Một số biểu hiện của bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới - Điêu Thị Tú Uyên

Tài liệu Một số biểu hiện của bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới - Điêu Thị Tú Uyên: 120 TẠP CHÍ KHOA HỌC Khoa học Xã hội, Số 5 (6/2016), tr 120 - 129 MỘT SỐ BIỂU HIỆN CỦA BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG NGÔN NGỮ TIỂU THUYẾT VIẾT VỀ MIỀN NÚI SAU ĐỔI MỚI Điêu Thị Tú Uyên Khoa Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc Tóm tắt: Bản sắc dân tộc là yếu tố làm nên nét đặc trưng, giá trị cốt lõi, độc đáo của ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới. Bài viết tìm hiểu và chỉ ra các phương diện biểu hiện chủ yếu của bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ của tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới: nhà văn sử dụng với mật độ lớn ngôn ngữ so sánh, ví von mang tính hình tượng cao; vận dụng tự nhiên, nhuần nhị thành ngữ, tục ngữ của đồng bào dân tộc miền núi; mô phỏng, tái hiện lối diễn đạt của người dân tộc thiểu số, khơi gợi không khí, sắc vẻ cuộc sống và con người miền núi. Từ khóa: Bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, tiểu thuyết, miền núi, sau đổi mới. 1. Đặt vấn đề Bản sắc dân tộc được hiểu là các giá trị đặc trưng bản chất của văn hóa dân tộc được hình thà...

pdf10 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 498 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số biểu hiện của bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới - Điêu Thị Tú Uyên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
120 TẠP CHÍ KHOA HỌC Khoa học Xã hội, Số 5 (6/2016), tr 120 - 129 MỘT SỐ BIỂU HIỆN CỦA BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG NGÔN NGỮ TIỂU THUYẾT VIẾT VỀ MIỀN NÚI SAU ĐỔI MỚI Điêu Thị Tú Uyên Khoa Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc Tóm tắt: Bản sắc dân tộc là yếu tố làm nên nét đặc trưng, giá trị cốt lõi, độc đáo của ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới. Bài viết tìm hiểu và chỉ ra các phương diện biểu hiện chủ yếu của bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ của tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới: nhà văn sử dụng với mật độ lớn ngôn ngữ so sánh, ví von mang tính hình tượng cao; vận dụng tự nhiên, nhuần nhị thành ngữ, tục ngữ của đồng bào dân tộc miền núi; mô phỏng, tái hiện lối diễn đạt của người dân tộc thiểu số, khơi gợi không khí, sắc vẻ cuộc sống và con người miền núi. Từ khóa: Bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, tiểu thuyết, miền núi, sau đổi mới. 1. Đặt vấn đề Bản sắc dân tộc được hiểu là các giá trị đặc trưng bản chất của văn hóa dân tộc được hình thành, tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lâu dài của dân tộc và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới (1986), với ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, độc đáo của miền núi và dân tộc, các nhà văn đã có nhiều cố gắng thể hiện và khẳng định bản sắc dân tộc trên nhiều phương diện của thể loại như đề tài, cảm hứng nghệ thuật, cốt truyện, giọng điệu, ngôn ngữ, nhân vật Trong đó, ngôn ngữ là phương diện thể hiện nổi bật bản sắc dân tộc. Sự mộc mạc, giản dị, hồn nhiên, thi vị, giàu tính hình tượng cùng sức khơi gợi từ trong chiều sâu những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngôn ngữ đã giúp độc giả nhận ra đặc trưng văn hóa vùng miền khá rõ nét. Bản sắc dân tộc đã trở thành nét đặc trưng của ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi từ sau đổi mới. Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi chỉ phân tích một số biểu hiện nổi bật nhất của bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ của những tiểu thuyết tiêu biểu viết về miền núi thời kì sau đổi mới. 2. Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới 2.1. Bản sắc dân tộc biểu hiện ở ngôn ngữ so sánh mang tính hình tượng cao Tính hình tượng của ngôn ngữ văn học là tính chất của các yếu tố ngôn ngữ có khả năng tưởng tượng, liên tưởng và gợi lên được các biểu tượng về sự vật, hiện tượng hoặc con người được miêu tả trong tác phẩm văn học. Ngôn ngữ của các tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới thể hiện tính hình tượng cao. Đó là các yếu tố ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu tính tạo hình, khơi gợi một cách cụ thể, sinh động hiện thực và con người miền núi. Tính hình tượng của Ngày nhận bài: 2/2/2016. Ngày nhận đăng: 20/7/2016 Liên lạc: Điêu Thị Tú Uyên- mail: tuuyentbu@gmail.com 121 ngôn ngữ được tạo nên từ việc các nhà văn sử dụng với mật độ lớn phương thức so sánh, ví von, trong cả ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật. Điều này có cơ sở từ cách tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là cách tư duy trực giác, tư duy vật chất hóa. Các sự vật, hiện tượng, khái niệm trừu tượng thường được chuyển hóa, được cắt nghĩa bằng cách so sánh với các hình ảnh vật chất cụ thể, dễ hiểu, gần gũi trong cuộc sống xung quanh. Các nhà văn đã vận dụng lối tư duy đặc trưng này của người miền núi để sáng tạo ngôn ngữ cho tác phẩm của mình. Hiện thực đời sống (tự nhiên và xã hội) và tâm tư, tình cảm của con người được họ quan sát, mô tả hết sức cụ thể, sống động qua các hình ảnh so sánh, ví von. So sánh được dùng nhiều nhất trong ngôn ngữ trần thuật, khi miêu tả thiên nhiên, con người. Các hình ảnh so sánh sinh động khiến cảnh thiên nhiên miền núi vốn đã đẹp càng trở nên thi vị hay hùng vĩ hơn trong hình dung của độc giả: “Núi như những chàng khổng lồ khoác vai nhau giăng tận chân trời. Xen kẽ những ngọn đồi, và cánh đồng màu mỡ, những thảm nương xanh mướt khi mùa đang xanh đâu đâu cũng đồi núi điệp trùng. Sương như mây phủ kín những đỉnh non cao...” [17,32]; “Thác Phja Bjooc đổ xuống từ độ cao gần sáu mươi sải tay. Triệu triệu những bụi nước từ dòng thác như tấm lưới khổng lồ tung lên trời cao, rồi trùm xuống vạn vật cách nó cả trăm thước” [16,442]. Qua cách so sánh, cảnh thiên nhiên có lúc hiện lên dịu dàng đầy vẻ lãng mạn: “Buổi sáng trên cao nguyên dịu dàng như cô dâu trong ngày cưới” [10,68], có lúc lại hùng vĩ, gây ấn tượng mạnh mẽ: “ những giọt nước trên lớp cỏ vùi trong sương mù... Khi lờ lững, lúc cuộn như sóng băng qua những thung sâu, vượt lên những đỉnh núi như đàn ngựa tung vó, khiến ánh trăng thu vốn sáng là vậy phút chốc trở nên mờ tối” [16,142]. Ngôn ngữ kể, tả của nhiều tiểu thuyết qua phương thức so sánh trở nên giàu tính tạo hình, khơi gợi ở độc giả sự liên tưởng cao độ về một thiên nhiên vùng cao vô cùng sống động, đầy bí ẩn và kì diệu. Các hình ảnh so sánh cũng giúp nhà văn phác họa chân dung con người miền núi cụ thể, chân thực mà sinh động hơn. Từ vẻ đẹp ngoại hình khỏe khoắn, đầy sức sống hay duyên dáng, cuốn hút của những chàng trai, cô gái miền sơn cước: “On xinh tươi khỏe khoắn như mầm cây” [20,43]; “Trai thanh gái lịch, trai nụ gái hoa, trai non gái trẻ mặt sáng như gương, mắt long lanh như mắt họa mi, môi đỏ như cánh hoa mạ” [5,5]; “ me là bông hoa đẹp nhất trong rừng hoa trên đỉnh Phja Booc. Mỗi bước đi mềm mại hơn cả những dải mây hồng trong nắng” [17,317] đến vẻ đẹp của “cái phẩm chất và tâm hồn trong vắt như suối rừng mùa thu, không bon chen, tị hiềm, đố kị” [16,141]. Trong ngôn ngữ nhân vật, cách so sánh, ví von cũng tạo nên sự sống động cho lời nói, biểu hiện lối nói chân chất, mộc mạc của người miền núi. Trong Hoa mí rừng (Địch Ngọc Lân), nhân vật Yleng tỏ lòng biết ơn Thông khi anh đã vượt qua nhiều khó khăn, định kiến của gia đình, xã hội để cưu mang cô: “Em thấy bộ đội Thông vất vả với em hơn con nai bơi ngược dòng sông lũ” [8,85]. Câu nói ví von của Yleng gợi cho độc giả hình dung rõ khó khăn mà Thông phải đối mặt, phải trải qua để giúp đỡ mẹ con cô. Ở Trên đỉnh đèo dông bão (Đoàn Hữu Nam), khi trở về quê hương với tư cách là một đại diện của Việt Minh về làm công tác tư tưởng, vận động bà con dân bản làm cách mạng, Lay nói với bà con: “Cháu biết việc này 122 khó như tay không bơi qua thác, nhưng nếu cả bản đồng lòng như ruốc cá, thì cháu tin không việc gì không làm được” [10,224]. Những hình ảnh so sánh “việc này khó như tay không bơi qua thác”, “cả bản đồng lòng như ruốc cá” đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Lay và đồng đội về việc làm một cuộc cách mạng, thay đổi tư tưởng và cuộc sống của đồng bào nơi đây. Hình ảnh so sánh “đồng lòng” như “ruốc cá” vừa thể hiện cách nói của địa phương vừa gợi cho độc giả tưởng tượng một cảnh lao động tập thể của người dân địa phương. Người ta ngăn một khúc suối lại, dùng lá thả xuống làm cho cá say, sau đó cả bản cùng xuống dồn cá lại để bắt. Khi so sánh “đồng lòng” như “ruốc cá” là Lay đã chuyển tải đến bà con một cách cụ thể, dễ hiểu mà sinh động lời kêu gọi tinh thần đoàn kết. Đoàn Hữu Nam, nhà văn của mảnh đất Lào Cai là người nắm rất vững, hiểu rất sâu văn hóa của vùng đất này. Bản sắc dân tộc không chỉ hiện lên trong những mảng hiện thực đời sống và con người miền núi ông khám phá mà còn thể hiện rõ nét trong ngôn ngữ nhà văn sáng tạo, nhất là ngôn ngữ nhân vật. Người miền núi thường dùng lối nói ví von để biểu đạt nhận thức, tư tưởng, tình cảm của mình. Trong Thổ phỉ, Đoàn Hữu Nam cũng rất ưa dùng cách nói ví von này khi xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Các cuộc đối thoại của các nhân vật thường xuất hiện khá dày đặc những lời nói ví von, bóng gió cho thấy sự thâm trầm, sâu sắc của những người đã trải nghiệm nhiều gian nan, khắc nghiệt của cuộc sống. Chẳng hạn cuộc đối thoại giữa hai ông cháu cụ Giáo Choong về chuyện Dùn cháu cụ nhất định tham gia thổ phỉ: “- Con người phải biết lấy phận mình, ở cành này với sang cành khác không gẫy cành thì cũng rơi xuống đất đấy Đừng như con rùa mượn mai nữa - Cứ dao sợ gỗ rắn, gỗ rắn sợ dao mãi thì làm được cái gì. - Mày phải biết ong có độc đến mấy nhưng gặp sừng trâu cũng phải chừa ra. - Nhưng sừng trâu, sừng bò nào. Mưa gió bão bùng cuốn vạn vật vào cơn lũ ống thì đành chịu - Lý sự, lý sự những kẻ lấy mồm làm cánh mà muốn che cả bầu trời, lấy tay làm vây mà định bơi qua bốn biển thì đúng thực là một lũ rồ. - Nhưng chúng cháu - Lửa không nóng mà tro nóng, cái gì có thì bảo có, cái gì không thì bảo không, coi trái, coi phải, nhìn trước nhìn sau cho rõ lời nói của ông khó vào tai cháu, nhưng cháu ơi, khỉ già biết cành cây khô, thấy cháu đang từ con đường sáng đi vào con đường tối thì ông nhắm mắt làm ngơ sao được” [11,65]. Khác với các nhà văn người miền xuôi viết về miền núi, vốn là người bản địa, các nhà văn dân tộc thiểu số như Vi Hồng, Triều Ân, Ma Trường Nguyên, Vương Trung thường sử dụng tự nhiên, nhuần nhị lối so sánh, ví von hồn nhiên, mộc mạc, mang tính trực giác cao của đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi một hình ảnh so sánh đều có khả năng gợi liên tưởng một cách trực tiếp và rất sống động. Lối so sánh, ví von ở đây cũng có bản sắc riêng. Nó không chỉ cụ thể, mộc mạc, trực quan, giàu hình ảnh mà còn chứa đựng trong đó cái nhìn và cách cảm, cách nghĩ bộc trực, hồn nhiên, đôi khi hết sức dân dã của người miền núi. Đây chính là điều 123 tạo nên nét bản sắc văn hóa độc đáo cho ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi. Trong số các nhà văn này, Vi Hồng là người dùng nhiều nhất hình ảnh so sánh trong tác phẩm của mình. Tiểu thuyết của ông xuất hiện tới hàng trăm hình ảnh so sánh khác nhau. Trai gái yêu nhau, quấn quyện bên nhau được so sánh như ong quyện mật, cháy bỏng như ngọn lửa bén bãi cỏ gianh khô. Còn người đau buồn thì lòng se sắt, héo úa “nhói đau như chảy hóa nước” [5,13], “như lá dong héo phơi nắng, như lá khô rơi trong đêm sương muối” [5,14]. Sức cuốn hút, hấp dẫn của tiếng lượn ngày xuân được ví như “như dòng thác vun vút cứ lao vào không trung” [5,39], “như những con chim én bay ngang giữa bầu trời xuân” [5,40]. Sức mạnh của lời nói được so sánh “lời nào cũng rắn như đá, chắc như dao sắc chém vào thân cây chuối” [5,28]. Sự dài dòng của câu chuyện cũng được ví “nói cái gì dài dòng như suối như sông” [4, 99]. Ngoài những hình ảnh so sánh mang tính trực giác, cụ thể, Vi Hồng sử dụng cả những hình ảnh so sánh xuề xòa, thô tháp: “Hôm qua mình đã xua đuổi kịch liệt như người ta đuổi con bọ xít đốt hoa mướp” [5,16]. Tất cả đều mang nét hồn nhiên, mộc mạc, có sức khơi gợi cao độ liên tưởng của người đọc về đặc trưng sự việc, không gian, con người miền núi. Có thể nhận thấy, trong ngôn ngữ của tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới, phép so sánh, ví von đã được các nhà văn sử dụng như một thủ pháp tạo hình đặc trưng và hữu hiệu. Các hình ảnh so sánh, ví von được dùng “đậm đặc” trong hầu hết các tác phẩm có giá trị độc đáo trong việc tạo tính hình tượng cho ngôn ngữ. Đồng thời, nó cũng có ý nghĩa như một thủ pháp nghệ thuật nhằm tái hiện sự sống, chuyển tải nhiều thông điệp khác nhau về cuộc sống và khí chất của con người miền núi. Với sự hiểu biết kĩ và khả năng khơi sâu vào cái riêng, đặc sắc của vùng văn hóa, các nhà văn đã tạo nên một thế giới ngôn từ độc đáo trong các tiểu thuyết viết về miền núi. Những hình ảnh so sánh, ví von đặc sắc khiến cuộc sống được cắt nghĩa một cách giản đơn mà phong phú, sinh động. Đồng thời giúp độc giả hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc đời sống và con người miền núi, những bản thể người hồn nhiên, cương trực, quả cảm và vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy, việc sử dụng phương thức so sánh trong ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới đôi lúc cũng bộc lộ hạn chế. Một số nhà văn, nhất là các nhà văn dân tộc thiểu số lạm dụng việc so sánh, ví von dẫn đến sự khiên cưỡng, sáo mòn. Những cách so sánh “ nói huyên thuyên như nước chảy xuống thác, như gió lùa qua bãi cỏ khô” [3,17]; “Việt Minh về, cả Suối Hoa đều biết họ mạnh như lũ cuốn, bão dồn, tốt như người trời giáng xuống” [10, 116]; “Quanh bờ vũng nước là những phiến đá bằng phẳng như những chiếc ghế đá công viên rơi lác đác những chiếc lá vàng khô lập lờ trong gió núi thì thào” [15, 75] đã gây cảm giác sáo, nhàm chán. Chúng làm giảm khả năng phân tích lí tính, một trong những yêu cầu của ngôn ngữ văn chương hiện đại. Đây cũng là một thực tế đặt ra cho các nhà văn, để họ vừa phải thể hiện được một cách tự nhiên, nhuần nhị, có chiều sâu bản sắc văn hóa dân tộc trong ngôn ngữ vừa phải tìm tòi, đổi mới để ngôn ngữ mang chất tiểu thuyết thực sự. 2.2. Bản sắc dân tộc thể hiện ở sự vận dụng thành ngữ, tục ngữ của đồng bào dân tộc miền núi trong ngôn ngữ 124 Không chỉ ưa lối nói so sánh, ví von, người miền núi còn quen dùng thành ngữ, tục ngữ trong lời nói. Những thành ngữ, tục ngữ giản dị được đúc rút từ trải nghiệm sống của nhiều thế hệ đã làm cho lời nói của họ trở nên thâm thúy, sâu sắc hơn. Người miền núi vốn kiệm lời, ít giải thích dài dòng, nói đâu chắc đó, nên thói quen dùng thành ngữ, tục ngữ cũng làm tăng thêm độ hàm súc cho lời nói, thể hiện đúng cách giao tiếp ngôn ngữ đặc trưng của họ. Do là người bản địa, sử dụng tiếng mẹ đẻ song song với tiếng Việt, các nhà văn người dân tộc thiểu số đã vận dụng một cách rất tự nhiên thành ngữ, tục ngữ của địa phương mình vào ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật. Ma Trường Nguyên thường dùng nguyên vẹn thành ngữ hoặc câu tục ngữ trong lời kể, tả: “Mường Cốc Tát trăm cái miệng thành ngọn thác, trăm cái tai thành tai rừng Cái thằng cha căng chú kiết ấy mà nó lấy không được con vợ đẹp đổ núi lệch rừng” [14, 22]; “Từ ngày có hợp tác xã mường Cốc Tát, ké giữ chân nuôi dê Thật là cái câu: “Khó nuôi dê, rỗi nghề nuôi ngỗng” [14, 26]; Vi Hồng cũng ưa dùng nguyên văn thành ngữ, tục ngữ nhưng lại đan xen vào lời nói của nhân vật. Diễn tả ý làm việc qua mặt người đã thành thạo hơn mình, câu nói của Chim Ca với Hạ Chi “À, xin lỗi cô giáo văn chương. Anh thật là đã múa trước mặt con công” [5,72] thể hiện sự ứng xử khéo léo của người con trai Tày. Khuyên Hoàng dứt bỏ lối sống thực dụng, vụ lợi để sống đúng với lương tâm của người thầy thuốc, Hồi nói ngắn gọn mà thâm thúy: “Nhiều bác sĩ cũng như công nhân viên là người Tày họ nói về anh bằng cái câu tục ngữ Tày quen thộc chắc anh còn nhớ! “Ốc nào chẳng là ốc ăn bùn”, “Hổ nào là hổ ăn chay”, “Người làm quan nào ăn rau thay thịt” [3, 25]. Trong khi đó, nhiều thành ngữ, tục ngữ lại được Triều Ân biến đổi, hòa vào lời kể của tác giả hoặc lời nói của nhân vật mà vẫn diễn tả được những ý tứ sâu xa. Lan nói với Piao: “Anh có tin lời các cụ nói không, con lợn lấy mồm dũi đi trước thì được ăn. Con người buông lời thề thốt quá sớm sẽ không thể được” [1, 40]; “Piao nhớ lời Lan nói sợ ăn thịt chim phượng nhắm với rượu đây là lời nói xúi gở, chỉ gặp rủi thôi. Lúc khác hoặc người khác, Piao sẽ nói lại, hoặc mắng mỏ vì lời nói dông ấy” [1, 41]. Những thành ngữ, tục ngữ được đan cài một cách tự nhiên, hồn nhiên trong câu nói như thế khiến độc giả nhanh chóng hiểu thấu được phong thái, bản tính của người dân tộc thiểu số. Đối với các nhà văn người Kinh viết về miền núi, việc hiểu biết và tiếp thu ngôn ngữ của đồng bào dân tộc ít người để chuyển hóa vào tác phẩm là một việc làm có ý nghĩa đặc biệt. Một mặt, giúp cho tác phẩm của họ có sự phản ánh chân thực nhất hiện thực và con người miền núi. Mặt khác, tạo được bản sắc văn hóa dân tộc vốn là đặc trưng riêng của văn học miền núi. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc ít người sao cho tự nhiên, không phải là một sự bắt chước kệch cỡm, ngô nghê lại đòi hỏi tài năng, công sức của các nhà văn. Đoàn Hữu Nam, nhà văn từng đoạt nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ Lào Cai cho các sáng tác về miền núi Lào Cai, luôn thấu tỏ sâu sắc nếp tư duy của đồng bào miền núi Lào Cai nơi ông sống và viết. Nên tiểu thuyết của ông sử dụng khá nhiều và linh hoạt những thành ngữ, tục ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Các cuốn Dốc người, Tình rừng, Trên đỉnh đèo dông bão, Thổ phỉ đều xuất hiện nhiều thành ngữ, tục ngữ có ý nghĩa thâm thúy, sâu sắc. Đa số thành ngữ, tục ngữ được nhà văn dùng làm cho ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật đều có được cái tự nhiên, thâm thúy và 125 đậm sắc vẻ miền núi: “Phù làm quan theo kiểu đo mức nước đóng thuyền” [15, 64]; “Khi ông cởi bỏ được oan trái, được ra khỏi nhà lao, thì suối Hoa đã thành con trâu mắc sẹo, con cá trong chậu” [10,52]; “Lay đã quyết thì chẳng khác gì đánh đục vào cột” [10, 108]; “Củ rìu khó mài, bản tính khó sửa. Làm học trò rồi, ngày ngày nhìn gương cụ giáo, trông gương bạn bè vậy mà cái tính ngang tàng trong máu Sắn vẫn không phai nhạt” [11, 99]. Không chỉ thế, việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa thành ngữ, tục ngữ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số với những triết lí của chính tác giả qua những trải nghiệm sống còn làm cho tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam mang tính triết luận đặc sắc. Đoàn Hữu Nam đã dựa trên những triết lí dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số như “Bấc thấm đến đâu, dầu ngấm đến đó”; “Ong độc sợ sừng trâu”; “Khỉ già biết cành cây khô”; “Thân phận người đàn bà khốn khổ vùi tro bếp nhà người”; “Ăn cơm quên ruộng, ăn cá quên sông, đẵn cây xong quên rìu”, “Vào rừng không sợ hổ, chỉ sợ con dao bên mình” hòa hợp trong ngôn ngữ trần thuật của mình để triết lí về sự đói nghèo, về kiếp người, về những bi kịch cuộc đời, về những cuộc đấu tương tàn cho người đọc cảm nhận một giọng văn triết luận sắc sảo. Ngôn ngữ tiểu thuyết viết về miền núi, bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn sắc màu văn hóa dân tộc, rất cần những giọng văn triết luận như thế. Ma Văn Kháng, cây bút gạo cội từng có nhiều thành công khi viết về đề tài miền núi từ trước thời kì đổi mới tiếp tục thể hiện sự linh hoạt và tinh tế khi tiếp thu vốn thành ngữ, tục ngữ của đồng bào dân tộc ít người để làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa miền núi trong tiểu thuyết của mình. Mỗi một thành ngữ, tục ngữ được nhà văn lựa chọn đan cài trong lời trần thuật hay lời nhân vật đều giúp độc giả hiểu rõ hơn về khí chất con người miền núi. Người Mông ưa lối nói ngắn gọn, giản dị nhưng khúc triết. Chẳng hạn câu nói của Hố Pẩu (người đứng đầu dòng họ) ở La Pan Tẩn với thầy giáo Thiêm: “Ba buổi sáng cũng đủ là một đời người”. Câu nói truyền từ đời tổ tiên của người Mông đã giúp Thiêm hiểu ra ý nghĩa thực sự của đời người. Chính lúc Thiêm cảm thấy mình kiệt sức trong cuộc đối đầu với khó khăn, gian khổ, câu nói của Hố Pẩu văng vẳng bên tai đã vực anh dậy: ““Ba buổi sáng cũng đủ là một đời người”. Thiêm vùng dậy bên tai văng vẳng tiếng kẻng gõ từ đâu đó vọng về kích thúc lòng hăng hái. Con người là một sinh linh không dễ buồn nản. Càng gặp cảnh bi nó càng phẫn, càng phát” [6,117]. Ngược lại, người Dao lại ưa cách nói dài dòng, vần điệu, hoa mĩ nhưng cũng thâm thúy: “Vào rừng chẳng biết lối ra/ Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm. Ông Thòn đâu có ngu ngơ thế. Chẳng có gì hòng che mắt được ông” [7, 34] 2.3. Bản sắc dân tộc thể hiện trong việc mô phỏng, tái hiện lời thoại của đồng bào dân tộc thiểu số Viết về người miền núi thì phải thuộc được và thể hiện được đúng nếp cảm, nếp nghĩ, điệu tâm hồn cũng như lời ăn tiếng nói của họ. Chỉ khi đó, tác phẩm mới đạt được độ chân thực. Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ của tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới còn thể hiện ở việc nhà văn mô phỏng, tái hiện lối nói của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc điểm này thể hiện không đâu rõ bằng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Các cuộc hội thoại hầu hết mang đặc trưng của lối kết cấu câu giản dị, chắc gọn, đúng như bản tính kiệm lời của người miền núi. Cái hay là sự nắm bắt và thể hiện một cách tự nhiên, nhuần nhị “chất” hồn nhiên, 126 dung dị, mộc mạc, bộc trực của người miền núi khi họ giao tiếp bằng ngôn ngữ với nhau. Độc giả có thể dựa vào những mẩu, những đoạn đối thoại mà hiểu được tâm tư, tình cảm, bản tính, con người. Cuộc đối thoại giữa hai người nam nữ trong Tình xứ mây của Ma Trường Nguyên được tác giả tái hiện bằng cách mô phỏng lối nói của đồng bào dân tộc. Trai gái khi phải lòng nhau thường nói với nhau những “lời hoa, lời nụ” (Vi Hồng) để ướm thử tình ý: “Vần đưa cái nhìn tinh nghịch vào đôi mắt Cẩm đang đắm đuối nhìn mình. Cô lại cất lời: - Nếu anh không chê cốm lép bản Moóc. Tối nay mời anh sang để em được nhờ con sức tay anh giã giúp cho cốm nhà em thêm dẻo thêm ngọt. Hay anh đã có nhà khác mời rồi? Cẩm bồi hồi nhìn từng bó lúa hạt xanh chắc mâng mẩng đã xếp gọn ghẽ dọc theo bờ ruộng. Mặt anh đỏ bừng: - Em đã có lời xanh màu cốm, lời ngọt vị nếp non, lời thơm hương gạo mới anh xin vâng” [15, 24]. Còn đây là cuộc trò chuyện của hai người đàn ông Dao và Mông trong Lửa trong rừng Sa mu (Hà Trung Nghĩa): “Thế là đám bạc đánh nhau to. Dân quân, công an đến bắt cả đám, buộc tay Chốn với mấy đứa rồi lôi cùng nhau lên huyện. - Hôm nay nữa là năm ngày nó chưa về rồi! Páo ngáp ba lần, nước mắt tứa ra giàn giụa như khóc, cái miệng móm mém thâm sì mếu máo: - Ố pồ! Ma nhà tao thối rồi à! Ma rừng này thành lửa đến nơi rồi lố! Lão Khì há hốc mồm ngồi nghe bỗng giật mình kêu lên: - Mồm mày có tổ ong đít đen à? Mày không sợ ma rừng rút lưỡi mày cho chó ăn à? Vàng Páo cau mặt, lừ mắt nhìn Khì: - Tao không sợ đâu. Tao muốn được bị thế mà. Tao không muốn sống nữa rồi! Ố pồ! Gùng lơi! Khổ quá thế này, ma rừng rút lưỡi tao chết luôn. Chết rồi linh hồn tao chơi trên mây, cái lưỡi tao ở dưới mặt đất, chó ăn cũng tốt, chuột ăn cũng tốt à! Tao chết là rốt, hết phải khổ mà” [12, 153, 154]. Câu chuyện xoay quanh việc con trai Vàng Páo đi lầm đường. Thái độ bức xúc, thất vọng của người cha được thổ lộ một cách thật thà, bộc trực qua sự tái hiện lối nói của người dân tộc thiểu số. Trong Lạc rừng, Trung Trung Đỉnh kể chuyện Bình, anh lính trẻ lạc đơn vị đã vô tình gặp và phải sống cùng những người Ba Na xa lạ với mình về ngôn ngữ, về văn hóa. Nhưng chính sự “nhập cuộc” chân thật của Bình với cuộc sống và cuộc chiến đấu của những người dân làng Đê Chơ Rang đã mang đến cho anh những trải nghiệm sâu sắc và thú vị. Ở đây, tác giả đã tái hiện lại một không gian giao tiếp bằng ngôn ngữ mang đậm màu sắc Tây Nguyên bằng việc tái hiện cách diễn đạt rất đặc trưng theo lối nghĩ của người Ba Na : “ - Anh Bìn có bắt vợ chưa? - Mình chưa bắt được vợ, 127 - Chờ đánh xong thằng giặc Mỹ à? - Ừ. Đánh xong thằng Mỹ mình còn đi học nữa. Tôi tâm sự. Học xong đại học rồi lấy vợ cũng chưa muộn. - Biết lâu, biết mau. Biết sống, biết chết” [2,34]. Những cách lập luận kiểu “Biết lâu, biết mau. Biết sống, biết chết” hay “Bộ đội miền Bắc quen đánh địch giỏi, quen chết giỏi” [2,36] thể hiện cách nói vừa mộc mạc vừa thâm trầm của con người Tây Nguyên. Nhiều khi cách diễn đạt ý nghĩ của đồng bào dân tộc rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh: “Phù pha một ấm nước rồi cầm ấm lắc lắc, như ở các quán người ta vẫn làm, Phù rót ra một chén rồi lại đổ vào ấm, Phù hỏi: - Có giấy làm vợ - chồng rồi, giờ không muốn cùng nhau làm vợ chồng nữa thì gọi là giấy gì? - Gọi là cái giấy bỏ nhau, giấy quên nhau Dơn cũng chưa kịp nghĩ ra nên cứ nói bừa phứa đi – Giấy thôi nhau Phù đọc: Giấy này viết chữ: không muốn cùng nhau làm vợ chồng. Dơn vừa đánh vần vừa uốn éo mồm theo từng nét chữ” [12, 215]. Những con người bộc trực, chân chất, hồn nhiên như cây cỏ mà thâm trầm, sâu sắc như rừng già hiện lên, gợi ấn tượng đặc biệt trong từng trang sách một cách tự nhiên không cần quá nhiều kĩ thuật xây dựng công phu. Việc mô phỏng, tái hiện lối nói của người dân tộc thiểu số vào trong ngôn ngữ nhân vật đem lại sắc thái miền núi thú vị cho tác phẩm. Đi tìm cái hay trong các tiểu thuyết viết về miền núi không phải là tìm một thứ văn phong sắc sảo với câu chữ, lời nói tân kì, hiểm hóc, những xảo thuật ngôn từ có khả năng làm nhòe mờ tư tưởng và cảm xúc. Sự sống thực, tình cảm thực, cách nhìn và cách nghĩ thực đã làm nên cái hay, cái duyên đặc biệt của ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm. 3. Kết luận Từ năm 1986 đến nay, trong khoảng 30 năm phát triển, diện mạo của tiểu thuyết viết về miền núi đã và đang có những thay đổi sâu sắc. Xét về phương diện nghệ thuật của thể loại, ngôn ngữ cũng được đổi mới trên nhiều góc độ, mang đặc trưng thể loại một cách rõ nét hơn. Nhưng yếu tố không thể tách rời, làm nên giá trị cốt lõi và sức sống của nó chính là bản sắc dân tộc độc đáo. Bản sắc dân tộc của ngôn ngữ trong các tiểu thuyết viết về miền núi sau đổi mới thể hiện chủ yếu ở việc sử dụng với mật độ lớn ngôn ngữ so sánh, ví von có khả năng diễn tả và gợi liên tưởng, tạo hình tượng sinh động về không gian, cuộc sống và con người miền núi thời kì đổi mới; vận dụng tự nhiên, linh hoạt thành ngữ, tục ngữ dân gian tạo tính hàm súc cho ngôn ngữ; mô phỏng, tái hiện lối nói của đồng bào dân tộc thiểu số, khơi gợi không khí, sắc vẻ miền núi. Trong dòng chảy của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ đã tạo nên nét đặc thù cho tiểu thuyết viết về miền núi. Trong xu hướng xây dựng nền văn hóa, văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc nhà văn hiểu 128 tường tận và sâu sắc đời sống văn hóa miền núi, lặn thật sâu vào cội nguồn truyền thống để khám phá và sáng tạo ngôn ngữ văn học chính là biểu hiện của ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Điều này mang lại cho chúng ta niềm tin về một sự vận động, đổi mới và phát triển phù hợp với quy luật của tiểu thuyết miền núi trên hành trình hòa hợp với nền tiểu thuyết đương đại Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Triều Ân (2009), Tiểu thuyết Triều Ân, Nxb Hội Nhà văn. [2]. Trung Trung Đỉnh (2002), Lạc rừng, Nxb Phụ nữ. [3]. Vi Hồng (1990), Người trong ống, Nxb Lao động. [4]. Vi Hồng (2007), Đọa đày, NXB Hội Nhà văn. [5]. Vi Hồng (2005), Mùa hoa Boóc Loỏng, Nxb Lao động. [6]. Ma Văn Kháng (2012), Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Nxb Hội Nhà văn. [7]. Ma Văn Kháng (2013), Chuyện của Lý, Nxb Hội Nhà văn. [8]. Địch Ngọc Lân (2001), Hoa mí rừng, Nxb Quân đội nhân dân. [9]. Đoàn Hữu Nam (2001), Dốc người, Nxb Công an nhân dân. [10]. Đoàn Hữu Nam (2004), Trên đỉnh đèo dông bão, Nxb Quân đội nhân dân. [11]. Đoàn Hữu Nam (2013), Thổ phỉ, Nxb Hội Nhà văn. [12]. Hà Trung Nghĩa (1996), Lửa trong rừng Sa mu, Nxb Lao động. [13]. Đào Thủy Nguyên (2013), “Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì đổi mới và hội nhập”, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3/2013. [14]. Ma Trường Nguyên (1991), Mũi tên ám khói, Nxb Văn hóa dân tộc. [15]. Ma Trường Nguyên (1993), Tình xứ mây, Hội Văn nghệ Bắc Thái. [16]. Cao Duy Sơn (2006), Đàn trời, Nxb Hội Nhà văn. [17]. Cao Duy Sơn (2009), Chòm ba nhà, Nxb Lao động. [18]. Cao Duy Sơn, Người lang thang, Nxb Hội Nhà văn. [19]. Lâm Tiến (1997), Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc. [20]. Hữu Tiến (2007), Dòng đời, Nxb Văn hóa dân tộc. [21]. Bùi Việt Thắng (2000), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa - Thông tin. [22]. Đỗ Bích Thúy (2005), Bóng của cây sồi, Nxb Thanh niên. 129 ETHNIC IDENTITY IN THE NOVELS ABOUT THE MOUNTAINOUS REGIONS AFTER THE NATIONAL INNOVATION Dieu Thi Tu Uyen Faculty of Primary and Kindergarten Education, Tay Bac University Abstract: Ethnic identity is a constitutive element which makes the core values, the typical characteristics and the originality of language of the novels about the mountainous regions after national innovation. In this article, we want to explore the main aspects of ethnic identity manifestation in the language of such novels in this period. In these works, the writers create highly iconic language; use idioms, proverbs, folk songs of ethnic minorities and the tone of mountainous ethnic minorities, evoke the atmosphere, the personal charisma of life and people in mountainous areas. Keywords: ethnic identity, language, novel, mountain region, after innovation.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf22_519_2136286.pdf
Tài liệu liên quan