Tài liệu Một số nét nổi bật trong phương thức thể hiện tình yêu và hạnh phúc gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 26 (51) - Thaùng 03/2017
165
Một số nét nổi bật trong phương thức thể hiện tình yêu
và hạnh phúc gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ
Việt Nam đương đại
Some highlights of the way of expressing love and family happiness in the short
stories by contemporary Vietnamese female writers
ThS. Trần Thị Hồng Nhung
Trường Đại học Sài Gòn
Tran Thi Hong Nhung
M.A., Saigon University
Tóm tắt
Tình yêu và hạnh phúc gia đình là một trong những dòng mạch cảm hứng và là chủ đề lớn của truyện
ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. Viết về nó, bằng thể loại truyện ngắn, các tác giả nữ đã
chứng tỏ được khả năng, ưu thế của mình không chỉ trên phương diện nội dung nhận thức mà còn cả
trên phương diện nghệ thuật thể hiện (dĩ nhiên là giữa hai phương diện có sự thống nhất, tương hợp).
Bài viết chỉ ra một số nét nổi bật trong phương thức thể hiện tình yêu và hạnh phúc gia đình của truyện
ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại trê...
10 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 344 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số nét nổi bật trong phương thức thể hiện tình yêu và hạnh phúc gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 26 (51) - Thaùng 03/2017
165
Một số nét nổi bật trong phương thức thể hiện tình yêu
và hạnh phúc gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ
Việt Nam đương đại
Some highlights of the way of expressing love and family happiness in the short
stories by contemporary Vietnamese female writers
ThS. Trần Thị Hồng Nhung
Trường Đại học Sài Gòn
Tran Thi Hong Nhung
M.A., Saigon University
Tóm tắt
Tình yêu và hạnh phúc gia đình là một trong những dòng mạch cảm hứng và là chủ đề lớn của truyện
ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. Viết về nó, bằng thể loại truyện ngắn, các tác giả nữ đã
chứng tỏ được khả năng, ưu thế của mình không chỉ trên phương diện nội dung nhận thức mà còn cả
trên phương diện nghệ thuật thể hiện (dĩ nhiên là giữa hai phương diện có sự thống nhất, tương hợp).
Bài viết chỉ ra một số nét nổi bật trong phương thức thể hiện tình yêu và hạnh phúc gia đình của truyện
ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại trên các thành tố: kết cấu, nhân vật, giọng điệu và ngôn ngữ;
qua đây, nhằm khẳng định những đóng góp khó có thể thay thế của các nhà văn nữ trong chiếm lĩnh
những vấn đề/ hiện tượng đang nóng hổi tính thời sự và nhân văn của đời sống đương đại...
Từ khóa: tình yêu, hạnh phúc, gia đình, các nhà văn nữ Việt Nam đương đại.
Abstract
Love and family happiness is one of the inspirational lines and a great topic of contemporary
Vietnamese female writers. Writing about the topic in the short story genre, female authors have shown
their abilities and advantages not only in terms of cognitive content but also in terms of artistic
expression (of course, the two aspects are in unity and compatibility). The article points out some of the
highlights of the way of expressing love and family happiness in the short stories by contemporary
Vietnamese female writers via the components such as texture, character, tone and language; as a result,
they aim to confirm their hard-to-replace contributions in occupying the issues and phenomena of the
hot news and humanities of the contemporary life ...
Keywords: love, happiness, family, contemporary Vietnamese female writers.
1. Tình yêu và hạnh phúc gia đình –
một trong những chủ đề lớn của truyện
ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại.
Có thể thấy cách nhìn của các nhà văn nữ
về chủ đề này so với văn chương thời kỳ
trước và văn chương của các nhà văn nam
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THÀNH PHỐ VĨNH LONG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
166
giới cùng thời có nhiều điểm khác biệt.
Cũng là tình yêu của con người, nhưng do
bị chí phối bởi cái nhìn lãng mạn – cách
mạng, tình yêu trong văn học trước 1975
thường dẫn đến hôn nhân và đem lại hạnh
phúc trọn vẹn. Trong truyện ngắn của các
nhà văn nữ hiện nay, câu chuyện tình yêu
không còn “thuần khiết”, lãng mạn... như
thế nữa; trái lại, quá đa đoan, đầy phức tạp,
nhiều phiền muộn, lắm khổ đau, bất hạnh,
đổ vỡ. Có phải vì thế mà phần lớn truyện
ngắn của các nhà văn nữ có kiểu kết cấu
mở, giành quyền phán xét cho người đọc?
Cái chết của cô gái điếm hết thời trong
Biển cứu rỗi (Võ Thị Hảo) tưởng như khép
lại câu chuyện của người lính gác đảo đèn.
Tưởng như anh trở về với cuộc sống đời
thường, song không thể. Cái chết ấy đã
khiến người lính thức tỉnh, nên thu xếp đồ
đạc lên tàu về quê hay lại đến một nơi nào
khác để tiếp tục gặm nhấm nỗi căm phẫn
đồng loại, ghẻ lạnh loài người? Hoặc nếu
về quê, liệu anh có thể tha thứ cho người
vợ, có chấp nhận những đứa trẻ không
mang gương mặt của mình? Cô gái trong
Dây neo trần gian (Võ Thị Hảo) sẵn sàng
làm tất cả để người lính trở về từ chiến
trường được neo lại chốn trần gian, song
khi đạt được rồi cô gái ấy lại đau khổ vì
“anh ấy không phải là của tôi” (1). Những
ngày sau đó mối quan hệ sẽ thế nào? Cô gái
tiếp tục quan tâm đến người lính như trước
đây đã từng quan tâm hay chỉ âm thầm,
lặng lẽ đi bên lề của cuộc đời anh? Sải
trong Con dại của đá tự rơi vào bi kịch tình
yêu do chính nàng tạo ra. Yêu Hùng De -
chàng lính biên phòng, người con trai mà
tất cả các cô gái bản đều ao ước, nhưng Sải
không cưỡng lại được sự mê hoặc bởi vị
mặn mang mùi của biển từ Cáo Tờ Quẩy -
một gã đàn ông buôn chuyến. Thất thân với
người chồng chưa cưới, ân hận từ những lỗi
lầm không thể tha thứ của mình, Sải đã bỏ
chạy. Người ta chỉ tìm thấy “dấu máu rõ từ
nhà Giằng Gau tới miệng vực thì mất hút.
Vực sâu thăm thẳm không ai xuống nổi.
Không biết nàng đã nhảy xuống vực hay bỏ
đi biệt tích” ? (2)... Câu hỏi để ngỏ này
khiến truyện kết thúc mà người đọc vẫn còn
day dứt về số phận của Sải. Dạo đó thời
chiến tranh của Lê Minh Khuê dừng lại
nhưng câu chuyện chưa kết thúc vì cuối
truyện khi chia tay người đồng đội, Cúc
như sắp khóc nhưng rồi lại quay đi, “chạy
vào cái cối xay đã xay nát tình yêu của
họ Một ngày lại sắp qua đi” (3). Bế tắc,
cùng quẫn đã giết chết tình yêu của Thắng
và Cúc, nhưng họ không có cách nào vùng
vẫy để cứu vãn cuộc hôn nhân từng là mơ
ước và sự ghen tị của biết bao người. Hôm
nay cũng như hôm qua, ngày mai rồi lại
cũng giống hôm nay, cuộc sống quẩn quanh
trong những cái chuồng được gọi là nhà với
chuột bọ, rác rưởi đeo đẳng mãi; có vùng
vẫy họ cũng không thể nào thoát ra được. Ở
đâu đó, xa tít trong những cơn mưa Trường
Sơn, giọng hát và nụ cười trong trẻo của
Cúc vọng về như một nghịch lý, như một
nỗi đau, như một niềm day dứt...
Dễ nhận thấy trong truyện ngắn của
các nhà văn nữ là loại kết cấu tâm lý,
truyện không có cốt truyện. Loại kết cấu
này phổ biến trong những truyện viết về
những chuyện vặt vãnh đời thường thiên về
sự thăng trầm trong cảm xúc và nội tâm
nhân vật. Trong mỗi truyện, ẩn giấu sau
mỗi số phận, mỗi cảnh đời là sự gửi gắm
của các nhà văn về cuộc đời, về nhân sinh.
Các sự kiện và hành động của nhân vật mất
vai trò thúc đẩy sự phát triển của câu
chuyện, chỉ còn biểu hiện những trạng thái
tình cảm, tâm lý thuần tuý; mạch truyện
LÊ PHƯỚC THÀNH
167
không đi theo quy luật nhân quả. Trong
truyện Người đàn bà và những giấc mơ (Y
Ban), người đàn bà phát ngán trước những
quen thuộc đến bình yên, nhàm chán trong
gia đình, trong quan hệ vợ chồng. Ông cậu
trong Nước mắt đàn ông (Nguyễn Thị Thu
Huệ) dù có tài kiếm tiền nhưng lại cô độc
ngay trong chính ngôi nhà dư thừa vật chất
của mình. Giấc mơ được yêu thương che
chở bởi một người đàn ông có bàn tay ấm
áp lạ thường luôn ám ảnh cô gái điếm
trong Người đàn bà sinh ra từ bóng đêm
(Y Ban). Ở Vườn yêu, Võ Thị Hảo dựa trên
tâm trạng của một cô gái mới lớn, lần đầu
tiên bước chân vào chốn vườn yêu. Khi thì
tràn trề háo hức, lúc lại sợ sệt chối từ. Từ
tình huống tâm lý đặc biệt này, truyện
muốn khái quát những ý nghĩ, những suy
tư của người con gái tuổi mới lớn khi bước
vào tình yêu. Cô bé cũng như những người
khác tự ru ngủ mình bằng chính những bi
kịch của sự nhẹ dạ và đức hy sinh được tô
vẽ, phóng đại lên nhiều lần. Chỉ có bất
hạnh vẫn trần trụi thế. Vườn yêu không
phải bao giờ cũng đầy hương thơm mật
ngọt, ở đó có thể có cả những đau đớn, mất
mát, hy sinh. Mong manh như là tia nắng
(Lê Minh Khuê) là tâm trạng của người
đàn bà dù đã có cuộc sống bình yên, làm
tròn trách nhiệm của một người mẹ, người
vợ nhưng vẫn luôn thổn thức vì kỷ niệm, vì
khao khát thầm kín với người yêu xưa.
Người đàn bà nuôi con riêng cho chồng khi
người tình của chồng qua đời trong
Chuông vọng cuối chiều (Võ Thị Hảo) hay
một cô gái lầm lỡ đánh mất tình yêu vì trót
thất thân với một gã họ Sở trong Con dại
của đá (Võ Thị Hảo), tất cả tưởng như
chuyện rất thường ngày nhưng lại luôn
xoay quanh số phận đời tư của mỗi con
người. Truyện không có cao trào, biến cố
hay xung đột dữ dội; trầm lặng đều đều,
nhưng để lại nhiều dư ba, ám ảnh...
2. Nhân vật trong tác phẩm văn chương
có vai trò như để triển khai cốt truyện, được
coi là phương tiện để nhà văn khái quát đời
sống. Những điều nhà văn muốn nói đều
gửi gắm qua hình tượng nhân vật... Thế
giới nhân vật trong truyện ngắn của các cây
bút nữ cũng phong phú, đa dạng với những
số phận khác nhau trên con đường đi tìm
tình yêu và hạnh phúc. Có nhiều cách phân
loại nhân vật theo những tiêu chí khác
nhau Ở đây, trong quan hệ với việc thể
hiện nội dung tình yêu và hạnh phúc gia
đình, thiết nghĩ chọn tiêu chí giới tính là
phù hợp hơn cả vì trong rất nhiều nguyên
nhân dẫn đến bất hạnh, bi kịch của tình yêu
và hạnh phúc gia đình, theo các nhà văn nữ,
nguyên nhân chính là ở thế giới đàn ông.
Trong con mắt của họ, quan hệ giữa hai
giới (đàn ông – đàn bà/ nam – nữ) không
lấy gì làm êm thấm, đẹp đẽ.
Có thể thấy, các nhà văn nữ thể hiện rõ
trên trang viết của mình những suy tư,
những dòng chảy cảm xúc chân thực, riết
róng, nồng cháy đang trỗi dậy trong họ.
Người đàn ông dĩ nhiên là một thành tố
không thể thiếu trong thế giới nhân vật của
tác phẩm mà họ tạo ra. Các cây bút nữ
thường đi tìm căn nguyên từ phía những
người đàn ông, dù là đàn ông thuộc loại
xấu xa, ti tiện hay loại tử tế, “hoàn thiện”.
Bi kịch mà phụ nữ gặp phải chưa hẳn là do
những người đàn ông gây ra nhưng dù ít,
dù nhiều, đàn ông không thể là “vô tội”.
Nhân vật anh trong Sơ ri đắng, Biển ấm,
Cát đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ là như
thế. Đứng trước một phụ nữ đẹp, gợi cảm,
người đàn ông thường nảy sinh những cảm
xúc nhục thể... Song, không phải vì thế mà
mọi đàn ông đều trở nên xấu xa. Người đàn
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THÀNH PHỐ VĨNH LONG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
168
ông này đã biết yêu, đã biết cảm thông,
chia sẻ, giữ gìn, chở che và tôn trọng người
mình yêu: “Em trắng trong, trinh nguyên
như nụ hoa mới nở buổi sớm. Mà tôi, thằng
đàn ông đã có vợ con và nhiều bồ cũng
không dám nghĩ tới một điều gì xấu ngoài
việc là ngắm em Em trong trắng quá,
thanh sạch đến nỗi tôi cảm thấy ngay cả
nghĩ đến điều đó thôi cũng đã là có tội”
(4). Người đàn ông này đã biết đấu tranh
với chính mình bởi anh hiểu dù yêu em
nhưng với hoàn cảnh của mình, anh không
thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho em.
Tuy nhiên, người đàn ông biết nâng niu
phụ nữ trên đôi cánh của tình yêu như thế
trong truyện của các cây bút nữ vẫn là “của
hiếm”.
Phổ biến trong tác phẩm của các chị là
hình ảnh những người đàn ông phản bội,
quên ơn nghĩa, ích kỷ, ti tiện, giả dối, thờ
ơ, vô trách nhiệm trong tình yêu, trong gia
đình Anh chàng trong Một chiều mưa
(Nguyễn Thị Thu Huệ) vui vầy với một cô
gái khác trong ngôi nhà tràn ngập tiếng
cười để người yêu chờ đợi dưới cơn mưa ở
gốc cây dâu gia gầy với những day dứt, hối
lỗi, lo lắng... Người con gái xem tình yêu,
người yêu là tất cả cuộc sống, bỗng chốc
sụp đổ mọi niềm tin, phải hứng chịu nỗi
đau của tình yêu đầu khi người con trai
thiếu tôn trọng tình yêu và không chung
thuỷ. Chàng trai trong Nàng tiên xanh xao
đắm mình trong vòng tay hò hẹn mới, quên
đi ân nghĩa người đã hi sinh một nửa máu
trong huyết quản để cứu sống mình. Các
nhân vật người đàn ông trong Ôn lột tử,
Biển và người đàn bà xấu xí của Y Ban chỉ
tìm đến những người phụ nữ khi bản thân
mình ốm yếu bệnh tật, bị ruồng bỏ; còn khi
đã trở nên khoẻ mạnh và thành đạt thì họ ra
đi, bỏ rơi những người phụ nữ đã từng cưu
mang mình. Có kẻ xảo trá, phản bội người
tình một cách không thương tiếc như người
đàn ông trong Đêm dịu dàng (Nguyễn Thị
Thu Huệ). Anh ta mượn tay thủ trưởng của
mình dựng lên một màn kịch để đẩy một cô
gái vừa bước vào đời đã gặp phải tình
huống vừa xấu hổ, vừa nhục nhã vì bị xâm
phạm, tổn thương... Cuối cùng cô đã nhận
ra được bản chất thật của người yêu cô khi
thấy anh ta đang sung sướng và hạnh phúc
chúc tụng, cảm ơn ông thủ trưởng. Lúc này
cô mới nhận ra rằng: “Tôi cứ tưởng cái gì
tôi cũng biết, nhưng có một cái tôi không
hề biết là người ta có nhiều cách thay đổi
lòng dạ, nhiều kiểu bỏ người tình ngon
lành lắm”. Khánh trong Sơ ri đắng còn tàn
nhẫn đến táng tận lương tâm khi bỏ
Phượng để gây ra cái chết thảm thương cho
người thiếu nữ chưa kịp làm mẹ... Vậy mà
hắn vẫn thản nhiên triết lý: “đàn bà là đàn
bà. Thế thôi” (5). Có những đàn ông, trong
thực chất là người không chung thuỷ với
vợ song vẫn cố giữ vẻ bề ngoài của một
người chồng tử tế, đứng đắn. Với ngòi bút
miêu tả tâm lý tinh tế, Nguyễn Thị Thu
Huệ trong Cầu thang đã để cho người đàn
ông tâm sự: “Tôi có sẵn một tập phong bì
trong đó có 50.000 đồng, cứ tối nào đi em
út, tôi phải thủ vài cái để đêm về đưa cho
mụ béo, bảo là đi họp được tiền” (6). Chẳng
cần bình luận gì thêm bởi người đàn ông
này đã tự lột mặt. Có những người đàn ông
núp danh những người có học thức cao để
lừa gạt con gái. Phá hoại cuộc đời các cô
gái, rồi thì cao chạy xa bay, hoặc tìm đủ lý
do để hắt hủi. Đáng sợ hơn có kẻ như Vỹ
trong Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng
Anh còn vô trách nhiệm, vô lương tâm
trước hậu quả của chính mình: “Than ôi,
ngày đám tang cô, Vỹ ta tắm biển. Vui lắm
và nắng lắm” (7). Người đàn ông trong Hậu
LÊ PHƯỚC THÀNH
169
thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ đã
lợi dụng và lừa gạt một cô bé mới 16 tuổi
đầu đang háo hức bước vào đời với bao vẻ
sáng trong. Hắn “đã có một vợ hai con lại
còn bòn rút từng nghìn của một đứa bé con.
Hắn vừa được con bé, vừa được năm xu
một hào, còn bản thân chẳng mất gì cả” (8).
Chẳng những lừa lọc mà hắn còn ti tiện,
bủn xỉn “Mua xà phòng chỉ thích loại to,
rẻ, bền” (9), còn đi ăn sáng thì chỉ “ăn xôi
cho chắc dạ” (10) Với tất cả những cái
xấu xa đó, người đàn ông này đã mang
khuôn mặt thiếu nữ của một cô bé 16 tuổi
ra đi và trả lại cho cô khuôn mặt của một
người đàn bà.
Có một kiểu đàn ông tưởng chừng
không có lỗi lầm trong cuộc sống, không
trực tiếp gây bất hạnh cho phụ nữ, nhưng
thực chất họ là những kẻ tẻ nhạt, vô vị, đơn
điệu, có lỗi với hạnh phúc gia đình. Với
những người phụ nữ nhạy cảm, tinh tế,
sống trong xã hội hiện đại với rất nhiều
nhu cầu, tình yêu và hạnh phúc gia đình
đối với họ phải là sự hoà hợp của tâm hồn
và thể xác, tinh thần và vật chất. Lan trong
một nửa cuộc đời của Nguyễn Thị Thu Huệ
từng nhận xét về chồng: “anh ấy tròn trịa
như một hòn bi ve () Hải đơn giản tốt
bụng đến phát ghét” (11). Nhiều người phụ
nữ cũng thấy “chồng nàng thuộc tuýp
người chắc chắn không ưa xê dịch” nên
“nàng cứ làm những gì như nàng muốn”
(Người đàn bà đứng trước gương - Y Ban);
“cuộc sống của gia đình nàng trôi qua êm
đềm, bằng lòng, ít trăn trở” (Người đàn bà
và những giấc mơ - Y Ban) (12), nên nàng
đã ngoại tình mà chồng không hay biết.
Đặc biệt đối với những mong ước được
thỏa mãn về thể xác, người chồng càng
không có đủ sự tinh tế để hiểu được: “Anh
không nghe thấy tiếng thở dài tức ngực của
người đàn bà chưa đến 40 tuổi, da thịt mát
lạnh, thơm tho của sự đầy đủ, nhàn hạ,
đang cần sự yêu chiều ve vuốt” (Chỉ còn
một ngày - Nguyễn Thị Thu Huệ)...
Khoảng cách giữa vợ - chồng ngày càng
xa, hạnh phúc dần dần trở nên gượng gạo,
giả tạo. Người phụ nữ dễ rơi vào trụy lạc ái
tình, xem đây như một giải pháp để thoát
khỏi sự tẻ nhạt, vô vị, để được sống với
con người cá nhân của mình. Điều này, có
nên cảm thông, tha thứ? Không hiếm
những đàn ông đã không xứng đáng làm
cây cổ thụ để cho những dây leo yếu ớt,
mỏng mảnh bám tựa. Bằng cách này hay
cách khác, hữu ý hay vô tình, người đàn
ông đã làm tổn thương phụ nữ, thậm chí
gây ra những bất hạnh, khổ đau cho họ.
Truyện ngắn của các nhà văn nữ gửi đi một
thông điệp tế nhị nhưng đầy nghiêm khắc:
“hỡi thế giới đàn ông, các ngươi phải nhìn
lại mình, phải thấu hiểu phụ nữ, phải sống
xứng đáng hơn với phụ nữ”...
3. Trong thế giới nhân vật của truyện
ngắn các nhà văn nữ, so với nhân vật đàn
ông, nhân vật phụ nữ xuất hiện ít hơn
nhưng lại thường giữ vai trò chính của cấu
trúc tác phẩm. Không thể không thấy rằng
các tác giả dành cho phái nữ một sự ưu ái
đặc biệt. Là phụ nữ nên các nhà văn rất
quan tâm đến số phận những người cùng
giới và đặc biệt nhạy cảm với những bi
kịch, những nỗi đau của người phụ nữ
trong cuộc đời có quá nhiều biến động.
Bằng những trang văn đầy nữ tính, họ
muốn chia sẻ, muốn cảm thông, bênh vực,
bảo vệ chị em. Nguyễn Thị Thu Huệ từng
tâm sự: “tôi luôn quan tâm đến số phận của
những người phụ nữ vì không chỉ họ làm
nên cuộc sống, bảo vệ và phát triển cuộc
sống mà tôi hiểu họ, dù có thể chưa đầy đủ.
Và rất quan trọng, rất cần thiết khi một nhà
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THÀNH PHỐ VĨNH LONG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
170
văn viết về những gì mà họ hiểu rõ. Tôi
đồng cảm với số phận của nữ giới. Tôi thực
sự hiểu rõ và muốn chia sẻ với họ niềm
vui, nỗi buồn” (13).
Thế giới nhân vật phụ nữ trong truyện
ngắn của các cây bút nữ thật đa dang,
phong phú với nhiều cảnh ngộ khác nhau.
Nhìn chung, họ có nhiều bi kịch, nhiều bất
hạnh trong tình yêu và hạnh phúc gia đình.
Họ luôn khát khao hạnh phúc, có những
ước mơ cao đẹp và chính đáng nhưng cuộc
đời vốn đa sự, đời người vốn đa đoan nên
cuộc sống gia đình họ luôn bị đe doạ. Họ
cô đơn, khắc khoải, trống rỗng, bế tắc, thất
vọng, bẽ bàng. Luôn khát khao hạnh phúc
vì thế họ sẵn sàng hi sinh mình nhưng số
phận vẫn không mỉm cười với họ. Bi kịch
của họ là ở đó. Quyên trong Tình yêu ơi ở
đâu? (Nguyễn Thị Thu Huệ) từng bộc lộ:
“nàng muốn cuộc sống của mình phải như
nàng nghĩ. Sẽ lấy một người chồng lý
tưởng biết yêu và chiều nàng. Một cuộc
sống đầy đủ” (14). Vậy mà trải qua bao
nhiêu lần tìm kiếm nàng vẫn thất bại. Nàng
từ bỏ chàng thi sĩ khi nhận ra “chàng
không và sẽ không bao giờ có sức làm trụ
cột gia đình” (15). Vậy là tình yêu lãng mạn
đầu đời cũng kết thúc khi chính chàng thi
sĩ làm sụp đổ thần tượng thi ca trong lòng
nàng bởi sự bệ rạc, yếu đuối và quá thiếu
thực tế. Sau một thời gian, nàng yêu anh
chàng kế toán với ý thức xác định về một
cuộc hôn nhân. Nhưng rồi sự kỳ vọng đó
cũng sụp đổ khi nàng nhận ra hắn là kẻ thô
bỉ và tính toán. Rồi thêm một lần nữa nàng
gắn bó với anh lính phục viên từng một lần
có vợ nhưng cái hạnh phúc đơn sơ mà nàng
mong bấu víu cho yên thân cũng không ở
trong tầm tay nàng. Hai đứa trẻ không
muốn bố chúng chia sẻ tình cảm với ai nữa,
chúng sợ nàng sẽ cướp mất người bố,
chiếm căn nhà và tống chúng ra đường.
Nàng không chấp nhận và trở thành người
thừa trong ngôi nhà vốn đã chật chội ấy.
Giữa đô thị ồn ào, náo nhiệt nàng vẫn thấy
cô đơn. Thêm một lần yêu là thêm một lần
chấp nhận, nhưng mỗi lần chấp nhận nàng
như càng lún sâu hơn vào con đường
không lối thoát. Tình yêu và hạnh phúc đời
thường bình dị, sao mà khó khăn đến thế.
Câu hỏi tình yêu ơi ở đâu? vẫn văng vẳng
vang lên ngậm ngùi và khắc khoải. Hằng
trong Tiếng thở dài của đêm (Trần Thị
Trường), Tuy trong Một cuộc đời (Lê Minh
Khuê), đều như vậy, đều là những con
người đau đớn và thất vọng trên con đường
đi tìm tình yêu và hạnh phúc...
Thực tế cuộc sống của con người luôn
song hành hai mặt trái ngược nhau: thực và
mộng. Một mặt người phụ nữ bị trói buộc
bởi muôn vàn yếu tố của một gia đình
(chồng con, nội ngoại, dòng họ, công việc
nội trợ). Nhưng mặt khác, còn có một
con người khác trong họ, nó mơ hồ, mong
manh, lúc le lói, lúc bùng phát dữ dội,
nhưng cũng thường ẩn mình trong yên
lặng... Là người cùng giới nên các nhà văn
nữ rất nhạy bén trong việc khám phá chiều
sâu tâm hồn và chiếu rọi ánh sáng tới
những miền khuất lấp trong tâm hồn nhân
vật nữ. Họ hiểu được những khao khát rất
đời, rất người trong sâu thẳm tâm hồn nhân
vật. Đó là cô gái trong Cát đợi và Biển ấm
của Nguyễn Thị Thu Huệ, là nhân vật tôi
trong Gà ấp bóng, Sau chớp là bão giông
của Y Ban, là nàng trong Hoa mưa của
Trần Thị Trường,... Nhân vật trong Biển
ấm sau bao nhiêu năm trở về bến phà xưa
với ký ức về mối tình đầu vẫn còn xốn
xang kỷ niệm: “Anh ở đâu? Sao tôi nhớ
anh thế này. Bao nhiêu năm. Tôi sống và
hiểu rằng chẳng bao giờ tôi gặp được
LÊ PHƯỚC THÀNH
171
người đàn ông thay thế được anh trong tâm
linh” (16), “Người con gái đến tuổi dậy thì
có những đụng chạm đầu tiên với một
người đàn ông, thường bị xúc phạm ghê
gớm và không bao giờ quên” (17). Nhân vật
trong Còn lại một vầng trăng của Nguyễn
Thị Thu Huệ thì: “tình yêu đầu tiên, những
va chạm đầu tiên luôn làm tôi run rẩy, hồi
hộp. Anh gần tôi, khuôn mặt thân yêu như
chính máu thịt của mình” (18). Ngay cả
người phụ nữ đứng tuổi cũng sống thành
thực với con người tự nhiên của mình: “Tôi
đã cố quên, thế nhưng không thể nào quên
được. Tôi đã biết tôi sẽ bị trừng phạt cả ở
trên đời lẫn dưới địa ngục nhưng tôi bất
chấp. Tôi chưa bao giờ yêu và được yêu.
Bây giờ tôi mới biết thế nào là được yêu”
(Một lần và mãi mãi - Y Ban). Cuộc sống
đầy biến động hôm nay có vô số những
cạm bẫy giăng sẵn trên bước đường vào
đời đầy háo hức của các cô gái non nớt.
Các nhà văn nữ hồi hộp, lo lắng dõi theo
từng bước chân của họ. Ta đồng cảm với
sự xót xa đau dớn và sự lo âu của các chị
khi viết về sự sa sẩy vào cạm bẫy cuộc đời
của các nhân vật này như Thêu trong
Ngỗng non (Lê Minh Khuê), Phượng trong
Sơ ri đắng (Nguyễn Thị Thu Huệ), cô gái
trong Thư gửi mẹ Âu Cơ (Y Ban), v.v...
Nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà
văn nữ còn là những người con gái đã hy
sinh sắc đẹp, tuổi xuân, và cả mạng sống
của mình cho ngày độc lập (Người sót lại
của rừng cười - Võ Thị Hảo), là những
người phụ nữ vọng phu trong cô đơn, thầm
lặng hy sinh không có ngày đoàn tụ (Trận
gió màu xanh rêu - Lê Minh Khuê), là
người vợ vừa tần tảo chờ đợi chồng đi
chiến đấu, vừa chia sẻ cùng anh những vết
thương nhức nhối khi người lính ấy trở về
từ cuộc chiến (Bản lý lịch - Y Ban), là
những người tật nguyền, những kẻ xấu xí,
có kẻ bị xem như điên loạn vẫn vươn lên
kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc như Hằng -
cô gái tật nguyền hứng những giọt mưa để
kỳ vọng vào hạnh phúc trong Làn môi
đồng trinh (Võ Thị Hảo). Cuộc sống của
Hằng qua ánh mắt chỉ là một màn sương
nhưng tâm hồn cô vẫn ánh lên sự trong
sáng, lương thiện, ánh lên niềm mong ước
được yêu thương và che chở bởi một người
đàn ông với một tình yêu vị tha và gắn bó.
Tâm trong Máu của lá (Võ Thị Hảo) cũng
khát khao sự thông cảm, thấu hiểu và yêu
thương. Người anh đã tự viết thư mạo nhận
là người yêu để em gái được an ủi. Khi
chết anh đã trăng trối lại với đồng đội:
“Cậu không có em gái tàn tật, không hiểu
được. Mắt con bé rưng rưng. Nó cần những
lời yêu ngọt ngào như cần nước”. Người
bạn của anh trai Tâm đã tiếp tục viết thư để
an ủi. Chính tấm lòng vị tha, những cánh
tay chìa ra cho một kẻ sắp chìm đã khiến
Tâm tin rằng “phía chân trời có thể có một
chú lùn. Nếu có, chú sinh ra là để cho em”.
Trong Cõi mê, Nguyễn Thị Thu Huệ viết
về một cô gái bị mọi người xem như là một
người điên nhưng cô vẫn hồn nhiên, vô tư,
say sưa sống trong tình yêu và tận hưởng
tình yêu. Nếu không có một sự đồng cảm,
một sự hiểu biết sâu sắc và nhu cầu chia sẻ
thì các nhà văn nữ không thể vẽ nên được
bức tranh về thế giới nhân vật nữ như thế.
Qua bức tranh đối lập giữa thế giới đàn ông
và thế giới phụ nữ trong tác phẩm, các cây
bút nữ đã lý giải một phần nguyên nhân nỗi
bất hạnh của người phụ nữ trong tình yêu
và hạnh phúc gia đình.
4. Văn học là loại hình của nghệ thuật
ngôn từ bởi ngôn ngữ là chất liệu cơ bản, là
yếu tố thứ nhất của văn học. Ngôn ngữ văn
học là hình thái hoạt động của ngôn ngữ
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THÀNH PHỐ VĨNH LONG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
172
mang ý nghĩa thẩm mỹ, giúp nhà văn xây
dựng hình tượng, tái hiện lời nói và thế
giới tư tưởng của con người. Ngôn ngữ ở
mỗi thể loại mang những sắc thái biểu cảm
khác nhau. Ngôn ngữ truyện ngắn hiện đại
nói chung là ngôn ngữ đa thanh, gần gũi
với đời sống. Ở giai đoạn văn học trước,
vấn đề tình yêu và hạnh phúc gia đình được
nhà văn nhìn bằng cái nhìn đơn giản một
chiều, lãng mạn: tình yêu thì mãnh liệt,
trong sáng và gắn liền với hôn nhân, tình
yêu đem lại hạnh phúc cho con người;
ngôn ngữ ở đây đơn thanh, một giọng (lãng
mạn, lạc quan, ngợi ca). Sau 1975, nhất là
từ 1986 trở lại đây, các nhà văn đã có sự
thay đổi lớn trong cách nhìn về hiện thực,
có quan niệm mới về con người. Cuộc sống
với sự đa dạng, phong phú, phức tạp, bề
bộn, con người được nhìn nhận từ nhiều
chiều, nhiều phương diện. Trong sáng tác
của các nhà văn đã có sự chuyển biến từ
ngôn ngữ một giọng sang ngôn ngữ nhiều
giọng, đối thoại; có sự tác động, hoà trộn
giữa ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ người kể
chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Chính sự
hòa trộn giữa các loại ngôn ngữ ấy đã tạo
nên sự thay đổi giọng điệu của tác giả khi
trần thuật. Giọng điệu là yếu tố hàng đầu
của phong cách nhà văn, là phương tiện
biểu hiện quan trọng trong tác phẩm và là
yếu tố có vai trò thống nhất các yếu tố khác
của hình thức tác phẩm vào một chỉnh thể.
Giọng điệu tác phẩm thể hiện quan hệ thẩm
mỹ của nhà văn với hiện thực được mô tả.
Cái nhìn của nhà văn đối với đời sống sẽ
quy định giọng điệu của tác phẩm. Sự thay
đổi cái nhìn của nhà văn sẽ dẫn tới sự thay
đổi giọng điệu.
Giọng điệu truyện ngắn của các nhà
văn nữ Việt Nam đương đại thực sự giàu
sức lôi cuốn. Các nhà văn nữ đã tìm đến
con người trong bề sâu hiện thực ẩn kín và
khám phá họ trong mối quan hệ giữa ý
thức và vô thức, giữa cao cả và thấp hèn.
Các chị đã chọn chỗ đứng bình đẳng với
nhân vật, để cho nhân vật nói thật tiếng nói
của mình. Thật khó phân biệt được đâu là
giọng tác giả, đâu là giọng nhân vật, giọng
người kể chuyện, với nhiều sắc thái, âm
điệu khác nhau, hoà trộn, đan xen, khi thì
mỉa mai giễu cợt, khi thì tư biện triết lý,
khi thì đanh thép, khi thì khắc khoải âm
thầm Họ đã tạo nên một lối trần thuật đa
thanh hiện đại. Mỗi nhà văn lựa chọn cho
mình một giọng điệu, một tiếng nói riêng.
Tuy nhiên, nói như M.Khrapchenko:
“giọng điệu chủ yếu không loại trừ mà còn
cho phép tồn tại trong tác phẩm văn học
những sắc điệu khác nhau. Những sắc điệu
này diễn đạt sự phong phú của những bối
cảnh, cảm xúc trong việc lý giải những
hiện tượng, những khía cạnh khác nhau và
giống nhau của đối tượng sáng tác” (19).
Truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt
Nam đương đại viết về tình yêu và hạnh
phúc gia đình cho thấy có không ít những
cây bút có giọng văn trần thuật táo bạo,
mạnh mẽ với các sắc điệu chua chát, sắc
lạnh, đanh đá, nhưng nhìn chung vẫn trên
nền của dòng mạch cảm xúc trữ tình đằm
thắm pha chút thâm trầm triết lý... Phần lớn
các truyện đều da diết sự khắc khoải, day
dứt, âu lo về nhân cách, nhân tính đang có
chiều hướng giảm sút trong bối cảnh sống
của xã hội đương đại. Đấy là sự xót xa, cay
đắng, đau đớn của người viết về những khổ
đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là
người phụ nữ trước câu chuyện tình yêu và
hạnh phúc gia đình; về số phận những cô
gái nông thôn quê mùa, chất phác trước sự
giả dối, lừa lọc của những kẻ mang danh trí
thức (Ngỗng non - Lê Minh Khuê) (20); về
LÊ PHƯỚC THÀNH
173
sự sa bẫy của những cô gái mới lớn mang
đầy khao khát yêu đương (Hậu thiên
đường - Nguyễn Thị Thu Huệ); về sự hoài
nghi, mất niềm tin của người con gái ngay
trước cha đẻ của mình (Kịch câm - Phan
Thị Vàng Anh) (21), v.v... Không ảo tưởng,
không triết lý suông, các nhà văn nữ đã nói
những điều cần nói về cái rất thực của đời
sống hôm nay: “Đời người bạc bẽo”
(Nguyễn Thị Thu Huệ - Người xưa) (22); về
thiên chức - thân phận – và tình yêu của
người phụ nữ: “phụ nữ chúng tôi có những
giai đoạn chẳng khác nào con gà ấp bóng...
Còn lại là một tình yêu đích thực” (Y Ban -
Gà ấp bóng) (23); về tình yêu – hôn nhân:
“cái gì làm thước đo? tình yêu hay hôn
nhân? con sẽ không lạc loài nếu như không
bao giờ xảy ra chuyện này. Hài nhi của con
sẽ không lạc loài nếu như con và anh ấy đã
cưới nhau” (Y Ban - Bức thư gửi mẹ Âu
Cơ)... Dù ở cung bặc, sắc thái nào (ngọt
ngào, dịu nhẹ hay đay đả, dằn vặt,...),
giọng điệu của các chị luôn tràn đầy nữ
tính, chân thành, mong được cảm thông,
thấu hiểu, chia xẻ.
Để chuyển tải bao sự trăn trở, day dứt,
khắc khoải về tình yêu và hạnh phúc gia
đình trong cuộc sống hiện đại, các nhà văn
nữ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tìm
kiếm những phương thức thể hiện sao cho
hữu hiệu. Dẫu còn những hạn chế nhất
định, nhưng những đóng góp của truyện
ngắn các nhà văn nữ cho văn xuôi hiện đại
nước nhà là không nhỏ, không thể thay thế.
Viết về tình yêu – hôn nhân – và hạnh phúc
gia đình, dám chắc – đây là thế mạnh nổi
trội của các cây bút nữ...
Chú thích:
(1)
Nhiều tác giả, Truyện ngắn 4 cây bút nữ, Nxb
Văn học, Hà Nội, 2002, tr.122.
(2)
Võ Thị Hảo, Goá phụ đen, Nxb Phụ nữ, Hà
Nội, 2005, tr.205.
(3)
Lê Minh Khuê, Những dòng sông - Buổi chiều
- Cơn mưa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2002,
tr.153.
(4)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.283.
(5)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn, sđd
(sách đã dẫn), tr.289.
(6)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
sđd, tr.342.
(7)
Nhiều tác giả, Truyện ngắn 4 cây bút nữ, Nxb
Văn học, Hà Nội, 2002, tr.49.
(8)
Nhiều tác giả, Truyện ngắn 4 cây bút nữ, Nxb
Văn học, Hà Nội, 2002, tr.314.
(9)
Nhiều tác giả, Truyện ngắn 4 cây bút nữ, Nxb
Văn học, Hà Nội, 2002, tr.312.
(10)
Nhiều tác giả , Truyện ngắn 4 cây bút nữ, Nxb
Văn học, Hà Nội, 2002,tr.313.
(11)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.485.
(12)
Nhiều tác giả, Truyện ngắn hay các tác giả
nữ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr.13.
(13)
Báo Thanh niên, số 248 tháng 9/ 2002.
(14)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.141.
(15)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
sđd, tr.141.
(16)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
sđd, tr.168.
(17)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
sđd, tr.160.
(18)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
sđd, tr.59.
(19)
M.Khrapchenko, Cá tính sáng tạo của nhà
văn và sự phát triển văn học, Nxb Tác phẩm
mới, Hà Nội, 1978, tr.169.
(20)
Lê Minh Khuê, Trong làn gió heo may, Nxb
Văn học, Hà Nội, 1999, tr.34.
(21)
Nhiều tác giả, Truyện ngắn 4 cây bút nữ, Nxb
Văn học, Hà Nội, 2002, tr.22.
(22)
Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn,
sđd, tr.350.
(23)
Y Ban, Người đàn bà có ma lực, Nxb Thanh
niên, Hà Nội, 2003, tr.141.
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG THÀNH PHỐ VĨNH LONG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
174
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Y Ban (2003), Người đàn bà có ma lực, Nxb
Thanh niên, Hà Nội.
2. Báo Thanh niên, số 248 tháng 9/ 2002.
3. Võ Thị Hảo (2005), Goá phụ đen, Nxb Phụ
nữ, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Thu Huệ (2004), 37 truyện ngắn,
Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. Lê Minh Khuê (1999), Trong làn gió heo
may, Nxb Văn học, Hà Nội.
6. Lê Minh Khuê (2002), Những dòng sông -
Buổi chiều - Cơn mưa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
7. M.Khrapchenko (1978), Cá tính sáng tạo của
nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb Tác
phẩm mới, Hà Nội.
8. Nhiều tác giả (2002), Truyện ngắn 4 cây bút
nữ, Nxb Văn học, Hà Nội.
9. Nhiều tác giả (2006), Truyện ngắn hay các
tác giả nữ, Nxb Văn học, Hà Nội.
Ngày nhận bài: 19/02/2017 Biên tập xong: 15/3/2017 Duyệt đăng: 20/3/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 114_8575_2215166.pdf