Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới

Tài liệu Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới: 24 Xã hội học, số 3 - 2007 Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org MÔ HÌNH TÌM HIỂU VÀ QUYẾT ĐỊNH HÔN NHÂN Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI Lê Ngọc Văn 1. Đặt vấn đề Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, hôn nhân không được xem là việc riêng của cá nhân mà có liên quan đến tất cả các thành viên của gia đình, họ hàng. Việc lựa chọn và quyết định hôn nhân là công việc của gia đình mở rộng. Bố mẹ thường xếp đặt hôn nhân cho con cái ngay từ khi còn nhỏ nhằm liên kết sức mạnh hai gia đình. Hôn nhân được lựa chọn dựa trên các tiêu chí tương đồng giữa hai gia đình về địa vị xã hội, điều kiện kinh tế, tuổi tác, học vấn, nơi cư trú, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp xã hội, v.v... Hôn nhân giữa những người có cùng đặc điểm xã hội và văn hóa cho phép sự chuyển tiếp ổn định và an toàn địa vị xã hội, nghề nghiệp, tài sản từ bố mẹ sang con cái và các thế hệ tương lai. Xã hội Việt Nam nói chung và nông thôn Việt Nam nói riêng đang trong quá trình côn...

pdf13 trang | Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 749 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
24 Xã hội học, số 3 - 2007 Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org MÔ HÌNH TÌM HIỂU VÀ QUYẾT ĐỊNH HÔN NHÂN Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI Lê Ngọc Văn 1. Đặt vấn đề Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, hôn nhân không được xem là việc riêng của cá nhân mà có liên quan đến tất cả các thành viên của gia đình, họ hàng. Việc lựa chọn và quyết định hôn nhân là công việc của gia đình mở rộng. Bố mẹ thường xếp đặt hôn nhân cho con cái ngay từ khi còn nhỏ nhằm liên kết sức mạnh hai gia đình. Hôn nhân được lựa chọn dựa trên các tiêu chí tương đồng giữa hai gia đình về địa vị xã hội, điều kiện kinh tế, tuổi tác, học vấn, nơi cư trú, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp xã hội, v.v... Hôn nhân giữa những người có cùng đặc điểm xã hội và văn hóa cho phép sự chuyển tiếp ổn định và an toàn địa vị xã hội, nghề nghiệp, tài sản từ bố mẹ sang con cái và các thế hệ tương lai. Xã hội Việt Nam nói chung và nông thôn Việt Nam nói riêng đang trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Một số công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước, ở những phạm vi và thời gian khác nhau, đã cung cấp các số liệu điều tra xã hội học, mô tả về sự biến đổi của mô hình lựa chọn hôn nhân (Nguyễn Hữu Minh, 2000; Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ, 2002; Vũ Tuấn Huy, 2004, Lê Ngọc Văn, 2006). Các kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng chuyển từ khuôn mẫu hôn nhân sắp xếp sang hôn nhân tự nguyện. Các nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện ở khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Bắc Việt Nam; Các tác giả chưa đi sâu phân tích quá trình chuyển đổi, các nhân tố tác động cũng như ý nghĩa của sự biến đổi này. Câu hỏi nghiên cứu đặt ra là sự chuyển đổi khuôn mẫu hay mô hình hôn nhân này diễn ra như thế nào, trên những phương diện nào? Những nhân tố tác động đến sự chuyển đổi khuôn mẫu hôn nhân là gì? Sự chuyển đổi này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội? Từ số liệu của Dự án hợp tác với SIDA: Nghiên cứu gia đình nông thôn Việt Nam (2004-2006), bài viết tập trung mô tả và phân tích sự biến đổi cuả khuôn mẫu hôn nhân trong các gia đình nông thôn Việt Nam dưới tác động của công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở hai nội dung chủ yếu là: mô hình tìm hiểu và quyền quyết định hôn nhân. 2. Mô hình tìm hiểu hôn nhân 2.1. Không gian địa lý của sự lựa chọn hôn nhân Không gian địa lý của những người kết hôn rộng hay hẹp tuỳ thuộc vào môi trường xã hội mà các cá nhân sinh sống, tính di động xã hội, nghề nghiệp và khả năng giao tiếp của các cá nhân. Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, các cá nhân thường ít có điều kiện di chuyển ra khỏi khu vực sinh sống, tính di động nghề nghiệp và di động xã hội không cao, Lê Ngọc Văn Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 25 do đó phạm vi lựa chọn hôn nhân thường bó hẹp trong phạm vi làng xã. Trong nhiều trường hợp, một số cá nhân rời làng xã đi làm ăn sinh sống ở nơi khác, họ cũng thường quay về nhà kết hôn với những người mà bố mẹ đã lưạ chọn cho họ hoặc tìm những người cùng quê tại nơi ở mới để kết hôn. Tâm lý này của người Việt Nam thể hiện trong câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Trong các xã hội công nghiệp hóa, không gian địa lý của việc lựa chọn hôn nhân trong phạm vi làng xã đã bị phá vỡ do tính di động nghề nghiệp và di động xã hội của các cá nhân tăng lên. Nhiều thanh niên nông thôn ra thành phố học tập và tìm kiếm công ăn việc làm tại thành phố và các khu công nghiệp mới. Họ không quay về nông thôn mà kết hôn với những người quen biết từ nhiều vùng khác nhau, thậm chí là những người nước ngoài, và sinh sống tại nơi làm việc của họ. Công nghiệp hóa và đô thị hóa đã mở rộng phạm vi lựa chọn hôn nhân. Quy luật này đã tác động như thế nào đến phạm vi lựa chọn hôn nhân tại các vùng nông thôn Việt Nam? Kết quả điều tra tại 3 xã đại diện cho 3 vùng nông thôn Bắc- Trung - Nam của Việt Nam là Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái), Phú Đa (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), Phước Thạnh (Châu Thành, Tiền Giang) cho thấy, phần lớn các cặp vợ chồng kết hôn với nhau đều nằm trong cùng phạm vi của một xã. 65.9% số người trả lời cho biết họ sinh ra tại xã họ đang sống và 59.6% người vợ hoặc người chồng của họ cũng sinh ra cùng xã với họ; 12.7% số người trả lời sinh ra tại một xã khác trong cùng huyện, 7.4% thuộc huyện khác trong tỉnh và 13.8% thuộc tỉnh khác. Các tỷ lệ % về nơi sinh của vợ hoặc chồng người trả lời tương ứng là 18.8% (cùng huyện), 9.4%(cùng tỉnh), 11.7% (khác tỉnh) (xem bảng 1). Bảng 1: Nơi sinh của người trả lời và vợ/chồng người trả lời (số liệu chung 3 xã các tỉnh Yên Bái, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang ) (%). Nơi sinh của người trả lời Tỷ lệ phần trăm Nơi sinh của vợ/chồng người trả lời Tỷ lệ phần trăm Cùng xã 65.9 Cùng xã 59.6 Cùng huyện 12.7 Cùng huyện 18.8 Cùng tỉnh 7.4 Cùng tỉnh 9.4 Khác tỉnh 13.8 Khác tỉnh 11.7 Không trả lời .1 Không trả lời .1 Không biết .1 Không biết .3 Tổng số 100.0 Tổng số 100.0 Tại 3 vùng điều tra là Yên Bái, Thừa Thiên-Huế và Tiền Giang, số cặp vợ chồng sinh ra trong cùng một xã có tỷ lệ phần trăm thấp nhất là Yên Bái: 55.0% số người trả lời và 52.7% vợ/chồng người trả lời sinh ra trong cùng một xã. Cao hơn một chút là Tiền Giang: 60% số người trả lời và 53.7% vợ/chồng người trả lời sinh ra trong cùng một xã. Thừa Thiên - Huế là địa phương có số cặp vợ chồng sinh ra trong cùng một xã chiếm tỷ lệ cao nhất: 82.6% người trả lời và 72.6 % vợ/chồng người trả lời sinh ra trong cùng một xã. Xã Phú Đa, Thừa Thiên- Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 26 Huế, cũng là xã có ít nhất các cặp vợ chồng khác tỉnh: chỉ có 3.7% người trả lời và 2.7% vợ/chồng người trả lời thuộc về những tỉnh khác nhau. Tiếp đến là xã Phước Thạnh, Châu Thành, Tiền Giang với các tỷ lệ phần trăm tương ứng là 9.3% và 5%. Xã Cát Thinh, Văn Chấn, Yên Bái là xã có số cặp vợ chồng khác tỉnh cao nhất: 28.5% người trả lời và 27.5% vợ/chồng người trả lời sinh ra ở những tỉnh khác nhau Các bảng số liệu khảo sát cho thấy Cát Thịnh-Yên Bái là nơi có tỷ lệ thấp những cặp vợ chồng kết hôn không cùng nơi sinh tại xã và tỷ lệ cao những cặp vợ chồng kết hôn có nơi sinh khác tỉnh so với các điểm điều tra khác là Phú Đa-Thừa Thiên-Huế và Phước Thạnh-Tiền Giang. Đây là kết quả của chính sách di dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới của nhà nước Việt Nam trong những năm 1960-1970 và các năm sau đó, từ các tỉnh nông thôn đồng bằng lên các tỉnh miền núi phía Bắc. Quá trình di dân này đã tăng cường sức lao động và dân cư cho miền núi, giảm mật độ dân số và sự dư thừa lao động ở các tỉnh nông thôn đồng bằng. Những người di cư thuộc các tỉnh khác nhau đã kết hôn với nhau hoặc kết hôn với người địa phương nơi họ di cư tới. Kết quả là tỷ lệ những người kết hôn khác tỉnh chiếm tỷ lệ cao so với các điểm nghiên cứu khác. Ngoại trừ yếu tố di dân làm cho hôn nhân giữa những người khác tỉnh tăng lên (trường hợp xã Cát Thịnh-Yên Bái), Không gian lựa chọn hôn nhân của phần lớn các cặp vợ chồng ở nông thôn Việt Nam là trong cùng một xã. Điều này cho thấy phạm vi giao tiếp của người dân nông thôn còn rất hạn hẹp, công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn diễn ra chậm. 2.2. Các hình thức tìm hiểu trước khi kết hôn Mặc dù phần lớn các cuộc kết hôn diễn ra trong phạm vi làng xã, tuy nhiên các cặp vợ chồng đều có thời gian làm quen và tìm hiểu dưới nhiều hình thức khác nhau trước khi đi tới hôn nhân. Kết quả điều tra định lượng cho thấy hơn một nửa (54.1%) số người được hỏi khẳng định là đã "tự tìm hiểu” trước khi đi tới hôn nhân. Tự do tìm hiểu, tự do yêu đương là một điểm khác biệt lớn so với việc cha mẹ sắp đặt hôn nhân ở nông thôn Việt Nam truyền thống trước đây. Điều này cũng được xác nhận qua các kết quả điều tra định tính:“Hồi xưa cha mẹ ép. Bây giờ không ai ép được. Con cái bây giờ thích ai thì lựa chọn người đó” (PVS, nữ, 50 tuổi, Huế).“Ngày trước không có yêu, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Xem tuổi có hợp không thì cho lấy” (PVS, nữ, 40 tuổi, Tiền Giang). “ở nông thôn trước đây, lấy chồng lấy vợ do cha mẹ tìm là chính, còn hiện nay các cháu tự tìm hiểu” (PVS, nam, cán bộ thôn, Thừa Thiên-Huế).“Bọn cháu cùng thôn cùng làng. Hai bên đi lại, lúc đầu cũng đi chơi đi bời rồi sau quen biết nhau, tìm hiểu nhau thì cũng thấy mến mến nhau. Khi bọn cháu xây dựng gia đình thì tự hai bên bọn cháu yêu đương nhau chứ không có sự sắp xếp của bố mẹ đâu” (PVS, nữ, 35 tuổi, dân tộc Thái, làm ruộng, Yên Bái).“Lúc trước yêu đương thì sợ. Yêu chồng nhưng hai năm sau chưa thấy mặt chồng. Bây giờ thì coi như thoải mái, họp hành gặp mặt nhau, yêu đương tự do hơn” (PVS, nữ, 45 tuổi, Yên Bái). Do phần lớn các cặp vợ chồng là người cùng làng cùng xã (xem bảng 1), do đó hoàn cảnh quen biết để đi tới kết hôn do “cùng làng/xã” chiếm một tỷ lệ cao (29.3%). Bố mẹ và người làm mối vẫn có vai trò đáng kể trong việc dẫn dắt xe duyên (21.5% số người được hỏi ý Lê Ngọc Văn Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 27 kiến cho rằng cuộc hôn nhân của họ là do “bố mẹ giới thiệu”; 13.8% “qua người làm mối”). Các môi trường làm quen khác chiếm tỷ lệ thấp hơn: 10.5% “cùng nơi làm việc”; 5.8% “ở nơi vui chơi giải trí”; 5.6% “do bạn bè giới thiệu”, “ do học cùng trường”; 2.8% do “cùng hoạt động trong các tổ chức” (xem bảng 2). Bảng 2: Các hình thức tìm hiểu trước khi kết hôn (số liệu chung 3 xã các tỉnh Yên Bái, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang Có Không Tổng số Các hình thức tìm hiểu Số người trả lời Tỷ lệ % Số người trả lời Tỷ lệ % Số người trả lời Tỷ lệ % Cùng nơi làm việc 94 10.5 803 89.5 897 100.0 Cùng học một trường 50 5.6 847 94.4 897 100.0 Bạn bè giới thiệu 50 5.6 847 94.4 897 100.0 Bố mẹ giới thiệu 193 21.5 704 78.5 897 100.0 Nơi vui chơi giải trí 52 5.8 845 94.2 897 100.0 Người làm mối 124 13.8 773 86.2 897 100.0 Tự tìm hiểu 485 54.1 412 45.9 897 100.0 Cùng làng/xã 263 29.3 634 70.7 897 100.0 Cùng hoạt động 25 2.8 872 97.2 897 100.0 Tại 3 vùng điều tra, hình thức “tự tìm hiểu” để đi tới hôn nhân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất: Cát Thịnh (Yên Bái) 59.7%; Phú Đa (Thừa Thiên-Huế) 62.2%; Phước Thạnh (tiền Giang) 40.3%. Hình thức “tự tìm hiểu” ở Phước Thạnh (Tiền Giang) có tỷ lệ thấp hơn so với các điểm điều tra khác có thể được lý giải bởi hai lý do: hình thức làm quen trong “cùng làng/xã” ở địa phương này chỉ có 9.0%, thấp hơn đáng kể so với 41.8% tại Phú Đa (Thừa Thiên-Huế) và 37.2% Cát Thịnh (Yên Bái); trong khi đó hình thức thông qua “người làm mối” ở Phước Thạnh có tỷ lệ cao hơn hẳn (26.7%) so với Phú Đa (6.4%) và Cát Thịnh (8.4%). ở Phú Đa, hình thức làm quen do bố mẹ giới thiệu có tỷ lệ 25.1%, cao hơn so với Phước Thạnh (22.3%) và Cát Thịnh (17.1%). Phước Thạnh là xã có tỷ lệ làm quen do cùng học một trường thấp nhất (0.7%) so với 12.1% tại xã Cát Thịnh và 4.0% tại xã Phú Đa. Tại Phước Thạnh cũng không có trường hợp nào được làm quen do cùng hoạt động trong các tổ chức so với 4.0% ở Phú Đa và 4.3% ở Cát Thịnh. Hình thức “tự tìm hiểu” trước khi kết hôn có xu hướng tăng lên, trong khi các hình thức “bố mẹ giới thiệu” và qua người làm mối” có xu hướng giảm đi theo thời gian của người kết hôn. Chẳng hạn, trong số những người kết hôn từ 1942-1975 chỉ có 37.8% người trả lời “tự tìm hiểu” trước khi cưới. Tỷ lệ này tăng lên 54.5% với những người kết hôn từ 1976- 1986; và 61.1% với những người kết hôn từ 1987-2005 (xem bảng 3). Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 28 Bảng 3: Tương quan giữa năm kết hôn của người trả lời với hình thức “tự tìm hiểu” trước khi cưới (%) Nhóm năm kết hôn của người trả lời “Tự tìm hiểu” trước khi cưới 1942-1975 1976-1986 1987-2005 Tổng Có 71 37.8% 162 54.5% 250 61.1% 483 54.0% Không 117 61.1% 135 45.5% 159 38.9% 411 46.0% Tổng 118 100.0% 297 100.0% 409 100.0% 894 100.0% Ngược lại hình thức “bố mẹ giới thiệu” giảm từ 30.3% với những người kết hôn từ 1942-1975 xuống 22.2% với những người kết hôn từ 1976-1986 và 17.1% với những người kết hôn từ 1987-2005 (xem bảng 4). Bảng 4: Tương quan giữa năm kết hôn của người trả lời với hình thức “bố mẹ giới thiệu” trước khi cưới (%) Nhóm năm kết hôn của người trả lời “Bố mẹ giới thiệu” trước khi cưới 1942-1975 1976-1986 1987-2005 Tổng Có 57 30.3% 66 22.2% 70 17.1% 193 21.6% Không 131 69.7% 231 77.8% 339 82.9% 701 78.4% Tổng 188 100.0% 297 100.0% 409 100.0% 894 100.0% Tương tự như vậy, hình thức “qua người làm mối” tuy không giảm đối với những người kết hôn các năm 1942-1975 (17.0%) và 1976-1896 (17.2%) nhưng giảm đột ngột đối với những người kết hôn các năm 1986-2005 (9.8%). Việc không giảm tỷ lệ người làm mối đối với những người kết hôn các năm 1976-1986 có thể được lý giải là trong thời kỳ bao cấp trước đổi mới, bên cạnh gia đình, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, quân đội cũng đứng ra giới thiệu hôn nhân cho các thành viên của mình. Bước vào thời kỳ đổi mới, vai trò mối lái hôn nhân của các tổ chức giảm đi đáng kể. Tính đa dạng của các hình thức làm quen và sự xuất hiện của các hình thức làm quen hiện đại như gặp gỡ ở nơi vui chơi giải trí, nơi làm việc, nơi học tập, bạn bè giới thiệu trước khi kết hôn tại các điểm điều tra đã phần nào phản ánh tính đa dạng về nghề nghiệp, Lê Ngọc Văn Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 29 việc làm, môi trường giao tiếp của thanh niên nông thôn. Các hình thức làm quen do bố mẹ giới thiệu và qua người làm mối là sự tiếp nối của truyền thống, song những hình thức này chiếm một tỷ lệ khiêm tốn hơn rất nhiều so với hình thức “tự tìm hiểu” và giảm dần theo thời gian. Điều này cho thấy thanh niên nông thôn ngày càng làm chủ cuộc sống cá nhân của mình, ít phụ thuộc hơn vào gia đình. 2.3. Những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân Những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân bị chi phối bởi hai hệ tiêu chuẩn: hệ tiêu chuẩn của cá nhân, thể hiện quan điểm, sở thích và lợi ích của cá nhân khi đi tới hôn nhân; hệ tiêu chuẩn của gia đình và các tổ chức xã hội thể hiện quan điểm, lợi ích và quyền lực của gia đình, các tổ chức xã hội đối với cá nhân tham gia kết hôn. Trong giai đoạn đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sự áp đặt hôn nhân từ phía gia đình và tập thể bị suy giảm. Hệ tiêu chuẩn cá nhân trong việc lựa chọn hôn nhân vốn bị lu mờ trong gia đình truyền thống ngày càng chiếm ưu thế hơn.Tìm hiểu tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân sẽ giúp chúng ta hiểu biết một cách đầy đủ hơn về những kỳ vọng cá nhân trong cuộc sống hôn nhân và những phẩm chất của người bạn đời. Những thông tin định tính thu thập được tại các vùng điều tra cho thấy hai xu hướng của người kết hôn trong tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân ở nông thôn Việt Nam hiện nay, đó là: xu hướng tiếp nối những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân trong truyền thống và xu hướng hình thành những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân mới. 2.3.1. Xu hướng tiếp nối những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân truyền thống Trong xã hội nông thôn trước đây, phần lớn các cuộc hôn nhân là do cha mẹ hai bên sắp đặt, do đó sự lựa chọn hôn nhân về thực chất là lưạ chọn con dâu và con rể. Tiêu chuẩn lựa chọn con dâu con rể được người xưa tổng kết trong câu tục ngữ: “dâu hiền rể thảo”. Câu tục ngữ này thể hiện nhu cầu về lợi ích của các bậc cha mẹ khi “dựng vợ gả chồng” cho con. Người con trai có hiếu với cha mẹ tất yếu phải chọn người vợ theo tiêu chuẩn bố mẹ đặt ra, đó là chọn một người vợ “hiền”. Người con gái có hiếu với cha mẹ mình cũng cố gắng chọn một người chồng theo tiêu chuẩn của cha mẹ đặt ra, đó là người chồng “thảo”. “Dâu hiền rể thảo” vừa là tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ và nguyên tắc ứng xử của người con dâu, con rể đối với bố mẹ, gia đình, họ hàng hai bên. Trong quan hệ vợ chồng, những vai trò giới truyền thống rất được kỳ vọng: người chồng được mong đợi là người chủ gia đình tốt, gương mẫu, có sức khoẻ, năng động, quyết đoán, làm kinh tế giỏi; còn người vợ được mong đợi là người phụ nữ dịu dàng, đảm đang việc nhà, yêu chồng thương con, biết nhẫn nhục hy sinh, làm tốt vai trò người vợ, người mẹ. Những mong đợi về vai trò truyền thống của người vợ và người chồng như vậy vẫn rất phổ biến trong các cộng đồng nông thôn hiện nay. Một số trích đoạn kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tại 3 điểm nghiên cứu là Cát Thịnh-Yên Bái, Phú Đa-Thừa Thiên-Huế và Phước Thạch-Tiền Giang cho thấy rõ hơn: - Những kỳ vọng về người vợ: Những vai trò giới truyền thống của người phụ nữ vẫn là những tiêu chuẩn đầu tiên và hấp dẫn sự lựa chọn hôn nhân của nam giới ở nông thôn. Cũng như trước đây, người vợ được mong đợi trước tiên là người biết đảm đang, lo toan công việc nội trợ trong gia đình, sinh đẻ Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 30 và chăm sóc chồng con và các thành viên gia đình. Khi được hỏi: “Nam giới thường thích phụ nữ ở những điểm nào?” Một nam thanh niên trả lời: “Em thích vợ em chỉ ở nhà làm nội trợ và buôn bán quanh nhà, không nhất thiết phải đi làm cho nhà nước hay một cơ quan xí nghiệp nào đấy. Sở thích của em là không thích lấy vợ đi làm” (nam thanh niên, Yên Bái). Giải thích lý do vì sao nam giới quan tâm đến vai trò giới tính của phụ nữ khi lựa chọn hôn nhân, nhiều người cho rằng, ở nông thôn hiện nay đàn ông vẫn là trụ cột kinh tế gia đình, còn phụ nữ chỉ là người quản lý kinh tế do đàn ông làm ra: “Trong xã hội mình thì đa phần đàn ông là trụ cột gia đình, trụ cột về kinh tế. Đàn ông làm ra tiền bạc, của cải nhiều hơn nhưng mà người vợ nắm giữ. Vợ chồng mà lấy nhau rồi thì phải sinh con đẻ cái. Sinh con rồi mà vợ đi làm để cho chồng nuôi con thì không được” (Nam, có vợ con, Yên Bái). Ngoài đảm đang công việc gia đình, người đàn ông mong muốn người phụ nữ là một người vợ hiền, chung thuỷ, thương yêu chồng con, kính trọng ông bà, cha mẹ: “Điều em mong chờ nhất là vợ em chăm bẵm con cái khoẻ mạnh, hết lòng với chồng con. Nếu ở chung với gia đình thì phải biết kính trên nhường dưới, đạo làm vợ là phải biết lời ăn tiếng nói với bố mẹ” (Nam, nông dân, Yên Bái). Không phải chỉ có nam giới mà chính bản thân người phụ nữ nông thôn cũng đánh giá cao về phẩm chất giới tính truyền thống của họ khi trở thành người vợ, người mẹ. Đức tính đảm đang, chăm chỉ, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, nhường nhịn chồng con của người phụ nữ luôn là những giá trị quan trọng đối với người vợ:“Người vợ tốt trước hết về nhà chồng mình phải làm tròn trách nhiệm với cha mẹ chồng, cha mẹ chồng có nói sai mình phải từ từ nói lại chứ không được nói ngược lại với cha mẹ. Thứ hai, nếu mà chồng mình có đánh chửi không nên cãi trong lúc đó, để khi khác sẽ phân tích cho người chồng thấy như rứa là sai, phải giải hoà giữa chồng và vợ mới có hạnh phúc”(TLN, nữ, nông dân, Thừa Thiên-Huế). - Những kỳ vọng về người chồng Những người chồng luôn được kỳ vọng là người có tài hơn vợ, biết làm kinh tế, gương mẫu, là chỗ dựa tinh thần và là niềm tự hào của các thành viên trong gia đình. Hạnh phúc gia đình phụ thuộc rất nhiều vào người đàn ông có đảm đương được trách nhiệm là trụ cột gia đình hay không. Trả lời câu hỏi: Thế nào là một người chồng tốt, một nữ nông dân cho biết: “Em mong muốn một người chồng thành đạt, cả trong gia đình và ngoài xã hội. Người chồng luôn phải biết đối xử đàng hoàng khi ra ngoài xã hội và về nhà đối xử đàng hoàng với vợ con, đó là người chồng tốt” (nữ, nông dân, Yên Bái). Một phụ nữ khác thì cho rằng: “Người chồng tốt phải biết quan tâm đến vợ, biết giáo dục con, xây dựng gia đình hoàn thiện và tham gia công tác xã hội nhiều, giúp đỡ những người xung quanh, biết kiếm tiền” (nữ, nông dân, Thừa Thiên-Huế). Những người đàn ông nông thôn cũng luôn ý thức được vai trò quyết định của mình trong đời sống gia đình:“Người chồng thì phải là người đầu tầu, đầu tầu tất cả mọi cái. Trách nhiệm của người đàn ông phải là người đầu tầu tất cả mọi công việc còn người đàn bà chỉ lo những việc nhẹ trong gia đình thì khi đó gia đình mới êm ấm” (nam, nông dân, Thừa Thiên-Huế). “Đàn ông là phải có cái đầu như biết cách chăn nuôi cá rồi chăn nuôi mọi thứ, đồng ruộng là phải giỏi nếu mà chưa giỏi thì người vợ không phục” (nam, nông dan, Tiền Giang). “Người phụ nữ thì bao giờ người ta cũng thích một người chồng làm ăn giỏi, Lê Ngọc Văn Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 31 năng động về mặt xã giao, về mặt kinh tế, nói chung về mọi mặt là năng động, khôn ngoan. Phụ nữ thì hầu như là người ta thích người đàn ông như thế” (nam, công nhân, Yên Bái). Hoàn cảnh gia đình bên nhà chồng cũng là một trong những tiêu chuẩn hôn nhân rất được coi trọng vì đó là nơi người con gái phải chung sống lâu dài. ở nông thôn, khi người con gái lấy chồng họ thường gắn bó cuộc đời với gia đình nhà chồng. Bản thân các cô gái và gia đình nhà gái rất quan tâm đến hoàn cảnh gia đình nhà chồng:“Phải có cha, có mẹ đàng hoàng chứ. Ví dụ quen mà không biết thì mai kia nó có con cái mình biết sao mà mình giữ. Mình phải biết gia đình thì lúc tới mình mới gả chứ. Không biết thì làm sao mà gả được. Nó cứ theo đại lên trên đó tôi thấy không có được. Quen kiểu đó không có đựơc, rồi người ta đánh giá giữ lắm”.(PVS, nữ, Tiền Giang) 2.3.2. Xu hướng hình thành những tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân mới. Nếu như trong xã hội truyền thống việc lựa chọn hôn nhân nghiêng nhiều hơn về các yếu tố đạo đức, thì ngày nay người ta có xu hướng coi trọng nghề nghiệp và kinh tế hơn. Bên cạnh tiêu chuẩn về đạo đức, ngày nay các bậc cha mẹ cũng mong muốn gả con gái cho những gia đình kinh tế khá giả, ít con. Đây có thể coi là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại:“Tuỳ theo ý thích của mỗi người, bây giờ người ta thường hay lựa chọn cân đối. Gia đình này khá gia đình kia cũng khá, gia đình kia ít con, gia đình này cũng ít con. Nói chung người ta lựa chọn cái kinh tế nhiều hơn. Gia đình khá giả này chọn gia đình khá giả kia mới đúng đối tượng. Đầu tiên người ta nghĩ ngay đến tài sản chứ người ta không nghĩ về đạo đức“ (PVS, nữ, Tiền Giang). Tiền bạc là một vấn đề tế nhị và nhạy cảm, tuy nhiên, khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn, người nông dân đã không ngần ngại nói ra những suy nghĩ thực của mình về yếu tố tiền bạc trong việc lựa chọn hôn nhân. Sự phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ ở nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới có lẽ đã giúp cho người nông dân nhận thức được đầy đủ hơn giá trị của tiền bạc trong cuộc sống gia đình: “Thực sự thời đại ni con gái thích người chồng có tiền, làm ra của cải, cưới về có nhà to thoải mái, ai có tiền nhiều là thích, đó là 1 số rồi” (nữ, nông dân, Thừa Thiên-Huế). “Bây giờ nó quen biết con mình nó coi mình có giàu không, có xe cộ đầy đủ không thì nó mới theo con mình. Còn nó thấy con mình nghèo không xe không cộ, không có nhà có đất thì nó chỉ quen một thời gian rồi nó cũng bỏ” (PVS, nam, nông dân, Tiền Giang). Để bảo đảm kinh tế cho cuộc sống gia đình thì nghề nghiệp của người kết hôn là một tiêu chuẩn tiên quyết để đi tới hôn nhân. Những người chưa có nghề nghiệp hoặc không có nguồn thu nhập ổn định sẽ rất khó khăn trong việc lấy vợ, lấy chồng: “Trước đây lấy chồng lấy vợ thì chủ yếu cha mẹ tìm là chính, còn giờ thì chủ yếu các cháu tự tìm hiểu. Tìm thì ở đây xu thế các cháu tìm những người có nghề nghiệp. Nếu như không có nghề nghiệp thì rất khó tìm vợ, tìm chồng” (nam, nông dân, Tiền Giang). Không chỉ phụ nữ quan tâm đến nghề nghiệp của người chồng mà nam giới cũng quan tâm đến nghề nghiệp của phụ nữ:“ Trước đây làm ruộng thì đơn giản, còn bây giờ trong cơ chế thị trường, tôi muốn cưới một cô vợ có công việc ổn định mà trước đây không cần chi. Ví dụ tôi muốn có người vợ làm việc cho nhà nước hay biết buôn bán hay một công nhân xí nghiệp, còn trước đây chỉ có tấm lòng tốt là được rồi. Bây giờ khác” (nam, nông dân, Thừa Thiên-Huế). Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 32 Sắc đẹp là một trong số những tiêu chí được nam thanh niên quan tâm khi lựa chọn bạn đời, tuy nhiên mức độ quan tâm rất khác nhau. Trong xã hội truyền thống, cha mẹ là người lựa chọn hôn nhân cho con cái, cưới vợ cho con là lấy người có khả năng lao động và liên minh hôn nhân chủ yếu là một liên minh sinh sản cho nên người ta không quá coi trọng hình thức mà chú ý hơn đến sức khoẻ, đạo đức và khả năng sinh đẻ của người phụ nữ. Trong thời kỳ đổi mới, hình thức “tự tìm hiểu”ngày càng phổ biến hơn ở nông thôn Việt Nam. Sự thay đổi này tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn bộc lộ tình yêu và tình cảm cá nhân. Vẻ đẹp bên ngoài của các cô gái luôn là yếu tố làm siêu lòng các chàng trai. Họ sẵn sàng chọn một người phụ nữ đẹp làm vợ:“Con trai khi yêu thì không kể giàu nghèo, cứ đẹp là được” (nam thanh niên, Tiền Giang).“Ngày trước thường thì chọn người phụ nữ đảm đang với lại hiền thục. Còn thanh niên bây giờ nhiều cậu ra đường thấy cô nào đẹp thì yêu, chọn sắc nhiều hơn là tài” (PVS, nữ, nông dân, Tiền Giang). Sắc đẹp là một trong những yếu tố có sức hấp dẫn đối với thanh niên. nhưng đối với một số người thì sắc đẹp không được đặt lên hàng đầu trong việc lựa chọn hôn nhân: “Về hình thức thì cũng một phần nào đó thôi, đối với giới trí thức thì họ nghĩ như thế nào không biết còn nông dân thì hình thức không quan trọng bằng tấm lòng. Yếu tố sắc đẹp thì nó cũng mai một thôi” (nam, nông dân, Thừa Thiên-Huế). 2.3.3. Về hôn nhân khác tôn giáo Tôn giáo là một ranh giới khó vượt qua trong trong việc lựa chọn hôn nhân. Theo luật thiên chúa giáo, những người theo đạo thiên chúa chỉ kết hôn với người trong cùng một đạo, cấm kết hôn với những người ngoài đạo hoặc không theo đạo. Trong thực tế có rất ít trường hợp những người theo đạo thiên chúa kết hôn với người thuộc các tôn giáo khác hoặc người không theo tôn giáo. Kết quả điều tra định tính cũng cho thấy nhìn chung những người theo đạo thiên chúa thường kết hôn với nhau, ít khi họ kết hôn với người không cùng đạo:“Nói chung là bên công giáo thì họ không lấy người ngoài đạo, đặc biệt nam nữ kết hôn thì họ lấy người trong cùng đạo. Còn nếu như đạo Phật thì họ kết hôn với công giáo cũng có. Họ không có cái quan niệm là bên này khác, nghĩa là hai tôn giáo khác nhau. Còn riêng công giáo thì không” (PVS, nam, nông dân, theo đạo phật). Đối với những người theo tôn giáo, tình yêu vẫn là cơ sở rất quan trọng của hôn nhân nhưng tôn giáo còn quan trọng hơn. Các bậc cha mẹ theo công giáo thường không muốn cho cho con cái của họ yêu và kết hôn với những người không theo đạo hay khác đạo vì như thế sẽ gây ra nhiều phiền toái và rắc rối. Trường hợp kết hôn với người không theo đạo thường xẩy ra giữa con trai theo đạo thiên chúa và con gái không theo đạo vì con gái khi về nhà chồng thường dễ dàng theo đạo nhà chồng hơn. 3. Quyền quyết định hôn nhân Nếu như trong truyền thống, quyền quyết định hôn nhân diễn ra theo chiều dọc: cha mẹ quyết định, con cái nghe lời, thì ngày nay nó diễn ra theo cả chiều dọc và chiều ngang: con cái từ chỗ hoàn toàn không có quyền quyết định hôn nhân của mình đã trở thành chủ thể chính trong việc quyết định hôn nhân; cha mẹ từ chỗ là người hoàn toàn quyết định hôn nhân của con cái đã mất đi quyền lực tuyết đối trong việc quyết định hôn nhân của con cái. Số liệu Lê Ngọc Văn Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 33 của cuộc điều tra cung cấp những thông tin về quyền quyết định hôn nhân và những xu hướng biến đổi của mô hình quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Bảng 5: Người quyết định chính cuộc hôn nhân của con cái (Số liệu chung tại 3 điểm điều tra) Người quyết định chính cuộc hôn nhân Số người trả lời Tỷ lệ % 1. Bố mẹ quyết định hoàn toàn 74 8.2 2. Bố mẹ quyết định nhưng có sự đồng ý của con cái 159 17.7 3. Con cái quyết định nhưng có sự đồng ý của bố mẹ 575 64.1 4. Con cái quyết định hoàn toàn 81 9.0 5. Người khác quyết định 8 0.9 Tổng 897 100.0 Bảng số liệu chung cho thấy tỷ lệ bố mẹ quyết định hoàn toàn hôn nhân của con cái chỉ còn 8.2%. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là quyền quyết định hôn nhân đã chuyển hoàn toàn sang con cái. Việc con cái quyết định hoàn toàn hôn nhân của mình cũng chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn là 9.0%. Và vẫn còn một tỷ lệ nhất định (17.7%) “Bố mẹ quyết định nhưng có sự đồng ý của con cái”. ở nông thôn hiện nay mặc dù bố mẹ không quyết định hoàn toàn việc hôn nhân của con cái nhưng việc con cái lựa chọn ai làm vợ làm chồng đều phải được sự đồng ý của bố mẹ hai bên. Chính vì thế tỷ lệ cao nhất thuộc về phương án trả lời “con cái quyết định nhưng có sự đồng ý của bố mẹ” (64.1%). Điều này cho thấy hôn nhân vẫn tiếp tục là công việc của gia đình chứ không hoàn toàn là công việc của cá nhân. Tại xã Cát Thịnh (Yên Bái), các phương án “Con cái quyết định hoàn toàn” và “con cái quyết định nhưng có sự đồng ý của bố mẹ” lần lượt là 14.3% và 71.7%, chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể so với hai điểm còn lại là Phú Đa (Thừa Thiên-Huế): 4.0% và 69.6% và Phước Thạnh (Tiền Giang): 8.7% và 51.7%. Ngược lại các phương án “Bố mẹ quyết định hoàn toàn” và “Bố mẹ quyết định nhưng có sự đồng ý của con cái” tại Cát Thịnh (Yên Bái) có tỷ lệ rất thấp, lần lượt là 5.0% và 9.1%. Các con số này tại Phú Đa (Thừa Thiên-Huế) là 9.0% và 16.4%; Phước Thạnh (Tiền Giang) là 10.7% và 27.7%. Phương án “con cái quyết định hoàn toàn” có tỷ lệ phần trăm thấp nhất ở Phú Đa - Thừa Thiên-Huế. Điều này có thể được giải thích là ở điểm nghiên cứu này, có nhiều gia đình theo công giáo. Việc kết hôn của con cái các gia đình theo đạo thiên chúa không hoàn toàn tự do theo sở thích cá nhân mà chịu sự ràng buộc của luật đạo. Cha mẹ là người kiểm soát hôn nhân của con cái để bảo đảm việc kết hôn không vi phạm luật đạo, do đó việc kết hôn của con cái nhất thiết phải được sự đồng ý của cha mẹ. Trường hợp con cái tự quyết định hôn nhân không hỏi ý kiến cha mẹ là hiếm thấy đối với gia đình công giáo. Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 34 Mặt khác truyền thống con cái vẫn tiếp tục chung sống với cha mẹ sau khi kết hôn vẫn được duy trì khá phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam, do đó sự nhất trí của cha mẹ đối với sự lựa chọn của con cái sẽ là cơ sở tạo nên sự đồng thuận trong cuộc sống chung giữa thành viên mới là con dâu, con rể với gia đình nhà chồng, nhà vợ. Hơn nữa một trong số những người con (thường là con cả ở miền Bắc, con út ở miền Nam) cùng với vợ con hay chồng con của họ sẽ chung sống suốt đời với cha mẹ của mình do đó hôn nhân của họ càng cần phải được cha mẹ đồng ý. Số liệu điều tra tại ba điểm nghiên cứu cho thấy có tới 76.4% các cặp vợ chồng sau khi kết hôn sống chung với bố mẹ (trong đó 69.7% sống với bố mẹ chồng, 6.7% sống với bố mẹ vợ). Chỉ có 21.2% các cặp vợ chồng sống riêng sau khi kết hôn. Quyền quyết định hoàn toàn hôn nhân của bố mẹ giảm dần theo thời gian. Nếu như có 20.2% các cuộc hôn nhân từ những năm 1942-1975 là do bố mẹ hoàn toàn quyết định thì đến những năm 1976-1986 tỷ lệ này còn 6.7% và đến các năm 1987-2005 chỉ còn 3.7%. Tuy nhiên theo thời gian, việc con cái hoàn toàn quyết định hôn nhân không tăng lên tương ứng, thậm chí cũng giảm đi: các cuộc hôn nhân từ những năm 1942-1975 có 11.7% do con cái hoàn toàn quyết định, đến những năm 1976-1986 tỷ lệ này là 9.1%, và những năm 1987-2005 là 7.8%. Thay vào đó là phương thức cùng quyết định của cả bố mẹ và con cái. Tuy nhiên trong phương thức cùng quyết định này, vai trò của bố mẹ giảm dần trong khi vai trò của con cái ngày càng tăng lên: nếu như phương thức bố mẹ quyết định có sự đồng ý của con giảm từ 24.5% đối với những cuộc hôn nhân từ 1942-1975 xuống còn 22.6% các năm 1976-1986, và 11.2% các năm 1987-2005, thì phương thức con cái quyết định có sự đồng ý của bố mẹ lại tăng từ 11.7% các năm 1942-1975 lên 60.6% các năm 1976-1986, và 76.8% các năm 1987- 2005. Phương thức “con quyết định có sự đồng ý của bố mẹ” cũng chiếm tỉ lệ áp đảo so với các phương thức khác trong các nhóm tình độ học vấn khác nhau: nhóm những người mù chữ, biết đọc biết viết là 47.7%; cấp 1: 58.7%; cấp 2: 68.7%; Cấp3: 73.5%; cao đẳng, đại học: 70.8%. Tương tự như vậy, phương thức “con cái quyết định có sự đồng ý của bố mẹ”trong hôn nhân cũng chiếm tỷ lệ cao trong tất cả các loại hộ gia đình có mức sống và hoàn cảnh kinh tế khác nhau: Hộ có mức sống khá: 72.5%; hộ trung bình khá: 69.4%; hộ trung bình: 47.7%; hộ kém hơn trung bình: 55.8%; hộ nghèo: 68.8%. 4. Kết luận Xu hướng chuyển đổi mô hình hôn nhân ở nông thôn Việt Nam là quá độ từ hôn nhân sắp xếp sang hôn nhân tự nguyện. Nói cách khác là từ mô hình hôn nhân tái sinh sản sang mô hình hôn nhân tự nguyện dựa trên tình yêu và tình cảm cá nhân. Trong mô hình hôn nhân sắp xếp hoặc tái sinh sản, mục đích của hôn nhân là đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của gia đình và dòng họ, chứ không phải vì lợi ích và nguyện vọng của bản thân người tham gia kết hôn. Đó là hôn nhân vì cộng đồng chứ không phải hôn nhân vì cá nhân. Nó được cộng đồng, trực tiếp là cha mẹ cho phép và kiểm soát. Những người tham gia kết hôn phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm đối với gia đình hai bên, đặc biệt là trách nhiệm và nghĩa vụ to lớn của người con dâu đối với gia đình nhà chồng. Tục ngữ xưa có câu: “Lấy Lê Ngọc Văn Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 35 chồng là để gánh vác giang sơn nhà chồng”. Cái “giang sơn” nhà chồng mà người con dâu phải gánh vác trước tiên là trở thành người lao động chính của gia đình nhà chồng. Cưới vợ cho con là để có thêm lao động cho gia đình. Tục “thách cưới” của nhà gái đối với nhà trai chính là xuất phát từ quan niệm nhà trai phải đền bù cho nhà gái khi họ bị mất đi một người lao động là con gái của họ mà sau khi cưới sẽ trở thành người lao động của nhà trai. Sống với gia đình nhà chồng, người phụ nữ lại phải giỏi nội trợ, khéo tay hay làm, biết cách ứng xử để làm vừa lòng tất cả các thành viên gia đình nhà chồng như bố mẹ, anh em, họ hàng nhà chồng. Một trách nhiệm tối quan trọng khác đối với người con dâu là phải sinh đẻ, đặc biệt là phải sinh con trai để duy trì nòi giống. Một cuộc hôn nhân chỉ được coi là thành công khi có sự ra đời của những đứa con. Càng sinh đẻ nhiều càng được đánh giá cao. Chính vì thế mà người ta gọi đây là hôn nhân tái sinh sản. Nếu một cặp vợ chồng sau khi cưới mà không có khả năng sinh đẻ thì cuộc hôn nhân đó bị coi là thất bại và phải tiến hành một cuộc hôn nhân khác. Một cuộc hôn nhân như vậy là hoàn toàn phục vụ cho lợi ích của gia đình và do cha mẹ sắp đặt và quyết định. Nó cũng quy định các tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân. Đó là những người có sức khoẻ, có khả năng lao động, khả năng sinh đẻ, có tinh thần trách nhiệm, biết hy sinh bản thân vì gia đình. Quá độ từ hôn nhân sắp đặt sang hôn nhân tự nguyện được thể hiện qua những biến đổi về mô hình tìm hiểu và quyền quyết định hôn nhân. - Về mô hình tìm hiểu Đó là những biến đổi về phạm vi lựa chọn hôn nhân, các hình thức tìm hiểu và các tiêu chuẩn lựa chọn hôn nhân. Phạm vi lựa chọn hôn nhân không còn bó hẹp trong phạm vi một làng, một xã mà được mở rộng ra xã khác, huyện khác, tỉnh khác và thậm chí là nước khác. Các hình thức tìm hiểu đã giảm hình thức bố mẹ giới thiệu và người làm mối chiếm tỷ lệ cao đối với những người kết hôn trước thời kỳ đổi mới sang hình thức cá nhân tự tìm hiểu chiếm tỷ lệ cao trong thời kỳ đổi mới. Các tiêu chuẩn về nghề nghiệp, kinh tế, sắc đẹp, tình yêu trong thời kỳ đổi mới được kỳ vọng nhiều hơn các tiêu chuẩn về đạo đức trước đổi mới. - Về mô hình quyết định hôn nhân Đó là xu hướng chuyển quyết định của bố mẹ trong hôn nhân trước thời kỳ đổi mới sang quyền quyết định hôn nhân của con cái trong thời kỳ đổi mới. Quá độ chuyển đổi quyền quyết định hôn nhân này xuất hiện mô hình cha mẹ và con cái cùng quyết định dưới hình thức “con cái quyết định có sự đồng ý của bố mẹ”, trong đó, con cái là người đề xuất hôn nhân và bố mẹ là người phê chuẩn hôn nhân của con cái. Đây cũng là mô hình quyết định hôn nhân phổ biến hiện nay ở nông thôn Việt Nam. Mô hình quá độ của hôn nhân ở nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới phản ánh sự dung hoà lợi ích giữa cá nhân và gia đình, hình thành nên mô hình hôn nhân kết hợp giữa tình yêu, sự tự nguyện của các cá nhân với trách nhiệm và nghĩa vụ của cặp vợ chồng đối với gia đình và cộng đồng. Mô hình này chắc chắn sẽ còn tồn tại lâu dài đối với nông thôn Việt Nam, khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài tinh thần cộng đồng của văn hóa phương Đông, trước khi tiến tới mô hình hôn nhân hiện đại, ở đó hôn nhân hoàn toàn dựa trên tình yêu lãng mạn, sở thích và lợi ích của các cá nhân. Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân ở nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 36 Sự chuyển đổi mô hình hôn nhân khẳng định quyền của cá nhân trong việc tự do lựa chọn hôn nhân, xoá bỏ các hình thức hôn nhân áp đặt. Hôn nhân dựa trên tình yêu và sự tự nguyện là cơ sở để xây dựng mối quan hệ gia đình bình đẳng, xoá bỏ sự thống trị của tư tưởng gia trưởng trong quan hệ gia đình, giải phóng người phụ nữ ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của phạm vi gia đình, giúp cho người phụ nữ vừa có cuộc sống gia đình hạnh phúc vừa phát huy tài năng cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Tài liệu tham khảo: 1. Mai Huy Bích. 1999. Nơi cư trú sau hôn nhân ở đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Xã hội học, số 4. 2. Nguyễn Hữu Minh. 2000. Các yếu tố tác động đến khuôn mẫu tuổi kết hôn của cư dân đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Xã hội học, số 4. 3. Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ. 2002. Gia đình Việt Nam và người phụ nữ trong gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. 4. Vũ Tuấn Huy (chủ biên). 2004. Xu hướng gia đình ngày nay. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội. 5. Lê Ngọc Văn. 2006. Về quan hệ hôn nhân hiện nay. Nghiên cứu Gia đình và Giới. Số 2. 6. Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfso3_2007_lengocvan_893.pdf