Luận văn Những yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh

Tài liệu Luận văn Những yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ______________ NGÔ THỊ ĐẸP NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TỰ ĐÁNH GIÁ CỦA SINH VIÊN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Chuyên ngành: Tâm Lý Học Mã số: 60 31 80 LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. ĐOÀN VĂN ĐIỀU Thành phố Hồ Chí Minh – 2007 LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành bày tỏ lòng cảm ơn đến: - Ban giám hiệu Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh - Phòng KHCN – SĐH và các phòng ban của Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh - Quí thầy cô trong khoa Tâm Lý – Giáo Dục Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh và quí thầy cô ở các khoa đã trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn tôi trong suốt khóa học - PGS.TS Đoàn Văn Điều đã tận tâm hướng dẫn và giảng dạy tôi trong suốt thời gian từ những ngày chưa bắt đầu khóa học cho tới nay. - Và các bạn cùng khóa học, đồng nghiệp, người thân đã động viên, giúp đỡ tôi trong học tập cũng như trong khi tôi thực hiện luậ...

pdf89 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1169 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Những yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ______________ NGÔ THỊ ĐẸP NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TỰ ĐÁNH GIÁ CỦA SINH VIÊN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Chuyên ngành: Tâm Lý Học Mã số: 60 31 80 LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. ĐOÀN VĂN ĐIỀU Thành phố Hồ Chí Minh – 2007 LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành bày tỏ lòng cảm ơn đến: - Ban giám hiệu Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh - Phòng KHCN – SĐH và các phòng ban của Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh - Quí thầy cô trong khoa Tâm Lý – Giáo Dục Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh và quí thầy cô ở các khoa đã trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn tôi trong suốt khóa học - PGS.TS Đoàn Văn Điều đã tận tâm hướng dẫn và giảng dạy tôi trong suốt thời gian từ những ngày chưa bắt đầu khóa học cho tới nay. - Và các bạn cùng khóa học, đồng nghiệp, người thân đã động viên, giúp đỡ tôi trong học tập cũng như trong khi tôi thực hiện luận văn này. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 09 năm 2007. Tác giả Ngô Thị Đẹp DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT HSTC: Hệ số tin cậy ĐLTC: Độ lệch tiêu chuẩn TB: Trung bình ĐTB: Điểm trung bình ĐTBĐH: Điểm trung bình điều hòa YTTD: Yếu tố tác động TĐG: Tự đánh giá TĐGBT: Tự đánh giá bản thân r: Hệ số tương quan Pearson P.: Mức ý nghĩa F: Kiểm nghiệm F với K mẫu độc lập (giải tích biến lượng) T: Kiểm nghiệm t với hai mẫu liên hệ SV: Sinh viên TP: Thành phố NXB: Nhà xuất bản MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Tự đánh giá bản thân đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tâm lý và nhất là đối với sự phát triển nghiên cứu của cá nhân. Sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân phụ thuộc vào sự tự nhận thức, tự đánh giá bản thân của mỗi cá nhân. Sự tự đánh giá phù hợp với bản thân là điều kiện bên trong để phát triển nhân cách. Khi nhận thức đúng, đánh giá đúng bản thân thì cá nhân mới có cơ sở để điều chỉnh, điều khiển bản thân cho phù hợp với yêu cầu của xã hội, yêu cầu của tập thể. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc tự đánh giá của cá nhân từ bên trong lẫn bên ngoài là không thể tránh khỏi. Trong thời gian làm công tác tham vấn tâm lý, người nghiên cứu nhận thấy hầu hết đối tượng thanh niên, sinh viên đến tham vấn đều có vấn đề về việc tự đánh giá bản thân. Việc tự đánh giá ở những thanh niên này không phải hoàn toàn là thấp hay tiêu cực, thậm chí có những em tự đánh giá bản thân rất cao. Khi tìm hiểu sâu hơn ở các em, người nghiên cứu thấy những yếu tố từ bên ngoài tác động đến việc các em đánh giá bản thân chủ yếu là từ môi trường gia đình, người thân. Sự tự đánh giá không phù hợp ở các em đã dẫn đến một số vấn đề như khó khăn trong tâm lý như giao tiếp, ứng xử khó khăn không chỉ với người ngoài mà cả với những người trong gia đình, đặc biệt có một số em gặp trở ngại rất lớn trong việc hòa đồng với môi trường học tập, làm việc như không biết cách nào để có thể giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan, hệ quả là phải liên tục thay đổi chổ làm, thậm chí một số em cũng không biết định hướng cho tương lai của mình như thế nào. Từ thực tế trên, người nghiên cứu nhận thấy việc tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến tự đánh giá của sinh viên là hết sức cần thiết cho gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, định hướng đúng cho giới trẻ. Vì thế đề tài “Những yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh” đã được người nghiên cứu ưu tiên chọn. 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Trên cơ sở tìm hiểu tự đánh giá, các yếu tố tác động đến tự đánh giá và tương quan giữa tự đánh giá với các yếu tố tác động đến tự đánh giá bản thân ở sinh viên, đề xuất một số biện pháp nhằm hạn chế những yếu tố tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của họ. 3. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU Xuất phát từ mục đích nghiên cứu đã nêu, nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể của đề tài như sau: 3.1. Nghiên cứu các tài liệu liên quan để thiết lập cơ sở lý luận cho đề tài. 3.2. Khảo sát thực trạng về tự đánh giá bản thân của sinh viên, các yếu tố tác động đến tự đánh giá bản thân ở sinh viên và nghiên cứu mối tương quan giữa sự tự đánh giá với các yếu tố tác động đến tự đánh giá bản thân ở sinh viên. 3.3. Đề xuất một số ý kiến nhằm hạn chế những yếu tố tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tự đánh giá bản thân của sinh viên. 4. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ KHÁCH THỂ NGHIÊN CỨU 4.1. Đối tượng nghiên cứu Sự tự đánh giá và các yếu tố tác động đến tự đánh giá bản thân ở sinh viên. 4.2. Khách thể nghiên cứu Khách thể nghiên cứu là sinh viên thuộc ba trường Đại học tại thành phố Hồ Chí Minh là Đại học Sư Phạm, Kinh Tế và trường Đại học dân lập Văn Hiến. Mẫu nghiên cứu là 234 sinh viên. 5. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU 5.1. Do phần lớn sinh viên chưa có cơ hội thể hiện bản thân qua các hoạt động nên mức độ tự đánh giá bản thân ở sinh viên đạt ở mức trung bình. 5.2. Yếu tố tác động mạnh đến tự đánh giá bản thân ở sinh viên là các ảnh hưởng từ trong gia đình mặc dù có nhiều yếu tố khác nhau tác động đến việc này. 6. GIỚI HẠN CỦA ĐỀ TÀI Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu trên một số yếu tố tác động đến tự đánh giá bản thân ở sinh viên như những yếu tố có liên quan mật thiết tới đời sống của sinh viên; yếu tố trong gia đình (mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái), yếu tố ngoài gia đình (mối liên hệ với bạn bè và thầy cô). 7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 7.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu. Người nghiên cứu thu thập và phân tích các tài liệu, cũng như các công trình nghiên cứu có liên quan để làm cơ sở lý luận cho đề tài. 7.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn. Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi, được thực hiện qua hai giai đoạn; * Giai đoạn 1, lấy ý kiến bằng phiếu thăm dò với các câu hỏi mở. * Giai đoạn 2, thu thập ý kiến đánh giá bằng phiếu thăm dò với các câu hỏi có nhiều lựa chọn. Đây là phương pháp chính của đề tài này, nhằm tìm hiểu thực trạng về tự đánh giá bản thân của sinh viên và các yếu tố tác động đến sự tự đánh giá bản thân của sinh viên. 7.3. Phương pháp xử lý toán thông kê. Dùng chương trình xử lý số liệu SPSS trong việc xử lý số liệu. 8. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI - Luận văn góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về tự đánh giá và các yếu tố tác động đến tự đánh giá bản thân của sinh viên. - Kết quả nghiên cứu thực tiễn, khẳng định thêm tầm quan trọng của các yếu tố tác động từ bên trong lẫn bên ngoài gia đình đến tự đánh giá bản thân của sinh viên Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI 1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề nghiên cứu Ở nước ta có ít tác giả nghiên cứu về tự đánh giá, và các tác giả này chủ yếu nghiên cứu trên khách thể là thanh thiếu niên như: Nhóm nghiên cứu cùng với tác giả Văn Thị Kim Cúc, nghiên cứu đề tài “Những tổn thương tâm lý của thanh thiếu niên do bố mẹ ly hôn” bên cạnh tìm hiểu nhiều vấn đề khác nhau, các tác giả này còn chỉ ra mối tương quan giữa biểu tượng gia đình và sự tự đánh giá bản thân ở trẻ từ 10 đến 15 tuổi [2]. Hay trong luận án tiến sĩ của Đỗ Ngọc Khanh, tác giả tìm hiểu nhiều về sự ảnh hưởng của các cách cư xử của cha me đối với con cái, ảnh hưởng từ sự ủng hộ của cha mẹ đối với con cái cũng như ảnh hưởng từ môi trường đến sự tự đánh giá bản thân của các em học sinh trung học cơ sở ở Hà Nội [13]. Tác giả Vũ Thị Nho cũng có sự quan tâm đáng kể về tự đánh giá ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Với tuổi thiếu niên, tác giả cho rằng “sự tự đánh giá của thiếu niên cao hơn hiện thực”[23, tr.110], còn với tuổi đầu thanh niên: “Nhìn chung, họ có lòng tự trọng cao, song tính phê phán và sự tỉnh táo chưa cao. Chỉ bằng con đường trải nghiệm trong thực tế cuộc sống, dần dần những người trẻ tuổi mới đạt được những khả năng tự đánh giá mình và có lòng tự tin, tự trọng đúng mức như chính bản thân” [23, tr.130]. Đề tài luận án phó tiến sĩ tâm lý học của Lê Ngọc Lan “Nghiên cứu về mối quan hệ giữa khả năng tự đánh giá một cách phù hợp của học sinh đối với thái độ học tập và động cơ học tập”, tác giả đã tìm ra được mối quan hệ về tự đánh giá, về thái độ đối với học tập của học sinh có liên quan đến động cơ học tập. Luận án có kết luận rằng: Khả năng tự đánh giá về thái độ đối với học tập của các em học sinh lớp 6 và lớp 8 phát triển chưa đầy đủ, ở các môn học khác nhau thì khả năng tự đánh giá phù hợp về thái độ đối với học tập của các em không có sự khác biệt rõ rệt. Một đề tài khác liên quan đến tự đánh giá ở sinh viên của nhóm tác giả trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh là: “Tìm hiểu sự tự đánh giá về thái độ đối với tập thể của sinh viên trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh và mối liên quan của nó với bầu không khí tâm lý trong tập thể sinh viên”. Qua việc nghiên cứu tự đánh giá, các tác giả nghiên cứu việc tự đánh giá có ảnh hưởng đến một lĩnh vực nào đó của đời sống của các em như các em gặp các vấn đề khó khăn với bạn cùng lứa tuổi và có xu hướng gặp những trục trặc tâm lý như trầm cảm [15, tr. 27], hay khi các em đánh giá quá cao bản thân hay quá thấp cũng đều có tác động không tốt cho sự phát triển của các em. Đánh giá quá cao dẫn đến hậu quả là cá nhân sẽ nghi ngờ bản thân và phải đánh giá lại nếu không đạt được những gì mình mong muốn. Kết quả là cá nhân đó thường xung đột với thực tại đối lập xung quanh mình. Ngược lại, tự đánh giá bản thân thấp có thể gây ra mặc cảm “kém giá trị”, không tin vào bản thân mình, kém sáng tạo, bàng quan, tự lên án bản thân và bất an [15, tr. 26]. 1.2. Một số khái niệm liên quan đến đề tài Trong đề tài này chúng ta sẽ tìm hiểu về một số khái niệm liên quan đó là khái niệm yếu tố, tự ý thức, tự đánh giá, tự đánh giá và “cái tôi”. Trước tiên, chúng ta tìm hiểu qua về khái niệm yếu tố. 1.2.1. Yếu tố Khái niệm yếu tố được nhiều tác giả định nghĩa khác nhau như; - Yếu tố là điều kiện quan hệ tạo nên một sự vật [17, tr. 1567]. - Yếu tố là bộ phận cấu thành nên sự vật, sự việc, hiện tượng [38, tr. 927]. - Yếu tố là nguyên tố, thành phần cốt yếu cấu thành vật gì (như yếu tố tâm lý) [19, tr .1351]. - Yếu tố được xem là một trong những bộ phận có quan hệ phối hợp với nhau thành một toàn thể [4, tr. 958]. Trên đây là một số khái niệm về yếu tố của các tác giả khác nhau được trình bày trong một số từ điển tiếng Việt. Mặc dù, các cách hiểu có hơi khác nhau về khái niệm yếu tố, nhưng chúng ta vẫn thấy có những điểm chung trong các khái niệm này là: yếu tố là một trong những bộ phận cấu thành sự vật, hiện tượng hay được hiểu như một sự việc, bộ phận cấu thành đó có mối quan hệ với nhau tạo thành một sự vật, sự việc, hiện tượng. Trong nghiên cứu này, người nghiên cứu chọn khái niệm “yếu tố là một trong những bộ phận có quan hệ phối hợp với nhau thành một toàn thể” 1.2.2. Tự ý thức Tự ý thức là sự hiểu biết đầy đủ về bản thân mình, về giá trị và vai trò của bản thân mình trong cuộc sống, trong xã hội [25, tr. 7]. A.V.Petrovski quan niệm: Tự ý thức chính là sự phát hiện ra “cái tôi” và hình ảnh của “cái tôi”. Con người khi tham gia vào quan hệ xã hội đã tách biệt bản thân ra khỏi môi trường xung quanh, cảm thấy bản thân mình là chủ thể của các trạng thái, hoạt động, của các quá trình tâm lý, thể chất của mình, xuất hiện cho chính mình như “cái tôi”. “cái tôi” tương phản với “người khác” nhưng luôn luôn quan hệ mật thiết với nhau. Xem xét quá trình khám phá ra “cái tôi” của nhân cách. Tự đánh giá có thể được hiểu như là mưc độ phát triển cao của tự ý thức, vì vậy, giữa tự đánh giá và tự ý thức có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Tự đánh giá chỉ có được trên cơ sở của tự ý thức [25, tr. 8]. Theo Vưgotski thì tự ý thức là ý thức xã hội được chuyển vào bên trong, như thế tự đánh giá chỉ xảy ra khi nào có tự ý thức, nhờ có tự ý thức mới có thể có tự đánh giá [13, tr. 34]. S.L.Rubinstein cho rằng: Trong sự phát triển của tự ý thức diễn ra một loạt các mức độ từ sự nhận thức đơn giản về bản thân dẫn tới sự nhận thức ngày càng sâu sắc hơn. Từ sự nhận thức sâu sắc đó gắn liền với một sự tự đánh giá. Tự ý thức là sản phẩm tương đối muộn của ý thức. Tự ý thức đòi hỏi đứa trẻ phát triển thành chủ thể tách mình khỏi môi trường của nó một cách có ý thức. Thoạt đầu, đứa trẻ chưa có ý thức, lại càng chưa thể có tự ý thức, mà ý thức lại là dấu hiệu của nhân cách. Trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ, dưới ảnh hưởng của hoàn cảnh sống, xã hội, mối quan hệ xã hội dần dần được mở rộng ra giúp trẻ nhận ra bản thân mình, vị trí của mình trong các quan hệ xã hội [13, tr.34]. Theo Franz thì tự ý thức là nhận thức về chính bản thân mình, là sự trở nên có ý thức về những hiểu biết của bản thân mình, sự trở nên có ý thức về những xúc cảm riêng của bản thân. Như vậy, tự ý thức chính là tự nhận thức, ở đó bao gồm việc con người hiểu biết được bản thân mình (hiểu biết về khả năng, năng lực và những phẩm chất của bản thân). Cá nhân không chỉ hiểu biết về các hiện tượng tâm lý đang có ở mình mà còn ý thức được cả những hiểu biết ấy. Khi con người nhận thức được bản thân mình, con người thường tỏ thái độ (vui, buồn, hài lòng hay không hài lòng… với bản thân) và con người còn ý thức được cả những xúc cảm riêng ấy. S. Franz khẳng định: “Tự nhận thức là quá trình phong phú và phức tạp” [13, tr. 32]. Quá trình tự nhận thức này được thực hiện trong các quá trình tâm lý bộ phận và trong thực tế của một nhân cách, những quá trình tâm lý đó không thể tách rời nhau, bao gồm: - Thứ nhất: Bên cạnh những quá trình cung cấp tài liệu ban đầu (tự cảm giác, tự quan sát, so sánh những kết quả thu được) thông qua quá trình tự nhận xét với những nguồn thông tin của những người khác về bản thân mình. Quá trình này là mở đầu cho sự tự đánh giá, nhận xét ban đầu về mình. - Thứ hai: Là những quá trình dẫn đến những xác định đơn giản về bản thân. - Thứ ba: Là quá trình dẫn đến sự tự đánh giá, ví dụ như quá trình dẫn đến việc khẳng định thành tích học tập của mình thuộc loại nào (loại tốt hoặc kém). - Thứ tư: “Là quá trình dẫn đến sự tự phê phán”. Qua ý kiến của S. Franz cho thấy: Tự ý thức là sự nhận thức về bản thân mình, nó bao gồm không những sự hiểu biết về những phẩm chất, những năng lực của bản thân mà cả việc xác định thái độ đối với bản thân. Tự ý thức hay là tự nhận thức về bản thân mình được hình thành trong cuộc sống và hoạt động của con người [34]. Theo các tác giả Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Văn Lũy và Đinh Văn Lang soạn đề cương bài giảng tâm lý học đại cương của hội đồng bộ môn tâm lý trường ĐHSP Hà Nội thì “Tự ý thức là mức độ phát triển cao của ý thức. Tự ý thức là ý thức về mình, tức là khi bản thân trở thành đối tượng “mổ xẻ”, phân tích, lý giải… thì lúc đó con người đang tự ý thức. Tự ý thức biểu hiện ở các mặt sau: chủ thể nhận thức về bản thân mình từ bên ngoài đến nội dung tâm hồn, đến vị thế và các quan hệ xã hội, trên cơ sở đó tự nhận xét, tự đánh giá. Có thái độ rõ ràng đối với bản thân, tự điều chỉnh, điều khiển hành vi theo mục đích tự giác. Chủ thể có khả năng tự giáo dục, tự hoàn thiện mình” [16, tr. 35]. Phạm Hoàng Gia, trong bài “Ý thức và tự ý thức” đã trình bày những biểu hiện của tự ý thức và chức năng của nó: “Tự ý thức biểu hiện ra ở dấu hiệu tự nhận thức của mình (về bên ngoài, về nội dung tâm hồn, vị trí các quan hệ xã hội của mình…) có thái độ đối với mình (tự phê bình, tự đánh giá, tự nhận định, có dự định về đường đời của mình, chọn người mẫu để bắt chước, có lý tưởng chí hướng) và có khả năng tự kìm chế, tự thúc đẩy, tự kiểm tra… và là kết tinh của hoạt động tự giáo dục” [34, tr.13]. 1.2.3. Tự đánh giá 1.2.3.1. Đánh giá Theo nghĩa thông thường, “đánh giá là nhận thức cho rõ giá trị của một người hoặc một vật”. Với ý nghĩa này, nội dung của việc đánh giá chính là tập trung làm rõ giá trị của một người hoặc một sự vật. Trong tâm lý học, đánh giá được hiểu là “những ý kiến, những kết luận được rút ra từ những bằng chứng, phê phán có suy xét về con người và sự kiện. Có các dạng đánh giá khác nhau như: đánh giá sự khác biệt, đánh giá nhân viên, phản hồi, đánh giá công việc, đánh giá hoạt động, đánh giá kết quả, đánh giá chương trình, tác động của chương trình, tự đánh giá, đánh giá hệ thống… Như vậy chúng ta có thể hiểu đánh tự đánh giá như một dạng của đánh giá. Tùy những mục đích nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các khái niệm khác nhau, phục vụ cho lĩnh vực nghiên cứu mà họ quan tâm. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về khái niệm tự đánh giá. 1.2.3.2. Tự đánh giá Ý kiến của I.A. Polôsôva thì “tự đánh giá là biểu tượng của con người về chính mình đã được hình thành một cách bền vững. Đó là quá trình tự đánh giá mình mà ở đó biểu tượng của nhân cách về mình được nảy sinh”. Polôsôva còn nhấn mạnh: “Biểu tượng về nhân cách của mình như sản phẩm của tự đánh giá như là một quá trình tạo ra những điều kiện cho nhau khi tạo thành sự thống nhất” [34]. A.V. Lípkina quan niệm: “Tự đánh giá là thái độ của con người đối với năng lực, khả năng, những phẩm chất nhân cách cũng như bộ mặt bên ngoài của mình”. Những biểu tượng của đứa trẻ về những cái đạt được, dự án về tương lai của nó, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng cũng được phản ánh trong tự đánh giá. Từ việc phân tích nội dung, Lípkina kết luận: “Tự đánh giá là một cấu tạo cấu trúc phức tạp, nó phản ánh cái mà đứa trẻ nhận ra về mình từ những người khác và cả tính tích cực riêng đang lớn mạnh hướng vào sự nhận thức các hành động và các phẩm chất nhân cách của mình”. Rõ ràng, việc nghiên cứu tự đánh giá rất phức tạp, bởi vì đây là một hệ thống trong các hiện tượng tâm lý thầm kín của nhân cách. Nhà tâm lý học V.P. Levcôvich đã định nghĩa: “Tự đánh giá là một giai đoạn cao của tự ý thức, nó bao gồm không những nhận thức bản thân mà còn có sự đánh giá đúng sức lực và khả năng của mình, bao gồm cả thái độ phê phán đối với bản thân [34]. S. Franz đã phân tích bản chất của tự đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện xuất phát từ các phạm trù ý thức và tự ý thức. Tác giả cho rằng: “sự tự đánh giá là một hình thức đặc biệt của hoạt động nhận thức của nhân cách” và có thể coi “sự tự đánh giá là một chỉ số của mức độ tự nhận thức của một nhân cách”. S.Franz phân tích tự đánh giá trong quá trình cấu thành của tự ý thức. Đứng ở góc độ phản ánh, tự ý thức là một quá trình nhận thức hướng vào bản thân mình với những kết quả của quá trình đó. Tự nhận thức là quá trình phong phú và phức tạp bao gồm các quá trình sau: - Những quá trình cung cấp tài liệu ban đầu - Những quá trình dẫn đến sự xác định đơn giản về bản thân - Những quá trình dẫn đến sự tự đánh giá - Tự phê phán, tỏ thái độ đối với bản thân Theo S. Franz, con người không chỉ nhận xét bằng lời xem mức độ của các hiện tượng tâm lý đang tồn tại ở mình như thế nào, mà sự nhận thức đó sẽ liên hệ với hệ thống quan điểm của bản thân về giá trị và cuối cùng dẫn đến sự tỏ thái độ đối với bản thân. Ở góc độ nhân thức, S. Franz coi tự đánh giá là một quá trình cấu thành của nhận thức, là mức độ phát triển cao của nó. Tự đánh giá là một dạng đặc biệt của nhận thức của nhân cách: “Tự đánh giá là phát biểu của cá nhân về mức độ biểu hiện của những hiện tượng tâm lý, những đặc điểm tâm lý và có thể của những phương thức thái độ đang tồn tại ở bản thân”. Từ cách nhìn nhận ấy, Franz đi sâu phân tích một cách sâu sắc bản chất của tự đánh giá. Trước hết, trong tự đánh giá, cá nhân không chỉ nhận thức được mình một cách chung chung, đại khái, xác định được cái mà bản thân có hoặc không có mà phải chỉ ra được các hiện tượng tâm lý được đánh giá. Từ chỗ nhận thức về mức độ tồn tại của đặc điểm tâm lý của mình, cá nhân sẽ có sự liên hệ với hệ thống quan điểm của bản thân về giá trị và tỏ thái độ đối với bản thân. Trên cơ sở ấy, cá nhân có khả năng tự điều chỉnh, điều khiển hành vi, tự hoàn thiện mình. S. Franz còn phân tích rõ từng bước của quá trình tự đánh giá và các quá trình cấu thành nó. Theo Franz, sự tự đánh giá gồm các quá trình sau: - Quá trình soạn thảo và tiếp nhận các thông tin khác nhau về bản thân - Những quá trình dẫn đến sự xác định đơn giản về những hiện tượng tâm lý, những thái độ đang tồn tại của bản thân. - Cá nhân xem xét những hiện tượng đã được xác định đó trong hệ thống tiêu chuẩn đánh giá để biết các hiện tượng tâm lý tồn tại ở mức nào. - Phát biểu thành lời dưới hình thức tự đánh giá. Các thông tin có thể thu được từ hai nguồn khác nhau: - Cá nhân tự quan sát bản thân, tự phân tích mình, từ đó có được thông tin về mình. - Thu thập thông tin của những người khác về mình. Kết quả thu thập thông tin phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Yếu tố bên ngoài (nội dung, chất lượng, độ phong phú của thông tin…), yếu tố bên trong (trình độ nhận thức của cá nhân, mối quan hệ giữa chủ thể và người phát ra thông tin…). Từ việc thu thập thông tin, cá nhân sẽ có những cứ liệu để xem xét những hiện tượng về cơ thể và tâm lý, hành vi, thái độ của bản thân, từ đó đối chiếu với hệ thống tiêu chuẩn đánh giá xem nó tồn tại ở mức độ nào. Thực tế cho thấy, không phải lúc nào cá nhân cũng tự đánh giá đúng bản thân mình. Nhà giáo dục phải phân tích được các bước của quá trình tự đánh giá, phải chỉ ra được nguyên nhân của một số sai lầm khi tự đánh giá, từ đó có phương hướng, kế hoạch giúp đỡ học sinh tự đánh giá đúng. Mặt khác, không phải lúc nào tự đánh giá của cá nhân cũng đồng nhất với sự sẵn sàng bộc lộ nó ra bên ngoài. Việc cá nhân sẵn sàng bộc lộ sự tự đánh giá còn phụ thuộc vào một số điều kiện như bầu không khí, tính chất và mức độ gắn bó của tập thể, quan hệ giữa các cá nhân trong tập thể,… phải thấy được sự tự đánh giá và đánh giá có mối quan hệ với nhau trong quá trình hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Theo S. Franz thì tự đánh giá bao gồm: Con người xác định được các hiện tượng tâm lý đang có ở bản thân mình, chỉ ra được mức độ đang tồn tại của các hiện tượng tâm lý đó. Trên cơ sở đó có liên hệ đến hệ thống giá trị của bản thân và có thái độ với bản thân mình. S. Franz cho rằng mức ba và mức bốn của tự đánh giá là mức độ cao gọi là tự nhận xét, tự phê phán bản thân. Theo nhà nhân loại học Margaret Mead, cho rằng tự đánh giá bản thân được xác định từ sự tự đánh giá của người khác. Tương tự như chiếc gương phản lại mức độ nào đó các tiêu chí mà những người quan trọng trong xã hội đã sử dụng, nó được xem là một cách đo tự đánh giá bản thân. Điều này cho thấy con người không thể tự đánh giá bản thân mình mà không soi rọi vào một điểm nào đó làm chuẩn, cho dù người đó có tin tưởng vào tính độc lập của mình đến mấy thì họ cũng tự mang theo bên mình một cái gương phản chiếu từ nhóm xã hội của họ. Một người sẽ đặt cho giá trị bản thân là cao, khi người đó được những người quan trọng xung quanh cuộc sống của họ đối xử một cách quan tâm và tôn trọng. Chìa khóa của Mead để có thông tin về tự đánh giá bản thân của một người là cách nhìn nhận của người khác được khái quát và được thể hiện trong cách đối xử với họ [24, tr. 40]. Với tư cách là những nhà tâm lý học lâm sàng, theo trường phái phân tích xã hội, đó là Alfred Adler, Karen Horney, Erich Fromn và Harry Stack Sullivan. Sullivan chấp nhận sự diễn giải của Mead về nguồn gốc xã hội của cá nhân và ông tiếp tục phân tích mở rông thêm về các quá trình bên trong cá nhân đã tham gia vào. Sullivan dùng khái niệm sự nhân cách hóa trong khi đứa trẻ phát triển ngày càng tăng các dạng thức kinh nghiệm phức tạp hơn để giúp chúng đối phó với môi trường xung quanh, đồng thời chúng cũng đang phát triển các kiểu kỳ vọng của xã hội để giúp cầu trúc hóa các tri giác về phạm vi liên ngôi vị. Mỗi kiểu kỳ vọng được học tập lúc đầu được đặc trưng cho một cá nhân được gọi là sự nhân cách hóa loại người đó. Một sự nhân cách hóa quan trọng đặc biệt là bản thân. Hình ảnh bản thân hợp nhất những sự nhân cách hóa “cái tôi” tốt, “cái tôi” xấu và không phải “cái tôi”. Ông cho rằng sự lo âu là một nhân tố trong quyết định quan trọng chính yếu của tiến trình phát triển. Sullivan phân biệt rõ giữa lo lắng và sợ hãi. Sự lo lắng được phát sinh khi có một mối đe dọa liên ngôi vị đối với lòng tự trọng của cá nhân, sự sợ hãi phát sinh từ một mối đe dọa ở bên ngoài đối với sự tồn tại hay sự hội nhập về mặt sinh học. Hậu quả của lo lắng không hoàn toàn tiêu cực. Ông tin rằng sự nhận thấy về những người khác dường như có mặt ở mọi nơi và có một yếu tố đánh giá lớn. Cá nhân tiếp tục bảo vệ bản thân chống lại sự tổn thất của tự đánh giá bản thân. Và lo lắng là một hiện tượng tâm lý xuất hiện khi một cá nhân thực tế bị bản thân hay người khác chối bỏ hoặc hả thấp. Nếu ai đó đánh giá bản thân thấp, thì có thể giả thuyết rằng trong lịch sự cuộc đời người đó đã từ bị những người quan trọng xung quanh đánh giá thấp và người này cảm thấy được sự xúc phạm trong hoàn cảnh hiện tại [24]. Sullivan cũng đề cập đến việc làm thế nào con người học cách giảm bớt hoặc chống lại sự đe dọa đối với sự tự đánh giá bản thân của một người. Con người học cách giải quyết với những đe dọa như vậy trong các dạng khác nhau và với mức độ khác nhau. Khả năng làm giảm hoặc tránh các tổn thương trong sự tự đánh giá bản thân để duy trì sự tự tin ở mức độ tương đối cao là rất quan trọng. Ông tập trung vào mối quan hệ liên nhân cách là nền tảng của sự tự đánh giá bản thân, sự quan trọng đặc biệt của cha mẹ, anh chị em ruột và sự quan trọng của các biện pháp làm giảm các sự kiện liên quan đến nguồn gốc của sự tự đánh giá thấp bản thân. Alfred Adler một nhà tâm lý học có hoàn cảnh thời bé khá đặc biệt, có lẽ vì thế ông quan tâm nhiều đến việc bù đắp cho sự thấp kém và cố gắng để đạt được tính ưu việt trong một con người. Bên cạnh những lý thuyết này ông còn đề cập đến thứ tự sinh đẻ và vị trí hợp lý của đứa trẻ trong gia đình như một nhân tố quyết định xã hội chính yếu cho một con người và cả mô hình hành vi sau này của họ. Adler lý giải rằng: con một có khuynh hướng chi phối cha mẹ trong những năm đầu tiên của thời thơ ấu, và phát triển các thói quen chủ yếu dựa trên những phần thưởng nhận được từ hành vi nổi trội này. Con cả trong một gia đình có nhiều con, về cơ bản, có kinh nghiệm giống như con một, nhưng sự ra đời của đứa thứ nhì có thể chuyển tình cảm yêu mến của cha mẹ sang hướng khác, làm cho đứa lớn bất an và thậm chí có khi thù ghét. Đứa trẻ sinh thứ nhì, có thể có kinh nghiệm chi phối lúc đầu không chỉ đối với cha mẹ mà cả với anh ruột nữa. Do đó, đứa trẻ sinh thứ nhì có thể trở thành một người có nhiều tham vọng, năng nổ, có sự điều chỉnh tốt hơn người con cả. Con út có phạm vi chi phối tiềm tàng được mở rộng thêm nữa thường trở nên luôn như một đứa trẻ của gia đình. Cơ bản, đứa trẻ này dễ bị làm trở nên hư hỏng [5]. Qua một số quan điểm khác nhau về tự đánh giá của các tác giả nêu trên, người nghiên cứu xét thấy đó chỉ là một số ít khái niệm đại diện được nêu trong đề tài này. Để thống nhất cho nghiên cứu này, người nghiên cứu sử dụng khái niệm tự đánh giá như sau: Tự đánh giá là thái độ của con người đối với năng lực, khả năng, những phẩm chất nhân cách, và cả thái độ phê phán đối với bản thân. Khi xem xét tự đánh giá chúng ta không thể không xem xét đến vấn đề tự ý thức. Muốn đánh giá chính xác bản thân trước tiên chúng ta phải tự ý thức về chính bản thân mình, hay nói cách khác là phải có khái niệm rõ ràng về bản thân (“cái tôi”). Mặt khác, nếu thiếu sự nhận thức của cá nhân về phẩm chất nhân cách như một vai trò vị thế của cá nhân trong hoạt động và giao tiếp với những người xung quanh thì chúng ta không thể tự đánh giá đúng về mình. Nói chung, tự ý thức, tự nhận thức về mình là yếu tố cần thiết để có thể có được sự tự đánh giá. Và để có cái nhìn rõ hơn về sự phát triển của lứa tuổi thanh niên, sinh viên, chúng ta không thể bỏ qua những yếu tố ảnh hưởng đến sự ý thức, đánh giá của sinh viên. 1.3. Một số đặc điểm của tự đánh giá Đặc điểm của tự đánh giá tuy không được nghiên cứu nhiều nhưng các tác giả cũng có sự quan tâm đáng kể. Dựa vào các quan điểm khác nhau, các tác giả nêu ra các đặc điểm khác nhau của tự đánh giá thông qua: - Tính phù hợp: xét tự đánh giá trong mối quan hệ với thực tế khách quan được đánh giá. - Tính phân biệt và tính khái quát: xét theo nội dung và phạm vi hoạt động được đánh giá. - Độ cao của tự đánh giá: được xét trong mối quan hệ với hệ thống mức độ đánh giá. - Tính bền vững: xét tự đánh giá trong khoảng thời gian nhất định [34, tr. 18]. 1.3.1. Tính phù hợp của tự đánh giá. Cũng như mọi hiện tượng tâm lý khác, tự đánh giá là hình ảnh của hiện thực khách quan. Ở góc độ triết học, ta có thể nói, một hình ảnh được coi là phù hợp “nếu nó đồng nhất với đối tượng được phản ánh trong đó, nếu nó phản ánh đúng đối tượng tương ứng với nó”. Nói đến đánh giá thì bao giờ cũng phải nói tới độ chính xác hay mức độ phù hợp của đánh giá. Tự đánh giá là một hình ảnh của thực tế khách quan được đánh giá sẽ coi là có tính phù hợp nếu sự phát biểu đó là chính xác, sát thực với thực tế được đánh giá. Cho nên, phải lấy thực tế khách quan làm tiêu chuẩn để xem xét tính phù hợp của tự đánh giá. Cá nhân đánh giá người khác và người khác đánh giá cá nhân đó được gọi là đánh giá bên ngoài. Sự đánh giá này phải phù hợp với thực tế khách quan mà cá nhân có. Khi ý kiến của cá nhân về mình trùng khớp với ý kiến bên ngoài (sát thực tế) thì tự đánh giá được coi là phù hợp. Tự đánh giá được coi là không phù hợp (tự đánh giá cao hoặc thấp so với những cái thực có của mình) mà nguyên nhân sai lầm có thể nằm ở một hoặc bốn khâu của quá trình tự đánh giá mà chúng ta đã nêu ở trên. Nhiều tác giả đồng ý rằng, có thể coi đánh giá bên ngoài là những tiêu chuẩn để xem xét tự đánh giá. Song đánh giá bên ngoài phải phù hợp, hoặc giống tựa thực tế khách quan. Bởi lẽ đặc điểm của hoạt động phản ánh là: Kết quả của quá trình phản ánh không thể hoàn toàn đúng đắn, phong phú và rộng rãi như chính thực tế khách quan được phản ánh. Với các công trình nghiên cứu trên học sinh, thì đánh giá bên ngoài thường gặp nhiều là đánh giá của giáo viên, đánh giá của bạn học, đánh giá của gia đình. Mỗi đánh giá bên ngoài đó có những ưu điểm nhất định, sự ảnh hưởng của những đánh giá bên ngoài đó đối với cá nhân là khác nhau ở từng lứa tuổi, từng cấp học, lớp học, thậm chí ở từng cá nhân học sinh. Tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện khác nhau mà chúng ta sử dụng từng đánh giá bên ngoài cho hợp lý để phát huy tính ưu việt của nó, nhưng không phải mọi đánh giá bên ngoài đều có thể được coi là tiêu chuẩn để xem xét tính phù hợp của sự tự đánh giá. Vì bản chất xã hội của con người, và cũng vì tự đánh giá không đơn giản nên người ta phải dựa trên những đánh giá của những người khác về cá nhân để đánh giá độ chính xác của tự đánh giá. Tự đánh giá từ góc độ tâm lý là đánh giá về những phẩm chất tâm lý bên trong của con người, cho nên đòi hỏi những người đánh giá về cá nhân đó phải là những người biết rõ về đối tượng đánh giá. Trong thực tế, không thể so sánh một cách tuyệt đối với thực tế khách quan được đánh giá mà chúng ta chỉ đạt đến mức độ “tựa như” thực tế khách quan. Tự đánh giá một cách chính xác đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của nhân cách. Tuy nhiên, đánh giá nói chung đã là việc làm khó khăn chưa nói đến đánh giá chính xác bản thân. Con người thường gặp khó khăn trong sự chính xác khi tự đánh giá vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, theo quan điểm của Franz: tự đánh giá phụ thuộc vào quá trình phát triển nhận thức của mỗi cá nhân. Quá trình nhận thức của cá nhân khác nhau là khác nhau, do vậy, mức độ tri giác sự vật, hiện tượng cũng khác nhau. Thứ hai, tiêu chí chung dùng để đánh giá là vấn đề quan trọng nhất của tự đánh giá cũng khó xác định một cách thống nhất. Các tiêu chí đánh giá của cá nhân phụ thuộc vào tiêu chí đánh giá của xã hội thông qua lăng kính chủ quan của cá nhân. Ngay trong một nhóm, các vai trò khác nhau cũng có các tiêu chí riêng, khác nhau. Và các tiêu chí của các nhóm khác nhau là khác nhau. Trên cơ sở phân tích các bước của tự đánh giá, S. Franz nhấn mạnh, cả đánh giá bên ngoài và tự đánh giá đều phải đảm bảo hai điều kiện sau: - Cả tự đánh giá và đánh giá bên ngoài đều phải dựa trên tiêu chuẩn đánh giá của xã hội. - Các phát biểu đánh giá, về mặt nội dung đều phải dựa vào chính một hoàn cảnh, một hiện tượng bị đánh giá. 1.3.2. Tính phân biệt và tính khái quát của tự đánh giá. Xét theo nội dung phản ánh và những hoạt động riêng, có thể kể đến tính phân biệt và tính khái quát của tự đánh giá. Nếu so sánh sự tự đánh giá riêng lẻ dựa trên những hoạt động và kết quả hoạt động khác nhau, những sự tự đánh giá phản ánh các hiện tượng tâm lý hoặc thái độ của cá nhân khác nhau một cách tương ứng thì sự đánh giá đó có tính phân biệt. Hay chúng ta cũng có thể hiểu: nếu ở các phạm vi phản ánh khác nhau, cá nhân thấy được sự khác nhau tương ứng với mức độ biểu hiện các phẩm chất của mình ở các dạng hoạt động đó thì ta có thể coi sự đánh giá đó có tính phân biệt. Nếu cá nhân suy diễn một cách tùy tiện sự đánh giá ở phạm vi này sang phạm vi khác thì sự đánh giá của nó không có căn cứ. Mặt khác, trên cơ sở những nhận xét từ những kết quả riêng lẻ trong phạm vi hoạt động cụ thể, cá nhân có được nhìn chung hoặc khái quát chung về bản thân mình, khi đó sự đánh giá có tính khái quát. 1.3.3. Độ cao của tự đánh giá Một yếu tố rất quan trọng của tự đánh giá là thước đo hay còn gọi là thang đo mà cá nhân dùng làm cơ sở để xác định xem mình đang ở đâu, ở mức nào trong theo thang đó. Thang đo ấy được xây dựng trên nền của các chuẩn mực quy tắc xã hội, của tập thể. Nói một cách cụ thể hơn, tiêu chuẩn đánh giá của xã hội được cá nhân thừa nhận thông qua lăng kính chủ quan của mình, cá nhân tiếp nhận nó, đối chiếu mình với nó để nhận biết những biểu hiện riêng của mình ở vào vị trí nào trong hệ thống các mức độ được định sẵn. Thông qua mức độ cá nhân đã chỉ ra, ta biết được độ cao của sự tự đánh giá. Tự đánh giá chính xác có vai trò rất quan trọng trong việc xác định hình ảnh cá nhân, vị thế, các năng lực của cá nhân… Có nghiên cứu cho rằng: Tự đánh giá giống như một biến số khuynh hướng. Khi tự đánh giá được hiểu như là một hiện tượng tâm lý và được đo theo chiều tích cực hay tiêu cực thì nó dự báo người đó đang ở đâu trong mối quan hệ với những người khác. Khuynh hướng đánh giá này có tính chất dài hạn. Cũng có tác giả cho rằng đánh giá bản thân là một “phép đo xã hội” nghĩa là phép đo lường bên trong mức độ thành công của cá nhân về hòa nhập xã hội. Và một nghiên cứu khác cho rằng thành tích học tập ảnh hưởng đến mức độ của tự đánh giá không chì ở phạm vi học tập mà còn ở các khía cạnh khác nữa. Cho nên, đối với nhà giáo dục, việc nắm được độ cao của tự đánh giá có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Nó sẽ giúp cho nhà giáo dục biết học sinh nghĩ về mình ở thời điểm hiện tại như thế nào, học sinh có tự tin hay không tự tin vào bản thân mình? Không tự tin vào mình ở mặt nào? Từ đó nhà giáo dục xây dựng những biện pháp giáo dục thích hợp để đưa đến sự phát triển tốt nhất của học sinh, giúp cho họ rút ngắn và vượt qua được khoảng cách của mình với yêu cầu của thực tế khách quan một cách có kết quả. 1.3.4. Tính bền vững của tự đánh giá. Tính bền vững của tự đánh giá có thể được xác định trong mối quan hệ với những yêu cầu khác nhau trong khoảng thời gian nhất định. Tính bền vững của tự đánh giá có liên quan tới một số đặc điểm tâm lý khác nhau. Tính bền vững của tự đánh giá có thể thay đổi theo từng lứa tuổi chứ không cố định ở mức nào. Theo nghiên cứu của Diessler cho rằng, tính bền vững của tự đánh giá phụ thuộc vào tự khẳng định trong nhân cách và và sự bền vững về mặt xã hội của nhóm cơ sở. Theo ông, ở học sinh nhỏ có sự tương quan dương tính giữa tính bền vững của hình ảnh về bản thân và vị thế xã hội của chúng. Còn ở sinh viên, nếu sự tự đánh giá có tính chất tiêu cực thì hình ảnh bản thân kém bền vững hơn so với tự đánh giá có tính tích cực. Brownjaiin xem tính bền vững của tự đánh giá gắn liền với tính bền vững về tiêu chuẩn của cá nhân. Do vậy, những học sinh định hướng trước hết vào tự đánh giá có con số tự đánh giá bền vững hơn nhiều so với những học sinh định hướng trước hết vào đánh giá bên ngoài. Tính bền vững của tự đánh giá phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài và những điều kiện bên trong khác nhau của tự đánh giá. Tự đánh giá sẽ cùng với những đặc điểm tâm lý khác quyết định những thành phần tâm lý khác nhau của nhân cách như lòng tự tin, lòng tự trọng…, và những đặc điểm khác nhau của nhân cách. Mặt khác tính bền vững của tự đánh giá phải có sự năng động nào đó để tạo điều kiện cho tự đánh giá có tính phù hợp, mỗi khi thực tế khách quan được đánh giá đã bị thay đổi. Nếu không có sự mềm dẻo này thì tự đánh giá khó có được tính phù hợp. Các nhà tâm lý học đã xác định, tự đánh giá ổn định còn thể hiện thái độ đã được hình thành của cá nhân đối với chính mình. Khi nghiên cứu vấn đề này, các tác giả đều cho rằng sự phân chia các đặc điểm của tự đánh giá có tính tương đối, bởi vì mỗi đặc điểm chỉ là một biểu hiện của tự đánh giá, trong thực tế các đặc điểm của nó có quan hệ chặt chẽ với nhau và tạo thành chỉnh thể thống nhất. Do vậy, phải xét các đặc điểm ấy trong mối quan hệ chung với nhau thì mới đưa đến những nhận xét đầy đủ về tính chất, chất lượng của tự đánh giá. Trong thực tế, phần nhiều các công trình nghiên cứu từng đặc điểm riêng lẻ của tự đánh giá và chưa có một công trình nào nghiên cứu tổng hợp về các đặc điểm của tự đánh giá. 1.4. Vai trò của tự đánh giá đối với sự phát triển nhân cách Tự đánh giá của cá nhân có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của họ. I. Chexnôcôva đã nhấn mạnh về chức năng cơ bản của tự đánh giá là: “Điều chỉnh các hành vi của cá nhân trong hệ thống quan hệ liên nhân cách. Tự đánh giá là cơ chế đặc biệt của tự điều chỉnh nhân cách. Tự kiểm tra, tự quan sát, tự điều chỉnh, tự phê phán, tự hoàn thiện của nhân cách dựa trên cơ sở của tự đánh giá” [34, tr. 21]. A.V. Lip Kina cho rằng tự đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với sự điều khiển các khâu của hoạt động: “Nếu thiếu sự tự đánh giá tức là thiếu sự đánh giá của chính cá nhân đối với những hoạt động của mình và đối với phẩm chất tâm lý của cá nhân thể hiện trong hoạt động thì không thể có hành vi tự điều khiển”. Điều mà chúng ta nhận thấy rằng, sống trong xã hội, cá nhân luôn tiếp nhận được sự điều chỉnh từ phía xã hội ở những mức độ khác nhau. Sự khác nhau ấy tùy thuộc vào khả năng sự điều chỉnh, điều khiển của mỗi cá nhân. Trong thực tế, sự khác biệt về đối tượng và phương thức tự đánh giá đã gây nên những khó khăn cho việc kiểm tra tính phù hợp của tự đánh giá. Muốn đạt đến một hoạt động có kết quả, cá thể phải có những hiểu biết khách quan về mình, về những phẩm chất đang tồn tại ở bản thân, từ đó mà cá nhân điều chỉnh, điều khiển mình cho phù hợp với chuẩn mực xã hội. Con người ta chỉ có thể điều chỉnh, điều khiển nhân cách của mình trên cơ sở xem xét sự đánh giá, nhận xét của những người xung quanh về mình, phân tích kết quả hoạt động cũng như hành vi cử chỉ của mình. Nếu như sự đánh giá bên ngoài có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển nhân cách của cá nhân, thì sự tự đánh giá của cá nhân có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển nhân cách của cá nhân. Nó tạo ra cơ sở cho việc tự tu dưỡng, tự giáo dục của cá nhân. Chính vì vai trò quan trọng đó mà S. Franz khẳng định: “Sự tự đánh giá là một điều kiện quan trọng để điều chỉnh hoạt động một cách có ý thức”. Hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, có mục đích độc lập và sáng tạo. Trong quá trình hoạt động của cá nhân, tự đánh giá là nhân tố tham gia điều chỉnh, điều khiển, kích thích hành động, định hướng hoạt động, tới việc thực hiện hành động và tới khâu cuối cùng là kiểm tra kết quả hành động. Sự điều chỉnh các kích thích có liên quan với các mâu thuẫn nảy sinh trong hoạt động - Mâu thuẫn ở tất cả các phạm vi tác động qua lại với hoàn cảnh sống của mình, mâu thuẫn trong phạm vi thành phần của nhân cách… - Những mâu thuẫn này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và nhìn chung tạo thành một hệ thống thứ bậc, trong hệ thống đó những mâu thuẫn trung tâm là cơ bản. Sự phân biệt giữa giá trị “đang có” và giá trị “phải có” được coi là mâu thuẫn bên trong trung tâm, có ý nghĩa đặt biệt đối với sự phát triển nhân cách. Trong việc điều chỉnh các hoạt động có ý thức, nếu cá nhân xác định được mức độ phát triển riêng của mình có liên quan với yêu cầu hoạt động cũng phù hợp và có phân biệt hơn, thì hoạt động của họ cũng đỡ gặp khó khăn hơn. Trên cơ sở ấy, cá nhân có thể phân biệt và thể nghiệm một cách có ý thức hơn về mức độ khoảng cách giữa cái “phải có” và cái “đang có”, tạo ra những điều kiện thuận lợi để giải quyết mâu thuẫn bên trong, khắc phục những khoảng cách đó trong những điều kiện thích hợp và từ đó nhân cách có thể phát triển có mục đích hơn. Trong quá trình thực hiện hành động, cá nhân phải đối chiếu kết quả từng bước đạt được với kết quả của hoạt động. 1.5. Đặc điểm phát triển tâm, sinh lý tuổi sinh viên 1.5.1. Đặc điểm phát triển sinh lý tuổi sinh viên Tuổi sinh viên được xem xét từ 19 đến 25 tuổi, sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối. Lứa tuổi được bắt đầu sau khi kết thúc phổ thông trung học chấm dứt ở tuổi 24 – 25, vì ở tuổi 24 - 25 con người đã hoàn tất sự phát triển về thể chất (thường nữ sớm hơn nam từ 1 đến 2 năm), đây là tuổi mà con người đã đạt đến mức hoàn thiện tất cả các hệ thống thần kinh, cơ xương… Các tố chất thể lực đều phát triển mạnh như sức nhanh, sức bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt nhờ sự phát triển ổn định của các tuyến nội tiết cũng như sự tăng trưởng của các hoocmon. Mặt khác, đến 25 tuổi cũng là năm kết thúc giai đoạn đào tạo dài nhất ở đại học. Theo tác giả Vũ Thị Nho thì “các thành tựu nghiên cứu ở lứa tuổi này còn rất ít, tản mạn, chưa tập trung và chưa có hệ thống, nên chưa khái quát được những đặc điểm chung đối với toàn bộ độ tuổi này” [23, tr.138]. * Vai trò của sinh viên Sinh viên là một tầng lớp xã hội, một tổ chức xã hội quan trọng đối với mọi thể chế chính trị. Sinh viên là nhóm người có vị trí chuyển tiếp, chuẩn bị cho một đội ngũ tri thức có trính độ và nghề nghiệp tương đối cao trong xã hội. Chính sinh viên là nguồn dự trữ chủ yếu cho đội ngũ những chuyên gia theo các nghề nghiệp khác nhau có cấu trúc của tầng lớp tri thức xã hội. Các tổ chức chính trị, xã hội, dòng tộc gia đình đề có nhiều kỳ vọng đối với sinh viên. * Các hoạt động cơ bản của sinh viên Hoạt động học tập nhằm chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, cũng như các phương thức của hoạt động nhận thức, hoạt động trí tuệ vẫn tiếp tục giữ vị trí quan trọng ở tuổi thanh niên sinh viên với tính chất và sắc thái khác với việc học ở trường phổ thông. Hoạt động này mang tính chất chuyên ngành, phạm vi hẹp hơn nhưng sâu sắc hơn. Điều này buộc sinh viên phải thích ứng với các phương pháp học tập mới khác phù hợp hơn để đạt được kết quả học tập như ý. Hoạt động nghiên cứu khoa học là một hoạt động đặc trưng ở bậc đại học. Với tình hình xã hội hiện nay, hoạt động này ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sinh viên. Trong hoạt động học tập, sinh viên cần hiết phải lĩnh hội tri thức của các chuyên ngành khoa học, đồng thời phải nắm được nguyên tắc, cách thức chuẩn mực nghề nghiệp để trở thành một chuyên gia sau này. Song song với hoạt động học tập, hoạt động chính trị xã hội ở sinh viên cũng mang đậm nét đặc trưng. Sinh viên là những người có trí tuệ, nhạy bén, mẫn cảm với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia và quốc tế. Họ có chính kiến đối với đường lối, chủ trương, chính sách của đất nước. Việc tham gia của sinh viên vào các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội như Đoàn thanh niên, Hội sinh viên… không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nhân cách toàn diện của họ, mà còn góp phần không nhỏ vào sự thành công của các thể chế xã hội. 1.5.2. Những đặc điểm phát triển tâm lý cơ bản của sinh viên Những đặc điểm tâm lý của sinh viên bị chi phối bởi những đặc điểm phát triển thể chất, môi trường và vai trò xã hội cụ thể mà trong đó họ sống và hoạt động. Những đặc điểm phát triển tâm lý của sinh viên rất phong phú đa dạng và không đồng đều. 1.5.2.1. Sự thích nghi của sinh viên với cuộc sống và hoạt động mới. Như trên đã trình bày, hoạt động học tập, hoạt động xã hội và môi trường sống của sinh viên có những nét đặc trưng và đòi hỏi khác về chất so với các lứa tuổi trước đó. Quá trình thích nghi này tập trung chủ yếu ở các mặt như sau: - Nội dung học tập mang tính chuyên ngành. - Phương pháp học tập mới mang tính nghiên cứu khoa học. - Môi trường sinh hoạt mở rộng phạm vi quốc gia, thậm chí quốc tế. - Nội dung và cách thức giao tiếp với thầy cô giáo, bạn bè và các tổ chức xã hội phong phú, đa dạng… Một số nghiên cứu trước đây cho thấy: Nhìn chung, sau một thời gian học tập ở trường đại học, đa số sinh viên thích ứng khá nhanh chóng với môi trường xã hội mới. Khó khăn có tính chất bao trùm hơn vẫn là thích nghi được với nội dung, phương pháp học tập mới có tính chất nghiên cứu khoa học và học nghề đối với sinh viên. Mức độ thích nghi này có ảnh hưởng trực tiếp tới thành công trong học tập của sinh viên. Bản thân sinh viên thường gặp những mâu thuẫn cần phải giải quyết như sau: - Mâu thuẫn với ước mơ, kỳ vọng của sinh viên với khả năng, điều kiện để thực hiện ước mơ đó. - Mâu thuẫn giữa mong muốn học tập, nghiên cứu sâu môn học mà mình yêu thích với yêu cầu phải thực hiện toàn bộ chương trình học theo thời gian biểu nhất định. - Mâu thuẫn giữa lượng thông tin rất nhiều trong xã hội hiện tại với khả năng và thời gian có hạn… Bên cạnh những mâu thuẫn đã nêu, sinh viên còn gặp những căng thẳng trong cuộc sống mà các em phải giải quyết như vừa phải xa mối quan hệ với bạn bè ở trường phổ thông vừa phải làm quen với môi trường mới ở đại học. Có em phải làm việc bán thời gian, tăng cường nhu cầu học tập ở trường, công việc và cá hoạt động xã hội khác [5]. Những yếu tố gây căng thẳng như thế có thể dẫn đến sự căng thẳng trong các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè và xã hội. 1.5.2.2. Sự phát triển về nhận thức, trí tuệ của sinh viên Bản chất của hoạt động nhận thức của sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng là đi sâu, tìm hiểu những môn học, những chuyên ngành khoa học cụ thể một cách chuyên sâu để nắm được đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp, qui luật của các khoa học đó với mục đích trở thành những chuyên gia về các lĩnh vực nhất định. Hoạt động nhận thức của họ một mặt phải kế thừa một cách có hệ thống những thành tựu đã có, mặt khác, lại phải tiếp cận với những thành tựu của khoa học đương đại và có tính cập nhật, thời sự. Nét đặc trưng cho hoạt động học tập của sinh viên là sự căng thẳng về trí tuệ, sự phối hợp của nhiều thao tác tư duy như phân tích, so sánh, tổng hợp trừu tượng hóa, khái quát hóa. Sinh viên học tập nhằm lĩnh hội các tri thức, hệ thống khái niệm khoa học, những kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, phát triển những phẩm chất nhân cách của người chuyên gia tương lai. Hoạt động nhận thức của sinh viên vừa gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học, vừa không tách rời hoạt động nghề nghiệp. Hoạt động học tập của sinh viên diễn ra một cách có kế hoạch, có mục đích, nội dung chương trình, phương thức, phương pháp đào tạo theo thời gian một cách chặt chẽ, nhưng cũng không quá bị khép kín, quá câu nệ mà lại có tính chất mở rộng theo năng lực, sở trường để họ có thể phát huy được tối đa năng lực nhận thức của mình trong nhiều lĩnh vực. Phương tiện hoạt động nhận thức của sinh viên được mở rộng và phong phú với thư viện, phòng thực nghiệm, phòng bộ môn với những thiết bị khoa học cần thiết được trang bị cho từng ngành. Điều có cho thấy phạm vi hoạt động nhận thức của sinh viên rất đa dạng, giúp sinh viên vừa rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp vừa phát huy việc học nghề một cách tốt nhất. Hoạt động học tập của sinh viên mang tính chất độc lập, tự chủ và sáng tạo cao. Hoạt động tư duy của lứa tuổi sinh viên trong quá trình học tập chủ yếu là theo hướng phân tích, diễn giải chứng minh các định đề khoa học. Đây thật sự là loại hoạt động trí tuệ đích thực, căng thẳng, cường độ cao và có tính lựa chọn rõ rệt. Hoạt động trí tuệ này vẫn lấy những sự kiện của các quá trình nhận thức cảm tính làm cơ sở. Tuy nhiên, các thao tác trí tuệ đã phát triển ở trình độ cao và có sự phối hợp nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển, linh động theo từng hoàn cảnh có vấn đề. 1.5.2.3. Sự phát triển động cơ học tập ở sinh viên Động cơ học tập ở sinh viên bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là những yếu tố tâm lý của chính chủ thể như hứng thú, tâm thế, niềm tin, thế giới quan, lý tưởng sống… cũng có thể đó là những yếu tố ngoài bản thân chủ thể như những yêu cầu của gia đình, xã hội. Động cơ học tập ở sinh viên cũng có thể nảy sinh do chính hoạt động và những hoàn cảnh mang lại như phương pháp dạy học, nhân cách của thầy cô giáo… Những nghiên cứu việc hình thành động cơ học tập của sinh viên phụ thuộc vào những yếu tố sau: - Ý thức về mục đích gần và mục đích xa của hoạt động học tập. - Nắm vững ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn của các tri thức do sinh viên lĩnh hội. - Nội dung mới của những tài liệu và thông tin khoa học được trình bày. - Tính chất hấp dẫn, sự xúc cảm của thông tin. - Tính nghề nghiệp được thể hiện rõ trong tài liệu được trình bày. - Lựa chọn những bài tập phù hợp, xuất phát từ hoàn cảnh có vấn đề, tạo được các mâu thuẫn trong quá trình dạy học. - Thường xuyên dùy trì được không khí tâm lý nhận thức trong hoạt động học tập. 1.5.2.4. Đời sống xúc cảm, tình cảm của sinh viên Tuổi sinh viên là thời kỳ phát triển tích cực những loại tình cảm cao cấp như tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ. Những tình cảm này biểu hiện rất phong phú trong hoạt động và đời sống của sinh viên. Để thỏa mãn các tình cảm này, họ tham gia tích cực các hoạt động khác nhau. Sinh viên không chỉ tham gia vào việc học tập ở giảng đường và thư viện mà còn mở rộng đào sâu kiến thức bằng nhiều phương tiện khác nhau. Chính tình cảm trí tuệ này giúp cho lượng tri thức mà sinh viên tích lũy được nhiều hơn, vượt xa những sinh viên không có loại tình cảm này. Tình bạn cùng giới, khác giới ở tuổi sinh viên tiếp tục phát triển theo chiều sâu. Những bạn bè ở thời trung học vẫn tiếp tục chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên có thêm những người bạn mới không kém phần bền vững sâu sắc. Tình bạn tuổi sinh viên đã làm phong phú tâm hồn, nhân cách của sinh viên rất nhiều. Ngoài tình bạn, tình yêu nam nữ ở tuổi này là một lĩnh vực rất đặc trưng, nó có mầm mống từ tuổi dậy thì, nhưng đến giai đoạn này thì được phát triển với một sắc thái mới. Sinh viên là lứa tuổi phát triển khá toàn diện, hoàn thiện và hoàn mỹ về thể chất cũng như tinh thần, tư tưởng. Cho nên khi bước vào ngưỡng cửa tình yêu nam nữ với một tư thế hoàn toàn khác so với lứa tuổi trước đó do vị thế xã hội, trình độ học lực và tuổi đời qui định. Tuy nhiên, tình cảm này xuất hiện không đồng đều ở sinh viên. Nó phụ thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, tùy thuộc vào quan điểm và kế hoạch đường đời của mỗi người [3, tr. 77]. Tình cảm này là tình cảm đặc biệt và cao cấp của con người, nó chín vào độ tuổi mà sinh viên trải qua. Vì thế, nhìn chung tình yêu nam nữ ở tuổi sinh viên là rất đẹp, lãng mạn, đầy thi vị… Tuy vậy, sinh viên cũng gặp phải một số mâu thuẫn nội tại. Như mâu thuẫn giữa đòi hỏi của tình yêu là chăm sóc, trìu mến, âu yếm nhau với môi trường sống tập thể khó biểu lộ điều đó, hay mâu thuẫn giữa khối lượng tri thức nhiều, đa dạng với thời gian có hạn trong học tập, hay mâu thuẫn giữa việc còn phụ thuộc kinh tế với một tình yêu say đắm muố thành vợ chồng và sống độc lập… Với những mâu thuẫn như thế, ở sinh viên chủ yếu đã chọn con đường tập trung mọi mặt cho việc học tập, học nghề trong thời gian học ở giảng đường đại học. Điều này mang lại nhiều hiệu quả trong học tập đối với sinh viên và giúp họ vững chải hơn, chín chắn hơn trong cuộc sống. Tiểu kết luận: - Qua phần cơ sở lý luận, về tự đánh giá bản thân của sinh viên được nghiên cứu với những lĩnh vực sau: Sự quan tâm trong gia đình, trách nhiệm đối với bản thân, tự đánh giá đạo đức, sự thi đua trong học tập, tự đánh giá một số phẩm chất tâm lý, sự thích nghi với cuộc sống, khả năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề, sự hài lòng bản thân, hoạt động xã hội, tự đánh giá về trí tuệ, và tự đánh giá về ngoại hình. - Các yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên được nghiên cứu trong đề tài là: * Yếu tố tác động từ trong gia đình: Ba mẹ quan tâm, ba mẹ yêu thương, ba mẹ hài lòng, ba mẹ để tự do, ba mẹ tôn trọng, ba mẹ dân chủ, ba mẹ đánh giá cao, ba mẹ lắng nghe. * Yếu tố tác động từ ngoài gia đình: Thầy cô chia sẻ, thầy cô yêu thương, thầy cô hướng dẫn, quan hệ rộng với bạn, bạn bè hướng dẫn và bạn bè chia sẻ. Chương 2: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 2.1. Kết quả tổng quát về thống kê 2.1.1. Xây dựng bảng hỏi Bảng câu hỏi được xây dựng qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Dựa trên cơ sở lý luận của đề tài, người nghiên cứu phát phiếu thăm dò ý kiến bằng những câu hỏi mở. Phiếu thăm dò được thiết kế theo các đặc điểm phát triển tâm sinh lý của tuổi thanh niên sinh viên. Giai đoạn 2: Từ phiếu thăm dò bằng các câu hỏi mở, được tổng hợp các câu hỏi, kết hợp với cơ sở lý luận xây dựng thành phiếu điều tra dành cho cả hai thang đo: tự đánh giá bản thân và thang đo các yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên, các câu hỏi được trả lời theo các mức độ đánh giá của các em là “hoàn toàn đúng”, “đúng”, “lúc đúng lúc sai”, “sai”, “hoàn toàn sai”. Cách cho điểm các câu theo mức độ từ “hoàn toàn đúng”, “đúng”, “lúc đúng lúc sai”, “sai”, “hoàn toàn sai” từ 5 điểm cho đến 1 điểm. Tuy nhiên, ở những câu mang ý nghĩa tiêu cực, điểm được cho ngược lại để phù hợp với sự đánh giá mức độ của thang đo. - Thang đo tự đánh giá bản thân của sinh viên được chia thành các tiểu thang đo nhỏ như sau: “tự đánh giá năng lực của bản thân”, “tự đánh giá khả năng giao tiếp”, “tự đánh giá khả năng giải quyết vấn đề”, “tự đánh giá về một số phẩm chất tâm lý của bản thân”, “tự đánh giá về mặt đạo đức”, “tự đánh giá về gia đình của sinh viên”, “tự đánh giá về trách nhiệm của bản thân sinh viên”, “tự đánh giá về sự thi đua trong học tập”, “tự đánh giá về sự thích nghi với cuộc sống của sinh viên”, “tự đánh giá về ngoại hình của sinh viên”, “tự đánh giá về sự hài lòng của bản thân”, và tiểu thang đo” tự đánh giá về hoạt động xã hội của sinh viên”. - Trong thang đo về các yếu tố tác động đến tự đánh giá bản thân sinh viên được chia làm hai yếu tố tác động chính đó là: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài gia đình. Yếu tố bên trong gia đình gồm các yếu tố: “yếu tố quan tâm của gia đình”, “trong gia đình có ba mẹ quở phạt”, “trong gia đình có ba mẹ hài lòng”, “trong gia đình có ba mẹ yêu thương”, “trong gia đình có ba mẹ để tự do”, “trong gia đình có ba mẹ tôn trọng”, “trong gia đình có ba mẹ dân chủ”, “trong gia đình có ba mẹ đánh giá cao” và “yếu tố trong gia đình có ba mẹ lắng nghe”. Yếu tố ngoài gia đình được chia làm hai phần là yếu tố bạn bè và yếu tố thầy cô giáo, yếu tố bạn bè gồm có: “yếu tố về mối quan hệ rộng với bạn bè”, “được bạn bè chia sẻ” và “được bạn bè hướng dẫn”, yếu tố thầy cô gồm: “yếu tố được thầy cô yêu thương”, “được thầy cô hướng dẫn” và “được thầy cô chia sẻ”. Trong quá trình xử lý số liệu người nghiên cứu thấy có 3 câu bị trùng lắp ý với các câu khác nên loại ra đó là các câu số 5, 43 và câu 182. 2.1.1.1. Kết quả của thang đo tự đánh giá bản thân của sinh viên - Số sinh viên tham gia trong nghiên cứu (N): 234 - Trung bình lý tưởng của thang đo tự đánh giá bản thân của sinh viên: 369 - Trung bình của thang đo tự đánh giá bản thân của sinh viên (TB): 410.77 - Độ lệch tiêu chuẩn (ĐLTC): 29.72 - Hệ số tin cậy: 0.898 - Thang đo tự đánh giá gồm có 123 câu. * Với 123 câu dùng cho thang đo tự đánh giá bản thân của sinh viên được chia ra thành những tiểu thang đo như sau: + Tiểu thang đo tự đánh giá năng lực của bản thân có 8 câu; 97, 99, 107, 108, 110, 121, 174, 192. + Tiểu thang đo tự đánh giá khả năng giao tiếp có 6 câu; 96, 102, 186, 188, 189, 191. + Tiểu thang đo tự đánh giá khả năng giải quyết vấn đề có 4 câu; 98, 170, 178, 190. + Tiểu thang đo tự đánh giá về một số phẩm chất tâm lý của bản thân có 39 câu; 95, 100, 103, 105, 106, 111, 112, 117, 118, 120, 122, 123, 125, 126, 127, 128, 129, 134, 143, 144, 147, 149, 152, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 163, 165, 169, 185, 193, 196, 203, 207, 217. + Tiểu thang đo tự đánh giá về mặt đạo đức có 6 câu; 119, 124, 137, 195, 204, 218. + Tiểu thang đo tự đánh giá về gia đình của sinh viên có 3 câu; 116, 138, 141. + Tiểu thang đo tự đánh giá về trách nhiệm của bản thân sinh viên có 14 câu; 101, 113, 115, 130, 133, 136, 139, 142, 145, 146, 150, 164, 199, 201. + Tiểu thang đo tự đánh giá về sự thi đua trong học tập có 16 câu; 104, 131, 132, 140, 151, 153, 154, 168, 171, 172, 184, 208, 209, 210, 211, 212. + Tiểu thang đo tự đánh giá về sự thích nghi với cuộc sống của sinh viên gồm 9 câu; 167, 173, 175, 177, 179, 180, 183, 214, 215. + Tiểu thang đo tự đánh giá về ngoại hình của sinh viên gồm 4 câu; 166, 194, 213, 216. + Tiểu thang đo tự đánh giá về sự hài lòng của bản thân có 11 câu; 109, 114, 135, 148, 162, 176, 181, 197, 198, 205, 206. + Tiểu thang đo tự đánh giá về hoạt động xã hội của sinh viên có 3 câu, 186, 200, 202. Hệ số tin cậy của thang đo tự đánh giá bản thân ở sinh viên là cao (HSTC=0.898) nói lên tính vững chãi của thang đo này. Sinh viên tự đánh giá bản thân ở mức cao, thể hiện qua trung bình của thang đo là 410.77 và độ lệch tiêu chuẩn là 29.72, so với trung bình lý tưởng là 369. Tuy nhiên, để biết được mức độ đánh giá của từng tiêu chí qua từng câu được đo, chúng ta có điểm trung bình của câu của thang đo này là 3.339 và độ lệch tiêu chuẩn là 0.241. Thế nên để đánh giá mức độ cao thấp của từng câu cũng như của thang đo, người nghiên cứu dùng chuẩn theo thang đo tự đánh giá bản thân của sinh viên là: - Mức độ dưới trung bình là: 3.339 - 0.241 = < 3.098 - Mức độ trung bình là khoảng từ: (3.339 - 0.241) đến (3.339 + 0.241) = 3.098 đến 3.58 - Mức độ cao là lớn hơn 3.58. Biểu đồ 2.1. Phân bố tầng số điểm trung bình của thang đo tự đánh giá bản thân của sinh viên. TUDGIA TUDGIA 3.87 3.76 3.71 3.61 3.55 3.50 3.46 3.41 3.37 3.33 3.29 3.25 3.20 3.16 3.12 3.07 3.03 2.98 2.92 2.37 Fr eq ue nc y 8 6 4 2 0 2.1.1.2. Kết quả của thang đo các yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên: - Số sinh viên tham gia trong nghiên cứu (N): 234 - Trung bình của thang đo các yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên (TB): 329.49 - Độ lệch tiêu chuẩn (ĐLTC): 24.21 - Hệ số tin cậy: 0.899 - Trung bình lý tưởng của thang đo: 276 - Điểm trung bình trung của câu là 3.66 So với điểm trung bình lý tưởng (276) thì điểm trung bình của thang đo các yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên (329.49) là khá cao. Hệ số tin cậy của thang đo này là 0.899, điều này nói lên tính vững chải, đáng tin cậy của thang đo này. Có thể nhận thấy, về mặt thống kê thì sự đánh giá các yếu tố tác động đến tự đánh giá của sinh viên là cao. Tuy nhiên, sự đánh giá các yếu tố này có ảnh hưởng như thế nào đối với sự tự đánh giá bản thân của sinh viên thì chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn ở phần sau. - Thang đo các yếu tố tác động đến tự đánh giá gồm có 92 câu được chia ra thành những tiểu thang đo như sau: + Tiểu thang đo yếu tố quan tâm của gia đình gồm có 30 câu; 6, 7, 8, 9, 11, 17, 18, 21, 22, 26, 27, 28, 29, 30, 32, 37, 38, 39, 41, 45, 49, 51, 52, 58, 59, 60, 61, 63, 64, 65. + Tiểu thang đoyếu tố trong gia đình có ba mẹ quở phạt gồm 4 câu; 2, 12, 62, 67. + Tiểu thang đo yếu tố trong gia đình có ba mẹ hài lòng gồm 5 câu; 1, 16, 20, 31, 66. + Tiểu thang đo yếu tố trong gia đình có ba mẹ yêu thương có 4 câu; 13, 46, 56, 68. + Tiểu thang đo yếu tố trong gia đình có ba mẹ để tự do trong học tập có 2 câu; 10, 35 + Tiểu thang đo yếu tố trong gia đình có ba mẹ tôn trọng gồm có 6 câu; 14, 15, 24, 33, 40, 42. + Tiểu thang đo yếu tố trong gia đình có ba mẹ dân chủ gồm có 4 câu; 23, 48, 55, 57. + Tiểu thang đo yếu tố trong gia đình có ba mẹ đánh giá cao gồm có 8 câu; 3, 4, 25, 34, 36, 43, 50, 53. + Tiểu thang đo yếu tố trong gia đình có ba mẹ lắng nghe gồm có 3 câu; 19, 47, 54. + Tiểu thang đo yếu tố về mối quan hệ rộng với bạn bè gồm 4 câu; 69, 70, 71, 82. + Tiểu thang đo yếu tố được bạn bè hướng dẫn gồm 4 câu; 77, 78, 79, 80. + Tiểu thang đo yếu tố được bạn bè chia sẻ gồm 6 câu; 72, 73, 74, 75, 76, 81. + Tiểu thang đo yếu tố được thầy cô yêu thương gồm 3 câu; 83, 85, 91. + Tiểu thang đo yếu tố được thầy cô hướng dẫn gồm 4 câu; 84, 86, 88, 90. + Tiểu thang đo yếu tố được thầy cô chia sẻ gồm 5 câu; 87, 89, 92, 93, 94. 2.1.2. Các thông số chung Dưới đây là các thông số chung khảo sát được. - Trong số 234 sinh viên của ba trường thì tỉ lệ sinh viên nam nữ được phân bố như sau: 81 nam sinh viên và 153 nữ sinh viên. - Số sinh viên của trường đại học Sư Phạm là 79 sinh viên, trường đại học Văn Hiến là 73 sinh viên, và sinh viên trường đại học Kinh Tế là 82 sinh viên. - Số sinh viên theo khối lớp được phân chia như sau: Có 150 sinh viên năm thứ I, 51 sinh viên năm thứ II, và 33 sinh viên năm thứ IV. - Kết quả khảo sát theo thứ tự con trong gia đình như sau: Con một có 20 sinh viên, con cả có 95 sinh viên, 95 sinh viên là con thứ, và con út có 47 sinh viên. - Kết quả khảo sát theo mức sống khá gồm có 45 sinh viên, mức sống tạm được có 172 và mức sống dưới trung bình có 17 sinh viên. - Đánh giá về chiều cao, có 55 sinh viên cho rằng mình là người cao ráo, chiều cao vừa phải là 145 lựa chọn và có 34 sinh viên tự nhận mình là người thấp. - Đánh giá về chiều cao có phù hợp với dáng người không thì có 170 lựa chọn là phù hợp và 64 lựa chọn là không phù hợp. Những thông số trên đây có tiêu chí trường là có sự phân bố tương đối đồng đều. Tiêu chí Trường được chọn chính, những tiêu chí còn lại như mức sống, học lực, nam nữ.… là những tiêu chí bên cạnh tiêu chí trường có sự chênh lệc khá rõ. 2.2. Kết quả thang đo tự đánh giá bản thân của sinh viên Trước khi tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc tự đánh giá của sinh viên như thế nào, chúng ta xem xét qua một số kết quả khảo sát về sự tự đánh giá của sinh viên. Như trên đã nói, điểm trung bình lý tưởng của thang đo là 3, kết quả khảo sát ở bảng phụ lục 3 cho thấy trong số 123 câu, có 28 câu có điểm trung bình nhỏ hơn điểm trung bình lý tưởng. Điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đối với kết quả chung toàn bộ của thang đo. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xem xét thêm điều đó có ảnh hưởng như thế nào đối với từng tiểu thang đo về sự tự đánh giá bản thân của sinh viên. 2.2.1. Các kết quả của các tiểu thang đo tự đánh giá bản thân của sv  Tự đánh giá về mặt trí tuệ Bảng 2.2.1: Tự đánh giá về mặt trí tuệ của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C121. Tôi là người học kém* 3.53 0.90 C110. Tôi là người có trí nhớ tồi* 3.29 0.91 C97. Tôi là người kém tập trung trong việc học* 3.09 0.85 C192. Tôi là người có năng khiếu 3.07 0.97 C107. Tôi là người thông minh 3.00 0.78 C108. Tôi là người có khả năng sáng tạo 2.98 0.76 C174. Tôi là người có kiến thức chưa vững* 2.58 0.75 C99. Tôi là người có khả năng đặc biệt 2.57 0.86 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá chung về mặt trí tuệ 3.01 Ghi chú: * Là những câu có điểm được mã hóa lại cho phù hợp với thang đo. Nhìn chung, tự đánh giá về mặt trí tuệ của sinh viên là ở mức dưới trung bình (điểm trung bình điều hòa 3.01). Có hai câu điểm trung bình ở mức trung bình là; “Tôi là người học kém”, “Tôi là người có trí nhớ tồi”. Các câu còn lại: “tôi là người có khả năng sáng tạo”, “tôi là người có kiến thức chưa vững”, “tôi là người có khả năng đặc biệt”, “tôi là người thông minh”, “tôi là người có năng khiếu” được sinh viên đánh giá dưới mức trung bình. Đây là kết quả cho chúng ta nhiều điều đáng lưu tâm, sự tự đánh giá về mặt trí tuệ của sinh viên ở mức dưới trung bình như thế, phải chăng do sự khiêm nhường mà các em học được trong những năm ngồi ở ghế giảng đường đại học – kiến thức thì mênh mông, sức người thì giới hạn…  Tự đánh giá khả năng giao tiếp Kết quả ở bảng 2.2.2 dưới đây cho thấy: Tự đánh giá khả năng giao tiếp của sinh viên là ở mức trung bình (điểm trung bình điều hòa là 3.26). Tự đánh giá “Tôi là người biết lắng nghe” được các em đánh giá cao, các câu “Tôi là người có khả năng chơi với trẻ con”, “Tôi là người có khả năng giao tiếp tốt” được sinh viên đánh giá ở mức trung bình, các câu “Tôi là người có khả năng sáng tạo ngôn ngữ”, “Tôi có khả năng giao tiếp trước đám đông” và “Tôi là người có khả năng trình bày vấn đề rõ ràng, mạch lạc” được sinh viên đánh giá dưới mức trung bình. Trong khả năng giao tiếp, yếu tố biết lắng nghe người khác không phải ai cũng có thể có được. Ơ đây, các em đánh giá khả năng giao tiếp khá cao. Cho thấy, sinh viên đã, đang có sự chuẩn bị nền tảng cho sự hòa nhập vào xã hội, vào cuộc sống tương lai một cách vững chắc. Bảng 2.2.2: Tự đánh giá khả năng giao tiếp của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C102. Tôi là người biết lắng nghe 3.91 0.66 C191. Tôi là người có khả năng chơi với trẻ con 3.57 0.97 C186. Tôi là người có khả năng giao tiếp tốt 3.17 0.92 C96. Tôi có khả năng giao tiếp trước đám đông 3.05 0.88 C188. Tôi là người có khả năng trình bày vấn đề rõ ràng, mạch lạc 3.01 0.86 C189. Tôi là người có khả năng sáng tạo ngôn ngữ 2.84 0.98 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá khả năng giao tiếp 3.26  Tự đánh giá khả năng giải quyết vấn đề Bảng 2.2.3: Khả năng giải quyết vấn đề của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C178. Tôi là người có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn của tôi 3.46 0.85 C98. Tôi là người chi tiêu phung phí* 3.37 0.94 C170. Tôi là người thường có những quyết định sai lầm 3.16 0.77 C190. Tôi là người chưa biết sắp sếp cho các hoạt động của tôi một cách khoa học* 2.64 0.92 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá khả năng giải quyết vấn đề 3.16 Ghi chú: * Là những câu có điểm được mã hóa lại cho phù hợp với thang đo. Kết quả bảng 2.2.3 cho thấy tự đánh giá “Khả năng giải quyết vấn đề” của sinh viên ở mức trung bình (điểm trung bình điều hòa là 3.16). Câu “Tôi là người có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn của tôi” được sinh viên đánh giá cao nhất trong thang đo này, nhưng với câu “Tôi là người chi tiêu phung phí”, “Tôi là người thường có những quyết định sai lầm” cũng chỉ tự đánh giá ở mức trung bình. Bên cạnh đó câu “Tôi là người chưa biết sắp sếp cho các hoạt động của tôi một cách khoa học” được sinh viên đánh giá thấp nhất (dưới trung bình 2.64) trong thang đo này. Mặc dù, chúng ta thấy có vẻ như có gì đó mâu thuẫn giữa sự đánh giá ở hai câu trên nhưng điều này lại phù hợp với đời sống thực tế của sinh viên. Vì trong nghiên cứu này tỉ lệ sinh viên năm nhất chiếm 64.1%, thường ở năm đầu của đại học, hầu hết các em được nhìn nhận như một người trưởng thành, đủ bản lĩnh để giải quyết những vấn đề riêng tư cũng như phải chủ động hơn trong cách thức học tập cho phù hợp với cuộc sống của sinh viên, với môi trường học tập ở bậc đại học. Mà điều này không phải sinh viên nào cũng sớm thích nghi ngay trong năm học đầu tiên.  Tự đánh giá về một số phẩm chất tâm lý Bảng 2.2.4: Tự đánh giá về một số phẩm chất tâm lý của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C158. Tôi là người có tính tình không phù hợp với giới tính của tôi* 3.86 0.95 C95. Tôi là người rất thẳng tính 3.86 0.86 C156. Tôi là người nhạy cảm 3.83 0.85 C111. Tôi là người biết cảm thông 3.81 0.69 C100. Tôi là người trung thực 3.80 0.78 C120. Tôi là người chung thủy 3.78 0.84 C103. Tôi là người thật thà 3.77 0.78 C128. Tôi là người dễ tha thứ 3.74 0.81 C185. Tôi là người vui tính 3.71 0.90 C217. Tôi là người dễ xúc động 3.71 0.96 C147. Tôi là người ăn nói vô duyên* 3.67 0.85 C123. Tôi là người hòa đồng 3.66 0.72 C193. Tôi là người sống có nguyên tắc riêng 3.59 0.90 C144. Tôi là người biết chịu đựng 3.59 0.86 C169. Tôi là người hay ganh tỵ với người khác* 3.58 0.91 C149. Tôi là người hiền lành 3.57 0.80 C129. Tôi là người ích kỷ* 3.56 0.83 C157. Tôi là người tham ăn* 3.50 1.03 C122. Tôi là người ngoan ngoãn 3.50 0.75 C125. Tôi là người bảo thủ 3.48 0.80 C127. Tôi là người lạc quan 3.47 0.86 C118. Tôi là người làm việc cẩn thận 3.44 0.83 C163. Tôi là người kiên định 3.35 0.84 C134. Tôi là người hay cố chấp* 3.33 0.93 C112. Tôi là người siêng năng 3.30 0.87 C155. Tôi là người quyết đoán 3.29 0.81 C106. Tôi là người hài hước 3.24 0.93 C159. Tôi là người năng động 3.21 0.81 C160. Tôi là người dạn dĩ 3.05 0.89 C196. Tôi là người ham chơi 3.00 0.99 C105. Tôi là người thiếu kiên nhẫn* 3.00 0.88 C165. Tôi là người dễ nổi giận* 2.84 1.01 C207. Tôi là người nói nhiều* 2.83 1.06 C126. Tôi là người luôn đè nén cảm xúc thật của mình 2.77 0.99 C143. Tôi là người nóng tính* 2.75 0.99 C203. Tôi là người cư xử theo cảm tính 2.75 0.89 C152. Tôi là người có tính trẻ con 2.68 0.99 C161. Tôi là người thích nói về mình 2.56 0.91 C117. Tôi là người hay lo lắng* 2.35 0.87 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về phẩm chất 3.35 Ghi chú: * Là những câu có điểm được mã hóa lại cho phù hợp với thang đo. Bảng 2.2.4 cũng là thang đo có kết quả đánh giá ở mức trung bình, điểm trung bình điều hòa 3.35. Trong 39 câu được khảo sát cho việc tự đánh giá về phẩm chất, có 11 câu có mức độ đánh giá dưới trung bình, 13 câu sinh viên đánh giá ở mức độ trung bình, 15 câu được sinh viên đánh giá ở mức độ khá cao. Nhìn chung các câu được ghi nhận tích cực và tiêu cực có sự phân bố rải đều theo thứ tự của thang đo này. Câu 158 “Tôi là người có tính tình không phù hợp với giới tính của tôi” được xếp cao nhất trong thang đo này. Qua thực tế trong lúc khảo sát bằng phiếu điều tra, người nghiên cứu có trực tiếp hỏi một số nữ sinh về cậu hỏi này, đã được các em chia sẻ rất chân thành rằng; “Em thấy tính của mình giống con trai hơn”, “Em ước gì mình là con trai để em có thể làm được nhiều việc mà em cần làm hơn” (ý kiến của một nữ sinh viên trường Kinh Tế).  Tự đánh giá về mặt đạo đức Bảng 2.2.5: Tự đánh giá về mặt đạo đức của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C119. Tôi là người sống chân thật 3.79 0.73 C137. Tôi là người biết vâng lời 3.74 0.74 C124. Tôi là người biết sửa chữa sai lầm 3.70 0.69 C218. Tôi là người chấp hành đúng các quy định được yêu cầu 3.70 0.92 C195. Tôi là người kiên quyết bảo vệ những ý kiến phù hợp với chuẩn mực xã hội 3.64 0.86 C204. Tôi là người có niềm tin tôn giáo 2.83 1.19 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về mặt đạo đức 3.57 Thang đo tự đánh giá về mặt đạo đức ở bàng 2.2.5 có kết quả cao, cao hơn những thang đo được đề cập phía trên. Điểm khảo sát của các câu đều ở mức trên 3.6, trừ câu “Tôi là người có niềm tin tôn giáo” có điểm dưới mức trung bình là 2.83. Đánh giá “Tôi là người sống chân thật”, “Tôi là người biết vâng lời” và “Tôi là người biết sửa chữa sai lầm” cao, cho thấy các em rất quan tâm đến những giá trị tốt đẹp và hướng đến việc điều chỉnh bản thân.  Tự đánh giá về sự quan tâm trong gia đình Bảng 2.2.6: Tự đánh giá về gia đình của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C116. Tôi là người biết quan tâm đến gia đình 4.08 0.79 C138. Tôi là người hiếu thảo với cha mẹ 4.05 0.71 C141. Tôi là người luôn làm theo lời cha mẹ 3.24 0.80 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về gia đình 3.79 Thang đo ở bảng 2.2.6 có điểm trung bình điều hòa cao 3.79, và là cao nhất trong các thang đo. Có hai câu “Tôi là người biết quan tâm đến gia đình” và “Tôi là người hiếu thảo với cha mẹ” được các em đánh giá ở mức rất cao > 4.05, còn câu “Tôi là người luôn làm theo lời cha mẹ” chỉ được đánh giá ở mức độ trung bình.  Tự đánh giá trách nhiệm đối với bản thân Bảng 2.2.7: Tự đánh giá về trách nhiệm bản thân của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C130. Tôi là người sống vô tâm trước những hoàn cảnh bất hạnh* 4.00 0.81 C133. Tôi là người biết cảm thông với người khác 3.94 0.66 C115. Tôi là người nhiệt tình với bạn bè 3.87 0.70 C145. Tôi là người có trách nhiệm với bản thân 3.84 0.76 C101. Tôi là người quan tâm đến mọi người 3.81 0.71 C136. Tôi là người đáng tin cậy đối với bạn bè 3.74 0.70 C142. Tôi là người biết tự giác trong công việc 3.69 0.69 C150. Tôi là người tận tâm với công việc 3.63 0.69 C164. Tôi là người tự giác trong học tập 3.58 0.93 C146. Tôi là người có trách nhiệm với người khác 3.55 0.77 C139. Tôi là người không đúng giờ* 3.54 0.87 C201. Tôi là người luôn hoàn thành tốt các công việc được giao 3.35 0.75 C113. Tôi là người tự lập 3.34 0.93 C199. Tôi là người chưa có ý thức tôn trọng thời gian* 2.92 1.05 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về trách nhiệm bản thân 3.63 Ghi chú: * Là những câu có điểm được mã hóa lại cho phù hợp với thang đo. Điểm trung bình điều hòa của thang đo của bảng 2.2.7 là cao (ĐTB Điều hòa = 3.63). hai phần ba các câu trong thang đo này có điểm trung bình ở múc cao. Cao nhất là câu “Tôi là người sống vô tâm trước những hoàn cảnh bất hạnh” có điểm trung bình là 4.00, các câu còn lại ở điểm trung bình từ 3.94 đến 3.34, chỉ duy nhất một câu “Tôi là người chưa có ý thức tôn trọng thời gian” là có điểm trung bình 2.92. Việc đánh giá về trách nhiệm đối với bản thân của các em và với người khác đều được các em đánh giá khá tốt. Tuy vậy, ở các em vẫn chưa có ý thức tôn trọng thời gian. Phải chăng đây là sự trăn trở khi các em có dịp nhìn lại bản thân sau một thời gian làm việc, học tập chưa được như ý.  Tự đánh giá về sự thi đua trong học tập Bảng 2.2.8: Tự đánh giá về sự thi đua trong học tập của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C172. Tôi là người luôn muốn thay đổi những điểm chưa tốt của tôi 4.08 0.75 C132. Tôi là người có ước mơ 4.03 0.72 C211. Tôi cho rằng học là để lập thân 3.93 0.86 C208. Tôi luôn cố gắng để có kết quả học tập tốt nhất 3.89 0.82 C209. Việc học giúp tôi thấy mình có ích 3.87 0.83 C151. Tôi là người luôn muốn khám phá thế giới xung quanh 3.75 0.82 C154. Tôi là người luôn có ý chí cầu tiến 3.71 0.74 C212. Tôi cho rằng học là để có một cuộc sống an nhàn sau này 3.50 1.07 C171. Tôi là người ham học 3.43 0.86 C131. Tôi là người có quyết tâm cao 3.38 0.77 C210. Kết quả học tập không ảnh hưởng đến việc tôi đánh giá bản thân mình 3.03 1.08 C184. Tôi là người thiếu sự quả quyết trong hành động* 2.98 0.95 C140. Tôi là người bị nhiều áp lực từ công việc* 2.95 0.94 C104. Tôi là người hay bỏ qua cơ hội tốt* 2.77 0.83 C153. Tôi sợ bị bạn bè chê cười* 2.70 0.99 C168. Tôi là người luôn nổi bật trước đám đông 2.44 0.85 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về sự thi đua trong học tập 3.40 Ghi chú: * Là những câu có điểm được mã hóa lại cho phù hợp với thang đo. Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về sự thi đua trong học tập ở bảng 2.2.8 là trung bình (3.40). Dù vậy, nhưng một số câu; “Tôi là người luôn muốn thay đổi những điểm chưa tốt của tôi”, “Tôi là người có ước mơ” là những câu có điểm trung bình cao, đều trên 4.0. Những câu “Tôi cho rằng học là để lập thân”, “Tôi luôn cố gắng để có kết quả học tập tốt nhất”, “Việc học giúp tôi thấy mình có ích”, “Tôi là người luôn muốn khám phá thế giới xung quanh”, “Tôi là người luôn có ý chí cầu tiến” là những câu cũng có điểm trung bình cao từ 3.7 trở lên. Sự đánh giá cao những câu trên cho thấy sự quyết tâm của các em để trở thành những con người hoàn thiện là rất cao. Đây cũng chính là nền tảng cho sự phát triển và trưởng thành của một công dân có ích cho xã hội. Bên canh đó, cũng có những câu “Tôi là người bị nhiều áp lực từ công việc”, “Tôi là người hay bỏ qua cơ hội tốt”, “Tôi sợ bị bạn bè chê cười”, “Tôi là người luôn nổi bật trước đám đông” có điểm trung bình khá thấp. Điều này có thể nhận thấy đời sống sinh viên của các em chưa có nhiều sự cọ sát với thực tế của cuộc sống. Thế nên sự đánh giá này có thể nói là rất phù hợp với hoàn cảnh sống thật của sinh viên.  Tự đánh giá về sự thích nghi với cuộc sống của sinh viên Bảng 2.2.9: Tự đánh giá về sự thích nghi với cuộc sống của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C173. Tôi là người biết chia sẽ với người khác 3.78 0.78 C180. Tôi là người đã từng nghĩ đến việc tự tử* 3.78 1.31 C177. Tôi là người được bạn bè hay chia sẽ khi gặp khó khăn 3.54 0.85 C183. Tôi là người không ngại khi tiếp xúc với môi trường mới hoàn toàn 3.44 0.97 C214. Tôi là người khó bắt chuyện* 3.41 1.04 C167. Tôi là người dễ dàng chia sẽ cảm xúc với người khác 3.40 1.11 C215. Tôi là người có cử chỉ nhanh nhạy 3.08 0.88 C179. Tôi là người luôn e ngại trước đám đông* 2.87 1.04 C175. Tôi là người ít khi để người khác biết tôi đang buồn* 2.78 1.11 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về sự thích nghi với cuộc sống 3.34 Ghi chú: * Là những câu có điểm được mã hóa lại cho phù hợp với thang đo. Trong bảng 2.2.9 có điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về sự thích nghi với cuộc sống cũng ở mức trung bình gần như những thang đo trên. Tuy nhiên, điểm trung bình của câu “Tôi là người biết chia sẽ với người khác” được đánh giá cao nhất. Việc chia sẻ với người khác và được người khác chia sẻ trong cuộc sống được sinh viên đánh giá quan trọng nhất trong thang đo này.  Tự đánh giá về ngoại hình Bảng 2.2.10: Tự đánh giá về ngoại hình của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C194. Tôi là người biết cách ăn mặc 3.21 0.75 C166. Tôi là người hài lòng với hình thức của mình 3.02 0.94 C213. Tôi là người có khuôn mặt dễ thương 2.98 1.00 C216. Tôi là người có giọng nói dễ thuyết phục người nghe 2.95 0.94 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về ngoại hình 3.04 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về ngoại hình ở bảng 2.2.10 là 3.04. Mức đánh giá ở thang đo này rõ ràng chỉ đạt gần ở mức trung bình. Việc hài lòng với hình thức của các em chỉ được đánh giá mức trung bình, ở đây không thể hiện điều gì đặc biệt lắm.  Tự đánh giá về sự hài lòng của bản thân Cũng như thang đánh giá về ngoại hình, bảng 2.2.11 dưới đây cho thấy tự đánh giá về “sự hài lòng bản thân” của sinh viên cũng chỉ ở mức độ trung bình, thể hiện qua điểm trung bình điều hòa là 3.12. Điều đáng lưu ý ở thang đo này là việc định hướng cho tương lai một cách rõ ràng được các em đánh giá cao nhất. Dù rằng, các em đánh giá mình có nhiều điểm hài lòng, nhưng không phải là các em tự mãn với điều đó thể hiện qua điểm trung bình của câu “Tôi là người không có gì phàn nàn về bản thân”, được các em đánh giá dưới mức trung bình. Bảng 2.2.11: Tự đánh giá về sự hài lòng bản thân của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C205. Tôi là người có định hướng cho tương lai một cách rõ ràng 3.59 0.89 C114. Tôi là người hay làm phiền người khác 3.49 0.88 C109. Tôi là người làm khổ người khác* 3.36 0.98 C206. Tôi chọn đúng ngành học mà tôi yêu thích 3.28 1.15 C135. Tôi là người chưa ý thức được vị trí của mình ở đâu trong cuộc sống 3.10 1.04 C181. Tôi là người thường được người khác khen 3.07 0.77 C197. Tôi cảm thấy hài lòng với những gì tôi đã làm 3.06 0.95 C198. Tôi thấy mình có nhiều điểm đáng hài lòng 3.05 0.90 C148. Tôi là người dễ bị dao động trước hoàn cảnh* 2.86 0.93 C162.Tôi cảm thấy mình không học bằng các bạn cùng lớp* 2.81 0.89 C176. Tôi là người không có gì phàn nàn về bản thân 2.62 0.98 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về sự hài lòng bản thân 3.12 Ghi chú: * Là những câu có điểm được mã hóa lại cho phù hợp với thang đo.  Tự đánh giá về hoạt động xã hội Bảng 2.2.12: Tự đánh giá về hoạt động xã hội của sinh viên Mệnh đề ĐTB ĐLTC C202. Tôi là người quan tâm đến các tin tức, thay đổi xã hội xung quanh 3.57 0.87 C187. Tôi là người có khả năng hoạt động xã hội 3.05 0.89 C200. Không có tôi, các hoạt động của nhóm bạn tôi trở nên buồn tẻ 2.56 0.86 Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về hoạt động xã hội 3.06 Kết quả ở bảng 2.2.12 cho thấy rõ ràng mức độ của thang đo chỉ đạt ở mức độ chưa đến trung bình (3.06). Dù đánh giá các em có quan tâm đến các tin tức, thay đổi của xã hội xung quanh hoạt động nhưng những hoạt động chung đó không phải em nào cũng thích hay có đủ khả năng tham gia vào. Tiểu Kết Luận: Đánh giá kết quả nghiên cứu chung từ điểm trung bình của các tiểu thang đo, người nghiên cứu tổng kết bằng việc sếp thứ bậc cho các điểm trung bình điều hòa (ĐTBĐH) qua bảng 2.13 sau đây: Bảng tổng kết thứ bậc của từng tiểu thang đo ở bảng 2.2.13 được sắp sếp từ cao xuống thấp. Cao nhất là tiểu thang đo tự đánh giá về “sự quan tâm của gia đình”, kế đến là tự đánh giá “trách nhiệm của bản thân” sinh viên, “tự đánh giá về đạo đức”… có ba tiểu thang đo được sinh viên đánh giá chưa đạt tới mức trung bình, thấp nhất là tự đánh giá về “ngoại hình” và đánh giá về “mặt trí tuệ”. Nhìn chung, tự đánh giá qua các tiểu thang đo thì mức độ chênh lệch giữa những điểm trung bình của các tiểu thang đo sếp thứ tự gần nhau không có gì nổi bậc lắm. Dù vậy, sự chênh lệch giữa thứ bậc đầu và thứ bậc cuối có sự chênh lệch khoảng cách đáng kể. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn trong từng tiểu thang đo bằng kết quả trình bày ở phần kế tiếp. Bảng 2.2.13: Điểm trung bình điều hòa của các tiểu thang đo tự đánh giá Điểm trung bình điều hòa của thang đo tự đánh giá về ĐTBĐH Thứ bậc Sự quan tâm trong gia đình 3.79 1 Trách nhiệm đối với bản thân 3.63 2 Mặt đạo đức 3.57 3 Sự thi đua trong học tập 3.4 4 Phẩm chất 3.35 5 Sự thích nghi với cuộc sống 3.34 6 Khả năng giao tiếp 3.26 7 Khả năng giải quyết vấn đề 3.16 8 Sự hài lòng bản thân 3.12 9 Hoạt động xã hội 3.06 10 Ngoại hình 3.04 11 Mặt trí tuệ 3.01 12 2.2.2. So sánh về tự đánh giá bản thân giữa các nhóm nghiên cứu Trong phần này, người nghiên cứu dùng hai cách xử lý toán thống kê đó là sử dụng T – test, dùng kiểm nghiệm trung bình cho hai mẫu độc lập, và kiểm nghiệm F (one-way ANOVA) với số mẫu lớn hơn hai. Mức ý nghĩa được chọn có sự khác biệt về ý nghĩa thống kê P < P, trong đó, P = 0.05 2.2.2.1. So sánh về tự đánh giá bản thân giữa sinh viên nam và nữ Bảng 2.2.14: Biến lượng so sánh SV nam và SV nữ về tự đánh giá bản thân. Nam Nữ Giới Tự đánh giá ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC T-test P. Năng lực 23.67 3.178 24.33 3.534 -1.421 .157 Khá năng giao tiếp 19.40 2.867 19.64 2.968 -.609 .543 Khá năng giải quyết vấn đề 12.81 2.110 12.52 1.843 1.096 .274 Phẩm chất 129.64 10.455 131.41 8.991 -1.287 .200 Đạo đức 21.05 2.583 21.59 2.440 -1.594 .112 Trách nhiệm 49.32 4.845 51.58 5.490 -3.118 .002 Gia đình 10.99 1.521 11.57 1.761 -2.513 .013 Ganh đua trong học tập 53.79 5.236 54.74 4.530 -1.442 .151 Sự thích nghi 30.22 5.030 30.01 4.475 .326 .745 Ngoại hình 12.04 2.374 12.22 2.430 -.539 .590 Sự hài lòng bản thân 33.96 4.573 34.48 4.298 -.851 .395 Hoạt động xã hội 9.21 1.701 9.16 1.793 .192 .848 Tự đánh giá chung 406.09 32.06 413.25 28.19 -1.76 .080 Trong bảng 2.2.14 so sánh xem có sự khác biệt giữa nam và nữ sinh viên trong việc tự đánh giá bản thân, kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có hai tiểu thang đo tự đánh giá về trách nhiệm đối với bản thân cũng như tự đánh giá về sự quan tâm của gia đình thì giữa nam và nữ sinh viên có sự khác biệt, biểu hiện ở mức ý nghĩa P < 0.05. Kết quả này cho chúng ta có cái nhìn rõ hơn về sự khác biệt giữa vai trò của nam và vai trò của nữ trong gia đình cũng như trách nhiệm mà hai giới đảm đương qua sự tự đánh giá bản thân của sinh viên nam và sinh viên nữ. Tuy nhiên, kết quả chung của việc tự đánh giá bản thân giữa nam sinh viên và nữ sinh viên lại không có sự khác biệt về mặt ý nghĩa thống kê. 2.2.2.2. So sánh về tự đánh giá bản thân giữa sinh viên các trường Bảng 2.2.15: Biến lượng so sánh sinh viên các trường về tự đánh giá bản thân Sư Phạm Văn Hiến Kinh Tế Trường Tự đánh giá ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC F P. Năng lực 22.81 3.13 24.73 3.754 24.79 3.042 9.102 0.000 Khá năng giao tiếp 19.00 2.70 20.22 3.267 19.50 2.732 3.376 0.036 Khá năng giải quyết vấn đề 12.91 1.90 12.62 2.158 12.35 1.738 1.673 0.190 Phẩm chất 130.16 9.76 133.55 10.159 128.95 8.219 4.905 0.008 Đạo đức 21.87 2.31 21.49 2.693 20.88 2.421 3.323 0.038 Trách nhiệm 50.89 5.41 51.79 5.380 49.83 5.225 2.634 0.074 Gia đình 11.57 1.75 11.48 1.733 11.07 1.601 1.959 0.143 Ganh đua trong học tập 54.32 4.09 55.08 5.771 53.90 4.446 1.193 0.305 Sự thích nghi 29.96 4.56 30.79 5.528 29.57 3.827 1.370 0.256 Ngoại hình 11.90 2.30 12.18 2.941 12.38 1.935 0.801 0.450 Sự hài lòng bản 33.94 4.38 34.67 4.899 34.32 3.919 0.529 0.590 thân Hoạt động xã hội 9.00 1.65 9.38 2.011 9.17 1.609 0.903 0.407 Tự đánh giá chung 408.32 27.75 417.98 34.910 406.71 25.426 3.241 0.041 Kết quả so sánh giữa sinh viên các trường về tự đánh giá bản thân ở bảng 2.2.15 cho thấy; trong 12 tiểu thang đo thì có 4 tiểu thang đo “năng lực”, “khả năng giao tiếp”, “phẩm chất” và tiểu thang đo về “đạo đức” là có sự khác biệt về tự đánh giá giữa sinh viên các trường. Các tiểu thang đo trên đây đều có mức ý nghĩa nhỏ hơn P < 0.05. Các tiểu thang đo “Khá năng giải quyết vấn đề”, “Trách nhiệm”, “Gia đình”, “Ganh đua trong học tập”, “Sự thích nghi”, “Ngoại hình”, “Sự hài lòng bản thân”, và “Hoạt động xã hội” đều không có sự khác biệt ý nghĩa về mặt thống kê trong tự đánh giá giữa sinh viên các trường. Để biết rõ hơn trong từng tiểu thang đo sinh viên giữa các trường có sự khác biệt với nhau, chúng ta dùng thêm phần hậu kiểm Tukey trong phần kết quả sau: Bảng 2.2.16: Hậu kiểm Tukey của sinh viên các trường về tự đánh giá bản thân Tự đánh giá Trường ĐTB khác biệt P. So sánh điểm TB của các trường VĂN HIẾN SƯ PHẠM 1.92(*) .001Năng lực KINH TẾ SƯ PHẠM 1.98(*) .001 Sư Phạm < Văn Hiến< Kinh Tế Đạo đức VĂN HIẾN KINH TẾ 1.00(*) .030 Kinh Tế< Văn Hiến <Sư Phạm Phẩm chất VĂN HIẾN KINH TẾ 4.60(*) .007 Kinh Tế< Văn Hiến <Sư Phạm Khá năng giao tiếp VĂN HIẾN SƯ PHẠM 1.22(*) .028 Sư Phạm < Kinh Tế< Văn Hiến Tự đánh giá chung VĂN HIẾN KINH TẾ 11.26(*) .048 Văn Hiến <Sư Phạm <Kinh Tế Ghi chú: Trung bình khác biệt có ý nghĩa (*) khi P < 0.05 - Theo kết quả bảng 2.2.16, về tiểu thang đo “tự đánh giá về năng lực” thì giữa sinh viên Sư Phạm và sinh viên Văn Hiến có sự khác biệt, trong đó sinh viên Văn Hiến (ĐTB = 24.73) đánh giá cao hơn Sư Phạm (ĐTB =22.81) và sinh viên trường Kinh Tế và sinh viên trường Sư Phạm cũng có sự tự đánh giá về năng lực khác nhau, sinh viên trường Kinh Tế (ĐTB = 24.79) tự đánh giá cao hơn sinh viên trường Sư Phạm (ĐTB = 22.81), cuối cùng, sinh viên hai trường Văn Hiến và Kinh Tế không có sự khác nhau trong việc tự đánh giá về mặt năng lực. - Về tiểu thang đo tự đánh giá về khả năng giao tiếp; giữa sinh viên Sư Phạm và sinh viên Văn Hiến có sự khác biệt, trong đó sinh viên Văn Hiến (ĐTB = 20.22) tự đánh giá cao hơn Sư Phạm (ĐTB =19.00), sinh viên hai trường Văn Hiến và Kinh Tế không có sự khác nhau trong việc tự đánh giá về mặt khả năng giao tiếp, và sinh viên trường Kinh Tế và sinh viên trường Sư Phạm cũng không có sự khác biệt trong việc tự đánh giá về mặt giao tiếp. - Tiểu thang đo tự đánh giá về những phẩm chất; Chỉ có sinh viên của hai trường Văn Hiến và Kinh Tế là có sự khác biệt trong tự đánh giá về những phẩm chất, giữa hai trường này thì sinh viên Văn Hiến (ĐTB = 133.55) tự đánh giá cao hơn sinh viên trường Kinh Tế (ĐTB =128.95), còn các mối quan hệ giữa sinh viên trường Kinh Tế và Sư Phạm, sinh viên Sư Phạm và sinh viên trường Văn Hiến không có sự khác biệt trong tự đánh giá về mặt phẩm chất. - Về tiểu thang đo tự đánh giá về mặt đạo đức; Sinh viên hai trường Sư Phạm và Kinh Tế là có sự khác biệt trong tự đánh giá về những phẩm chất, giữa hai trường này thì sinh viên trường Sư Phạm (ĐTB = 21.87) tự đánh giá cao hơn sinh viên trường Kinh Tế (ĐTB =20.88), giữa sinh viên trường Kinh Tế và Văn Hiến không có sự khác biệt trong tự đánh giá về mặt đạo đức, và sinh viên hai trường Văn Hiến và Sư Phạm cũng không có sự khác biệt trong tự đánh giá về mặt đạo đức. - Về tự đánh giá chung về bản thân thì kết quả cho thấy chỉ có sự khác nhau trong tự đánh giá giữa sinh viên hai trường Kinh Tế và Văn Hiến. Trong đó, sinh viên Văn Hiến (ĐTB = 417986) tự đánh giá bản thân cao hơn sinh viên trường Kinh Tế (ĐTB = 406.719). Giữa sinh viên trường Kinh Tế và Sư Phạm không có sự khác biệt trong tự đánh giá bản thân, tương tự, sinh viên trường Sư Phạm và sinh viên trường Văn Hiến cũng không có sự khác biệt trong tự đánh giá bản thân. 2.2.2.3. So sánh về tự đánh giá bản thân giữa sinh viên các năm Bảng 2.2.17 dưới đây cho thấy, kết quả nghiên cứu từ mười hai tiểu thang đo về tự đánh giá bản thân cho thấy có ba tiểu thang đo tự đánh giá bản thân về mặt “năng lực”, “phẩm chất” và “đạo đức” là có sự khác biệt trong tự đánh bản thân giá giữa sinh viên của các năm học. Trong từng tiểu thang đo cụ thể, sinh viên các năm học có sự khác nhau trong tự đánh giá bản thân như thế nào, chúng ta sẽ xét qua phần hậu kiểm Tukey. Bảng2.2.17: Biến lượng so sánh sinh viên các năm học về tự đánh giá bản thân Năm 1 Năm 2 Năm 4 Năm học Tự đánh giá ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC F P. Năng lực 23.65 3.470 24.35 3.117 25.79 3.170 5.688 0.004 Khá năng giao tiếp 19.50 3.005 19.39 3.040 20.06 2.384 0.595 0.553 Khá năng giải quyết vấn đề 12.73 1.958 12.41 1.899 12.45 1.938 0.667 0.514 Phẩm chất 131.85 9.605 130.08 8.797 127.12 9.591 3.581 0.029 Đạo đức 21.75 2.468 20.73 2.417 20.88 2.522 4.188 0.016 Trách nhiệm 51.37 5.419 49.61 5.146 50.03 5.271 2.478 0.086 Gia đình 11.50 1.729 11.00 1.612 11.33 1.671 1.661 0.192 Ganh đua trong học tập 54.59 4.876 53.55 4.388 54.91 5.015 1.111 0.331 Sự thích nghi 30.37 5.045 29.92 3.994 29.06 3.674 1.101 0.334 Ngoại hình 12.02 2.547 12.24 2.055 12.64 2.247 0.923 0.399 Sự hài lòng bản thân 34.13 4.435 34.69 3.870 34.48 5.007 0.341 0.711 Hoạt động xã hội 9.19 1.851 9.18 1.873 9.15 1.034 0.005 0.995 Tự đánh giá chung 412.64 30.604 407.13 28.15 407.90 28.031 0.832 0.437 Bảng 2.2.18: Hậu kiểm Tukey của sinh viên các năm học về tự đánh giá bản thân Tự đánh giá Sinh viên năm thứ TB khác nhau P. So sánh điểm TB của các năm học Năng lực Năm 4 Năm 1 2.14(*) .003 Năm 1< Năm 2 < Năm 4 Phẩm chất Năm 1 Năm 4 4.73(*) .026 Năm 4 < Năm 2 < Năm 1 Đạo đức Năm 1 Năm 2 1.03(*) .029 Năm 2 < Năm 4< Năm 1 Ghi chú: Trung bình khác biệt có ý nghĩa (*) khi P < 0.05 - Về tự đánh giá năng lực; giữa sinh viên các năm học thì chỉ có sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm thứ tư là có sự khác biệt ý nghĩa, trong đó, sinh viên năm thứ tư (ĐTB = 25.79) tự đánh giá năng lực cao hơn sinh viên năm thứ nhất (ĐTB =23.65). Giữa sinh viên năm thứ hai và năm thứ tư, cũng như sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm hai không có sự khác biệt trong tự đánh giá về mặt năng lực. - Tự đánh giá về mặt phẩm chất; cũng giống như tự đánh giá về năng lực, chỉ có sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm thứ tư là có sự khác biệt trong tự đánh giá về phẩm chất, tuy nhiên sinh viên năm thứ nhất (ĐTB = 131.85) lại tự đánh giá về phẩm chất cao hơn sinh viên năm thứ tư (ĐTB =127.12). - Về mặt tự đánh giá đạo đức, chỉ có sự khác biệt trong đánh giá giữa sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm thứ hai. Trong đó, sinh viên năm thứ nhất (ĐTB = 21.75) tự đánh giá về đạo đức cao hơn sinh viên năm thứ hai (ĐTB =20.73). Giữa sinh viên năm thứ hai và năm thứ tư, sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm tư không có sự khác biệt trong tự đánh giá về mặt đạo đức. 2.2.2.4. So sánh về tự đánh giá bản thân giữa sv có mức sống khác nhau Kết quả so sánh về tự đánh giá bản thân giữa sinh viên có mức sống khác nhau ở bảng 2.2.21 cho thấy; trong 12 tiểu thang đo thì có 4 tiểu thang đo “Khả năng giao tiếp”, “Ganh đua trong học tập”, “Sự thích nghi”, “Sự hài lòng bản thân” và thang đo chung về tự đánh giá bản thân là có sự khác biệt về tự đánh giá giữa sinh viên có mức sống khác nhau. Các tiểu thang đo này đều có mức ý nghĩa nhỏ hơn P < 0.05. Sinh viên sống với những mức sống khác nhau có sự khác nhau trong tự đánh giá như thế nào, chúng ta dùng thêm phần hậu kiểm Tukey để xem xét kỹ hơn. Bảng 2.2.19: Biến lượng so sánh SV có mức sống khác nhau về TĐG bản thân Khá Tạm Dưới TB Mức sống Tự đánh giá ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC F P. Năng lực 24.36 3.897 24.06 3.326 23.88 3.219 0.171 0.843 Khá năng giao tiếp 20.42 3.130 19.44 2.894 18.41 2.210 3.466 0.033 Khá năng giải quyết vấn đề 12.87 1.779 12.59 1.922 12.35 2.523 0.547 0.580 Phẩm chất 131.2 9.816 130.7 9.358 129.8 11.06 0.139 0.871 Đạo đức 21.49 2.242 21.41 2.494 21.12 3.238 0.138 0.872 Trách nhiệm 52.18 5.091 50.47 5.345 50.53 6.115 1.848 0.160 Gia đình 11.62 1.749 11.31 1.697 11.29 1.649 0.623 0.537 Ganh đua trong học tập 55.67 5.014 54.44 4.310 50.82 7.020 6.602 0.002 Sự thích nghi 30.82 4.539 30.22 4.462 26.82 5.866 4.946 0.008 Ngoại hình 12.84 2.383 12.05 2.362 11.41 2.671 2.876 0.058 Sự hài lòng bản thân 35.78 3.977 34.08 4.347 32.65 5.086 4.080 0.018 Hoạt động xã hội 9.27 2.027 9.22 1.617 8.59 2.320 1.052 0.351 Tự đánh giá chung 418.6 30.10 410.0 28.01 397.7 40.28 3.309 0.038 Bảng 2.2.20: Hậu kiểm Tukey của sinh viên có mức sống khác nhau về TĐG BT Tự đánh giá Sinh viên có mức sống TB khác biệt P. So sánh điểm TB Khá năng giao tiếp Khá Dưới TB 2.01(*) .041 Dưới trung bình < Tạm < Khá Khá Dưới TB 4.84(*) .001Ganh đua trong học tập Tạm được Dưới TB 3.61(*) .008 Dưới trung bình < tạm được < khá Khá Dưới TB 4.00(*) .007Sự thích nghi Tạm được Dưới TB 3.39(*) .011 Dưới trung bình < tạm được < khá Sự hài lòng bản thân Khá Dưới TB 3.13(*) .032 Dưới trung bình < tạm được < khá Tự đánh giá chung Khá Dưới TB 20.83(*) .036 Dưới trung bình < tạm được < khá Ghi chú: Trung bình khác biệt có ý nghĩa (*) khi P < 0.05 - Tự đánh giá về khá năng giao tiếp, sinh viên có mức sống khá và sinh viên có mức sống dưới trung bình có sự khác biệt trong tự đánh giá khả năng giao tiếp của bản thân. Sinh viên có mức sống khá (ĐTB = 20.42) có sự tự đánh giá cao hơn sinh viên có mức sống dưới trung bình (ĐTB = 18.41). Còn cặp so sánh giữa sinh viên có mức sống khá với sinh viên có mức sống tạm được, và cặp so sánh sinh viên có mức sống tạm được với sinh viên có mức sống dưới trung bình đều không có sự khác biệt trong tự đánh giá về khả năng giao tiếp. - Tự đánh giá về sự thi đua trong học tập, có sự khác biệt trong tự đánh giá về sự thi đua trong học tập giữa sinh viên có mức sống khá với sinh viên có mức sống dưới trung bình, và sinh viên có mức sống tạm được với sinh viên có mức sống dưới trung bình. Sinh viên có mức sống khá (ĐTB = 55.67) tự đánh giá cao hơn sinh viên có mức sống trung bình (ĐTB = 54.44), sinh viên có mức sống dưới trung bình tự đánh giá về ganh đua trong học tập thấp hơn cả (ĐTB = 50.82). - Trong tự đánh giá về sự thích nghi của sinh viên, cũng tương tự như cách tự đánh giá đối với thang đo về sự thi đua trong học tập. - Tự đánh giá về sự hài lòng của bản thân, chỉ có cặp sinh viên có mức sống khá và sinh viên có mức sống dưới trung bình là có sự khác nhau trong tự đánh giá. Sinh viên có mức sống khá (ĐTB = 35.78) tự đánh giá cao hơn sinh viên có mức sống dưới trung bình (ĐTB = 32.65). Tự đánh giá chung về bản thân của sinh viên, sinh viên có mức sống khá có sự tự đánh giá bản thân khác với sinh viên có mức sống dưới trung bình. Sinh viên có mức sống khá (ĐTB = 418.6) tự đánh giá bản thân cao hơn sinh viên có mức sống dưới trung (ĐTB = 397.764). Còn các cặp so sánh khác không có sự khác nhau trong tự đánh giá bản thân. 2.2.2.5. So sánh về tự đánh giá bản thân giữa thứ tự sinh trong gia đình Bảng 2.2.21: Biến lượng so sánh thứ tự con trong gia đình về TĐGBT Con một Con cả Con thứ Con út Thứ tự sinh TĐG ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC F P. Năng lực 23.80 3.792 24.43 3.752 24.01 3.019 23.70 3.182 0.572 0.634 Khá năng giao tiếp 20.25 2.900 19.57 2.898 19.71 3.178 19.00 2.588 1.004 0.392 Khá năng giải quyết vấn đề 12.95 1.538 12.69 2.094 12.72 1.923 12.19 1.777 1.072 0.362 Phẩm chất 130.5 11.97 130.1 9.834 131.9 8.866 130.6 8.922 0.508 0.677 Đạo đức 20.15 2.183 21.35 2.612 22.03 2.391 21.11 2.343 3.525 0.016 Trách nhiệm 50.00 8.404 50.59 4.902 51.86 5.327 49.94 4.618 1.548 0.203 Gia đình 11.45 1.959 11.40 1.587 11.36 1.664 11.28 1.908 0.071 0.975 Ganh đua trong học tập 55.30 5.536 54.49 4.972 54.49 4.771 53.74 4.173 0.544 0.653 Sự thích nghi 30.80 3.928 29.86 4.694 30.31 4.972 29.89 4.498 0.305 0.821 Ngoại hình 12.50 2.646 11.87 2.294 12.24 2.475 12.45 2.439 0.825 0.481 Sự hài lòng bản thân 34.75 4.811 34.22 4.543 34.35 4.351 34.19 4.079 0.091 0.965 Hoạt động xã hội 9.25 1.333 9.14 1.814 9.26 1.744 9.11 1.868 0.110 0.954 Tự đánh giá chung 411.70 38.020 409.72 28.973 414.25 30.692 407.19 25.941 0.599 0.617 Kết quả bảng 2.2.21 cho thấy tự đánh giá bản thân giữa thứ tự sinh trong gia đình, chỉ có tiểu thang đo về mặt đạo đức là có sự khác biệt về mặt ý nghĩa thống kê. Thứ tự sinh khác nhau tự đánh giá như thế nào về tự đánh giá đạo đức, chúng ta xem xét tiếp ở bảng 2.2.22. Bảng 2.2.22: Hậu kiểm Tukey của thứ tự con trong gia đình về TĐG bản thân Tự đánh giá Thứ tự sinh trong gia đình TB khác biệt P. So sánh điểm TB của thứ tự sinh Đạo đức Con thứ Con một 1.88(*) .015 Con thứ > Con một Ghi chú: Trung bình khác biệt có ý nghĩa (*) khi P < 0.05 Kết quả ở bảng 2.2.22 cho thấy có sự khác nhau trong tự đánh giá về đạo đức giữa sinh viên có thứ tự sinh là con thứ với con một. Sinh viên là con thứ (ĐTB = 22.03) có tự đánh giá đạo đức cao hơn sinh viên là con một (ĐTB =20.15). Các cặp so sánh khác không có sự khác nhau trong tự đánh giá về mặt đạo đức. 2.2.2.6. So sánh về tự đánh giá bản thân giữa sinh viên trung bình và sv khá Bảng 2.2.23: Biến lượng so sánh giữa sinh viên TB và SV khá về TĐG bản thân: Học lực TB Học lực khá Học lực Tự đánh giá ĐTB ĐLTC ĐTB ĐLTC T-test P. Năng lực 24.40 3.699 23.92 3.238 1.051 .294 Khá năng giao tiếp 20.16 2.816 19.18 2.946 2.505 .013 Khá năng giải quyết vấn đề 13.16 2.049 12.29 1.797 3.388 .001 Phẩm chất 131.23 10.434 130.52 8.959 .536 .593 Đạo đức 21.38 2.688 21.42 2.382 -.132 .895 Trách nhiệm 51.39 6.070 50.43 4.876 1.329 .185 Sự quan tâm của gia đình 11.57 1.780 11.24 1.644 1.419 .157 Sự thi đua trong học tập 54.71 4.774 54.22 4.818 .758 .449 Sự thích nghi với hoàn cảnh 30.94 4.516 29.55 4.692 2.246 .026 Ngoại hình 12.51 2.623 11.93 2.243 1.803 .073 Sự hài lòng bản thân 35.92 4.376 33.28 4.101 4.664 .000 Hoạt động xã hội 9.26 1.815 9.13 1.727 .522 .602 Tự đánh giá chung 416.62 32.68 407.12 27.19 2.30 .023 Kết quả thống kê ở bảng 2.2.23 cho thấy, trong mười hai tiểu thang đo về tự đánh giá bản thân của sinh viên, có bốn tiểu thang đo là có sự khác biệt về mặt thống kê trong tự đánh giá giữa sinh viên có học lực trung bình và sinh viên có hoc lực khá, các tiểu thang đo đó là: “khả năng giao tiếp”, “khả năng giải quyết vấn đề”, “sự thích nghi với cuộc sống” và cuối cùng là “tự đánh giá về sự hài lòng của bản thân”. Các tiểu thang đo còn lại “Năng lực”, “Phẩm chất”, “Đạo đức”, “Trách n

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVTLH008.pdf
Tài liệu liên quan