Tài liệu Luận văn Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
-------------------------
Nguyễn Thái Liên Chi
NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH
TỈNH ĐỒNG NAI
Chuyên ngành : Ngôn ngữ học
Mã số : 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. LÊ TRUNG HOA
Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
LỜI CẢM ƠN
Nghiên cứu địa danh là một lĩnh vực không mới với thế giới nhưng lại khá mới
mẻ với nước ta. Những bí ẩn của ngành địa danh học cùng với niềm háo hức muốn
khám phá vẻ đẹp của quê hương dưới góc nhìn ngôn ngữ học thông qua hệ thống
địa danh của tỉnh khiến tôi mạnh dạn đăng ký làm luận văn với đề tài: “Nghiên cứu
địa danh tỉnh Đồng Nai”.
Qua đây, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến PGS. TS. Lê Trung Hoa - giảng viên
trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh - đã tận tâm chỉ
bảo cho tôi từng li từng tí một trong quá trình thực hiện luận văn và cung cấp cho
tôi nhiều tài liệu khoa học quý báu.
Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô thu...
250 trang |
Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1805 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
-------------------------
Nguyễn Thái Liên Chi
NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH
TỈNH ĐỒNG NAI
Chuyên ngành : Ngôn ngữ học
Mã số : 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. LÊ TRUNG HOA
Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
LỜI CẢM ƠN
Nghiên cứu địa danh là một lĩnh vực không mới với thế giới nhưng lại khá mới
mẻ với nước ta. Những bí ẩn của ngành địa danh học cùng với niềm háo hức muốn
khám phá vẻ đẹp của quê hương dưới góc nhìn ngôn ngữ học thông qua hệ thống
địa danh của tỉnh khiến tôi mạnh dạn đăng ký làm luận văn với đề tài: “Nghiên cứu
địa danh tỉnh Đồng Nai”.
Qua đây, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến PGS. TS. Lê Trung Hoa - giảng viên
trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh - đã tận tâm chỉ
bảo cho tôi từng li từng tí một trong quá trình thực hiện luận văn và cung cấp cho
tôi nhiều tài liệu khoa học quý báu.
Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô thuộc ngành Ngôn ngữ học, trường Đại
học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh đã giảng dạy và truyền cho tôi những kiến thức sâu
sắc, hướng dẫn cho tôi về cách thực hiện luận văn tốt nghiệp một cách nhiệt tình.
Cảm ơn phòng Sau Đại học trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều
kiện thuận lợi cho tôi trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu luận văn.
Cảm ơn UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng
Nai, Ban Tôn giáo và ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai đã giúp đỡ tôi trong việc tìm kiếm
những tư liệu cần thiết để hoàn thành nội dung luận văn.
Cảm ơn ông Nguyễn Thành Trí - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ cho tôi một số tư liệu về địa danh; và xin cảm ơn gia đình,
bạn bè, đặc biệt là người cha kính yêu của tôi đã ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất
giúp tôi hoàn thành luận văn.
Vẫn còn nhiều thiếu sót trong luận văn này, vì vậy, kính mong quý thầy cô tiếp
tục chỉ dẫn để luận văn đạt kết quả tốt. Xin chân thành cảm ơn!
Biên Hòa, ngày 3 tháng 8 năm 2009
Nguyễn Thái Liên Chi
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
1. Ký hiệu
- [x, tr.y]: x là tên tác phẩm, tài liệu trích dẫn ghi theo số thứ tự trong phần Tài
liệu tham khảo ở cuối luận văn, tr.y là số trang. Trường hợp tác phẩm có từ hai
trang trở lên thì số trang được ngăn cách với nhau bằng dấu gạch ngang. Ví dụ: [99,
tr.14], [59, tr.14-15].
- → : biến đổi thành.
- / / : phiên âm âm vị học.
- [ ] : phiên âm ngữ âm học.
2. Quy ước về cách viết tắt
- BH : thành phố Biên Hòa.
- cf : dẫn theo tác giả.
- CM : huyện Cẩm Mỹ.
- ĐN : tỉnh Đồng Nai.
- ĐQ : huyện Định Quán.
- LT : huyện Long Thành.
- NT : huyện Nhơn Trạch.
- TB : huyện Trảng Bom.
- TN : huyện Thống Nhất.
- TP : huyện Tân Phú.
- TT : thị trấn.
- TXLK : thị xã Long Khánh.
- VC : huyện Vĩnh Cửu.
- XL : huyện Xuân Lộc.
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Địa danh là một bộ phận đặc biệt của từ vựng, có nguồn gốc và ý nghĩa riêng,
nằm trong đối tượng của bộ môn từ vựng học. Bên cạnh việc nhận biết, hiểu rõ
những đặc điểm ngôn ngữ trong các phương thức cấu tạo của hàng loạt tên gọi, địa
danh còn cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho nhiều ngành khoa học khác như dân
tộc học, địa lý học, lịch sử học, khảo cổ học, văn hóa học… Vì vậy, công việc
nghiên cứu địa danh có ý nghĩa và có giá trị rất lớn.
Giống như một “đài kỷ niệm”, nghiên cứu địa danh có thể giúp phác thảo
được bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của một tộc người, một dân tộc; về sự giao
thoa, tiếp xúc, bảo lưu những giá trị lịch sử, văn hóa của một địa bàn trong những
giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Không những góp phần phản ánh đời sống ngôn ngữ,
nghiên cứu địa danh còn phản ánh những biểu hiện của sự biến đổi và phát triển
tiếng Việt.
Địa danh ở Đồng Nai cũng mang những đặc điểm chung đó. Trên bước đường
hình thành và phát triển, vùng Đồng Nai đã sản sinh ra những tên đất, tên làng xóm
tạo thành một hệ thống địa danh phản ánh những nét đặc trưng của vùng đất “gian
lao mà anh dũng”. Theo quy luật tất yếu của cuộc sống, nhiều tên gọi vẫn tồn tại
bền vững mặc bao thăng trầm của lịch sử nhưng cũng có những địa danh ít được
nhắc tới hoặc bị trôi vào quên lãng. Quá trình khảo sát, sưu tầm, phân tích, giải
thích địa danh tỉnh Đồng Nai giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, địa
hình, những di tích, thắng cảnh… của địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu địa
danh tỉnh Đồng Nai còn nhằm bổ sung một phần tư liệu cho ngành địa danh học của
Việt Nam - vốn chưa có một công trình nghiên cứu về toàn bộ địa danh cả nước.
Sự phong phú, đa dạng của địa danh tỉnh Đồng Nai đã thu hút sự quan tâm
của khá nhiều người trong và ngoài tỉnh thể hiện qua nhiều công trình, bài viết khác
nhau. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu địa danh ở Đồng
Nai dưới góc độ ngôn ngữ. Dẫu biết rằng đây là một đề tài không đơn giản, còn
nhiều vấn đề lý luận phức tạp, nhiều ý kiến chưa thống nhất, nhưng với mong muốn
được thỏa mãn những thắc mắc bấy lâu nay về những cái tên rất gần gũi với nơi
mình sinh sống, và trên hết là góp một phần nhỏ nhoi về những tiền đề lý luận và
thực tiễn trong việc nghiên cứu địa danh nói chung, nên chúng tôi chọn đối tượng
này để nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Nghiên cứu địa danh ở Việt Nam
Ở nước ta, giai đoạn phôi thai, có một số bộ sách sử, địa chí ghi chép và giải
thích nhiều địa danh, nhưng chủ yếu chỉ giải thích địa danh ở góc độ địa lý - lịch sử
hay dưới một góc độ nào đó. Những tác phẩm nổi bật là Dư địa chí (soạn năm
1435) của Nguyễn Trãi, Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV) của Ngô Sĩ Liên, Ô
châu cận lục (1553) của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn,
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) của Lê Quang Định, Lịch triều hiến
chương loại chí (soạn trong 10 năm 1809 - 1819) của Phan Huy Chú, Gia Định
thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam nhất thống chí (soạn xong
năm 1882) của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nomenclature des communes du Tonkin
(classées par cantons, phu, huyen ou chau et par provinces) (Tự vựng làng xã ở Bắc
Kỳ) (1928) do Ngô Vĩ Liên biên soạn và cuốn Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX
(thuộc các tỉnh từ Nghệ An trở ra) do Dương Thị The và Phạm Thị Thoa dịch và
biên soạn (1981).
Có thể xem giai đoạn hình thành của địa danh học Việt Nam bắt đầu từ những
năm 60, khi mà các vấn đề liên quan đến địa danh và lý luận về địa danh đã được sự
quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, địa lý,
văn hóa, ngôn ngữ… Tác giả Thái Văn Kiểm tiếp cận địa danh ở góc độ lịch sử -
văn hóa trong tác phẩm Đất Việt trời Nam (1960). Đào Duy Anh sử dụng phương
pháp nghiên cứu địa lý học lịch sử trong tác phẩm Đất nước Việt Nam qua các đời
(1964) đã xác lập, phân định lãnh thổ và từng khu vực, bàn về quá trình diên cách,
thay đổi địa danh trong lịch sử… Người đầu tiên nghiên cứu địa danh dưới góc độ
ngôn ngữ học là Hoàng Thị Châu với bài Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông
Nam Á qua một vài tên sông (1964). Hai tác giả Trần Thanh Tâm trong bài Thử bàn
về địa danh Việt Nam (1976) và Nguyễn Văn Âu trong Một số vấn đề về địa danh
học ở Việt Nam (2000) đã nêu một số vấn đề cơ bản về địa danh và địa danh học
Việt Nam.
Ngoài những công trình trên, còn có thể kể đến những tác phẩm có liên quan
đến địa danh học như Đinh Văn Nhật với Phương pháp vận dụng địa danh học
trong nghiên cứu địa lý học, lịch sử cổ đại Việt Nam (1984); Sự hình thành và diễn
biến của các tên làng người Việt cho đến năm 1945 (1987) của Bùi Thiết; Nguyễn
Quang Ân với Việt Nam, những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính
1945-1997 (1997)…
Nổi cộm nhất trong giai đoạn hình thành là sự xuất hiện của những luận án
nghiên cứu địa danh học ở Việt Nam xuất phát từ bình diện ngôn ngữ học và sự ra
đời của nhiều từ điển địa danh.
Với luận án Phó Tiến sĩ Những đặc điểm chính của địa danh ở thành phố Hồ
Chí Minh (1990) và sau đó in thành sách Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu
địa danh (địa danh thành phố Hồ Chí Minh) (1991), tác giả Lê Trung Hoa đã trình
bày khá hệ thống những vấn đề về địa danh mang tính thiết thực bao gồm định
nghĩa địa danh, nguyên tắc, phân loại địa danh, phương thức đặt địa danh, cấu tạo
địa danh, ý nghĩa và nguồn gốc địa danh, giá trị phản ánh hiện thực.
Tác giả Nguyễn Kiên Trường đã vận dụng những lý luận cơ bản của địa danh
học hiện đại để hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ Những đặc điểm chính của địa danh
Hải Phòng (sơ bộ so sánh với một số vùng khác) (1996). Luận án đưa ra cách phân
loại địa danh theo chức năng giao tiếp và hệ quy chiếu đồng đại - lịch đại, một nét
mới trong nghiên cứu địa danh.
Ngoài hai luận án trên, Lê Trung Hoa và Nguyễn Kiên Trường còn có hàng
loạt bài viết trình bày cụ thể về địa danh của một số địa phương khác hay những
khía cạnh khác trong nghiên cứu địa danh. Chẳng hạn như Lê Trung Hoa với Tìm
hiểu ý nghĩa và nguồn gốc một số thành tố chung trong địa danh Nam Bộ (1983),
Tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc chung “Cái” trong địa danh Nam Bộ (1988), Địa
danh bằng chữ và địa danh bằng số (1999), Chung quanh thuật ngữ “địa danh”
(2000), Nghĩ về công việc của người nghiên cứu địa danh và biên soạn từ điển địa
danh (2000), Những nguyên nhân làm thay đổi và sai lệch một số địa danh Việt
Nam trong tiếng dân tộc (2002), Địa danh hành chính ở Việt Nam (2002), Địa danh
học Việt Nam (2006)… Một số bài viết của Nguyễn Kiên Trường đó là Vài suy nghĩ
về việc khảo sát hệ thống tên riêng địa lý ở Việt Nam (1993), Tìm hiểu về địa danh
học (1994), Thử tìm hiểu sự bảo lưu tên Nôm làng xã dưới góc độ ngôn ngữ và văn
hóa (1994), Vài vấn đề liên quan đến công tác thống nhất hóa cách ghi địa danh ở
Việt Nam (1995), Địa danh biên giới Tây nam và những dữ liệu cơ bản để nghiên
cứu, hoạch định, xây dựng đường biên (1996)…
Gần đây là hai luận án tiến sĩ của Từ Thu Mai Nghiên cứu địa danh Quảng Trị
(2003) và Những đặc điểm chính của địa danh Dak Lăk (2005) của Trần Văn Dũng;
cùng với hai luận văn thạc sĩ: Văn hóa qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai (2006)
của Võ Nữ Hạnh Trang, và Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long (sơ bộ
có so sánh với địa danh một số vùng khác) (2008) của Nguyễn Tấn Anh.
Bên cạnh đó là bốn cuốn từ điển địa danh đáng chú ý: Sổ tay địa danh Việt
Nam (1995) của Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam (1998) của Nguyễn
Dược - Trung Hải, Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng (1998) do Ngô Đăng Lợi
chủ biên và Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh (2003) do Lê Trung
Hoa chủ biên.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, các công trình về địa danh học ở nước
ta đã xác lập được cơ sở lý luận, cũng như đối tượng và phương pháp nghiên cứu
địa danh.
2.2. Nghiên cứu địa danh ở Đồng Nai
Nhìn chung, các công trình viết về những địa danh ở Đồng Nai không nhiều.
Một số công trình thiên về việc giải thích những địa danh như cù lao Phố, Đồng
Nai… Những địa danh khác cũng được nhắc đến nhưng còn sơ sài. Có thể kể ra một
số tác phẩm sau đây:
Cuốn sách xưa nhất đề cập đến địa danh ở Đồng Nai là Phủ biên tạp lục
(1776) của Lê Quý Đôn. Tác giả đã đồng nhất đất Đồng Nai với cả vùng Nam Bộ.
Tác phẩm thứ hai là Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức đã giải
thích nguồn gốc địa danh núi Nữ Tăng (tục danh núi Thị Vãi ở Long Thành) và Đại
phố Châu (tục danh cù lao Phố ở Biên Hòa).
Năm 1875, Trương Vĩnh Ký trong Petit cours de géographie de la Basse
Cochinchine (Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ) giới thiệu một số khái niệm lịch sử về
Nam Kỳ xưa. Trong đó, tác giả hệ thống hóa địa lý hành chính Nam Kỳ vào thế kỷ
XIX và đưa ra bảng so sánh giữa tục danh và tên chữ Hán của tỉnh Biên Hòa qua
các địa danh về hải khẩu, sông rạch, cù lao và núi non bên cạnh những tỉnh khác.
Đại Nam nhất thống chí (biên soạn xong năm 1882) của Quốc sử quán triều
Nguyễn cũng nhắc đến và giải thích một số địa danh của tỉnh Biên Hòa như tên núi
(núi Đất, núi Đỏ, núi Kí Sơn…), tên sông (sông Phước Long, sông Bối Diệp, sông
Thất Kỳ…), tên chợ (chợ Lộc Dã, chợ Bình Thảo, chợ Thiết Tượng…), tên cầu (cầu
Vạc, cầu Tân Bản, cầu Ván…). Còn Nguyễn Siêu trong Phương Đình dư địa chí
(1960) nêu lý giải mới về Biên Hòa.
Lương Văn Lựu qua tác phẩm Biên Hòa sử lược toàn biên (1960 - 1972) gồm
5 tập đã giới thiệu một cách khái quát lịch sử, địa lý, nhân vật ở tỉnh Đồng Nai từ
trước đến nay, trong đó tác giả có đưa ra và giải thích một số địa danh ở Đồng Nai.
Trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Biên Hòa (Đồng Nai, Sông Bé, Bà
Rịa, Vũng Tàu) (1994), Nguyễn Đình Đầu trình bày những thay đổi về địa danh
hành chính của tỉnh Đồng Nai (khi ấy còn gọi là trấn Biên Hòa, rồi đến tỉnh Biên
Hòa) từ năm 1808 đến năm 1994. Tác giả đã thống kê những địa danh làng bắt đầu
bằng những chữ như An, Bình, Chánh, Hưng, Long… và giải thích ý nghĩa của
chúng.
Tại cuộc hội thảo “Biên Hòa 300 năm” (6/1997), hai tác giả Đỗ Quyên với bài
viết Danh xưng Đồng Nai trong Miền Đông Nam Bộ lịch sử và phát triển và Lê
Trung Hoa trong tham luận Nguồn gốc, ý nghĩa và quá trình phát triển của địa danh
Đồng Nai đã giải thích về xuất xứ và nguồn gốc của địa danh Đồng Nai khá thuyết
phục.
Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng Việt miền Nam (1993) nói đến khá nhiều
địa danh xưa ở Đồng Nai như núi Lò Thổi, rạch Nước Lộn, suối Đồng Heo… và
giải thích một số tên gọi như rạch Đông, rạch Bà Ký, cù lao Phố…
Một số công trình khác đề cập đến những địa danh ở Đồng Nai như Huỳnh
Ngọc Trảng với bài vè Các đường sông lục tỉnh (1998), Bùi Đức Tịnh với Lược
khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ (1999)… Gần đây là cuốn Truyện kể về đất nước
và con người Đồng Nai (1996) của Nguyễn Yên Tri, Nhớ Biên Hòa (2005) của
Khôi Vũ, Biên Hòa sử lược diễn ca (2005) của Đinh Quang Dữa…
Ngoài những công trình kể trên, còn có một số bài báo, hay sách địa chí cũng
đề cập đến địa danh ở Đồng Nai và một vài địa danh khác.
Như vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách
hệ thống về khía cạnh ngôn ngữ của địa danh tỉnh Đồng Nai. Hiện tại chỉ có công
trình nghiên cứu địa danh ở Đồng Nai về mặt văn hóa của tác giả Võ Nữ Hạnh
Trang (luận văn Thạc sĩ, 2006). Vì vậy, nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai về mặt
ngôn ngữ hiện nay là điều cần thiết phải làm.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là toàn bộ hệ thống địa danh tỉnh Đồng
Nai. Luận văn sẽ tập trung khảo sát tên gọi các đối tượng địa lý tồn tại trên địa bàn.
Cụ thể đó là địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên hay còn gọi là địa danh chỉ địa hình
(núi, đồi, gò, sông, rạch…), địa danh chỉ các công trình xây dựng (cầu, đường, bến
phà, bến đò, chợ…), địa danh hành chính (thành phố, thị trấn, thị xã, phường, xã,
ấp…), địa danh vùng (khu công nghiệp, giáo xứ…).
Về phạm vi nghiên cứu, luận văn chủ yếu mô tả, khảo sát những địa danh về
mặt ngôn ngữ trên diện đồng đại và bước đầu tìm hiểu về một số nguồn gốc và ý
nghĩa của địa danh thuộc vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Đồng Nai.
4. Mục đích nghiên cứu
Trong luận văn này, chúng tôi tập trung tìm hiểu về phương thức đặt địa danh,
phương thức cấu tạo, những chuyển biến về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, cũng như một
số nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh tỉnh Đồng Nai. Nội dung được trình bày một
mặt mô tả những địa danh thuần Việt, Hán Việt, địa danh dân tộc thiểu số và ngoại
lai nhằm minh họa thêm một số vấn đề có tính chất lý luận về địa danh học; một
mặt làm sáng rõ những giá trị phản ánh hiện thực của địa danh. Qua đó, thấy được
mối quan hệ giữa địa danh học với các ngành khoa học khác như địa lý học, khảo cổ
học, văn hóa học, nhân chủng học, xã hội học, dân tộc học…
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp thu thập và xử lý tư liệu
Thu thập tư liệu là công việc đầu tiên của người nghiên cứu địa danh. Tư liệu
chúng tôi thu thập được bao gồm nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
5.1.1. Tư liệu lưu trữ hành chính từ trước đến nay của các tỉnh, thành phố,
huyện, xã, ấp… Tư liệu này tồn tại dưới dạng các công báo, niên giám, tác phẩm,
hoặc có thể là văn bản đánh máy, viết tay của các viên chức địa phương còn lưu trữ
lại. Những tư liệu này có tính pháp lý, tính chính xác cao, có thể cho biết sự ra đời,
biến đổi hoặc mất đi của các địa danh, nhất là địa danh hành chính.
5.1.2. Bản đồ các loại về địa hình, hành chính, kinh tế, quân sự… của tỉnh
Đồng Nai và các huyện thị trong tỉnh là tư liệu quý giúp cho việc xác định tọa độ, vị
trí, địa điểm của từng địa danh. Qua việc khảo sát bản đồ, chúng tôi phát hiện được
những loại địa danh nào xuất hiện nhiều ở địa bàn nào, từ đó xác định nguồn gốc, ý
nghĩa của từng nhóm địa danh đó. Việc đối chiếu các bản đồ qua từng thời điểm
khác nhau có thể giúp xác định được sự ra đời, chuyển biến của các địa danh về mặt
ngữ âm hay ngữ nghĩa. Có những địa danh cũ mất đi và có những địa danh mới xuất
hiện.
5.1.3. Các báo địa phương, sách địa phương chí về địa bàn, các bài báo viết về
địa phương, một số tác phẩm văn học viết về địa phương… giúp người nghiên cứu
địa danh đỡ mất thì giờ trong việc tìm hiểu địa danh. Đây là những tư liệu do chính
người địa phương viết hay người am hiểu về địa phương thực hiện.
5.1.4. Các sách lý luận về địa danh học và ngôn ngữ học cũng như nguồn tư
liệu từ các loại từ điển khác nhau rất cần thiết cho việc nghiên cứu địa danh. Sách
viết về ngôn ngữ học và địa danh học ở trong và ngoài nước là những nguồn tư liệu
cơ bản, cần thiết để giúp người nghiên cứu xác định đúng hướng và ít tốn thời gian
trong công việc của mình. Còn các từ điển viết về địa danh, từ điển từ cổ, từ điển
phương ngữ… giúp xác định được thời điểm và thời gian ra đời của các địa danh.
5.1.5. Tư liệu điền dã được người nghiên cứu quan sát, thu thập, ghi chép và
chọn lọc trong quá trình đi thực tế. Những tư liệu này phục vụ cho việc lập bảng
thống kê, phân loại từng nhóm địa danh và giúp giải thích nguồn gốc, ý nghĩa, thời
điểm ra đời cũng như những biến đổi của địa danh một cách chính xác.
5.2. Phương pháp thống kê, phân loại, miêu tả
Đây là phương pháp bắt buộc phải có khi bắt tay vào nghiên cứu địa danh và
cũng là phương pháp chủ yếu được vận dụng trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
Dựa vào nguồn tư liệu đã được thu thập, chúng tôi tiến hành thống kê, phân loại và
miêu tả các địa danh để thấy rõ số lượng từng loại. Từ đó, có thể rút ra đặc điểm
riêng của từng loại và đặc điểm chung của địa danh toàn vùng. Chẳng hạn sau khi
thống kê, phân loại, chúng tôi chia địa danh thành các loại như địa danh chỉ địa
hình, địa danh chỉ công trình xây dựng, địa danh hành chính, địa danh thuần Việt,
địa danh Hán Việt… Trên kết quả phân loại, tiếp theo người nghiên cứu sẽ miêu tả
những phương thức định danh, cách cấu tạo địa danh, những chuyển biến của nó.
5.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu
5.3.1. So sánh, đối chiếu đồng đại
Phương pháp so sánh đối chiếu đồng đại là phương pháp tìm ra những nét
tương đồng và dị biệt của địa danh vùng này so với địa danh vùng khác. Chẳng hạn,
nếu như ở Vĩnh Long, yếu tố Cái xuất hiện nhiều trong địa danh thì ở Đồng Nai rất
khó tìm thấy địa danh mang yếu tố này (ngoại trừ hai di tích Cái Lăng và Cái Vạn
thuộc huyện Long Thành). Hoặc do sự khác biệt về địa lý mà Hải Phòng có nhiều
đối tượng địa lý ở vùng biển và ven biển (như biển, bãi biển, cửa biển, đá ngầm,
cát, bán đảo…) nhưng lại có ít từ chỉ sông nước. Còn ở Đồng Nai, sông rạch là chủ
yếu, điển hình là con sông Đồng Nai lớn nhất tỉnh và vì vậy mà cũng có nhiều từ chỉ
sông nước hơn so với Hải Phòng (như sông, rạch, bàu, vàm, lòng tắt, hóc, tắt…).
5.3.2. So sánh, đối chiếu lịch đại
Sử dụng phương pháp này để xác định nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa
danh, tức là quan tâm đến mặt ngữ âm của tiếng Việt và quy luật biến đổi của nó
trong lịch sử. Tuy nhiên, ở phương pháp này, chúng tôi chỉ chú ý đối với một số đối
tượng nhất định nếu có cứ liệu cụ thể.
Địa danh vốn mang trong mình nhiều mặt khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa,
lịch sử, xã hội… vì vậy, nghiên cứu địa danh cần áp dụng phương pháp nghiên cứu
tổng hợp, liên ngành, đa ngành. Có như vậy, kết quả nghiên cứu mới đầy đủ, rõ ràng
và mang tính khoa học hơn.
6. Bố cục của luận văn
Luận văn chia làm ba phần. Ngoài phần dẫn luận và phần kết luận, phần chính
của luận văn có bốn chương:
Chương 1: Những tiền đề lý luận và thực tiễn
Chương 2: Cấu tạo địa danh tỉnh Đồng Nai
Chương 3: Đặc điểm về mặt chuyển biến
Chương 4: Nguồn gốc - ý nghĩa của một số địa danh ở Đồng Nai và giá trị
phản ánh hiện thực.
Chương 1
NHỮNG TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Những tiền đề lý luận
1.1.1. Định nghĩa
Theo tác giả An Chi thì Toponymie là một danh từ của tiếng Pháp hiện đại, có
nghĩa là địa danh học. Đây là một từ phái sinh bằng hậu tố “-ie” từ danh từ
toponyme, có nghĩa là địa danh. Toponyme gồm hai hình vị căn tố (top(o) và onyme)
bắt nguồn từ hai danh từ Hy Lạp cổ là topos (có nghĩa là nơi chốn) và onoma (có
nghĩa là tên) [20, tr.47-48]. Vậy địa danh là gì? Có phải nó chỉ đơn giản được hiểu
là tên nơi chốn, hay tên các đối tượng địa lý hoặc tên đất?
Thực tế, vấn đề định nghĩa địa danh cho đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi, không
thống nhất, mỗi nhà nghiên cứu đều tùy theo phương pháp tiếp cận mà đưa ra
những định nghĩa khác nhau. Dưới đây là một vài định nghĩa về địa danh của các
tác giả trong và ngoài nước.
“Địa danh là tên gọi các địa điểm được biểu thị bằng những từ riêng. Đó là các
tên gọi địa lý, địa danh hay toponymia” [98, tr.1]. Đây là định nghĩa của A. V.
Superanskaja. Bà giải thích “Những địa điểm, mục tiêu địa lý đó là những vật thể tự
nhiên hay nhân tạo với sự định vị xác định trên bề mặt trái đất, từ những vật thể lớn
nhất (các lục địa và đại dương) cho đến những vật thể nhỏ nhất (những ngôi nhà,
vườn cây đứng riêng rẽ) đều có tên gọi” [98, tr.13].
Theo G. M. Kert thì: “Địa danh là tên gọi được đặt cho các đối tượng địa lý, ra
đời trong một khu vực có người sinh sống, được tạo ra bởi một cộng đồng dân cư,
một tộc người. Chúng là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày
và các hoạt động chính trị - xã hội ở nơi đó” (cf. Nguyễn Tấn Anh) [4, tr.16].
Tác giả cuốn [104, tr.11] cho rằng: “Địa danh của một vùng hay của một nước
là tổng thể các tên riêng đặt ra để gọi các đơn vị địa lý tự nhiên hay nhân văn của
vùng ấy hay nước ấy”.
Nhìn chung, các tác giả nước ngoài chỉ mô tả một cách khái quát địa danh và
xem địa danh là tên gọi các đối tượng địa lý.
Còn ở nước ta, một số nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra định nghĩa về địa danh
theo cách hiểu của mình. Chẳng hạn như tác giả Nguyễn Văn Âu tiếp cận địa danh
theo góc độ địa lý - văn hóa và quan niệm: “Địa danh học (toponymie) là một môn
khoa học chuyên nghiên cứu về tên địa lý các địa phương” [6, tr.5], “Địa danh là tên
đất, gồm tên sông, núi, làng mạc… hay là tên các địa phương, các dân tộc” [5, tr.5].
Tác giả Bùi Đức Tịnh cho rằng: “Địa danh là một danh từ có nghĩa tổng quát
để chỉ tên gọi các loại vật thể tự nhiên được phân biệt về phương diện địa lý, các vị
trí cần phân biệt trong sinh hoạt xã hội và các đơn vị được xác định trong tổ chức
hành chính hay quân sự” [110, tr.10].
Tiếp cận từ góc độ ngôn ngữ học có các tác giả sau:
Hoàng Thị Châu định nghĩa: “Địa danh hay là tên địa lý (toponym,
geographical name) là tên vùng, tên sông, tên núi, là tên gọi các đối tượng địa hình
khác nhau, tên nơi cư trú, tên hành chính,… được con người đặt ra” [139].
Tác giả Lê Trung Hoa sau khi phân loại địa danh theo các đối tượng địa lý
(theo tiêu chí tự nhiên và không tự nhiên) và theo nguồn gốc ngữ nguyên của địa
danh, đã đưa ra định nghĩa như sau: “Địa danh là những từ hoặc ngữ, được dùng
làm tên riêng của các địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chánh, các vùng lãnh thổ
và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều. Trước địa danh ta có thể
đặt một danh từ chung chỉ tiểu loại địa danh đó: sông Hương, huyện Mộ Đức
(Quảng Ngãi), vùng Ba Vì, thành phố Cần Thơ, đường Nguyễn Du…” [53, tr.18].
Trong luận án Phó Tiến sĩ khoa học ngữ văn năm 1996, Nguyễn Kiên Trường
viết: “Địa danh là tên riêng chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân văn có vị trí
xác định trên bề mặt trái đất” [122, tr.16].
Từ Thu Mai hiểu địa danh theo cách hiểu của A. V. Superanskaja: Địa danh là
những từ ngữ chỉ tên riêng của các đối tượng địa lý có vị trí xác định trên bề mặt
trái đất. Mặc dù nằm trong hệ thống những loại hình khác nhau nhưng các đối tượng
địa lý bao giờ cũng xuất hiện trong thực tế với những cá thể độc lập [72, tr.19].
Trần Văn Dũng quan niệm: “Địa danh là tên gọi những đối tượng địa lý tự
nhiên và địa lý do con người kiến tạo” và “Các đối tượng do con người kiến tạo (có
thể gọi là địa lý nhân văn) bao gồm: địa lý nơi cư trú, địa lý chỉ các công trình xây
dựng” [30, tr.15].
Hoàng Tất Thắng với bài Địa danh học và việc nghiên cứu địa danh các tỉnh
Trung Trung Bộ, tác giả cho rằng: “Địa danh là tên gọi của địa hình thiên nhiên, các
công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ nào đó” [143].
Trong một số từ điển của nước ta, các tác giả thường giải thích địa danh theo
lối chiết tự có nghĩa là tên đất. Như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cho rằng địa
danh là “tên các miền đất (nom de terre)” [2, tr.268]. Hoàng Phê trong Từ điển tiếng
Việt cũng định nghĩa: “Địa danh là tên đất, tên địa phương” [85, tr.314].
Từ điển bách khoa Việt Nam giải thích: “Địa danh là tên gọi các lãnh thổ, các
điểm quần cư (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố), các điểm kinh tế (vùng nông thôn,
khu công nghiệp), các quốc gia, các châu lục, các núi, đèo, cao nguyên, thung lũng,
đồng bằng, châu thổ, sông, hồ, vũng, vịnh, biển, eo biển, đại dương có tọa độ địa lý
nhất định ghi lại trên bản đồ. Địa danh có thể phản ánh quá trình hình thành, đặc
điểm của các yếu tố địa lý tự nhiên và lịch sử với những nét đặc sắc về kinh tế, xã
hội của các lãnh thổ” [127, tr.780].
Rõ ràng, mỗi tác giả đều có cách hiểu, cách lý giải khác nhau về khái niệm địa
danh. Tuy nhiên, điều đầu tiên có thể thấy là khái niệm địa danh nếu chỉ hiểu theo
cách lý giải như trong Hán Việt từ điển hay Từ điển tiếng Việt thì quá đơn giản. Địa
danh không chỉ là tên gọi của các đối tượng địa lý, dùng riêng cho tên đất mà còn là
tên gọi của các đối tượng chỉ địa hình thiên nhiên, công trình xây dựng, các vùng
lãnh thổ…
Còn định nghĩa theo như Từ điển bách khoa Việt Nam lại không có tính khái
quát, tuy dài nhưng lại thiếu. Chẳng hạn thiếu tên các đơn vị hành chính như quận,
thôn, ấp…, tên các khu kinh tế như khu thương mại, khu du lịch…, tên các công
trình xây dựng như cầu, đường, công viên…
Nguyễn Văn Âu thì chỉ quan tâm đến các đối tượng tự nhiên. Thực ra, trong
địa danh, bên cạnh các đối tượng tự nhiên còn có các đối tượng nhân tạo chiếm một
tỉ lệ khá lớn.
Cách giải thích của Hoàng Thị Châu lại quá thiên về chức năng định danh
trong ngôn ngữ.
Định nghĩa của hai tác giả Trần Văn Dũng và Từ Thu Mai có nhiều nét tương
đồng với Nguyễn Kiên Trường.
Địa danh rất gần gũi với con người, do con người đặt ra, như vậy có địa danh
chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân tạo. Ở đây, chúng tôi không đưa ra một
định nghĩa riêng về địa danh mà chấp nhận định nghĩa theo tiêu chí loại hình của tác
giả Lê Trung Hoa.
1.1.2. Đối tượng nghiên cứu của địa danh học
Địa danh học là một ngành của ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu ý nghĩa,
nguồn gốc và những biến đổi của địa danh. Bên cạnh đó, nghiên cứu địa danh học
còn cần phải chỉ ra được các phương thức đặt địa danh và phân tích cách cấu tạo địa
danh, phát hiện những nguyên nhân chi phối sự ra đời, hành chức và tiêu vong của
địa danh. Như vậy, đối tượng của địa danh học chính là địa danh.
Như đã trình bày ở trên, địa danh bao gồm các đối tượng tự nhiên và các đối
tượng nhân tạo.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là đối với những tên đình, chùa, miếu, miễu,
nhà thờ, nhà hát, công ty, trường học, cơ quan, viện, khách sạn… chúng ta có nên
xem là địa danh hay không? Một số tác giả cho là có (như các tác giả trong Từ điển
bách khoa địa danh Hải Phòng, Từ điển Hà Nội - Địa danh) nhưng phần lớn, nhiều
nhà nghiên cứu lại không đồng tình với quan điểm này.
Thực ra, ngành từ vựng học có một ngành nhỏ là danh xưng học
(onomasiologie) chuyên nghiên cứu tên riêng chia ra ba nhánh nhỏ là nhân danh
học, hiệu danh học và địa danh học. Trong đó, nhân danh học chuyên nghiên cứu
tên riêng của con người gồm họ, tên chính, tên đệm, tự, hiệu, bút danh… Còn hiệu
danh học chuyên nghiên cứu tên các thiên thể, nhãn hiệu, biển hiệu, tổ chức… Địa
danh học cũng nghiên cứu tên riêng nhưng liên quan đến một vùng lãnh thổ nhất
định và có tính bền vững. Như đã nói ở trên, địa danh học chuyên nghiên cứu về
nguồn gốc, ý nghĩa và những chuyển biến của địa danh; tức là lấy những từ, ngữ
được dùng để đặt tên riêng của địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chính, các
công trình xây dựng, các vùng lãnh thổ về không gian hai chiều làm đối tượng
nghiên cứu. Điều này có nghĩa là giữa địa danh học và hiệu danh học có đối tượng
nghiên cứu khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả Lê Trung
Hoa rằng “Tên các công trình thiên về không gian hai chiều là địa danh (như tên
cầu, đường, công viên..), còn tên các công trình thiên về không gian ba chiều (như
tên chùa, nhà thờ, trường học, cơ quan…) là hiệu danh” [47, tr.14-15].
1.1.3. Phân loại địa danh
Để có thể giúp cho việc nghiên cứu địa danh diễn ra thuận lợi và đạt kết quả
cao, người ta thường tiến hành phân loại địa danh thành các kiểu, nhóm khác nhau.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề phức tạp mà cho đến nay vẫn chưa có được một cách
phân loại thống nhất giữa các nhà nghiên cứu địa danh.
Các nhà nghiên cứu địa danh học phương Tây và Xô Viết thường phân loại địa
danh dựa trên hai tiêu chí ngữ nguyên và đối tượng.
Theo tài liệu của tác giả Lê Trung Hoa cung cấp [53, tr.9-11], thì hai nhà địa
danh học người Pháp là A. Dauzat và Charles Rostaing không phân loại địa danh
một cách cụ thể nhưng các tác giả đều chia địa danh thành nhiều loại dựa vào tiêu
chí ngữ nguyên. A. Dauzat trong cuốn La toponymie francaise đã chia địa danh làm
bốn phần: 1. Vấn đề những cơ sở tiền Ấn - Âu; 2. Các danh từ tiền La tinh về nước
trong thủy danh học; 3. Các từ nguyên Gô-loa - La Mã của vùng Auvergne và
Velay. Còn Charles Rostaing trong cuốn Les noms de lieux ngoài việc dựa vào ngữ
nguyên ông còn kết hợp với đối tượng địa lý để chia địa danh ra làm 11 loại: 1.
Những cơ sở tiền Ấn - Âu; 2. Các lớp tiền Xên-tích; 3. Lớp Gô-loa; 4. Những phạm
vi Gô-loa - La Mã; 5. Các sự hình thành La Mã; 6. Những đóng góp của tiếng Giéc
- manh; 7. Các hình thức của thời phong kiến; 8. Những danh từ có nguồn gốc tôn
giáo; 9. Những hình thái hiện đại; 10. Các địa danh và tên đường phố; 11. Tên sông
và núi.
Hai tác giả G. P. Smolicnaja và M. V. Gorbanevskij trong cuốn Toponimija
Moskvy chia địa danh làm bốn loại: 1. Phương danh (tên các địa phương); 2. Sơn
danh (tên núi, đồi, gò…); 3. Thủy danh (tên các dòng chảy, ao, vũng…); 4. Phố
danh (tên các đối tượng trong thành phố). Trong khi đó, A. V. Superanskaja với
Chto takoe toponimika? lại chia địa danh thành bảy loại: 1. Phương danh; 2. Thủy
danh; 3. Sơn danh; 4. Phố danh; 5. Viên danh (tên các quảng trường); 6. Lộ danh
(tên các đường phố); 7. Đạo danh (tên các đường giao thông trên đất, dưới đất, trên
nước, trên không). Như vậy, nhóm các tác giả Xô-viết này đã chia địa danh dựa vào
tiêu chí đối tượng mà địa danh biểu thị.
Nhìn chung cách phân loại địa danh của các tác giả nước ngoài vẫn còn thiếu
tính khái quát, chưa xác định rõ ràng tiêu chí phân loại.
Ở Việt Nam, Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) là người đã đề cập đến vấn đề
phân loại địa danh từ rất sớm qua cuốn Sử học bị khảo, phần Địa lý khảo. Sau đó,
tác giả Hoàng Thị Châu trong bài viết Về việc tìm sử liệu trong ngôn ngữ dân tộc
[16, tr.44-47] cũng nói đến việc phân loại địa danh thành hai hệ thống là tiểu địa
danh (gồm: tên thôn xóm, gò đồi, khe suối, đầm hồ…) và đại địa danh (gồm: tên lục
địa, đại dương, nước, vùng, thủ đô, thành phố, sông, biển…).
Năm 1976, Trần Thanh Tâm trong Thử bàn về địa danh Việt Nam [99, tr.60-
73] đã chia địa danh Việt Nam thành sáu loại: 1. Loại đặt theo địa hình và đặc điểm;
2. Loại đặt theo vị trí không gian và thời gian; 3. Loại đặt theo tín ngưỡng, tôn giáo,
lịch sử; 4. Loại đặt theo hình thái, đất đai, khí hậu; 5. Loại đặt theo đặc sản, nghề
nghiệp và tổ chức kinh tế; 6. Loại đặt theo sinh hoạt xã hội.
Tiếp theo là hai cuốn Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh [50,
tr.24-27] và Địa danh học Việt Nam [53, tr.15-16] của Lê Trung Hoa. Dựa vào hai
tiêu chí tự nhiên/không tự nhiên (tức là theo đối tượng) và tiêu chí ngữ nguyên, tác
giả đã phân địa danh thành những loại sau:
Theo đối tượng gồm có: 1. Địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên (còn gọi là địa
danh chỉ địa hình); 2. Địa danh chỉ các đối tượng nhân tạo gồm có ba loại: địa danh
chỉ các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều, địa danh hành chính và
địa danh vùng (không có ranh giới rõ ràng).
Theo ngữ nguyên gồm có: 1. Địa danh thuần Việt; 2. Địa danh Hán Việt; 3.
Địa danh bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (Chăm, Khmer, Ba Na, Ê Đê, Gia Rai,
Tày, Thái, Mường…); 4. Địa danh ngoại ngữ (chủ yếu là địa danh gốc Pháp, ngoài
ra còn có gốc Indonesia, Malaysia).
Nguyễn Văn Âu [5], [6] phân địa danh theo ba cấp: loại, kiểu và dạng. Trong
đó, có 2 loại (tự nhiên và kinh tế - xã hội), 7 kiểu (thủy danh, sơn danh, lâm danh,
làng xã, huyện thị, tỉnh, thành phố và quốc gia) và 12 dạng (sông ngòi; hồ đầm; đồi
núi; hải đảo; rừng rú; truông, trảng; làng, xã; huyện, quận; thị trấn; tỉnh; thành phố
và quốc gia).
Tác giả Nguyễn Kiên Trường phân loại địa danh Hải Phòng dựa vào ba tiêu
chí. Tiêu chí loại hình gồm nhóm địa danh chỉ đối tượng địa lý tự nhiên và nhóm
địa danh chỉ đối tượng địa lý nhân văn (gồm các tiểu nhóm: 1. nhóm địa danh cư trú
- hành chính và các địa danh gắn với hoạt động của con người, do con người tạo
nên; 2. nhóm địa danh đường phố và địa danh chỉ công trình xây dựng). Theo tiêu
chí nguồn gốc ngữ nguyên, tác giả chia địa danh thành các tiểu loại có nguồn gốc
khác nhau: nguồn gốc Hán Việt, nguồn gốc thuần Việt, nguồn gốc từ tiếng Pháp,
nguồn gốc từ phương ngữ Quảng Đông, nguồn gốc khác như Tày - Thái, Việt -
Mường…, nguồn gốc hỗn hợp và địa danh chưa xác định được nguồn gốc. Ngoài
ra, tác giả còn bổ sung thêm tiêu chí thứ ba là chức năng giao tiếp (biệt xưng, tự
xưng, giản xưng, tục xưng…) và theo hệ quy chiếu đồng đại - lịch đại (cổ, cũ, hiện
nay) [122, tr.41-50].
Tiếp thu ý kiến của những người đi trước, tác giả Trần Văn Dũng chia địa
danh Dak Lăk thành hai nhóm lớn: nhóm địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên và
nhóm địa danh chỉ các đối tượng do con người kiến tạo (gồm hai loại nhỏ là địa
danh chỉ đối tượng nơi cư trú và địa danh chỉ các công trình xây dựng). Theo ngữ
nguyên, tác giả chia địa danh làm năm loại: 1. Loại địa danh gốc bản địa (đặt theo
cách và tiếng của các dân tộc thiểu số tại chỗ - các cư dân sống lâu đời trên địa
bàn); 2. Loại địa danh thuần Việt; 3. Loại địa danh Hán - Việt; 4. Loại địa danh gốc
khác; 5. Loại địa danh chưa xác định được nguồn gốc. Ngoài ra, xét về mặt ý nghĩa,
tác giả còn phân địa danh thành hai loại: loại địa danh có ý nghĩa rõ ràng và địa
danh mang tính võ đoán hoặc còn ý kiến bàn luận [30, tr.21-22].
Có thể thấy, cách phân loại của Hoàng Thị Châu và Trần Thanh Tâm chưa
mang tính cụ thể, rõ ràng, nhất là giữa phương thức đặt địa danh và cách phân loại.
Còn Nguyễn Văn Âu dựa vào đặc điểm địa lý - xã hội để phân loại nhưng trùng lặp,
rối rắm và thiếu tính lôgic. Trần Văn Dũng cho rằng các tổ chức cơ sở dưới phường,
xã, thị trấn như buôn, ấp đều không phải là đơn vị hành chính, vì vậy, tác giả không
dùng tiêu đề địa danh hành chính trong khi phân loại. Hơn nữa, tên gọi và cách đặt
tên gọi các điểm dân cư (dù là đơn vị hành chính hay không, dù là tên dân gian hay
tên do chính quyền đặt) đều có những đặc điểm cơ bản giống nhau. Thật ra, giữa địa
danh do dân gian đặt và các địa danh ghi trong văn bản nhà nước có điểm khác
nhau. Địa danh do dân gian đặt không xác định được ranh giới, diện tích và dân số.
Ngược lại, địa danh do chính quyền trung ương hay địa phương đặt có ranh giới rõ
ràng, có thể xác định được diện tích, dân số.
Cách phân loại địa danh của Lê Trung Hoa và Nguyễn Kiên Trường có nhiều
điểm đáng lưu ý, mang tính hợp lý, có tiêu chí rõ ràng có thể áp dụng cho mọi vùng
địa danh.
Dựa vào hai tác giả này, chúng tôi phân loại địa danh Đồng Nai theo hai tiêu
chí sau:
Theo đối tượng, dựa vào tiêu chí tự nhiên/không tự nhiên, có hai nhóm địa
danh: 1. Địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên (địa danh chỉ địa hình); 2. Địa danh chỉ
các đối tượng nhân tạo. Ở nhóm thứ hai này, chúng tôi lại chia thành ba loại nhỏ
hơn là địa danh chỉ các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều (địa danh
chỉ công trình xây dựng); địa danh chỉ các vùng lãnh thổ không có ranh giới rõ ràng
(địa danh vùng) và địa danh chỉ các đơn vị hành chính (địa danh hành chính).
Theo ngữ nguyên, chúng tôi chia địa danh thành hai loại lớn: Địa danh thuần
Việt và địa danh không thuần Việt. Trong loại địa danh không thuần Việt, chúng tôi
lại chia nhỏ thành các tiểu loại: 1. Địa danh có nguồn gốc Hán Việt; 2. Địa danh có
nguồn gốc hỗn hợp; 3. Địa danh có nguồn gốc từ tiếng dân tộc thiểu số (như Chăm,
Khmer, Chơro, S’tiêng…); 4. Địa danh có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài (như địa
danh gốc Pháp, gốc Malaysia…); 5. Địa danh chưa xác định được nguồn gốc.
Ngoài hai tiêu chí chính như trên, trong quá trình khảo cứu, chúng tôi cũng
quan tâm đến những địa danh được dùng làm tên chính thức trong các văn bản hàng
ngày và những địa danh dân gian (tên nôm) do nhân dân tự đặt. Những địa danh dân
gian vốn trước đây không được thừa nhận trên văn bản nhưng lại được nhân dân sử
dụng hàng ngày một cách không chính thức; càng về sau, những địa danh này lại
càng giữ một vai trò quan trọng và trở thành chính thức.
Cũng có thể phân loại địa danh theo tiêu chí cũ/mới: 1. Tên cổ, tên cũ; 2. Tên
hiện nay.
1.2. Những tiền đề thực tiễn
1.2.1. Vài nét về lịch sử và địa giới hành chính tỉnh Đồng Nai
1.2.1.1. Lịch sử
Nếu lấy thời điểm năm 1698, năm mà Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu
Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào xây dựng thiết chế hành chánh ở vùng
đất mới - vùng Đồng Nai làm cột mốc, thì tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có số tuổi
là 311 năm. Tuy nhiên, qua các di chỉ tìm được ở Hàng Gòn, Dốc Mơ, Dầu Giây,
Cầu Sắt, Suối Linh, Bình Đa, Dốc Chùa, Cái Vạn… các nhà khảo cổ học và nhân
chủng học đã xác minh dấu tích của con người cổ trên đất Đồng Nai xuất hiện cách
đây hàng vạn năm. Từ hậu kỳ đồ đá mới, người Việt cổ từ miền gò đồi đã đi xuống
chinh phục lưu vực sông Đồng Nai và tạo dựng nền văn minh Đồng Nai.
Cũng giống như lịch sử khẩn hoang của người Việt ở Nam Bộ, vùng đất Đồng
Nai chỉ mới thực sự được khai phá khoảng vài ba trăm năm gần đây bởi những lưu
dân miền Thuận Quảng, Bắc Hà liều mình vượt biển tìm đất sống từ thế kỷ XVI.
Nguyên do là các tập đoàn vua quan Lê - Mạc rồi các chúa Trịnh - Nguyễn vì quyền
lợi ích kỷ của dòng họ đã gây ra nhiều trận đánh làm cho nhân dân khổ sở, điêu
đứng. Bên cạnh đó là nạn quan lại tham nhũng, các địa chủ lớn nhỏ bóc lột người
nông dân lao động quá mức nên nỗi khổ càng chồng chất. Vì vậy, vùng Đồng Nai
khi ấy đã tiếp nhận một làn sóng di cư của người dân miền Thuận Quảng, Bắc Hà
vào đất Đồng Nai sinh sống. Nơi đầu tiên mà các lưu dân này dừng chân là Mọi
Xoài (Mô Xoài) ở Bà Rịa và tiếp theo là nhiều nhóm người ngược sông Đồng Nai
đến khai phá vùng Long Thành, Bến Gỗ, Bình Đa, cù lao Phố, chợ Đồn…
Năm 1679, nhà Minh ở Trung Quốc sụp đổ. Nhóm người Hoa gồm Dương
Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thượng Xuyên không khuất phục nhà Thanh đã đem
50 chiến thuyền, 3.000 binh lính thân tín và gia quyến đến xin thuần phục chúa
Nguyễn ở Thuận Hóa. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã thu nhận họ và cho vào khai
khẩn, mở mang vùng đất phương nam. Nhóm Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn đến
Mỹ Tho (Tiền Giang). Nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đầu tiên định cư
và buôn bán ở Bến Gỗ (nay thuộc xã An Hòa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai),
nhưng sau xét thấy Đông Phố (còn gọi là Nông Nại Đại Phố, tức cù lao Phố ngày
nay) có vị trí thuận lợi hơn cho việc buôn bán, nên ông đã quyết định di chuyển cả
đoàn đến Đông Phố sinh sống.
Như vậy, những lưu dân người Việt đã kề vai sát cánh cùng các bà con dân tộc
bản địa Chơro, Mạ, S’tiêng và những người Hoa tị nạn biến vùng đất hoang trở
thành vùng đất sống.
Khi rừng hoang lùi dần, xóm làng ngày càng tăng thêm, thì tất yếu cần phải có
một tổ chức chính quyền chặt chẽ để dễ bề cai trị, bảo đảm an ninh cho dân chúng.
Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, tập 2, viết: “Năm Mậu Dần
(1698), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược
đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố (Giản Phố) ra làm dinh, làm huyện, lấy Đồng Nai
làm huyện Phúc Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (tức
Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (tức Gia Định) sai quan vào cai trị…” [64, tr.81]. Hai
huyện Phước Long và Tân Bình đều thuộc phủ Gia Định. Mỗi huyện gồm một số
tổng, mỗi tổng có nhiều xã hoặc làng. Mỗi đơn vị phủ, huyện, tổng, xã, làng đều cử
người đứng đầu. Chúa Nguyễn còn cho những người có vật lực ở Ngũ Quảng chiêu
mộ thêm người vào mở mang đất đai, đặt thôn làng, lân, ấp; chuẩn định thuế đinh
điền; lúc ấy, dân số của Trấn Biên và Phiên Trấn hơn 40.000 hộ. Người Hoa ở Trấn
Biên lập xã Thanh Hà, người Hoa ở Phiên Trấn lập xã Minh Hương.
Như vậy, huyện Phước Long lúc bấy giờ rất rộng bao gồm các tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu, Bình Dương và một phần tỉnh Bình Phước ngày nay.
Năm 1747, nhóm Hoa kiều Lý Văn Quang làm phản, tụ tập 300 người đánh
cướp dinh Trấn Biên, giết Nguyễn Cư Cẩn; Cai cơ Tống Phước Đại đánh dẹp, bắt
được Lý Văn Quang và đồng đảng 57 người, giải về Trung Quốc.
Năm 1776, quân Tây Sơn đánh chiếm thành Gia Định, trấn giữ đất Đồng Nai.
Trong hai năm 1782 và 1783, hai lần quân Tây Sơn đã đánh bại đoàn quân của
Nguyễn Ánh ở cửa sông Cần Giờ và sông Lòng Tàu
Tháng 9 năm 1787, châu Đại Phố (cù lao Phố) bị quân Tây Sơn chiếm đóng.
Nhân Tây Sơn bận đối phó với chúa Trịnh phía Bắc, Nguyễn Ánh với sự giúp
đỡ của Thiên Địa Hội (Trung Quốc) và súng đạn tàu đồng do Pigneaux de Béhaine
cầu viện từ phương Tây, Nguyễn Ánh khôi phục lực lượng, chiếm lại Trấn Biên
năm 1788; xây thành Bát quái ở Gia Định năm 1790; củng cố hệ thống phòng thủ,
tích trữ lương thực, lập đồn điền cày cấy ở Đồng Môn, Bà Rịa. Đến năm 1792,
Nguyễn Ánh hoàn toàn làm chủ đất Trấn Biên, Gia Định.
Sau khi chấm dứt nhà Tây Sơn (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đổi phủ Gia
Định thành trấn Gia Định, Trấn Biên dinh thành Biên Hòa trấn.
Năm 1832 Lê Văn Duyệt mất. Nguyễn Văn Quế và bố chánh Bạch Xuân
Nguyên vốn có hiềm thù, dựng vụ án Lê Văn Duyệt. Vua Minh Mạng cho xiềng mộ
Lê Văn Duyệt, bãi bỏ chức tổng trấn, chia các trấn thành lục tỉnh. Tỉnh Biên Hòa có
từ đây.
Giận vì Lê Văn Duyệt bị ngược đãi, năm 1833 Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê
Văn Duyệt) tạo phản chiếm thành Phiên An; mãi đến năm 1835, Lê Văn Khôi bệnh
mất, nhà Nguyễn mới dập tắt được cuộc binh biến, bắt giết cả thảy 1.831 người đem
chôn chung gọi là mả ngụy. Hai lần Lê Văn Khôi đánh chiếm Biên Hòa.
Như vậy, thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, dưới sự thống trị của triều đình
nhà Nguyễn, nước Việt Nam, trong đó có vùng Đồng Nai trở thành một miếng mồi
ngon cho thực dân Pháp đang rắp tâm chiếm đoạt.
Ngày 25 tháng 2 năm 1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị
thương, rút về Biên Hòa. Ngày 18 tháng 12 năm 1861, giặc Pháp chiếm Biên Hòa.
Mặc dù triều đình đã ký nhượng ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp (Hòa
ước Nhâm Tuất, 1862) nhưng ở Biên Hòa - Đồng Nai, các sĩ phu yêu nước vẫn lãnh
đạo nhiều phong trào đấu tranh chống lại giặc Pháp dưới nhiều hình thức khác nhau.
Như cuộc đấu tranh của “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định, nghĩa sĩ Đoàn
Văn Cự xây dựng Bưng Kiệu thành căn cứ, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang
(1905), hay như Trại Lâm Trung - Biên Hòa, một tổ chức yêu nước có vũ trang đã
mở cuộc tiến công đồng loạt vào các nhà làng, khám đường Biên Hòa, dinh chủ tỉnh
Biên Hòa giải thoát nhiều thanh niên bị thực dân Pháp cưỡng ép đi lính… Tuy vậy,
những cuộc nổi dậy đó đều bị dìm trong biển máu. Với tinh thần yêu nước mãnh liệt
lại gặp được những tư tưởng cách mạng vô sản của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ
những năm 1925, 1926 trở đi, nhân dân Biên Hòa Đồng Nai đã đứng dậy, với Phú
Riềng đỏ, với Bình Phước - Tân Triều bất khuất, cùng cả nước làm nên cách mạng
tháng tám - 1945 thành công.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lịch sử Đồng Nai đã
ghi lại những biến cố trọng đại, những chiến công vang dội như các trận đánh ở La
Ngà (1-3-1948), ở cầu Bà Kiên, dọc các quốc lộ 1, 15, ở khám Tân Hiệp (2-12-
1956), ở Nhà Xanh (B.I.F) (7-7-1959), ở sân bay Biên Hòa (31-10-1964), Tổng kho
Long Bình (tháng 6, 10, 11, 12 - 1966; tháng 2-1967; 1968 và tháng 8-1972), chiến
thắng rừng Sác… Đặc biệt là với chiến dịch Xuân Lộc, giải phóng thị xã Long
Khánh tháng 4 năm 1975, quân và dân Đồng Nai đã đập tan nơi phòng thủ cuối
cùng của chính quyền Mỹ - ngụy ở hướng đông nam Sài Gòn, góp phần làm nên đại
thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
1.2.1.2. Địa giới hành chính
a. Giai đoạn 1698 - 1861
Địa giới hành chính của Đồng Nai được xác định kể từ năm 1698, khi Nguyễn
Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào kinh lược xứ Đàng Trong, thành lập dinh
Trấn Biên (huyện Phước Long) và dinh Phiên Trấn (huyện Tân Bình) thuộc phủ Gia
Định. Từ đó đến nay, hệ thống hành chính ấy đã nhiều lần thay đổi theo sự biến
thiên của lịch sử.
Dinh Trấn Biên là tiền thân của tỉnh Biên Hòa sau này. Còn huyện Phước
Long có 4 tổng (Bình An, Long Thành, Phước An và Tân Chánh), lúc bấy giờ là
vùng đất rộng lớn bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa -
Vũng Tàu và một phần tỉnh Bình Thuận, các quận 2, 9, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí
Minh hiện nay.
Năm 1776, Đông Định Vương Nguyễn Lữ đánh bại chúa Nguyễn, trấn giữ đất
Đồng Nai, đổi dinh Trấn Biên thành Biên Trấn.
Đầu thế kỷ XIX (1802), dưới thời vua Gia Long, phủ Gia Định được đổi thành
trấn Gia Định.
Năm 1808, nhà Nguyễn đổi phủ Gia Định ra Gia Định thành, các dinh đổi ra
trấn, đơn vị hành chánh có tính quân quản cấp tỉnh. Dinh Trấn Biên đổi thành trấn
Biên Hòa (tức là tỉnh ở nơi bờ cõi không có xung đột). Huyện Phước Long thành
phủ Phước Long. Bốn tổng: Phước Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An nâng
thành bốn huyện.
Đến đời Minh Mạng (1832), trấn đổi thành tỉnh - đơn vị hành chánh có tính
dân sự. Trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa, gồm một phủ Phước Long và 4 huyện.
Miền đất Nam Bộ thời kỳ này có tên gọi là Nam Kỳ lục tỉnh, đó là các tỉnh: Biên
Hòa, Gia Định, Định Tường, Long Hồ (còn gọi là Vĩnh Long), An Giang và Hà
Tiên.
Năm 1837, ngoài phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa đặt thêm phủ Phước Tuy và
thêm hai huyện: Long Khánh (cắt từ một phần huyện Phước An cũ) và Ngãi An
(tách từ huyện Bình An cũ ra).
Năm 1838, phủ Phước Long có thêm huyện Phước Bình (cắt từ huyện Phước
Chánh và Bình An).
Năm 1851, bỏ 3 huyện: Phước Bình, Long Khánh và Ngãi An.
b. Giai đoạn 1861 - 1954
Sau hòa ước Nhâm Tuất (1862), Biên Hòa cùng với Gia Định, Định Tường trở
thành nhượng địa thuộc Pháp; thực dân Pháp nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính
vì mục tiêu quân sự và khai thác thuộc địa, đến cuối năm 1899 mới tạm ổn định với
các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Đồng Nai Thượng được thành lập từ địa
bàn tỉnh Biên Hòa cũ.
Năm 1863, công báo Pháp ghi tỉnh Biên Hòa gồm 2 phủ và 4 huyện, 23 tổng,
281 thôn, xã.
Năm 1864, đô đốc Lagrandière chia tỉnh Biên Hòa thành 2 tiểu khu: Biên Hòa
và Bà Rịa.
Năm 1865, soái phủ Nam Kỳ chia tỉnh Biên Hòa thành 5 sở tham biện: Biên
Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Long Thành, Bảo Chánh.
Năm 1866, tỉnh Biên Hòa được chia làm 6 địa hạt: Biên Hòa, Bà Rịa, Long
Thành, Thủ Đức, Bình An, Bảo Chánh.
Năm 1867, tỉnh Biên Hòa có 5 sở tham biện (Biên Hòa, Bà Rịa, Bình An,
Long Thành, Ngãi An), 34 tổng, 368 thôn, xã.
Năm 1868, xóa bỏ Tòa Tham biện Thủ Đức, nhập vào Tòa Tham biện Sài
Gòn. Từ đó Thủ Đức tách khỏi Biên Hòa.
Theo bản đồ Boilloux in năm 1881, tỉnh Biên Hòa có 9 tổng, 126 làng.
Theo lịch An Nam thông dụng năm 1897, tỉnh Biên Hòa có 14 tổng, 168 làng.
Năm 1901, tỉnh Biên Hòa có 14 tổng, 151 làng (theo Monographie de la
province de Biên Hòa, 1901).
Năm 1924, Biên Hòa có 17 tổng, 172 làng (theo Monographie de la province
de Biên Hòa, 1924).
Năm 1939, tỉnh Biên Hòa có 5 quận: Châu Thành, Long Thành, Xuân Lộc,
Tân Uyên và núi Bà Rá, 16 tổng, 119 xã (theo Thời sự cẩm nang, trong Tự vị tiếng
Việt miền Nam, Vương Hồng Sển, 1992).
Như vậy, hệ thống hành chính từ nửa cuối thập niên 20 của thế kỷ XX là tỉnh -
quận - tổng - xã.
Năm 1950, Biên Hòa được chia làm 6 quận: Châu Thành, Tân Uyên, Long
Thành, Sông Bé (núi Bà Rá), Xuân Lộc và núi Chứa Chan.
Trong chống Pháp, do yêu cầu chỉ đạo chiến trường, tháng 5 năm 1951, hai
tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một hợp thành tỉnh Thủ Biên; Bà Rịa và Chợ Lớn hợp
thành tỉnh Bà Chợ. Tỉnh Thủ Biên có hai thị xã: Biên Hòa và Thủ Dầu Một và 7
huyện.
c. Giai đoạn 1954 - 1975
Địa bàn tỉnh Biên Hòa cũ thay đổi rất nhiều lần từ sau hiệp định Genève tháng
7 - 1954.
Tháng 5 - 1955, tỉnh Thủ Biên tách thành hai tỉnh: Biên Hòa và Thủ Dầu Một.
Từ tháng 10 - 1960 đến tháng 3 - 1963, tỉnh Biên Hòa tách thành hai tỉnh:
Biên Hòa và Long Khánh (theo ranh giới do chính quyền Sài Gòn phân vạch).
Từ tháng 9 - 1960 đến tháng 7 - 1961, lập lại tỉnh Thủ Biên do sáp nhập tỉnh
Biên Hòa (mới) và tỉnh Thủ Dầu Một. Và từ tháng 7 - 1961, tỉnh Thủ Biên tách
thành ba tỉnh: Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Phước Thành.
Từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1963, chính quyền cách mạng hợp nhất ba tỉnh
Biên Hòa, Long Khánh và Bà Rịa gọi là tỉnh Bà Biên, nhưng đến cuối năm lại tách
ra như cũ, rồi nhập lại vào năm 1966. Đến năm 1967, ba tỉnh trên lại tách thành tỉnh
Bà Rịa - Long Khánh và tỉnh Biên Hòa.
Tháng 9 - 1965, lập tỉnh U1 gồm thị xã Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và huyện
Trảng Bom. Như vậy, Đồng Nai có tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, Biên Hòa và U1.
Tháng 12 - 1966, tách Long Thành, Nhơn Trạch, Bình Sơn Ship, quận 9 và
Nam Thủ Đức thành Phân khu 4. Đồng Nai gồm có Bà Rịa - Long Khánh, U1, Phân
khu 4.
1971, sáp nhập Phân khu 4, Bà Rịa - Long Khánh thành Phân khu Bà Rịa.
Tháng 10 năm 1972, lập lại tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và Biên Hòa.
Sau hiệp định Paris năm 1973, tỉnh Biên Hòa lại chia ra gồm Biên Hòa nông
thôn và Biên Hòa thị xã.
Tháng 10 năm 1973, lập tỉnh căn cứ Tân Phú.
Nhìn chung, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, địa giới hành
chính Đồng Nai đã bị thay đổi nhiều lần theo ý đồ quân sự của cả hai bên. Các tỉnh
được chia nhỏ ra, cấp tổng tồn tại thêm ít năm rồi bị bãi bỏ, các quận cũng bị chia
nhỏ.
d. Giai đoạn 1975 đến nay
Ngày 1/1/1976, Chính phủ quyết định sáp nhập 3 tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa -
Long Khánh và Tân Phú thành tỉnh Đồng Nai (*).
Từ năm 1978 đến nay, thêm nhiều lần điều chỉnh đơn vị hành chính nữa, đến
năm 1995 tỉnh Đồng Nai mới được ổn định như hiện nay.
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, cắt huyện Duyên Hải nhập về thành phố Hồ Chí
Minh.
Ngày 30 tháng 5 năm 1979, thành lập Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, tách Thị
xã Vũng Tàu và xã Long Sơn huyện Châu Thành khỏi địa phận tỉnh Đồng Nai.
Ngày 9 tháng 12 năm 1982, lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai.
Ngày 28 tháng 12 năm 1982 sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh
(sau này thuộc tỉnh Khánh Hòa).
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm Đặc khu
Vũng Tàu - Côn Đảo và 3 huyện của tỉnh Đồng Nai là Long Đất, Châu Thành,
Xuyên Mộc.
* Theo phân chia của Chính phủ cách mạng miền Nam. Còn theo sự phân chia của chính
quyền Sài Gòn thì tỉnh Đồng Nai được sáp nhập từ 3 tỉnh Biên Hòa, Long Khánh và Phước
Tuy.
Ngày 26 tháng 3 năm 1994, chia huyện Long Thành ra 2 huyện: Long Thành
và Nhơn Trạch.
Ngày 29 tháng 8 năm 1994, lập lại huyện Vĩnh Cửu từ thị xã Vĩnh An.
Ngày 10 tháng 5 năm 1995, thành phố Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai được
công nhận là đô thị loại II.
Lập thêm 2 huyện mới là Trảng Bom và Cẩm Mỹ. Đồng thời địa giới một số
xã, phường, ấp có sự điều chỉnh phù hợp.
Như vậy, thực trạng các đơn vị hành chánh cơ sở của tỉnh Đồng Nai cơ bản ổn
định với 1 thành phố Biên Hòa, 1 thị xã Long Khánh, 9 huyện: Long Thành, Nhơn
Trạch, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom, Cẩm
Mỹ và 173 xã, phường, thị trấn.
Việc thay đổi địa giới hành chính nhiều lần như vậy chứng tỏ vùng đất Đồng
Nai luôn được chính quyền chú trọng, do đó địa danh tỉnh, huyện, làng xã cũng có
nhiều biến đổi và xáo trộn theo các sự kiện lịch sử. Hầu hết những tên đất, tên làng,
tên huyện vẫn còn đó và mỗi tên gọi đều có một giá trị và ý nghĩa riêng.
1.2.2. Tổng quan về địa lý, kinh tế, xã hội
Tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích là 5.903.940 km2, chiếm 1,76% diện tích toàn
quốc và chiếm 25,5% diện tích tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ. Phía đông tỉnh
Đồng Nai giáp với tỉnh Bình Thuận, phía đông bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, tây bắc
giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây
giáp với thành phố Hồ Chí Minh. Địa phận tỉnh Đồng Nai được giới hạn trong
phạm vi tọa độ địa lý sau: từ 10 độ 30 phút đến 11 độ 36 phút vĩ độ bắc, từ 106 độ
46 phút đến 107 độ 36 phút kinh độ đông.
1.2.2.1. Nằm trên vùng trung du, Đồng Nai có địa hình theo hướng thấp dần từ
bắc xuống nam, từ đông sang tây. Điểm cao nhất là đỉnh núi Chứa Chan với 836m
so với mực nước biển, thuộc địa phận huyện Xuân Lộc. Nhìn chung đất của Đồng
Nai có địa hình tương đối bằng phẳng với ba dạng địa hình chính:
Dạng địa hình núi thấp có độ cao thay đổi từ 200m - 800m, chiếm khoảng 8%
diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu ở phía bắc của tỉnh và một phần phía
đông của huyện Xuân Lộc.
Dạng địa hình lượn sóng có độ cao thay đổi từ 20m - 200m, chiếm khoảng
80% diện tích tự nhiên của tỉnh và có xu hướng giảm dần từ đông sang tây.
Dạng địa hình đồng bằng có độ cao nhỏ hơn 20m, chiếm 12% diện tích tự
nhiên của tỉnh, phân bố tập trung ở phía tây và tây nam của tỉnh.
1.2.2.2. Đất đai của tỉnh phì nhiêu, toàn tỉnh có tổng diện tích 589.473 ha. Dựa
vào nguồn gốc và chất lượng đất, có thể chia thành ba nhóm chung sau: (1) Các loại
đất hình thành trên đá bazan gồm đất đá bọt, đất đen, đất đỏ có độ phì nhiêu cao,
chiếm 39,1% diện tích tự nhiên (229.416 ha), phân bố ở phía bắc và đông bắc của
tỉnh. Các loại đất này thích hợp cho các cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: cao
su, cà phê, tiêu… (2) Các loại đất hình thành trên phù sa cổ và trên đá phiến sét
như: đất xám, nâu xám, loang lổ chiếm 41,9% diện tích tự nhiên (246.380 ha), phân
bố ở phía nam, đông nam của tỉnh. Các loại đất này thường có độ phì nhiêu kém,
thích hợp cho các loại cây ngắn ngày như đậu, đỗ… và một số cây ăn trái, cây công
nghiệp dài ngày như cây điều… (3) Các loại đất hình thành trên phù sa mới như đất
phù sa, đất cát phân bố chủ yếu ven sông Đồng Nai, sông La Ngà, thích hợp với
nhiều loại cây trồng như cây lương thực, hoa màu, rau quả…
Tình hình sử dụng đất của tỉnh những năm qua có biến động ít nhiều, nhưng
đến nay, Đồng Nai vẫn là tỉnh có quy mô đất nông nghiệp lớn nhất Đông Nam Bộ.
1.2.2.3. Đồng Nai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, phân làm hai
mùa tương phản nhau: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô kéo dài từ
tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Tháng 4 và tháng 11 là thời kỳ chuyển tiếp giữa mùa
khô sang mùa mưa và ngược lại giữa mùa mưa sang mùa khô. Nhiệt độ bình quân
năm là 25o-26oC. Lượng mưa tương đối cao khoảng 1.500mm đến 2.700mm phân
bố theo vùng và theo vụ. Số giờ nắng trung bình trong năm 2007 là: 2.183 giờ. Độ
ẩm trung bình năm 2007 là 81%. Với những đặc điểm trên, Đồng Nai đã sớm hình
thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn và dài ngày, những vùng cây
ăn quả nổi tiếng… có giá trị xuất khẩu cao.
1.2.2.4. Lòng đất Đồng Nai chứa nhiều khoáng sản quý, nổi tiếng như vàng,
thiếc, nhôm, chì kẽm đa kim; nhiều mỏ đá, có các loại đá quý, đá ốp lát, cao lanh,
sét màu, sét gạch ngói, đá vôi, than bùn, cát sông,… dùng làm vật liệu xây dựng và
làm hàng xuất khẩu; thạch anh mạch được sử dụng trong luyện kim, hình thành
những làng gốm, lu, gạch, ngói nổi tiếng như Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An…
1.2.2.5. Mật độ sông suối của tỉnh Đồng Nai khá dày 0,5 - 1,2 km/km2, song
phân phối không đều. Phần lớn sông suối tập trung ở phía bắc và dọc theo sông
Đồng Nai về hướng tây nam. Sông Đồng Nai là sông lớn nhất ở miền Đông Nam
Bộ, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, đoạn chảy qua tỉnh dài 220 km. Các phụ
lưu lớn của sông Đồng Nai bao gồm sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn. Hệ thống
sông rạch của vùng ngập mặn Nhơn Trạch khá dày, bình quân 1,2 km/km2. Ngoài
ra, Đồng Nai còn có nhiều sông suối nội tỉnh như sông Mã Đà, sông Lá Buông,
sông Ray, sông Thị Vải, suối Rết, suối Tre… Không chỉ cung cấp nước phục vụ cho
nông nghiệp, sinh hoạt, sông Đồng Nai còn cung cấp cho tỉnh nhiều tiềm năng thủy
điện. Trị An là một trong những công trình thủy điện lớn của đất nước, có công suất
khoảng 400 MW. Ở Đồng Nai không có hồ tự nhiên, chỉ có một số đầm lầy và hồ
nhân tạo, nhằm điều tiết cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là hồ Trị An có diện
tích 323 km2 được sử dụng khai thác tổng hợp cho các nhu cầu: phát điện, cấp nước,
nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái.
1.2.2.6. Rừng Đồng Nai thuộc loại rừng nhiệt đới, diện tích rừng chiếm
khoảng 45% diện tích tự nhiên, tiêu biểu là vườn Quốc Gia Cát Tiên mà ngày nay
vẫn còn giữ lại được những loài quý hiếm như tê giác một sừng, bò Ben Teng, nai
Catoong, sóc bay... Hệ động thực vật của rừng ở Đồng Nai phong phú đa dạng với
nhiều loại gỗ quý như cẩm, gõ, trắc, căm xe, bằng lăng…; nhiều loại cây thuốc như
tô mộc, sa nhân…; các loại thú lớn như voi, tê giác, hổ, nai… và hàng trăm các loại
chim thú, loài bò sát khác.
Bên cạnh rừng nguyên thủy Nam Cát Tiên, Ðồng Nai còn có đủ loại sơn lâm.
Ðó là rừng đước, rừng tràm ven biển, rừng nguyên liệu giấy, rừng cây gỗ quý nhân
tạo, rừng tre, lồ ồ nguyên sinh, tái sinh rậm rạp thiên tạo, bạt ngàn rừng cao su, bạt
ngàn rừng trái cây và hàng ngàn đồi núi nhấp nhô khắp rừng già, cao nguyên, thành
phố, đồng bằng ven biển.
1.2.2.7. Đồng Nai có hệ thống đường giao thông thuận lợi, có nhiều tuyến
đường huyết mạch quốc gia đi qua. Hệ thống quốc lộ với tổng chiều dài 244,5 km
đã và đang được nâng cấp mở rộng thành tiêu chuẩn đường cấp I, II đồng bằng
(Quốc lộ 1 nối liền thành phố Hồ Chí Minh - miền Bắc qua Đồng Nai; quốc lộ 51
Biên Hòa đi Vũng Tàu), cấp III đồng bằng như QL 20. Ngoài ra Đồng Nai còn có
hệ thống đường liên tỉnh số 2, 3, 16, 24, 25 tạo điều kiện tốt cho giao thông vận
chuyển hàng kinh tế, quân sự. Trong tương lai, Đồng Nai còn có các tuyến đường
cao tốc như đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường cao tốc Dầu
Giây - Đà Lạt; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài ra, Đồng Nai còn mở
rộng phát triển giao thông nối với các tỉnh, thành phố lân cận như cầu đường quận 9
TP. HCM sang Nhơn Trạch; cầu Thủ Biên nối huyện Vĩnh Cửu với tỉnh Bình
Dương…
Bên cạnh hệ thống đường bộ có chiều dài 3.339 km, trong đó gần 700 km
đường nhựa, Đồng Nai còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam xuyên ngang dài gần 100
km với 8 ga: Trảng Táo, Gia Ray, Bảo Chánh, An Lộc, Dầu Giây, Bàu Cá, Trảng
Bom, Long Khánh, Hố Nai và Biên Hòa.
Hệ thống cảng biển của Đồng Nai nằm trong quy hoạch cảng nhóm 5 đang
trình Chính phủ phê duyệt. Cảng biển nhóm 5 bao gồm khu vực thành phố Hồ Chí
Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu là nhóm cảng biển quan trọng trong khu vực
kinh tế trọng điểm phía nam, nằm trên sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải,
có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư. Có thể kể ra một số cảng như sau: cảng
Đồng Nai, cảng Gò Dầu A, cảng Gò Dầu B, cảng Vedan…
Đường hàng không Đồng Nai có sân bay Biên Hòa - trước đây được Mỹ sử
dụng cho mục tiêu chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cảng hàng không quốc tế Long
Thành trước mắt là hỗ trợ vận chuyển hàng không, tương lai là thay thế cảng hàng
không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là cửa ngõ đường hàng không vào Việt Nam cho
khu vực Đông Nam Á và thế giới.
1.2.2.8. Vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho hoạt
động kinh tế tỉnh Đồng Nai phát triển. Tính đến ngày 31/08/2008, Đồng Nai đã
được phê duyệt 29 khu công nghiệp với tổng diện tích là 9.076 ha, đã cho thuê được
4.647,81 ha. Trong số đó có 7 KCN có 100% đất đã được các nhà đầu tư thuê hết
như: KCN Biên Hòa I, KCN Biên Hòa II, KCN Gò Dầu, KCN Loteco, KCN Nhơn
Trạch II, KCN Tam Phước, KCN Định Quán. Các khu công nghiệp được bố trí
khắp các huyện, nhưng tập trung nhiều nhất ở TP. Biên Hòa và các huyện Trảng
Bom, Long Thành, Nhơn Trạch.
1.2.2.9. Về mặt văn hóa, Đồng Nai là vùng đất có nền văn minh cổ xưa. Nhiều
di tích phản ánh giai đoạn hình thành của các vương quốc cổ như: Đalắk (Tân Phú),
Nam Cát Tiên (Tân Phú), hay ở Rạch Đông (Thống Nhất) và các vùng đồi gò như
Cây Gáo, gò Bường, gò Ông Tùng… Khoảng thế kỷ XV, trên vùng trung lưu sông
Đồng Nai, một trung tâm văn hóa mới được hình thành và phát triển trên nền của
truyền thống văn hóa bản địa, được gọi là “Văn hóa Đại làng”.
Trong quá trình khẩn hoang, xây dựng và phát triển vùng đất Đồng Nai, các
bậc tiền nhân đã để lại một “Hào khí Đồng Nai” với nền văn hoá dung hợp phong
phú. Bất cứ người Đồng Nai nào cũng có quyền tự hào về một Văn miếu Trấn Biên
(xây dựng năm 1715) - biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo ; tự
hào về một nhà văn hóa lớn Trịnh Hoài Đức, một trong “tam gia” của Gia Định với
tác phẩm nổi tiếng “Gia Định thành thông chí”. Trong thế kỷ XX, Đồng Nai đã xuất
hiện nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc,
Lương Văn Lựu, Lý Văn Sâm...
Văn hóa dân gian ở Đồng Nai có những nét độc đáo riêng được thể hiện qua
sinh hoạt dân gian như hát hò cấy lúa, hò chèo xuồng, điệu lý lu là, lý trèo lên, kể
vè, đồng dao, đờn ca tài tử, hát tuồng… hay được thể hiện qua những nghi lễ tôn
giáo như hát múa Địa - Nàng, bóng rỗi… Truyền thống văn hóa của Đồng Nai còn
được phản ánh thông qua những lễ hội cúng đình, lễ hội cúng Miếu Bà, lễ hội chùa
Bà Thiên Hậu, lễ hiến sinh, lễ Nhu R’he (lễ hội nông nghiệp lớn nhất trong năm).
Sáu tôn giáo lớn nhất của nước ta là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Tin
Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, đều có tín đồ ở Đồng Nai. Trong đó chiếm số lượng đông
nhất là các tín đồ Thiên Chúa giáo với 34, 81%; và đứng hàng thứ hai là Phật giáo
chiếm 29,7% dân số toàn tỉnh.
Hiện nay, Đồng Nai còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa khá nổi tiếng
như mộ cổ Hàng Gòn, chiến khu Đ, chiến thắng La Ngà, đặc công rừng Sác, văn
miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh… Bên cạnh những di tích ấy là các
điểm du lịch có tiềm năng như vườn quốc gia Nam Cát Tiên, khu du lịch Bửu Long,
khu du lịch Làng Bưởi Tân Triều, thác Giang Điền, đảo Ó, Đá Ba Chồng…
1.2.3. Đặc điểm dân cư
Dân số toàn tỉnh theo số liệu thống kê năm 2007 là 2.281.705 người, mật độ
dân số: 386,511 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của toàn tỉnh năm 2007 là
1,162% (theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai). Dân cư Đồng Nai phân bố
không đồng đều, sống tập trung ở các vùng đô thị và các dải đồng bằng dọc theo
triền sông và các vùng núi thấp.
Đồng Nai có 30 dân tộc anh em sinh sống. Người Kinh chiếm khoảng 92, 44%
dân số, còn 29 đồng bào dân tộc thiểu số có số lượng là 172.521 người (chiếm
7,56%). Trong đó, người Hoa đông thứ hai (103.320 người), chủ yếu phân bố ở các
huyện Định Quán, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Long Khánh (nguồn do Ban Dân Tộc cấp
năm 2007). Các dân tộc ít người khác sống rải rác xen kẽ rộng khắp địa bàn. Người
Mạ, S’tiêng, Kơho, Chơro tập trung đông tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân
Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh. Người Khmer hiện ở Đồng Nai có
gốc từ miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh, Bình Long về từ những năm 1960. Người
Chăm tới Xuân Lộc năm 1972. Các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Mường đến cư trú sau
hiệp định Genève (7-1954) và sau ngày thống nhất đất nước.
Xét về nguồn gốc, có hai lớp cư dân ở Đồng Nai đó là lớp dân cư bản địa và
lớp dân cư di dân.
1.2.3.1. Về lớp cư dân bản địa
Hàng chục di chỉ khảo cổ được khai quật tại Đồng Nai cho thấy con người có
mặt ở lưu vực Đồng Nai từ nhiều nghìn năm trước. Tuy trình độ xã hội còn thấp
kém nhưng những con người ấy lại là chủ nhân của nền văn hóa rực rỡ với sáng tạo
phong phú và trình độ chế tác cao.
Tác giả Phan Xuân Biên trong bài Cư dân bản địa vùng Đồng Nai viết rằng
vùng đất Đông Nam Bộ và một phần Nam Tây Nguyên lúc bấy giờ, từ lâu đời đã là
địa bàn cư trú của các dân tộc người Mạ, Stiêng, Chơro, Mnông và Kơho. Đây cũng
là địa bàn cư trú của người tiền sử Đồng Nai [10, tr.3-4].
Theo truyền thuyết, người Mạ đã từng là chủ nhân của vùng đất thượng du dọc
sông Đồng Nai Thượng, từng có những cuộc buôn bán, giao tranh với người Chăm.
Sau đó họ phải nhường bước rút lên vùng cao, để lại những "Gò Mọi, Đạ Đờng, Đạ
Dung”... cho cư dân Việt làm chủ.
Các sách Phủ biên tạp lục [38]; Gia Định thành thông chí [41]; Đại Nam nhất
thống chí, tập 5 [89] đều có đề cập đến các cộng đồng dân tộc ít người mà họ gọi là
“Mọi”, “Man Sách”, “Máu”, có thể trong nhóm cộng đồng này có tộc người Mạ.
Tác giả Bình Nguyên Lộc viết như sau: “Nam Bộ, đặc biệt là từ Mỹ Tho lên
hết miền Đông xưa kia là địa bàn sinh sống của dân tộc Mạ”. “Nhưng ai làm chủ
khoảng rừng rậm mênh mông ấy, trên giấy tờ? Trên thực tế, thì đó là người Mạ,
người mà dân ta đã gặp” [68, tr.249].
Ngoài các dân tộc bản địa này, còn có người Khmer sinh sống rải rác trong
một vài sóc nhỏ, nằm heo hút trên các giồng đất cao. Họ là dân định cư từ Lục Chân
Lạp sang.
1.2.3.2. Về lớp cư dân di dân
Lớp di dân là lớp người Việt, nhóm người Hoa. Họ di dân vào vùng Đồng Nai
theo nhiều đợt khác nhau.
Theo Phan Khoang, từ năm 1630, vùng đất Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới
Chiêm Thành (tức Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa) đã có nhiều người Việt đến khai phá
đất đai. Người Việt đã ra công khai khẩn những vùng rừng rú bạt ngàn, những bãi
sình lầy thành những cánh đồng phì nhiêu. Gặp lúc mưa thuận gió hòa, nghề nông
phát triển, đời sống người dân khá lên trông thấy. Xóm làng mọc lên trù phú, thu
hút nhiều bà con ở Đàng Ngoài đến sinh cơ lập nghiệp [63, tr.310-311].
Những năm 30 của thế kỷ XVII, cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong
kiến Trịnh - Nguyễn, nạn bóc lột của vua quan… đã khiến người dân rơi vào cảnh
lầm than. Ngoài nông dân nghèo, còn có những người trốn tránh binh dịch, sưu
thuế, thầy thuốc, thầy đồ, và cả những người giàu có muốn vào vùng đất phương
Nam để kinh doanh. Từ các đời chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến chúa Nguyễn
Phúc Lan (1635-1648), lưu dân Việt Nam đã lần lượt tiến vào vùng Mọi Xoài (tức
Bà Rịa), vịnh biển Ô Trạm (gần Đất Đỏ Bà Rịa). Một bộ phận người Việt khác di
chuyển theo đường bộ hoặc theo dòng sông Đồng Nai ngược lên phía Bắc định cư ở
các vùng ven sông lập làng xóm mới như Bến Gỗ, Bến Đá, Cù Lao Rùa, Cù Lao
Phố… Cuối những năm 70 của thế kỷ XVII, ngoài người Việt và cư dân bản địa còn
có các nhóm người Hoa từ Quảng Đông, Quảng Tây chủ yếu là quan quân nhà
Minh chống đối sự xâm lăng của nhà Mãn Thanh đã trốn chạy qua Việt Nam, được
chúa Nguyễn cho ẩn náu và sinh sống ở Nam bộ. Đến Biên Hòa có nhóm Trần
Thượng Xuyên (1679) được phép định cư ở vùng Bàn Lân, Cù Lao Phố.
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cắt đặt phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm
huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên. Khi ấy đất đã mở rộng một nghìn dặm,
dân số hơn bốn vạn hộ; và sau đó, lại chiêu mộ những lưu dân từ châu Bố Chánh trở
vô Nam đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, khóm… [41, tr.112].
Tiếp đó, nhiều đợt di dân từ Ngũ Quảng, từ châu thổ sông Hồng vào lập
nghiệp ở xứ Đồng Nai với nhiều lý do khác nhau.
Như vậy, những lớp cư dân người Việt vào đất Biên Hòa Đồng Nai là những
tầng lớp phản kháng mọi áp bức, hà khắc của chế độ phong kiến. Họ là những
người yêu lao động, muốn được phóng khoáng tự do, những lớp người này đã cùng
chống chọi với thiên nhiên tạo dựng nên một cuộc sống vật chất và tinh thần phong
phú.
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp bắt đầu khai thác gỗ và trồng cao su ở Trảng
Bom, Dầu Giây. Đồng Nai lại tiếp nhận lớp người Việt di cư thuộc dạng nghèo khó,
hầu hết là người từ miền Trung, miền Bắc được mộ vào làm phu cao su.
Đợt di dân tiếp theo không kém phần quan trọng, diễn ra trong thời gian 1954
- 1955 đó là Mỹ - Diệm tổ chức đưa nhiều người theo đạo Thiên chúa vào Đồng
Nai. Tháng 9/1954, có khoảng 20 ngàn đồng bào miền Bắc di cư vào Biên Hòa, thị
xã Long Khánh, Trảng Bom, Thống Nhất và các xã dọc quốc lộ 1, quốc lộ 15, quốc
lộ 20. Ngày 12/2/1955, Mỹ Diệm đưa 7000 người di cư miền Bắc đến định cư tại
Liên Kim Sơn, Phước Lý, Ông Kèo (Long Thành).
1972, sau chiến dịch Xuân - Hè, hàng ngàn đồng bào từ miền Trung đã bỏ vào
Trảng Bom. Các làng Quảng Đà, Quảng Biên hình thành dân số huyện ngày một
đông lên.
Những năm 1976 - 1985, có gần 100.000 người được đưa từ các tỉnh miền Bắc
vào nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý và phát triển sản xuất. Đến năm 1984
có tới 51 nông, lâm trường, trạm, trại và riêng công ty cao su Đồng Nai đã tiếp nhận
46.484 người. Dân đến Đồng Nai không theo kế hoạch (di dân tự do) từ năm 1986
đến nay là luồng di dân lớn nhất.
Trong vòng 20 năm (1976 - 1996) cả hai hình thức di dân đến Đồng Nai là
147.726 hộ với 768.842 nhân khẩu, phần lớn dân nhập cư là lực lượng lao động.
Thời kỳ trước năm 1990 dân nhập cư chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn
và vùng kinh tế mới. Sau năm 1990 trở lại đây dồn về các vùng đô thị, nhất là thành
phố Biên Hòa và các khu công nghiệp tập trung.
Qua những cuộc di dân kể trên, chúng ta thấy người Việt ở Đồng Nai gắn bó
với mảnh đất này chưa lâu. Dân cư ở Đồng Nai là tập hợp dân cư của nhiều vùng,
miền khác nhau như người miền Trung, miền Bắc, một số dân tộc vùng cao. Họ
mang theo những phong tục tập quán của quê mình đến vùng đất mới hòa nhập vào
tín ngưỡng bản địa, giao tiếp với người Hoa, với luồng văn hóa châu Âu và cùng
sống thuận hòa, nương tựa nhau trên vùng đất mới. Điều này góp phần làm nên tính
đa dạng và phong phú cho những giá trị văn hóa, ngôn ngữ... ở Đồng Nai.
1.2.4. Đặc điểm ngôn ngữ
Nằm trong vùng phương ngữ Nam Bộ, ngôn ngữ của tỉnh Đồng Nai mang
những đặc trưng ngữ âm của phương ngữ miền Nam. Hệ thống thanh điệu có 5
thanh vì thanh ngã với thanh hỏi trùng làm một. Xét về mặt điệu tính, thì đây là một
hệ thống khác với phương ngữ Trung và phương ngữ Bắc. Có 23 phụ âm đầu, có
các phụ âm uốn lưỡi /ş, z, / (chữ viết ghi là s, r, tr). Ở Nam Bộ có thể phát âm rung
lưỡi /r/, tuy thiếu phụ âm /v/ nhưng lại có thêm bán nguyên âm /w-/ đứng ở vị trí
phụ âm đầu; không có âm /z/ (chữ viết ghi là gi) nhưng được thay thế bằng âm /j/.
Âm đệm /-w-/ đang biến mất dần trong phương ngữ Nam, như doanh được nói
thành danh, chuyền được nói thành chiền… Hệ thống âm cuối thiếu các âm /-ŋ, k/,
chúng biến thành /-n, t/. Chẳng hạn như: lính được nói thành lứn, lênh đênh thành
lơn đơn, tịch mịch thành tựt mựt… Do các nguyên âm trở nên trung hòa thành
nguyên âm dòng giữa nên cặp phụ âm cuối /-ngm, kp/ không còn ở thế bổ sung mà
trở thành những âm vị độc lập. Phương ngữ Nam Bộ cũng đồng nhất các vần “in”,
“it” với “inh”, “ich”; “un”, “ut” với “ung”, “uc”. Nguyên âm cuối /-y/ được phát âm
thành /-i/ (như may thành mai, tay thành tai). Vùng này cũng lẫn lộn s/x và tr/ch
như phương ngữ Bắc, và có thể phát âm rung lưỡi /r/.
Có hiện tượng một loạt vần vốn có trong phương ngữ Bắc Bộ và Trung Bộ bị
nhập thành một vần trong phương ngữ Nam như:
-iu, -êu, -iêu thành -iu
-ưu, -ươu thành -u
-im, -iêm, -êm thành -im
-ưi, -ươi thành -ưi
Nhìn chung, phương ngữ Đồng Nai có những đặc điểm giống với phương ngữ
Nam Bộ. Trong phát âm, người dân có xu hướng đơn giản hóa các âm tiết cho dễ
đọc (như các âm “d, gi, v” đều được đọc thành “d”, “s, x” thành “x”…). Cũng có
một số người phát âm /v/ thành /bj/ (như phát thanh viên, xướng ngôn viên). Trong
ngôn ngữ thông tin đại chúng, trong các hoạt động văn hóa giáo dục, sự phân biệt
các phụ âm này được duy trì rất có ý thức.
Có một điểm cần lưu ý là bên cạnh phương ngữ miền Nam, trong cách phát
âm của người dân Đồng Nai còn xen thêm phương ngữ của miền Bắc và miền
Trung. Vì như đã nói ở trên, đất Đồng Nai trong quá trình khai phá và hình thành đã
thu nạp dân cư từ khắp mọi miền tổ quốc đến đây, đặc biệt là cuộc di dân từ miền
Bắc vào. Họ đã mang theo ngôn ngữ của mình, phối hợp với từ ngữ, cách phát âm
của người địa phương và trải qua một thời gian dài giữ lại, biến đổi hoặc bỏ đi để
hình thành một hệ thống ngôn ngữ ở Đồng Nai. Cho nên, xét về mặt ngôn ngữ,
Đồng Nai là vùng đất đa dạng dân cư và đa dạng ngôn ngữ của các vùng miền. Tuy
nhiên, dù có nói gì thì Đồng Nai vẫn thuộc miền Đông Nam Bộ, vì vậy, đặc trưng
phương ngữ của Đồng Nai chủ yếu vẫn là phương ngữ Nam Bộ. Có thể thấy, ngày
nay, người dân trên địa bàn nói giọng Bắc hoặc giọng miền Trung đều có xu hướng
“pha giọng” miền Nam.
Trên đây là vài nét về ngôn ngữ của địa bàn Đồng Nai.
Tất cả những đặc điểm lịch sử, địa lý, dân cư, ngôn ngữ vừa nêu sẽ là những
nguyên nhân quan trọng làm hình thành và biến đổi hệ thống địa danh ở Đồng Nai.
1.2.5. Kết quả thu thập và phân loại địa danh ở tỉnh Đồng Nai
Qua quá trình khảo sát thực tế trên địa bàn và dựa vào những nguồn tư liệu đã
nêu, chúng tôi thu thập được 3019 địa danh được ghi bằng tiếng Việt với 73 tiểu
loại, trên địa bàn chủ yếu có người Việt sinh sống. Dưới đây chúng tôi sẽ tiến hành
phân loại các địa danh.
1.2.5.1. Phân loại theo đối tượng
a. Địa danh chỉ địa hình
Đồng Nai có 481 địa danh chỉ địa hình, chiếm 15,93%, gồm có 24 tiểu loại:
bàu, cù lao, dốc, đảo, đèo, đồi, giồng, gò, hang, hóc, hòn, hồ, lòng tắt, núi, rạch,
rừng, sông, suối, tắt, thác, trảng, trũng, vàm, vườn.
b. Địa danh hành chính
Theo kết quả thống kê thì số lượng địa danh hành chính của tỉnh Đồng Nai
chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất so với các địa danh chỉ đối tượng khác. Cụ thể là có
1236 địa danh, chiếm 40,94%, trong đó có 11 tiểu loại đứng sau các tiền từ ấp,
huyện, khu, khu phố, phường, thành phố, thị trấn, thị xã, thôn, tiểu khu, xã.
c. Địa danh chỉ công trình xây dựng
Tổng số địa danh chỉ công trình xây dựng là 1167, chiếm gần 38,66% với 36
tiểu loại bến, bến đò, bến phà, bến xe, bùng binh, cảng, cầu, chiến khu, chợ, công
viên, cống, cư xá, đập, địa đạo, đường, đường thủy, ga, hoa viên, hương lộ, kênh,
khu du lịch, làng cổ, lâm trường, ngã ba, ngã tư, ngã năm, nông trường, quảng
trường, quốc lộ, sân bay, sân vận động, thành cổ, tỉnh lộ, trại giam, trạm bơm, xa
lộ.
d. Địa danh vùng
Địa danh vùng có số lượng ít nhất với 135 địa danh, chiếm 4,47%, có 2 tiểu
loại là giáo xứ và khu công nghiệp.
Kết quả phân loại địa danh theo đối tượng được thể hiện ở bảng dưới đây.
STT Loại hình địa danh Số lượng Tỷ lệ %
1 Địa danh chỉ địa hình 481 15,93%
2 Địa danh hành chính 1236 40,94%
3 Địa danh chỉ công trình xây dựng 1167 38,66%
4 Địa danh vùng 135 4,47%
Cộng 3019 100%
1.2.5.2. Phân loại theo nguồn gốc ngữ nguyên
a. Địa danh thuần Việt
Số lượng địa danh thuần Việt so với tổng số địa danh của tỉnh Đồng Nai là
1267/3019 địa danh, chiếm 41,97%. Loại này tập trung nhiều nhất ở địa danh hành
chính (682 địa danh, chiếm 22,59%) và ít nhất là địa danh vùng (12 địa danh, chiếm
0,39%).
Có 594 địa danh thuần Việt là số hay số kết hợp với chữ cái (chiếm 19,67%).
b. Địa danh không thuần Việt
Có 1752 địa danh không thuần Việt, chiếm 58,03%.
Địa danh có nguồn gốc Hán Việt (chiếm 37,53%) xuất hiện chủ yếu trong địa
danh chỉ công trình xây dựng và địa danh hành chính. Ví dụ: ga Long Khánh,
đường Đồng Khởi, huyện Cẩm Mỹ…
Địa danh có nguồn gốc hỗn hợp (14,08%) phân bố chủ yếu trong địa danh chỉ
công trình xây dựng và địa danh hành chính. Ví dụ: xã Lộ 25, xã Núi Tượng, cầu
Kênh Xáng, đập Vũng Gấm…
Địa danh có nguồn gốc từ tiếng dân tộc thiểu số (4,93%) xuất hiện nhiều trong
địa danh chỉ địa hình và địa danh chỉ công trình xây dựng. Ví dụ: núi Chứa Chan,
sông Da Hop, cầu La Ngà…
Địa danh chưa xác định được nguồn gốc (1,26%), ví dụ như hồ Cản Đu, suối
Ram, cầu Năng Cô, đập Bỉnh…
Địa danh có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp nhất (0,23%)
phân bố rải rác trong các tiểu loại địa danh. Ví dụ: ấp Cấp Rang, cảng Unique Gas,
đồi Siph…
Những địa danh không thuần Việt này không có địa danh bằng số là từ đơn
tiết, mà chỉ có số là từ Hán Việt kết hợp với từ đơn tiết (hoặc ngữ) khác, nhưng số
lượng rất ít. Ví dụ: ấp Nhất Hòa (BH), ấp Nhị Hòa (BH), phường Tam Hiệp (BH)…
1.2.5.3. Phân loại theo số lượng âm tiết
a. Địa danh đơn tiết
Đây là những địa danh chỉ có một tiếng. Loại địa danh này phần lớn là địa
danh thuần Việt. Trong số 3019 địa danh, có 735 địa danh đơn tiết (chiếm 24,35%),
chủ yếu là địa danh thuần Việt. Ví dụ: gò Dầu (LT), đảo Ó (VC), núi Đất (LT), bàu
Sấu (TP)…
Có một điểm cần chú ý là địa danh đơn tiết có một bộ phận vốn là địa danh
song tiết nhưng lại bị rút gọn mà thành. Chẳng hạn: sông Lá Buông → sông Buông
(LT), suối Săng Máu → suối Máu (BH)…
b. Địa danh phức
Địa danh phức có từ hai tiếng trở lên. Đồng Nai có 2284 địa danh phức, chiếm
75,65%. Trong đó địa danh chỉ công trình xây dựng là 1124, chiếm tỷ lệ cao nhất so
với các loại địa danh khác (37,23%). Địa danh phức ở Đồng Nai bao gồm địa danh
hai âm tiết (ấp An Bình, cảng Đồng Nai…), địa danh ba âm tiết (xã Nam Cát Tiên,
suối Đại Úy Hùng…), địa danh bốn âm tiết (chợ Đại An - Tân An, đường Chiến
Thắng Long Khánh…), địa danh năm âm tiết (đường Năm Thương Ấp Bến Cộ, nông
trường Cao Su Thái Hiệp Thành…), địa danh sáu âm tiết (đường Xuân Thành - Suối
Cao - Xuân Bắc…), địa danh bảy âm tiết (ngã tư Nông Trường Thái Hiệp Thành -
Bàu Cạn) và nhiều nhất là địa danh tám âm tiết (công viên Tượng Đài Chiến Thắng
Sân Bay Biên Hòa).
1.3. Tiểu kết
Qua những tiền đề lý luận và thực tiễn về địa danh nói chung và những nét
khái quát về địa bàn Đồng Nai nói riêng, chúng tôi có một vài nhận xét sau:
Nghiên cứu địa danh là một vấn đề phức tạp. Nếu như địa danh học của thế
giới đã bước sang giai đoạn phát triển từ lâu thì ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu địa
danh vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu địa danh
học ở Việt Nam đã giúp cho chúng ta có một cái nhìn khác về địa danh đó là nó có
một vị trí riêng và không kém phần quan trọng so với các lĩnh vực khác trong xã
hội. Những cơ sở lý luận, đối tượng, phương pháp nghiên cứu về địa danh bước đầu
được xác lập khiến những ai quan tâm đến vấn đề này đều cảm thấy thú vị khi bước
vào tìm hiểu. Bởi địa danh học có mối liên hệ mật thiết với nhiều ngành thuộc lĩnh
vực khoa học xã hội, muốn hiểu được chúng, cần áp dụng phương pháp nghiên cứu
liên ngành.
Địa danh là một bộ phận đặc biệt của bộ môn từ vựng học. Vì vậy, nghiên cứu
địa danh sẽ góp phần phản ánh đời sống ngôn ngữ, thể hiện qua nhiều mặt khác
nhau như ngữ âm, ngữ pháp, phương ngữ. Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai cũng
vậy. Qua những tiền đề thực tiễn về địa bàn có thể thấy rằng địa danh Đồng Nai
cũng thể hiện những nét đặc trưng riêng về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ bên cạnh sự
giao thoa, tiếp xúc nhiều mặt với những địa bàn khác.
Những số liệu thống kê ban đầu cho thấy địa danh thuần Việt chiếm số lượng
nhiều hơn cả so với các địa danh thuộc loại không thuần Việt (như Hán Việt, tiếng
dân tộc, địa danh nước ngoài…). Tuy chỉ chiếm 19,67% trong tổng số địa danh
Đồng Nai nhưng loại địa danh thuần Việt là số thứ tự hay số và chữ cái kết hợp với
nhau chủ yếu phân bố ở các đơn vị hành chính như ấp, khu, tiểu khu, khu phố,
thôn… Điều này cho thấy xu hướng đơn giản hóa trong việc đặt địa danh ở Đồng
Nai. Trong khi đó, theo thống kê thì số lượng địa danh Hán Việt kém hơn loại thuần
Việt. Nhưng nếu loại trừ những địa danh bằng số thì loại địa danh hoàn toàn là từ
Hán Việt (như huyện Long Thành, xã Phú An…) lại chiếm số lượng “áp đảo” so
với địa danh thuần Việt (như bàu Chim, suối Cao…). Đó là chưa kể một số lượng
khá lớn những địa danh Hán Việt kết hợp với địa danh thuộc gốc khác. Như vậy, địa
danh Đồng Nai cũng không nằm ngoài quy luật chung của cả nước là sử dụng nhiều
yếu tố Hán Việt để tạo tên riêng, nhất là trong các đơn vị hành chính. Không những
thế, ngoài việc tiếp thu một số địa danh có nguồn gốc dân tộc thiểu số hay địa danh
gốc Pháp, gốc Mã Lai…, người Việt ở Đồng Nai vừa mượn vừa sáng tạo bằng cách
kết hợp các yếu tố thuần Việt - Hán Việt, thuần Việt - tiếng dân tộc… và ngược lại
để đặt địa danh.
Vốn là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, trong quá trình hình thành và phát
triển, Đồng Nai đã tiếp nhận một luồng di dân khổng lồ từ nhiều vùng miền khác
nhau, ở trong nước và cả nước ngoài. Đây cũng là nguyên nhân giải thích vì sao số
lượng địa danh hành chính của vùng đất 311 tuổi này lại chiếm tỷ lệ cao nhất. Đa
dân tộc, đa tôn giáo, vì vậy Đồng Nai cũng là một tỉnh đa văn hóa và đa ngôn ngữ.
Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sự ra đời của những địa danh ở Đồng Nai.
Chương 2
CẤU TẠO ĐỊA DANH TỈNH ĐỒNG NAI
2.1. Phương thức định danh
Định danh chính là cách cấu tạo các đơn vị ngôn ngữ dùng để gọi tên, là sự
chia tách các đoạn của hiện thực khách quan trên cơ sở đó hình thành những khái
niệm tương ứng về chúng [123, tr.63].
Phương thức định danh hay còn gọi là phương thức cấu thành, phương thức
đặt địa danh được nhiều nhà nghiên cứu địa danh học Việt Nam quan tâm. Tuy
nhiên, mỗi tác giả lại đưa ra những cách định danh khác nhau. Điều này cũng dễ
hiểu, vì mỗi địa bàn nghiên cứu bên cạnh những quy luật chung đều có những đặc
điểm riêng trong cách gọi tên sự vật cũng như cách cấu tạo địa danh.
Trần Thanh Tâm đưa ra 6 phương thức định danh: 1. Loại đặt theo địa hình và
đặc điểm; 2. Loại đặt theo vị trí không gian và thời gian; 3. Loại đặt theo tín
ngưỡng, tôn giáo, lịch sử; 4. Loại đặt theo hình thái, đất đai, khí hậu; 5. Loại đặt
theo đặc sản, nghề nghiệp và tổ chức kinh tế; 6. Loại đặt theo sinh hoạt xã hội [99,
tr.60-73]. Nhận xét về phương thức này, Trần Văn Dũng cho rằng: “Các loại địa
danh trên theo chúng tôi, chỉ mới là sản phẩm của phương thức tự tạo, còn các loại
địa danh được đặt theo các phương thức khác như vay mượn, chuyển hóa… thì tác
giả lại chưa đề cập đến” [30, tr.63].
Tác giả Bùi Đức Tịnh cho là có hai phương thức để đặt địa danh: 1. Phương
thức Việt hóa địa danh của ngôn ngữ một dân tộc khác (chủ yếu là ngôn ngữ
Campuchia); 2. Phương thức dùng những từ tố hoàn toàn Việt Nam. Phương thức
thứ nhất có ba cách: chỉ Việt hóa ngữ âm mà không quan tâm đến nội dung ý nghĩa;
dịch nghĩa; phối hợp hai lối vừa kể trên. Phương thức thứ hai, tác giả chia nhỏ thành
bốn loại: cách đặt địa danh cho các vật thể tự nhiên; cách đặt tên các vị trí liên hệ
đến giao thông; cách đặt tên các vị trí tập hợp cư dân; cách đặt tên các đơn vị hành
chính, quân sự [110, tr.38-67].
Tác giả Lê Trung Hoa xác định hai phương thức đặt địa danh ở thành phố Hồ
Chí Minh là: 1. Phương thức tự tạo; 2. Phương thức chuyển hóa. Trong mỗi
phương thức, tác giả lại chia ra thành nhiều tiểu loại khác nhau [53, tr.65-76].
Các nguyên tắc đặt tên mà Nguyễn Văn Âu đưa ra gồm có nguyên tắc chung
và nguyên tắc cụ thể. Về nguyên tắc cụ thể, tác giả phân làm hai loại. Loại thứ nhất
là địa danh tự nhiên, được xác định dựa vào các nguyên tắc: địa phương, hình dạng,
kích thước, màu sắc, mùi vị, âm thanh, đặc sản, thứ tự, phương hướng, vị trí, dân
tộc địa phương, tên người, lịch sử, kế thừa, truyền thuyết, đặc điểm chung. Loại thứ
hai là địa danh kinh tế xã hội, được xác định dựa vào các nguyên tắc: địa phương,
đặc sản, nghề nghiệp, tình cảm - nguyện vọng, huyết tộc, tên người, dân tộc địa
phương, lịch sử, tôn giáo, truyền thuyết, kế thừa, kích thước, thứ tự, phương hướng,
vị trí, đặc điểm chung [6, tr.13-19].
Ngoài phương thức truyền thống là gọi tên dựa vào các đặc điểm thuộc tính
của đối tượng, Nguyễn Kiên Trường còn trình bày ba phương thức chính trong cấu
tạo địa danh thời cận - hiện đại đó là: 1. Phương thức ghép số và ghép địa danh; 2.
Phương thức chuyển hóa; 3. Phương thức vay mượn [122, tr.76-86].
Đưa ra phương thức định danh cho địa danh ở Đồng Nai không phải dễ. Tiếp
thu ý kiến của những người đi trước, dựa vào đặc điểm lịch sử - địa lý của tỉnh
Đồng Nai, chúng tôi đưa ra bốn phương thức định danh như sau: phương thức tự
tạo, phương thức chuyển hóa, phương thức ghép và phương thức vay mượn.
2.1.1. Phương thức tự tạo
Đây là phương thức cơ bản nhất. Hầu như trong các công trình nghiên cứu về
địa danh của các tác giả kể trên đều sử dụng phương thức này, mặc dù cách đặt tên
cho phương thức có khác nhau ở mỗi người.
Đối với địa bàn Đồng Nai, phương thức tự tạo giữ vai trò chủ đạo để tạo ra
phần lớn địa danh của tỉnh.
2.1.1.1. Dựa vào các đặc điểm của chính bản thân đối tượng để đặt tên
Khi nhìn thấy hồ nước, cây cầu, hay ngọn núi có những đặc điểm của chính
bản thân đối tượng như hình dáng, kích thước, màu sắc, tính chất…, dân làng ta liền
đặt những địa danh ấy bằng những cái tên tương ứng.
a. Gọi theo tính chất của đối tượng
Đó là các địa danh như cầu Mới, bàu Nước Sôi (ĐQ) (vì nước ở bàu này sôi ở
nhiệt độ cao), rạch Nước Trong (LT), suối Đục (LT), suối Cạn (NT), suối Nóng
(XL), suối Sâu (CM), suối Phèn (LT), suối Mủ (TN)… Nhìn chung, gọi theo tính
chất của đối tượng chủ yếu là các địa danh mang tính chất thủy văn.
b. Gọi theo hình dáng của đối tượng
Ở đây, chủ yếu là những địa danh chỉ địa hình và công trình xây dựng như núi
Dốc (ĐQ), núi Bồ (ĐQ), ngã ba Mũi Tàu (BH), cầu Khỉ (TN), cống Hộp (XL), hòn
Dĩa (ĐQ) (có hình dáng như một chiếc dĩa), núi Tượng (TP), núi Quy (ĐQ)… Thác
có tên Ba Giọt (ĐQ) vì đổ xuống theo ba dòng nước, nhìn từ xa những dòng chảy
này có dáng dấp như ba giọt nước.
c. Gọi theo màu sắc của đối tượng
Loại này xuất hiện không nhiều trong tổng số địa danh toàn tỉnh, thường gặp ở
loại chỉ địa hình thiên nhiên. Có những màu sắc sau: màu xanh (sông Ngọc - BH),
màu hồng (tắt Hồng - NT), màu vàng (hồ Đá Vàng - LT), màu đỏ (núi Đỏ - LK,
suối Son - ĐQ), màu trắng (cầu Trắng - XL).
Đặc biệt là màu gấm trong các địa danh suối Gấm (TP), Vũng Gấm (NT).
Trịnh Hoài Đức đã chép lại: “Cẩm Đàm tục gọi là vũng Gấm, ở tổng An Phú, huyện
Phước An. Vũng này sâu rộng do các dòng chảy đến họp lại, có khi mặt trời chiếu
từ xa, ráng chiều phản chiếu xuống, sắc cây xanh tốt, sóng nước long lanh, xa trông
rất rực rỡ, nên mới đặt tên Gấm là như vậy” [41, tr.36].
d. Gọi theo kích thước của đối tượng
Đó là các địa danh như rạch Cụt (BH), cầu Bảy Bé (NT), cầu Bảy Lớn (NT),
cầu Bốn Thước (XL), cống Lớn (LT), cư xá Năm Tầng (BH), chợ Nhỏ Tân Bắc
(TB), ngã ba 107 (ĐQ), suối Cao (XL), sông Bé (VC), rạch Bến Lớn (NT)...
đ. Gọi theo vật liệu xây dựng đối tượng
Một số cây cầu như cầu Gỗ (LT), cầu Sắt (TB), cầu Mù U (NT)… trước đây
được làm bằng vật liệu bằng gỗ, sắt, hay các loại cây khác nhau, bắc qua suối, rạch.
Tuy hiện nay các cây cầu này đã được xây mới, được bêtông hóa hoàn toàn nhưng
chúng vẫn còn giữ tên xưa.
Gọi là cầu Mương Sao (BH) vì cầu này khi xưa bắc qua rạch nước nhỏ (chảy
ngang đường 15 cũ) bằng thân mấy cây sao nên có tên như vậy.
2.1.1.2. Dựa vào sự vật, yếu tố có quan hệ chặt chẽ với đối tượng để gọi
a. Gọi theo vị trí của đối tượng so với đối tượng khác
Các địa danh được xác định theo hướng không gian trước/sau, trên/dưới,
đông/tây, chủ yếu có trong các đơn vị hành chính. Ví dụ: xã Tây Hòa (TB), xã Đông
Hòa (TB), ấp Đông Bắc (TN), ấp Tây Nam (TN), rạch Đông (VC)…
b. Gọi theo công trình xây dựng gần đối tượng
Theo cách này có các địa danh: rạch Lò Gốm (BH), ngã ba Nông Trường
(CM), ngã ba Thành (BH), ngã tư Sở (ĐQ), bến đò Kho (NT), bến đò Trạm (BH),
đập Sân Bay (TXLK)…
Những công trình xây dựng bản thân nó vốn là hiệu danh (như tên các trường
học, nhà máy, đình, chùa, miếu, miễu…) cũng thuộc loại này. Chẳng hạn như
đường Trường Dân Tộc Nội Trú (TP), đường Chùa Gia Lào (XL), ấp Miễu (LT),
đường VMEP (BH), cầu Trường Học (NT)…
c. Gọi theo tên vật thể có nhiều ở nơi đó
Đó là các địa danh dốc Sỏi (BH), rạch Sỏi (BH), vàm Vôi (LT), suối Cát (XL),
suối Đá (LT)…
d. Gọi theo cầm thú sống hoặc nuôi ở đó
Phần lớn là các địa danh thủy văn và sơn danh. Trên cạn có suối Sóc (CM),
suối Cọp (VC), suối Chồn (TXLK), bàu Ngựa (ĐQ)… Dưới nước có rạch Cá (NT),
bàu Sấu (TP)… Các con vật bay được thì có tắt Le Le (NT), đảo Ó (VC), cầu Vạc
(LT), ấp Bàu Chim (TP)… Gọi là đồi Hang Dơi (TP) vì có dơi tụ tập rất nhiều trong
hang động này.
đ. Gọi theo tên thực vật mọc hoặc trồng nhiều ở đó
Việc dùng tên cây cỏ để đặt địa danh là một hiện tượng phổ biến. Lý do là cây
cỏ rất gần gũi, gắn bó với nơi ăn chốn ở, nơi sinh ra và lớn lên của con người. Con
người tri giác và đặt tên. Có thể kể ra hàng loạt cái tên như: đường Cây Chàm (BH),
suối Cây Đa (CM), suối Cây Sung (VC), ấp Bằng Lăng (ĐQ), ấp Cây Điệp (TB), ấp
Phượng Vỹ (XL), ấp Cọ Dầu (CM), khu Cam Xe (LT), suối Muồng (VC), suối
Săng Máu (BH), thác Bàng (VC), núi Le (XL), suối Tre (TB)…
Rạch Lá (NT) mang tên như vậy là do ở đây có nhiều lá dừa nước. Hay gọi là
thác Mai (ĐQ) vì vào mùa xuân, xung quanh thác, ngoài hoa bằng lăng còn có rất
nhiều hoa mai với những gốc mai cổ thụ quý hiếm.
e. Gọi theo tên người nổi tiếng trong vùng
Đây là tên của những nhân vật đã từng sinh sống trên vùng đất Đồng Nai và
gắn với các sự kiện, lịch sử, sự tích, truyền thuyết ở địa bàn. Đó là các địa danh như
sông Ông Kèo (NT), rạch Bà Chéo (LT), cầu Bà Xanh (BH), hóc Bà Thức (BH),
bưng Ông Văn (BH), rạch Thầy Kiềng (BH), rạch Thủ Huồng (BH), dốc Kim Liên
(VC), suối Đại Úy Hùng (XL), suối Cai Nha (VC)…
Gọi là bưng Ông Văn (BH) vì Ông Văn là người thôn Vĩnh Cửu, tham gia hội
kín Đoàn Văn Cự (1905) sống gần một cái bưng [116, tr.49].
g. Gọi theo các giai đoạn, biến cố lịch sử
Đó là các địa danh: đường 30 Tháng 4 (BH), đường Cách Mạng Tháng Tám
(BH), ấp 18 Gia Đình (TXLK), công viên Biên Hùng (BH), núi Đầu Tây (TXLK),
đường Chiến Thắng Long Khánh (XL), đồi Mỹ (ĐQ), cù lao Phố (BH), ngã ba Thái
Lan (LT)… Ngã ba Chốt Mỹ (CM) là nơi binh lính nước ngoài theo chân lính Mỹ
đánh thuê trong cuộc chiến Việt Nam đóng tại đây…
h. Gọi theo tên sản phẩm bán trên hoặc cạnh đối tượng
Tên gọi rạch Lò Gốm xuất hiện là do dọc theo một con rạch thuộc xã Hiệp
Hòa ngày nay có các lò gốm của người Chăm, Việt, Hoa ra đời trước năm 1698.
Ngoài ra còn có làng cổ Bến Gỗ (LT), làng cổ Bến Cá (VC), rạch Muối (NT),
chợ Rạch Lò Gốm (BH), chợ Lò Bò (BH), ấp Lò Than (CM)…
i. Gọi theo vật dụng của cư dân
Đây là những vật dụng quen thuộc của người dân dùng trong lao động, trong
sản xuất. Chẳng hạn trong địa danh ấp Bến Cộ (NT) thì “cộ” là đồ dùng trên đồng
với hai thanh gỗ trượt do một trâu kéo là đủ, loại này dùng để chở nặng, còn cộ nhỏ
để đập lúa do người kéo trên ruộng sụp, nơi không thể dùng sức kéo của trâu bò.
Hay trong ấp Sa Cá (LT) thì “sa” là vật dụng dùng để bắt cá, tôm… [116, tr.73].
k. Gọi theo tên của vùng dân tộc trong tỉnh
Đó là các địa danh ấp Dân Tộc (LT), đường Dân Tộc Tà Lài (TP), đường Sóc
- Ba Buông (XL), núi Sốc Lu (TN)...
2.1.1.3. Dùng số đếm hoặc chữ cái để đặt tên
Chủ yếu là địa danh hành chính và công trình giao thông. Địa danh dùng số từ
chiếm số lượng nhiều: đường 120 (ĐQ), quốc lộ 15, tỉnh lộ 760, ấp 57 (CM), chiến
khu Đ (VC)… Để chỉ số lượng, có các địa danh như ấp Ba Tầng (ĐQ), cầu 2 Cống
(XL), cư xá Năm Tầng (BH), ấp Ba Bàu Sen (NT)… Một vài địa danh dùng số là từ
Hán Việt: ấp Ngũ Phúc (TB), ấp Nhất Hòa (BH), ấp Nhị Hòa (TB), ấp Tam Hiệp
(XL)…
Trong số 111 làng thời Pháp thuộc (năm 1897) của tỉnh Biên Hòa xưa, chỉ có
bốn địa danh dùng số là làng Nhất Hòa (BH), làng Nhị Hòa (BH), làng Tam Hòa
(BH) và làng Tam Thiện (LT). Trong khi đó, địa danh hành chính của tỉnh Đồng
Nai ngày nay lại dùng rất nhiều số thứ tự để đặt địa danh. Điều này cũng dễ hiểu vì
số lượng các xã, huyện, khu phố, tổ dân phố ngày càng tăng.
2.1.2. Phương thức chuyển hóa
Chuyển hóa là phương thức chuyển một địa danh này thành một hoặc nhiều
địa danh khác. Trong quá trình chuyển hóa, địa danh mới có thể giữ nguyên dạng
của địa danh cũ, hoặc thêm một vài yếu tố mới. Sau khi chuyển hóa, địa danh cũ có
thể mất đi hoặc cùng tồn tại với địa danh mới [53, tr.69]. Chẳng hạn từ tỉnh Đồng
Nai, địa danh này đã có sự chuyển hóa theo kiểu tiếp nhận một danh từ chung khác
đi kèm với địa danh “Đồng Nai” như sông Đồng Nai, cầu Đồng Nai, cảng Đồng
Nai, bến xe Đồng Nai.
Hai hình thức chuyển hóa chủ yếu trong địa danh Đồng Nai là chuyển hóa
trong nội bộ một loại địa danh và chuyển hóa trong bốn loại địa danh với nhau.
2.1.2.1 Chuyển hóa trong nội bộ một loại địa danh
a. Địa danh chỉ địa hình thiên nhiên: suối Bí → hồ Suối Bí (TN), suối Rết →
hồ Suối Rết (XL), sông Ông Kèo → rạch Ông Kèo (NT), đồi Rìu → núi Đồi Rìu
(TXLK), suối Ram → núi Suối Ram (CM)…
b. Địa danh chỉ công trình xây dựng: ga Hố Nai → đường Ga Hố Nai (BH),
công viên Biên Hùng → bùng binh Biên Hùng (BH), chợ An Viễn → cầu An Viễn
(TB); cầu Hang → ngã tư Cầu Hang (BH); đường Hiệp Hòa → chợ Hiệp Hòa
(BH)…
c. Địa danh hành chính: xã Phú Lập → ấp Phú Lập (TP), xã Phú Tân → ấp
Phú Tân (ĐQ), huyện Long Thành → thị trấn Long Thành (LT), huyện Trảng Bom
→ thị trấn Trảng Bom (TB), …
d. Địa danh vùng: giáo xứ Dầu Giây → khu công nghiệp Dầu Giây (TN), giáo
xứ Long Thành → khu công nghiệp Long Thành (LT)…
2.1.2.2. Chuyển hóa từ loại địa danh này sang loại địa danh khác
a. Địa danh chỉ địa hình thiên nhiên chuyển sang ba loại địa danh kia
- Chuyển sang địa danh chỉ công trình xây dựng: rạch Sỏi → cầu Rạch Sỏi
(BH), sông Buông → cầu Sông Buông (LT), suối Linh → cầu Suối Linh (BH), suối
Son → cầu Suối Son (ĐQ), rạch Đông → chợ Rạch Đông (VC), suối Bí → đập
Suối Bí (TN)…
- Chuyển sang địa danh hành chính: đồi Rìu → ấp Đồi Rìu (TXLK), núi Tung
→ ấp Núi Tung (LK), rạch Bảy → ấp Rạch Bảy (NT), sông Thao → xã Sông Thao
(TB), giồng Ông Đông → ấp Giồng Ông Đông (NT)…
- Chuyển sang địa danh chỉ vùng: vườn Ngô → giáo xứ Vườn Ngô (TP), sông
La Ngà → giáo xứ La Ngà (ĐQ), rạch Ông Kèo → khu công nghiệp Ông Kèo
(NT)…
b. Địa danh hành chính chuyển sang ba loại địa danh kia
- Chuyển sang địa danh chỉ địa hình thiên nhiên: ấp 7 → cù lao Ấp 7 (ĐQ); xã
Trị An → hồ Trị An (VC), xã Giang Điền → hồ Giang Điền (TB)…
- Chuyển sang địa danh chỉ công trình xây dựng: thị xã Long Khánh → chợ
Thị Xã Long Khánh (TXLK), thị trấn Định Quán → chợ Thị Trấn Định Quán (ĐQ),
ấp Tam Hiệp → chợ Ấp Tam Hiệp (XL)…
- Chuyển sang địa danh vùng: ấp Bảo Thị → giáo xứ Ấp Bảo Thị (XL), huyện
Long Thành → khu công nghiệp Long Thành (LT), huyện Tân Phú → khu công
nghiệp Tân Phú (TP) ...
So với địa danh chỉ địa hình thiên nhiên và địa danh hành chính thì địa danh
chỉ công trình xây dựng ít có sự chuyển hóa sang các loại địa danh khác. Ví dụ
chuyển hóa sang địa danh hành chính chỉ có một trường hợp: cầu Hang → ấp Cầu
Hang (BH); và chuyển hóa sang địa danh chỉ địa hình cũng vậy: cầu Vạc → suối
Cầu Vạc (LT). Đối với loại địa danh vùng, không có trường hợp chuyển hóa ngược lại.
2.1.3. Phương thức ghép
2.1.3.1. Ghép chữ cái với số thứ tự và ngược lại
Ở cách ghép này, phần lớn là các địa danh chỉ công trình xây dựng: đường
K24, cầu C1 (TB), cầu C2 (TB), cầu C3 (TB), trại giam B5 (BH), trại giam K4
(TXLK), hồ K3 (XL), hồ M09 (XL)…; hay như các địa danh đường 600A (TP),
quốc lộ 1K, tỉnh lộ 25B…
2.1.3.2. Ghép địa danh với số thứ tự và ngược lại
Ghép địa danh với số thứ tự: trạm bơm Trị An 1 (VC), kênh Tập Đoàn 1 + 2
(LT), cầu Phú Tân 1 (NT), chợ Đồi 61 (TB), đập Bình Xuân 1 (XL), đập Gia Liêu 2
(XL), giáo xứ Kẻ Sặt 2 (BH), khu công nghiệp Biên Hòa 1 (BH)…
Trường hợp ngược lại, ghép số thứ tự với địa danh, ta có: cầu 12 Cống (XL),
cầu 4 Cống (CM), chợ 104 - Phú Ngọc (ĐQ), chợ 105 - Phú Ngọc (ĐQ), chợ 102 -
La Ngà (ĐQ), chợ 13 - Phú Lập (TP)…
2.1.3.3. Ghép địa danh với địa danh
Đó là các địa danh: chợ Ấp 3 - Hiệp Phước (NT), chợ KP7 - Tân Biên (BH),
chợ Ấp 2 - Xuân Đường (CM), chợ Ấp 10 - Xuân Tây (CM), chợ KP2 - Long Bình
(BH), chợ Đại An - Tân An (VC)…
2.1.3.4. Ghép các yếu tố Hán Việt
Cách này thường dùng để đặt tên các đơn vị hành chính, đặc biệt là tên xã, ấp,
và trước đây là tên làng, thôn. Các yếu tố Hán Việt này hầu hết đều mang ý nghĩa
tốt đẹp như Tân, An, Bình, Long, Phú, Thạnh, Lộc, Mỹ…
a. Ghép các thành tố đầu của các địa danh
Chẳng hạn như thời Pháp thuộc, làng Long Bình (thuộc tổng Long Vĩnh
Thượng, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hoà) được ghép từ tên hai làng Long Khánh
và Bình Dương.
Làng Bình An (1957) được ghép từ hai địa danh ấp Bình Đa và ấp An Hảo.
b. Ghép các thành tố cuối của các địa danh
Đó là địa danh xã Phú Thạnh (quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa cũ) được ghép
từ hai địa danh xã An Phú và xã Phước Thạnh.
c. Ghép các thành tố cùng có một chữ đầu tên giống nhau rồi thêm số từ
chỉ số lượng vào trước chữ ấy
Chẳng hạn như làng Tam An (thuộc tổng Long Vĩnh Thượng, quận Long
Thành, tỉnh Biên Hòa) được ghép tên của ba làng có cùng chữ “An” đứng đầu là An
Định, An Phước, An Xuân.
d. Ghép một số yếu tố Hán Việt như Thượng - Trung - Hạ, Đông - Tây -
Nam - Bắc, Nhất - Nhì - Tam - Tứ… vào cuối địa danh để nhằm mục đích phân
biệt các địa danh với nhau.
Một số tên làng như: Bình Kính Đông, Bình Kính Tây (trước thuộc tổng An
Thủy nay thuộc xã Hiệp Hòa - BH); Tân Triều Đông, Tân Triều Tây (trước thuộc
tổng Phước Vinh - trấn Biên Hòa nay thuộc xã Tân Bình - VC); Tân Hạnh Đông,
Tân Hạnh Tây (trước thuộc tổng Chánh Mỹ nay thuộc xã Tân Hạnh - BH); ấp
Thành Tuy Hạ (NT)…
2.1.4. Phương thức vay mượn
Phương thức vay mượn có hai cách chủ yếu: vay mượn địa danh nơi khác
thuộc lãnh thổ Việt Nam và vay mượn từ của ngôn ngữ khác.
2.1.4.1. Vay mượn địa danh nơi khác thuộc lãnh thổ Việt Nam để đặt địa danh
a. Cách vay mượn này không có gì lạ so với các tỉnh khác ở trong nước. Trong
quá trình di cư đến vùng đất mới, người dân thường tập trung thành một nhóm và
lấy tên làng xã cũ để đặt tên cho vùng đất mới. Theo thời gian, vùng đất Đồng Nai
cũng tiếp nhận nhiều đợt dân di cư khác nhau chủ yếu là người miền Bắc và miền
Trung. Vì vậy, có thể dễ dàng nhận ra những cái tên như khu Quảng Ngãi (LT) (tập
trung người dân ở tỉnh Quảng Ngãi), ấp Thanh Hóa (TB, chủ yếu là người Thanh
Hóa đến đây sinh sống), ấp Quảng Biên (TB), chợ Quảng Biên (TB), chợ Thái Bình
(BH)…
Phương thức này cũng được thấy rõ qua hàng loạt địa danh chỉ vùng, cụ thể là
các giáo xứ ở Đồng Nai như Bùi Chu (TB), Bắc Ninh (NT), Hà Nội (BH), Hải
Dương (BH), Kẻ Sặt (BH), Kẻ Sặt 2 (BH), Sài Quất (TB), Thanh Hóa (TB)…
Ngoài ra còn có một số địa danh khác như đường thủy Nhà Bè, ngã tư Vũng
Tàu (BH), khu phố Bình Dương (BH), xã Long An (LT), trạm bơm Bình Phước
(VC)…
b. Vay mượ
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVNNH010.pdf