Tài liệu Mạng lưới tổ chức phi chính thức ở nông thôn trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay: Xã hội học, số 4 (116), 2011
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
46
MẠNG LƯỚI TỔ CHỨC PHI CHÍNH THỨC Ở NÔNG THÔN
TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY
(Qua tư liệu làng xã Tam Sơn, Bắc Ninh)(1)
MAI VĂN HAI*
NGÔ THỊ THANH QUÝ**
Từ ngày Đổi mới đến nay, nhất là từ sau khi có Khoán 10, hộ gia đình nông dân
được xác định trở lại là đơn vị kinh tế tự chủ, đời sống của người dân đã được cải thiện
đáng kể. Cùng với sự thay đổi về kinh tế-vật chất và cảnh quan xóm làng, trên bình diện
thượng tầng kiến trúc, người ta cũng chứng kiến sự ra đời và vận hành của hàng loạt các tổ
chức văn hóa-xã hội, trong đó có các tổ chức phi chính thức, còn gọi là các tổ chức phi
quan phương. Cố nhiên, các tổ chức này chỉ có thể hình thành trên một hạ tầng cơ sở nhất
định, song đến lượt mình, chúng cũng có ảnh hưởng trở lại đối với cơ sở đã hình thành ra
chúng. Chính vì vậy, để có thể nhận thức về xã hội nông thôn trong bối cảnh của nền kinh
tế thị trường hiện nay,...
8 trang |
Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 1075 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mạng lưới tổ chức phi chính thức ở nông thôn trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xã hội học, số 4 (116), 2011
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
46
MẠNG LƯỚI TỔ CHỨC PHI CHÍNH THỨC Ở NÔNG THÔN
TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY
(Qua tư liệu làng xã Tam Sơn, Bắc Ninh)(1)
MAI VĂN HAI*
NGÔ THỊ THANH QUÝ**
Từ ngày Đổi mới đến nay, nhất là từ sau khi có Khoán 10, hộ gia đình nông dân
được xác định trở lại là đơn vị kinh tế tự chủ, đời sống của người dân đã được cải thiện
đáng kể. Cùng với sự thay đổi về kinh tế-vật chất và cảnh quan xóm làng, trên bình diện
thượng tầng kiến trúc, người ta cũng chứng kiến sự ra đời và vận hành của hàng loạt các tổ
chức văn hóa-xã hội, trong đó có các tổ chức phi chính thức, còn gọi là các tổ chức phi
quan phương. Cố nhiên, các tổ chức này chỉ có thể hình thành trên một hạ tầng cơ sở nhất
định, song đến lượt mình, chúng cũng có ảnh hưởng trở lại đối với cơ sở đã hình thành ra
chúng. Chính vì vậy, để có thể nhận thức về xã hội nông thôn trong bối cảnh của nền kinh
tế thị trường hiện nay, một trong những công việc không thể thiếu là xem xét cái cơ cấu tổ
chức thuộc “thượng tầng kiến trúc” này.
Dựa vào những tư liệu điều tra xã hội học ở làng Tam Sơn (thuộc xã Tam Sơn, Từ
Sơn, Bắc Ninh) trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010, các tác giả muốn góp phần
làm sáng tỏ vấn đề đã đặt ra.
Trở lại vấn đề đang bàn là các tổ chức phi chính thức, qua thực tế Tam Sơn, đã cho
thấy mỗi tổ chức của hệ thống này hiện lên như một mắt xích của một mạng lưới xã hội
vừa đa dạng vừa phong phú ở nông thôn hiện nay. Tìm hiểu về mạng lưới này, chúng tôi
đã tiến hành khảo sát, thống kê và phân loại các loại hình tổ chức khác nhau, đánh giá mức
độ tham gia, cũng như ý nghĩa của việc tham gia của người dân vào trong mạng lưới, qua
đó đưa ra một vài nhận xét ban đầu.
1. Thống kê, phân loại và mô tả mạng lưới
Theo cách phân loại của Nguyễn Từ Chi (1996) trong tác phẩm Cơ cấu tổ chức của
làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, trong các làng xã của người Việt có 5 kiểu tổ chức xã hội mà
ông gọi là 5 hình thức tập hợp người, đó là: tập hợp người theo địa vực (ngõ, xóm); tập
hợp người theo huyết thống (họ); tập hợp người theo lớp tuổi (giáp); tập hợp người theo bộ
máy chính quyền ở cấp xã và tập hợp người trong những tổ chức dựa trên lòng tự nguyện
của từng cá nhân (phe, phường, hội). Căn cứ vào sự phân loại này, chúng tôi đã tiến hành
khảo sát, thống kê và ghi nhận trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2010, ở Tam Sơn có
đến 57 tổ chức thuộc 5 hình thức tập hợp người khác nhau, trong đó hình thức tập hợp
người thứ năm, tức tập hợp người “dựa trên lòng tự nguyện”, có đến 36 tổ chức. Nếu phân
(1) Bài viết trong khuôn khổ đề tài “Toàn cầu hóa và bản sắc làng Việt ở miền Bắc”, do Quỹ Phát triển khoa
học và công nghệ quốc gia tài trợ.
* PGS.TS, Viện Xã hội học.
** ThS, Trung ương Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam.
Mai Văn Hai & Ngô Thị Thanh Quý 47
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
loại theo tên gọi, trong số 36 tổ chức này, có 12 tổ chức có danh xưng hội, 10 tổ chức là
phường, 7 tổ chức gọi là câu lạc bộ, 5 tổ chức là nhóm, 1 tổ chức là đoàn và 1 tổ chức là
tổ. Còn nếu nhìn từ góc độ của các thiết chế xã hội, trong số 36 tổ chức đó, có 28 tổ chức
thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội (đánh số thứ tự từ 1 đến 28) và 8 tổ chức thuộc lĩnh vực kinh
tế (số thứ tự từ 29 đến 36). Dưới đây là sự phân bố của những tổ chức đó.
Bảng 1: Các tổ chức phi chính thức ở Tam Sơn thời điểm tháng 10/2010
1. hội Cựu quân nhân 19. phường Kèn
2. hội Đồng ngũ 20. đoàn Dâng hương
3. hội Lính Trường Sơn 21. câu lạc bộ Dưỡng sinh
4. hội Thanh niên xung phong 22. câu lạc bộ Xe đạp
5. hội Đồng niên 23. câu lạc bộ Bóng chuyền
6. hội Đồng môn 24. câu lạc bộ Bóng đá
7. hội Khuyến học 25. câu lạc bộ Cầu lông
8. hội Hưu trí 26. câu lạc bộ Thơ
9. hội Cựu giáo chức 27. câu lạc bộ Quan họ
10. hội Phật tử 28. tổ Hòa giải
11. hội Sinh vật cảnh 29. phường Nghề
12. hội Chữ thập đỏ 30. phường Vàng
13. phường Chơi chim 31. phường Tiền
14. phường Chọi gà 32. nhóm liên kết Sản xuất nông nghiệp
15. phường Vật cổ truyền 33. nhóm những người có Máy cày
16. phường Tuồng cổ 34. nhóm Xây dựng (mộc, nề)
17. phường Cờ tướng 35. nhóm liên kết Nuôi cá
18. phường Bát âm 36. nhóm liên kết làm Dịch vụ
Về nguyên tắc, mỗi tổ chức trên tồn tại một cách độc lập, bản thân chúng không có
mối liên hệ gì với nhau trên cả hai phương diện chức năng và cấu trúc. Tuy nhiên, nếu xem
xét từ góc độ của các thành viên tham gia thì vấn đề lại không hoàn toàn như vậy. Chẳng
hạn, ông A chỉ tham gia vào hội Cựu quân nhân, song trong tổ chức này lại có ông B tham
gia vào các tổ chức khác như hội Đồng ngũ, hội Lính Trường Sơn. Trong hội Đồng ngũ,
hội Lính Trường Sơn lại có các thành viên C và D có chân trong các tổ chức khác như
phường Vật cổ truyền, câu lạc bộ Cầu lông hay nhóm liên kết làm Dịch vụ, v.v Cứ như
vậy, các tổ chức này vô hình chung đã tạo thành một mạng lưới các quan hệ xã hội dày đặc
nơi làng xã. Cũng cần nói thêm là sự phân cấp bên trong của các tổ chức cũng khác nhau:
Có tổ chức chỉ tồn tại ở cấp làng, có tổ chức vừa ở cấp làng vừa ở cấp xã, lại cũng có tổ
chức hoạt động ở cả cấp làng, cấp xã và mở rộng ra bên ngoài phạm vi của xã, v.v Sơ đồ
1 mô tả sự phân cấp bên trong của mạng lưới này.
Mạng lưới tổ chức phi chính thức ở nông thôn..
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
48
Sơ đồ 1: Mạng lưới tổ chức không chính thức ở Tam Sơn giai đoạn 2007 – 2010
Giải thích sơ đồ:
- Các vòng tròn đồng tâm: vòng tròn trong cùng (I) là cá nhân (Ego); vòng tròn thứ
II: làng; vòng tròn thứ III: xã và vòng tròn thứ IV: ngoài xã.
- Các đường bán kính (nằm trên các đường tròn đồng tâm): mỗi đường bán kính thể
hiện một tổ chức tự nguyện trong làng xã. Các tổ chức này được đánh số từ 1 đến 36, trùng
với số thứ tự đã được liệt kê ở phần trên. Chẳng hạn, số 1 là hội Cựu quân nhân; số 2 là hội
Đồng ngũ, v.v
- Các chấm tròn (•): mỗi dấu chấm tròn thể hiện mỗi cấp theo không gian từ làng ra
xã và ngoài xã của các tổ chức, chẳng hạn, trên đường bán kính chỉ hội Cựu quân nhân chỉ
có 1 dấu chấm ở vòng tròn thứ II – nghĩa là tổ chức này chỉ tồn tại ở cấp làng; trong khi
trên đường bán kính chỉ hội Đồng môn lại có đến 3 dấu chấm tròn ở cả 3 vòng tròn số II,
số III và số IV – nghĩa là tổ chức này tồn tại và vận hành ở cả 3 cấp: làng, xã và ngoài xã,
v.v
Theo sơ đồ 1, ta thấy cả 36 tổ chức tự nguyện đều tồn tại ở cấp làng; trong khi đó có
7 tổ chức tồn tại ở 2 cấp làng và xã; chỉ có 2 tổ chức (hội Đồng môn và câu lạc bộ Thơ) có
ở cả 3 cấp: làng, xã và bên ngoài xã. Như vậy, làng vẫn là địa bàn quan trọng nhất trong
việc hình thành và hoạt động của các tổ chức phi chính thức ở Tam Sơn hiện nay.
2. Mức độ tham gia của người dân vào trong mạng lưới
Qua sơ đồ 1, xét về mặt số lượng, Tam Sơn có đến 36 tổ chức xã hội mang tính tự
nguyện, tạo thành một mạng lưới xã hội dày đặc. Nếu tính bình quân cho số hộ, thì cứ
khoảng 23 – 24 hộ gia đình đã có một tổ chức; còn nếu tính riêng cho số người từ 18 tuổi
Mai Văn Hai & Ngô Thị Thanh Quý 49
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
trở lên, bình quân cứ 55 người có một tổ chức. Vấn đề đặt ra là người dân đã tham gia vào
trong mạng lưới này như thế nào?
Nhằm trả lời câu hỏi trên đây, trong một cuộc nghiên cứu ngắn ngày vào giữa năm
2008, chúng tôi đã phỏng vấn 150 hộ gia đình ở Tam Sơn, trong đó có cả nam và nữ, giàu
và nghèo, với các lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau. Bảng 1 là kết quả
điều tra ở 10 hội, phường và câu lạc bộ khác nhau, được chọn một cách ngẫu nhiên trong
số 36 hội, phường và câu lạc bộ đã nêu.
Bảng 2: Tỷ lệ người dân tham gia vào các tổ chức
STT Các tổ chức tự nguyện N %
1. hội Đồng niên 103 68,7
2. hội Đồng môn 60 37,3
3. hội Cựu quân nhân 17 11,3
4. hội Phật tử 17 11,3
5. hội Khuyến học 11 7,3
6. hội Hưu trí 10 6,7
7. hội Chữ thập đỏ 9 6,0
8. hội Giáo chức 6 4,0
9. câu lạc bộ Quan họ 1 0,7
10. phường Vàng 1 0,7
Các số liệu cho thấy, sự tham gia của người dân vào các tổ chức tự nguyện rất khác
nhau: trong khi các hội Đồng niên, Đồng môn thu hút được số lượng người tham gia rất
đông đảo (68,7% và 37,3%), thì số người tham gia vào câu lạc bộ Quan họ hay phường
Vàng lại chiếm tỷ lệ rất thấp (0,7%).
Phỏng vấn cán bộ lãnh đạo ở địa phương, cũng như phỏng vấn sâu nhiều cá nhân, chúng
tôi được biết: cả làng có rất nhiều hội Đồng niên và hội Đồng môn. Bất kỳ những ai có cùng
năm sinh, hoặc đã cùng theo học một trường, một lớp, một thầy, đều có thể lập ra một hội
riêng, do đó số người tham gia vào các hội này khá đông đảo. Trong khi đó, ở câu lạc bộ Quan
họ (và các câu lạc bộ khác như Cầu lông, Bóng đá) các yêu cầu đặt ra lại không đơn giản
như vậy. Muốn tham gia các hội này, ngoài sự ham thích và lòng tự nguyện, còn đòi hỏi mỗi
người phải có sự hiểu biết và khả năng nhất định. Còn ở phường Vàng (và phường Tiền) có tỷ
lệ người tham gia thấp, theo nhận định của người dân, là do trong những năm gần đây hệ thống
tín dụng của nhà nước, nhất là các ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn hoạt động khá
tốt, cho nên người dân không cần tham gia nhiều vào các tổ chức tín dụng theo kiểu dân gian
nữa. Cũng như vậy, tuy số người tham gia vào hội Cựu quân nhân tuy chỉ chiếm 11,3% so với
tổng số người được chọn ngẫu nhiên trong tập mẫu nghiên cứu, nhưng nếu so với số người là
cựu quân nhân của làng thì tỷ lệ này lại đạt tới gần 100%.
Nhưng sự tham gia của người dân vào các tổ chức xã hội phi chính thức không chỉ ở
chỗ họ có đáp ứng được những yêu cầu do tính chất riêng biệt của từng tổ chức hay không,
Mạng lưới tổ chức phi chính thức ở nông thôn..
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
50
mà còn được quy định bởi những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng nhóm người tham
gia – như đặc trưng về lứa tuổi, trình độ học vấn, sự khác biệt về nghề nghiệp. Bảng 2 dưới
đây là một minh chứng cụ thể.
Bảng 3: Tương quan giữa nhóm tuổi, học vấn, nghề nghiệp và
mức độ tham gia của người dân vào hội Đồng niên (%)
Biến đổi độc lập Hội Đồng niên
Có Không
Lứa tuổi
20 – 34 23,3 10,0
35 – 49 18,7 14,7
50 trở lên 26,7 6,7
Tổng: 100 68,7 31,3
Học vấn
Cấp I 9,3 2,7
Cấp II 28,7 19,3
Cấp III 22,0 7,3
Cao đẳng, đại học 8,7 2,0
Tổng: 100 68,7 31,3
Nghề nghiệp
Thuần nông 16,7 10,7
Nông + buôn bán 1,3 1,3
Nông + thủ công 30,7 16,0
Nghề khác 20,0 3,3
Tổng: 100 67,7 31,3
Những số liệu thống kê trên bảng 2 cho phép rút ra 2 nhận xét. Thứ nhất, trong tổng
số mẫu được điều tra thì số người tham gia vào các hội tự nguyện cao gần 2,2 lần so với số
người không tham gia. Điều này cũng có nghĩa là hơn 2/3 số người từ 18 tuổi trở lên đã
tham gia vào các tổ chức phi chính thức ở trong làng. Thứ hai, mặc dầu mức độ tham gia
có sự cao thấp khác nhau giữa các nhóm (như ở nhóm “nghề khác” số người tham gia cao
hơn số người không tham gia đến 6 lần; trong khi nhóm nghề nông - buôn bán số người
tham gia và không tham gia ngang nhau, v.v) nhưng nhìn chung thì tất cả các nhóm khác
nhau về lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp đều tham gia vào các tổ chức phi chính
thức này.
Trên bình diện chung, kết quả điều tra cũng chỉ rõ, trong tổng số người được chọn
trong tập mẫu, mặc dù cũng có người không tham gia vào một tổ chức nào, nhưng nếu tính
trung bình, mỗi người dân từ 18 tuổi trở lên tham gia vào hơn 3 tổ chức, trong đó người
tham gia nhiều nhất lên đến 10 tổ chức. Các con số này không những cho thấy tính hấp
dẫn, mà còn cả sức tác động của các tổ chức tự nguyện ở nông thôn hiện nay là sâu rộng và
mạnh mẽ biết chừng nào.
Mai Văn Hai & Ngô Thị Thanh Quý 51
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
3. Ý nghĩa xã hội của các tổ chức phi chính thức trong đời sống làng xã hiện nay
Có thể nói, mỗi tổ chức như trên là một cộng đồng nhỏ ở bên trong cái cộng đồng
rộng lớn hơn là làng xã. Phương thức tập hợp người của các cộng đồng nhỏ này khác với
các phương thức tập hợp người theo địa vực (ngõ, xóm) hay tập hợp người theo huyết
thống (dòng họ), bởi một bên tập hợp lại với nhau trên tinh thần tự nguyện, còn bên kia
ngay từ khi sinh ra mỗi người đã được định sẵn trong các tập hợp người ấy rồi. Ở một
phương diện khác, phương thức tập hợp người trong các tổ chức phi chính thức cũng
không giống với phương thức tập hợp người trong các tổ chức chính thức trong Mặt trận
Tổ quốc (như hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên, hội Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi),
bởi một bên tập hợp lại với nhau do nhu cầu tự thân của mỗi người, còn bên kia là các
đoàn thể do Đảng và Nhà nước lập ra - đó là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước, để
thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Vậy, lý do xã hội nào dẫn đến việc hình
thành và phát triển mạnh mẽ của các tổ chức dựa trên lòng tự nguyện trong các làng xã
hiện nay?
Tư liệu phỏng vấn sâu ở các nhóm xã hội đã chỉ ra rằng, có nhiều lý do để người dân
tham gia vào các tổ chức phi chính thức ở địa phương. Đại đa số người được phỏng vấn cho
biết, họ tham gia vào các tổ chức này là xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, mà trước hết là để
thỏa mãn các nhu cầu về văn hóa tinh thần. Chẳng hạn, ông N.S.C, 72 tuổi, nhà ở xóm Tây,
là giáo viên hưu trí – người đã tham gia đến 5 tổ chức khác nhau, nói rằng:
“Tôi tham gia vào các thứ hội, phường và câu lạc bộ trong làng là hoàn toàn
tự nguyện, chứ chẳng có ai vận động hoặc ép buộc gì. Vì tôi có nhiều năm công tác
xa nhà, nay tuổi cao về hưu, con cái thì đi công tác hết, nếu không vào sinh hoạt với
các tổ chức đó mình sẽ thành cô độc, không có mối giao lưu với cộng đồng. Vả lại,
sinh hoạt ở các phường hội này, tôi thấy mình được thêm nhiều thứ. Ví như ở câu lạc
bộ Dưỡng sinh thì được lợi về sức khỏe. Ở hội Sinh vật cảnh thì không chỉ có người
cao niên, mà còn có người trung niên và cả thanh niên nữa - sinh hoạt với họ, mình
không chỉ biết được tình hình trong làng xã, mà còn biết được nhiều tin tức thời sự
trong nước và quốc tế. Hội Cựu giáo chức thì giúp mình lĩnh lương, còn phường Cờ
tướng và câu lạc bộ Thơ lại giúp cho mình thư giãn và giải trí”.
Nhưng sự hình thành các tổ chức phi chính thức ở làng xã hiện nay không chỉ nhằm đáp
ứng các nhu cầu của người dân ở phương diện văn hóa tinh thần. Như ở phần “Thống kê,
phân loại và mô tả mạng lưới” đã chỉ rõ, trong số 36 tổ chức phi chính thức, có đến 8 tổ
chức thuộc lĩnh vực kinh tế (như phường Nghề, phường Vàng, nhóm Xây dựng, nhóm liên
kết Nuôi cá). Về thực chất, đây chính là sự tái tạo lại các tổ chức kinh tế đã từng tồn tại
từ rất lâu đời ở nông thôn Việt Nam trong lịch sử (như phường trâu, phường thêu, phường
vải). Nói theo nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi (1996), đây là loại tổ chức dựa trên nghề
nghiệp của những người cùng tham gia. Ngoài việc tạo ra mối “cộng cảm” rất cần thiết cho
những con người cùng một thân phận, do cùng làm một nghề, các tổ chức nghề nghiệp này
còn bao hàm nhiều hình thức tương trợ giữa các thành viên [Nguyễn Từ Chi, 1996: 229]. Ở
Tam Sơn, ngay từ khi hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bị giải thể, các hộ gia đình nông
dân được xác nhận trở lại là đơn vị kinh tế tự chủ, nhất là trong bối cảnh của nền kinh tế thị
Mạng lưới tổ chức phi chính thức ở nông thôn..
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
52
trường, người dân đã chủ động liên kết với nhau để tạo ra các tổ chức nghề nghiệp đó. Sự
liên kết ở đây không chỉ dừng lại ở các công đoạn khác nhau trong sản xuất nông nghiệp
như cấy, gặt hay các nghề nghiệp truyền thống như mộc – nề, mà có cả ở các hoạt động
trước đây chưa hề có như làm dịch vụ về phân bón, thuốc trừ sâu, máy cày, máy bơm
nước. Theo sự đánh giá của người dân, dù khác nhau về nghề nghiệp, song tất cả các tổ
chức này, bên cạnh việc tạo ra một niềm “cộng cảm” chung, còn thực hiện chức năng
tương trợ giữa các thành viên cả trong lao động sản xuất lẫn trong sinh hoạt hằng ngày,
nhất là trong các việc ma chay, hiếu hỉ - giống như các phường, hội trong các làng Việt cổ
truyền mà Nguyễn Từ Chi đã nói.
Ngoài ra, theo các cán bộ lãnh đạo ở Tam Sơn, việc hình thành và phát triển của các
tổ chức phi chính thức còn mang cả ý nghĩa về chính trị. Được hỏi về việc tham gia vào
mạng lưới tổ chức này, ông N.V.N., 45 tuổi, ở xóm Xanh – người đã được bầu làm lãnh
đạo thôn từ hơn 10 năm nay – cho biết: Hiện thời, ông tham gia đến 10 tổ chức khác nhau,
trong đó có hội, có phường, có câu lạc bộ và cả trong tổ Hòa giải nữa. Ông cho rằng sự
tham gia của ông vào các tổ chức đó là do nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là tinh thần
trách nhiệm (vì ông là đảng viên, lại có chân trong ban lãnh đạo thôn nên cần phải tham
gia, vừa để động viên bà con (như tham gia vào phường Nghề, tổ Hòa giải), vừa để nắm
tình hình của thôn xã. Thứ hai, sự tham gia của ông trong nhiều trường hợp xuất phát từ sự
ham thích của cá nhân (như vào phường Chơi chim, các câu lạc bộ Cầu lông, Quan họ) –
bởi ông thích rèn luyện thân thể, có kinh nghiệm nuôi chim và biết hát Quan họ. Sau nữa,
các thành viên ở các tổ chức này mỗi tháng đều có đôi lần hội họp với nhau – đó là một cơ
hội tốt để ông phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với bà con. Theo
ông, ở đấy người ta chú ý lắng nghe, chứ không mất trật tự như ở các cuộc họp khác. Ông
nói, ở cương vị như ông thì ai cũng phải hành động như vậy.
4. Mấy nhận xét sơ bộ
1. Một trong những hiện tượng xã hội quan trọng ở nông thôn vùng châu thổ sông
Hồng từ ngày Đổi mới đến nay là sự ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội phi chính
thức. Mặc dù mục đích, nội dung và phương thức hoạt động không giống nhau, nhưng nhìn
chung các tổ chức này đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các cá nhân thuộc nhiều
nhóm xã hội, từ làng đến xã và cả ở ngoài xã. Sự liên kết giữa các thành viên trong một tổ
chức, cũng như sự liên kết giữa các thành viên của tổ chức này với các tổ chức khác, đã tạo
ra một mạng lưới xã hội rộng khắp, trong đó nổi trội hơn cả là sự liên kết ở cấp làng.
2. Các tổ chức xã hội dựa trên lòng tự nguyện là biểu hiện của ý thức cộng đồng làng
xã – thứ ý thức đã được hình thành, tồn tại và phát triển từ rất lâu đời và trở thành một giá
trị bền vững, được trao truyền từ thế hệ này đến các thế hệ khác. Ở những khoảng thời gian
đặc biệt, khi những biểu hiện cụ thể của nó bị xóa bỏ đi (như trong thời bao cấp), thì ý thức
cộng đồng này vẫn tồn tại trong thẳm sâu tâm tưởng của con người. Trong tiến trình đổi
mới, nhất là trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường – khi người dân cần sự hỗ trợ cả về
vật chất và tinh thần để đương đầu với các rủi ro có thể có – thì việc khôi phục hoặc tái cấu
trúc các hình thức tổ chức cộng đồng để làm chỗ dựa, là điều dễ hiểu.
3. Cần lưu ý là, có không ít người không chỉ gia nhập vào một, mà là nhiều, thậm chí
Mai Văn Hai & Ngô Thị Thanh Quý 53
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
có người đã tham gia đến 10 tổ chức khác nhau. Đương nhiên, đây không phải là sự hiếu
kỳ, mà là một hình thức mở rộng quan hệ xã hội, qua đó khai thác và sử dụng các nguồn
vốn xã hội còn tiềm ẩn trong đời sống của mỗi con người nơi làng xã. Đối với đại đa số
người dân, các nguồn vốn xã hội này có thể chuyển hóa thành vốn kinh tế, vốn văn hóa, để
giúp nhau trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như thỏa mãn các nhu cầu về
mặt tinh thần. Đối với những người làm quản lý, mạng lưới này còn tạo ra một diễn đàn tốt
để họ chuyển tải các chủ trương, chính sách của lãnh đạo đến các nhóm xã hội khác nhau.
4. Đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay - khi mà cả thế giới đang hình thành một
thị trường thống nhất, một sự lưu thông tự do của hàng hóa, của phổ biến thông tin, sự hình
thành văn hóa chung, các loại hàng hóa tiêu dùng hàng loạt (như mốt, thể thao, du lịch,
thức ăn nhanh, văn hóa đại chúng), thì sự hình thành và phát triển của mạng lưới tổ chức
phi chính thức như đã nêu chứng tỏ bản sắc văn hóa của làng Việt không bị mất đi, mà
luôn được duy trì và tái tạo trong những hoàn cảnh mới.
5. Sự liên kết giữa các thành viên trong mạng lưới tổ chức phi chính thức trên đây là
luận cứ khoa học để đề ra và áp dụng các chính sách và giải pháp phát triển trong Chiến
lược xây dựng nông thôn mới hiện nay, mà cụ thể ở đây là chính sách cho vay vốn tín dụng
theo nhóm, việc dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất, việc đầu tư kỹ thuật và áp dụng
công nghệ mới trên đồng ruộng, v.v
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- so4_2011_hai_quy_4549.pdf