Luận văn Vấn đề phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực trạng và giải pháp

Tài liệu Luận văn Vấn đề phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực trạng và giải pháp: Luận văn Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực trạng và giải pháp MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ngày nay du lịch đã trở thành một nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội. Về mặt kinh tế, du lịch đã trở thành một ngành quan trọng của nhiều nước công nghiệp phát triển. Với một số quốc gia, du lịch được coi là một cứu cánh để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, do việc khai thác tài nguyên không hợp lý và thiếu khoa học để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội mà môi trường và tài nguyên du lịch ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải chịu những tác động tiêu cực, nó đã và đang trong quá trình cạn kiệt, suy thoái những tác động tiêu cực của thiên tai ngày càng tăng và diễn ra ở nhiều nơi. Du lịch là một ngành có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường. Trong phát triển du lịch môi trường là yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và hoạt động, là nguồn động lực để thu hút khách du lịch. Cùng với...

pdf122 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1038 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Vấn đề phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực trạng và giải pháp, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực trạng và giải pháp MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ngày nay du lịch đã trở thành một nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội. Về mặt kinh tế, du lịch đã trở thành một ngành quan trọng của nhiều nước công nghiệp phát triển. Với một số quốc gia, du lịch được coi là một cứu cánh để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, do việc khai thác tài nguyên không hợp lý và thiếu khoa học để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội mà môi trường và tài nguyên du lịch ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải chịu những tác động tiêu cực, nó đã và đang trong quá trình cạn kiệt, suy thoái những tác động tiêu cực của thiên tai ngày càng tăng và diễn ra ở nhiều nơi. Du lịch là một ngành có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường. Trong phát triển du lịch môi trường là yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và hoạt động, là nguồn động lực để thu hút khách du lịch. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, du lịch cũng có những sự thay đổi để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của con người. Một trong những loại hình du lịch mới ra đời và chiếm được sự quan tâm ngày càng cao của xã hội là du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái chú trọng vào tài nguyên và nguồn lực địa phương, chú trọng đến hoạt động bảo tồn và đảm bảo phát triển cộng đồng dân cư địa phương điều này làm cho du lịch sinh thái trở nên hấp dẫn với các nước đang phát triển. Du lịch sinh thái được xác định là loại hình du lịch đặc thù, là tiềm năng thế mạnh của du lịch Việt Nam. Mặc dù vậy đến nay việc khai thác những tiềm năng tài nguyên du lịch sinh thái còn ở mức sơ khai, tự phát. Trước đây và thậm chí ngay cả thời điểm hiện tại, thuật ngữ du lịch sinh thái vẫn đang được hiểu một cách “lờ mờ”, không rõ ràng. Người ta lạm dụng những từ mang ý nghĩa vì môi trường như: “xanh - green”; tiền tố “sinh thái - eco” để ghép với một danh từ khác như: Chương trình du lịch sinh thái - eco tour, lữ hành sinh thái - eco travel, nghỉ hè sinh thái - ecovation và du lịch sinh thái - eco - tuorism... mà không hiểu (hoặc cố tình không hiểu) ý nghĩa đích thực của nó. Ý tưởng của các nhà đầu tư, chủ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch này là tích cực. Nhưng kiến thức về môi trường sinh thái và cách thể hiện sự phục vụ của họ đôi khi lại trái ngược với các nguyên tắc, đặc điểm trong phát triển du lịch sinh thái. Ninh Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng cách thủ đô Hà Nội không xa, có một tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Có thể nói, ít có địa phương nào trên cả nước với diện tích đất không rộng, người không đông nhưng lại tập trung nhiều nguồn tài nguyên du lịch có giá trị như Ninh Bình: Khu di tích danh thắng Tam Cốc- Bích Động, Kinh đô cũ của hai triều Đinh - Lê, Nhà thờ đá Phát Diệm, rừng quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long... đã đạt đến mức độc đáo và quý hiếm. Trong những năm qua, kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng đã có những tiến bộ đáng kể nhưng trên thực tế nó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có của tỉnh. Một số chỉ tiêu về kinh tế: Như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người còn ở mức thấp so với bình quân chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm chạp, đặc biệt là các chỉ tiêu về du lịch như: số lượng du khách, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch... còn nhỏ bé. Hầu hết các hoạt động du lịch của tỉnh chỉ dừng lại ở việc khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có mà chưa có sự đầu tư để phát triển bền vững. Hoạt động du lịch sinh thái bước đầu đã đi vào hoạt động nhưng vẫn mang tính tự phát là chủ yếu, việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái đã bắt đầu bộc lộ những yếu kém, gây tác động xấu đến cảnh quan, môi trường. Nguyên nhân là do các cấp, các ngành, đơn vị, cá nhân làm du lịch chưa thật sự hiểu rõ về du lịch sinh thái và những lợi ích mà nó mang lại, không chú trọng đầu tư (cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực và kiến thức khoa học), thiếu quy hoạch, chiến lược phát triển, hoặc quy hoạch chưa đồng bộ, chưa tiến hành khảo sát kỹ lưỡng và toàn diện về tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như các điều kiện khác để phát triển DLST. Với những tiềm năng sẵn có của tỉnh Ninh Bình việc chú trọng đầu tư để phát triển kinh tế du lịch đặc biệt là phát triển DLST không chỉ mang lại những hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế của tỉnh mà còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Việc nghiên cứu, tìm ra những giải pháp để phát triển DLST là cần thiết, không chỉ với lý luận mà còn có giá trị thực tiễn cao. Do vậy tác giả chọn đề tài “Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực trạng và giải pháp” làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế phát triển của mình. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài Trong thời gian qua đã có nhiều công trình khoa học cả trong nước và quốc tế nghiên cứu về du lịch và phát triển du lịch trong đó có du lịch Ninh Bình: - “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình 1995-2010”, Viện nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. - Trần Đức Thanh, “Cơ sở khoa học trong việc thành lập các bản đồ phục vụ quy hoạch du lịch cấp tỉnh ở Việt Nam (Lấy ví dụ ở Ninh Bình)”. Luận án PTS, Hà Nội 1995- 170 trang. - Vũ Tuấn Cảnh (Chủ trì) “Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam”. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước 1998-2000. (Tài liệu lưu trữ tại viện nghiên cứu phát triển du lịch. Tổng cục du lịch Việt Nam.) - Trần Quốc Nhật, “Quản lý nhà nước về du lịch trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam”, luận án thạc sỹ kinh tế,1996. - Lê Thạc Cán “Đánh giá tác động môi trường - phương pháp luận, kinh nghiệm thực tiễn.” Nxb KH và KT, Hà Nội 1994. - Phạm Trung Lương “Đánh giá tác động môi trường trong phát triển du lịch của Việt Nam”. Tuyển tập báo cáo hội thảo lần thứ nhất về “đánh giá tác động môi trường” Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, Hà nội 6-7/6/1997. - Phan Trung Lương, “Cơ sở khoa học phát triển du lịch sinh thái Việt Nam.” Báo cáo đề tài khoa học cấp ngành, Hà Nội, 1998 - Kreg Lindberg và Dolnal E-Hawkins (1999), “du lịch sinh thái: Hướng dẫn cho các nhà lập kế hoạch và quản lý” - Tổng cục du lịch Việt Nam “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010” tháng 10/2001. - Và một số công trình khoa học, bài viết khác. Nhìn chung các công trình nghiên cứu và các bài viết trên chỉ đề cập đến vấn đề du lịch dưới các góc độ và phạm vi rộng hẹp khác nhau. Chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu có hệ thống và toàn diện về phát triển du lịch sinh thái ở Ninh Bình. Đề tài: “Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực trạng và giải pháp” không trùng lắp với bất cứ luận văn hoặc đề tài khoa học nào đã công bố. 3. Mục tiêu và nhiệm vụ của luận văn * Mục tiêu: Góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về du lịch sinh thái, đưa ra những phương hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái ở Ninh Bình tương xứng với tiềm năng sẵn có của tỉnh. * Nhiệm vụ: + Nghiên cứu và tổng hợp một số vấn đề lý luận cơ bản về du lịch sinh thái + Phân tích và đánh giá thực trạng của du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái ở một số địa phương trong nước và một số quốc gia trên thế giới. + Đề xuất phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch sinh thái ở Ninh Bình. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Nghiên cứu Du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình - Luận văn tập trung nghiên cứu số liệu từ năm 1995 đến nay. 5. Phương pháp nghiên cứu - Luận văn sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vận dụng những quan điểm cơ bản của Đảng, nhà nước về phát triển du lịch - Luận văn sử dụng phương pháp hệ thống, phương pháp thống kê, so sánh và phương pháp phân tích, tổng hợp. 6. Đóng góp của luận án - Góp phần hệ thống hoá một số vấn đề lý luận cơ bản về du lịch sinh thái. - Đánh giá tiềm năng và thực trạng du lịch sinh thái ở Ninh Bình từ đó đề xuất phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch sinh thái của tỉnh. - Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan hoạch định chính sách phát triển du lịch, đặc biệt phát triển du lịch sinh thái ở tỉnh Ninh Bình và dùng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và giảng dạy. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn có 3 chương, 9 tiết. Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ DU LỊCH SINH THÁI 1.1. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA DU LỊCH SINH THÁI 1.1.1. Khái niệm về du lịch sinh thái Cho đến nay, du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là đối với những người có nhu cầu tham quan du lịch và nghỉ ngơi. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng; sự phát triển du lịch sinh thái đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập quốc gia và thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, nơi có cảnh quan thiên nhiên, văn hóa hấp dẫn. Mặt khác, DLST còn góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khoẻ cộng đồng thông qua giáo dục môi trường, văn hóa, lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Là loại hình du lịch có xu thế phát triển nhanh trên phạm vi toàn thế giới, ngày càng chiếm được sự quan tâm của nhiều người, nhiều quốc gia bởi đây là loại hình du lịch có trách nhiệm, có ảnh hưởng lớn đến việc “xanh hoá” ngành du lịch thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phát triển phúc lợi cộng đồng và đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Do tạo được sự quan tâm của xã hội nên nhiều tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu về loại hình du lịch này, mỗi tổ chức cá nhân khi nghiên cứu đều đưa ra những định nghĩa của riêng mình: - Một trong những định nghĩa được coi là sớm về du lịch sinh thái mà đến nay vẫn được nhiều người quan tâm là định nghĩa của Hội Du lịch Sinh thái Quốc tế đưa ra năm 1991: “Du lịch Sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với các vùng tự nhiên, bảo vệ môi trường và duy trì cuộc sống yên bình của người dân địa phương” [12, tr.11]. Định nghĩa này đề cao trách nhiệm của du khách đối với khu vực mà họ đến thăm đó là trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo, tránh sự ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái, và cả cuộc sống của cư dân địa phương. - Theo quỹ bảo tồn động vật hoang dã (WWF - World Wild Fund): "Du lịch sinh thái đề cập tới các hoạt động du lịch đi tới các khu vực thiên nhiên hoang dã, gây tác động tối thiểu tới môi trường tự nhiên và cuộc sống của các loài động thực vật hoang dã trong khi mang lại một số lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương và những người bản địa phục vụ tại đó" [12, tr.11]. Ở định nghĩa này cũng đề cập đến địa điểm có thể tổ chức các tuor du lịch sinh thái, đó là các khu vực tự nhiên hoang dã, và điều quan trọng là giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên và đặc biệt là mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng cư dân địa phương và những người bản địa làm việc trực tiếp trong ngành du lịch. - Theo tổ chức du lịch thế giới (WTO - World Tourism Organisation): Du lịch sinh thái là loại hình du lịch được thực hiện tại những khu vực tự nhiên còn ít bị can thiệp bởi con người, với mục đích để chiêm ngưỡng, học hỏi về các loài động thực vật cư ngụ trong khu vực đó, giúp giảm thiểu và tránh được các tác động tiêu cực tới khu vực mà du khách đến thăm. Ngoài ra, DLST phải đóng góp vào công tác bảo tồn những khu vực tự nhiên và phát triển những khu vực cộng đồng lân cận một cách bền vững đồng thời phải nâng cao được khả năng nhận thức về môi trường và công tác bảo tồn đối với người dân bản địa và du khách đến thăm [12, tr.11]. Có thể nói đây là một định nghĩa đầy đủ nhất nội dung cũng như những đặc điểm của DLST, đó là địa điểm để tổ chức được một tuor du lịch, mục đích chuyến đi của du khách đặc biệt là việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho du khách cùng với nó là trách nhiệm của các tổ chức cũng như du khách trong việc bảo tồn giữ gìn môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá để đảm bảo cho sự phát triển bền vững ở những nơi mà du khách tới thăm quan. Tại hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển DLST tháng 9-1999 tại Hà Nội: "Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương" [36, tr. ]. Có thể nói đây là một định nghĩa đầu tiên của Việt Nam về du lịch sinh thái, nó mang đầy đủ những ý nghĩa và nội dung của loại hình du lịch này. Nó được coi là cơ sở lý luận cho các nghiên cứu và ứng dụng thực tế việc phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam. Mặc dù có thể khác nhau về diễn đạt và cách thể hiện nhưng trong các định nghĩa về DLST đều có sự thống nhất cao về nội dung ở bốn điểm: Thứ nhất, phải được thực hiện trong môi trường tự nhiên còn hoang sơ hoặc tương đối hoang sơ gắn với văn hoá bản địa. Thứ hai, có khả năng hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn các đặc tính tự nhiên, văn hoá và xã hội. Thứ ba, có tính giáo dục môi trường cao và có trách nhiệm với môi trường. Thứ tư, phải mang lại lợi ích cho cư dân địa phương và có sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương. Ngày nay, người ra rất hay xử dụng thuật ngữ du lịch sinh thái để giới thiệu, quảng bá cho các điểm du lịch, tuor du lịch bởi vậy khi xem xét, đánh giá chúng ta cần phải dựa vào các đặc trưng của mỗi loại hình du lịch để có thể phân biệt đúng về hoạt động du lịch đó là Du lịch sinh thái hay là du lịch dựa vào thiên nhiên vì các loại hình này có hình thức tương đối giống nhau nếu không hiểu rõ bản chất người ta sẽ dễ bị nhầm lẫn. 1.1.2. Phân biệt du lịch sinh thái với một số loại hình du lịch tương tự * Phân biệt DLST với DL tự nhiên (nature tourism): Du lịch tự nhiên, theo tổ chức du lịch thế giới (WTO) là loại hình du lịch với động cơ chính của khách du lịch là quan sát và cảm thụ tự nhiên. Khái niệm du lịch tự nhiên cho thấy nó mang một ý nghĩa rất rộng bao trùm cả DLST và các loại hình du lịch khác. Theo đó, bất cứ hoạt động du lịch nào liên quan đến thiên nhiên đều được coi là du lịch tự nhiên. Kèm theo đó không có yêu cầu mang tính trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư địa phương hoặc ràng buộc nào khác đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. DLST đòi hỏi tính trách nhiệm cao đối với môi trường và cộng đồng cư dân địa phương. * Phân biệt DLST với du lịch mạo hiểm (adventure tourism): Theo tổ chức du lịch Quebec, Canada: du lịch mạo hiểm là hoạt động thể chất ngoài trời hoặc các hoạt động kết hợp diễn ra tại một khu vực tự nhiên nhất định (khu vực hoang dã, tách biệt hoặc đặc thù…). Những hoạt động này thường có tính mạo hiểm và mức độ rủi ro tuỳ thuộc vào điều kiện môi trường (sự cách ly, các tính chất địa lý…) bản chất của các hoạt động và các phương tiện vận tải được sử dụng. Khái niệm này cho thấy đây là loại hình du lịch đến với thiên nhiên. Điểm chú ý là loại hình du lịch này không chú ý đến việc tìm hiểu về hệ sinh thái mà khai thác tài nguyên thiên nhiên để phục vụ mục đích mạo hiểm, chinh phục thiên nhiên, thậm chí sẵn sàng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ. Loại hình du lịch mạo hiểm nhằm chứng tỏ khả năng chinh phục tự nhiên của con người, nó hoàn toàn khác với DLST vì DLST đi tìm sự hoà hợp, cùng chung sống hài hoà giữa con người với thiên nhiên (các hệ sinh thái có các loài động thực vật cùng cư ngụ trong đó) * Phân biệt DLST với các loại hình du lịch có chọn lựa (alternative tourism): Du lịch có chọn lựa là loại hình du lịch mới, được đưa ra nhằm thúc đẩy sự trao đổi thông qua du lịch giữa các thành viên của các cộng đồng khác nhau. Nó tìm kiếm sự hiểu biết, gắn kết và bình đẳng giữa các thành viên tham gia trong đó. Đây là một tập hợp các loại hình du lịch được đưa ra để phân biệt du lịch đại trà (Du lịch truyền thống). Du lịch đại trà đã dần bộc lộ các tác hại tiêu cực của nó tới văn hoá, xã hội và môi trường ở nơi đến du lịch. Các loại hình du lịch lựa chọn ra đời một mặt nhằm thoả mãn đúng hơn các mong muốn của người tiêu dùng du lịch trong bối cảnh toàn cầu hoá. Với ý nghĩa này DLST thực chất là một trong những loại hình du lịch lựa chọn. 1.1.3. Đặc điểm của du lịch sinh thái Mặc dù chưa có một khái niệm thống nhất về DLST. Nhưng trong nội hàm của các khái niệm đều hàm chứa bốn đặc điểm cơ bản và sự khác biệt của DLST với các loại hình du lịch khác. DLST không đơn giản chỉ là đưa ra một loại sản phẩm mới của ngành du lịch mà hơn thế nữa nó là động lực của sự phát triển, là một nhân tố để phát triển bền vững. DLST có những đặc điểm chủ yếu sau đây: Thứ nhất, DLST được thực hiện tại những nơi hoang sơ hoặc tương đối hoang sơ và có môi trường tự nhiên đa dạng phong phú. Bởi vì khách du lịch sinh thái khi thực hiện một chuyến đi họ mong muốn trở về với những nơi có môi trường trong lành và chưa bị tác động nhiều bởi con người ở đó họ được hoà mình với thiên nhiên để được khám phá, được nghiên cứu tự nhiên và văn hoá bản địa và được thưởng thức bầu không khí trong lành, thoát khỏi cuộc sống đầy áp lực của công việc và ô nhiễm môi trường. Những nơi có môi trường tự nhiên là những nơi có bề dày về sự hình thành và phát triển của các hệ động thực vật và con người. Một vài ha rừng thậm chí hàng ngàn ha rừng tự trồng cho dù có mang ý nghĩa tích cực như “phủ xanh đất trống đồi trọc” cũng không thể nói có thể làm DLST được. Để có thể làm được DLST phải là nơi có tài nguyên tự nhiên dồi dào mà cụ thể là các hệ sinh thái được làm giàu bởi rất nhiều các loài động thực vật khác nhau. Những yếu tố từ cây cối, nguồn nước, bầu khí quyển, đất đai cũng được tính đến. Điểm chú ý ở đây là môi trường tự nhiên được đề cập phải là những nơi còn tương đối nguyên sơ, chưa bị hoặc ít bị can thiệp bởi bàn tay con người. Những tài nguyên đó được hiện hữu dưới hình thức là các vườn quốc gia, các khu dự trữ thiên nhiên hay các khu vực văn hóa lịch sử có gắn với không gian và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Rất nhiều thứ được con người làm ra trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển. Thậm chí con người có thể làm ra những rôbốt có khả năng như người thật với mục đích phục vụ cho cuộc sống của họ. Nhưng hai chữ “sinh thái” trong DLST đề ra một nguyên tắc bất dịch: “hãy để thiên nhiên như nó vốn đã thế”, đó là quyết định thông minh nhất trong thỏa thuận cùng tồn tại giữa con người và thế giới tự nhiên. DLST không cho phép con người can thiệp vào các hệ sinh thái tự nhiên, cho dù đó là những can thiệp mang lại lợi ích kinh tế-xã hội cho con người và cho dù con người chấp nhận đền bù bằng vật chất cho những thiệt hại mà họ định gây ra đối với tự nhiên Như vậy, DLST thường được thực hiện ở các khu bảo tồn tự nhiên, các vườn quốc gia, ở những nơi có mật độ dân số thấp và tài nguyên thiên nhiên phong phú, ở những khu vực có giá trị cao về môi trường tự nhiên như: hệ sinh thái tự nhiên điển hình với tính đa dạng sinh học cao và cuộc sống hoang dã phong phú. Thứ hai, Du lịch sinh thái hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn các đặc tính tự nhiên, văn hóa, xã hội tại điểm thăm quan. Các nhà kinh doanh DLST ngoài việc phải quan tâm nuôi dưỡng, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên để nó tồn tại và hấp dẫn du khách, họ phải đóng góp tài chính cho chính quyền sở tại, những cơ quan quản lý các tài nguyên từ những khoản lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh du lịch của mình. Những nguồn tài chính này làm tăng thêm ngân sách cho các khu vực nơi tổ chức hoạt động DLST để bù đắp cho các khoản chi phí như: quản lý, trồng thêm cây xanh, tôn tạo, trùng tu… Bên cạnh đó, những tiêu chí và đòi hỏi cao hơn của DLST đối với công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn các hệ sinh thái khiến các nhà kinh doanh du lịch sinh thái phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đưa ra những yêu cầu cao hơn đối với những hướng dẫn viên và với các khách du lịch mà mình phục vụ. Du khách của loại hình DLST thường là những người yêu mến, thân thiện với thiên nhiên, họ muốn đi du lịch là để được tìm hiểu và nghiên cứu những nơi họ đến. Họ xác định nhu cầu du lịch của mình là tìm hiểu và thưởng ngoạn các hệ sinh thái vì thế họ luôn cố gắng hạn chế việc xâm hại và phá huỷ những tài nguyên quý hiếm cả về mặt hữu hình lẫn vô hình của môi trường. Ý thức đúng đắn khi đi du lịch giúp du khách cân nhắc và suy nghĩ trước mỗi hành động có khả năng tác động tới môi trường xung quanh. Do đó trong và sau mỗi chuyến đi họ thường có những tổng hợp đánh giá của riêng mình. Những hoạt động nghiên cứu, khám phá, tổng hợp của họ ít nhiều cũng có những đóng góp và giúp ích cho công tác bảo tồn các đặc tính tự nhiên, văn hoá, xã hội nơi họ đến thăm quan. Những du khách, nhất là du khách nước ngoài khi đến thăm quan vườn quốc gia Cúc Phương họ có thể nghiên cứu về loài bướm, về voọc quần đùi trắng, về các loại thực vật điển hình của vườn như: chò chỉ. Kim giao… hay du khách khi đi thăm quan các bản làng dân tộc (như bản Lác, Mai Châu - Hoà Bình; chợ Tình Sapa…) việc họ đến thăm quan những nơi này thực sự làm sống lại các làn điệu hát múa dân gian truyền thống của dân tộc Mường, hay làm sống lại các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần…bản thân họ cũng tham gia vào việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu thậm chí xuất bản những cuốn sách có giá trị về các nền văn hoá đặc trưng nơi họ đến thăm, đưa ra những sáng kiến bảo tồn và phát huy những nền văn hóa đó. Các tổ chức, cá nhân sau khi tham gia vào các tour DLST họ được tận mắt chứng kiến cảnh quan môi trường, tài nguyên thiên nhiên nơi họ đến thăm và đặc biệt được giáo dục, được hiểu biết thêm về môi trường và tầm quan trọng của hệ sinh thái họ có thể đóng góp các nguồn lực tài chính, hỗ trợ về mặt kiến thức khoa học, kinh nghiệm quản lý cho các rừng quốc gia, các khu dự trữ thiên nhiên phục vụ cho du lịch sinh thái. Cư dân địa phương có thu nhập từ việc tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái từ đó sẽ hạn chế việc khai thác tài nguyên mang tính tiêu cực như: săn bắn động vật quý hiếm, chặt cây đốn củi, phá rừng làm rẫy… gây ảnh hưởng xấu tới các loài động, thực vật có giá trị về thẩm mỹ và kinh tế cũng như môi trường sống xung quanh họ. Tất cả những điều trên nói lên rằng DLST có khả năng hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn các đặc tính tự nhiên, văn hoá, xã hội tại điểm thăm quan. Thứ ba, Các hoạt động mang tính giáo dục, giảng giải nâng cao nhận thức về hệ sinh thái và môi trường sống là nội dung quan trọng của Du lịch sinh thái. DLST là một phương tiện tốt để truyền đạt thông tin vì nó có khả năng đưa con người tiếp cận trực tiếp và thấy rõ vai trò của thiên nhiên đối với đời sống con người. Một trong những đặc điểm nổi trội và khác với các hình thức du lịch khác là DLST đẩy mạnh các hoạt động mang tính giáo dục về các hệ sinh thái và môi trường sống. Các hoạt động giáo dục này bao gồm việc giảng giải về lịch sử, nguồn gốc hình thành, tập quán sinh hoạt, mối quan hệ tương tác qua lại giữa các loài động thực vật và vai trò của chúng trong thiên nhiên. DLST hướng dẫn cách thức để những người làm du lịch và khách du lịch tiến hành hoạt động du lịch đúng cách với thái độ trân trọng, giữ gìn và bảo vệ môi trường sống. Các hoạt động giáo dục, chỉ dẫn cách thức du lịch đúng đắn mà DLST thực hiện có thể bằng nhiều cách khác nhau: phương pháp hướng dẫn, thuyết minh trực tiếp từ hướng dẫn viên tới khách du lịch, các tờ giới thiệu, tờ bướm thông tin về du lịch, các mô hình, mô phỏng, các phương tiện nghe nhìn. Thứ tư, Dựa vào việc khai thác tiềm năng tự nhiên và nhân văn du lịch sinh thái mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư bản địa. Khi du lịch phát triển và mở rộng, nhiều địa phương đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, người dân được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng như: Điện thắp sáng, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước và thông tin liên lạc... Nhưng những lợi ích được DLST mang lại mà những người trong cuộc gồm cả cá nhân và tổ chức trước đó hầu như không có được. Nếu như du lịch đại trà tập trung vào phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh của họ mà không quan tâm đúng mức đến vai trò và sự có mặt của người dân bản địa trong việc triển khai các dự án và các chương trình du lịch tại những nơi có tài nguyên thiên nhiên như rừng quốc gia, các khu dự trữ thiên nhiên thì DLST đã khơi dậy và đánh thức những tiềm năng sẵn có này để mang lại thu nhập đáng kể cho cư dân địa phương bằng các hoạt động dịch vụ du lịch như: phục vụ lưu trú, ăn uống bán hàng lưu niệm và các dịch vụ bổ trợ khác. Khi du lịch đại trà phát triển các khách sạn, nhà nghỉ mọc lên ngày càng nhiều với mục đích mang về nhiều lợi nhuận, những vật liệu xây dựng có mục đích chính đảm bảo độ bền vững, kinh tế mà không chú trọng đến việc thân thiện với môi trường và đảm bảo cho phát triển bền vững thì ngược lại DLST luôn quan tâm đến việc tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững chính những hoạt động này đảm bảo cho hệ thống rừng cây, hệ động thực vật được bảo đảm, làm giảm thiểu sự tác động của thiên nhiên đến đời sống của người dân bản địa như hạn chế được xói mòn, lũ quét và những thiên tai địch hoạ khác. Những người làm DLST đã nhận ra vấn đề, thấy được chính những người dân bản địa, họ sinh ra và tồn tại cùng với các hệ sinh thái và môi trường thiên nhiên xung quanh từ bao đời lại có được kiến thức truyền thống văn hoá quý giá của cha ông họ để lại về thiên nhiên và môi trường xung quanh, họ có văn hóa, phong tục tập quán riêng của dân tộc mình. Nếu chỉ quan tâm đến thiên nhiên, bảo vệ và tôn tạo các giá trị tài nguyên để phát triển du lịch mà không quan tâm đến lợi ích của người dân bản địa thì sẽ không có được nền chính trị ổn định và kinh tế công bằng mà điều này lại chính là những nhân tố và động lực quan trọng thúc đẩy phát triển DL. Một biện pháp mà DLST góp phần mang lại các lợi ích kinh tế, phát huy các giá trị văn hóa và xã hội của những người dân bản địa là: sử dụng những người dân bản địa làm các dướng dẫn viên du lịch tại những khu DLST. Khuyến khích người dân gìn giữ và phát triển những nghề truyền thống của mình như dệt thổ cẩm, thêu ren, làm hàng thủ công mỹ nghệ, trồng các loại cây đặc sản của địa phương… để khách du lịch được chiêm ngưỡng, học hỏi và mua sắm các sản phẩm nơi họ đến thăm quan. Các lễ hội, phong tục tập quán cần được gìn giữ và phát huy vì đó là những nét đặc trưng riêng của vùng sinh thái du lịch, là điểm nhấn để thu hút khách tham quan. DLST giúp người dân bản địa chủ động làm kinh tế cùng với việc gìn giữ bản sắc văn hóa của mình bằng việc cung ứng dịch vụ lưu trú trong hành trình của khách du lịch. Rất nhiều điểm DLST người ta tổ chức cho khách lưu trú ngay trong nhà dân, du khách được ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà với người dân địa phương, thậm chí còn tham gia vào một số công đoạn sản xuất hàng hoá truyền thống của địa phương, được thưởng thức các món ăn, tìm hiểu phong tục, tập quán lối sống cũng như sinh hoạt của cư dân; tiêu chí của DLST là khai thác tối đa nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tạo ra dịch vụ và hàng hóa phục vụ khách du lịch chính những nguyên liệu địa phương cùng với các sản phẩm đặc thù là những nguyên nhân làm hấp dẫn du khách. Theo đó DLST đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. 1.1.4. Du lịch sinh thái ở một số quốc gia trên thế giới và một số loại hình du lịch sinh thái thịnh hành ở Việt Nam * Du lịch sinh thái ở một số quốc gia trên thế giới: Tuỳ vào điều kiện môi trường sinh thái của các quốc gia mà người ta phát triển các loại hình DLST khác nhau, các loại hình du lịch sinh thái rất đa dạng và phong phú: - Ở Trung Quốc: Người ta phát triển loại hình DLST cho những người quan tâm nghiên cứu khoa học, địa chất do các giáo sư môn khoa học địa chất của các trường đại học hướng dẫn. Ngoài ra ngưòi ta còn tổ chức các hình thức du lịch như ngồi bè đi dọc sông Trường Giang để khám phá và thưởng ngoạn phong cảnh hai bên bờ sông. - Tại Tanzania: Du lịch sinh thái được tổ chức dưới hình thức cho du khách đi bộ trong 17 ngày, đoạn đường 240 km với sự hướng dẫn của người dân địa phương dân tộc Massai để thăm quan thung lũng Otwai nổi tiếng với thảo nguyên mênh mông xem voi, ngựa vằn, hươu, sư tử, hổ… - Inđônêxia: Là một đất nước có địa hình đa dạng với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Nền văn hoá phong phú và đầy màu sắc riêng nó làm cho du lịch đặc biệt là DLST ở quốc gia này rất phát triển. Có rất nhiều loại hình du lịch sinh thái được áp dụng ở đây nhưng độc đáo hơn cả là loại hình DLST đi tìm các bộ lạc bị lãng quên trong rừng sâu. - Ở Mêhicô: là đất nước với nền văn hoá phong phú, đa sắc tộc, địa hình tự nhiên, môi trường sinh thái đa dạng nhất là môi trường biển bởi thế hình thức DLST lặn biển để thăm quan hang động rất được quan tâm và phát triển ở quốc gia này. - Ở Mông Cổ: Là một đất nước với địa hình sa mạc là chủ yếu, cuộc sống du mục tạo ra một nền văn hoá riêng có ở Mông Cổ. Rất nhiều du khách quan tâm đến du lịch ở quốc gia này ở đây người ta đưa ra loại hình DLST độc đáo là săn bắn chim ưng cùng người du mục địa phương. - Ở Braxin: nơi có nhiều hang động, và thiên nhiên nguyên sơ, những vùng núi rừng, nông thôn với nền văn hoá độc đáo, điển hình. DLST rất phát triển, công ty Aretic Edge Tour chuyên tổ chức các tour du lịch du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên nhưng tích cực bảo vệ thiên nhiên. Họ đưa ra nguyên tắc tổ chức: Không được sử dụng động thực vật tại điểm du lịch làm thức ăn; Thực phẩm đem theo được đóng gói sẵn; Nước bẩn phải đổ ra xa nguồn nước sạch; Rác đốt tại chỗ hoặc đem đi; Đi hàng một trên đường mòn; Không cắm trại ở nơi tập trung các đoàn thú hoang; Dọn sạch nơi cắm trại trước khi đi. * Một số loại hình du lịch sinh thái thịnh hành ở Việt Nam: + Tham quan miệt vườn: Mặc dù mới chỉ ở bước ban đầu của hình thức DLST nhưng loại hình này đã thu hút đựơc nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Thông thường khách du lịch tới đây được tổ chức thăm quan miệt vườn với các hình thức như: - Đi thuyền trên kênh rạch nghe đờn ca tài tử, ngắm các vườn cây, thưởng thức các món ăn Nam Bộ, thăm chợ trên sông. - Đi thuyền trên kênh rạch sau đó đổ bộ lên vườn, thăm vườn ngắm cảnh và ăn quả tuỳ thích (miễn phí). Trong vườn có các nhà nghỉ dạng phỏng sinh học. - Nghỉ đêm ở các vườn với thời gian tương đối dài để cùng sống và sinh hoạt với dân cư miệt vườn. + Thăm quan vườn chim: Những vườn chim ở Nam Bộ đã có từ lâu, diện tích rộng, số lượng đàn chim lớn, thành phần phong phú có những loài quý hiếm cần được bảo vệ. Nơi đây đã thu hút nhiều nhà khoa học và khách đến thăm quan. Những vườn chim ở Miền Bắc ít và mới hình thành, thành phần đàn chim không phung phú nhưng lại có lợi thế ở gần Hà Nội nên thu hút được nhiều khách du lịch và nhà khoa học đến nghiên cứu. + Thăm bản làng dân tộc: Đây là nguồn tài nguyên nhân văn ở các khu sinh thái tự nhiên. ở các làng bản dân tộc nét độc đáo thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đó là cộng đồng dân cư với vốn văn hoá truyền thống của họ như: các món ăn đặc sản, kiến trúc nghệ thuật, lối sống, sinh hoạt lễ hội và văn hoá dân gian…loại hình này rất hấp dẫn du khách nước ngoài; một số địa chỉ mà du khách đặc biệt chú ý là: Bản của người Thái ở thung lũng Mai Châu - Hoà Bình, Các bản dân tộc Giao, Thái, Nùng… ở vùng núi Tây Bắc như SaPa - Lao Cai, Yên Bái, Điện Biên… và các buôn, sóc, ấp ở núi rừng Tây nguyên + Du lịch bằng thuyền: Sông nước Việt Nam rất đa dạng và phong phú do đó việc tổ chức những loại hình du lịch hấp dẫn như là các tuor du lịch trên sông nước Cửu Long, du ngoạn trên thuyền tại sông Hồng. Loại hình du lịch này đang phát triển mạnh và thu hút nhiều du khách đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến thăm quan vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Ở miền Bắc, các công ty lữ hành của Hà Nội đã tổ chức tuor du lịch đi thuyền trên sông Hồng thăm quan phong cảnh hai bên sông, trong chuyến đi du khách được tham gia vào chương trình đi thăm quan và thưởng thức các điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, thăm làng gốm Bát Tràng, làng Mộc Đồng Kỵ… tour du lịch này hấp dẫn du khách nhất là du khách nước ngoài khi đến thăm quan Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vì trong cùng một tuor du lịch du khách có thể tham gia vào nhiều hoạt động, thăm viếng khác nhau thoả mãn nhu cầu đa dạng khác nhau: Thưởng thức văn hoá dân gian, nghiên cứu các làng cổ Việt Nam, mua sắm hàng lưu niệm, thưởng thức các món ăn Việt Nam khi đi trên thuyền… + Du lịch trong rừng: Là hoạt động du lịch sinh thái được ưa thích ở nhiều nước trên thế giới. ở nước ta đi bộ trong rừng là hoạt động chủ yếu kết hợp với các mục đích tham gia nghiên cứu các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng nguyên sinh. Hiện nay loại hình này thường được phát triển cho du khách đi thăm quan, đi dạo trong các khu rừng thông, trồng mới, và có thể là các khu rừng Cao su… + Tham quan, nghiên cứu rừng nguyên sinh: Đây là loại hình du lịch sinh thái phổ biến thu hút nhiều nhóm thị trường khách khác nhau. Đặc biệt là các nhà nghiên cứu, học sinh sinh viên, khách du lịch nước ngoài. Những địa điểm thu hút nhiều du khách là: Rừng quốc gia Cúc Phương, Cát Bà, Ba Vì ở Miền Bắc; Cát Tiên ở miền nam; Bạch Mã ở Miền Trung… + Du lịch sinh thái biển: ở nước ta thời gian gần đây bắt đầu phát triển một số loại hình du lịch sinh thái biển như lặn biển tại Nha Trang, đảo Phú Quốc, thăm quan hang động trên biển ở Hạ Long, leo núi và thăm quan nghiên cứu các vùng san hô…Đây cũng là loại hình du lịch mới ở nước ta và thu hút du khách tham gia tương đối nhiều. Đó chỉ là một số loại hình DLST tiêu biểu hiện có và đang được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm. Trên thực tế còn nhiều hình thức khác đã và dang được các công ty lữ hành và du khách quan tâm và từng bước đi vào khai thác. 1.2. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI * Nhận thức của xã hội: Trong lịch sử nhân loại, du lịch được ghi nhận như là một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, văn hóa, xã hội ở các nước có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để Du lịch nói chung và DLST nói riêng được quan tâm và phát triển đúng với những những gì mà nó vốn có đưa lại thì việc nhận thức và quan tâm đúng đắn là một vấn đề hết sức quan trọng. Về mặt kinh tế, du lịch (trong đó có DLST) đã trở thành một trong những ngành quan trọng của nhiều nước công nghiệp phát triển. Rất nhiều quốc gia ngày nay coi phát triển du lịch là một ngành kinh tế quan trọng mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân sách quốc gia vì thế chính quyền luôn quan tâm đầu tư có chiến lược phát triển một cách khoa học vì thế nó ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, đồng thời nó góp phần nâng cao đời sống dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cho nên hoạt động của DLST có mối quan hệ tương tác đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Bản thân du lịch mang lại rất nhiều lợi ích cho các địa phương đón khách. Về mặt xã hội, việc phát triển du lịch trong đó có DLST tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới làm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Như vậy để du lịch thực sự góp phần vào việc bảo vệ thiên nhiên đòi hỏi phải có sự suy nghĩ và hành động đúng không những của những người làm du lịch mà còn là toàn xã hội. Nếu nhận thức của xã hội về DLST tốt thấy rõ được tác dụng của nó thì mọi người sẽ đồng tâm thúc đẩy nó phát triển, ngược lại nếu chưa nhìn nhận được hết giá trị của nó thì người ta sẽ không ủng hộ thậm chí có thể gây khó khăn trong quá trình phát triển DLST. Người dân, chính quyền địa phương và du khách cần phải nhìn thấy những lợi ích của DLST có thể mang lại thông qua những hoạt động và những cơ hội mà loại hình du lịch này tạo nên mà mục tiêu cơ bản của DLST là phát triển bền vững. Nghĩa là: "Đảm bảo đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không làm cản trở đến việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai" [26]. Để tạo điều kiện và kích thích loại hình du lịch này phát huy tác dụng của nó. Ngoài những vấn đề lớn không thể không làm như quy hoạch, quản lý sự phát triển DLST ở mức độ thích hợp, thì vấn đề giáo dục cộng đồng đóng vai trò không kém phần quan trọng, góp phần hỗ trợ các mối quan hệ tích cực hai chiều của DLST và bảo tồn tự nhiên cũng như DLST và cộng đồng địa phương. Cần phải làm cho tất cả các thành phần trong xã hội nhất là cư dân địa phương hiểu được những tác động tích cực của DLST đến địa phương đó là: - Góp phần làm thay đổi chất lượng cuộc sống cộng đồng nhất là những ai tham gia trực tiếp vào ngành này, trong đó bao gồm cả sự cải thiện những dịch vụ xã hội như: y tế, nhà cửa, hệ thống giao thông, cấp - thoát nước, điện năng,… - Giúp cho việc bảo vệ và tôn tạo các di sản văn hóa lịch sử, làm tăng niềm tự hào của địa phương vào ý thức cộng đồng. - Góp phần làm tăng danh tiếng địa phương, giúp cho du khách khám phá những ý tưởng mới, giá trị mới và cách sống mới. - Tạo điều kiện giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng, các quốc gia, phá vỡ ngăn cách về văn hóa và dân tộc thông qua quan hệ này. - Du lịch sinh thái còn có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho nhân dân địa phương. Sẽ rất có tác dụng nếu như các đối tượng sau đây được tuyên truyền hiểu biết và nhận thức sâu sắc về DLST: Những nhà lập kế hoạch và đầu tư; Những các tổ chức quản lý ở các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển…; Các cán bộ điều hành của các công ty du lịch; Các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, nhà hàng; Cư dân địa phương; Khách du lịch. * Tài nguyên: Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt, DLST còn có mối liên hệ mật thiết hơn bởi khi muốn thiết lập một chuyến đi điều quan tâm đầu tiên của du khách đối với địa điểm mà họ có ý định tới thăm quan là cảnh quan quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường trong lành, sự đa dạng, đặc sắc của văn hoá truyền thống bản địa, nghành nghề truyền thống đó là những điều kiện hết sức quan trọng để tạo nên sự hấp dẫn của một điểm DLST. Tài nguyên của DLST gồm: tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn hai yếu tố này gắn kết với nhau tạo nên sự hấp dẫn của DLST, cụ thể tài nguyên của DLST bao gồm: Cảnh quan thiên nhiên, vùng núi có phong cảnh đẹp, các hang động, di tích lịch sử, di tích văn hoá, giá trị nhân văn, công trình lao động sáng tạo của con người, các di tích tự nhiên, các vùng khí hậu đặc biệt các điểm nước khoáng, suối nước nóng, hệ sinh vật, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các hệ sinh thái độc đáo, môi trường văn hóa bản địa… đó là các yếu tố tạo ra sự hấp dẫn và hình thành các điểm du lịch, khu DLST. Môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn càng phong phú càng hấp dẫn càng thu hút khách tham quan nhiều hơn. Tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức hoạt động, lãnh thổ cũng như cơ cấu và chuyên môn của khu, điểm du lịch sinh thái. Với mỗi loại tài nguyên có thể tổ chức loại hình du lịch với những đặc trưng riêng, loại hình riêng để phục vụ các nhu cầu và mục đích khác nhau của du khách. Quy mô hoạt động du lịch của một điểm, một khu, một vùng, một quốc gia du lịch được xác định trên cơ sở khối lượng, chất lượng nguồn tài nguyên du lịch. Tài nguyên là yếu tố cơ bản tạo ra sản phẩm của DLST và nó cũng tham gia vào việc tạo ra tính mùa vụ trong hoạt động du lịch, quyết định tính nhịp điệu của dòng khách, thị trường khách du lịch. Tài nguyên du lịch được xem là tiền đề để phát triển du lịch sinh thái. Thực tế cho thấy, tài nguyên du lịch càng phong phú, càng đặc sắc bao nhiêu thì sức hấp dẫn và hiệu quả hoạt động du lịch càng cao bấy nhiêu. DLST, loại hình du lịch gắn liền với thiên nhiên và môi trường nên nguồn tài nguyên lại càng quan trọng hơn và cũng có nguy cơ thường xuyên bị đe doạ xâm hại và tàn phá. Muốn phát triển DLST một cách bền vững thì một hoạt động mang tính nguyên tắc là việc khai thác phải đi đôi với việc bảo vệ và nuôi dưỡng tài nguyên, đảm bảo nguyên tắc sức chứa. Một quốc gia, một khu vực được du khách quan tâm chỉ khi ở đó có nguồn tài nguyên về du lịch phong phú, hệ động, thực vật đa dạng được bảo tồn và phát triển, môi trường thiên nhiên trong lành, môi trường văn hóa xã hội độc đáo. Vì vậy việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cho DLST có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi vì chính tài nguyên là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình và là một bộ phận cấu thành quan trọng của các tổ chức lãnh thổ du lịch. * Dân cư và lao động trong lĩnh vực du lịch sinh thái: Trong DLST, số lượng dân cư và chất lượng lao động ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và quan trọng hơn là ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, hệ động thực vật. Hệ sinh thái, môi trường tự nhiên sẽ rất dễ bị phá vỡ nếu mật độ dân cư quá đông, trình độ dân trí thấp. Với DLST, sự tham gia của cư dân địa phương đóng một vai trò quan trọng. Trong khi các đơn vị điều hành du lịch, các khách sạn và chính quyền địa phương cố gắng tiếp thị sản phẩm du lịch của mình, trong đó có những nội dung, hoạt động không phù hợp với nguyên tắc của DLST, người ta phớt lờ đi khả năng quản lý tài nguyên thiên nhiên cũng như sự đóng góp của cư dân bản địa đến hoạt động DLST. Hậu quả của cách làm này sẽ trở nên đáng lo ngại. Các hình thức kinh doanh như vậy không chóng thì chày sẽ đi đến giai đoạn thoái trào do không bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Trên thực tế mối quan hệ giữa người dân bản địa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một quan hệ gắn bó được thiết lập lâu đời. Ở nhiều nơi người dân địa phương sử dụng tài nguyên thiên nhiên như phương tiện sống hay một kế sinh nhai của mình và họ biết cách để bảo vệ, kiểm soát việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để tránh đi tình trạng tàn phá tài nguyên. Yếu tố quan trọng đối với một điểm DLST thành công hay không đó là lao động làm việc trong các đơn vị này ngoài những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ về du lịch đơn thuần, họ còn phải là các chuyên gia về môi trường, sự hiểu biết sâu rộng về hệ động thực vật tại khu vực mà họ làm việc, giảng giải thuyết minh cho khách tham quan. Rõ ràng vai trò của dân cư và ngồn nhân lực là rất quan trọng, phải có những chiến lược để quy hoạch dân cư và phát triển nguồn nhân lực một cách khoa học có như vậy mới đảm bảo cho hoạt động DLST đi đúng hướng của nó. * Môi trường luật pháp và cơ chế chính sách: Xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý một cách đồng bộ, khuyến khích việc khai thác các tiềm năng DLST đặc biệt là ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên thiên…phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý, từ các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Nông nghiệp và phát triển tài nguyên, Bộ Tài chính, Tổng cục Du lịch…Thực tế, mặc dù nhiều nước, nhiều quốc gia vùng lãnh thổ có tiềm năng rất lớn về DLST nhưng sự nhìn nhận của các cấp lãnh đạo, những nhà hoạch định chính sách và đầu tư chưa thật sự sâu sắc do đó không có cơ chế, chính sách thích hợp để quy hoạch, tập trung đầu tư để phát triển du lịch do đó đã làm lãng phí nguồn tài nguyên thậm chí có thể bị lãng quên hoặc bị tàn phá do không có cơ quan đơn vị hay người quản lý các nguồn tài nguyên đó. Để DLST phát triển thì việc nhận ra thế mạnh và phát huy nó là một vấn đề cần được quan tâm. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý nhận thức rõ và đưa ra cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển. DLST chỉ phát triển khi nó có được một cơ chế chính sách hợp lý và pháp luật đồng bộ. Đó là nghiên cứu quy hoạch, đầu tư và khuyến khích đầu tư, cơ chế xúc tiến quảng bá, cơ chế phối hợp và phân chia một cách hài hòa lợi ích giữa người dân địa phương với các cơ quan quản lý, các công ty lữ hành. Cơ chế mà qua đó hoạt động DLST tạo điều kiện cho người dân địa phương bảo vệ môi trường, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cơ chế thuận lợi làm cho DLST phát triển tạo ra công ăn việc làm cho cư dân địa phương và nâng cao đời sống của họ, có như vậy mới ngăn chặn được tận gốc nạn chặt phá rừng và săn bắn của cư dân địa phương. Một cơ chế, chính sách đúng sẽ vừa khuyến khích bảo tồn phát triển tài nguyên môi trường vừa phát triển DLST một cách bền vững đảm bảo đời sống của cư dân địa phương. Để đạt được các mục tiêu phát triển, các cơ chế chính sách và luật pháp cần được hướng tới là: - Khuyến khích phát triển các nguồn lực du lịch về phương diện sức hấp dẫn thiên nhiên cũng như các điểm lịch sử, khảo cổ và văn hóa, chú trọng đến chất lượng cùng với hệ thống thông tin có hiệu quả và có nhận thức về khả năng thu xếp nơi nghỉ cho du khách. - Có sự điều phối để tạo ra sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan, nhấn mạnh đến việc thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đối với hệ sinh thái và việc tổ chức các tour sẽ không gây thiệt hại hay huỷ hoại môi trường. - Xây dựng nhận thức về loại hình du lịch mà có góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và có sự hoàn trả thích hợp cho hệ sinh thái. - Triển khai lập kế hoạch, cải tiến và xây dựng nguyên tắc và quy định, tổ chức, quản lý hiệu quả du lịch sinh thái, từ đó coá thể tạo nên sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa Chính phủ, khối tư nhân và người dân địa phương. - Có chính sách, cơ chế động viên cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào quá trình và thu được lợi ích từ du lịch. * Hoạt động xúc tiến quảng bá: Xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá là một khâu quan trọng trong quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu, hình ảnh của một sản phẩm hay điểm đến. Đối với DLST việc tuyên truyền quảng bá và hoạt động xúc tiến thương mại lại còn quan trọng hơn. Chương trình quảng bá, xúc tiến phải là làm thế nào khuyến khích du khách có mong muốn được đi du lịch theo hình thức DLST. Trên thực tế nhu cầu đi du lịch, nhất là DLST của con người ngày càng tăng nhưng nếu một điểm du lịch hay một khu du lịch dù có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn, môi trường trong lành, hệ sinh thái da dạng có thể nói đó là một điểm du lịch lý tưởng nhưng nếu những thông tin về nó không được quảng bá, không đến được với du khách thì chắc chắn điểm du lịch đó cũng không có nhiều khách đến thăm. Hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá phải được thông qua các kênh quảng cáo khác nhau. Có rất nhiều hình thức quảng bá hữu hiệu, nhưng tiết kiệm và hiệu quả nhất đó là việc quảng bá trực tiếp ngay tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Một trong những đặc điểm của dịch vụ du lịch, trong đó có DLST là nó chỉ xuất hiện khi khách hàng, khách du lịch đến sử dụng, thăm quan… Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của khoa học - kỹ thuật, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin, do đó có rất nhiều hình thức quảng bá xúc tiến phát triển du lịch. Việc xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, môi trường cảnh quan thiên nhiên độc đáo hay thái độ phục vụ, hành vi ứng xử có văn hóa của nhân viên phục vụ, cộng đồng dân cư địa phương đó là những phương thức quảng bá hữu hiệu nhất. Nếu như công tác quảng bá được chú trọng đúng mức, duy trì thường xuyên thì nó sẽ là một nhân tố quan trọng cho việc phát triển DLST. * Cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ DLST là toàn bộ phương tiện vật chất tham gia vào việc tạo ra và thực hiện dịch vụ hàng hoá du lịch nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch. Với DLST nó bao gồm các hoạt động nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đi lại, ăn uống, lưu trú, mua sắm, giải trí, thông tin liên lạc, các hoạt động giảng giải, hướng dẫn, nghiên cứu thiên nhiên và văn hoá… của khách du lịch. Vì vậy phạm vi hoạt động kinh doanh rất rộng, bao gồm hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí, cho đến hệ thống giao thông vận tải, điện, nước, thông tin liên lạc… Mặc dù DLST là hình thức du lịch dựa nhiều vào thiên nhiên khai thác kinh doanh DLST phải đảm bảo nguyên tắc hạn chế tối đa việc tác đến môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái. Tuy nhiên, đây là một hoạt động dịch phục vụ “con người” trong khi họ đi ra khỏi nhà dù muốn hoà mình vào thiên nhiên nhưng họ vẫn cần có những nhu cầu thiết yếu do đó cơ sở kỹ thuật hạ tầng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển và thu hút khách du lịch đó là: đường sá giao thông, phương tiện đi lại, cơ sở lưu trú, dịch vụ y tế, các dịch vụ bổ sung như hệ thống thông tin liên lạc, các hoạt động vui chơi giải trí, hàng lưu niệm… đặc biệt vấn đề thông tin liên lạc là một khâu quan trọng đối với phát triển du lịch nói chung và phát triển DLST nói riêng. Mặc dù muốn tách khỏi sự ồn ào của đời sống đô thị công nghiệp tuy nhiên du khách vẫn cần có thông tin liên lạc để liên lạc với người thân, bạn bè và giải quyết công việc làm ăn. Do các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… những nơi có điều kiện cho phát triển DLST thường nằm ở vùng sâu, vùng xa việc đi lại thường gặp nhiều khó khăn, vì vậy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để du khách có thể đến được những điểm thăm quan là rất cần thiết. Tuy nhiên nếu việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng không hợp lý và khoa học thì sẽ dễ dẫn đến phá vỡ cảnh quan môi trường. Vì vậy, việc lập quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho phù hợp, thân thiện với môi trường là vô cùng quan trọng. Ví như các lối đi phải được thiết kế để chống xói mòn và đảm bảo nơi cư trú cho động thực vật, triệt để sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, các thiết bị xử lý chất thải, nước thải phải được sử dụng phù hợp, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nơi vui chơi giải trí là những hạng mục cơ sở hạ tầng cần được đặc biệt coi trọng về mặt thiết kế cũng như việc sử dụng vật liệu xây dựng và địa điểm xây dựng… Đó là yêu cầu quan trọng không chỉ đảm bảo cho sự phát triển DLST bền vững mà còn có cả ý nghĩa kinh tế xã hội. Xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho việc cung cấp và làm thỏa mãn nhu cầu của khách tham quan cũng đồng thời với việc đảm bảo cho phát triển bền vững là yêu cầu quan trọng của DLST. Cơ sở hạ tầng là những hấp dẫn thứ cấp bổ xung cho những hấp dẫn chính là tài nguyên thiên nhiên của khu du lịch, nếu không có các hấp dẫn thứ cấp này có thể sẽ mất đi một lượng không nhỏ những du khách cần đến chúng như một điều kiện cho chuyến đi của mình. 1.3. Ý NGHĨA CỦA PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI * Góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển du lịch bền vững: Chức năng của du lịch nói chung và DLST nói riêng là mang lại sự vui chơi giải trí, phục hồi sức khoẻ cho con người. Với DLST còn là giáo dục du khách ý thức bảo vệ môi trường và thấy rõ môi trường sinh thái là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển cho thế hệ tương lai. Thế hệ tương lai có quyền được hưởng một cuộc sống trong môi trường trong lành. Sự gắn bó hữu cơ giữa môi trường tự nhiên với con người là sự gắn bó mật thiết không thể tách rời. Tiêu chí cũng như nội dung của DLST đó là góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng các nguồn tài nguyên một cách bền vững, tập trung cho việc giáo dục và học hỏi… bởi vậy ngoài việc các cơ quan quản lý nhà nước ở các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia, các khu vực DLST phát triển phải thường xuyên được giáo dục về ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, về đa dạng sinh học thì du khách sau khi thực hiện chuyến đi họ được hướng dẫn giảng giải, giáo dục kiến thức về môi trường, ý thức của họ về việc bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học được nâng lên họ sẽ thực hiện việc sử dụng theo cách không phá hoại tài nguyên thiên nhiên và động vật hoang dã, họ sẽ đóng góp cho khu vực thăm quan thông qua sức lực và các biện pháp tài chính với mục đích làm sao để có lợi trực tiếp đến việc bảo tồn nói chung và đối với những nhu cầu cụ thể của từng địa phương nói riêng. Trên thực tế việc bảo tồn đa dạng sinh học thường bị coi là một trở ngại cho phát triển kinh tế, muốn bảo tồn đa dạng sinh học thì phải hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp tiêu cực của con người vào tự nhiên. Việc phát triển hệ thống giao thông, các nhà máy xí nghiệp công nghiệp những cơ sở để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho con người nhưng đó lại là nơi sản sinh nhiều nhất chất thải độc hại, gây ô nhiễm môi trường nó ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, tới việc bảo tồn và đa dạng sinh học. Để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên, đảm bảo cho môi trường trong lành thì hướng đi hiệu quả là phát triển loại hình DLST. Một vấn đề nữa là những người dân địa phương ở gần các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực có nguồn tài nguyên đa dạng phong phú cho phát triển du lịch thường là những người nghèo, cuộc sống của họ phụ thuộc nhiều vào việc săn bắn hái lượm, khai thác gỗ, đốt rừng làm rẫy... Để hạn chế việc này cần phải cho họ cơ hội việc làm, có thu nhập trên chính nơi mà họ sinh ra từ những nguồn tài nguyên mà họ từng gắn bó bao đời nay. Công việc mà họ có thể làm đó là tham gia vào các hoạt động hướng dẫn khách du lịch, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mang đặc tính riêng có của địa phương, làm các món ăn đặc sản, kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia đình họ…. Rõ ràng, DLST là một trong những phương tiện để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững vì cùng một lúc có thể đáp ứng được đòi hỏi phát triển kinh tế xã hội giải quyết việc làm tạo thu nhập cho người dân địa phương và bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên môi trường. Vừa đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại là giải quyết việc làm thu nhập vừa không cản trở đến việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai là đảm bảo an toàn cho môi trường, hệ sinh thái đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch. * Góp phần xoá đói giảm nghèo và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương: Khi thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, người ta có thể phải thu hồi đất đai, đồng cỏ, nguồn nước của cư dân quanh khu vực bảo tồn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của cư dân địa phương, nhất là đối với ngành trồng trọt và chăn nuôi. Để đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của cư dân địa phương tại những nơi này, DLST là một trong những giải pháp tích cực nhất. Những nguồn tài nguyên hoang sơ, những muông thú quý hiếm, không khí trong lành, nền văn hóa độc đáo là tiền đề để phát triển DLST, từ đó sẽ tạo ra cơ hội để phát triển kinh tế ở địa phương. Khi DLST phát triển người dân được nhận vào làm tại các cơ sở kinh doanh du lịch trở thành hướng dẫn viên hoặc tham gia phục vụ du lịch tại địa phương. Điều này làm giảm sức ép đối với các khu bảo tồn hơn so với khi trước người dân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tàn phá tài nguyên thiên nhiên để kiếm sống. Thông qua phát triển DLST ngân sách địa phương được nâng lên từ đóng góp của các đơn vị kinh doanh du lịch, từ đó có điều kiện để đầu tư phát triển y tế, giáo dục, và phát triển cơ sở hạ tầng. DLST phát triển không những đem lại kinh tế trong vùng mà đời sống văn hoá người dân, trình độ dân trí được nâng lên, người dân được giao tiếp với du khách, giao lưu, trao đổi văn hóa từ đó họ có thể học hỏi nhiều hơn, tri thức được mở mang từ các hoạt động như phim ảnh, ca hát, thể thao… Có thể nói phát triển DLST là giải pháp tốt để phát triển kinh tế, xã hội nó có thể góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân địa phương và nâng cao phúc lợi xã hội cho cộng đồng cư dân bản địa. * Góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng tiến bộ: Phát triển DLST còn được coi là một giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn từ kinh tế nông nghiệp độc canh sang nền kinh tế nông nghiệp đa canh, và phát triển nền kinh tế hàng hoá với các ngành nghề đa dạng, đưa tỷ trọng GDP các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gắn liền với kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển. Thu nhập của các hộ gia đình ở khu vực có nguồn tài nguyên DLST được chuyển từ nông, lâm nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong đó thu nhập từ các hoạt động phục vụ khách du lịch như: lưu trú, ăn uống, hướng dẫn viên, các hàng hoá mỹ nghệ mang tính chất đặc thù của địa phương… chiếm tỷ trọng lớn. Điều này làm cho đời sống của cư dân địa phương ngày càng được cải thiện và đảm bảo có một mức sống tốt hơn. Du khách của loại hình DLST ngoài việc di du lịch để được sống trong môi trường trong lành, nền văn hoá độc đáo đậm đà bản sắc riêng họ còn có những nhu cầu thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương, mua sắm quà lưu niệm... điều này sẽ tạo việc làm, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thúc đẩy phát triển những ngành nghề thủ công truyền thống như sản xuất đồ lưu niệm bằng nguyên liệu mây, tre, gỗ, đá, dệt thổ cẩm... Văn hóa địa phương luôn hấp dẫn khách DLST, họ muốn được xem được tìm hiểu nghiên cứu do đó khi DLST phát triển nó như là một hình thức để giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa, vừa tạo thu nhập cho nhân dân địa phương thông qua các buổi biểu diễn văn nghệ, các lễ hội truyền thống. Ở nhiều địa phương từ khi phát triển DLST bộ mặt kinh tế xã hội thay đổi một cách rõ ràng, chẳng hạn như ở SaPa nhờ có du lịch sinh thái phát triển bên cạnh việc tăng cường các điều kiện về dịch vụ và cơ sở hạ tầng, nhà hàng khách sạn… để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách thì chính DL cũng tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân địa phương ví như nghề hướng dẫn viên du lịch. Ngoài hướng dẫn viên của các công ty du lịch từ Hà Nội và một số người Kinh ở địa phương, còn có một bộ phận các hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số ở các bản làng thuộc tỉnh Lao Cai, hơn nữa khi khách đến thăm quan khu vực này thì một số nghề truyền thống đã phát triển trở lại, nếu trước đây người ta chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ nhu cầu của gia đình họ thì nay việc này đã phát triển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hoá để phục vụ du khách đó cũng là những lợi thế để thu hút du khách đến SaPa. Ở các điểm DLST khác nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục, các sản phẩm thủ công của người dân tộc như túi, mũ, đai lưng, áo, khèn, vòng tay, vòng cổ hoặc các sản phẩm rừng như: cây thuốc chữa bệnh, phong lan… Ở SaPa người H’mông đen tự trồng lanh dệt vải, nhuộm chàm và may vá cho mình, còn người Dao mua lại vải để thêu thùa. Những hoa văn đầy màu sắc trên các sản phẩm của họ làm hấp dẫn du khách nhất là du khách nước ngoài. Điều này giúp gìn giữ nghề truyền thống cũng đồng thời giải quyết được nhiều việc làm cho cả người H’mông đen và người Dao. Những điều nêu trên là ví dụ để minh chứng rằng chính DLST làm thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu thu nhập của cư dân địa phương nó làm cho người dân địa phương chuyển dần từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế dịch vụ, hàng hoá với tỷ trọng GDP của các ngành nghề phi nông nghiệp ngày một tăng cao. * Góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng mà hoạt động DLST phải tuân theo bởi các giá trị nhân văn là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời với các giá trị môi trường tự nhiên đối với một hệ sinh thái ở một nơi cụ thể. Mối quan hệ giữa DLST với văn hoá là một mối quan hệ có tính tất yếu khách quan. Tính tất yếu khách quan đó trước hết bắt nguồn từ mối quan hệ nội tại: Du lịch là một hoạt động văn hoá. Hơn thế nữa mục tiêu cuối cùng của du lịch là sự phát hiện, tiếp nhận và nâng cao giá trị văn hoá vốn ẩn chứa trong các hiện tượng của cuộc sống. Việc thực hiện chuyến du lịch con người dường như được tiếp thêm sức mạnh để sống hài hoà hơn với thế giới và làm việc có hiệu quả hơn. Bởi thế du khách của DLST ngoài nhu cầu muốn thưởng thức không khí trong lành, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên hoang dã họ còn có nhu cầu tìm hiểu nền văn hoá bản địa nơi họ đến thăm. Nền văn hoá càng lâu đời, độc đáo càng thu hút và hấp dẫn du khách. Các điệu múa xoè của các cô gái Thái vùng Tây Bắc, các điệu hát then, hát đối, các lễ hội cổ truyền của các dân tộc, các địa phương luôn được du khách quan tâm vì thế các đơn vị làm du lịch sẽ phải hợp tác với các cơ quan nghiên cứu và quản lý văn hoá tìm cách khôi phục và phát triển nó để phục vụ du khách coi đó là một lợi thế của một điểm DLST để thu hút du khách. Trong chiến lược phát triển DLST người ta luôn đặt vấn để bảo tồn và phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc là vì: - Văn hóa địa phương mang màu sắc riêng và tồn tại cùng với các hệ sinh thái của môi trường thiên nhiên xung quanh. - Chính các giá trị văn hóa địa phương là yếu tố thu hút sự tìm hiểu của khách du lịch sinh thái đối với môi trường thiên nhiên. - DLST chỉ ra cách làm kinh doanh du lịch mà không xâm hại tới văn hóa địa phương. 1.4. PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG TRONG NƯỚC VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI 1.4.1. Một số địa phương trong nước * Tiền Giang: Tiền Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được Thủ tướng Chính phủ quyết định là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trong tam giác tăng trưởng du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Kiên Giang (Phú Quốc) và tam giác tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu. Tài nguyên du lịch Tiền Giang tương đối phong phú. Một số nơi được khai thác cho hoạt động du lịch, nhất là tài nguyên thiên nhiên dọc sông Tiền và các di tích lịch sử xếp hạng đã thật sự cuốn hút du khách. Tài nguyên du lịch sinh thái Tiền Giang nổi lên với những tiểu vùng sinh thái đặc trưng: Khu vực Đồng Tháp Mười, khu rừng tràm với nhiều sinh vật cư trú và sinh sống như chim, cò, còng cọc, các loại cá đồng… đó vừa là nhân tố cân bằng sinh thái, vừa là nguồn tài nguyên DLST. Khu vực Gò Công sình lầy ngập mặn với nhiều loại thuỷ, hải sản phong phú được tạo nên bởi sự tiếp giáp thuỷ lưu giữa hai dòng nước chủ yếu là mặn, ngọt đan xen với môi trường sinh thái ít bị ảnh hưởng bởi những tác động của con người, thảm thực vật phong phú. Ngoài ra còn có hàng trăm loại đặc sản và hàng ngàn loài cá tôm, tiềm ẩn nhiều nguồn lợi chưa khai phá là đối tượng tham quan nghiên cứu của khách du lịch. Tài nguyên nhân văn của Tiền giang cũng khá phong phú với 11 di tích được Nhà nước xếp hạng, 17 lễ hội lớn nhỏ hàng năm của tỉnh, các loại hình ca nhạc tài tử, cải lương, các làng nghề truyền thống cũng là những điểm hấp dẫn khách du lịch. Với tài nguyên đa dạng và phong phú, Tiền Giang tổ chức được nhiều loại hình du lịch sinh thái: thăm quan miệt vườn, di tích lịch sử văn hoá, du lịch làng quê, sinh hoạt văn hoá truyền thống, hội nghị hội thảo chuyên đề, và thâm nhập tìm hiểu đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Tiền Giang. Các chương trình du lịch được gắn liền với những sản phẩm du lịch tiêu biểu của cụm: DLST - văn hoá - tham quan - nghiên cứu chuyên đề - du lịch thể thao và nghỉ dưỡng. Đó không chỉ là những nỗ lực nhằm khai thác các yếu tố sẵn có để thu hút khách mà còn là trách nhiệm giữ gìn, giới thiệu bản sắc văn hoá dân tộc cho du khách. Có thể nói, Tiền Giang là điểm DLST chính của khu vực hạ lưu sông Cửu Long và là một trong hai tour du lịch lý tưởng của Việt Nam. Tốc độ gia tăng khách du lịch và thu nhập du lịch Tiền Giang tương đối cao, tốc độ tăng trưởng khách bình quân trong 5 năm gần đây là 13,85% trong đó khách quốc tế tăng trưởng khoảng 20%. Năm 2000 chỉ đón có 250.250 lượt khách thì đến năm 2005 là 877.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 15,53% trong giai đoạn 2000-2005, dự kiến tăng 17% trong giai đoạn 2005-2010, chiếm 16% tổng GDP khu vực thương mại - dịch vụ của tỉnh. Để DLST Tiền Giang phát triển và đạt được những kết quả trên thì ngành du lịch đã thực hiện các biện pháp: - Xã hội hoá hoạt động du lịch, thực hiện mối liên kết giữa ngành du lịch và nhân dân (điển hình tại khu du lịch Thới sơn) hoạt động này mang lại nhiều lợi ích từ du lịch cho người dân địa phương, đồng thời khai thác hợp lý các sản phẩm du lịch tại địa phương. Mô hình này được khái quát trong mối quan hệ giữa công ty Du lịch - các điểm tham quan vệ tinh - đội chèo đò, đò máy du lịch - các đội ca nhạc tài tử- các hộ bán hàng - tổ an ninh trật tự. - Tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, phát triển tài nguyên nhân văn, các dịch vụ du lịch kèm theo, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh du lịch. - Đa dạng hoá các loại hình du lịch, xây dựng hệ thống tổ chức xã hội về du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong hoạt động du lịch cộng đồng và du lịch chính thức, đa dạng hoá về các hình thức đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật. - Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng được quan tâm sát sao. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái trong dài hạn. - Từ vị trí và điều kiện thuận lợi của mình, Tiền Giang tranh thủ đầu tư và khai thác hợp lý các tiềm năng du lịch của tỉnh, phối hợp nối tuyến với các tỉnh trong khu vực nhất là các tỉnh lân cận và với thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tận dụng lợi thế so sánh, phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang nói riêng và của đồng bằng sông Cửu Long nói chung. * Thừa Thiên - Huế: Sự giàu có cả về tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên của Thừa Thiên - Huế là tiền đề quan trọng để phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch chữa bệnh, du lịch giải trí, du lịch nghiên cứu. Các tài nguyên DLST chủ yếu của Thừa Thiên - Huế bao gồm: - Tài nguyên du lịch biển với các bãi biển nổi tiếng như: Thuận An, Cảnh Dương và đặc biệt là bãi biển Lăng Cô. Với tài nguyên sẵn có này, các sản phẩm dịch vụ về du lịch như: thể thao bãi biển, lặn biển để ngắm sinh vật biển hoặc bắt tôm hùm… - Tài nguyên đầm phá: phá Tam Giang, đầm Sam, đầm chuồn, đầm Thuỷ Tú, đầm Hà Trung, đầm Cầu Hai. Nguồn tài nguyên này tạo tiền đề phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái: du lịch thể thao trên mặt nước, khám phá cuộc sống trên đầm phá, du lịch thăm quan kết hợp nghiên cứu khoa học. - Tài nguyên du lịch sông - hồ - suối: Thừa Thiên - Huế được xem là tỉnh có nhiều phong cảnh đẹp tự nhiên với nhiều sông, hồ, suối, thác rất độc đáo như: sông Hương, sông Bồ, sông Ê-Lâu, sông Truồi trong đó sông Hương là con sông quan trọng nhất; Hệ thống hồ có: hồ Thuỷ Tiên, hồ Truồi, hồ Tịnh Tâm,…; Có nhiều suối đẹp, thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động du lịch dã ngoại cuối tuần, du lịch sinh thái như: suối Voi, suối Tiên, thác Nhị Hồ (Phú Lộc), suối A-Đôn (Hương trà), thác ba tầng A-Lưới, thác Mơ (Nam Đông)… - Hệ thống đồi núi của Thừa Thiên - Huế có giá trị đối với phát triển du lịch sinh thái: Hải Vân - Bạch Mã, đồi Thiên An. đồi Vọng Cảnh, núi Linh Thái, núi Ngự Bình. - Tài nguyên suối nước khoáng nóng: suối nước nóng Mỹ An, suối nước khoáng Thanh Tân. - Đặc biệt là vườn rau xanh nội thành và hệ thống nhà vườn của Huế mang nét độc đáo cho phát triển du lịch sinh thái. DLST ở Thừa Thiên - Huế được phát triển với nhiều loại hình đa dạng: thăm quan nhà vườn Huế, đi thuyền trên sông nghe hò Huế, nghiên cứu rừng nguyên sinh kết hợp với tắm suối khoáng chữa bệnh, thăm quan các làng nghề kết hợp với các di tích lịch sử văn hóa và nghiên cứu văn hoá địa phương, du lịch biển… Ở Thừa Thiên - Huế DLST chỉ mới phát triển trong vài năm gần đây nhưng sự phát triển của loại hình này đã mang lại một số tác động tích cực: làm tăng thời gian lưu trú của khách; tăng thu ngân sách bù đắp chi phí cho công tác bảo tồn vườn quốc gia; tham gia giải quyết những vấn đề việc làm cho người lao động; góp phần làm tăng doanh thu trong ngành du lich và tăng thu nhập của dân cư địa phương, vùng lân cận nơi có tài nguyên du lịch; bước đầu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hệ sinh thái cho cho khách du lịch và cư dân địa phương. Tuy nhiên, quy mô DLST còn nhỏ bé, tỷ trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chưa đáng kể. Những cố gắng ban đầu của ngành du lịch địa phương trong việc phát triển loại hình du lịch này mới chỉ dừng lại ở những bước tạo tiền đề cơ bản như: khảo sát, đánh giá tiềm năng và giá trị tài nguyên du lịch sinh thái, đầu tư cơ sở hạ tầng…góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững sau này. Đánh giá một các khách quan thì quá trình triển khai còn quá chậm, chưa có sự phối hợp đồng bộ với các ngành và cơ quan hữu quan khác, do đó tiềm năng DLST chưa được khai thác hiệu quả. Còn nhiều vấn đề đặt ra, những khó khăn thách thức mà ngành du lịch Thừa Thiên - Huế phải giải quyết để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tới. * Quảng Bình: Cảnh quan du lịch Quảng Bình được cấu tạo hòa quyện đa dạng giữa núi, rừng, đồng bằng, biển, sông ngòi, hồ tạo nên tài nguyên du lịch phong phú. ở Quảng Bình, tài nguyên du lịch cho phát triển DLST là tương đối đa dạng và thuận lợi trong đó nổi lên là: vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận năm 2002. Tại khu bảo tồn này có hệ thống hang động kỳ vĩ, rừng nguyên sinh, hệ động thực vật đa dạng, hệ thống núi đá vôi rộng lớn có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình DLST như: thăm quan, khám phá hang động, nghiên cứu hệ động thực vật, nghiên cứu thám hiểm tự nhiên,… Biển Quảng Bình dài có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Đá Nhảy, Nhật Lệ, Quảng Đông với cát trắng, nước biển xanh trong, môi trường xanh sạch chưa bị ô nhiễm. Có nhiều hồ lớn: An Mã, Phú Vinh, Bàn Sen. Có suối nước khoáng nóng …với nhiệt độ lên đến 1050C có lỗ phun lại nằm sát rừng thông rất thuận lợi cho du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Hiện tại khu nghỉ dưỡng cao cấp “Sunspa resort - Đồng Hới” với hệ thống nhà nghỉ và các dịch vụ bổ sung tương đối hoàn hảo phục vụ cho nghỉ ngơi, tắm biển, hội thảo quốc tế và các hoạt động thể thao… đã hoàn thành việc đầu tư giai đoạn I và đã đi vào khai thác đó là một địa điểm nổi tiếng của Quảng Bình với khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, Quảng Bình còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Đèo Ngang, đèo Lý Hòa… Với những tiềm năng sẵn có bước đầu Quảng Bình đã tận dụng nguồn lực của mình để phát triển DLST. Du lịch đã tác động tích cực đến kinh tế: Góp phần tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra nguồn thu ngoại tệ… Để có được những kết quả bước đầu mà du lịch sinh thái Quảng Bình có được trong thời gian qua thì một số nguyên nhân sau: Lãnh đạo tỉnh, các ban ngành địa phương và người dân có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của du lịch và DLST, từ đó đề ra nhiều chính sách phù hợp để phát triển. Bên cạnh đó có sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành các địa phương trong công tác quy hoạch và quản lý… Đặc biệt ở Quảng Bình bước đầu đã khuyến khích người dân địa phương tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch. Hoạt động này không chỉ tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương mà có tác dụng rất lớn đến việc bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái. Tại khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, người dân xã Sơn Trạch không còn vào rừng khai thác gỗ lậu và săn bắn thú rừng nữa (một nguồn thu nhập chính của người dân xã Sơn Trạch trước đây) và họ ý thức được việc bảo tồn khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng là trách nhiệm của chính họ vì đây là tài sản vô giá cho cả hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, việc phát triển DLST ở Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại: - Vẫn chưa có chiến lược đúng đắn để phát huy những nguồn lực sẵn có để DLST thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. - Chưa có chiến lược phát triển là DLST và du lịch bền vững. Du khách đến thăm quan Quảng Bình chủ yếu là thăm khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và tắm biển không có nhiều các dịch vụ bổ sung như vui chơi giải trí, mua sắm và đặc biệt là hàng lưu niệm mang tính đặc trưng của địa phương do đó thời gian lưu trú của du khách ngắn do không có sản phẩm du lịch độc đáo, không có những tour du lịch sinh thái thực sự mà chỉ là sự tự phát từ du khách. - Đội ngũ nhân lực làm du lịch sinh thái chưa được đào tạo bài bản, đặc biệt là người dân địa phương chưa được trang bị nhiều kiến thức về môi trường sinh thái, sự phát triển bền vững và hơn thế nữa là kiến thức về du lịch sinh thái. 1.4.2. Một số quốc gia trên thế giới * Thái Lan: Xây dựng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng: Thái Lan một quốc gia Đông Nam Á có nền du lịch phát triển mạnh, nó đã đem lại một nguồn thu rất lớn cho nền kinh tế quốc dân. ngoài những hình thức du lịch thông thường thì DLST của Thái Lan cũng rất phát triển. Họ xây dựng chiến lược quốc gia về xây dựng và phát triển DLST cộng đồng. Khái niệm DLST cộng đồng đã được sử dụng để đề cao sự tham gia của người địa phương vào phát triển và quản lý du lịch. Nếu không có sự tham gia của người dân địa phương thì việc kiểm soát sử dụng tài nguyên rất khó khăn. Ở Thái Lan, một số chương trình DLST do người ngoài địa phương khởi xướng đã không thành công trong công tác bảo tồn do quy hoạch không thích hợp. Từ quan điểm môi trường và kinh tế, nếu người dân địa phương không tham gia thì khu vực có tài nguyên du lịch có thể bị khai thác quá mức, các nguồn tài nguyên mà du lịch dựa vào để khai thác cho hoạt động kinh doanh sẽ bị tàn phá. Bằng cách để người dân địa phương tham gia vào việc ra quyết định, các chương trình du lịch có trách nhiệm và bền vững hơn về lâu dài. Hiến pháp của Thái Lan công nhận sự tham gia của người dân địa phương vào việc bảo tồn thiên nhiên và trực tiếp khuyến khích người địa phương tìm các phương thức để quản lý các nguồn lực của mình hơn là cho người ngoài tất cả các lợi ích và lợi thế. Điều này tạo cơ sở cho người địa phương tham gia vào sự phát triển du lịch để phát triển cộng đồng vào bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên. * Malaysia: Tăng cường đầu tư và chú trọng phát triển DLST: Malaysia là quốc gia có nền kinh tế du lịch phát triển vào bậc nhất Đông Nam á. Chính phủ Malaysia đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của du lịch trong nền kinh tế quốc dân, nên đã đi trước một bước dài trong công tác phát triển du lịch. Chỉ trong vài năm, với chính sách đầu tư hợp lý, ngành du lịch Malaysia đã vươn lên dẫn đầu khu vực với việc thu hút trung bình từ 14 - 15 triệu lượt khách quốc tế/năm, với thời gian lưu trú của mỗi du khách từ 5 - 7 ngày. Ngân sách của cơ quan du lịch quốc gia khoảng trên 40 triệu USD mỗi năm, hàng không quốc gia Malaysia đã mở nhiều tuyến bay nội địa và quốc tế, phát triển nhiều trung tâm du lịch mạo hiểm, các khách sạn được phân bố đều khắp cả nước. Cơ sở hạ tầng và nền kinh tế có mức tăng trưởng cao đã tạo điều kiện thuân lợi cho ngành du lịch phát triển. Malaysia rất chú trọng phát triển DLST, họ liên tục đưa ra những sản phẩm mới cũng như chú trọng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên nhân văn. Họ coi trọng công tác quảng bá sản phẩm DLST trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Đồng thời, Chính phủ Malaysia thường xuyên nâng cấp trang thiết bị cho ngành du lịch đặc biệt là DLST (mỗi năm chi hàng triệu Ringgit cho công tác này) và duy trì phát triển văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì vậy, chỉ sau 5 năm Malaysia đã tăng gấp đôi lượng khách quốc tế từ 7,93 triệu lượt người năm 1999 lên 15,7 triệu lượt người năm 2004 doanh thu từ du lịch đạt 12 tỷ USD, tỷ trọng GDP là 5,6%, xếp hàng thứ hai trong các ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất nước. Bài học kinh nghiệm: Nghiên cứu về sự phát triển DLST của một số địa phương trong nước cũng như ở các quốc gia trên thế giới chúng ta nhận thấy để phát triển loại hình du lịch này một cách hiệu quả và bền vững cần chú trọng những điểm sau đây: - Phải nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng khi phát triển loại hình DLST từ đó dành sự ưu tiên đầu tư cả về cơ chế, chính sách và hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất cho phát triển DLST. - Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với các bộ ngành hữu quan và ngành du lịch để tổ chức và quản lý các hoạt động, tạo ra những chiến lược và sản phẩm du lịch tốt, có chất lượng cao; khai thác hiệu quả, đồng bộ tài nguyên du lịch. - Có chính sách, cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động và phát triển DLST: quốc doanh, tư nhân, liên doanh trong nước, liên doanh với nước ngoài… đặc biệt chú trọng khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động loại hình du lịch này. - Chú trọng khai thác nét độc đáo, hấp dẫn của tài nguyên, nhất là những tài nguyên sinh thái hấp dẫn lại "độc nhất vô nhị" là tiền đề vô cùng quan trọng cho phát triển DLST. Nếu biết khai thác tốt điểm hấp dẫn, độc đáo này để tạo ra sản phẩm DLST mang tính độc quyền thì đây là điểm đến lý thú cho nhiều du khách, là cơ hội kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. - Về giải pháp thực hiện chiến lược quốc gia về DLST thì giải pháp chung được áp dụng là: + Coi trọng công tác quy hoạch cho phát triển DLST để có kế hoạch đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch dựa các nghiên cứu cơ bản và có hệ thống, từ đó đề ra các chương trình phù hợp. + Có những cơ chế chính sách phù hợp, phát triển đồng bộ, đồng thời có các định hướng ưu tiên, đặc biệt chú ý đến việc chia xẻ lợi ích với cộng đồng, gắn quyền lợi với nghĩa vụ. + Đề cao sự hợp tác liên ngành, liên vùng để có những biện pháp phối hợp quản lý cùng giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. + Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trong du lịch, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng và cho khách du lịch bảo vệ môi trường. + Thực hiện các phương pháp tiếp thị có trách nhiệm. + Đa dạng hóa các sản phẩm DLST Kết luận chương 1 Với mục tiên làm rõ hệ thống cơ sở lý luận ở chương I làm cơ sở khoa học cho việc phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp và kiến nghị phát triển DLST ở Ninh Bình, chương này đã thể hiện được một số nội dung sau đây: 1. Làm rõ một số khái niệm của các tổ chức chuyên ngành trong nước và quốc tế về DLST, phân tích những đặc điểm của DLST, phân biệt DLST với một số loại hình du lịch tương tự, sự cần thiết phải phát triển loại hình du lịch này, các loại hình du lịch phổ biến trong nước và trên thế giới. 2. Trên cơ sở tiếp cận những khái niệm về sản phẩm du lịch nói chung và bản chất của DSLT nói riêng, chương này còn khái quát hoá được các khái niệm tổng quát về DLST và phân tích bốn đặc điểm của DLST 3. Ngoài ra chương I còn phân tích 6 nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến sự phát triển DLST 4. Bên cạnh đó chương I đã đi vào tìm hiểu kinh nghiệm phát triển DLST của một số địa phương trong nước và trên thế giới từ đó đưa ra bài học kinh nghiệm cho việc phát triển DLST nói chung và phát triển DLST ở NB nói riêng. Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH 2.1. THỰC TRẠNG TIỀM NĂNG DU LỊCH SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH 2.1.1. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình Ninh Bình là một tỉnh nằm ở đồng bằng sông Hồng có toạ độ địa lý từ 19o50’ đến 20o27’ vĩ độ bắc và từ 105o32’ đến 106o33’ kinh độ đông. Phía bắc [47] giáp Hà Nam và Nam Định, phía đông giáp biển, phía nam giáp Thanh Hoá. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.420km2, dân số 902.000 người (năm 2004). Ninh Bình nằm trên địa bàn trung chuyển của các hệ thống tự nhiên, lãnh thổ của tỉnh ở rìa Tây Nam đồng bằng sông Hồng, giáp với đồng bằng sông Mã (Thanh Hoá) qua vùng núi Tam Điệp là phần cuối cùng phía Tây Nam của vùng núi Tây Bắc trong khu đệm Hoà Bình-Thanh Hoá và tiếp giáp với biển Đông. 16Km vùng ven biển Kim Sơn - Cồn Thoi hàng năm vẫn tiến ra biển với tốc độ 80-100m. Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hoá, trải qua nhiều thời đại lịch sử, mảnh đất con người Ninh Bình đã vượt qua mọi thử thách gian nan để cùng cả nước làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc trong đấu tranh và xây dựng đất nước mà đỉnh cao là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngoài ra Ninh Bình còn là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước, có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển du lịch. Ninh Bình nằm gần địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc với tuyến hành lang Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Sự phát triển du lịch Ninh Bình sẽ tạo thành một tam giác tăng trưởng du lịch mới: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình qua quốc lộ 1A, quốc lộ 18, quốc lộ 10 với hai sân bay quan trọng Nội Bài và Cát Bi và hệ thống cảng biển, cảng sông đáp ứng được nhu cầu vận chuyển khách với nhiều phương tiện khác nhau. Sau ngày được tái lập tỉnh (04/1992) Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình hoà nhập với công cuộc đổi mới chung của cả nước cùng với sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, tỉnh Ninh Bình đã vượt lên trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, bình quân đầu người hàng năm (từ 1992-2005). - GDP tăng 10,4%, riêng thời kỳ 1995-2005 tăng 8,1%. - Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thuỷ sản tăng 8,4%. - Giá trị sản xuất Công nghiệp tăng 10,25%. - Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 13,7%. - GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 2.233.000 đồng, gấp 4,5 lần năm 1992, gấp 1,5 lần năm 1995. - Cơ cấu kinh tế về cơ bản có sự dịch chuyển đúng hướng: Tỷ trọng GDP ngành công nghiệp dịch vụ tăng lên, tỷ trọng GDP nông, lâm, thuỷ sản giảm. Nhiều công trình quan trọng đang được xây dựng như: nhà máy Xi măng Tam Điệp, Kênh 12B, hồ Yên Thắng, cơ sở hạ tầng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu bảo tồn sinh thái Vân Long, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng khu du lịch hang động Tràng An... Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân được nâng cao và ổn định, các hoạt động văn hoá, giáo dục, thể thao có sự chuyển biến tích cực. An ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.... Thời kỳ từ 1986-1991 khi còn tỉnh Hà - Nam - Ninh thì nguồn vốn đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội vào Ninh Bình là rất nhỏ bé và cũng chỉ tập trung vào nông nghiệp. Từ khi tái lập tỉnh (1992) việc đầu tư vào một số ngành trong đó đầu tư vào du lịch, dịch vụ được cải thiện hơn. Tuy nhiên điều kiện về cơ sở hạ tầng vẫn còn kém, cùng với thực lực kinh tế còn yếu, môi trường đầu tư chưa thuận lợi, nên so với tiềm năng và lợi thế của mình thì Ninh Bình chưa phát triển tương xứng, còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt đối với ngành du lịch tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, du lịch chưa trở thành là ngành kinh tế mũi nhọn. 2.1.2. Thực trạng tiềm năng du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình 2.1.2.1. Tài nguyên tự nhiên Tài nguyên tự nhiên của Ninh Bình có ba đặc điểm rất quan trọng là: - Hầu hết các tài nguyên tự nhiên của Ninh Bình không chỉ có giá trị cho tham quan du lịch thuần tuý mà còn có giá trị lớn về khoa học cho các nghiên cứu chuyên đề. Điển hình trong số đó là Vườn quốc gia Cúc Phương và rừng đặc dụng đất ngập nước Vân Long. - Các tài nguyên tự nhiên luôn gắn quyện với các giá trị văn hoá, lịch sử điển hình trong nó. - Các điểm tài nguyên của Ninh Bình có mật độ tương đối dày nhưng giá trị của nó không mang tính loại trừ nhau. Điều này cho phép kết nối các điểm thành chuyến du lịch thuận tiện mà không làm giảm tính hấp dẫn của mỗi điểm. * Khu bảo tồn thiên nhiên: Vùng đất ngập nước Vân Long ở phía Đông - Bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, thuộc địa phận của bảy xã: Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hoà, Gia Tân, Gia Vân, Gia Lập, Gia Thanh. Diện tích dự kiến quy hoach toàn khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước này là 2.643ha. Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên từ tháng 8 năm 1999, đến tháng 10 năm 2000 Viện điều tra quy hoạch rừng kết hợp với chi cục kiểm lâm và sở khoa học công nghệ tỉnh Ninh Bình, Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương đã nghiên cứu về Vân Long khẳng định Vân Long là khu vực có diện tích đa dạng sinh học cao, có hệ sinh thái đất ngập nước với diện tích lớn nhất Đồng bằng Bắc bộ, có hệ sinh thái núi đá vôi là nơi sinh sống của quần thể Voọc quần đùi lớn nhất ở Việt Nam, với khoảng trên 40 cá thể. Về Rừng: Khu vực Vân Long có khoảng 457 loại thực vật bậc cao thuộc 327 chi, 127 họ. Đặc biệt có tám loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam (1996) là: Kiêng, Lát hoa, Tuế lá rộng, Cốt toái bổ, Sắng bách bộ, Mã tiền, Hoa tán, Bò cạp núi... Về động vật: có 39 loài, 19 họ, 7 bộ thú, có 12 động vật quý hiếm như: Voọc quần đùi chiếm số lượng lớn nhất Việt Nam, gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ, chiết bụng vằn, cày vằn, báo gấm, báo hoa mai... Trong các loại động vật có 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, tắc kè, rắn ráo thường, rắn sọc đầu đỏ, rắn cạp nong, rắn hổ mang...Vân Long cũng có khả năng hình thành được một khu vườn chim vì có 62 loài, 32 họ, 12 bộ chim. Hiện nay ở đây có khoảng 250 con cò bợ, cò ruồi, cò trắng... thường xuyên kiếm ăn ở bãi sình lầy và ruộng lúa. Không chỉ là khu vực bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, Vân Long còn là nơi có cảnh quan và di tích lịch sử văn hoá. Khu Vân Long có 32 hang động đẹp, nhiều hang động lớn có giá trị về du lịch như: hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh... Riêng hang Cá là hang xuyên thùng dài 250m, cao 8m, rộng 10m là một hang động rất đẹp. Khu Vân Long và vùng phụ cận còn có nhiều di tích lịch sử và văn hoá nổi tiếng đã được công nhận như: Di tích lịch sử đền Đức Thánh Nguyễn, khu danh thắng chùa và động Địch Lộng, di tích lịch sử đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, di tích lịch sử động Hoa Lư... Vân Long mới được đưa vào khai thác du lịch từ năm 1997-1998 Các nhà khoa học thuộc viện điều tra quy hoạch rừng phát hiện đây là nơi có giá trị đa dạng sinh học và đã được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước của Việt Nam. Qua điều tra đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước Vân Long đã xác định được đây là một khu vực đa dạng về sinh thái. Tại Vân long ngoài hai hệ sinh thái chủ yếu là đất ngập nước và rừng trên núi đá vôi còn có cả hệ sinh thái đồng ruộng, rừng trồng, bãi cỏ, nương rẫy và hệ sinh thái làng bản. Đây sẽ là hiện trường nghiên cứu đa dạng sinh học rất quý của hệ sinh thái này. Đặc biệt ở đây sẽ là hiện trường để nghiên cứu loài voọc quần đùi tốt nhất của Việt Nam, vì số lượng cá thể lớn, dễ quan sát nhất so với các sinh cảnh của Voọc quần đùi ở nơi khác. Ngoài giá trị đa dạng sinh học. Vân Long còn có cả một quần thể di tích lịch sử - văn hoá lâu đời và hệ thống hang động đẹp nếu được bảo vệ và đầu tư, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và của Ninh Bình, Vân Long chắc chắc sẽ trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước nội đồng, một điểm DLST có giá trị. Dù Vân Long là một điểm mới được phát hiện, quy hoạch quản lý và khai thác cho phát triển DLST bước đầu đã tạo được sự quan tâm của du khách, phần lớn du khách đến đây là giới khoa học, học sinh sinh viên và những người ưa khám phá, mạo hiểm. Vân Long là một trong những điểm tài nguyên có giá trị cao để phát triển là loại hình DLST nó đã được ngành du lịch Ninh Bình quy hoạch chi tiết để có kế hoạch cho việc quản lý tài nguyên và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch. Hiện lượng khách đến với điểm du lịch này chưa thật nhiều so với tiềm năng của nó nhưng đó lại là những du khách thật sự có nhu cầu đi du lịch theo hình loại hình DLST. Họ là những nhà khoa học, học sinh, sinh viên nghiên cứu về sinh học và môi trường sinh thái. Khu Vân Long được nhiều cá nhân, tổ chức đã, đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng để khai thác và kinh doanh DLST (Xem phần thực trạng đầu tư xây dựng). Tuy nhiên, để các cơ sở kinh doanh này hoạt động đúng theo tiêu chí của DLST thì vai trò quản lý ngành cần được quan tâm, đặc biệt là trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. * Tài nguyên rừng: Do quá trình khai thác tự do, không có kế hoạch từ lâu nên rừng ở Ninh Bình bị tàn phá nhiều. Ngoài Cúc Phương, rừng tự nhiên ở Ninh Bình không còn nhiều và nguyên vẹn. Trên các sườn núi đá vôi là thảm rừng nghèo, thứ sinh. Phần lớn là các bụi nhỏ. Ở phía Đông - Nam của tỉnh trên địa bàn huyện Kim Sơn có một ít rừng ngập mặn. Theo số liệu của ban kiểm kê rừng tự nhiên Trung ương, vào đầu thập kỷ 90, diện tích rừng tự nhiên ở Ninh Bình là 11.275 ha. So với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, Ninh Bình là tỉnh có diện tích rừng khá lớn. Về động vật, nếu không kể ở Cúc Phương, Ninh Bình chỉ có một số động vật rừng rải rác trên các vùng núi đá và khu vực rừng ngập mặn ở Cồn Thoi - Kim Sơn. Có giá trị lớn nhất đối với du lịch là thảm rừng và động vật rừng Cúc Phương. Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập trên cơ sở Quyết định số 72/TTg ngày 07/07/1962 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 139/CT ngày 09/5/1998 của Hội đồng Bộ trưởng, phê chuẩn luận chứng kinh tế kỹ thuật vườn quốc gia Cúc Phương. Vườn thuộc địa giới hành chính 3 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình. Tổng diện tích tự nhiên của vườn là 22.200 ha, trong đó: Vườn quốc gia Cúc Phương được phân thành 3 khu chức năng chính là: - Khu bảo vệ nguyên vẹn (20.745ha gồm rừng tự nhiên: 20.065ha, có chức năng duy trì bảo vệ những điều kiện tự nhiên nguyên thuỷ nhất; bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan di tích lịch sử đã có. - Khu chuyên dùng (734ha) có chức năng hoạt động dịch vụ, quản lý hành chính, dịch vụ nghiên cứu khoa học (phòng thí nghiệm, bảo tàng khoa học, thư viện khoa học, vườn thực vật...) - Vùng đệm nhằm tạo vành đai bảo vệ, tránh những tác động trực tiếp của con người có hại cho khu bảo vệ nguyên vẹn và mở rộng vùng hoạt động của chim thú, tạo cho chúng môi trường ổn định. Nói đến Cúc Phương chúng ta phải kể đến hệ thực vật phong phú của nó. Trên diện tích 22.200 ha của Cúc Phương đã tìm thấy 1.880 loài thực vật bậc cao. Trong đó ngành Quyết thực vật có 31 họ, 57 chi, 149 loài; ngành Hạt Trần có 3 họ, 3 chi, 3 loài; ngành hạt kín có 154 họ, 747 chi và 1.588 loài. Với diện tích chỉ bằng 1/700 diện tích miền Bắc và gần 1/1.500 diện tích Việt Nam, nhưng hệ thực vật Cúc Phương chiếm tỷ lệ 76,6% số chi, 30% số loài của miền Bắc; 68% số họ, 43,6% số loài của Việt Nam [ ]. Với sinh cảnh khá đa dạng nên Cúc Phương có một hệ thống động vật phong phú, 137 loài chim, 36 loài bò sát, 17 loài lưỡng thể và một số loài cá đặc biệt. Có những loài động vật mà chỉ mới phát hiện lần đầu tiên ở Cúc Phương như: Sóc bụng đỏ Cúc Phương, cá Niếc hang, Trăn gấm, Gấu ngựa, Báo gấm, sơn dương, khỉ...là những loài động vật còn gặp nhiều ở Cúc Phương. Vẹt, Phượng hoàng đất, Gà lôi, Vàng anh là những loài chim đẹp ở Cúc Phương. Nhóm động vật không xương sống ở Cúc Phương còn ít được nghiên cứu, ở đây chỉ mới thu thập được 1.800 dạng côn trùng của 200 họ, 24 bộ. Động vật không xương sống ở Cúc Phương có hàng ngàn loài bướm đẹp. Đến Cúc Phương, du khách còn được thăm các địa danh đó là: động Trăng Khuyết, động Vui Xuân, động Thanh Minh, động Chùa, động Người xưa… Đặc biệt, đối với động Người xưa, bất cứ du khách nào đến với Cúc Phương dù mệt đến mấy cũng đều không bỏ qua. Leo 223 bậc, lên cửa động đã hiển hiện một vùng rêu phong với dấu ấn còn nguyên vẹn của tổ tiên xưa, thời con người của buổi sơ khai. Vườn quốc gia Cúc Phương là cơ sở được Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT quản lý. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho kinh doanh DLST ở đây đã được tiến hành trong nhiều năm đến nay khu vực này đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh với hệ thống hạ tầng động bộ, phù hợp với cảnh quan môi trường chung, là một điểm DLST lý tưởng không chỉ của Ninh Bình mà còn cả quốc gia và là điểm thu hút được khá nhiều du khách khi về thăm quan Ninh Bình. Du khách đến với Cúc Phương chủ yếu là đi theo đoàn, thường là học sinh, sinh viên từ Hà Nội và các tỉnh lân cận, đến vào các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ tết. Khu du lịch này cũng tạo được sự chú ý của du khách nước ngoài nhưng thường là họ đi theo đoàn nhỏ, và là những nhà khoa học. Ngoài ra ở Ninh Bình còn có một hệ thống rừng phòng hộ đã được trồng từ nhiều năm trước đây như: rừng thông ở Nho quan, Gia Viễn (nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương). Hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ở vùng bãi bồi Cồn Thoi - Kim Sơn. Đây là diện tích rừng được hình thành để lấn biển và chắn sóng. Do đặc điểm khí hậu thuỷ văn khu vực này có hệ sinh thái đa dạng. Trong đó có ba loại cây trồng chiếm diện tích chủ yếu là Vẹt, cói, sậy ngoài ra vùng trong đê còn có một diện tích rừng bạch đàn và cây ăn quả đáng kể. Đây cũng là nơi mà có rất nhiều loài chim di cư về trú đông như: ngỗng trời, vịt trời, có trắng, vạc, le le, mòng két… Ngoài nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên như: Ngao, vọp, sò huyết, cua và các loại cá biển… đã hình thành một diện tích lớn để nuôi trồng thuỷ sản trong mấy năm gần đây (nuôi tôm, cua…) đây cũng là một yếu tố thu hút du khách khi DLST phát triển. Khách vừa đến để thăm quan hưởng không khí trong lành, môi trường sinh thái đa dạng còn có thể thưởng thức nghệ thuật ẩm thực với các món ăn đặc sản của vùng Kim Sơn như rượu Kim Sơn, gỏi các món… Khu vực này đã quy hoạch để phát triển DLST nhưng hiện tại chưa tiến hành đầu tư xây dựng. Hy vọng với nguồn tài nguyên sẵn có trong tương lai gần, nơi đây sẽ được đầu tư xây dựng thành khu DLST hấp dẫn du khách. Bảng 2.1: Diện tích rừng tự nhiên ở Ninh Bình [39] Diện tích rừng tự nhiên Trong đó chia ra Trữ lượng gỗ (m3) Rừng phòng hộ % Rừng đặc dụng % Đồng bằng Sông Hồng 22.718 8.314 37,0 11.000 48,0 298.099 Ninh Bình 11.275 875 8,0 10.400 92,0 55.913 Tài nguyên rừng đóng một vai trò quan trọng tạo nên sản phẩm DLST của Ninh Bình. Ngoài tác dụng phục vụ phát triển du lịch thì hệ thống rừng của Ninh Bình có tác dụng rất lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, chống xói mòn (rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn) và điều hoà không khí và cân bằng môi trường sinh thái. * Hệ thống hang động ở Ninh Bình: Quá trình phong hoá Kastơ đá vôi đã kiến tạo cho vùng quê Ninh Bình nhiều hang động nên thơ và ngoạn mục. Những hang động nằm rải rác trong dãy núi đá vôi từ huyện Nho Quan, qua Gia Viễn, Hoa Lư vào thị xã Tam Điệp, xuống Nam huyện Yên Mô. Đó chính là tài sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Ninh Bình mà nhiều địa phương khác không có được. Huyện Nho Quan có động Người xưa ở vườn quốc gia Cúc Phương, động Vui Xuân, động Trăng Khuyết, hang Con Moong (nghĩa là hang con thú). Huyện Gia Viễn có động Hoa Lư thuộc xã Gia Hưng, là căn cứ ban đầu của Đinh Bộ lĩnh. Từ đây Ông dấy binh dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất đất nước, lập ra quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ ở thế kỷ thứ 10. Động Địch Lộng (nghĩa là tiếng sáo) ở xã Gia Thanh được người xưa mệnh danh là Nam thiên đệ tam động (Động đẹp thứ ba trời Nam, sau động Hương Tích và Bích Động). Huyện Hoa lư có số lượng hang động đẹp nhiều nhất của tỉnh đã nổi tiếng từ xa xưa mà các sách của Ninh Bình đã ghi chép khá cặn kẽ: Khu vực Cố đô Hoa Lư (nay thuộc xã Trường Yên) có Xuyên Thuỷ Động (Tức hang luồn) hang xuyên qua núi. Động Am Tiên, theo truyền lại là nơi nuôi hổ dữ trừng trị kẻ có tội dưới triều vua Đinh. Hang Đá Bàn, hang Bin, hang Muối theo truyền thuyết là nơi để kho mắm, kho muối dưới triều Đinh - Lê, đặc biệt là có Liên Hoa Động (động đẹp như đài sen). Hang Quàn theo truyền thuyết khi vua Đinh mất thi hài nhà vua được quàn tại đây nên hang có tên gọi như thế. Động Thiên Tôn ở Ninh Mỹ là cửa ngõ án ngữ con đường phía đông vào kinh thành Hoa Lư. Trong động có chùa thờ phật, lại thờ Trấn Vũ Thiên Tôn nên động có tên gọi theo tên vị thần thờ. Động Bích hay còn gọi là Bích Động (động đẹp như thạch bích) ở xã Ninh Hải, được người xưa mệnh danh là: “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì trời Nam) chỉ sau động Hương Tích. Liền kề Động Bích có Động Tiên hay Động Móc; Đặc biệt là Ba Hang (còn gọi là Tam Cốc) Đây có thể được coi là những hang đẹp nhất ở Ninh Bình vì có sông đi luồn qua có nhiều nhũ đã được ánh sáng phản chiếu từ mặt nước tạo nên sắc màu lung linh huyền ảo Thị xã Tam Điệp có hang Thung Lang thuộc khu vực chợ Ghềnh, là di chỉ khảo cổ học do nhà khảo cổ học người Pháp - bà Côlani phát hiện năm 1930, qua phân tích khoa hoc cho thấy có người nguyên thuỷ sống cách đây khoảng 10.100 năm. Động Tam Giao (ba hang động gặp nhau ở lưng chừng núi) ở phường Nam Sơn cũng là một hang rất đẹp. Đó là một số hang động tiêu biểu trong hàng trăm hang động đẹp của Ninh Bình đã được nhiều khách trong và ngoài nước biết đến. Loại hình hang động ở Ninh Bình khá phong phú, đa dạng, với nhiều kích thước to, nhỏ và nhiều cảnh thiên tạo kỳ thú. Cảnh quan thiên nhiên, nhũ đá thiên tạo đã khắc hoạ cho hang động Ninh Bình nhiều hình, tích kỳ ảo và chính những yếu tố đó đã làm cho hang động nơi đây nổi tiếng về vẻ đẹp tự nhiên, nên thơ và ngoạn mục. Hang, động có ý nghĩa và giá trị quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch Ninh Bình cả trong hiện tại và tương lai. Với chiến lược phát triển DLST thì hệ thống hang, động đa dạng và phong phú của Ninh Bình sẽ là nguồn tài nguyên độc đáo và quý giá nó kết hợp với hệ sinh thái đa dạng thiên nhiên hoang dã trong lành sẽ thực sự quyến rũ những người yêu thích thiên nhiên, yêu thích khám phá những điều mới lạ của thế giới tự nhiên nếu chúng ta nếu biết đầu tư khai thác hợp lý, khoa học. Hiện tại hệ thống hang động ở Ninh Bình đã được thống kê phân loại và quản lý chặt chẽ. Mỗi hang động đều được gắn với từng khu, từng điểm du lịch được quản lý, sử dụng cho phát triển du lịch tương đối tốt. Du khách khi đến Ninh Bình, nhất là khách nước ngoài đều đánh giá hệ thống hang động của Ninh Bình là đa dạng và phân bố đồng đều ở các khu các điểm du lịch của tỉnh. Điều này cũng thuận lợi cho việc quản lý và khai thác cho mục đích du lịch. * Các hồ sinh thái: Hồ Đồng Chương nằm giáp giới giữa ba xã Phú Lộc, Phú Long và Kỳ Phú, huyện Nho Quan. Một hồ nước rộng khoảng 45 ha. Nước hồ lúc nào cũng xanh, xung quanh hồ là những dải đồi thông xanh mướt, cao vút, nhấp nhô, trùng điệp như vây phủ lấy mặt hồ, làm cho nước hồ xanh lại càng xanh thêm. Đến hồ Đồng Chương du khách được nghỉ ngơi hoặc dạo quanh đồi thông được tận hưởng một không khí trong lành, mát mẻ của các dãy đồi thông. Khó có thể tìm được một nơi yên tĩnh như ở đây. Với diện tích rừng thông rộng lớn tạo cho không khí ở đây trong lành mát mẻ phù hợp cho các hoạt động nghỉ ngơi thư giãn. Một điều rất độc đáo là, hàng năm nếu du khách đến thăm hồ Đồng Chương vào tháng 7 đến tháng 10 (âm lịch) sẽ thấy được rất nhiều cò, cò đậu dày đặc, trắng xoá trên các hàng thông. Tất cả các dải đồi thông đã là một tấm t

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLuận văn- Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thực trạng và giải pháp.pdf
Tài liệu liên quan