Luận văn Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay

Tài liệu Luận văn Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay: LUẬN VĂN: Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Những năm gần, đây nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế, nhiều vấn đề xã hội phức tạp cũng nảy sinh, đặc biệt trong đó phải nói đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài các tôn giáo có lịch sử lâu đời, nhiều loại hình tôn giáo mới nảy sinh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của nước ta. Trong bối cảnh xã hội mới, Đảng ta đã và đang thực hiện việc đổi mới chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của một bộ phận nhân dân, đồng thời giữ vững ổn định xã hội, tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển đất nước. Lào cai là một tỉnh vùng cao biên giới và là một trong những địa bàn cư trú lớn nhất của đồng bào người Hmông ở Việt Nam. Người Hmông được các nhà khoa học coi như một cộng đồ...

pdf108 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1200 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Những năm gần, đây nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế, nhiều vấn đề xã hội phức tạp cũng nảy sinh, đặc biệt trong đó phải nói đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài các tôn giáo có lịch sử lâu đời, nhiều loại hình tôn giáo mới nảy sinh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội của nước ta. Trong bối cảnh xã hội mới, Đảng ta đã và đang thực hiện việc đổi mới chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của một bộ phận nhân dân, đồng thời giữ vững ổn định xã hội, tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển đất nước. Lào cai là một tỉnh vùng cao biên giới và là một trong những địa bàn cư trú lớn nhất của đồng bào người Hmông ở Việt Nam. Người Hmông được các nhà khoa học coi như một cộng đồng “đặc biệt”, có nhiều nét đặc thù trong lịch sử và lối sống được thể hiện trong văn hóa mưu sinh và ứng xử, ý thức cộng đồng, tâm lý tộc người… Đặc biệt, tín ngưỡng của người Hmông chiếm một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng này. Tín ngưỡng, tôn giáo của người Hmông không chỉ đơn thuần là những sinh hoạt văn hoá tâm linh, mà còn là một thành tố cốt lõi tạo nên sự cố kết bền vững của dân tộc, nó giúp cho người Hmông luôn gắn bó với văn hóa cội nguồn và tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù của người Hmông. Tuy nhiên, những năm gần đây, một bộ phận người Hmông ở Lào Cai rộ lên hiện tượng từ bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những phong tục văn hóa, lối sống cổ truyền của dân tộc mình để theo Vàng Trứ và các đạo lạ khác. Cùng với việc từ bỏ giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc là làn sóng di dân tự do, rời bỏ quê hương làng quán, gây xáo trộn trong nhận thức cũng như trong đời sống của nhân dân nói chung, của người Hmông Lào Cai nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, gắn vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng với vấn đề dân tộc để chống phá đất nước ta. Người Hmông ở Tây Bắc nói chung, ở Lào Cai nói riêng với sinh hoạt tín ngưỡng của họ cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch đang nhắm đến trong chiến lược diễn biến hoà bình đối với Việt Nam. Đứng trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương có người Hmông sinh sống cần có những chính sách gì để vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào, vừa đảm bảo ổn định khu vực và anh ninh quốc gia. Để giải quyết được vấn đề nêu trên, trước hết đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nghiên cứu, tìm ra những đặc thù trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Hmông, cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của họ trong thời kỳ mới, từ đó mới có thể có được những quyết sách cho phù hợp. Xuất phát từ yêu cầu thực tế nêu trên, tôi chọn đề tài “Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay” hiện nay làm luận văn thạc sỹ chuyên ngành tôn giáo học. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Những năm gần đây, đã có nhiều công trình khoa học liên quan đến đề tài của tác giả như: Vương Quỳnh Anh (1962), "Vấn đề tên gọi dân tộc Mèo", Tạp chí Dân tộc của Ban Dân tộc Trung ương Đảng, (36); Ban Dân tộc Miền núi Lào Cai (2000), Báo cáo tổng kết công tác tôn giáo, dân tộc từ năm 2000 đến 2007; Ban Dân vận Tỉnh uỷ Lào Cai (2008), Báo cáo tổng kết về công tác dân vận từ năm 2000 đến 2007; Phạm Đức Dương (1995), Về vị trí mối quan hệ giữa nhóm Hmông - Dao và các nhóm ngôn ngữ Đông Nam á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội; Bế Viết Đắng (1978), Dân tộc Mèo - Các dân tộc ít người ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội;Lê Sỹ Giáo (1995), "Quản lý xã hội cấp cơ sở ở các vùng nông thôn thiểu số miền núi Việt Nam", Thông tin lý luận; Đỗ Quang Hưng (2002), Những biểu hiện mới của vấn đề tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số của nước ta hiện nay (vài phân tích có tính phương pháp luận), Phòng tư liệu - Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Đỗ Quang Hưng, Vương Duy Quang (2002), Những vấn đề cấp bách về tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số của nước ta hiện nay (Khảo sát tại Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc): Kiến nghi (luận điểm và giải pháp), Phòng tư liệu - Thư viện Viện Nghiên cứu Tôn giáo; TS. Vũ Ngọc Kỳ (2004), Văn hóa Mông ở Hà Giang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hó; Lemone J. (1984), Tang ca Hmông - Pari(bản dịch lưu trữ Bảo tàng Lào Cai); Văn Lê (1993), "Từ đài FEBC đến vấn đề “Vàng Chứ”, đạo Kitô trong dân tộc Hmông ở nước ta", Tạp chí Công an nhân dân, (11); Hà Lý (2003), Hỏi đáp về Tôn giáo và chính sách Tôn giáo, (sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội;Michaud, J (1998), Bước đầu về lịch sử tộc người ở người Hmông Sa Pa, Việt Nam - Một nghiên cứu đáng chú ý, Khoa Nghiên cứu về Đông Nam á, Đại học Tổng hợp Hull, Vương quốc Anh; Morechan G. (1921), Những đặc điểm chủ yếu của thuật Sa man của người Mèo trắng ở Đông Dương; Vương Duy Quang (2005), Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam, truyền thống và hiện tại, Nxb Văn hóa - thông tin và Viện Văn hóa; TS. Trần Hữu Sơn ( 1996 ), Văn hóa Hmông, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội; Lâm Tâm (1961), "Lịch sử di cư và tên gọi của người Mèo", Tạp chí Nghiên cứu lịch sử; Doãn Thanh (1974), Dân ca Hmông, Ty Văn hóa Láo Cai xuất bản; Doãn Thanh (1993), Truyện cổ Mèo, Nxb Văn học, Hà Nội; TS. Nguyễn Ngọc Thanh (1993), Những quy ước của người Mông; TS. Ngô Hữu Thảo (2004 ), Tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông và sự xâm nhập của đạo Tin Lành hiện nay; Lục Bình Thúy (1997), Quan hệ xã hội dân tộc Mèo ở SaPa (Tư liệu nghiên cứu lịch sử Đảng Lào Cai ký hiệu A17C); Tỉnh uỷ Lào Cai (2006), Người Mông Lào Cai và một số giải pháp, kiến nghị về xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào mông hiện nay, Lào Cai; Tocarev X.A (1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; Viện Nghiên cứu Chính sách Dân tộc và Miền núi (2002), Vấn đề dân tộc và định hướng xây dựng chính sách dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; Viện Nghiên cứu Tôn giáo (1998), Những vấn đề liên quan đền hiện tượng “Vàng Trứ”, Hà Nội; Viên nghiên cứu tôn giáo (1998), Những kiến nghị cho giải pháp vấn đề người Hmông theo đạo Vàng Trứ hiện nay, Hà Nội; Đặng Nghiêm Vạn (1990), "Vấn đề xưng Vua và truyền đạo Thiên chúa ở vùng đồng bào Hmông", Tạp chí khoa học Công an, (10); Đặng Nghiêm Vạn - Nguyễn Hồng Dương - Vương Duy Quang (2000), Về tình hình phát triển của đạo tin lành ở mièn núi phía bắc, Trường Sơn, Tây nguyên, Hà Nội; Lê Trung Vũ (1994), Tục ngữ và câu đố Hmông, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội. Những công trình khoa học nói trên đã đi sâu phân tích, đánh giá các hoạt động của cộng đồng người Hmông trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội kể cả lịch sử di cư và khu vực cư trú. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu vấn đề: “Tín ngưỡng người Hmông ở Lào Cai”. Chính vì vậy thành quả nghiên cứu của các tát giả đi trước là những tư liệu quan trọng để tác giả hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu - Mục đích: Luận văn góp phần làm rõ thực trạng tín ngưỡng của người Hmông ở Lào Cai những năm gần đây, từ đó đề xuất các giải pháp để giải quyết tốt vấn đề tín ngưỡng của người Hmông nhăm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở tỉnh Lào Cai và khu vực. - Nhiệm vụ: + Nghiên cứu đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của người Hmông ở Việt Nam. + Nghiên cứu thực trạng và những vấn đề đặt ra từ sinh hoạt tín ngưỡng của người Hmông Lào Cai hiện nay. + Đề xuất các giải pháp để giải quyết tốt vấn đề tín ngưỡng của người Hmông nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở tỉnh Lào Cai và khu vực. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn - Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: Tín ngưỡng của người Hmông. - Phạm vi nghiên cưu của luận văn là: Tín ngưỡng của người Hmông ở tỉnh Lào Cai hiện nay. 5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: Lịch sử và lôgic, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, phân tích và tổng hợp, đồng thời coi trọng công tác điều tra khảo sát thực tiễn. 6. Đóng góp mới về mặt khoa học của luận văn - Góp phần làm rõ, sâu sắc hơn nữa tín ngưỡng người Hmông ở tỉnh Lào Cai trong điều kiện hiện nay - Đề xuất những giải pháp, định hướng trong lĩnh vực quản lý tín ngưỡng, tôn giáo và những ứng xử phù hợp với người người Hmông. - Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng của các trường và các ban ngành của tỉnh Lào Cai. Đồng thời luận văn còn có thể góp phần vào cơ sở lý luận cho việc giải quyết vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng trong thực tiễn của tỉnh Lào Cai hiện nay. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu thành 3 chương 7 tiết Chương 1 người Hmông ở việt nam và người hmông ở lào cai 1.1. Người Hmông ở việt nam 1.1.1. Điều kiện tự nhiên và hoạt động kinh tế – xã hội của người Hmông ở Việt Nam * Lịch sử di cư và khu vực cư trú Người Hmông di cư từ phía Bắc vào Việt Nam khá muộn so với các dân tộc khác. Họ đến bằng nhiều đợt với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu dân tộc học đặc biệt là các công trình nghiên cứu về lịch sử cư trú của người Hmông Việt Nam, chúng ta có thể phân những đợt di cư đó thành ba giai đoạn chủ yếu. Giai đoạn sớm nhất được bắt đầu cách đây khoảng 350 năm (14 đời người). Đó là nhóm Hmông đầu tiên từ Quý Châu xuống Vân Nam (Trung Quốc) rồi vào vùng đất Mèo Vạc, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang (Việt Nam). Những người già Hông còn nhớ rằng, sau khi rời Quý Châu tổ tiên của người Hmông gọi là Pàng Tàu Làng, đó chính là phủ Khai Hoa, một vùng đất của Châu Vân Sơn thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày nay. Giai đoạn thứ hai cách đây trên 200 năm (khoảng 10 đời người), đây là giai đoạn người Hmông di cư đến đông nhất. Họ vào theo hai hướng chính. Một hướng tiếp tục tràn vào cao nguyên Đồng Văn rồi đi sang Bảo Lạc (Cao Bằng), Bắc Mê, Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang)… Một hướng vào vùng đất Xi Ma Cai và Mường Khương rồi xuống Văn Bàn (Lào Cai), Phong Thổ, Sìn Hồ, Điện Biên (Lai Châu)… Giai đoạn thứ ba cách đây chừng 150 năm (khoảng 6 đến 7 đời người), người Hmông tiếp tục vào Viện Nam theo các đường Phong Thổ (Lai Châu), Xi Ma Cai và Mường khương (Lào Cai). Từ đây họ đi sâu vào vùng Tây Bắc, đến Tủa Chùa, Tuần Giáo (Lai Châu), Thuận Châu, Sông Mã (Sơn La). Một bộ phận từ Mù Căng Chải sang Bắc Yên, Phù Yên rồi xuống vùng núi Mộc Châu (Sơn La) và điểm dừng cuối cùng là vùng núi tây Thanh Hóa. Cũng trong thời gian này, một nhóm người Hmông ở Xiêng Khoảng (Lào) đã tràn vào vùng núi Thanh - Nghệ và cư trú tập trung ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An. Có thể thấy, thứ nhất: Quá trình di cư của người Hmông luôn mang tính dòng họ và lịch sử di cư của dân tộc này luôn gắn liền với lịch sử di cư của các dòng họ. Thậm chí, chỉ cần nghe bài cúng “chỉ đường” cho người chết về với tổ tiên của các dòng họ là ta có thể biết nguồn gốc của họ bắt đầu từ nơi nào (bởi lẽ đơn giản, thầy cúng của các dòng họ bao giờ cũng phải cúng đưa hồn người chết của dòng tộc qua các miền đất mà họ đã sinh sống, đến tận vùng đất cuối cùng mà họ còn nhớ, và từ đó hồn người chết mới lên trời về “đất tổ tiên”). Thứ hai: Không chỉ người Hmông ở cao nguyên Đồng Văn mà nhiều nhóm Hmông từ biên giới đến nội địa, từ Bắc, Đông Bắc sang Tây Bắc Việt Nam đều nhớ cái tên Pàn Tầu Làng, điều đó chứng tỏ địa danh này gắn bó chặt chẽ với lịch sử di cư của nhiều nhóm Hmông ở Việt nam. Thứ ba: Giai đoạn di cư thứ nhất và thứ hai là quá trình hình thành những vùng Hmông chính ở Việt nam. Đến thời điểm di cư ở giai đoạn ba, những vùng Hmông chủ yếu tiếp tục được củng cố và nhiều vùng Hmông khác được ra đời trở lên khá ổn định như ngày nay. Thứ tư: Quá trình di cư của dân tộc này vào Việt Nam thể hiện rõ niềm mong ước to lớn của họ là tìm được mảnh “đất Lành” để sinh sống và không biết từ bao giờ, đồng bào đã coi nơi này như quê hương mới của mình. Đồng thời, vùng đất Mèo Vạc (Hà Giang)- nơi lưu truyền có giếng nước thần - nơi người Hmông đến cư trú sớm nhất cũng được coi là quê hương của phần lớn của người Hmông ở Việt Nam. Quả thực, với hơn ba trăm năm gắn bó với miền đất này, những người Hmông đã tự khai sơn phá thạch dựng nên làng bản và trở thành một thành viên của đại gia đình các dân tộc Việt nam. Đồng bào đã sát cánh kề vai cùng các dân tộc láng giềng đổ mồ hôi và xương máu để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam của mình. Và giải cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc, nơi có người Hmông sống tập trung đông nhất, nơi còn lưu giữ được những yếu tố văn hóa cổ truyền nhất xứng đáng được coi là trung tâm văn hóa truền thống của người Hmông ở Việt Nam và Đông Nam á. Trước tháng 3 năm 1979, dân tộc Hmông ở Việt Nam được mọi người biết đến với tộc danh là Mèo. Lịch sử có ghi chép, người Mèo là một dân tộc sớm biết trồng lúa nước. Người Hán căn cứ vào nghề trồng trọt của người Mèo mà gọi họ là Miêu Tử. Chữ Miêu trong chữ tượng hình của người Hán bao gồm phần trên là chữ “thảo”, dưới là chữ “điền”, có nghĩa là “mầm mạ tốt”, từ đó dân tộc Miêu xuất hiện trong lịch sử. Mèo là cách gọi trực tiếp theo phiên âm của người Hán. Miêu là cách gọi theo phiên âm Hán - Việt. Tộc danh Mèo hay Miêu đều cho ta thấy tổ tiên của cư dân này sớm biết nghề làm ruộng và có nền văn hóa phát triển khá cao. Khi người Mèo di cư vào Việt Nam, họ vẫn mang theo tên gọi quen thuộc của mình. Hầu hết họ là một bộ phận tách ra từ nhóm Mèo dùng phương ngôn Hmông. Những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, các nhà khoa học xã hội Việt Nam đã nghiên cứu cơ bản khá công phu để xác định thành phần các dân tộc. Ngày 2 tháng 3 năm 1979, trên cơ sở kết quả điều tra nghiên cứu, có tham khảo ý kiến của các đại biểu người Mèo, theo đề nghị của ủy ban Dân tộc của Chính phủ, danh mục thành phần 54 dân tộc ở Việt Nam được chính thức công bố thay cho danh mục cũ gồm 62 dân tộc. Từ đó đến nay, dân tộc Mèo ở Việt Nam được gọi là Hmông. Tuy nhiên theo bảng danh mục đó, tộc danh Mèo vẫn có giá trị pháp lý như Hmông, giống như trường hợp tộc danh Việt hay Kinh ở người Việt, Chăm hay Chàm ở người Chăm, Hoa hay Hán ở người Hoa. Nếu chỉ căn cứ vào ý thức tự nhận của đồng bào thì ở Việt Nam hiện nay có tới cả chục nhóm Hmông bao gồm: Hmôngz Đơưz, Hmôngz Lênhx, Hmôngz siz, Hmôngz Njuôz, Hmôngz Đuz, Hmôngz Txeix, Hmôngz Đês, Hmôngz Puôs, Hmôngz Suô, Hmôngz Njil. Thật ra việc nhận định các nhóm Hmông bắt đầu khi nào thì đều ít người biết đến. Đã có ý kiến cho rằng, ban đầu cộng đồng người Hmông không hề có sự chia nhóm. Khi nhà Minh sắp ra đời, nhà nước phong kiến Trung Quốc mới bắt người Hmông mặc các loại váy, áo, quần khác nhau, nhất là về màu sắc, hi vọng sự phân biệt ấy tạo nên sự chia rẽ khối thống nhất của dân tộc Hmông . Đó là nguồn gốc của các nhóm Hmông ở Trung Quốc sau này. Lời lý giải ấy không biết là đúng hay sai, song hầu hết các nhà nghiên cứu về dân tộc này đều thống nhất cho rằng, dựa trên tiêu chí trang phục (váy, áo, quần truyền thống) và ngôn ngữ đặc biệt là âm ngữ và một phần ý thức tự nhận của đồng bào thì Việt Nam có 4 nhóm Hmông chính đang hiện diện là: Hmông Trắng (Hmôngz Đuz), Hmông Hoa (Hmôngz Lênhx), Hmông Đen (Hmôngz Đuz) và Hmông Xanh (Hmôngz Njuôz). Như vậy, Việt Nam duy nhất có đầy đủ 4 nhóm Hmông sinh sống ở khu vực Đông Nam á, bởi tại Lào và Thái Lan chỉ có Hmông Xanh và Hmông Trắng mà thôi. Phụ nữ Hmông Trắng ở Việt Nam mặc váy lanh để trắng, không thêu hoa văn; áo xẻ ngực có yếm, thường thêu thêm mảnh vải mầu ở giữa cánh tay. Váy phụ nữ Hmông Hoa nhuộm màu chàm, có in hoa văn bằng sáp ong hoặc thêu hao văn bằng chỉ màu và vải mầu ở phần gấu váy; có nhiều nơi họ để hao văn tới 2/3 váy. Thậm chí ở một số vùng, váy áo phụ nữ Hmông hoa trở lên rực rỡ bởi màu sắc của các hoa văn đều lấy gam màu đỏ là chủ đạo. áo của phụ nữ Hmông Hoa thường để cổ bẻ hoặc xẻ nách. Phụ nữ Hmông Đen thường mặc quần đen. Một số vùng họ mặc váy và thường để váy mang màu chàm đen ở nửa trên, nửa dưới để trắng hoàn toàn hoặc in những dòng kẻ đen nhỏ trên nền màu trắng của váy. áo của người phụ nữ Hmông Đen là loại áo xẻ nách, ống tay áo có viền nhiều mảng vải màu sáng trên nền đen. Phụ nữ Hmông Xanh cũng mặc váy bằng vải lanh nhưng mang màu chàm xanh hoàn toàn; một số trường hợp có thêu hoa văn ở gấu váy. áo của họ thường là loại áo xẻ ngực. Về ngôn ngữ, sự khác nhau trong từ vị cơ bản của bố nhóm người Hmông này là không lớn. Cuộc điều tra của Nguyễn Văn Chỉnh so sánh 2500 từ vị giữa nhóm Hmông Hoa và ba nhóm còn lại cho thấy, sự khác biệt lớn nhất với nhóm Hmông Xanh là 21,3% và hai nhóm còn lại là 4 - 7%. Có thể khẳng đinh, sự khác nhau trong trong phục cùng một phần ngôn ngữ là yếu tố phân định các nhóm Hmông. Song, sự khác nhau ấy không hề ảnh hưởng tới tính thống nhất từ văn hóa mưu sinh, văn hóa ứng xử đến văn hóa tâm linh của dân tộc này. Thậm chí, ngay trong địa vực cư trú, họ cũng không có sự phân biệt ranh giới về nhóm và các nhóm Hmông thường sống xen kẽ trong từng vùng, đôi khi trong một làng có vài ba nhóm Hmông cùng sinh sống. Tuy nhiên, về tổng thể người Hmông Trắng cư trú tập trung ở cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang), một phần các huyện Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai), Trạm Tấu (Yên Bái), Thuận Châu, Yên Châu (Sơn La) và tỉnh Cao Bằng. Ngươi Hmông Hoa sống chủ yếu ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai), Hoàng Sù Phì, Xín Mần (Hà Giang), Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên, Tủa Chùa. Người Hmông Đen sống tập trung ở Phong Thổ, Tủa Chùa (Lai Châu). Người Hmông Xanh chỉ có một số ít cư trú tại Tủa Chùa (Lai Châu), Văn Bàn (Lào Cai). Do có sự cư trú đan xen giữa các nhóm Hmông, việc vay mượn mô típ và cách trang phục của nhau là điều không tránh khỏi. Bởi vậy ở một số nơi, phụ nữ Hmông trong vùng đều có cách ăn mặc giống nhau mặc dù họ thuộc các nhóm Hmông khác nhau. Thậm chí, các nhóm Hmông nhỏ còn chịu ảnh hưởng cách phát âm của các nhóm Hmông chiếm đa số của vùng đó. Hơn thế , do chịu tác động của các tộc người lân cận, đã có trường hợp người Hmông ở một số nơi lấy một vài yếu tố trang phục hay khía cạnh văn hóa vật chất khác của dân tộc láng giềng làm của mình hoặc chịu ảnh hưởng ít nhiều yếu tố đó của họ Theo kết quả của tổng điều tra dân số năm 1999, người Hmông là dân tộc có dân số đứng thứ 8 trong tổ số 54 dân tộc ở Việt Nam, với dân số khoảng 800.000 người. Họ cư trú chủ yếu trên vùng núi cao của các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Cạn... Một số tỉnh có người Hmông sinh sống đông nhất là Hà Giang hơn 200.000 người; Lào Cai: hơn 110.000 người: Sơn La: gần 100.000 người: Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu): khoảng 140.000 người. Dựa trên nhiều yếu tố, có thể phân địa vực cư trú của người Hmông thành hai vùng lớn: Một là vùng biên giới Việt - Trung, tính từ phía bắc tỉnh Cao Bằng sang phía bắc tỉnh Lai Châu. Đây chủ yếu là khu vực núi đá, cây cối thưa thớt, rải rác có những mảnh rừng già; đất canh tác ít, thường thiếu nước uống và củi đun trong khi mật độ người Hmông ở khu vực này khá cao khoảng 70 - 90 người/ km2. Vùng thứ hai là vùng ven biên giới Việt - Lào, kéo dài từ phía tây tỉnh Lai Châu đến phía tây tỉnh Nghệ An. Khu vực này chủ yếu là vùng núi cao, thảm thực vật phong phú, có nhiều rừng rừng rậm và rừng già, đất canh tác khá nhiều; mật độ người Hmông cư trú khá thấp, khoảng 30 - 40 người/km2. Như vậy địa vực cư trú của người Hmông hầu hết là vùng địa hình bị chia cắt mạnh, núi non hiểm trở, giao thông khó khăn và đều năm trong vùng địa bàn quan trọng chiến lược về an ninh quốc phòng, vùng giàu tiềm năng khoáng sản, lâm thổ sản của đất nước. * Hoạt động kinh tế Sự di cư khá muộn của người Hmông vào Việt Nam là một yếu tố khiến dân tộc này chỉ có sự lựa chọn duy nhất là cư trú trên các dải núi cao, sống gắn bó với rừng và đất rừng cho dù họ có nguồn gốc là cư dân lúa nước. Hoàn cảnh đó đã làm cho nông nghiệp nương rẫy trở thành nền tảng kinh tế vô cùng quan trọng của người Hmông. + Kinh tế nương rẫy: Trước hết, nông nghiệp nương rẫy là nguồn cung cấp lương thực quan trọng nhất của họ. Có thể nói, với dân tộc này, chỗ nào làm được nương là chỗ đó họ gieo lúa, tra ngô. Ngô, lúa được người Hmông trồng ở khắp nơi, từ sườn núi, khe núi đến những vùng thung lũng hẹp trên núi cao, thậm chí ở cả những hốc đá tai mèo, nơi chỉ vừa đủ trồng một hốc ngô. Kinh tế nương rẫy không chỉ đảm bảo nguồn lương thực mà còn đáp ứng cho đồng bào các nhu cầu thiết yếu. Những nương đỗ, nương khoai, dưa, bí, bầu... là nguồn thực phẩm phong phú cho cuộc sống hàng ngày và để chăn nuôi. Nương lanh là nguồn sợi quan trọng giúp cho người phụ nữ Hmông dệt nên những mảnh vải bền chắc phục vụ cho nhu cầu mặc. Cho đến nay, người ta có thể mua vải hay dùng sản phẩm khác đổi lấy vải những cây lanh vẫn là cây lấy sợi truyền thống được duy trì và phát triển, bởi sơi lanh và vải lanh không chỉ gắn bó với họ trong đời sống vật chất mà còn đi váo thế giới tâm linh của dân tộc này. Thầy pháp Saman sẽ không thực hiện được chức năng của mình nếu không có sợi lanh; người chết sẽ không thể về với thế giới của tổ tiên nếu không được mặc bộ quần áo, váy bằng vải lanh để tổ tiên “nhận ra” họ..., đó là những minh chứng điểm hình về sự quan trọng của lanh đối với người Hmông. Theo quan niệm của nhiều dân tộc, Nương hay Nương rẫy là một mảnh đất rừng được chặt phá, đốt dọn. Được chọc lỗ hay xới lên để trồng trọt. Người Dao gọi đó là Tảy, người thái gọi là Hay, người Mường gọi là Roọng... với người Hmông, khái niệm Nương được đồng bào gọi là Têz và người ta định nghĩa về nó có phần đơn giản hơn, từ rất lâu đồng bào đã có câu: “Đất cũng có tên, chỗ nào cũng là đất, lấy dao phát được “một khóm” gọi là nương; chỗ nào cùng là đất, tra một cây xuống được gọi là nương có nghĩa là, chỉ cần phát được một “khóm nhỏ”, chưa phải là một khoảng rừng, thậm chí chỉ cần tra được một hốc ngô xuống cũng được gọi là nương. Người Hmông có nhiều cách phân loại nương dựa trên những tiêu chí khác nhau như: phân loại theo địa hình; phân loại theo giống cây trồng; phân loại theo tên rừng làm nương... Điều cần nói là, dù phân theo cách nào, họ cũng đều tập hợp chúng lại theo hai loại hình nương rẫy tương đương với hai mô hình kỹ thuật canh tác của đồng bào, đó là nương du canh (Têz phax) và nương định canh (Têz lâus). Nương du canh là loại nương không được sử dụng thường xuyên, liên tục. Theo tập quán truyền thống, người Hmông thường gieo trồng trên những mảnh nương này từ 3-5 vụ. Khi đất quá bạc màu, họ chuyển sang khai phá mảnh rừng mới, nương cũ để cho cây cỏ tái phát triển, sau 5 - 10 năm đồng bào mới quay lại canh tác và chu kỳ mới được tiếp tục. Đặc điểm nổi bật của lương du canh là kỹ thuật canh tác đơn giản, đất không được cầy xới, đồng bào thường dung gậy chọc lỗ tra hạt hoặc gieo vãi năng suất cây trồng thấp, không ổn định. Nương định canh là nương cố định của người Hmông. Đất trồng trọt được họ sử dụng liên tục từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác. Gắn liền với loại hình nương này là kỹ thuật canh tác dùng cầy, sử dụng phân bón, thâm canh, luân canh, xen canh; năng suất khá hơn, ổn định hơn. Nương du canh tập trung chủ yếu ở vùng biên giới Việt - Lào, nơi mật độ người Hmông thấp, có nhiều rừng và đất rừng để khai phá và nương định canh tập trung chủ yếu ở vùng biên giới Việt - Trung, nơi người Hmông vừa có ít đất canh tác, vừa có mật độ dân số cao. Như vậy người Hmông ở Việt Nam có hai loại hình nương rẫy mà kỹ thuật canh tác hoàn toàn trái ngược nhau. Đó là hai cách ứng xử ở cùng một dân tộc vào cùng một cảnh quan tộc người - một điều hiếm thấy ở các dân tộc khác. + Các nghề thủ công: Nền kinh tế tự cung tự cấp đã biến mỗi gia đình Hmông trở thành một đơn vị kinh tế độc lập. dưới mỗi nóc nhà ấy, họ tự làm ra mọi thứ thiết yếu phục phụ cho cuộc sống của mình trừ muối, dầu... và không biết từ bao giờ, người Hmông đã nổi tiềng với nghề thủ công như: đan lát; xe lanh dệt vải, in hoa văn bằng sáp ong; rèn đúc... với các sản phẩm vừa có chất lượng cao, vừa mang đậm yếu tố nghệ thuật, tình nhân văn và thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Nghề rèn đúc tồn tại và phát triển trong tất cả các làng Hmông. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng biết nghề này bởi nó không chỉ đòi hỏi yếu tố kỹ thuật, bí quyết kinh nghiệm mà cần đến cả bàn tay khéo léo của những người yêu thích công việc đó. Vì thế, nghề rèn đúc thường mang tính cha truyền con nối và mỗi làng cũng chỉ có 1 -2 gia đình thực sự thông thạo nghề này. Người ta nhớ đến nghề rèn ở dân tộc Hmông bởi kỹ thuật khoan ống thép làm lòng súng kíp, đúc lưỡi cầy để có thể cầy trên đỉnh núi và những con dao lưỡi sắc như nước dùng khi làm nương, lên rừng lấy củi hay sử dụng ở nhà... những sản phẩm đó được người đời gọi gắn với cộng đồng này một cách thân thiện: cày Mèo, dao Mèo, súng kíp Mèo Cũng như nghề rèn đúc, nghề dệt cũng phổ biến ở tất cả các làng người Hmông. Trong cuộc sống truyền thống của dân tộc này, bất kỳ người phụ nữ Hmông nào cũng phải biết trồng lanh, xe lanh dệt vải, biết kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong, thêu hoa văn bằng các loại vải màu, chỉ màu... và họ phải học tất cả điều đó ngay tư khi còn bé để khi trở thành thiếu nữ, họ có đủ khả năng tạo nên các tấm vải lanh, làm nên các bộ váy áo cho bản thân và cả gia đình, nhất là cho người chồng và gia đình bên chồng sau này. Lanh thường được gieo trồng trên mảnh đất tốt nhất của gia đình, đó là khoảng đất bố mẹ ưu tiên dành cho người con gái để họ thực hiện chức năng của mình. Hình ảnh người phụ nữ Hmông tay xe sợi thoăn thoắt trên đường đi nương, đi chợ... phổ biến ở tất cả các vùng Hmông và trở thành biểu tượng của đức tính cần cù và chăm chỉ của họ. Khi việc xe lanh bằng tay hoàn thành, người ta cho sợi lanh vào guồng quay bằng gỗ và trúc để xe sợi cho nhỏ và chắc hơn. Cuối cùng, sợi lanh được lắp vào khung cửi để dệt thành vải. Quá trình in hoa văn bằng sáp ong và thêu ghép những mảnh vải màu trên váy áo, là phần kỹ thuật cuối cùng thể hiện đôi tay khéo léo của người phụ nữ Hmông, để tạo nên những bộ váy áo sặc sỡ với những hoa văn hình những con vật, mang đậm dấu ấn hoa văn của dân tộc này. Nếu xe lanh dệt vải là công việc của người phụ nữ Hmông thì ngược lại, nghề đan lát lại là phần việc chỉ dành cho người đàn ông. Từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, người đàn ông Hmông đều phải học nghề đan lát và mọi thứ đồ đan ở nhà đều do họ làm ra. Nguyên liệu dùng đan lát ở dân tộc này thường là mây, tre, trúc... và sản phẩm họ làm ra gồm: ghế mây, ghế trúc, mẹt, phên nan tre, các loại đồ đựng ngô, lúa... đặc biệt là những chiếc gùi như ở nhiều dân tộc khác. Đó là vật đụng hết sức thuận tiện được người Hmông dùng để đựng, đeo mang, vác và địu các thứ cần thiết. Nó có mặt với họ ở mọi nơi, từ trong nhà, ngoài chợ đến trên nương, dưới ruộng...Việc đan lát ở dân tộc này không tiến hành theo mùa vụ. Người ta chỉ đan các đồ vật này khi thấy cần thiết. Một số đồ đan lát cũng đã trở thành sản phẩm được đồng bào mang ra chợ trao đổi, mua bán. +Chăn nuôi, săn bắn và hái lượm Chăn nuôi là hoạt động kinh tế phổ biến và quan trọng của dân tộc này. Nó hoàn toàn mang tính tự phát và gắn liền với kinh tế hộ gia đình. Người Hmông nuôi gia súc, gia cầm không chỉ là thực phẩm cho cuộc sống hàng ngày hay làm sức kéo cho sản xuất cho sinh hoạt, mà hơn thế, đó là nguồn cung cấp các sản vật cho những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cũng như những lễ thức không thể thiếu trong chu kỳ đời người và một phần nhỏ dùng để trao đổi mua bán. Người Hmông có hai loại hình chăn nuôi tương ứng với hai vùng cư dân. Nhóm Hmông sống du canh du cư phổ biến cách chăn thả theo tính tự nhiên. Nói cách khác, gia súc, gia cầm của họ đều được thả rông để tự kiếm ăn và hầu như chúng chẳng được nuôi nấng chăm sóc theo một quy trình nhất định. Với nhóm Hmông sống định cư nâu đời, kĩ thuật chăn nuôi của họ khá phát triển. Các gia đình đều làm chuồng cho từng loại gia súc theo dạng kiên cố trong khuôn viên của ngôi nhà. Đồng bào chỉ chăn thả chúng vào những giờ nhất định trong ngày và cho chúng ăn uống theo một quy trình cụ thể. Là dân cư sống dựa vào rừng và đất rừng nên săn bắn, hái lượm trở thành hoạt động kinh tế rất phổ biến ở người Hmông. Tuy nhiên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong thu nhập của gia đình nhưng việc thu hái, săn bắn các nguồn tài nguyên cũng đóng một vai trò đáng kể trong trong nền kinh tế nương rẫy mang đầy yếu tố tự nhiên này. Hàng năm, hoạt động hái lượm được tiến hành nhiều nhất vào thời kỳ giáp hạt và cả những thời điểm nông nhàn, đặc biệt là những năm mất mùa, đói nhiều. Người Hmông chủ yếu hái các loại nấm, mộc nhĩ như: nấm gà, nấm đá con cừu, nấm tai người, nấm mối...đào các loại củ như: củ mài trắng, củ mài đỏ, củ măng, củ nâu, củ lợn...và rất nhiều các loại quả, rau rừng có nhiều trong núi, khe suối. Điều đó có thể khẳng định là, kinh tế truyền thống của người Hmông là nền kinh tế hoàn toàn tự phát, không có tính cộng đồng, càng không phải là nền tảng cho sự cố kết và thống nhất. Trải theo thời gian, do nhiều tác động khác nhau, đặc biệt là tác động của thời kỳ đổi mới ở nước ta, sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam và nhiều yếu tố tích cực khác đã giúp tỉ lệ đói nghèo của nhiều vùng người Hmông giảm xuống đáng kể, số người Hmông giàu có đã xuất hiện. Bên cạnh đó, điều kiện sống của một bộ phận không nhỏ của người Hmông trở nên ngày càng khó khăn, đặc biệt là thiếu đất canh tác. Cách đây vài chục năm, khi mật độ dân số còn thấp, diện tích rừng và đất rừng vẫn còn đủ để người Hmông làm nương rẫy. Nhưng, với tốc độ tăng trưởng dân số cao từ 3,6% - 4% trong một năm, số nhân khẩu của người Hmông đã đông lên rất nhanh. Nếu năm 1980, ở Việt Nam mới chỉ có 40 vạn người Hmông thì đến tháng tư năm 1999, con số đó đã lên khoảng hơn 70 vạn. Mật độ dân số trở nên đậm đặc, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bình quân có 80 người/ km2; huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang số người bình quân lên tới 88 người/km2... Theo dự tính của các nhà khoa học, với phương thức canh tác lạc hậu của các cư dân nương rẫy thì diện tích đất rừng có thể tạm đủ cho nhu cầu cuộc sống của họ là dưới mức 24 người/km2. Như vậy ta có thể thấy mật độ dân số hiện nay ở đồng bào Hmông Việt Nam đã vượt xa giới hạn cho phép. Số thành viên trong cộng đồng đông lên, điều đó cũng có nghĩa số miệng ăn tăng lên và tất yếu nhu cầu lương thực ngày càng trở lên rất lớn. Muốn giải quyết được nhu cầu sống còn đó, người Hmông chỉ còn cách phá thêm rừng để mở rộng diện tích canh tác và quay nhanh chu kỳ sử dụng đất. Hậu quả là rừng bị chặt phá bừa bãi, đất rừng bị khai thác kiệt quệ. Điều kiện sống của người Hmông không những không được cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều khu rừng còn sót lại ở vùng núi phía Bắc Việt Nam đã trở thành mục tiêu quan trọng của người Hmông. Đồng bào còn tràn từ tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang... đến khu vực rừng rộng lớn ở Si Pa Phìn, Ba Trà của huyện Mường Lay tỉnh Lai Châu và kéo xuống miền rừng núi phía tây tỉnh Thanh Hóa. Họ đã nhanh chóng biến những nơi xa xôi hẻo hút này thành khu vực có rất nhiều người Hmông sinh sống và cánh rừng cuối cùng ấy đã dần dần biến mất... Khi đất rừng đã bị khai thác kiệt quệ, rừng không kịp tái sinh sẽ tất yếu dẫn đến nạn đồi núi trọc. Thực tế đã cho thấy cùng với thời gian, diện tích đồi núi trọc ngày càng lan rộng khắp các tỉnh vùng núi Bắc Việt Nam. Một thí dụ: Vào thời điểm đầu năm 1997, tại huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang nơi có người Hmông cơ trú tập trung và đông nhất, rừng tự nhiên chỉ còn 7000 ha, chiếm 15% tổng diện tích đất lâm nghiệp, diện tích đồi núi trọc là 18.868 ha, chiếm tỉ lệ 43%. Tại huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, nơi có đỉnh núi Phan Xi Păng hùng vĩ của Việt Nam, diện tích rừng cũng chỉ còn 9.167 ha chiếm tỉ lệ 13% Và diện tích đồi núi trọc là 45.580 ha chiếm tỷ lệ 83,2% so với tổng diện tích đất lâm nghiệp. Theo báo cáo của tỉnh Lai Châu, chỉ sau 5 - 7 năm tụ cư ở đây, những cánh rừng già khu vực Bà Trà của huyện Mường Lay và cả 4 xã vùng cao của huyện Mường Tè đã dần biến mất trước sự tàn phá của hàng vạn người Hmông di cư. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với các khu rừng ở Tuyên Quang, nơi có hơn 13.000 người Hmông di cư, và ở cả vùng Quan Hóa, Mường Lát tỉnh Thanh Hóa...để cuối cùng, khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắc Lắc đã trở thành mục tiêu tiếp theo của các cuộc di cư vì kế sinh nhai, tìm đất canh tác ở một bộ phận dân tộc này. Phong trào di cư ồ ạt này đã và đang tạo nên những biến động không nhỏ trong vấn đề kinh tế xã hội của nhiều tỉnh và để lại nhiều ảnh hưởng khó lường * Quan hệ xã hội Do không có địa vực cư trú tập trung, càng không có một nền tảng kinh tế thống nhất, nên sức mạnh cố kết của dân tộc này chỉ tập trung ở chính tâm thức của họ mà sự liên kết của các mối quan hệ xã hội là một biểu hiện điển hình. Xã hội truyền thống của người Hmông có cấu trúc khá thống nhất. Đó là xã hội phụ quyền rất mạnh với sự đề cao vai trò, quyền lợi cũng như trách nhiệm của người đàn ông. Cấu trúc xã hội ấy được xây dựng trên cơ sở của các tế bào xã hội đó là gia đình. Kái niệm gia đình được người Hmông gọi là Ziv hay Ziv nênhs đều có nghĩa chỉ tập hợp người cùng sống chung, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân va dòng máu dưới một mái nhà. Nó thường gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái. Theo quan niệm ấy, cộng đồng gia đình của người Hmông phải từ hai người trở lên và nếu đàn ông không có vợ, đàn ba không có chồng, dù ở nhà cao cửa rộng bao nhiêu cũng không được coi là Ziv nênhs với đúng nghĩa của nó. Sau kết cấu gia đình thì đến dòng họ, Dòng họ ở người Hmông có một vị trí vô cùng quan trọng, đó là những yếu tố cốt lõi cấu thành lệ xã hội Hmông và thể hiện bản sắc dân tộc của họ. Nói cách khác, dòng họ là nền tảng cho sự tồn tại của xã hội Hmông truyền thống và chi phối mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày của cả cộng đồng. Người Hmông gọi dòng họ là xêng. ở Việt Nam, dân tộc này có khoảng 20 tên xênh khác nhau, đó là các dòng họ: Vàng, Giàng, Sùng, Lý, Thào, Mùa, Cháng, Lù, Vừ, Vì, Hờ, Hạng, Dinh, Cứ, Hầu... Cuối cùng là đến làng, Làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất ở dân tộc này. Người Hmông gọi làng là Jaol hay Jol, Jêz Jol - đều có nghĩa là “ổ” hay “tổ” tức chỉ một cộng đồng cùng chung sống trong khu vực địa lý nhất định. Làng Hmông được hình thành trên sự tụ cư của những nhóm người có hay không có mối quan hệ huyết thống. Bởi vậy, mối quan hệ cộng đồng làng ở dân tộc này thực chất là mối quan hệ của các thành viên cùng dòng họ và giữa các dòng họ cùng địa vực cư trú. Nói cách khác, mối quan hệ láng giềng của họ được hình thành và phát triển thông qua sự ứng xử giữa các dòng họ khác nhau. Thông thường, mỗi làng Hmông gồm vài ba dòng họ với vài chục nóc nhà, có họ lớn, có họ bé. Song, những điều đó không ảnh hưởng đến sự cố kết của họ. Từ rất lâu, ý thức cộng đồng láng giềng ở dân tộc này đã được hình thành và phát triển bởi một thực tại “sớm tối có nhau” và họ cùng chung một quá khứ lịch sử khó quên. Như vậy, diện mạo truyền thống của xã hội Hmông từ tế bào gia đình đến tổ chức làng bản, trong cấu trúc xã hội đó, vai trò của dòng họ chiếm một vị trí rất đặc biệt. Có thể nói, dòng họ của người Hmông là một tập hợp người không chỉ cùng một ông tổ sinh ra mà phải là cộng đồng những thành viên cùng chung kí hiệu tín ngưỡng mà đồng bào gọi là “cùng ma”. Dòng họ là một đơn vị xã hội có tổ chức tự quản chặt chẽ với những luật tục quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên mà ở đó mối quan hệ hay sự ràng buộc của họ thường vượt qua cả ranh giới chính trị, hành chính, lãnh thổ quốc gia. ý nghĩa xã hội lớn lao của dòng họ chính là ở chỗ: dòng họ là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên xã hội làng và xã hội vùng ở người Hmông, bởi mối quan hệ xã hội của làng, của vùng thực chất là mối quan hệ của các thành viên cùng dòng họ trên cùng địa vực cư trú. Đồng thời xã hội làng Hmông, vùng Hmông được vận hành trật tự “êm ả” xét cho cùng là dựa trên cơ sở của tập tục dòng họ. Mặt khác, văn hóa ứng xử của người Hmông cũng tồn tại chủ yếu dựa trên phong tục tập quán của dòng họ mà nổi bật là những luật tục liên quan đến trật tự xã hội, đến vấn đề khai thác và sơ hữu đất đai canh tác, những luật tục quy định quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong cộng đồng thông qua lễ Naox cxungx được tổ chức hàng năm ở các làng... Đặc biệt dòng họ như một tín hiệu để các thành viên của dân tộc này nhận biết nhau. Người Hmông sống ở đâu, thuộc nhóm nào, khi gặp nhau bao giờ họ cũng hỏi nhau thuộc dòng họ gì. Đó là đặc điểm hiếm thấy ở những dân tộc khác. Trong những năm qua, thời gian và nhịp điệu phát triển của cuộc sống cùng sự tác động của các yếu tố văn hóa bên ngoài dần ảnh hưởng đến xã hội Hmông ở Việt Nam. Cuộc sống của người Hmông vừa chịu sự chi phối của mối quan hệ truyền thống, vừa chịu tác động mạnh mẽ của mối quan hệ xã hội mới theo cơ chế pháp luật của nhà nước. Từ đó, mối quan hệ xã hội ở dân tộc này đã có sự tự điều chỉnh và thay đổi để có thể thích nghi, tồn tại với hoàn cảnh mới. tuy nhiên, dù có sự điều chỉnh hay thay đổi thậm chí còn tiếp nhận thêm những yếu tố văn hoá mới, cấu trúc xã hội cơ bản của dân tộc này vẫn tồn tại và là một trong những yếu tố biểu hiện cho bản sắc dân tộc của cộng đồng này. 1.1.2. Đặc điểm tín ngưỡng truyền thống của người Hmông ở Việt Nam * Khái niệm tín ngưỡng Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng đôi khi được hiểu là tôn giáo. Điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian hiều hơn tôn giáo, tín ngưỡng có tổ chức không chặt chẽ như tôn giáo. Khi nói đến tín ngưỡng người ta thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một số dân tộc có một số đặc điểm chung còn tôn giấo thì thường là không mang tính dân gian. Tín ngưỡng không có một hệ thống điều hành và tổ chức như tôn giáo, nếu có thì hệ thống đó cũng lẻ tẻ và rời rạc. Tín ngưỡng nếu phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể thành tôn giáo. Cơ sở của mọi tôn giáo, tín ngưỡng là niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người vào những cõi "siêu nhiên” (hay nói gọn lại là "cõi thiêng") - cõi đối lập với cõi "trần tục", cõi hiện hữu mà con người có thể sờ mó, quan sát được. Niềm tin vào "cõi thiêng" thuộc về bản chất con người, nó ra đời và tồn tại, phát triển cùng với con người và loài người, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng giống như đời sống vật chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống tình cảm... Tùy theo hoàn cảnh, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của mỗi dân tộc, địa phương, quốc gia mà niềm tin vào “cõi thiêng” thể hiện ra các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể khác nhau. Chẳng hạn như niềm tin vào Đức Chúa, Đức Mẹ Đồng Trinh của Kitô giáo, niềm tin vào Đức Phật của Phật Giáo, niềm tin vào Thánh, Thần của tín ngưỡng Thành Hoàng, Đạo thờ Mẫu... Các hình thức tôn giáo tín ngưỡng này dù rộng hẹp khác nhau, dù phổ quát toàn thế giới hay là đặc thù cho mỗi dân tộc... thì cũng đều là một thực thể biểu hiện niềm tin vào cõi thiêng chung của con người mà thôi. Hiện tại, có nhiều ý kiến khác nhau khi sử dụng khái niệm “tôn giáo” và “tín ngưỡng”. Theo quan điểm truyền thống, người ta có ý thức phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng, thường coi tín ngưỡng ở trình độ phát triển thấp hơn so với tôn giáo. Loại quan điểm thứ hai là đồng nhất giữa tôn giáo và tín ngưỡng và đều gọi chung là tôn giáo, tuy có phân biệt tôn giáo dân tộc, tôn giáo nguyên thủy, tôn giáo địa phương, tôn giáo thế giới (phổ quát). Sự khác nhau giữa tôn giáo và tín ngưỡng thể hiện ở một số điểm như: Tôn giáo có hệ thống giáo lý, kinh điển... được truyền thụ qua giảng dạy và học tập ở các tu viện, thánh đường, học viện... có hệ thống thần điện, có tổ chức giáo hội, hội đoàn chặt chẽ, có nơi thờ cúng riêng như nhà thờ, chùa, thánh đường..., nghi lễ thờ cúng chặt chẽ, có sự tách biệt giữa thế giới thần linh và con người. Còn tín ngưỡng thì chưa có hệ thống giáo lý mà chỉ có các huyền thoại, truyền thuyết. Tín ngưỡng mang tính chất dân gian, gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian. Trong tín ngưỡng có sự hòa nhập giữa thế giới thần linh và con người, nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán, chưa thành quy ước chặt chẽ... Tóm lại, có rất nhiều quan điểm khác nhau về tín ngưỡng nhưng chúng ta có thể hiểu: Tín ngưỡng là tôn thờ thần thánh, tin vào lực lượng siêu nhiên theo cách giải thích và nếp sinh hoạt nhất định; và do đó có tác dụng điều chỉnh nhận thức, hành vi của con người. Tín ngưỡng là yếu tố quan trọng nhất của một tôn giáo. mỗi một tôn giáo ra đời đều phải dựa vào một niềm tin nào đó. Đó là tín ngưỡng tôn giáo. Ngoài tín ngưỡng tôn giáo còn có tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng dân gian là niềm tin vào thần linh thông qua lễ nghi gắn liền với tập tục, thói quen truyền thống được lưu giữ trong các cộng đồng dân cư. Đó là một bộ phận của văn hóa dân gian phản ánh ước nguyện của con người trong cuộc sống. Điều cần lưu ý: tín ngưỡng không phải là một từ chỉ để chỉ tôn giáo. Ngoài nghĩa niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng là khái niệm còn được dùng để chỉ một niềm tin nào đó tuy có nội dung tôn giáo nhưng không nằm trong một tôn giáo đã định nào, hoặc chưa đủ các yếu tố để đạt tới cấp độ của một tôn giáo hoàn chỉnh. * Một số đặc điểm truyền thống của người Hmông ở Việt Nam - Tín ngưỡng, tôn giáo của người Hmông chủ yếu là các hình thức sơ khai vào thời đại tiền giai cấp mà vắng bóng các hình thức tôn giáo của thời đại có giai cấp. Trên lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của người Hmông có rất nhiều loại hình đặc sắc và phong phú. Ngày nay trong cộng đồng người Hmông vẫn tồn tại nhiều hình thức tôn giáo sơ khai vốn xuất hiện từ thời mạt kỳ nguyên thủy như: + Tô tem giáo: Tô tem giáo là hình thức tôn giáo cổ sơ nhất, thể hiện niềm tin của con người vào mối liên hệ gần gũi, huyết thống giữa một nhóm người với một loại động vật, cây cỏ, hay một hiện tượng nào đó. những thứ đó được họ nhận làm thủy tổ của một cộng đồng thị tộc, bộ lạc và được trân trọng, bảo vệ. Trong cộng đồng ấy có thần thoại về vị thủy tổ của mình và có những điều cấm kỵ, có nghi lễ thờ cúng liên quan đến các vị tổ ấy. Tô tem giáo một mặt phán ánh tư tưởng của xã hội thị tộc trong quan hệ chặt chẽ với môi trường sống, phải cậy nhờ, phụ thuộc nhiều ở tự nhiên; mặt khác, cũng phản ánh mối quan hệ trong nội bộ cộng đồng thị tộc, bộ lạc. + Bái vật giáo và vật linh giáo: Bái vật giáo là lòng tin về một thuộc tính siêu nhiên của những sự vật như hòn đá, gốc cây, là bùa, tượng... về sau bái vật giáo trở thành đối tượng thờ cúng của các tôn giáo. Nó là sự thổi phồng, phóng đại những tính năng thực tế của đồ vật và gán cho đồ vật đó những khả năng siêu phàm, trở thành vật thiêng, được bảo vệ và giữ gìn một cách đặc biệt. Hơn nữa, các đồ vật đó còn được coi là đối tượng để con người cầu xin, được đưa vào nghi lễ để giúp cho con người đạt được những gì mà họ mong muốn. Vật linh giáo là lòng tin ở linh hồn, xuất hiện khi con người có khả năng hình thành những khái niệm về thế giới siêu linh, thế giới bên kia. Người tin vào Vật linh giáo cho rằng, linh hồn có thể tác động đem lợi hoặc gây hại cho con người và các vật đó có thái độ và hành vi giốn với con người. Nhân cách hóa và thần linh hóa là đặc trưng của Vật linh giáo. + Sa man giáo Sa man giáo là hình thức tín ngưỡng, nguyên thủy thể hiện niềm tin của con người vào khả năng tác động đến các hiện tượng tự nhiên bằng những hành động tượng trưng như cầu khẩn, phù phép, thần chú...Người ta quan niệm rằng bằng những hành vi ấy, con người có thể tác động đến vật thể hoặc đối tượng nhất định để đạt được kết quả mà mình mong muốn. Sa man giáo còn thể hiện khá nhiều trong cộng đồng người Hmông, nhưng tiêu biểu là các hoạt động của thầy mo. Thầy mo tuy không phải là một nghề chuyên biệt nhưng trong quan niệm của người Hmông đó là người lối liền xã hội với thần linh nên được mọi người tôn kính. Thầy mo tiến hành mọi hoạt động có tính chất tín ngưỡng ở các dịp cúng lễ trong chu kỳ đời người, từ lúc sinh ra, lúc ốm đau, cho đến khi chết. Công cụ chủ yếu của thầy mo là dụng cụ âm dương, được làm từ hai mảng sừng trâu hoặc bò; một đôi nhạc ngựa bằng đồng, một chiếc vòng lắc, một chiếc thanh la. Trang phục của thầy mo rất đơn giản, ăn mặc như mọi người bình thường, chỉ khác là có trùm một tấm khăn màu đỏ che kín đầu khi lên đồng. Trước khi lên đồng, thầy mo ngồi trên một chiếc nghế, tay chân nhún nhầy theo điệu nhạc ngựa, cầm thanh la nhẩy múa, miệng lẩm bẩm các bài cúng. Họ tin mình có khả năng giao tiếp với thần linh, như là trông thấy, nghe thấy sự phán xét của thần linh. Theo thầy mo, lên đồng để rơi vào trạng thái như hôn mê rồi thần linh nhập vào, hoặc linh hồn của họ đi lên xứ sở của thần linh. Thầy mo còn dùng hiện tượng ma thuật, yểm bùa, phù phép chống lại sự làm hại để bảo vệ gia đình, yểm bùa tình yêu... Ngoài ra những hình thức biểu hiện của tôn giáo xa xưa của dân tộc Hmông còn có rất nhiều nghi lễ khác về mỗi quá trình trong vòng chu kỳ của đời người từ khi ra đời cho đến khi chết. - Tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Hmông là tín ngưỡng đa thần. Đa thần giáo là trình độ ban đầu của quá trình ra đời, vận động phát triển của tín ngưỡng, tôn giáo nói chung. Mặc dù thờ đa thần, người Hmông ở Việt Nam không lập đền thờ mang tính cộng đồng, nhưng các nghi lễ cho nhiều thần tỏ ra quá phiền toái, tốn kém tiền của, sức lực và thời gian. Trong đó nhiều nội dung đã trở nên cổ hủ, kìm hãm sự phát triển. Cụ thể là các hình thức: +Thờ cúng “Xử ca” Xử ca là loại ma cai quản tiền của, phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt, giữ các linh hồn trong gia đình không đi lang thang, được người Hmông coi trọng nhất. + Thờ cúng tổ tiên Người Hmông thường thờ cúng tổ tiên trong ba đời trở lại, bàn thờ được đặt cạnh bàn thờ “Xử ca” nhưng có mặt ván để ba bát hương. Trong lễ cúng chủ nhà gọi tên tuổi của ba thế hệ đã khuất, mời về ăn tết với con cháu, cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, làm ăn phát đạt. Lễ cúng tổ tiên thường diễn ra vào đêm 30 tết, hoặc váo những lúc trong nhà có người ốm đau để xin tổ tiên phù hộ. Ma tổ tiên là ma lành, nhưng người Hmông quan niệm, nếu không thờ cúng chu đáo thì ma nay cũng bắt phạt họ phải ốm đau, đòi phải có bò, lợn làm lễ cúng. + Thờ cúng ma buồng (Đá trùng) Ma buồng là ma chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ con, phát triển gia súc. Người Hmông quan niệm, khi đôi vợ chồng khó sinh để, hoặc đẻ ra không nuôi được, hoặc trong nhà, lợn con đẻ ra hay bị chết là do ma buồng mất thiêng. Khi đôi vợ chồng có con đầu lòng, người chồng được đặt tên mới thì tiến hành lập ma buồng. Cách thức lập ma buồng là người ta lấy một quả bầu nho nhỏ, bỏ hết ruột bên trong và cùng với một cái chén làm bằng ống nứa bỏ vào cái hộp đan bằng tre, hoặc mây. Hộp này được gác ở mái nhà phía đầu giường của ông chủ gia đình. Người Hmông không cho phụ nữ, trẻ em sờ đến cái hộp này. Gia đình có trẻ con thì cúng ma buồng ít nhất một lần trong năm. Khi trong nhà có lợn đẻ cũng tiến hành cúng, như vậy hàng năm lễ cúng ma buồng có thể tiến hành hai đến ba lần. + Thờ cúng ma bếp Ma bếp là ma bảo vệ mùa màng, sản xuất nông nghiệp phát triển, nhiều lúa, ngô, khoai sắn. Một số dòng họ có quan niệm ma bếp cũng có liên quan đến sức khỏe và chăn nuôi, là người trong coi tài sản khi gia đình đi vắng. + Thờ cúng ma cửa Ma cửa giống như người gác cửa, không cho điều xấu xâm nhập vào gia đình, của cải, gia súc, giữ các hồn gia đình không bỏ đi. Người Hmông quan niệm khi trong nhà có chuyện không hay như ốm đau, gia súc bị chết là do ma cửa bị ngã, không giữ vững được bản mệnh. Người phụ nữ có thai ở gia đình khác bước qua cửa nhà mình thì cũng làm cho ma cửa bị ngã, khi đó, phải làm lễ cúng nâng ma cửa dậy. + Thờ cúng ma cột cái Cột cài là một cột giữa cửa vì kèo thứ hai, tiếp giáp giữa đầu bên phải và gian giữa. Theo quan niệm của người Hmông, cột cái là nơi tập trung các hồn người, tượng trưng cho sự vững chãi của gia đình. Ma cột cái làm nhiệm vụ bảo vệ nhà cửa, chống chọi bão gió, giữ gìn hồn các thành viên trong gia đình. - Trong hệ thống tín ngưỡng đa thần của người Hmông thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên giữ vị trí quan trọng. Luật tục của người Hmông quy định rõ, đã là một gia đình Hmông thì dưới mái nhà của họ phải có nơi thờ cúng tổ tiên. Theo truyền thống, chỗ thờ tổ tiên của đồng bào luân ở vách tường thuộc gian giữa của ngôi nhà - gian dành cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Theo quan niệm của người Hmông, việc thờ cúng tổ tiên không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với cha ông, với người đã khuất hay phải thực hiện lễ thức theo tục lệ tang ma, mà nhiều khi còn là sự cầu mong, sự tạ lỗi, xin tha thứ… với tổ tiên, bởi tổ tiên luân có sự chi phối đến số phận của con cháu (sức khỏe, hiệu quả công việc…). Tổ tiên luân phù hộ cho con cháu hoặc có thể nổi dận phạt con cháu ốm đau… Nghi lễ cúng tổ tiên thường được tiến hành đơn giản nhưng rất trang nghiêm. 1.2. người Hmông ở Lào Cai 1.2.1. Điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới; diện tích tự nhiên 6.357,08 km2; có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 203 km. Tổng dân số 55,7 vạn người với 25 dân tộc sống đan xen nhau, trong đó có 24 dân tộc thiểu số với 39 vạn người, chiếm 64,8%, cư trú ở 142 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa . Trong số các dân tộc thiểu số thì dân tộc Hmông có số lượng đông nhất, gồm 22.126 hộ, 131.306 khẩu, chiếm tỷ lệ 22,21% dân số toàn tỉnh; tiếp theo là dân tộc Tày (Tày, Pa Dí, Thu Lao) 88.257 người, chiếm 15,84%; dân tộc Dao 78.284 người, chiếm 14,05%; dân tộc Giáy 26.187 người, chiếm 4,7%; dân tộc Nùng 24.516 người, chiếm 4,40%; còn lại là các dân tộc khác. Trong số 25 dân tộc nói trên, chỉ có 15 dân tộc cư trú thành làng, bản. Toàn tỉnh có 8 huyện 01 thành phố, 164 xã, phường, thị trấn (145 xã và 19 phường, thị trấn); trong đó có 138 xã vùng cao; 125 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn (xã 135), chiếm 77% (nay là 81 xã); 26 xã biên giới; 2.033 thôn bản, tổ dân phố. Riêng người Hmông sống phân tán ở cả 9/9 huyện, thành phố, 118 xã, trong đó 23 xã có 100% người Mông; 526 thôn bản (trong đó 313 thôn bản có 100% người Hmông), tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên, số còn lại sống phân tán, rải rác, đan xen với các dân tộc khác. *Về kinh tế Trong năm qua đươc Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội như 327, 661, 135, 134… và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, tạo nên những diện mạo mới về phát triển kinh tế của tỉnh, đời sống nhân dân được nâng cao, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt mức trung bình 11, 2%, riêng năm 2007 đạt 12,7%, tổng thu ngân sách năm 2005 đạt 620 tỷ đồng, năm 2006 đạt khoảng 600 tỷ đồng, bình quân GDP đầu người đạt gần 300 USD/người/năm 2006, cụ thể: Về sản xuất nông lâm nghiệp: Diện tích lúa năm 2006 là 25,5 ngàn ha; ngô đạt 24,4 ngàn ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 181 ngàn tấn, tăng 3,4% so kế hoạch. Diện tích cây đậu tương, sắn, rau, đạt kế hoạch đề ra. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi mạnh. Trồng và bảo vệ rừng đạt kết quả tốt. Các mô hình tiêu biểu về sản xuất chăn nuôi giỏi ngày càng nhiều. Về sản xuất công nghiệp: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn được duy trì và có bước phát triển; trong đó công nghiệp trung ương 228 tỷ đồng, công nghiệp địa phương đạt gần 200 tỷ đồng, riêng khai thác quặng sắt năm 2006 ước đạt 42,88 tỷ đồng; sản xuất xi măng giảm 12,2% cùng kỳ. Về xây dựng cơ bản: Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ sở từ nguồn vốn Nhà nư- ớc do địa phương quản là 590 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch. Trong đó vốn cân đối qua ngân sách địa phương là 111 tỷ đồng. Về giao thông vận tải: Hoạt động ổn định và phát triển, năm 2005 đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, các đường liên thôn bản được đầu tư phát triển mạnh, giá trị vận tải hàng hóa năm 2006 ước đạt 38 tỷ đồng, bằng 88,5% kế hoạch, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Về hoạt động thương mại - du lịch - dịch vụ: Tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển; tổng vốn bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trên địa bàn năm 2006 ước đạt 1.080 tỷ đồng, tổng số khách du lịch đến Lào Cai khoảng 404 nghìn lượt người, trong đó khách quốc tế là 138 nghìn lượt người, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 160,3 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai ước đạt 294 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt khoảng 14,3 triệu USD. Về công tác tài chính - tín dụng - tiền tệ: Cơ bản ổn định. Công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều tiến bộ, đến năm 2006 còn 7% (theo tiêu chí cũ), 43,01% (theo tiêu chí mới), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 40,7%. Công tác cứu trợ, bảo trợ xã hội, cứu đói cho nhân dân được triển khai kịp thời, có kết quả. * Về văn hóa - xã hội Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục chuyển biến tích cực, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay tỷ lệ huy động trẻ em đến trường đúng độ tuổi đạt 95%, chất lượng học tập từng bước nâng cao, 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ. Cơ sở vật chất tếp tục củng cố, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp ở vùng sâu, vùng cao ngày càng được hoàn thiện, 100% trường tiểu học và trung học cơ sở có đủ trang thiết bị, đồ dùng, sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy và học theo tiêu chuẩn của Bộ giáo dục - Đào tạo. Chất lượng đội ngũ giáo viên cũng được nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm đúng mức, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế các cấp đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế được triển khai có hiệu quả. Đáng chú ý là số đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn đã được cấp sổ khám chữa bệnh miễn phí, được bà con rất hoan nghênh và sử dụng có hiệu quả. Công tác văn hóa - thông tin - thể dục thể thao được đẩy mạnh: Các đội thông tin lưu động thường xuyên đến các cơ sở để chiếu phim, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhân dân. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với sinh hoạt cộng đồng tại các thôn bản và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển mạnh. Hệ thống báo chí, phát thanh, truyền thanh, truyền hình cũng được đầu tư phát triển mạnh, cung cấp thông tin kịp thời đến cơ sở và người dân… góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. 1.2.2. Đặc điểm tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội của người Hmông ở Lào Cai 1.2.2.1. Đặc điểm dân cư, dân tộc Người Hmông ở Lào Cai có bốn ngành chính, phân bố ở các địa bàn cụ thể: - Hmông Hoa (Hmông Lềnh) là ngành có số dân đông nhất, chiếm tới 70% số người Hmông ở Lào Cai, họ cư trú ở 8 huyện nhưng chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Hà,Mường Khương, Sa pa, Bảo Thắng, Bảo Yên. - Hmông Đen (Hmông Đú) cư trú rải rác tại Bát Xát, Sa pa. - Hmông Xanh (Hmông Chúa) cư trú tập trung tại xã Nậm Xé huyện Văn Bàn. - Hmông Trắng (Hmông Đư) ở Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Sa pa, Si Ma Cai. Tuy phân biệt thành bốn ngành Hmông khác nhau nhưng trừ ngành Hmông Xanh (Hmông Chúa) ở Văn Bàn còn có 3 ngành Hmông Hoa, Hmông Trắng, Hmông Đen về ngôn ngữ văn hóa cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa cá nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ. Trong ngôn ngữ hơn 93% từ vị cách phát ân của các nhóm Hmông là giống nhau. Người Hmông di cư đến Lào Cai cách ngày nay hơn hai trăm năm. Người Hmông từ Quý Châu di cư đến Vân Nam và từ Vân Nam vào Lào Cai làm nhiều đợt. Cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, người Hmông ở Quý Châu, Trung Quốc liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa chống sự cai trị hà khắc của phong kiến nhà Thanh. Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu, người Hmông phải di cư xuống Vân Nam, Việt Nam. Đợt di cư đầu tiên vào Lào Cai gồm 80 gia đình (họ Vàng, Lù, Chấn, Sùng, Hoàng, Vũ...) các dòng họ này di cư đến San Khô - Sủ động mù vẩn (động Ngọc Uyển, châu Thủy Vĩ) nay là vùng huyện Si Ma Cai. Thủ lĩnh dẫn đầu đoàn di cư người Hmông đến Lào Cai là ông Hoàng Sín Dần, một tộc trưởng có uy tín, giỏi võ nghệ. Họ sinh sống ở Si Ma Cai được ba đời thì có 30 gia đình lại tiếp tục di cư sang Sa Pa, đoàn di cư do ông Lý Thành Pùa dẫn đầu Từ năm 1840 đến năm 1869, người Hmông ở Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) lại kiên cường nổi dậy tham gia phong trào “Thái Bình thiên quốc” chống nhà Mãn Thanh. Cuộc khởi nghĩa thất bại, phong kiến nhà Mãn Thanh đàn áp dã man, hơn một vạn người Hmông ồ ạt di cư sang Việt Nam. Người Hmông di cư đến Lào Cai chia làm ba đoàn: một đoàn do ông Sèo Cô Phìn dẫn đầu đến Pha Long, Mường Khương, một đoàn do ông Lùng Chung chỉ huy di cư sang Bản Lầu, một đoàn do thủ lĩnh họ Hoàng dẫn đầu tiếp tục đến Si Ma Cai. Sau khi định cư một thời gian, người Hmông từ Mù Vẳn (Bắc Hà) lại di cư sang miền Tây theo đường từ Bắc Hà đi Phố Lu vượt sông Hồng sang Mường Bo đến Thanh Phú, Lao Chải (Sa Pa). Một đoàn di dư khác do dòng họ Mã, họ Vàng dẫn đầu từ Pha Long xuống Cốc Lếu, Lào Cai lên Trung Chải, San Sả Hồ (Sa Pa). Một đoàn khác từ Bắc Hà xuống Phố Lu lên Sa Pa đi sang Than Uyên, tới Mù Căng Chải và vào Văn Bàn. Trong đoàn đi lần này có một nhóm Hmông Xanh sau định cư tại Nậm Xé, huyện Văn Bàn. Đợt thiên di lần thứ ba vào cuối thế kỷ 19 và rải rác đến những năm đầu thế kỷ 20, địa bàn tập trung ở các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Than Uyên. Người Hmông dù đến cư trú ở Lào Cai sớm hay muộn đều coi Lào Cai là quê hương, Việt Nam là Tổ Quốc mình. Và, người Hmông ở Lào Cai tổ chức chiến đấu ngoan cường chống giặc cướp. Ông Giàng Chẩn Mìn ở Bắc Hà nổi dậy lãnh đạo nhân dân xây dựng căn cứ chống giặc Hán cơ Vàng. Nghĩa quân xây dựng thành lũy ở Seng Sui (Bắc Hà). Giàng Chẩn Mìn ốm chết, Giàng Chỉn Hùng lên thay lãnh đạo nghĩa quân mở rộng khu căn cứ khắp tổng Ngọc Uyển (huyện Bắc Hà hiện nay). Ông xây dựng hai căn cứ lớn ở Loa Dìn Phàng và Tà Chải. Quân Cờ Vàng nhiều lần tấn công lên đều bị nghĩa quân Giàng Chỉn Hùng đánh bại. Năm 1881 giặc Pháp tiến đánh Bảo Nhai - cửa ngõ vùng Bắc Hà. Nghĩa quân dựa vào lũy đá Trung Đô để đánh tan quân Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Giàng Chỉn Hùng kéo dài đến năm 1894, giặc Pháp mới chiếm được Bắc Hà nhưng đồng bào Hmông ở Bắc Hà vẫn bền bỉ tập hợp lực lượng. Năm 1904 dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Giàng Chỉn Dùng (em Giàng Chỉn Hùng), người Hmông Bắc Hà lại nổi dậy chống Pháp. Sau khi thực dân Pháp đặt được ách cai trị trên vùng cao, chúng tăng cường bắt phu, thu thuế, đời sông của người Hmông cũng như nhiều dân tộc ở Lào Cai rất khổ cực. Người Hmông liên tiếp nổi dậy đấu tranh. Tháng 7 năm 1918, người Hmông ở Sa Pa sôi nổi hưởng ứng cuộc nổi dậy chống Pháp của Giàng Sran (Giàng Chang Chin). Ông đã dùng hình thức “xưng vua” tập hợp quần chúng. Với khẩu hiệu “có mạnh mới được độc lập, có độc lập mới được ăn”, người Hmông ở Sa Pa, Bát Xát đổ về Lao Chải chuẩn bị vũ khí nổi dậy khởi nghĩa. Tuy nhiên, do thiếu cảnh giác, Giàng Sran bị Pháp và tay sai lừa bắt, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Cuộc khởi nghĩa của người Hmông ở Sa Pa vừa bị dập tắt, người Hmông, người Hà Nhì ở ý Tý - Mường Hum lại nổi dậy dưới sự chỉ huy của Sần Sử (người Hà Nhì) và Giàng Tả Dần (người Hmông) chống Pháp và tay sai. Đêm ngày 17/8, nghĩa quân tấn công đồn San Cha Chải, giải phóng cả vùng ý Tý, bao vây uy hiếp Mường Hum. Tuy cuộc khởi nghĩa chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng đã phản ánh tinh thần quật cường của người Hmông, người Hà Nhì chống Pháp và tay sai giải phóng quê hương. Phát huy truyền thống quật cường chống giặc ngoại xâm, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên cương Tổ Quốc, người Hmông cũng góp phần xứng đáng lập nhiều chiến công. Một số xã vùng người Hmông được thưởng huân chương chiến công. Anh hùng chống Pháp Giàng Lao Pà trở thành tấm gương sáng về lòng yêu nước, chống kẻ thù chung của đồng bào Lào Cai. Người Hmông Lào Cai thường cư trú ở những sườn núi sơn nguyên có độ cao trung bình từ 700 - 1800m. Địa hình người Hmông cư trú chủ yếu là hai dãy núi cổ chạy song song với nhau theo hướng tây bắc - đông nam , dãy núi Con Voi ở phía đông và dãy núi Hoàng Liên ở phía tây. Dãy Hoàng Liên Sơn có các đỉnh cao: Phan Xi Păng (3143m), Tả Giành Phình (3090m), Phu Luông (2983m) và các bề mặt san bằng cổ nằm ở các bậc độ cao khác nhau (1350m, 1450m, 1700m...). Dãy Hoàng Liên là vùng núi đồ sộ có nhiều đèo hiển trở như đèo Ô Quý Hồ, Khau Co... ở miền đông, người Hmông cư trú tập trung ở sơn nguyên cổ Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương thuộc khối vòm nhô sông Chảy nằm ở phía đông bắc dãy núi Con Voi. Đó là các khối sơn nguyên phân bậc không rõ ràng và phân bố, phân tán thành những khối nhỏ xen kẹp với các khối núi sót. Trên bề mặt sơn nguyên bị cắt xẻ bởi hệ thống máng trũng có cả dạng đồi, đỉnh bằng nhiều lũng khô và các lòng chảo cổ Khu vực người Hmông Lào Cai cư trú thuộc khối nâng kiến tạo mạnh có mức độ chia cắt sâu từ lớn đến rất lớn, bao gồm các cấp từ 120m - 530m/km2 (vùng Bản Phiệt, Phong Hải, Bảo Thắng), từ 200 - 350m/km2 (Bảo Yên, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn) từ 400 - 500m/km2 (Sa Pa, Bát Xát) và cấp độ dưới 500m/km2 tập trung ở dãy núi Hoàng Liên. Địa hình vùng cao Lào Cai còn có độ chia cắt ngang từ trung bình và rất mạnh, ở các vùng Sa Pa, Mường Hum độ dốc địa hình khá lớn chủ yếu là độ dốc từ 15- 25 độ, khu vực miền tây bên dãy Hoàng Liên độ dốc đều trên 25 độ, nhiều nơi tạo thành vách đá dựng đứng. Độ chia cắt ngang siêu mạnh, lớn không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề khai thác, tổ chức sản xuất mà còn gây khó khăn cho việc phát triển giao thông, đẩy mạnh sự giao lưu văn hóa. Vùng cao Lào Cai nằm ở nội chí tuyến, trong một năm có hai lần mặt trời lên thiên đỉnh, thời gian chiếu sáng dài, cán cân bức xạ luân dương. Mặt trời, khí hậu vùng Lào Cai có tính chất á nhiệt đới. Vùng cao Lào Cai trong một năm phân thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô (mùa lạnh) bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, còn mùa mưa (mùa nóng) từ tháng 4 đến tháng 9. Người Hmông cư trú ở vùng cao địa hình phức tạp. Trước môi trường lớn không thuận lợi, người Hmông đã xây dựng một hệ thống ứng xử riêng với môi trường, tạo ra những nét đặc trưng cả trong văn hóa vật chất và tinh thần. 1.2.2.2. Hoạt động kinh tế - xã hội * Kinh tế Môi trường vùng cao đã tạo cho người Hmômg điều kiện phát triển kinh tế nương rẫy theo các dạng địa hình khác nhau. ở miền Đông Lào Cai địa hình sơn nguyên tương đối bằng phẳng, người Hmông thâm canh trên loại nương bằng. ở đây đồng bào dùng cầy bừa để làm đất, cây trồng chủ yếu là ngô và một số hoa màu và lúa nương. Nương bằng ít bị xói mòn nên trở thành nương định canh. Do cư trú trên vùng đá vôi nên người Hmông còn canh tác trên loại nương đặc thù - nương thổ canh hốc đá với cây trồng chính là ngô, công cụ làm đất chủ yếu là cuốc bướm. ở miền Tây (Sa Pa, Bát Xát) và những nơi còn nhiều rừng già, đồng bào chủ yếu canh tác trên loại hình ruộng bậc thang hoặc nương dốc. Cây trồng chính ở đây là lúa nương, ngô. Trong quá trình canh tác vùng núi cao người Hmông đã sáng tạo kỹ thuật sản xuất truyền thống như sử dụng hệ thống công cụ làm nương rẫy sắc bén, điển hình là cầy Hmông và cuốc bướm. Cầy Hmông với bắp to khỏe, lưỡi được luyện kỹ, vừa cứng vừa dẻo, có khả năng cắt được rễ cây, tạo điều kiện làm đất nhanh. Bên cạnh bộ công cụ thích hợp, người Hmông còn lựa chọn tập hợp cây lương thực như, lúa, ngô, mạch... tương đối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Đồng bào còn có biện pháp thâm canh, bình quân một mảnh nương có thể khai thác 4-5 vụ hoặc ở nơi đất bằng, người Hmông có khả năng thâm canh cao, tuổi thọ của nương kéo dài vài chục năm. Nhiều bản người Hmông ở vùng sơn nguyên Bắc Hà, Mường Khương đã định cư được 4-5 thế hệ. Song nền kinh tế nương rẫy cũng đã để lại nhiều hậu quả tác hại đến môi trường, dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng và đất. Vì ở địa hình dốc lớn, diện tích để làm nương bằng (có độ dốc dưới 12độ) và ruộng bậc thang không nhiều, người Hmông chủ yếu là phải làm nương dốc (thường trên 20 độ) là những cánh rừng già, rừng tái sinh bị đốt mới làm được nương. Tập quán canh tác đốt rẫy làm nương là nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng (vì mùa đốt rẫy cũng là mùa hanh khô, rừng dễ cháy). Như vậy, tập quán canh tác của người Hmông chỉ thích hợp với rừng già còn nhiều. Còn hiện nay, phương thức canh tác này sẽ gây hậu quả làm tài nguyên rừng cạn kiệt, đất canh tác bị thái hóa nghiêm trọng, cùng với sức ép dân số tăng nhanh, dẫn đến tình trạng người Hmông thiếu đất canh tác buộc phải du canh tìm đất mới. Thời kỳ đầu đồng bào còn canh tác gần nhà, về sau đất cạn kiệt dần phải xâm canh và làm nương cách nhà 15-20 km (du canh). Cuối cùng vùng đất xa nhà cũng cạn mầu. Dù có nhiều biện pháp thâm canh, người Hmông vẫn phải du cư đi tìm vùng đất mới. Bắc Hà là huyện người Hmông sinh sống lâu đời nhưng do sức ép dân số, diện tích đất cạn kiệt màu mỡ nên Bắc Hà cũng là huyện có nhiều người di cư nhất. Từ năm 1976 - 1991, Bắc Hà có 15.471 người di cư đến các huyện khác và tỉnh khác. Như vậy, do chuyển cư tìm nơi đất mới, tìm nơi có rừng sâu nên làng người Hmông luôn biến động về dân số. Nhiều hộ người Hmông chuyển cư vào các làng vùng xa, vùng còn rừng lập làng mới. Môi trường làng mới càng trở lên khép kín, nghèo thông tin khó có điều kiện giao lưu phát triển văn hóa. ở vùng miền Đông Lào Cai, hệ thống phiên chợ phát triển khá mạnh. Bình quân từ 17 - 20km có một chợ, một số xã ở vùng giáp biên có 2 chợ. Cá biệt xuất hiện một số cơ sở chuyên sản xuất hàng thủ công gần chợ như làng “trư sang” chuyên sản xuất giấy ở Lùng Sán, làng có nghề rèn nổi tiếng ở Cán Cấu (Bắc Hà)... Các chợ huyện, chợ khu vực của nhiều xã thường là chợ lớn cứ năm ngày họp một phiên như chợ Pha Long (huyện Mường Khương) chợ Nàn Cồ (Bắ Hà), chợ Si Ma Cai... các chợ này vừa đông người vừa có thêm các dịch vụ lớn. Trong các chợ phiên có các sập hàng của người Hmông như: rền, mộc... nhưng số lượng không nhiều. Còn đa số người Hmông tranh thủ thời gian “nông nhàn” đi buôn bán nhỏ ở chợ. Có một số người Hmông đến chợ là những người bán một ít nông sản, hàng thủ công để mua một số thứ nhu yếu phẩm thật cần thiết như dầu, muối, vải... Cơ cấu mặt hàng ở chợ phản ánh nền kinh tế tự cung tự cấp của người Hmông: nhiều thanh niên và cả người già đến chợ chỉ để bán một vài con gà, một “thồ” ngô... đủ số tiền mời bạn bè, họ hàng ăn một bữa “thắng cố”... Với họ đến chợ là để chơi, nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu tình cảm chứ không nhất thiết phải trao đổi hàng hóa. Vì vậy, dù hệ thống chợ phiên có tương đối phát triển hơn các vùng nôi địa, nhưng kinh tế truyền thống của người Hmông là kinh tế tự cung tự cấp nặng nề. Hình thức trao đổi ở chợ thực ra cũng là trao đổi vật, trao đổi tiền tệ không đáng kể. Hầu hết các nhu cầu ăn, mặc đều trông vào nương rẫy. Chăn nuôi của người Hmông khá phát triển so với các dân tộc trong vùng. Mỗi gia đình nuôi vài chục con gà, một đàn lợn, vài ba con bò, ngựa, trâu. Nhưng mục đích chăn nuôi chỉ để nhằm cung cấp sức kéo, vận chuyển và thực phẩm chỉ dùng vào dịp lễ tết, tín ngưỡng... Nghề thủ công ở các làng Hmông chỉ là nghề làm thêm. Tuy các làng Hmông xuất hiện một đội ngũ thợ lành nghề (nhất là nghề rèn, đúc) nhưng các thợ rèn này vẫn chỉ sống chủ yếu nhờ sản xuất nương rẫy. Việc trao đổi sản phẩm rèn thường là vật đổi vật. Như vậy, nền kinh tế truyền thống của người Hmông là nền kinh tế nương rẫy, mang nặng tính chất tự cung tự cấp nên đồng bào chưa cảm thấy thực sự có nhu cầu mới về kỹ thuật và văn hóa. Những năm gần đây, kinh tế của người Hmông đã có nhiều chuyển dịch cơ cấu, đã xuất hiện các vùng trồng cây đặc sản, cây ăn quả... Nhiều hộ gia đình có xu hướng tách rời khỏi sản xuất nương rẫy, các sản phẩm từ sản xuất nương rẫy chiếm một tỷ trọng nhỏ. Điểm hình là vùng cao Bắc Hà mấy năm gần đây phát triển mạnh cây ăn quả, nhất là mận Tam Hoa và mận Hậu. ở Bát Xát và Sa Pa, Mường Khương nhân dân có truyền thống trồng thảo quả. Năm 1993, Lào Cai trồng được 935 ha, sản lượng đạt 208,4 tấn. Năm 1995 diện tích thảo quả tăng lên 1243 ha, sản lượng đạt 218 tấn. Vùng người Hmông ở Sa Pa trồng được 472 ha, nhân dân huyện Bát Xát trồng 80 ha. Diện tích trồng lanh được mở rộng, nhất là vùng Pha Long. Khi người nông dân cải tiến công cụ sản xuất lanh cho năng suất cao, năm 2002, người Hmông ở Lào Cai trồng được 530 ha lanh. Cây chè vùng cao đã được khôi phục và phát triển. Người Hmông ở các nông trường Phong Hải, Thanh Bình, Bát Xát chú trọng trồng chè góp phần tạo ra vùng chuyên canh chè ở Lào Cai. Thu nhập của người dân ở các vùng trồng cây đặc sản đều cao gấp 2 đến 3 lần người dân sản xuất nương rẫy. Nguốn thu từ cây đặc sản, cây ăn quả đã chiếm tỷ trọng từ 50 - 70% tổng thu của gia đình Hmông. ở các vùng này, sản xuất hàng hóa đã thâm nhập, phá vỡ tính tự cung tự cấp. ở đây đồng bào cần áp dụng kỹ thuật mới: kỹ thuật ghép cây, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc... Các biện pháp kỹ thuật phải học hỏi, phải được cán bộ khoa học kỹ thuật hướng dẫn... Do đó, người Hmông đã có nhu cầu tiếp thu văn hóa mới, cần được đọc sách, xem băng hình, hướng dẫn kỹ thuật, cần trang bị kiến thức mới để giao dịch, trao đổi hàng hóa, ký hợp đồng… Song hiện nay nói chung kinh tế ở các làng Hmông Lào Cai vẫn là kinh tế tự cung tự cấp. Kinh tế nương rẫy gắn liền với tình trạng du canh du cư. Những ảnh hưởng này đã ảnh hưởng đến đời sống văn háo tinh thần của người Hmông. 1.2.2.3. Tổ chức quan hệ xã hội * Gia đình Gia đình chính là cái nôi hình thành và phát triển văn hóa truyền thống. Đồng bào Hmông gọi gia đình là Tsen nenhs. Gia đình nhỏ phụ hệ là loại gia đình chủ yếu của nghười Hmông Lào Cai. Đó là loại gia đình hai thế hệ, bao gồm một cặp vợ chồng cùng con cái chưa xây dựng gia đình. Loại gia đình này là phổ biến. Tiếp theo là gia đình một cặp vợ chồng cùng con cái và bố mẹ chồng hoặc một trong hai người đó. Số gia đình này có thêm một số em trai chưa vợ, em gái chưa chồng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Như vậy các gia đình Hmông chủ yếu là gia đình nhỏ gồm cặp vợ chồng, bố mẹ già và con cái. ở miền Đông (Bắc Hà, Mường Khương) số gia đình chỉ có cặp vợ chồng và con cái chiếm tỷ trọng nhiều hơn miền Tây (Sa Pa, Bát Xát, Than Uyên). Anh em chỉ sống khi còn nhỏ, đến khi lấy vợ, lấy chồng đều tách ra ở riêng, đó là việc bình thường. Bình quân mỗi gia đình người Hmông Lào Cai có 6,7 nhân khẩu. ở các huyện miền Đông quy mô gia đình ít người (Bảo Yên chỉ có 5,41 người/ hộ). Riêng các huyện miền Tây, quy mô gia đình vào loại đông nhất so với các dân tộc ở Lào Cai (7,91 người/ hộ). Các gia đình người Hmông ở khu vực thành phố, thị trấn chỉ có 4-5 người/ hộ nhưng ở các xã xa xôi có khi bình quân mỗi gia đình có đến 8,7 người. Số gia đình có từ 8-10 người chiếm tỷ lệ 85%, số gia đình từ 11người trở lên chiếm tới 9% gia đình dưới 8 nhân khẩu chiếm tỷ lệ ít nhất là 6%. Gia đình Hmông là một đơn vị kinh tế, sự phân công lao động trong gia đình rất chặt chẽ theo giới tính và lứa tuổi. Người nam giới đảm nhiệm toàn bộ công việc của nương rẫy, cày nương, chặt cây, cuốc đất, mua bán, chăn nuôi, lại phải xe lanh dệt vải...nhưng người phụ nữ không bao giờ đi cầy, làm công việc chính, xây dựng nhà. Ngày mùa người phụ nữ phải lao động từ 15 - 18 tiếng một ngày. Người già, trẻ nhỏ phụ giúp làm nương, cắt cỏ ngựa, kiếm củi, chăn lợn, chăn trâu... Guồng máy lao động gia đình Hmông khá chặt chẽ, không thể thiếu bất cứ một lao đông phụ nào trong mùa làm nương rẫy. *Dòng họ Người Hmông có nhiều họ, mỗi họ có nhiều dòng họ và mỗi dòng họ lại có các chi khác nhau. Những người có chung một tên họ như: Giàng, Vừ, Thào, Lầu, Lý... đều coi nhau là anh em dẫu không có cùng một ông tổ. ở Lào Cai có hơn ba mươi tên họ khác nhau. Trong đó có 6 tên họ lấy tên con vật: Sùng (gấu), Hầu (khỉ), Lồ (lừa), Má (ngựa), Giàng (dê), Lùng (rồng); ba họ lấy tên màu sắc: Hoàng (màu vàng), Lù (màu xanh), Hùng (màu đỏ); Hai họ lấy tên cây: Thào (đào), Lý (mận); hai họ lấy tên đồ vật: Cư (trống), Thèn (thùng), và một số họ có tính chất chung hoặc chưa xác định được nội hàm tên gọi như: Mùa, Châu, Phàng, Tẩn, Tráng, Hạng, Vàng... Các mối quan hệ trong cùng một tên họ rất mờ nhạt hầu như không có sự thống nhất về các mặt kinh tế - xã hội. So với những người không có cùng một tên họ, những người có chung họ đối xử với nhau thân thiết hơn. Có nghĩa là khi một thành viên gặp khó khăn, các người khác thường tương trợ giúp đỡ, song sự giúp đỡ đó không phải là nghĩa vụ bắt buộc. Những người cùng họ là anh em cùng họ, cùng tổ tiên “cư tề thông xếnh thông đang”. Từ xưa những người cùng dòng họ là do một ông tổ “Pù Dâu” sinh ra. Nhưng ông tổ này không cụ thể nên ký ức về ông tổ rất mờ nhạt, chung chung. Về sau do chiến tranh loạn lạc, anh em mỗi người một ngả. Vì vậy khi muốn nhận ra anh em cần xem xét các dấu hiệu, các điều kiêng kị và nghi lễ cúng bái riêng của dòng họ. Các điều kiêng kỵ này thường là kiêng ăn một số loài thú hoặc bộ phận thú. Ví dụ dòng họ Giàng kiêng không ăn tim, một số dòng họ Hờ kiêng không ăn khỉ, họ Lý kiêng không ăn lá lách... ngoài ra, còn có các điều kiêng kỵ khác như: dòng họ Và lên rẫy không mang rau ớt để ăn cơm nắm, con dâu dòng họ Lầu kiêng quét bếp. Mỗi điều kiêng kỵ đều kèm theo một câu chuyện giải thích lý do tại sao phải kiêng. Đặc biệt mỗi dòng họ còn có những nghi lễ cúng bái làm ma riêng biệt. Các nghi lễ cúng quan trọng như cúng ma buồng “đá trùng”, ma lợn ‘bua đar”, ma trâu “nhu đar”, giữa các dòng họ có sự khác nhau về số lượng bát cúng, địa điểm cúng và cách ăn, cách chia thịt bầy bát, bài cúng... Điển hình là trong lễ cúng ma trâu, họ Sùng bày 13 bát và chia thịt từ trái sang phải, họ Giàng bày 33 bát theo đường vòng tròn từ trái qua phải, họ má bày 19 bát theo đường thẳng. Các gia đình trong dòng họ không nhất thiết phải cư trú gần nhau. Một dòng họ ở Bắc Hà nhưng có thành viên cư trú tận Mù Căng Chải. Nhiều dòng họ Thào, họ Lý ở Sa Pa nhưng có thành viên cư trú tận Lai Châu. Tuy ở xa nhưng mỗi khi đến nhà nhau thì được coi như người nhà, có thể ốm hoặc chết ngay trong nhà người cùng tổ tiên. Thành viên trong dòng họ dù ở xa đến mấy cũng tuyệt đối không có quan hệ hôn nhân với nhau. Mỗi dòng họ không có cơ quan lãnh đạo, không có người trưởng dòng họ nhưng những công việc tương tự, giúp đỡ thành viên khi gặp khó khăn vẫn được duy trì khá đều đặn và trở thành nguyên tắc đối với cá nhân hoặc gia đình trong dòng họ. Như vậy, những người có chung tên họ ngoài mặt tình cảm là mối liên hệ trực tiếp chủ yếu còn không hề có mối liên hệ nào về mặt kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng, xã hội. Đặc trưng của dòng họ là thể hiện đậm nét ở sự thống nhất về tư tưởng, còn về xã hội nhất là kinh tế càng trở nên mờ nhạt. Có thể nói, cộng đồng tín ngưỡng với những kiêng kỵ lễ nghi riêng chính là chất keo tạo nên sự cấu kết lâu bền trong quan hệ dòng họ. Có lẽ trước kia, những người cùng dòng họ có mối quan hệ chặt chẽ hơn nhiều, không chỉ có sợi dây tình cảm cùng các lễ nghi ràng buộc mà còn có sự thống nhất về mặt kinh tế xã hội. Dần dần do hoàn cảnh lịch sử, do dân số phát triển, thành viên các dòng họ phân tán khắp nơi, Phá vỡ cộng đồng kinh tế và xã hội. ở phạm vi hẹp, dòng họ là một tập thể con cháu ba đời bao gồm vài chục gia đình có chung một ông tổ cụ thể. Đó là một đơn vị cố kết cộng đồng huyết thống theo hệ cha, các thành viên trong dòng họ gắn bó với nhau theo cùng một phả hệ dòng nam và do một ông tổ cụ thể, còn có người nhớ được. Thông thường là ba thế hệ. Thành viên trong dòng họ là những người nam giới cùng vợ con họ. Riêng các thành viên là nữ cùng thế hệ với thành viên nam tuy đã đi lấy chồng, thuộc về dòng họ nhà chồng nhưng vẫn liên hệ chặt chẽ với dòng họ xuất thân và dòng họ luôn có trách nhiệm quan tâm đến thân phận làm dâu của họ. Đứng đầu dòng họ là trưởng tộc gọi là Hổ Pấu, ông là người có đạo đức, có uy tín, luôn quan tâm đến đời sống các thành viên. Ông là người có nhiều kinh nghiệm sản xuất, giỏi tổ chức săn bắn, thạo nghề rèn, am hiểu các lễ nghi kiêng kị riêng của dòng họ, nắm chắc phong tục tập quán và các lý của người Hmông. Ông có trách nhiệm trực tiếp tổ chức khai hoang, giải quyết các vụ xích mích trong dòng họ, hướng dẫn các gia đình khi có ma chay, cưới xin. Ông cùng là người thay dòng họ giao thiệp với chính quyền và các dòng họ khác, đồng thời là người tổ chức các vụ kiện, đi đòi nợ máu xưa kia. Có người tộc trưởng do các thành viên dòng họ bầu ra nhưng cũng có những nơi lại do người tộc trưởng cũ tìm chọn và bồi dưỡng. Đặc biệt ở huyện Sa Pa, người tộc trưởng hình thành một cách tự phát: người tộc trưởng cũ mất đi, người có uy tín luôn được các thành viên hỏi ý kiến thì dần trở thành tộc trưởng. Sự thống nhất về mặt xã hội của dòng họ thể hiện khá đậm nét trong cư trú. Các dòng họ cư trú gọn ở một bản hoặc một phần của bản. Trước đây các gia đình Hmông thường tổ chức di cư theo từng dòng họ. Vì vậy, ở những vùng du canh, du cư như một số xã thuộc huyện Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, mỗi một bản chỉ có một dòng họ hoắc hai ba dòng họ nhỏ cùng có chung một dòng họ lớn. Đặc điển cư trú này phản ánh ngay trong tên các bản Lý Lao Chải, Hầu Thào, Giàng Ta Chải ở Sa Pa... Dần về sau, do dân số phát triển, do quan hệ hôn nhân hay có điều kiện định cư mới xuất hiện một số bản có hai ba dòng họ khác dòng họ cùng cư trú nhưng vẫn có một dòng họ lớn. Sự thống nhất về tư tưởng của dòng họ biểu hiện tập trung nhất về kí ức đối với ông tổ chung. Người Hmông không có chữ viết nên trừ những gia đình chức dịch biết chữ Hán còn hầu hết đều không có gia phả nhưng mọi thành viên của dòng họ luôn nhớ kỹ về lịch sử ông tổ, lịch sử di cư của dòng họ mình. Trong các lễ ma bò, lễ giải hạn, người tộc trưởng phải có nghĩa vụ nhắc lại sự nghiệp của tổ tiên cùng các kí hiệu quy định của dòng họ cho con cháu. ở vùng Bắc Hà, Bát Xát, trước kia cứ ba năm một lần, vào ngày 29 tết, các thành viên lại phải tập trung ở nhà ông tộc trưởng làm lễ “Tu Su” là lễ cúng ông tổ cầu mong cho dòng họ đông con nhiều cháu, làm ăn tốt lành, tránh mọi tai nạn. Lễ “Tu Su” là một nghi lễ rất quan trọng nhằm tăng cường sự cố kết cộng đồng dòng họ *Cộng đồng làng Làng người Hmông là một tổ chức xã hội cơ sở bao gồm một số nóc nhà, gọi là “giao”, mỗi “giao” đều có tên riêng. ở Lào Cai các tên gọi “giao” thường bắt nguồn từ những yếu tố sau: Tên “giao” được gọi theo họ (hãn hữu là tên) của dòng họ có công lập làng đầu tiên như: “Lý Lao Chải”: làng cũ họ Lý, “Má Cha”: làng họ Mã, “Giàng Tà Chải”: làng lớn họ Giàng, “Giàng Phìn”: bãi bằng họ Giàng ở... thống kê ở 4 huyện: Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương có đông người Hmông ở, số tên giao gọi theo kiểu này là 19 làng. riêng Sa Pa có 10 làng. Tên “giao” găn với làng mới, làng cũ: “Sín Chải, Lao Chải”.Tên gọi “giao” gọi theo đặc điển địa lý tự nhiên, đây là loại tên “giao” phổ biến của người Hmông Lào Cai, đó là các tên về đặc điểm núi, suối, hồ, rừng cây, đặc điểm đất...Ngoài ra, ở các huyện vùng thấp, người Hmông đến cư trú sau người Tày, Thái, Kinh họ đặt tệ “giao” theo tên làng bản của người Kinh, Tày, Thái như: Nậm Xé, Nậm Xây, Nậm Tu, Nậm Chày, Na Nheo (Văn Bàn) hoặc làng Cung, làng Có, Làng Mai (Bảo Thắng) Điểm nổi bật của các “giao” của người Hmông cư trú độc lập, chủ yếu chỉ có thuần người Hmông. ở vùng thấp (Bảo Yên, Bảo Thắng...), người Hmông mới di cư đến buộc phải sống xen kẽ với các dân tộc đã ở đây lâu đời (người Dao, người Tày...) trong cùng một làng. Nhưng dù cùng làng, người Hmông vẫn tách riêng. Và chòm xóm đó người Hmông vẫn coi là giao của mình. Về mặt tổ chức, mỗi “giao” chỉ có một hoặc hai người đứng đầu gọi là “lùng thầu” hay “sống thầu”. Họ là những người đại diện các gia đình trong “giao” cử ra theo chế độ luân phiên. Họ có nhiệm vụ thực hiện quy ước chung của làng. Cộng đồng “giao" có sự cố kết nhất định về mặt kinh tế - xã hội tinh thần tuy không có đất canh tác riêng (ruộng đất thuộc quyền sở hữu của từng gia đình) nhưng mỗi “giao” đều có địa vực cư trú riêng, có khu rừng công, có bãi chăn thú, có sông suối, đồi cỏ... mọi gia đình trong “giao”đều có quyền sử dụng. Rừng chung là rừng thuộc địa dư một “giao” hay nhiều “giao” ở gần nhau, được “giao” khoanh lại từng khu, các thành viên trong “giao” đều có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Ai cần sử dụng gỗ làm nhà cửa phải được người đứng đầu “giao” đồng ý. Khoảng rừng riêng của từng gia đình (do trồng hoặc chiếm hữu rừng tự nhiên) phải được “giao” công nhận mới được sử dụng. ở khu vực Cao Sơn - Mường Khương và một số xã thượng Bắc Hà, mỗi “giao” có một số nguồn nước riêng, các thành viên có trách nhiệm sử dụng và bảo vệ... Ngoài ra các công việc chung khác của “giao” như trồng và chăm sóc rừng công, làm hệ thống dẫn nước, sửa đường đi... mọi gia đình đều có trách nhiệm tham gia. Các thành viên trong “giao” đều có ý thức cộng đồng tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi có công việc lớn như ma chay, cưới xin, làm nhà mới... hoặc một thành viên nào đó gặp khó khăn. Có “giao” quy định cụ thể về mức đóng góp công, vật liệu làm nhà mới. Có “giao” chỉ góp công khi dựng nhà, có “giao” vừa góp công vừa góp ván lợp... Về đám tang, mỗi hộ gia đình đều giúp củi (mỗi nhà một vác). Có nơi còn giúp gạo, ngô, tiền, rượu theo mức quy định của từng “giao” Như vậy, người Hmông Lào Cai có nền kinh tế nương rẫy, du canh, du cư, tự cung tự cấp, kinh tế mang tính chất khép kín, cư trú biệt lập ở miền cao. Xã hội có sự phân hóa giai cấp, thường xuyên đấu tranh với âm mưu của chủ nghĩa Đại Hán, nên ý thức cộng đồng, nhất là cộng đồng dòng họ, dân tộc luôn được đề cao...Những đặc điểm này ảnh hưởng và chi phối đến đời sống văn hòa tinh thần người Hmông. Chương 2 tín ngưỡng của người Hmông ở Lào Cai - thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay 2.1. Thực trạng tín ngưỡng của người Hmômg ở Lào Cai hiện nay Tín ngưỡng, tôn giáo của người Hmông ở Lào Cai có nhiều nét tương đồng với tín ngưỡng, tôn giáo của các tộc người khác. Sự khác biệt thường bộc lộ ở một số loại hình hoặc ít chịu ảnh hưởng của tam giáo như một số tộc người láng giềng như Dao, Tày, Nùng. Trong các hình thức tôn giáo truyền thống của người Hmông, việc thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là sa man giáo tương đối phát triển. Những hình thức tôn giáo sơ khai như vật linh, tô tem giáo, các loại ma thuật... Vẫn tồn tại ở dạng tàn dư và đóng vai trò quan trọng. Tôn giáo, tín ngưỡng đã hòa quyện với sinh hoạt đời sống hàng ngày tạo nên những sắc thái, sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần người Hmông. 2.1.1. Thờ cúng tổ tiên Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng của người Hmông. Sự thờ cúng tổ tiên thể hiện trong quan niệm, nghi lễ các điều kiêng kỵ, huyền thoại về tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên đó là thờ cúng ông bà, cha mẹ và những người đồng tộc đã chết và trước hết là các hình thức gia đình - thị tộc của sự thờ cúng đó, tức là lòng tin rằng tổ tiên đã chết, che chở cho con cháu đang sống và nghi lễ cầu xin cho các thành viên thị tộc hay gia đình tiến hành nhằm thờ phụng tổ tiên. Người Hmông cho rằng trong vũ trụ có hai thế giới chính cùng tồn tại. Đó là thế giới trên mặt đất, nơi con người sinh sống và thế giới trên trời, nơi có các ông trời và các vị thần của người Hmông. Đồng thời ở một góc nào đó trên trời là nơi tổ tiên của họ sinh sống. Những người già Hmông kể lại rằng, bầu trời và mặt đất là do ông Chày bà Chày tạo ra, con người Hmông được sinh ra từ lòng đất. Xưa kia họ vốn là dân tộc sống hạnh phúc vĩnh viễn ở trên đời, chẳng bao giờ biết đến cái chết. Cuộc sống vĩnh hằng của người Hmông đã làm cho ông trời tức giận bởi ông ta không thể chấp nhận con người có thể tồn tại ngang cùng trời đất. Ông trời quyết định mang cái chết đến với người Hmông, từ đó người Hmông mới phải chết. Như quan niệm của nghiều dân tộc khác, đồng bào Hmông cho rằng, khi ai đó trút hơi thở cuối cùng, có nghĩa là đã hoàn thành phận sự ở thế giới mặt đất để trở về với tổ tiên. Để người chết có thể về được với thế giới tổ tiên, người Hmông làm lễ “chỉ đường” đưa hồn người chết đi qua những địa danh đã cư trú về đến tận vùng đất tổ Quý Châu (Trung Quốc), rồi từ đó mới lên trời tìm về với tổ tiên. Thầy cúng phải lấy con gà trống hoa “dẫn đường” cho hồn người chết và dặn người chết cách trả lời khi gặp thần nhà trời và nhờ nhà trời chỉ đường về với tổ tiên cư trú. Thế giới tổ tiên mới của người Hmông mới là nơi có cuộc sống vĩnh hằng. Người Hmông cũng cho rằng, để có thể tồn tại được trên trần gian, người Hmông luôn có các vị thần giúp đỡ họ, dạy họ cách “làm ăn, làm uống”, dạy họ cách ứng xử trong nội, ngoại tộc... Họ luôn ghi nhớ ông Chơ Nghĩa là người dạy đàn, nhị, kèn, sáo, ca múa và giúp họ xây dựng “đường lý, đường lẽ” trong ứng xử, ông Lias Lư là người định ra luật cưới xin, bà Niav Ngâul Chơ là người dạy cách thêu thùa, ông Xyz Zi là người cứu họ khỏi bệnh tật và cái chết, ông sâuz là người chỉ bảo cho họ giải quyết những điều vào thời điểm khó khăn nhất... Tất cả những vị thần đó được người Hmông coi là những ông tổ đã có công xây dựng nền móng cho hệ thống văn hóa mưu sinh và ứng xử của dân tộc này, đồng thời giúp họ có đủ sức mạnh chống lại áp bức, chống lại sự đe dọa của thiên nhiên, bảo vệ sự sống còn của cộng đồng. Vậy người Hmông quan niệm về tổ tiên là tất cả những người đã khuất thuộc các thế hệ mà chủ yếu từ thế hệ cha ông trở về trước. Đó là những người đã làm nên sự nghiệp để lại cho con cháu, giám sát con cháu tổ chức thực hiện “đường lý, đường lẽ” của cộng đồng. Tổ tiên cũng là người luôn phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi... Bởi vậy, bất cứ người Hmông nào cũng phải nghi nhớ công lao của tổ tiên và lập nơi thờ cúng tổ tiên. Người Thái quan niệm, tổ tiên (ma nhà) chỉ là thế hệ cha của chủ nhà. Người Tày quan niệm tổ tiên gồm 4 đời (cha, ông, cụ, kỵ). Người Hmông quan niệm tổ tiên là những người đã chết trong ba đời trở lại (cha, ông, cụ). Quan niệm này thể hiện trong các bài khấn mời tổ tiên (cúng năm mới, cúng ma trâu...), chủ nhà hoặc thầy cúng đều gọi tên tuổi những người thuộc ba thế hệ đã khuất trở về ăn tết với con cháu, phù hộ cho con cháu làm ăn. Trong một bản người Hmông thường có vài dòng họ, mỗi dòng họ có một ông tổ cụ thể đã chết mà người già ở thế hệ cao nhất trong phả hệ còn nhớ được. Các thành viên trong dòng họ gắn bó chặt chẽ với nhau bởi cùng một phả hệ dòng nam do một ông tổ sinh ra. Thông thường nếu tính từ thế hệ con lên đến ông tổ là ba đời. Trong dịp làm ma bò (ma trâu) “nhu đa” tất cả các thành viên trong dòng họ phải tới dự. Đồ cúng bầy theo đúng quy cách của từng dòng họ, theo số lượng cụ thể của từng dòng họ, nhưng thông thường bát cúng thứ nhất mời tổ tiên, bát cúng thứ hai mời cha mẹ đã mất, bát cúng thứ ba mời những người đã khuất cùng thế hệ cha mẹ, bát cúng thứ tư trở đi mời những người đã khuất trong dòng họ, mời ma nhà, ma rừng, ma suối, ma núi... Trong lễ cúng, ông trưởng họ thường kể về sự nghiệp của tổ tiên, các quy ước kiêng kỵ của dòng họ. Mỗi lần cúng như vậy, hình ảnh của tổ tiên lại được khắc sâu vào trong tâm trí của mỗi thành viên. Khác với người Việt, người Tày, bàn thờ tổ tiên thường đặt ở vị trí gian giữa, nhiều dòng họ Hmông không lập bàn tờ tổ tiên riêng. Nơi thờ cúng tổ tiên chỉ là một miếng giấy hình chữ nhật kích thước 20 x30cm gần nơi thờ “xử ca” ở trên bức vách hậu gian giữa. Một số dòng họ như họ Vừ, họ Lầu, họ Và... ở Bảo Yên có lập bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ được đóng vào chính giữa gian cúng, cách mặt đất khoảng 1,2 m đến 1,5m. Trang trí trên bàn thờ chỉ là mảnh giấy bản và cắm ba ống hương thờ ông bà, bố mẹ, cha ông, cụ, chú bác, những người anh em cùng thế hệ. Nơi đặt bàn thờ là nơi thiêng, chỉ có chủ gia đình mới được làm chủ lễ cúng mời tổ tiên, chỉ có con trai mới được đến gần bàn thờ. Người Hmông chỉ cúng tổ tiên vào dịp năm mới, lễ cơm mới hoặc khi cần cúng chữa bệnh... Đối với hồn các cha, ông, cụ... ở thế giới bên kia con cháu phải tổ chức các lễ cúng theo tục lệ tang ma: lễ tiễn đưa hồn, lễ sửa mồ mả, lễ ma khô... Tổ tiên thuộc loại ma lành phù hộ cho con cháu. Tuy nhiên, không thờ cúng cẩn thận, tổ tiên cũng có thể bắt phạt, làm cho con cháu ốm đau. Hoặc đôi khi tổ tiên đói còn về đòi trâu, lợn... Thế giới bên kia có một nơi giành cho tổ tiên ở. Nơi cư trú của tổ tiên cũng giống như nơi cư trú của con cháu ở dưới trần gian, cư trú theo dòng họ. Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của nhiều dân tộc ở Lào Cai. Nhưng hình thức cũng như quan niệm thờ cúng tổ tiên của người Hmông có những đặc điểm khác các dân tộc láng giềng. Qua việc tìm hiểu thờ cúng tổ tiên của các dân tộc Kháng, Khơ Mú, Hà Nhì, Phù Lá, Thái Đen, Tày, Nùng, Dáy, Dao - chúng tôi xây dựng 3 tiêu chí để so sánh thờ cúng tổ tiên như: Quan niệm về tổ tiên gồm những ai, thuộc mấy đời; địa điểm thờ cúng đơn giản hay phức tạp, vị trí bàn thờ; thời gian cúng thường xuyên, định kỳ hay theo một nguyên tắc nào. Bảng 2.1: So sánh việc thờ cúng tổ tiên ở một số tộc người - tỉnh Lào Cai. Tiêu chí Người Kháng Người Phù Lá Người Hmông Người Tày Người Dao -Quan niệm về tổ tiên -Địa điểm thờ cúng -Thời gian Bố + mẹ -Không có bàn thờ -2 tấm liếp gép 3 năm cúng một lần vào dịp tết Bố + anh em trai của bố -Trổ cửa sổ gian trong lập bàn thờ Cúng vào ngày lễ tết Ba thế hệ bố, ông, cụ -Không có bàn thờ -Khi cúng kê bàn ở vách cúng vào ngày lễ tết Bốn thế hệ -Có bàn thờ ở gian giữa Rằm, mùng một lễ hương hoa tết cúng thịt 9 thế hệ -có bàn thờ ở gian giữa rằm, mồng 1 lễ hương hoa -tết cúng thịt Căn cứ vào ba tiêu chí trên, có thể so sánh việc thờ cúng tổ tiên của người Hmông so với người Kháng ở Văn Bàn, người Phù Lá (nhóm xá phó) ở Gia Phú, Bảo Thắng, người Tày ở Gia Phú, Bảo Thắng và người Dao ở Bảo yên, cho thấy, thờ cúng tổ tiên ở người Hmông đã định hình, quan niệm tổ tiên đã mở rộng đến 3 đời. Quan niệm này gần với quan niệm tổ tiên của dân tộc Dao, Tày. những địa điểm thờ cúng của người Hmông còn khá đơn giản, hầu hết các gia đình Hmông không lập bàn thờ cố định, không có ống hương tượng trưng cho thế hệ tổ tiên. Song vị trí gian thờ đã ở gian giữa - nằm ở vị trí trang trọng giống người Việt, Tày, Dao. Tóm lại việc thờ cúng tổ tiên ở người Hmông chưa quy định chặt chẽ như người Việt, Tày, Dao nhưng cũng không thể hiện sơ sài như người Kháng, Phù Lá. Tuy nhiên có một số dòng họ ở Bảo Yên do cư trú đan xen cùng với người Tàu, người Dao, việc lập bàn thờ ở gian giữa thờ cúng tổ tiên đã được hình thành 2.1.2. Một số vị thần trong tín ngưỡng truyền thống 2.1.21. Thờ cúng các loại ma nhà Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, người Hmông còn tồn tại một hệ thống ma nhà với những lễ thức cúng bái riêng biệt. * “Xử ca” là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống các ma nhà người Hmông. “Xử ca” gắn liền với ý niệm giàu có, nhất là về tiền bạc. Nơi thờ “Xử ca” ở tấm ván hậu giữa nhà. Nơi thờ được dán hai miếng giấy bản màu vàng và bạc cắm 3 (hoặc 9) lông gà, bôi ít máu gà. Mỗi năm cúng ử ca một lần vào đêm 30 tết. Đồ cúng là một con gà trống màu đỏ. ông chủ nhà cắt tiết gà gần chết rồi thả gà trong nhà. Ông quan sát, gà quay đầu về hướng nào để đoán định việc làm ăn trong năm tới có phát đạt hay không. Nếu khi chết, gà quay đầu về bức tường thờ “Xử ca” hoặc phía buồng ông chủ nằm thì năm đó gia đình làm ăn phát đạt, nhưng nếu gà quay đầu ra phía cửa thì năm đó gia đình gặp khó khăn, hao tổn tiền của. * Ma cột chính là cột giữa của vì kèo thứ hai ngăn gian đầu hồi bên phải với gian giữa. Cột chính là nơi thờ ma lợn “bùa đáng” cột tượng trưng cho sự hưng thịnh của gia đình, liên quan đến sức khỏe và vận mệnh của gia đình. Các dòng họ Ly, họ Lầu ở miền Tây lại coi cột chính là nơi thờ phụng tổ tiên. Vì hồn tổ tiên khi về với con cháu thường trú ngụ ở nơi giao nhau giữa xà ngang với cột chính. Cột chính là nơi linh thiêng của ngôi nhà, kiêng dựa cột, không được treo quần áo, đồ dùng vào cột chính. Khi gia chủ sinh con trai, nhau thai nhi sẽ chôn ở chân cột chính. Khi chết thày cúng phải chỉ đường cho hồn về nhận lại áo “nhau” ở chân cột chính mang về cho tổ tiên. Có dòng họ, khi buộc người chết lên cáng “ngựa” phải đặt người chết dựa đầu vào cột chính một ngày, một đêm sau đó mới đặt ở nơi khác. Cúng ma cột chính, theo quan niệm của người Hmông còn nhằm tạ ơn những người xưa kia đã giúp người Hmông qua hoạn nạn * Ma cửa “Xìa mềnh”. “Xìa mềnh” có nhiệm vụ như người lính gác cửa, ngăn ma ác vào nhà, bảo vệ gia súc, bảo vệ của cải, bảo vệ các hồn, ngăn không cho các hồn trong gia đình bỏ đi. Khi nào súc vật chết vì bệnh tật, hoặc bị hổ vồ là do ma cửa bị ngã. Cũng có khi người đàn bà ở gia đình khác bước qua ngưỡng cửa, ma cửa cũng bị ngã. Do đó cần phải làm lễ nâng ma cửa dậy. Theo quan niệm của đồng bào, ma cửa thường ngự ở miếng vải đỏ dán trước cửa chính. Ma cửa thường được cúng vào dịp tết, khi có người ốm đau hoặc mất tài sản. Lễ cúng là một con gà trống luộc. Có một số dòng họ như họ Và, họ Vừ người Hmông Trắng thường nuôi một con gà ma (gà trống màu đỏ), gà ma được nhốt trong lồng treo sát vách buồng ông chủ. Khi cần báo mộng cho ông chủ, ma cửa sẽ nhập vào gà này để báo. Khi có điều xấu chủ nhà phải tổ chức lễ cúng ma cửa bằng lợn - gọi là lễ cúng lớn. Lễ vật là con lợn nái (khi lợn này còn bé đã cắt một nhúm lông đuôi đặt lên phía trên cửa ra vào). Cách cúng tương tự như cúng ma lợn. Khi cúng đóng chặt cửa và chỉ có nam giới được cúng. * Ma buồng “đá trùng”: theo quan niệm của người Hmông, Ma buồng “đá trùng” liên quan tới việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ thơ, phát triển đàn gia súc. Khi một đôi vợ chồng ra ở riêng có con đầu lòng và làm lễ đổi tên lót cho người bố, gia đình đó mới đủ điều kiện thờ ma buồng. Gia đình có trẻ nhỏ hàng năm đều làm lễ cúng ma buồng ít nhất một lần. Đồ cúng là con lợn cái nặng từ 6kg - 10kg. Cúng ma buồng thường cúng vào buổi tối hoặc nửa đêm, gà gáy lần thứ nhất hay thứ hai (tùy theo từng dòng họ). Khi cúng đóng chặt cửa, lợn mổ ngay trong nhà. Buổi cúng không cho người lạ đến dự. ông chủ gia đình pha thịt lợn thành nhiều bát, mỗi bát đủ các bộ phận của con lợn như đầu, tai, tim, lưỡi, chân... (số lượng bát bao nhiêu là tùy thuộc vào từng dòng họ). Nước luộc thịt cho vào trong quả bầu khô, cuống cong theo hình dấu hỏi. Ông chủ gia đình kính cẩn đọc bài cúng với nội dung yêu cầu ma buồng bảo vệ hồn trẻ nhỏ trong gia đình hay ăn chóng lớn, chăn nuôi được nhiều trâu, lợn... Cúng xong ông rót nước thịt trong quả bầu ra chén nhỏ bằng ống nứa (số chén tương ứng với số bát và tùy theo từng dòng họ) cho trẻ nhỏ uống, với niềm tin trẻ sẽ được khỏe mạnh, sáng mắt. Số thịt cũng được chia cho các thành viên trong gia đình ăn một bữa ở trong nhà, kiêng không mang ra ngoài nhà. Cúng xong quả bầu cong và các chén bằng ống nứa được cất trên mái nhà phía giường ngủ của vợ chồng chủ nhà. * Ma bếp “đá kho trù”: ma bếp liên quan đến việc sinh nở của phụ nữ và phù hộ cho việc chăn nuôi gia súc. Do đó kiêng giẫm chân lên bếp lò, kiêng làm hư hại lòng lò bằng đất, không được gõ và đánh vào máng cám lợn, lúc lợn chửa kiêng không lấy tro trong bếp lò. Muốn nhấc chảo cám ra phải để hòn đá vào giữa bếp, không kiêng như vậy, gia súc sẽ bị bệnh dịch chết, phụ nữ khó để hoặc để ra quái thai, dị hình. * Ma bếp lửa ở gian giữa “hú sinh” là nơi tiêu diệt các ma ác, sau lễ gọi hồn, người ta ném vào lò lửa những con sâu bọ - hồn bệnh tật vào bếp lửa hồng. Ma bếp lửa còn dễ gây ra ốm đau, bệnh tật. * Ma bảo vệ hồn lúa, hồn ngô: ma thường trú ngụ trên gác (phía trên bếp), nơi để thóc, ngô. Ma này có nhiệm vụ phù hộ cho được mùa (hoặc làm mất mùa) tùy theo thái độ của gia chủ. Con dâu và phụ nữ khác dòng họ kiêng lên gác. Khi chuẩn bị thu hoạch, phải cúng ma bảo vệ hồn lúa. 2.1.2.2. Thờ cúng thần cộng đồng làng giao Trong phạm vi làng “giao” hay liên làng, người Hmông thờ cúng các thần thổ địa “thủ ti”. Thần thổ địa được thờ ở gốc cây to (hoặc hồn đó lớn) trong khu rừng cấm “lùng sán”. Cũng có nơi như ở Séo Mí Tỉ - Sa Pa, Tả Thàng - Mường Khương... thổ thần của “giao” chỉ là hòn đá to có hình thù khác lạ. Việc thờ cây, thờ đá là một hiện tượng phổ biến ở các cư dân Đông Nam á. Tuy nhiên, ở một số “giao” ở thượng nguồn sông Chảy, các thần được thờ là ông Hoàng Sín Dần - một thủ lĩnh người Hmông có công lãnh đạo nhân dân chống giặc Hán cờ vàng. ở vùng thượng huyện Bắc Hà, ông Giàng Chỉn Hùng thủ lĩnh nghĩa quân chống giặc Pháp xâm lược cũng được thờ làm thần của nhiều làng Hmông. Một số thần khác ở Sa Pa (Tả Phìn, Sa Pả)... là những người có công khai phá vùng đất mới, có công lập làng khi mất đi được làng suy tôn là thần bản mệnh. Các vị thần này thường trú ngụ trong một mái đá, hang đá hoặc một gốc cây to trong rừng cấm. Cá biệt như ở Tả Phìn, Sa Pa, ở Quán Dín Ngài - Bắc Hà, ở Trung Đô - Bắc Hà... nhân dân lập một miếu thờ như thờ thần. Đồng bào quan niệm thần của “giao” chi phối cuộc sống của cộng đồng “giao”. Người dân trong “giao” khỏe mạnh, được mùa, gia súc đông dần là nhờ thần phù hộ. Ngược lại, gia súc bị dịch bệnh, người bị tai nạn là do có người hành động vô lễ với thần như chặt cây trong rừng cấm, phá phách nơi thần ở... Hàng năm vào ngày thìn của tháng hai (hoặc mồng 2 tháng 2), đại diện các gia đình trong “giao” đến khu rừng cấm, nơi thờ thần làm lễ cúng thần và “Nào xồng”, lễ vật cúng là gà hoặc lợn. Người đứng đầu “giao” - “lùng thầu” trịnh trọng cầu khấn thần linh phù hộ. Nội dung bài khấn vừa tỏ lòng tôn kính thần nhưng vẫn thân mật và bình đẳng với thần: “Ta đem hai gà Vàng, hương cho thần linh ...Mình phải phù hộ cho ta người lớn, người bé không ốm đau” Quan hệ người dân với thần như trong cộng đồng “giao” bình đẳng, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau. ở đây, thần cũng bình đẳng như một thành viên của cộng đồng. Thần chưa có sức mạnh siêu phàm tuyệt đối, chưa đứng trên cộng đồng. Do đó, cộng đồng dâng lễ vật cho thần thì thần phải có nghĩa vụ phù hộ, bảo vệ cộng đồng. Người Hmông không có vị thần của toàn dân tộc. Ông Chày, Bà Chày, Gầu á, Dầu Âu... trong thần thoại đều là anh hùng văn hóa. Tục thờ thần bản mệnh của cả cộng đồng trời đất tồn tại ở vùng người Việt, người Tày nhưng lại vắng bóng trong đời sống tín ngưỡng của người Hmông. Trong xã hội Hmông, cộng đồng gia đình, cộng đồng “giao” có hình thức tôn giáo tương ứng là tổ

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN-Tín ngưỡng của người Hmông tỉnh Lào Cai hiện nay.pdf
Tài liệu liên quan