Luận văn Vấn đề văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay

Tài liệu Luận văn Vấn đề văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay: LUẬN VĂN: Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Trong chiến lược phát triển của đất nước, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân có vị trí đặc biệt. Các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX của Đảng đều xác định quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước phụ thuộc rất lớn vào quá trình CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông thôn và nông dân đã, đang và sẽ là bài toán then chốt tạo tiền đề cơ bản cho chúng ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH. Với khoảng 80% dân số sinh sống trên địa bàn nông thôn, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia hay từng khu vực đều phải đặt nông nghiệp - nông thôn như một khu vực kinh tế - xã hội trọng điểm và giàu tiềm năng, có tính quyết định đối với sự phát triển. Trong bối cảnh này, nếu giải quyết tốt các vấn đề văn hóa ở nông thôn chúng ta sẽ có những tiền đề...

pdf124 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1123 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Vấn đề văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Trong chiến lược phát triển của đất nước, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân có vị trí đặc biệt. Các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX của Đảng đều xác định quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước phụ thuộc rất lớn vào quá trình CNH, HĐH nông nghiệp - nông thôn. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông thôn và nông dân đã, đang và sẽ là bài toán then chốt tạo tiền đề cơ bản cho chúng ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH. Với khoảng 80% dân số sinh sống trên địa bàn nông thôn, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia hay từng khu vực đều phải đặt nông nghiệp - nông thôn như một khu vực kinh tế - xã hội trọng điểm và giàu tiềm năng, có tính quyết định đối với sự phát triển. Trong bối cảnh này, nếu giải quyết tốt các vấn đề văn hóa ở nông thôn chúng ta sẽ có những tiền đề và điều kiện cơ bản để giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa khu vực, bởi phát triển văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, khu vực và cả nước. Văn hóa phải được gắn kết với quá trình phát triển kinh tế - xã hội với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động văn hóa ở nông thôn phải có mục tiêu, nội dung, các biện pháp và bước đi thích hợp để thực sự đóng vai trò là động lực và mục tiêu của sự phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đây là những vấn đề có tính chiến lược mà nếu giải quyết tốt sẽ là những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho sự phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung và Quảng Nam nói riêng trong giai đoạn sắp tới. Cuộc vận động xây dựng làng văn hóa của Đảng và Nhà nước ta đã và đang được phát động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nông thôn là một khu vực bao gồm hai thực thể xã hội cơ bản: làng - xã và các thị tứ, thị trấn; trong đó làng xã là thực thể xã hội cơ bản, tiêu biểu cho xã hội nông thôn, là một khu vực tụ cư của cư dân nông thôn. Trong biến thiên lịch sử, làng - xã và văn hóa làng - xã có một vị trí đặc biệt. Do đó, nói đến nông thôn trước hết là phải nói đến làng - xã, từ làng - xã ta có thể có một bức tranh khá toàn diện về xã hội nông thôn trong quá trình phát triển. Làng - xã có thể hình dung như một quốc gia thu nhỏ, có đời sống vật chất và tinh thần bền vững. Vì vậy, trong bối cảnh CNH, HĐH đất nước hiện nay, phát huy những giá trị văn hóa làng, kết hợp với những yếu tố hiện đại của cuộc vận động xây dựng làng văn hóa thực chất là quá trình "tiếp biến văn hóa", là quy luật vận động tất yếu của văn hóa đương đại trong việc kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc. Xây dựng làng văn hóa là sự kế thừa và phát triển làng - xã Việt Nam trong điều kiện mới phù hợp với sự tiến bộ văn hóa xã hội. Làng là cái nôi văn hóa được ví như tấm gương phản chiếu sinh động nhất truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc: chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, thuần phong mỹ tục, mối quan hệ xóm giềng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình...tất cả kết thành tinh hoa văn hóa và bản lĩnh văn hóa Việt Nam không bị đồng hóa bởi các thế lực xâm lược đô hộ. Tinh hoa ấy cần được phát huy mạnh mẽ biến thành động lực tinh thần cho công cuộc xây dựng làng văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở nông thôn, làm nền tảng cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Làng văn hóa chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng và phát triển các giá trị đạo đức, tình cảm, lối sống của cộng đồng...Và đây cũng chính là mảnh đất có khả năng tiềm tàng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi những hiện tượng văn hóa tiêu cực đã và đang tác động dữ dội đến mọi mặt của đời sống xã hội và gây ra những thay đổi đáng kể trong thang giá trị xã hội ở thời điểm hiện nay. Mặt trái của kinh tế thị trường đang có nguy cơ phá vỡ những giá trị văn hóa truyền thống. Bản sắc văn hóa dân tộc có những lúc, những nơi bị xâm hại bởi các sức mạnh ghê gớm của nó như: chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng...Kinh tế thị trường phát triển, lũy tre làng không còn là vành đai cát cứ. Nhưng tính cục bộ, địa phương chủ nghĩa, "phép vua thua lệ làng", tệ cường hào ở nông thôn lại trỗi dậy. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự xáo trộn các mối quan hệ trong làng và giữa các làng, làm nảy sinh hàng loạt vấn đề về ý thức đoàn kết cộng đồng, diện mạo văn hóa, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... Cơ chế thị trường đang len lỏi vào những miền quê xa xôi nhất và có nguy cơ phá vỡ nét thanh bình của làng - xã xa xưa. "Cây đa, bến nước, sân đình"- hình ảnh tiêu biểu của làng quê đang có dấu hiệu bị biến dạng. Các tệ nạn xã hội đang có cơ hội và điều kiện chuyển dịch về nông thôn. Ma chay, cưới xin vẫn có xu hướng quay lại với tập tục rườm rà, tốn kém, xen lẫn cả mê tín dị đoan... Chính vì vậy, việc xây dựng làng văn hóa là nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa làng, phát huy tính tích cực của nó. Văn hóa làng vừa là kết quả hoạt động của những con người ở làng, đồng thời là môi trường, động lực làm cho từng thành viên trong cộng đồng làng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp tục tạo ra những giá trị văn hóa tiên tiến. Và, chỉ khi đó làng văn hóa mới thực sự khẳng định vai trò góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cơ chế thị trường, làm động lực phát triển nông thôn ở nước ta hiện nay. Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang thực hiện chủ trương xây dựng làng văn hóa. Cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam tuy mới được chú trọng từ khi tái lập tỉnh (1997), song đã đóng góp một phần tích cực vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc về lý luận và thực tiễn, chưa tạo ra được những mô hình đảm bảo chắc chắn và phù hợp với từng miền, vùng dân cư, diện của phong trào còn hạn chế... Xác định tầm quan trọng và tính bức thiết hiện nay của cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu " Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay " làm luận văn tốt nghiệp, nhằm nhận diện và phân tích rõ hơn đặc trưng văn hóa làng, đặc sắc văn hóa làng Quảng Nam và công cuộc xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam hiện nay 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Lý luận và thực tiễn xây dựng làng văn hóa không hoàn toàn mới xét ở bình diện cả nước. Nhiều công trình đã được công bố với các cách tiếp cận khác nhau về văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa như: "Văn hóa làng và làng văn hóa" của GS.TS Nguyễn Duy Quý, PGS.TS Thành Duy và PGS Vũ Ngọc Khánh; "Văn hóa làng và sự phát triển" của GS.TS Nguyễn Duy Quý; "Làng xã Việt Nam - một số vấn đề kinh tế - xã hội" của GS. Phan Đại Doãn; "Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay" của Tô Duy Hợp; "Cộng đồng làng xã Việt Nam hiện nay" của tập thể tác giả Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; "Mô hình làng văn hóa ở nông thôn hiện nay" của Thu Linh; "Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay ở đồng bằng sông Hồng" của Tô Duy Hợp; "Tín ngưỡng làng xã" của PGS Vũ Ngọc Khánh; "Nếp cũ - Làng xóm Việt Nam" của Toan ánh; "Hương ước hồn quê" của Toan ánh; "Bản sắc văn hóa làng trong xây dựng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ" của TS. Lê Quý Đức... ở những công trình trên, các tác giả đã bàn về văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất ở làng xã. Nhiều tác giả đã đề cập đến hội làng, nếp sống, phong tục, tôn giáo, sân khấu dân gian, văn hóa nghệ thuật dân gian... Một số chuyên luận không những có ý kiến nhận xét về di sản của làng xã, về các mặt kinh tế - xã hội, văn hóa; mà còn nêu lên những điểm tích cực và cả những tiêu cực của làng xã trong quá trình dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, đối với tỉnh Quảng Nam đây là vấn đề tương đối mới vì cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam mới được phát động vào ngày 12/7/1997 với Chỉ thị 04/CT-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Do vậy, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào mang tính hệ thống dưới dạng một luận văn khoa học giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề giữa lý luận và thực tiễn xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn Mục đích nghiên cứu: Góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng làng văn hóa trong xu thế phát triển toàn diện ở nước ta nói chung và ở Quảng Nam nói riêng; đề xuất những phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam trong bối cảnh CNH, HĐH đất nước. Nhiệm vụ của luận văn: - Xác định rõ khái niệm văn hóa làng và làng văn hóa làm cơ sở lý luận chung cho toàn bộ luận văn. - Khảo sát các làng văn hóa ở Quảng Nam, tiến hành phân loại và rút ra những đặc trưng của văn hóa làng và làng văn hóa Quảng Nam. - Đề xuất những phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam hiện nay. 4. Giới hạn nghiên cứu của luận văn Xây dựng làng văn hóa là một nội dung lớn trong sự nghiệp chung của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh hiện nay, do đó có rất nhiều vấn đề mới cần đi sâu nghiên cứu. Tuy nhiên trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ văn hóa, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về văn hóa làng và làng văn hóa (chủ yếu tập trung nghiên cứu làng người Việt - đại diện tiêu biểu nhất của làng Việt Nam); phân tích thực trạng xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam và đề xuất các phương hướng, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng làng văn hóa và đời sống văn hóa cơ sở ở Quảng Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. 5. Đóng góp của luận văn - Hệ thống hóa cơ sở lý luận về văn hóa làng và làng văn hóa. - Phân tích cơ sở lý luận chung về xây dựng làng văn hóa trong thời kỳ CNH, HĐH. - Thuyết minh có căn cứ khoa học về sự tiếp nối biện chứng từ di sản văn hóa làng đến việc xây dựng làng văn hóa trong bối cảnh hiện nay. - Bổ sung một số quan niệm về làng văn hóa và công tác xây dựng làng văn hóa. - Tiến hành phân loại và rút ra những đặc trưng cơ bản của văn hóa làng và làng văn hóa ở Quảng Nam. - Đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp có tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam nói riêng và ở nước ta nói chung. Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy về lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... 6. Phương pháp nghiên cứu Luận văn vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học chủ yếu là phương pháp điều tra, điền dã, phân tích khảo cứu, phương pháp diễn giải và quy nạp, phương pháp so sánh, đối chiếu... trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn khách quan. 7. Kết cấu luận văn Ngoài phần mở đầu kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có nội dung gồm ba chương: Chương 1: Một số vấn đề lý luận về văn hóa làng và làng văn hóa. Chương 2: Làng và văn hóa làng Quảng Nam. Chương 3: Thực trạng công tác xây dựng làng văn hóa và phương hướng, giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam hiện nay. Chương 1 Một số vấn đề lý luận về văn hóa làng và làng văn hóa 1.1. Quan niệm về văn hóa Thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX trong lịch sử nhân loại cũng là sự kết thúc của Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa (1988-1997) nhằm thực hiện Nghị quyết 41/87 ngày 9/12/1986 của Liên hợp quốc. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của cả nhân loại ở thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai đối với văn hóa đã phát triển rất sâu và rộng. Bước vào thế kỷ XX, thuật ngữ văn hóa đã thâm nhập vào đời sống xã hội một cách sâu sắc, làm thay đổi nhận thức của con người trong các hướng tiếp cận mới phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ. Văn hóa đã và đang trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn. Từ đó tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong việc hình thành khung lý thuyết mới trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến văn hóa - xã hội. Khái niệm văn hóa, theo nhà ngôn ngữ học người Đức W. Vun-đơ (W.Wundt) bắt nguồn từ một động từ tiếng La Tinh "Colere" và sau chuyển thành "Cultura" với nghĩa là cày cấy, vun trồng. Trong sự vận động của ngôn ngữ, "Cultura" chuyển nghĩa từ trồng trọt cây cối sang hàm nghĩa trồng trọt tinh thần, trí tuệ; gắn bó với con người dưới dạng thức mới, được biểu hiện trong mô thức phức tạp hơn song lại hàm chứa nội dung sâu sắc hơn so với nghĩa ban đầu của nó. Quan niệm về văn hóa được E.B. Tylor đề cập trong công trình "Văn hóa nguyên thủy" (1871) trở thành định nghĩa đầu tiên về đối tượng nghiên cứu của văn hóa. Theo ông, "văn hóa hay văn minh theo nghĩa rộng về tộc người học, nói chung bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách là một thành viên của xã hội" [92, tr. 13], Trong thế kỷ XX, những nhà nghiên cứu về văn hóa trên thế giới đã tiếp tục đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo kháo sát của PGS. Phan Ngọc, cho đến nay đã có trên 400 định nghĩa về văn hóa [62, tr. 19]. Điều này cho thấy "mảnh đất" văn hóa để cày xới, thâm nhập, tiếp cận rất rộng, đa dạng và phong phú. Trong bản tuyên bố chung tại Hội nghị quốc tế ở Mêhicô do UNESCO chủ trì họp từ 26/7 đến 6/8 năm 1982, người ta chấp nhận một quan niệm về văn hóa như sau: "Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng" [95, tr. 5- 6]. Tổng giám đốc UNESCO F.May-ơ (Federico Mayor Zaagoza) cũng có quan niệm về văn hóa nêu ra trong một bài viết của ông như sau: "Văn hóa là tổng thể sống động của các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc" [11, tr. 23]. Văn hóa chính là quá trình sáng tạo tự thân của con người trong sự phát triển của lịch sử - "Đó không phải là các lực lượng bẩm sinh xuất hiện một cách tự nhiên, mà chúng biến đổi do tác động của các quan hệ xã hội, do trình độ phát triển văn hóa. Các lực lượng bản chất người ấy được khách thể hóa thông qua họat động cải tạo thế giới của con người. Chính họat động này là phương thức tồn tại và tái sản xuất ra đời sống xã hội" [97, tr. 40]. ở Việt Nam, từ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng - Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa" [58, tr. 431], đến nội hàm khái niệm văn hóa mà Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy tự phát triển kinh tế - xã hội" [24, tr. 10] là sự phát triển các quan niệm về văn hóa của Đảng ta nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay. Như vậy, điểm thống nhất trong những quan niệm trên là đều xem lao động sáng tạo là cội nguồn của văn hóa. Và, chính văn hóa đã đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân, làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt mang tính nhân bản sâu sắc, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách có lý trí và tình cảm trong khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ. Và cũng chính nhờ văn hóa mà con người thể hiện được phẩm chất, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án "chưa hoàn thành", đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những "ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân mình" [95, tr. 5-6]. Dưới góc độ tiếp cận xem lao động sáng tạo là cội nguồn, khởi điểm của văn hóa hướng về các giá trị nhân bản nhằm hoàn thiện con người, nhà nghiên cứu Hoàng Vinh đã có quan niệm xác đáng rằng: "Văn hóa là toàn bộ sáng tạo của con người, tích lũy lại trong quá trình hoạt động thực tiễn xã hội, được đúc kết thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, biểu hiện thông qua vốn di sản văn hóa và hệ ứng xử văn hóa của cộng đồng người. Hệ giá trị xã hội là một thành tố cốt lõi làm nên bản sắc riêng của một cộng đồng xã hội, nó có khả năng chi phối đời sống tâm lý và một họat động của những con người sống trong cộng đồng xã hội ấy" [102, tr. 43]. Hoạt động sáng tạo văn hóa vật chất và tinh thần của con người là nhằm hình thành nên các giá trị văn hóa để từ đó cộng đồng người nói chung và mỗi con người nói riêng soi vào nó để chiêm nghiệm, đối chiếu và phấn đấu để đạt được những chuẩn mực giá trị cần thiết mà mỗi cá nhân, gia đình, xã hội đòi hỏi. Vì vậy, có thể hiểu: Văn hóa là quá trình vận động đặc biệt làm biến đổi liên tục và sâu sắc đến năng lực sáng tạo của cá nhân và cộng đồng nhằm ngày càng hoàn thiện nhân cách và xã hội, vươn tới sự thống nhất cao giữa mỗi cá nhân - gia đình - cộng đồng làng xã và toàn xã hội vì sự tồn tại và phát triển tiến bộ của con người và xã hội. 1.2. Quan niệm về văn hóa làng Phác họa một bức tranh tổng quát về văn hóa làng chính là cơ sở và tiêu chí giúp chúng ta có đủ dữ liệu để khái quát thực trạng văn hóa - xã hội ở nước ta hiện nay. 1.2.1. Làng người Việt Trong đời sống xã hội Việt Nam cổ truyền, "làng xã có vị trí hết sức đặc biệt: làng là đơn vị cơ bản hình thành quốc gia dân tộc. Nước (quốc gia) chỉ là tổng số, là kết quả của sự liên kết các làng, xã, là "liên làng", "siêu làng". Làng có vai trò gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc. Làng là nhân tố giữ vai trò quyết định trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc "còn làng thì còn nước"" [31, tr. 7]. Theo "Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam", làng là tiếng cổ của Việt Nam dùng để chỉ đơn vị tụ cư của người Việt có từ lâu đời. Xã là từ Hán - Việt dùng để chỉ đơn vị hành chính thấp nhất ở nông thôn Việt Nam [61, tr. 368-706]. Xã của người Việt có thể bao gồm từ một đến vài làng. Trong trường hợp xã là một làng thì phần lớn tên xã trùng với tên làng. Trong trường hợp xã bao gồm nhiều làng thì trong ngôn ngữ hành chính làng được gọi là thôn. Trong ngôn ngữ dân gian và trong cuộc sống đời thường từ làng được sử dụng phổ biến hơn cả với nhiều hàm nghĩa tình cảm, phi hành chính "làng ta", "làng mình", "người làng", "sống ở làng, sang ở nước", "một miếng giữa làng"... Vì làng có nguồn gốc bản địa sâu xa và bền vững nên trong lịch sử, xã có thể bị thu hẹp hay phình to ra tùy theo các quyết định hành chính, nhưng làng là đơn vị khá ổn định không dễ thay đổi. Bởi vì, theo nhà nghiên cứu Hà Văn Tấn: "Làng là một đơn vị cộng cư có một vùng đất chung của cư dân nông nghiệp, một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp tiểu nông tự cấp tự túc, mặt khác là mẫu hình xã hội phù hợp, là cơ chế thích ứng với sản xuất tiểu nông, với gia đình - tông tộc gia trưởng, đảm bảo sự cân bằng và bền vững của xã hội nông nghiệp ấy. Làng được hình thành, được tổ chức chủ yếu dựa vào hai nguyên lý cội nguồn và cùng chỗ. Một mặt, làng có sức sống mãnh liệt; mặt khác, xét về cấu trúc, làng là một cấu trúc động, không có bất biến. Sự biến đổi của làng là do sự biến đổi chung của đất nước qua tác động của những mối liên hệ làng và siêu làng" [81, tr. 130]. Làng Việt - một thực thể xã hội - dựa trên quan hệ láng giềng kết hợp với quan hệ huyết thống, là môi trường sinh hoạt văn hóa - xã hội từ bao đời nay đã gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam. Lũy tre, cây đa, giếng nước, sân đình... là những biểu tượng đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Làng Việt ra đời vào giai đoạn tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và hình thành xã hội có giai cấp và nhà nước đầu tiên, tức vào khoảng thiên niên kỷ thứ I Tr. CN. Đó là công xã nông thôn thuộc loại hình á châu mà đặc trưng cơ bản của nó là toàn bộ ruộng đất thuộc quyền sở hữu công xã và công xã đem phân chia cho các gia đình nhỏ cày cấy. Gia đình nhỏ là đơn vị sản xuất, có nhà cửa, vườn ở và công cụ lao động riêng, có quyền hưởng sản phẩm lao động do mình làm ra, nhưng không có quyền sở hữu ruộng đất. Công xã là tập hợp một số gia đình nhỏ sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định, gắn bó với nhau trong quan hệ láng giềng. Bên trong công xã, bên cạnh quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống được bảo tồn lâu dài dưới hình thức họ. Mỗi công xã có thể có một họ, nhưng thường gồm nhiều họ. Mỗi họ bao gồm những gia đình cùng huyết thống tính theo hệ thống phụ hệ, được coi là con cháu cùng tổ tiên và cấm lấy nhau. Chế độ sở hữu ruộng đất của công xã cùng với quan hệ láng giềng và quan hệ huyết thống đã tạo nên sự gắn bó chặt chẽ của các thành viên của cộng đồng và sự tồn tại bền vững của công xã. Trong tiếng Việt, những công xã nông thôn đó được gọi là chạ, kẻ, chiềng và sau được gọi phổ biến là làng. Như vậy, làng là một tổ chức quần cư tự nhiên của những người dân Việt, là nơi những người dân Việt sống và đoàn kết với nhau chống thiên tai, địch họa, để lao động, sản xuất và tổ chức đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Làng là nơi thỏa mãn hầu hết những nhu cầu cơ bản của mỗi người dân. Làng có giới hạn lãnh thổ và môi trường văn hóa - tín ngưỡng xác định. ở giai đoạn đầu tiên trong lịch sử tiến hóa của người Việt, Làng là nơi cư trú của một dòng họ - Đó là giai đoạn làng công xã thị tộc. Những dấu vết về sự tổ chức làng theo huyết thống như vậy còn lưu giữ đến ngày nay trong các tên gọi cổ xưa của làng như: Đặng xá, Ngô xá, Đỗ xá, Trần xá, Nguyên xá, Châu xá, Lê xá... Trong đó, "xá" có nghĩa là nơi ở. Giai đoạn tiếp theo trong quá trình tiến hóa của làng Việt là giai đoạn làng - công xã nông thôn. Giai đoạn này bắt đầu từ khi chế độ công xã thị tộc tan rã. Lúc đó, làng được tổ chức không chỉ dựa vào quan hệ huyết thống mà còn dựa trên quan hệ địa vực. Theo thời gian, địa vực dần dần trở thành nguyên tắc tổ chức chủ yếu của làng Việt. Để đạt đến giai đoạn này, làng Việt đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài với nhiều biến đổi nội tại. Nguồn gốc sâu xa nhất của sự biến đổi là do lực lượng sản xuất phát triển, trình độ sản xuất của xã hội tiến bộ, khiến cho cách tổ chức làng mạc chủ yếu dựa trên quan hệ huyết thống không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất. Trong làng công xã nông thôn, toàn bộ ruộng đất thuộc quyền sở hữu của làng. Làng đem phần sở hữu ruộng đất đó phân cho các gia đình cầy cấy. Các gia đình phải nộp một phần sản phẩm cho làng để làng chi dùng vào các việc chung và cống nộp nuôi bộ máy quan lại nhà nước. Làng để lại một phần nhỏ ruộng đất cày cấy chung, lấy sản phẩm phục vụ những công việc chung của cộng đồng. Đến giai đoạn này, văn hóa làng phát triển rực rỡ, tính cộng đồng huyết thống, địa vực đan xen hòa trộn với tính cộng đồng văn hóa - tín ngưỡng. Bởi thế, trải qua hơn một ngàn năm Bắc thuộc chính quyền đô hộ vẫn không đồng hóa được người Việt trong các làng, văn hóa Hán không lấn át được văn hóa Việt. Văn hóa Việt được bảo lưu, phát triển trong các làng. Làng Việt không những là "cái nôi" nuôi nấng văn hóa Việt, mà còn là thành trì vững chắc chống lại các cuộc xâm lăng và đồng hóa văn hóa. Từ thế kỷ thứ X trở đi, làng Việt dần dần bị phong kiến hóa. Ruộng đất của làng về mặt danh nghĩa trở thành ruộng đất của vua. Nhưng nó vẫn được giao cho làng quản lý, phân phối cho dân cày cấy chủ yếu theo tục "lệ làng" có tham khảo "phép nước". Trong quá trình phát triển, bên trong làng phong kiến quá trình tư hữu hóa ruộng đất diễn ra ngày càng mạnh. Đến thế kỷ XVII-XVIII thì ở phần lớn các làng ruộng đất tư đã lấn át ruộng đất công. Phần ruộng đất công còn lại chỉ đủ để dành cấp cho binh lính, chức sắc hay đấu thầu chi dùng cho các sinh hoạt cộng đồng. Cùng với quá trình tư hữu hóa ruộng đất, quá trình phân hóa giai cấp, đẳng cấp và quá trình phong kiến hóa các mặt đời sống của làng cũng diễn ra mạnh mẽ. Có thể gọi giai đoạn phát triển này của làng là giai đoạn làng tiểu nông phong kiến công tư điền. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và chiếm đóng nước ta, chính sách cai trị và khai thác thuộc địa đã tác động đến làng Việt và làm làng Việt ít nhiều biến đổi. Nhưng cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, về cơ bản làng Việt vẫn chưa ra khỏi giai đoạn tiểu nông công tư điền lạc hậu của mình. Các di chỉ khảo cổ thuộc thời văn minh Đông Sơn cho biết, kiểu làng co cụm trên những gò đồi giữa miền đồng bằng là kiểu làng xuất hiện sớm và phổ biến nhất. Khi tiến xuống miền đồng bằng, hệ thống đê điều trị thủy - thủy lợi chưa hình thành khiến người Việt cổ phải chọn chỗ cao ráo trên các triền đồi, gò nhỏ làm nơi trú ngụ. Hơn nữa, kiểu làng đó có thế phòng thủ, tiện lợi cho việc chống lại các cuộc tiến công từ bên ngoài vào khi nền an ninh chưa được đảm bảo. ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phần lớn các con sông đều lên xuống thất thường, nên chỉ sau khi hệ thống đê điều trị thủy đã khá hoàn chỉnh thì kiểu làng trải dọc theo bờ sông, bờ kênh mới hình thành. Kiểu làng này trở nên phổ biến hơn sau khi nền an ninh chung đã được đảm bảo bởi quốc gia - nhà nước. Mãi đến thời cận đại, khi các đô thị cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đã khá phát triển, khi kinh tế hàng hóa đã xâm nhập và phát triển trong nông thôn, thì kiểu làng bố trí ở các đầu mối giao thông, các ngã tư, trải dài dọc theo các lộ giao thông, mới xuất hiện và phát triển. Dọc theo miền duyên hải, có các làng chài co cụm trên các cồn cát, trên những doi đất ven cửa sông và ven biển, với lối quần cư chật chội hơn do tính chất của nghề chài lưới. Một loại làng không phổ biến nhưng khá độc đáo là làng thủy cơ hay còn gọi là làng vạn chài. Về mặt hình thể thì làng thủy cơ được thành lập trên mặt nước gồm những chiếc thuyền - nhà của những người làm nghề chài lưới hay chở đò. Làng thủy cơ chưa bao giờ độc lập về mặt hành chính, mà bao giờ nhà nước cũng ghép nó vào một làng khác ở trên cạn để quản lý và thu thuế. Về cơ bản, cách thức tổ chức và sinh hoạt cộng đồng của làng thủy cơ cũng tương tự như các làng Việt khác ở trên cạn. ở nước ta, cho đến ngày nay, làng thuần nông vẫn chiếm một tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh, bình quân ruộng đất trên đầu người ngày càng giảm, kỹ thuật canh tác ngày càng tiến bộ, nên sản xuất nông nghiệp ngày càng tốn ít thời gian hơn. Vì vậy, các gia đình nông dân có khá nhiều thời gian nhàn rỗi để làm việc khác ngoài việc trồng trọt. Thực tế cho thấy lưọng thời gian này chủ yếu được dùng để làm các nghề phụ như đan lát, chế tác các dụng cụ đơn giản, buôn bán nhỏ, chăn nuôi, và những nghề thủ công truyền thống khác. Do đó, có thể nói rằng đại bộ phận làng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là loại làng kết hợp nghề nông với các nghề phụ gia đình. Qua quá trình phát triển kinh tế hàng hóa và phân công lao động xã hội, từ các làng tách ra một số loại làng khác là làng nghề, làng buôn. Làng nghề là làng mà trong đó hoạt động kinh tế đem lại thu nhập chủ yếu cho dân làng là các nghề thủ công. Làng nghề phát triển ở miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ XVI trở đi, khi kinh tế hàng hóa bắt đầu phát triển ở nông thôn, khi giao lưu kinh tế trong và ngoài nước được mở rộng. Thông thường mỗi làng nghề có một nghề thủ công chính và một số nghề phục vụ cho nghề chính đó. Ngày nay, nghề thủ công ở các làng nghề bắt đầu được cơ khí hóa và công nghệ hóa ở một số công đoạn. Nhưng tính chất thủ công và bí mật gia truyền vẫn còn đóng một vai trò quan trọng. Các làng buôn xuất hiện muộn hơn, khi nền kinh tế hàng hóa đã phát triển ở mức độ khá. Trước đây, sự phát triển của các làng nghề, làng buôn bị níu kéo bởi nhiều trở lực: từ chính sách trọng nông, ức thương, coi nghề nông là nghề cơ bản ("dĩ nông vi bản") của nhà nước phong kiến đến tâm lý coi thường thương nghiệp, kỹ nghệ cũng như truyền thống giữ bí mật nghề nghiệp "gia truyền" một cách thái quá... Trong các làng nghề, làng buôn cách tổ chức đời sống, lối sống, các sinh hoạt cộng đồng... đến cung cách làm ăn vẫn còn in đậm dấu ấn của làng thuần nông. Mặc dù ở đó, so với làng thuần nông, quan hệ kinh tế, lưu thông hàng hóa diễn ra mạnh hơn. Từ đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ tiến vào phía Nam, người Việt mang mô hình làng đến những vùng đất mới. Làng ở ba miền có nhiều nét chung cơ bản. Tuy nhiên, do môi trường địa lý tự nhiên, văn hóa xã hội có nhiều khác biệt và không gian ngăn cách, giao thông thủy bộ chưa phát triển... nên làng ở phía Nam có nhiều nét khác biệt so với làng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Chúng khác biệt trong kiểu bố trí, trong cách thức làm ăn, trong văn hóa, lối sống, trong tổ chức cuộc sống và các sinh hoạt cộng đồng. Càng đi vào Nam, tính cô lập, cách biệt giữa các làng càng giảm bớt. Làng miền Nam thường trải dài theo các kênh rạch, đường giao thông, thuận lợi cho việc giao lưu trong một vùng đất luôn có nền kinh tế hàng hóa khá phát triển. ở Nam Bộ, người Việt chiếm khoảng 80% dân số và sống trong các làng gọi là ấp. ấp Nam Bộ không hoàn toàn giống với làng ở miền Bắc: không có hoặc có rất ít ruộng đất công, các quan hệ xóm ấp và luật tục không phức tạp và chặt chẽ, nên quan hệ giữa người với người thoáng hơn, rộng rãi hơn. Cư dân có thể dễ dàng di chuyển từ ấp này qua ấp khác để làm ăn, ít phân biệt chính cư và ngụ cư. Cuộc sống ở ấp Nam Bộ không khép kín. Trong điều kiện kinh tế hàng hóa, giao thương phát triển, người dân Nam Bộ dễ chấp nhận cái mới, dễ hòa nhập hơn vào các cộng đồng. Văn hóa của ấp Nam Bộ về cơ bản là văn hóa tổng hợp hài hòa của cả toàn cộng đồng cư dân miền Nam Bộ, trên cơ sở truyền thống văn hóa Việt Nam. Tất cả những điều đó đều được phản ánh trong ý thức của người dân ấp Nam Bộ nói chung và tâm lý cộng đồng ở đây nói riêng. Như vậy, việc chọn đơn vị làng làm cơ sở xây dựng nông thôn mới theo định hướng XHCN, chính là chúng ta đã trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc trong ý nghĩa chân chính của nó. Chúng ta không chỉ tôn trọng những di sản văn hóa của quá khứ mà còn biết phát huy những giá trị truyền thống của cha ông phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Văn hóa làng là một môi trường văn hóa tiềm ẩn nhiều sắc thái, bao quát gần như toàn bộ những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc. ở đó, các thành tố, các giá trị văn hóa dân tộc được sinh thành, lưu giữ và trao truyền tới mỗi cá thể và cả cộng đồng từ thời đại này sang thời đại khác như một dòng chảy không ngừng. 1.2.2. Quan niệm về văn hóa làng Văn hóa làng, hàm chứa nhiều nội dung rất phong phú và đa dạng, tạo nên bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc. Có thể coi văn hóa dân tộc Việt Nam là một đại lượng lớn được tạo nên bởi văn hóa làng - những đại lượng nhỏ. "Văn hóa làng xã Việt Nam có vị trí quan trọng trong diễn trình lịch sử phát triển của văn hóa dân tộc. Nó luôn luôn bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng sức sống trường tồn của văn hóa dân tộc" [31, tr. 7]. Văn hóa làng Việt Nam qua hàng ngàn năm phát triển với các bản sắc có giá trị thực sự là một nền văn hóa của nhân dân và trở thành bộ phận ổn định nhất của văn hóa dân tộc. Vậy, văn hóa làng là gì? Theo nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân trong công trình Văn hóa làng và làng văn hóa thì "văn hóa làng có thể hiểu một cách khái quát nhất là bản sắc riêng của làng, là toàn bộ cuộc sống của làng với những đặc điểm mang tính truyền thống từ ăn, ở, đi lại, mọi hoạt động, cách tổ chức, những quy ước, lối ứng xử, những phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng cho đến cả tâm lý của mọi thành viên trong làng với những đặc trưng riêng của nó" [63, tr. 16]. Xét tổng thể ở nước ta không có sự đối lập văn hóa giữa làng với làng, giữa làng với nước. Mặc dù, giữa làng này với làng khác có nhiều nét khác nhau trong tập quán, cả giọng nói song đó chỉ là sắc thái. Giao lưu văn hóa đã làm cho văn hóa làng có nét chung, đồng dạng về tư tưởng, về tín ngưỡng, về kiến trúc, điêu khắc, giáo dục và thẩm mỹ.... Từng khu vực cư trú có những yếu tố, những sắc thái văn hóa khác nhau, vùng Nam Bộ khác vùng Bắc Bộ, nhưng cấu trúc tổng thể văn hóa làng tương đối giống nhau. Chúng ta có thể tán thành quan điểm của nhà nghiên cứu Thu Linh, khi cho rằng: "Văn hóa làng là một nền văn hóa thuộc về cộng đồng và mang tính chất cộng đồng. Chủ thể làng, tập thể làng chính là tác giả, là người tạo dựng, sáng lập nên nền văn hóa ấy. ở Việt Nam, một làng với tư cách là một làng, được xác định không chỉ qua địa bàn cư trú, hoạt động nghề nghiệp, lịch sử hình thành, kết cấu kinh tế, quan hệ xã hội, mà còn qua cả sinh hoạt văn hóa có bản sắc riêng của nó nữa" [51, tr. 110]. Do vậy, văn hóa làng là một trong những tiêu chí hàng đầu để xác định và phân biệt diện mạo của làng này với làng khác. Người sáng tạo ra những giá trị của văn hóa làng chính là những thành viên của làng. Họ chính là những người vừa tham gia sáng tạo, vừa tổ chức thực hiện và cũng đồng thời là người chiêm ngưỡng, hưởng thụ những giá trị văn hóa do chính bản thân mình gây dựng nên. Chính vì vậy, tính nhân dân của văn hóa làng càng được tô đậm ở tính chất cộng đồng, tính tập thể của nó. Làng là chủ thể tập thể của văn hóa và thông qua văn hóa làng chúng ta có thể khám phá ra diện mạo văn hóa chung của cả làng. Đây cũng chính là điều khá lý thú để phân biệt làng này với làng khác nhằm khẳng định "cái ta" của làng mình. Sự khẳng định và phân biệt này chưa phải đã đạt tới một trình độ khác về chất. Song, thông qua những biểu biện dù nhỏ vẫn có thể thấy rõ người nông dân đã có ý thức trong sự khẳng định và phân biệt này. Khi đưa ra quan niệm về văn hóa làng không thể không khẳng định tính truyền thống của nó. Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân đã nhấn mạnh: "Trong nội dung văn hóa làng, chúng tôi rất lưu tâm đến tính chất truyền thống. Nói truyền thống ở đây, không nên hiểu đơn giản là những cái thuộc về quá khứ, xa xưa và do đó đi đến chỗ cho rằng, nó trở nên lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với hiện tại... mà chính là những cái đã được thử thách qua thời gian, là chuẩn mực toàn thể cộng đồng đã lựa chọn, bảo lưu, giữ gìn và phát triển nó. Mọi sự vận động bao giờ cũng tuân theo quy luật. Mà khi nói đến quy luật, tức là phải có sự lặp đi lặp lại. Không như xưa kia con người cần phải có nhân nghĩa, phải "uống nước nhớ nguồn"... còn bây giờ chúng ta không cần những thứ đó..." [63, tr. 33]. Điều đó khẳng định rằng, tính truyền thống tức là những giá trị có tính ổn định, những cái thuộc quy luật, xưa cũng như nay, cần được bảo vệ và trách nhiệm là phải phát huy nó, "làm cho nó ngày một đa dạng và phong phú tốt đẹp hơn" [31, tr. 8]. Tổng thể những giá trị của văn hóa làng được biểu hiện qua hàng loạt các nhân tố vừa biểu hiện vừa trầm tích, vừa dễ bắt gặp vừa ẩn chứa trong mình chúng sự khúc xạ phong phú và đa dạng. Chính vì thế, chúng ta có thể có nhiều cách tiếp cận để phác họa được cấu trúc của văn hóa làng. Trong luận văn này, chúng tôi tiếp cận văn hóa làng thông qua sự biểu hiện của các thành tố. Thành tố đầu tiên - nổi bật nhất cần đề cập đến trong văn hóa làng chính là thái độ nghiêm túc, cầu tiến trong việc tạo ra môi trường học tập thuận lợi cho con cháu trong làng. Sự ra đời những lớp học, trường học do làng đứng ra thành lập và do một người có học vấn - hoặc là thành viên của làng hoặc được mời từ nơi khác đến để dạy bảo cho con cháu trong rất nhiều làng để cho chúng biết làm người, biết ăn ở có nghĩa, có tình, có nhân, có đức đã in đậm tính nhân bản trong văn hóa làng. Trình độ học vấn của làng này so với làng khác được thể hiện qua số người đi học và đỗ đạt, trở thành ông nghè, ông cống và những lễ đón họ vinh quy như những ngày hội tưng bừng náo nhiệt của cả làng. Đây là một nội dung in đậm bản sắc văn hóa của làng Việt. Làm nông nghiệp với trình độ kỹ thuật thô sơ như thời trước thì cần có nhiều nhân lực. Gia tộc gồm nhiều người ở các thế hệ khác nhau trong một/ nhiều nhà, do đó có vai trò quan trọng hơn là gia đình hạt nhân. Các cụ trước đây, và cả đến ngày nay, rất tự hào vì con đàn cháu đống, nhất là có đến bốn thế hệ sống chung dưới một mái nhà (tứ đại đồng đường). Điều này phản ánh hai sở nguyện lớn; ngoài việc có nhiều nhân lực để làm ruộng, còn có sở nguyện làm cho con cháu kế tục nền nếp gia phong, khẳng định và làm rạng danh tông tộc đến muôn đời. Dân gian có câu: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" "Con hơn cha là nhà có phúc" Đó là người ông, người bố muốn con cháu mình không chỉ là bản sao chân thực của chính mình mà còn muốn nó không ngừng tiến bộ để làm rạng danh cho tông tộc và để đời đời nối dõi tông đường. Quan hệ gia tộc là quan hệ hàng dọc, tạo ra tính tôn ti nghiêm ngặt, khép kín. Dù về sau, khi đại gia đình vỡ ra thành những gia đình hạt nhân thì ý thức gia tộc vẫn có một tác động quan trọng trong nếp ứng xử của con người vốn sống với đồng ruộng. Nhà thờ họ, giỗ họ là những nơi, những lúc các thành viên trong gia tộc có dịp suy ngẫm sâu sắc về bản thân mình, tưởng nhớ đến công ơn, lời dạy của các bậc tiên tổ để giữ gìn, kế tục và phát triển gia phong. Trong tâm thức, người Việt luôn hướng về tổ tiên, những người có công trạng đối với gia đình mình, làng mình, đất mình. Đình làng là nơi "linh thiêng" nhất đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng người ở làng. Hướng đình, vị trí, qui mô to nhỏ, kiểu cách kiến trúc của nó được xác định và xây dựng trên cơ sở của điều kiện phong thổ, điều kiện vật chất do các thành viên trong làng đóng góp và tài năng vận động, quyên góp tổ chức của lão ông, lão bà, của những nhóm, những cá nhân có điều kiện. Đình miếu tồn tại với cội rễ vững chắc: "Qua đình ngả nón trông đình. Đình bao nhiêu ngói ta thương mình bấy nhiêu" hay "Trúc xinh, trúc mọc đầu đình. Em xinh em đứng một mình cũng xinh". Người Việt hướng về tổ tiên, biết ơn tổ tiên. Vì "tin vào người khuất mặt, dẫu là tạm thời, là điều tự nhiên. Đón rước năm mới, đêm giao thừa người chủ nhà trong giây phút lạc quan, tin vào sự phò trợ của người khai sáng dòng họ và trời đất. Ngày đầu năm, cổng đình miếu như là phận sự mà không pháp luật nào bắt buộc, để thấy mình gắn liền với cộng đồng dân tộc, chè chén say sưa dịp tết chỉ làm thỏa mãn thể xác. Muốn vươn đến tương lai, con người phải đứng vững trên cơ sở quá khứ. Nhân hư đạo bất hư. Đến đình làng, nào chỉ vì mến mộ, quen thân với những người phụ trách tế lễ, họ có đức hạnh thì ta tôn trọng, bằng không thì ta bỏ qua. Ta muốn làm trọn phận sự của con người trước đất nước và vũ trụ, trong hệ thống Thiên, Địa, Nhân, lắm khi linh cảm nhưng không lý luận được, để rồi lo làm ăn, buôn bán" [60, tr. 22-23]. Triết lý này hướng con người tới thực hiện cái thiện. Và thông qua đó con người suy ngẫm về quá khứ nhằm mục đích "lo làm ăn, buôn bán" ở hiện tại. Trong tổng thể văn hóa làng, đời sống văn hóa tinh thần luôn được duy trì và có khả năng thâm nhập vào mọi ngõ ngách sâu thẳm của mỗi con người. Đó là những buổi, những đêm hát đối của những thành viên của phường nón, phường vải, là những cảnh nông dân vừa làm cỏ lúa, vừa hát cò lả, hát ví, hát trống quân, vừa chèo thuyền trên sông vừa hò hụi, vừa kéo gỗ, vừa dô ta. Sinh hoạt văn hóa làng có tác dụng một mặt làm đẹp, làm vui, làm trẻ cho cả cộng đồng làng và những hoạt động chủ đạo của nó. Song mặt khác, tính chất cộng đồng của văn hóa làng thể hiện là một nền văn hóa chưa được tách phân, chưa được chuyên môn hóa. Nó hòa quyện, đan xen vào các lĩnh vực khác trước hết là hoạt động sản xuất vật chất, chứ không phải là sản xuất tinh thần với đầy đủ ý nghĩa của khái niệm này. Những người tham gia biểu diễn, diễn xuất chính là những người dân trong làng lấy sản xuất nông nghiệp làm công việc chủ đạo. Sinh hoạt văn hóa cũng chỉ là một dạng "hoạt động kép" mang tính chất bổ sung chứ chưa phải là một công việc chuyên nghiệp. Những người tham gia các phường, các hội có liên quan đến sinh hoạt văn hóa cũng vẫn là những người dân trong làng. Hát xoan, hát chèo, hát tuồng, tế lễ, rước sách, chạy cờ, đánh trống, khiêng kiệu cũng vẫn là những người nông dân "một nắng hai sương", chân lấm tay bùn"... Kỹ năng, kỹ xảo nổi bật ở họ là cầy cấy, gặt hái, trồng tỉa chứ chưa phải là hát hay, múa giỏi, diễn tài. Sinh hoạt mang tính hoành tráng nhất, sinh động nhất ở làng chính là hội làng. Với ngày hội làng, cái đẹp của lời ăn tiếng nói, cái đẹp của khuôn mặt, của quần áo mới có dịp được bộc lộ, những khác biệt vừa tinh tế, vừa sắc sảo của cá nhân mới có dịp được phô diễn trước cộng đồng. Và, cũng chỉ qua hội làng, tất cả những gì còn ở dạng tiềm ẩn, hoặc vừa phôi thai mới có dịp được biểu hiện và thi thố. Đó chính là giọng hát bổng trầm trong những làn điệu dân ca, là tài đối đáp; là tố chất nhanh nhẹn, mưu trí, dẻo dai trong những cuộc thi cờ, đấu vật... Nếu ngày thường chúng được bộc lộ một cách thầm lặng thì trong ngày hội làng được biểu hiện với tất cả dáng vẻ riêng và bản sắc riêng. Những đêm hội trống chèo róng rả, nhặt khoan cũng là tiếng gọi cư dân các làng lân cận đến chia vui, thưởng thức lan tỏa ra khắp các làng quê. Sân đình là nơi diễn ra lễ hội, ngoài phần tế lễ, chẳng bao giờ có ranh giới phân chia đâu là chỗ của người làng mình, của dân làng lân cận. Tất cả đều hòa đồng trong niềm vui lễ hội, trong niềm vui văn hóa hào hùng và rực sáng. Vì thế, những hội mà ý nghĩa của nó vượt ra khỏi ranh giới của làng thì có khả năng dần dần trở thành hội lễ của toàn quốc và được gọi là quốc lễ. Từ những hội ban đầu xuất hiện ở một làng thuộc một địa phương và từ các vị thần linh được thờ riêng ở một làng đã trở thành những sự kiện văn hóa có tính chất toàn quốc - Hội đền Hùng, Hội đền Gióng, hội đền Hai Bà, hội đền Kiếp Bạc, hội đền Hoa Lư là những bằng chứng như thế. Các truyện cổ dân gian được các làng bảo lưu, truyền tụng và bổ sung đều có quan hệ đến cương thường, phong hóa và thái độ hoặc ngợi ca, trân trọng, hoặc trách cứ, chê bai đối với tất cả những gì là đạo đức và vô đạo đức, góp phần làm cho phong tục thuần hậu, làm cho nhân dân được coi trọng. ứng xử theo tinh thần đạo đức ấy phải có trước, có sau, có trên, có dưới theo quan niệm huyết thống, quan hệ tuổi tác, quan hệ chức tước chẳng những được ghi trong hương ước của từng làng, mà còn được cụ thể hóa, chi tiết hóa bằng những lễ thức và những hành động cụ thể. Đạo đức thành văn và không thành văn trong văn hóa làng đã tạo dựng và củng cố cho những quan hệ hài hòa bền chặt giữa người với người từ thủa xa xưa và được duy trì cho đến ngày hôm nay. Mặt khác, văn hóa làng cũng phản ánh trình độ phát triển nhất định về phương diện thẩm mỹ. Cái đẹp ở đây thể hiện sự hài hòa của những quan hệ người với người, người với thiên nhiên, người với môi trường. Các công trình công cộng như: đình chùa, miếu mạo,..., các tượng Phật, tượng Thần, những chú voi, chú nghê, chú ngựa, những hình khối, những nét chạm khắc..., vừa được thể hiện với nghệ thuật tinh vi, tượng trưng và cách điệu, lại vừa phản ảnh những nếp nghĩ, nếp cảm của một tâm hồn bình dị, hồn nhiên gắn kết với nhau và gắn kết với cuộc sống đời thường. Tính chất bình dị, tự nhiên còn được thể hiện cả trong việc chế tác các nhạc cụ mà người nông dân thường tự tay làm lấy để sinh hoạt hát múa. Bộ kèn hơi, bộ gõ, mõ, thanh ba, bộ đàn dây, đàn tranh, đàn cò, đàn nguyệt cũng đều được làm ra từ gỗ, tre, nứa, từ kim loại sẵn có trong tự nhiên. Những sắc màu được sử dụng trong các làng làm tranh dân gian cũng là những gam màu đẹp tự nhiên; là chất liệu lấy từ đất đá, cỏ cây, hoa lá. Màu xanh của mạ, màu vàng của lúa, màu hồng của hoa sen và màu tím hoa sim được đưa vào tranh để vẽ nên đàn gà, đàn lợn âm dương, những đám cưới chuột, vợ hứng dừa... ý niệm và tính tưởng tượng, biểu cảm và tư duy về đất trời, về hạnh phúc, về sự sinh sôi và phát triển, về nỗi đau và niềm vui sướng của con người thấp thoáng sau những âm thanh và màu sắc đầy dáng vẻ tự nhiên và dung dị. Tất vả đều xoắn xuýt, sum vầy, đoàn tụ trong sinh hoạt của cả cộng đồng làng vừa thanh bình vừa dân dã. Nghiên cứu văn hóa làng - văn hóa ngôn từ, văn chương truyền miệng, phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo..., nghiên cứu cơ cấu xã hội, môi trường xã hội Việt Nam trong văn hóa Việt Nam, nhiều học giả cho rằng chính "chủ nghĩa gia tộc" là cái giải thích tinh thần trọng đạo đức của người Việt Nam, là hệ quy chiếu của mọi giá trị, chuẩn mực. Giá trị tiềm tàng của hệ quy chiếu này giúp để chúng ta phát huy và phát triển những giá trị đạo đức mới trong thời đại ngày nay. Trong bức tranh toàn cảnh của văn hóa làng, hương ước là một thành tố không thể thiếu được. Mỗi làng - xã Việt Nam có một bản sắc riêng làm nên tính đa dạng phong phú, nên hương ước cho chúng ta một bức tranh nhiều màu vẻ về sinh hoạt tại các làng xã Việt Nam cổ. Một đặc trưng hiếm thấy là, trong số lượng lớn hương ước (một số đã xuất bản thành sách, lưu trữ ở Viện Hán Nôm và Viện Thông tin khoa học xã hội) thì hương ước của mỗi làng xã không bao giờ trùng lặp nhau về nội dung. Mỗi hương ước đều ẩn chứa tính đa dạng, tính linh hoạt, tính đặc trưng trong tâm tính người Việt ở mỗi vùng đất khác nhau. GS Đinh Gia Khánh cho rằng, hương ước "là bản ghi chép các điều lệ liên quan đến tổ chức xã hội cũng như đến đời sống xã hội trong làng, các điều lệ hình thành dần trong lịch sử, được điều chỉnh và bổ sung mỗi khi cần thiết" [44, tr. 62]. Hương ước gồm các điều hay qui ước về nhiều mặt của đời sống làng xã như: cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, thờ cúng, khuyến học, bảo đảm nghĩa vụ với Nhà nước, bảo vệ an ninh... Những qui ước đó được tuân thủ qua nhiều thế hệ, trở thành những "thông lệ pháp lý" và là "cương lĩnh" về nếp sống của từng cộng đồng cư dân Việt ở nông thôn, một công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, một tri thức dân gian về quản lý cộng đồng. Có thể nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, sức sống tiềm tàng của văn hóa làng đang từng ngày được hồi sinh và phát triển phù hợp với nguyện vọng chính đáng của mỗi người dân nói riêng và cả cộng đồng dân tộc nói chung. Sức sống bền bỉ của văn hóa làng là dòng chảy không bao giờ cạn trong tâm thức của mỗi con người, và vì thế có thể cho rằng: "Văn hóa làng là một bộ phận tích hợp các năng lực, tính cách, tâm tư, nguyện vọng, hoài bão, thị hiếu của mọi người dân trong thiết chế làng và có sức sống mãnh liệt trong tâm thức của con người từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam". Nó là nguồn nội sinh quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN ở nước ta. 1.3. quan niệm về Làng văn hóa Làng văn hóa là sự phát huy và phát triển những giá trị của văn hóa làng trong thời đại mới. Văn hóa làng chính là nền tảng để chúng ta xây dựng làng văn hóa một cách vững chắc trong bối cảnh hiện nay. Thực tế đã chứng minh, trong quá khứ lịch sử cũng như hiện tại và tương lai, làng luôn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, là nơi lưu giữ trường tồn những giá trị vật chất, tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc. Việc xây dựng làng văn hóa là nhằm phát huy cao độ những giá trị vốn có của văn hóa làng theo định hướng XHCN, đáp ứng được ước mơ, nguyện vọng chính đáng của mọi người dân. Đây là cơ sở để hạn chế đẩy lùi những yếu kém đang tồn tại trong môi trường xã hội nói chung và môi trường văn hóa ở làng quê nói riêng. Có thể nhất trí với quan niệm của nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân khi ông cho rằng: "Làng văn hóa được hiểu như là một mô hình mang tính chủ quan, gắn bó với tính chủ quan của con người mà nội dung của nó bao hàm sự toàn vẹn về mọi mặt trên cơ sở những đặc điểm tích cực nhất. Về mặt lý thuyết, nếu như văn hóa làng còn có thể tồn tại những mặt hạn chế thì làng văn hóa phải được hiểu hoàn toàn ngược lại" [63, tr. 44]. Xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển, đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, có cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội đáp ứng được nhu cầu cơ bản của nông dân, có hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội, tăng cường đoàn kết và ổn định trong nông thôn, giữ gìn trật tự xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng an ninh... cần phải đặc biệt chú trọng đến nội dung xây dựng làng văn hóa. Bộ Văn hóa - Thông tin mà trực tiếp là Cục văn hóa Thông tin cơ sở đã đưa ra 4 tiêu chuẩn để công nhận làng văn hóa là: "Một làng (thôn, bản, ấp) được công nhận là làng văn hóa cần phải phấn đấu thực hiện các tiêu chuẩn sau: a) Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển. b) Có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú. c) Có môi trường cảnh quan sạch đẹp. d) Thực hiện tốt pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước" [39, tr. 66]. Trên cơ sở các tiêu chí lớn nói trên của Bộ Văn hóa - Thông tin, theo chúng tôi, một làng văn hóa được xây dựng trên cơ sở đảm bảo các nội dung chủ yếu sau đây: Một là, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất kinh doanh phát triển, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao. Đây là nhân tố hàng đầu để huy động rộng rãi nhân dân tham gia cuộc vận động xây dựng làng văn hóa. Căn cứ vào điều kiện cụ thể và thế mạnh của từng nơi, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần xác định cơ cấu kinh tế của địa phương mình cho phù hợp. Trên cơ sở cơ cấu kinh tế đã được xác định, từng địa phương tiến hành chỉ đạo các ngành, các cấp khai thác triệt để các nguồn lực, quyết định cơ cấu vốn đầu tư và động viên nhân dân ra sức phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng từng bước tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý, tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Trong những năm qua, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn, các cấp lãnh đạo đã và đang hỗ trợ người lao động đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tích cực sử dụng các loại giống mới, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi. Mặt khác, chú ý sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống, thúc đẩy mở rộng các hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nhờ vậy, kinh tế ở nhiều làng đã có những chuyển biến rõ rệt, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Theo số liệu điều tra mức sống dân cư của Tổng cục thống kê ở xã năm 1997-1998 so với năm 1992-1993 phân theo 7 vùng kinh tế như sau: Bảng 1.1: Mức sống phân theo vùng kinh tế năm 1997 - 1998 Đơn vị tính: % Khá lên Giảm đi Như cũ Chung cả nước 94,80 4,32 0,88 1. Nông dân miền núi, trung du Bắc Bộ 97,77 0,00 223 2. Nông thôn đồng bằng sông Hồng 100,0 0,00 0,00 3. Nông thôn Bắc Trung Bộ 93,65 0,00 6,35 4. Nông thôn Duyên hải miền Trung 89,37 11,63 0,00 5. Nông thôn Đông Nam Bộ 100,0 0,00 0,00 6. Nông thôn Tây Nguyên 100,0 0,00 0,00 7. Nông thôn đồng bằng sông Cửu Long 92,21 7,79 0,00 Nguồn: [93, tr. 12]. Rõ ràng, những năm gần đây mức sống của dân cư đã được nâng lên. Phong trào đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở các làng xã nước ta đang được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng. Theo đó việc vận động xây dựng làng văn hóa đã huy động được cả nhân lực, vật lực, tài lực của các cá nhân và cộng đồng cho hoạt động của phong trào. Các địa phương cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa lợi thế này để quá trình xây dựng làng văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao hơn. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của cuộc vận động xây dựng làng văn hóa. Khác với công chức Nhà nước, cán bộ xã có sự kết hợp chặt chẽ cả bốn yếu tố: người dân, người cùng họ hàng, người đại diện của cộng đồng và người đại diện cho Nhà nước ở địa phương. Bốn yếu tố này vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn, xung đột nhau trong con người cán bộ xã, chi phối các hoạt động của họ, nhất là trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến mối quan hệ giữa các lợi ích cá nhân và cộng đồng. Một thực tế đáng quan tâm là, cán bộ xã nói chung chưa được đào tạo cơ bản về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết cán bộ trưởng thành trong số những thanh niên "không thoát ly được", hoặc là bộ đội xuất ngũ và một số ít cán bộ Nhà nước đã nghỉ hưu. Do vậy, trình độ kiến thức và năng lực công tác còn yếu về nhiều mặt. Số cán bộ cơ sở có trình độ văn hóa dưới phổ thông cơ sở chiếm khoảng 50%, trong đó ở một số nơi (vùng sâu, vùng xa) còn một số cán bộ mới thoát nạn mù chữ, cá biệt có cán bộ chưa đọc thông, viết thạo. Do vậy, năng lực tổ chức các hoạt động còn lúng túng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Mặt khác, đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng tăng làm cho bộ máy quá cồng kềnh. Trong cả nước với 10.500 đơn vị cơ sở có tới trên 2 triệu cán bộ xã, trong đó trên 50% cán bộ do Chính phủ quy định. Hiện nay xu hướng tăng thêm cán bộ xã được hưởng các khoản phụ cấp ngày càng phổ biến ở các địa phương nhưng cuộc vận động xây dựng làng văn hóa không vì thế mà được quan tâm tạo thêm nguồn cán bộ phục vụ phong trào. Điều này đòi hỏi cuộc cải cách bộ máy nhà nước phải quan tâm khắc phục để tạo ra sự vận hành đồng bộ trong chương trình chung. Ba là, tổ chức xây dựng thiết chế văn hóa và tổ chức an ninh của dân. Xây dựng làng văn hóa là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân. Vì vậy mô hình làng văn hóa mới, những thiết chế, cách thức tổ chức hoạt động và mức đóng góp của từng hộ gia đình... phải được nghiên cứu và thảo luận kỹ để giành được sự đồng tình, thống nhất cao trong cộng đồng làng, biến thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và của từng gia đình, dòng họ, cá nhân. Những thiết chế văn hóa cơ bản như: trường học, nhà văn hóa, thư viện, các câu lạc bộ (câu lạc bộ văn hóa dân gian, câu lạc bộ khuyến học...) y tế, đội thông tin, đội văn nghệ, các đội bóng, các hội, đoàn mang màu sắc văn hóa... do nhu cầu ở làng xã cần thiết phải thành lập. Các thiết chế văn hóa này rất cần thiết cho việc khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong các cộng đồng làng. Để duy trì phong tục và tín ngưỡng, mỗi làng có một số tổ chức của dân đã tồn tại lâu đời. Ngày nay nhân dân một số làng xã đang có yêu cầu khôi phục lại một số tổ chức còn phù hợp và có tác dụng. Thực tế ở nhiều nơi đã khôi phục lại một phần (ví dụ Hội bảo thọ) các tổ chức ấy để dân tự quản, tự lo liệu lấy công việc nội bộ như cúng bái đình chùa, tổ chức tang ma, cưới xin, giải quyết xích mích, duy trì phong tục đạo đức, ổn định trật tự an ninh theo qui ước của làng. Lực lượng bảo vệ an ninh làng xóm do dân tự quản lý, có sự chỉ đạo của chính quyền cấp xã sẽ có nhiều thuận tiện trong công việc. Khả năng "tác chiến" mau lẹ, kịp thời, hiệu quả hơn là chờ đợi sự chỉ huy từ cấp trên. Tổ chức chung của dân này cần được đặt một cái tên thích hợp hơn, có thể gọi là "Hội đồng quản trị làng". Bốn là, xây dựng hương ước, qui ước văn hóa của làng văn hóa. Cách đây hơn 40 năm, vào năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiếp đoàn cán bộ tỉnh Thái Bình tại Phủ Chủ tịch đã phê bình các cán bộ địa phương đã "quá tả", xóa bỏ quỹ nghĩa thương và hương ước. Người khẳng định: "Hương ước là những khoản ước trong làng, người ta quy định với nhau không được để trâu bò phá lúa, gà qué ăn mạ... đó là những phong tục hay của nông thôn nước ta trước đây. Từ sau cách mạng, các chú đem xóa bỏ cả, thế là không đúng. Cách mạng chỉ xóa cái xấu, cái dở còn giữ lại cái tốt, cái hay" [30, tr. 48]. Ngày nay, mặc dù bên cạnh xây dựng luật pháp thống nhất với khẩu hiệu "Sống và làm việc theo pháp luật", Đảng và Nhà nước ta vẫn khuyến khích các làng (thôn, bản, ấp) xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa (hương ước mới) để phát huy tinh thần tự quản của nhân dân ở cơ sở. Thực tiễn đang đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải nhìn nhận lại hương ước từ góc độ văn hóa để nó phục vụ sự nghiệp xây dựng nền văn hóa theo định hướng XHCN nói chung và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn nói riêng. Năm là, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với sự đổi mới về chính trị đang diễn ra ở các cộng đồng làng xã hiện nay. Có thể nói, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là sự quyết tâm chiến lược của Đảng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống nông thôn hiện nay. Chủ chương trên đã đem lại cho người dân quyền bàn bạc, quyết định và giám sát tất cả những gì liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ. Thực tế, thông qua thực hiện quy chế dân chủ, nông dân được thức tỉnh mạnh mẽ về quyền và nghĩa vụ của mình trong cộng đồng làng xã cũng như trong toàn xã hội. Có từ 80% đến 90% nông dân trong mọi miền đất nước tham gia vào học tập và triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhờ đó đã thúc đẩy nông dân phát huy quyền làm chủ và sáng tạo xây dựng cộng đồng làng xã và đất nước. ở nông thôn từng cộng đồng làng xã đã tự bàn bạc và quyết định góp vốn, góp công sức xây dựng mới ở nông thôn đường, trường, điện, nước, nhà ở, kênh mương, tạo ra đà phát triển mới ở nông thôn. Mọi tiềm năng trong cộng đồng đều được chú ý khai thác hoặc sẽ khai thác trong thời gian không xa. Mọi sự huy động xã hội để tạo ra sức mạnh chung cho nông dân thật sự đang diễn ra với hiệu quả và triển vọng đáng khích lệ. Sáu là, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa. Mỗi làng cần thường xuyên thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa với bốn nội dung đã được xác định: - Gia đình thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. - Xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, hạnh phúc và tiến bộ. - Đoàn kết, tương trợ xóm làng. - Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân. Thực hiện 6 vấn đề cơ bản nói trên có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến xu thế vận động và phát triển của phong trào xây dựng làng văn hóa ở nước ta nói chung và ở Quảng Nam nói riêng. Xây dựng làng văn hóa là một công việc đa dạng và không ít phức tạp; việc tổ chức thực hiện không thể có một mô hình chung, lý tưởng mà phải phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế của từng vùng, miền. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải huy động được sức mạnh của đông đảo nông dân, cùng với những định hướng và những kinh nghiệm đã và đang có ở một số địa phương để tiến hành xác lập cơ chế tổ chức thực hiện. Làng văn hóa sẽ trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển ở nông thôn Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việc lựa chọn làng là đơn vị cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở khu vực nông thôn là mô hình thích hợp và đúng đắn trong thời kỳ mới. Làng văn hóa là sức sống mới của nông thôn Việt Nam trên chặng đường CNH, HĐH. Xây dựng làng văn hóa phải gắn liền với xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng và thực hiện hương ước, qui ước văn hóa, thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở... trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị tích cực của văn hóa làng truyền thống, nhằm thực sự phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. 1.4. Bản sắc văn hóa làng với việc xây dựng làng văn hóa và xây dựng đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn hiện nay Trong quá trình đổi mới, văn hóa làng có tác động sâu sắc đến quá trình xây dựng đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn nước ta hiện nay. Chính vì vậy, phát huy bản sắc văn hóa làng trong bối cảnh hiện nay là một nội dung quan trọng trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước: "Phát huy bản sắc văn hóa làng xã là làm cho bản sắc văn hóa ấy sáng lên, tức là làm cho nó ngày một đa dạng và phong phú tốt đẹp hơn... Phát huy bản sắc văn hóa làng xã là khai thác vai trò, sức mạnh của nó vào sự phát triển kinh tế - xã hội của làng xã và của cả đất nước" [31, tr. 10], tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở nông thôn nước ta hiện nay. Văn hóa truyền thống làng xã đóng vai trò là nền tảng cho sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn phù hợp với đặc thù đất nước ta. Bài học thực tế ở hàng trăm làng xã Thái Bình và một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ mấy năm vừa qua đã cho thấy: Muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng nông thôn thì phải thực hiện CNH, HĐH theo kiểu mới: "Thực chất kiểu mới đó là phải hướng tới mục tiêu kép: vừa giảm nghèo, tăng giàu lại vừa đảm bảo công bằng xã hội, vừa hướng tới tiến bộ văn hóa văn minh, vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng giải pháp kép: vừa đẩy mạnh kinh tế thị trường vừa kiên trì chủ nghĩa xã hội, vừa tiếp thu giải phóng cá nhân vừa bảo vệ lợi ích công cộng" [40, tr. 20]. Như vậy, mô hình kinh tế - xã hội mà chúng ta lựa chọn hiện nay cần phải thực hiện hai mục tiêu là tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội (trong đó vấn đề cốt lõi là dân chủ và công bằng xã hội), có chiều sâu từ bản sắc văn hóa làng xã. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn bao gồm những nội dung rất rộng. Và, sẽ góp phần tích cực của văn hóa làng xã vào quá trình CNH, HĐH hiện nay ở nông thôn được biểu hiện thông qua việc tham gia vào các quy trình như: "Chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ, máy móc, kỹ thuật vào nông nghiệp làm thay đổi cơ bản nền sản xuất nông nghiệp nước ta, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và trên cơ sở đó mà hiện đại hóa nông thôn (bao gồm tất cả các lĩnh vực đời sống vật chất và đời sống tinh thần) hướng tới trình độ văn hóa văn minh hiện đại trên nền tảng bản sắc văn hóa truyền thống" [31, tr. 11]. Nghiên cứu sự phát triển kinh tế của những làng xã như: Duy Sơn II (Duy Xuyên, Quảng Nam), Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Vân Tràng (Hà Tây)... cho thấy rằng, để phù hợp với xu thế phát triển mới cần phải phát triển một nền kinh tế mang tính tổng hợp, đa dạng và vươn tới sản xuất hàng hóa đáp ứng thị trường vùng, khu vực cả nước và với nước ngoài. Thực tế sự phát triển kinh tế của những làng xã tiêu biểu nêu trên cho thấy người ta có thể dựa vào truyền thống kinh nghiệm của mình được tích lũy trong văn hóa làng xã để tìm ra phương thức, mô hình cho sự phát triển. Vai trò của văn hóa làng xã cổ truyền trong quá trình xây dựng làng văn hóa hiện nay là hết sức to lớn. "Văn hóa làng xã là cơ sở để xây dựng làng văn hóa (thực chất là phát triển văn hóa làng xã lên một trình độ mới, cao hơn)" [31, tr. 14]. Toàn bộ thiết chế văn hóa làng xã xưa: Cổng làng, chợ làng, nghề làng, chùa làng, đình làng, trường làng, hội làng... và kết hợp với thiết chế văn hóa mới hôm nay như: hệ thống điện đến từng hộ dân và cơ sở sản xuất, trạm y tế, bưu điện văn hóa xã, thư viện... là tài sản chung của làng văn hóa hiện nay. Chính vì vậy, cần có giải pháp thích hợp để tạo ra mối quan hệ bền chặt giữa thiết chế văn hóa cổ truyền và thiết chế văn hóa hiện đại trong từng làng văn hóa để tạo ra sức mạnh chung. Bên cạnh đó, những vấn đề như: quan hệ gia đình, dòng họ, dân chủ trong văn hóa làng xã cổ truyền vẫn đang diễn ra và có vai trò quan trọng trong cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở nông thôn nước ta hiện nay. Như vậy, nghiên cứu về bản sắc văn hóa làng để khẳng định vai trò của nó trong quá trình xây dựng làng văn hóa và xây dựng đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn nước ta hiện nay có ý nghĩa quan trọng. GS.TS Nguyễn Duy Quý rất xác đáng khi cho rằng: "Văn hóa làng như vậy đã góp nên sự bền vững của cộng đồng dân cư ở cơ sở của xã hội nước ta đã vượt qua bao thử thách khó khăn. Mong muốn xây dựng văn hóa cơ sở ở làng xã thì cần phải phát huy những cái hay và khắc phục những mặt bất cập của văn hóa làng" [12, tr. 65]; và "Làng văn hóa không thể là làng nghèo, không thể có quá nhiều hội hè, đình chùa khang trang rực rỡ mà trường học, trạm xá thì mái dột tường xiêu" [12, tr. 66-67]. Đây cũng chính là những nội dung lớn mà cuộc vận động xây dựng làng văn hóa ở nước ta đang nghiên cứu giải quyết trong những năm tiếp theo. Chương 2 làng và văn hóa làng ở Quảng Nam 2.1. Khái quát về đặc điểm địa lý tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội Quảng Nam 2.1.1. Địa lý tự nhiên Tỉnh Quảng Nam là vùng đất nằm ở miền Trung của đất nước trên trục 14053'- 16013' vĩ độ Bắc, 107013-108044' kinh độ Đông. Vị trí này nằm chính giữa trục giao thông Bắc - Nam và đường sắt (ga Tam Kỳ cách ga Hà Nội phía bắc 864 km, cách ga Hòa Hưng - thành phố Hồ Chí Minh phía Nam 862 km), đường bộ, đường thủy, đường hàng không của cả nước và khu vực Đông Nam á. Đây cũng là địa bàn cuối của miền Trung nước ta vừa có biên giới với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây vừa giáp biển Thái Bình Dương ở phía Đông. Từ bờ biển của Quảng Nam đến biên giới Việt Lào, chỗ hẹp nhất là 72 km, nơi rộng nhất là 125 km. Bờ biển Quảng Nam dài 125 km trải dài từ Cửa Đại (Hội An) đến Vịnh Dung Quất ở cực Nam của tỉnh Quảng Nam (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, giáp huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi). Là một vùng đất tương đối rộng, Quảng Nam có địa hình, địa mạo nghiêng từ Tây sang Đông; tạo nên những tiểu vùng địa lý, khí hậu, kinh tế, văn hóa hết sức đa dạng, phong phú. Tổng diện tích tự nhiên là 10.406 km, đất nông nghiệp: 1.040 km2, đất lâm nghiệp: 8430 km2, mặt nước trong đất liền: 28.000 ha. Theo nguồn gốc phát sinh thì có 10 nhóm đất chính với 34 loại đất, trong đó, nhóm đất đỏ chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh. Quảng Nam là một trong những tỉnh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu hai miền Nam - Bắc, là một vùng lãnh thổ có đầy đủ các ưu thế để phát triển sản xuất. Ngày xưa, đường sông là con đường giao thông thuận lợi nhất, giúp cho việc trao đổi hàng hóa từ vùng này đến vùng khác, là chiếc cầu nối văn hóa của vùng này với vùng khác, trao đổi và tiếp biến văn hóa đã diễn ra khá sôi nổi ở Quảng Nam trong giai đoạn này. Quảng Nam có "hệ sinh thái vùng cửa sông và các bãi triều, bãi bồi, các bãi sú vẹt ngập mặn trên các dòng sông là nơi giàu có về nguồn thức ăn, có điều kiện thích hợp về nhiệt độ, muối, nguồn dinh dưỡng... Đây là các bãi đẻ, bãi sinh trưởng của các loài thủy hải sản, nhất là tôm, cua và một số loài cá. Đây là hệ sinh thái góp phần quan trọng vào việc tái tạo tự nhiên nguồn lợi thủy sản" [86, tr. 29]. Quảng Nam là một trong những tỉnh đầu tiên ở nước ta có quá trình đô thị hóa rất sớm và có hai trung tâm đô thị lâu đời là: Hội An và Tam Kỳ. Hội An, nay là thị xã được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới; cách Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Đông Nam. Hội An trong du ký của các nhà hàng hải Trung Quốc gọi là Hải Phố - xưa là đất đai của miền Amarati cách không xa vùng Sinkapara (Trà Kiệu), Indrapara (Đồng Dương) và di tích đền đài của vương quốc Chăm Pa ở Mỹ Sơn (di sản văn hóa thế giới). Hội An là một thương cảng lớn ở vùng Đông Nam á có nhiều tàu thuyền qua lại, có phố xá buôn bán sầm uất từ đầu thế kỷ XVII. Nằm bên bờ sông Thu Bồn, Hội An là một cảng sông tiện lợi để đi về vùng cao (theo sông Vu Gia) và vào đến Tam Kỳ (theo sông Trường Giang). Tam Kỳ là một trong những thị xã lớn ở nước ta và trong tương lai chắc chắn sẽ trở thành một thành phố thương mại và dịch vụ, một cảng sông quan trọng của miền Trung Trung bộ. Quảng Nam có mối quan hệ về địa lý - kinh tế gắn liền với Tây Nguyên qua quốc lộ 14 đi Kon Tum và xuyên suốt Tây Nguyên đến Đông Nam bộ hoặc rẽ sang đường 15 qua hạ Lào. Chính vì vậy mà Quảng Nam có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với Nam trung bộ và Tây Nguyên về mặt kinh tế và quốc phòng. Đây còn là một địa bàn du lịch nổi tiếng đã được khai thác và sẽ còn nhiều tiềm năng để khai thác thêm. Người Quảng Nam tự hào với hai di tích được xếp hạng Di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn; với di tích lịch sử kháng chiến chống Mỹ oai hùng Núi Thành, Chu Lai... Những tên gọi không chỉ quen thuộc đối với mỗi người dân Quảng Nam, mà còn tạo nên sự thân thuộc đối với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Vùng kinh tế sinh thái - nhân văn Quảng Nam là một vùng có nhiều tiềm năng và động lực phát triển. Nó sẽ đóng vai trò là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn ở miền Trung và Tây Nguyên. Nếu như trong tương lai xa, nền kinh tế lúa nước không còn giữ vị trí quan trọng như hiện nay thì Quảng Nam với sự tồn tại của vùng sinh thái biển, vùng sinh thái gò đồi chuyên trồng những cây công nghiệp và những giống cây có giá trị kinh tế xuất khẩu thay thế một phần lớn diện tích cây lúa, vùng sinh thái rừng nhiệt đới với những gỗ quý làm cơ sở cho nền công nghiệp lâm sản phát triển thì Quảng Nam có thể trở thành một vùng động lực kinh tế vào loại hàng đầu ở nước ta. 2.1.2. Lịch sử Quảng Nam Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Quảng Nam xưa là đất Việt - Thường Thị, đời Tần (246-207 Tr.CN) thuộc về Tượng quận; đời Hán (206-1 tr. CN đến 1-129 sau CN) thuộc quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam có huyện Lư Dung và Châu Ngô. ở Lư Dung có bến nước Lượm Vàng, thế truyền tại sông Tranh và sông Tu thuộc đạo trà Nô phủ Thăng Bình thường có sản xuất vàng. Châu Ngô thuộc Thừa Thiên, còn Lư Dung chính là Quảng Nam. Về sau bị Lâm ấp chiếm cứ. Nước Lâm ấp bị tướng nhà Tùy tên là Lưu Phương bình định năm Đại Nghiệp nguyên niên (605), đổi làm quận Hải Ân, thống trị 4 huyện. Một trong 4 huyện có huyện Tân Dung (tức Lư Dung cũ). Cuối đời nhà Tùy, quận Hải Ân bị Lâm ấp lấy lại. Đến đời nhà Tống lấy làm đất Chiêm Thành tức là Lý Châu và Chiêm Động. Đời Trần Anh Tôn, năm 1306, sau vụ gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm là Chế Mân và được Chế Mân dâng hai châu ô, Lý làm lễ nạp trưng; vua Trần đặt làm Thuận Châu và Hóa Châu. Thuận Châu tức Quảng Trị, Hóa Châu nay là Thừa Thiên và Điện Bàn - Quảng Nam, Chiêm Động cũng bị người Minh chiếm năm 1402, đặt làm hai châu Thăng và Hoa. Hai châu này có thuộc nhà Minh trên đồ lịch, nhưng trong thực tế vẫn do người Chiêm chiếm cứ. Sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, đất Chiêm Động thuộc quyền nhà Lê, nhưng vua Lê chỉ mới đặt làm đất Kymi (đất ràng buộc chứ chưa thành thuộc địa). Đời vua Lê Thánh Tông, sau các vụ người Chiêm Thành xua quân cướp phá Hóa Châu năm 1469 và 1470; vua thân chinh cầm quân đi đánh dẹp. Năm sau, 1471, vua vây thành Chà Bàn bắt được Chà Toàn, rồi dùng hàng thần người Chiêm trông coi quân dân sự. Vua lấy đất ấy đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, chia làm ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Đời các chúa Nguyễn, năm 1602, Quảng Nam thừa tuyên đổi thành Quảng Nam dinh với ba phủ như cũ và đặt các quan chức trấn thủ, cai hộ và ký lục. Năm 1605, tức là 3 năm sau, lấy thêm huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong (Thuận Hóa) thăng làm phủ và cho nhập vào Quảng Nam. Như thế lúc bấy giờ Quảng Nam dinh gồm 4 phủ Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Sau gần ba mươi năm dưới quyền Tây Sơn đến năm 1801, Nguyễn ánh khôi phục Quảng Nam, lấy hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa làm Quảng Nam dinh chỉ còn hai trong 4 phủ của Quảng Nam dinh cũ. Năm 1805, Gia Long đổi Quảng Nam dinh thành Trực Lệ Quảng Nam dinh lệ thuộc kinh sư. Năm 1827, Minh Mạng bỏ hai chữ Trực Lệ, đặt các chức Trấn thủ, Hiệp tấn và Tham hiệp. Năm 1832, đổi thành tỉnh kiêm cả Quảng Ngãi, đặt chức Tuần vũ Nam Ngãi (Quảng Nam- Quảng Ngãi) và hai ty Bố chánh, án sát. Năm 1836, đặt thêm huyện Quế Sơn, năm Thành Thái thứ 11 (1899), đặt thêm huyện Đại Lộc thuộc phủ Điện Bàn; năm 1906 cải huyện Hà Đông làm phủ Hà Đông, về sau cải làm phủ Tam Kỳ kiêm lý huyện Hà Đông. Căn cứ các sổ địa bạ Quảng Nam lập trong hai năm Gia Long 13 và 14 (1814- 1815), Quảng Nam dinh gồm hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa, chia làm 5 huyện, 29 tổng, 7 thuộc, 937 làng (610 xã, 163 thôn, 74 châu, 41 phường, 24 ộc, 1 bức, 7 man, 10 ấp, 6 trại, 1 giáp). Thời Pháp thuộc, năm 1888 Đà Nẵng tách ra thành một thành phố thuộc địa Pháp, hoàn toàn tự trị; cho tới 1945, Đà Nẵng mang cái tên mới là thành Thái Phiên và tỉnh Quảng Nam thành Trần Cao Vân. Song cái tên ấy biến dần để trở thành Quảng Đà. Sau năm 1954, vùng phủ Thăng Hoa cũ mang cái tên mới là tỉnh Quảng Tín và sau đó bị xóa bỏ để mang cái tên mới: tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sau chiến thắng 30/4/1975. Đến 1/1/1997, theo Quyết định của Chính phủ, Quảng Nam và Đà Nẵng tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập. Tỉnh Quảng Nam hiện nay gồm 14 huyện thị: Điện Bàn, Quế Sơn, Hội An, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Núi Thành, Hiệp Đức, Trà My, Tiên Phước, Nam Giang, Phước Sơn, Hiên. 2.1.3. Đặc điểm kinh tế - xã hội Trong điều kiện của một tỉnh còn nghèo lại vừa mới tách ra còn gặp nhiều khó khăn, song Quảng Nam vẫn giữ được sự ổn định và phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tốc độ tăng trưởng hàng năm đều khá cao, nội lực bước đầu được khơi dậy và phát huy. Lĩnh vực văn hóa xã hội đạt được nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân nhìn chung được cải thiện. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tính đến cuối năm 2000, Quảng Nam đã đạt được những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế so với kế hoạch đã được đề ra như: Tổng sản phẩm xã hội của Quảng Nam tăng tương xứng với mức bình quân cả nước (7,6%). Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất tăng liên tục, đạt trên 3,8% năm, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8,5% năm, nhập khẩu vật tư cung ứng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất... cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm được nâng cao và bảo đảm hiệu quả kinh tế. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu, các dự án 661,773, định canh - định cư, di dời dân,... nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Tổ chức định canh định cư cho 4.820 hộ đồng bào miền núi, gần 8.000 hộ vùng ven sông sạt lở. Đời sống đồng bào dân tộc, miền núi, và nhân dân vùng sâu, vùng xa được cải thiện rõ nét. Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã và đang chuyển mình theo hướng tích cực. Đặc biệt, năm 2000, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt kết quả khá, chính thức gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 1.003.517 triệu đồng, vượt 1,5% kế hoạch, tăng 18,07% so với năm 1999 [88, tr. 34]. Thương mại, xuất khẩu cũng đang là thế mạnh ở Quảng Nam. Các mặt hàng từng nổi danh như: quế Trà My, tiêu Tiên Phước, yến sào Cù Lao Chàm (Hội An), hàng thủ công mỹ nghệ... xuất hiện trên các thương trường trong và ngoài nước. Năm 2000, giá trị xuất khẩu đạt 256 triệu USD [88, tr. 29]. Khoảng cách giữa miền núi và thành thị ở Quảng Nam được rút ngắn. Điện lưới quốc gia đi vào vận hành đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo ở nông thôn. Đến nay toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 đề ra là: 100% huyện, thị, 70% xã, thị trấn và 80% số hộ có điện lưới quốc gia. Giao thông vận tải và truyền thông đại chúng đã nhanh chóng được xây dựng ở các vùng dân tộc thiểu số; các cơ sở y tế đã giải quyết được cơ bản bệnh sốt rét, bướu cổ; 723 ha rừng được trồng trong năm 1999; đời sống người dân miền núi được cải thiện rõ rệt. Thu, chi ngân sách đều tăng, ngân sách được cân bằng. Tỷ lệ dân số phát triển tự nhiên đạt 0,6%. Nền kinh tế của Quảng Nam từ 1997 đến 2000 liên tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 7% năm. Sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa. Trong mặt hàng xuất khẩu, hải sản (chiếm 37,8%) và tiểu thủ công nghiệp (chiếm 23%) có vị trí hàng đầu. Cơ cấu kinh tế mới "công - nông nghiệp - du lịch - dịch vụ" đã bắt đầu vận hành trong xu thế đẩy mạnh CNH, HĐH của địa phương hiện nay. Quảng Nam rất chú trọng đến công tác văn hóa - xã hội nhằm cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tổ chức chu đáo việc sưu tầm danh sách và đề nghị công nhận 5.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong 3 đợt với nghi thức trọng thể cùng các chính sách kèm theo. Việc xây dựng các Đài tưởng niệm lịch sử ở Thượng Đức, Hà Lam, Chợ Được; xây dựng "quỹ đền ơn đáp nghĩa" cùng với việc giải quyết chính sách cho 200.000 người trong diện chính sách (chiếm 13,7% dân số); 54.000 liệt sĩ, 2.700 thương binh và giải quyết việc làm khoảng 4 vạn lao động và cho hơn 2.800 hộ đói nghèo vay vốn để sản xuất là những biện pháp làm tăng thêm nguồn động lực kinh tế và văn hóa vì sự phát triển mạnh mẽ của Quảng Nam. Tỉnh đã cố gắng tập trung đầu tư đúng mức và hợp lý cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đến năm 2000-2001 có 53% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi đi mẫu giáo; 96,68% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo, tổng số trẻ em huy động vào lớp 1đạt 98,1%. Học sinh tuyển mới vào lớp 10 phổ thông đạt 98,1% so với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh tuyển mới vào các trường trung học chuyên nghiệp đạt 98,5% kế hoạch; trên 10% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển mới vào các trường đại học và các trường dạy nghề. Quảng Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ vào đầu năm 1998 [88, tr. 54]. Đất Quảng là mảnh đất đã sinh ra những chí sĩ có tầm cỡ lớn như: Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Ngày nay, tiếp tục truyền thống ấy, và để bắt kịp với sự biến đổi của dân tộc và thời đại thế kỷ tương lai, Quảng Nam đặc biệt cần phải coi trọng hơn nữa việc đào tạo một đội ngũ trí thức mới có đủ tài năng và dũng khí, phát triển khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, đẩy mạnh công việc ứng dụng công nghệ mới vì sự nghiệp phát triển của CNXH và vì danh dự của một tỉnh anh hùng trước ngưỡng cửa của một thế kỷ mới. 2.2. Làng ở Quảng Nam Vấn đề làng ở Quảng Nam cần phải được tiến hành khảo sát và tổng kết một cách khoa học trong bối cảnh hiện nay. Do chiến tranh kéo dài liên miên, Quảng Nam thuộc vào một trong những tỉnh chịu nhiều thương tổn bậc nhất của các cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Bóng dáng làng quê với "cây đa, bến nước, sân đình" ở nhiều nơi đã bị hủy hoại bởi chiến tranh. Mặt khác, vấn đề quần cư, họ tộc, tâm linh, tôn giáo... cũng có những nét đặc thù so với các địa phương khác, vì Quảng Nam xét về mặt địa - văn hóa là vùng đất hội tụ của các nền xã hội: Đại Việt, Chiêm Thành và xã hội bản địa, là nơi giao thoa và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ khi thương cảng Hội An phát triển cực thịnh vào thế kỷ XVII. Hơn nữa, Quảng Nam là địa phương duy nhất trong cả nước đang hiện diện hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn - là nguyên nhân tạo nên một môi trường văn hóa đa màu, đa sắc của xứ Quảng. Do vậy, để nhận diện được làng Quảng Nam cần phải thông qua quá trình khảo sát qui mô để phát hiện ra nét đặc thù ở từng làng, từng khu vực để có cơ sở đánh giá khoa học. Với những khảo sát bước đầu, có thể phân loại làng ở Quảng Nam theo các cách tiếp cận sau đây: 2.2.1. Làng Quảng Nam - nhìn từ góc độ nghề nghiệp Làng mang tính nghề nghiệp là loại làng chiếm ưu thế nổi bật ở Quảng Nam. Dưới góc độ tiếp cận này, có thể phân chia làng ở Quảng Nam thành những loại hình cơ bản sau: 2.2.1.1. Làng thuần nông Cũng như trong phạm vi cả nước, làng thuần nông là hình thức làng phổ biến nhất ở Quảng Nam từ xưa đến nay. Theo thống kê, trong số 1551 làng (bản, thôn) ở Quảng Nam có 1318 làng thuần nông chiếm 85% tổng số làng. Làng thuần nông lấy cây lúa và cây công nghiệp làm cơ sở kinh tế chủ đạo. Sách Đại Nam nhất thống chí, mục "khí hậu" có chép về công việc làm nông của xứ Quảng: "...Thổ nghi nhà nông có 5 đảng: ruộng hạ, thì mùa đông cấy, màu hạ gặt; ruộng mùa thì mùa hạ cấy, mùa đông gặt; ruộng hai mùa đã gặt ở mùa hạ lại gặt ở mùa thu; ruộng hạ hạn, một lần gặt trong tháng 2,3,4 và một lần gặt trong tháng 10, tháng 11; ấy là phân theo đất ruộng cao thấp nên sự cấy gặt có sớm muộn vậy" [19, tr. 14]. Xét về thổ nhưỡng, làng thuần nông ở Quảng Nam gắn bó với các loại hình sau: Ruộng rộc là ruộng thấp, nằm ở vùng đất trũng, tích tụ nhiều phù sa sau mỗi trận lụt và không sợ thiếu nước. Ruộng này xếp vào loại "nhất đẳng điền" - Vụ lúa tháng tám thu hoạch xong mà mùa lụt chưa đến sớm, người ta chỉ cần bừa qua một lượt rồi bỏ đó chờ ăn "lúa sinh khôn". Đây là một lối canh tác tận dụng hiệu quả của đất đai; chẳng tốn công sức bao nhiêu nhưng có năm cho sản lượng cao. "Lúa sinh khôn" đã đem lại sản lượng đáng kể cho nhà nông trong các làng ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn. Ruộng triều có độ cao trungbình so với địa thế đất đai chung quanh. Loại ruộng này khá thuận lợi so với việc canh tác, tưới tiêu. Ruộng treo là loại ruộng cao hơn tất cả, nhưng thấp hơn đất thổ, có khả năng giữ nước cho cây lúa phát triển với điều kiện bờ được đắp, được chăm sóc cẩn thận. Ruộng này thường ở gần thổ cư, nên tục ngữ địa phương có câu"Ruộng nhất ở xa, không bằng ruộng ba ở gần" là có ý nói đến việc thăm nom thường xuyên; đặc biệt là theo dõi mực nước cần thiết để cho cây lúa sinh trưởng. Đất ba châu còn gọi là đất tân bồi, đất nà, đất nùng...; loại đất này được phù sa bồi đắp dọc những triền sông, đất cát pha, tơi xốp, màu mỡ hơn tất cả so với các loại đất khác; phù hợp cho cây dâu tằm và các loại hoa màu như: ớt, thuốc lá, đậu nành, dưa hấu... Do đó, người ở vùng đất ba châu này thường có cuộc sống sung túc, dáng vẻ thanh tú hơn người sinh sống ở các vùng đất khác: "Con gái ba châu làm dâu đất điền Cũng đáng đồng tiền dạm hỏi cưới xin". Đất đồi là loại đất ở triền núi, hay gò trước núi. Nông sản chủ yếu trên loại đất này là sắn, khoai. Sự phân loại đất là một trong những biểu hiện tiến bộ của trình độ canh tác qua tiến trình lịch sử. Đây là kết quả của những kinh nghiệm tích lũy do những con người gắn bó với đất đai, với hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân xứ Quảng. Công việc canh tác lúa ở Quảng Nam trước đây rất vất vả. Do vậy, người dân ở những địa phương khác khi có người thân đến đất Quảng để làm ăn đều phải thở dài: "Dậm chưng xuống đất kêu trời! Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra". Tuy nhiên, ở Quảng Nam cũng có những cánh đồng rất phì nhiêu thuận lợi cho quá trình sản xuất và cho sản lượng lúa cao như ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... Đặc biệt, làng nông ở những huyện này đã cho ra loại gạo nấu cơm ngon có tiếng: "Nhứt gạo lúa can, nhì gan cá bống". Từ sau năm 1975, cùng với việc xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh kết hợp với quá trình nhân các giống mới; lúa đã được trồng 3 vụ/năm. Canh tác lúa trong các làng đã được tiến hành chủ động nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất lúa ngày càng cao trong các làng thuần nông ở Quảng Nam. 2.2.1.2. Làng nghề Quảng Nam có trên 50 nghề và làng nghề thủ công truyền thống dưới nhiều hình thức cũng như qui mô sản xuất khác nhau. Nhiều sản phẩm được giới thiệu và bán rộng rãi trong và ngoài nước. Một số địa danh làng nghề tiêu biểu được lưu truyền qua những câu ca dao, lý ở Quảng Nam: "Bảo An có thợ nấu đường. Vôi vừa thén khéo chẳng nhường nhịn ai Thợ dệt có làng Thi Lai Đông Yên, tứ Mã gái trai biết đều Ngã Giáp thì có thợ thêu...". Nhiều tên làng và sản phẩm trở nên gần gũi, quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước như: * Chiếu cói: Bàn Thạch (Duy Xuyên) * Chằm nón lá: Chợ Chùa, Mã Châu (Duy Xuyên); Mông Lãnh, Dưỡng Mông (Quế Sơn). * Nước mắm: Trường Xuân (Tam Kỳ). * Trống (trống lịnh, trống chiến, trống chầu): Lâm Yên (Đại Lộc) * Đồ gốm, sành, sứ (chum, vại, hũ, gạch, ngói, nồi niêu, chén bát): Thanh Hà (Hội An), Phúc Lâm, Lò Chén (Quế Sơn). * Lụa tơ tằm đũi lãnh, dệt vải bông: Mã Châu, Thi Lai, Đông Yên, Bảo An, Phú Đông, Hà Mật, Đông Bàn, Xuân Đài, Tư Phú, La Qua (Điện Bàn, Duy Xuyên). * Thêu trướng hoành phi, liễn, áo quần: Ngũ Giáp (Điện Bàn). * Đúc đồng: Phước Kiều (Điện Bàn). * Đóng ghe bầu, ghe chiến đi biển và nghề mộc, chạm trổ, cẩn xà cừ: Kim Bồng (Hội An). * Nấu đường mía: Bảo An (Duy Xuyên), Phương Trì (Quế Sơn). * Trồng các loại rau sống: Trà Quế (Quế Sơn). * Làm lúa: Chợ Chùa (Duy Xuyên). * Làm thịt bò tái: Cầu Mống (Điện Bàn). * Làm quế, miếng lát quế, ấm chén quế bằng cây và vỏ quế: Trà My. * Khai thác chế biến yến sào: Cù Lao Chàm (Hội An). Mỗi làng nghề truyền thống của Quảng Nam đều có những nét đặc thù riêng, sức sống riêng, đã định hình và đã gắn chặt trong tâm thức cũng như trong sinh hoạt của con người xứ Quảng. Trong số các làng nghề vừa nêu trên, có 3 làng nghề nổi tiếng nhất mà cho đến nay giá trị và hiệu quả hoạt động vẫn còn tác dụng rất tốt đó là: Làng dệt Duy Trinh: Đây là chiếc nôi, đất tổ của nghề dệt lụa tơ tằm, ra đời sớm từ những năm 1928- 1930. Người có công sáng lập, tạo dựng làng nghề như cụ Võ Dần, Cửu Viễn đã tập hợp con cháu, bà con trong làng hướng dẫn việc nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi, đóng khung cửi dệt lụa, lãnh... Làng dệt Duy Trinh đã có những thời kỳ hưng thịnh, được đánh dấu bằng những mốc thời gian như năm 1930, 1945, 1964, 1976. Ngày nay, làng dệt Duy Trinh là một hợp tác xã vẫn hoạt động rất năng động. Đến cuối năm 1994 đã cổ phần hóa 100% tạo nên động lực kích thích sự thay đổi và phát triển nhanh chóng cơ cấu sản xuất, tiếp thị thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Với đồng vốn hợp tác xã 2 tỷ đồng, với hơn 800 lao động, 2275 nhân khẩu ăn theo, hàng năm Duy Trinh sản xuất từ 13 đến 15 triệu mét lụa vải. Chắc chắn, làng dệt Duy Trinh sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới. Làng đúc đồng Điện Phương (Điện Bàn): Từ xa xưa, những người dân của 2 làng Phước Ninh và Đế Kiều xứ Bắc đã tụ hội vào dinh chấn Thanh Chiên - trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của Quảng Nam (từ thế kỷ 15-19) để làm ăn, lập nghiệp mang theo nghề đúc đồng nổi tiếng và lưu truyền cho đến ngày nay. Để tưởng nhớ nơi chôn rau cắt rốn, họ ghép hai tên làng trên thành Phước Kiều thuộc xã Điện Phương (Điện Bàn). Sản phẩm của làng Phước Kiều gồm đồ thờ cúng: chân đèn, lư hương, khay trầu, bình rượu và hàng kỹ xảo: tứ linh (long, lân, quy, phụng); đồ tế lễ hội như: chiêng, thanh la, chuông (có cả đại đồng chuông cho nhà chùa); đồ dân dụng như: mâm, nồi, soong, chảo, chén, bát... Các sản phẩm của làng nổi tiếng không chỉ ở miền Trung và Tây Nguyên mà còn ở phạm vi cả nước. Làng mộc Kim Bồng (Hội An): Nhiều thế hệ thợ mộc làng Kim Bồng không những đã để lại dấu ấn tài nghệ tuyệt vời của mình ở các di tích đô thị cổ Hội An mà còn trong nhiều di tích khác ở Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh... Sản phẩm dân dụng của nghề mộc Kim Bồng từ xưa đến nay không những có mặt ở trong nước mà còn vượt đại dương theo thuyền buôn có mặt ở nhiều nước. Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho một số thợ mộc lành nghề. Ngày nay, trong các xóm ngõ của gần 100 hộ gia đình với hàng trăm thợ thủ công lành nghề của làng mộc nổi tiếng này vẫn lao động miệt mài với nghề chạm khắc gỗ, đóng gỗ dân dụng, làm nhà... Đặc biệt nghề đóng thuyền đi biển trọng tải 10 tấn đến 20 tấn cho khách hàng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận khá phát triển trong thời điểm hiện nay. 2.2.1.3. Làng kết hợp nông nghiệp - thủ công - dịch vụ Đây có thể xem là mô hình mới không chỉ riêng của Quảng Nam mà trở thành mô hình tiêu biểu trên phạm vi của cả nước. Đó là làng Duy Sơn II (Duy Xuyên). Từ một làng xã thuần nông với trên 1250 hộ, đến năm 1995 do năng động chuyển sang hình thức hoạt động đa dạng, đa ngành nên đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tính thuyết phục trong hoạt động của Duy Sơn II thể hiện trên các mặt sau: * Huy động toàn bộ nhân lực của làng, đồng tâm hiệp lực và xây dựng được một trạm thủy điện có sản lượng hơn 2 triệu KW/năm, không chỉ phục vụ cho làng xã mà còn đáp ứng nhu cầu cả các vùng lân cận, doanh thu năm 1999 đạt hơn 1 tỷ đồng. * Đáp ứng kịp thời các dịch vụ về làm đất, thủy lợi, giống, bảo vệ thực vật, thú y trong sản xuất nông nghiệp. Tưới tiêu chủ động 100% diện tích gieo trồng. Năng suất lúa đông - xuân cho sản lượng 44,8 tạ/ha, vụ xuân - hè đạt 40 tạ/ha. Vụ hè - thu đạt 52 tạ/ha và vụ ba đạt 37,5 tạ/ha. Đạt bình quân 570 kg thóc/người. * Chú trọng phát triển ngành dệt và kinh doanh thương mại vải sợi ở địa phương. Các hộ xã viên có năm đã sản xuất được trên 700.000 m vải. * Hình thành được ngành may công nghiệp, có 180 lao động làm việc thường xuyên. Năm 1999 đã sản xuất được 286.000 sản phẩm các loại để xuất khẩu, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng. * Ngành thủ công mỹ nghệ mây tre có 200 lao động doanh thu năm 1999 gần 3,5 tỷ đồng... Toàn bộ doanh thu năm 1999 của hợp tác xã là 21 tỷ, lãi 256 triệu đồng. Với những thành tựu đạt được nêu trên, Duy Sơn II thực sự là điển hình tiêu biểu của mô hình kinh tế mới ở nông thôn Quảng Nam thể hiện sự cần thiết và khả năng phát triển phổ biến của các cộng đồng làng xã qua đổi mới hoạt động hợp tác xã. Đổi mới hợp tác xã và phát triển nông nghiệp, nông thôn là quan hệ sống còn ở một cộng đồng làng xã hiện nay không chỉ ở Quảng Nam mà ở phạm vi toàn quốc. 2.2.1.4. Làng thủy cơ Làng thủy cơ là những làng thiết lập trên mặt nước (còn gọi là làng vạn chài hay làng chài), gồm những cư dân làm nghề chài lưới hay chở đò. Quảng Nam có nhiều sông ngang dọc. Kể từ Bắc vào Nam có những con sông chính là sông Thủy Tú; sông Cẩm Lệ; sông Yên; sông Vĩnh Điện; sông Thu Bồn; sông Bà rén; sông Trường Giang; sông Ly Ly; sông Tam Kỳ; sông Vĩnh An; sông Cây Trâm; sông Bà Bầu; sông Trầu; sông An Tân. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ Chiên Đàn chảy ra đến Cửa Đại là sông lớn nhất của Quảng Nam. Tuy nhiều sông, nhưng các làng thủy cơ chủ yếu tập trung ở sông Thu Bồn và một số ở sông Vu Gia. Thông thường thì số làng chài nào cũng phụ thuộc với một xã thôn ở trên đất. Và như vậy làng chài chỉ là một thôn của làng khác. Đó là do Nhà nước phong kiến bắt theo về một xã thôn trên đất để tiện việc thu thuế. Cho nên những dân thủy cơ tuy phải đóng sưu thuế cho lý trưởng mà vẫn không có liên lạc gì với xã thôn ấy cả. Thực ra, làng thủy cơ là một đơn vị hành chính độc lập, có đủ tổ chức như một xã thôn trên cạn. ở Quảng Nam, các làng thủy cơ không họp thành tổng thủy cơ như ở Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế; song các làng đều có mối quan hệ với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất (đánh bắt cá, làm dịch vụ...) và đều có quan hệ mật thiết với các làng thuần nông. Hầu hết các làng đều có ruộng đất để sản xuất lúa, nông sản và có cả vườn tược. Đây là nét khá độc đáo của mô hình làng thủy cơ ở Quảng Nam so với các địa phương khác. Nói là làng, song địa bàn của họ là mặt nước trên các sông. Sông Thu Bồn, Vu Gia... chưa có sự phân chia địa giới, nhưng hầu như có sự quy định ngầm về diện tích mặt nước mà mỗi làng được quản lý khai thác. Mỗi gia đình thủy cơ là một con thuyền lớn kèm theo một số thuyền con để đánh cá sông hoặc làm dịch vụ như: chuyển cát, sỏi hay đưa hàng từ miền xuôi lên miền núi và ngược lại. Đất Quảng Nam có câu ca dao ai cũng thuộc: "Nhón chân kêu bớ nậu nguồn Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên". đã chỉ rõ hoạt động trao đổi giữa hai làng là trao đổi các loại lâm thổ sản miền núi và hải sản, sản vật miền đồng bằng. Gia đình thuyền chài sinh hoạt chung trong một con thuyền bao gồm cha mẹ, con cái và có khi cả ông bà, cháu chắt. Khi con cái có gia đình riêng thì có sự tách thuyền để lập gia đình mới. Việc hôn nhân thường diễn ra giữa thanh niên thanh nữ trong các làng thủy cơ với nhau. 2.2.1.5. Làng di dân Xét về mặt xã hội, quá trình di dân lập làng mới có thể do các nguyên nhân chủ yếu sau: Một là, do thay đổi môi trường để phát triển kinh tế. Hai là, do quá trình gia tăng dân số ở các làng. Ba là, một số người muốn lập chỗ ở mới với những lý do khác. ở Quảng Nam, nguyên nhân tách làng để lập làng mới vì nhu cầu phát triển kinh tế chiếm ưu thế lớn nhất. Loại làng di dân sớm nhất xuất hiện vào thế kỷ XIV. Một trong các làng đó là làng Bảo An (Điện Quang, Điện Bàn). Theo gia phả các họ lâu đời nhất trong làng còn để lại; tổ tiên của ba gia đình Phan, Nguyễn, Ngô đều gốc huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, Thừa Tuyên Nghệ An. Ba vị đã kết bạn cùng khai phá vùng đất phía bắc sông Thu Bồn được gần 40 mẫu ta (mẫu = 5.000 m2) lập ra làng Bảo An. Đây là làng nổi tiếng về nghề dệt lụa và nấu đường. Đây cũng là vùng đất nổi tiếng có những học trò giỏi và đỗ đạt. Cho mãi đến hôm nay, làng Bảo An được xem là mẫu hình tốt ở Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục và lòng yêu nước. Trong quá trình lịch sử, việc di dân lập làng luôn luôn diễn ra và trong thời điểm hiện tại hiện tượng này vẫn đang diễn ra. ở miền núi Quảng Nam trong khu vực các huyện: Phước Sơn, Nam Giang, Hiên trong những năm gần đây nổi lên hiện tượng rất đông cư dân các tỉnh khác kéo về đây để đãi vàng. Trong quá trình kiếm sống, một số cư dân do nhiều lý do khác nhau đã tự san ủi triền núi làm nhà để ở và dần dần quy hợp thành các làng mới. Theo thống kê, từ năm 1997 đến 2000 ở Phước Sơn đã xuất hiện 3 làng, Nam Giang 2 làng và Hiên 2 làng với mô hình tạo lập như trên đã mô tả. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu dưới các góc độ tiếp cận như: môi trường hoạt động sản xuất, môi trường tạo lập làng, môi trường văn hóa - xã hội v.v... 2.2.1.6. Làng nghề biển Quảng Nam có 125 km bờ biển trải dài theo các cửa biển: Cửa Đại (Hội An), cửa An Hòa (Tam Kỳ), cửa An Tân (Tam Kỳ). Hoạt động ở các làng biển diễn ra rất sôi nổi từ phương thức sản xuất tới những hình thức sinh hoạt văn hóa: "Làng tôi nghề biển, nghề sông Những hôm trời lặn, cá trong cá ngoài. Cá thu cho chí cá khoai Còn như cá lẹp, cá mai đã nhiều". (Ca dao) Làng biển ở Quảng Nam có những đặc điểm đáng chú ý là: * Làng biển ở Quảng Nam khá phát triển và phồn thịnh. Hải sản rất phong phú, có những đặc sản quý hiếm mà những vùng khác ít có như: cá mòi Cửa Đại, tôm hùm Cù Lao Chàm... * Cư dân của làng thường cư tụ trên các cồn cát, lâu ngày dần dần thành lập nên làng. Thổ nhưỡng ở những vùng này thích hợp cho cây màu (khoai, đậu, mè...) không thích hợp cho cây lúa. Do vậy phần lớn cư dân ở những làng kiểu này phải mua lúa gạo để sinh sống chứ không trực tiếp tham gia trồng lúa. * Rất ít làng làm nghề biển thuần túy mà thường kết hợp cả hai: vừa làm nghề biển, vừa làm màu. Làm biển theo mùa: cá bắc từ tháng 9 đến tháng 2 (âm lịch), mùa cá nam từ tháng 3 đến tháng 6. Các tháng 7, 8 là mùa lũ lụt. Hàng năm, đến ngày rằm tháng 7 là chuyển mùa cá. Vào thời điểm này các chủ lưới gọi thợ đi biển để giao ước hợp đồng mới; chuẩn bị chu đáo (thuyền bè, lương thực - thực phẩm, nhân lực...) cho mùa cá mới. Hợp đồng giữa chủ và thợ thường được bảo đảm trong một năm, và chỉ đến khi chuyển mùa cá mới giao ước lại, ít có sự thay đổi giữa đường. * Do gió biển thổi cát thành doi cát song song với bờ biển, nên làng biển cũng kéo dài theo các doi cát ấy. Các cánh đồng thấp hơn làng chạy dọc theo làng được gọi là ruộng triều (chủ yếu sản xuất nông sản). * Phương tiện đi biển của cư dân Quảng Nam chủ yếu là thuyền vừa. Thuyền có trọng tải từ 10 đến 20 tấn chỉ chiếm khoảng 15%. Phương tiện đánh bắt hải sản có các hình thức: đánh bắt ven bờ gọi là kéo vớ gồm các loại: lưới, vét... Đánh bắt cá ở xa bờ gọi là khơi, gồm có các loại như: câu, lưới rát, lưới rê, ngòn... Các làng biển ở Quảng Nam trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại trong hoạt động sản xuất. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân; song nguyên nhân chủ yếu nhất là do phương tiện hoạt động đánh bắt còn lạc hậu chưa theo kịp xu thế phát triển. Mặt khác, nguồn cá ngày càng hiếm và ở xa bờ. Do vậy cần phải có phương tiện hiện đại mới có khả năng tiếp cận được nguồn cá. Đây là những khó khăn cần tháo gỡ để các làng biển Quảng Nam phát triển mạnh trong thời gian tới. 2.2.2. Làng Quảng Nam dưới góc nhìn văn hóa Dưới lăng kính văn hóa, mỗi làng ở Quảng Nam đều ẩn chứa những dáng vẻ riêng "thấm đẫm chất Quảng": "Quảng Nam có lụa Phú Đông Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn Đất ta biển bạc non vàng Biển bạc Đông Hải, non vàng Bông Miêu" Hay: "Thiên nhiên ai tạc như tranh Cồn Đò mắm mọc vòng quanh sông đào Lò vôi ở ngọn Cầu Ngao Vũng tôm, Miếu Vạn đời nào còn ghi". Những phác họa đó trong vô vàn những phác họa khác đã tạo nên một bức tranh vừa lung linh vừa huyền ảo, tái hiện được những giá trị văn hóa của mảnh đất xứ Quảng. Và, thấp thoáng đâu đó bên những địa danh cụ thể nào đó chúng ta có thể nhận dạng được những giá trị văn hóa đã thấm sâu vào trong mỗi con người và truyền nhập vào trong các sự vật. ở Quảng Nam nổi lên các dạng làng mang tính văn hóa đặc trưng, gắn chặt trong tâm thức của con người xứ Quảng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghiên cứu một cách có hệ thống các loại làng này giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các biểu hiện của văn hóa làng xứ Quảng, về nhân cách con người xứ Quảng. 2.2.2.1. Làng văn Đây là mô hình làng nổi tiếng ở xứ Quảng về truyền thống học tập, đỗ đạt cao trong thời phong kiến, để lại những tên tuổi mà ngày nay vẫn được mọi người ở xứ Quảng kính nể và con cháu trong làng tiếp tục phát huy trong thời đại mới. Đất Diên Phước xưa của Quảng Nam - đất quê Phạm Phú Thứ là một trong những vùng như vậy. Diên Phước nói riêng và toàn bộ xứ Quảng nói chung chỉ mới thực sự hòa nhập vào guồng máy giáo dục và thi cử của cả nước từ đầu thế kỷ XIX. Thời các chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong tuy cũng có thi cử nhưng tổ chức chưa đều, quy chế chưa chặt chẽ, nên hệ thống học vị cũng chưa rõ ràng. Năm Đinh Mão (1807), vua Gia Long cho mở khoa thi Hương đầu tiên của triều đại mình, lúc đó chỉ có 6 trường (Nghệ An, Thanh Hóa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam và Hải Dương) - tất cả đều thuộc địa phận xứ đàng Ngoài cũ. Mãi đến năm Quý Dậu (1813), hai trường thi hương đầu tiên của xứ Đàng Trong cũ mới được thiết lập, đó là trường Quảng Đức (dành cho sĩ tử từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ngày nay) và trường Gia Định (dành cho sĩ tử từ Ninh Thuận đến miền cực Nam của đất nước ta hiện tại). Năm Kỷ Mão (1819), trường Quảng Đức đổi tên gọi là trường Trực Lệ và năm ất Dậu (1825) lại đổi gọi là trường Thừa Thiên. Tên gọi sau cùng này được giữ mãi cho đến ngày cáo chung của nền thi cử Nho học ở nước ta. Như vậy, trường Thừa Thiên là trường quy tụ sĩ tử của nhiều địa phương, trải dọc theo một tuyến đường dài hơn cả. Việc ứng thí của các thế hệ sĩ tử vì thế mà trở nên rất khó khăn. Trong thời gian tồn tại (1818-1918), trường Thừa Thiên đã được phép tổ chức tất cả 41 khoa thi, lấy đỗ trước sau tổng cộng 1250 vị cử nhân, trong đó có 93 vị ở Diên Phước. Dựa vào Quốc Triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, có thể lập bảng cụ thể như sau: Bảng 2.1: Số người đỗ đạt tại trường Thừa Thiên (1818 - 1918) Thứ tự Tên các triều vua Tổng số khoa thi Tổng số người đỗ Toàn trường Tính riêng Diên Phước 1 Gia Long 02 26 01 2 Minh Mạng 07 152 11 3 Thiệu Trị 05 209 16 4 Tự Đức 15 445 37 5 Dục Đức 00 00 00 6 Hiệp Hòa 00 00 00 7 Kiến Phúc 01 31 02 8 Hàm Nghi 00 00 00 9 Đồng Khánh 02 71 00 10 Thành Chí 05 198 02 11 Duy Tân 03 96 03 12 Khải Định 01 22 01 13 Bảo Đại 00 00 00 Tổng cộng 41 1250 93 Nguồn: [67, tr. 6-7]. Như vậy, trừ 93 người ở Diên Phước, số còn lại (gồm 1.157 người) là từ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thi

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay.pdf
Tài liệu liên quan