Tài liệu Luận văn Ngành giấy Việt Nam trước những thách thức hội nhập kinh tế khu vực: Ngành giấy việt nam trước những thách thức hội nhập kinh tế khu vực
Sinh viên : Bùi thị quỳnh trang
Lớp : A4-K38B KTNT
Mục lục
Lời nói đầu.......................................................................................................... 4
Chương I: Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy khu vực châu á..................................................................................................................... 6
I. Vai trò của ngành giấy trong nền kinh tế thị trường 6
II. Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy các nước trong
khu vực châu á 10
1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ mặt hàng giấy 10
2. Tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng giấy 17
2.1. Thị trường bột giấy 17
2.2. Thị trường giấy loại 19
2.3. Thị trường giấy thành phẩm 20
III. Dự báo nhu cầu của thế giới và khu vực đối với mặt hàng giấy
trong thời gian tới 21
1. Thị trường giấy 21
2. Thị trường bột giấy 24
Chương II: Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy
Việt Nam tro...
92 trang |
Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1201 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Ngành giấy Việt Nam trước những thách thức hội nhập kinh tế khu vực, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngành giấy việt nam trước những thách thức hội nhập kinh tế khu vực
Sinh viên : Bùi thị quỳnh trang
Lớp : A4-K38B KTNT
Mục lục
Lời nói đầu.......................................................................................................... 4
Chương I: Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy khu vực châu á..................................................................................................................... 6
I. Vai trò của ngành giấy trong nền kinh tế thị trường 6
II. Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy các nước trong
khu vực châu á 10
1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ mặt hàng giấy 10
2. Tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng giấy 17
2.1. Thị trường bột giấy 17
2.2. Thị trường giấy loại 19
2.3. Thị trường giấy thành phẩm 20
III. Dự báo nhu cầu của thế giới và khu vực đối với mặt hàng giấy
trong thời gian tới 21
1. Thị trường giấy 21
2. Thị trường bột giấy 24
Chương II: Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy
Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực............................ 26
I. Vài nét khái quát về lịch sử phát triển của ngành giấy Việt Nam 26
1. Nghề làm giấy cổ truyền và những tiền đề để phát triển ngành giấy ở
Việt Nam 26
2. Vài nét về công nghiệp giấy nước ta 30
II. Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành giấy Việt Nam trong
những năm gần đây 33
1. Tình hình sản xuất các mặt hàng giấy của Việt Nam 33
2. Tình hình tiêu thụ các mặt hàng giấy của Việt Nam 38
2.1.Tình hình tiêu thụ trong nước 38
2.2. Tình hình xuất khẩu ra nước ngoài 40
3. Tình hình nhập khẩu các mặt hàng giấy từ nước ngoài 41
3.1. Thị trường nhập khẩu 41
3.2. Kim ngạch nhập khẩu 42
III. Những khó khăn và thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của
ngành giấy Việt Nam 44
1. Khó khăn 44
1.1. Còn quá nhiều bất cập trong việc cung cấp nguyên liệu cho
ngành giấy 44
1.2. Công nghệ lạc hậu 48
1.3. Trình độ quản lý yếu kém 49
1.4. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp 50
1.5. Thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phức tạp và kéo dài 53
1.6. Quá trình cổ phần hoá diễn ra chậm chạp 54
2. Thuận lợi 55
2.1. Nhu cầu của thị trường nội địa đối với mặt hàng giấy tương đối lớn 55
2.2. Vùng nguyên liệu trong nước rất rộng lớn 56
2.3. Đây là ngành được Nhà nước quan tâm đầu tư 59
Chương III: Các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của
ngành giấy Việt Nam trước những thách thức hội nhập kinh tế khu vực................................................................................................................... 61
I. Các cơ hội và thách thức đối với ngành giấy Việt Nam trong điều kiện
hội nhập kinh tế khu vực 61
1. Quá trình hội nhập kinh tế khu vực của Việt Nam 61
2. Các cơ hội 64
3. Các thách thức 66
II. Các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành giấy Việt Nam 67
1. Về phía Nhà nước 67
1.1. Xây dựng phương án chủ động về nguyên liệu cho ngành giấy 67
1.2. Xúc tiến việc triển khai các dự án đầu tư cho ngành giấy 74
1.3. Định hướng lại chiến lược sản phẩm và chiến lược thị trường 75
1.4. Thúc đẩy quá trình cổ phần hoá ngành giấy 77
2. Về phía doanh nghiệp 78
2.1. Nâng cao trình độ công nghệ 78
2.2. Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm 83
2.3. Nâng cao trình độ quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh 85
2.4. Tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại 86
kết luận ............................................................................................................. 88
tài liệu tham khảo.......................................................................................90
lời nói đầu
Trước khi giấy viết ra đời, ngay từ thời cổ con người đã biết viết, biết vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau như đá, mai rùa, xương thú vật, đất sét, đất nung, thẻ tre, nứa, trúc, lá cọ, lụa, đồng, ... Từ xa xưa, ở nước ta, cả người Kinh lẫn người Thái, Mường, Tày, Nùng, Chăm, Khơmer,... đều đã biết viết vẽ trên một số chất liệu như vậy.
Ngày nay, người ta đã khẳng định một người Trung Quốc tên là Thái Luân sống vào đầu thời Hán chính là người đầu tiên phát minh ra giấy. Ông được người Trung Quốc tôn làm ông Tổ của nghề làm giấy. Giấy viết ra đời thực sự đánh dấu một bước phát triển cao của khoa học - kỹ thuật và đưa loài người bước vào kỷ nguyên văn minh. Giấy là loại sản phẩm đặc biệt, phục vụ rộng rãi các lĩnh vực từ văn hoá, giáo dục, sản xuất công nông nghiệp đến những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của con người. Chính vì thế, đã có lúc người ta đánh giá trình độ văn minh của một quốc gia qua lượng tiêu thụ giấy bình quân đầu người của nước đó. Ngành giấy, vì thế, đã trở thành một ngành được xã hội dành cho nhiều ưu đãi. Ngành giấy Việt Nam cũng vậy, cũng được Nhà nước dành cho rất nhiều ưu đãi và đã có một lịch sử phát triển tương đối lâu dài.
Xu thế hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đang là một xu thế diễn ra hết sức mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Quá trình hội nhập kinh tế khu vực đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở Việt Nam. Đứng trước xu thế đó, ngành giấy - một ngành được coi là "đứa con cưng" của công nghiệp Việt Nam - sẽ làm gì để khắc phục những khó khăn, thách thức do quá trình hội nhập đặt ra, làm gì để tận dụng những cơ hội mà hội nhập đem lại và làm gì để biến những thách thức thành cơ hội cho chính mình? Câu hỏi đó chính là lý do thúc đẩy tôi tìm hiểu sâu hơn về ngành giấy Việt Nam để có thể đóng góp một số giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại của ngành giấy, đưa ngành giấy bắt kịp với xu thế hội nhập kinh tế khu vực của cả nước hiện nay.
Tôi đã chọn đề tài: "Ngành giấy Việt Nam trước những thách thức hội nhập kinh tế khu vực châu á" cho luận văn tốt nghiệp của mình. Luận văn bao gồm các phần sau:
Chương I: Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy khu vực châu á
Chương II: Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực
Chương III: Các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành giấy Việt Nam trước những thách thức hội nhập kinh tế khu vực
Tôi xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của thạc sĩ Phạm Thu Hương, xin cảm ơn Khoa Kinh tế ngoại thương đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tôi hoàn thành tốt luận văn tốt nghiệp của mình
Hà Nội ngày 7/12/2003
Sinh viên
Bùi Thị Quỳnh Trang
Chương I
Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy khu vực châu á
I. Vai trò của ngành giấy trong nền kinh tế thị trường
Trong cơ cấu công nghiệp của các nước, ngành sản xuất bột giấy và giấy được xếp là một ngành công nghiệp nặng bởi ngành này mang đầy đủ các đặc trưng của một ngành công nghiệp nặng.
Thứ nhất, vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành giấy là rất lớn vì khi tiến hành một dự án đầu tư vào ngành này, ta không những phải đầu tư cơ sở, dây chuyền sản xuất các sản phẩm giấy mà còn phải tính đến việc xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp bột cho dự án sản xuất giấy. Chỉ xét riêng chi phí dành cho xây dựng cơ sở, dây chuyền sản xuất đã là một con số rất lớn. Để đầu tư một máy giấy mới, chi phí trung bình đã là 1000 đến 1500 USD cho một tấn sản phẩm một năm (tính cho riêng thiết bị). Do đó, để đầu tư một dây chuyền sản xuất giấy in và giấy viết (giấy cao cấp) có công suất 50.000 tấn/năm thì chi phí đầu tư thiết bị sẽ lên đến 50 đến 75 triệu USD. Với những dây chuyền sản xuất có công suất lớn hơn thì chi phí đầu tư cũng lớn hơn nhiều lần. Lấy dây chuyền sản xuất cáctông hòm hộp từ nguyên liệu giấy loại được đầu tư bởi Cheng Loong - nhà sản xuất giấy giấy bao gói lớn nhất Đài Loan và hai nhà sản xuất giấy khác của Nhật Bản là Tokai Pulp & Paper và Mitsubishi Corporation làm ví dụ. Với công suất đạt 300.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư của dây chuyền đã lên tới 130 triệu USD - một con số không hề nhỏ. Một ví dụ nữa là dây chuyền sản xuất cáctông hòm hộp 4 lớp mặt trắng (WLC) có tráng mà Metso Paper kết hợp với công ty Valmet-Tây An (Trung Quốc) cung cấp cho công ty Dongguan Jian Hui (Trung Quốc) được lắp đặt tại tỉnh Quảng Đông và dự kiến sẽ được khởi chạy vào tháng 4-2004. Tổng giá trị hợp đồng ước tính khoảng 35 triệu EURO. Dự án nhà máy bột giấy KonTum đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 873/QĐ-TTg ngày 13/09/1999 cũng là một ví dụ. Với công suất 130.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến đã là 239,5 triệu USD và trên thực tế có thể còn lớn hơn.
Thứ hai, chi phí đầu tư lớn khiến cho thời gian thu hồi vốn kéo dài, vốn quay vòng rất chậm. Với chi phí đầu tư cho mỗi dây chuyền sản xuất lớn như vậy, được tính bằng con số hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD thì doanh thu của toàn Tổng công ty giấy Việt Nam dường như quá khiêm tốn. Năm 1995, tổng doanh thu của Tổng công ty là 1.306 tỷ VND, đến năm 1998 lên tới 2.274 tỷ VND, năm 1999 đạt 2.100 tỷ VND... Với doanh thu như vậy thì liệu đến bao giờ máy móc mới được khấu hao hết?
Hơn nữa, khả năng sinh lời của ngành giấy lại không cao. Lợi nhuận thu về rất nhỏ so với tổng doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành giấy rất thấp, chỉ đạt 1%-2%, thấp hơn rất nhiều so với các ngành công nghiệp khác.
Vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, khả năng sinh lời không cao, vậy tại sao nhiều nước vẫn tiếp tục đầu tư để duy trì và phát triển ngành công nghiệp sản xuất bột giấy và giấy? Nguyên nhân là bởi ngành này mặc dù còn nhiều hạn chế như vậy nhưng lại có nhiều tác động tới quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung.
Tác động tới nền kinh tế đất nước và phát triển kinh tế địa phương
Thứ nhất, hàng năm ngành giấy đã đóng góp trực tiếp cho ngân sách của Nhà nước thông qua việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc ngành giấy phải nộp các loại thuế: thuế lợi tức, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng cho chính quyền địa phương và trung ương.
Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất giấy tiêu thụ rất nhiều nguyên vật liệu sản xuất trong nước như nguyên liệu giấy (gỗ, tre, nứa...), than, bột đá, muối,... Điều này đồng nghĩa với việc góp phần làm tăng sản lượng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho những người cung cấp nguyên nhiên vật liệu nội địa như khai khoáng, lâm nghiệp, hoá chất và dầu khí. Đến lượt mình, các ngành này lại làm tăng thêm hoạt động của các ngành phục vụ khác có liên quan đến hoạt động của nó.
Ngành giấy và bột giấy gắn liền với việc trồng rừng và bảo vệ môi trường, tăng khả năng giữ nước ở các khu vực đất cao đã nâng cao sản lượng nông nghiệp, góp phần vào các chương trình xoá đói giảm nghèo ở những vùng sâu, vùng xa.
Ngành này còn tạo đầu ra cho các sản phẩm lâm nghiệp. Các sản phẩm thu được từ rừng như gỗ thông, bạch đàn, keo, luồng và các loài tre ... đều có thể sử dụng làm nguyên liệu cho ngành giấy. Ngành giấy phát triển kéo theo việc trồng rừng được quan tâm nhiều hơn không chỉ về mặt lượng mà cả về mặt chất, tức là không chỉ được khuyến khích tăng thêm diện tích rừng trồng mà còn được đầu tư cho việc nghiên cứu lai tạo các loại giống cây mới, nghiên cứu điều kiện địa lý khí hậu từng vùng để xác định loại cây trồng phù hợp và phương thức chăm sóc hiệu quả ... Khuyến khích trồng rừng một mặt góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống và ổn định thu nhập cho người dân địa phương, mặt khác còn có tác động rất tích cực đến môi trường. Diện tích rừng mở rộng giúp cải thiện điều kiện môi trường, làm giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một nặng nề. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp giấy còn sử dụng các nguồn nguyên liệu từ giấy vụn, giấy loại, bã mía, ... cũng là một cách để làm giảm ô nhiễm môi trường. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước châu á điển hình có tỷ lệ sử dụng giấy vụn tái sinh cao trên thế giới. Tỷ lệ bột giấy từ giấy loại thu hồi để tái chế sử dụng tại Hàn Quốc lên đến 72%. Xuất phát từ những lý do này mà trên thế giới, các nước có diện tích đất đai lớn như Inđônêxia, Thái Lan, Ôtxtrâylia, ... đều chú trọng phát triển công nghiệp bột giấy và giấy.
Mặt khác, công nghiệp bột giấy và giấy là ngành công nghiệp sử dụng hầu hết các sản phẩm của các ngành công nghiệp khác. Trước tiên phải kể đến ngành động lực và cơ khí. Để phát triển công nghiệp bột giấy và giấy, cần phải trang bị rất nhiều loại máy móc trang thiết bị như máy xeo giấy, máy tráng, hệ thống ép, sấy,... có giá trị rất lớn. Muốn nâng cao hiệu quả và năng suất lao động phải sử dụng các sản phẩm của ngành điều khiển và tin học. Đặc biệt trong công nghiệp giấy sử dụng rất nhiều các sản phẩm của ngành hoá chất như xút, sunfat, perôxit hyđrô, silicat natri,... ngay từ công đoạn đầu tiên sản xuất bột giấy cho đến những công đoạn sau này. Ngay cả những thành tựu của công nghệ sinh học cũng đã được áp dụng rất triệt để vào các công đoạn của quá trình sản xuất giấy. Trước tiên là áp dụng vào việc tạo giống cây trồng. Công nghệ sinh học giúp các nhà nghiên cứu tạo ra được những giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, cho năng suất cao, có vòng đời ngắn, kỹ thuật chăm sóc đơn giản thay thế cho những loại cây lấy gỗ truyền thống trước đây, ví dụ như các dòng vô tính bạch đàn (PN2, PN14, PND3, GU8, U6), các dòng vô tính keo lai (BV10, BV16, BV32) và nhiều dòng khác đang được khảo nghiệm hoặc đã đưa vào sản xuất đại trà. Ngoài ra công nghệ sinh học còn tạo ra nhiều chế phẩm ứng dụng trực tiếp vào sản xuất giấy như các loại enzym dùng trong công nghệ tẩy trắng bột giấy, ...
Không chỉ vậy, ngành giấy còn góp phần làm hình thành nên một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác. Đó là ngành gia công, chế biến các sản phẩm từ giấy của các nhà máy như: xén, kẻ giấy, đóng tập vở, làm bìa cáctông,...
Thứ ba, ngành giấy sản xuất ra các sản phẩm như giấy viết, giấy in, giấy photocopy, khăn giấy, các loại giấy chuyên dụng,... đáp ứng nhu cầu trong nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Việc tự đáp ứng được nhu cầu trong nước sẽ góp phần giảm được nhập khẩu giấy, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Thứ tư, ngoài những đóng góp cho nền kinh tế của cả quốc gia, việc xây dựng các nhà máy sản xuất giấy tại các địa phương cũng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế của chính địa phương đó. Lấy ví dụ như Nhà máy giấy Bãi Bằng đặt tại huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của cả tỉnh. Ngoài việc đóng góp gián tiếp thông qua việc tạo thu nhập ổn định cho trên 3.000 cán bộ, công nhân viên và gia đình họ, nhà máy còn tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các hoạt động kinh tế của địa phương qua việc mua nguyên vật liệu và bán sản phẩm cho các công đoạn gia công tiếp theo cho các cơ sở sản xuất của địa phương. Theo thống kê, có khoảng 80% hàng bán của các doanh nghiệp địa phương là phục vụ hoặc trực tiếp cho nhà máy hoặc gián tiếp cho các nhu cầu phát sinh từ nhà máy. Tính đến hết năm 2002, huyện Phong Châu có 42 cơ sở xén kẻ giấy, 2 cơ sở xeo giấy vệ sinh, 3 cơ sở sản xuất vôi, một số cơ sở chế biến than xỉ, sản xuất cáctông, keo thuỷ tinh,... với hàng trăm lao động.
Tác động tới việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực
Mỗi một nhà máy giấy được xây dựng sẽ kéo theo hàng loạt các chương trình đào tạo nghề, đào tạo chuyển giao kiến thức quản lý và vận hành nhà máy, chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ quản lý, thành lập và hỗ trợ trường dạy nghề giấy,... Các chương trình này không chỉ giúp nâng cao trình độ cho cán bộ công nhân viên về kiến thức kỹ thuật chuyên ngành giấy mà còn bổ sung các kiến thức về quản lý, về kinh tế và các kiến thức luật pháp, chính trị,...
II. Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy các nước trong khu vực châu á
1. Tình hình sản xuất và tiêu thụ mặt hàng giấy
Trong những năm gần đây, các nước trong khu vực bị ảnh hưởng khá nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm dẫn đến nhu cầu giấy và năng lực sản xuất giấy cũng bị giảm sút đáng kể, trừ một số nước như Trung Quốc, Việt Nam.
Thêm nữa, sự bùng nổ của dịch viêm phổi cấp tính (SARS) trong thời gian vừa qua đã gây nên ảnh hưởng tiêu cực đối với công nghiệp bột giấy và giấy châu á. Trung Quốc, Hồng Kông và Xingapo là những quốc gia được báo cáo là có tỷ lệ nhiễm dịch cao nhất khu vực và nền kinh tế của các nước này đã và đang phải hứng chịu hậu quả trực tiếp của bệnh dịch.
Cáctông hòm hộp là sản phẩm bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Trong tháng 6-2003, dịch bệnh lên đến đỉnh điểm đã khiến cho nhiều hoạt động mua bán bị đình trệ. Ngay từ cuối tháng 4-2003, một số ít nhà cung cấp Trung Quốc đã giảm giá OCC (cáctông hòm hộp cũ) xuống 10 USD/tấn nhằm tăng sức mua của khách hàng nhưng động thái này dường như không mấy hiệu quả. Hàng loạt hội chợ thương mại tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Xingapo bị huỷ bỏ do sự bùng nổ của SARS. Hệ quả là nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng như đồ điện tử, đồ điện và đồ gia dụng đã phải cắt giảm sản xuất trong thời gian này khiến cho nhu cầu về cáctông hòm hộp giảm sút.
Giấy bao gói cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù sản phẩm này không bị ảnh hưởng mạnh mẽ như cáctông hòm hộp sau khi nhiều hội chợ bị huỷ bỏ nhưng nhiều hợp đồng đã không được ký kết. Tuy nhiên, trong thời gian qua mức độ tiêu dùng sản phẩm dược tăng mạnh nên đã bù đắp được phần nào tổn thất trên. Giấy bao gói hiện vẫn đang là vật liệu bao gói chủ yếu của sản phẩm dược châu á.
Giấy in báo giảm sút. Tỷ lệ thu thập và quay vòng của giấy báo cũ và nhu cầu tiêu thụ giấy in báo vẫn ở mức thấp. Các nhà sản xuất và buôn bán giấy in báo trong khu vực cho rằng dịch SARS không những không thúc đẩy tiêu thụ mà dường như còn là một yếu tố làm giảm sức tiêu thụ. Hệ quả là hoạt động kinh tế ngừng trệ, quảng cáo giảm sút và các báo xuất bản đều cắt giảm trang in.
Giấy in từ bột hoá cũng trì trệ. Trong thời gian dịch SARS hoành hành, một số Chính phủ trong khu vực đã tung ra những chiến dịch quảng cáo sâu rộng nhằm giáo dục ý thức cho dân chúng về dịch bệnh SARS. Chiến dịch này đã tiêu thụ hàng triệu bản tin nhanh và các tờ rơi. Động thái này chỉ diễn ra ở những nơi đang có ổ dịch bùng phát, thúc đẩy tiêu thụ giấy in từ bột hoá nhưng cũng không bù đắp được cho sự trì trệ, giảm sút của thị trường các nước khác.
Tuy vậy, trong Hội nghị bột giấy và giấy Đông Nam á (FAPPI) lần thứ 11 tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/9/2002, ASEAN vẫn được đánh giá là khu vực có mức tiêu thụ các sản phẩm giấy rất lớn, cao gấp 3 lần mức bình quân của thế giới.
Trong khu vực châu á, hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản là nước có sản lượng giấy đứng thứ hai trên thế giới. Sự phát triển của từng quốc gia này đều có những ảnh hưởng nhất định đối với ngành giấy khu vực và thế giới. Sau đây chúng ta sẽ nghiên cứu năng lực và thực tế sản xuất và tiêu thụ của ngành giấy một số nước trong khu vực.
Nhật Bản
Đối với Nhật Bản, đến tháng 6-2002 dấu hiệu phục hồi cũng hết sức chậm và trong khoảng tháng 9-2002, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Nhật Bản ở mức âm 0,9%, kéo theo nhu cầu tiêu thụ giấy xuống mức âm 2,4%. Giá thị trường giấy cũng xuống thấp gây bất lợi cho nhà sản xuất, đặc biệt là giấy bao bì. riêng tình hình giấy in có khá hơn nhưng lợi nhuận vẫn đạt thấp. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng cũng phần nào làm tăng giá giấy từ 10 - 15%. Để ổn định nguồn nguyên liệu, các công ty Nhật Bản đang phát triển trồng nguyên liệu tại các nước như Ôtxtrâylia, Chi Lê, Trung Quốc, Nam Phi và Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản là nước có sản lượng giấy cao thứ hai trên thế giới, đạt 30,7 triệu tấn giấy và 10,8 triệu tấn bột giấy năm 2001.
Ngành giấy Nhật Bản đã thành lập Hiệp hội giấy Nhật Bản bao gồm 44 thành viên, các thành viên hầu hết là các công ty lớn. Mỗi công ty này có hơn 400 công ty vừa và nhỏ trực thuộc. Nguồn thu nhập duy nhất cho hoạt động của Hiệp hội này là lệ phí của các hội viên, bình quân khoảng 1 tỷ Yên mỗi năm. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đầu tư phát triển do từng doanh nghiệp tự tổ chức vì đây là các đơn vị rất lớn, có mục tiêu, mặt hàng và thị trường khác nhau. Việc tổ chức nghiên cứu riêng sẽ thuận lợi hơn cho mỗi đơn vị và đầu tư sát với mục tiêu, đặc điểm riêng và tránh được tình trạng lãng phí.
Đối với vấn đề môi trường, Nhật Bản đang hướng tới một "Kế hoạch hành động đầy thiện chí vì môi trường", trong đó mục tiêu chủ yếu là giảm thiểu số lượng tiêu thụ năng lượng đến năm 2010 là 10% so với năm 1990 (đến năm 200 đã giảm được 7,2% so với năm 1990), mở rộng diện tích rừng trồng trong nước và ở nước ngoài đến năm 2010 là 550.000 ha (hiện là trên 400.000 ha) và gia tăng tỷ lệ sử dụng giấy vụn tái chế tới 60% vào năm 2005 (năm 2001 là 58%).
Trung Quốc
Sơn Đông, Hà Nam, Triết Giang, Quảng Đông, Hà Bắc và Giang Tô là sáu tỉnh có nền công nghiệp giấy lớn nhất Trung Quốc. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2001, sản lượng giấy bìa của 6 tỉnh này đã đạt 14,418 triệu tấn chiếm 70% tổng sản lượng của toàn Trung Quốc.
Tỉnh Sơn Đông: Trong nhiều năm trở lại đây Sơn Đông luôn chiếm vị trí số 1 về sản lượng bìa Trung Quốc. Giấy văn hoá là sản phẩm chủ đạo nhưng Sơn Đông có tốc độ sản xuất giấy bao gói công nghiệp cũng rất mạnh. Nguyên liệu thô được sử dụng chủ yếu là bột gỗ nhập khẩu, giấy loại và bột phi gỗ sản xuất tại địa phương. Các công ty giấy lớn của Sơn Đông là Chenming Paper, Huatai Paper, Sun Paper, Bohui Paper và Tralin Paper.
Tỉnh Triết Giang: Sản phẩm chủ yếu của công nghiệp giấy Triết Giang là giấy bao gói và cáctông hòm hộp. Năm 2001, sản phẩm của Triết Giang chiếm 19,3% và 13,8% tương ứng. Nguyên liệu chủ yếu là bột gỗ thương phẩm nhập khẩu và giấy loại. Tỷ lệ sử dụng giấy loại chiếm 76% và năm 2001 tiêu thụ 2,4 triệu tấn.
Tỉnh Giang Tô: Hiện nay Giang Tô có tới 80 nhà máy sản xuất giấy và bột giấy. Đây cũng là nơi có nhiều công ty liên doanh lớn như APP, UPM, Stora-Enso... Năm 2000, tổng sản lượng giấy bìa các loại của Giang Tô đạt 2,8 triệu tấn. Giang Tô là trung tâm sản xuất giấy và bìa có tráng lớn nhất Trung Quốc.
Tỉnh Quảng Đông: Quảng Đông hiện đang là nơi sản xuất loại sản phẩm có mức độ tiêu thụ mạnh nhất Trung Quốc là giấy in báo và giấy bao gói công nghiệp. Giấy loại nhập khẩu và thu thập trong nước là nguồn nguyên liệu thô chủ yếu của Quảng Đông. Quảng Đông có một số nhà máy sản xuất bột giấy cơ học. Các công ty lớn ở Quảng Đông là Guangzhou Paper, Dongguan Nine Dragon Paper, L&M Paper và Lianhe Hongxing Paper.
Tỉnh Hà Nam và Hà Bắc: Các nhà máy giấy tập trung tại hai tỉnh này đều có quy mô vừa và nhỏ. Nguyên liệu sử dụng chủ yếu là bột rơm rạ và giấy loại thu hồi. Sản phẩm là giấy văn hoá và giấy bìa bao gói có chất lượng thấp. Công nghiệp giấy của hai tỉnh này đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và hiệu quả hoạt động thấp.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng loạt các dự án sản xuất giấy bìa, cáctông. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2004 có thêm 33 máy xeo bìa, cáctông mới với công suất tối thiểu mỗi dây chuyền xeo là 50.000 tấn/năm.
Bảng 1:
Công suất bìa cáctông của Trung Quốc gia tăng trong giai đoạn 2000-2004
(chỉ tính máy xeo có công suất >50.000 tấn/năm)
Năm đầu tư
Số lượng máy xeo
Công suất (1.000 tấn)
2000
6
965
2001
6
720
2002
12
1990
2003
6
1010
2004
3
1200
(Nguồn: Tạp chí Công nghiệp giấy số 121 tháng 1/2003)
Như vậy, có thể thấy tổng công suất sản xuất bìa cáctông của Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2004 sẽ tăng khoảng 4,2 triệu tấn, trong đó khoảng 2 triệu tấn gia tăng công suất là của các dự án đầu tư trong năm 2002.
Năm 2002, một lần nữa Trung Quốc lại dẫn đầu khu vực với việc khởi chạy các dây chuyền mới, gia tăng các công suất giấy, bìa mới trong khu vực. Trong năm 2002 đã có trên 1,6 triệu tấn công suất mới cáctông hòm hộp đi vào hoạt động ở đất nước này. Chỉ tính riêng thành phố Đông Quan (Quảng Đông) đã có tới hai dây chuyền cáctông hòm hộp của Nine Dragons - 400.000 tấn/năm và Lee & Man - 300.000 tấn/năm được đưa vào sản xuất thương mại năm 2002. Riêng công ty Nine Dragons trong năm 2002 đã lên kế hoạch đầu tư khổng lồ với tổng công suất cáctông hòm hộp mới lên tới 3 triệu tấn /năm. Dây chuyền đầu tiên PM5 của kế hoạch này xeo giấy kraftliner công suất 450.000 tấn/năm sẽ hoạt động vào quý I/2004, tiếp theo đó là dây chuyền xeo bìa hòm hộp có tráng công suất 400.000 tấn/năm. Cả hai dây chuyền này đều được lắp đặt tại Đông Quan (Quảng Đông). Tháng 6-2002, Stora Enso đã hoàn tất báo cáo khả thi và đã được phê duyệt dây chuyền giấy tráng công suất 450.000 tấn/năm tại Tô Châu, gần Thượng Hải.
Hàn Quốc
Một trong những nước có khả năng phục hồi nhanh chóng nhất trong khu vực sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 là Hàn Quốc. Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2000 đạt trên 10% và năm 2001 là 3%, 6 tháng đầu năm 2002 là 6,1%. Việc tổ chức thành công giải chung kết bóng đá thế giới là cơ hội thuận lợi, tạo được nhiều tiền đề mới cho việc phát triển nền kinh tế Hàn Quốc trong tương lai. Do vậy, nền công nghiệp giấy cũng phát triển khá ổn định, sản lượng giấy sản xuất năm 2001 là 11,4 triệu tấn, 6 tháng đầu năm 2002 là 6,12 triệu tấn. Hàn Quốc cũng là một trong những nước sử dụng bột giấy từ giấy loại thu hồi để tái chế cao hơn thế giới, chiếm 72%.
Các nhà sản xuất Hàn Quốc trong năm 2002 đã được hưởng sự bùng nổ của thị trường chưa từng có vì nhu cầu trong nước tăng đột ngột, chủ yếu là do các hoạt động trong nước và sự kiện quốc tế được tổ chức tại đây như FIFA World Cup, Busan Asian Games và cuộc bầu cử Tổng thống. Nhưng theo Hiệp hội sản xuất giấy Hàn Quốc (KPMA) thì sự tăng đột ngột doanh thu của các nhà sản xuất giấy chủ yếu do nỗ lực không ngừng nhằm tăng năng suất và tính cạnh tranh quốc tế của sản phẩm giấy Hàn Quốc kể từ năm 2001. Công nghiệp giấy của Hàn Quốc không bị tác động của suy thoái kinh tế và tỷ giá hối đoái dao động là do biện pháp quản lý và giảm chi phí hợp lý, tăng năng suất lao động cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở ngoài nước.
Công nghiệp giấy của Hàn Quốc nhờ sự phục hồi của xuất khẩu, đang trên đà tăng trưởng mạnh mặc dù tình hình suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục. Theo KPMA thì sản lượng giấy sản xuất trong nước chỉ riêng quý I đã đạt 3,41 triệu tấn, tăng 8,6% so với năm 2002. Nhu cầu giấy trong nước cũng tăng 5,8% lên 2,53 triệu tấn trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Ngành giấy đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong các ngành công nghiệp, với tỉ lệ tăng trưởng 17%, lên 875.000 tấn. Trong những tháng đầu năm 2003, cả sản lượng, nhu cầu nội địa và kim ngạch xuất khẩu ngành giấy đều vượt qua con số tương ứng đạt được trong năm 2002.
Tuy vậy, các nhà sản xuất trong nước vẫn tiếp tục lên kế hoạch điều chỉnh chi phí để chuẩn bị mở cửa toàn diện thị trường giấy bắt đầu từ đầu năm 2004 theo cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Thuế suất của WTO đối với giấy nhập khẩu hạ từ 8% xuống 7,5% trong năm 2001, tiếp tục giảm xuống 2,5% trong năm nay và sẽ bỏ thuế nhập khẩu từ năm 2004.
Trong tương lai, Hàn Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp gia tăng nhu cầu tiêu thụ giấy ở thị trường nội địa và xuất khẩu, tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, dịch vụ kỹ thuật để nước này trở thành nước sản xuất giấy thứ 9 thế giới. Mục tiêu những năm tới của Hàn Quốc là phát triển đa dạng hoá nhiều loại mặt hàng có giá trị thay vì gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng mẫu mã các loại sản phẩm để tăng ưu thế cạnh tranh.
Inđônêxia
Những nỗ lực tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ của Công ty bột giấy và giấy châu á APP (Asia Pulp & Paper) Inđônêxia trong năm 2002 là tâm điểm chú ý của ngành công nghiệp giấy của toàn khu vực và châu lục. Nỗ lực tái cơ cấu khoản nợ lên đến 13,9 tỷ USD của APP được Ngân hàng tái thiết Inđônêxia (IBRA) hỗ trợ đã giữ một vai trò chủ đạo trong kế hoạch trả nợ của công ty. Mặc dù đang phải gánh một khoản nợ rất lớn nhưng APP vẫn quyết định tiến hành thực hiện dự án xây dựng một nhà máy bột giấy khổng lồ tại Hải Nam (Trung Quốc). Nhà máy sản xuất bột giấy kraft gỗ cứng tẩy trắng, công suất 1 triệu tấn/năm sẽ khởi chạy vào cuối năm 2004.
Đài Loan
Đài Loan là một trong những nước châu á có ngành giấy phát triển khá sớm, từ thập niên 1960. Sau đợt khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế phục hồi chậm, 6 tháng đầu năm 2002, tăng trưởng kinh tế chưa cao, thị trường tiêu thụ giấy trong nước đã bão hoà và họ đang trông chờ vào những nỗ lực phát triển của thị trường xuất khẩu. Sản lượng giấy và bao bì của Đài Loan năm 2001 là 4,2 triệu tấn (thấp hơn năm 1995). Trong 6 tháng đầu năm 2002, do có những chính sách cải cách về kinh tế, sản lượng bán ra rất khả quan, tăng 10,3%, trong đó giấy bao bì tăng 14,5%. Sản lượng bột tự sản xuất năm 2001 là 370.000 tấn, giảm 3,9% so với năm 2000 đáp ứng 31% nhu cầu bột giấy cần cho sản xuất. Tỷ lệ sử dụng bột giấy từ giấy loại tái chế cũng đạt ở mức cao, đạt 60,4% năm 2001, 6 tháng đầu năm 2002 tăng 6%. Do ảnh hưởng của trận lũ lụt ở Đài Bắc gây thiệt hại nặng nề về sản lượng hàng hoá nông sản và công nghiệp. 6 tháng đầu năm 2002, giá giấy loại tăng 5% so với cùng kỳ năm 2001 trong khi giấy trong nước khó có khả năng cạnh tranh so với giấy nhập khẩu. Đài Loan đã phấn đấu và gia nhập WTO vào năm 2002, do đó cũng sẽ phải thực hiện giảm thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2004. Đây là một thách thức đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các nhà sản xuất giấy trong nước, đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài, tăng cường ưu thế cạnh tranh của sản phẩm ở mức độ toàn cầu.
Philippin
Philippin là một quốc gia có sản lượng giấy tương đối nhỏ so với khu vực. Tuy nhiên, sản lượng giấy hiện nay của nước này là mục tiêu của ngành giấy Việt Nam đạt tới vào năm 2010. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 cho đến nay, Philippin đã đầu tư hơn 300 triệu USD để nâng công suất sản xuất giấy và bao bì lên 1,7 triệu tấn/năm. Philippin có 37 nhà máy, trong đó có một nhà máy lớn nhất sản xuất bột giấy và giấy, 4 nhà máy sản xuất bột, 33 nhà máy tái chế. Các nhà máy đều chú trọng đến việc đạt được các chứng chỉ quốc tế như ISO 9001/9002, 14001 và 18001. Trong gần 10 năm liền, tổ chức SIDA (Thuỵ Điển) đã giúp đỡ nước này về môi trường trong lĩnh vực sản xuất giấy. Giai đoạn 4 của dự án do SIDA tổ chức tập trung vào việc hoàn thiện những điều luật mang tính hướng dẫn cho ngành công nghiệp đặc trưng, áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn BAT (Best Available Technology) cho tất cả các ngành công nghiệp giâý và bột giấy sau này. Mục tiêu trong những năm tới của Philippin là gia tăng lượng sử dụng bột giấy từ giấy loại tái chế, tăng chủng loại mặt hàng và giảm bớt nhập khẩu, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng cường cho công tác nghiên cứu khoa học và đầu tư phát triển, computer hoá hệ thống kiểm soát vận hành, mở rộng các nhà máy hiện có, mở rộng quan hệ với các nước ASEAN, thúc đẩy chính quyền dành sự công bằng về kinh doanh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường (chủ yếu là nước thải).
2. Tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng giấy
2.1. Thị trường bột giấy
Cuối năm 2002 và đầu năm 2003, nhu cầu bột giấy của các nước châu á suy giảm khiến cho giá bột giấy giao ngay và bột giấy theo hợp đồng kỳ hạn, nhất là bột gỗ cứng đều sụt giảm. Chuyển động giảm giá mạnh nhất tại thị trường bột giấy châu á là ở thị trường Trung Quốc. Các khách hàng trên khắp châu á đều muốn các nhà cung cấp và nhà buôn giảm giá xuống ngang bằng với mức giá tại Trung Quốc.
Thị trường bột giấy châu á vào quý II/2003 tương đối ổn định. Lượng hàng dự trữ của các khách hàng châu á luôn ở mức thấp do có tâm lý trông chờ vào sự giảm giá hơn nữa sẽ diễn ra. Trong khi đó một nguyên nhân thúc đẩy giá gia tăng là lượng hàng tồn kho của khu vực Norscan đã xuống thấp 1,475 triệu tấn.
Vào đầu quý III/2003, giá bột giấy thị trường châu á đối với hợp đồng kỳ hạn và giao ngay đều ổn định. Nhưng các nguồn tin dự báo sẽ có sự thay đổi lớn vào thời gian tới. Trung Quốc đã quyết định áp dụng mức thuế VAT đầy đủ 17% đối với bột giấy từ Nga thay cho mức thuế 8,5% trước kia. Nhưng thay vào đó các nhà sản xuất Trung Quốc đang hi vọng vào giá bột giao ngay từ Nga sẽ giảm 30-70 USD/tấn còn 420-460 USD/tấn đối với bột NBSK và 20-60 USD/tấn còn 325-335USD/tấn đối với bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng (NBHK) từ đầu tháng 6/2003.
Do ảnh hưởng kéo dài của dịch SARS, giao dịch bột giấy tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vào thời điểm này cũng rất ảm đạm. Do nhu cầu thấp nên các nhà buôn đều kỳ vọng vào mức giảm tối thiểu 40 USD/tấn đối với bột NBSK từ Nga.
Ngay sau khi các nhà cung cấp Canada thông báo tăng giá tại mọi thị trường vào tháng 9/2003, giá giao ngay và hợp đồng kỳ hạn các loại bột gỗ mềm tẩy trắng đều tăng giá tại thị trường châu á. Trong khi đó, bột gỗ mềm không tẩy vẫn không thay đổi.
Giá hợp đồng kỳ hạn bột NBSK tăng 20 USD/tấn tại Nhật Bản và Hàn Quốc, giá giao ngay bột NBSK tại Trung Quốc lại tăng thêm 10 USD/tấn sau khi đã tăng 20-30 USD/tấn vào đầu tháng 8/2003. Các nhà cung cấp Canada đang nỗ lực tăng giá giao ngay NBSK tại Trung Quốc lên đến 510 USD/tấn. Động thái này đã đẩy nhu cầu tiêu thụ bột gỗ thông đỏ, thông phương nam và bột gỗ mềm tẩy trắng của Nga gia tăng. Bột gỗ thông đỏ tăng 30-40 USD/tấn đạt 460-480 USD/tấn tại Trung Quốc, bột gỗ mềm tẩy trắng Nga tăng 60 USD/tấn đạt 450-460 USD/tấn, bột thông phương nam tăng 20 USD đạt 430-450 USD/tấn.
Khách hàng hợp đồng thường xuyên hầu khắp châu á đều cắt giảm khối lượng NBSK và chuyển sang nguồn bột gỗ cứng. Giá bột gỗ cứng vẫn ổn định, trái với sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó hãng Aracruz (Braxin) đã tăng giá bột bạch đàn tại thị trường châu á lên 20 USD/tấn từ 1/9/2003, đạt 470 USD/tấn.
2.2. Thị trường giấy loại
Trong quý II/2003, do nhu cầu suy giảm, nguồn cung gia tăng dẫn đến giá giấy loại liên tục giảm giá tại thị trường châu á. Mặc dù giá giảm nhưng khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp. Thị trường cáctông hòm hộp và giấy in báo châu á đang trong tình trạng trì trệ nên tỷ lệ thu hồi cáctông hòm hộp cũ (OCC) và giấy báo cũ (ONP) tại khu vực ở mức thấp.
Bảng 2:
Tình hình biến động giá cả giấy loại châu á từ tháng 11/2002
đến tháng 8/2003
Đơn vị: USD/tấn, CIF cảng châu á
Tháng
11/2002
12/2002
3/2003
4/2003
5/2003
8/2003
OCC
120-135
105-120
145-155
120-145
115-125
130-145
Lề kraft 2 lớp mới
130-150
130-150
150-165
150-165
150-165
160-175
ONP
140-155
125-140
150-160
135-145
120-130
130-135
Giấy loại hỗn hợp
90-105
90-105
115-120
115-120
95-105
110-115
Lề trắng lựa chọn
225-245
225-245
240-270
240-270
240-260
230-270
Lề trắng cứng
330-350
330-350
350-365
350-365
360-395
340-395
(Nguồn: Tạp chí Công nghiệp giấy năm 2002 và 2003)
Thị trường giấy loại châu á thay đổi thất thường, nhất là giai đoạn cuối tháng 8/2003. OCC nhập khẩu từ Mỹ tăng giá trong tuần kết thúc vào ngày 22/8/2003 nhưng lại giảm ngay vào tuần sau đó.
Hiện tượng lên xuống thất thường của thị trường châu á đã ảnh hưởng đến thị trường Mỹ, nguyên nhân là do các nhà sản xuất cáctông hòm hộp cũ từ nguyên liệu giấy loại tại Trung Quốc đột ngột ngừng giao dịch.
Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng giấy vụn tái sinh cao ở châu á và trên thế giới. Trước đây nguồn nguyên liệu từ giấy tái sinh chủ yếu để sản xuất trong nước, nhưng từ năm 2002, do nhu cầu sử dụng giấy tái sinh của các nước ASEAN gia tăng nên Nhật Bản đã có khuynh hướng gia tăng lượng xuất khẩu giấy tái sinh với sản lượng mục tiêu của năm 2003 là 2 triệu tấn.
2.3. Thị trường giấy thành phẩm
Giấy in báo
Một số nền kinh tế châu á có dấu hiệu cải thiện đã làm gia tăng hoạt động quảng cáo và tỷ lệ phát hành báo chí. Do sự gia tăng mạnh của số đầu báo phát hành tại châu á, nhu cầu giấy in báo hiện đang ổn định và có xu hướng gia tăng trên toàn khu vực.
Theo thông báo của Hiệp hội báo chí thế giới, trong năm 2002, doanh thu báo chí của Nhật Bản giảm 1,2%, đây cũng là năm suy giảm thứ 6 liên tục. Nhưng hiện nay Nhật Bản vẫn là nước có số lượng báo phát hành lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Trung Quốc có lượng báo phát hành ngày lên đến 82 triệu bản, Nhật Bản là 70,815 triệu bản, sau là ấn Độ 57,844 triệu bản và thứ tư là Mỹ với 55,186 triệu bản. Điều này cho thấy châu á là thị trường có tiềm năng rất lớn đối với mặt hàng giấy in báo.
Kể từ đầu tháng 8/2003, thị trường giấy in báo bắt đầu biến động mạnh, giá giấy in báo tăng. Một trong những nguyên nhân của sự tăng giá là sự ổn định của đồng yên Nhật Bản và đồng euro đã kéo theo sự tăng giá của giấy báo khi thanh toán bằng USD. Cước vận tải từ châu âu về châu á gia tăng, đồng euro ổn định vững đã làm giảm lượng giấy in báo theo hợp đồng giao ngay từ châu âu. Điều này đã làm ổn định thị trường và hỗ trợ cho việc tăng giá giấy.
Tại Malaixia, nhập khẩu giấy in báo đang bị lắng xuống do bị áp dụng thuế chống bán phá giá đối với giấy nhập khẩu từ Canada, Inđônêxia, Hàn Quốc, Philippin và Mỹ. Mức thuế chống bán phá giá 7,91%-43,24% được áp dụng từ tháng 6/2003. Nhưng trước đó các nhà nhập khẩu Malaixia đã tích trữ một lượng lớn khi thuế chống bán phá giá còn chưa được ban hành và giá giấy in báo còn ở mức thấp.
Giấy tráng từ bột hoá
Thị trường giấy không tráng từ bột hoá liên tục giảm giá, trong khi đó giấy tráng từ bột hoá lại có biến động ngược lại. Chính phủ Trung Quốc đã phát hiện ra các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã bán phá giá giấy tráng từ bột hoá nên đã quyết định nâng mức thuế từ 5,58% lên đến 71,02%. Do tác động này mà trong thời gian qua giấy tráng từ bột hoá nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc liên tục tăng giá. Lượng nhập khẩu đã bị giảm sút do các nhà cung cấp đã rút bớt sang các thị trường châu á khác mà không bị luật chống phá giá chi phối.
III. Dự báo nhu cầu của thế giới và khu vực đối với mặt hàng giấy trong thời gian tới
1. Thị trường giấy
Theo dự báo dài hạn, nền kinh tế thế giới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,9%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất sẽ là Trung Quốc, châu á - Thái Bình Dương và Đông Âu với mức 4-7%/năm. Các quốc gia phát triển sẽ đạt tốc độ phát triển 1,5-2,6%/năm đến 2015. Tốc độ tăng trưởng cao sẽ thúc đẩy tiêu dùng các loại hàng hoá. Giấy là một mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày nên lượng tiêu thụ chắc chắn cũng sẽ tăng mạnh.
Dân số thế giới sẽ tăng 1,2%/năm từ 6 tỷ người năm 2000 lên 7,2 tỷ người năm 2015. Dân số tăng mạnh nhất là Trung Quốc, ấn Độ và châu Phi. Như vậy số lượng người tiêu dùng cũng tăng lên rất nhiều và tất yếu là nhu cầu sử dụng các sản phẩm giấy cũng tăng lên.
Nói chung, in ấn trên giấy vẫn là phương thức quảng cáo phổ biến và có giá trị thu hút mạnh mẽ nhất. Quảng cáo trên Internet sẽ gia tăng mạnh mẽ, nhưng trong năm 2000 mới chỉ chiếm có 1% trong tổng chi phí quảng cáo toàn cầu và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 4-5% vào năm 2005. Đây cũng là một điều kiện dẫn tới nhu cầu giấy trong tương lai duy trì ở mức cao.
Khăn giấy, giấy vệ sinh
Tỷ lệ người già trong cơ cấu dân số thế giới sẽ gia tăng. Điều đó sẽ liên quan đến công nghiệp giấy như thiết kế bao gói cho lứa tuổi già, nhu cầu sản phẩm cho giáo dục và sự thay đổi của thị trường khăn giấy.
Tốc độ gia tăng của sản phẩm giấy sử dụng trong sinh hoạt gia đình sẽ cao hơn so với mức tăng dân số. Tại Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản mức tăng dân số sẽ là 0,3%/năm, nhưng sản phẩm giấy sử dụng trong sinh hoạt gia đình sẽ đạt 1,0%/năm.
Sản lượng khăn giấy toàn cầu hiện nay vào khoảng 25 triệu tấn, trị giá khoảng 30 tỷ USD, một nửa tiêu thụ tại Bắc Mỹ, tiếp theo là châu Âu, châu á và các thị trường khác. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân toàn cầu của ngành công nghiệp này vào khoảng 4%/năm trong suốt thập kỷ qua. Tính đến cuối năm 2004, trên thế giới sẽ có thêm 57 máy xeo khăn giấy mới được đưa vào sản xuất và sẽ tăng thêm khoảng 2 triệu tấn cho sản lượng toàn thế giới.
Bắc Mỹ có mức tiêu thụ bình quân đầu người 22 kg/người/năm, cao gần gấp đôi Nhật Bản và châu Âu với mức tiêu thụ 13kg/người/năm cho thấy tiềm năng khai thác của thị trường này còn rất lớn.
Tiêu thụ khăn giấy bình quân đầu người trên toàn thế giới vào khoảng 3,4kg. Một số nhà dự báo cho rằng nhu cầu khăn giấy trên toàn thế giới sẽ tăng bình quân 3,2%/năm đến năm 2010. Như vậy có nghĩa là thị trường khăn giấy sẽ tăng thêm khoảng 30 triệu tấn chỉ trong vòng 7 năm tới. Sự tăng trưởng mạnh nhất sẽ tập trung ở Trung Quốc và một số khu vực ở châu á, nơi có mức sống và thu nhập có thể sẽ tăng theo sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Giấy bìa
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy bìa trên toàn thế giới được dự báo sẽ đạt 453 triệu tấn vào năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 2,2% với khối lượng giao dịch cụ thể đạt trên 200 triệu tấn.
Dự báo đến năm 2015, gia tăng tiêu thụ các sản phẩm giấy, bìa sẽ đạt mức cao nhất tại châu á, khoảng 66 triệu tấn và 171 triệu tấn, chiếm trên 50% mức tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu trong giai đoạn 2000-2015. Châu á sẽ chiếm 38% trong tổng mức tiêu thụ giấy toàn cầu vào năm 2015. Khu vực Tây Âu sẽ đạt mức tăng tiêu thụ 22 triệu tấn và Bắc Mỹ là 12 triệu tấn vào năm 2015.
Giấy bao gói
Thị trường giấy bao gói sẽ có nhiều thay đổi, cáctông hòm hộp và các ngành công nghiệp liên quan sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa hòm hộp cáctông sóng và các loại vật liệu bao gói mới khác.
Thị trường hiện nay đã hướng tới nhu cầu sử dụng cáctông hòm hộp chất lượng cao thay cho việc sử dụng cáctông nhiều mức chất lượng như trước đây. Các công ty đa quốc gia khi xuất khẩu hàng hoá đều cần các sản phẩm cáctông hòm hộp cóchất lượng cao, do đó xu hướng sử dụng các sản phẩm cáctông chất lượng cao sẽ tăng lên đáng kể.
Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm giấy bao gói công nghiệp của các nước trên thế giới rất lớn và ngày càng tăng. Riêng khu vực Đông Nam á năm 1999 cần tới 8,4 triệu tấn, năm 2000 nhu cầu tăng lên 12,9 triệu tấn. Dự báo năm 2010 nhu cầu giấy bao gói công nghiệp của khu vực này sẽ là 27 triệu tấn. Đây là khu vực thị trường có tiềm năng lớn cần chú trọng phát triển của ngành giấy.
Giấy in báo
Trong khi việc tiêu thụ giấy in báo được dự báo sẽ trì trệ tại Bắc Mỹ, Tây âu và Nhật Bản thì lại rất phát triển ở các khu vực khác. Nhu cầu giấy in và giấy viết toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định cao ở 2,6%/năm.
Mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người có liên quan mật thiết với thu nhập bình quân đầu người (GDP). Mối liên quan này càng chứng tỏ ảnh hưởng của công nghiệp giấy đối với sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đời sống kinh tế xã hội nói chung. Các quốc gia có mức thu nhập thấp và vừa với lượng dân số đông đúc như châu á - Thái Bình Dương và châu Mỹ – Latinh sẽ là khu vực tăng trưởng tiềm năng của công nghiệp giấy trong tương lai lâu dài.
2. Thị trường bột giấy
Thị trường bột giấy đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng chỉ khi nào các dự án đầu tư lớn được quyết định thì thị trường mới thực sự sôi động trở lại. Tăng trưởng của công nghiệp bột giấy được dự báo là sẽ khó có thể phục hồi trước năm 2004. Chi phí dành cho quảng cáo không hề gia tăng sẽ hạn chế rất nhiều khả năng phục hồi của công nghiệp giấy và bột giấy.
Theo Tập đoàn Andritz - nhà sản xuất giấy lớn nhất thế giới của Mỹ, nhu cầu bột giấy của thế giới trong những năm tới sẽ có mức tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm. Tại châu á, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu bột giấy tương đối lớn. Ngoài ra, Thái Lan, Malaixia và nhiều nước khác trong khu vực cũng có nhu cầu lớn về bột giấy. Thị trường Mỹ cũng có nhu cầu lớn về các loại bột giấy để chế biến giấy in, giấy viết. Tiềm năng xuất khẩu bột giấy để làm các loại bao bì đóng gói vào thị trường này cũng không hạn chế.
Việc củng cố và mở rộng công suất của các cơ sở sản xuất bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng phương Bắc (NBSK) đã dẫn đến sự tồn đọng của giấy tráng nhẹ (LWC). Theo dự báo, khi bột gỗ cứng trở lại đúng giá trị của nó, tức là thấp hơn giá của bột NBSK 20 USD/tấn thì sự lên ngôi tạm thời của bột gỗ bạch đàn như hiện nay sẽ không còn nhưng xét về lâu dài thì bột gỗ bạch đàn có lẽ sẽ trở thành chủng loại bột được ưa chuộng nhất. Công nghệ sản xuất giấy hiện đại đã cho phép các nhà sản xuất điều chỉnh một cách linh hoạt hơn và giảm sự phụ thuộc vào các loại bột sợi dài chất lượng cao.
Việc tăng sản lượng bột gỗ cứng BHK sẽ còn lâu nữa thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, trong khi đó mức tăng sản lượng giấy đã vượt mức tăng nhu cầu tiêu dùng. Như vậy, cho đến năm 2004 nhu cầu về giấy vẫn bằng với năm 2000.
ảnh hưởng của Trung Quốc
Trong khoảng thời gian 1997-2001, Trung Quốc chiếm 97% tốc độ tăng trưởng của thị trường bột giấy thế giới, nhưng khả năng duy trì được đà tăng trưởng này của Trung Quốc rất khó dự đoán. Theo nhận định của một số chuyên gia,các vấn đề tài chính, cơ cấu nợ, gia tăng sản lượng, sự an toàn của hệ thống ngân hàng và việc gia nhập WTO có thể sẽ ảnh hưởng đến năng lực của các nhà sản xuất lớn. Điều này có thể sẽ dẫn đến cắt giảm sản xuất, tiêu thụ bột giấy của Trung Quốc sẽ giảm trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng Trung Quốc có thể sẽ quay trở lại với sức tiêu thụ lớn vào đầu năm 2004.
ảnh hưởng của khu vực Bắc Mỹ
Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu thay cho hạn ngạch nên các nhà sản xuất Canada đã gia tăng sản lượng và xuất khẩu gỗ súc. Điều đó dẫn đến nguyên liệu dăm mảnh gia tăng và làm cho giá bột của khu vực có xu hướng giảm mạnh. Hơn nữa, đồng Đôla Canada yếu hơn Đôla Mỹ nên các nhà xuất khẩu Canada sẽ có lợi, nên hoạt động xuất khẩu của họ tăng mạnh.
ảnh hưởng của châu Âu
Mặc dù thị trường châu Âu là thị trường tiêu thụ bột giấy lớn của thế giới nhưng trong thời gian qua nhu cầu tiêu thụ bột giấy của khu vực này rất thấp. Hiện nay, kinh tế châu Âu đang ở trong giai đoạn trì trệ và kém phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP yếu, hoạt động kinh doanh sụt giảm. Do đó, các nhà sản xuất có rất ít cơ hội ở thị trường này.
Chương II
Thực trạng sản xuất kinh doanh của ngành giấy Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực
I. Vài nét khái quát về lịch sử phát triển của ngành giấy Việt Nam
1. Nghề làm giấy cổ truyền và những tiền đề để phát triển ngành giấy ở Việt Nam
Giấy do người Trung Quốc phát minh ra đầu tiên, còn ở Việt Nam người dân biết làm giấy từ bao giờ? Các nhà khoa học chưa tìm thấy câu trả lời trong thư tịch cổ nước ta, nhưng theo các thư tịch cổ của Trung Quốc thì người Việt Nam đã biết làm ra giấy từ những năm đâù của thế kỷ III sau Công nguyên. Vào thời kỳ đó, nguyên liệu chính để sản xuất giấy là những loài cây như trầm, mật hương, rong biển. Cây trầm cho sản phẩm giấy màu trắng, có vân như vẩy cá, mùi thơm, bền dai, bỏ xuống nước cũng không nát. Giấy làm bằng cây rong biển gọi là giấy trắc lý. Giấy làm từ cây mật hương được làm vật tiến cúng vua chúa và được người nước ngoài rất ưa dùng.
Như vậy, nghề làm giấy ở nước ta đã có từ lâu và càng ngày càng phát triển. Các làng nghề, phường nghề truyền thống làm giấy, điển hình là các làng nghề, phường nghề giấy ở kinh thành Thăng Long lần lượt ra đời. Mỗi làng nghề có một bí quyết làm giấy riêng nên chủng loại giấy làm ra rất phong phú và mang những nét đặc trưng riêng.
Vào thế kỷ 18, chúng ta đã biết dùng vỏ cây dó, vỏ cây thượng lục (còn gọi là cây niết) để làm giấy. Bấy giờ các trấn Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn thuộc thượng du và trung du Bắc Bộ đã trồng nhiều cây dó để làm giấy. Giấy dó có đặc tính dai, xốp, nhẹ, bền, dễ cắn màu, mực không nhoè khi viết, vẽ, in. Giấy dó ít bị mối mọt, ít bị dòn gãy, ẩm nát như nhiều loại giấy khác. Lựa chọn, phân loại và tinh chế nguyên liệu ở các mức độ khác nhau sẽ cho ra sản phẩm là các loại giấy dó khác nhau như giấy dó lụa, giấy lệnh, giấy sắc (còn gọi là giấy nghè), giấy bản,...
Giấy dó dùng vào rất nhiều việc như in sách, ghi chép các văn kiện nhà nước, đi học, đi thi. Hầu hết các loại sách cổ, sách Hán Nôm ở nước ta đều in trên giấy dó. Ngoài công dụng chính trên đây, giấy dó còn được dân ta dùng trong rất nhiều việc khác. Giấy dó là nguyên liệu chủ yếu để làm tranh dân gian. Các dòng tranh cũng như các trung tâm làm tranh dân gian lớn nhất ở nước ta như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng,... đều in trên giấy dó, giấy điệp (giấy dó được quét hồ điệp). Giấy dó còn được dùng vào việc đúc đồng, nặn tượng Phật, làm nguyên liệu để làm vàng quỳ, làm ngòi pháo, bồi dán đồ chơi trung thu cho trẻ con, làm vàng mã,...
Kỹ thuật làm giấy dó truyền thống, về cơ bản được tiến hành qua các công đoạn sau:
Giấy dó được làm bằng vỏ cây dó. Sau khi lột vỏ cây dó tươi, người ta đem ngâm trong nước lã 1 ngày, rồi vớt lên ngâm vào nước vôi loãng 2 ngày. Sau đó vớt ra, đem ủ thành đống, rồi giặt và đãi vỏ dó trong nước sạch để loại bỏ hết tạp chất. Lúc này còn lại những sợi xơ dó trắng muốt là chất liệu tinh khiết để làm ra giấy dó. Tiếp đến là đem nấu cách thuỷ xơ vỏ dó trong vạc liền trong 4 ngày. Trong khi nấu, vỏ dó được đảo liên tục. Sau khi vớt ra, đem giã bằng chày tay hoặc bằng cối giã gạo thủ công trong cối đá. Sau khi giã xong sẽ được một thứ bột quánh, đem bột đó thả vào tầu xeo. Tầu xeo giấy là bể nước có pha sẵn loại keo làm bằng nhựa cây mò. Lúc này ta được một thứ nước sền sệt, sau khi đem tráng trên liềm xeo nhiều lần sẽ hình thành những trang giấy. Liềm xeo hay còn gọi là mành xeo, được làm bằng cật nứa ngâm, chẻ nhỏ như que tăm, vót và đạp thật trơn, mỗi nan dài chừng 60 - 70 phân. Những chiếc nan nếu để mộc thì khi xeo bột giấy không bám nên phải đem hun. Kỹ thuật hun đòi hỏi rất công phu, người ta dùng mùn cưa trộn với phân bò khô để đốt, khi cháy có khói nhưng không bốc thành ngọn lửa. Hun trong 2 ngày, lúc nào thấy nan vàng đều là được. Công đoạn tiếp theo là đan. Khung đan làm bằng gỗ vàng tâm hoặc thứ gỗ chịu nước, có thanh ngang bào nhẵn chia đều thành những rãnh nhỏ cách nhau 2 phân. Chỉ dùng để đan mành xeo thường là tơ tằm se săn rồi đem nhuộm bằng nhọ nồi.
Khâu xeo giấy đòi hỏi phải khéo léo, nhẹ nhàng nên thường do phụ nữ đảm nhiệm. Họ đứng bên tàu xeo, hai tay dùng liềm xeo múc nước bột giấy rồi gác lên đòn cách bằng tre trên mắt tàu xeo cho nước nhỏ xuống hết, chỉ còn bột giấy đọng lại trên liềm. Nước khô dần, bột giấy se lại, trang giấy hiện ra trên liềm xeo. Giấy xeo xong phải ép, uốn (giấy ướt xếp chồng lên nhau gọi là uốn) cho thật kiệt nước rồi bóc rời từng tờ một, miết lên tường trong lò sấy để sau khi sấy xong tờ giấy sẽ khô đều và phẳng.
Trên đây là quy trình và công đoạn làm giấy dó cơ bản. Công việc làm giấy dó thường là thủ công nên vô cùng vất vả. Công cụ và phương tiện sản xuất đơn giản, chủ yếu là dùng sức người. Những người làm giấyViệt Nam đã tôn thờ những người đã có công truyền nghề cho mình làm Tổ nghề. Mỗi làng có một Tổ nghề của làng mình. Có thể kể tới một số làng nghề giấy nổi tiếng ở nước ta như:
Làng An Hoà, còn gọi là làng Giấy nằm bên bờ sông Tô Lịch, ở phía tây thành Thăng Long, từ thời Lý. Làng đã có nhiều gia đình làm nghề giấy và nghề này còn tồn tại đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20.
Làng Yên Thái (thuộc phường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội) tên cũ là làng Tích Ma nằm kề bên chợ Bưởi, còn có tên nôm là làng Cả. Từ thế kỷ thứ 15, làng Yên Thái đã có nghề làm giấy dó. Sản phẩm của làng có: giấythị (loại giấyđể viết các lệnh chỉ, cáo thị), giấy lệnh (để ghi các lệnh chỉ), giấy bản (dùng để in sách Hán Nôm), loại giấy để in tranh dân gian. Người thợ Yên Thái còn biết tận dụng các thứ vỏ dó thứ phẩm để làm các loại giấy moi, giấy phèn để gói hàng.
Làng giấy Nghĩa Đô (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Sản phẩm giấy của người thợ Nghĩa Đô là loại giấy sắc.
Làng Hồ Khẩu (thuộc phường Bưởi xưa) là làng làm nghề giấy, thờ ông tổ nghề giấy Thái Luân người Trung quốc và nhị vị thành hoàng là Cống Lễ, Cá Lễ, được phong là Thượng đẳng phúc thần.
Làng Đông Xã (xưa là thôn An Dông thuộc phường Yên Thái) là một làng nghề giấy truyền thống. Làng có tộc họ Nguyễn Thế chuyên làm giấy quỳ.
Làng An Thọ (xưa là thôn An Thọ thuộc phường Yên Thái, nay là cụm dân cư số 5 phường Bưởi) làm nghề giấy cổ truyền, gắn bó với Yên Thái từ thuở khai cơ lập nghiệp ở xóm Tích Ma.
Làng giấy Phong Khê (huyện Yên Phong, Hà Bắc cũ). Nghề làm giấy của làng có từ mấy trăm năm nay. Sản phẩm giấy truyền thống là giấy dó để in tranh dân gian Đông Hồ, để các thư hoạ gia viết chữ Nho, xeo ngòi pháo và làm vàng mã. ở thời cực thịnh làng có tới 300 đến 500 gia đình làm nghề xeo giấy. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Phong Khê sản xuất giấy dó, giấy bản là chủ yếu. Nguyên liệu chủ yếu để làm giấy của làng lúc đó là cây hướng dương và cây dó trồng ngoài bãi sông Hồng.
Làng giấy An Cốc (xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây). sản phẩm giấy của làng có các loại: giấy phương (dùng làm vàng mã), giấy trúc (làm quạt, pháo, để viết), giấy khang (gói hàng), giấy sắc (loại giấy quý để viết sắc phong của triều đình), giấy vua phê (loại giấy trắng như lụa, mịn mặt để cho vua ngự phê, ghi chép), giấy hành ri (giấy viết có trang trí hoa văn, các tích truyện cổ), giấy bìa. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, giấy tốt của An Cốc được Ngân hàng nhà nước ta chọn để in tiền cụ Hồ. Giấy của làng An Cốc còn được dùng để in báo Cứu quốc và tài liệu bổ túc văn hoá, xoá nạn mù chữ cho dân. Người làng An Cốc thờ Thái Luân làm thuỷ tổ nghề giấy của làng.
Làng Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm, Hà Nội nổi tiếng với nghề làm giấy quỳ. Làng thờ ông Nguyễn Quý Trị làm tổ nghề giấy quỳ.
Ngoài các làng nghề giấy trên, ở nước ta còn có một số làng làm giấy truyền thống như làng Xuân ổ (tục gọi làng ó ở Tiên Sơn, Bắc Ninh), làng Mai Chử (làng Mơ, Đông Sơn, Thanh Hoá), làng Lộc Tụy và Đại Phú (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình),...
Đầu thế kỷ 18, nghề làm giấy ở nước ta khá phát triển, có nhiều địa phương làm nghề giấy. Sản lượng giấy lúc này đã đạt mức đủ đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, vào đời vua Lê Thuận Tông, năm 1734, chúa Trịnh Giang đã sai khắc in các bộ sách quý mà trước kia vẫn phải in bằng giấy mua của Trung Quốc như Tứ Thư, Ngũ Kinh bằng giấy sản xuất trong nước. Để bảo hộ mặt hàng giấy sản xuất trong nước, Chúa Trịnh Giang đã ban bố lệnh cho các sĩ tử và mọi người dân trong nước không được mua các sách do nước ngoài in bán mà phải mua sách trong nước làm ra.
Sang thế kỷ 19, giấy trong nước sản xuất ra rất dồi dào khiến cho nhu cầu mua bán tăng nhanh, dẫn đến việc ra đời các chợ, phố buôn bán giấy như chợ Giấy (tức vùng Cầu Giấy hiện nay), chợ Bưởi, phố Hàng Giấy,... Việc làm ra giấy một mặt thúc đẩy việc học hành, phát triển giáo dục, mặt khác dẫn đến sự ra đời của một số ngành nghề thủ công khác như nghề khắc ván in, làm tranh dân gian, làm liềm xeo giấy, nghề làm giấy quỳ, làm vàng mã, đồ chơi, ...
Vào những năm 90 của thế kỷ 20, những người thợ giấy vùng Bưởi đã biết cơ giới hoá một số công đoạn trong sản xuất giấy dó mà vẫn đảm bảo được chất lượng truyền thống.
2. Vài nét về công nghiệp giấy nước ta
Trong thời gian thực dân Pháp chiếm đóng nước ta, dể phục vụ cho công cuộc cai trị, chúng đã cho xây dựng một số nhà máy sản xuất giấy bằng nguyên liệu của Việt Nam như Nhà máy giâý Đáp Cầu, Nhà máy giấy Mục Sơn (Thanh Hoá),...
Sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, các cơ sở sản xuất này tiếp tục duy trì sản xuất để phục vụ cuộc sống mới của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, để phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, một số nhà máy đã được tháo dỡ, di chuyển lên chiến khu để duy trì sản xuất. Đó là các nhà máy: Nhà máy giấy Lửa Việt (Phú Thọ), Nhà máy giấy Phùng Chí Kiên (tiền thân là nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Nhà máy giấy Đáp Cầu) đã có vinh dự được giao nhiệm vụ sản xuất giấy để in tiền giấy bạc Cụ Hồ cho Bộ Tài chính của chính quyền cách mạng.
Sau khi hoà bình được lập lại, ngành công nghiệp giấy cũng được Nhà nước quan tâm phát triển. Nhiều học sinh được cử đi học ngành giấy ở Trung Quốc, Liên Xô (cũ), Cộng hòa dân chủ Đức (cũ),...
Những làng nghề sản xuất giấy theo phương pháp thủ công truyền thống được tổ chức lại thành các hợp tác xã thủ công nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động.
Với sự giúp đỡ của Trung Quốc, trong những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, chúng ta đã xây dựng thêm một số nhà máy giấy có công suất nhỏ, sản xuất bằng các nguyên liệu tre nứa sẵn có trong nước. Một trong những nhà máy giấy xây dựng vào thời kỳ này là nhà máy giấy Việt Trì, được xây dựng vào năm 1958, công suất thiết kế là 20.000 tấn/năm. Vào thời điểm này, đây là nhà máy vào loại hiện đại, có công suất lớn nhất Đông Nam á. Nhà máy là một tổ hợp khép kín từ khâu sản xuất bột giấy đến khâu xeo giấy. Sản phẩm là giấy viết có độ trắng 75%, tờ khổ 787 x 1.092 mm. Nguyên liệu chính là tre nứa, gỗ chỉ là nguyên liệu phụ. Vùng nguyên liệu giấy gồm các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ.
Đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc làm cho các cơ sở công nghiệp, trong đó có các nhà máy giấy cũng bị đánh phá, sản xuất bị đình đốn. Từ thực tế đó, Bộ Công nghiệp đã có chủ trương tăng cường phát triển công nghiệp địa phương. Một số nhà máy giấy cỡ nhỏ ở các địa phương đã được xây dựng bằng trang thiết bị, vật tư máy móc kỹ thuật do Trung Quốc giúp. Đó là các nhà máy giấy:
- Nhà máy giấy Lam Sơn (Thanh Hoá).
- Nhà máy giấy Thuận Thành (Hà Bắc).
- Nhà máy giấy Yên Bái có công suất 900 tấn/năm.
- Nhà máy giấy Lào Cai có công suất 300 tấn/năm.
- Nhà máy giấy Tuyên Quang có công suất 600 tấn/năm.
- Nhà máy giấy Hoà Bình 1.000 tấn/năm.
- Nhà máy giấy Thái Bình có công suất 300 tấn/năm.
- Nhà máy giấy Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đội ngũ kỹ sư ngành giấy Việt Nam đã chế tạo thành công và đưa vào sử dụng công nghệ chế tạo giấy từ nguyên liệu bã mía, tận dụng phế liệu của các nhà máy đường. Công nghệ này đã áp dụng ở một số nhà máy giấy, tiêu biểu nhất là máy giấy Vạn Điểm. Để đáp ứng nhu cầu giấy ảnh ngày một tăng trong nước, Nhà nước cũng cho xây dựng nhà máy sản xuất giấy ảnh Bình Minh.
Mặc dù đã hình thành một nền công nghiệp giấy như vậy song do công suất nhỏ, kỹ thuật công nghệ còn lạc hậu nên sản lượng giấy vẫn còn thấp và chất lượng xấu, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội. Vào cuối những năm 60 của thế kỷ 20, tổng sản lượng giấy ở miền Bắc mới có khoảng 25.000 tấn/năm, tính ra khoảng 1kg/đầu người. Chất lượng giấy rất xấu, phần lớn giấy có độ trắng thấp, không dòng kẻ. Nhu cầu về giấy, đặc biệt là giấy cho học tập, in ấn ngày càng tăng. Việc xây dựng một nhà máy giấy có công nghệ cao, công suất lớn trở nên cấp thiết đối với miền Bắc nước ta trong những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20.
Trong gần 30 năm qua, mô hình tổ chức ngành Giấy - Gỗ - Diêm đã thay đổi 6 lần. Những thay đổi này không nằm ngoài mục đích tìm kiếm một mô hình tổ chức phù hợp với trình độ quản lý và phát triển của lực lượng sản xuất và phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.
Năm 1976-1978: Bộ Công nghiệp nhẹ quyết định thành lập hai công ty Giấy Gỗ Diêm theo khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty là một cấp kế hoạch, cấp trên trực tiếp của các doanh nghiệp thành viên, hoạt động theo Điều lệ do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành.
Năm 1978-1984: Hợp nhất hai Công ty Giấy Gỗ Diêm theo khu vực thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Giấy Gỗ Diêm cả nước, hoạt động theo Điều lệ Liên hiệp các Xí nghiệp do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành theo nghị định 302/CP ngày 1/12/1978 của Hội dồng Chính phủ.
Năm 1984-1990: Do điều kiện địa lý không thuận lợi, phương tiện giao thông và liên lạc còn lạc hậu, để thuận tiện cho việc quản lý và điều hành được kịp thời nên Liên hiệp các Xí nghiệp Giấy Gỗ Diêm cả nước được tách thành hai liên hiệp theo khu vực như ban đầu.
Năm 1990-1992: Do có sự chuyển đổi cơ chế quản lý của Nhà nước, tăng cường quyền tự do dân chủ cho các đơn vị cơ sở, để gắn sản xuất chung của ngành với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước nên Nhà nước đã phê duyệt cho hợp nhất hai Liên hiệp các Xí nghiệp Giấy Gỗ Diêm theo khu vực thành Liên hiệp sản xuất - xuất nhập khẩu do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành theo Nghị định 27/HĐBT ngày 22/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng.
Năm 1992-1995: Để chuyển mạnh mẽ hoạt động của Liên hiệp phù hợp với cơ chế thị trường, mở rộng quyền tự chủ của các đơn vị thành viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh và để phù hợp với Nghị định 388/HĐBT ngày 2/11/1991 nên ngày 22/3/1993 Bộ Công nghiệp đã ra Quyết định chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Liên hiệp SX-XNK Giấy Gỗ Diêm thành Tổng công ty Giấy Gỗ Diêm Việt Nam.
Từ tháng 4-1995 đến nay: Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty giấy Việt Nam theo quyết định 91/TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế kinh doanh.
II. Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành giấy Việt Nam trong những năm gần đây
1. Tình hình sản xuất các mặt hàng giấy của Việt Nam
Giai đoạn từ 1995-2000
Từ năm 1995, Tổng công ty giấy Việt Nam được thành lập trong điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, quy mô còn quá nhỏ bé, tản mạn. Trình độ trang thiết bị công nghệ lạc hậu, chắp vá, thiếu đồng bộ, chủ yếu được trang bị từ những năm 1960, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học công nghệ và công nhân vừa thiếu vừa yếu cả về trình độ lẫn kinh nghiệm. Ngoài ra, Tổng công ty giấy Việt Nam còn phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái của ngành giấy thế giới. Nhìn chung ngành giấy Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực 20-30 năm.
Trong giai đoạn này, Tổng công ty đã tập trung nguồn lực tự có (quỹ nghiên cứu khoa học, quỹ phát triển sản xuất,...) và vốn vay ngân hàng để hoàn thiện một bước dây chuyền công nghệ và thiết bị ở các nhà máy để tăng hiệu suất sử dụng và cải tiến một bước chất lượng sản phẩm. Không chỉ vậy, Tổng công ty còn tiếp tục nghiên cứu mở rộng quy mô các nhà máy hiện có, trang bị thêm thiết bị để tăng sản lượng phù hợp với thực tế từng nhà máy. Với những nhà máy lớn như Bãi Bằng, Tân Mai, Việt Trì,... áp dụng công nghệ tiên tiến để làm ra sản phẩm đạt chất lượng cao, cạnh tranh được với giấy nhập ngoại. Các nhà máy có trình độ lạc hậu như Vạn Điểm, Hoàng Văn Thụ, Bình An,... chỉ đầu tư ở mức vừa phải, sử dụng thiết bị cũ của các nước để từng bước nâng dần sản lượng, chất lượng sản phẩm và phù hợp với trình độ quản lý, vận hành của cán bộ công nhân nhà máy.
Bên cạnh đó, ngành giấy vẫn tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng các nhà máy bột giấy tập trung có đủ sức cân đối nhu cầu bột giấy. Trong giai đoạn này, hàng loạt công trình đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng như:
- Dự án mở rộng công ty giấy Việt Trì 25.000 tấn/năm,
- Công ty giấy Bãi Bằng 61.000 tấn bột/năm và 100.000 tấn giấy/năm,
- Dự án cải tạo máy xeo 3 của công ty giấy Tân Mai từ 30.000 tấn lên 45.000 tấn giấy in báo/năm,
- Đầu tư dây chuyền DIP, OCC, dây chuyền khăn giấy 10.000 tấn/năm,
- Nâng cấp nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ lên 15.000 tấn /năm,
- Nâng cấp nhà máy giấy Vạn Điểm lên 15.000 tấn /năm,
- Nâng cấp công ty giấy Bình An lên 45.000 tấn/năm.
Bảng 3:
Kết quả sản xuất kinh doanh của toàn Tổng công ty giấy Việt Nam giai đoạn 1995-2000
ĐVT
1995
1996
1997
1998
1999
2000
Giá trị TSL
Tỷ. đ
931
880
1112
1.465
1.498
1.505
Tổng doanh thu
Tỷ. đ
1.306
1.239
1646
2.274
2.100
1.982
Lợi nhuận
Tỷ. đ
38
32
57
76
44
16
Nộp ngân sách
Tỷ. đ
68
65
63
96
125
109
Sản lượng giấy
Tấn
90.571
113.606
127.373
165.373
168.929
172.450
Tăng trưởng
%
12,1
29,8
2,2
2,1
(Nguồn: 55 năm Công nghiệp Việt Nam)
Nhờ có những định hướng đúng đắn nên trong giai đoạn này, sản lượng giấy của toàn ngành tăng 3,15 lần (từ 113.600 tấn/năm lên 380.000 tấn/năm), đạt mức tăng trưởng bình quân 26,6%/năm. Trong đó, riêng sản lượng của khu vực I (thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam) đã tăng gần 2 lần (từ 90.571 tấn/năm lên 190.000 tấn/năm), tốc độ tăng bình quân 16,6%/năm. Khu vực II (địa phương, tư nhân và nước ngoài) tăng 56,9%.
Giá trị sản xuất sản phẩm giấy và các sản phẩm bằng giấy
0
200
400
600
800
1000
1200
1400
1600
1800
1995
1996
1997
1998
1999
Quốc doanh
Ngoài quốc doanh
Đầu tư nước ngoài
Tỷ đồng
(Nguồn: 55 năm Công nghiệp Việt Nam)
Tham gia vào ngành giấy có nhiều thành phần doanh nghiệp, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp quốc doanh, ngoài ra còn có các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện cả nước có 473 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong đó có 93 doanh nghiệp Nhà nước. Tổng sản lượng của các doanh nghiệp là 470.000 tấn/năm, đạt khoảng trên 70% công suất thiết kế.
Giai đoạn từ 2000 đến nay
Mặc dù đầu tư nâng cấp ở mức độ hạn chế nhưng sản lượng giấy toàn ngành đã đạt mục tiêu 300.000 tấn vào năm 2000. Chất lượng nhiều loại giấy sản xuất tiến bộ nhanh, đáp ứng nhu cầu thị trường như giấy in, giấy viết, giấy photocopy, giấy vệ sinh... Kinh tế quốc doanh vẫn là chủ đạo, chiếm thị phần cao ở những mặt hàng mang ý nghĩa kinh tế - chính trị - xã hội như giấy in báo, giấy in, giấy viết. Các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là khối tư nhân có mức độ phát triển nhanh trong khi khối trung ương phát triển chậm, nhất là những đơn vị vừa và nhỏ. Thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt, tăng gấp khoảng 2 lần kể cả lao động lâm nghiệp.
Bảng 4:
Sản lượng toàn ngành giấy Việt Nam giai đoạn 1999-2002
Năm
Sản lượng toàn ngành
Trong đó
So sánh
Tổng Công ty Giấy Việt Nam
Các doanh nghiệp khác
1
Tấn
%
2
Tấn
%
3
Tấn
%
2/1
%
1999
292.200
100
168.924
100
123.276
100
58
2000
350.103
119
173.965
103
176.035
143
50
2001
420.107
120
187.000
107
243.000
132
45
2002
538.231
128
192.665
103
345.463
148
36
(Nguồn: Hiệp hội GiấyViệt Nam)
Theo bảng 4, cho đến năm 2000, sản lượng giấy của Tổng Công ty Giấy luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng toàn ngành. Năm 1999, riêng sản lượng của Tổng công ty đã chiếm 58% tổng sản lượng toàn ngành, các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 42%. Đến năm 2000, khả năng sản xuất của Tổng công ty và các doanh nghiệp còn lại cân bằng nhau. Từ đó đến nay, tương quan giữa hai khu vực đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Sản lượng của các doanh nghiệp ngoài Tổng công ty đã tăng lên đáng kể.
Bảng 5:
Sản lượng giấy năm 2001-2002
Năm
2001
2002
So sánh
1
tấn
2
tấn
2/1
%
Giấy in báo
35.000
34.335
98
Giấy in và viết
130.052
135.120
104
Giấy làm bao bì cáctông
137.727
233.318
169
Giấy vệ sinh, khăn giấy
17.843
24.000
135
Giấy tráng
0
0
Giấy vàng mã xuất khẩu
74.278
80.000
108
Giấy vàng mã dùng trong nước
15.000
18.000
120
Khác
10.207
12.556
132
Tổng cộng
420.107
538.231
128
(Nguồn: Tạp chí Công nghiệp giấy số 125 tháng 6/2003)
Năm 2002 so với năm 2001, khối lượng sản xuất một số mặt hàng giấy như giấy in, viết, giấy vàng mã tăng nhẹ. Một số mặt hàng tăng rất mạnh, ví dụ như giấy làm bao bì cáctông, giấy vệ sinh, khăn giấy tăng mạnh. Trong khi đó, sản xuất giấy in báo lại có chiều hướng giảm. Bảng 5 là những con số cụ thể về tình hình biến động của sản lượng giấy trong năm 2002 so với năm 2001.
Năm 2003, ngành giấy Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, nhiều dự án đầu tư đã và đang được thực hiện để tăng năng lực sản xuất giấy. Tuy nhiên, đã xuất hiện hiện tượng đầu tư thiếu cân đối với nhu cầu thị trường. Trong khi nhu cầu về giấy bao bì chất lượng cao, giấy in tráng các loại và các loại giấy cao cấp khác chưa được chú ý đầu tư thì việc đầu tư vào sản xuất giấy in viết lại khá ồ ạt. Hiện tại, Công ty giấy Bãi Bằng đang lắp đặt thiết bị để tăng công suất sản xuất giấy in và giấy viết thêm 40.000 tấn/năm, nhà máy giấy Vạn Điểm mới đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất giấy in và giấy viết 15.000 tấn/năm. Ngoài ra, các công ty sản xuất giấy ở Bắc Ninh, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương lắp đặt các dây chuyền sản xuất giấy in và giấy viết với công suất lắp đặt tới 70.000 tấn/năm. Một số cơ sở đang có kế hoạch nâng sản lượng sản xuất giấy in và giấy viết của mình lên cao hơn hiện nay. Dự kiến vào đầu năm 2004 tổng năng lực sản xuất giấy in và giấy viết của nước ta sẽ vào khoảng 200.000 tấn/năm, trong khi nhu cầu dự báo chỉ khoảng trên 140.000 tấn/năm. Như vậy sẽ không tránh khỏi sự cạnh tranh gay gắt trong việc tiêu thụ giấy in và giấy viết, nhất là đối với loại chất lượng chưa cao của các dây chuyền sản xuất công suất thấp với trình độ kỹ thuật thấp dẫn tới hiệu quả kinh doanh của một số đơn vị sẽ giảm sút.
2. Tình hình tiêu thụ các mặt hàng giấy của Việt Nam
2.1.Tình hình tiêu thụ trong nước
Ngành giấy Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 50 - 70% nhu cầu nội địa. Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ giấy vào cuối năm 2002 đạt khoảng 660.000 tấn/năm, tương đương 8,3kg giấy/năm/người. Dự báo năm 2010, mức tiêu thụ sẽ tăng tới 13,5 kg/người.
Năm 2003 là năm khó khăn của ngành giấy. Các dự án đầu tư mở rộng một số nhà máy mới đi vào sản xuất chưa chiếm lĩnh được thị trường trong khi vẫn phải trả nợ ngân hàng khiến giá thành sản phẩm lên cao. Bên cạnh đó, giấy ngoại vẫn tràn vào liên tục. Một số doanh nghiệp lớn không trụ nổi đã phải ngừng sản xuất do thiếu thị trường. Công ty giấy Tân Mai để máy móc "đắp chiếu" một tháng trong quý I, chờ tiêu thụ giấy tồn kho. Dây chuyền giấy bao bì công nghiệp của công ty giấy Việt Trì dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2002 cũng phải ngừng máy từ cuối tháng 2 vì thiếu vốn lưu động và thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp khác thuộc Tổng công ty cũng gặp vô vàn khó khăn trong khâu tiêu thụ. Mức tồn kho vào cuối quý I/2003 của toàn Tổng công ty giấy là 38.000 tấn, tăng 10.000 so với cùng kỳ năm ngoái. Hai doanh nghiệp tồn kho nhiều nhất là Công ty giấy Bãi Bằng (17.000 tấn) và Công ty giấy Tân Mai (12.000 tấn).
Các doanh nghiệp sản xuất giấy đều thừa nhận, mặc dù đã nỗ lực đổi mới sản xuất, đầu tư nâng cấp các mặt hàng chất lượng cao, nhưng sản phẩm vẫn không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu về giá cả. Hàng loạt các công ty đã giảm giá bán như Tân Mai, Bãi Bằng, Đồng Nai song tiêu thụ vẫn chậm. Một số đơn vị phải áp dụng các biện pháp để kích thích tiêu thụ nhưng lượng giấy tồn đọng vẫn lớn.
Các sản phẩm giấy in báo, giấy viết và các sản phẩm giấy chuyên dụng ngoại vẫn gần như thống lĩnh thị trường nội địa. Công ty giấy Tân Mai từ đầu năm đến nay đã hai lần hạ giá và chịu lỗ nhưng vẫn không thể tiêu thụ được sản phẩm.
Thực tế, lượng giấy tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều chựng lại đối với cả hai loại giấy nội và giấy ngoại. Đặc biệt, có những thời điểm như vào tháng 9/2003 chỉ trong vòng hai tuần số lượng tiêu thụ các mặt hàng giấy viết do các nhà máy trong nước sản xuất đã giảm hẳn 50%.
Theo các công ty, hiện chỉ có sản phẩm bao bì cáctông là còn nhiều chỗ trống trên thị trường, bởi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước. Tuy nhiên chuyển đổi sang làm mặt hàng này lại không dễ vì bài toán vốn đầu tư sẽ làm đau đầu các nhà quản lý.
Một trong những mặt hàng có khả năng cạnh tranh nhất hiện nay là mặt hàng giấy vệ sinh. Nguyên nhân không phải bởi chất lượng giấy vệ sinh sản xuất trong nước vượt trội hơn các sản phẩm của nước ngoài. Ngược lại, chất lượng giấy vệ sinh trong nước còn thua kém rất nhiều so với hàng ngoại, nhưng do đặc điểm thị trường trong nước là người dân dùng hàng không quá cao cấp với túi tiền nên nếu doanh nghiệp kiềm giữ được chi phí sản xuất thấp thì khả năng cạnh tranh là tương đối cao. Chỉ riêng mặt hàng này đã có đến 50 thương hiệu trên thị trường nội địa cạnh tranh nhau rất gay gắt. Mức giá giấy vệ sinh trên thị trường hiện đang so kè từng chút một, giấy vệ sinh trong nước 1.000 đến 1.500 đồng/cuộn, còn giấy Thái Lan 1.800 đồng/cuộn. Mặt khác, do đặc điểm của mặt hàng này khá cồng kềnh, chi phí vận chuyển tốn kém nên đây có thể coi đây là một mặt hàng có nhiều lợi thế của doanh nghiệp trong nước.
Một mặt hàng khác cũng có thể cạnh tranh được là khăn giấy lụa. Các sản phẩm khăn giấy của nước ngoài giá thường cao hơn giấy trong nước khoảng 15% và có thể hơn do chất lượng "quá cao", trong khi người dân chỉ yêu cầu chất lượng sản phẩm vừa phải và giá cả hợp túi tiền. Ví dụ như các sản phẩm khăn giấy của Công ty giấy Bãi Bằng có chất lượng tương đối tốt với giá phải chăng đang dần dần được người tiêu dùng chấp nhận. Một hộp khăn giấy 150 tờ x 2 lớp có giá bán trên thị trường khoảng từ 5.500 đến 7.000 đồng, trong khi một hộp tương tự của hãng Puppy có bán trên thị trường là 12.000-15.000 đồng. Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, các sản phẩm khăn giấy sản xuất thủ công với giá thành cực rẻ cũng được rất nhiều các cửa hàng ăn uống, nhất là các cửa hàng bình dân ưa chuộng vì khách hàng thường ít chú ý và không quá khó tính khi dùng mặt hàng này. Như vậy bằng mọi giá chúng ta phải giảm giá thành các mặt hàng giấy vệ sinh, khăn giấy xuống để có thể duy trì được khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, một mặt hàng giấy nữa cũng không gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ là giấy vàng mã. Nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này tương đối lớn do thói quen đốt vàng mã là một thói quen lâu đời của người dân Việt Nam. Hơn nữa, phú quý sinh lễ nghĩa, mức sống ngày một cao, công việc làm ăn ngày càng phải chịu nhiều áp lực cũng khiến cho người dân trở nên "mê tín" hơn kéo theo nhu cầu tiêu thụ giấy vàng mã ngày càng tăng.
2.2. Tình hình xuất khẩu ra nước ngoài
Tình hình tiêu thụ sản phẩm giấy trong nước tương đối khó khăn nên việc xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn và còn rất hạn chế là điều không tránh khỏi.
Các sản phẩm như giấy viết, giấy in hầu như không có khả năng xuất khẩu do sức cạnh tranh kém. Các sản phẩm khác như giấy bao bì công nghiệp cao cấp, giấy couché, giấy duplex tráng phấn, giấy ảnh,... sản xuất trong nước còn chưa đáp ứng nổi nhu cầu nội địa, hàng năm phải nhập khẩu rất nhiều thì nói gì đến xuất khẩu.
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là bột giấy và giấy vàng mã. Thị trường xuất khẩu bột giấy lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, có thể nhập 1 triệu tấn bột giấy của Việt Nam mỗi năm. Năm 2001, nước ta xuất khẩu được 74.278 tấn giấy vàng mã còn năm 2002 xuất khẩu được 80.000 tấn. Tuy nhiên, sản phẩm này mới chỉ được sản xuất thủ công, chứ chưa được sự quan tâm của các công ty lớn.
Hi vọng rằng với những thay đổi hợp lý, trong tương lai ngành giấy Việt Nam sẽ tăng cường được hoạt động xuất khẩu trước mắt là sang những thị trường trong khu vực.
3. Tình hình nhập khẩu các mặt hàng giấy từ nước ngoài
3.1. Thị trường nhập khẩu
Trong nhiều năm trở lại đây, lượng giấy nhập khẩu vào nước ta chủ yếu có nguồn gốc từ một số nước trong khu vực như Inđônêxia, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan... Trong đó, đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất của Việt Nam là Inđônêxia, nước sản xuất giấy lớn nhất ở Đông Nam á. Từ ngày 1/7/2003, khi mức thuế nhập khẩu giảm xuống còn 20%, cuộc cạnh tranh giữa giấy nội và giấy ngoại đã thật sự diễn ra không cân sức. Nhiều người cho rằng thực chất đây là cuộc chiến giữa các nhà máy giấy trong nước với ngành giấy của hai nước Inđônêxia và Thái Lan. Lượng giấy nhập khẩu từ riêng hai nước này đã chiếm khoảng trên 80% kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm giấy của Việt Nam trong 5 năm qua. Ông Lin Po Chung, trưởng đại diện của công ty giấy APP tại thành phố Hồ Chí Minh, một trong những doanh nghiệp giấy hàng đầu của Inđônêxia, cho biết: "Thật ra, ngay từ đầu năm 2003, kế hoạch của chúng tôi là phải tăng gấp ba lần so với năm trước. Tuy nhiên, thời điểm điều chỉnh giảm thuế đã được thay đổi đến 1-7 vừa qua, nên công ty sẽ phải xem xét động thái thị trường thêm một thời gian nữa..." Nhiều công ty giấy lớn khác của Thái Lan, Inđônêxia,... có thị phần tại Việt Nam cũng không giấu giếm chiến lược chiếm lĩnh thị trường giấy Việt Nam trong những tháng sắp tới, đặc biệt là đối với thị trường giấy phía Bắc.
Như vậy, có thể thấy trong những năm qua, các sản phẩm giấy từ các nước trong khu vực đã chiếm thị phần rất lớn trên thị trường Việt Nam và theo dự đoán tỷ lệ này sẽ còn tăng lên trong những năm tới. Trong đó, các sản phẩm giấy của Inđônêxia và Thái Lan sẽ còn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường giấy chất lượng cao trong thời gian tới.
3.2. Kim ngạch nhập khẩu
Lượng giấy nhập khẩu hiện nay chiếm khoảng 50% thị phần trong nước không những ở các mặt hàng giấy trong nước chưa sản xuất được mà cả ở những mặt hàng vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh như giấy bao bì công nghiệp, giấy in, giấy viết,...
Năm 2002, lượng giấy nhập khẩu vào khoảng 340.000 tấn, bằng 80% sản lượng giấy sản xuất trong nước. Do các cơ sở đầu tư một số loại giấy mới nên kết cấu các loại giấy nhập khẩu đã thay đổi. Giấy tráng1, 2 mặt được nhập nhiều nhất tới 39% (145.251 tấn) trong tổng số, các loại giấy chuyên dụng cũng được nhập với số lượng lớn tới 25% (94.470 tấn), lượng giấy làm lớp mặt hộp cáctông nhiều lớp đã giảm mạnh, giấy vệ sinh và khăn giấy đã không còn được nhập khẩu chính ngạch. Sau đây là những con số cụ thể về tình hình nhập khẩu các sản phẩm giấy trong năm 2002.
Bảng 6:
Kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm giấy năm 2002
Sản xuất
Nhập khẩu
Tổng cộng
So sánh
1
(tấn)
2
(tấn)
3
(tấn)
2/3
(%)
Giấy in báo
35.335
29.364
63.699
46
Giấy in & viết
135.120
29.833
164.953
18
Giấy làm bao bì cáctông
233.318
72.636
305.954
24
Giấy vệ sinh, khăn giấy
24.000
24.000
Giấy tráng
145.251
145.251
100
Giấy vàng mã xuất khẩu
80.000
80.000
Giấy vàng mã dùng trong nước
18.000
18.000
Khác
12.556
94.470
107.928
88
Tổng cộng
538.231
371.554
909.785
41
(Nguồn: Tạp chí Công nghiệp giấy số 125 tháng6/2003)
Liên tiếp trong thời gian qua, thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại, qua đổi hàng, gian lận thương mại,... giấy ngoại đã nhập vào khá nhiều. Những nguồn giấy này do không phải chịu thuế đã làm hàng rào bảo hộ đối với ngành giấy trong nước ít nhiều mất đi tác dụng trước khi được dỡ bỏ một cách chính thức vào tháng 7/2003.
Trong 7 tháng đầu năm 2003, lượng giấy nhập khẩu vào Việt Nam là 256.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chỉ riêng tháng 7 đã nhập 40.000 tấn. Hàng rào thuế quan trong khu vực đang dần được tháo bỏ. Trước ngày1/7/2003, thuế suất nhập khẩu mặt hàng giấy in là 50%, giấy in báo là 40%. Kể từ khi lộ trình gia nhập AFTA được thực hiện, mức thuế suất và phụ thu giấy nhập khẩu giảm xuống chỉ còn 20% khiến cho lượng hàng nhập về tăng mạnh.
Theo tính toán của các nhà quản lý, sau khi chịu thuế nhập khẩu và các chi phí khác thì giá giấy ngoại nhập của Inđônêxia và Thái Lan hiện đang rẻ hơn giấy cùng loại trong nước từ 0,5-1 triệu đồng/tấn. Theo nhận xét của một số cơ sở in, giấy ngoại không chỉ có giá bán thấp hơn mà còn rất "dôi trang", cùng trọng lượng nhưng số trang của giấy ngoại thường nhiều hơn giấy nội 5-7%. Chất lượng giấy ngoại cũng hơn hẳn giấy trong nước về độ sáng trắng hơn, hút ẩm thấp hơn,... Với những lợi thế này, giấy in báo và giấy viết gần như thống lĩnh thị trường trong nước.
Giấy nhập về chủ yếu là các loại giấy bao bì công nghiệp cao cấp như giấy couché, giấy duplex tráng phấn, giấy ảnh và hơn 8.000 tấn giấy in báo. Theo Tổng Công ty Giấy Việt Nam, sở dĩ giấy in và giấy viết nhập về chưa nhiều là do giá giấy trong khu vực lại tăng khoảng 70 USD/tấn, trong khi các doanh nghiệp trong nước đã phải giảm giá bán tối đa, thậm chí bằng giá thành và bán trả chậm. Nếu so sánh với Inđônêxia, nước có công suất 10 triệu tấn giấy/năm, công nghệ hiện đại nhất khu vực ASEAN, sản phẩm giấy hiện bán khoảng 650-680 USD/tấn, trong khi đó giá thành của giấy Bãi Bằng rẻ nhất Việt Nam thì cũng cao hơn bình quân 100 USD/tấn.
Chỉ có những sản phẩm như giấy vệ sinh, khăn giấy, giấy làm bao bì cáctông, giấy vàng mã là không vấp phải sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Các sản phẩm giấy vệ sinh và khăn giấy từ trước đến nay cũng đã được nhập khẩu vào trong nước nhưng do đặc thù của sản phẩm và nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm ngoại nhập không lớn nên lượng nhập khẩu rất nhỏ. Đặc biệt, sản phẩm giấy vàng mã hoàn toàn không phải nhập khẩu.
Các nhà nhập khẩu giấy từ Thái Lan và Inđônêxia đều cho rằng mức giá trên thị trường sắp tới sẽ giảm nhưng chắc chắn không lớn. Theo tính toán của họ, mức thuế khi chưa áp theo lộ trình AFTA đối với loại giấy in báo, giấy viết, giấy photocopy trước đây là 50% + phụ thu + thuế VAT 10%= 76% sẽ giảm xuống theo lộ trình AFTA còn 20%. Song với việc Bộ Tài chính điều chỉnh mức tăng giá tối thiểu để tính thuế thay vì căn cứ mức giá trên hợp đồng đã giữ mức giá một số mặt hàng giấy vẫn còn khá cao. Các công ty giấy lớn của Thái Lan, Inđônêxia,... có thị phần tại Việt Nam cũng không giấu giếm chiến lược chiếm lĩnh thị trường giấy Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là đối với thị trường giấy khu vực phía Bắc, khi có tin nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam là Bãi Bằng phải ngưng sản xuất từ 1-7 tháng để thay đổi thiết bị đã quá lạc hậu.
Trong 6 tháng đầu năm 2003, giá bột giấy nhập khẩu tăng 16-19% so với cùng kỳ năm ngoái và có chiều hướng sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm. Giá bột giấy chế biến từ gỗ mềm đã tẩy trắng có xuất xứ từ Bắc Mỹ được chào bán ở mức 440-450 USD/tấn vào thời điểm giữa tháng 7/2003. Giá bột giấy chế biến từ gỗ bạch đàn Braxin được chào bán ở mức 430-450 USD/tấn (giá C&F giao dịch tại các cảng châu á). Trong năm 2003, dự kiến lượng giấy thải loại nhập khẩu sẽ tăng 20%, lượng bột giấy nhập khẩu vào khoảng 50-60.000 tấn, lượng gỗ sợi dài phục vụ cho sản xuất giấy phải nhập khoảng 50.000 m3.
III. Những khó khăn và thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành giấy Việt Nam
1. Khó khăn
1.1. Còn quá nhiều bất cập trong việc cung cấp nguyên liệu cho ngành giấy
Thiếu...
Theo tính toán, toàn ngành giấy bình quân mỗi năm sản xuất được trên 800.000 tấn giấy các loại nhưng năng lực sản xuất bột giấy mới chỉ đạt trên 100.000 tấn/năm nên bị mất cân đối nghiêm trọng. Nguyên liệu sản xuất giấy luôn trong tình trạng căng thẳng, đe doạ kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước. Trung bình mỗi năm ngành giấy mới chỉ tự đáp ứng được khoảng 25-30% nhu cầu bột giấy cho sản xuất trong nước, phần còn lại từ 70-75% phải nhập từ nước ngoài. Như vậy là ngành giấy nước ta đang bị lệ thuộc quá nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng này chính là vấn đề công nghệ. Thứ nhất, chất lượng nguyên liệu trong nước, tình trạng thiết bị cũng như phương pháp nấu có nhiều hạn chế nên chất lượng bột giấy không cao và thiếu ổn định. Do đó, để đảm bảo độ bền, độ dai của giấy thành phẩm, chúng ta phải pha trộn một tỷ lệ bột ngoại thích hợp vào bột giấy sản xuất trong nước. Chất lượng bột giấy ổn định đã làm tăng tốc độ máy xeo lên đáng kể, nâng cao công suất và sản lượng giấy sản xuất ra. Năm 1995, cũng nhờ có tỷ lệ pha trộn hợp lý bột ngoại và bột nội mà Công ty giấy Bãi Bằng đã tăng được tốc độ của máy xeo từ 360-380 m/phút lên 520 m/phút, và lần đầu tiên nâng được sản lượng giấy lên trên 50.000 tấn, đạt trên 90% công suất thiết kế. Giá bột nhập ngoại tuy có cao hơn khoảng 30-40% so với giá thành sản xuất trong nước, nhưng bù lại chất lượng giấy thành phẩm tốt hơn hẳn và sản lượng tăng 30-40% so với sử dụng hoàn toàn bột sản xuất trong nước. Hơn nữa, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ chất độn trong giấy lên đến 40% thì ở Việt Nam, do công nghệ kém, giấy gần như được sản xuất từ bột giấy loại tốt. Điều này cũng khiến cho nhu cầu bột giấy tăng lên nhiều.
Thứ hai, công suất thiết bị giữa hai khâu nấu bột và xeo giấy của ta luôn ở trong tình trạng không đồng bộ. Ví dụ như ở Công ty giấy Bãi Bằng, thiết bị nấu bột giấy công suất thiết kế chỉ có 48.000 tấn/năm, nay đã xuống cấp nên chỉ đạt 40.000 tấn/năm, trong khi công suất máy xeo lại tăng, có khả năng sản xuất 60.000 tấn giấy/năm. Vì vậy, việc nhập bột ngoại để bổ sung sự thiếu hụt công suất là một giải pháp tình thế đúng đắn.
Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng là vấn đề quỹ đất cho rừng nguyên liệu. Trên văn bản giấy tờ thì quỹ đất đủ cho quy hoạch vùng nguyên liệu, nhưng trên thực tế, quỹ đất dành cho trồng rừng lại không tập trung. Địa hình phức tạp khiến cho việc vận chuyển khai thác, quản lý và nâng cao năng suất nguyên liệu rất khó khăn. Nếu chỉ sử dụng gỗ theo cách trồng rừng như hiện nay với chu kỳ khai thác thông 15 năm, bạch đàn và keo 6 - 7 năm, năng suất dưới 10 m3/ha, thì 7 năm tới ngành giấy Việt Nam rất có thể sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Đầu năm 2002, phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã đồng ý cho tỉnh Tuyên Quang xây dựng nhà máy bột giấy 130.000 tấn/năm. Tỉnh Yên Bái cũng đang dự tính xây dựng nhà máy bột giấy từ 50.000 đến 100.000 tấn/năm. Nhưng với diện tích, năng suất và tiến độ trồng nguyên liệu giấy như hiện nay, đến năm 2006, nguyên liệu của ba tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái chưa đủ cung cấp nguyên liệu cho Công ty giấy Bãi Bằng chứ chưa nói đến Yên Bái, Tuyên Quang cũng có nhà máy bột giấy.
Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La cũng hầu như không thể trợ giúp nguyên liệu cho các nhà máy trên. Tình hình ở Kon Tum còn bi đát hơn. Chính phủ đã phê duyệt dự án khả thi nhà máy bột giấy Kon Tum giai đoạn I là 130.000 tấn bột giấy/năm, giai đoạn II là 260.000 tấn/năm. Nhưng do điều tra quy hoạch không sát, rất nhiều diện tích đất đã được trồng các cây khác nên diện tích đất quy hoạch vùng nguyên liệu giấy không đủ, không tập trung nên sẽ phải mua nguyên liệu từ Đắc Lắc, Lào và Campuchia. Trong năm qua, vùng nguyên liệu giấy Kon Tum chỉ trồng được 15.000 ha, trong đó có 5.000 ha keo và 10.000 ha thông. Với diện tích vùng nguyên liệu như vậy, chỉ hoạt động được 3 năm, nhà máy có vốn đầu tư 3,412 tỷ đồng này sẽ phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.
Tình hình nhiều nhà máy chưa hoạt động đã thiếu nguyên liệu cũng đang đặt ra gay gắt ở Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An.
...Và thừa
Nhưng một nghịch lý đang diễn ra trong ngành giấy, đó là "thiếu thì vẫn thiếu nhưng thừa thì vẫn cứ thừa". Như đã phân tích ở trên, trong những năm tới, nếu các dự án xây dựng các nhà máy bột giấy hoàn tất thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nhưng hiện tại, do không chuẩn bị tốt quy hoạch các vùng rừng trồng và đầu ra hợp lý nên đang xảy ra tình trạng thừa nguyên liệu giấy, trong khi các nhà máy vẫn tiếp tục khuyến khích người dân vay tiền Nhà nước để trồng rừng, khiến cho người trồng rừng hoang mang.
Tại tỉnh Phú Thọ, hưởng ứng chương trình trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp giấy, đồng thời mong muốn phát triển kinh tế gia đình, trong những năm qua, hàng nghìn hộ dân, thông qua Công ty Nguyên liệu giấy Vĩnh Phú đã vay hàng chục triệu đồng/hộ để trồng rừng nguyên liệu. Qua 7 - 8 năm chăm sóc, đợi chờ để được khai thác tre, gỗ để bán cho nhà máy giấy, nhằm trả nợ vốn và lãi suất cho ngân hàng thì lại bất ngờ lâm vào tình cảnh không thể bán được nguyên liệu vì các nhà máy từ chối mua. Lý do các nhà máy đưa ra là đã đủ nguyên liệu sản xuất.
Khi tình trạng thừa nguyên liệu xảy ra ở các tỉnh trên, Bộ Công nghiệp và Tổng Công ty Giấy đã đưa ra giải pháp là phân chỉ tiêu bán gỗ hàng năm cho các tỉnh, các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các ban ngành chức năng sẽ phân chỉ tiêu bán cho từng hộ dân. Hậu quả là rất nhiều vấn đề tiêu cực đã nảy sinh khiến người dân mất lòng tin đối với Nhà nước.
Một bất cập nữa trong việc giải quyết vấn đề nguyên liệu cho ngành giấy là cơ chế tiêu thụ nguyên liệu hiện nay. Ngay ở tỉnh Phú Thọ, trước đây đã từng tồn tại hình thức tư thương cùng Công ty nguyên liệu giấy cùng thu mua. Sau đó một thời gian lại là Công ty giấy Bãi Bằng trực tiếp đứng ra thu mua. Hiện nay, công việc này được giao cho một đơn vị duy nhất là Công ty nguyên liệu giấy Vĩnh Phú. Chi cục phát triển lâm nghiệp Phú Thọ cho rằng những sự thay đổi liên tiếp đối tượng thu mua này là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, tránh tình trạng ép cấp, ép giá, nhưng thực tế cho thấy quyền lợi của người trồng rừng vẫn không được bảo đảm.
Chồng chéo trong quy hoạch
Năm 2002, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã hoàn tất việc xây dựng nhà máy ván sợi ép cường đặt tại Gia Lai với tổng vốn đầu tư 515 tỷ đồng, sử dụng 17.000 ha rừng nguyên liệu tập trung. Đây là nhà máy mở đầu cho hàng loạt nhà máy ván ép, ván dăm, ván ghép của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các nhà máy ván nhân tạo có cùng nguyên liệu với ngành công nghiệp giấy. Với việc quy hoạch 400.000 ha rừng sản xuất tại các tỉnh, vùng đã quy hoạch nguyên liệu cho ngành giấy, đã dẫn tới một cuộc giành giật nguyên liệu giữa giấy và ván là điều không tránh khỏi.
Trong chương trình chế biến gỗ và lâm sản đến 2010 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Chính phủ, hầu như bất cứ tỉnh nào Bộ Công nghiệp dự định đặt nhà máy giấy thì cũng xây thêm nhà máy ván nhân tạo. Chẳng hạn, Bắc Giang chỉ có 37.000 ha nguyên liệu nhưng Bộ Công nghiệp dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất 200.000 tấn bột giấy/năm, còn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bố trí nhà máy sản xuất ván sợi 30.000 m3.
Hơn nữa, tiến độ trồng rừng sản xuất hàng năm vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Thử hỏi với những quy hoạch chồng chéo như trên, các nhà máy sẽ tìm đâu ra nguồn nguyên liệu đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình.
1.2. Công nghệ lạc hậu
Ngoài hai dây chuyền sản xuất giấy ở công ty giấy Cầu Đuống và công ty giấy Việt Trì mới lắp đặt trong năm 2002, hầu hết các nhà máy giấy hiện vẫn sử dụng công nghệ quá lỗi thời từ thập kỷ 1980, thậm chí là từ thập kỷ1970. Chỉ có 3 nhà máy Bãi Bằng, Tân Mai và Đồng Nai công nghệ được coi là hiện đại nhưng tuổi thọ cũng đã 20-30 năm. Do đó, năng suất cán giấy của nước ta đương nhiên là ở mức thấp. Chẳng hạn, nhà máy Đồng Nai chỉ cán khổ rộng tối đa 2,6 m và tốc độ cán chỉ đạt 200 m/phút, trong khi máy xeo giấy thế hệ mới của các nước trong khu vực ASEAN sản xuất giấy khổ rộng 10 m, tốc độ cán 2.000 m/phút, nên trong cùng một thời gian các nhà máy trong ASEAN cán được 20.000 m2 thì nhà máy giấy của Đồng Nai chỉ cán được 520 m2 giấy, công suất kém hơn 38,5 lần.
Quy trình sản xuất của nhiều nhà máy giấy trong khu vực, nhất là các nhà máy giấy ở Thái Lan, Inđônêxia đã được tự động hoá ở nhiều công đoạn. Công nhân vận hành gần như chỉ đóng vai trò giám sát, dự đoán và ngăn ngừa sự cố trục trặc của hệ thống điều khiển. Trong khi đó, tại Việt Nam, hầu như các công đoạn đều là thủ công, người công nhân phải trực tiếp đứng máy nên năng suất lao động rất thấp.
Hơn nữa, sau nhiều năm vận hành, máy móc trang thiết bị đã bị xuống cấp, hoạt động kém ổn định, thường bị hư hỏng đột xuất, vì vậy thời gian ngừng máy để bảo dưỡng, sửa chữa tăng. Vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế của nhà máy hầu hết phải nhập ngoại nên đã phát sinh rất nhiều khó khăn trong quá trình mua sắm và sử dụng. Thứ nhất, không chủ động cho công tác sửa chữa bảo dưỡng. Thứ hai, phải nâng mức dự trữ tồn kho do thời gian mua sắm kéo dài, thường từ 4-6 tháng, hoặc do nhà cung cấp không chịu bán với số lượng ít. Thứ ba, giá cả cao do bản thân giá xuất xưởng cao và chi phí vận chuyển lớn hoặc bị nhà cung cấp ép giá. Thứ tư, mất nhiều thời gian, công sức do phải thương thảo, trao đổi nhiều lần bằng thư từ, điện tín. Nhiều khi chỉ vì thông tin trao đổi không rõ ràng, có những sai sót nhỏ trong quá trình đặt hàng đã dẫn đến những sai lệch lớn trong quá trình nhận hàng, gây thiệt hại không nhỏ cho các công ty giấy Việt Nam. Thứ năm, do máy móc thiết bị được cung cấp từ nhiều nước khác nhau nên rất khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp để mua phụ tùng hoặc không tìm được.
1.3. Trình độ quản lý yếu kém
Hiện nay, ở hầu hết các doanh nghiệp giấy Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức lực lượng lao động thường rất cồng kềnh, hiệu quả hoạt động rất thấp là tình trạng khá phổ biến. ở Inđônêxia, một nhà máy giấy sản xuất đến 500.000 tấn bột giấy/năm nhưng chỉ có hơn 300 công nhân. Hay ở Thái Lan, một nhà máy có công suất 160.000 tấn giấy/năm chỉ có khoảng 300 nhân viên, trong đó chỉ có hơn 100 nhân viên trực tiếp đứng máy, số nhân viên còn lại phụ trách các công việc khác như quảng cáo, tìm nhà cung cấp nguyên vật liệu, tìm kiếm khách hàng, nghiên cứu thị trường... Còn ở Việt Nam thì sao? Lấy công ty giấy Bãi Bằng làm ví dụ. Đây là một trong những doanh nghiệp được đánh giá là kinh doanh có hiệu quả trong ngành giấy, vậy mà mỗi năm chỉ sản xuất 50.000 tấn bột giấy và 70.000 tấn giấy nhưng lại có đến 3.500 công nhân. Công ty giấy Tân Mai có khá hơn nhưng vẫn cần đến 1000 công nhân. Số lượng công nhân như vậy là quá dư thừa so với công suất của nhà máy.
Tại các công ty giấy của Inđônêxia hay Thái Lan, mặc dù chỉ có vài trăm nhân viên nhưng hiệu quả hoạt động lại cao hơn rất nhiều, nếu không nói là quá nhiều so với Việt Nam. Một phần nguyên nhân là do ở các nước này, quy trình sản xuất đã được tự động hoá cao, ngay cả các thao tác như bắt giấy lại cho máy sau khi giấy bị đứt, nhặt sạch giấy rách trước khi giấy được cuộn vào lô hay thao tác thay lô cuộn giấy cũng được tự động hoàn toàn. Công nhân vận hành chỉ còn phải trực tiếp thao tác rất ít, chỉ còn đóng vai trò giám sát, dự đoán và ngăn ngừa sự cố trục trặc của hệ thống điều khiển. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cách sắp xếp, quản lý nhân sự của ta chưa khoa học và hiệu quả. Có quá nhiều cấp quản lý trong một doanh nghiệp nên thông tin từ trên xuống hay thông tin phản hồi từ dưới lên phải mất rất nhiều thời gian, qua rất nhiều công đoạn mới tới được nơi cần đến. Nhiều khi thông tin tới nơi thì đã không còn hữu ích, làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí còn gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thêm nữa, các phòng ban của đa phần các doanh nghiệp có nhiều nhân viên hơn mức cần thiết nên thường có tình trạng đi sớm về muộn, làm việc cầm chừng, đùn đẩy công việc cho nhau...
Còn về đội ngũ công nhân và cán bộ kỹ thuật - những người trực tiếp tham gia sản xuất - thì thường không được đào tạo chính quy, chuyên sâu nên khả năng làm việc rất hạn chế, làm giảm năng suất lao động. Hiện tại, ở trong nước, chỉ có một số doanh nghiệp như công ty giấy Bãi Bằng, Tân Mai,... là đã quan tâm đến việc nâng cao trình độ người lao động, nhưng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, am hiểu về chuyên môn vẫn còn rất mỏng. Do đó, các doanh nghiệp này đã phải dùng nhiều bù ít, nghĩa là để đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra suôn sẻ, các doanh nghiệp phải huy động một đội ngũ lao động đông đảo thay vì sử dụng vừa đủ số nhân viên có trình độ cao.
Trình độ quản lý kém đã khiến cho chi phí tiền lương và quản lý doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp lên tới 15-20% giá thành sản phẩm. Đây là một khó khăn rất lớn mà mỗi doanh nghiệp nhất thiết phải giải quyết triệt để nếu muốn tồn tại được trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt hiện nay.
1.4. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm thấp
Về chủng loại, mẫu mã
Chủng loại, mẫu mã của các sản phẩm giấy sản xuất trong nước mặc dù có đa dạng, phong phú hơn trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày một cao của thị trường. Sản phẩm chủ yếu vẫn là giấy in, giấy viết có chất lượng chưa cao, trong khi nhu cầu của thị trường về các sản phẩm này dường như đã bão hoà. Các sản phẩm như giấy bao bì chất lượng cao, giấy in tráng các loại và các loại giấy cao cấp khác hiện đang có nhu cầu rất cao, hàng năm vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn thì chưa được chú ý đầu tư. Chính sự mất cân đối trong đầu tư, trong việc đa dạng hoá sản phẩm này đã cho thấy tính ì rất lớn trong tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp giấy. Sự thiếu linh hoạt trong sản xuất kinh doanh đã làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành giấy Việt Nam.
Về chất lượng
Máy móc trang thiết bị hạn chế khiến cho sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng như độ bền của giấy chưa cao, độ đồng đều và định lượng không ổn định,... Vì thế các sản phẩm giấy chưa phù hợp với các hệ thống máy gia công hiện đại, gây khó khăn cho quá trình sản xuất.
Đối với các sản phẩm giấy cao cấp, chất lượng hàng Việt Nam thua hàng ngoại là điều dễ nhận thấy và rất dễ lý giải. Đó là do Việt Nam đi sau về công nghệ, bởi Việt Nam hiện nay mới bước đầu đầu tư vào sản xuất các mặt hàng này nên còn nhiều bỡ ngỡ,... Nhưng với các mặt hàng được đánh giá là mặt hàng truyền thống của ngành giấy Việt Nam như giấy in, giấy viết thì tại sao chất lượng vẫn đi sau hàng ngoại? Không thể đổ lỗi cho việc thiếu kinh nghiệm, cho việc không chủ động về nguồn nguyên liệu hay do máy móc thiết bị cũ kỹ được. Đương nhiên là những yếu tố này cũng là những tác nhân làm giảm chất lượng sản phẩm nhưng những nguyên nhân này đều có thể khắc phục hoàn toàn hoặc phần nào nhờ những cải tiến về mặt kỹ thuật và quản lý.
Chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Với chất lượng như vậy, các sản phẩm của Việt Nam bị lấn át ngay trên "sân nhà" là điều khó tránh khỏi.
Về giá cả
Công nghệ lạc hậu nên mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng để sản xuất ra một tấn giấy của Việt Nam rất cao. Ví dụ, ở công ty giấy Việt Trì, một tấn giấy sản xuất trên dây chuyền thiết bị mới chỉ tốn 30 m3 nước, trong khi dây chuyền cũ tốn gấp 3-4 lần. Mức tiêu thụ năng lượng ở dây chuyền mới chỉ chiếm 7% giá thành, bằng 1/3 đến 1/2 mức tiêu hao của các dây chuyền cũ.
Cũng vì công nghệ lạc hậu nên nguyên liệu sử dụng trong sản xuất bị lãng phí rất nhiều. Trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ chất độn trong giấy lên đến 40% thì giấy của Việt Nam gần như được sản xuất hoàn toàn từ bột giấy loại tốt. Chi phí bột giấy nhập khẩu chiếm khoảng 65-70% giá thành sản phẩm. Nếu sản xuất từ nguyên liệu trong nước thì chi phí chỉ chiếm khoảng 25-30% giá thành. Các tập đoàn giấy lớn trên thế giới thường sản xuất cả bột giấy đã nâng giá bột giấy nhằm hỗ trợ giá giấy và làm giảm sức cạnh tranh của những công ty giấy bị lệ thuộc vào nguồn bột nhập khâủ như trường hợp của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2003, giá bột giấy nhập khẩu đã tăng 16-19% so với cùng kỳ năm ngoái và có chiều hướng sẽ còn tiếp tục tăng. Ngoài ra, các chi phí đầu vào khác như điện, dầu, than đều tăng, làm chi phí đầu vào tăng bình quân 5%, đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Hơn nữa, chi phí tiền lương và quản lý doanh nghiệp như đã phân tích ở trên chiếm tỷ lệ khá cao trong giá thành sản phẩm cũng đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Giá thành cao đã khiến các sản phẩm giấy Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa chứ chưa nói tới việc xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi giá các sản phẩm nhập ngoại đã thấp lại càng thấp hơn vì thuế suất nhập khẩu đã giảm từ 40-50% xuống còn 20% theo lộ trình gia nhâplj AFTA.
Tóm lại, khả năng cạnh tranh của sản phẩm giấy Việt Nam còn rất nhiều điều đáng bàn và để cạnh tranh ngang ngửa được với hàng ngoại thì còn một quãng đường rất dài trước mắt.
1.5. Thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phức tạp và kéo dài
Quy trình thủ tục phê duyệt dự án đầu tư kéo dài đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước trong ngành giấy, nhất là trong lúc này, khi mà thời điểm đầu tư kịp thời có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của các doanh nghiệp này.
Hiện nay, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư mở rộng và đầu tư mới của ngành giấy đã chậm hơn so với kế hoạch đề ra từ 1 đến 2 năm. Dự án giấy Việt Trì mất 52 tháng từ khi dự án được duyệt báo cáo khả thi cho đến khi đưa vào sử dụng, trong đó thời gian xây dựng nhà máy chỉ mất 17 tháng. Dự án đầu tư lắp ráp một dây chuyền mới của công ty giấy Bãi Bằng đã triển khai từ 30/7/1999 nhưng đến tháng tư năm 2001 mới được phê duyệt và thực hiện xong khâu đấu thầu. Tương tự, dự án xây dựng nhà máy bột giấy ở Kon Tum được Thủ tướng phê duyệt từ ngày 27/7/1999, nhưng đến tháng 7/2001 mới triển khai ở khâu đấu thầu tư vấn quốc tế, và trong quá trình triển khai lại bị ngưng giải ngân từ tháng 8/2002 vì lý do không đảm bảo tiến độ thi công. Với tiến độ thực hiện như trên, dây chuyền của công ty giấy Bãi Bằng không thể có sản phẩm từ năm 2000 như kế hoạch đặt ra, còn nhà máy bột giấy Kon Tum cũng phải đến 2005 mới có sản phẩm, chậm 1 năm so với kế hoạch.
Thủ tục, trình tự phê duyệt, đấu thầu dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước thường rất phức tạp và kéo dài không phải là vấn đề mới và đã có nhiều biện pháp đưa ra để khắc phục nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Với ngành công nghiệp giấy, nếu không có sự đầu tư nhanh và hiệu quả ngay trong thời gian tới thì sẽ có nguy cơ thua to trong hội nhập. Bản thân ngành giấy có khả năng cạnh tranh thấp lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trong hội nhập mà nhu cầu tiêu thụ giấy ở nước ta sẽ còn tăng cao. Như vậy, nếu ngành giấy không đầu tư kịp để tung sản phẩm ra chiếm lĩnh thị trường trong nước trước thời điểm 2006 khi thuế suất nhập khẩu giấy còn 5% thì doanh nghiệp các nước như Inđônêxia, Hàn Quốc sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị trường. Ngược lại, nếu được đầu tư kịp thời và hiệu quả thì ngành giấy có khả năng vươn lên thứ hạng cao trong bảng các nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong giai đoạn 2005-2010.
1.6. Quá trình cổ phần hoá (CPH) diễn ra chậm chạp
Theo kế hoạch CPH doanh nghiệp, Tổng Công ty Giấy Việt Nam được giao sẽ phải tiến hành CPH 9 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế tiến trình chuyển đổi sở hữu của ngành giấy diễn ra rất chậm chạp. Chỉ có Công ty Giấy Viễn Đông và Công ty Diêm Thống Nhất là thuận lợi hơn cả khi thực hiện chuyển đổi hình thức sở hữu. Đối với Công ty Giấy Viễn Đông, vì số lỗ 600 triệu đồng của công ty đã được xử lý nên chỉ sau 2 ngày, số cổ phần trị giá 11,6 tỷ đồng của công ty đã được bán hết. Nhiều người còn cho rằng sức hấp dẫn của c
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nganh giay VN truoc thach thuc hoi nhap KT khu vuc.doc