Luận văn Vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho học viên trường chính trị Hà Nam hiện nay

Tài liệu Luận văn Vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho học viên trường chính trị Hà Nam hiện nay: LUẬN VĂN: Vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho học viên trường chính trị Hà Nam hiện nay Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Thế giới quan khoa học là cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và định hướng đúng đắn cho hoạt động thực tiễn. Hay nói cách khác, thế giới quan khoa học có vai trò quan trọng trong nhận thức và cải tạo thực tiễn. Do đó, việc giáo dục, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng - thế giới quan khoa học cho đội ngũ cán bộ của Đảng không chỉ là việc làm thường xuyên, lâu dài mà còn là vấn đề cấp thiết trong công cuộc đổi mới hiện nay của nước ta. Trước diễn biến đa dạng phức tạp trên thế giới và trong nước đòi hỏi người cán bộ phải có bản lĩnh chính trị, tri thức khoa học vững vàng để nhận thức và hoạt động đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan của đất nước và xu thế của thời đại. Hà Nam là một tỉnh nằm phía Nam của Thủ đô Hà Nội, chủ yếu dọc hai bên đường quốc lộ 1A, mới được tái l...

pdf82 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1114 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho học viên trường chính trị Hà Nam hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho học viên trường chính trị Hà Nam hiện nay Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Thế giới quan khoa học là cơ sở cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và định hướng đúng đắn cho hoạt động thực tiễn. Hay nói cách khác, thế giới quan khoa học có vai trò quan trọng trong nhận thức và cải tạo thực tiễn. Do đó, việc giáo dục, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng - thế giới quan khoa học cho đội ngũ cán bộ của Đảng không chỉ là việc làm thường xuyên, lâu dài mà còn là vấn đề cấp thiết trong công cuộc đổi mới hiện nay của nước ta. Trước diễn biến đa dạng phức tạp trên thế giới và trong nước đòi hỏi người cán bộ phải có bản lĩnh chính trị, tri thức khoa học vững vàng để nhận thức và hoạt động đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan của đất nước và xu thế của thời đại. Hà Nam là một tỉnh nằm phía Nam của Thủ đô Hà Nội, chủ yếu dọc hai bên đường quốc lộ 1A, mới được tái lập tháng 1/1997, có vị trí chiến lược an ninh - quốc phòng, có điều kiện địa - chính trị thuận lợi. Song, trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa chưa thật tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Trường Chính trị Hà Nam là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở (trừ cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp tỉnh). ở đó, cán bộ có điều kiện tiếp cận nội dung kiến thức cơ bản để phục vụ hoạt động công tác của mình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của tỉnh. Vì vậy, những hạn chế chung của tỉnh có thể do nhiều phương diện, trong đó phải nói đến hiệu quả công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà trường, đặc biệt là công tác xây dựng thế giới quan khoa học cho họ. Cho nên, việc bồi dưỡng thế giới quan khoa học là một trong những giải pháp cấp bách và chiến lược lâu dài cho đội ngũ cán bộ tỉnh Hà Nam hiện nay. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt. Ngoài ra còn có những công trình nghiên cứu một số vấn đề có liên quan đến thế giới quan khoa học ở những giác độ khác nhau cũng được thực hiện trong một số luận văn, luận án; cụ thể như sau: - V.I.Li-xốp-ski và V.Mi-tri-ep: "Nhân cách của người sinh viên" (chương VI: Sự hình thành thế giới quan), Nxb Đại học Tổng hợp Lêningrát, 1974. - Bun-nhông-khin-sa-mom: "Xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng cho đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong giai đoạn hiện nay", Luận án PTS, số 48, Học viện Nguyễn ái Quốc. - Ch.L.Xiếc-nốp: "Những vấn đề cấp bách của việc hình thành thế giới quan Mác - Lênin", Tạp chí Giáo dục Mác - Lênin, số 3-1985. - Lê Xuân Vũ: "Thế giới quan Mác - Lênin trong đời sống tinh thần nhân dân ta", Tạp chí Cộng sản số 6-1986. - Bùi ỉnh: "Vấn đề xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng đối với cán bộ, đảng viên là người dân tộc, thiểu số trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta", Luận án PTS Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1988. - Trần Thanh Hà: "Vấn đề giáo dục thế giới quan khoa học cho cán bộ, đảng viên người dân tộc Khơmer ở đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn cách mạng hiện nay", Luận án Thạc sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1993. - Trần Phước: "Sự hình thành thế giới quan xã hội chủ nghĩa ở tầng lớp trí thức Việt Nam", Luận án PTS triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 1993. - Trần Viết Quân: "Bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện ở Tây Nguyên", Luận văn thạc sĩ triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2002. Các tác giả trên đã đề cập đến một số vấn đề cơ bản như sau: + Khái niệm thế giới quan nói chung và thế giới quan duy vật biện chứng nói riêng, vấn đề cấu trúc, vai trò của chúng. + Tầm quan trọng và tính tất yếu của việc giáo dục bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho các đối tượng như sinh viên, cán bộ nói chung trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. + Nêu ra những nhân tố cơ bản trong việc hình thành, tác động phát triển thế giới quan duy vật biện chứng. + Từ đó, tác giả đưa ra một số những phương hướng chung và các giải pháp cụ thể cho mỗi đối tượng nghiên cứu trên cơ sở đòi hỏi của thực tiễn trong mỗi giai đoạn nhất định. Tuy nhiên về " Vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho học viên trường chính trị Hà Nam hiện nay " chưa có tác giả nào nghiên cứu. Dựa trên thực tế giáo dục, bồi dưỡng thế giới quan Mác - Lênin của Trường Chính trị Hà Nam trong những năm qua cho đội ngũ cán bộ trong tỉnh và thông qua việc giảng dạy môn triết học, tác giả mạnh dạn chọn đề tài này làm luận văn thạc sĩ triết học. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích Từ việc phân tích vai trò thế giới quan và thực trạng việc bồi dưỡng thế giới quan của cán bộ tỉnh Hà Nam, luận văn đưa ra một số những giải pháp cụ thể nhằm bồi dưỡng thế giới quan cho đội ngũ học viên của trường Chính trị tỉnh Hà Nam. 3.2. Nhiệm vụ - Làm rõ khái niệm thế giới quan duy vật biện chứng và vai trò của nó trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. - Nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng thế giới quan của cán bộ trong tỉnh Hà Nam. - Đưa ra một số những giải pháp nhằm nâng cao thế giới quan khoa học cho đối tượng là học viên học ở tại trường. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Luận văn chỉ đề cập đến vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho học viên ở Trường Chính trị Hà Nam (trừ đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện) từ năm 1997 đến nay. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu - Luận văn nghiên cứu trên cơ sở các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề giáo dục bồi dưỡng thế giới quan Mác - Lênin, mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, giữa sự thống nhất biện chứng lý luận và thực tiễn… - Luận văn dựa vào các văn kiện của các thời kỳ Đại hội của Đảng, Nghị quyết trung ương, các tài liệu của các cấp ủy Đảng và chính quyền ở tỉnh và Trường Chính trị Hà Nam. - Luận văn sử dụng phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, kết hợp lịch sử và lôgíc, điều tra xã hội học… 6. Đóng góp của luận văn Làm rõ thực trạng thế giới quan của cán bộ tỉnh Hà Nam trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp chủ yếu để củng cố và nâng cao thế giới quan duy vật biện chứng cho đội ngũ cán bộ này. - Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ ở tỉnh Hà Nam. - Luận văn cũng có thể làm tài liệu tham khảo nghiên cứu giảng dạy và học tập ở trường chính trị nói chung và Trường Chính trị Hà Nam nói riêng. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm 2 chương, 5 tiết. Chương 1 Thế giới quan của đội ngũ cán bộ tỉnh hà nam hiện nay 1.1. Thế giới quan duy vật biện chứng và vai trò của thế giới quan duy vật biện chứng đối với công tác lãnh đạo, quản lý 1.1.1. Thế giới quan duy vật biện chứng Đứng trước bức tranh về thế giới (tự nhiên và xã hội) muôn hình, muôn vẻ và sinh động, con người luôn đặt ra và giải quyết những vấn đề về mối quan hệ của mình với thế giới, về nguồn gốc của thế giới, về vị trí của mình trong xã hội, về ý nghĩa cuộc sống của mình và thể hiện quan điểm, tư tưởng qua các lý thuyết xã hội. Đó chính là sự lựa chọn và định hướng cuộc sống, tức là sự thể hiện thế giới quan của mình. Thuật ngữ "thế giới quan" xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVIII do nhà triết học cổ điển Đức là Cantơ nêu ra. Từ đó, nó được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm của các nhà triết học sau này. Đặc biệt, với sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin, khái niệm thế giới quan đã phát triển lên một tầm cao mới mang tầm vóc lớn lao. Thế giới quan nào ra đời cũng đều nhằm giải quyết ba vấn đề cơ bản sau: - Thế giới mà con người đang sống là gì? - Trong thế giới đó con người sống vì cái gì và sống như thế nào? - Khả năng con người tác động lại thế giới ra sao? Trả lời những câu hỏi đó, thế giới quan đã vạch ra được mối quan hệ giữa con người với thế giới và xác định vị trí con người trong thế giới đó. Thế giới quan được hình thành và phát triển trong xã hội dưới hai hình thức: Thứ nhất: Thế giới quan là một nhân tố của ý thức cá nhân, giữ vai trò chỉ dẫn cách thức tư duy và hành động của cá nhân, đó là thế giới quan cá nhân. Thế giới quan cá nhân thường là sự tích lũy và thu thập kinh nghiệm sống của mọi người. Nó nằm trong suy nghĩ và hành vi của họ mà chính họ cũng không biết rằng cái được gọi là kinh nghiệm sống hay sự hiểu biết về bức tranh chung của thế giới đó là thế giới quan cá nhân. Nó chính là mức độ thấp trong nhận thức thế giới. Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp tác dụng của nó với tính cách là một nhân tố điều chỉnh hành động của con người. Tác động của giáo dục, ảnh hưởng của truyền thống, của các quan hệ xã hội, các điều kiện và hoàn cảnh môi trường sống là nhân tố quan trọng hình thành các quan điểm và nguyên tắc thế giới quan cá nhân. Thứ hai: Thế giới quan là sự thể hiện dưới hình thức lý luận khái quát hóa các quan điểm và hoạt động của một nhóm xã hội, một giai cấp hay toàn xã hội. Đó là thế giới quan xã hội. Các nhà triết học, kinh tế học, xã hội học hay các nhà tư tưởng, chính trị... luôn suy nghĩ, cân nhắc để xây dựng thế giới quan xã hội. Nhiệm vụ của họ là phải làm thế nào để thể hiện một cách đầy đủ nhất những nguyên lý tư tưởng lý luận, nguyên lý triết học nhằm chỉ dẫn suy nghĩ và hành động của con người, của một nhóm xã hội, một giai cấp hay toàn xã hội. Hai loại thế giới quan trên luôn nằm trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Mỗi cá nhân đều luôn mong muốn làm phong phú tri thức của mình bằng cách tiếp nhận những lý luận chung để làm sáng tỏ vị trí của mình trong thế giới, trong đời sống xã hội. Ngược lại, những quan điểm thế giới quan xã hội, lý luận chung ấy trở thành một bộ phận trong ý thức và niềm tin của các cá nhân, thẩm thấu vào ý thức cá nhân, được hình thành một cách tự phát rồi tác động và chỉ dẫn nó. Dù ở trình độ phát triển nào các quan điểm về thế giới quan cũng đều mang tính khái quát. Thế giới quan là sự phản ảnh chủ quan những điều kiện sinh hoạt vật chất của con người. Tuy nhiên, thế giới quan không chỉ dừng lại ở sự phản ánh thụ động đó, mà nó còn là nhân tố tích cực của con người, sự thông thái về cuộc sống để chỉ dẫn cho nhận thức lẫn hành động của con người. Bởi vì, chính hành vi và hoạt động của con người đã đặt ra các vấn đề như: liệu nhận thức có đáp ứng những mục đích sống đã được con người lựa chọn và con đường thực hiện những mục đích ấy có tuân theo những quy luật phát triển của thế giới khách quan hay không? Liệu quan hệ giữa tri thức con người với thực tiễn cải tạo thế giới khách quan, cải tạo chính bản thân mình có tương ứng với những đòi hỏi và những khuynh hướng phát triển hợp quy luật của hiện thực hay không? Và bằng cách nào mà tư duy và hành động của mình, con người có thể thể hiện sự thống nhất giữa mình và thế giới, hiểu được tương lai, triển vọng của mình? Khi trả lời những câu hỏi đó, thế giới quan đã thể hiện chức năng, định hướng lớn lao của mình. Trong lịch sử tư tưởng làm người đã có nhiều định nghĩa khác nhau về thế giới quan, chẳng hạn, G-Gertx đã cho rằng: "Chúng tôi hiểu thế giới quan như một hệ thống nhất định những lời giải đáp những vấn đề về cội nguồn của thế giới và nguồn gốc, về ý nghĩa cuộc sống và đặc trưng của tiến bộ xã hội" [16, tr. 42]. Hoặc trong cuốn Từ điển Tiếng Việt, Minh Tâm đã định nghĩa: "Thế giới quan là hệ thống những quan điểm mang tính khái quát về thế giới nói chung, về những quy trình tự nhiên và xã hội được thực hiện trong thế giới đó, về mối quan hệ của con người đối với hiện thực xung quanh" [39, tr. 17]... Chúng tôi nhận thấy các định nghĩa trên đều đúng, nhưng bao quát và rõ hơn cả là theo cách định nghĩa của Akitốp, bởi vì trong định nghĩa này, ông đã nêu nên, các yếu tố nhận thức và giá trị, yếu tố khách quan và chủ quan thống nhất chặt chẽ với nhau, các tri thức của khoa học về thế giới hòa với niềm tin của con người. Ông viết: "Tổng hợp tất cả những quan niệm, chính kiến về thế giới, về cấu trúc và nguồn gốc của nó, ý nghĩa và giá trị của đời sống con người, lòng tin của con người trong hiện thực gọi là thế giới quan" [1, tr. 167]. Từ những quan niệm trên đây, có thể hiểu: Thế giới quan là hệ thống những quan điểm của một chủ thể (có thể là của một người, một tập đoàn người, một giai cấp hay toàn xã hội) về thế giới, về vị trí, vai trò của con người trước thế giới. Trên cơ sở đó, thế giới quan định hướng, chỉ dẫn cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Về cấu trúc của thế giới quan bao gồm một số nhân tố cơ bản sau đây: Tri thức: Cũng giống ở mọi ý thức xã hội, thế giới quan bao gồm những tri thức về tự nhiên, xã hội, con người. Những tri thức mang tính khái quát về các hiện tượng tự nhiên, về mối quan hệ nền tảng, bản chất của tự nhiên, tạo thành quan điểm về tự nhiên của thế giới quan. Các tri thức tự nhiên đó quy định lập trường của con người trong thế giới, chỉ rõ người theo chủ nghĩa vô thần hay duy tâm, tôn giáo; biện chứng hay siêu hình. Những tri thức về cuộc sống của con người, về sự phát triển xã hội, về quan hệ của con người đối với xã hội tạo thành quan điểm xã hội của thế giới quan. Những tri thức hệ thống khái quát về bản chất của quá trình hoạt động nhận thức của con người tạo thành quan điểm nhận thức luận của thế giới quan. Rõ ràng, việc xác định bản chất của thế giới quan cần dựa trên phương diện bản thể luận lẫn phương diện nhận thức luận. Tri thức là điều kiện cần thiết cơ bản cho việc hình thành thế giới quan, nhưng không phải bất kỳ tri thức nào về tự nhiên, xã hội, về con người đều là tri thức thế giới quan. Chỉ có những tri thức biểu thị quan điểm chung về tồn tại và về nhận thức mới là những tri thức của thế giới quan. Trong nội dung tri thức của thế giới quan, các quan điểm của triết học đóng vai trò là nền tảng của mọi thế giới quan ở các giai đoạn phát triển của nó vì triết học phản ánh các quan điểm chung nhất về thế giới. Niềm tin: Niềm tin là một trạng thái tâm lý, tinh thần đặc biệt được phát triển trên cơ sở của tri thức. Nó là động lực thúc đẩy khát vọng nhận thức và cải tạo hiện thực của con người. Niềm tin là những tư tưởng chi phối chặt chẽ tư tưởng, chỉ dẫn hành động của con người tuân theo và ràng buộc trí tuệ, lương tâm của con người với chúng. Nếu con người làm việc gì đó mà không có niềm tin vào sự đúng đắn của tri thức, của tư tưởng thì con người sẽ bị mất đi những rung động của ý chí, nghị lực, lòng nhiệt tình và sự cổ vũ cần thiết đối với hiệu quả công việc. Không có tâm hồn nóng bỏng của niềm tin vào tri thức thì sẽ không sản sinh ra cái gì vĩ đại cả. Vì niềm tin giúp cho con người có nghị lực phi thường vượt qua những giây phút hiểm nghèo, giám hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng mà mình cho là cao cả. Như thế, niềm tin là yếu tố cấu thành quan trọng của thế giới quan. Nếu nó được xác lập trên nền tảng tri thức khoa học thì nó sẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Lý tưởng: Trong thế giới quan, cùng với tri thức và niềm tin thì lý tưởng là yếu tố định hướng cực kỳ quan trọng. Lý tưởng như là hình mẫu, mục tiêu tối thượng về một cái gì đó của một cá nhân, nhóm người, giai cấp hay toàn xã hội muốn vươn tới hiện thực. Lý tưởng là một hình thức tư tưởng được xác lập trên cơ sở tri thức và niềm tin của một giai cấp trong toàn xã hội đặt ra nhằm định hướng hoạt động cho mọi thành viên trong xã hội thực hiện mục đích của mình, nhằm cải tạo thế giới "đang có" thành thế giới "phải có". Lý tưởng mang tính lịch sử về bản chất, nó có thể tiến bộ hay lạc hậu tùy thuộc vào hình thái của các mối quan hệ xã hội. Những quan niệm của con người về tương lai, về lý tưởng, đó là sự tìm tòi và sẽ hình thành một hình thức tâm lý với tư cách là niềm hi vọng. Không có niềm hy vọng như là một sự khao khát hiến dâng mình cho tương lai thì không thể có một lập trường sống tích cực. Đó là các nhân tố cơ bản có quan hệ chặt chẽ với nhau cấu thành thế giới quan, để thể hiện những quan điểm của chủ thể về thế giới, về những hiện tượng tự nhiên, xã hội và các quy luật phát triển của chúng; về bản thân con người,vai trò của con người trước thế giới. Mối quan hệ giữa triết học với thế giới quan: Như trên đã trình bày, thế giới quan đã chỉ ra mối quan hệ giữa con người với thế giới, cái chủ quan và cái khách quan đã bao hàm trong mình vấn đề cơ bản của triết học, thậm chí vấn đề cơ bản của triết học là vấn đề chính trong kết cấu của thế giới quan. Nhưng xét về mặt lịch sử, thế giới quan ra đời sớm hơn triết học. Nó ra đời trong thời kỳ bộ tộc, trên cơ sở sự phản ánh hoang đường về thực tế. Và hình thức thế giới quan đầu tiên ấy gọi là thế giới quan thần thoại. Còn triết học là khoa học chỉ xuất hiện khi có sự tách lao động trí óc ra khỏi lao động chân tay, gắn liền với sự ra đời của chế độ chiếm hữu nô lệ. Triết học là hệ thống các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới, về vị trí của con người trong thế giới đó. Vì vậy, triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan làm cho thế giới quan phát triển như một quá trình tự giác dựa trên sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tri thức do các nhà khoa học đem lại. Đó là chức năng thế giới quan của triết học. Trong những bước chuyển biến của đời sống xã hội của thực tiễn đặt ra đã kéo theo sự tiến hóa của thế giới triết học, mà đỉnh cao nhất nó đạt được là thế giới duy vật biện chứng. Thế giới quan duy vật biện chứng là hệ thống chỉnh thể những tri thức về tự nhiên, xã hội và con người. Nó được tạo thành trên cơ sở phê phán có chọn lọc những tư tưởng tiến bộ của các trào lưu triết học từ sự khái quát kinh nghiệm lịch sử có những thành tựu của khoa học. Vai trò thế giới quan duy vật biện chứng trong thực tiễn cách mạng được quy định bởi bản chất cách mạng của chính phép biện chứng duy vật. Vì vậy, thế giới quan duy vật biện chứng là một loại thế giới quan mang tính khoa học và cách mạng triệt để nhất. Nó không chỉ dừng lại ở việc lý giải về thế giới mà hơn thế nữa, trên cơ sở sự lý giải đúng, nó trở thành cái định hướng cho con người trong hành động, khẳng định vị trí của con người trong việc cải tạo thế giới; C. Mác viết: "Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, vấn đề là cải tạo thế giới" [29, tr. 258]. Sự ra đời của thế giới quan duy vật biện chứng đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển của thế giới quan triết học nói riêng và của thế giới nói chung. Nó là sự thống nhất chặt chẽ các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng do các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác sáng lập. Thế giới quan đó có một ý nghĩa không chỉ thuần về mặt lý luận và nhận thức mà nó còn có ý nghĩa lớn lao về mặt thực tiễn: biểu hiện thái độ của con người với thế giới xung quanh và làm kim chỉ nam cho hành động của con người. Nhờ đã phát hiện ra những quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội cho nên thế giới quan duy vật biện chứng hướng sự hoạt động của con người đúng theo sự phát triển của xã hội, do đó, nó thúc đẩy thêm sự phát triển ấy. Công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta đòi hỏi mỗi người chúng ta, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ - những người lãnh đạo quần chúng phải có một thế giới quan đúng đắn, khoa học và cách mạng, một thế giới quan thống nhất giữa lời nói, việc làm, giữa chân - thiện - mỹ... Một thế giới quan như thế phải được xây dựng trên những tư tưởng triết học của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi lẽ, việc trang bị thế giới quan duy vật biện chứng sẽ giúp chúng ta có niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội; nâng cao năng lực nhận thức và tổ chức thực tiễn. Nó có tác dụng đối với mọi người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ - những người lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng trong tình hình cách mạng mới. 1.1.2. Vai trò của thế giới quan duy vật biện chứng đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước ta được phân thành bốn cấp: trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận; xã, phường, thị trấn. Nhưng khi nói đến hết cơ cấu bộ máy chính quyền nhà nước thì được phân thành hai cấp: trung ương và địa phương (về đối tượng nghiên cứu của đề tài này là những người cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, trừ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cán bộ chủ chốt cấp huyện). Theo cách hiểu thông thường và khá phổ biến ở nước ta hiện nay, khái niệm cán bộ lãnh đạo còn gắn liền với khái niệm cán bộ quản lý, được hiểu là những người có chức vụ và trách nhiệm điều hành, cầm đầu trong các cơ quan, các tổ chức sự nghiệp, kinh doanh. Nội hàm cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý có những điểm giống nhau: Cả cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý đều là chủ thể ra quyết định, điều khiển hoạt động của một tổ chức, người cán bộ lãnh đạo cũng phải thực hiện chức năng quản lý và người quản lý cũng phải thực hiện chức năng lãnh đạo, nên khó có thể phân biệt một cách rạch ròi đâu là người lãnh đạo và đâu là người quản lý. Tuy nhiên, khái niệm lãnh đạo và quản lý không hoàn toàn thống nhất với nhau. Trong quá trình lãnh đạo, hoạt động chủ yếu là định hướng cho khách thể thông qua hệ thống cơ chế, đường lối, chủ trương, chính sách "làm thức tỉnh" hành vi của đối tượng, định hướng hoạt động của đối tượng và xã hội. Trong Từ điển tiếng Việt ghi: "Lãnh đạo bằng đề ra đường lối chủ trương và tổ chức, động viên thực hiện" [39, tr. 720]. Còn hoạt động quản lý mang tính chất điều khiển vận hành thông qua những thiết chế có tính pháp lệnh, quy định từ trước. ở cả hai cương vị, người cán bộ lãnh đạo và người cán bộ quản lý đều phải là người giỏi nghiệp vụ chuyên môn, phải có đủ năng lực và phẩm chất để định hướng điều khiển chỉ huy, tổ chức công việc và đoàn kết cộng đồng. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, cán bộ phải là những người "có nhiều trí tuệ hơn một chút, nhiều sự phân minh trong tư tưởng hơn một chút... và kiến thức rộng", đó là những người trung thành, tiêu biểu cho lý tưởng và lẽ sống của giai cấp vô sản. Theo V.I. Lênin, người cán bộ lãnh đạo quản lý phải là những người: Thực sự có tài tổ chức, những người có bộ óc sáng suốt và có bản lĩnh tháo vát trong thực tiễn, những người vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội, lại vừa có năng lực lặng lẽ... tổ chức công tác chung vững chắc và nhịp nhàng... chỉ có những người như thế, chúng ta mới đề bạt lên những chức vụ lãnh đạo quản lý [28, tr. 509]. Hồ Chí Minh căn dặn: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa và tư tưởng xã hội chủ nghĩa" [34, tr. 159]. Trong sự nghiệp cách mạng có nhiều nhiệm vụ, nhiều công việc. Song người luôn coi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc" [34, tr. 269]; "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém" [34, tr. 240]. Nếu có cán bộ tốt, ngang tầm thì việc xây dựng đường lối chính sách sẽ đúng đắn và điều kiện tiên quyết đẻ đưa sự nghiệp cách mạng thắng lợi. Không có đội ngũ cán bộ tốt thì cho dù có đường lối, chính sách đúng thì khó có thể trở thành hiện thực. Muốn biến đường lối, chính sách thành hiện thực; cần phải có những người cán bộ cách mạng thực sự bằng lý luận và năng lực thực tiễn của mình kết hợp với quần chúng nhân dân để tổ chức thành công sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng" [34, tr. 260]. Người cán bộ không chỉ dừng lại ở những tri thức kinh nghiệm lẻ tẻ, rời rạc mà sau mỗi việc đã làm phải biết tổng kết thực tiễn, khái quát, nâng lên thành lý luận để lý luận lại chỉ đường, dẫn lối cho hoạt động thực tiễn của người cán bộ. Bên cạnh tư chất và tài năng, đòi hỏi người cán bộ lãnh độ, quản lý phải trau dồi chủ nghĩa tập thể chống chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu cửa quyền hách dịch, đặc quyền đặc lợi; luôn gương mẫu, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải gắn bó với nhân dân, giữ đúng lời hứa với dân, luôn khiêm tốn và ham học hỏi. Những phẩm chất đạo đức đó không phải từ trên trời rơi xuống, không phải là bẩm sinh, nhưng cũng không thể không vươn tới được. Nó là kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ lâu dài của mỗi người. Do đó, người cán bộ phải phấn đấu vừa "hồng" vừa "chuyên", tiêu biểu mẫu mực trước quần chúng nhân dân. Để làm được điều đó đòi hỏi người cán bộ phải có đủ tư chất, tài năng và có đạo đức tốt: "Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Ngày nay, đất nước ta đang tiếp tục thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là thời kỳ có nhiều thay đổi và có vận hội mới, đồng thời cũng không ít những nguy cơ và thử thách. Song mục tiêu đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa..., tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại [14, tr. 89]. Vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã càng ngày càng quan trọng thể hiện trong mọi mặt của sự nghiệp đổi mới đất nước. Từ việc củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo cho các chi bộ, Đảng bộ là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị ở mỗi cấp, lãnh đạo toàn diện các mặt của đời sống xã hội, xây dựng chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân... đến những công việc cụ thể của quá trình lãnh đạo như: nắm bắt và cụ thể hóa các đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương, từng sở, ban ngành; đề ra kế hoạch, lãnh đạo quản lý để mọi người thực hiện. Đồng thời, người lãnh đạo, quản lý phải biết uốn nắn những sai lệch trong quá trình thực hiện thuộc phạm vi, quyền hạn của mình, tổng kết phong trào, phản hồi lại các cơ quan đơn vị (nếu cần), đảm bảo sự lãnh đạo thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nội dung quan trọng, tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đang đặt ra nhiều thử thách, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có những phẩm chất, tri thức mới đáp ứng nhiệm vụ cách mạng: từ việc thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công - nông nghiệp - dịch vụ hiện đại, tiếp thu và áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, thành tựu khoa học - công nghệ mới, kết hợp công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại đến việc cải tạo và nâng cấp kết cấu hạ tầng, quy hoạch dân cư và vùng lãnh thổ, phát triển công tác giáo dục, đào tạo... Để có được những phẩm chất và năng lực đó, người cán bộ không những thông qua hoạt động thực tiễn "lăn lộn" trong phong trào cách mạng đồng thời còn là kết quả của công tác cán bộ của Đảng. Sự phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có thể tạo ra những cán bộ giỏi có tài có đức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức, cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật, cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh công tác hàng ngày" [33, tr. 461]. Đào tạo, bồi dưỡng là khâu có ý nghĩa quyết định đến trình độ, chất lượng cán bộ. Công việc này gồm nhiều hình thức khác nhau, nhưng trong đó việc đào tạo, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi vì, thế giới quan duy vật biện chứng giúp cho người cán bộ có phương pháp nhận thức đúng đắn sự vật, đề ra kế hoạch, định hướng và biện pháp thực hiện khoa học và hiệu quả. Vai trò của thế giới quan duy vật biện chứng đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam được thể hiện một số mặt cơ bản sau đây: Thứ nhất: Thế giới quan duy vật biện chứng giúp cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý nâng cao năng lực nhận thức; đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển thực tế ở địa bàn. Thế giới quan duy vật biện chứng giúp cho người cán bộ có phương pháp biện chứng làm việc và nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng. Nó xác lập và tạo niềm tin cho lập trường của người cán bộ, bác bỏ những quan điểm sai lầm của thế giới quan duy tâm và tôn giáo. Thế giới quan duy vật biện chứng giúp cho người cán bộ ngày càng đi sâu vào bản chất sự vật, nắm bắt được cái phổ biến tất yếu, những mối liên hệ ẩn giấu đằng sau các sự kiện riêng biệt. Từ đó giúp họ thấy được quy luật, nguồn gốc, xu hướng, phương thức vận động, biến đổi, phát triển của sự vật hiện tượng. Đồng thời, thế giới quan duy vật biện chứng cũng tạo cho họ có khả năng phân tích và tổng hợp, trừu tượng và khái quát. Nhờ vào khả năng phân tích mà họ có thể thấy được cơ cấu bên trong, tính chất, chức năng của các bộ phận, yếu tố. Trên cơ sở đó với phương pháp tổng hợp, người cán bộ biết liên kết, thống nhất lại các bộ phận yếu tố đã phân tích, vạch ra mối liên hệ của chúng nhằm nhận thức cái toàn thể trong tính muôn vẻ của nó, giúp cho người cán bộ nắm bắt sâu sắc bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng. Năng lực trừu tượng giúp người cán bộ biết gạt bỏ những mặt, yếu tố không cơ bản nào đó trong tổng thể phong phú của sự vật mà nắm được cái bản chất có tính quy luật của nó. Năng lực khái quát giúp cho cán bộ nắm được đặc tính chung từ những vấn đề nhưng việc nắm vững vấn đề lý luận chung sẽ là tiền đề, phương pháp tốt nhất để giải quyết những vấn đề cụ thể. V.I. Lênin viết: Người nào bắt tay vào giải quyết những vấn đề riêng, trước khi giải quyết những vấn đề chung, thì kẻ đó trên mỗi bước đi sẽ không sao tránh khỏi, vấp phải những vấn đề chung một cách không tự giác mà mù quáng vấp phải những vấn đề đó trong từng trường hợp riêng, thì có nghĩa là đưa chính sách của mình đến chỗ có những dao động tồi tệ nhất và mất tính nguyên tắc [25, tr. 427]. Thế giới quan duy vật biện chứng cũng nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Người cán bộ mà dừng lại ở tư duy kinh nghiệm, tuyệt đối hóa tri thức kinh nghiệm sẽ rơi vào bệnh kinh nghiệm, như vậy sẽ không thể không rơi vào thế giới quan duy vật và phương pháp tư duy siêu hình, tuyệt đối hóa cái cụ thể, cái đơn nhất đem áp dụng nó vào cái phổ biến cái đa dạng, cái toàn thể. Chỉ có trên cơ sở trang bị thế giới quan duy vật biện chứng, người cán bộ mới nâng cao được trình độ, năng lực tư duy của mình từ kinh nghiệm phát triển lên lý luận khoa học, mới có đủ điều kiện đảm bảo để khám phá, đi sâu vào bản chất sự vật, quy luật vận động phát triển của nó. Đồng thời, nâng cao tư duy lý luận sẽ giúp người cán bộ quản lý tránh khỏi lúng túng, bất lực, nắm bắt được tình hình nhanh chóng, ra được quyết định nhanh đúng và trúng. Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay với những diễn biến phức tạp, khó khăn và thuận lợi đan xen nhau, càng đòi hỏi không ngừng nâng cao trình độ lý luận, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn, tình huống cụ thể. Đồng thời, đòi hỏi người cán bộ phải nhạy bén, linh hoạt, tinh thần dám nghĩ dám làm, đấu tranh với những hủ tục, lạc hậu tạo điều kiện cho cái mới, cái tiến bộ phát triển. Thứ hai: Thế giới quan duy vật biện chứng giúp cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý có được niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội, tin vào đường lối chính trị của Đảng, tin vào quần chúng nhân dân. Việc nắm vững những nguyên tắc phương pháp luận được rút ra từ thế giới quan khoa học giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan của thời đại của đất nước, với tất cả những mối quan hệ giai cấp, dân tộc, những tương quan lực lượng cụ thể trong thời kỳ lịch sử nhất định. Đồng thời, nó vạch ra lực lượng cách mạng, tiến bộ và quy luật con đường của sự phát triển lịch sử. Trong thế giới quan duy vật biện chứng mà triết học (bao gồm cả duy vật biện chứng và duy vật lịch sử) cùng với các khoa học khác đã khẳng định sự phát triển của xã hội loài người là một quá trình lịch sử tự nhiên với những quy luật nhất định. Từ đó, nó luận chứng về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời của chế độ xã hội mới: Xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa mà giai cấp công nhân là Người gánh vá sứ mệnh lịch sử đó. Nếu công lao Mác và Ăngghen đã đưa ra những dự đoán thiên tài về một chế độ xã hội mới tốt đẹp thì Lênin bằng tài năng vĩ đại của mình đã phát triển, vận dụng tư tưởng của Mác và Ăngghen vào thực tiễn nước Nga và cách mạng xã hội chủ nghĩa đã nổ ra và thắng lợi. Thắng lợi của cách mạng tháng Mười cùng với sức mạnh và tính ưu việt của Nhà nước công nông đầu tiên đã tạo ra điều kiện khách quan, chỗ dựa vững chắc, nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động trên khắp các châu lục trên con đường giải phóng dân tộc và tiến lên xã hội chủ nghĩa. Sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã đóng góp to lớn cho việc giữ gìn hòa bình, bình đẳng và tiến bộ xã hội, làm nức lòng triệu triệu trái tim trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế" [5, tr. 67]. Mặc dù hiện nay, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu tan vỡ và chủ nghĩa đi vào thoái trào, nhưng đó chỉ là sự khủng hoảng trong sự trưởng thành, nhất định loài người vẫn tiến lên chủ nghĩa xã hội, đó là qui luật phù hợp với dòng chảy lịch sử. Sự kiên định và phát triển con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn cùng với những thành công trong công cuộc đổi mới, cải cách ở Việt Nam và Trung Quốc đã càng củng cố lòng tin của nhân loại đối với tính ưu việt và trường tồn của chủ nghĩa xã hội. Trong những thập kỷ gần đây, chủ nghĩa tư bản đã có những điều chỉnh nào đó, do cuộc đấu tranh của nhân dân lao động, do phải tồn tại bên cạnh hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực, do tác động cuộc cách mạng khoa học, công nghệ... song xã hội đó vẫn không làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa tư bản và lao động, giữa người bóc lột và người bị bóc lột. ở đó, năng suất lao động càng cao thì bóc lột càng nhiều, đó là một sự thật hiển nhiên. Việc thấm nhuần sâu sắc thế giới quan duy vật biện chứng sẽ giúp người cán bộ nhận thức đúng bản chất của chủ nghĩa tư bản, các quy luật vận động khách quan của lịch sử để có niềm tin vững chắc, lãnh đạo toàn dân đi lên chủ nghĩa xã hội. Niềm tin tất thắng vào chủ nghĩa xã hội của người cán bộ lãnh đạo, quản lý được biểu hiện ở sự tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản. Tính khoa học và cách mạng của thế giới quan duy vật biện chứng là cơ sở để hình thành và luận chứng cho đường lối chính trị của Đảng. Từ đó người cán bộ lãnh đạo quản lý tiếp thu vạch ra đường lối chiến lược và sách lược nhằm đạt mục đích là cải tạo thực hiện. Nó đối lập hoàn toàn với bệnh bảo thủ, giáo điều, kinh viện…. Vì vậy, Mác viết: "Các nhà triết học trước kia chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách hiểu khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới" [29, tr. 258]. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới gần 20 năm qua ở nước ta từng bước nâng cao đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta càng rõ hơn. Một trong những nguyên nhân của thắng lợi đó là Đảng ta đã biết tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cách mạng Việt Nam mà linh hồn là phép biện chứng duy vật - một nhân tố cơ bản của thế giới quan duy vật biện chứng. Lênin đã viết: "Chỉ Đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong" [24, tr. 259]. Thế giới quan duy vật biện chứng còn giúp cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý tin tưởng vào vai trò to lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Họ là lực lượng quyết định thắng lợi của các cuộc cách mạng xã hội. Với vũ khí lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, giai cấp công nhân - đại diện cho lực lượng tiến bộ tập hợp, giác ngộ, phát huy sức mạnh quần chúng để cải tạo thế giới, thúc đẩy xã hội phát triển. Với tính cách mạng và tính khoa học, thế giới quan duy vật biện chứng đã giúp người cán bộ, lãnh đạo, quản lý có niềm tin sâu sắc vào chủ nghĩa xã hội, tin vào sự lãnh đạo của giai cấp công nhân - thông qua đội tiền phong là Đảng cộng sản, tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng lao động. Có như vậy thì nước ta mới thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo điều kiện đi lên chủ nghĩa xã hội. Thứ ba: Thế giới quan duy vật biện chứng giúp cho người cán bộ lãnh đạo quản lý trong tỉnh nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm định hướng cho hoạt động nhận thức và thực tiễn tiếp theo. Tổng kết thực tiễn là những kết luận chung được rút ra sau khi kết thúc, hoàn thành xong một công việc nào đất. Trong đó người cán bộ phải thật khách quan, khoa học khi đánh giá kết luận, tìm ra những nguyên nhân thành công và thất bại ở mỗi công việc. Trên cơ sở ấy rút ra được những tri thức, hiểu biết mới tức là tri thức kinh nghiệm để định hướng cho hoạt động thực tiễn tiếp theo. Có thể nói, hoạt động của con người nói chung và người cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng rất cần tri thức kinh nghiệm. Tri thức kinh nghiệm đã giúp cho người cán bộ trong thời gian qua giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể, đơn giản đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhưng chỉ dừng lại ở tri thức kinh nghiệm thì sẽ lại khó tránh khỏi lúng túng, bất lực thậm chí sai lầm khi giải quyết những vấn đề phức tạp trước yêu cầu của thời kỳ mới. Muốn vậy, người cán bộ lãnh đạo, quản lý khi giải quyết công việc phối kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý giữa kinh nghiệm với lý luận khoa học, phải nắm vững nguyên lý, yêu cầu của thế giới khách quan, phải nắm bắt thực tiễn những vấn đề cần tổng kết, phân tích, tổng hợp, chắt lọc những thông tin cơ bản, chủ yếu để đút rút ra bài học kinh nghiệm kết hợp với tri thức lý luận khoa học nhằm giải quyết công việc có hiệu quả. Đó là nhiệm vụ thường xuyên mà người cán bộ lãnh đạo quản lý cần làm. Chỉ trên cơ sở thế giới quan duy vật biện chứng người cán bộ mới tổng kết thực tiễn đút rút kinh nghiệm một cách khoa học, kịp thời phát hiện ra cái mới, cái tiến bộ và tạo điều kiện cho chúng phát triển. Những kinh nghiệm được rút ra đó không chỉ phù hợp với thực tế khách quan phong phú và đa dạng mà nó còn có tác dụng mạnh mẽ điều chỉnh bổ sung cho các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và những chiến lược, sách lược cho địa phương mình phụ trách nói riêng. Thứ tư: Thế giới quan duy vật biện chứng giúp cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý trau dồi và nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng. Thế giới quan duy tâm và phản động phản ánh sau lệch hiện thực khách quan, bảo vệ lợi ích giai cấp bóc lột và đánh lạc hướng nhằm ngăn cản nhân dân lao động đấu tranh tự giải phóng mình. Ngược lại, thế giới quan duy vật biện chứng phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan và bảo vệ lợi ích căn bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nó là vũ khí lý luận sắc bén, là kim chỉ nam soi đường cho giai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh giải phóng khỏi bị bóc lột và nô dịch, tiến lên xây dựng một xã hội văn minh và nhân đạo hơn: Xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Đó là xã hội mà quan hệ giữa người với người là hợp tác, bình đẳng, tương thân tương ái. Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và thế giới quan duy vật biện chứng nói riêng đã kế thừa tất cả những giá trị tư tưởng văn hóa của nhân loại đã có từ trước, nó luôn luôn gắn liền với thực tiễn của phong trào cách mạng, thực tiễn vận động của lịch sử, của sự phát triển của khoa học kỹ thuật với cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận chống lại các học thuyết tư sản, các loại chủ nghĩa cơ hội, xét lại, cải lương, chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Nó cũng hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa giáo điều xơ cứng. Nó là học thuyết về sự phát triển nhằm định hướng cho con người vươn tới cái tự do, thoát khỏi sự thống trị của tự nhiên và thống trị của con người với con người. Đó là tính nhân văn cao cả của thế giới quan duy vật biện chứng. Mặt khác, thế giới quan duy vật biện chứng không chỉ là phương thức định hướng con người trong thế giới, phương thức cải tạo hiện thực mà còn là phương thức để con người tự ý thức hoàn thiện về bản thân mình. Tự ý thức là sự đánh giá bản thân và vị trí của mình trong cuộc sống là điều kiện quan trọng nhất để con người phải dựa vào ý thức, hành động theo định hướng chung của xã hội và những quan niệm giá trị của mình. Nó là cơ sở để điều chỉnh các hành vi tích cực của mình trong các quan hệ xã hội. Chính tự ý thức là một nhân tố mà con người ngày một phát triển hoàn thiện nhân cách và đạo đức cá nhân. Như vậy, đạo đức cộng sản, đạo đức cách mạng là một bộ phận không thể thiếu của cán bộ, lãnh đạo do tự giáo dục và rèn luyện mà có. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, càng luyện càng trong" [34, tr. 327]. Từ đó, Người chỉ ra đạo đức cơ bản của người cán bộ đó là: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đạo đức phải đặc biệt quan tâm, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Chúng ta vui mừng trước những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới, tuy nhiên nền kinh tế thị trường, giao lưu mở cửa với bên ngoài thì mặt trái của nó đang đặt ra những vấn đề đạo đức bức xúc, cần giải quyết. Nền văn minh hiện cũng cần đạo đức tương ứng. Đạo đức ấy không tìm ở đâu khác, mà nền tảng của nó chính là là học tập thế giới quan duy vật biện chứng và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, bệnh kiêu ngạo, quan liêu, óc địa phương hẹp hòi, tham ô lãng phí, hiếu danh, chạy theo đồng tiền, bất chấp nhân phẩm con người... phải có trách nhiệm với nhân dân, với Tổ quốc, có như vậy mới được dân tin và lôi kéo họ vào sự nghiệp cách mạng. Yêu cầu của thời kỳ mới ở nước ta đòi hỏi người cán bộ phải có phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực tương ứng. Việc giáo dục, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng sẽ giúp cho người cán bộ tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tin vào sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân và sức mạnh của toàn dân, giúp họ nâng cao năng lực nhận thức, hoạt động thực tiễn, đồng thời cũng hình thành ở họ những phẩm chất đạo đức mới, nhằm thực hiện thắng lợi giai đoạn cách mạng mới đặt ra. Muốn vậy, người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải học tập, nghiên cứu nguyên tắc, phương pháp luận khoa học của thế giới quan duy vật biện chứng, đồng thời Đảng phải tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. 1.2. Đặc điểm của thế giới quan của đội ngũ cán bộ tỉnh Hà Nam 1.2.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến thế giới quan của đội ngũ cán bộ ở Hà Nam 1.2.1.1. ảnh hưởng của điều kiện địa lý, tự nhiên Tự nhiên theo nghĩa rộng là toàn bộ thế giới vật chất khách quan. Xét về mặt tiến hóa, con người có nguồn gốc tự nhiên, là sản phẩm và là sản phẩm cao nhất của quá trình tiến hóa của thế giới vật chất. Chính môi trường tự nhiên là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của con người. C.Mác khẳng định: "Giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người", "đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên" [31, tr. 135], hay nói cụ thể hơn, môi trường tự nhiên, điều kiện địa lý có tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người, tác động đến cách nhìn nhận thế giới và phương pháp tư duy của con người. Hà Nam là một tỉnh nằm ở phía tây nam đồng bằng Bắc Bộ, vào khoảng 20,41 độ vĩ Bắc, 105,31 độ Kinh Đông, phía bắc giáp Hà Tây, phía nam giáp Nam Định, phía đông qua sông Hồng là Hưng Yên và Thái Bình, phía tây nam là Ninh Bình, phía Tây giáp với Hòa Bình, với diện tích tự nhiên là 840 km2 bao gồm 5 huyện (Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên) và thị xã Phủ Lý. Địa hình của tỉnh chia làm hai khu vực rõ rệt: Khu vực miền núi và khu vực đồng bằng. Vùng núi tỉnh Hà Nam được hình thành vào Nguyên đại Trung sinh, cuối kỷ Trias cách ngày nay khoảng 200 triệu năm. Theo tài liệu địa chất, do có sự tạo sơn ở hai rìa sông Nhị làm đứt gãy sông Hồng và sự sụt lún ở phần giữa bán bình Nguyên Trung sinh mà phần còn lại được hình thành những núi đồi sa phiến thạch hay đá hỗn hợp như núi Đọi, núi Điệp, kẻ Non và dải đất đồi Thanh Liêm cho tới tận núi An Lão (Bình Lục). ảnh hưởng của những đợt tạo sơn đã nâng ghềnh phía hạ lưu sông Hồng lên biển. Ngày nay, khu vực miền núi Hà Nam bao gồm một phần đất của Kim Bảng và Thanh Liêm nằm bên hữu ngạn sông Đáy, nối liền với khu vực rừng núi Hòa Bình. Đây là vùng tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú với các dãy núi đá vôi có trữ lượng hàng tỷ mét khối. Trong các dãy núi này có nhiều loại đá quý hiếm đá trắng, đá đen, đá bích đào, đá vân vàng, đá màu da báo ở huyện Kim Bảng, ngoài các loại đá quý, Hà Nam còn có than bùn, đất sét trắng ở Thanh Liêm và Kim Bảng. Bên phía tả ngạn sông Đáy đến giáp sông Hồng là vùng đồng bằng, trong đó 2/3 diện tích là đồng chiêm trũng, có nơi chỉ cao 0,3 m so với mặt nước biển. Do điều kiện tự nhiên được chia làm hai vùng rõ rệt như vậy, làm cho lối sống và tư duy của người dân có sự khác biệt, không tương đồng. Sống giữa núi non hùng vĩ bao la, với phương thức sản xuất lạc hậu, thiếu áp dụng của khoa học kỹ thuật làm cho lối sống của người dân ở vùng núi giản đơn, mộc mạc, phóng khoáng cùng với lối suy nghĩ thần bí, duy tâm, thiếu cơ sở khoa học. Còn đối với người dân sống ở đồng chiêm trũng với phương thức sản xuất nhỏ manh mún, cuộc sống bon chen đã tạo ra ở họ lối sống vị kỷ, cục bộ địa phương gắn với tư duy bảo thủ, trì trệ, tư tuy kinh nghiệm phát triển... tất cả những điều đó đã tác động không nhỏ đến việc hình thành, phát triển của thế giới quan của người dân Hà Nam từ ngày xưa cho đến ngày nay. 1.2.1.2. ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội Theo quan điểm triết học Mác - Lênin, điều kiện địa lý và môi trường tự nhiên mới chỉ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đời sống con người, còn yếu tố cơ bản quyết định là phương thức sản xuất, hoạt động kinh tế của con người. Do vậy, việc nghiên cứu sự phát triển kinh tế mà trước hết là trình độ của lực lượng sản xuất, trình độ phân công lao động sẽ cho ta chìa khóa để hiểu được ý thức xã hội nói chung và thế giới quan ở người cán bộ Hà Nam nói riêng. Có thể nói, hàng trăm năm trước đây người dân Hà Nam chủ yếu làm nông nghiệp, mặc dù có kết hợp đáng kể nghề thủ công và buôn bán nhỏ trong vùng. Đất nông nghiệp được gọi là đồng chiêm trũng ấy chiếm khoảng 2/3% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đồng ruộng ở Hà Nam nằm sâu trong đất bùn, do các đồi núi và hệ thống đê đập che chở nước phù sa ít nên những vùng đất này bị úng triền miên, màu đất thường đen hoặc nâu nhạt, độ phì nhiêu kém, độ PH cao không thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, vùng đất này được mệnh danh là "Sống ngâm da, chết ngâm xương". ở mấy đình chùa ở Hà Nam người ta đã bắt gặp mấy câu thơ nói về vị trí quan trọng của nghề nông: "Dĩ nông vi bản" (nông nghiệp là cái gốc bền vững của mỗi quốc gia và mọi nhà). "Khai hoang địa huấn nông trang, thiên niên sinh nghiệp dưỡng tế ngư, giáo chức bạch, vạn thế điền gia" (mở đất hoang, dạy dân cày, ngàn năm lấy đó làm nghề sinh sống. Nuôi cá nhỏ, khuyên dệt vải, muôn đời cứ thể cảnh nhà nông). Chính vì cái nền sản xuất nông nghiệp nhỏ như vậy, với lối làm ăn riêng lẻ, kỹ thuật thô sơ kéo dài hàng nghìn năm đã ảnh hưởng sâu sắc đến nếp nghĩ, tình cảm, phong tục tập quán và cách làm ăn sinh sống của người dân Hà Nam. Nền sản xuất nhỏ ấy làm nền tảng cho sự duy trì lớn tư duy huyền thoại, lẻ tẻ manh mún,thiếu tri thức khoa học mà chủ yếu xuất phát từ tri thức kinh nghiệm rời rạc. Trong cuộc sống khổ cực nhân dân phải bám những ảo tưởng để an ủi, sự nghèo khổ đã biến những cái hiện thực thành những chuyện hoang đường, biến cái tự nhiên thành cái siêu tự nhiên. Bởi vậy, trước cách mạng mê tín dị đoan, sự thờ cúng, tôn giáo tín ngưỡng tồn tại và phát triển trong người dân là điều không tránh khỏi. Điều kiện kinh tế - xã hội cũ đã đẻ ra những tư tưởng bảo thủ, tính tư hữu nhỏ hạn chế tính tích cực sáng tạo, lối sống tự ti, lối sống "đèn nhà ai nhà ấy rạng", "Ăn cây nào rào cây ấy". Các Mác viết: Phương thức sản xuất của người tiểu nông không làm cho họ liên hệ với nhau mà lại làm cho họ cô lập với nhau (...!). Trường hoạt động sản xuất của họ, một miếng đất nhỏ bé không cho phép áp dụng một sự phân công lao động nào cũ, một sự áp dụng khoa học nào cả. Do đó, cũng không cho phép một sự phát triển nhiều màu, nhiều vẻ nào cả, một sự phân biệt tài năng nào cả, cũng không cho phép có một sự phong phú nào về các quan hệ xã hội [30, tr. 375]. Như vậy, nghề nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ yếu của người dân Hà Nam, với cơ sở kỹ thuật thủ công lạc hậu, phân công lao động có tính chất tự nhiên, truyền thống, gieo trồng thời vụ đã làm cho họ luôn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thiếu tính chủ động và khi sản xuất không được rộng, phát triển thì cũng không có nhu cầu khách quan cho tư duy khoa học nảy nở. Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học thực nghiệm hầu như không được nghiên cứu, không được giảng dạy. Do đó, nghề nông nghiệp lạc hậu ấy không thúc đẩy việc hình thành phát triển tư duy trừu tượng, tư duy lôgíc mà chủ yếu là tư duy cảm tính, tri thức kinh nghiệm. ở họ chỉ thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, chỉ thấy lợi trước mắt mà không thấy lợi ích lâu dài. Họ hoài nghi cái lạ, dè dặt với cái mới, trong phương pháp suy nghĩ của họ nặng về tình cảm, nhẹ về lý trí. Từ đó, họ dễ mắc bệnh chủ nghĩa kinh nghiệm, bệnh chủ quan duy ý chí, dễ rơi vào ảo tưởng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến đầu những năm 80, kinh tế Hà Nam đã có thay đổi nhưng về cơ bản vẫn mang nặng tính chất của một nền sản xuất nhỏ, kinh tế tự nhiên. Do lực lượng sản xuất rất thấp kém, sự phân công lao động chưa đáng kể, nền kinh tế hàng hóa chưa phát triển, chủ yếu là tự cung cấp. Trong những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ XX, tư bản nước ngoài và trong nước có lác đác tiến hành đầu tư một số cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng quy mô và tốc độ chưa phát triển đáng kể. Đến khi Hà Nam và Nam Định được sát nhập thành tỉnh Nam Hà (năm 1965) thì từ đó trở đi nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công nghiệp vật liệu xây dựng như một số nhà máy xi măng, nhà máy đá thuộc nhà nước và tư nhân đã phát triển khá mạnh. Những cơ sở này tập trung chủ yếu ở các vùng có điều kiện khai thác và thuận lợi về giao thông. Chính sự đầu tư phát triển kinh tế vào các vùng này đã kéo theo quá trình đô thị hóa, di cư tập trong ở đây đã ngày một đông đủ, buôn bán đã ngày một phát triển, hình thành lên các thị trấn, thị tứ. Quá trình này đã tạo nên sự cách biệt tương đối rõ rệt về đời sống vật chất, tinh thần giữa thành thị và nông thôn - ở những nơi vùng sâu, vùng đồng chiêm trũng, làm cho ý thức xã hội nói chung và thế giới nói riêng tương đối khác nhau. Thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước (1986) đến nay, nhân dân tỉnh Hà Nam đã nỗ lực phấn đấu, tổ chức lại phương thức sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, từng bước cải thiện đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân. Trên cơ sở những lợi thế vốn có, Hà Nam đã xác định cơ cấu kinh tế là: Công - nông nghiệp và dịch vụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2003 là 8,9%, GDP bình quân đầu người đạt 3.800.000đ, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%. Các nhà máy xi măng như: Bút Sơn, Nội Thương, X77 đã giải quyết hàng ngàn lao động có việc làm, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Các khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các huyện cũng đang hình thành phát triển, khu du lịch sinh thái Ba Sao đang xây dựng… Với việc phát triển quy mô các khu công nghiệp, dịch vụ đã dẫn đến sự đa dạng hóa trong phân công lao động, một bộ phận dân cư trực tiếp làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp và sinh sống ở đây có điều kiện tiếp thu trí tuệ, khoa học công nghệ hiện đại, nâng cao trình độ nhận thức, năng lực tư duy lý luận - nhân tố có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thế giới quan duy vật biện chứng. Mặt khác, chính sự phát triển kinh tế đòi hỏi người cán bộ phải nâng cao hơn nữa trình độ văn hóa, kiến thức về khoa học công nghệ hiện đại, về quản lý kinh tế, xã hội... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác của mình trong thời kỳ mới. Về mặt xã hội, ở Hà Nam vào khoảng cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, khi lực lượng sản xuất đã phát triển, từng bộ phận dân cư Việt cổ, chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn đã rời hang động qua thượng lưu các con sông lớn xuôi dần về phía hạ lưu, cư trú trên các đồi đất cao ven sông Hồng, sông Đáy thuộc các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, Duy Tiên và một phần của huyện Bình Lục. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, tổ chức làng xã cổ ở Hà Nam tụ cư theo huyết thống hoặc tụ cư theo ngành nghề. Theo thống kê, trước cách mạng tháng 8/1945, dân số Hà Nam có khoảng 410.000 người. Tính đến ngày 1/4/2002 toàn tỉnh có 801.328 người, bình quân đầu người 955 người/km2, dân số nông thôn chiếm 91,5%, ở thành thị là 8,5%. Mặc dù địa hình Hà Nam được phân chia thành hai vùng: đồng bằng và miền núi rõ rệt, nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa hai vùng không lớn lắm đều có cùng một dân tộc kinh, không có tính chất xen cư các dân tộc. Chính vì vậy tạo ra sự tương đồng các yếu tố về lối sống, tập quán, tính chất kinh nghiệm sản xuất, về văn hóa, tâm lý truyền thống giữa các vùng, miền. Đây là điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh đạo, quản lý của người cán bộ Hà Nam khi phải giải quyết những sự việc liên quan đến vấn đề dân tộc; và chính sự tương đồng giữa các vùng miền đó cũng đã tạo cơ hội tốt cho việc truyền bá và tiếp thu thế giới quan của người dân Hà Nam nói chung và người cán bộ nói riêng. Như vậy, sự phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nam đã từng bước xóa bỏ nền kinh tế tự nhiên, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, từng bước xóa bỏ những quan niệm, lối sống duy tâm, lạc hậu, xác lập quan niệm duy vật khoa học, củng cố và nâng cao niềm tin của người dân đối với Đảng. Bên cạnh đó những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường như lối sống chạy theo đồng tiền, thực dụng, không thiết tha, quan tâm đến chính trị, tư tưởng đã đang tác động đáng kể đến công tác bồi dưỡng cũng như việc tiếp thu thế giới quan duy vật biện chứng đối với người dân và đội ngũ cán bộ ở Hà Nam. 1.2.1.3. ảnh hưởng của văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật và công nghệ Cùng với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội thì văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tiếp thu, phát triển thế giới quan duy vật biện chứng. Từ xa xưa Hà Nam đã là nơi cư trú của người Việt cổ. ở vùng núi Đọi (Huyện Duy Tiên) là nơi phát hiện được nhiều sọ chủ nhân nền văn minh Đông Sơn nguyên vẹn nhất cả nước với quan tài gỗ hình thuyền cách đây hơn 2000 năm đã di đến và cư trú trên các đồi đất cao ven sông Hồng. Trong các ngôi mộ cổ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ sản xuất (cuốc gỗ, rìu đồng, dao gặt lúa, cày chìa vôi); các đồ binh khí (giáo đồng, khóa đồng, rìu xéo, dao găm đồng); đặc biệt là các đồ dùng sinh hoạt (chậu đồng, bát gỗ, khuyên tai bằng đá). Trong vùng đất chiêm trũng huyện Bình Lục, người ta còn tìm thấy hiện vật cổ quý giá là trống đồng Ngọc Lũ và 20 chiếc trống đồng cổ khác. Trống đồng Ngọc Lũ đã trở thành biểu tượng của văn hiến Việt Nam (năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc, chủ tịch nước Lê Đức Anh đã trao tặng phẩm của Việt Nam (phiên bản trống đồng Ngọc Lũ) cho ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc Butơrốt Gali tại New York - Hoa Kỳ). Những hiện vật cổ quý đó đã chứng minh rằng có một nền văn minh Sông Hồng, văn minh lúa nước của dân Việt cổ ở Hà Nam đã phát triển tới trình độ khá cao và với một đời sống tinh thần phong phú. Họ thể hiện trong tư duy và sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, họ đã làm chủ được nghệ thuật nhịp điệu trong trang trí, biểu hiện trong tính đối xứng chặt chẽ của các mô típ hoa văn, điều này cho thấy sự phát triển nhận thức hình học và tư duy chính xác nhờ hoạt động sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật chế tạo đá, đúc đồng. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đối với người dân Hà Nam. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về nhân dân trong tỉnh và những người con xa quê hương tấp nập đi trẩy hội trong các đình, chùa, đền, nhà thờ họ, kính cẩn dâng hương, dâng hoa để tưởng nhớ tổ tiên mình và những bậc công thần khai quốc, khai sáng quê hương như lễ hội truyền thống ở Lảnh Giang, ở chùa Đọi (Duy Tiên); đình Công Đồng, từ đường Nguyễn Khuyến (Bình Lục)… Trong các lễ hội như võ vật Liễu Đôi, lễ hội đu thuyền Kim Bảng, các hình thức tôn giáo được kết hợp hài hòa với các hoạt động văn hóa dân gian như: hát Chầu văn, hát Trống quân, hát Dậm... đã thể hiện một vùng văn hóa dân gian đậm đà bản sắc quê hương, tình người. Trong sự gian truân ấy người dân Hà Nam đã biết động viên nhau, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần thượng võ quê hương để xua tan nỗi cực nhọc ở cái vùng đồng chiêm trũng nước ngập quanh năm. "Một vùng rộng xẻ làm ba Tiếng con gà gáy nghe ba huyện cùng" "Ngàn năm võ vật đua tài Vạn năm sông rộng, núi dài tổ tiên" Từ khi đạo Phật du nhập vào nước ta, sự giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh càng thêm phong phú và đa dạng. Đạo phật truyền bá vào Hà Nam tương đối sớm, khoảng thế kỷ XI dưới triều Lý. Nhờ biết kết hợp giữa tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng người Việt trồng lúa nước với đạo Phật, đã tạo nên bản sắc riêng của mình. ở Hà Nam có khoảng hơn 400 chùa, miếu. Số lượng tăng ni phật tử không nhiều lắm nhưng người dân theo đạo Phật ở Hà Nam rất nhiều, họ đều là những người giàu lòng yêu nước, yêu quê hương. Nếu như ở tháp sùng Thiện Diên Linh (ở Duy Tiên) với ý niệm cầu thiện mong cho cuộc sống bình yên, tuổi thọ kéo dài thì ở chùa Bà Đanh (Kim Bảng) lại thờ Tứ Pháp: Pháp Vân (Phật Mây), Pháp Vũ (Phật Mưa), Pháp Lôi (Phật Sấm), Pháp Điện (Phật Chớp). Việc thờ cúng tứ pháp là biểu hiện khát vọng chế ngự và dung hòa với tự nhiên của người xưa và hy vọng vào khả năng của Phật Pháp điều hòa tuần hoàn của vũ trụ, mưa nắng thuận hòa, mùa màng bội thu. Đó cũng là cách ứng xử văn hóa của những cư dân trồng lúa nước ở vùng chiêm trũng Hà Nam trong quá trình xây dựng quê hương. Có thể nói ở Hà Nam, Phật giáo đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống tinh thần đối với người dân nói chung và người cán bộ nói riêng. Đến ngày Phật Đản, ngày mồng 1, ngày rằm, tết... người dân đều tập trung đông đúc ở các chùa, miếu mạo để cầu khấn cho mình và gia đình những điều phước lành như ý muốn, là nơi gửi gắm niềm tin, nguyện vọng của nhân dân. Thế giới quan của Phật giáo đã đề cập đến con người. Con người là sự thống nhất giữa "thể xác" và "linh hồn", thể xác chết đi, linh hồn sống mãi. Việc làm kiếp trước là cái nhân sinh ra cái họa hay cái phúc ở kiếp sau. Vì vậy, Phật giáo khuyên con người phải tu thân tích đức. Cái trục xuyên suốt của toàn bộ quan điểm triết học phật giáo là học thuyết "sinh tử, luân hồi" của vạn vật, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa con người và vạn vật. Phật giáo đã mang lại những yếu tố tích cực trong đời sống văn hóa của người dân. Chính Phật giáo đã đem lại bản sắc văn hóa độc đáo và điều chỉnh mối quan hệ giữa người và người trên cơ sở làm điều thiện, tránh điều ác. Tuy nhiên, do bị chi phối thế giới quan duy tâm triết học phật giáo, tìm nguồn gốc của sự cùng khổ của con người ở thực thể ý thức tinh thần (lòng tham, dục vọng). Nó không tìm thấy được nguồn gốc giai cấp - xã hội của cảnh cùng khổ đó. Phật giáo muốn giải phóng con người bằng con đường từ bi, bác ái, làm điều thiện chứ không bằng con đường đấu tranh giai cấp, tiến tới cách mệnh xã hội (triệt tiêu chế độ tư hữu). Vì thế nó kìm hãm sự phát triển xã hội, kìm hãm tinh thần sáng tạo, sự tìm tòi vươn tới tri thức khoa học của người dân… Bên cạnh nhân tố văn hóa, sự phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ ở Hà Nam cũng là các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiếp thu thế giới quan duy vật biện chứng đối với người dân nói chung và đội ngũ cán bộ nói riêng. Kể từ khoa thi nho học đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), toàn tỉnh Hà Nam đã có 53 người đỗ ở 36 khoa thi, làm việc từ triều đình đến địa phương. Người đỗ tiến sĩ trẻ tuổi nhất là Phan Tế (Duy Tiên) năm 1952 lúc 19 tuổi. Lại có nhiều người trở thành học giả, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, trong đó: Nguyễn Khuyến - nhà thơ cổ điển có những bài thơ về mùa thu tuyệt tác, nhà thơ của một dòng họ có truyền thống học hành. Nam Cao - Nhà văn liệt sĩ, người đầu tiên được giải thưởng Hồ Chí Minh, có cống hiến to lớn đối với sự nghiệp văn học nước nhà. Hà Nam cũng rất từ hào với tiếng trống Bắc Lý - nơi nguồn cội của phong trào dạy tốt, học tốt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Trên phạm vi toàn tỉnh hiện nay có tới 280 trường học (264 trường tiểu học và trung học cơ sở, 16 trường trung học phổ thông) với 195.070 học sinh (99.980 học sinh tiểu học, 76.418 học sinh trung học cơ sở, 18.672 học sinh phổ thông trung học). Tỉnh có 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp và các trung tâm giáo dục - đào tạo khác như: ngoại ngữ, điện tử, tin học... Những thành tựu trong giáo dục - đào tạo đang tạo ra thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, tạo điều kiện trực tiếp cho việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Hà Nam nói chung và đội ngũ cán bộ nói riêng. Trong đời sống xã hội, những quan niệm tâm linh, mê tín tập quán lạc hậu... đang từng bước đẩy lùi, những nhân tố duy vật đang được khẳng định, đặc biệt sự phát triển của kinh tế và giáo dục - đào tạo cũng đang dần phá vỡ lối tư duy trực quan, cảm tính, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa và ngày một nâng cao tư duy lý luận - một nhân tố quan trọng của thế giới quan duy vật biện chứng của người cán bộ Hà Nam. 1.2.1.4. ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, truyền thống Truyền thống, theo quan niệm của người dân Hà Nam là các nhân tố xã hội đặc biệt có sức mạnh của tập quán được hình thành và truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày hôm nay. Yếu tố truyền thống có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội nói chung và tư duy nói riêng. Tâm lý là sự phản ánh thực tại khách quan vào đầu óc người ta qua nhiều hình thức: cảm giác, tri giác, hình ảnh, khái niệm, tình cảm, ý chí, ý thức mà quá trình và kết quả trong hoạt động và cử chỉ của con người nhằm biểu lộ nhu cầu, thị hiếu, tính khí, tính cách, khả năng và xu hướng. Tâm lý của người Hà Nam không tách rời truyền thống của họ, nó in đậm trong các phong tục tập quán, lễ hội, trong sinh hoạt văn hóa dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo và các yếu tố tâm lý ấy ảnh hưởng đến sự tiếp thu thế giới quan duy vật biện chứng mà trước hết là sự hình thành nhân cách của người cán bộ ở Hà Nam. Tâm lý, truyền thống của người dân Hà Nam cũng không nằm ngoài sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp của tồn tại xã hội. Trước hết, nền sản xuất nhỏ với chế độ công xã nông thôn tồn tại hàng ngàn năm là một nhân tố quan trọng tạo thành truyền thống tư duy và ảnh hưởng rất lớn đến phong cách, cũng như trình độ năng lực tư duy của người dân Hà Nam nói chung và người cán bộ nói riêng cho đến tận ngày nay. Tính chất manh mún, tản mạn, khép kín của nền sản xuất nhỏ tiềm ẩn tạo cho việc hình thành tri thức kinh nghiệm, cho bệnh sùng bái kinh nghiệm có điều kiện tồn tại và phát triển, làm hạn chế năng lực tư duy lý luận, tri thức khoa học của ông cha ta. Với trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào thời tiết khí hậu, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, công cụ sản xuất thô sơ, đòi hỏi sự vận động của đôi bàn tay, của cơ bắp hơn là sự vận động của trí óc, trí tuệ thì những kinh nghiệm được tích lũy đóng vai trò hết sức quan trọng. Từ đó làm cho người dân rơi vào bệnh kinh nghiệm coi nhẹ lý luận đã ăn sâu vào tiềm thức người dân hình thành tâm lý thụ động, ỷ lại, ngại va chạm, sợ cái mới, bằng lòng với cái hiện có đã ảnh hưởng không nhỏ cho đến ngày nay trong việc tiếp thu tri thức khoa học mới, trong đó có thế giới quan duy vật biện chứng. Mặt khác, trong quá trình đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm, người dân Hà Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung đã cấu kết, tổ chức ra thiết chế xã hội: Nhà - làng - nước. Từ đó, đã hình thành nên giá trị văn hóa truyền thống quý báu, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, giàu lòng nhân ái, vị tha, thương yêu đùm bọc. Nhưng phải chăng cũng vì những giá trị truyền thống này mà trong thực tiễn lịch sử cho thấy, cả trong tư duy và hành động, ông cha ta thường nặng về tình hơn về lý khi giải quyết, xử lý công việc nào đó. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tri thức lý luận (một bộ phận của thế giới quan khoa học). Nói đến truyền thống của nhân dân Hà Nam còn phải đề cập tới lòng yêu nước nồng nàn, ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do. Để có được cuộc sống tốt đẹp như ngày nay, họ không chỉ hai sương một nắng trên đồng ruộng hay núi rừng mà hết đời này qua đời khác kế tiếp nhau cầm gươm, ôm súng để bảo vệ, xây dựng quê hương và đất nước thân yêu. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tổ quốc, người dân Hà Nam đã mất 16.495 người con liệt sĩ ngã xuống; hơn 20 người được công nhận là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 488 bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 76 mẹ)... Truyền thống quý báu đó nói lên ý thức độc lập dân tộc và lý tưởng sống vì chủ nghĩa xã hội đã được hình thành. Đây là yếu tố thuận lợi cho việc tạo dựng phẩm chất chính trị và thế giới quan của đội ngũ cán bộ ở Hà Nam. 1.2.1.5. ảnh hưởng của quá trình mở cửa hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến thế giới quan của đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo ở Hà Nam Mở cửa, chủ động hội nhập phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa là nhu cầu tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay. Riêng ở Hà Nam, quá trình này diễn ra rất phức tạp, có cả thuận lợi và khó khăn, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, đến việc tiếp nhận và phát triển thế giới qua duy vật biện chứng. Sau hơn 30 năm sát nhập với tỉnh Hà Nam, ngày 01/01/1997 Hà Nam chính thức được tái lập và đi vào hoạt động trong điều kiện hết sức thiếu thốn và khó khăn. Trên cơ sở những lợi thế vốn có, tỉnh đã xác định cơ cấu kinh tế chủ yếu là công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Ngoài các nhà máy, xí nghiệp lớn chủ yếu là khai thác vật liệu xây dựng như: xi măng, đá gạch... với khoa học - kỹ thuật hiện đại. Tỉnh cũng khuyến khích nhân dân phát triển mạnh kinh tế tự nhiên, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp đã tổ chức và thực hiện tốt việc dồn đổi ô thửa, giao đất sử dụng lâu dài đến người nông dân. Từ đó đã kích thích tính chủ động, sáng tạo thúc đẩy sản xuất phát triển. Những điểm nóng xã hội ở đây đã từng bước tháo gỡ, ổn định xã hội. Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế đạt từ 8,2 đến 8,5%, xây dựng cơ sở - vật chất kỹ thuật, mở rộng và quy hoạch lại tỉnh lỵ ngày một hiện đại, đời sống xã hội từng bước cải thiện. Những thành tựu kể trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận thế giới quan duy vật cho người cán bộ nói riêng và người dân nói chung. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội đó so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng là quá chậm và chưa thật xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Bội chi ngân sách hàng năm, năm 2003 tổng thu ngân sách địa phương cả năm đạt 188 tỷ động trong khi đó tổng chi là 818 tỷ đồng. Trong báo cáo của tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2003 và phương hướng phát triển kinh tế năm 2004 đã đánh giá: Trong nông nghiệp tăng trưởng chưa vững chắc, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa quy mô còn nhỏ bé, thị trường nông sản hàng hóa còn khó khăn, một số mô hình điểm còn chậm được nhân rộng…, quản lý Nhà nước về đất đai, về khai thác tài nguyên còn lỏng lẻo, chậm phát hiện và xử lý vi phạm, thu hút vốn đầu tư còn nhỏ, chậm, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa tạo được khâu đột phá mới. Hoạt động xuất khẩu chưa thực sự kích thích sản xuất trong tỉnh phát triển [41, tr. 22]. Chính những hạn chế này đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhân dân Hà Nam. Nguyên nhân ở nhiều phương diện, trong đó phải nói đến vai trò của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là những đòi hỏi mới về mặt thế giới quan như việc tiếp cận với tri thức khoa học, công nghệ mới, kiến thức về thời kỳ quá độ, trình độ về quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh… Hơn nữa, khi chúng ta mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều cần thiết làm cho nền kinh tế phát triển năng động có hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, kinh tế thị trường cũng khơi dậy hoặc nảy sinh những tệ nạn xã hội trầm trọng và các yếu tố tiêu cực khác. Đó là chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng ích kỷ, chạy theo đồng tiền, coi thường giá trị đạo đức... đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến thế giới quan của người cán bộ Hà Nam. 1.3. Một số biểu hiện đặc thù thế giới quan của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam Sau 32 năm hợp nhất với tỉnh Nam Định và Ninh Bình (từ năm 1965), ngày 01/01/1997 tỉnh Hà Nam được tái lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX. Hà Nam gồm có 5 huyện, 1 thị xã với tổng 116 xã, phường, thị trấn. Sự thành lập bộ máy hành chính các sở, ban ngành ở cấp tỉnh cùng với sự điều tiết, bổ sung các cơ quan từ cấp huyện đến cấp xã đòi hỏi đội ngũ cán bộ ở Hà Nam đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện của một tỉnh mới. Đối với bộ máy hoạt động ở cấp tỉnh thì nguồn cán bộ bao gồm: 30% số cán bộ công tác ở tỉnh Hà Nam (cũ) chuyển về hoặc cán bộ từ nơi khác chuyển đến, còn lại chủ yếu là những người được cân nhắc từ huyện lên và những sinh viên được xét tuyển. Chính vì vậy mà đội ngũ cán bộ ở trong tỉnh Hà Nam nói chung và ở các cấp tỉnh nói riêng còn rất trẻ. Theo điều tra xã hội học về chất lượng cán bộ năm 2000 thì số lượng cán bộ trẻ dưới 35 tuổi làm việc trong các cơ quan ban ngành của tỉnh là 65%, ở cấp huyện là 46%, ở cấp xã là 37,5%. Số cán bộ đang công tác ở Hà Nam do từ nơi khác chuyển đến hoặc cán bộ chuyển ngành từ sau năm 1975 chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện của một tỉnh mới tái lập, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, có năng lực tổ chức thực tiễn và phẩm chất đạo đức cách mạng. Muốn vậy mỗi người cán bộ phải ra sức học hỏi trên mọi lĩnh vực, hình thức khác nhau như học tập văn hóa, học lý luận chính trị, học kiến thức quản lý, khoa học - kỹ thuật, học bằng trao đổi kinh nghiệm với người khác, tiếp thu giá trị tinh hoa của thế giới... Mặt khác, trong công tác cán bộ, Đảng ta luôn coi trọng công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nếu như "cán bộ là gốc của mọi công việc" thì "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng", "Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc của chúng ta" [34, tr. 115]. Đây là khâu có ý nghĩa quyết định đến trình độ và chất lượng cán bộ. Do đó, ngay sau khi tái lập tỉnh, cán bộ trong tỉnh Hà Nam đã được đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Tất cả điều đó đã ảnh hưởng tích cực đến thế giới quan của đội ngũ cán bộ, những yếu tố duy vật biện chứng và niềm tin vào Đảng đã được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, thế giới quan của đội ngũ cán bộ Hà Nam (đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở) vẫn tồn tại những nhân tố tiền khoa học hoặc pha tạp yếu tố duy tâm và duy vật…, còn tồn tại các loại hình thế giới quan và phương pháp luận phi khoa học. ở Hà Nam sự phát triển thấp kém của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, những tàn dư quan hệ phong kiến "hoen gỉ", lối tư duy cụ thể cảm tính ảnh hưởng lớn đến tư duy người cán bộ nhất là cán bộ ở cơ sở. Sự xâm nhập của các loại thế giới quan xa lạ trong nền kinh tế thị trường mở cửa, cơ chế tổ chức và chính sách cán bộ theo kiểu quan liêu bao cấp, công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự được quan tâm, và sự giản đơn hóa lý luận Mác - Lênin của người học và người dạy làm cho cán bộ yếu kém về năng lực tư duy lý luận, trong đó có phương pháp tư duy duy vật biện chứng... Có thể khái quát một số đặc điểm cơ bản của thế giới quan trong đội ngũ cán bộ ở Hà Nam như sau: Thứ nhất: Thế giới quan của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi tri thức kinh nghiệm và các tri thức tiền khoa học. Trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cấp huyện và cấp xã có tư duy kinh nghiệm phong phú, nhưng lại yếu kém về tư duy lý luận nhất là tư duy biện chứng. Đội ngũ cán bộ ở Hà Nam hiện nay, đa số trình độ học vấn không được đào tạo cơ bản và đồng bộ. Họ là những người có cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và mang trong mình những phẩm chất cao quý đáng trân trọng. Song từ khi chuyển sang nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, do tâm lý dễ thỏa mãn, ngại học, do điều kiện công tác chật hẹp, do mặc cảm về tuổi tác, họ chưa thường xuyên học tập, tu dưỡng và rèn luyện nâng cao kiến thức và nếu có học thì phần lớn đều học theo chương trình tại chức, bổ túc, không được đào tạo một cách cơ bản và đồng bộ kiến thức chuyên môn cũng như trình độ lý luận chính trị. Những điều đó đã ảnh cản trở sự phát triển thế giới quan khoa học. Mặt khác, sự thực trong nhiều năm qua nhất là những năm trước đổi mới, do đời sống quá khó khăn, đồng lương không đủ trang trải cho bản thân và gia đình, đại bộ phận cán bộ sau mỗi ngày làm việc ở cơ quan với tất cả nỗ lực và hy vọng, khi về nhà lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng lại phải tất tả với nguồn sinh lợi thượng vàng hạ cám để cho bản thân và gia đình. Điều đó không chỉ làm cho kiến thức chuyên môn của họ cùn mòn dần, mà còn hạn chế sự tiếp thu và phát triển thế giới quan duy vật biện chứng của họ. Theo thống kê về chất lượng đại hiểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 của ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam thì số cán bộ có trình độ học vấn đại học ở huyện Lý Nhân là 34%, ở huyện Kim Bảng là 39%, ở Thanh Liêm là 60%, ở thị xã Phủ Lý là 70%... Tính trung bình trình độ học vấn Đại học trong toàn huyện của tỉnh là 55,5%, trình độ học vấn cấp I và cấp II là 13,2%. Còn đối với cấp cơ sở có trình độ học vấn Đại học là 3,5%, cấp I và cấp II là 50% [4, tr. 11]. Về trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam chủ yếu được đánh giá ở trình độ quản lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo điều tra của Ban tổ chức Tỉnh ủy Hà Nam: số cán bộ tỉnh ủy viên có trình độ cử nhân và cao cấp lý lý luận chính trị là 71%; ở cấp huyện là 29%, còn lại là trình độ lý luận chính trị sơ cấp và trung cấp. Riêng ở cấp xã, số cán bộ có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị chỉ chiếm 0,35%, trung cấp và sơ cấp lý luận chính trị là 54%, số còn lại là chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng. Đây là một vấn đề cơ bản hạn chế đến việc tiếp thu, phát triển thế giới quan duy vật biện chứng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong thời kỳ cách mạng mới hiện nay. Điều đó hạn chế việc tiếp thu, phát triển thế giới quan duy vật biện chứng đối với đội ngũ cán bộ cơ sở trong thời kỳ cách mạng mới hiện nay. Mặt khác, một sự thật là ngay trong số cán bộ có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị thì phần lớn đào tạo theo hình thức tại chức, vừa học vừa công tác nên thời gian học tập, nghiên cứu lý luận rất hạn chế. Hơn nữa, việc nhận thức thế giới quan đòi hỏi người cán bộ phải nắm bắt những quan điểm cơ bản của triết học, kinh tế, chính trị, đạo đức... trong đó, triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan. Mọi quan điểm khác đều phải xuất phát từ cơ sở lý luận của thế giới quan triết học. Song, trên thực tế việc học tập, nghiên cứu triết học đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết cần giải quyết từ cả phía người học, người dạy và nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng... Do đó, thế giới quan của người cán bộ ở Hà Nam chưa được nâng cao là bao nhiêu. Sự hạn chế về trình độ học vấn, thiếu về kiến thức khoa học cơ bản, nhất là khoa học tự nhiên cùng với thời gian học tập có hạn đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp thu những quan điểm, nguyên tắc của thế giới quan duy vật biện chứng, cũng như không thấy được tính cách mạng và khoa học của nó. Từ rất nhiều lý do như vậy nên thế giới quan của đội ngũ cán bộ Hà Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở chủ yếu được xây dựng trên cơ sở những tri thức kinh nghiệm và các tri thức tiền khoa học. Mặc dù, tri thức kinh nghiệm thu được từ trong cuộc sống, trong lao động sản xuất đóng vai trò không nhỏ trong hoạt động thực tiễn của con người nhưng không thể dừng lại ở đó. Bởi lẽ, tri thức kinh nghiệm còn mang tính lẻ tẻ, rời rạc, phản ảnh cái cụ thể, cái đơn nhất, chưa khái quát được một cách sâu sắc và có hệ thống những mối liên hệ căn bản giữa các sự vật, hiện tượng, chưa giải thích được một cách khoa học những kết luận được rút ra. Thứ hai: Một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam còn biểu hiện ở sự dao động niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong cấu trúc của thế giới quan thì tri thức là cơ sở trực tiếp cho sự hình thành phát triển của thế giới quan, còn niềm tin được xây dựng trên cơ sở của tri thức đó chi phối và hướng hành động của con người theo tri thức đó. Cho nên, niềm tin được xây dựng trên cơ sở tri thức khoa học thì sẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Như đã phân tích ở trên, thế giới quan của đội ngũ cán bộ ở Hà Nam chủ yếu được xác lập trên cơ sở tri thức kinh nghiệm, tri thức khoa học, cho nên niềm tin của họ đối với những vấn đề trong thế giới quan còn thiếu cơ sở khoa học. Trong khói lửa của chiến tranh, cán bộ và nhân dân Hà Nam đã viết tiếp những trang sử hào hùng, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết dũng cảm, đặt trọn niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu, vào ngày huy hoàng thống nhất Tổ quốc. Khi đất nước chuyển sang nhiệm vụ cách mạng mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt từ những năm thực hiện công cuộc đổi mới đã phát sinh nhiều vấn đề mới phức tạp, đòi hỏi phải được lý giải và làm sáng tỏ. Sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, những âm mưu của các thế lực thù địch, cùng với sự diễn biến phức tạp ở khu vực và thế giới... đã và đang tác động đến một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ ở Hà Nam, làm cho họ phai nhạt về lý tưởng, dao động, giảm niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một trong những nguyên nhân của vấn đề đó là trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị của họ còn thấp đã không lý giải được những vấn đề của thực tế. Trong cuộc điều tra gần đây đối với 212 người cán bộ cơ sở cho thấy: 62,5% cho rằng không hiểu gì nội dung đấu tranh giai cấp hiện nay; 57,2% trả lời hầu như quên hết nội dung cơ bản về triết học Mác - Lênin hoặc chưa được học môn này; 15,6% không thể hiện rõ lập trường và bản lĩnh cộng sản; 59% số người thừa nhận có thế giới tâm linh, địa ngục và trần gian. Trong đợt điều tra khác đối với những người đang là cán bộ làm việc trong các sở, ban, ngành của tỉnh học ở hai lớp tại trường chính trị, trong số 105 người được hỏi có 42 người cho rằng có đạo đức và lối sống trong sáng chiếm 40,6%, số còn lại không trả lời hoặc có vấn đề trong đạo đức và lối sống chiếm 59,4%. Tình hình chính trị - tư tưởng trong Đảng không chỉ ở Hà Nam mà cả trong phạm vi cả nước có nhiều vấn đề đáng lo ngại, bức xúc hiện nay. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa IX đã đánh giá: Sự suy thoái về nhận thức, tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên chưa được ngăn chặn. Hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút phẩm chất đạo đức, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng có chiều hướng phát triển [15, tr. 130]. Trong báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVI cũng nhận định: Một số nơi bộ máy sắp xếp chưa hợp lý, cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan vừa thiếu, vừa yếu, trình độ năng lực cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cán bộ, công chức giảm sút ý chí phấn đấu, nặng nề vun vén cá nhân, mê tín dị đoan, xa rời quần chúng, đặc biệt nghiêm trọng là có cán bộ, Đảng viên ở cương vị lãnh đạo cố ý làm trái nguyên tắc, để cho chủ nghĩa cá nhân chi phối, gây chia rẽ bè phái, tham nhũng, quan liêu, làm sai chế độ chính sách, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng [41, tr. 13]. Thứ ba: ở một bộ phận đội ngũ cán bộ Hà Nam, quan điểm duy vật còn non yếu, chưa vững chắc. Không ít cán bộ ở Hà Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở thiếu niềm tin vào các quy luật của tự nhiên và các quy luật xã hội. Số đông cán bộ còn tin vào lực lượng thần bí, siêu tự tự nhiên. Họ coi sự may rủi trong cuộc sống của mỗi con người là do định mệnh - số phận, do số trời. Từ đó, nhiều tư tưởng mê tín dị đoan xuất hiện. Mỗi khi động thổ làm nhà hay trong gia đình có người không được bình thường... thì điều trước tiên họ làm là đi gặp các cao tăng, thày bói, tử vi, tướng số để chỉ đường mách lối chọn ngày, giờ tốt hay làm bùa phép trừ tà ma, cầu đến điều tốt lành. Đặc biệt, ở nông thôn Hà Nam hiện nay không ít những người là cán bộ, Đảng viên theo tín ngưỡng phật giáo khi có người nhà chết phải đi tìm thầy cúng để làm các quy trình nghi lễ như lễ thành ma sau 3 ngày, lễ 49 và 100 ngày... Đó là những hủ tục, lạc hậu đang là vấn đề bức xúc hiện nay khi mà Đảng và Nhà nước ta đang kêu gọi, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới. Trong một đợt điều tra đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở, thì có tới 53,5% số người được hỏi tin là có thế giới địa ngục, thế giới tâm linh. Vì thiếu kiến thức về sự sống và cái chết, thiếu kiến thức về các quy luật của đời sống xã hội nên nhiều khi tạo cho họ một tư tưởng huyền ảo và thần bí. Từ đó làm cho họ bất lực, không lý giải được những hiện tượng phức tạp, sự may mắn, rủi ro trong cuộc sống. Mặc dù thế giới quan duy tâm đã được khoa học lý giải đấu tranh phê phán nhưng họ vẫn không tin vào điều đó. Ngay trong lĩnh vực công tác không ít cán bộ mỗi khi bị vấp váp, họ thường dao động mất lòng tin vào các quy luật, nguyên tắc của thế giới quan duy vật biện chứng hay vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đội ngũ cán bộ ở Hà Nam không thấm nhuần một học thuyết duy tâm nào, nhưng thế giới quan duy tâm vẫn duy trì, tồn tại một cách tự phát. Nó đã tồn tại lâu đời là do sự bất lực của con người trước tự nhiên và những vấn đề phức tạp của đời sống xã hội. Chính cái cảm giác bất lực đó đã làm cho một số cán bộ ở Hà Nam mất tỉnh táo, không còn khả năng phân tích tìm hiểu bản chất của các hiện tượng phức tạp trong xã hội, vận động quần chúng nhân dân làm nhiều điều sai trái. Ví dụ: ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm có một số cán bộ theo đạo thiên chúa giáo đã vận động giáo dân để chống đối, cản trở công việc thi hành của chính quyền gây ra cuộc lộn xộn, làm mất ổn định chính trị - xã hội, phải nhờ đến sự can thiệp của cấp tỉnh. Hay ở một số nơi trong huyện Kim Bảng, một số cán bộ chính quyền do sự cuồng tín, duy tâm và thiếu kinh nghiệm, làm sai quy trình công việc đã bị một số kẻ xấu lợi dụng, đóng giả là sư sãi lừa đảo tiền công đức của dân quyên góp... Hiện nay, theo thống kê tổng hợp chất lượng cán bộ chủ chốt cơ sở của Ban tổ chức chính quyền tỉnh, trên toàn tỉnh có tới 139 đồng chí theo tôn giáo chiếm 6,2%. Như vậy, đội ngũ cán bộ Hà Nam do trình độ học vấn thấp (đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở) mà một bộ phận không có thế giới quan duy vật vững vàng nhất là trước những biến động phức tạp của cuộc sống trong cơ chế thị trường. Chương 2 Vấn đề bồi dưỡng thế giới quan cho học viên ở trường chính trị Hà nam hiện nay - thực trạng và giải pháp 2.1. Việc bồi dưỡng thế giới quan ở trường Chính trị Hà Nam và những vấn đề đặt ra 2.1.1. Thực trạng việc đào tạo, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng trong thời gian từ năm 1997 đến nay ở trường chính trị tỉnh Hà Nam Hệ thống các trường chính trị tỉnh là những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong tỉnh. Đối tượng chủ yếu đào tạo là cán bộ đương chức hoặc dự nguồn lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân ở cơ sở xã, phường, thị trấn và tương đương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức hoặc dự nguồn trưởng, phó phòng, ban cấp huyện, thị và tương đương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức hoặc dự nguồn trưởng, phó phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố và tương đương. Với mục tiêu là nhằm đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền đoàn thể nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao trình độ năng lực lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, nhân dân giao phó ở các cấp, ban ngành, cơ sở. Được thành lập cùng với thời điểm tái lập tỉnh, trường chính trị tỉnh Hà Nam nhanh chóng kiện toàn để đi vào hoạt động. Sự kiện này là bước phát triển mới của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn tỉnh thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, cán bộ cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trường chính trị đã thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo, bao gồm cả trung cấp và đại học, cả đào tạo và bồi dưỡng, cả tập trung và tại chức với số lượng lớn. Loại hình đào tạo tập trung và tại chức mở ở hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh, hiện nay có 3 hệ thuộc chương trình trung cấp là: Trung cấp lý luận chính trị (trước tháng 12/2002 gọi là Trung học chính trị), Trung cấp quản lý nhà nước và Trung cấp pháp lý. Từ năm 1997 đến nay, các hệ đào tạo này đã có tổng số 3.544 học viên, số tốt nghiệp ra trường là 3.015 người. Cơ cấu cán bộ đào tạo trong thời gian vừa qua đã được đổi mới. Từ chỗ trước đây chỉ đào tạo cán bộ chủ chốt của Đảng và chính quyền cơ sở là chính, đến nay trường đã đào tạo cả cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền cơ sở, cán bộ các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, đào tạo cả cán bộ ngoài Đảng nằm trong quy hoạch cán bộ của cấp ủy địa phương. Ngoài những kiến thức lý luận chung và đường lối chính sách, nhà trường đã coi trọng cả kiến thức pháp luật và kiến thức nghiệp vụ công tác. Cùng với các lớp đào tạo, trường còn làm nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức hành chính - ngạch chuyên viên, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở, bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân, bồi dưỡng trưởng thôn, xóm, cán bộ làm công tác tư pháp, tài chính, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng. Số lượng cán bộ được bồi dưỡng từ năm 1997 đến nay là 13.305 học viên. Nhìn chung, trong những năm qua, bên cạnh những thành tích khác mà nhà trường đã đạt được thì kết quả của công tác, đào tạo bồi dưỡng cán bộ với những con số kể trên đã khẳng định sự phấn đấu, nỗ lực to lớn của nhà trường trong điều kiện vừa mới được thành lập. Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ của Đảng bao gồm nhiều nội dung: giáo dục đào tạo nâng cao tri thức khoa học nói chung, giáo dục kiến thức chuyên ngành, trong đó giáo dục nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Một trong những yêu cầu của chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ trong nhà trường là góp phần nâng cao niềm tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, hình thành và phát triển ở người học thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Từ đó giúp họ hiểu đúng, bảo vệ và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng và thực tiễn công tác. Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý ở trong tỉnh cho thấy rằng đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo xong đã có những sự chuyển biến đáng kể về mặt nhận thức, tư tưởng cũng như năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành công việc trên địa bàn của mình. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, số đông đội ngũ cán bộ đã hiểu cơ bản được nguồn gốc, bản chất và cơ sở lý luận của thế giới quan duy tâm, tôn giáo, hệ tư tưởng tư sản, phong kiến cũng như những tác động tiêu cực của nó đối với đời sống xã hội. Từ đó giúp họ kiên định hơn về lập trường tư tưởng, có thái độ dứt khoát hơn trong việc đấu tranh phê phán những quan điểm duy tâm, tôn giáo, những tư tưởng phong kiến lạc hậu cổ hủ. Mặt khác, sự nắm bắt những nguyên lý, nguyên tắc khoa học của thế giới quan duy vật biện chứng đã giúp họ nâng cao hơn năng lực nhận thức, giải quyết, xử lý kịp thời những tình huống phức tạp trên địa bàn. Nếu như hoạt động thực tiễn trước đây của họ là chủ yếu dựa vào những tri thức kinh nghiệm lẻ tẻ, sự vụ, thiếu tư duy lý luận khoa học từ đó tạo ra tâm lý lúng túng, dao động trước công việc thì nay họ tự tin hơn, hoạt động có hiệu quả hơn. Điểm nổi bật ở kết quả đào tạo là sau khi được trang bị thế giới quan duy vật biện chứng, bộ phận lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thể hiện rõ khả năng tiếp thu và vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước vào trong điều kiện cụ thể trên địa bàn công tác. Kết quả trên đây đã phản ánh những thành tựu bước đầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng ở trường chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo ở Hà Nam, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở trong thời gian qua. Có thể nói công tác này đã đáp ứng yêu cầu nhất định của sự nghiệp cách mạng mới trong điều kiện ở một tỉnh mới được tái lập. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam sau khi đã qua đào tạo ở trường chính trị Hà Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế về nhiều mặt như: sự vận dụng lý luận vào thực tiễn còn yếu, còn nặng về sách vở, bệnh giáo điều, quan liêu cục bộ địa phương vẫn đang là hiện tượng đáng lo ngại. Đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ cơ sở thì tác phong gia trưởng, độc đoán chuyên quyền, bệnh bảo thủ trì trệ, sợ cái mới, cái tiến bộ còn tồn tại phổ biến. Tư tưởng bi quan, dao động trước những khó khăn diễn biến phức tạp của xã hội dẫn đến giảm sút lòng tin, sự nhiệt tình và ý chí cách mạng của số đông cán bộ hiện nay đã gây ra những tác hại trực tiếp đối với hiệu quả lãnh đạo, quản lý của người cán bộ. Những biểu hiện đó đã phản ánh trực tiếp hay gián tiếp trình độ thấp về thế giới quan khoa học ở họ. Trong đợt điều tra xã hội học tại 8 xã của huyện Kim Bảng và 8 xã của huyện Thanh Liêm đối với những đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã qua đào tạo, bồi dưỡng tại trường chính trị đã cho nhiều dẫn chứng cụ thể về kết quả đào tạo. Trong tổng số 284 cán bộ được hỏi về kiến thức thu được sau khi qua đào tạo thì có 158 cán bộ trả lời đã tiếp thu và vận dụng tốt trong công tác chiếm 56,3%, 66 người trả lời chỉ còn nắm một phần kiến thức nhỏ về các môn thuộc công tác Đảng, dân vận hoặc liên quan chuyên môn như luật tư pháp, kế toán thống kê, tài chính... chiếm 23%; số còn lại trả lời là nắm bắt lơ mơ, không cơ bản, thậm chí không còn nhớ hay không có tác dụng trong hoạt động công tác, chiếm 20,7%. Điều đáng lo ngại là các đồng chí cho rằng môn triết học và môn kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin là khó hiểu và dễ quên nhất. Cũng từ trình độ học vấn còn thấp hoặc kiến thức thu được qua đào tạo còn lơ mơ, không đáng là bao nên 31,2% trong tổng số 284 cán bộ được hỏi trả lời là thiếu niềm tin, dao động hoặc không đủ khả năng phân tích nhận định bằng ý kiến riêng của mình về vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Kết quả trên cho thấy, phải tăng cường hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng đặc biệt là thế giới quan Mác - Lênin cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý nói chung và đội ngũ cán bộ chủ chốt, cơ sở ở Hà Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Trong báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVI đã ghi: Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở một số nơi, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, kinh tế còn hạn chế... Một số cán bộ, công chức giảm sút ý chí phấn đấu vun vén cá nhân, mê tín dị đoan, xa rời quần chúng; đặc biệt nghiêm trọng là có cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo cố ý làm trái nguyên tắc, để cho chủ nghĩa cá nhân chi phối, gây chia rẽ, bè phái tham nhũng quan liêu, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng [4, tr. 21]. Tất cả những điều đó đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội ở Hà Nam phát triển còn chậm; chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có của tỉnh. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp còn chậm chạp, chưa chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu là dựa vào độc canh cây lúa nước, chưa thu hút đáng kể vốn đầu tư từ nguồn vốn của tư bản trong và ngoài tỉnh. Mặc dù bộ mặt nông thôn đã thay đổi đáng kể như 100% số xã có điện, đường, trường, trạm nhưng thu nhập kinh tế của người dân vẫn còn thấp, tỷ lệ thất nghiệp và thời gian nhàn rỗi của người dân còn ở mức cao. Năm 2003 tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 188 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi ngân sách địa phương cả năm 818 tỷ đồng. So sánh với một số chỉ tiêu phát triển trung bình của đồng bằng sông Hồng năm 2002 thì Hà Nam phát triển còn rất thấp. Biểu 2.1: So sánh một số chỉ tiêu phát triển của Hà Nam và các tỉnh đồng bằng sông Hồng T T Một số chỉ tiêu ĐVT Hà Nam ĐB Sông Hồng Ghi chú 1 GDP/người 1000đ/ngườ i 3.457 4.892 2 Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng % 61,1 80,2 3 Giá trị xuất khẩu/người USD/người 3,4 185 4 Số máy điện thoại/100người Cái/100ngư ời 1,1 3,5 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Nam. Như vậy, trong thời gian qua Hà Nam tuy có nhiều lợi thế và tiềm năng vốn có nhưng chưa thực sự phát huy có hiệu quả hiện đang đứng trước tình trạng thấp thua với nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và một số chỉ tiêu còn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Sự hạn chế đó có thể do nhiều nguyên nhân, phương diện khác nhau, trong đó phải nói đến vai trò của người cán bộ lãnh đạo, quản lý đặc biệt là mặt thế giới quan của họ chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa. Dĩ nhiên những hạn chế yếu kém trên không thể đổ lỗi cho tất cả công tác giáo dục thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin ở trường chính trị mà kết quả đó còn bởi nhiều nguyên nhân khác. Song thế giới quan khoa học của đội ngũ cán bộ có vai trò ảnh hưởng quan trọng đến sự thất bại hay thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của tỉnh. Có thể nêu khái quát một số nguyên nhân về đào tạo bồi dưỡng cán bộ đã tác động đến việc hình thành và phát triển thế giới quan duy vật biện chứng ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam hiện nay. 2.1.2. Một số nguyên nhân của quá trình đào tạo, bồi dưỡng ảnh hưởng đến thế giới quan của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Hà Nam Một là: Về nội dung chương trình giảng dạy mặc dù đã xác định được những chương trình cụ thể cho từng đối tượng đào tạo nhưng qua nhiều năm, công tác này cho thấy nội dung đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế phát triển kinh tế xã hội, còn nặng nhiều câu chữ mang tính chất "kinh viện", nhiều nội dung kiến thức còn lạc hậu, thiếu tính lịch sử cụ thể không phản ánh được yêu cầu thực tế khách quan, kể cả tính khoa học, tính chính xác của nó chậm được bổ sung đổi mới. Những kiến thức của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đặc biệt là môn triết học Mác - Lênin chưa được cơ cấu chủ yếu, chiếm quỹ thời gian lớn trong tổng số quỹ đào tạo khóa học. Ví dụ, chương trình đào tạo trung cấp quản lý nhà nước thì khối kiến thức này chỉ chiếm khoảng 25% trong tổng quỹ thời gian đào tạo. Vì đây là khối kiến thức có tính nền tảng tạo điều kiện không chỉ cho việc hình thành, phát triển thế giới quan, phương pháp luận Mác - Lênin mà còn tạo điều kiện cho người học tiếp thu và vận dụng các đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và các kiến thức khác liên quan. Trong những năm qua, nội dung chương trình giảng dạy còn dàn trải, có chỗ thừa, chỗ thiếu, kiến thức chưa thiết thực đối với người học. Hai là: Về phương châm, phương pháp đào tạo chưa thật gắn lý luận với thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, chưa gắn học đi đôi với hành, gắn học với đời sống xã hội với thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Lý luận không dừng lại ở câu chữ trong quá trình giảng dạy và học tập ở nhà trường mà toàn bộ lý luận đó phải được đưa vào thực tiễn, phải được thực tiễn kiểm nghiệm và khẳng định tính đúng đắn, khoa học của nó; lý luận phải thể hiện được vai trò tiền phong của nó là soi đường cho thực tiễn. Nhà trường chưa xác định được phương pháp thật sự khoa học, chưa tích cực đúc rút kinh nghiệm về các quy trình dạy và học, chưa phát huy hiệu quả các buổi thảo luận và tính tích cực chủ động của người học như việc phân tích hay đưa ra quan điểm về một vấn đề nào đó. Ba là: Hiện nay trong nhà trường, các tài liệu sách giáo khoa, giáo trình tạp chí còn nghèo nàn chưa đủ đảm bảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy của giáo viên chứ chưa nói gì đến việc phục vụ cho học viên. ở mỗi lớp, họ chỉ được cập nhật lượng thông tin kiến thức nhất định từ một tờ báo Nhân dân số hàng ngày mà thôi. Chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tự nghiên cứu và học tập của bản thân học viên trong việc mở rộng, bổ sung, cập nhật kiến thức mới và việc tiếp thu, phát triển thế giới quan duy vật biện chứng. Bốn là: Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên của nhà trường chưa cao, đội ngũ giảng viên trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Hiện nay, kể cả giảng viên kiêm chức, nhà trường có tổng số 30 cán bộ giảng dạy, trong đó có 30% trình độ thạc sĩ còn lại là đại học và cao đẳng. Tỷ lệ đội ngũ cán

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Vấn đề bồi dưỡng thế giới quan duy vật biện chứng cho học viên trường chính trị Hà Nam hiện nay.pdf
Tài liệu liên quan