Tài liệu Luận văn Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay: LUẬN VĂN:
Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây
dựng con người mới ở nước ta hiện nay
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ xưa đến nay, việc tìm hiểu bản chất, vai trò của con người luôn là một vấn đề
trung tâm trong lịch sử tư tưởng nói chung và lịch sử triết học nói riêng, trong đó có triết
học Trung Quốc cổ đại. Khác với con người trong triết học phương Tây, con người trong
triết học Trung Quốc cổ đại thường được tìm hiểu dưới góc độ chính trị, xã hội. Các nhà
triết học Trung Quốc cổ đại thường đi vào nghiên cứu số phận của con người và con
đường giải phóng, phát triển cho con người. Với những tư tưởng đó, triết học phương
Đông để lại cho nhân loại nhiều bài học quý giá về xây dựng và phát triển con người.
Tiểu biểu cho những đặc trưng và giá trị đó trong triết học Trung Quốc là học thuyết triết
học của Khổng Tử.
Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, rất nhiều vấn đề đang được đặt ra,
trong đó quan trọng nhất là vấn đề xây dựng và phát tri...
89 trang |
Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1175 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN:
Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây
dựng con người mới ở nước ta hiện nay
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ xưa đến nay, việc tìm hiểu bản chất, vai trò của con người luôn là một vấn đề
trung tâm trong lịch sử tư tưởng nói chung và lịch sử triết học nói riêng, trong đó có triết
học Trung Quốc cổ đại. Khác với con người trong triết học phương Tây, con người trong
triết học Trung Quốc cổ đại thường được tìm hiểu dưới góc độ chính trị, xã hội. Các nhà
triết học Trung Quốc cổ đại thường đi vào nghiên cứu số phận của con người và con
đường giải phóng, phát triển cho con người. Với những tư tưởng đó, triết học phương
Đông để lại cho nhân loại nhiều bài học quý giá về xây dựng và phát triển con người.
Tiểu biểu cho những đặc trưng và giá trị đó trong triết học Trung Quốc là học thuyết triết
học của Khổng Tử.
Trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, rất nhiều vấn đề đang được đặt ra,
trong đó quan trọng nhất là vấn đề xây dựng và phát triển con người. Bởi, con người
không chỉ là mục tiêu và động lực của sự nghiệp đổi mới mà hơn nữa, con người còn là
chủ thể của sự nghiệp đó. Chính vì vậy, Đảng ta khẳng định, con người là nguồn lực quan
trọng nhất của cách mạng Việt Nam, là yếu tố giữ vai trò quyết định sự thành bại của sự
nghiệp đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: "Lấy việc phát huy nguồn lực
con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững" [27, tr.85]. Đến Đại
hội lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Con người và nguồn lực là nhân tố quyết
định sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá " [28, tr.201]. Tuy
nhiên, con người, với tư cách là chủ thể của sự nghiệp đổi mới, không phải là con người
chung chung, mà chính là con người mới phát triển toàn diện. Những đặc trưng của con
người mới trong giai đoạn hiện nay được Đảng ta chỉ ra là “con người có ý thức làm chủ, ý
thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ và lao động giỏi; sống có văn hoá và tình
nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính” [30, tr.322-323]. Đó là những
đức tính cần thiết và phù hợp với yêu cầu khách quan của đất nước trong giai đoạn hiện
nay.
Xây dựng con người mới là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức to lớn, tuy nhiên, trong
thời gian qua, sự nghiệp xây dựng con người mới ở nước ta, bên cạnh những thành tựu đã
đạt được, vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là sự suy thoái đạo
đức của một bộ phận không nhỏ nhân dân và sự khủng hoảng của hệ thống giáo dục. Đây
là hai yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng con người mới. Nếu đạo đức là cái gốc của
con người mới thì giáo dục là phương tiện quan trọng nhất để xây dựng con người mới.
Ở nước ta, Khổng học có lịch sử tồn tại hàng nghìn năm. Là một học thuyết
chính trị - đạo đức, lấy con người làm trung tâm, Khổng học đã đáp ứng được yêu cầu
xây dựng Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền và đã trở thành hệ tư tưởng của
giai cấp phong kiến Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Với vị trí đó, Khổng học đã len lỏi vào
mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ tư tưởng chính trị đến đạo đức, từ kinh tế cho đến văn hoá,
giáo dục biểu hiện tập trung trong nhân cách con người... Vì lẽ đó, có thể nói dấu ấn của tư
tưởng Khổng học ở con người Việt Nam là sâu sắc, biểu hiện qua thế giới quan, nhân sinh
quan, phong tục tập quán... Ở góc độ nào đó, Khổng học là bộ phận của truyền thống,
thậm chí là một trong những cốt lõi của truyền thống.
Trong những tư tưởng của Khổng học có ảnh hưởng lớn tới con người và xã hội
Việt Nam, thì tư tưởng giáo dục có vị trí rất quan trọng. Giá trị trong tư tưởng giáo dục
của Khổng Tử là ông đã đề cao vai trò của giáo dục và yếu tố đạo đức đối với việc xây
dựng và phát triển con người. Dưới tác động của tư tưởng giáo dục của Khổng học, chế
độ phong kiến ở nước ta đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, góp phần củng cố,
vun trồng đạo lý, gia phong Việt Nam. Mặc dù một số nội dung không còn phù hợp với
điều kiện nước ta hiện nay nhưng tư tưởng giáo dục của Khổng Tử vẫn còn nhiều ý nghĩa
cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với việc xây dựng con người mới .
Từ vai trò và thực trạng của con người mới, cũng như những giá trị to lớn trong tư
tưởng giáo dục của Khổng Tử, tôi quyết định chọn đề tài: “Tư tưởng giáo dục của
Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay” làm luận văn thạc sĩ
của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Tư tưởng của Khổng Tử về giáo dục con người, cũng như vấn đề xây dựng con
người mới đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu.
Các công trình nghiên cứu về tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, hiện có một số tác
phẩm như: Khổng học đăng của Sào Nam, Nxb Văn hoá thông tin; Khổng Tử của
Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn hoá thông tin; Nhà giáo họ Khổng của Nguyễn Hiến Lê, Nxb
Tp Hồ Chí Minh; hay Khổng Tử của Lý Tường Hải, Nxb Văn Học;… Các công trình này
về cơ bản đã đề cập khá đầy đủ những nội dung trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử.
Tuy nhiên, những công trình trên chưa tập trung đi sâu nghiên cứu tư tưởng giáo dục mà
chỉ xem xét nó như một bộ phận cấu thành của hệ thống triết học của Khổng Tử. Bên
cạnh những tác phẩm đi vào nghiên cứu về Khổng Tử ở trên, còn có rất nhiều tác phẩm
khác cũng đề cập đến tư tưởng giáo dục của Khổng Tử như: Nho giáo của Trần Trọng Kim,
Nxb Văn học; Bàn về đạo Nho của Nguyễn Khắc Viện, Nxb Thế giới; Nho học ở Việt Nam
giáo dục và thi cử của Nguyễn Thế Long, Nxb giáo dục;… Hầu hết các công trình này cũng
đã đề cập đến các nội dung cơ bản trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử. Tuy nhiên, những
nghiên cứu này cũng chỉ xem xét tư tưởng giáo dục của Khổng Tử như là một bộ phận cấu
thành trong tư tưởng giáo dục của Nho giáo, và là giai đoạn trong sự phát triển hàng ngàn
năm của giáo dục Nho giáo, do đó, không có điều kiện đi vào nghiên cứu một cách đầy đủ và
sâu sắc. Ngoài ra còn có rất nhiều bào báo, tạp chí nghiên cứu về tư tưởng giáo dục của
Khổng Tử, nhưng trong phạm vi hạn hẹp của một bài báo không cho phép những công trình
đó đi sâu vào toàn bộ nội dung của tư tưởng giáo dục mà chỉ tập trung bàn luận đến một
phần nào đó của tư tưởng đó như đối tượng giáo dục, phương pháp giáo dục,…
Về mảng nghiên cứu ý nghĩa của tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đối với việc
xây dựng con người ở nước ta hiện nay, cũng được nhiều tác giả nghiên cứu như cuốn
Quan niệm của Nho giáo về giáo dục con người của hai tác giả Nguyễn Thị Nga và Hồ
Trọng Hoài. Trong đó, hai tác giả cũng đã có sự phân tích, trình bày và đánh giá những tư
tưởng cơ bản của Nho giáo về con người và đào tạo con người, từ đó phân tích những
ảnh hưởng của Nho giáo đối với việc giáo dục con người Việt Nam trong lịch sử và trong
sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam hiện nay. Trong công trình này, hai
tác giả chỉ đề cập đến tư tưởng giáo dục của Nho giáo và ảnh hưởng của Nho giáo nói
chung mà chưa đi sâu phân tích tư tưởng giáo dục của Khổng Tử và ảnh hưởng của nó
đối với con người Việt Nam hiện nay. Bên cạnh công trình này, cũng có nhiều bài viết
của nhiều tác giả đăng trên các tạp chí như: Về ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam của
Lê Ngọc Anh đăng trên Tạp chí Triết học, số 3, năm 1999; Nho giáo với vấn đề phát
triển kinh tế và hoàn thiện con người của Nguyễn Thanh Bình đăng trên Tạp chí Giáo
dục lý luận, số 5, năm 2000; Khổng giáo với vấn đề hiện đại hoá xã hội của Lê Thanh
Sinh đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội, số 1, năm 2003,… Ngoài ra, các công trình nghiên
cứu về xây dựng con người mới có thể kể tới cuốn Về xây dựng con người mới của Nguyễn
Huy Hoan; Về phát triển toàn diện con người trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đạo hoá
của Phạm Minh Hạc;… Tuy nhiên, các công trình trên đây mới chỉ nghiên cứu một cách
khái lược về ý nghĩa của tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đối với sự phát triển đất nước nói
chung, hay đi vào từng mảng riêng như văn hoá, giáo dục,… mà chưa đi sâu phân tích ý
nghĩa, giá trị trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đối với việc xây dựng con người mới ở
nước ta hiện nay.
Như vậy, hiện đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tư tưởng giáo dục của
Khổng Tử, cũng như việc xây dựng con người ở Việt Nam hiện nay. Song, cho đến nay,
còn rất ít những nghiên cứu chuyên sâu, hay trong phạm vi một luận văn thạc sĩ về đề tài
vận dụng tư tưởng giáo dục của Khổng Tử vào việc xây dựng con người, đặc biệt là xây
dựng con người mới ở nước ta hiện nay. Chính vì vậy, đây là nội dung chủ yếu mà tôi tập
trung bàn luận trong luận văn thạc sĩ chuyên ngành Triết học của mình.
3. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn
* Mục đích của luận văn đi vào làm rõ những nội dung chủ yếu trong tư tưởng giáo
dục của Khổng Tử , từ đó làm rõ ý nghĩa của nó trong việc xây dựng con người mới ở nước
ta hiện nay.
* Để thực hiện được mục đích trên, luận văn đi vào thực hiện một số nhiệm vụ
sau:
- Trình bày và phân tích có hệ thống những nội dung cơ bản trong tư tưởng giáo
dục của Khổng Tử;
- Làm rõ ý nghĩa của tư tưởng giáo dục của Khổng Tử đối với việc xây dựng con
người mới ở nước ta hiện nay.
4. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu của luận văn
- Đối tượng nghiên cứu: Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử và xây dựng con người
mới ở nước ta hiện nay.
- Phạm vi nghiên cứu: Những nội dung chủ yếu trong nội dung tư tưởng giáo dục
của Khổng Tử và vai trò của nó đối với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
- Cơ sở lý luận: Luận văn dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về con người mới và về chiến
lược xây dựng con người mới.
- Phương pháp nghiên cứu: Luận văn dựa vào phương pháp luận của chủ nghĩa Mác -
Lênin, đồng thời luận văn còn sử dụng các phương pháp lịch sử và logic, phương pháp phân
tích và tổng hợp, phương pháp so sánh, …
6. Những đóng góp về khoa học của luận văn
- Luận văn trình bày tương đối có hệ thống và đánh giá khách quan những tư tưởng
giáo dục của Khổng Tử, để trên cơ sở đó góp phần làm rõ hơn ý nghĩa của những tư tưởng
này đối với việc xây dựng con người ở nước ta hiện nay.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
- Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và giảng dạy về tư tưởng
Khổng Tử; cũng như làm tài liệu tham khảo trong một số nghiên cứu về xây dựng con
người mới ở nước ta hiện nay.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2
chương, 6 tiết.
Chương 1
TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ
1.1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ
1.1.1. Hoàn cảnh kinh tế - xã hội Trung Quốc cổ đại với việc hình thành tư
tưởng giáo dục của Khổng Tử
Như chúng ta đã biết, sự xuất hiện của mỗi học thuyết, tư tưởng không phải một
cách ngẫu nhiên hay từ hư vô, mà luôn có cơ sở khách quan của nó. Một trong những cơ
sở khách quan quan trọng mà trên đó nó ra đời, tồn tại và phát triển là những điều kiện
kinh tế - xã hội. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, giữa tư tưởng và
những điều kiện kinh tế - xã hội có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Mỗi học
thuyết luôn nảy sinh trên những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. C.Mác từng viết:
“Các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, của
dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong
những tư tưởng triết học” [63, tr.156].
Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng giáo dục của Khổng Tử cũng không
phải là một ngoại lệ, nằm ngoài quy luật trên. Do đó, muốn nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng
Khổng Tử chúng ta không thể không đi vào nghiên cứu, tìm hiểu điều kiện kinh tế - xã
hội, văn hoá, chính trị của thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc - thời đại mà tư tưởng Khổng
Tử nói chung cũng như tư tưởng giáo dục của Khổng Tử nói riêng nảy sinh, hình thành
và phát triển.
Khổng Tử sống trong thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc (770-221T.CN). Đây là thời
kỳ xã hội Trung Quốc đang có những chuyển biến hết sức căn bản và lớn lao. Chế độ
chiếm hữu nô lệ theo kiểu phương Đông mà đỉnh cao là chế độ “tông pháp” nhà Chu
đang suy tàn, chế độ phong kiến sơ kỳ đang hình thành. Trong xã hội Trung Quốc thời kỳ
này diễn ra những biến đổi hết sức sâu sắc trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, tạo
điều kiện cho sự giải phóng tư tưởng của con người thoát khỏi thế giới quan mang tính
chất thần bí, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của tư tưởng triết học.
Thời kỳ Xuân thu được đánh dấu bằng sự kiện Chu Bình Vương dời đô về phía
Đông đến Lạc Ấp (năm 771 T.CN). Về mặt kinh tế, thời kỳ này nền kinh tế Trung Quốc
đang chuyển từ thời kỳ đồ đồng sang thời kỳ đồ sắt. Sự ra đời của đồ sắt đã tạo ra một
cuộc cách mạng trong công cụ sản xuất. Nó thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển
nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó nông nghiệp là một ngành kinh tế có truyền
thống lâu đời và giữ vai trò hết sức quan trọng ở Trung Quốc. Với sự xuất hiện của đồ
sắt, đã đem lại cho người Trung Quốc những tiến bộ mới trong cải tiến công cụ sản xuất
và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.… Chính nhờ vậy, vào thời kỳ này, hệ thống thuỷ lợi đã
trải rộng khắp khu vực Trường Giang; diện tích canh tác được mở rộng; kỹ thuật trồng
trọt được cải tiến đã giảm được đáng kể sức sản xuất trong nông nghiệp và năng suất lao
động tăng.
Với sự ra đời của đồ sắt và những cải tiến mạnh mẽ trong công cụ sản xuất nông
nghiệp tất yếu dẫn đến những thay đổi trong quan hệ sản xuất cổ truyền. Người ta thấy
không cần thiết phải chia lại ruộng đất công theo định kỳ căn cứ vào đất tốt hay xấu như
trước nữa. Giờ đây công xã giao hẳn đất công cho từng gia đình nông nô cày cấy trong
thời gian lâu dài. Vì vậy, nông nô có thể dùng phương pháp lưu canh hay luân canh để
tăng năng suất cây trồng. Mặt khác, một số người bình dân do có chút công trạng trong
chiến trận mà có quyền lực đã ỷ vào đó để chiếm ruộng đất công thành ruộng tư; một số
khác là nhà buôn giàu có đã giành tiền để mua ruộng đất; một số khác nữa là những
người nghèo khổ đã tập hợp nhau lại để tiến hành khai khẩn ruộng hoang và trở thành
chủ sở hữu lớn về ruộng đất... Tình hình trên, một mặt, đã làm cho chế độ “tỉnh điền” dần
tan rã, chế độ tư hữu ruộng đất từng bước được hình thành và được nhà nước thừa nhận;
mặt khác, đã hình thành trong xã hội một giai cấp mới - giai cấp địa chủ. Giai cấp này
vừa giàu có về kinh tế, vừa đòi hỏi quyền lực về chính trị. Họ tham gia vào giai cấp thống
trị xã hội, sánh vai cùng giai cấp chủ nô.
Cùng với việc thay đổi quan hệ sản xuất, phương thức thu thuế cũng được thay
đổi. Trước đây, theo chế độ “tỉnh điền”, ruộng đất của công xã được chia đều cho nông nô,
nông nô phải nộp một phần sản lượng nông phẩm thu hoạch được cho công xã để nộp lên
triều đình. Khi chế độ tư hữu ruộng đất phát triển, số lượng ruộng đất của nông dân sở hữu
không bằng nhau, nhà nước đã bãi bỏ hình thức thu thuế cũ mà thi hành chế độ thu thuế mới,
đánh thuế vào từng mẫu ruộng (gọi là thuế sơ mẫu). Nước đầu tiên thi hành chế độ thuế mới
này là nước Lỗ vào năm 594 (T.CN).
Đồ sắt ra đời không chỉ thúc đẩy nền nông nghiệp Trung Quốc phát triển mà còn
thúc đẩy nền thủ công nghiệp phát triển. Đồ sắt được sử dụng phổ biến làm cho sự phân
công lao động trong sản xuất thủ công nghiệp đạt tới trình độ cao hơn, chuyên nghiệp
hơn, thúc đẩy một loạt các ngành nghề thủ công nghiệp phát triển, như nghề luyện sắt,
nghề rèn, nghề đúc, nghề mộc, nghề làm đồ gốm,… Chẳng hạn, vào cuối thời Xuân thu,
nước Ngô dựng lò luyện sắt với hơn 300 thợ. Nước Tấn trưng thu sắt để đúc đỉnh hình.
Trong sách Chu lễ có viết về sự phát triển của các ngành thủ công nghiệp rằng: “thợ mộc
chiếm bảy phần, thợ kim khí chiếm sáu phần, thợ thuộc da chiếm năm phần, thợ nhuộm
chiếm năm phần, thợ nề chiếm hai phần…”. Về mặt kinh tế, sự phát triển đa dạng của
nhiều ngành nghề thủ công nghiệp đã có ý nghĩa tích cực trong việc giải phóng sức lao
động, góp phần phá vỡ nền kinh tế thuần nông, nâng cao đời sống của nhân dân Trung
Quốc thời cổ đại, nhưng về mặt chính trị, mặc dù số thợ thủ công nghiệp đông nhưng do
trình độ còn thấp nên họ chưa có ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Cùng với nông nghiệp và thủ công nghiệp, đồ sắt ra đời và trở nên phổ biến còn
tạo cơ sở cho thương nghiệp phát triển hơn trước, hoạt động giao lưu buôn bán diễn ra sôi
động. Tiền tệ đã xuất hiện. Do nhờ buôn bán mà giàu có, trong xã hội hình thành một lớp
thương nhân ngày càng có thế lực như Huyền Cao nước Trịnh, Tử Cống (vốn là học trò
Khổng Tử)… Tầng lớp này thường kết giao với các bậc chư hầu, công khanh đại phu, tìm
cách leo lên giành quyền lực với tầng lớp quý tộc cũ, gây nhiều ảnh hưởng đối với chính
trị đương thời. Tuy nhiên, do tình trạng xã hội rối ren, lãnh thổ chia năm xẻ bảy do nạn
chư hầu cát cứ, phương tiện giao thông thô sơ, đường sá đi lại khó khăn, do đó việc kinh
doanh không phải ai cũng làm được mà chỉ những người nào có quen biết, kết giao với
quan lại, người có đầu óc tháo vát và lòng quả cảm thì mới làm được. Hơn nữa, trong
quan niệm của người Trung Quốc luôn xem thường, khinh rẻ nghề buôn bán, coi đó là
nghề rẻ mạt nhất với tư duy “nông bản, thương mạt”, “trọng nông, ức thương”. Chính vì
thế, nghề buôn bán ở Trung Quốc thời kỳ này chưa thực sự phát triển. Nhưng sự hình
thành của thương nghiệp, buôn bán đã tạo ra trong cơ cấu giai cấp xã hội một tầng lớp
mới - tiền thân của một bộ phận giai cấp địa chủ sau này.
Về chính trị, những biến đổi về mặt kinh tế tất yếu dẫn đến những biến đổi về mặt
chính trị trong thời Xuân thu. Nếu như trong thời Tây Chu chế độ tông pháp, “phong hầu,
kiến địa” vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt chính trị, rằng buộc về
huyết thống, có tác dụng tích cực làm cho nhà Chu giữ được sự hưng thịnh trong một thời
gian dài, thì đến thời Xuân thu, chế độ tông pháp nhà Chu không còn được tôn trọng, đầu
mối các quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự giữa thiên tử và các nước chư hầu trở nên lỏng
lẻo, huyết thống ngày càng xa, trật tự lễ nghĩa nhà Chu không còn được duy trì như trước.
Thiên tử nhà Chu hầu như không còn quyền uy gì đối với các nước chư hầu. Thiên tử
không còn xét xử được những cuộc tranh chấp giữa các nước chư hầu. Các lãnh chúa nhỏ và
vừa xưa nay vẫn dựa vào quyền uy của Thiên tử thì giờ đây đã trở nên thất vọng, không còn
muốn phụ thuộc vào Thiên tử nữa. Nhiều nước chư hầu mượn tiếng khôi phục lại địa vị tông
chủ của nhà Chu đã đưa ra khẩu hiệu “tôn vương bài di”, nhưng thực chất là mưu cầu lợi
ích cá nhân, mở rộng thế lực và đất đai, thôn tính các nước nhỏ, tranh giành địa vị bá chủ
thiên hạ đã đua nhau xuất binh đánh nhau suốt mấy trăm năm. Thời Xuân thu có khoảng 242
năm nhưng đã xảy ra tới 483 cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Đầu thời Tây Chu có hàng ngàn
nước, đến cuối thời Xuân thu chỉ còn hơn một trăm nước. Trong đó có những nước hùng
mạnh nhất thời bấy giờ thay nhau làm bá chủ thiên hạ như nước Tề, Tấn, Sở, Tống, Ngô,
Việt, Tần. Để tập trung tất cả tài lực và vật lực cho các cuộc chiến tranh, các quốc gia này
đều thi hành chính sách “bá đạo” dựa trên sức mạnh và ra sức bóc lột nhân dân và các nước
khác, điều này hoàn toàn khác với chính sách nhân nghĩa “vương đạo” của thánh nhân xưa.
Chính sách “bá đạo” đã làm cho đời sống nhân dân hết sức khổ cực. Người dân phải phải
tham gia vào quân đội thực hiện các cuộc chinh phạt của các tập đoàn quý tộc, đồng thời
phải chịu sưu cao thuế nặng, phu phen, lao dịch nặng nề. Thiên tai thường xuyên xảy ra, nạn
cướp bóc lại hoành hành khắp nơi. Đồng ruộng bỏ hoang, cuộc sống nhân dân trăm bề khốn
khổ.
Cùng với các cuộc thôn tính lẫn nhau của các quốc gia thì ngay bên trong mỗi
quốc gia cũng nổ ra không ít các cuộc tranh giành quyền lực và đất đai giữa quý tộc với
nhau. Điển hình là nước Tấn, năm 403 (T.CN) có ba dòng họ lớn là Hàn, Nguỵ, Triệu đã
nổi lên phế bỏ vua Tấn, dựng lên ba nước Hàn, Nguỵ, Triệu.
Hậu quả của những cuộc tranh giành, thôn tính, chinh phạt lẫn nhau của tầng lớp
quý tộc đã dẫn tới sự diệt vong của hàng loạt các nước chư hầu nhỏ, đạo đức xã hội bị
suy đồi, các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, mâu thuẫn giai cấp trong xã hội trở nên sâu
sắc, kể cả mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và nhân dân cũng như giữa giai cấp thống trị
với nhau, làm cho xã hội ngày càng thêm rối loạn. Lễ nghĩa nhà Chu bị phá hoại, đặc biệt
những nghi lễ chặt chẽ, tôn nghiêm trước đây đã từng góp phần bảo vệ và làm hưng thịnh
chế độ tông pháp nhà Chu, thì đến nay cũng bị xem thường. Hậu quả tất yếu là một vài
nơi đã nổi lên các cuộc khởi nghĩa nông dân và nô lệ. Đẩy mâu thuẫn xã hội thời Xuân
thu lên đến đỉnh cao, đưa chế độ chiếm hữu nô lệ Trung Quốc đi nhanh đến suy tàn và
cáo chung.
Thời Chiến quốc, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, như sự xuất hiện của
nhiều trung tâm luyện sắt lớn ở Hàm Đan nước Triệu, Đường Khê nước Hàn, Lâm Truy
nước Tề… kéo theo sự phát triển của nghề thủ công như nghề làm đồ gốm, nghề trồng
dâu nuôi tằm, dệt lụa, … tiền tệ bằng kim loại ra đời, thương nghiệp cũng vì thế mà hưng
thịnh.. thì về mặt chính trị, chiến tranh vẫn xảy ra liên miên, với quy mô lớn hơn và tàn
khốc hơn. Mạnh Tử viết: “đánh nhau tranh thành, giết người thây chết đầy thành; đánh
nhau giành đất, giết người thây chết đầy đồng” [70, tr.405-406]. Sự phát triển của kinh tế
hàng hoá và chiến tranh liên miên làm cho chế độ công xã nông thôn nhanh chóng tan rã.
Chế độ chiếm hữu tư nhân về ruộng đất dần dần trở thành quan hệ thống trị. Việc mua
bán ruộng đất được tự do và sự phổ biến của chế độ tư hữu đã mở đường cho sự tập trung
ruộng đất một số ít lãnh chúa, còn đa số nông dân nghèo mất hết ruộng đất phải đi làm tá
điền. Chế độ bóc lột bằng phát canh thu tô xuất hiện. Trong lòng xã hội đã xuất hiện
những yếu tố của quan hệ sản xuất mới đó là chế độ phong kiến quận huyện. Mâu thuẫn
giai cấp đã ngày càng gay gắt hơn, đẩy xã hội tới nguy cơ tan rã nghiêm trọng, đưa chế
độ tông pháp nhà Chu và chế độ chiếm hữu nô lệ Trung Quốc đi nhanh vào hồi kết. Với
việc Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của nhà
Chu và chế độ chiếm hữu nô lệ, và mở ra một chế độ mới ở Trung Quốc - chế độ phong
kiến.
Chính trong thời đại lịch sử đầy biến động của thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc đã
đặt ra cho các nhà tư tưởng những dấu hỏi lớn về mặt triết học, chính trị, luân lý đạo đức,
pháp luật, quân sự,… đòi hỏi các nhà tư tưởng phải có những tìm hiểu, nghiên cứu để đưa
ra những câu trả lời, đưa ra những giải pháp giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội lúc
bấy giờ. Vì vậy, trong thời kỳ này đã xuất hiện hàng loạt các nhà tư tưởng lớn và học
thuyết lớn. Có thể nói, đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của triết học Trung Quốc, nhiều
nhà nghiên cứu gọi đây là thời kỳ “bách hoa đề phóng, bách gia tranh minh” (trăm hoa
đua nở, trăm nhà đua tiếng). Giáo sư Nguyễn Tài Thư đã nhận xét: “Có một thời kỳ lịch sử
Trung Quốc mà ngày nay nhớ đến có người còn xốn xang bởi sự sôi động của nó, bởi nhiều
sự kiện lịch sử xuất hiện dồn dập, nhiều học thuyết triết học và chính trị - xã hội ra đời, nhiều
khối óc tài ba làm nên sắc thái văn hoá và tư tưởng của Trung Quốc sau này” [91, tr.13]. Mỗi
học thuyết đều cố gắng đưa ra những lý giải và giải pháp của riêng mình để giải quyết vấn đề
thực tiễn xã hội đặt ra. Thuyết Mặc gia, đại biểu là Mặc Địch đã đề xướng thuyết “kiêm ái”,
giải thích nguồn gốc của chiến tranh và mâu thuẫn xã hội là do người ta không yêu nhau. Do
đó, đã làm người phải yêu người khác, “vì yêu người tất được người yêu”, “vì người cũng là
vì mình”. Phái Pháp gia, mà đại diện là Hàn Phi, thì cho rằng: nguyên nhân gây rối loạn xã
hội xuất phát từ chỗ pháp luật không nghiêm. Vì vậy, để lập lại trật tự xã hội thì phải dùng
pháp trị. Đạo gia, mà đại biểu là Lão Tử, Trang Tử lại cho rằng: con người sống không phải
lo gì cả vì sự vật phát triển là theo tự nhiên. Vì vậy, trong cuộc sống không nên tranh giành,
vì “mình không tranh giành với ai, thì không ai tranh giành với mình”. Nho giáo - một học
thuyết lớn nhất trong các học thuyết thời bấy giờ (đứng đầu là Khổng Tử), cho rằng, xã hội
rối loạn là do con người vô đạo, không theo đạo lý, không có nhân nghĩa, nên xã hội ổn định
thì phải làm cho xã hội có đạo, dẫn dắt con người về với đạo lý, với đức nhân, với chính
danh của mình. Với lý do đó, Khổng Tử đã đề cao giáo dục, lấy giáo dục làm phương tiện
nhằm thay đổi xã hội từ “loạn” thành “trị”.
1.1.2. Quan niệm về bản tính con người của Khổng Tử với việc hình thành tư
tưởng giáo dục của ông
Cùng với hoàn cảnh kinh tế - xã hội lúc bấy giờ, thì quan niệm của Khổng Tử về
bản tính con người cũng là một cơ sở quan trọng làm nảy sinh tư tưởng giáo dục của ông.
Vấn đề bản tính con người là một vấn đề trung tâm và gây tranh cãi nhiều nhất
trong triết học Trung Quốc cổ đại nói chung cũng như Khổng Tử nói riêng. Bởi vì vấn đề
bản tính người chẳng những gắn bó chặt chẽ với vấn đề nguồn gốc, bản chất của con
người mà quan trọng hơn, nó còn là cơ sở, điểm xuất phát để từ đó các nhà tư tưởng của
Nho giáo đề xuất những học thuyết chính trị, đạo đức, giáo dục,…
Thời kỳ này, có rất nhiều triết gia, nhiều trường phái triết học đi sâu vào nghiên
cứu vấn đề bản tính con người. Mạnh Tử cho rằng, bản tính con người là thiện. Thiện là
cái tiên thiên trời phú cho con người, không phải con người tự chọn, đã là con người ai
cũng có tính thiện. Tính thiện là cái vốn có trong tâm con người, là thuộc tính tự nhiên
của con người, cũng như thuộc tính tự nhiên của nước là chảy xuống chỗ trũng. Mạnh Tử
viết:
Cái bản tính của người ta vốn thiện, cũng như bản tính của nước là chảy
xuống vậy. Không một người nào sinh ra mà tự nhiên bất thiện; cũng như thế,
không một thứ nước nào mà không chảy xuống thấp (Nhân tính chi thiện dã,
du thuỷ chi tựu hạ dã. Nhân vô hữu bất thiện, thuỷ vô hữu bất hạ) [71, tr.144-
145].
Ông còn cho rằng, biểu hiện của tính thiện ở con người trong xã hội là bốn đức
tính: nhân, lễ, nghĩa, trí. Chính vì vậy, Mạnh Tử luôn hướng mục tiêu giáo dục cho con
người bốn đức tính thiện đó. Ngược lại với Mạnh Tử, Tuân Tử lại khẳng định, bản tính
con người là ác. Theo Tuân Tử, cái tham lam, ích kỷ; cái gian ác, đố kỵ; cái dâm loạn là
thuộc về bản năng vốn có của con người. Tuân Tử viết:
Tính của người ta vốn ác, nó mà hoá thiện được là do công của người ta.
Tính con người sinh ra vốn hiếu lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt
lẫn nhau mà sự từ nhượng không có, sinh ra đố kỵ, thuận theo tính đó thì thành
ra tàn tặc mà lòng trung tín không có, sinh ra là có lòng muốn của tai mắt, có
lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành ra dâm loạn mà lễ nghĩa,
văn lý không có. Như thế thì theo cái tính của người ta, thuận cái tính của
người ta, tất sinh ra tranh đoạt, phạm vào cái phận (tức quyền lợi của nhau),
làm loạn cái lý mà mắc cái tội tàn bạo [90, tr.113].
Tính ác có ở tất cả mọi người chứ không của riêng ai, từ người thường dân đến bậc
quân vương như Vua Nghiêu, Vua Thuấn đều có bản tính ác ngay từ khi lọt lòng mẹ. Tuy
nhiên, Tuân Tử vẫn khẳng định tính ác là cái tự nhiên, bẩm sinh ở mọi người nhưng không
phải là cái nhất thành bất biến, mà con người có thể chuyển ác thành thiện nhờ vào hoàn
cảnh và giáo dục. Ông nói: “Tính là cái ta không thể làm ra, nhưng mà có thể cải hoá” [90,
tr.53]. Chính vì vậy, Tuân Tử đã ra sức kêu gọi mọi người nỗ lực học tập nhằm gạt bỏ cái ác,
hướng đến cái thiện. Ông cũng đề xuất phép trị nước là giáo hoá dân, trong đó kết hợp giữa
lễ giáo và hình phạt nhằm khắc chế tính ác, hướng thiện cho con người.
Đối lập với cả Mạnh Tử và Tuân Tử, Cáo Tử cho rằng: “cái tính tự nhiên của con
người chẳng phải thiện, cũng chẳng phải bất thiện” (tính vô thiện, vô bất thiện dã) [71,
tr.150]. Theo ông, tính ban đầu nguyên thuỷ của con người là một cái gì đó thuần phác,
mộc mạc, không phân biệt thiện với bất thiện. Nó giống như dòng nước chảy, nếu khai
thông về phía Đông thì nước sẽ chảy về phía Đông, nếu khai thông về phía Tây thì nước
sẽ chảy về phía Tây. Cho nên nói tính người thiện hay không thiện là sự áp đặt khiên
cưỡng vào cái bản tính thuần phác, tự nhiên của con người.
Còn theo Lão - Trang thì Đạo là bản nguyên của vạn vật, tất cả mọi vật đều từ đạo mà
ra và đề trở về với nguồn gốc là đạo. Do đó, Lão - Trang cho rằng, tính của vạn vật sinh ra đã
có, là tính của tự nhiên. Tính của con người sinh ra đã có, đó là tính giản dị, mộc mạc, thuần
phác, không bị nhào nặn, gọt dũa bởi con người. Nếu tính đó bị nhiễm một cái gì như nhân,
nghĩa,… thì không còn là tính nữa. Đạo là cái tự nhiên, vô danh, là quy luật tự nhiên, vô vi.
Bản thân tự nhiên là chuẩn mực, là chân lý. Bởi vậy, theo Lão - Trang, con người chỉ cần
hành động theo lẽ tự nhiên là đạt Đạo, là chân lý. Do đó, theo Lão – Trang quay về với bản
tính tự nhiên ban đầu của con người là hoàn thiện nhất, và để xã hội thịnh trị thì con người
cần phải giữ được cái tính giản dị, thuần phác, tự nhiên của con người, không nên khổ công
giáo dục con người theo nhân, nghĩa, lễ làm gì, vì đó là những việc làm vô ích, trái với lẽ tự
nhiên.
Mặc dù có nhiều điểm khác nhau như trên nhưng khát quát lại chúng ta vẫn thấy
có nhiều nét tương đồng, giống nhau cơ bản. Thứ nhất, họ đều cho rằng bản tính con
người là cái tính, trời sinh ra đã vốn có ở tâm, mang tính “tiên thiên” chứ không do con
người tự lựa chọn. Khổng Tử đã nói: con người ta sinh ra, cái bản tính vốn ngay thật,
(nhân chi sinh giã trực) [62, tr.92-93]; Mạnh Tử cũng viết: con người sinh ra vốn bản
tính là thiện, (nhân chi sơ tính bản thiện) [9, tr.74]. Thứ hai, họ đều quan niệm tính gắn
liền với tâm của con người. Theo họ, “Tâm” là thể, thì “Tính” là lý của tâm, tâm là cái ẩn
dấu ở bên trong, còn tính là cái biểu hiện ra bên ngoài qua các đức tính của con người
như thiện, ác, nhân, nghĩa, lễ,… Nếu đem “tâm” và “tính” ấy mà biểu lộ thành thái độ
của con người đối với sự vật, với người khác thì gọi là “tình”; “tình” gồm có: ái, ố, hỉ, nộ,
lạc, bi, ai. Thứ ba, mặc dù đều xem bản tính con người là tiên thiên, là cái có sẵn, nhưng
họ cũng đều khẳng định bản tính con người có thể thay đổi được, “cải biến” được và họ
đều chủ trương giáo hoá con người theo nhiều cách khác nhau.
Như vậy, có rất nhiều triết gia quan tâm đến vấn đề bản tính con người, nhưng có
thể nói, Khổng Tử là người đầu tiên đặt ra vấn đề tìm hiểu bản tính con người. Tuy nhiên,
trong hệ thống tư tưởng của mình, ông lại ít khi đề cập đến vấn đề này. Ngay trong cuốn
Luận ngữ, cuốn sách do học trò chép lại các lời dạy của Khổng Tử, có rất nhiều câu, nhiều
dòng viết về con người nhưng lại rất ít những câu, những dòng trực tiếp bàn về tính của con
người. Tử Cống, một học trò tin cẩn của Khổng Tử đã thắc mắc: “Văn chương Thầy ta thì
chúng ta đều được nghe. Còn về bản tính con người cùng Đạo Trời thì chúng ta chẳng được
nghe Thầy ta dạy” (Phu Tử chi văn chương, khả đắc nhi văn giã. Phu Tử chi ngôn tánh dữ
Thiên đạo, bất khả đắc nhi văn giã) [62, tr.70-71].
Về nguồn gốc của Tính, trong cuốn Trung Dung, Khổng Tử đã giải thích: “Cái mà
mệnh trời phú cho gọi là Tính, noi theo tính là Đạo, tu theo Đạo gọi là Giáo” (Thiên
mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo) [18, tr.39]. Như vậy, Tính là cái
có nguồn gốc từ trời, là nguyên lý tự nhiên mà trời phú cho con người và con người bẩm
thụ lấy. Tính là cái bẩm sinh ban đầu, là cái nguyên sơ mà con người có được từ trời.
Theo quan điểm của Khổng Tử, bản tính con người là ngay thật. Ông viết: “nhơn chi
sanh dã trực” [62,tr.92-93], có nghĩa là khi sinh ra con người hoàn toàn ngây thơ, trong
trắng, nguyên sơ, tự nhiên, chưa bị tác động của ngoại cảnh, và các yếu tố xã hội. Đây là
bản tính được bẩm thụ từ trời, cho nên bản tính ấy như nhau, giống nhau ở mọi người.
Và, trong cuộc sống những ai mà sống không ngay thật (tà khúc) mà sống được là do may
mắn mà thôi: “Võng chi sinh dã, hạnh nhi miễn” [62, tr.92-93]. Rõ ràng ở đây Khổng Tử
không nói bản tính con người là thiện hay ác. Có ý kiến cho rằng, khi bàn về bản tính con
người, Khổng Tử chưa nói rõ bản tính con người là thiện hay ác, mà muốn khẳng định rằng,
cái bản tính ban đầu của con người có thể bị biến đổi bởi các điều kiện, yếu tố ngoại cảnh,
bởi ở chính sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của con người.
Khổng Tử còn cho rằng: “người ta tất thảy đều giống nhau, vì ai nấy đều có bản tính
ngay thật; nhưng bởi nhiễm thói quen, nên họ thành ra khác nhau” (Tính tương cận dã, tập
tương viễn dã) [62, tr.268-269]. Khi mới sinh ra mọi người đều có bản tính giống nhau,
nhưng trong cuộc sống mỗi người lại có một hoàn cảnh, một điều kiện khác nhau, nghề
nghiệp khác nhau, tập quán khác nhau,.. làm cho mọi người xa dần bản tính ban đầu, làm
cho bản tính mọi người khác nhau. Bản tính ban đầu của con người là ngay thật, nhưng chỉ
cần trong cuộc sống con người gặp những hoàn cảnh bất lợi mà chạy theo thói đời, mê vật
dục sẽ dẫn đến xa bản tính của mình, làm cho mọi người khác nhau. Để mọi người gần nhau
và trở lại bản tính ban đầu, tức là bản tính vốn lành, ngay thẳng, làm cho xã hội vô đạo
trở về với hữu đạo, Khổng Tử chủ trương giáo hoá, mọi người phải học tập, tu dưỡng
hướng tới những điều nhân nghĩa để giữ bản tính thiện của mình, xa rời cái ác, cái bất
nhân, hiểu được cái đạo và trở về với đạo thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Như vậy, không chỉ riêng Khổng Tử, bản tính con người là một vấn đề được rất
nhiều nhà tư tưởng quan tâm. Mỗi triết gia đều dựa trên việc đánh giá thực tế mà đưa ra
những quan điểm và sự luận giải hết sức khác nhau. Mặc dù là những ý kiến chủ quan
nhưng đó là những quan điểm rất quan trọng, mang tính nền tảng cho việc thừa nhận và
đề cao vai trò của giáo dục trong việc giáo dục và hoàn thiện tính người cho con người.
1.2. NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ
1.2.1. Mục đích và đối tượng giáo dục của Khổng Tử
Về mục đích giáo dục. Như đã trình bày ở phần trên, tư tưởng giáo dục của Khổng
Tử ra đời trên cơ sở kinh tế, xã hội văn hoá của thời đại và từ quan niệm về bản tính con
người của ông. Những cơ sở đó là những vấn đề thực tiễn bức bách đòi hỏi phải được luận
giải và giải quyết trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử. Chính vấn đề này chi phối mục
đích giáo dục của Khổng Tử.
Trong xã hội nhiễu nhương, loạn lạc, các nước chư hầu thôn tính lẫn nhau, chiến
tranh diễn ra liên miên, không năm nào là không có; nhân dân lâm vào cảnh lầm than cơ
cực, thiên hạ trở nên vô đạo, nên mục đích giáo dục của Khổng Tử không đơn thuần chỉ
là đào tạo ra những người “lý tưởng”, biết đạo, hiểu đạo, mà cao hơn nữa ông muốn là
đào tạo ra người có đủ năng lực để tham gia gánh vác công việc quốc gia, bình ổn xã hội.
Từ mục đích đó, Khổng Tử tập trung vào việc đào tạo người quân tử. Nếu giáo
dục được Khổng Tử xem là phương tiện chính góp phần cải biến xã hội từ loạn thành trị,
thì người quân tử là nhân tố cốt lõi, là động lực dẫn dắt xã hội đến thịnh trị. Chính vì vậy,
ông dành huyết tâm huyết của mình cho việc đào tạo người quân tử. Trần Trọng Kim cho
rằng: “Đã nói rằng đạo của Khổng Tử là đạo người quân tử cốt dạy người ta cho thành
người có đức hạnh hoàn toàn và có nhân phẩm tôn quý, cho nên bao nhiêu những sự dạy
dỗ, học tập của Khổng giáo đều chú cả vào sự gây thành người quân tử” [49, tr.99].
Nhằm mục đích trên, Khổng Tử luôn hướng họ vào mục đích làm người cai trị.
Khổng Tử cho rằng: mục đích của học giả đời xưa là học để có tri thức, để sửa mình, còn
mục đích của học giả đời nay là học để có địa vị và danh phận trong xã hội, tức là học để
làm quan, để dẫn dắt xã hội tới thịnh trị: “Người đời xưa vì mình mà học đạo; người đời
nay vì người mà học đạo” (Cổ chi học giả vị kỷ; kim chi học giả vị nhơn) [62, tr.226-
227]. Tư tưởng “Học chí dĩ dụng”, tức là học để ứng dụng có ích cho quốc gia xã hội,
luôn là mục đích cao nhất của người học. Nếu học mà không ứng dụng được, không thể
đưa tài học để giúp nước thì việc học đó há chẳng vô ích. Ông nói:
Như có ai đã học thuộc hết ba trăm thiên trong kinh thi, được bực quốc -
trưởng trao quyền hành chính cho mình, nhưng cai trị chẳng xuôi; được phái đi sứ
đến các nước ở bốn phương, nhưng tự mình chẳng có tài ứng đối; người ấy dẫu học
nhiều, nhưng có biết dùng tài học của mình chăng? (Tụng thi tam bá, thọ chi dĩ
chính, bất đạt; sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối; tuy đa, diệc hề dĩ vi?) [62,
tr.200-201].
Nếu người học chỉ có khư khư ôm lấy cái đạo học ấy mà không đem ra ứng dụng
thực hành thì sao có thể gọi là thực học được. Vì vậy, học đạo để hành đạo là yêu cầu
thiết thân đối với người được giáo dục.
Tư tưởng học để làm chính sự, làm quan để biến xã hội từ “loạn thành trị” của
Khổng Tử được các học trò rất thấm nhuần. Tử Lộ, một học trò của ông cho rằng: người
có học, có tài đức mà không ra làm quan là không hợp đạo nghĩa. Người quân tử ra làm
quan là để thi hành cái nghĩa lớn trung quân ái quốc mà thôi, chứ không phải mưu cầu
phú quý [62, tr.291]. Tử Hạ, một học trò khác của Khổng Tử, cho rằng: học ra làm quan
là một quá trình học đạo và hành đạo bổ sung cho nhau. Người đã làm quan thì cũng cần
phải học thêm, còn người học thì nên làm quan [62, tr.301].
Tuy nhiên, để truyền bá một cách rộng rãi tư tưởng nhân nghĩa của mình, mục
đích của Khổng Tử không chỉ là giáo dục cho người quân tử, mà đồng thời ông cũng giáo
dục cho cả bậc thứ dân. Một mặt, ông muốn kén chọn những người có đủ đức, đủ tài
trong nhân dân để gia nhập đội ngũ của giai cấp thống trị, tham gia vào công việc chính
trị quốc gia để ổn định trật tự xã hội, nhưng quan trọng hơn, Khổng Tử còn nhằm giáo
dục cho dân chúng đạo lý tam cương, ngũ thường, khuyên họ nên biết an phận thủ
thường, nên sống đúng với cái danh của mình, chịu sự cai trị của tầng lớp trên, tất cả
cũng nhằm duy trì trật tự, kỷ cương và sự ổn định của xã hội phong kiến. Ông nói:
“Người quân tử ở ngôi trên nhờ học đạo mà thương dân mến chúng; kẻ tiểu nhân ở bực
dưới nhờ học đạo mà biết tuân lệnh nhà cầm” (Quân tử học đạo tắc ái nhân. Tiểu nhân
học đạo tắc dị sử dã) [62, tr.270-271].
Như vậy, xuất phát từ việc coi giáo dục là một phương tiện chính trị hữu hiệu nhất
nhằm ổn định trật tự xã hội, mục đích của nền giáo dục Khổng Tử không thể không gắn
liền và góp phần thực hiện những mục tiêu chính trị. Có thể nói, trước yêu cầu của thực
tiễn, Khổng Tử đã “chính trị hoá” giáo dục một cách sâu sắc, trong đó, mục đích giáo dục
con người và mục đích phục hưng xã hội là thống nhất, không tách rời nhau. Những mục
đích này đã chi phối đến việc lựa chọn đối tượng giáo dục của Khổng Tử.
1.2.1.2. Đối tượng giáo dục
Khổng Tử đã đưa ra tư tưởng hết sức tiến bộ, đó là: “Hữu giáo vô loại” [62,
tr.254]. Câu này Đoàn Trung Còn dịch là “Quân tử giáo hoá người, chẳng phân biết
người thiện kẻ ác”, nghĩa này cũng tương tự như nghĩa Chu Hy dịch là “dù là người
thiện hay kẻ ác thì cũng dạy, chứ không phân biệt”, nhưng có một số tác giả khác lại
hiểu theo nghĩa khác. Nguyễn Đăng Thục giải thích là “có giáo dục thì không phân
biệt giai cấp”, còn Hà Thúc Minh thì giải thích là “Bất kỳ người nào cũng có thể giáo
dục được”. Mỗi học giả giải thích theo cách hiểu riêng của mình nhưng chung quy lại
đều thống nhất thừa nhận tư tưởng của Khổng Tử là: mọi người đều được giáo dục
không phân biệt giai cấp, thiện ác, và được giáo dục là quyền lợi của tất cả mọi người.
Tư tưởng này không chỉ xuất phát từ mục đích chính trị của ông mà nó còn bắt
nguồn từ quan niệm “tính tương cận dã, tập tương viễn dã”, tức là bản tính con người là
giống nhau, nhưng do tập quán thói quen mà làm cho bản tính con người xa nhau. Chính
vì vậy, Khổng Tử lấy giáo dục làm phương tiện để làm cho con người trở về bản tính ban
đầu.
Với quan niệm “hữu giáo vô loài”, Khổng Tử đã có đông đảo học trò theo học.
Học trò của ông có đủ các lứa tuổi, tầng lớp, hạng người, bởi ai đến xin học ông đều nhận
dạy. Trong số học trò của ông có không ít người nghèo khó, nhưng ông quan niệm: “Kẻ
nào xin nhập môn, tự mình làm lễ dâng lên một thúc nem; thì chẳng bao giờ ta chê lễ
mọn mà chẳng dạy” (Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên) [62, tr.100-
101]. Theo Khổng Tử, người ham học hỏi thì dù nghèo khó đến đâu thì ông vẫn tận tình
dạy bảo, tuần tự dẫn dắt từng bước để người học tiến đến chỗ hiểu biết, kể cả những
người kém cỏi, năng lực nhận thức yếu ông vẫn nhận làm học trò và chỉ dạy chu đáo.
Ông nói: “Nếu có kẻ thô bỉ đến hỏi ta, dầu là kẻ tối tăm mờ mịt tới đâu, ta cũng đem hai
bề từ đầu chí đuôi mà dẫn giải cho thật tường tận mới nghe” (Hữu bỉ phu vấn ư ngã,
không không như giã, giã khấu kỳ lưỡng đoan, nhi kiệt yên) [62, tr.134-135].
Thậm chí Khổng Tử còn sẵn sàng dạy cho cả những người ác nghịch, khó dạy.
Chương Thuật nhi - 28 của cuốn Luận ngữ có kể lại câu chuyện: Ở làng Hồ Hương có
anh thanh niên có tiếng ác nghịch, khó có thể giảng dạy điều lành, lẽ phải cho được. Anh
thanh niên ấy đến yết kiến Khổng Tử để xin vào học, các môn đồ của ông có vẻ nghi kỵ
anh ta. Khổng Tử bèn dạy rằng:
Người ta có lòng tinh khiết mà đến với mình, thì mình vì lòng tinh khiết
ấy mà thâu nhận người, chớ mình không bảo lãnh những việc đã qua của
người. Lại nữa, ngày nay người ta đến với mình thì mình thâu nhận, chớ mình
chẳng bảo đảm người khi người thôi ra. Chỉ có thế thôi, cần gì phải nghiêm
khắc thái quá?. - Nhơn khiết kỷ dĩ tấn, dữ kỳ khiết dã, bất bảo kỳ vãng dã; dữ
kỳ tấn dã, bất dữ kỳ thối dã. Dã hà thậm [62, tr.112-113].
Với tư tưởng “hữu giáo vô loài”, Khổng Tử đã thâu nhận một lượng học trò đông
đảo và đa dạng. Trong số các học trò của ông vừa có con em quý tộc như Tử Du, Tử
Tiện, Nam Cung Kinh Thúc,…; lại có cả bình dân gia cảnh bần hàn, xuất thân hèn kém
như Nhan Hồi, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Cầu, Nhiễm Ung,…; vừa có những người buôn
bán như Tử Cống, Tử Trương,…; vừa có con nhà lao động như Tăng Sâm,…; vừa có
người trước đây là hạng bất thiện như Nhan Trác Tụ, hay “cuồng phóng” như Sầm
Trương, Mục Bì,…
Tuy nhiên, bên cạnh quan niệm bình dân trong giáo dục, Khổng Tử lại chia ra
nhiều hạng người khác nhau. Sự phân chia này cho thấy nhiều mâu thuẫn và hạn chế
trong quan niệm của ông về đối tượng giáo dục. Khổng Tử cho rằng:
Con người sinh ra, tự nhiên biết được đạo lý, đó là hạng người cao
thượng. Cần phải học rồi mới biết, đó là hạng thứ hai. Tự mình ám độn, nhưng
chịu khó học tập đạo lý, đó là hạng thứ ba. Đã ám độn mà chẳng chịu học tập
là hạng người đê hèn vậy (Sanh nhi chi tri giả, thượng giã. Học nhi chi tri giả,
thứ giã. Khốn nhi học chi, hựu kỳ thứ giã. Khốn nhi bất học, dân tư vi hạ hỹ)
[62, tr.264-265].
Thậm chí, ông còn khẳng định: “Chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là không đổi
nết của mình” (Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di) [62, tr.270]. Rõ ràng ở đây, có nhiều
mâu thuẫn với quan niệm “hữu giáo vô loài” của ông, và khi xét đến cùng, Khổng Tử
cũng chưa thể vượt qua những rào cản hoàn cảnh và thời đại.
Như vậy, đối tượng giáo dục của Khổng Tử, một mặt, mang tính chất bình đẳng
và hết sức tiến bộ, nhưng mặt khác, nó không vượt qua được hạn chế bởi tầm nhìn lịch sử
và tính chất hết sức nghiệt ngã của chế độ phong kiến. Nhìn chung, đối tượng giáo dục
của Khổng Tử có thể chia làm hai loại: trước hết là tầng lớp quý tộc thống trị, đây vẫn là
đối tượng giáo dục chính của Khổng Tử nhằm tạo ra lớp người bổ sung vào tầng lớp cai
trị xã hội. Sau đó tầng lớp thứ dân, tuy rằng không phải tất cả mọi người trong tầng lớp
này đều là đối tượng của giáo dục mà chỉ có những người biết lắng nghe lời khuyên bảo
của thánh hiền, còn đối với những kẻ vô đạo, tiểu nhân thì mãi mãi không cải tạo được.
1.2.2. Nội dung giáo dục của Khổng Tử
Xuất phát từ quan niệm bản tính con người là ngay thẳng, là thiện; cũng như quan
niệm cho rằng nguyên nhân của “vương đạo suy vi, bá đạo nổi lên” là ở con người. Do
con người không có “đạo”, làm trái với “đạo”. “Đạo” mà Khổng Tử nói đến ở đây thực
chất là “đạo làm người”. Chính vì con người không có “đạo” mới dẫn đến chuyện tranh
giành quyền lực, địa vị, đất đai, chém giết lẫn nhau làm cho kỷ cương phép tắc đảo lộn,
làm cho xã hội rối loạn. Để cho xã hội trở lại thanh bình, theo Khổng Tử phải làm cho
con người có “đạo”, hiểu “đạo”, làm theo “đạo”. Đạo mà Khổng Tử nói đến ở đây chính
là Nhân, Lễ và Chính danh định phận.
Nhân vốn là một phạm trù đạo đức của quý tộc chủ nô thời Ân, Thương, bao gồm
nhiều nội dung như việc tuân theo ông cha, yêu con người, làm lợi cho đất nước, che chở
cho dân,… nhưng những nội dung đó chưa trở thành một hệ thống chặt chẽ mà là những
nội dung riêng rẽ. Khổng Tử đã kế thừa tư tưởng Nhân của người trước, đồng thời bổ
sung cho Nhân những nội dung mới, biến nó trở thành một hệ thống chặt chẽ, rộng lớn
bao trùm tất thảy các phạm trù khác như Trung thứ, Trí, Dũng, Nghĩa, Hiếu đễ, Khoan
thứ,… và chứa đựng toàn bộ tư tưởng của ông về đạo trị nước an dân, đạo làm người.
Nhân là phạm trù cốt lõi trong đạo trị nước và đạo làm người của Khổng Tử. Cho
nên, nó được ông đề cập rất nhiều và rất phong phú. Trong cuốn “Luận ngữ” - một tác
phẩm do học trò chép lại những lời dạy của Khổng Tử, có đến 58 chương với 109 lần
Khổng Tử nói đến Nhân nhưng không lần nào giống lần nào. Tuỳ theo từng đối tượng,
từng hoàn cảnh mà Khổng Tử đề cập đến Nhân theo những nghĩa khác nhau. Theo nghĩa
sâu rộng nhất, Nhân là một nguyên tắc đạo đức trong triết học Khổng Tử. Nhân được ông
coi là cái quy định bản tính con người thông qua Lễ, Nghĩa, quy định quan hệ giữa người
và người từ trong gia tộc đến ngoài xã hội.
Nhân trong tư tưởng Khổng Tử đó là yêu người. Khi Phan Trì hỏi Khổng Tử về
đức nhân, Khổng Tử đáp: Nhân là “yêu người” (Ái nhơn) [62, tr.192-193]. Nếu nhìn toàn
bộ tư tưởng của ông, phải xem nội dung trên là tiêu biểu cho điều Nhân. Nhân là "yêu
người", nhưng người nhân cũng còn phải biết "ghét người". Với Khổng Tử thì chỉ có
người có đức nhân mới biết "yêu người" và "ghét người". Khổng Tử nói: "Duy có bậc
nhân mới thương người và ghét người một cách chính đáng mà thôi” (Duy nhân giả năng
háo nhơn, năng ố nhơn) [62, tr.50-51].
Có người cho rằng, Nhân với nghĩa là “yêu người” là chỉ con người trong giai cấp
thống trị, và yêu người trong tư tưởng Khổng Tử chỉ là yêu người trong giai cấp phong
kiến. Thực ra, khái niệm Nhân mà Khổng Tử dùng ở đây là để đối với "cầm thứ”. Do đó,
đi liền với Nhân là các khái niệm "thiện nhân", "đại nhân", "thành nhân", "nhân nhân",
"thánh nhân", "tiểu nhân"... Các khái niệm này nhằm chỉ những con người có tính cách
khác nhau, trình độ đạo đức khác nhau. "Thánh nhân" là người có đạo đức cao siêu, "tiểu
nhân" là người có tính cách thấp hèn… Nhân ở đây là chỉ con người nói chung và "ái
nhân" là yêu người, yêu bất cứ người nào, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội của họ.
Nhân còn có nghĩa là Trung thứ. Tức là cái gì mà mình muốn làm thì cũng phải
giúp người khác được như vậy. Khổng Tử nói: “người nhân muốn tự lập lấy mình thì
cũng lo mà thành lập cho người khác; hễ muốn cho mình thông đạt thì cũng lo làm cho
người được thông đạt; hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với người chung quanh mình
thế ấy” (Nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhơn; kỷ dục đạt nhi đạt nhơn; năng cận thủ thí)
[62, tr.96-97]. Ý nghĩa của câu nói trên tạo thành hai vế của đạo trung, thứ. Vế tích cực
và vế tiêu cực. Vế tích cực là “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, nghĩa là
mình muốn lập thân thì cũng giúp người khác lập thân, mình muốn thành đạt thì giúp
người khác thành đạt; đó chính là đức trung, là yêu người, hết lòng với người; còn vế tiêu
cực là “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, đây là đức thứ, là suy lòng mình mà biết lòng
người, mình muốn cái gì thì người cũng muốn cái đó, vậy nên làm cho người những cái
mà mình muốn và đừng làm cho người những cái mà mình không muốn. Theo Lý Tường
Hải, yêu cầu nguyên tắc ở trung thứ là muốn người ta trong mọi lời nói việc làm đều lấy
một tấm lòng nhân ái mà làm theo. Đã không đem cái xấu của mình mà cưỡng chế người
khác, cũng không ép người ta cứ phải theo ý tứ của mình, mà là vui vẻ giúp đỡ người khác gặt
hái được thành tựu. Cái mà đạo trung thứ nhấn mạnh là thông qua có lòng nhân ái gần gũi với
mọi người, đạt đến một sự cảm thông chan hoà và có được một khung cảnh lý tưởng: thiên hạ
quy tụ ở Nhân ái [38, tr.31].
Nhân còn bao hàm năm tiêu chí: cung, khoan, tín, huệ, mẫn. Năm điều “đức hạnh”
này, theo Khổng Tử đó là nghiêm trang tề chỉnh (cung), có lòng rộng lượng (khoan); có
đức tín thật (tín); mau mắn siêng năng (huệ); và thi ân bố đức (mẫn). Khổng Tử cũng giải
thích vì sao có năm điều “đức hạnh” này lại có nhân. Ông nói: “Nếu mình nghiêm trang
tề chỉnh, thì chẳng ai dám khinh dễ mình. Nếu mình có lòng rộng lượng, thì mình thâu
phục lòng người. Nếu mình có đức tín thật, thì người ta tin cậy mình. Nếu mình mau
mắn, siêng năng, thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân bố đức, thì mình sai
khiến được người” (Cung tắc bất vũ; khoan tắc đắc chúng; tín tắc nhơn nhậm yên; mẫn
tắc hữu công; huệ tắc túc dĩ sử nhơn) [62, tr.272-273]. Theo Nguyễn Hiến Lê, năm đức
trên nếu xem xét kỹ thì có thể thấy: cung, mẫn, tín là kỷ dục lập, kỷ dục đạt; còn khoan,
tín, mẫn, huệ là lập nhân, đạt nhân. Vậy nhân tuy có nhiều phương diện, phạm vi rộng,
nhưng không ngoài nội dung “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” [55,
tr.197-198].
Ngoài ra, Nhân còn bao gồm Hiếu đễ. Hiếu đễ là tiêu chuẩn trong gia đình. Hiếu
là tiêu chí của con cái đối với cha mẹ. Đễ là tiêu chí của người em đối với anh chị và
người lớn tuổi. Khổng Tử xem Hiếu đễ là cái gốc của nhân. Ông cho rằng, người mà biết
giữ gìn nết hiếu, nết đễ, tức là biết nắm lấy cái gốc của nhân. Người có nhân là người biết
kính yêu cha mẹ và người lớn trong nhà, có như vậy mới biết yêu thương người ngoài.
Người cầm quyền muốn trị nước an dân thì cần phải có hiếu đễ.
Chính vì vậy, Khổng Tử yêu cầu rất chặt chẽ về Hiếu đễ. Những người biết đem
hết sức mình thờ phụng cha mẹ, liều thân phục vụ vua, chân tình với bằng hữu đó là
những người có học. Đối với cha mẹ, Khổng Tử yêu cầu không chỉ chăm sóc cha mẹ có
hiếu đễ, mà đồng thời phải có lòng thành kính. Trả lời Tử Du về đạo hiếu, Khổng Tử nói:
Đời nay, hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì người ta khen là người có hiếu.
Nhưng những thứ như chó, ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi
cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật đâu) (kim chi hiếu giả, thị
vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính hà dĩ biệt hồ?)
[62, tr.18-19].
Khổng Tử cũng đã mắng Tể Dư là người bất nhân vì bất hiếu, muốn rút thời gian
để tang cha mẹ từ ba năm xuống còn một năm [62, tr.280-281].
Khổng Tử cũng khuyên mọi người phải thờ phụng cha mẹ một cách sáng suốt, khôn
khéo nhưng phải cung kính. Không phải cha mẹ nói gì cũng nghe dù cha mẹ đúng hay sai.
Người có hiếu phải biết phân biệt những điều đúng của cha mẹ mà tuân theo, những điều
chưa đúng của cha mẹ mà can gián. Ông nói: “làm con thờ cha mẹ, như thấy cha mẹ lỗi lầm
thì nên can gián một cách dịu ngọt. Như thấy ý tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của
mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Như cha mẹ giận mà khiến
mình làm công việc cực khổ, chớ có đem dạ oán hờn” (Sư phụ mẫu cơ gián. Kiến chí bất
tùng, hựu kính, bất vi. Lao, nhi bất oán) [62, tr.58-59].
Như vậy có thể thấy, mặc dù Hiếu đễ là gốc của nhân nhưng nếu Nhân là bậc
thang cao nhất của người quân tử thì hiếu đễ lại là giá trị phổ biến hơn, có ở tất cả mọi
người, vì con người hầu như ai cũng có hiếu đễ, nhưng nhân thì chỉ có ở người quân tử.
Có hiếu đễ chưa hẳn có nhân, nhưng chưa thấy người nào có nhân mà bất hiếu.
Nhân cũng cao hơn đức trung và cao hơn sự thanh khiết. Theo Khổng Tử, một
người có trung, có thanh khiết chưa hẳn đã là người có nhân. Khi Tử Trương hỏi thầy
mình về chuyện ông Tử văn ba lần được bổ đi làm quan nhưng không tỏ vẻ hân hoan, ba
lần bị phế nhưng không tỏ ra giận dữ vậy là người có nhân không?, thì Khổng Tử trả lời:
“Ta không biết, nhưng với lòng trung ấy, sao được gọi là nhân?” [62, tr.74-75]. Tử
Trương lại hỏi thầy mình về chuyện ông Trần Văn Tử bỏ chức quan đại phu và sự phú
quý vì vua phản nghịch thì có được gọi là nhân không?, Khổng Tử trả lời: “Ta chưa biết.
Nhưng với đức thanh khiết ấy sao được gọi là nhân?” [62, tr.74-75].
Nhân trong tư tưởng của Khổng Tử còn bao hàm rất nhiều nghĩa khác nữa. Khi
Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về Nhân, Khổng Tử đã nói:
Làm nhân là khắc kỷ, phục lễ, tức là chế thắng lòng tư dục, vọng niệm
của mình và theo về lễ tiết. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi
người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do
mình, chớ há do người sao? (Khắc kỷ, phục lễ, vi nhân. Nhứt nhựt khắc kỷ,
phục lễ, thiên hạ quy nhân yên. Vi nhân do kỷ, nhi do nhơn hồ tai?) [62,
tr.180-181].
Còn khi Phàn Trì hỏi về Nhân, Khổng Tử giảng giải rằng, “khi ở nhà thì giữ diện mạo
cho khiêm cung, khi làm việc thì thi hành một cách kính cẩn, khi giao thiệp với người thì giữ
đức trung thành. Dẫu có đi đến các nước rợ Di, Địch cũng chẳng bỏ ba cái đó, như vậy là
người có đức nhân” (Cư xử cung, chấp sự kinh, dữ nhơn trung. Tuy chi di - địch, bất khả khí
dã) [62, tr.206-207]. Không những thế, theo Khổng Tử, “Người nhân trước phải làm những
việc khó, rồi sau mới đến thu hoạch kết quả, như vậy mới có thể gọi là nhân” (nhân giả tiên
nan; nhi hậu hoạch, khả vị nhân hỹ) [62, tr.92-93] và "người cứng cỏi, can đảm, kiên tâm,
quyết chí, chất phác, thật thà, ít ăn ít nói thì gần với nhân” (Cương, nghị, mộc, nột cận
nhân) [62, tr. 212-213].
Theo Khổng Tử, chỉ có người nhân mới có thể có được cuộc sống an vui lâu dài
với lòng nhân của mình và dẫu có ở vào hoàn cảnh nào, cũng có thể yên ổn, thanh thản.
Do vậy, theo ông, "bậc quân tử không bao giờ lìa bỏ điều nhân, dẫu chỉ trong một bữa ăn.
Người quân tử không bao giờ ở sai điều nhân, dẫu trong lúc vội vàng, khi ngả nghiêng
cũng vẫn theo điều nhân - Quân tử khử nhân, ố hồ thành danh?” (Quân tử vô chung thực
chi gian vi nhân. Tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị) [62, tr.52-53].
Nhân là một phạm trù cốt lõi trong triết học Khổng Tử. Nó có quan hệ chặt chẽ
với các phạm trù đạo đức khác để làm nên một hệ thống triết lý nhất quán, chặt chẽ và do
vậy, đã có người cho rằng, nếu coi các phạm trù đạo đức trong triết học Khổng Tử như
những vòng tròn đồng tâm thì Nhân là tâm điểm, bởi nó đã chỉ ra cái bản chất nhất trong
bản tính con người, còn xung quanh có Trí, Dũng, Lễ…
Con người muốn đạt được Nhân thì phải có Trí. Khi Phàn Trì hỏi về Trí, Khổng
Tử đáp: “Trí là biết người - tri nhơn”. Khổng Tử giải thích rằng: “Cử người chính trực,
bỏ kẻ cong vạy; với phương pháp ấy, người ta có thể khiến kẻ cong vạy hoá ra chính
trực” (Cử trực, thố chư uổng, năng sử uổng giả trực) [62, tr.192-193]. Khổng Tử còn dạy
học trò rằng: “Người nào chọn chỗ ở mà chẳng ở xóm có nhân hậu thì sao gọi là người trí
cho được?” (trạch bất xử nhân, yên đắc trí?) [62, tr.50-51]. Nhờ có trí con người mới có đủ
sáng suốt minh mẫn để hiểu biết được đạo lý, xét đoán được sự việc, phân biệt được phải
trái, thiện ác để trau dồi đạo đức và hành động cho đúng với lẽ phải, có được đức nhân. Có
lần Tể Ngã, một môn đệ của Khổng Tử quan niệm người có đức nhân phải sẵn sàng xả thân
cứu người hoạn nạn đã hỏi ông: “như có người đến báo với nhà nhân đức rằng: có kẻ té
xuống giếng. Nhà nhân đức có nhảy xuống giếng mà cứu chăng?” Khổng Tử đáp:
Sao lại vậy? Người quân tử nên đến đó mà tìm cách cứu, chớ chẳng nên
nhảy xuống giếng mà hại thân mạng mình. Người quân tử có thể bị gạt bởi những
lời nói có lý, chớ chẳng bị mê hoặc bằng những lẽ vô lối, ám độn (Hà vi kỳ nhiên
giã? Quân tử khả thệ giã, bất khả hãm giã; khả khi giã, bất khả vong giã)
[62,tr.94-95].
Nhân trong tư tưởng Khổng Tử còn bao cả Dũng. Theo Khổng Tử, Dũng là lòng
can đảm, là dũng khí. Nhờ có dũng, con người mới có thể tỏ rõ ý kiến của mình một cách
cao minh và hành động một cách thanh cao khi vận nước gặp loạn, nhân dân gặp hoạn
nạn. “Thấy việc nghĩa mà chẳng làm, ấy là người chẳng có khí dõng” (kiến nghĩa bất vi,
vô dõng giã) [62, tr.28-29], ấy cũng là người không có nhân. Người nhân có dũng mới tự
chủ được mình, mới giữ được đức nhân của mình. Thậm chí người nhân có thể hy sinh
bản thân để giữ điều nhân. Khổng Tử nói: “Người có chí và người có nhân chẳng lẽ vì
bảo tồn sanh mạng mà làm hại đức nhân; hạng người ấy có khi phải tự mình quyên sanh
để giữ tròn đức nhân vậy” (Chí sĩ nhân nhơn vô cầu sanh dĩ hại nhân; hữu sát thân dĩ
thành nhân) [62, tr.242-243].
Như vậy, người có nhân cũng là người có trí, có dũng, cũng như là người có hiếu,
có khoan, cung, tín, huệ, mẫn. Do đó, có thể thấy rằng, người có nhân trong tư tưởng
Khổng Tử là đức hoàn thiện của con người. Nhân chính là đạo làm người - sống với mình
và sống với người. Đức nhân là cái bền vững nhất, cao quý nhất và quan trọng nhất. Với
ông, nếu thịnh đức của trời - đất là sinh thành, bắt nguồn từ đạo trung hoà, trung dung thì
cái gốc của đạo lý con người là "trung thứ" và đạo đức, luân lý con người là Nhân, người
có đạo nhân là bậc quân tử, nước có đạo nhân thì bền vững như núi sông. Tuy nhiên,
trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc đã có nhiều học thuyết phê phán chữ Nhân của
Khổng Tử. Có người cho đó là giả dối, có người cho đó là nói suông, có người lại cho đó
là nguồn gốc của bất nhân, bất nghĩa... Thế nhưng không phải vì thế mà tư tưởng Nhân
của Khổng Tử không đi vào lòng của nhiều người đương thời, gây cho họ biết bao sự xúc
động và làm cơ sở cho hành động nhân đạo của họ. Thực tế cho chúng ta thấy, từ đời Hán
trở đi, suốt trên hai nghìn năm đạo Khổng luôn chiếm vị trí độc tôn, Vua Chúa đời nào
cũng ráng áp dụng nó, mặc dầu có nhiều điều không đúng. Tuy nhiên, nó lại thực tế hơn
đạo Mặc, đạo Lão, nhân bản hơn thuyết của Pháp gia.
Có thể nói, Nhân là một phạm trù rất rộng và đa nghĩa nhưng ở một khía cạnh nào
đó có thể nói Nhân là yêu người vẫn là nghĩa bao trùm nhất. Từ yêu bản thân mình đến
yêu người khác như yêu anh em, cha mẹ, bạn bè... Để hiểu rõ hơn về tư tưởng Nhân của
Khổng Tử cần so sánh nó với tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử, tư tưởng Từ bi của đạo Phật.
Nếu tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử coi ai cũng như mình, người thân của người cũng là
người thân của mình, không phân biệt riêng tư thì Nhân phân biệt mình và người, lấy
mình làm khởi điểm để phân biệt từ thân đến sơ, từ gần tới xa, phân biệt người tất, kẻ
xấu. Người Nhân trong quan niệm của Khổng Tử coi trọng đạo đức, chú ý phần thiện
trong bản tính con người thì người Kiêm ái chỉ chú trọng đến sự cứu giúp vật chất, chú ý
đến "giao tương lợi". Nhân của Khổng Tử cũng khác với Thánh của lão Tử và khác bác
ái của Ki-tô vì không “dĩ đức báo oán”, không yêu kẻ thù như bạn. Khổng Tử chủ trương
“dĩ trực báo oán” vì muốn cho xã hội có sự công bằng, không khuyến khích kẻ ác. Ông
chú trọng về phương diện trật tự xã hội hơn Lão Tử và Ki-tô. Tư tưởng Nhân của Khổng
Tử cũng khác xa tư tưởng Từ bi của đạo Phật. Phật thương người và thương cả vạn vật.
Lòng thương của Phật có một nỗi buồn vô hạn, buồn cho sự mê muội của sinh linh, tìm
cách giải thoát mọi sinh linh ra khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử. Còn đạo Khổng tìm mọi
cách giúp cho con người sống một cuộc sống vui vẻ hơn, có nghĩa lý hơn và tìm kiếm
hạnh phúc ngay trên cõi trần chứ không phải ở trên cõi niết bàn. Chính vì vậy, ngay cả
khi tư tưởng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo du nhập và có chỗ đứng trong đời sống
tinh thần của con người Đông Á thì nó cũng không thể thay thế được vai trò của đạo
Khổng. Có thể nói Nhân của Khổng Tử là tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhất
trong lịch sử các nước ở phía đông của châu Á.
Ngoài Nhân là nội dung cốt lõi trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, thì Lễ, Chính
danh cũng là những tư tưởng rất quan trọng. Nếu coi Nhân là nội dung, thì Lễ là hình thức của
Nhân và Chính danh là con đường để đạt điều Nhân.
Trong cuốn Luận ngữ, Lễ được nhắc đến 75 lần, phản ánh những khía cạnh khác
nhau của Lễ và tầm quan trọng của Lễ trong tư tưởng Khổng Tử. Lễ ở đây là những quy
tắc đạo đức của nhà Chu: “Triều đại nhà Châu soi xét theo hai triều đại đã qua (nhà Hạ và
nhà Thương) mà chế định lễ tiết. Nhờ vậy, lễ tiết trở nên rực rỡ biết bao! Vậy ta theo lễ
tiết nhà Châu” (Châu giám ư nhị đại. Úc úc hồ văn tai! Ngô tùng Châu) [62, tr.40-41],
được ông cải cách đi cho phù hợp với thay đổi của điều kiện lịch sử. Nguồn gốc của Lễ
trong tư tưởng Khổng Tử được cho là từ lễ tiết của thời kỳ nguyên thuỷ, gồm lễ cầu phúc,
cũng quỷ thần sau đó là thờ cúng tổ tiên. Về sau đến nhà Chu, lễ thành điển chương của
chế độ và mở rộng ra thành những quy định trật tự xã hội, sau này đồng nghĩa với thể chế
pháp luật. Lễ mà Khổng Tử dạy cho học trò có bốn nội dung là tế lễ, pháp điển phong
kiến, phong tục với tập quán và kỷ luật tinh thần. Đối với các học trò có tư chất cao ông
mới dạy cho những lễ tế quan trọng của triều đình và pháp điển của chế độ phong kiến;
còn những người hạng dưới thì ông chỉ dạy cho những phong tục tập quán, tức phép cư
xử và luyện cho họ có kỷ luật tinh thần.
Đối với lễ tế, Khổng Tử khẳng định lễ tế rất quan trọng đối với người quân tử, nếu
biết lễ tế thì việc cai trị thiên hạ hết sức dễ dàng, giống như bỏ một vật lên tay mình:
“Người nào biết ý nghĩa của cuộc tế lễ thì tri thiên hạ cũng như coi bàn tay mình” (Bất tri
giã tri kỳ thuyết giả chi ư thiên hạ giã, kỳ như thị chư tư hồ. Chỉ kỳ chưởng) [62, tr.36-
37]. Do vậy, Khổng Tử dạy học trò phải có sự kính cẩn, nghiêm túc, cẩn thận trong khi
hành lễ. Chẳng hạn, Khổng Tử dạy học trò khi tế tổ tiên hay thần linh thì phải rất mực
cung kính như có tổ tiên và thần linh hiện tại [62, tr.38-39], và dù mình có khó khăn thì
khi cúng tế đồ tế phải thật hậu và đồ mặc cúng tế phải đẹp [62, tr.130-131].
Nội dung quan trọng nhất của Lễ mà Khổng Tử giáo dục học trò là pháp điển của
chế độ phong kiến. Nguồn gốc nảy sinh của Lễ là từ việc tế tự, cầu khấn tổ tiên, quỷ thần
của con người. Giai cấp quý tộc chủ nô thời Chu nắm lấy cái gốc đó làm chỗ dựa cho
chính pháp của mình, biến Lễ thành một chế độ chính trị - xã hội mang tính đẳng cấp,
bảo vệ trật tự tông pháp của nhà Chu và buộc dân chúng phải sống theo địa vị đã được
quy định. Khổng Tử xem Lễ với tư cách là một pháp điển của chế độ phong kiến là nội
dung quan trọng nhất trong lễ của ông không phải là điều khó hiểu. Ông sinh ra trong
thời kỳ xã hội loạn lạc, lễ tiết đang băng hoại mà theo ông là vua không ra vua, tôi không
ra tôi, cha không ra cha, con không ra con,.. chính ông thừa nhận người ta đang coi
thường lễ, tình trạng “tiếm quyền, tiếm lễ” diễn ra khắp nơi; ngay đến các đại phu cũng
dám dùng lễ nghi dành cho thiên tử, chư hầu,.. Do đó, để lập lại trật tự xã hội, ông chủ
trương khôi phục lại Lễ của nhà Chu. Lấy đó làm chuẩn mực để dạy các học trò hướng
tới xây dựng một xã hội lý tưởng vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con.
Ngay từ đầu, mục đích của Khổng Tử là biến xã hội từ “loạn thành trị” cho nên
việc giảng dạy Lễ của Khổng Tử cũng không nằm ngoài mục đích chính trị mà ông theo
đuổi. Khổng Tử giáo dục học trò cách thức và biện pháp để có thể khôi phục và củng cố
lễ chế nhà Chu. Để tuyển chọn những quan lại cho chế độ mà ông muốn khôi phục,
Khổng Tử chủ trương dùng người học lễ nhạc trước rồi sau đó mới làm quan, chứ không
chọn người làm quan rồi mới học lễ nhạc. Ông nói:
Những người trước học lễ, nhạc, sau mới làm quan, ấy là những người quê
mùa (chưa được phong quan tước); những người có địa vị quan tước trước sau mới
học lễ, nhạc ấy là con em các bậc khanh sĩ, đại phu. Nếu chọn nhân tài dùng trong
quản lý nhà nước, ta sẽ chọn người trước đã học lễ nhạc (Tiên tiến ư lễ nhạc, dã
nhân dã, Hậu tiến ư lễ nhạc, quân tử dã. Như dụng chi, tắc ngô tòng tiên tiến) [52,
tr.280-281].
Vì nếu nhà cầm quyền không có lễ sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý xã hội; còn
nếu có lễ thì sẽ thông suốt, dễ dàng: “Nhà cầm quyền nếu biết dùng lễ, nhượng trong
cuộc cai trị đất nước, thì cai trị có khó gì? Còn như chẳng biết dùng lễ, nhượng trong
cuộc cai trị đất nước thì làm sao mà có lễ được” (Năng dĩ lễ, nhượng vi quốc hồ, hà hữu?
Bất năng dĩ lễ nhượng vi quốc, như lễ hà) [62, tr.56-57]. Ngay cả vua cũng không được
bỏ lễ, vua phải cho ra vua, tôi phải cho ra tôi. Khổng Tử cho rằng, nếu vua sai khiến bề
tôi bằng chữ lễ thì bề tôi sẽ phụng sự vua bằng lòng trung [62, tr.43], nếu người trên
chuộng lễ thì dân chẳng dám bất kính [62, tr.201], nếu bề trên chuộng lễ thì dân dễ sai
khiến [62, tr.235]. Và Khổng Tử so sánh phương pháp sử dụng pháp luật và phương pháp
sử dụng lễ để thấy được tính hơn hẳn của việc dùng lễ so với dùng pháp luật trong quản
lý xã hội. Ông nói: “nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân
chúng; chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng vi phạm đó thôi, chứ họ
chẳng biết xấu hổ. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh;
muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ tiết, thì chẳng những dân biết xấu hổ, họ lại
còn cảm hoá mà trở nên tốt lành” (Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ.
Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách) [62, tr.14-15].
Như vậy, nội dung Lễ, với tư cách là lễ chế chính trị mà Khổng Tử giáo dục học
trò, đã biểu hiện tư tưởng duy trì chế độ chính trị - xã hội tông pháp nhà Chu. Trong đó
ông thể hiện tư tưởng bảo thủ khi nhằm giáo dục lễ chế chính trị cho giai cấp thống trị
hiểu được lễ, từ đó bắt dân chúng phải phục tùng theo. Tuy nhiên, xét trong điều kiện lịch
sử đương thời, Khổng Tử vẫn được xem là nhân vật vĩ đại, vì mục đích cuối cùng của
ông vẫn là xây dựng một xã hội tốt đẹp, lý tưởng cho tất cả mọi người. Cho nên ông đã
nói với các học trò: “nếu thiên hạ có đạo lý thì ta làm gì phải sửa đổi” [62, tr.289].
Một nội dung quan trọng nữa của Lễ mà Khổng Tử giáo dục học trò là những quy
phạm đạo đức xã hội. Khổng Tử là người đã đem lễ tiết nhà Chu cải biến thành một phạm
trù đạo đức được coi là mực thước cho các hành vi của con người trong xã hội. Đây là
một nội dung mới của Lễ kể từ thời Xuân thu. Ông dạy các học trò phải biết lễ, hiểu lễ.
Bởi vì Lễ rất quan trọng đối với con người. Việc nhìn, nghe, nói, hành động của con
người đều nằm trong phạm vi của lễ. Một người mà mọi cảm giác, lời nói, hành động,
không thất lễ mới có thể có chỗ đứng trong xã hội. Chỉ có khi nào có lễ thì lúc đó con
người mới “tề chỉnh”, “thông đạt”. Nếu con người không biết lễ, hiểu lễ thì sẽ dễ dẫn đến
hại mình, thậm chí gây loạn cho xã hội. Ông nói: “Cung kính quá lễ thành ra lao nhọc
thân hình, cẩn thận quá lễ thành ra nhát gan; dũng cảm quá lễ thành ra loạn nghịch; ngay
thẳng quá lễ thành ra gắt gỏng, cấp bách” (Cung nhi vô lễ, tắc lao; thận nhi vô lễ, tắc tỹ;
dõng nhi vô lễ, tắc loạn; trực nhi vô lễ, tắc giảo) [62, tr.120-121]. Do vậy, Khổng Tử dạy
học trò phải theo lễ mà thực hiện mọi hành động của mình. Nếu điều gì không hợp lễ thì
không nên làm: “sắc chi chẳng hợp lễ thì mình đừng ngó, tiếng chi chẳng hợp lễ thì mình
đừng nghe; lời chi chẳng hợp lễ thì mình đừng nói; việc chi chẳng hợp lễ thì mình đừng
làm” (Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động) [62, tr.180-181]. Chỉ
có lấy lễ làm chuẩn mực cho hành vi của mình thì con người mới đạt được đức nhân.
Lễ và Nhân trong tư tưởng Khổng Tử có quan hệ chặt chẽ với nhau. Người nào
muốn có nhân thì phải “khắc kỷ, phục lễ”, tức là phải chế ngự, phải thắng được mình, dẹp
bỏ tư dục để theo đuổi lễ thì thiên hạ sẽ coi mình là người nhân. Nhân là cái bao trùm
nhiều đức khác trong đó có Lễ. Khổng Tử dạy lễ không phải chú ý đến cái hình thức biểu
hiện bên ngoài mà hướng đến đức nhân bên trong nội dung lễ. Ông nói: “người mà chẳng
có lòng nhân sao thi hành lễ tiết” [62, tr.32-33]. Nhân là nội dung, lễ là hình thức của
nhân, do đó, không có lòng nhân thì lễ chỉ là giả dối.
Như vậy, với những nội dung của Lễ, có thể thấy xã hội mà Khổng Tử xây dựng là
một xã hội hết sức “lý tưởng”. Tuy nhiên, bên cạnh những điều tốt đẹp thì Lễ của Khổng
Tử cũng còn rất nhiều hạn chế. Lễ biểu hiện tư tưởng đạo đức của Khổng Tử, đồng thời
phản ánh tư tưởng đạo đức của giai cấp thống trị nhà Chu. Lễ, về mặt đạo đức, đòi hỏi
phải tuân theo những quy tắc định sẵn, nhưng Khổng Tử đã đề cao quá mức Lễ, coi đó
như là trang sức của con người. Ông bó buộc con người vào một khuôn thước nhất định,
chỉ có một hướng duy nhất là cúi đầu tuân thủ, không thể làm trái những gì lễ đã quy
định. Trong giáo dục Lễ, Khổng Tử cũng chỉ chú ý một chiều từ trên xuống, tức là từ xã
hội đến cá nhân. Ông chưa thấy được và thực sự chưa biết khơi dậy tính tự giác của mỗi
cá nhân trong việc tìm hiểu lễ và thực hành lễ, ngược lại, lại đè nén cá tính sôi động và
khả năng sáng tạo của con người. Do đó, có thể nói, nội dung Lễ của Khổng Tử là cứng
nhắc, giáo điều và có khuynh hướng bảo thủ, lạc hậu.
Một nội dung quan trọng nữa trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử là tư tưởng
“Chính danh định phận”. Nhiều học giả cho rằng, trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử
thì thuyết Chính danh là một nguyên tắc chính và cũng là một phát kiến của ông. Sở dĩ
Khổng Tử đưa ra thuyết Chính danh vì ông cho rằng, nguyên nhân của xã hội loạn lạc là
do nhà cầm quyền sống sa đoạ, sống không có nhân và không đúng với danh phận của
mình. Vì vậy, để lập lại trật tự xã hội thì phải thực hành thuyết Chính danh. Theo Khổng
Tử, chính danh là mỗi người, mỗi sự vật đều có một địa vị, một bổn phận nhất định và
tương ứng với nó là một danh nhất định, mỗi người phải làm đúng với chức phận của
mình. Người nào, sự vật nào mang danh nào thì phải thực hiện cho đúng danh đó.
Khổng Tử dạy rằng, danh và thực phải hợp nhau. Nếu người nào, vật nào có danh
mà không làm đúng với danh đó thì phải gọi sang danh khác. Cũng như cái bình rượu có
cạnh góc, đời trước gọi là cái “cô”, đến đời sau này người ta biến đổi nó, bỏ cạnh góc đi
thì không gọi là cái “cô” được nữa. Muốn gọi nó là cái “cô” thì phải giữ những cạnh góc
của nó như trước, nếu muốn bỏ cạnh góc đi thì phải đặt cho nó một cái tên khác [55,
tr.132]. Do đó, danh và thực phải luôn phù hợp với nhau, nếu danh và thực không hợp
nhau thì hậu quả sẽ khôn lường, xã hội sẽ loạn: “Nếu danh mà chẳng chính, chẳng hợp
nghĩa thì lời nói chẳng thuận; lời nói chẳng thuận thì công việc chẳng thành; công việc
chẳng thành thì lễ tiết và âm nhạc chẳng chẳng thạnh vượng, tức là chẳng có sự kính
trọng và niềm hoà khí; nếu lễ tiết và âm nhạc chẳng thạnh vượng, tức là người trong nước
chẳng biết kính trọng nhau và chẳng có niềm hoà khí, thì sự hình phạt chẳng đúng phép;
nếu sự hình phạt chẳng đúng phép, thì dân biết chỗ nào mà đặt tay chơn” (Danh bất
chính, tắc ngôn bất thuận; ngôn bất thuận, tắc sự bất thành; sự bất thành, tắc lễ nhạc bất
hưng; lễ nhạc bất hưng, tắc hình phạt bất trúng; hình phạt bất trúng, tắc dân vô sở thố thủ
túc) [62, tr.198-199], nếu dân không có chỗ nhờ cậy thì dân sẽ không tin vào nhà cầm
quyền, “dân mà không tin vào nhà cầm quyền thì chính phủ phải đổ” [62, tr.184-185], tức
xã hội sẽ loạn. Vì thế khi Tử Lộ hỏi Khổng Tử về việc nếu vua nước Vệ mời ông tham
gia chính sự thì ông sẽ làm gì trước tiên, Khổng Tử đã trả lời: “Ắt ta sẽ làm cho ra chính
danh chính phận” (Tất dã chính danh hồ) [62, tr.196-197]. Điều này cho thấy Chính danh
có vai trò quan trọng như thế nào trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử.
Theo Khổng Tử, xã hội chính danh là “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử.”
Nghĩa là vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con. Tức là
người nào ở vị trí nào thì phải ứng xử ở vị trí đó, không được lẫn lộn, không được tuỳ
tiện, phải tuân theo phép tắc, quy củ của xã hội đã quy định. Nếu làm không được như
vậy thì xã hội sẽ đảo lộn như trường hợp của nước Vệ. Xuất Công Triếp và Khoái Quý
nước Vệ, hai cha con mà tranh nhau ngôi vua. Cả hai cha con đều thiếu tư cách như vậy
cho nên, nếu trị dân thì dân không phục vì danh bất chính thì nói làm sao mà dân nghe lọt
tai được, mà dân không phục thì nước sẽ loạn. Nước Vệ muốn được yên, theo Khổng Tử,
thì việc đầu tiên là phải lập một công tử khác làm vua, danh chính, ngôn thuận đường
hoàng [62, tr.105]. Nếu nhà cầm quyền mà chính danh thì việc cai trị sẽ rất dễ dàng,
không chỉ xã hội yên ổn mà dân chúng cũng được giáo hoá: “Nếu nhà cầm quyền tự mình
giữ theo chính đạo, chẳng đợi ra lệnh, dân cũng ăn ở đúng phép; còn như tự mình chẳng
bao giờ theo chính đạo, dẫu mình có ra lệnh buộc dân theo, họ cũng không theo” (Kỳ
thân chính, bất lệnh, nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh, bất tùng) [62, tr.200-201].
Có thể thấy, học thuyết chính danh của Khổng Tử phản ánh thái độ tôn trọng tôn ti
trật tự, phép tắc, lễ nghĩa trong quan hệ giữa người với người trong xã hội. Thực chất của
chính danh là kêu gọi, giáo hoá đạo đức để con người sống có nhân. Và chủ trương dùng Lễ
để thực hiện chính danh với mục đích sâu xa của Khổng Tử là muốn duy trì đẳng cấp, danh
phận trong xã hội.
Bên cạnh việc giảng dạy đạo lý, đạo làm người, Khổng Tử còn dạy học trò văn
chương và lục nghệ. “Văn” là gồm thi, thư, lễ, nhạc, xuân thu; còn “Lục nghệ” là nội
dung chương trình các trường công lúc bấy giờ gồm sáu môn: lễ, nhạc, xạ (bắn cung),
ngự (đánh xe), thư (viết chữ), số (toán pháp). Dạy văn chương và lục nghệ là Khổng Tử
muốn đào tạo ra những con người vừa có đức vừa có tài tinh thông lục nghệ, tuy nhiên
Khổng Tử không bao giờ dạy học trò về binh bị, chiến trận, trồng trọt và cày cấy. Ông
giải thích rằng:
Nếu người bề trên chuộng lễ, thì dân chẳng dám bỏ niềm cung kính. Nếu
người bề trên háo nghĩa, thì dân chẳng bội lẽ công chính. Nếu người bề trên
biết tín thật, thì dân chẳng sai ngoa trong tình giao ước. Nếu nhà cầm quyền ở
đủ lễ, nghĩa, tín như vậy, thì dân chúng từ bốn phương xa sẽ đai con đến để
phục dịch mình. Cần chi phải học nghề cày cấy (Thượng háo lễ, tắc dân mạc
cảm bất kính. Thượng háo nghĩa, tắc dân mạc cảm bất phục. Thượng háo tín,
tắc dân mạc cảm bất dụng tình. Phù như thị, tứ phương chi dân, cưỡng phụ kỳ
tử nhi chí hỹ. Yên dụng giã) [62, tr.200-201].
Chỉ có lễ, nghĩa mới có thể thu phục được lòng người, lao động chân tay không
phải là công việc của người quân tử, mà là của thứ dân, những người có ý chí hạn hẹp. Sự
thiếu sót này trong tư tưởng Khổng Tử không phải đến đời sau mới phát hiện phê phán
mà ngay trong thời kỳ đó đã có ý kiến phản đối tư tưởng này. Trong chương Thuật nhi
của cuốn Luận ngữ có thuật lại âu chuyện một ẩn sỹ nói với Tử Lộ: “Đời này người ta
phải làm ruộng mà ăn; còn ngươi thì tay chân chẳng siêng cần, ngươi lại chẳng biết phân
biệt năm giống lúa. Vậy ta biết ai là thầy của ngươi?” (Tứ thể bất cần, ngũ cốc bất phân.
Thục vi phu tử) [62, tr.290-291].
Như vậy, trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, cùng với quan điểm về vũ trụ và
con người, học thuyết về luân lý, đạo đức, chính trị - xã hội là một trong những vấn đề
cốt lõi và là thể thống nhất gắn bó hữu cơ với nhau. Những phạm trù đạo đức căn bản
nhất trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử là nhân, lễ, nghĩa,.. và một hệ thống quan
điểm chính trị - xã hội như: nhân trị, chính danh, quân tử, tiểu nhân, Trong những phạm
trù đạo đức ấy, chữ nhân được Khổng Tử đề cập với ý nghĩa sâu rộng nhất, nó được coi
là nguyên lý đạo đức cơ bản quy định bản tính con người và những quan hệ giữa người
với người từ trong gia đình tới xã hội, nó liên quan đến các phạm trù đạo đức khác như
một hệ thống triết lý chặt chẽ, nhất quán tạo thành bản sắc riêng trong triết lý nhân sinh
của ông.
1.2.3. Phương pháp giáo dục của Khổng Tử
Từ những nội dung đã trình bày trên, có thể nói rằng, Khổng Tử là một nhà tư
tưởng kiệt xuất của lịch sử Trung Quốc. Ông đã nhận thấy những nguyên nhân làm cho
xã hội Trung Quốc trở nên loạn lạc, và đưa ra những giải pháp rất tích cực để lập lại trật
tự xã hội. Tuy nhiên, điều làm cho Khổng Tử trở thành nhà tư tưởng kiệt xuất, một nhà
giáo dục vĩ đại, người thầy của muôn đời (vạn thế sư biểu) là ngoài nội dung giáo dục,
Khổng Tử còn đưa ra rất nhiều phương pháp giáo dục hết sức tích cực. Mặc dù các
phương pháp này chưa thật sự rõ ràng và có hệ thống, nhưng thông qua những bài giảng,
những lời nói của Khổng Tử, chúng ta có thể thấy được những luận điểm cơ bản về
những phương pháp giáo dục hết sức tiến bộ và tích cực.
Trong quá trình dạy học, Khổng Tử đã sử dụng rất nhiều phương pháp, nhưng
trong phạm vi luận văn này tác giả xin được nêu ra một số phương pháp như: phương
pháp dạy tuỳ đối tượng; phương pháp kết hợp học với suy nghĩ; phương pháp học đi đôi
với hành; phương pháp nêu gương; phương pháp ôn cũ biết mới.
Phương pháp dạy tuỳ đối tượng. Đây là phương pháp căn cứ vào tư chất, trình độ và
nhu cầu của người học mà đưa ra nội dung, yêu cầu và phương pháp giảng dạy phù hợp để từ
đó nâng cao tối đa năng lực của mỗi người. Phương pháp này là một trong những căn cứ để
sau này Nho giáo khát quát thành tư tưởng “Nhân tài thì giáo”, tức là căn cứ vào tài năng,
phẩm chất từng người để giáo dục.
Đối tượng giáo dục của Khổng Tử rất khác nhau: có người nhiều tuổi, người ít
tuổi, có người giàu, có người nghèo, có nhiều người có tính cách và xu hướng chính trị
khác nhau. Thường ngày Khổng Tử quan sát rất kỹ các học trò, ông từng nói: “Trò Sài
(Cao Sài tự Tử Cao) thì kém thông minh; trò Sâm (Tăng Tử) chậm lụt thật thà; trò Sư (Tử
Trương) thì hay chưng diện bề ngoài; còn trò Do (Tử Lộ) thì thô tục kém văn nhã” (Sài
giã ngu, Sâm giã lỗ, Sư giã tích, Do giã ngạn) [62, tr.168-169]. Trên cơ sở nắm vững tính
cách, trình độ, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm của từng người, ông mới đưa ra những nội
dung giáo dục phù hợp. Ông không thích áp đặt cách giáo dục cứng nhắc, rập khuôn sáo
rỗng mà ông luôn khuyến khích học trò phát huy sở trường, sở đoản, ý thích và khả năng
của từng người. Có thể thấy rõ điều này qua cách ông trả lời học trò về các nội dung
nhân, lễ, hiếu,…
Khi học trò hỏi về điều nhân, trả lời Nhân Hồi, Khổng Tử nói: nhân là là chế thắng
được bản thân mình thì thiên hạ sẽ coi mình là người nhân; Trả lời Phàn Trì, Khổng Tử
nói: Nhân là yêu người; lần khác Phàn Trì hỏi về nhân Khổng Tử trả lời: Nhân là thái độ
và dung mạo khiêm cung,... Trả lời Tử Trương, Khổng Tử nói Nhân là cung, khoan, tín,
mẫn, huệ….
Về việc thi hành đạo lý, khi Tử Lộ và Nhiễm Hữu cùng hỏi câu: “Như tôi nghe
được điều phải thì nên làm liền chăng?” thì Khổng Tử cũng căn cứ trên tính tình từng
người mà dạy. Khổng Tử trả lời Tử Lộ: “Ngươi còn cha anh, phải hỏi lại đã, lẽ nào nghe
được mà làm liền - Hữu phụ huynh tại, như chi hà kỳ văn tư hành chi?” Trái lại ông trả
lời Nhiễm Hữu: “Nghe được thì nên làm liền - Văn tư hành chi”. Khi Công Tôn Hoa
nghe, không hiểu tại sao Khổng Tử lại trả lời hai cách khác nhau liền hỏi thì Khổng Tử
trả lời: “Tính trò Cầu thì nhu nhược, nên ta phải đôn tới cho. Còn tánh trò Do thì cường
thắng, nên ta phải biết thối lại - Cầu giã thối, cố tấn chi. Do giã kiêm nhơn, cố thối chi”
[62, tr.172-173].
Khi dạy về đức Hiếu, cũng dựa vào tính tình từng người mà Khổng Tử trả lời một
nội dung khác nhau. Mạnh Ý Tử nhiều khi thất lễ với cha mẹ nên Khổng Tử dạy rằng:
không làm trái lẽ phải, trái với lễ. Mạnh Võ Bá tính tình gàn dở, coi thường tính mạng,
không thận trọng lấy thân nên khi Mạnh Võ Bá hỏi về Hiếu, Khổng Tử dạy: phải giữ gìn
thân thể khoẻ mạnh tránh nỗi lo của cha mẹ. Tử Du tuy biết nuôi cha mẹ nhưng lại không
có lòng hiếu kính nên Khổng Tử dạy: phải hiếu và kính với cha mẹ, nếu nuôi cha mẹ mà
không hiếu kính thì chẳng khác gì nuôi chó ngựa. Còn Tử Hạ có tính cau có nên Khổng
Tử dạy phải giữ hoà vui trong khi phụng dưỡng cha mẹ là đáng hiếu….
Từ những nội dung trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách giáo dục của Khổng Tử
rất tiến bộ so với thời đại ông. Trong phương pháp của Khổng Tử, ông nhấn mạnh đến
vai trò chủ thể của người học và tính linh hoạt của người dạy. Người thầy chỉ giữ vai trò
hướng dẫn và tạo điều kiện để học trò tự phát huy năng lực bản thân. Có thể nói, Khổng
Tử là người đầu tiên đề xuất và quán triệt phương pháp này và đã thu được những thành
công to lớn trong lĩnh vực giáo dục. Phương pháp này có ý nghĩa to lớn trong suốt quá
trình lịch sử phát triển giáo dục của Trung Quốc và cho đến nay vẫn còn giá trị thực tiễn
trong điều kiện giáo dục đòi hỏi người học làm trung tâm.
Phương pháp kết hợp học với suy nghĩ: Trong quá trình dạy học, Khổng Tử luôn
khích lệ học trò tự suy nghĩ, người thầy chỉ giữ vai trò hướng dẫn. Chính vì vậy, Khổng
Tử đòi hỏi học trò phải phát huy tính năng động, linh hoạt của mình để suy nghĩ ra vấn
đề. Có như vậy học trò mới phát triển được: “Học mà chẳng suy nghĩ thì chẳng được
thông minh. Suy nghĩ mà chẳng chịu học thì lòng dạ không được yên ổn - Học nhi bất tư,
tắc võng; tư nhi bất học, tắc đãi” [62, tr.22-23]. Khổng Tử không bao giờ giảng dạy một
cách chi tiết vấn đề học trò hỏi mà ông chỉ nói một cách khái quát mang tính gợi mở để
học trò tự suy nghĩ, người nào không chịu suy nghĩ thì dạy cũng vô ích: “Người nào
chẳng ra công tìm tòi, như làm việc chi, chẳng tự hỏi: tôi phải làm cách gì? Tôi phải làm
sao? Người như vậy, ta cũng chẳng có cách gì mà chỉ bảo cho được - Bất viết như chi hà?
Như chi hà giả? Ngô mạt như chi hà giã dĩ hỹ” [62, tr.146-147].
Như vậy, Khổng Tử rất chú ý đến tính chủ động, tích cực suy nghĩ của người học,
xoá bỏ sự thụ động trong việc tiếp thu tri thức. Ông đặt ra yêu cầu người học phải có lòng
yêu thích đạo lý, biết bực bội, uất ức tức giận vì sự kém cỏi của mình để có ý chí vươn
lên. Ông nói: “Kẻ nào chẳng phấn phát lên để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu
thông được. Kẻ nào chẳng rán lên để tỏ ý kiến mình, thì ta chẳng khai phát cho được. Kẻ
nào đã biết rõ một góc, nhưng chẳng chịu căn cứ vào đó để biết luôn ba góc kia, thì ta
chẳng dạy kẻ ấy nữa - Bất phẫn, bất khải; bất phỉ, bất phát. Cử nhứt ngung, bất dĩ tam
ngung phản, tắc bất phục giã” [62, tr.100-101]. Chỉ có như vậy thì người học mới có thể
hiểu được sự vật, mới biết ít hiểu nhiều, học một biết mười. Đối với việc học, suy nghĩ là
một khâu không thể thiếu được, nó là tiền đề cần thiết cho sự tiếp tri thức của người học.
Bản thân Khổng Tử cũng thừa nhận ông không phải là biết hết mọi thứ một cách dễ dàng
mà là quá trình đào sâu suy nghĩ, đi từ biết ít đến biết nhiều: “Này Tứ (Tử Cống)! Ngươi
cho rằng ta nhờ học nhiều mà nhớ hết phải chăng?... Chẳng phải vậy. Ta nhờ để tâm quan
sát, bắt một mối mà thông suốt tất cả” (Tứ giã, nhữ dĩ dư vi đa học nhi chí chi giã dư?...
Phi giã. Dư nhứt dĩ quán chi) [62, tr.238-239].
Trong mối quan hệ giữa học và suy nghĩ, theo Khổng Tử, thì học có vai trò quyết
định. Ông nói: “Trước đây, ta mảng trầm tư mặc tưởng mà trọn ngày quên ăn, trọn đêm
quên ngủ. Xét ra, sự ấy không mấy gì có ích cho ta. Chẳng bằng chậm học còn hơn”
(Ngô thường chung nhựt bất thực, chung dạ bất tẩm, dĩ tư. Vô ích. Bất như học giã) [62,
tr.250-251]. Ông cũng khuyên học trò không nên suy nghĩ quá nhiều, quá sâu xa mà thành
câu nệ, do dự, thiếu quả quyết, mà theo ông chỉ nên suy nghĩ hai lần là đủ “Tái tư khả hỹ” [62,
tr.76-77].
Như vậy, từ việc đặt ra yêu cầu học kết hợp với suy nghĩ, suy nghĩ gắn liền với
học, Khổng Tử đã nhận thấy mối quan hệ biện chứng giữa học với suy nghĩ, đã chỉ ra
được mối liên hệ giữa nhận thức cảm tính, trực quan với nhận thức lý tính. Ông đòi hỏi
học trò phải nghe nhiều, quan sát nhiều từ đó có cơ sở để suy nghĩ sâu rộng, nhưng cái gì
còn nghi ngờ thì phải trừ lại để hỏi cho rõ ràng, cái gì đã nghe thấy, trông thấy thì phải
thận trọng trong nói và làm. Có như vậy mới đảm bảo tính tinh thần trung thực, khách
quan trong quá trình học tập và tiếp thu tri thức và thực hành đạo. Ở đây, Khổng Tử ít
nhiều đã coi trọng nhận thức cảm tính, nhưng ông cũng khẳng định nhận thức đó chỉ
đúng khi người ta biết suy nghĩ và hoài nghi về những gì mà giác quan đem lại. Bằng
cách đó, Khổng Tử đã khơi gợi và kích thích tư duy của học trò vận động linh hoạt trên
cơ sở thực tiễn phong phú và sinh động.
Phương pháp kết hợp học với tập: là phương pháp kết hợp học với việc tập luyện,
thực hành những điều đã học và đem tri thức đã học vận dụng vào cuộc sống. Đây là tư
tưởng nhất quán trong thực tiễn giáo dục của Khổng Tử. Ông dạy học trò phải luôn luyện tập
và không được quên những điều đã học được. Ông yêu cầu học trò phải củng cố những kiến
thức đã học bằng cách thực hành ngay chứ không phải bằng cách ôn luyện trong sách vở, ở
câu văn, lời nói của thầy. Học và hành là những công đoạn rất quan trọng trên con đường đi tới
Đạo của người học. Chính vì thế, Khổng Tử luôn nêu cao tinh thần học phải hành. Ông nói: “Kẻ
học đạo lý mà thường ngày luyện tập cho tinh thông, nhuần nhã, há không lấy đó làm vui sao”
(Học nhi thì tập nhi, bất diệc duyệt hồ) [62, tr.4-5]. Nếu học đem lại cho người học tri thức
thì tập đem lại cho người học sự nhuần nhuyễn, linh hoạt và sâu sắc hơn về những tri thức đã
học.
Chính vì sự quan trọng của việc “tập” nên Tăng Sâm trong một ngày thường
xuyên tự xét mình về việc luyện tập: “Đạo lý do thầy truyền dạy, ta có học tập hay
chăng” (Truyền, bất tập hồ) [62, tr.4-5]. Thông qua sự luyện tập, người học dần dần làm
chủ những tri thức của mình, tạo thành thói quen và kinh nghiệm giúp cho việc nắm kiến
thức dễ dàng và sâu sắc hơn. Luyện tập thường xuyên, người học hiểu sâu hơn và nắm
vững hơn những điều đã học. Và khi người học đã nắm chắc những tri thức đã học thì sẽ
có sơ sở để hiểu biết thêm nhiều tri thức mới. Vì thế Khổng Tử nói: “Người nào ôn lại
những điều đã học, do nơi đó mà biết thêm những điều mới, người ấy có thể làm thầy
thiên hạ đó” (Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ) [62, tr.20-21].
Phương pháp học kết hợp với hành: Khổng Tử yêu cầu học trò học phải gắn
với hành, tức là phải vận dụng những kiến thức đã học vào trong cuộc sống. Tri thức
lý luận chỉ nêu ra những nguyên tắc định hướng còn thức hành mới giúp cho người
học đạt đạo. Theo Khổng Tử, nếu chỉ biết thế nào là Nhân, Lễ, Trí, Tín mà không thực
hành thì đó mới chỉ là cái biểu hiện hời hợt bên ngoài, không có ý nghĩa, nên ông đòi
hỏi học trò phải thực hành những điều đã học được với những người khác như với
vua, với cha mẹ, với anh em, với bạn bè. Khổng Tử nói: “Đức hạnh chẳng trau dồi,
học vấn chẳng giảng cứu cho tinh tường, nghe biết điều nghĩa mà chẳng làm theo, tự
mình có điều chẳng phải mà không hay sửa đổi, đó là những việc mà ta lấy làm lo
vậy” (Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỹ, bất thiện bất năng cải,
thị ngô ưu giã) [62, tr.98 - 99]. Khổng Tử rất phản đối việc học đơn thuần, tức là học
để cho biết. Theo Khổng Tử học không chỉ để mở mang thêm kiến thức mà học còn là
để sửa mình, học là để biết làm người, cho nên việc học và hành rất quan trọng. Ông
nói: “Người ta lấy lời phép tắc mà chỉ bảo cho mình, mình há không nghe theo sao?
Chẳng những mình nghe theo, mà mình phải sửa lỗi mới quý … nghe theo mà chẳng
sửa lỗi, người như thế ấy, ta chẳng có cách nào đối với họ nữa” (Pháp ngữ chi ngôn,
năng vô tùng hồ. Cải chi vi quý … tùng nhi bất cải, ngô mạt như chi hà gĩ dĩ hỹ) [62,
tr.177-178]. Theo Khổng Tử, hàng ngày học bao nhiều điều hay, bao nhiêu lẽ phải
nhưng nếu không đem những điều đã học thực hành vào cuộc sống thì những điều đã
học là những điều sáo rỗng, vô ích:
Như có ai đã đọc thuộc hết ba trăm thiên trong Kinh Thi, được bực Quốc
Trưởng trao quyền hành chính cho mình, nhưng cai trị chẳng xuôi; được phái đi sứ
đến các nước ở bốn phương, nhưng tự mình chẳng có tài ứng đối; người ấy dẫu học
nhiều, nhưng có biết dùng tài học của mình chăng? (Tụng thi tam bá, thọ chi dĩ
chính, bất đạt; sứ ư tứ phương, bất năng chuyên đối; tuy đa, diệc hề dĩ vi) [62,
tr.200-201].
Như vậy theo Khổng Tử, học mà tiếp thu tốt thì suy nghĩa (tư) mới cẩn thận và
thông suốt, suy nghĩ thận trọng thì luyện tập (tập) mới nhanh thuộc, luyện tập thành thạo
thì thực hành mới có hiệu quả. Vì vậy, học - tư - tập - hành là những công đoạn hết sức
quan trọng của quá trình tiếp thu và vận dụng tri thức. Đây là một đóng góp rất quan
trọng của Khổng Tử cho giáo dục về khía cạnh phương pháp. Tuy nhiên, Khổng Tử chỉ
dạy học trò Học, Tư, Tập, Hành ở phương diện đạo đức, giao tiếp, lễ nghi, mà không dạy
học trò về các lĩnh vực lao động sản xuất - lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội.
Đây cũng là hạn chế trong nội dung giáo dục và trong quan niệm Học và Hành của ông.
Phương pháp nêu gương: Đây là một phương pháp và là một yêu cầu quan trọng
trong giáo dục của Khổng Tử. Người thầy không chỉ có kiến thức cao thâm thì có thể dạy
học trò giỏi, mà muốn học trò giỏi còn đòi hỏi ở người thầy tư cách và phẩm chất cao đẹp
làm gương cho học trò noi theo, từ đó mỗi lời thầy giảng mới trở thành “tiên chỉ” để học
trò phấn đấu thành tài. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Khổng Tử là minh chứng cho tấm
gương mẫu mực của người thầy.
Theo Khổng Tử, nhân cách của người thầy có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với
người học, người học nhìn vào tấm gương người thầy mà tin rằng những điều thầy dạy là
chân lý, là những điều tốt đẹp. Cho nên, để trở thành tấm gương cho học trò thì người
thầy phải là người phải đi trước. Người thầy muốn dạy học trò điều gì thì thầy phải là
người làm điều đó trước đã để chứng minh điều đó là đúng đắn: “Mình muốn dạy người
ta điều gì, trước hết mình hãy làm điều đó đi. Rồi cứ theo đó mà dạy” (Tiên hành kỳ
ngôn, nhi hậu tùng chi) [62, tr.20-21]. Diễn ra thì ý Khổng Tử muốn nói là người thầy
muốn quở trách học trò điều gì, trước hết người thầy đừng phạm điều ấy. Người thầy
muốn khuyên học trò làm điều gì, trước hết người thầy phải làm cho xong điều đó. Như
vậy mới làm thầy người ta được.
Trên nguyên tắc đó, những gì Khổng Tử dạy người khác thì ông đã làm trước bằng
chính cuộc đời và sự cố gắng vươn lên của bản thân. Tiểu sử của ông cho thấy, ông xuất
hiện không phải như một vị thánh từ trên trời, hay như một hiền triết siêu phàm mà chỉ là
một người bình dị như bao người khác đầy nhân tính, vẫn có những tham vọng, thành
kiến, yếu đuối và sai lầm, nhưng ông đã tự sửa mình theo những chuẩn mực mà ông đặt
ra để rồi sau này ông giảng lại cho người khác: “Như bậc thánh và Nhân thì ta há dám?
Nhưng làm mà không chán, dạy người mà không mỏi, ta chỉ có thể gọi được như vậy mà
thôi” (Nhược Thánh dữ Nhân, tắc ngô khởi cảm? Ức vi chi bất yếm, hối nhơn bất quyện,
tắc khả vi vân nhĩ dĩ hỹ) [62, tr.116-117]. Khổng Tử không nhận mình là người có trí tuệ,
cũng không nhận mình là người có nhân để dạy tri thức và dạy lòng lành, để thi ân bố
đức cho đời, ông chỉ nhận mình là có chí, có quyết tâm và ông truyền lại cho học trò ý chí
và quyết tâm mà thôi. Mặc dù vậy, người đời vẫn thừa nhận những công lao vĩ đại của
ông và gọi ông bậc Thánh, bậc Nhân.
Phương pháp nêu gương không chỉ được sử dụng trong dạy học trò, mà Khổng Tử
còn dùng để dạy những người làm quan. Theo Khổng Tử, người trên có làm gương cho
người dưới thì mới dạy bảo được người dưới, mới trị được người dưới và mới cai trị được
thiên hạ. Ông nói: “Như người nào đã sửa trị lấy mình, thì đứng ra cai trị có khó gì? Nhược
bằng mình chẳng có thể sửa trị lấy mình, làm sao cai trị dân cho được” (Cẩu chính kỳ thân
hỹ, ư tùng chính hồ, hà hữu? Bất năng chính kỳ thân, như chính nhơn hà) [62, tr.204-205].
Người làm quan làm gương cho dân không chỉ dạy dân, trị dân mà còn làm cho dân tin. Làm
cho dân tin vào bậc cầm quyền là điều khó nhất và quan trọng nhất trong trị nước. Cho nên,
khi trả lời Tử Cống, trong ba thứ quan trọng của nhà cầm quyền gồm lương thực, binh lực và
dân tin điều gì quan trọng nhất thì Khổng Tử trả lời là dân tin. Bởi vì, theo ông, “dân không
tin nhà cầm quyền thì chính quyền sẽ sụp đổ” (Dân vô tín bất lập) [62, tr.184-185]. Nếu bậc
cầm quyền tự sửa mình làm gương cho dân thì dân sẽ theo đó mà trở nên tốt đẹp, việc trị
nước từ đó mà cũng trở nên dễ dàng hơn: “Nếu nhà cầm quyền tự mình giữ theo chính đạo,
chẳng đợi ra lệnh, dân cũng ăn ở trúng phép; còn như tự mình chẳng giữ theo chính đạo, dẫu
có ra lệnh buộc dân theo, họ cũng không theo” (Kỳ thân chính, bất lệnh, nhi hành; kỳ thân
bất chính, tuy lệnh, bất tùng) [62, tr.200-201].
Như vậy, những cống hiến mà Khổng Tử đóng góp cho lịch sử tư tưởng giáo dục
thế giới là vô cùng to lớn. Ông đã đặt ra phương pháp giáo dục từ hai phía cả người thầy
và người học. Người thầy là người hướng dẫn, gợi mở, tạo hứng thú, kích thích người
học nghiên cứu và là tấm gương cho người học noi theo; còn người học thì phải suy nghĩ,
luyện tập, thực hành những vấn đề đã tiếp thu. Đặc biệt, Khổng Tử đã chỉ ra được mối
quan hệ biện chứng giữa Học - Tư - Tập - Hành trong giáo dục. Những tư tưởng về
phương pháp giáo dục của Khổng Tử đã được thực tiễn lịch sử giáo dục cũng như lý luận
giáo dục phương Đông nói riêng và thế giới nói chung kiểm chứng. Có thể nói, những
phương pháp giáo dục được Khổng Tử nêu ra có giá trị thực tiễn đến ngày hôm nay.
1.3. NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ TRONG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC
CỦA KHỔNG TỬ
Không ai có thể phủ nhận sự ảnh hưởng to lớn của Khổng Tử đối với sự phát triển
của Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, những
ảnh hưởng đó không đơn thuần chỉ là những ảnh hưởng mang tính tích cực mà có cả
những ảnh hưởng tiêu cực. Điều này có nguyên nhân từ tư tưởng giáo dục của Khổng Tử,
bởi bên cạnh những tư tưởng tích cực thì tư tưởng của ông bộc lộ không ít hạn chế.
Những giá trị cũng như hạn chế này được thể hiện trong quan điểm của ông về đối tượng,
mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục.
Về mục đích giáo dục: như như đã trình bày ở trên, mục đích giáo dục của Khổng
Tử là nhằm truyền bá sâu rộng tư tưởng nhân nghĩa vào trong nhân dân, bao trùm của
Khổng Tử là nhằm đào tạo những con người phù hợp với địa vị xã hội mà mình có, nghĩa
là sống đúng với danh của mình. Nếu tầng lớp thường dân được giáo dục để biết phục
tùng người trên, thì người quân tử được giáo dục để làm người cai trị. Trong đó, Khổng
Tử ưu tiên cho mục tiêu đào tạo lớp người cai trị. Tư tưởng này của Khổng Tử có nhiều
yếu tố tích cực nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Chúng ta đều biết rằng muốn xây dựng
xã hội phồn vinh, phát triển thì yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất đó là con người, nhất
là những người hiền tài. Khổng Tử hiểu rõ vấn đề này, nên mục đích giáo dục của ông là
phát hiện và đào tạo những người hiền tài có tri thức và năng lực để cứu nước, giúp dân,
xây dựng một xã hội thái bình, thịnh trị. Tư tưởng đào tạo người hiền tài để tham gia
quản lý xã hội của Khổng Tử có giá trị ở chỗ nó đã đánh vào chế độ chuyên chế quý tộc
“thế khanh thế lộc” - quan chế và bổng lộc cha truyền con nối. Nêu lên đòi hỏi của xã hội
cần nhiều người tài giỏi để quản lý xã hội mà không cần để ý đến thành phần xuất thân.
Điều này là động lực tạo ra một xã hội học tập, mọi thành phần trong xã hội có thể lấy
học tập làm hy vọng để thay đổi số phận và địa vị của mình.
Bên cạnh những điểm tích cực đó, mục đích giáo dục của Khổng Tử cũng bộc lộ
nhiều hạn chế. Trước hết, đó là tư tưởng coi thường người dân. ông luôn đánh giá thấp khả
năng nhận thức của tầng lớp dưới so với bậc quan lại và quý tộc. Do vậy, việc giáo dục họ
chỉ là để họ biết nghe lời nhà cầm quyền. Bên cạnh đó, Khổng Tử cũng không thấy được sức
mạnh của tầng lớp mới lên. Không thừa nhận địa vị của chư hầu, các quan đại phu. Chính
điều đó làm cho tư tưởng của ông đi đâu cũng không được trọng dụng đến nỗi ông phải than
rằng: "đạo của ta chẳng ai dùng”, “chẳng ai biết ta”, “biết ta chăng chỉ có trời”… Hơn nữa,
do không thấy được sự suy sụp của nhà Chu là một tất yếu lịch sử cho nên ông vẫn lấy việc
khôi phục lại chế độ tông pháp nhà Chu làm mục đích giáo dục của mình. Cũng chính từ mục
tiêu giáo dục gắn liền và xoay quanh mục đích chính trị, cho nên nó không tránh khỏi hạn chế là
bó buộc con người trong khuôn khổ chật hẹp của những mối quan hệ đã được định sẵn. Xây
dựng con người theo hướng thích hợp với trật tự xã hội phong kiến đã làm thui chột khả năng
sáng tạo của con người, hướng mục đích của việc học chủ yếu là để đỗ đạt và ra làm quan.
Về đối tượng giáo dục: với tư tưởng “hữu giáo vô loài”, có thể nói, Khổng Tử là
người đầu tiên chủ trương “bình dân” trong giáo dục. Mặc dù chế độ chiếm hữu nô lệ ở
Trung Quốc không khắc nghiệt như ở Ấn Độ hay Phương Tây, nhưng việc Khổng Tử chủ
trương xây dựng một nền giáo dục cho tất cả mọi người không phân biệt giai cấp, đẳng
cấp, giàu nghèo là một điểm hoàn toàn mới. Ông đã vượt qua đẳng cấp, danh phận trong
xã hội để góp phần đưa sự nghiệp giáo dục con người đến với mọi lớp người ở mọi phạm
vi và trình độ. Ông đã phá vỡ đặc quyền của tầng lớp quan lại, quý tộc làm cho giáo dục
mang tính chất phổ cập bình dân. Chính vì vậy, tư tưởng “hữu giáo vô loài” của ông “Nó
cũng có ý nghĩa như cuộc cách mạng của Thích ca để san bằng các tập cấp ở Ấn Độ” [56,
tr.28]. Từ sau Khổng Tử trở đi, các nhà Nho cũng chủ trương mở rộng đối tượng giáo dục
xuống tầng lớp thứ dân nhằm truyền bá đạo lý làm người theo quan niệm của Nho giáo
và nhằm kén chọn nhân tài tham gia vào các công việc chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tiến bộ thì quan niệm về đối tượng giáo dục
của Khổng Tử cũng còn nhiều điểm mâu thuẫn và hạn chế. Đó là, dù coi giáo dục là
bình đẳng giữa mọi người nhưng trong giáo dục Khổng Tử lại phân biệt từng loại
người khác nhau, từng trình độ khác nhau. Việc phân biệt từng loại người với những
phẩm chất và năng lực khác nhau cho thấy hạn chế về mặt lịch sử mà bản thân ông
chưa vượt qua được. Chính quan niệm có hạng người sinh ra đã biết trở thành chỗ dựa
cho giai cấp thống trị lợi dụng, khai thác buộc dân chúng phải tin rằng: tầng lớp đứng
đầu cai trị trong xã hội ngay từ khi được sinh ra đã hiểu rõ đạo lý nên có thể gánh vác
giang sơn, bình định được thiên hạ. Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện tư tưởng coi
thường phụ nữ. Trong tư tưởng của ông, phụ nữ không thuộc đối tượng được giáo dục.
Ông quan niệm: “phụ nữ và tiểu nhân là hai hạng người khó ở cho vừa lòng nhất. Gần
họ thì họ khinh nhờn. Xa họ thì họ oán trách” (Nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã.
Cận chi, tắc bất tốn; viễn chi tắc oán) [62, tr.282-283]. Vị trí của phụ nữ là ở trong nhà và
bếp núc, lo nuôi sống và phục vụ gia đình.
Tóm lại, với tư tưởng “hữu giáo vô loài”, Khổng Tử đã để lại trong lịch sử nhân
loại một quan niệm to lớn: mọi người đều có quyền được giáo dục và xã hội cần giáo dục
cho tất cả mọi người. Ông cũng thể hiện là một tấm gương dạy học vì lòng yêu thương
con người chứ không vì tư lợi cá nhân. Tiếc rằng tư tưởng “hữu giáo vô loài” của ông
không được thực hiện trọn vẹn nhưng tư tưởng đó sẽ trở thành phương châm giáo dục
tích cực cho sự phát triển của giáo dục sau này.
Về nội dung giáo dục: nội dung chủ yếu mà Khổng Tử muốn truyền dạy cho mọi
người là giáo dục “đạo làm người”. Trong bối cảnh hỗn loạn của thời kỳ Xuân Thu -
Chiến Quốc khi trật tự xã hội bị đảo lộn, đạo đức bị suy đồi, nhân luân bị xáo trộn… thì
việc Khổng Tử đưa ra nội dung giáo dục đạo đức cho con người là hết sức quan trọng và
có ý nghĩa to lớn nhằm thiết lập lại sự ổn định của xã hội. Khổng Tử coi trọng dạy luân
lý, đạo đức cho con người, giúp con người sống hoà thuận trong các mối quan hệ xã hội
mà mình có. Điều này cũng phù hợp với mục đích
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LUẬN VĂN- Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử với việc xây dựng con người mới ở nước ta hiện nay.pdf