Một số thể thơ trong thơ công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo) - Nguyễn Thị Kim Hồng

Tài liệu Một số thể thơ trong thơ công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo) - Nguyễn Thị Kim Hồng: 35 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0025 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 34-44 This paper is available online at MỘT SỐ THỂ THƠ TRONG THƠ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (KHẢO SÁT QUA NĂM TẬP CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO) Nguyễn Thị Kim Hồng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên Tóm tắt. Đức tin là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ tôn giáo. Cảm hứng về Đức tin thể hiện rất đa dạng, phong phú trong thơ tôn giáo, nó chi phối đến cách lựa chọn đề tài, chủ đề, hình ảnh, nội dung, ngôn ngữ... Để chuyển tải mạch cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của mình, các nhà thơ đã tìm tòi, sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau từ cách thức tổ chức ngôn ngữ, giọng điệu, đến sự lựa chọn thể thơ, lựa chọn các hình ảnh biểu tượng phù hợp. Bài báo này sẽ đi sâu tìm hiểu về sự lựa chọn các thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo, một bộ tuyển tập đồ sộ thơ Công giáo Việt Nam từ thế hệ của Hàn Mặc Tử đến...

pdf10 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 485 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số thể thơ trong thơ công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo) - Nguyễn Thị Kim Hồng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
35 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0025 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 34-44 This paper is available online at MỘT SỐ THỂ THƠ TRONG THƠ CÔNG GIÁO VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (KHẢO SÁT QUA NĂM TẬP CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO) Nguyễn Thị Kim Hồng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên Tóm tắt. Đức tin là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ tôn giáo. Cảm hứng về Đức tin thể hiện rất đa dạng, phong phú trong thơ tôn giáo, nó chi phối đến cách lựa chọn đề tài, chủ đề, hình ảnh, nội dung, ngôn ngữ... Để chuyển tải mạch cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của mình, các nhà thơ đã tìm tòi, sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau từ cách thức tổ chức ngôn ngữ, giọng điệu, đến sự lựa chọn thể thơ, lựa chọn các hình ảnh biểu tượng phù hợp. Bài báo này sẽ đi sâu tìm hiểu về sự lựa chọn các thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo, một bộ tuyển tập đồ sộ thơ Công giáo Việt Nam từ thế hệ của Hàn Mặc Tử đến nay. Từ khóa: Thể thơ, thơ Công giáo Việt Nam hiện đại. 1. Mở đầu Từ lâu, văn học Công giáo chủ yếu được biết đến nhiều ở lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt trong công cuộc hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ XX. Phần về thơ, quả thực còn ít được chuyên tâm tìm hiểu. Điều này đặt ra sự nghi ngại của các nhà nghiên cứu về sự tồn tại hay không tồn tại của một dòng thơ Công giáo Việt Nam, cũng như quá trình vận động, sức sống, và vị trí, ý nghĩa của thơ Công giáo trong lịch sử thơ ca dân tộc. Năm 2012, Có một vườn thơ đạo ra đời cho thấy có sự hiện hữu của một dòng thơ Công giáo Việt Nam trong lòng thơ ca dân tộc. Với vai trò tiên phong và đại diện của Hàn Mặc Tử, thơ Công giáo đã có những bước vận động phát triển nhất định. Dù khiêm nhường và có phần lặng lẽ, sự hiện diện của thơ Công giáo với những nét đặc sắc riêng đã góp phần ít nhiều trong việc làm phong phú hóa nền thơ ca Việt Nam. Và riêng đối với công cuộc hiện đại hóa thơ ca đầu thế kỉ XX, trong những tác động mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, không thể không có sự ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo thông qua các tác phẩm thơ. Đã có một số công trình nghiên cứu quan tâm về thơ Công giáo như Võ Long Tê (1965) nghiên cứu về Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam [13], Lê Đình Bảng (2009) đã sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm thi ca Công giáo [1-7], Trăng Thập Tự (2012a) tập hợp các công trình nghiên cứu về “thơ cầu nguyện” của Hàn Mặc Tử, tập hợp các bài viết về vấn đề tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử của nhiều nhà nghiên cứu như Phan Cự Đệ, Quách Tấn, LM. Trần Cao Tường... [14], Trăng Thập Tự (2012a) cũng đã dày công sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm thơ Công giáo từ thế hệ của Hàn Mặc Tử đến nay [14], Trăng Thập Tự (2012b) [15], Trăng Thập Tự (2012c) [16], Trăng Thập Tự (2012d) [17], Trăng Thập Tự (2015) [18], những bài viết đề cập đến vấn đề tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử như: Đạo và đời trong thơ Hàn Mặc Tử của Yến Lan; Quan niệm về thơ của Hàn Mặc Tử của Mai Văn Hoan; Sự nghiệp ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử của Quách Tấn; Con người trong thơ Hàn Mặc Tử của Nguyễn Thị Hồng Nam... được tập hợp trong công trình Hàn Mặc Ngày nhận bài: 1/2/2018. Ngày sửa bài: 29/3/2018. Ngày nhận đăng: 1/4/2018. Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Kim Hồng. Địa chỉ e-mail: nguyenkimhong504@gmail.com Nguyễn Thị Kim Hồng 36 Tử - thơ và đời do nhóm trí thức Việt thực hiện (2016) [11]. Lê Hồ Quang (2015) thực hiện công trình nghiên cứu phê bình thơ Việt Nam hiện đại và một số hiện tượng thơ đáng chú ý ở các giai đoạn khác nhau [12]. Công trình của Hoài Thanh, Hoài Chân (2005) [20], công trình của Nguyễn Toàn Thắng (2007) nghiên cứu về tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và những điểm đặc biệt về thi pháp thơ của nhóm thơ Bình Định [21]. Luận văn thạc sĩ nghiên cứu về Cảm hứng tôn giáo trong thơ Mới 1932 - 1945 của Nguyễn Thị Phương Thúy (2010) [22]. Công trình nghiên cứu về Cảm hứng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn của Mai Thị Thảo (2014) [19], Chu Thị Thu Hằng (2012) nghiên cứu về Cảm quan tôn giáo trong thơ Nguyễn Quang Thiều [10],.... Những công trình đã có là gợi ý quan trọng để chúng tôi thực hiện nghiên cứu về thơ Công giáo Việt Nam hiện đại về phương diện nội dung cũng như nghệ thuật. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu về hệ thống thể loại trong thơ Công giáo để làm rõ những đóng góp về phương diện nghệ thuật của thơ Công giáo đối với thi ca Việt Nam hiện đại. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Cách tân các thể thơ truyền thống Đức tin là yếu tố cốt lõi của một tôn giáo, thơ ca viết về tôn giáo không thể không viết về Đức tin. Đồng thời nhiều nhà thơ viết về tôn giáo đều theo đạo hoặc thấm nhuần tư tưởng của đạo mà họ đang quan tâm, ở họ sẵn có lòng mộ đạo, niềm tin tôn giáo luôn hiện diện trong tâm hồn của nhà thơ Công giáo, vì thế thơ như một phương tiện giãi bày cảm xúc về đức tin đó. Xét từ mối quan hệ giữa Đức tin tôn giáo và hoạt động sáng tạo thơ ca, có thể thấy, từ Phật giáo, Đạo giáo hay Thiên Chúa giáo, Đức tin của đạo luôn là nguồn cảm xúc mãnh liệt thôi thúc sự sáng tạo trong nghệ thuật. Thơ ca chính là phương tiện giãi bày những xúc cảm và khát vọng mãnh liệt về Đức tin của các nhà thơ. Mặt khác, trong thực tế cuộc sống, khi bế tắc con người thường tìm đến đức tin tôn giáo, dù là vô thức, nhằm giải thoát những ẩn ức. Sự phong phú trong cảm xúc về Đức tin của các nhà thơ Công giáo tất dẫn đến sự lựa chọn nhiều thể thơ. Quan sát 5 tập thơ Có một vườn thơ đạo, có thể thấy, không có nhà thơ nào chỉ sử dụng một thể duy nhất. Các nhà thơ sáng tác đa dạng trên tất cả các thể thơ, từ các thể thơ truyền thống đến các thể thơ hiện đại. Qua khảo sát, thống kê, chúng tôi thấy có các thể thơ như thể bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát, song thất lục bát, đường luật, thơ hợp thể, thơ tự do, kịch thơ, thơ văn xuôi, trường ca. Như vậy, trong hàng ngũ các thể thơ, có sự hiện diện của các thể thơ truyền thống (bao gồm các thể: Đường luật, lục bát, song thất lục bát) và loại hình câu thơ truyền thống (xuất hiện trong các thể hiện đại: 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ và dạng hợp thể). Ở phương diện này, thơ đạo đã không hoàn toàn “đoạn tuyệt” với thơ truyền thống mà luôn có sự kế thừa và phát huy trên cơ sở cách tân, sáng tạo. Xuất hiện khá phổ biến là thể lục bát. Nhìn chung, thể lục bát trong thời kì mới đã được khai thác theo hướng hiện đại hóa, từ nội dung đến hình thức. Rất nhiều nhà thơ đạo đã hơn một lần tìm đến thể thơ này để sáng tác, tiêu biểu như: Lê Đình Bảng, Nghinh Nguyên, Xuân Ly Băng, Trần Văn Thi, Vũ Ngọc Bích, Long Giang Tử, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Quốc Dũng, Liễu Giang.... Quan sát các bài thơ lục bát của các tác giả trên có thể thấy, thể lục bát đã khai thác được tối đa khả năng trữ tình và tự sự của thể thơ để diễn tả dòng cảm xúc rất mới: cảm xúc về Đức tin Thiên Chúa. Nhà thơ Hồ Dzếnh rất khéo léo khi lồng tình yêu đôi lứa vào không khí giáo đường với lời kinh vấn vương, với âm thanh chuông nhà thờ vang vọng... Vẻ huyền hồ của tôn giáo, của Đức tin càng làm cho tình yêu lứa đôi trở nên nhiệm màu: Em ạ quê ta tháp giáo đường/ Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông/ Ai đi xem lễ tôi đi với/ Gió đạo lời kinh tỏa vấn vương/ Đêm giáng sinh này em ở đâu/ Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu/ Ước chi sống lại thời xưa nhỉ/ Để trẻ ra và để hẹn nhau (Hoa mẫu đơn - Hồ Dzếnh). Thơ lục bát của Nghinh Nguyên lại đầy khắc khoải, chơi vơi trên hành trình tìm Chúa: Tôi tìm tôi giữa chợ đời/ Thấy mình phiêu dạt, chơi vơi lạc loài/ Cố vươn xa cõi trần ai/ Đi tìm thượng đế - bóng ngài cao xa (Tôi tìm). Cái tôi thi nhân có lúc cô đơn, mong mỏi kiếm tìm Một số thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo) 37 những nguồn cậy trông: Mẹ ơi! chiều đã xuống rồi/ Lòng con trống lạnh giữa đời đơn côi/ Hồn con - thuyền nhỏ biển khơi/ Phong ba bão táp biết đời về đâu/ Cậy trông ơn mẹ nhiệm mầu/ Giúp con vượt thoát nỗi đau lạc loài/ Giúp con những phút mệt nhoài/ Vững tin tiến bước hăng say tìm về/ Giúp con vượt thoát đam mê/ Cho con vững bước tiến về nhà Cha (Cho con vững bước - Nghinh Nguyên),... Nhịp điệu của câu thơ lục bát trên được thể hiện hoàn chỉnh qua hai dòng thơ, sự kết hợp của vần chân và vần lưng và được gieo ở số từ chẵn tạo nên cho thể thơ này một âm hưởng và nhịp điệu riêng. Trong thể lục bát, vần chân và vần lưng bao giờ cũng hiệp vần với thanh bằng nên nhịp điệu chung của câu thơ lục bát thường nhẹ nhàng, uyển chuyển và ngân vang. Thơ lục bát, vì thế, rất có ưu thế trữ tình trong phô bày cảm xúc. Các nhà thơ Công giáo đã khai thác tối đa thế mạnh này của thể thơ nhằm diễn tả những nỗi buồn mơ hồ kéo dài, những tình cảm bâng khuâng thương nhớ: Hồn chiều lên ý não nề/ Buồn ơi! Xa vắng, đê mê là buồn/ Bỗng nghe một tiếng chuông buông/ Xa xôi tự tháp thánh đường nào đây (Chuông chiều - Xuân Ly Băng); những suy tư của con người trước cuộc đời hư vô, sự ý thức về cuộc đời hữu hạn và thân phận cát bụi, nhỏ nhoi của con người trong trần thế: Từ con tỉnh giấc mê đời/ Sầu thôi sắc tím xanh ngời bình yên/ Thoảng về trận gió siêu nhiên/ Bừng cơn ảo mộng ngả nghiêng đền đài/ Phù du trọn kiếp trần ai/ Triền miên một thưở đọa đày tấm thân/ Ngẫm suy nửa kiếp nhân trần/ Hồng ân tuôn đổ mở dần từ tâm (Cười - Nguyễn Kim Lệ); cùng những khát vọng mạnh mẽ về Đức tin, về thế giới Thiên đường, về cõi thiên thu của các tín đồ Thiên Chúa: Hoa đời tan tác cánh nhung/ Từng chiều lặng lẽ thẹn thùng nỗi đau/ Trần gian xơ xác một màu/ Bởi vòng tục lụy ngọt ngào bùa mê... Tôi ơi dừng bước ruổi rong/ Tin yêu về với tình nồng thiên thu (Về với tình nồng - Cao Huy Hoàng). Bên cạnh khả năng trữ tình, thể lục bát cũng rất mạnh về tự sự. Với khả năng “kể chuyện” bằng thơ cùng đặc điểm dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng quần chúng, thể lục bát rất có ưu thế trong việc “thi hóa Thánh kinh”. Các nhà thơ đạo đã tận dụng tối đa ưu điểm của thể thơ để chuyển tải nội dung giáo lí, kinh bổn, điều răn. Từ đó những bài giáo huấn khô khan khó hiểu trong Kinh thánh lại trở nên dễ tiếp nhận hơn với đông đảo con chiên. Có thể bắt gặp khá nhiều trong thơ đạo những câu chuyện bằng thơ sống động như: Bài giảng trên núi, Dụ ngôn người gieo giống, Hồn tôi lên tiếng, Trên đường rao giảng, Tâm niệm, Tổng kết (Long Giang Tử), Tiệc cưới Cana, Phép lạ hóa bánh lần đầu, Đức Mẹ dưới chân Thánh giá, Chúa trối Đức Mẹ cho Gioan, Chúa than thở, Chúa kêu khát, Chúa trút linh hồn, Đức Mẹ khóc con, Chúa lên trời (Nguyễn Xuân Văn), Pharông tuyên bố tha về, Dân oán trách Mosê, Trên đường hồi hương qua biển Đỏ (Cao Vĩnh Phan), một số bài Thánh vịnh của Gérard Gagnon Nhân, Năm sự vui, Năm sự sáng (Võ Ngọc Bích); ... Trong số này, đặc biệt nổi bật tác phẩm Sứ điệp tình thương của tác giả Nguyễn Văn Xuân với 9764 câu thơ lục bát. Đây là một nỗ lực lớn của nhà thơ trong việc thực hiện diễn ca toàn bộ Tin mừng. Không dừng lại ở đó, các nhà thơ đạo còn tìm cách thay đổi một số yếu tố thi pháp thơ lục bát nhằm tìm một hình thức biểu đạt mới mẻ cho vấn đề Đức tin. Nhà thơ Vũ Đức Trinh tìm cách tách đôi cú pháp câu thơ bằng dấu chấm câu giữa dòng: Đượm hương nhân đức Chúa trời/ Thanh cao, siêu thoát. Cõi đời hay không (Hương sắc cao thiêng). Nhà thơ cố tình kết bài lục bát bằng một câu lục như một lời gọi thiết tha: Lặng nghe chuông đổ mỗi chiều/ Lá vàng tuôn rụng hắt hiu vườn nhà/ Tiếng chuông trong gió ngân nga/ Âm thanh rút ngắn đời ta dần dần/ Rồi đây chuông vẫn còn ngân/ Thân em khuất dạng khỏi sân khấu đời/ Tìm về với Chúa em ơi! (Trong tiếng chuông). Nhà thơ Lê Đình Bảng viết khá nhiều lục bát. Ở thể loại này, nhà thơ cũng vận dụng nhiều thủ pháp như chấm câu giữa dòng, tạo câu vắt dòng, dấu chấm lửng giữa những câu thơ: Ta nhìn trong mắt em xanh/ Hoa xoan tim tím, mỏng manh. Ô kìa/ Ở nơi vòm cửa bên kia/ Có đôi chim mới tha về cọng rơm (Vào đền lễ hương), Thế rồi... một sớm heo may/ Em đi vẫy những bàn tay vô hồn (Vượt qua),... Lục bát của Nguyễn Văn Ái lại có cách ngắt câu thơ rất mới lạ: Sáng danh Nguyện sớm kinh chiều Mân côi lần chuỗi Nguyễn Thị Kim Hồng 38 Tín điều tạc ghi Xưa vâng Thiên ý Một thì Yêu là cõi phúc Đền nghì tình ai Thủy chung về nước Ba Ngôi Yêu là hơi thở của trời Bén duyên linh khí An vui Thánh tình (Tạc ghi – Nguyễn Văn Ái) Những hình thức biểu hiện mới lạ này tạo ấn tượng âm thanh và thị giác mạnh mẽ cho người đọc, từ đó chuyển tải hữu hiệu dòng cảm xúc về tình đạo, tình đời. Cùng với thể lục bát, thể thơ song thất lục bát cũng xuất hiện trong vườn thơ đạo, dù không nhiều. Cũng như thể lục bát, song thất lục bát được nhiều nhà thơ khai thác khả năng tự sự vốn có của thể loại nhằm thực hiện sứ mệnh “truyền tin”, tiêu biểu là các tác phẩm: Giáng sinh, Rao giảng nước trời, Dụ ngôn nước trời, Bữa tiệc ly, Cầu nguyện một mình (Phạm Đình Tụng),... Thể song thất lục bát còn có ưu thế trữ tình trong việc biểu tỏ dòng tâm trạng u uất, sầu thương được tạo nên từ nhịp điệu của hai câu thất và cặp câu lục bát. Một số nhà thơ đạo đã tìm thấy sự đồng điệu ở đặc điểm này của thể thơ, vận dụng nó vào giãi bày dòng cảm xúc uất hận, nghẹn ngào: Ôi đau xót tái tê tủi hận/ Quảng đời chiều lủi thủi mình em/ Lần theo bước của con tim/ Tìm anh trong cõi vô biên vĩnh hằng ... Duyên trần đứt từ đây anh nhé/ Hội thiên đàng ta sẽ gặp nhau (Khóc bạn trăm năm - Maria Ngọc Minh), Hãy nghe tiếng tôi kêu, hỡi Chúa!/ Xin lắng tai nghe tỏ lời tôi/ Từ nơi cùng đất cuối trời/ Tôi kêu cầu Chúa rã rời tâm can (Kẻ lưu đày khẩn nguyện - Mai Lâm). Số ít bài thơ mang cảm hứng tụng ca, ngợi khen của Đức Maria cũng vận dụng thể song thất lục bát nhưng không nhiều. Thể Đường luật - một thể thơ điển hình của loại hình thơ cổ điển, với niêm luật, vận đối hết sức chặt chẽ, quy phạm vẫn hiện diện trong “vườn thơ đạo” dù số lượng rất ít. Đó những bài thơ đầu tiên trong nghiệp thơ của Hàn Mặc Tử, cảm quan tôn giáo của nhà thơ lúc này còn mờ nhạt. Một số nhà thơ lớn tuổi sau 1975 cũng vận dụng thể Đường luật nhằm bày tỏ những chiêm nghiệm cuộc đời, chiêm nghiệm Đức tin, tuy nhiên số bài thơ này khá khuôn sáo về hình thức và nội dung. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp vài bài Đường luật có thi tứ: Tinh tú bay - Nguyễn Văn Ái, Phút nhiệm màu - Vũ Đan Thanh. Như vậy, có thể thấy, trong sự lựa chọn thể loại biểu đạt thích hợp dòng cảm xúc về Đức tin tôn giáo, các nhà thơ đạo đã không hề ngần ngại đưa vào các thể thơ truyền thống để sáng tác. Trong đó, thể lục bát là phổ biến hơn cả. Thể lục bát với ưu thế về khả năng trữ tình, phong phú trong việc chuyên chở nội dung, với âm điệu nhẹ nhàng, êm ái rất thích hợp để các nhà thơ bày tỏ những suy niệm sâu sắc về đời về đạo. Đồng thời, với khả năng diễn ca, kể chuyện, vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc, thể lục bát cũng được các nhà thơ đạo ưa chuộng sử dụng nhằm tái hiện sống động các câu chuyện Thánh kinh, rao giảng luân lí tôn giáo. So với thể lục bát, thể Đường luật với công thức gò bó, quy phạm chặt chẽ, thể song thất lục bát đặc trưng với điệu thơ u uất, sầu thương rất khó thích hợp biểu đạt các vấn đề về Đức tin tôn giáo... Thực tế này cho thấy, một mặt, các nhà thơ Công giáo đã rất nỗ lực trong việc làm mới các thể truyền thống nhằm đa dạng hóa hình thức biểu đạt các vấn đề về Đức tin tôn giáo, mặt khác, sự hiện diện không nhiều của các thể truyền thống cũng nói lên thực tế khó hòa hợp giữa một nội dung mới mẻ mang tính chất thần học siêu hình, vốn có căn cốt từ văn hóa phương Tây, với một hình thức truyền thống đã quá ư cổ điển và quy phạm. Một số thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo) 39 2.2. Sử dụng phong phú các thể thơ hiện đại Bên cạnh việc sử dụng các thể thơ truyền thống, các nhà thơ Công giáo còn tích cực vận dụng các thể thơ hiện đại, tiêu biểu là các thể thơ: 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thể tự do, hợp thể, thơ văn xuôi, kịch thơ và cả trường ca. Các thể 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ được xem là một sáng tạo của các nhà thơ hiện đại từ thời kì xuất hiện phong trào Thơ mới. Dựa trên loại hình các câu thơ truyền thống các nhà thơ mới đã tân tạo, khai sinh những hình thức thể loại mới nhằm diễn tả nội dung tinh thần phong phú của con người thời hiện đại. Nhận thấy các hình thức thơ này rất thuận tiện trong việc diễn tả những cảm xúc về Đức tin, các nhà thơ Công giáo đã sử dụng đa dạng các loại thể này, trong đó phổ biến nhất là các thể 7 chữ và 8 chữ. Đây là hai thể thơ có dung lượng chữ trong mỗi câu không quá ngắn, cũng không quá dài dễ gây cảm giác dàn trải, rất thích hợp trong biểu tỏ các sắc thái cảm xúc về Đức tin. Đặc biệt, số câu trong hai thể này có thể kéo dài vô hạn định, tạo lợi thế cho nhu cầu “kể chuyện” Kinh thánh của các nhà thơ Công giáo. Quan sát tập thơ, chúng tôi khảo sát được số lượng lớn các bài thơ 7 chữ, 8 chữ diễn tả các câu chuyện về Kinh thánh, tiêu biểu là các tác phẩm: Tiếng huệ đồng, Người gieo gống, Tôi đã gặp ba vua, Đêm vượt qua - Thanh Phương, Nhìn vào mắt Mẹ - Vũ Thủy, Mẹ bảy sự, mẹ sầu bi - Trần Ngọc Đăng... Ngoài ra, thể 7 chữ có khuôn hình tiết điệu khá nhịp nhàng (câu thơ 7 chữ thường ngắt nhịp chẵn/lẻ: 4/3, 2/2/3, 2/2/2/1) được tạo ra trên cơ sở cân đối giữa các âm tiết, các tiết tấu, đoạn mạch và vần nên rất thuận lợi cho nhà thơ giãi bày những cảm xúc trữ tình. Hầu như tác giả nào cũng có hơn một sáng tác bằng thể 7 chữ và thể 7 chữ có khả năng chuyển tải vô cùng phong phú các nội dung, cảm hứng về Đức tin. Từ nguyện cầu Thiên Chúa sưởi ấm nỗi sầu của cái tôi cá nhân cô đơn buổi giao thời: Trốn tránh đìu hiu kiếm lứa đôi/ Quên thân đau khổ giữa vui đời/ Khi đèn đỏ ngọn hồn kinh hoảng/ “Lạy Chúa nhân lành thương xót tôi”/... Chiều buốt linh hồn tôi đứng đây/ Nguyện cầu Thánh giá chắp đôi tay/ Rưng rưng mắt lệ nhìn xa thẳm/ Mơ lửa trời thiêng cháy vạn ngày (Hiu quạnh - Hồ Dzếnh); đến tinh thần ngợi ca Đức Mẹ, Thiên Chúa: Con nhớ một lần đứng ngắm trăng/ Giữa vườn hoa đẹp rộng thênh thang/ Bỗng đâu con nhớ lời thơ nọ/ Diễn tả dung nhan của mẹ rằng:/ “Mẹ đẹp vô ngần mẹ trắng phau/ Gấp nghìn hoa huệ, vạn bồ câu/ Và nhan sắc mẹ không là gấm/ Nhưng dệt bằng hương rất nhiệm màu... (Mẹ đẹp vô ngần - Hồ Dzếnh), Dưới ánh trăng vàng dệt nhớ thương/ Đất trời say mộng đắm sầu vương/ Chúa ơi, con mến trong đêm vắng/ Tình Chúa mênh mông suốt canh trường (Bài ca tình ái - Xuân Ly Băng); hoặc có lúc là niềm hạnh phúc khi gặp gỡ Đức Mẹ, được hạnh ngộ Đức tin: Tôi bừng sống những phút giây rung động/ Trước tôn nhan từ mẫu Maria/ Đã sống và từ nay tôi sẽ sống/ Một hôm nay khác hẳn những ngày qua (Phút thiên đường - Maria Ngọc Minh); Mẹ hỡi đời con đã khổ nhiều/ Thân con lạc lõng chốn cô liêu/ Được về ấp ủ trong tay mẹ/ Con thấy đời con bớt quạnh hiu (Mẹ ơi con đã về đây - Hàn Khê); v.v... Hàn Mặc Tử sử dụng cả thể 7 chữ, 8 chữ và hầu hết thơ 7 chữ của Hàn Mặc Tử, không kể bài thơ dài ngắn, đều đã theo luật bằng trắc, ngắt nhịp của Đường thi. Ví dụ: Trong làn nắng ửng, khói mơ tan,/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng,/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc,/ Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang (Mùa xuân chín), Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,/ Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ/ Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ (Đà Lạt trăng mờ), Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Đây thôn Vỹ Dạ). Tuy nhiên, người đọc vẫn cảm giác có gì rất mới trong âm điệu câu thơ. Nếu quan sát kĩ, có thể thấy nhiều chi tiết câu thơ đã được tân tạo. Ta thấy dấu chấm câu giữa dòng Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang đã ngắt câu thơ thành hai cú pháp, tạo cảm giác đột ngột, gây ngạc nhiên vì xuân về đẹp quá. Nhân vật trữ tình sững sờ trước vẻ đẹp trần thế của mùa xuân, đồng thời một thứ ánh sáng ảo huyền, mầu nhiệm của thế giới khác cũng đã bắt đầu len lỏi. Câu thơ gợi lên niềm tin về một thế giới xuân đẹp đẽ, lung linh trong cảm quan tôn giáo của nhà thơ. Nguyễn Thị Kim Hồng 40 Thể 8 chữ đặc trưng bởi nhịp điệu uyển chuyển, số câu không hạn định, cách hiệp vần rộng rãi và khả năng biểu hiện hết sức sinh động. Đây vốn là sáng tạo của các nhà thơ mới trên cơ sở khai thác và kế thừa hình thức thể hát nói của thơ ca dân tộc. Trước khi được biết đến với tư cách một nhà thơ Công giáo, Hàn Mặc Tử đã nổi tiếng như một gương mặt xuất sắc, tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Hẳn nhiên, Hàn Mặc Tử, cũng như các nhà thơ mới khác, rất chuộng lối thơ 8 chữ. Riêng đối với thơ Công giáo, có thể khẳng định, thi nhân là người đầu tiên đã tìm ra cái mà ta có thể gọi là quy luật cho lối thơ tám chữ. Câu thơ đã 8 chữ mang rõ rệt hình thức “câu thơ điệu nói” của loại hình thơ hiện đại. Câu thơ có xu hướng tãi ra theo hướng kể, có thể đan xen nhiều hình thức câu biểu cảm khác nhau (câu hỏi, nghi vấn, cảm thán,...), thanh điệu, tiết tấu khá linh hoạt.... Với nhiều ưu điểm, thể thơ 8 chữ rất được Hàn Mặc Tử ưa chuộng. Càng về sau, với tinh thần phấn khích mãnh liệt, Hàn Mặc Tử càng sáng tác nhiều bài theo thể 8 chữ. Có thể, chỉ ở thể thơ này, nhà thơ mới thỏa thuê lột tả hết những trạng huống tinh thần si mê, đau đớn, cuồng dại, những khát vọng mãnh liệt, đê mê mang đậm màu sắc tôn giáo: Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt/ Đường thơ bay sáng láng như sao sa.../Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc/ Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa/ Ta cao ngâm giọng vô cùng thánh thoát/ Khiến châu thân rung động thể tơ trăng/ Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc/ Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng (Nguồn thơm). Nhà thơ thường xuyên sử dụng gạch nối giữa dòng thơ, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu cảm thán để ngắt hơi cho câu thơ, tạo điểm nhấn trong diễn tả mạch cảm xúc về Đức tin: Thơ trong trắng – như một khối băng tâm/ Luôn luôn reo – trong hồn trong mạch máu,/ Cho vỡ lở – cả muôn ngàn tinh đẩu,/ Cho đê mê – âm nhạc và thanh hương/ Chim hay tên ngọc – đá biết tuổi vàng,/ Lòng vua chúa – cũng như lòng lê thứ (Ave Maria), Thượng thanh khí – tiết ra nguồn tinh khí,/ Xa xôi đời – trăng mọc nước huyền vi,/ Đây miên trường – vĩnh cửu tề phi/ Cao, cao vượt, – với hai hàng bóng vía,/ Trời nhật nguyệt, – cầu vồng bắt tứ phía/ Ôi Hoàng Hoa ! – hồn phách đến nơi đây ?/ Đàn cung bực, – gió vồn lên âm điệu,/ Sững lòng chưa ? Say chấp cả thanh bai/ Sang chơi thôi ! – Sang chơi thôi ! Mà ai ?/ Thu đây rồi ! – Bước lên cầu ô thước (Đừng cho lòng bay xa). Hơn nữa, nhà thơ còn chú trọng vận dụng những chữ thuộc bình thanh, nhiều nhất là chữ đầu và chữ thứ ba thuộc trường bình thanh (không có dấu) còn chữ thứ hai thì thuộc đoản bình thanh (có dấu huyền): Chim ngàn trăng đem tiếng lạ về ca/ Ca cầm ca tơ đồng vọng dan ra (Say thơ), Đây vườn trăng tình căng lên muốn đứt/ Thương toàn thương đương vây muôn giây hường (Quần tiên hội). Phần nhiều là âm bằng nối liền nhau, tạo âm vang, nhạc tính cho câu thơ. Có thể nói, với thơ 8 chữ, trong “vườn thơ đạo”, thơ Hàn Mặc Tử biệt lập hẳn ra một cõi, một cõi nguy nga đồ sộ, ngát hơi hương và vang tiếng nhạc, từ trên cõi ấy, người cho chiếu xuống những luồng ánh sáng đầy phép lạ của Đức tin. Trong vườn thơ đạo, cũng có thể bắt gặp những hình thái biểu hiện tương tự trong thơ 7 chữ, 8 chữ của nhiều nhà thơ khác: Thể chất của Hồ Dzếnh, Chuông cầu nguyện của Vũ Đức Trinh, Đây giờ linh thiêng, Giã từ đêm tối của Nguyễn Duy Diễn, Hồn cô đơn của Xuân Ly Băng, v.v... Thể thơ 4 chữ trước vốn được dùng trong các bài vè, nói lối. Đến thời đại Thơ mới, các thể này đã được cách tân, làm mới. Bài thơ 4 chữ thường được chia khổ, kéo dài vô hạn tùy mạch cảm xúc của nhà thơ. Các nhà thơ Công giáo đã tận dụng những lợi thế sẵn có này của các thể thơ để phô tả cảm xúc về Đức tin tôn giáo. Đặc biệt, nhịp ngắt của loại câu 4 chữ thường là nhịp chẵn. Nhịp ngắt này tạo tính nhịp nhàng, cân đối, dễ thuộc, dễ nhớ, tạo một âm hưởng đặc biệt đối với thơ ca viết về Đức tin. Hơn nữa, đặc điểm này cũng rất cần thiết đối với thơ Đạo, nhất là trong ý thức về “truyền bá hoặc rao giảng Đức tin” một cách rộng rãi trong cộng đồng dân Chúa. Một số tác giả đã tận dụng lợi thế này để chuyển hóa nội dung Kinh của đạo Công giáo vào thơ nhằm răn dạy đạo đức cho con người theo ý hướng của Chúa. Tiêu biểu là các tác phẩm: Kinh mười điều răn - Vũ Ngọc Bích, Dụ ngôn người gieo hạt - Vũ Phan Long... Thơ 4 chữ còn được sử dụng để nhà thơ thể hiện tình cảm của cá nhân với Chúa và Đức Mẹ (Đêm Bê lem - Vĩnh An, Mùa xuân bên Mẹ - Dzuy Sơn Tuyền, Tâm nguyện, Khi về - Trịnh Tây Ninh...). Một số thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo) 41 Thể thơ 5 chữ được khá nhiều nhà thơ ưa chuộng. Đây vốn là thể thơ phổ biến trong ca dao dân ca (các loại vè, đồng dao, hát dặm Nghệ Tĩnh) hoặc có gốc từ thể ngũ ngôn Cổ phong hay Đường luật. Nhưng khi đi vào thơ hiện đại, thể thơ 5 chữ đã được làm mới bằng cách chia khổ, có thể kéo dài thành nhiều khổ. Nhịp điệu câu thơ 5 chữ thường thay đổi liên tục, có dòng ngắt nhịp chẵn - lẻ (2/3) nhưng cũng có dòng ngược lại lẻ - chẵn (3/2 hoặc 1/2/2). Các nhà thơ đã tận dụng tối đa các cách ngắt nhịp này để diễn tả linh hoạt dòng trạng thái xúc cảm về tôn giáo. Các bài thơ 5 chữ của Lê Đình Bảng, Xuân Ly Băng, Phạm Thị Hồi,... không hề gò bó như ngũ ngôn cổ thể. Lời thơ trở nên phóng khoáng, thanh thoát, diễn tả thành công dòng cảm xúc vừa chân thành vừa sâu sắc về lòng tin Thiên Chúa: Cho tôi một lòng tin/ Nhỏ nhoi như hạt cải/ Cho tôi làm cỏ dại/ Ở bên đường không tên (Xin cho tôi lòng tin - Lê Đình Bảng), Có một lần nào đó/ Ngài trắc nghiệm lòng tin/ Để chữa cho lành đã/ Một trái tim ưu phiền/... Có một lần thế đó/ Chén đắng ngài trao ban/ Nhận chìm trong bể khổ/ Để đo độ đá vàng! (Có một lần nào đó - Phạm Thị Hồi), Chính Chúa là hiện hữu/ Không có thủy có chung/ Đời con một chút xíu/ Như giọt nước miệng thùng (Suy nghĩ cúi đầu - Xuân Ly Băng),v.v... Hiếm gặp nhất là thể thơ 6 chữ. Thể thơ 6 chữ hiện đại cũng đã có từ thời Thơ mới. Có thể chia làm nhiều khổ và kéo dài như các thể 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ. Câu thơ thường ngắt nhịp chẵn 2/2/2 hoặc nhịp lẻ 3/3 tạo âm hưởng thanh thoát. Nhà thơ Vũ Đức Trinh đã vận dụng khá thành công thể thơ này khi mô tả vẻ huyền nhiệm của nhà thờ, người đi lễ, bài ca kinh thánh và hình ảnh Đức Chúa trong hành trình đi lễ đầy sương: Sương xuống mỗi khi càng lạnh/ Lù mù như thể vầng hơi/ Lởn vởn quay luồng Kinh thánh/ Kinh đang tìm nẻo lên trời/... Sương bọc quanh người đi lễ/ Quẩn chân họ đến nhà thờ/ Mong lạy lúc ánh hừng đông bật tóe/ Chiếu qua lưới nhện vương sương/ Những hạt minh châu sáng chóe/ Tươi như ngọc của Thiên đường/ Tia lửa mặt trời xinh xắn/ Dập dềnh rọi thẳng búp hoa/ Các giọt sương đêm chờ sẵn/ Óng lên xem Chúa chín tòa (Sương). Đáng chú ý nhất là sự vận dụng khá phổ biến hình thức hợp thể và tự do. Hình thức hợp thể là sự kết hợp linh hoạt những dòng thơ và khổ thơ thuộc các thể thơ khác nhau trong cùng một bài (Hồ Dzếnh trong bài Phong Châu đã dùng thể 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ cho những khổ thơ đầu và thể lục bát cho những khổ thơ sau). Hình thức thơ hợp thể được xem như là một dạng thức trên đường đi đến thơ tự do. Bản thân thể thơ này không tự xác định đầy đủ tư cách của một thể thơ độc lập và ổn định. Thơ hợp thể trong các sáng tác của các nhà thơ Công giáo tuy đa dạng về câu thơ nhưng ít khi có câu quá 8 chữ và vẫn chịu quy định về vần, nhất là về vần chân. Các nhà thơ Công giáo tỏ ra nhuần nhuyễn trong việc phối xen các thể thơ để tạo nên những thi phẩm sinh động. Cách thức phối xen nhiều câu thơ thuộc nhiều thể thơ trong cùng một bài như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các tác giả có thể tự do bộc lộ các cung bậc tình cảm khác nhau của mình. Xin dẫn một ví dụ tiêu biểu. Mở đầu bài thơ Trong tiếng chuông chiều của Xuân Ly Băng là 14 câu 8 chữ kể lể nỗi cô đơn thê thiết của nhân vật trữ tình: Không gian ơi chiều nay tan thành lệ/ Chảy trong lòng người viễn khách cô đơn/ Nhớ nhung chi khi trời xuống hoàng hôn/ Để buồn ngấm, uất hồn ai nức nở, kế tiếp là câu 6 chữ bị ngắt làm đôi và cặp câu lục bát dưới hình thức câu hỏi như tiếng gọi xoáy sâu, thức tỉnh người viễn khách: Viễn khách ơi!/ Viễn khách ơi!... Tìm chi hoa nội trăng ngàn?/ Tìm chi hạnh phúc dương gian mà tìm?, và thi nhân đã kết bài thơ bằng thể lục bát với giọng điệu đầy suy tư, chiêm nghiệm khi ngộ ra triết lí cuộc đời nhờ ánh sáng Đức tin: Con người chưa được vô biên/ Là còn thổn thức ưu phiền tháng năm/ Này người viễn khách bâng khuâng/ Đường lên ánh sáng đã gần không xa. Còn thơ tự do hiểu đúng nghĩa là loại thơ không tuân theo quy tắc nào cả như các thể thơ cách luật. Số câu không hạn định, số chữ nhiều ít không đều, ngắt nhịp linh hoạt, vần có thể gieo vần trắc hoặc vần bằng, có thể gieo vần lưng, vần chân, vần liền, vần gián cách, vần hỗn hợp hoặc không có vần nào cả. Thực tế, nhiều bài từ khúc của Tản Đà đã có dáng dấp, cách điệu tự do nhưng chưa vươn lên được một hình thức thơ ổn định. Thơ tự do chính thức được khởi phát từ phong trào Thơ mới và phát triển mạnh trong dòng thơ ca cách mạng sau 1945, nhất là những năm đầu kháng chiến. Thơ tự Nguyễn Thị Kim Hồng 42 do là thể thơ của loại hình thơ hiện đại, giàu tính sáng tạo. Trong Có một vườn thơ đạo có những câu thơ dài ngắn đan xen và không hiệp vần theo quy củ hợp thành bài thơ, vừa tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ, vừa có khả năng chuyển tải nhiều hình thái cảm xúc của các nhà thơ về Đức tin Thiên Chúa, tiêu biểu là các bài: Thơ và Chúa (Hồ Dzếnh), Màu thương nhớ (Nguyễn Duy Diễn), Noel này (Trần Uyên Thi), Trên lầu cao khó nhìn thấy Chúa (Bùi Chí Vinh),... Quan sát các bài thơ này, chúng ta thấy, nhìn chung thơ tự do không nệ về vần và số chữ trong câu thơ có thể dài ngắn không chừng, trải rộng bao quát hết cảm xúc. Đặc biệt, thể thơ này không bị hạn chế bởi những thiết chế ngữ pháp tạo nên hiện tượng vắt dòng câu thơ, cho phép cảm xúc nhân vật trữ tình tuôn chảy tự nhiên, thoải mái. Hơn nữa, trong một khuôn khổ tự do, các nhà thơ Công giáo cũng thoải mái hơn trong việc lựa chọn từ ngữ. Các nhà thơ có thể đưa vào thơ vốn từ ngữ đời thường, gần gũi với đời sống sinh hoạt của giáo dân. Trong thơ Công giáo thường xuất hiện phổ biến lối nói khẩu ngữ quen thuộc hàng ngày, các nhà thơ luôn cố gắng dùng những từ ngữ dễ hiểu, thông dụng của đạo và đời. Hệ thống ngôn từ giản dị đem lại nét gần gũi của thơ đạo đối với tâm hồn của dân Chúa. Mặt khác, trong thể thơ tự do, các nhà thơ cũng có thể sử dụng đa dạng ngôn ngữ mang màu sắc tôn giáo, tâm linh, siêu thực, có tác dụng trong việc biểu đạt sự thiêng liêng, độc đáo của Đức tin tôn giáo. Sự lựa chọn thể thơ tự do đã đem lại sự tự do, phóng khoáng cần thiết trong biểu tỏ cảm xúc phong phú về Đức tin của các nhà thơ đạo. Điều này cho thấy nỗ lực làm mới thơ ca các tác giả Công giáo: Không là Thơ sao/ Cái đêm tuyệt vời mầu nhiệm/ Đã ghi những phút trọng vọng của một Chúa ra đời?/ Không là Thơ sao/ Nỗi đau đớn trọn đời của Người Mẹ đồng trinh/ Ôm lấy xác con muôn đời sáng láng/ Và đây nữa ái tình thắm đượm/ Madeleine cúi xuống hôn chân người/ Nước lành rửa máu (Thơ và Chúa - Hồ Dzếnh). Thơ văn xuôi là một thử nghiệm táo bạo của các nhà thơ Công giáo. Một số ý kiến cho rằng bóng dáng của thơ văn xuôi đã có thể tìm thấy từ thơ Đông Hồ, Tương Phố, thậm chí xa hơn trong văn học trung đại ở các thể văn vần như phú, văn tế, các loại biền văn như hịch, cáo. Tuy nhiên, đến Thơ mới, cùng với thơ tự do, thơ văn xuôi mới được xem là một thể có diện mạo hoàn chỉnh, có tên rõ ràng. Ngoài đặc trưng chung của thơ ca là nhịp điệu, thơ văn xuôi còn giống thơ tự do ở cùng một điểm chung là không bị ràng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, niêm luật... Nhưng, nó khác với thơ tự do ở chỗ là trong khi thơ tự do vẫn lấy câu thơ làm đơn vị nhịp điệu và có thể vẫn có vần, thì thơ văn xuôi không phân dòng, không dùng hình thức câu thơ làm đơn vị nhịp điệu, và thứ hai là thơ văn xuôi không có vần. Cùng trong xu hướng của thơ tự do, thơ văn xuôi là thể thơ rất phù hợp với việc diễn đạt những trăn trở, suy tư triết lý và suy tưởng về mối tương quan nhân thế và Đức tin, đời và đạo. Đây là một lối thoát cho các nhà thơ khi họ muốn dùng thơ để nhập cuộc tham gia bàn luận tự do về số phận của con người và xã hội, về niềm tin tôn giáo trong thời hiện đại. Chính vì vậy mà thơ văn xuôi nhanh chóng được nhiều nhà thơ Công giáo từ sau 1975 tiếp nhận, tiêu biểu như Giấc ngủ, Bốn khúc ca ngắn về mẹ, Vĩnh hằng (Lê Quốc Hán); Cô gái mù với li cà phê trắng - Vũ Thủy, Hoa núi (Nguyễn Thị Mai), Số phận người (Dương Kim Quới)... Thể kịch thơ và trường ca cũng xuất hiện, tuy rất ít. Trường ca có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình, đề cập đến các vấn đề có tính triết lí, mang tầm vóc lớn lao của thời đại. Trích đoạn trường ca Ngước lên cao của Nguyễn Hoàng Đức và Chúa hiển dung của Hoàng Diệp đã đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa triết học và nhân sinh. Các sáng tác kịch thơ tương đối dài. Hình thức phân vai và đối thoại giúp cho ý thơ đi xa hơn, đỡ đơn điệu hơn. Tác giả tiêu biểu sử dụng thể kịch thơ là nữ tu H.C.N với tác phẩm Ơn gọi của chim sáo. Vở kịch thơ gồm ba màn, mỗi màn là các bài thơ để diễn viên đồng thanh xướng ca, màn kịch thể hiện ý nghĩa Chúa của muôn loài thôi thúc vạn vật lắng nghe Thiên ý của Ngài, chỉ có nghe lời Chúa và thực thi ý Chúa thì mới có bình an trong lòng. Sử dụng phối hợp đa dạng các thể thơ trong từng màn kịch như những phương tiện để bộc lộ cảm hứng Đức tin, H.C.N đã có đóng góp lớn khi thể nghiệm đổi mới ở thể kịch thơ và bước đầu đạt được thành công nhất định. Một số thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua năm tập Có một vườn thơ đạo) 43 3. Kết luận Rõ ràng Có một vườn thơ đạo là một tuyển tập thơ khá quy mô, số lượng tác phẩm lớn và có nhiều sáng tác có giá trị, tập thơ phong phú về thể loại (lục bát, song thất lục bát, thơ hợp thể, kịch thơ, thơ 4 chữ, 5, chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ tự do, thơ văn xuôi, trường ca,), lực lượng sáng tác đông đảo, được sắp xếp theo một hành trình xuyên suốt từ Hàn Mặc Tử đến nay, đặc biệt có những gương mặt thơ sáng giá như Lê Đình Bảng, Trần Mộng Tú, Phi Tuyết Ba, Bùi Chí Vinh, Lê Quốc Hán, Cao Huy Hoàng, Trần Thu Miên... Trong đó Hàn Mặc Tử được lựa chọn làm gương mặt điển hình của tập thơ. Điều này cho thấy, thơ Công giáo Việt đã đạt được những kết quả nhất định. Và không thể phủ định, có một dòng thơ Công giáo Việt Nam hiện đại với vai trò, vị trí và sức sống riêng của nó trong dòng chảy thơ ca dân tộc. Mạch cảm xúc mãnh liệt về Đức tin đã chi phối mạnh mẽ đến nhiều phương thức biểu đạt của thơ ca. Các nhà thơ Công giáo một mặt tìm cách cách tân thể lục bát cổ truyền để có thể chuyển tải những dòng cảm xúc mới, mặt khác sử dụng đa dạng các thể loại hiện đại như thể 7 chữ, 8 chữ, kịch thơ, thơ tự do, thơ văn xuôi, thậm chí cả trường ca. Các biểu tượng tôn giáo đa nghĩa như máu, hồn, ánh sáng, Chúa, Thánh giá, cõi Thiên đường,... cũng được các nhà thơ khắc họa một cách sống động nhằm nhấn mạnh tính thiêng liêng, thánh hiển của Đức tin. Các nhà thơ Công giáo còn khai thác phong phú các sắc thái giọng điệu: giọng giãi bày, suy tư, chiêm nghiệm và giọng ngợi ca, thành kính; kết hợp hài hòa tính triết lí và màu sắc siêu thực trong ngôn ngữ thơ tôn giáo, v.v... Với những sáng tạo của mình, các tín đồ Kitô hữu đã đưa đến cho dòng thơ Công giáo những đặc sắc riêng, rất đáng ghi nhận. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Đình Bảng (sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu), 2009. Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, miền thơ kinh cầu nguyện. Nxb Phương Đông. [2] Lê Đình Bảng (sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu), 2009. Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, miền thơ trong kinh nguyện. Nxb Tôn giáo. [3] Lê Đình Bảng (sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu), 2009. Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, miền thơ trong Thánh nhạc Thánh ca. Nxb Tôn giáo. [4] Lê Đình Bảng (sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu), 2009. Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, miền thơ trong kí ức dòng đời. Nxb Phương Đông. [5] Lê Đình Bảng (sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu), 2009. Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, miền thơ huấn ca. Nxb Phương Đông. [6] Lê Đình Bảng (sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu), 2009. Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, miền thơ Phúc âm diễn ca. Nxb Tôn giáo. [7] Lê Đình Bảng, 2010. Văn học Công giáo Việt Nam - những chặng đường. Nxb Từ điển Bách khoa. [8] Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2005. Kinh thánh Tân ước – Lời Chúa cho mọi người. Nxb Tôn giáo. [9] Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2006. Kinh thánh Cựu ước và Tân ước – Lời Chúa cho mọi người. Nxb Tôn giáo. [10] Chu Thị Thu Hằng, 2012. Cảm quan tôn giáo trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Luận văn thạc sĩ trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [11] Nhóm trí thức Việt, 2016. Hàn Mặc Tử - thơ và đời. Nxb Văn học. [12] Lê Hồ Quang, 2015. Âm thanh của tưởng tượng (phê bình thơ Việt Nam hiện đại). Nxb Đại học Vinh. Nguyễn Thị Kim Hồng 44 [13] Võ Long Tê, 1965. Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Nxb Tư duy Sài gòn [14] Trăng Thập Tự (chủ biên), 2012a. Có một vườn thơ đạo, tập 1. Nxb Phương Đông. [15] Trăng Thập Tự (chủ biên), 2012b. Có một vườn thơ đạo, tập 2. Nxb Phương Đông. [16] Trăng Thập Tự (chủ biên), 2012c. Có một vườn thơ đạo, tập 3. Nxb Phương Đông. [17] Trăng Thập Tự (chủ biên), 2012d. Có một vườn thơ đạo, tập 4. Nxb Phương Đông. [18] Trăng Thập Tự (chủ biên), 2015. Có một vườn thơ đạo, tập 5. Nxb Hồng Đức. [19] Mai Thị Thảo, 2014. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn. Luận văn thạc sĩ trường đại học Sư phạm Hà Nội. [20] Hoài Thanh, Hoài Chân, 2005. Thi nhân Việt Nam. Nxb Văn học, Hà Nội. [21] Nguyễn Toàn Thắng, 2007. Hàn Mặc Tử và nhóm thơ Bình Định. Nxb Giáo dục. Nguyễn Thị Phương Thúy, 2010. Cảm hứng tôn giáo trong thơ mới 1932 – 1945. Luận văn thạc sĩ, Trường đại học Vinh. ABSTRACT Research genre of poetry in Vietnamese Catholic poets (Survey in Has a gardens poems Catholic) Nguyen Thi Kim Hong Faculty of Education - Tay Nguyen University Faith is the main inspiration of religious poetry. Faith is manifold, which governs the choice of subject, image, content, language, etc. In poetry, the poet explores the use of various artistic mediums from the way the language is organized, the tone, the choice of the poetic form, the choice of appropriate symbolic images. In this the essay we will reseach genre of Vietnamese Catholic poets in the “Has a gardens poems Catholic”, a collection from Catholics poems of Han Mac Tu to now. Keywords: Genre of poetry, Catholics poems of Viet Nam.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf5193_5_nguyen_thi_kim_hong_0834_2123682.pdf
Tài liệu liên quan