Tài liệu Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố môi trường xã hội với bạo lực học đường - Nguyễn Thị Mai Hương: VJE Tạp chí Giáo dục, Số 448 (Kì 2 - 2/2019), tr 26-31
26
Email: maihuong.sw.hnue@gmail.com
MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC YẾU TỐ
MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI VỚI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Nguyễn Thị Mai Hương - Nguyễn Thu Hà
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Ngày nhận bài: 08/12/2018; ngày sửa chữa: 18/12/2018; ngày duyệt đăng: 04/01/2019.
Abstract: This paper reviews the international and Vietnamese studies on school violence and its
manifestation. These studies indicated that social environmental factors such as family, school and
friend groups are related to school violence, are factors affecting violent behavior and students with
violence in school. From that results, the author suggests some support of school social workers who
works with students involved in school violence through solving the relationships between students and
social environmental factors to contribute to the prevention and mitigation of violence in schools today.
Keywords: School violence, soci...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 677 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố môi trường xã hội với bạo lực học đường - Nguyễn Thị Mai Hương, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 448 (Kì 2 - 2/2019), tr 26-31
26
Email: maihuong.sw.hnue@gmail.com
MỘT SỐ NGHIÊN CỨU VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC YẾU TỐ
MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI VỚI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Nguyễn Thị Mai Hương - Nguyễn Thu Hà
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Ngày nhận bài: 08/12/2018; ngày sửa chữa: 18/12/2018; ngày duyệt đăng: 04/01/2019.
Abstract: This paper reviews the international and Vietnamese studies on school violence and its
manifestation. These studies indicated that social environmental factors such as family, school and
friend groups are related to school violence, are factors affecting violent behavior and students with
violence in school. From that results, the author suggests some support of school social workers who
works with students involved in school violence through solving the relationships between students and
social environmental factors to contribute to the prevention and mitigation of violence in schools today.
Keywords: School violence, social environmental factors, social work, school social work, social
worker.
1. Mở đầu
Trẻ em ngày nay đã và đang trở thành nạn nhân ngoài
ý muốn, bất đắc dĩ của các vấn đề trong môi trường học
đường. Các vấn đề học sinh (HS) gặp phải trong nhà
trường ngày càng phức tạp và khó lường. Bên cạnh các
rối nhiễu tâm lí, định dạng giới, quan hệ ứng xử với bạn
bè, với thầy cô thì bạo lực học đường (BLHĐ) là một vấn
đề nhức nhối cần phải giải quyết. Trước thực trạng
BLHĐ ngày càng gia tăng và có tính chất ngày càng
nghiêm trọng, các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích
các hành vi BLHĐ, chỉ ra những ảnh hưởng nghiêm
trọng của nó tới nạn nhân và những người liên quan như:
BLHĐ không chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
học đường, làm suy thoái đạo đức xã hội mà nó còn ảnh
hưởng nghiêm trọng đến HS bị bạo lực và những người
liên quan, đặc biệt là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết
quả học tập và sự phát triển tâm lí của HS. Bên cạnh đó,
có nhiều nghiên cứu đã tập trung phân tích những nguyên
nhân gây ra BLHĐ trong trường học, bao gồm có nhóm
yếu tố cá nhân và nhóm yếu tố môi trường xã hội, để từ
đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Bài viết tập trung phân tích các quan niệm về BLHĐ
và mối quan hệ giữa các yếu tố môi trường xã hội với
BLHĐ để từ đó đưa ra một số gợi ý hỗ trợ của nhân viên
công tác xã hội (CTXH) trường học trong làm việc với
HS có liên quan tới BLHĐ.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Quan niệm về bạo lực học đường
Theo Furlong & Morrison, đến năm 1992, khái niệm
“BLHĐ” mới được sử dụng rộng rãi như một thuật ngữ
để mô tả những hành động bạo lực và căng thẳng trong
trường học. Thuật ngữ BLHĐ (Violence School) được
hiểu là “khái niệm gồm nhiều khía cạnh liên quan đến
thủ phạm gây ra bạo lực và nạn nhân bị bạo lực, từ các
hành vi chống đối xã hội đến cả hành vi phạm tội và gây
hấn trong trường học ngăn cản sự phát triển và học tập,
cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường học đường, bao
gồm cả sự khiếp sợ/ lo lắng, sợ hãi, kỉ luật/ môi trường
học đường và các khía cạnh khác” [1; tr 71].
Theo Điều 2, Nghị quyết số 80/2017/NĐ-CP quy định
về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện,
phòng, chống BLHĐ: “BLHĐ là hành vi hành hạ, ngược
đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc
phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành
vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người
học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập” [2].
Theo Phan Thị Mai Hương: “BLHĐ là thuật ngữ
dùng để chỉ những hành vi bạo lực trong môi trường học
đường hoặc những hành vi bạo lực của lứa tuổi học
đường, bao gồm hàng loạt các hành vi bạo lực với các
mức độ khác nhau, từ không lời đến có lời, từ hành động
đơn giản đến những hành động thù địch, gây hấn, phá
phách, gây tổn thương tâm lí, thậm chí tổn hại đến thể
chất của người khác” [3; tr 28]. Theo Huỳnh Văn
Sơn:”BLHĐ là một thuật ngữ dùng để chỉ các hành động
làm tổn hại đến thể chất, tinh thần và vật chất của người
khác dưới những hình thức khác nhau diễn ra trong môi
trường học đường” [4; tr 60]. Còn theo Nguyễn Văn
Tường:”BLHĐ là hệ thống xâu chuỗi lời nói, hành vi
mang tính miệt thị, đe dọa, khủng bố người khác” [5; tr
568] và Nguyễn Văn Lượt: “Hành vi BLHĐ được coi là
những hành vi lệch chuẩn bởi nó vi phạm các quy tắc,
chuẩn mực đạo đức xã hội, nội quy của nhà trường nơi
mà các em là thành viên” [6; tr 322].
Theo chúng tôi, BLHĐ là hành vi dùng ngôn ngữ, cử
chỉ và hành động gây tổn thương về thể chất và tinh thần
của người khác trong môi trường học đường; BLHĐ
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 448 (Kì 2 - 2/2019), tr 26-31
27
thường là hành vi có ý thức, nhưng đôi khi cũng là hành
vi vô tình, chưa có suy xét đầy đủ của người thực hiện.
BLHĐ được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau: “Bao
gồm hàng loạt các hành vi bạo lực với các mức độ khác
nhau, từ không lời đến có lời, từ hành động đơn giản đến
những hành động thù địch, gây hấn, phá phách” [2; tr
28]. BLHĐ có biểu hiện như: bạo lực bằng lời, bạo lực
hình ảnh, bạo lực tâm lí, tinh thần, bạo lực thể chất. Nếu
phân chia theo biểu hiện bên ngoài và hậu quả của
BLHĐ, có bạo lực quan sát được trực tiếp, bạo lực không
quan sát được trực tiếp; còn phân chia theo phạm vi diễn
ra bạo lực, có BLHĐ diễn ra bên trong và diễn ra bên
ngoài nhà trường; và căn cứ theo mục đích của chủ thể
gây ra hành vi bạo lực, có 4 loại: chủ thể hành vi gây bạo
lực muốn thể hiện bản thân với người khác, mục đích của
chủ thể hành vi bạo lực là gây tổn hại đến tâm lí nạn nhân,
bắt nạt tài chính, vật chất, và bạo lực tình dục [7; tr 10].
Như vậy, tuy tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về
BLHĐ. Song, theo chúng tôi, BLHĐ thường có những đặc
điểm cơ bản sau: 1) BLHĐ chính là hiện tượng tâm lí - xã
hội diễn ra trong môi trường trường học (có thể trong và
ngoài nhà trường), liên quan tới những chủ thể của giáo
dục như giáo viên (GV), HS, cán bộ giáo dục...; 2) BLHĐ
thường diễn ra một cách có chủ ý, có sự tham gia của ý
thức; 3) Chủ thể thực hiện hành vi BLHĐ bằng những
phương tiện khác nhau như ngôn ngữ (lời nói, chữ viết),
cử chỉ và hành động (đấm, đá, tát, véo tai, giật tóc, trấn lột,
cướp giật,...); 4) Hậu quả của BLHĐ là làm tổn thương cả
thể chất cũng như tinh thần - không chỉ đối với nạn nhân
mà cả đối với người gây ra bạo lực; 5) BLHĐ có thể diễn
ra giữa HS với HS, giữa HS với GV và ngược lại.
2.2. Một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố
môi trường xã hội với bạo lực học đường
Lí thuyết sinh thái của Urie Bronfenbrenner chỉ ra
rằng, cá nhân phát triển trong “môi trường sinh thái, do
đó nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân đều chịu ảnh
hưởng từ các yếu tố trong môi trường cá nhân đó đang
sinh sống. Sự ảnh hưởng của môi trường xã hội và mối
quan hệ xã hội đa dạng của mỗi một cá nhân tạo nên sự
thay đổi và phát triển của cá nhân đó. Các yếu tố trong
môi trường xã hội có ảnh hưởng đến cá nhân con người
thực hiện hành vi [8]. Do đó, nhiều nghiên cứu về nguyên
nhân dẫn đến hành vi bạo lực và bị bạo lực đều tiếp cận
dưới Lí thuyết sinh thái của Urie Bronfenbrenner. Các
nghiên cứu xem xét sự tương tác giữa các yếu tố trong
môi trường xã hội như hoàn cảnh gia đình, môi trường
học đường, môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh
trường học có ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện
hành vi bạo lực của HS cũng như học sinh bị bạo lực.
Các yếu tố trong môi trường xã hội và mối quan hệ
giữa mọi người với nhau có ảnh hưởng đến với mỗi cá
nhân, ảnh hưởng đến thực hiện hành vi của mối cá nhân.
Những mỗi quan hệ từ gia đình, bạn bè, trường học, xã
hội đã tạo nên những chỗ cho cuộc sống của mỗi người,
con người có thể nhận được các nguồn cảm xúc, thông
tin, ủng hộ, trợ giúp... thông qua các mối quan hệ xã hội;
đó cũng là nơi con người có thể tin tưởng, là chỗ dựa cả
vật chất lẫn tinh thần. Ở lứa tuổi vị thành niên, các mối
quan hệ xã hội mà trẻ thường tìm đến khi gặp khó khăn
là thầy cô, bố mẹ, bạn bè và các chuyên gia tham vấn, tư
vấn. Trong đó, bố mẹ và bạn bè là hai chỗ dựa các em
thường tìm đến hơn [9].
Yếu tố môi trường xã hội có một vai trò rất lớn trong
sự xuất hiện của các hành vi BLHĐ và là nguyên nhân
dẫn tới HS bị bạo lực trong trường học, cụ thể như: yếu
tố gia đình, nhà trường (mối quan hệ bạn bè, kỉ luật
trường học) và yếu tố xã hội. Mikayo Ando nghiên
cứu về BLHĐ tại Nhật Bản đã chỉ ra nguyên nhân bạo
lực trong trường học là do các yếu tố tâm lí xã hội. Các
yếu tố xã hội khác nhau liên quan đến các loại bạo lực
khác nhau. Do đó, các can thiệp tập trung vào giải quyết
các yếu tố tâm lí xã hội có thể có hiệu quả trong công tác
phòng chống BLHĐ. Các yếu tố tâm lí xã hội như: mối
quan tâm của phụ huynh về cuộc sống hàng ngày của HS,
mối quan hệ của cha mẹ đối với HS, giao tiếp cởi mở với
cha mẹ, sự hỗ trợ bởi GV trường học, sự hỗ trợ của bạn
thân, học tập, mối quan hệ phù hợp với bạn học, thái độ
trong trường học, các mối quan hệ giữa các cá nhân, khả
năng tự giải quyết khắc phục khó khăn, giải quyết vấn
đề, tự giải quyết chống lại bắt nạt có mối liên hệ với
các loại bạo lực về thể chất, bạo lực bằng lời nói và bạo
lực gián tiếp [10].
Nghiên cứu của Chen tại Đài Loan chỉ ra yếu tố môi
trường xã hội là nguyên nhân gây ra BLHĐ, các cấp bậc
học khác nhau dẫn đến tỉ lệ BLHĐ khác nhau, một số thủ
phạm có liên quan đến bạo lực là do đã từng bị đánh đập
hoặc nạn nhân của bạo lực: 16,6%, bị ai đó trêu trọc:
14,8%, bị trừng phạt: 13,8%, và có ai đó làm sai:12,6%;
hoặc lí do về vấn đề tiền bạc giữa HS với nhau: 3,5% hay
mối quan hệ bạn trai/bạn gái hoặc tình yêu giữa các HS:
6,2% [11].
Các yếu tố trong môi trường xã hội có mối liên quan
tới BLHĐ gồm:
2.2.1. Yếu tố gia đình
Cha mẹ và con cái rất ít có thời gian gặp nhau trong
ngày, chưa nói đến việc chia sẻ, tâm giao. Cha mẹ không
dành nhiều thời gian để giáo dục con cái về đạo đức, đạo
lí làm người, về phép tắc, lễ nghĩa trong gia đình và ngoài
xã hội. Bên cạnh đó, một số cha mẹ có cuộc sống không
thật chuẩn mực để có thể làm gương cho con cái. Điều
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 448 (Kì 2 - 2/2019), tr 26-31
28
này làm cho trẻ em không tìm được chỗ dựa về tinh thần,
tâm lí trong gia đình khiến các em có các hành vi bạo lực
trong trường học.
Các đặc điểm gia đình như: phong cách giáo dục và
sự nhìn nhận về hành vi bạo lực của cha mẹ hạn chế; thái
độ và sự ủng hộ của cha mẹ đối với hành vi bạo lực; tấm
gương không chuẩn mực của cha mẹ, phong cách giáo
dục thiếu khoa học hay thiếu sự quan tâm. Khi cuộc sống
gia đình không ổn định và dễ bị thay đổi, trẻ em có thể
có khuynh hướng bạo lực hơn. Những gì các em học ở
nhà được chuyển sang hành vi của trường; trong môi
trường lớp học Kiểu nuôi dạy của cha mẹ như quan tâm
quá ít hoặc kiểm soát quá nhiều cũng có hại “các phương
pháp độc đoán, độc tài cùng với sự trừng phạt thể chất
quá mức và những cơn giận dữ cảm xúc tức giận”. Loại
nuôi dạy con cái này dường như cũng có hành vi không
phù hợp ở trẻ em (dẫn theo Kristin D. Eisenbraun, 2007)
[12], (Ji-Kang Chen, 2008) [11].
Tác giả Stuart Henry (người Mĩ) cũng có quan điểm
tương tự, ông cho rằng: tính kỉ luật quá khắc nghiệt hay
quá dễ dàng của cha mẹ trong ứng xử với con, sự thiếu
quan tâm, thiếu tình cảm của cha mẹ và người chăm sóc
với con cái; hoạt động giao tiếp của các thành viên trong
gia đình hạn chế cũng có ảnh hưởng tới hành vi bạo lực
của trẻ hoặc dẫn tới HS bị BLHĐ. Gia đình có cha mẹ
phạm tội, trình độ nhận thức hạn chế, điều kiện kinh tế,
thu nhập bấp bênh, không có người giám sát, bỏ rơi trẻ
thường có nguy cơ dẫn đến hành vi BLHĐ hoặc là nạn
nhân của bạo lực [13].
Giống như Stuart Henry, khi nghiên cứu trên 496 HS
tại 8 trường THCS và THPT về hành vi BLHĐ tại Quy
Nhơn, Đinh Anh Tuấn cũng đã chỉ rõ các yếu tố trong
môi trường xã hội có ảnh hưởng tới hành vi BLHĐ, như:
Hành động bạo lực nghiêm trọng như đe dọa, đánh nhau
hoặc sử dụng hung khí tấn công bạn học có sự tập trung
cao ở những HS gia đình có vấn đề (bố mẹ thường xuyên
cãi nhau, li hôn, bố/mẹ mất hoặc không sống chung với
bố mẹ), đồng thời những HS này cũng bị bạo lực nhiều
hơn. Các GV trong trường đều cho rằng, HS sống trong
gia có vấn đề thì các em hoặc là thu mình trầm lặng nên
dễ bị bắt nạt hoặc là tính khí cộc cằn, nóng nảy dễ bộc
phát hành vi bắt nạt bạn. So với các nhóm HS khác thì
những hình thức bạo lực nghiêm trọng chiếm tỉ lệ cao,
nhất là ở những HS mà bố mẹ để cho các em tự do
(38,1%). 4/5 trường hợp có hành động đe dọa; đánh; sử
dụng hung khí tấn công thầy cô cũng là những HS này.
Những trường hợp HS đánh thầy cô giáo thì đều rơi vào
đối tượng HS sống trong gia đình có bạo lực [14].
Hành vi BLHĐ của HS được “học tập”, “bắt chước”
từ môi trường gia đình, kết quả cho thấy nhóm HS vừa là
thủ phạm, vừa là nạn nhân của bạo lực chứng kiến mức độ
anh chị em trong gia đình đánh nhau khi có mâu thuẫn là
rất cao và ngược lại, đồng thời các nhóm HS gây ra bạo
lực thì có mức độ được bố mẹ quan tâm thấp nhất [15].
Học sinh là nạn nhân của BLHĐ thường có những đặc
điểm về gia đình như: gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hoặc
không đầy đủ cha mẹ (không có bố theo nghĩa được công
nhận về mặt luật pháp, “con rơi”); cha mẹ ít giao tiếp hay
gắn kết con cái; con cái không tin tưởng cha mẹ trong hỗ
trợ, giải quyết, bảo vệ khi bị bắt nạt ở trường học [16].
Ngược lại, nếu mức độ gắn kết gia đình bền chặt sẽ là
yếu tố bảo vệ HS không tham gia gây bạo lực cũng như
không chủ động gây thương tích cho bản thân. Việc bố mẹ
sống chung cũng góp phần bảo vệ HS khỏi các hành vi tự
gây thương tích bản thân hoặc nguy cơ bạo lực tinh thần từ
bạn bè [17]; cha mẹ giáo dục tình yêu thương cho con cái
càng nhiều thì hành vi BLHĐ của HS càng giảm. Tương tự,
khi HS càng thể hiện sự giúp đỡ và đồng cảm đối với người
khác thì càng ít thực hiện hành vi bạo lực [18].
Như vậy, các nghiên cứu đều chỉ ra, yếu tố gia đình
là 1 trong 3 yếu tố (bên cạnh nhà trường và nhóm bạn bè)
có mối quan hệ với vấn đề bạo lực trong trường học, cụ
thể là cả đối với HS gây ra hành vi bạo lực và HS là nạn
nhân của bạo lực.
2.2.2. Yếu tố trường học
Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia cho thấy bạo
lực phổ biến hơn ở các trường lớn so với các trường nhỏ
hơn, 89% các trường lớn được khảo sát thừa nhận một
hoặc nhiều vụ phạm tội trong một năm trong khi chỉ có
38% xảy ra ở trường nhỏ. Furlong và Morrison (2000)
cũng cho rằng, quy mô trường học là một yếu tố thiết yếu
để xác định tỉ lệ bạo lực. Có nghĩa là với số HS lớn hơn,
việc tiếp xúc với các hành vi bạo lực trong khuôn viên
trường học sẽ lớn hơn [1]. Do vậy, có thể dễ giải thích
rằng, các trường học ở thành phố có nhiều khả năng bạo
lực nhiều hơn các trường học nông thôn,
Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng chống lại giả định
này của Furlong và Morrison: không tìm thấy sự khác
biệt đáng kể nào giữa BLHĐ trong các khu vực thành
phố, ngoại ô và phi đô thị. Trung tâm Thống kê Giáo dục
Quốc gia đã tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa các
trường học thành phố và các trường học nông thôn; tuy
nhiên, không có sự khác biệt giữa các địa điểm ngoại
thành và thành phố (dẫn theo [12]).
Môi trường học tập an toàn, thân thiện, công bằng và
bình đẳng sẽ là yếu tố hạn chế bạo lực trong trường học,
cụ thể như: HS nhận được sự quan tâm của người lớn
xung quanh đúng mức khi có hiện tượng bạo lực, cũng
có tương quan với mức độ bạo lực, điều đó có nghĩa là
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 448 (Kì 2 - 2/2019), tr 26-31
29
khi HS nhận được sự tôn trọng từ người lớn và bạn bè
trong trường học, họ sẽ ứng xử tôn trong lại và việc cảm
thấy được tôn trọng sẽ làm giảm cảm xúc tiêu cực và
giảm hành vi gây hấn, vì vậy HS sẽ giảm hành vi gây bạo
lực hoặc bị bạo lực [15]. Như vậy, khi HS có nhận thức
về quy tắc của nhà trường và tin tưởng vào các quy tắc
đó tốt thì có xu hướng diễn ra BLHĐ ít hơn, bởi khi đó
HS sẽ có mối quan hệ tích cực với GV, cảm thấy thân
thiện với ngôi trường của họ, cảm thấy môi trường tích
cực và trật tự.
Để thực hiện giáo dục và quản lí HS, nhà trường
thường có các biện pháp kỉ luật. Những biện pháp kỉ luật
HS một cách tích cực, phù hợp là rất quan trọng và cần
được thực hiện để đảm bảo môi trường trường học an
toàn. Những HS được học tập tại môi trường tích cực như
có sự tôn trọng, công bằng và có kỉ luật có xu hướng ít
có hành vi bạo lực hơn những HS ở môi trường tiêu cực
như không được đối xử công bằng bởi GV và các HS
khác, việc chấp hành nội quy nhà trường không tốt [15].
Mayer và Leone chỉ ra rằng, một môi trường học tập
có hình thức kỉ luật tiêu cực, khắc nghiệt có thể dẫn đến
hành vi lệch chuẩn của HS nhiều hơn là giảm thiểu các
hành vi tiêu cực đó. Có nhiều biện pháp kỉ luật HS trong
trường học như: dựa vào các hình phạt của pháp luật,
trừng phạt, hay sự răn đe của nhà trường và của GV được
chứng minh là không có hiệu quả [dẫn theo 10].
Như vậy, các hình thức kỉ luật tích cực áp dụng đối
với HS cần có quy tắc rõ ràng, công bằng và không thiên
vị, phương pháp kỉ luật phải được truyền đạt một cách rõ
ràng. Khi có các biện pháp trừng phạt thì cần có cách giải
thích thích đáng và các hành vi có thể được xã hội chấp
nhận. Nếu nhà trường nhận thức được điều này thì
BLHĐ sẽ giảm đi đáng kể.
Theo nhà tâm lí học tội phạm Đonvonga (Liên Xô
cũ), ảnh hưởng của nhóm bạn không chính thức tiêu cực
đến hành vi phạm pháp của trẻ em được thể hiện qua 04
điểm sau: 1) Các nhóm tiêu cực là cơ sở hình thành quan
điểm và định hướng dẫn đến hành vi phạm pháp; 2) Trẻ
vị thành niên tuân theo những quyết định của nhóm dù
bản thân có quan điểm riêng. Sự phục tùng này lúc đầu
có thể là hình thức, nhưng dần dần có thể làm thay đổi
định hướng bên trong; 3) Việc tham gia vào nhóm bạn
tiêu cực có tác dụng làm tăng động cơ thực hiện tội phạm
và làm cho cá nhân cảm thấy tinh thần trách nhiệm đối
với hành vi của mình giảm đi; 4) Nhóm bạn tiêu cực có
vai trò quan trọng trong việc loại trừ nỗi sợ hãi của các
thành viên trước sự phạt của pháp luật (dẫn theo [21]). Ji-
Kang Chen cho rằng, các nguy cơ từ bạn bè như chơi với
nhóm bạn xấu, chứng kiến cảnh bạo lực của bạn bè cũng
có thể sẽ dẫn tới hành vi bạo lực hoặc bị bạo lực [11].
Những HS là nạn nhân của BLHĐ thường chơi với
nhóm bạn bè có đặc điểm: Thiếu kĩ năng kết bạn, ít bạn
bè/không thuộc một nhóm bạn ở lớp hay trường học,
thường bị bạn bè kì thị, cách li, chối bỏ; Thiếu các kĩ năng
ứng xử, giao tiếp với bạn bè thì có xu hướng bị bạo lực
hoặc có hành vi BLHĐ do không kiểm soát được hành
vi [16].
Một đặc điểm nữa của trường học có thể là nguy cơ
cho BLHĐ đó là: tình trạng quá tải về chương trình giáo
dục tạo nên những áp lực về học tập cho HS; thiếu các
hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho HS; sự liên kết lỏng
lẻo của nhà trường với gia đình trong việc quản lí, kiểm
soát và giáo dục HS, thái độ tiêu cực của GV, các quy
định thiếu rõ ràng của nhà trường [16].
Một số yếu tố của trường học là điều kiện cho hành
vi bạo lực xảy ra ở HS như: Quy mô trường học, địa
điểm, tình trạng, những quy tắc đạo đức, chính sách của
nhà trường đều có tác động đến số lượng, loại và mức
độ nghiêm trọng của bạo lực.
Từ những phân tích trên cho thấy, môi trường học
đường cùng với mối quan hệ trong trường học, sự giám
sát, nội quy, kỉ luật của nhà trường có vai trò quan trọng
trong việc tạo điều kiện phát triển hay giảm bớt các hành
vi BLHĐ. Do đó, mỗi nhà trường cần xây dựng một môi
trường trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng để
ngăn ngừa hiện tượng bạo lực trong trường học hiện nay.
2.2.3. Các yếu tố xã hội
Tác động của môi trường xã hội cho thấy, những HS
bị ảnh hưởng hoặc tham gia các tệ nạn xã hội, sử dụng
mạng xã hội thường có xu hướng BLHĐ hơn những HS
không tham gia, những hành vi BLHĐ của HS được
“học” từ phim ảnh và trò chơi bạo lực [15]. Những HS
có thói quen rất thích xem phim hành động, kinh dị của
Mĩ và chơi các game có các cảnh bạo lực như Võ Lâm
truyền kì, Biệt đội thần tốc, Đột kích... thường xuyên có
hành vi BLHĐ [14]. Tác giả đã đưa ra các dẫn chứng cụ
thể khi nghiên cứu trên 496 HS tại Quy Nhơn, trong đó
có 18,4% HS chơi game ở tiệm internet và 24,8% chơi
game ở nhà và quan sát cho thấy hầu hết các em chơi
những trò chơi bạo lực. HS chơi game có tỉ lệ gây bạo
lực thể chất cao hơn HS không chơi game (40,0% so với
27,8%), trong đó tỉ lệ HS đánh nhau vượt trội là ở những
HS chơi game ở tiệm internet (58,3%), có 02 trường hợp
HS đánh thầy cô thì đều rơi vào nhóm HS chơi game,
nghiện game này. Nhiều khi, mâu thuẫn trong quá trình
chơi được các game thủ đưa ra giải quyết ngoài đời,
80,4% HS nhận định BLHĐ bị ảnh hưởng từ game
online, phim ảnh bạo lực. Bên cạnh đó, nhiều em coi
mạng internet là phương tiện để thực hiện bạo lực tinh
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 448 (Kì 2 - 2/2019), tr 26-31
30
thần với bạn bè [14]. Việc lạm dụng mạng xã hội của HS
là yếu tố nguy cơ đối với cả hành vi gây và bị bạo lực
trong môi trường học đường, đối với cả hành vi bạo lực
thể chất và bạo lực tinh thần giữa HS với nhau [17].
Bên cạnh đó, các hành vi nguy cơ của HS như hút
thuốc lá, sử dụng bia rượu, hút shisha, sử dụng các chất
gây nghiện, kích thích cũng được chỉ ra là có môi liên hệ
chặt chẽ đến hành vi gây bạo lực, bị bạo lực hoặc tự gây
thương tích cho bản thân [17].
Như vậy, những HS bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã
hội và môi trường xã hội không lành mạnh thường có xu
hướng gây bạo lực và ngược lại. Do đó, tìm hiểu nguyên
nhân dẫn đến BLHĐ của HS cần chú ý đến những tác
động của môi trường xã hội ảnh hưởng tới HS.
Tóm lại, ảnh hưởng đến HS bị BLHĐ và gây ra hành
vi bạo lực là từ các nhóm yếu tố tâm lí cá nhân và nhóm
yếu tố môi trường xã hội. Việc chỉ ra và phân tích các
nguyên nhân này chính là cơ sở để thực hiện các biện
pháp phòng ngừa và can thiệp giảm thiểu BLHĐ.
2.3. Vai trò của nhân viên công tác xã hội trường học
trong giải quyết mối quan hệ giữa các yếu tố môi
trường xã hội với vấn đề bạo lực học đường
CTXH trường học chính là những ứng dụng của
CTXH trong nhà trường. Ở đó, nhân viên CTXH thực
hành kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế của mình
và coi nhà trường là phạm vi hoạt động chủ yếu để liên
kết giữa HS, phụ huynh, GV và cộng đồng dân cư, nhằm
đưa ra những dịch vụ tương ứng với mục tiêu giáo dục
của nhà trường, từ đó hỗ trợ HS giải quyết những vấn đề
mà các em gặp phải và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh
của các em, đồng thời cũng giúp nhà trường thực hiện
được những tôn chỉ và mục đích đã đề ra [5].
Nhân viên CTXH học đường làm công tác phòng
ngừa và trợ giúp cho HS có liên quan đến BLHĐ không
chỉ làm việc với thủ phạm và nạn nhân, mà còn làm việc
cha mẹ HS, GV, bạn bè, cán bộ tư vấn tâm lí trường
học để tạo điều kiện môi trường xã hội lành mạnh và
thuận lợi trong trợ giúp cho HS cũng như phòng ngừa
vấn đề bạo lực trong trường học.
Nhân viên CTXH cần xem xét các “hệ thống” xung
quanh các HS có liên quan đến BLHĐ để tìm kiếm các
nguồn lực, giải pháp phù hợp. Ví dụ, cần xác định xem
các em chơi với nhóm bạn nào (tốt hay xấu); mối quan
hệ của các em với bạn bè xung quanh, với đối tượng gây
bạo lực ra sao; gia đình các em như thế nào, có người
hiểu biết, bảo vệ và chăm sóc các em hay không; họ hàng,
ông bà, cô, dì, chú, bác,... của các em như thế nào, liệu
có thể có tác động tích cực trong việc ngăn ngừa đối
tượng gây bạo lực và động viên, giúp đỡ nạn nhân không;
lớp học, nhà trường có quy định gì liên quan hoặc có cơ
chế gì giúp cho việc chia sẻ, báo cáo và xử lí vụ việc bạo
lực hay không... Chính từ việc phân tích một cách tổng
thể, có hệ thống những yếu tố tác động gây ra hành vi
bạo lực, cũng như những yếu tố bảo vệ, trợ giúp nạn nhân
mà nhân viên CTXH có thể tham vấn cho HS và các bên
liên quan để đưa ra những giải pháp can thiệp phù hợp từ
cấp độ vi mô, trung mô đến vĩ mô - tùy từng vụ việc cụ
thể và kết quả phân tích, đánh giá hệ thống sinh thái cụ
thể đối với từng trường hợp khác nhau.
Trong quá trình làm việc với HS, đặc biệt là HS liên
quan đến BLHĐ, nhân viên CTXH cần đảm bảo các
nguyên tắc là: bảo vệ, đảm bảo quyền lợi, đảm bảo tính
chủ thể, đảm bảo cơ hội để phát triển và quan tâm [19].
3. Kết luận
Bạo lực trong trường học hiện nay đang là một vấn
nạn trong trường học, diễn ra ở nhiều cấp, bậc học khác
nhau, với nhiều hình thức đa dạng và phức tạp. Hiện
tượng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, tâm
lí và cuộc sống của HS sau này, thể hiện sự xói mòn đạo
đức nghiêm trọng trong môi trường giáo dục. Bên cạnh
các yếu tố thuộc về cá nhân, thì nhóm yếu tố môi trường
xã hội bao gồm gia đình, nhà trường, mối quan hệ bạn bè
và các yếu tố xã hội khác được cho là có mối quan hệ
chặt chẽ và là nguyên nhân dẫn tới BLHĐ. Do vậy, nhân
viên CTXH trường học cần vận dụng các lí thuyết về tâm
lí xã hội, CTXH để giải quyết tốt mối quan hệ giữa HS
với gia đình, bạn bè, nhà trường và xã hội góp phần
phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ HS có liên quan đến
BLHĐ, thực hiện môi trường học đường an toàn, thân
thiện, bình đẳng hướng tới xây dựng “Nhà trường thân
thiện, HS tích cực”.
Bài viết này là kết quả của đề tài cấp Bộ “Mô hình
công tác xã hội nhóm trong hỗ trợ học sinh có biểu
hiện rối nhiễu hành vi trong trường học”, MS: B2017
- SPH - 42.
Tài liệu tham khảo
[1] Furlong and Gale Morison (200). School Violence:
Definitions and Facts. Journal of emotional and
behavioral disorders, Vol.8, No. 2, pp. 71-82.
[2] Chính phủ (2017). Nghị quyết số 80/2017/NĐ-CP
ngày 17/7/2017 quy định về môi trường giáo dục an
toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực
học đường.
[3] Phan Thị Mai Hương (2009). Thực trạng bạo lực
học đường hiện nay. Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 448 (Kì 2 - 2/2019), tr 26-31
31
tế: Nhu cầu định hướng và đào tạo Tâm lí học đường
tại Việt Nam, Hà Nội, tr 28-32.
[4] Huỳnh Văn Sơn (2016). Bạo lực học đường - Cần
có cái nhìn khoa học về khái niệm. Kỉ yếu Hội thảo
Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học
đường trong trường phổ thông, Hà Nội, tr 60-65.
[5] Nguyễn Văn Tường (2013). Công tác xã hội trường
học và cơ chế phòng ngừa hành vi bạo lực học
đường. Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Nâng cao
tính chuyên nghiệp công tác xã hội vì phát triển và
hội nhập” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. NXB
Đại học Sư phạm, tr 568-575.
[6] Nguyễn Văn Lượt (2009). Bạo lực học đường
nguyên nhân và một số biện pháp hạn chế. Kỉ yếu
Hội thảo khoa học toàn quốc: Nhà trường Việt Nam
trong một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc
dân tộc, TP. Hồ Chí Minh 11/2009, tr 322-325.
[7] [7] Nguyễn Đắc Thanh (2013). Phân loại bạo lực
học đường giữa học sinh và học sinh bậc trung học
hiện nay. Tạp chí Giáo dục, số 310, tr 9-11.
[8] Urie Bronfenbrenner (1979). The Ecology of Human
Development Experiments by nature and design.
Harverd university press Cambridge, Masschusets
and London, England.
[9] Phan Thị Mai Hương (2007). Cách ứng phó của trẻ
vị thành niên với hoàn cảnh khó khăn. NXB Khoa
học xã hội.
[10] Mikayo Ando-Takashi Asakura-Bruce Simons-
Morton (2005). Psychosocial Influences on
Physical, Verbal, and Indirect Bullying Among
Japanese Early Adolescents. The Journal of Early
Adolescence, Vol. 25; No. 268.
[11] Ji-Kang Chen (2008). School social dynamics as
mediators of students’ personal traots and family
factors on the perpetration of school violence in
Taiwan. Doctor of philosophy (Social work).
[12] Kristin D. Eisenbraun (2007). Violence in schools:
Prevalence, prediction, and prevention. Aggression
and Violent Behavior, pp. 459-469.
[13] Stuart Henry (2000). What Is School Violence? An
Integrated Definition. The ANNALS of the
American Academy of Political and Social Science,
Vol. 567, issue 1, pp. 16-29.
[14] Đinh Anh Tuấn (2015). Bạo lực học đường trong
học sinh trung học trên địa bàn thành phố Quy
Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay: Thực trạng và các
nhân tố ảnh hưởng. Luận án tiến sĩ chuyên ngành
Xã hội học.
[15] Đỗ Ngọc Khanh (2014). Một số yếu tố chi phối bạo
lực học đường nhìn từ góc độ hành vi. Tạp chí Tâm
lí học, số 11 (188), tr 36-49.
[16] Phan Đức Nam (2016). Một số đặc trưng xã hội và
nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng bắt nạt trong học
sinh trung học phổ thông hiện nay. Tạp chí Xã hội
học, số 4 (136), tr 55-66.
[17] Dương Thị Thu Hương (2016). Các yếu tố xã hội có
liên quan đến hành vi bạo lực học đường của học
sinh trung học phổ thông tại Hà Nội. Tạp chí Nghiên
cứu Gia đình và Giới, số 4, tr 51-63.
[18] Phạm Minh Thu (2017). Hành vi bạo lực học
đường của học sinh. Tạp chí Tâm lí học, số 5
(218), tr 54-66.
[19] Nguyễn Văn Tường (2012). Những khó khăn trong
việc thực hiện các nguyên tắc đạo đức của người
làm công tác xã hội thanh thiếu niên. Kỉ yếu khoa
học Hội thảo quốc tế về chia sẻ kinh nghiệm quốc tế
về công tác xã hội và an sinh xã hội. NXB Đại học
Quốc gia Hà Nội, tr 410-419.
[20] Holan Liang - Alan J. Flisher B - Carl J. Lombard C
(2007). Bullying, violence, and risk behavior in
South African school students. Child Abuse &
Neglect, Vol. 31, pp. 161-171.
[21] Killam-Wendy K. Roland-Catherine B. Weber-Bill
(2014). Violence Prevention in Middle School: A
Preliminary Study. Michigan Journal of Counseling,
Vol. 40, No. 2, Fall-Winter.
[22] Lưu Song Hà (2004). Hành vi sai lệch chuẩn mực
xã hội. Tạp chí Tâm lí học, số 7, tr 44-47.
KÍNH MỜI BẠN ĐỌC ĐẶT MUA
TẠP CHÍ GIÁO DỤC NĂM 2019
Tạp chí Giáo dục ra 1 tháng 2 kì, đặt mua
thuận tiện tại các bưu cục địa phương, (Mã
số C192) hoặc đặt mua trực tiếp tại Tòa soạn
(số lượng lớn) theo địa chỉ: TẠP CHÍ
GIÁO DỤC, 4 Trịnh Hoài Đức, quận
Đống Đa, Hà Nội.
Kính mời bạn đọc, các đơn vị giáo dục,
trường học đặt mua Tạp chí Giáo dục năm
2019. Mọi liên hệ xin gửi về địa chỉ trên hoặc
liên lạc qua số điện thoại: 024.37345363; Fax:
024.37345363.
Xin trân trọng cảm ơn.
TẠP CHÍ GIÁO DỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 07nguyen_thi_mai_huong_nguyen_thu_ha_7617_2141263.pdf