Một số biện pháp quản lí hoạt động chuyên môn của tổ trưởng chuyên môn trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non - Phan Vũ Quỳnh Nga

Tài liệu Một số biện pháp quản lí hoạt động chuyên môn của tổ trưởng chuyên môn trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non - Phan Vũ Quỳnh Nga: VJE Tạp chí Giáo dục, Số 441 (Kì 1 - 11/2018), tr 1-6 1 MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA TỔ TRƯỞNG CHUYÊN MÔN TRONG TRƯỜNG MẦM NON ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC MẦM NON Phan Vũ Quỳnh Nga - Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên Ngày nhận bài: 26/06/2018; ngày sửa chữa: 20/08/2018; ngày duyệt đăng: 27/09/2018. Abstract: Management of professional activities in preschool plays an important role in contributing to improving professional abilities for preschool teachers. In the professional management of the preschool, the team leader plays a core role. The article mentions some of the contents and measures to manage the professional activities of the professional team leader in preschool to meet the requirements of preschool education reform. Keywords: Management, professional activities, specialized groups, preschool. 1. Mở đầu Trong hệ thống giáo dục quốc dân thì Giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học đầu tiên có vị trí quan trọng trong chiến l...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 374 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số biện pháp quản lí hoạt động chuyên môn của tổ trưởng chuyên môn trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non - Phan Vũ Quỳnh Nga, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 441 (Kì 1 - 11/2018), tr 1-6 1 MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA TỔ TRƯỞNG CHUYÊN MÔN TRONG TRƯỜNG MẦM NON ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC MẦM NON Phan Vũ Quỳnh Nga - Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên Ngày nhận bài: 26/06/2018; ngày sửa chữa: 20/08/2018; ngày duyệt đăng: 27/09/2018. Abstract: Management of professional activities in preschool plays an important role in contributing to improving professional abilities for preschool teachers. In the professional management of the preschool, the team leader plays a core role. The article mentions some of the contents and measures to manage the professional activities of the professional team leader in preschool to meet the requirements of preschool education reform. Keywords: Management, professional activities, specialized groups, preschool. 1. Mở đầu Trong hệ thống giáo dục quốc dân thì Giáo dục mầm non (GDMN) là bậc học đầu tiên có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Hoạt động chuyên môn sư phạm của giáo viên (GV) mầm non có nhiều nét đặc thù và khác với các bậc học khác bởi GV mầm non phải có chức năng vừa chăm sóc - nuôi dưỡng, vừa giáo dục trẻ. Để làm được điều này đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình lao động. Nhằm duy trì và phát triển hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục nói chung, trong các trường mầm non nói riêng, công tác quản lí hoạt động chuyên môn là việc làm cần thiết, được đặt lên hàng đầu; trong đó, hoạt động quản lí chuyên môn của các tổ trưởng chuyên môn (TTCM) trong các nhà trường cũng được quan tâm đặc biệt. Bài viết đề cập một số nội dung, biện pháp quản lí hoạt động chuyên môn của TTCM trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Quản lí hoạt động chuyên môn trong trường mầm non 2.1.1. Khái niệm “quản lí hoạt động chuyên môn trong trường mầm non” Trong lĩnh vực giáo dục nói chung, GDMN nói riêng, hoạt động chuyên môn là hoạt động sư phạm của GV trên cơ sở vận dụng những kiến thức, kĩ năng mà họ được trang bị tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Hoạt động chuyên môn của nhà giáo dục được thực hiện thông qua việc giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp, sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, với các tổ chức trong và ngoài trường nhằm thực hiện chương trình giáo dục theo mục tiêu ngành học. Mục tiêu của GDMN là “Giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời” [1]. Quản lí hoạt động chuyên môn là công tác chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chuyên môn của các tổ chuyên môn (TCM), chỉ đạo hoạt động chuyên môn của GV. Quản lí hoạt động chuyên môn trong trường mầm non là công tác chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá việc chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của GV mầm non. 2.1.2. Ý nghĩa của công tác quản lí hoạt động chuyên môn trong trường mầm non Quản lí chuyên môn là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lí giáo dục nói chung, quản lí nhà trường nói riêng. Công tác quản lí chuyên môn trong trường mầm non nhằm quản lí việc chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của GV mầm non, việc học tập và rèn luyện của trẻ theo nội dung giáo dục toàn diện nhằm thực hiện mục tiêu và đường lối giáo dục của Đảng. Trường mầm non là đơn vị cơ sở của bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ chăm sóc - giáo dục trẻ từ 0-6 tuổi. Quản lí hoạt động chuyên môn trong trường mầm non có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo và duy trì chất lượng GDMN, nhằm đạt được mục tiêu của GDMN là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; hình thành và phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. 2.2. Tổ trưởng chuyên môn với công tác quản lí hoạt động chuyên môn ở trường mầm non 2.2.1. Vai trò của tổ trưởng chuyên môn trong quản lí hoạt động chuyên môn ở trường mầm non VJE Tạp chí Giáo dục, Số 441 (Kì 1 - 11/2018), tr 1-6 2 Trong hệ thống quản lí nhà trường, TCM là một đơn vị công tác được tổ chức theo Điều lệ nhà trường. TCM giữ một vị trí rất quan trọng bởi nó đảm nhận trực tiếp việc điều hành, theo dõi hoạt động chuyên môn ở một hoặc hai khối lớp nhằm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. TCM là nơi GV trực tiếp bồi dưỡng, giúp đỡ nhau về chuyên môn nghiệp vụ; là nơi trực tiếp đánh giá hiệu quả giảng dạy và giáo dục của GV theo kế hoạch của nhà trường; là nơi trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Trong trường mầm non có các TCM sau: Tổ nhà trẻ; Tổ mẫu giáo; Tổ nuôi dưỡng; Tổ hành chính - quản trị. TCM phải có từ 3 người trở lên, nếu dưới 3 người thì lập tổ ghép. Theo Điều lệ trường mầm non, TCM có những nhiệm vụ như sau: - Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ theo tuần, tháng, năm học nhằm thực hiện chương trình, kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ và các hoạt động giáo dục khác. - Thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc - giáo dục trẻ và quản lí sử dụng tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục của các thành viên trong tổ theo kế hoạch của nhà trường. - Tham gia đánh giá, xếp loại GV theo Chuẩn nghề nghiệp GV mầm non; Quyết định số 06/2006/QĐ-BNV về quy chế đánh giá, xếp loại GV mầm non; Thông tư số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/9/2015 về việc quy định mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp GV mầm non. - Đề xuất khen thưởng, kỉ luật đối với GV. - TCM sinh hoạt định kì ít nhất 2 tuần một lần. - Mỗi TCM có một tổ trưởng do hiệu trưởng chỉ định. TTCM chịu trách nhiệm điều khiển hoạt động của tổ theo kế hoạch chuyên môn, báo cáo tình hình chuyên môn cho hiệu trưởng [1]. Dựa vào nhiệm vụ TCM theo Điều lệ trường mầm non, có thể xác định vai trò, nhiệm vụ của TTCM như sau: Chủ trì việc xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ, giúp tổ viên xây dựng và quản lí kế hoạch cá nhân của tổ viên theo kế hoạch chuyên môn; chương trình GDMN và các quy định khác của Bộ GD-ĐT; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch của GV; tham mưu, đề xuất để đảm bảo điều kiện hoàn thành kế hoạch của tổ; đảm bảo nền nếp sinh hoạt, tích cực cải tiến nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn của tổ; giúp đỡ GV, tích cực tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tổ trưởng phải là hạt nhân đoàn kết, là chỗ dựa tin cậy về chuyên môn cho các thành viên trong tổ; giúp hiệu trưởng chỉ đạo các hoạt động giáo dục khác [1]. TTCM trường mầm non là người có khả năng xây dựng kế hoạch, điều hành, tổ chức hoạt động của tổ theo kế hoạch giáo dục, chương trình GDMN, chỉ đạo đổi mới của ngành, kế hoạch năm học của nhà trường; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho GV trong tổ; đánh giá xếp loại và đề xuất khen thưởng, kỉ luật GV thuộc tổ mình quản lí. Do đó, TTCM phải là người có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn; có uy tín với đồng nghiệp và trẻ. TTCM phải có khả năng tập hợp GV trong tổ, biết lắng nghe, tạo sự đoàn kết trong tổ, gương mẫu, công bằng, kiên trì, khéo léo trong giao tiếp ứng xử. TTCM trường mầm non cần nắm được vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác quản lí hoạt động chuyên môn nhà trường. Từ đó, họ có ý thức trách nhiệm hơn, đưa ra những sáng kiến trong công tác quản lí hoạt động của TCM, nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non. 2.2.2. Nội dung quản lí hoạt động chuyên môn của tổ trưởng chuyên môn trong trường mầm non 2.2.2.1. Quản lí các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ - Quản lí việc thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ: Chế độ sinh hoạt là sự phân bố hợp lí, khoa học về thời gian và các hoạt động trong ngày của trẻ ở trường mầm non. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt sẽ giúp trẻ phát triển hài hòa, cân đối về thể chất và tinh thần, hình thành nền nếp, thói quen và những kĩ năng sống tích cực. Vì vậy, chỉ đạo việc thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày là một nội dung quan trọng của hoạt động quản lí trong trường mầm non. Tùy theo điều kiện thực tế địa phương, tùy theo mùa, có thể điều chỉnh thời gian biểu cho phù hợp, nhưng khi thực hiện cần theo các nguyên tắc sau: + Đảm bảo tính khoa học, hợp lí, vừa sức, phù hợp với nhịp điệu sinh học của trẻ theo lứa tuổi và cá nhân trẻ. + Nội dung hoạt động một ngày cần phong phú, đa dạng, gần gũi với cuộc sống thực của trẻ, đáp ứng mục tiêu phát triển của trẻ. + Phân phối thời gian thích hợp và có sự cân bằng giữa các hoạt động tĩnh và động, giữa hoạt động trong lớp và ngoài trời, giữa hoạt động chung cả lớp và hoạt động theo nhóm, cá nhân. + Đảm bảo trình tự hoạt động được lặp đi lặp lại, nhằm tạo nền nếp và hình thành những thói quen tốt ở trẻ. + Đảm bảo cho mọi trẻ được hoạt động tích cực và phù hợp với đặc điểm riêng của từng trẻ, tránh sự đồng loạt, gò bó, cứng nhắc. + Đảm bảo sự linh hoạt, mềm dẻo, nhằm đáp ứng các nhu cầu của trẻ đang trong thời kì lớn lên và phát triển, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, địa phương. Mỗi nhóm lớp phải xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp với đặc điểm phát triển tâm - sinh lí của từng độ tuổi. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 441 (Kì 1 - 11/2018), tr 1-6 3 TTCM cần chỉ đạo, quản lí việc thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt cho trẻ của tổ viên, không tùy tiện thay đổi trình tự các hoạt động hoặc cắt xén nội dung hoạt động làm mất đi tính khoa học của chế độ sinh hoạt. Việc kiểm tra việc thực hiện chế độ sinh hoạt của GV ở các nhóm, lớp có thể bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những sai sót, lệch lạc. - Quản lí công tác nuôi dưỡng trẻ: Một trong những mục tiêu quan trọng của GDMN là giúp trẻ khỏe mạnh, cơ thể phát triển hài hòa, cân đối, nâng cao sức đề kháng và khả năng thích ứng biến đổi của môi trường. Để đạt được mục tiêu này, các nhà quản lí phải quan tâm đến nhiều yếu tố, nhiều mặt của quá trình chăm sóc - giáo dục trẻ, trong đó tổ chức quản lí hoạt động nuôi dưỡng là một nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Trẻ đến trường mầm non với các độ tuổi khác nhau, nhu cầu ăn uống dinh dưỡng và nhu cầu năng lượng cần cho các hoạt động và phát triển của cơ thể không giống nhau nên phải tổ chức các chế độ ăn phù hợp với từng độ tuổi. Trong thời gian ở nhà trẻ, trẻ cần được ăn tối thiểu 2 bữa chính và 1 bữa phụ, chiếm 60-70% nhu cầu năng lượng cả ngày của trẻ. Trẻ mẫu giáo ăn tối thiểu 1 bữa chính và 1 bữa phụ, chiếm 50-60% nhu cầu năng lượng cả ngày của trẻ. Chất lượng nuôi dưỡng không chỉ phụ thuộc vào trình độ, tay nghề của những người trực tiếp làm công việc này mà còn phụ thuộc vào việc tổ chức bữa ăn hằng ngày của trẻ. GV phải chăm sóc tốt bữa ăn của trẻ, đảm bảo cho trẻ được ăn đúng giờ, hình thành nền nếp thói quen tốt trong ăn uống, động viên trẻ ăn hết tiêu chuẩn. Vì vậy, TTCM cần giúp hiệu trưởng quản lí tốt việc tổ chức, chăm sóc bữa ăn cho trẻ của các GV. - Quản lí công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ an toàn cho trẻ: Do đặc điểm phát triển cơ thể của trẻ, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phải luôn đặt lên vị trí hàng đầu và là một nội dung quản lí quan trọng trong công tác quản lí trường mầm non. Quản lí sức khỏe của trẻ trong trường mầm non phải hướng tới mục tiêu giúp trẻ khỏe mạnh, lành mạnh về thể chất, thoải mái về tinh thần và được hưởng đầy đủ sự quan tâm chăm sóc của người lớn. Trường mầm non là ngôi nhà thứ hai của trẻ. Khi trẻ ở trường phải được bảo đảm an toàn về thể lực, về tâm lí và an toàn về tính mạng. Đây là yêu cầu số một đối với các nhà quản lí cũng như đối với mọi GV, nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì vậy, phải quản lí, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao công tác này bằng nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp. TTCM cần quản lí tốt việc thực hiện nhiệm vụ của các GV trong tổ thông qua nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. 2.2.2.2. Quản lí hoạt động giáo dục - Các hoạt động giáo dục ở trường mầm non + Các hoạt động giáo dục ở nhà trẻ: Hoạt động giao lưu cảm xúc: Hoạt động này đáp ứng nhu cầu gắn bó của trẻ với người thân, tạo cảm xúc hớn hở, luyện tập và phát triển các giác quan, hình thành mối quan hệ ban đầu với những người gần gũi. Đây là hoạt động chủ đạo của trẻ dưới 12 tháng tuổi Hoạt động với đồ vật: Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của trẻ về tìm hiểu thể giới đồ vật xung quanh, nhận biết công dụng và cách sử dụng một số đồ dùng, đồ chơi, phát triển lời nói, phát triển các giác quan. Đây là hoạt động chủ đạo của trẻ từ 12-36 tháng tuổi. Hoạt động chơi: Đáp ứng nhu cầu của trẻ về vận động và khám phá thế giới xung quanh, hình thành mối quan hệ với những người gần gũi. Ở độ tuổi này, trẻ có thể chơi thao tác vai, trò chơi có yếu tố vận động, trò chơi dân gian. Hoạt động chơi - tập có chủ định: Đây là hoạt động kết hợp yếu tố chơi với luyện tập có kế hoạch dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GV. Hoạt động này được tổ chức nhằm phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kĩ năng xã hội và những yếu tố ban đầu về thẩm mĩ. Hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân: Hoạt động này đáp ứng nhu cầu sinh lí của trẻ, đồng thời tập cho trẻ một số nền nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày và tạo cho trẻ trạng thái sảng khoái, vui vẻ. + Các hoạt động giáo dục ở mẫu giáo: Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo; trẻ có thể chơi với các loại trò chơi sau: Trò chơi đóng vai theo chủ đề, trò chơi lắp ghép xây dựng, trò chơi đóng kịch, trò chơi học tập, trò chơi vận động, trò chơi dân gian, trò chơi với phương tiện công nghệ hiện đại. Hoạt động học được tổ chức có chủ định theo kế hoạch dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GV. Hoạt động học chủ yếu được tổ chức dưới hình thức chơi. Hoạt động lao động đối với lứa tuổi mẫu giáo không nhằm tạo ra sản phẩm vật chất mà được sử dụng như một phương tiện giáo dục. Hoạt động lao động đối với trẻ mẫu giáo bao gồm: lao động tự phục vụ, lao động trực nhật, lao động tập thể. Hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân là hoạt động nhằm hình thành một số nền nếp thói quen trong sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu sinh lí của trẻ, tạo cho trẻ trạng thái thoải mái vui vẻ. - Quản lí các hoạt động giáo dục ở trường mầm non là đảm bảo cho các hoạt động đó được tiến hành có kế hoạch, được tổ chức một cách khoa học, kết hợp đúng đắn, hài hòa vai trò chủ đạo của GV với việc phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác hoạt động của trẻ. Khuyến khích sự sáng tạo của GV trong việc tạo ra môi trường, tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ hoạt động, khám phá theo nhu cầu, khả năng. Phát huy được tác dụng và hiệu quả của các hoạt động đối với việc hình thành những phẩm chất năng lực chung ở trẻ. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 441 (Kì 1 - 11/2018), tr 1-6 4 Trẻ thực sự được phát triển trong hoạt động và bằng chính hoạt động do GV tổ chức, điều khiển. Các hoạt động giáo dục được tiến hành chủ yếu trong các nội dung hoạt động quy định trong chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ ở trường mầm non, như: hoạt động có chủ đích, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời; ngoài ra còn được tiến hành thông qua việc tổ chức ngày hội, ngày lễ, các buổi dạo chơi, tham quan cho trẻ... Vì vậy, để quản lí các hoạt động giáo dục trong trường mầm non, cán bộ quản lí nhà trường cần quản lí tốt việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động trong chế độ sinh hoạt hằng ngày ở trường mầm non theo từng chủ đề cho trẻ. Hằng năm, trường mầm non có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ GV. Cán bộ quản lí phải nắm bắt kịp thời các chương trình hiện hành, các văn bản hướng dẫn chuyên môn để tổ chức thực hiện đúng, sáng tạo trong phạm vi toàn trường. Quản lí, chỉ đạo thực hiện các hoạt động giáo dục trẻ trong trường mầm non là nội dung quan trọng của người làm công tác quản lí trường. Toàn bộ hoạt động chuyên môn của trường đều nhằm thực hiện có chất lượng nội dung chương trình GDMN do Bộ GD-ĐT đã ban hành. Do đó, việc nắm vững chương trình và chỉ đạo thực hiện có chất lượng các hoạt động giáo dục trẻ vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu đối với cán bộ quản lí và GV trong các trường mầm non. TTCM chính là những nòng cốt trong công tác quản lí hoạt động chuyên môn trong trường mầm non. 2.3. Biện pháp quản lí hoạt động chuyên môn của tổ trưởng chuyên môn trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non 2.3.1. Lập kế hoạch quản lí Kế hoạch hóa là chức năng quan trọng của hoạt động quản lí. Nội dung chính của kế hoạch hóa là sự sắp đặt có tính toán trước một cách khoa học các mục tiêu, biện pháp thực hiện, trình tự tiến hành công việc của người quản lí trong khoảng thời gian định sẵn trên cơ sở sử dụng hợp lí các nguồn lực để công việc được tiến hành một cách chủ động, đạt hiệu quả cao. Kế hoạch là chương trình (phương án) hành động trong tương lai hướng vào việc thực hiện một mục tiêu nào đó. Lập kế hoạch là dự kiến trước những công việc cần phải làm, thời gian phải thực hiện, nguồn lực có thể huy động và kết quả cần đạt được. Ngoài các kế hoạch cá nhân, TTCM cần xây dựng kế hoạch quản lí hoạt động chuyên môn trong TCM theo năm học, tháng, tuần. Lập kế hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lí, là một biện pháp chỉ đạo chủ yếu giúp TTCM hình dung rõ ràng, đầy đủ mọi công việc cần phải làm để chủ động điều hành hoạt động chuyên môn trong tổ. Lập kế hoạch giúp TTCM ứng phó được với sự bất định của các yếu tố chi phối quá trình tiến tới mục tiêu, lường trước được các biến cố có thể xảy ra và phương thức xử lí. Như vậy, kế hoạch cho phép người TTCM tìm được cách tốt nhất để đạt được mục tiêu trong vô vàn cách có thể. Kế hoạch quản lí của TTCM là cơ sở để thống nhất mọi hoạt động của các thành viên trong tổ, tập trung sự nỗ lực, cố gắng của mọi người vào thực hiện mục tiêu chung, tạo khả năng tác nghiệp trong công việc nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 2.3.2. Quản lí hồ sơ chuyên môn của giáo viên Hồ sơ chuyên môn của GV bao gồm các tài liệu của cá nhân, như: kế hoạch năm học, kế hoạch tháng, tuần, kế hoạch hoạt động ngày, sổ chủ nhiệm lớp, sổ tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... TTCM trường mầm non cần quản lí tốt hồ sơ chuyên môn của tổ viên. Đồng thời, cần đưa ra ý kiến chỉ đạo, góp ý để GV hoàn thiện hồ sơ chuyên môn của mình theo quan điểm chỉ đạo của ngành học. Có chế độ kiểm tra định kì hồ sơ của GV: theo tháng, kì học đối với kế hoạch năm học, kế hoạch tháng, tuần, sổ chủ nhiệm, sổ tự học..., theo ngày đối với kế hoạch hoạt động ngày. Hoặc có thể kiểm tra đột xuất hồ sơ chuyên môn của GV nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tinh thần tự giác của giá viên trong việc hoàn thiện hồ sơ chuyên môn cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. - Quản lí việc xây dựng kế hoạch thực chương trình giáo dục của GV (quản lí sổ kế hoạch giáo dục trẻ): Kế hoạch là toàn bộ nói chung những điều vạch ra một cách có hệ thống về những công việc, hoạt động dự định làm trong một thời gian nhất định, với cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành. Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục (kế hoạch giáo dục trẻ) là dự kiến hệ thống các mục tiêu cần đạt được trên trẻ, xác định và lựa chọn nội dung, phương pháp chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ để thực hiện mục tiêu và lên kế hoạch đánh giá việc thực hiện chương trình trong một năm học. TTCM cần quản lí chặt chẽ việc xây dựng các loại kế hoạch của GV. GV phụ trách các nhóm lớp trong trường mầm non cần phải xây dựng các loại kế hoạch giáo dục trẻ: kế hoạch năm học, tháng, tuần... TTCM phải kiểm tra định kì đối với các loại kế hoạch này. Hàng ngày, TTCM kiểm tra kế hoạch hoạt động trong ngày của tổ viên, kí xác nhận (nếu được giao trách nhiệm). - Quản lí các loại sổ sách cá nhân: TTCM cần quản lí, theo dõi việc lập và sử dụng các loại sổ sách, tài liệu cá nhân của các tổ viên: 1) Sổ kế hoạch giáo dục trẻ; 2) Sổ theo dõi trẻ: điểm danh, khám sức khỏe, theo dõi đánh giá trẻ; 3) Sổ chuyên môn: dự giờ, tham quan, học tập, ghi chép các nội dung sinh hoạt chuyên môn; 4) Sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 441 (Kì 1 - 11/2018), tr 1-6 5 Có chế độ kiểm tra định kì, hoặc có thể kiểm tra đột xuất các loại sổ sách cá nhân của GV nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tinh thần tự giác của GV trong việc hoàn thiện hồ sơ chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. 2.3.3. Sinh hoạt tổ chuyên môn Sinh hoạt TCM là một hoạt động chuyên môn không thể thiếu trong hoạt động của nhà trường; là dịp để trao đổi chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Thông qua sinh hoạt TCM sẽ xuất hiện nhiều ý tưởng. Do vậy, tổ trưởng cần tạo điều kiện để GV nói lên ý tưởng, kinh nghiệm của mình. Nội dung sinh hoạt TCM cần đa dạng, phong phú, có thay đổi và phải có chuẩn bị trước về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện. TTCM chủ trì việc sinh hoạt của TCM mình quản lí, định kì ít nhất 2 tuần một lần. Nội dung sinh hoạt TCM cần hướng vào một số vấn đề cơ bản sau: Phổ biến kế hoạch và các văn bản chỉ đạo chuyên môn của ngành, của trường. Thảo luận, đóng góp ý kiến cho các kế hoạch, văn bản đó; thảo luận, thống nhất ý kiến về việc thực hiện hoạt động chuyên môn theo chỉ đạo chung của ngành, của trường; kết hợp kiểm tra hồ sơ chuyên môn của GV, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch của tổ viên; tổ chức bồi dưỡng, hoạt động chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho GV; chỉ đạo thực hiện các hoạt động giáo dục khác. Để tổ chức sinh hoạt TCM đạt hiệu quả, TTCM có thể vận dụng một số biện pháp sau: - Sinh hoạt TCM là một buổi thảo luận kế hoạch của các cá nhân: Trong các buổi sinh hoạt tổ, TTCM khuyến khích GV chủ động đưa ra kế hoạch cho tháng, tuần. Kế hoạch của GV phải cụ thể từng phần việc cho nhóm, lớp mình trong tuần. Tất cả các GV trong tổ đều phải nghiên cứu, đưa ra ý kiến đóng góp để xây dựng kế hoạch cho các nhóm, lớp trong từng thời điểm và cả kế hoạch lâu dài (ví dụ: kế hoạch thực hiện chủ đề, kế hoạch hoạt động hằng ngày, hoặc kế hoạch bồi dưỡng trẻ). - Sinh hoạt TCM là thời gian nghe báo cáo và thống nhất kế hoạch của từng nhóm: Tổ trưởng phải nắm rõ sở trường của GV trong tổ, phân công công việc rõ ràng, cụ thể cho từng cá nhân hoặc từng nhóm GV. GV được phân công sẽ là người chịu trách nhiệm theo dõi, nhận xét, báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong nhóm. - Sinh hoạt chuyên môn có thể tổ chức dưới hình thức giao ban nhanh: Vào 15 phút đầu giờ (trong thời gian đón trẻ) hoặc vào các thời điểm ngoài tiết học, GV phụ bao quát trẻ, GV chủ nhiệm báo cáo nhanh cho tổ trưởng những vấn đề nổi cộm để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. - Các buổi sinh hoạt chuyên môn thực sự là buổi trao đổi dân chủ, tự giác và khoa học: Thông thường, các buổi sinh hoạt TCM được diễn ra dưới trình tự: Tổ trưởng nêu nội dung, GV phát biểu ý kiến. Ta có thể thay đổi hình thức sinh hoạt như sau: GV chủ động nêu kế hoạch, đưa ý kiến cụ thể từng phần việc, tổ trưởng tổng hợp ý kiến, những việc có thể giải quyết trong tổ thì trả lời trực tiếp, khi vượt thẩm quyền của TCM, thì TTCM trực tiếp xin ý kiến hiệu trưởng (hoặc phó hiệu trưởng phụ trách), sau đó sẽ trả lời hoặc chỉ đạo tổ viên thực hiện. - Mỗi buổi sinh hoạt TCM chỉ chú trọng vào một chủ đề trọng tâm: Trước khi sinh hoạt tổ, tổ trưởng thông báo chủ đề chính của buổi sinh hoạt, GV có thể chuẩn bị bằng văn bản và thảo luận dựa trên thực tế tại nhóm, lớp mình chủ nhiệm hoặc các nhóm, lớp khác trong tổ. Sau khi thảo luận xong, GV nộp văn bản cho tổ trưởng để lưu vào hồ sơ tổ. Ví dụ: Thảo luận vấn đề “Tạo môi trường cho trẻ hoạt động”. Tổ trưởng thông báo chuyên đề, GV thảo luận về phương pháp, hình thức tổ chức, nội dung cần có; GV phụ trách từng phần, thời gian cho mỗi phần... sau khi họp xong nộp báo cáo bằng văn bản cho tổ trưởng lưu. - Sinh hoạt TCM theo hình thức chuyên đề: GDMN trong những năm gần đây rất chú trọng việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục để phát triển trẻ thơ toàn diện, tập trung đầu tư vào đổi mới phương pháp dạy và học. Bộ GD-ĐT chủ trương mở các chuyên đề như: nâng cao chất lượng giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục âm nhạc, tạo hình, lễ giáo, nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen với toán, nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen văn học và chữ viết... nhằm thúc đẩy khả năng sáng tạo của đội ngũ GV, cán bộ quản lí và phát huy tính tích cực của trẻ. Ngoài ra, có thể đưa ra một số chuyên đề khác như: Chuyên đề bồi dưỡng trẻ có tài năng; Chuyên đề hoạt động vui chơi; Chuyên đề viết sáng kiến kinh nghiệm... Dựa vào các chuyên đề trên, mỗi tháng 2 tuần sinh hoạt tổ 1 buổi. Tổ trưởng đưa ra chuyên đề cần thảo luận, cử một đồng chí tổ viên chuẩn bị nội dung báo cáo trước tổ, các tổ viên khác chuẩn bị ý kiến xây dựng nội dung cho chuyên đề, đúc rút kinh nghiệm sau buổi sinh hoạt. Sinh hoạt TCM cần có biên bản ghi chép đầy đủ. Tổ trưởng có trách nhiệm báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường về kết quả việc sinh hoạt của TCM. Nội dung ghi biên bản sinh hoạt TCM có thể trình bày như sau: - Thời gian, địa điểm. - Thành phần: tổng số (có mặt, vắng mặt, lí do). - Nội dung: Nhận xét, đánh giá kết quả hoạt động; triển khai kế hoạch; ý kiến đóng góp, xây dựng. (Phải ghi các ý kiến đóng góp xây dựng của tổ viên, trên thực tế phần này thường chỉ ghi: “cả tổ thống nhất với đánh giá và kế hoạch”; sinh hoạt chuyên môn: Tên chủ đề sinh hoạt; ý kiến của từng tổ viên về nội dung sinh hoạt (mỗi tổ viên phải có ý kiến thảo luận, đây là yêu cầu bắt buộc, tránh những ý kiến chung chung). VJE Tạp chí Giáo dục, Số 441 (Kì 1 - 11/2018), tr 1-6 6 2.3.4. Dự giờ, thăm lớp TTCM cần có kế hoạch dự giờ thăm lớp thường xuyên đối với tổ viên mình phụ trách. Dự giờ, thăm lớp nhằm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình GDMN và hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ trong nhóm lớp của GV. Căn cứ vào kế hoạch chung của trường, chỉ đạo, giúp đỡ GV thực hiện các bước phát triển chủ đề theo nhu cầu, hứng thú, khả năng của trẻ. Phải đánh giá quá trình thực hiện chủ đề và sau khi kết thúc chủ đề. Việc đánh giá thường xuyên thông qua dự giờ, thăm lớp sẽ giúp GV nhìn nhận đúng những việc đã làm được và chưa làm được để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp hoặc môi trường giáo dục... Khi dự giờ, thăm lớp, tổ trưởng đặc biệt chú ý đến các phương pháp dạy học đặc trưng của từng lĩnh vực, phải xem xét: Cách thức hoạt động của GV và trẻ được phối hợp với nhau như thế nào? Cô đã sử dụng đúng phương pháp đặc trưng của từng lĩnh vực chưa? Tổ trưởng cần chỉ đạo GV vận dụng thật linh hoạt, khéo léo các phương pháp để thu hút sự chú ý của trẻ. Ở trường mầm non, phương tiện trực quan được sử dụng nhiều trong giảng dạy, khi chỉ đạo GV dùng phương tiện trực quan, tổ trưởng cần giúp GV: Xác định rõ mục đích sử dụng đồ dùng trực quan, số lượng đồ dùng trực quan; đồ dùng phải đẹp, gây hấp dẫn, đảm bảo tính khái quát, tránh độc hại, thành thạo khi sử dụng. Tổ trưởng cần giúp GV biết cách tổ chức giờ học, giờ hoạt động có chủ đích như thế nào cho hợp lí và đạt hiệu quả cao nhất. Để có thể kiểm tra, đánh giá, nhận xét được hoạt động chuyên môn của tổ viên đòi hỏi TTCM phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, là chỗ dựa tin cậy về chuyên môn cho các thành viên trong tổ. 2.3.5. Tổ chức trao đổi, thảo luận về hoạt động chuyên môn trong tổ Ngoài những chuyên đề, văn bản chỉ đạo chung của ngành, của trường, căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu của các thành viên trong tổ, TTCM có thể tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận về hoạt động chuyên môn trong tổ: thảo luận rút kinh nghiệm sau dự giờ, thảo luận vấn đề mới, vấn đề khó, vấn đề đang là hạn chế, yếu kém của tổ viên... Tổ chức trao đổi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GV trong tổ, GV mới tuyển dụng (đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá trẻ; sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học...) góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non. Ngoài ra, trong các buổi trao đổi, thảo luận, TTCM có thể tổ chức cho các tổ viên trao đổi, thảo luận để hiểu rõ hơn về các nhiệm vụ của GV mầm non được quy định trong Điều lệ trường mầm non. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm và lòng yêu nghề, mến trẻ của mỗi GV mầm non, để cô giáo thực sự là “người mẹ thứ hai” của trẻ, “mỗi ngày trẻ đến trường là một ngày vui”. 2.3.6. Báo cáo, tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường về công tác quản lí chuyên môn trong tổ TTCM có trách nhiệm báo cáo định kì với Ban Giám hiệu nhà trường về công tác quản lí chuyên môn trong tổ; báo cáo việc thực hiện và kết quả thực hiện hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ của TCM; trình duyệt các kế hoạch, đề xuất của TCM lên lãnh đạo nhà trường. Bên cạnh đó, TTCM cần làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong hoạt động chuyên môn: đổi mới phương pháp dạy học, quản lí. Tham mưu đề xuất để đảm bảo điều kiện hoàn thành kế hoạch của tổ. 3. Kết luận TTCM trong trường mầm non nói riêng, trong các cơ sở giáo dục nói chung, xét ở góc độ chuyên môn cũng là người làm công tác quản lí. TTCM trường mầm non cần nhận thức rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong công tác quản lí hoạt động chuyên môn của nhà trường. Từ đó, có những sáng tạo, đưa ra biện pháp tích cực trong việc quản lí hoạt động chuyên môn góp phần đảm bảo, duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN, thực hiện mục tiêu ngành học. Tài liệu tham khảo [1] Bộ GD-ĐT (2008). Điều lệ Trường mầm non (ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07/04/2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). [2] Bộ GD-ĐT (2016). Thông tư số 28/TT-BGDĐT ngày 30/12/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình giáo dục mầm non (ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT). [3] Bộ GD-ĐT (2009). Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục mầm non. [4] Nguyễn Thị Thùy (2018). Thực trạng quản lí bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở một số trường mầm non chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 6, tr 6-10. [5] Bộ GD-ĐT (2011). Thông tư số 07/2011/TT-BGDĐT ngày 17/02/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy định về Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non. [6] Quốc hội (2009). Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục năm 2005. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. [7] Phạm Thị Châu (2011). Giáo trình quản lí giáo dục mầm non. NXB Giáo dục Việt Nam.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf01phan_vu_quynh_nga_3615_2120093.pdf
Tài liệu liên quan