin, kết hợp với kiểm soát nhiễm
trùng, bệnh lý ác tính nếu có và chăm sóc hỗ trợ. Ở đây chúng tôi báo cáo một bệnh nhân nữ 32 tuổi bị viêm mô
mỡ dưới da trong bệnh cảnh hội chứng thực bào máu.
Từ khóa: viêm mô mỡ thực bào, hội chứng thực bào máu, thấm nhập tế bào thực bào trong mô mỡ
ABSTRACT
A CASE OF PANNICULITIS WITH HEMOPHAGOCYTIC LYMPHOHISTIOCYTOSIS
Le Thai Van Thanh, Tran Thi Thuy Phuong, Huynh Nguyen Mai Trang, Pham Thi Kim Ngoc,
Van The Trung* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 21 - No 1 - 2017: 50 - 55
Cytophagic histolytic panniculitis (CHP) is characterized by infiltration of subcutaneous adipose tissue with
benign-appearing T lymphocytes and phagocytic histiocytes and manifested with plaques or nodules which may
become ulcer. The lesions, which vary in sizes and colors, most appear on extremities and trunk. CHP may be an
isolated skin disease or associated with systemic features such as fever, hepatosplenomegaly, liver dysfunction,
pancytopenia, coagulopathy... According to clinical case studies, treatment of CHP were based on systemic
glucorticoid combined with cyclosporine, supportive care, manage potental infection as well as screening for
underlying malignancies. We report here a case of 32 y.o female patient with panniculitis related to HLH.
Key words: Cytophagic histolytic panniculitis, hemophagocytic lymphohistiocytosis, subcutaneous
phagocytic infiltration
ĐẠI CƯƠNG
Viêm mô mỡ thực bào (cytophagic histiocytic
panniculitis CHP) được mô tả đầu tiên năm
1980, là một thể lâm sàng hiếm gặp của bệnh lý
viêm mô mỡ, với tổn thương mô học đặc trưng
là sự thấm nhập vào lớp mỡ dưới da các tế bào
thực bào lành tính(8). Sang thương da thường là
mảng cứng hoặc các cục dưới da, thường tập
trung chủ yếu ở chi, thân mình, màu sắc và kích
thước đa dạng, có thể diễn tiến thành loét, rỉ
dịch. Viêm mô mỡ do thực bào có thể chỉ biểu
hiện sang thương ở da, hoặc kèm theo các triệu
chứng hệ thống như sốt, gan lách hạch to, giảm
các dòng tế bào máu, rối loạn chức năng gan, rối
loạn đông máu...(2). Đã có hơn 40 ca viêm mô mỡ
do thực bào đã được báo cáo, đa số ở người lớn.
Viêm mô mỡ thực bào có thể liên quan đến
những bệnh lý lành tính và ác tính như
lymphoma tế bào T dạng viêm mô mỡ (SPTL) và
có thể kết hợp với hội chứng thực bào máu. Hội
chứng thực bào máu là một rối loạn hiếm gặp
liên quan đến sự hoạt hóa bất thường các tế bào
T và tế bào giết tự nhiên dẫn đến sự gia tăng
lượng lớn cytokin trong máu, mất sự kiểm soát
* Bộ môn Da Liễu Đại Học Y Dược tp. Hồ Chí Minh
Tác giả liên lạc: TS. Lê Thái Vân Thanh ĐT: 0903774310 Email: chamsocdadhyd@gmail.com
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 1 * 2017 Nghiên cứu Y học
51
các đại thực bào, đưa đến sự thực bào quá mức
trong hệ thống võng nội mô. Đa số hội chứng
thực bào máu là nguyên phát, liên quan gia đình,
do đột biến gen tổng hợp peforin, một tỉ lệ nhỏ
hội chứng thực bào máu thứ phát do nhiễm
trùng hay nguyên nhân ác tính. Chẩn đoán và
điều trị hội chứng thực bào máu được thực hiện
theo hướng dẫn của Histiocyte Society(9). Điều trị
viêm mô mỡ do thực bào chủ yếu dựa vào kinh
nghiệm lâm sàng và báo cáo trường hợp ca và
cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức
về điều trị. Glucocorticoid kết hợp với
Cyclosporin thường được lựa chọn đầu tiên, kết
hợp với kiểm soát nhiễm trùng, bệnh lý ác tính
nếu có và chăm sóc hỗ trợ.
CA LÂM SÀNG
Bệnh nhân (BN) nữ 32 tuổi, bệnh 7,5 tháng.
Đầu tiên da BN nổi nhiều cục và mảng đỏ sưng
nề, hơi đau ở bụng, lưng. Bệnh nhân khám ở
bệnh viện da khoa và được thực hiện sinh thiết
cho kết quả là bướu mỡ. Bệnh nhân không được
điều trị gì đặc hiệu. Khoảng 1 tháng sau, thương
tổn lan rộng và nổi nhiều thêm ở cánh tay, cẳng
tay, mông đùi. Một số thương tổn ở bụng trợt
loét. Lúc này, BN có triệu chứng mệt mỏi ăn
uống kém, sốt nhẹ về chiều. BN được chụp X
quang, soi cấy đàm, cấy dịch sang thương và
được điều trị theo phác đồ kháng lao trong 5
tháng nhưng sốt vẫn liên tục 38 – 38,5°C kèm sụt
cân 6 kg và đặc biệt sang thương da chẳng
những không giảm mà còn diễn tiến thêm tình
trạng loét và rỉ dịch nên đến khám và nhập viện
Bệnh viện Da Liễu.
Qua thăm khám lâm sàng, chúng tôi ghi
nhận bệnh nhân có sốt 38,5°C, tổng trạng mệt
mỏi, da niêm nhạt, gan 2 cm dưới bờ sườn, lách
to độ 2. Hạch bẹn, hạch nách, hạch cổ không sờ
chạm. Sang thương da là các cục, mảng hồng
ban màu đỏ sậm, tẩm nhuận, sờ nóng, bóp đau,
sưng nề, giới hạn tương đối rõ, bề mặt tróc vảy
nhẹ, tập trung chủ yếu ở vùng hông lưng, bụng,
mông, đùi và cẳng tay, cẳng chân 2 bên. Bên
cạnh đó, 2 vết loét lớn (10x 10 cm) ở cẳng tay có
dịch mủ, đóng mài vàng với vùng da viêm đỏ
xung quanh. Ngoài ra, không phát hiện triệu
chứng bất thường về tim, phổi
Kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng
giảm bạch cầu và hồng cầu, cụ thể bạch cầu là
2,52 x 109/l, neutrophil 1,77 x 109/l, và hồng
cầu là 2,93 x1012/L, hemoglobin 7,2 g/dl. Trong
khi đó, tiểu cầu không giảm với số lượng là
301 x 109/L. Xét nghiệm men gan cho thấy AST
là 223,71 IU/L, ALT là 37,42 U/L; ferritin là
36914,95 ng/ml; triglycerides là 3,11 mmol/L;
bilirubin toàn phần là 20,04 µmol/L, bilirubin
trực tiếp là 8,62 µmol/L; CRP là 58,67. Siêu âm
bụng ghi nhận gan lách to. Tủy đồ cho thấy có
histiocyte thực bào tiểu cầu, hồng cầu trưởng
thành, hồng cầu nhân và có hiện tượng tăng
mẫu tiểu cầu và tăng hồng cầu. Điện di
hemoglobin cho thấy HbA chiếm 96,7%, HbA2
chiếm 3,3 %. Các xét nghiệm tầm soát nguyên
nhân hội chứng thực bào máu như ANA, anti
ds DNA trong giới hạn bình thường và LE
cell, HBsAg, anti HCV, anti HAV đều cho kết
quả âm tính. Các xét nghiệm về vi trùng như
cấy máu, cấy dịch sang thương da đối với vi
trùng thường và Mycobacterium sp, soi BK
đàm 3 ngày liên tiếp đều âm tính. Ngoài ra, X
quang ngực thẳng không cho hình ảnh bất
thường. Chúng tôi thực hiện sinh thiết sang
thương da, kết quả cho thấy lớp thượng bì
tăng sản nhẹ, trong mô bì có thâm nhiễm viêm
gồm lympho bào, tế bào dạng biểu mô và mô
bào rải rác. Quanh mô mỡ dưới da có hiện
tượng hoại tử các tế bào mỡ như mất vách liên
tế bào, tạo các khoảng trắng không bắt màu.
Bệnh nhân đáp ứng đủ 5/8 tiêu chuẩn chẩn
đoán hội chứng thực bào máu của Histiocyte
Society(9), bao gồm: (1) sốt cao liên tục trên 38,5oC
trong hơn 7 ngày, (2) lách to, (3) tăng triglyceride
máu trên 3mmol/l, (4) tăng ferritin > 500 ng/mL,
(5) tế bào và mô học: hình ảnh đại thực bào thực
bào tế bào máu trong tủy xương. Bệnh nhân có
thương tổn da là cục dưới da, cứng chắc, bề mặt
là hồng ban, tăng sắc tố ở bụng, lưng, cẳng tay,
cẳng chân đi kèm với các triệu chứng tổng quát
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 1 * 2017
52
như sốt kéo dài, gan lách to, cận lâm sàng cho
thấy có một tình trạng thực bào ở tủy xương,
giảm 2 dòng tế bào máu, tăng ferritin và rối loạn
lipid máu phù hợp với chẩn đoán viêm mô mỡ
thực bào. Sinh thiết tổn thương cũng ủng hộ
viêm mô mỡ với kết quả viêm mô mỡ, hoại tử
các tế bào mỡ, phù hợp với chẩn đoán viêm mô
mỡ thực bào.Bệnhnhân được điều trị với
Corticoid uống 0,75 mg/kg và chăm sóc tại chỗ
(Castellani bôi). Trong quá trình nằm viện, BN
sốt liên tục 38,5 – 39,5°C, mệt mỏi, sang thương
da giảm đỏ, vết loét ở cẳng tay khô, đóng mài.
BÀN LUẬN
Viêm mô mỡ (panniculitis) là một thách
thức chẩn đoán cả với các bác sĩ da liễu và bác
sĩ giải phẫu bệnh. Một phần vì sự phong phú
về tên gọi của cùng một loại bất thường, phần
vì những nghiên cứu kĩ hơn về bệnh lý này đã
Hình 2: Sang thương cục nốt ở cẳng chân Hình 1: Sang thương ở cẳng tay
Hình 4: Giải phẫu bệnh: viêm mô mỡ dưới da Hình 3: Sang thương ở lưng
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 1 * 2017 Nghiên cứu Y học
53
phân chia những viêm mô mỡ làm nhiều loại
khác nhau chi tiết hơn với những tên gọi mới
khác nhau.Chưa có một hệ thống phân loại
nào được chấp nhận thống nhất sử dụng trên
thế giới. Tuy nhiên đứng trên quan niệm của
các nhà giải phẫu bệnh, phân loại hữu ích nhất
là phân loại theo dạng viêm mô mỡ tiểu thùy
hay viêm mô mỡ vách. Biểu hiện lâm sàng của
viêm mô mỡ do những nguyên nhân khác
nhau có thể rất giống nhau đó là những nốt
cục dưới da, cứng chắc, bề mặt hồng ban.
Viêm mô mỡ có nhiều dạng như hồng ban nút,
viêm mô mỡ hoại tử mỡ do tụy, viêm mô mỡ
chấn thương, hồng ban cứng Bazin, viêm mô
mỡ thực bào Chẩn đoán viêm mô mỡ cần
kết hợp giữa nhiều triệu chứng lâm sàng như
vị trí thương tổn, triệu chứng tổng quát, xét
nghiệm cận lâm sàng và các yếu tố dịch tễ.
Sinh thiết mẫu mô làm giải phẫu bệnh lý là
một yếu tố quan trọng giúp ích cho chẩn đoán.
Trong trường hợp chúng tôi báo cáo, viêm mô
mỡ được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm
sàng đặc trưng là những cục dưới da, cứng
chắc, bề mặt là hồng ban, tăng sắc tố ở bụng,
lưng, cẳng tay, cẳng chân. Sinh thiết tổn
thương cho kết quả viêm mô mỡ dưới da, hoại
tử các tế bào mỡ.
Viêm mô mỡ thực bào (cytophagic histiocytic
panniculitis) là một dạng viêm mô mỡ hiếm gặp.
Sinh lý bệnh của hiện tượng thực bào trong viêm
mô mỡ thực bào vẫn chưa rõ ràng. Một vài
cytokine được cho là liên quan đến sự hoạt hóa
đại thực bào gây nên hội chứng thực bào máu(6).
Lympho T trong viêm mô mỡ thực bào được
kích thích phóng thích những lymphokine hoạt
hóa đại thực bào(4). Điều này được chứng tỏ bằng
sự thâm nhiễm nhiều lympho T trong mô mỡ và
sự đáp ứng với điều trị bằng tác nhân ức chế
chức năng của tế bào T giúp đỡ (Th),
cyclosporine. Tuy nhiên những cytokine liên
quan cũng như hiện tượng khởi phát kích hoạt
lympho T chưa được tìm ra. Bệnh nhân viêm mô
mỡ do thực bào có ba diễn tiến lâm sàng khác
nhau, phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng chỉ khu
trú ở da hay nằm trong bệnh cảnh hội chứng
thực bào máu. Một vài bệnh nhân diễn tiến
nhanh và chết trong vòng 1 năm do nhiễm trùng
huyết, rối loạn đông máu và suy đa cơ quan. Một
số bệnh nhân khác diễn tiến thành từng đợt và
có thể sống trong vài năm. Các bệnh nhân còn lại
đáp ứng tốt với điều trị và có thể sống như
người bình thường(2).
Sang thương thường gặp nhất là những
mảng hay những nốt cục kích thước khác nhau,
phân tán hay hợp lại tạo thành mảng lớn cứng,
đường kính có thể lên đến 20cm. Những mảng
cục này thường xuất hiện ở chi nhưng cũng có
thể xuất hiện ở mông, thân, ngực, vai, cổ, mặt.
Da bên trên thương tổn có thể thay đổi từ màu
da bình thường, màu hồng đến màu đỏ, tím, đỏ
thẫm, chấm xuất huyết, mảng bầm máu hay tăng
sắc tố đi kèm với tróc vảy. Thương tổn có thể
bằng phẳng hoặc nhô cao, phân tán và giới hạn
rõ hoặc không đều, lan tỏa, mật độ có thể cứng,
mềm hoặc phập phều. Thương tổn xuất hiện
đơn độc hoặc rầm rộ và tồn tại, tiến triển trong
nhiều tuần hay nhiều tháng, có thể có loét ở một
vài bệnh nhân(2).
Những bệnh nhân có tiên lượng nặng, diễn
tiến đến tử vong thường đi kèm sốt trước, trong
hoặc sau khi khởi phát sang thương da. Những
triệu chứng tổng quát khác bao gồm những triệu
chứng về tiêu hóa như nôn, buồn nôn, đau bụng
khu trú hoặc lan tỏa, những triệu chứng về thần
kinh như đau đầu, rối loạn tri giác, ngủ gà, lờ đờ,
co giật, hôn mê, mệt mỏi, sụt cân, ho, khó thở,
đau ngực, đau khớp, đau cơ, sụt cân, run, đổ môi
hôi trộm. Khám lâm sàng thường gặp gan to,
lách to, hạch to, bất thường ở bụng (căng, đau,
bụng ngoại khoa) và tràn dịch thanh mạc. Tất cả
những triệu chứng này đều gặp trong hội chứng
thực bào máu. Những bệnh nhân với diễn tiến
lành tính hơn thì ít sang thương hơn, ít triệu
chứng tổng quát hơn, với hiện tượng thực bào
khu trú hơn và đáp ứng tốt với điều trị.
Các bất thường cận lâm sàng thường gặp bao
gồm: thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu, bất
thường men gan và giảm albumin máu, đông
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 1 * 2017
54
máu nội mạch lan tỏa, tăng lipid máu bao gồm
tăng đáng kể triglyceride máu. Suy gan tiến triển
thường đi kèm tăng bilirubin và vàng da. Triệu
chứng hạ canxi máu thường được để ý đến trong
một số trường hợp viêm mô mỡ thực bào tử
vong nhưng khi xét nghiệm ion canxi thường
bình thường. Giải phẫu bệnh sang thương cho
thấy tình trạng viêm mô mỡ tiểu thùy và vách,
thâm nhiễm mô bào và lympho bào. Mô bào
nằm giữa và xung quanh các tế bào mỡ, đôi khi
lót lòng các vi nang nhỏ trong mô mỡ, các đại
thực bào chứa hồng cầu, bạch cầu, và những
mảnh vỡ nhân. Những đại thực bào này có hoạt
động thực bào và được gọi là “bean bag cell”.
Hiện tượng hoại tử mỡ có thể thay đổi từ ít đến
nhiều, mạch máu cũng thay đổi bao gồm phù nề
thành mạch, tăng sinh màng mạch, dày động
mạch, hoại tử sợi và thâm nhiễm tế bào thành
mạch máu. những bất thường ở lớp bì gồm thâm
nhiễm viêm quanh mạch máu và phần phụ,
viêm, viêm mạch, hoại tử lan tỏa ở lớp bì sâu.
Hiện tượng thực bào cũng được tìm thấy ở gan,
lách, hạch và tủy xương, có thể ở phổi, đường
tiêu hóa, thanh mạc và mạc treo(2). Khi sinh thiết
sang thương viêm mô mỡ cần lấy mẫu sinh thiết
rộng và sâu lấy được lớp mỡ dưới da, có thể cần
thực hiện nhiều mẫu sinh thiết ở các vị trí sang
thương khác nhau và làm nhiều lần trong quá
trình bệnh để tìm hiện tượng thực bào trên mẫu
sinh thiết. Ở bệnh nhân của chúng tôi, bệnh
nhân được sinh thiết một lần, tuy chưa tìm thấy
hình ảnh thực bào nhưng hình ảnh sinh thiết có
hiện tượng hoại tử tế bào mỡ, thâm nhiễm tế bào
lympho phù hợp viêm mô mỡ. Cần thiết sinh
thiết lại để tìm hình ảnh thực bào ở mô mỡ. Các
triệu chứng đi kèm khác như sốt kéo dài, gan
lách to, cận lâm sàng cho thấy có một tình trạng
thực bào ở tủy xương, giảm 2 dòng tế bào máu,
tăng ferritin và rối loạn lipid máu giúp hướng
đến chẩn đoán viêm mô mỡ đi kèm hội chứng
thực bào máu.
Viêm mô mỡ dưới da được báo cáo ở một số
bệnh nhân hội chứng thực bào máu di
truyền(1,2,3). Hội chứng thực bào máu được chẩn
đoán dựa trên tiêu chuẩn HLH 04 bao gồm:
Di truyền phân tử xác định HLH (đột biến
perforin, đột biến MUNCI13-4, đột biến
syntaxin)
Có 5 trong 8 tiêu chuẩn sau:
Tiêu chuẩn chẩn đoán đầu tiên (HLH 1994)
Tiêu chuẩn lâm sàng:
(1) Sốt >38,5 độ C và trên 7 ngày.
(2) Lách to
Tiêu chuẩn xét nghiệm:
(3) Giảm 2 trong 3 dòng tế bào: Hb < 9
g/dL, Bạch cầu đa nhân trung tính giảm (<1.0x
109/L), tiểu cầu < 100 x109/L .
Có một trong hai đặc điểm:(4)giảm
fibrinogen máu ≤1.5g/L Hoặc (5)tăng triglyceride
máu khi đói >3.0 mmol/L (hay 265mg/dL)
Tiêu chuẩn giải phẩu bệnh:
(6) Có hiện tượng thực bào trong tủy hay
lách hay trong hạch. Không thấy dấu hiệu tủy
tăng sinh hay u ác xâm lấn tủy
B. Tiêu chuẩn chẩn đoán mới:
(7) Hoat lực của tế bào diệt tự nhiên
(natural killer) giảm hay mất
(8) Ferritin 500microgram/L.
(9) CD25 hoà tan(IL-2 receptor ) 2400
U/ml
Ở đây bệnh nhân của chúng tôi đủ tiêu
chuẩn để chẩn đoán hội chứng thực bào máu với
5/8 tiêu chuẩn đã đề cập ở trên.
Ngoài ra, viêm mô mỡ do thực bào còn liên
quan tới một số tình trạng khác như nhiễm
trùng, các bệnh lý tự miễn như lupus, viêm đa
khớp dạng thấp... và các bệnh lý ác tính, đặc biệt
là lymphoma tế bào T mô mỡ dưới da (SPTL) có
bệnh cảnh lâm sàng khá giống với viêm mô mỡ
do thực bào, cần được chẩn đoán loại trừ trước
khi tiến hành điều trị. SPTL có lâm sàng khá
giống với viêm mô mỡ thực bào, chẩn đoán
phân biệt dựa trên giải phẫu bệnh khác nhau ở
đặc điểm ác tính của lympho T, cũng như về dấu
ấn miễn dịch(4,5).
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 21 * Số 1 * 2017 Nghiên cứu Y học
55
Bàn về điều trị viêm mô mỡ do thực bào,
trước hết phải chẩn đoán loại trừ Lymphoma tế
bào T mô mỡ dưới da, có bệnh cảnh lâm sàng rất
giống viêm mô mỡ do thực bào, nhưng điều trị
hoàn toàn khác. Cho tới hiện nay, chưa có hướng
dẫn cụ thể điều trị viêm mô mỡ do thực bào, chủ
yếu điều trị theo kinh nghiệm và các trường hợp
báo cáo ca lâm sàng. Nếu viêm mô mỡ do thực
bào nằm trong bệnh cảnh hội chứng thực bào
máu thứ phát do nhiễm trùng, việc tìm và điều
trị tác nhân cho kết quả hồi phục khá tốt. Tuy
nhiên việc điều trị tác nhân nhiễm trùng không
đủ để giới hạn quá trình tiển triển nhanh của hội
chứng thực bào máu. Do đó, điều trị viêm mô
mỡ do thực bào cần giảm lượng cytokin trong
máu bằng các tác nhân ức chế miễn dịch và độc
tế bào với đích tác động là mô bào, đại thực bào
(corticosteroids, etopisode, IVIG), lympho T hoạt
hóa (corticosteroids, cyclosporin A). Các ca điều
trị thành công đến nay chủ yếu là điều trị với
prednisone, cyclosporin, và hóa trị kết hợp(2).
Theo Craig và cộng sự, phần lớn các ca viêm mô
mỡ do thực bào ban đầu biểu hiện ở da, tiến
triển thành hội chứng thực bào máu thì đáp ứng
khá tốt với liệu pháp ức chế miễn dịch nhưng
kháng với liệu pháp độc tế bào(4). Đối với hội
chứng thực bào máu không liên quan với viêm
mô mỡ, điều trị được thực hiện theo phác đồ
khuyến cáo của Histiocyte Society với các thuốc
etoposide, dexamethasone và cyclosporin.
Tóm lại đây là một trường hợp hiếm gặp
viêm mô mỡ thực bào tiến triển với đầy đủ các
triệu chứng của hội chứng thực bào máu, cần
được điều trị tích cực để giảm tỉ lệ tử vong.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ambruso DR, Hays T, et al. (1980), "Successful treatment of
lymphohistiocytic reticulosis with phagocytosis with
epipodophyllotoxin VP 16-213".Cancer, 45 (10), pp. 2516-20.
2. Aronson IK, Worobec SM (2010), "Cytophagic histiocytic
panniculitis and hemophagocytic lymphohistiocytosis: an
overview".Dermatol Ther, 23 (4), pp. 389-402.
3. Berard CW, Cooper RA, et al. (1966), "Disseminated
histiocytosis associated with atypical lymphoid cells
(lymphohistiocytosis)".Cancer, 19 (10), pp. 1429-37.
4. Craig AJ, Cualing H, et al. (1998), "Cytophagic histiocytic
panniculitis--a syndrome associated with benign and
malignant panniculitis: case comparison and review of the
literature".J Am Acad Dermatol, 39 (5 Pt 1), pp. 721-36.
5. Marzano AV, Berti E, et al. (2000), "Cytophagic histiocytic
panniculitis and subcutaneous panniculitis-like T-cell
lymphoma: report of 7 cases".Arch Dermatol, 136 (7), pp. 889-
96.
6. McClain K, Henter JI, et al. (2007), "HLH-2004: Diagnostic and
therapeutic guidelines for hemophagocytic
lymphohistiocytosis". Pediatr Blood Cancer, 48:124–131
7. Smith KJ, Skelton HG, et al. (1992), "Cutaneous
histopathologic, immunohistochemical, and clinical
manifestations in patients with hemophagocytic syndrome.
Military Medical Consortium for Applied Retroviral Research
(MMCARR)".Arch Dermatol, 128 (2), pp. 193-200.
8. Winkelmann RK, Bowie EJ (1980), "Hemorrhagic diathesis
associated with benign histiocytic, cytophagic panniculitis and
systemic histiocytosis".Arch Intern Med, 140 (11), pp. 1460-3.
Ngày nhận bài báo: 14/11/2016
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 17/11/2016
Ngày bài báo được đăng: 01/03/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- mot_truong_hop_viem_mo_mo_va_hoi_chung_thuc_bao_mau.pdf