Tài liệu Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế: 1
MỐI QUAN HỆ GIỮA
LẠM PHÁT VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê
Lạm phát và thất nghiệp là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có tính nhậy cảm cao.
Lạm phát không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý kinh tế, chủ doanh nghiệp
mà còn của các tầng lớp nhân dân lao động, lạm phát tác động tới tâm lý, cách ứng xử
về tiêu dùng, để dành và đầu tư của nền kinh tế. Người dân muốn biết tỷ lệ lạm phát để
đánh giá thu nhập bằng tiền lương thực tế của họ, thu nhập từ sở hữu thực, họ có nên gửi
tiền vào hệ thống ngân hàng hay không.
Khác với lạm phát và thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế thể hiện qua tốc độ tăng
tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức cao và ổn định luôn là mong ước của các nhà
quản lý, của các tầng lớp nhân dân lao động vì tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc
làm và thu nhập tăng, đời sống của người dân được cải thiện. Vì vậy, một trong những
mục tiêu quan trọng của các nhà quản lý và điều hành nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào...
18 trang |
Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 969 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1
MỐI QUAN HỆ GIỮA
LẠM PHÁT VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê
Lạm phát và thất nghiệp là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có tính nhậy cảm cao.
Lạm phát không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý kinh tế, chủ doanh nghiệp
mà còn của các tầng lớp nhân dân lao động, lạm phát tác động tới tâm lý, cách ứng xử
về tiêu dùng, để dành và đầu tư của nền kinh tế. Người dân muốn biết tỷ lệ lạm phát để
đánh giá thu nhập bằng tiền lương thực tế của họ, thu nhập từ sở hữu thực, họ có nên gửi
tiền vào hệ thống ngân hàng hay không.
Khác với lạm phát và thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế thể hiện qua tốc độ tăng
tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức cao và ổn định luôn là mong ước của các nhà
quản lý, của các tầng lớp nhân dân lao động vì tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc
làm và thu nhập tăng, đời sống của người dân được cải thiện. Vì vậy, một trong những
mục tiêu quan trọng của các nhà quản lý và điều hành nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào
trên thế giới đó là tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định với mức tăng trưởng kinh
tế cao và bền vững, cùng với mức lạm phát thấp. Trong nhiều thập kỷ gần đây, mối quan
hệ giữa lạm phát và tăng trưởng luôn là chủ đề gây tranh luận giữa các trường phái kinh
tế, câu hỏi đặt ra đó là lạm phát thúc đẩy tăng trưởng hay tăng trưởng gây ra lạm phát.
Các nhà kinh tế theo Trường phái Tiền tệ cho rằng lạm phát gây bất lợi đối với tăng
trưởng kinh tế, trong khi đó các nhà kinh tế theo Trường phái Tân cổ điển lập luận lạm
phát là động lực của tăng trưởng. Thực tế nghiên cứu diễn biến của nhiều nền kinh tế
trong những thập kỷ vừa qua, các nhà kinh tế đã chỉ ra mối liên hệ giữa lạm phát và tăng
trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trong dài hạn, đồng thời cũng xác định ngưỡng Lạm
phát của nền kinh tế theo nghĩa nếu lạm phát vượt qua ngưỡng này sẽ có hại cho tăng
trưởng kinh tế.
Trên hai thập kỷ qua, từ cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ
trước, nền kinh tế nước ta đã trải qua giai đoạn lạm phát phi mã và những giải pháp
kiềm chế lạm phát thành công của Chính phủ làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế.
Khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính và suy
thoái kinh tế toàn cầu năm 2007 đều tác động xấu tới nền kinh tế nước ta làm cho lạm
phát tăng cao trở lại và tăng trưởng kinh tế suy giảm. Đối với nước ta, phải chăng nhất
thiết phải có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát hay vẫn có những giải pháp để
đạt được tăng trưởng kinh tế ở mức cao với tỷ lệ lạm phát hợp lý. Để cung cấp thêm
thông tin về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng, bài viết “Mối quan hệ giữa lạm
phát và tăng trưởng kinh tế” phần nào lý giải những câu hỏi này, bài viết gồm ba phần:
Phần thứ nhất đề cập một số nội dung cơ bản về các mô hình tăng trưởng kinh tế và mối
quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng; Phần thứ hai trình bày kết quả kiểm chứng về mối
quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng của các nhà kinh tế trong vài thập kỷ gần đây;
Phần cuối trao đổi một số nét về lạm phát và tăng trưởng của nước ta trong hai thập kỷ
gần đây.
2
I. LÝ THUYẾT VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA LẠM
PHÁT VÀ TĂNG TRƯỞNG
Tăng trưởng kinh tế là sự mở rộng năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền
kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Năng lực sản xuất của nền kinh tế phụ
thuộc chủ yếu vào số lượng, chất lượng các nguồn lực và trình độ công nghệ sử dụng
trong quá trình sản xuất, vì vậy tăng trưởng kinh tế luôn liên quan tới quá trình mở rộng
và hoàn thiện các yếu tố tạo nên năng lực sản xuất. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế là
sự gia tăng khối lượng hàng hóa, dịch vụ sản xuất ra và nâng cao năng lực sản xuất của
nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng đối với tiến trình phát triển và sự
thịnh vượng của đất nước, các nhà kinh tế thường nói tăng trưởng bản thân nó không
phải là sự thành công, mà tăng trưởng chính là công cụ để đi tới thành công nhằm diễn
tả vai trò quan trọng này.
Lạm phát là tỷ lệ phần trăm thay đổi liên tục của mặt bằng giá chung theo thời
gian. Để phản ánh tình hình lạm phát, người ta thường sử dụng chỉ số giá tiêu dùng
(CPI) - chỉ số giá biểu thị biến động mức giá chung của một rổ hàng hóa và dịch vụ cố
định dùng cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, hoặc sử dụng chỉ số giảm phát GDP
- chỉ số phản ánh sự biến động về mặt bằng giá chung của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ
được tạo ra trong lãnh thổ kinh tế của một quốc gia. Chỉ số giảm phát GDP chỉ bao gồm
hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước, không bao gồm vật phẩm tiêu dùng là hàng
hóa nhập khẩu. Thay đổi giá của vật phẩm tiêu dùng nhập khẩu không ảnh hưởng trực
tiếp vào giảm phát GDP nhưng lại ảnh hưởng tới CPI nếu chúng thuộc rổ hàng tính CPI.
Do CPI được tính dựa trên rổ hàng hóa và dịch vụ với quyền số cố định, trong khi
đó chỉ số giảm phát GDP có rổ hàng hóa và dịch vụ thay đổi theo thời gian vì vậy chỉ số
CPI có xu hướng phóng đại lạm phát, ngược lại chỉ số giảm phát GDP có xu hướng
đánh giá thấp lạm phát. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới khi đánh giá lạm phát
đều dựa vào chỉ số CPI.
1. Lý thuyết tăng trưởng Cổ điển
Các nhà kinh tế theo trường phái Cổ điển đã đặt nền tảng cho một vài lý thuyết
tăng trưởng kinh tế. Adam Smith là người đặt nền tảng cho mô hình tăng trưởng cổ điển,
dựa vào bên Cung của nền kinh tế với hàm sản xuất có biến phụ thuộc là sản lượng (Y)
và các biến độc lập bao gồm lao động (L); máy móc thiết bị (K) và đất đai (T), một cách
tổng quát, hàm sản xuất có dạng: Y = f (L, K, T).
Các yếu tố dẫn tới tăng trưởng trong mô hình Cổ điển đó là tăng dân số, tăng đầu
tư và tăng đất đai sử dụng vào sản xuất. Adam Smith lập luận tăng trưởng là quá trình tự
củng cố bởi nền kinh tế vận hành theo quy luật lợi nhuận tăng theo quy mô và xác định
để dành như “người tạo lập” nên đầu tư, từ đó dẫn tới tăng trưởng. Phân phối thu nhập là
yếu tố quan trọng nhất quyết định tốc độ tăng trưởng nhanh hay chậm của nền kinh tế.
Các nhà kinh tế theo Trường phái Cổ điển cho rằng lợi nhuận của các nhà sản xuất suy
giảm không phải do suy giảm năng xuất cận biên mà do cạnh tranh giữa giới chủ về lao
động dẫn tới tăng tiền lương của người lao động.
Lý thuyết tăng trưởng cổ điển không xác định rõ mối liên kết giữa lạm phát với
ảnh hưởng của thuế tới lợi nhuận và tăng trưởng, tuy vậy mối liên hệ giữa lạm phát và
3
tăng trưởng được ngầm hiểu là mối quan hệ tỷ lệ nghịch: tăng chi phí trả lương làm
giảm lợi nhuận của nhà sản xuất và dẫn tới giảm sản lượng.
2. Lý thuyết Tân cổ điển
Các nhà kinh tế theo Trường phái Tân cổ điển giả sử thị trường và kỳ vọng hợp
lý phản ứng rất nhanh đến trạng thái cân bằng gần như tức thì, do vậy không có sự khác
nhau nhiều giữa ngắn hạn và dài hạn, các biến động ngắn hạn và xu hướng dài hạn đều
ít liên quan tới tổng cầu, nên quản lý tổng cầu không có tác dụng.
Mô hình tăng trưởng Tân cổ điển dựa vào sự thay thế giữa máy móc thiết bị và
lao động trong Hàm sản xuất để đảm bảo tăng trưởng luôn ở trạng thái bền vững, vì vậy
tình trạng phát triển không bền vững đề cập trong mô hình tăng trưởng Harrod-Domar
với giả thiết hệ số sử dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất luôn cố định đã được khắc
phục. Mô hình tăng trưởng Tân cổ điển giả thiết tiến bộ của công nghệ dùng vào sản
xuất là một biến ngoại sinh và có thể áp dụng ngay vào sản xuất qua việc trang bị máy
móc thiết bị mới hoặc cải tiến ngay máy móc thiết bị hiện đang sử dụng.
Tính logic của mô hình tăng trưởng Tân cổ điển đã bị thực tiễn phản bác ở chỗ
khi tiền lương của người lao động tăng lên (lợi nhuận của nhà sản xuất giảm), máy móc
thiết bị không hoàn toàn thay thế được nhu cầu về lao động. Theo logic kinh tế, khi tiền
lương tăng, lẽ ra các nhà sản xuất sẽ sử dụng nhiều máy móc thiết bị thay cho lao động.
Nhưng máy móc cũng do lao động tạo ra nên giá của máy móc thiết bị cũng tăng lên khi
tiền lương tăng. Vì vậy khi tiền lương tăng, các nhà sản xuất thường áp dụng công nghệ
sử dụng nhiều lao động hơn là áp dụng công nghệ sử dụng nhiều máy móc thiết bị.
Robert Mundell là người đầu tiên của trường phái Tân cổ điển đưa ra cơ chế mô
tả mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng. Theo mô hình của Mundell và một số nhà
kinh tế cho rằng lạm phát có quan hệ tỷ lệ thuận đối với tăng trưởng. Hai lý do được
viện dẫn để bảo vệ quan điểm này: Một là khi lạm phát tăng, luôn có độ trễ thời gian
giữa tăng giá của sản phẩm đầu ra và tăng giá của sản phẩm đầu vào, đặc biệt là độ trễ
về tăng tiền lương. Khi tiền lương được giữ ổn định trong giai đoạn khá dài sẽ làm tăng
lợi nhuận cận biên, tăng quỹ đầu tư và khích lệ khả năng đầu tư của nhà sản xuất, điều
này dẫn tới tăng đầu tư, tăng năng lực sản xuất của công ty và tăng trưởng kinh tế. Hai
là lạm phát kéo theo việc phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư theo hướng
mang mối lợi nhiều hơn cho nhóm có thu nhập cao (Nhóm này thường nắm giữ tài sản
có lợi nhuận cao và thu nhập không phụ thuộc vào tiền lương). Nhóm thu nhập cao có tỷ
lệ để dành cao hơn, vì vậy khi có lạm phát dẫn tới tăng để dành và đây là nguồn vốn để
tăng đầu tư, làm giảm lãi suất dẫn tới tăng trưởng kinh tế. Cùng với quan điểm này, một
số nhà kinh tế cho rằng lạm phát làm giảm giá trị tài sản của toàn bộ cộng đồng dân cư,
để giá trị tài sản không bị suy giảm, người dân sẽ tăng để dành nhằm cơ cấu lại các loại
tài sản họ đang nắm giữ. Tăng để dành đồng nghĩa với tăng đầu tư để tăng giá trị tài sản
của họ, dẫn đến tăng trưởng kinh tế.
3. Lý thuyết Keynesian
Lý thuyết tổng quát của Keynes ra đời từ thực tế cuộc Đại suy thoái kết hợp với
kết quả của hơn nửa thế kỷ phát triển phát triển ý tưởng cân bằng tổng thể. Lý thuyết
của Keynes mô tả mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng dựa vào mô hình của Tổng
cung (AS) và Tổng cầu (AD). Trong ngắn hạn đường AS có hệ số góc dương và nhỏ
4
hơn 90o vì vậy khi có những thay đổi bên Cầu sẽ tác động vào lạm phát và sản lượng
(Trong kinh tế vĩ mô và trong bài viết này thuật ngữ sản lượng được hiểu là GDP), cơ
chế điều chỉnh trong ngắn hạn trong lý thuyết Keynes chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn
đầu lạm phát và sản lượng đều tăng – Lạm phát và sản lượng có mối quan hệ tỷ lệ thuận;
giai đoạn tiếp theo lạm phát tiếp tục tăng nhưng sản lượng không tăng, thậm chí giảm
(Giai đoạn “Đình lạm”) và sau đó lạm phát cũng sẽ giảm. Theo mô hình này, trong ngắn
hạn sẽ có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát, tuy vậy sự đánh đổi này không diễn
ra thường xuyên vì khi sản lượng giảm xuống dưới mức sản lượng tiềm năng (toàn dụng
lao động), lạm phát cũng sẽ giảm. Trong dài hạn, đường Tổng cung (AS) là đường thẳng
đứng với hệ số góc bằng 90o, vì vậy những thay đổi bên Cầu của nền kinh tế chỉ tác
động vào giá cả và gây nên lạm phát.
Các nhà kinh tế theo lý thuyết Keynes cho rằng điều chỉnh của thị trường và kỳ
vọng tiến tới cân bằng rất chậm, những vấn đề về ngắn hạn có ý nghĩa quan trọng trong
vận hành của nền kinh tế, vì vậy chính phủ cần có chính sách tài khóa và tiền tệ để tác
động vào bên cầu.
4. Lý thuyết Keynes mới
Lý thuyết tăng trưởng Keynes mới bắt nguồn từ trường phái Keynes với việc đưa
ra khái niệm về sản lượng tiềm năng, nền kinh tế đạt mức sản lượng tiềm năng khi ở vào
trạng thái toàn dụng lao động (Toàn dụng lao động được hiểu theo nghĩa thất nghiệp ở
mức tỷ lệ tự nhiên – tỷ lệ thất nghiệp không làm tăng hoặc giảm lạm phát). Mô hình
Keynes mới vận hành theo “Cơ chế lạm phát nội tại” nghĩa là lạm phát gây nên bởi các
biến nội sinh của nền kinh tế:
(1). Nếu chính sách kinh tế làm cho sản lượng (GDP) vượt mức tiềm năng và tỷ
lệ thất nghiệp thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, các yếu tố khác không đổi, khi đó lạm
phát sẽ gia tăng vì các nhà sản xuất sẽ tăng giá sản phẩm và lạm phát nội tại xấu hơn.
Nếu tiếp tục tình trạng này, nền kinh tế rơi vào trạng thái “đình lạm”;
(2). Nếu chính sách kinh tế làm cho GDP giảm xuống dưới mức tiềm năng và tỷ
lệ thất nghiệp cao hơn tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, các yếu tố khác không đổi, khi đó lạm
phát sẽ giảm vì các nhà sản xuất sẽ cố gắng sử dụng hết tiềm năng của nền kinh tế bằng
cách giảm giá dẫn tới lạm phát giảm (thiểu phát) và giảm tỷ lệ thất nghiệp;
(3). Nếu chính sách kinh tế giữ cho GDP đứng ở mức sản lượng tiềm năng, tỷ lệ
thất nghiệp bằng tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên và nền kinh tế không có các cú sốc bên Cung,
khi đó tỷ lệ lạm phát sẽ không thay đổi.
Điểm hạn chế của lý thuyết tăng trưởng Keynes mới ở chỗ các nhà kinh tế không
biết được chính xác GDP tiềm năng, tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên và những chỉ tiêu này
thay đổi theo thời gian. Mặt khác lạm phát luôn vận hành không cân xứng ở chỗ tăng lên
nhanh nhưng giảm xuống chậm.
5. Lý thuyết tiền tệ
Các nhà kinh tế theo Trường phái Tiền tệ, đi đầu là Milton Friedman quan tâm
đến nét đặc trưng bên Cung của nền kinh tế trong dài hạn. Những người theo trường
phái này tin rằng trong ngắn hạn, bất kỳ một tác động nào qua chính sách tài khóa và
tiền tệ làm thay đổi tổng cầu, thay đổi sản lượng và việc làm là không thực tế, những lợi
5
ích trong dài hạn phải được ưu tiên hơn trong ngắn hạn, Trường phái này dựa vào Lý
thuyết lượng tiền để giải thích nguyên nhân gây nên lạm phát.
Có một số dạng mô tả Lý thuyết lượng tiền, chúng có bản chất giống nhau, chỉ
khác nhau về cách thức thể hiện, dạng thức đơn giản là phương trình Cambridge mô tả
thị trường tiền tệ cân bằng khi cung tiền (Ms) bằng Cầu tiền (Md), phương trình
Cambridge được viết như sau: Ms = k. P. Y.
Bên phải của phương trình biểu thị nhu cầu về tiền của nền kinh tế, với biến P
biểu thị mức giá chung của toàn bộ nền kinh tế; Y là tổng sản phẩm trong nước (GDP)
theo giá so sánh và k là hằng số, Cung tiền là biến ngoại sinh, được xác định qua chính
sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. Trong lý thuyết lượng tiền, các nhà kinh tế theo
trường phái này giả sử Y không đổi và nhu cầu về tiền của nền kinh tế là một tỷ lệ cố
định của GDP theo giá hiện hành. Lý thuyết về lượng tiền chỉ rõ khi Cung tiền tăng sẽ
dẫn tới tăng giá của nền kinh tế, nói cách khác, lạm phát là sản phẩm của cung tiền tăng
cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong tác phẩm bất hủ: “Lịch sử tiền tệ của
Hợp chủng quốc Hoa kỳ 1817-1960” Milton Friedman và Anna Schwart đã viết: “Vấn
đề tiền tệ và giải thích những biến động về giá cả, sản lượng, việc làm luôn tìm thấy từ
biến động của tiền tệ, Chính phủ chịu trách nhiệm về những biến động tiền tệ này”. Các
nhà kinh tế theo Trường phái Tiền tệ luôn đề cập tới vai trò của Ngân hàng Trung ương
với chức năng kiểm soát mức cung tiền, trực tiếp kiểm soát tỷ lệ lạm phát của nền kinh
tế, nếu Ngân hàng Trung ương giữ mức cung tiền ổn định, mức giá sẽ ổn định, từ đó ngụ
ý vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ đối với biến động về giá cả của nền kinh tế.
II. KIỂM CHỨNG VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA LẠM PHÁT VÀ TĂNG TRƯỞNG
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà kinh tế đã sử dụng mô hình kinh tế lượng khác
nhau để kiểm chứng bằng số liệu của các nước trên thế giới nhằm tìm ra câu trả lời liệu
chăng tồn tại mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng trong ngắn hạn theo dãy số thời
gian hay trong dài hạn ở tất cả các nước hay cả hai mối quan hệ này đều tồn tại trong
ngắn và dài hạn. Qua kiểm chứng số liệu của các nước bao gồm cả những nước phát
triển, những nước đang phát triển, với số liệu của giai đoạn 1950 – 2000, các nhà kinh tế
đã có những phát hiện sau:
1. Lạm phát có thể gây tác hại đối với tăng trưởng
Năm 1998, Atish Ghosh và Steven Phillips đã sử dụng số liệu về tăng trưởng
GDP bình quân đầu người hằng năm theo giá so sánh và số liệu về lạm phát theo CPI
bình quân năm của 145 nước trong giai đoạn 1960-1990 với 3603 hiện tượng quan sát
và dùng phương pháp hồi quy đa biến theo các nhóm để kiểm chứng mối quan hệ giữa
lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Atish Ghosh và Steven Phillips cho rằng mối quan hệ
giữa lạm phát và tăng trưởng không phải là mối quan hệ một chiều đơn giản đó là lạm
phát tác động đến tăng trưởng hay tăng trưởng tác động đến lạm phát; giữa lạm phát và
tăng trưởng có tác động qua lại phi tuyến tính. Tương quan giữa lạm phát và tăng trưởng
khác nhau trong cùng một chu kỳ kinh tế. Kết quả của kiểm chứng số liệu thể hiện qua
các phát hiện chủ yếu sau:
(1). Giữa lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch; lạm phát không chỉ là
yếu tố có ý nghĩa trong kiểm chứng thống kê mà còn là yếu tố quyết định quan trọng đối
6
với tăng trưởng. Mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa lạm phát và tăng trưởng xuất hiện trong
kiểm chứng theo các quốc gia và theo cả dăy số thời gian;
(2). Khi lạm phát ở mức thấp khoảng 2%-3%, giữa lạm phát và tăng trưởng có
mối quan hệ tỷ lệ thuận; khi lạm phát cao, giữa lạm phát và tăng trưởng có mối quan hệ
tỷ lệ nghịch được thể hiện qua hàm lồi. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ khi lạm phát ở mức từ
10% - 20% thì tốc độ tăng trưởng sẽ giảm;
(3). Tồn tại ngưỡng lạm phát: “Ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng ở mức
2.5%”, khi lạm phát cao hơn ngưỡng 2.5% sẽ có tác động làm giảm tăng trưởng kinh tế.
Một số nhà nghiên cứu (Joao Ricardo Faria; Francisco Galrao Carneiro; Michael
Bruno và William Easterly) đã xem xét ảnh hưởng của lạm phát cao và cú sốc lạm phát
đối với tăng trưởng trong dài hạn, đi đến nhận định: trong dài hạn tăng trưởng kinh tế
không bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và các cú sốc lạm phát cũng như cú sốc về chính
trị, tỷ lệ trao đổi thương mại, đặc biệt nền kinh tế phục hồi rất mạnh trong thời kỳ lạm
phát cao được chế ngự.
2. Ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng
Năm 2001, Moshsin S. Khan và Abdelhak S. Senhadji đã sử dụng số liệu về tăng
trưởng GDP theo giá so sánh của 140 nước bao gồm cả các nước công nghiệp và các
nước đang phát triển trong giai đoạn 1960-1998 để kiểm chứng thực tiễn nhằm trả lời
hai câu hỏi: Có tồn tại ngưỡng lạm phát có ý nghĩa trong kiểm chứng thống kê để khi
lạm phát cao hơn ngưỡng đó sẽ tác động xấu vào tăng trưởng và tác động của nó khác
với tác động khi lạm phát ở mức thấp hơn; Tác động của ngưỡng lạm phát vào tăng
trưởng có giống nhau giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển.
Moshsin S. Khan và Abdelhak S. Senhadji sử dụng mô hình lạm phát dưới dạng
logarit và hàm bậc hai tối thiểu phi tuyến tính để kiểm chứng ngưỡng lạm phát đối với
tăng trưởng. Do số liệu của các nước đang phát triển không đủ theo thời gian như số liệu
của các nước công nghiệp vì vậy những kiểm chứng và phân tích của Khan và Senhadji
thực hiện theo các nhóm không cân đối. Kết quả của kiểm chứng số liệu thể hiện qua ba
phát hiện chủ yếu sau:
(1). Khẳng định mạnh mẽ sự tồn tại ngưỡng lạm phát có ý nghĩa trong kiểm
chứng thống kê, khi lạm phát cao hơn Ngưỡng sẽ tác động xấu đến tăng trưởng, ngược
lại khi lạm phát thấp hơn Ngưỡng sẽ không tác động đến tăng trưởng. Lạm phát thấp là
một yếu tố quan trọng đảm bảo tăng trưởng bền vững;
(2). Ngưỡng lạm phát đối với các nước công nghiệp từ 1% - 3%, đối với các nước
đang phát triển ở mức 11%-12%;
(3). Kiểm chứng về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng không cho biết
phương thức tác động của lạm phát vào tăng trưởng. Do đầu tư và việc làm luôn được
quản lý, vì vậy theo Khan và Senhadji tác động của lạm phát vào tăng trưởng thông qua
“kênh” năng xuất.
7
3. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế
Năm 1995, Robert J. Baro1 sử dụng số liệu về CPI, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình
quân đầu người và tỷ lệ đầu tư so với GDP của trên 100 quốc gia cho giai đoạn 1960 -
1990 để nghiên cứu tác động của lạm phát đối với tăng trưởng, Baro dùng hệ phương
trình hồi quy với giả sử các yếu tố tăng trưởng khác không đổi và đã phát hiện: Khi lạm
phát bình quân năm tăng 10 điểm phần trăm làm giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân
đầu người 0.2 – 0.3 điểm phần trăm một năm và làm giảm tỷ lệ đầu tư so với GDP từ
0.4 - 0.6 điểm phần trăm.
4. Từ lạm phát tới tăng trưởng kinh tế
Năm 1998, Peter Christoffersen và Peter Doyle đã nghiên cứu tăng trưởng kinh tế
của các nền kinh tế chuyển đổi trong bối cảnh đổi mới cơ cấu nền kinh tế và mở rộng thị
trường xuất khẩu, đồng thời xác định mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng cũng
như ảnh hưởng của thiểu phát đối với tăng trưởng. Christoffersen và Doyle sử dụng số
liệu về GDP theo giá so sánh, dân số, cơ cấu hàng xuất khẩu, chỉ số cải cách chuyển đổi
của giai đoạn 1990 – 1997 và đã có một số phát hiện sau:
(1). Mở rộng xuất khẩu có mối quan hệ rất chặt chẽ với chuyển dịch cơ cấu GDP,
thậm chí trong trường hợp có những cú sốc từ bên ngoài việc cải cách cơ cấu kinh tế và
thiểu phát vẫn thúc đẩy tăng trưởng;
(2). Các nước đang trải qua thời kỳ có tỷ lệ lạm phát gần với ngưỡng lạm phát đối
với tăng trưởng luôn có xu hướng kéo tỷ lệ lạm phát thấp xuống phù hợp với lạm phát
của các nước công nghiệp.
Christoffersen và Doyle đề xuất đối với các nước đang có tỷ lệ lạm phát rất thấp
so với ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng phải đặt mục tiêu kìm giữ mức lạm phát
thấp này bởi vì không có bằng chứng nào cho thấy tăng lạm phát sẽ dẫn tới tăng trưởng
kinh tế.
5. Vai trò của các yếu tố vĩ mô trong tăng trưởng
Năm 1993, Stanley Fischer sử dụng bộ số liệu về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của
93 nước với phương pháp hồi quy theo nhóm và hồi quy hỗn hợp để xây dựng lược đồ
nhằm xác định “kênh chuyền tải” từ thực thi chính sách kinh tế vĩ mô đến tăng trưởng2.
Trong nghiên cứu Fischer đã xác định những phản hồi trở lại của tăng trưởng đối với
lạm phát, thậm hụt ngân sách, sự méo mó của thị trường ngoại hối; nghiên cứu quan hệ
nhân quả và các kênh vận hành của chúng. Kết quả kiểm chứng số liệu thể hiện qua các
phát hiện chủ yếu sau:
(1). Lạm phát có mối tương quan rất chặt chẽ với tăng trưởng;
(2). Lạm phát làm suy giảm đầu tư và suy giảm tỷ lệ tăng năng xuất của nền kinh
tế dẫn tới suy giảm tăng trưởng - Kênh chuyền tải từ lạm phát đến suy giảm tăng trưởng;
(3). Nghiên cứu một số trường hợp đặc thù cho thấy lạm phát thấp không nhất
thiết là điều kiện để có tăng trưởng cao trong dài hạn và lạm phát cao không phù hợp với
tăng trưởng bền vững.
1 Rober J. Baro, NBER Working paper No. 5329 (1995)
2 Stanley Fischer, NBER Working paper No. 4565 (1993);
8
6. Vai trò của Ngân hàng Trung ương đối với lạm phát và tãng trưởng
Hiện nay, hầu hết các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều
thừa nhận quan điểm lạm phát là do hiện tượng tiền tệ theo nghĩa nếu cung tiền (Ms)
không tăng liên tục thì sẽ không có lạm phát. Điều này ngụ ý chính sách tiền tệ rất quan
trọng ở chỗ trong dài hạn, giá cả của nền kinh tế sẽ ổn định nếu Ngân hàng Trung ương
hạn chế tỷ lệ tăng cung tiền bằng đúng tốc độ tăng GDP (theo so sánh), nói cách khác,
cung tiền phải tăng phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế và nhu cầu sử dụng của
quốc gia, nếu đồng nội tệ của một quốc gia được dùng làm dự trữ của các quốc gia khác
thì lượng tiền cung ra phải tính đến nhu cầu của các quốc gia bên ngoài.
Trong ba thập kỷ gần đây, các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và Ngân
hàng Trung ương đều thừa nhận lạm phát gây tác hại cho tăng trưởng kinh tế và họ cùng
cam kết thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu ổn định giá cả. Ngay từ những năm
1990, Ngân hàng Trung ương New Zealand đã đi đầu cùng với Ngân hàng Trung ương
của nhiều nước trên thế giới thực thi chính sách lạm phát mục tiêu. Tuy vậy, thực thi
chính sách lạm phát mục tiêu cũng gây nên một số bất cập, nhiều nhà kinh tế trong đó cả
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke đã khẳng định lạm phát mục tiêu
không phải là giải pháp tốt hơn các giải pháp khác để duy trì mức lạm phát thấp cho nền
kinh tế3. Qua kiểm chứng bằng số liệu của các nền kinh tế theo nhóm nước phát triển và
đang phát triển, bằng cách sử dụng mô hình kinh tế lượng phi tuyến tính, Michael Bruno
và William Easterly đã chỉ rõ không có bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ cho chính sách lạm
phát mục tiêu trong khoảng từ 3% - 5%.
III. LẠM PHÁT VÀ TĂNG TRƯỞNG Ở VIỆT NAM
1. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1990-2012
Khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới bắt đầu vào cuối những năm 80 của
thế kỷ trước, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta có những chuyển biến tích cực và đạt
được nhiều thành tựu đáng khích lệ, kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, đưa
Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào nhóm nước có mức thu
nhập trung bình thấp. Tốc độ tăng bình quân mỗi năm GDP thời kỳ 1991-2000 đạt
7,56%, trong đó bình quân thời kỳ 1991-1995 đạt 8,18% và thời kỳ 1996-2000 đạt
6,94%; Tốc độ tăng bình quân mỗi năm GDP thời kỳ 2001-2010 đạt 7,26%, trong đó
bình quân thời kỳ 2001-2005 đạt 7,51% và thời kỳ 2006-2010 đạt 7,01%. Trong giai
đoạn trên 20 năm phát triển, kinh tế nước ta hai lần chịu tác động tiêu cực của khủng
hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực vào năm 1997 và khủng hoảng tài chính và suy
thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008 đến nay.
Nước ta đã từng trải qua thời kỳ siêu lạm phát trong nửa cuối của những năm
1980 với tỷ lệ lạm phát trên 300% và đầu những năm 1990 tỷ lệ lạm phát ở múc trên
60%, trong những năm này kinh tế phát triển kém, cộng với những khó khăn từ thể chế
kinh tế kế hoạch tập trung đang trong quá trình đổi mới để xóa bỏ bao cấp về giá cả
hàng hóa khiến cho lạm phát tăng cao và đất nước rơi vào khủng hoảng.
Đối mặt với khủng hoảng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng chính sách
tiền tệ thắt chặt với lãi suất 12%/tháng, tỷ giá giữ cố định với Đôla Mỹ khiến cho lạm
phát giảm rất nhanh và mạnh vào năm 1992. Bình quân năm thời kỳ 1991-2000 lạm
3 Robert Pollin và Andong Zhu: Inflation and Economic Growth: A cross – Coutry Non-linear Analysis.
9
phát ở mức 15,44%, trong đó bình quân năm thời kỳ 1991-1995 ở mức 28,37% và thời
kỳ 1996-2000 ở mức 3,82%. Sau giai đoạn lạm phát ổn định ở mức thấp, từ năm 2004
lạm phát bắt đầu tăng trở lại khi đạt mức 9,5% và tăng cao vào giai đoạn 2007-2008 và
2010-2011. Lạm phát bình quân năm thời kỳ 2001-2005 ở mức 4,5%, đến thời kỳ 2006-
2010 tăng lên mức 10,78% và tính chung cả thời kỳ 2001-2010 lạm phát bình quân năm
ở mức 7,59%. Cũng trong giai đoạn 2001-2010, bên cạnh lạm phát tăng cao, biên độ
tăng lạm phát giữa hai năm liền kề cũng đã mở rộng từ 6,5% của hai năm 2003-2004
tăng lên 7,3% hai năm 2007-2008.
Biểu đồ: Diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Giai đoạn 1990-2012
-10
0
10
20
30
40
50
60
70
80
90
19
90
19
91
19
92
19
93
19
94
19
95
19
96
19
97
19
98
19
99
20
00
20
01
20
02
20
03
20
04
20
05
20
06
20
07
20
08
20
09
20
10
20
11
20
12
CPI tháng 12 hàng năm CPI bình quân năm Tốc độ tăng GDP
2. Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng giai đoạn 1990-2012
Xét mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng cho thấy sau hai năm 1990 và
1991 với mức lạm phát rất cao và tăng trưởng ở mức trên 5%, đến thời kỳ 1992-1997
khi vấn đề lạm phát được giải quyết, nền kinh tế có bước tăng trưởng ngoạn mục, các
năm trong thời kỳ này có tốc độ tăng GDP trên 8%, đặc biệt trong hai năm 1996 và 1997
tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt mức trên 9%, điều này cho thấy, lạm phát thấp và ổn
định là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Loại trừ hai năm 1998 và 1999 khi
nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, lạm phát tăng trở lại vào
năm 1998 (9,17%) và tăng trưởng suy giảm trong hai năm liên tiếp (năm 1998 tăng
trưởng đạt 5,76% và năm 1999 tăng trưởng đạt 4,77%). Qua số liệu về lạm phát và tăng
trưởng thời kỳ 1992-1999 cho thấy giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở nước ta có
mối quan hệ tỷ lệ nghịch- Lạm phát giảm và ổn định tương đối dẫn đến tăng trưởng kinh
tế cao.
Thời kỳ 2000 - 2006, mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng có nét đặc trưng
giống thời kỳ 1992 - 1997, lạm phát ổn định ở mức một con số, tăng trưởng cao và ổn
định ở mức từ 6,8% - 8,4%. Thời kỳ 2008 – 2012, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề
của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và các yếu tố vĩ mô ở trong
10
nước nên lạm phát tăng cao trở lại và tăng trưởng kinh tế giảm sút (Xem số liệu chi tiết
về lạm phát và tăng trưởng thời kỳ 1990 – 2012 trong phụ lục 1).
3. Ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng ở Việt Nam
Với kết quả kiểm chứng về ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng kinh tế của 140
nước đã khẳng định tồn tại ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng, để khi lạm phát vượt
qua ngưỡng đó sẽ tác động xấu đến tăng trưởng, ngưỡng từ 1% - 3%, đối với các nước
công nghiệp và ngưỡng từ 11%-12% đối với các nước đang phát triển. Dư địa ngưỡng
lạm phát của hai nhóm nước khá gần nhau (2% đối với nước công nghiệp, 1% đối với
nước đang phát triển) nhưng mức ngưỡng lạm phát của hai nhóm nước khác nhau quá
lớn (8%). Tại sao lại có sự khác biệt quá lớn về mức ngưỡng lạm phát của hai nhóm
nước này, lý giải chung nhất sự khác biệt về mức ngưỡng lạm phát đó là khác biệt về:
(1) Đặc trưng của hai nền kinh tế có điểm khác biệt cơ bản đó là các nước công nghiệp
có nền kinh tế thị trường hoàn thiện đối với tất cả các loại thị trường, trong khi đó các
nước đang phát triển vận hành trong nền kinh tế phi thị trường, nhiều thị trường chưa
được hình thành hoặc còn sơ khai và chịu tác động của quyết định trái với nguyên tắc thị
trường; (2) Nền kinh tế của nhóm nước công nghiệp đã ở rất gần mức sản lượng tiềm
năng, với quy mô của nền kinh tế lớn vì vậy không thể có tốc độ tăng trưởng kinh tế
cao, ngược lại các nước đang phát triển có lực lượng lao động dồi dào, nhiều yếu tố sản
xuất còn ở rất xa mức tiềm năng.
Việc xác định chính xác ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
khó và phức tạp, cần tính đến tất cả các yếu tố về kinh tế-xã hội và phù hợp với thực tiễn
nước ta. Đối với nước ta cũng tồn tại mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng kinh tế
và lạm phát, tuy vậy nếu kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm và giai đoạn 5
năm không đặt mục tiêu tăng trưởng thì không giải quyết vấn đề về việc làm, thất
nghiệp và thu nhập. Qua thực tế số liệu về lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam giai
đoạn 1990 – 2012, thoạt nhìn cho thấy ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng kinh tế ở
nước ta nằm trong ngưỡng lạm phát của các nước đang phát triển, cụ thể năm 1994 và
1995 lạm phát tương ứng ở mức 14,4% và 12,7% nhưng tăng trưởng vẫn đạt mức cao
8,83% năm 1994 và 9,54% năm 1995, tương tự như vậy, năm 2007 lạm phát ở mức
12,63% (tăng lên từ mức 6,6% năm 2006) và tăng trưởng đạt 8,46% (tăng trưởng GDP
năm 2006 là 8,23%). Tìm hiểu thực tế nguyên nhân tăng trưởng của những năm “đặc
biệt” này cho thấy để đạt được mức tăng trưởng cao trong bối cảnh lạm phát tăng cao là
do chính sách kích cầu đầu tư: tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP năm 2007 chiếm 46,5% tăng
4% so với tỷ lệ này của năm 2006 và cao nhất trong giai đoạn 2005-2010 (tỷ lệ vốn đầu
tư so với GDP theo giá thực tế của năm 2005 là 40,9%; năm 2006: 41,5%; năm 2007:
46,5%; năm 2008: 41,5%; năm 2009: 42,7%; năm 2010: 41,95%).
Như đã đề cập ở trên, việc xác định chính xác ngưỡng lạm phát đối với tăng
trưởng kinh tế ở nước ta đòi hỏi phải tính toán thận trọng, phù hợp với quy mô, cơ cấu,
luật pháp và thực tiễn kinh tế hiện nay của nước ta, tính đến bối cảnh kinh tế thế giới
trong những năm tới, Ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng của nước ta nên ở mức một
con số.
4. Nguyên nhân gây ra lạm phát và tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế của nước ta trong hơn 20 năm qua bình quân mỗi năm đạt
trên 7% là mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới, trong thập kỷ đầu tiên
11
của thế kỷ 21 tăng trưởng của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ, cao hơn
các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia, malaysia và Philipine4. Mô hình
tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn đầu tư trong thời gian dài, giai đoạn 1991-2000
tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP chiếm 36,5%, nhưng giai đoạn 2001-2010 tỷ lệ này tăng lên
và chiếm 41,6% - Đây là tỷ lệ đầu tư cao so với nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên
thế giới. Trong báo cáo chất lượng phát triển của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư
soạn thảo tháng 12 năm 2009, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng GDP những năm 2003-
2009 của các nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 28,3% so với tỷ lệ đóng góp của vốn
đầu tư là 52,7% và của lao động là 19,1%. Nói cách khác yếu tố dẫn đến tăng trưởng
kinh tế nước ta trong hai thập kỷ vừa qua dựa vào tăng bên cầu của nền kinh tế, trong đó
chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư.
Trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, đầu tư của khu vực Nhà nước chiếm
tỷ trọng cao nhất, tính chung trong mười năm 2001-2010, đầu tư của khu vực Nhà nước
chiếm 42,5% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế, chi đầu tư phát triển của
Nhà nước thường chiếm trên 28% tổng số chi và chiếm gần 33% tổng số thu ngân sách
nên giai đoạn 2011-2010 ngân sách Nhà nước luôn trong tình trạng bội chi và tỷ lệ bội
chi có xu hướng gia tăng, “Tính chung mười năm 2001-2010 ngân sách nhà nước bội
chi 558,7 nghìn tỷ đồng, bằng 5,36% GDP, trong đó 5 năm 2001-2005 bội chi 154,5
nghìn tỷ đồng, bằng 4,85% GDP; 5 năm 2006-2010 bội chi 404,2 nghìn tỷ đồng, bằng
5,58% GDP”5.
Nguyên nhân gây ra lạm phát bao gồm: (1) Lạm phát do yếu tố tiền tệ; (2) Lạm
phát cầu kéo; (3) Lạm phát chi phí đẩy; (4) Lạm phát cơ cấu kinh tế; (5) Lạm phát do
chế độ tỷ giá hối đoái. Trong 5 nhóm nguyên nhân gây nên lạm phát, đối với nền kinh tế
nước ta có thể “quy cho” 2 nhóm nguyên nhân chính, đó là:
(1). Nguyên nhân tiền tệ: Mô hình tăng trưởng của nước ta chủ yếu dựa vào vốn
đầu tư từ ngân sách nhà nước, do đầu tư quá lớn, đặc biệt là đầu tư từ khu vực Nhà
nước, ngân sách nhà nước luôn trong tình trạng bội chi, nên Cung tiền (M2) của nền kinh
tế tăng cao trong giai đoạn 2006-2011 là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát. Để
cung tiền không gây ra lạm phát th́ cung tiền phải tăng theo tốc độ phát triển của nền
kinh tế, theo nhu cầu sử dụng đồng tiền của quốc gia đó, nếu đồng nội tệ được dùng làm
dự trữ của các nền kinh tế khác thì việc cung tiền phải tính đến cả yếu tố bên ngoài.
Đồng tiền của nước ta không có khả năng chuyển đổi, tăng cung tiền phù hợp với tốc độ
tăng GDP sẽ giữ cho mức giá của nền kinh tế ổn định, tuy vậy trong giai đoạn 2006 -
2011, tốc độ tăng trưởng GDP nằm trong khoảng từ 5,9% - 8,5% nhưng tốc độ tăng
cung tiền nằm trong khoảng từ 12% - 46%. Hệ số dư nợ tín dụng so với GDP tăng từ
40% năm 2000 lên 116,14% năm 2009 (gần 3 lần), trong khi đó ở Trung Quốc hệ số này
là 1,23 lần; Thái lan và Malaysia gần như không tăng. Tăng trưởng tín dụng nhanh là
nguyên nhân dẫn đến M2 tăng cao và hệ lụy của nó là lạm phát cao.
(2). Lạm phát chi phí đẩy: Các yếu tố thuộc nhóm lạm phát chi phí đẩy trong giai
đoạn 2007-2012 phải kể đến sự gia tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ quốc tế (hàng hóa và
dịch vụ nhập khẩu của Việt Nam); điều chỉnh mức lương tối thiểu liên tục; chính sách
4 Tình hình kinh tế -xã hội Việt Nam mười năm 2001-2010, Nhà xuất bản Thống kê, năm 2011.
5 Tình hình kinh tế -xã hội Việt Nam mười năm 2001-2010, Nhà xuất bản Thống kê, năm 2011 (trang 22).
12
quản lý tỷ giá cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong bối kinh nền kinh tế của nước ta có độ
mở lớn đã cộng hưởng làm tăng giá chi phí đầu vào của sản xuất.
Sản xuất của nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu từ bên
ngoài, do vậy hàng hóa trên thị trường quốc tế tăng cũng tác động tăng giá trong nước.
Chỉ số giá nhập khẩu giai đoạn 2000 – 2010 tăng 3.74%, trong đó chỉ số giá tư liệu sản
xuất tăng 4,28%, giai đoạn 2006-2010 chỉ số giá nhập khẩu tăng 3,78 % trong đó chỉ số
giá tư liệu sản xuất tăng 3,81%.
Giai đoạn 2007-2012 chứng kiến mức lương cơ bản tăng hàng năm với mức tăng
thấp nhất là 13,5% năm 2010 và 26,5% năm 2012; mức lương trung bình của lao động
Việt Nam tại các doanh nghiệp tăng trung bình mỗi năm khoảng 13,5%.
Năng suất lao động xã hội của nước ta thời kỳ 1991-2000 tăng bình quân hàng
năm ở mức 5,21%, trong đó giai đoạn 1991-1995 tăng 5,7% và giai đoạn 1996-2000
tăng 4,72%; chỉ tiêu này của thời kỳ 2001-2010 giảm xuống còn 4,3%, trong đó giai
đoạn 2001-2005 tăng 4,48%% và giai đoạn 2006-2010 tăng 4,13%. Năng suất lao động
của nước ta thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và Châu Á: thấp hơn Indonesia 10
lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan gần 30 lần và Nhật Bản 135 lần. Năng suất lao động của
nước ta tăng thấp hơn mức tăng lương làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và
ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng.
5. Bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng kinh tế
Với thành tựu phát triển kinh tế trong hơn 20 năm qua, năm 2008 thu nhập bình
quân đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 1000 USD và trở thành nước có thu nhập
trung bình theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới6, ngay lập tức, nhiều nhà kinh tế
trong nước đã cảnh báo vấn đề “Bẫy thu nhập trung bình” mà Việt Nam dễ mắc phải.
Tuy vậy, những bất cập của nền kinh tế nước ta trong những năm vừa qua như: chất
lượng tăng trưởng và tính cạnh tranh của nền kinh tế thấp; hiệu quả đầu tư ngày càng
thấp; cơ cấu kinh tế chậm đổi mới; đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn, v.v.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các nhà kinh tế đặt ra vấn đề tái cơ cấu kinh tế gắn với
đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong Quyết định số
339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ
cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng,
hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Trong Đề án, các giải pháp đã
được đề cập tới nhằm hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường có chất lượng cao; nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô
hình tăng trưởng; phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, gắn với
chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong Đề án cũng chỉ rõ: “Thực hiện chính sách tiền tệ
thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; gắn
kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm
chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý, phù hợp với đặc
điểm, điều kiện kinh tế-xã hội đất nước trong từng thời kỳ”.
6 Theo cách phân tổ của Ngân hàng Thế giới, các nước thuộc nhóm thu nhập thấp nếu tổng thu nhập quốc gia
(GNI) bình quân đầu người dưới 995 USD; những nước có GNI bình quân đầu người trong khoảng 996 đến 12.195
USD (12.000 USD) thuộc nhóm nước có mức thu nhập trung bình, trong đó mức thu nhập trung bình thấp và mức
thu nhập trung bình cao được phân định ở mức 3.946 USD (4000 USD); những nước có thu nhập cao có GNI bình
quân đầu người từ 12.000 USD trở lên.
13
Theo tính toán của các nhà kinh tế, một nước có mức tổng thu nhập quốc gia
(GNI) bình quân đầu người là 500 USD, nếu tốc độ tăng GNI bình quân đầu người là
7% mỗi năm (nghĩa là tăng gấp đôi GNI bình quân đầu người trong 10 năm) thì cần 30
năm để đạt được mức 4.000 USD, hoặc cần 40 năm để đạt mức 8.000 USD. Nếu tốc độ
tăng GNI bình quân đầu người là 5% mỗi năm thì nước này cần từ 45 năm đến 60 năm
mới đạt được mức 8.000 USD. Tuy nhiên, nếu quá trình phát triển bền vững tiếp tục thì
từ mức thu nhập trung bình cao tiến lên nước có thu nhập cao chỉ cần khoảng thời gian
ngắn. Quá trình này chỉ cần 15 năm nếu GNI bình quân đầu người tăng 5% mỗi năm7.
Đối với Việt Nam cần có phương thức hữu hiệu để thực hiện thành công 10 nhóm giải
pháp đã nêu trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng
trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn
2013-2020, đồng thời phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao bền vững đảm bảo nước ta
không rơi vào Bẫy thu nhập trung bình. Nói cách khác, tăng trưởng cao, bền vững với
việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của quốc gia, nâng cao năng xuất lao động và tính
cạnh tranh của nền kinh tế phải luôn là mục tiêu phát triển của đất nước.
6. Kết luận
Các trường phái kinh tế có những quan điểm khác nhau về phản ứng của thị
trường và có nhìn nhận khác nhau về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng. Trường
phái Cổ điển cho rằng giữa lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch; Ngược lại
lạm phát thúc đẩy tăng trưởng là lập luận của Trường phái Tân cổ điển; Trường phái
Keynesian khẳng định trong ngắn hạn, mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng có
quan hệ tỷ lệ thuận hay tỷ lệ nghịch tùy thuộc vào từng giai đoạn trong chu kỳ của nền
kinh tế, trong dài hạn, các chính sách tác động vào bên cầu không tạo ra tăng trưởng mà
chỉ gây nên lạm phát.
Qua kiểm chứng thực tế số liệu trên 100 quốc gia trên thế giới với các mô hình và
phương pháp kiểm chứng khác nhau, các nhà kinh tế khẳng định giữa lạm phát và tăng
trưởng có mối quan hệ tỷ lệ nghịch; môi trường kinh tế ổn định, lạm phát thấp tạo điều
kiện cho tăng trưởng kinh tế; nền kinh tế phục hồi rất mạnh trong thời kỳ lạm phát cao
được chế ngự.
Lạm phát mục tiêu được nhiều nước lựa chọn trong thực thi chính sách tài khóa
và tiền tệ, tuy vậy có quan điểm khẳng định lạm phát mục tiêu không phải là giải pháp
tốt hơn các giải pháp khác để duy trì mức lạm phát thấp cho nền kinh tế; không có bằng
chứng mạnh mẽ ủng hộ cho chính sách lạm phát mục tiêu trong khoảng từ 3% - 5%;
Tồn tại Ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng kinh tế theo nghĩa khi lạm phát
vượt quá Ngưỡng sẽ tác động xấu tới tăng trưởng. Ngưỡng lạm phát của các nước công
nghiệp từ 1% - 3%, đối với các nước đang phát triển Ngưỡng lạm phát từ 11%-12%;
Khi lạm phát bình quân năm tăng 10 điểm phần trăm làm giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP
bình quân đầu người 0.2 – 0.3 điểm phần trăm một năm và làm giảm tỷ lệ đầu tư so với
GDP từ 0.4 - 0.6 điểm phần trăm.
Thực trạng kinh tế nước ta trong hơn hai thập kỷ qua cho thấy lạm phát và tăng
trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch. Dường như ngưỡng lạm phát của Việt Nam cũng nằm
trong ngưỡng của các nước đang phát triển, tuy vậy với mô hình tăng trưởng dựa vào
7 Trần Văn Thọ, Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN.
14
vốn đầu tư trong thời gian dài đã gây nên lạm phát, từ đó lạm phát tác động trở lại làm
giảm tăng trưởng, vì vậy ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng của nước ta nên ở mức
một con số.
15
Phụ lục 1. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế Việt Nam
thời kỳ 1990-2012
Đơn vị tính: %
Năm
CPI tháng 12 hàng năm
so với tháng 12 năm
trước
CPI bình quân năm
so với năm trước
Tốc độ
tăng trưởng
1990 67,10 29,30 5,09
1991 67,50 79,90 5,81
1992 17,50 38,70 8,7
1993 5,20 8,51 8,08
1994 14,40 9,30 8,83
1995 12,70 17,80 9,54
1996 4,50 5,78 9,34
1997 3,65 3,16 8,15
1998 9,17 7,70 5,76
1999 0,10 4,30 4,77
2000 -0,60 -1,62 6,79
2001 0,80 -0,34 6,89
2002 4,00 3,90 7,08
2003 3,00 3,18 7,34
2004 9,50 7,71 7,79
2005 8,40 8,26 8,44
2006 6,60 7,34 8,23
2007 12,63 8,30 8,46
2008 19,89 22,97 6,31
2009 6,52 6,88 5,32
2010 11,75 9,19 6,78
2011 18,13 8,58 5,89
2012 6,81 9,21 5,03
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Phụ lục 2. Mức tăng lương cơ bản và lương trung bình
tại doanh nghiệp Việt Nam
giai đoạn 2007-2012
Đơn vị tính: %
Năm
2007
2008
2009
2010
2011
2012
Lương tối thiểu chung
-
20,0
20,4
13,5
13,7
26,5
Lương trung bình của
doanh nghiệp
12,6
19,5
10,8
12,4
12,0*
-
Nguồn: www chinh phu.gov.vn; Bộ LĐ – TB XH; Navigos; (*) Dự đoán của ECA International
16
Phụ lục 3. Tốc độ tăng năng xuất lao động bình quân
Đơn vị tính: %
Năng xuất lao động bình quân
Thời kỳ 1991 – 2000
5,21
Giai đoạn 1991-1995
5,7
Giai đoạn 1991-1995
4,72
Thời kỳ 2001 – 2010
4,3
Giai đoạn 2001-2005
4,48
Giai đoạn 2006-2010
4,13
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tài liệu tham khảo
1. Vikesh Gokal and Subrina Hanif (2004). Relation between Inflation and
economic growth;
2. Robert Pollin and Andong Zhu (2005). Inflation and economic growth: A cross-
Country Non-linear Analysis.
3. Kanchan Datta and Chandan Kumar Mukhopadhyay (2011). Relation between
Inflation and economic growth in Malaysia – An Economic Review;
4. Prasanna V Salian and Gopakumar. K. Inflation and economic growth in India –
An Empirical Analysis;
5. Trần Văn Thọ - Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN, Tạp chí Thời
đại mới Số 24, tháng 3, 2012;
6. David Begg. Kinh tế học, Nhà xuất bản Thống kê, tháng 3 năm 2007;
7. Wallace C. Peterson and Paul S. Estenson. Income, Employment & Economic
growth Seventh Edition;
8. Nguyễn Bích Lâm – Giới thiệu nguyên nhân gây ra lạm phát theo quan điểm của
các trường phái kinh tế, Thông tin Khoan học thống kê, Số 5/2003;
9. Nguyễn Bích Lâm - Đánh giá lạm phát, Thông tin Khoan học thống kê, Số
3/2001
17
18
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- moi_quan_he_giua_lam_phat_va_tang_truong_kinh_te_0375.pdf