Luận văn Mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam hiện nay

Tài liệu Luận văn Mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam hiện nay: LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong thế kỷ XX, loài người đã được chứng kiến một hiện tượng hết sức quan trọng, đó là sự bùng nổ thông tin. Không có lĩnh vực hoạt động xã hội nào lại không chịu ảnh hưởng của sự bùng nổ này. Nó có tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội hiện đại. Con người dù ở bất cứ đâu trên hành tinh này cũng đều có thể biết hàng loạt các sự kiện đang xảy ra trên thế giới mà không bị lệ thuộc hay bị ngăn cản bởi không gian và thời gian. Đó chính là sức mạnh của truyền thông, báo chí đã có một bề dày lịch sử phát triển khá lâu dài và đã được xã hội khẳng định, nó đã trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu được đối với các tầng lớp dân cư và hình thành nên một thói quen tiếp nhận thông tin từ báo chí. Hiện nay, truyền hình là một phương tiện truyền thông hữu hiệu. Mặc dù ra đời muộn song truyền...

pdf82 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1510 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong thế kỷ XX, loài người đã được chứng kiến một hiện tượng hết sức quan trọng, đó là sự bùng nổ thông tin. Không có lĩnh vực hoạt động xã hội nào lại không chịu ảnh hưởng của sự bùng nổ này. Nó có tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội hiện đại. Con người dù ở bất cứ đâu trên hành tinh này cũng đều có thể biết hàng loạt các sự kiện đang xảy ra trên thế giới mà không bị lệ thuộc hay bị ngăn cản bởi không gian và thời gian. Đó chính là sức mạnh của truyền thông, báo chí đã có một bề dày lịch sử phát triển khá lâu dài và đã được xã hội khẳng định, nó đã trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu được đối với các tầng lớp dân cư và hình thành nên một thói quen tiếp nhận thông tin từ báo chí. Hiện nay, truyền hình là một phương tiện truyền thông hữu hiệu. Mặc dù ra đời muộn song truyền hình đã ngày càng khẳng định được vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền đi và tiếp nhận thông tin của loài người. Qua màn hình vô tuyến, người xem như được tận mắt trong thấy những sự kiện, hiện tượng và hành động, thái độ của con người như họ là người trực tiếp có mặt tại nơi diễn ra sự việc, hiện tượng ấy. Hình ảnh và tiếng động hiện trường cộng với sắc thái của tình cảm thái độ người thực hiện chương trình được thể hiện bằng lời bình, nhạc,...đã tác động tới người xem, cuốn hút và gây xúc cảm cho họ. Việc khán giả được chứng kiến mọi sự việc, hiện tượng trên toàn cầu ngay tại nhà mình đã làm cho hầu hết gia đình nào cũng có ti vi. Số gia đình có sử dụng ti vi đã lên đến con số hàng tỷ và truyền hình ngày càng thể hiện rõ sức mạnh truyền thông của mình. Mục đích nhắm tới của báo chí nói chung và truyền hình nói riêng chính là công chúng, phục vụ công chúng. Báo chí không thể tồn tại bên ngoài xã hội, vì sứ mạng của báo chí trước hết đó là thỏa mãn các nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại cũng không thể tồn tại mà không có báo chí, xã hội quan tâm đến việc phổ biến những thông tin có ý nghĩa xã hội quan trọng trên quy mô đại chúng. Đó là sự phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội, mang ý nghĩa nhiều mặt và đa dạng. Các nhà báo và công chúng hưởng thụ thông tin đều tuân theo những luận thuyết và quan điểm cụ thể về báo chí. Những luận thuyết và quan điểm ấy quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, các hình thức và phương pháp hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng. Trong mối quan hệ với dư luận xã hội (hay chính là công chúng tiếp nhận) thì báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng. Đầu tiên, phải kể đến vai trò khơi nguồn, tức là năng lực xã hội hóa các sự kiện và các vấn đề từ một góc phố, làng quê, ở một không gian hẹp thành sự kiện và vấn đề toàn xã hội, thậm chí toàn cầu. Và ngược lại báo chí có thể nhanh chóng hoặc ngay lập tức đưa các sự kiện và vấn đề trên khắp hành tinh về đến góc nhà của mỗi người, vai trò này được truyền hình đảm nhiệm một cách tốt nhất. Thứ đến, báo chí có vai trò phản ánh dư luận xã hội, phản ánh càng kịp thời, càng sâu sát và đầy đủ bao nhiêu thì báo chí càng sinh động và hấp dẫn bấy nhiêu. Sau cùng, báo chí có vai trò định hướng và điều hòa xã hội, điều hòa tâm lý, tâm trạng xã hội, đây là vai trò có ý nghĩa quyết định hiệu quả tác động của báo chí. Đài truyền hình Việt Nam là Đài truyền hình quốc gia và là Đài truyền hình được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhất. Đồng thời, Đài cũng mang trọng trách lớn đó là định hướng dư luận xã hội, là cơ quan ngôn luận, là công cụ thể hiện quyền lực chính trị của Đảng và Nhà nước, vừa là diễn đàn dân chủ thể hiện quyền lực của nhân dân, vừa là công cụ của nhân dân giám sát mọi tiến trình kinh tế xã hội, góp phần làm lành mạnh hóa các mối quan hệ trong xã hội. Chính vì vậy, có thể coi công chúng là đối tác của báo chí nói chung và Đài truyền hình Việt Nam nói riêng. Mối liên hệ giữa công chúng và Đài truyền hình Việt Nam ngày càng thể hiện rõ, đó là mối liên hệ bền chắc và không thể phủ nhận. Những năm gần đây, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra một diện mạo hết sức mới mẻ cho xã hội. Đời sống của các tầng lớp cư dân đang có những chuyển biến rõ rệt, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, kéo theo nhu cầu mọi mặt cũng thay đổi nhanh chóng và ngày một cao hơn. Vì thế mà sự đòi hỏi chất lượng các kênh truyền hình cũng phải được nâng cao. Điều này đã tạo nên một lớp công chúng khác trước đây rất nhiều, một lớp công chúng truyền hình hiện đại. Sự tham gia của công chúng vào công nghiệp truyền hình đang có xu hướng tăng mạnh, tạo nên mối liên hệ khăng khít giữa công chúng với Đài truyền hình. Để đáp ứng được tốt nhất những nhu cầu của công chúng hiện đại thì việc nghiên cứu và nắm bắt được nhu cầu hay sự quan tâm của họ đối với báo chí là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nhà làm truyền hình, đặc biệt là Đài truyền hình Việt Nam. Gần đây, Đài truyền hình Việt Nam đang thực sự chiếm được lòng tin yêu của công chúng, tạo được dư luận khá tốt bởi có sự tiến bộ vượt bậc cả về nội dung và hình thức. Cơ chế quản lý đang dần thích nghi với cơ chế thị trường trong khi vẫn đảm bảo chức năng là cơ quan tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Nhưng để có thể duy trì sự phát triển mạnh mẽ, Đài truyền hình Việt Nam cũng cần có những kế hoạch thực tế và thường xuyên để phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Những kế hoạch này phải được dựa trên cơ sở của sự định hướng chiến lược, những cơ chế hiện hành và sự thay đổi trong tương lai. Khả năng thích ứng với tình hình, bao gồm cả sự phát triển về kỹ thuật, kỹ năng và kinh tế, đặc biệt là khả năng nắm bắt đối tác - công chúng hiện đại, để có định hướng tốt nhất. Bằng thực tiễn và lý luận trên, tôi chọn đề tài "Mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam hiện nay" làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp cao học của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Trên thế giới, nghiên cứu về công chúng, dư luận xã hội đã được quan tâm từ lâu, ở nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đều có trung tâm nghiên cứu công chúng, dư luận xã hội của riêng mình. Tại Việt Nam, công chúng của báo chí nói chung và truyền hình nói riêng cũng được quan tâm. Cũng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về công chúng trong nhiều năm qua, đặc biệt là công chúng của Đài truyền hình Việt Nam, vì đây là Đài truyền hình quốc gia, phủ sóng trên toàn quốc. Tuy nhiên, sự nghiên cứu về công chúng thì không bao giờ cũ, bởi nhu cầu của công chúng luôn luôn thay đổi, nghĩa là công chúng luôn thay đổi. Đặc biệt là trong thời đại thông tin đang là nhu cầu thiết yếu nhất và truyền hình là phương tiện đáp ứng nhu cầu này hữu hiệu nhất hiện nay. Có một số bài báo khoa học viết về vấn đề công chúng của báo chí nói chung như: "Đối tượng tác động của báo chí và ý nghĩa của nó đối với hoạt động của nhà báo" - Bài viết của PGS.TS Nguyễn Văn Dững trên Tạp chí Xã hội học. Hàng loạt các công trình nghiên cứu về công chúng với báo chí, nhu cầu của công chúng của PGS.TS Mai Quỳnh Nam được in trên tạp chí xã hội học như: "Dư luận xã hội - Mấy vấn đề về lý luận và phương pháp nghiên cứu", Xã hội học số 1 (49), 1995; "Văn hóa đại chúng và văn hóa gia đình", Xã hội học số 4 (72), 2000; "Truyền thông và phát triển nông thôn", Xã hội học số 3 (83), 2003;... Mặc dù đây chỉ là số ít được kể ra trong rất nhiều các công trình nghiên cứu, song đây vẫn là những công trình nghiên cứu mang tính chất chung công chúng, công chúng đối với báo chí và truyền thông đại chúng, công chúng của báo in chứ không phải về công chúng truyền hình hiện đại. Chúng ta có thêm một khái niệm nữa, đó là công chúng truyền hình hiện đại. Trước đây, có một số đề tài nghiên cứu về công chúng của báo chí nói chung như: Năm 2000, tác giả Đỗ Thu Hằng, khoa Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ khoa học Báo chí với đề tài: "Tâm lý tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng thanh niên hiện nay". "Truyền thông đại chúng và công chúng, trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh" - Luận án Tiến sĩ Xã hội học của nhà báo Trần Hữu Quang cũng được bảo vệ thành công năm 2000. Năm 2003, Khoa Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền đã có đề tài nghiên cứu cấp bộ với tên: "Nghiên cứu nhu cầu tiếp nhận sản phẩm báo chí của sinh viên Hà Nội". Năm 2005, Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Hà Nội đã có cuộc điều tra "Nhu cầu về truyền hình của sinh viên Hà Nội", hay cũng trong năm 2005, tác giả Vũ Phương Dung, Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đã bảo bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Khoa học Báo chí với đề tài: "Nghiên cứu nhu cầu tiếp nhận chương trình truyền hình của sinh viên Hà Nội (Khảo sát các chương trình truyền hình trên sóng VTV1, VTV2, VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam)". Nhưng công chúng của truyền hình Việt Nam rất lớn và công chúng truyền hình hiện đại không chỉ có thanh thiếu niên, sinh viên mà họ còn có nhiều ngành nghề khác nhau ở những tầng lớp khác và lứa tuổi khác nữa. Chính vì vậy, đề tài " Mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam hiện nay" là một đề tài mới. 3. Mục đích và nhiệm vụ 3.1. Mục đích - Luận văn có mục đích tìm ra các đặc điểm của công chúng truyền hình hiện đại. - Nghiên cứu tính đa dạng và phong phú trong nhu cầu của khán giả truyền hình tại thời điểm năm 2006, 2007. - Việc đáp ứng về nhu cầu của công chúng truyền hình hiện đại từ phía Đài truyền hình Việt Nam. - Tìm ra mối quan hệ giữa công chúng với Đài truyền hình Việt Nam. - Đưa ra những đề xuất khả thi để điều chỉnh chiến lược phát triển của truyền hình Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng chương trình truyền hình để đáp ứng được nhu cầu của công chúng truyền hình hiện đại một cách tốt nhất. 3.2. Nhiệm vụ - Làm rõ các yếu tố có tác động đến sự thay đổi đặc điểm tâm lý của công chúng, dẫn đến công chúng truyền hình hiện đại thông qua mối liên hệ giữa công chúng với truyền hình, cụ thể là các chương trình truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam. - Nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế xã hội và sự tác động của nó đối với xã hội, con người Việt Nam trong 2 năm 2006, 2007. Đồng thời tiến hành khảo sát thực tế để tìm ra đặc điểm của công chúng truyền hình Việt Nam hiện đại. - Chỉ ra mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình, trên cơ sở đó sẽ đưa ra các giải pháp phục vụ cho sự phát triển của truyền hình Việt Nam trong thời gian hiện tại và trong tương lai. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng Đối tượng của luận văn này là công chúng truyền hình Việt Nam trong cả nước. Tuy nhiên, do điều kiện nghiên cứu, tôi xin lựa chọn một số công chúng tại các tỉnh thành đại diện cho mỗi miền. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Công chúng truyền hình sinh sống trên các địa bàn: Hà Nội, Bắc Kạn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kon Tum. 5. Giả thuyết nghiên cứu - Thứ nhất: Khi mới xuất hiện, truyền hình Việt Nam đã phải có công chúng và tạo ra dư luận xã hội. Trải qua thời gian, sự phát triển của truyền hình cũng như sự thay đổi về mức sống của công chúng đã làm thay đổi nhu cầu của công chúng. Từ đó làm xuất hiện nhiều đặc điểm mới dẫn đến việc hình thành một kiểu công chúng truyền hình mới, vì thế mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam cũng có sự thay đổi, khác biệt. - Thứ hai: Sự phát triển về kinh tế, văn hóa đã làm thay đổi cơ cấu dân cư trong xã hội, quá trình phân tầng xã hội đang diễn ra sâu sắc, làm thay đổi đặc điểm công chúng và nhu cầu của họ đối với truyền hình Việt Nam. - Thứ ba: Tác động của truyền hình Việt Nam đến với công chúng là rõ ràng, nhưng khi tác động đó có hiệu quả, tức là công chúng đã được định hướng theo một hướng nhất định, công chúng sẽ có sự thay đổi về hành vi, nhận thức,..thì công chúng sẽ tác động trở lại với truyền hình. Quá rình này là điều kiện để thay đổi phong cách làm việc, quy mô phát triển và cách thức phục vụ của truyền hình Việt Nam. 6. Đóng góp của luận văn - Góp phần làm rõ đối tác của truyền hình Việt Nam, hay hiểu kỹ hơn về thị trường của truyền hình Việt Nam. - Làm rõ mối quan hệ giữa công chúng truyền hình với truyền hình Việt Nam, từ đó thấy được mức độ quan trọng của công chúng đối với Đài truyền hình Việt Nam. - Qua đây, Đài truyền hình Việt Nam hiểu rõ về công chúng để có sự đáp ứng nhu cầu một cách tốt nhất, khẳng định một mối quan hệ tốt đẹp giữa công chúng với Đài. Từ những ý nghĩa khoa học trên, luận văn sẽ có những ý nghĩa thực tiễn sau: - Luận văn sẽ góp phần để Đài truyền hình Việt Nam xem xét, điều chỉnh xu hướng phát triển hiện tại và tương lai cho phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật, đặc biệt là tâm lý, thị hiếu của công chúng truyền hình. - Góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa truyền hình với công chúng. Giúp Đài truyền hình Việt Nam sản xuất những chương trình hấp dẫn hơn, thiết thực hơn và tạo được nhiều thiện cảm hơn với công chúng truyền hình. 7. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài này, tác giả luận văn sẽ sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: 7.1. Phân tích tài liệu Đọc và tra cứu tài liệu, sách báo, hồ sơ, văn bản,... có liên quan đến đề tài. 7.2. Quan sát thực tế Nhằm thu thập những tư liệu thực tiễn về công chúng truyền hình và nhu cầu của họ đối với Đài truyền hình Việt Nam bằng cách xem trực tiếp các chương trình truyền hình được phát sóng trên các kênh truyền hình Việt Nam và truyền hình cáp Việt Nam. 7.3. Lập bảng ankét điều tra, khảo sát xã hội học Dựa vào mục đích, nhiệm vụ của đề tài, tác giả luận văn đưa ra hệ thống câu hỏi đối với công chúng truyền hình mang tính chất thăm dò ý kiến nhu cầu xem các kênh của Đài truyền hình Việt Nam. Số lượng phiếu phát ra dự kiến khoảng trên 1000 phiếu. 7.4. Sử dụng các cuộc phỏng vấn sâu Lấy ý kiến của các công chúng xung quanh mối quan tâm của họ đối với Đài truyền hình Việt Nam và sự tác động của các chương trình truyền hình Việt Nam đến họ. 7.5. Thống kê, xử lý và phân tích số liệu Sau khi tiến hành khảo sát xã hội học, thu thập các mẫu phiếu điều tra để phân tích, tổng hợp căn cứ theo mục đích, nhiệm vụ của đề tài, phát hiện mối liên hệ giữa các hiện tượng, bản chất và tính quy luật phát triển của công chúng, kiểm định các giả thuyết đã đặt ra. 8. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Những vấn đề chung về công chúng và báo chí truyền hình. Chương 2: Hiện trạng đáp ứng nhu cầu công chúng của Đài truyền hình Việt Nam - Mối quan hệ giữa công chúng với Đài truyền hình Việt Nam. Chương 3: Một số kiến nghị và giải pháp để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận truyền hình của công chúng. Chương 1 Những vấn đề chung về công chúng và công chúng truyền hình 1.1. Các khái niệm chung 1.1.1. Đặc điểm tác động của thông tin truyền hình tới khán giả Truyền hình trước hết là một phương tiện truyền thông đại chúng chuyển tải thông tin, là loại báo chí đặc biệt. Truyền hình có thể cung cấp cho công chúng khán giả nhiều loại thông tin với những tính chất khác nhau như: thông tin báo chí, thông tin chính trị, thông tin khoa học kỹ thuật, thông tin khoa học giáo dục, thông tin văn học nghệ thuật,... Ra đời với sự thừa hưởng thành quả của điện ảnh, phát thanh và báo in,... Truyền hình đến với công chúng trước hết là bằng hình ảnh, những hình ảnh sống động, xác thực của đời sống. Hình ảnh là yếu tố khách quan, chứa đựng sự sinh động của cuộc sống thực, không bị dàn dựng, chính hình ảnh là yếu tố đầu tiên và là yếu tố đem lại chất lượng thông tin cao cho truyền hình. Bên cạnh yếu tố hình ảnh còn có vai trò không thể thiếu được của âm thanh mà chủ yếu là lời nói. Hình ảnh và âm thanh trong một tác phẩm truyền hình quan hệ với nhau một cách hữu cơ, gắn bó, chúng tạo tiền đề, bổ sung và nâng đỡ nhau, hòa quện với nhau trong một tổng thể, và cùng tác động đến công chúng khán giả một lúc. Ngôn ngữ của truyền hình là hình ảnh và âm thanh, trong đó hình ảnh là yếu tố chính. Truyền hình luôn phản ánh sự kiện, sự việc chân thực, khách quan và có địa chỉ rõ ràng, ngôn ngữ truyền hình có khả năng tác động nhanh, mạnh vào quá trình cảm nhận thông tin của khán giả. Hiện nay, xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang được thể hiện rõ nét và sâu sắc trong các chương trình truyền hình, đặc biệt là những kênh truyền hình lớn, như Đài truyền hình Việt Nam chẳng hạn. Truyền hình đã vượt ra khỏi những biên giới cứng, mặc dù vẫn là giao tiếp gián tiếp nhưng ở những chương trình phát trực tiếp, truyền hình đã có thể đưa người xem thực sự nhập cuộc, xóa bỏ ranh giới không gian và xóa bỏ những rào cản tâm lý, ngôn ngữ,.. Với ký hiệu thông tin đặc trưng là hình ảnh và âm thanh tổng hợp, quá trình cảm thụ thông tin truyền hình của khán giả diễn ra với hiệu quả cao. Những thông tin do truyền hình mang lại gây tác động mạnh mẽ vào quá trình nhận thức của khán giả, hiệu quả thông tin truyền hình có thể gây nên những dư luận rộng lớn nhờ tính xác thực, sống động, khả năng biểu cảm cao và phủ sóng rộng khắp. Việc giao tiếp trên truyền hình hiện nay đã xóa bỏ được khoảng cách về không gian rộng lớn, đồng thời tạo được hiệu quả đặc biệt đối với công chúng. Người xem không phải hình dung ra sự kiện mà là trực tiếp tham gia vào sự kiện, dẫn đến một hiệu ứng lan truyền, tạo ra dư luận xã hội. Thời điểm phát sóng và thời điểm thông tin đến với người xem là đồng thời, những thông tin bằng hình ảnh và âm thanh tạo cho khán giả cảm giác được chứng kiến như những sự kiện, sự việc thật đang diễn ra ngay trước mắt họ. Hình ảnh trên truyền hình có độ tin cậy cao, bằng những hình ảnh có màu sắc kết hợp với âm thanh tạo nên các cung bậc, âm điệu đa dạng, truyền hình có khả năng tạo nên cảm giác chân thực, đầy đủ và chân thực cho người xem. Về hình thức tồn tại, truyền hình cũng giống như sân khấu và điện ảnh, có liên quan đến thời gian và không gian. Tuy nhiên, thông tin truyền hình tự do đi vào từng nhà. Số người xem truyền hình là hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người, nhưng với môi trường cảm thụ thông tin là các gia đình, nên chất lượng hình ảnh và quy mô của màn hình cũng rất khác với điện ảnh. Có thể nói truyền hình là một yêu cầu có tính chất tiền đề để có thể sáng tạo ra được những tác phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng. 1.1.2. Vai trò, chức năng của truyền hình trong đời sống xã hội Trước hết, phải khẳng định rằng, truyền hình là một loại hình truyền thông nằm trong hệ thống truyền thông chung nên nó cũng mang đầy đủ vai trò, chức năng của báo chí. Sự xuất hiện của truyền hình thực sự là một cuộc cách mạng trong thông tin đại chúng, tạo ra những điều kiện, khả năng tuyệt vời cho báo chí. Công chúng của truyền hình được trực tiếp thưởng thức các buổi biểu diễn nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trực tiếp tham gia vào các hoạt động văn hóa, lễ hội, các cuộc thi đấu thể thao, các hội nghị,...Bằng hình ảnh có màu sắc kết hợp cùng âm thanh với những cung bậc, âm điệu đa dạng, truyền hình có khả năng tạo nên những cảm giác chân thật, đầy đủ cho công chúng. Đó chính là điều kiện tốt cho người xem truyền hình tiếp nhận thông tin. Truyền hình trở thành một loại nhà hát, quảng trường công dân, trường học nhân dân, người hướng dẫn văn hóa đại chúng. Trong các chức năng của truyền hình, đầu tiên phải kể tới các chức năng tư tưởng. Với khả năng tác động một cách rộng lớn, nhanh chóng và mạnh mẽ và toàn bộ xã hội, hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, cụ thể là truyền hình, có vai trò hết sức to lớn trong công tác tư tưởng.Việc giáo dục lý tưởng, giáo dục chính trị, xây dựng lối sống mới luôn gắn liền với việc kế thừa và phát huy những giá trị tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Đấu tranh với những âm mưu, những luận điệu phản tuyên truyền, chống Đảng, chống chế độ là một nội dung và mục đích quan trọng của công tác tư tưởng của báo chí. Trên phạm vi toàn xã hội, nhiệm vụ đặt ra cho công tác tư tưởng chính là liên kết những thành viên riêng rẽ của xã hội thành khối thống nhất trên cơ sở một lập trường chính trị chung, thái độ trách nhiệm tích cực nhằm thực hiện những mục tiêu đặt ra. Một khi nhận thức rõ tính ưu việt của chế độ xã hội, mục đích và kết quả hành động phù hợp với những lợi ích của mình, nhân dân sẽ tự giác thực hiện những nhiệm vụ to lớn của xã hội trên những vị trí công việc cụ thể, trong các lĩnh vực đời sống xã hội nhất định. Nói một cách khác, nhân dân làm ra lịch sử theo ý thức của mình. Cho nên việc tác động có định hướng vào ý thức của nhân dân chính là tác động có định hướng một cách gián tiếp vào tiến trình của lịch sử. Chức năng có tính mục đích đầu tiên trong hoạt động tư tưởng của báo chí chính là nâng cao tính tự giác của quần chúng nhân dân. Để nâng cao tính tự giác của quần chúng, nhiệm vụ đặt ra cho báo chí là phát triển nhận thức của họ. Trình độ nhận thức chính là tiền đề qui định trình độ tự giác của nhân dân lao động. Một khi đã được hình thành trong nhân dân lao động, tính tự giác sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho những hành động sáng tạo trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống mới của họ. Tính tự giác cao của con người chỉ có thể hình thành trên cơ sở nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc thế giới xung quanh những qui định của tự nhiên và xã hội, các quá trình và khuynh hướng vận động của đời sống xã hội và lịch sử. Tính tự giác được đặc trưng bởi sự nhận thức vị trí của mỗi cá nhân trong thế giới, trong các mối quan hệ xã hội, sự nhận thức mục đích ý nghĩa cuộc sống, những nhu cầu về lợi ích, con đường và phương tiện để thực hiện những nhu cầu đó. Việc nâng cao trình độ và mở rộng giới hạn nhận thức nhằm hình thành sự tự giác trong nhân dân lao động đòi hỏi báo chí phải quan tâm tới việc thông tin một cách đầy đủ, sinh động các sự kiện, hiện tượng hết sức phong phú của tự nhiên và xã hội, phân tích các mối quan hệ bên trong và giữa chúng với nhau, chỉ ra những biểu hiện cụ thể của những mối quan hệ đó. Như vậy thông tin báo chí mang đến cho công chúng bức tranh toàn cảnh về hiện tượng mà chính họ cũng là nhân vật hoạt động trong đó. Hơn hết các loại hình truyền thông khác, truyền hình cho phép công chúng, khán giả chứng kiến gần như trực tiếp vào các hoạt động diễn ra, các thông tin, sự kiện,... Hơn thế nữa, báo chí giúp cho công chúng nhìn nhận, đánh giá bức tranh ấy, xác định được tính chất hoạt động của mình trong đó và định hướng các hành vi ý thức, các hành động tương lai của mình. ở đây, yêu cầu về sự định hướng toàn diện của quần chúng xã hội trở thành chức năng mục đích của các phương tin thông tin đại chúng. Để thực hiện sứ mệnh của mình, nhiệm vụ đặt ra cho báo chí là khẳng định những yếu tố tích cực, phát hiện và phản ánh những cái mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phê phán những tàn dư của chế độ cũ, những quan niệm, lối sống lỗi thời trong nội bộ nhân dân, phát huy những trí tuệ tài năng và những tiềm lực của đất nước, nhằm đặt ra và giải quyết những vấn đề chính trị to lớn. Truyền hình là phương tiện truyền thông thực hiện sứ mệnh này khá tốt, với lợi thế về sự kết hợp hình ảnh và âm thanh, và sự kết hợp lồng ghép với các loại hình nghệ thuật khác như kịch, điện ảnh, truyền hình đã trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực trong công cuộc cải cách, giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Những chương trình mang hình ảnh xác thực, những tin bài mang tính thời sự, đồng thời có sự xuất hiện, tham gia của những người trong cuộc đã làm cho hiệu quả thông tin tăng lên rất nhiều. Những phim ảnh, kịch,...đã góp phần không chỉ làm nhiệm vụ giải trí cho người xem mà qua đó cũng có những bài học được rút ra một cách khéo léo, tránh được áp lực từ sự giáo điều và mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. Truyền hình có vai trò quan trọng trong việc hình thành và hướng dẫn dư luận xã hội, trong đó phải kể đến chức năng giáo dục, các kênh truyền hình đều phải có chức năng này. Chẳng hạn, kênh VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam được gọi là kênh khoa giáo, trong đó khai thác chủ yếu về mặt giáo dục khoa học, giúp cho không chỉ tầng lớp thanh thiếu niên, mà là mọi tầng lớp. Người già có thể hiểu biết thêm về kiến thức sức khỏe của mình, chăm sóc bản thân, người trung niên có thể hiểu biết những kiến thức về khoa học, tự nhiên, thiên nhiên, những nhà kinh doanh tìm hiểu về kinh tế, các phương cách làm giàu và kiến thức pháp luật, đối với các em học sinh sinh viên thì kiến thức được phổ biến trên kênh này hết sức hữu ích,... Với tình hình phát triển kinh tế nhanh chóng như hiện nay, truyền hình không còn xa lạ với hầu hết quần chúng. Việc mỗi nhà có ít nhất một chiếc tivi đang khẳng định vai trò không thể thiếu được của truyền hình. Song hành cùng báo in, phát thanh và báo điện tử, truyền hình vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống quần chúng. Báo chí là những phương tiện quan trọng trong việc hình thành ý thức lịch sử - văn hóa của xã hội. Bằng khả năng thông tin phong phú và tác động rộng lớn của mình, truyền hình có tác dụng như một trường đại học đại chúng trong việc giáo dục và truyền thụ những tri thức, những giá trị lịch sử - văn hóa. Có thể, truyền hình không thể trang bị cho các thành viên trong xã hội một hệ thống tri thức lịch sử, văn hóa như nhà trường, song nó có khả năng to lớn trong việc thẩm định và cổ vũ cho những giá trị lịch sử, văn hóa, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc hình thành ý thức tích cực của mỗi công dân và của cả xã hội hay là đại bộ phận các thành viên xã hội. Chức năng kế tiếp của truyền hình đó là quản lý và giám sát xã hội, truyền hình đăng tải, bình luận, giải thích, phân tích các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Thông tin đến cho nhân dân lao động nội dung các văn kiện tài liệu của Đảng và Nhà nước, giải thích cơ sở khoa học, thực tiễn và phương pháp, cách thức thực hiện đường lối và chủ trương đó. Lợi thế của truyền hình đó là hình ảnh và lời nói, nhiều khi là những nhân vật trực tiếp ban hành luật hoặc chuyên gia hiểu luật, đường lối, chính sách đó sẽ xuất hiện và giải thích trực tiếp nên tránh được sự giáo điều, khô khan của những văn kiện, công chúng dễ nhớ và sẽ làm theo hiệu quả hơn. Truyền hình phản ánh, phân tích tình hình thực tế, tình trạng công việc ở từng địa phương, khu vực hoặc một khâu mắt xích nào đó của một quá trình kinh tế xã hội. Kết quả của hoạt động này là thông tin một bức tranh toàn diện về sự vật với những mối quan hệ phức tạp của nó, tạo điều kiện cho các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý, người cán bộ lãnh đạo có đầy đủ các dữ kiện để đưa ra những quyết định quản lý mới. Truyền hình đã là một phương tiện truyền thông hữu ích trong việc thông xin xác thực và làm bằng chứng cho sự phát triển của xã hội. Truyền hình phát hiện nhanh chóng những vấn đề bị làm sai của các đơn vị, các cơ sở, thậm chí là các cá nhân trong xã hội, đó là truyền hình đã làm tốt chức năng giám sát và kiểm tra của mình, hết sức tích cực trong cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực của đời sống kinh tế xã hội, trong tổ chức Đảng và các cơ quan Nhà nước. Hoạt động giám sát, kiểm tra của báo chí có ý nghĩa xã hội to lớn, song đó là công việc phức tạp và khó khăn, đòi hỏi những người thực hiện phải có trách nhiệm công dân cao. Truyền hình là phương tiện thực hiện vai trò này khá hiệu quả, không thể có sự dối trá trên truyền hình vì là hình ảnh thực, âm thanh thực. Một chức năng cuối cùng và cũng đang là xu hướng của truyền hình hiện nay đó là khai sáng và giải trí. Có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam lại có thể được giải trí trên truyền hình nhiều như bây giờ, qua đó công chúng được nâng cao tri thức mà vẫn có thể giải tỏa những căng thẳng của công việc thường ngày. Truyền hình nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân lao động, giúp cho mỗi thành viên của xã hội có cơ hội không ngừng bổ sung những kiến thức, làm phong phú đời sống tinh thần của mình. Truyền hình tạo nên điều kiện quan trọng cho sự tăng cường giao lưu văn hóa, làm cho các dân tộc hiểu biết lẫn nhau. Những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, bây giờ truyền hình đã trở thành những tài sản, giá trị chung cho cả nhân loại hiện đại. Sự hiểu biết và đời sống tinh thần của con người có khả năng để nâng cao, trở nên phong phú với sự tiếp thu hợp lý và phê phán đúng đắn những tri thức của cả thế giới về văn hóa, nghệ thuật. Xã hội ngày càng phát triển, trình độ giáo dục chung của công dân ngày càng cao, sự hình thành nhân cách, lối sống văn hóa của con người chịu ảnh hưởng của càng nhiều yếu tố phong phú. Truyền hình khi thực hiện các chức năng khai sáng, giải trí đã đề cập đến rất nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau, những khía cạnh rất phong phú của đời sống con người, hình thành nên một nền văn hóa toàn diện, lành mạnh và tiên tiến. Cùng với những nội dung trên việc đáp ứng các nhu cầu xã hội thông qua việc quảng cáo, chỉ dẫn, dự báo thời tiết, thông báo giá cả thị trường, thông tin những hiện tượng kỳ lạ,... Sự hình thành nền văn hóa, về mọi phương diện của nó, gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động tư tưởng và quản lý xã hội. Truyền hình thực sự đã phối hợp các chức năng của mình và thể hiện vai trò to lớn trong việc phát triển xã hội nói chung. 1.1.3. Công chúng báo chí và công chúng truyền hình Công chúng với nghĩa là một danh từ để chỉ một tập hợp xã hội được cấu thành một cách phức tạp bởi nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, mỗi người đều đang sống trong những mạng lưới xã hội và những mối quan hệ xã hội nhất định. Khi nghiên cứu về công chúng của một phương tiện thông tin đại chúng, thì không thể tách rời những độc giả hay khán giả ra khỏi môi trường sống của họ, mà ngược lại, phải đặt họ vào trong các hoàn cảnh sống cũng như các mối quan hệ xã hội của họ. Công chúng báo chí là hầu hết toàn bộ công chúng của xã hội, trong thời đại sống bằng thông tin hiện nay thì công chúng của báo chí quả thật là rất lớn. Tuy nhiên cũng cần khẳng định, công chúng của báo chí chủ yếu là những người có tri thức, học vấn nhất định. Chẳng hạn như là công chúng của báo in thì điều tối thiểu đó là phải biết chữ, đầu óc bình thường có khả năng tư duy, đối với truyền hình thì công chúng còn rộng lớn hơn nhiều vì không cần đến khả năng biết chữ, mắt có thể nhìn, tai có thể nghe, thậm chí truyền hình còn phục vụ cả cho người khiếm thị nữa, đều có thể tiếp nhận thông tin qua truyền hình. Công chúng báo chí nước ta hết sức đa dạng và phân tán. Đó là một thực thể xã hội rộng lớn, hết sức phong phú và đa dạng, có sự khác biệt nhau về lứa tuổi, giới tính, trình độ học vấn, địa bàn cư trú, nghề nghiệp, mức sống, sở thích...Đối tượng công chúng có thể là một cộng đồng người trong một thôn xóm, khối phố cho đến cộng đồng to lớn có phạm vi toàn quốc. Đặc điểm này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ, thời gian, mục đích tiếp cận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước kia khi báo chí chưa phát triển, công chúng báo chí có phần "dễ tính", họ tiếp nhận báo chí, đọc hết những gì mà báo chí cung cấp, từ đầu chí cuối. Báo chí xuất bản theo chỉ tiêu phân bổ của Nhà nước từ đó chuyển xuống các bưu cục. Số lượng báo chí không nhiều, số lượng đầu báo có hạn nên công chúng thời kỳ bao cấp được được bao cấp về kinh tế, và bao cấp cả về văn hóa nên công chúng tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Sau cải cách, đi đôi với sự phát triển của kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật...Báo chí cũng có sự phát triển rõ rệt, hệ thống thông tin đại chúng với nhiều loại hình, các báo tăng số lượng phát hành, nội dung thông tin phong phú đa dạng, đề cập đến mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Chưa bao giờ con người lại được sống trong một môi trường truyền thông đa dạng, phong phú và nhiều chiều như hiện nay. Công chúng báo chí hiện nay không còn là đối tượng thụ động, chỉ biết tiếp nhận những nội dung thông tin báo chí cung cấp như trước kia. Bởi thế nên trước mỗi sự kiện, sự việc được thông tin trên báo chí có thể nhiều ý kiến, nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau, hình thành dư luận xã hội rộng rãi. Từ vai trò là đối tượng tiếp nhận thông tin thụ động, công chúng đã tiến lên vai trò chủ động, trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông. Họ có quyền nhất định trong việc lựa chọn những thông tin mà họ quan tâm và thích thú. Như vậy, công chúng có vai trò như một yếu tố quyết định trong quá trình truyền thông. Họ có quyền chọn những thông tin hữu ích. ở đây, đối tượng truyền thông chủ động linh hoạt muốn được nghe, nói và tham gia vào quá trình truyền thông. Đây là một xu thế của công chúng báo chí và cũng là xu thế của báo chí hiện đại. Công chúng báo chí Việt Nam mang những nét đặc trưng riêng biệt. So với các nước trong khu vực Việt Nam là nước có tỷ lệ người biết chữ cao, có truyền thống hiếu học. Đối tượng truyền thông ở nước ta là những người cần cù chịu khó nhưng cũng nhạy bén trong việc tiếp cận các thông tin kỹ thuật tiên tiến. Song cũng còn những hạn chế nhất định do lối tư duy mạng nặng tính bảo thủ còn rơi rớt lại. Do đó hiểu đặc điểm công chúng và đáp ứng nhu cầu của công chúng là điều cần thiết. Mác từng nói: "Báo chí không phải là cái gì khác mà là sự diễn đạt tâm tư tình cảm hàng ngày của nhân dân và thành thực chia sẻ với họ niềm hy vọng và nỗi lo âu, tình yêu và lòng căm thù của họ" (Các Mác và Ăngghen bàn về vấn đề báo chí). Đặc điểm của công chúng truyền hình là những nét riêng biệt của công chúng truyền hình so với công chúng báo chí nói chung và công chúng của các loại hình nghệ thuật khác trong hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng. Đối với báo in, công chúng có thể tiếp cận các ấn phẩm qua hệ thống phát hành báo chí trong cả nước, đối với phát thanh chỉ cần một chiếc radio nhỏ, một đôi pin là có thể "bắt sóng" và có thể mang đi mọi địa hình mọi thời điểm để tiếp nhận thông tin nhưng với truyền hình việc tiếp nhận thông tin có phần "đòi hỏi" hơn về phần phương tiện thu hình, hệ thống đường truyền tải điện lưới. Trước kia hệ thống chuyển tải điện năng của chúng ta chưa rộng khắp, chưa về các vùng nông thôn và chưa lên được tới vùng sâu vùng xa thì khái niệm truyền hình vẫn còn là một cái gì đó xa vời. Một số nơi chúng ta thấy có những máy thu hình chạy bằng ắc quy, mặc dù bà con đã khắc phục tình hình thiếu thốn khó khăn để đến với truyền hình nhưng số lượng máy thu hình hoạt động tiếp sóng theo kiểu đó vô cùng ít. Và vì vậy, công chúng truyền hình giai đoạn này còn hạn chế, chủ yếu ở những vùng thành thị, những vùng được phủ điện lưới quốc gia. Rất nhiều năm trở lại đây, điều kiện điện lưới được khắc phục, điện đã về với bà con vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng bà con dân tộc thiểu số, bên cạnh đó là sự phát triển của kinh tế, xã hội người đã đủ điều kiện để mua máy thu hình, số lượng người dân tiếp cận với truyền hình đã tăng lên nhanh chóng và số lượng công chúng tiếp nhận thông tin trên truyền hình cũng tăng lên rất nhanh. Do tác động của địa lý, địa bàn cư trú không có tính quy tụ mà rải rác, phân tán nên công chúng của truyền hình rất đa dạng và tính chất tiếp nhận thông tin cũng sẽ có sự khác biệt. 1.1.4. Công chúng truyền hình hiện đại Công chúng truyền hình cũng như công chúng báo chí của chúng ta hiện nay không còn thụ động trong việc tiếp nhận thông tin. Nếu như trước đây, khi truyền hình mới ra đời, lớp công chúng truyền hình mới hình thành rất ấn tượng và bị hấp dẫn bởi loại hình báo chí mới mẻ này. Công chúng thường theo dõi hết những giờ phát sóng ít ỏi của chương trình truyền hình ở thời kỳ đầu, họ tiếp nhận thông tin mà truyền hình mang đến một cách bị động, tuy nhiên thì công chúng vẫn hài lòng vì có truyền hình để xem đã là cả một sự tiến bộ. Cùng với sự phát triển của kinh tế, trình độ dân trí được cải thiện và nâng cao, công chúng có thể tự nhận thức và đánh giá được thông tin. Bên cạnh đó là tốc độ của truyền hình, các chương trình ngày càng phong phú và đa dạng, với nhiều chương trình hấp dẫn được phát 24/24h, trong khi đó công chúng lại ngày bận rộn với công việc của cuộc sống hàng ngày, thời gian dành cho xem truyền hình do đó mà ít đi nên công chúng ngày càng có xu hướng chủ động chọn lọc tiếp nhận những chương trình, thông tin mà mình quan tâm, yêu thích,...phục vụ cho lợi ích của bản thân. Công chúng, đối tượng truyền thông chủ động linh hoạt, không chỉ muốn nghe mà muốn nói, muốn tham gia vào các chương trình truyền hình. Đây được xem là xu thế của truyền thông hiện đại. Công chúng truyền hình ở đây vừa đóng vai trò là đối tượng phản ánh vừa là người tiếp nhận các chương trình truyền hình. Công chúng cũng là nguồn đề tài để các nhà làm truyền hình khai thác, sản xuất các chương trình truyền hình, đi sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, tạo sự gần gũi với công chúng. Trong xã hội thông tin hiện nay, con người của xã hội hiện đại đã và đang chịu sự ảnh hưởng của rất nhiều loại thông tin được mang tới từ các loại phương tiện thông tin khác nhau. Chính vì thế, đã tạo ra những lớp công chúng của từng loại hình báo chí riêng biệt, có thể một cá nhân tiếp nhận thông tin từ nhiều loại phương tiện thông tin đại chúng nhưng sự tiếp nhận của từng loại rõ ràng là có sự khác biệt, và họ trở thành công chúng riêng biệt đối với từng loại hình báo chí. Thực tế trên các kênh của Đài truyền hình Việt Nam hiện nay, trong các chương trình có sự tham gia của công chúng rất nhiều. Người dân được tham gia các chương trình phỏng vấn, tọa đàm, đối thoại, được nêu ý kiến, thắc mắc hay gọi điện trực tiếp tới chương trình,....Đặc biệt là sự tham gia của công chúng vào các chương trình trò chơi truyền hình, một loại chương trình đang phát triển rất mạnh vì tính chất thú vị, bổ ích và hấp dẫn đối với họ. Vì thế, số lượng cũng như phạm vi công chúng không ngừng phát triển và mở rộng, tạo thành một lớp công chúng truyền hình khác trước rất nhiều, có thể gọi đó là công chúng truyền hình hiện đại. 1.2. Các yếu tố tác động đến công chúng truyền hình 1.2.1. Các yếu tố chính trị Trong mọi hoạt động của xã hội, thì chính trị đã, đang và sẽ giữ một vai trò hết sức quan trọng. Các thể chế chính trị nói chung luôn vận hành theo những nguyên tắc chung bảo đảm cho sự tồn tại và sự phát triển của một xã hội. ảnh hưởng của chính trị bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội, không bỏ qua một lĩnh vực nào, trong đó có báo chí. Cũng giống như các sản phẩm văn hóa - tư tưởng khác, báo chí chịu sự chi phối mạnh mẽ của chế độ chính trị. Nội dung báo chí thể hiện chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, hình thức thì phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Vì thế, chế độ chính trị xã hội nào thì nền báo chí ấy. Do đó một nền báo chí phát triển phải thể hiện được bộ mặt chính trị đương thời. Nhà cầm quyền ban hành các văn bản pháp luật, các quy định hoạt động báo chí, những đòi hỏi về báo chí có nội dung đi ngược lại chủ trương chính sách quan điểm của Nhà nước sẽ không được phép đáp ứng, lưu hành và phổ biến. Báo chí là công cụ quản lý xã hội của Nhà nước, không Nhà nước nào lại không nắm lấy công cụ, vũ khí sắc bén này. Nói như vậy có nghĩa là những nội dung báo chí mà công chúng hưởng thụ cũng chịu ảnh hưởng của chính trị. Hay nói một cách khác nhu cầu hưởng thụ thông tin qua báo chí của công chúng mang tính định hướng của Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Truyền hình nằm trong hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng do đó nằm trong phạm vi ảnh hưởng và quản lý hệ thống chính trị. Những ảnh hưởng ở đây thể hiện ở tôn chỉ, mục đích của thể loại báo hình. Truyền hình chịu ảnh hưởng của chính trị từ việc lựa chọn mục tiêu, sử dụng các giải pháp để thực hiện mục tiêu đó, khả năng kiểm soát và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực có sẵn của truyền hình (bao gồm cả tiềm lực tự nhiên và năng lực sáng tạo của đội ngũ những người làm truyền hình), việc cho phép hình thành các cơ chế để quần chúng tham gia vào quá trình thực hiện các chương trình của truyền hình một cách có hiệu quả. Như vậy có thể thấy rằng chính trị có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với các hoạt động của truyền hình, khả năng tác động vào công chúng để có thể tạo ra một sự thay đổi đối với công chúng truyền hình ở những giai đoạn khác nhau, tạo cho công chúng có nhận thức và khả năng nhất định để hiểu biết về nền chính trị, dân tộc, lịch sử, hệ thống chính trị của đất nước mình, mức hiểu biết của công chúng về các vấn đề trên truyền hình, về quá trình thực thi các chính sách của Nhà nước, ý kiến của người dân về vấn đề này...Tất cả các loại hình báo chí đều có khả năng tạo lập quan hệ giữa chính trị và các cá nhân trong cộng đồng và ngược lại. Nhưng riêng với truyền hình do bản thân nó đã chứa đựng khả năng rất lớn về vấn đề này, dựa trên cơ sở các mối quan hệ xã hội, chính trị có tác động đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và truyền hình nói riêng, chính trị có khả năng tạo ra sự huy động, nhất là tạo ra cơ chế thích hợp để bộ máy của các Đài truyền hình phát triển. Truyền hình vừa là công cụ phương tiện tuyên truyền của Đảng và Nhà nước nhưng cũng là đơn vị sản xuất, vừa có ý nghĩa về kinh tế, vừa có ý nghĩa về văn hóa. Đối với công chúng truyền hình, chính trị có thể đưa ra chính sách để phát triển nhanh hơn, nâng cao trình độ học vấn của công chúng, truyền hình là kênh thông tin vô cùng hiệu quả. Lớp công chúng truyền hình vừa có khả năng sáng tạo ứng dụng các thành quả phát triển của nhân loại đã đạt được, đây có thể coi là lớp công chúng lý tưởng của truyền hình. Họ biết tiếp nhận thông tin từ truyền hình, có khả năng phân tích tổng hợp những thông tin ấy và vận dụng sáng tạo vào cuộc sống, không dừng ở đó lớp công chúng này còn có thể tham gia tích cực vào các chương trình truyền hình, trở thành mắt xích quan trọng trong đó. 1.2.2. Các yếu tố kinh tế Trong lịch sử sinh ra và phát triển qua hàng vạn năm của con người, tất cả các quá trình đều gắn liền với các điều kiện kinh tế để phục vụ mục đích mưu sinh. Trải qua từng thời kỳ, con người từ chỗ là một thực thể gắn bó với tự nhiên đã tách ra từng bước chế ngự tự nhiên bằng niềm tin và sức mạnh của mình. Với sự phát triển của điều kiện kinh tế, con người có thể vươn lên tự khẳng định mình. Đây chính là yếu tố có tính quyết định làm thay đổi nhu cầu của con người nói chung trong các thời kỳ. Trước hết, nó làm thay đổi nhu cầu của con người ở tất cả các khía cạnh, trong đó có nhu cầu hưởng thụ. Điều kiện kinh tế ngày càng phát triển tạo cho con người ngày càng có nhiều nhu cầu phong phú đa dạng để phục vụ cuộc sống. Trong mối quan hệ biện chứng, nhu cầu con người kích thích sự phát triển kinh tế của xã hội ở trình độ sản xuất, lực lượng sản xuất và các mối quan hệ kinh tế trong đó. Nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng cao thì càng thỏa mãn được nhu cầu ngày càng tăng của con người trong đời sống thực tại. Theo quan niệm của C.Mác thì: "Toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là các cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức-xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực tại đó" (Mác và Ăngghen toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 13, năm 1993). Theo đó các vấn đề thuộc về thượng tầng kiến trúc bao gồm cả các vấn đề như: đạo đức, lối sống, nhu cầu...theo nghĩa rộng nhất là sự khúc xạ tất cả các mặt khác nhau của hình thái kinh tế xã hội và cuộc sống thường nhật của con người và cộng đồng xã hội. Yếu tố kinh tế bao gồm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất luôn luôn chi phối lối sống, đạo đức và các chuẩn giá trị xã hội của các giai cấp, tầng lớp xã hội. Trong đó trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất, cụ thể là trí lực và công cụ sản xuất là những yếu tố năng động và quyết định tới sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, "đây cũng là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá chất lượng sống, nhịp độ, phong cách sống văn minh" (Triết học xã hội, A.G.Xpirkin, NXB Tuyên huấn 1989). Đối với truyền hình và công chúng truyền hình yếu tố kinh tế được coi như là một điều kiện tiên quyết. Trước hết, đối với các chương trình truyền hình phải có điều kiện kinh tế để nâng cấp máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng chương trình. Đối với công chúng, kinh tế phát triển cũng đồng nghĩa với mức sống của người dân được nâng cao, kéo theo nhu cầu hưởng thụ văn hóa phát triển. Yếu tố kinh tế có vai trò lớn trong việc biến nhu cầu tiềm năng thành nhu cầu thực tế, tất nhiên điều kiện kinh tế chưa phải là điều kiện đủ. Nhưng một điều hiển nhiên là nếu nhu cầu vật chất chưa được thỏa mãn thì sẽ khó có sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Như vậy có thể nói rằng điều kiện kinh tế xã hội tỉ lệ thuận với nhu cầu của công chúng nói chung và công chúng truyền hình nói riêng. Thực tế trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy rằng truyền hình có thể xuất hiện trong điều kiện kinh tế eo hẹp nhưng để nó trở thành một loại hình báo chí phổ biến rộng rãi, hoạt động với đầy đủ các chức năng thì yếu tố kinh tế đóng vai trò quan trọng. Truyền hình có khả năng đến với tất cả các tầng lớp dân chúng rộng rãi nhất thậm chí đến với các tầng lớp nằm ngoài vùng ảnh hưởng của các phương tiện thông tin đại chúng khác. Có được khả năng ấy là do truyền hình có các đặc điểm về bản chất vật lý, nó quyết định tính chất đặc thù của truyền hình với tư cách là phương tiện truyền thông đại chúng. Nên có thể nói, trong các điều kiện ảnh hưởng tới truyền hình và công chúng truyền hình thì kinh tế yếu tố chi phối toàn bộ. 1.2.3. Các yếu tố văn hóa - xã hội Văn hóa là những giá trị vật chất tinh thần do con người sáng tạo ra, mà như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết:" Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong một quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử...cốt lõi của sức mạnh dân tộc là văn hóa với nghĩa bao quát và đẹp nhất của nó, bao gồm cả hệ thống chính trị, tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ các cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để bảo vệ và không ngừng lớn mạnh" (Văn hóa và đổi mới, Phạm Văn Đồng, NXB Chính trị Quốc gia, 1994). Văn hóa văn nghệ từ xưa đến nay đều lấy con người làm đối tượng phản ánh, con người là khách thể của văn hóa. Văn hóa do con người tạo ra và hướng con người tới sự phát triển toàn diện về chân thiện mỹ. Công chúng truyền hình là một bộ phận người trong xã hội, yếu tố văn hóa tác động đến công chúng truyền hình, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của họ. Công chúng tiếp nhận văn hóa từ nhiều môi trường, nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong đó có sự tác động của báo chí nói chung và truyền hình nói riêng. Việc tiếp nhận thông tin có định hướng trên truyền hình đã giúp công chúng truyền hình không phải trải qua quá trình sàng lọc thông tin. Bởi những thông tin trên truyền hình đã được sàng lọc, biên tập tỉ mỉ, phù hợp với định hướng phát triển của xã hội. Đây là ưu thế cho công chúng truyền hình hưởng thụ những thông tin văn hóa, tư tưởng, tình cảm, phẩm chất, trí tuệ,...lành mạnh để phát triển một cách tốt nhất. Bằng vốn văn hóa có được của mình, công chúng sẽ tiếp cận, nhận thức và đánh giá trên nền văn hóa có sẵn. Đây là điều kiện để phát triển con người lành mạnh, góp phần xây dựng một lối sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao hơn nữa vai trò của văn hóa đối với đời sống. 1.2.4. Các yếu tố khoa học kỹ thuật Thời đại khoa học kỹ thuật với sự bùng nổ của thông tin và những thành tựu vượt bậc của con người đã đánh thức những nhu cầu khát vọng, trạng thái, tình cảm vô cùng phong phú và sâu sắc của con người. Theo như Alvin Toffler đã dự báo:"Nền văn minh làn sóng thứ ba sẽ dựa trên thông tin tác động qua lại với nhau...nền thông tin này sẽ chuyển thành hình ảnh đa dạng và cá nhân hóa cao vào dòng trí tuệ xã hội...việc computer hóa xã hội sẽ không phi cá nhân hóa các mối quan hệ con người" (Cú sốc tương lai, Alvin Toffler, NXB Thông tin lý luận, 1992). Sự đa dạng, phong phú nhiều chiều và hài hòa của con người là xu hướng mang tính quy luật trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay. Chúng ta đang sống trong xã hội mà sự chuyển biến của nó dưới tác động của khoa học kỹ thuật là hết sức nhanh chóng. Sự ra đời của hàng loạt các thế hệ máy tính đã đem lại sự biến đổi quan trọng về diện mạo của nền văn hóa và kinh tế, nó cung cấp khối lượng thông tin khổng lồ một cách nhanh chóng, chính xác, liên tục và rộng khắp. Cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của con người từ nếp sống truyền thống của những làng quê đến phương thức sản xuất của các đơn vị doanh nghiệp ở thành thị. Đối với một xã hội luôn biến chuyển thì kiến thức và thông tin là nguồn lực vô cùng quan trọng. Vì vậy, nhu cầu về thông tin là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Như vậy, lượng công chúng báo chí sẽ tăng trong đó có công chúng truyền hình. Nhịp sống ngày càng gấp gáp, thời gian dành cho việc tiếp cận thông tin của công chúng truyền hình cũng ít hơn dẫn đến cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng truyền hình có nhiều thay đổi. Chính truyền hình cũng là một sản phẩm của những thành tựu khoa học và công nghệ. Như vậy, yếu tố khoa học kỹ thuật có ảnh hưởng lớn đến công chúng truyền hình và yếu tố này ngày càng có nhiều sự biến đổi vượt bậc và ngày càng có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển chung của công chúng. 1.3. Đặc điểm của công chúng truyền hình hiện đại 1.3.1. Đặc điểm xã hội học của công chúng truyền hình hiện đại và đặc điểm tâm lý tiếp nhận truyền hình của công chúng hiện đại 1.3.1.1. Mức sống Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta hiện nay thì mức sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Chuyện mỗi nhà có một chiếc tivi không còn là điều khó khăn, thậm chí có nhà có tới vài ba chiếc, mà không chỉ là tivi xem ăngten mà là chảo, là cáp. Mặc dù mức sống ở nông thôn còn nhiều khó khăn nhưng nhu cầu về thông tin đã tỏa lan khắp nên chiếc tivi là người bạn thân thiết của mỗi nhà. Trong khuôn khổ của một luận văn, tác giả xin được lấy ví dụ từ nghiên cứu xã hội học của bản thân với bảng hỏi xã hội học trên 8 tỉnh thành. thu nhập bình quân của gia đình Số lượng % % Người trả lời % Cộng dồn Không có 16 1,6 1,6 1,6 Dưới 200 40 3,9 3,9 5,5 201-800 304 29,7 29,7 35,2 801-2000 401 39,2 39,2 74,4 2001-4000 193 18,9 18,9 93,3 Trên 4000 64 6,3 6,3 99,5 Không trả lời 5 ,5 ,5 100,0 Tổng số 1023 100,0 100,0 Gia đình có bao nhiêu TV Số lượng % % Người trả lời % Cộng dồn Không có 41 4,0 4,0 4,0 1 chiếc 720 70,4 70,4 74,4 2-3 chiếc 244 23,9 23,9 98,2 Có từ 4 chiếc trở lên 18 1,8 1,8 100,0 Tổng số 1023 100,0 100,0 Nhìn vào bảng thống kê, chúng ta có thể thấy, trong hơn 1000 người được hỏi ở 8 tỉnh thành khác nhau đã nêu lên rằng mức sống của người dân ngày nay là khá cao. Thu nhập bình quân của gia đình trung bình nhiều nhất là từ trên 800.000đ đến 2 triệu đồng, đối với cuộc sống ở nông thôn, những người lao động phổ thông như vậy được xem là chấp nhận được. Đồng thời cũng tương quan với bảng thống kê của câu hỏi có bao nhiêu chiếc tivi trong mỗi gia đình, đa số là mỗi gia đình có 1 chiếc. Như vậy, mức sống của công chúng truyền hình khá ổn định. 1.3.1.2. Giới tính Công chúng của truyền hình nói riêng và báo chí nói chung không phân biệt giới tính. Truyền hình phục vụ thông tin cho mọi người bất kể nam hay nữ, cũng có một số chương trình dành riêng cho phụ nữ, hay đàn ông nhưng không phải chỉ mỗi phụ nữ hay đàn ông xem được mà cả hai giới này đều có thể theo dõi. Cũng theo bảng thống kê dưới đây thì phái nam và nữ đều có mối quan tâm đến truyền hình ngang nhau, sự chênh lệch là không đáng kể. Nói về tâm lý tiếp nhận thông tin thì những người thuộc phái mạnh có cách tiếp nhận có chủ đích hơn, mang tính chất phục vụ cho công việc nhiều hơn. Sở dĩ, phái nữ không có nhiều sự quan tâm đến truyền hình vì lý do thời gian, họ phải lo chuyện nội trợ cùng với công việc xã hội nên họ tiếp nhận truyền hình với tâm lý cần thông tin khoa giáo. Tương quan 2 chiều giới tính và đặc điểm tâm lý tiếp nhận thông tin (điều tra năm 2006 - 2007) Giới tính Tổng Nam Nữ Mức độ xem truyền hình Thường xuyên SL 445 323 768 % cột 77,1% 72,4% 75,1% Thỉnh thoảng SL 127 111 238 % cột 22,0% 24,9% 23,3% Hiếm khi SL 5 11 16 % cột ,9% 2,5% 1,6% Không bao giờ SL 1 1 % cột ,2% ,1% Tổng SL 577 446 1023 % Cột 100,0% 100,0% 100,0% Mức độ chủ động khi xem truyền hình Có chủ định từ trước SL 284 196 480 % cột 49,2% 43,9% 46,9% Theo thói quen SL 259 198 457 % cột 44,9% 44,4% 44,7% Tình cờ SL 34 52 86 % cột 5,9% 11,7% 8,4% Tổng SL 577 446 1023 % Cột 100,0% 100,0% 100,0% Mức độ tiếp nhận khi xem truyền hình Nhớ toàn bộ nội dung SL 42 36 78 % cột 7,3% 8,1% 7,6% Nhớ phần lớn nội dung SL 373 266 639 % cột 64,6% 59,6% 62,5% Nhớ một phận nội dung SL 153 131 284 % cột 26,5% 29,4% 27,8% Không nhớ nội dung gì SL 9 13 22 % cột 1,6% 2,9% 2,2% Tổng SL 577 446 1023 % Cột 100,0% 100,0% 100,0% Trao đổi thông tin nhận được từ truyền hình với ai Gia đình SL 255 260 515 % cột 44,2% 58,3% 50,3% Đồng nghiệp SL 167 96 263 % cột 28,9% 21,5% 25,7% Hàng xóm/bạn bè SL 133 80 213 % cột 23,1% 17,9% 20,8% Khác SL 22 10 32 % cột 3,8% 2,2% 3,1% Tổng SL 577 446 1023 % Cột 100,0% 100,0% 100,0% Bày tỏ thái độ thông cảm Bày tỏ thái độ thông cảm SL 242 200 442 % cột 59,9% 61,3% 60,5% Chia sẻ thông tin này với người khác Chia sẻ thông tin này với người khác SL 187 137 324 Bản thân đóng góp vật chất Bản thân đóng góp vật chất SL 148 132 280 % cột 35,1% 38,7% 36,7% Vận động người khác cùng đóng góp vật chất Vận động người khác cùng đóng góp vật chất SL 133 90 223 % cột 31,1% 28,3% 29,9% Sẽ làm gì sau khi tiếp Tìm hiểu xem thông tin SL 334 249 583 nhận thông tin thường xuyên trên truyền hình đó đúng hay sai % cột 57,9% 55,8% 57,0% Thay đổi thái độ và quan điểm về vấn đề nêu ra SL 139 91 230 % cột 24,1% 20,4% 22,5% Giữ nguyên thái độ, quan điểm cũ SL 103 104 207 % cột 17,9% 23,3% 20,2% Không trả lời SL 1 2 3 % cột ,2% ,4% ,3% Tổng SL 577 446 1023 % Cột 100,0% 100,0% 100,0% Những thông số trong bản thống kê trên mới là một phần của tâm lý tiếp nhận (xem thêm phần phụ lục), tuy chưa thật tổng quát đại đa số công chúng truyền hình Việt Nam nhưng đó cũng là những đại diện tiêu biểu, đặc trưng cho từng vùng miền của Tổ quốc. Với số lượng phiếu phát ra và thu về đầy đủ đã phản ánh phần lớn tâm lý tiếp nhận của công chúng đối với Đài truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây nhất. 1.3.1.3. Trình độ học vấn Trình độ học vấn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen, nhu cầu và khả năng tiếp nhận thông tin của công chúng. Nhu cầu của công chúng lớn hay nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố trình độ học vấn. Như đã nói ở những phần trước, truyền hình với đặc thù là sự kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh nên công chúng sẽ được mở rộng ra rất nhiều vì khắc phục được khó khăn của công chúng không biết chữ. Đặc biệt, với Đài truyền hình Việt Nam, mức phủ sóng rộng khắp, các chương trình phong phú và khá đầy đủ nên công chúng cũng đa dạng về trình độ học vấn. Bảng thống kê về tương quan hai chiều học vấn và tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng trên 8 tỉnh thành đối với các chương trình phát sóng của Đài truyền hình Việt Nam đã cho thấy thực tế là những người có trình độ học vấn ở tầm cao như đại học, cao đẳng là xem truyền hình nhiều nhất. Đây cũng phản ánh mối quan tâm hàng đầu của lớp công chúng truyền hình này, họ cần thông tin, cần giải trí trên truyền hình nhiều hơn so với các lớp công chúng khác. Đặc biệt, đối với những người không biết chữ thì tỉ lệ người theo dõi các chương trình truyền hình lại khá cao, với đặc trưng là lời nói và hình ảnh, truyền hình thực sự đã xóa đi giới hạn của tri thức, tạo điều kiện lớn cho sự tuyên truyền của Nhà nước cũng như sự phát triển của công chúng. Tương quan 2 chiều học vấn và đặc điểm tâm lý khi tiếp nhận TT Trình độ học vấn Tota l Ths/ TS ĐH CĐ Trun g cấp/ PTT H Dưới PTT H Mù chữ ktl Mức độ xem truyền hình Thường xuyên SL 17 237 57 311 139 4 3 768 % cột 81,0 % 87,1 % 85,1 % 73,7 % 59,7 % 80,0 % 100, 0% 75,1 % Thỉnh thoảng SL 4 34 9 108 83 238 % cột 19,0 % 12,5 % 13,4 % 25,6 % 35,6 % 23,3 % Hiếm khi SL 1 1 3 11 16 % cột ,4% 1,5% ,7% 3.10 7. 4,7% 1,6% Không bao giờ SL 1 1 % cột 20,0 % ,1% Tổng số SL 21 272 67 422 233 5 3 1023 % Cột 100,0 % 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% Mức độ chủ động khi xem truyền hình Có chủ định từ trước SL 10 142 39 193 92 2 2 480 % cột 47,6 % 52,2 % 58,2 % 45,7 % 39,5 % 40,0 % 66,7 % 46,9 % Theo thói quen SL 11 118 26 193 107 1 1 457 % cột 52,4 % 43,4 % 38,8 % 45,7 % 45,9 % 20,0 % 33,3 % 44,7 % Tình cờ SL 12 2 36 34 2 86 % cột 4,4% 3,0% 8,5% 14,6 % 40,0 % 8,4% Tổng số SL 21 272 67 422 233 5 3 1023 % Cột 100,0 % 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% Mức độ tiếp nhận khi xem truyền hình Nhớ toàn bộ nội dung SL 4 17 5 31 20 1 78 % cột 19,0 % 6,3% 7,5% 7,3% 8,6% 33,3 % 7,6% Nhớ phần lớn nội dung SL 12 224 48 270 82 1 2 639 % cột 57,1 % 82,4 % 71,6 % 64,0 % 35,2 % 20,0 % 66,7 % 62,5 % Nhớ một phận nội dung SL 5 30 13 116 118 2 284 % cột 23,8 % 11,0 % 19,4 % 27,5 % 50,6 % 40,0 % 27,8 % không SL 1 1 5 13 2 22 nhớ nội dung gì % cột ,4% 1,5% 1,2% 5,6% 40,0 % 2,2% Tổng số SL 21 272 67 422 233 5 3 1023 % cột 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% Trao đổi thông tin nhận được từ truyền hình với ai Gia đình SL 8 107 46 210 142 2 515 % cột 38,1 % 39,3 % 68,7 % 49,8 % 60,9 % 40,0 % 50,3 % Đồng nghiệp SL 11 118 11 110 11 1 1 263 % cột 52,4 % 43,4 % 16,4 % 26,1 % 4,7% 20,0 % 33,3 % 25,7 % Hàng xóm/bạn bè SL 2 38 10 94 67 2 213 % cột 9,5% 14,0 % 14,9 % 22,3 % 28,8 % 66,7 % 20,8 % khác SL 9 8 13 2 32 % cột 3,3% 1,9% 5,6% 40,0 % 3,1% Tổng số SL 21 272 67 422 233 5 3 1023 % cột 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 100, 0% 1.3.1.4. Tuổi tác Công chúng truyền hình không phân biệt tuổi tác, lý do thì như ai cũng biết, xã hội bình đẳng, con người dù ở tuổi nào thì cũng vẫn được xã hội quan tâm. Chính vì thế, công chúng truyền hình có đủ các lứa tuổi. Tuy nhiên với kết cấu dân số trẻ nên thường thì người ta hay nghĩ giới trẻ hay theo dõi truyền hình nhất. Nhưng thực tế nhìn vào bảng thống kê tương quan 2 chiều tuổi và tâm lý tiếp nhận được thử nghiệm tại 8 tỉnh thành năm 2006 - 2007 lại cho một kết quả khác. Độ tuổi tiếp nhận và xem thông tin, các chương trình truyền hình nhiều nhất 2 độ tuổi 20 - 24 và trên 55 tuổi. Những người hay theo dõi truyền hình thường theo chiều hướng giải trí là chính, thu nhặt thông tin và học tập thì chủ yếu là những người còn trong độ tuổi đi học. Tương quan 2 chiều tuổi và đặc điểm tâm lý khi tiếp nhận thông tin Tuổi người trả lời Tota l Dướ i 15 tuổi 15- 19 20- 24 25- 29 30- 34 35- 39 40- 44 45- 54 trên 55 Mức độ xem truyền hình Thường xuyên SL 17 28 75 109 103 69 88 180 95 764 % cột 77,3 % 70,0 % 58,1 % 82,0 % 76,3 % 78,4 % 67,7 % 80,0 % 81,2 % 75,0 % Thỉnh thoảng SL 5 12 50 23 31 18 37 43 19 238 % cột 22,7 % 30,0 % 38,8 % 17,3 % 23,0 % 20,5 % 28,5 % 19,1 % 16,2 % 23,4 % Hiếm khi SL 4 1 1 1 4 2 3 16 % cột 3,1% ,8% ,7% 1,1% 3,1% ,9% 2,6% 1,6% Không bao giờ SL 1 1 % cột ,8% ,1% Tổng số SL 22 40 129 133 135 88 130 225 117 1019 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% Mức độ chủ động khi xem Có chủ định từ trước SL 10 26 43 50 60 44 66 109 69 477 % cột 45,5 % 65,0 % 33,3 % 37,6 % 44,4 % 50,0 % 50,8 % 48,4 % 59,0 % 46,8 % Theo SL 10 12 64 76 60 33 52 107 42 456 truyền hình thói quen % cột 45,5 % 30,0 % 49,6 % 57,1 % 44,4 % 37,5 % 40,0 % 47,6 % 35,9 % 44,7 % Tình cờ SL 2 2 22 7 15 11 12 9 6 86 % cột 9,1% 5,0% 17,1 % 5,3% 11,1 % 12,5 % 9,2% 4,0% 5,1% 8,4% Tổng số SL 22 40 129 133 135 88 130 225 117 1019 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% Mức độ tiếp nhận khi xem truyền hình Nhớ toàn bộ nội dung SL 4 5 10 7 12 5 8 15 12 78 % cột 18,2 % 12,5 % 7,8% 5,3% 8,9% 5,7% 6,2% 6,7% 10,3 % 7,7% Nhớ phần lớn nội dung SL 10 25 68 87 91 60 89 145 61 636 % cột 45,5 % 62,5 % 52,7 % 65,4 % 67,4 % 68,2 % 68,5 % 64,4 % 52,1 % 62,4 % Nhớ một phận nội dung SL 8 10 47 37 29 21 30 59 42 283 % cột 36,4 % 25,0 % 36,4 % 27,8 % 21,5 % 23,9 % 23,1 % 26,2 % 35,9 % 27,8 % Không nhớ nội dung gì SL 4 2 3 2 3 6 2 22 % cột 3,1% 1,5% 2,2% 2,3% 2,3% 2,7% 1,7% 2,2% Tổng số SL 22 40 129 133 135 88 130 225 117 1019 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% Trao đổi thông tin nhận Gia đình SL 15 24 58 52 56 47 63 130 68 513 % cột 68,2 % 60,0 % 45,0 % 39,1 % 41,5 % 53,4 % 48,5 % 57,8 % 58,1 % 50,3 % được từ truyền hình với ai Đồng nghiệp SL 2 29 50 51 31 36 47 17 263 % cột 5,0% 22,5 % 37,6 % 37,8 % 35,2 % 27,7 % 20,9 % 14,5 % 25,8 % Hàng xóm/bạn bè SL 7 11 39 24 23 10 27 43 27 211 % cột 31,8 % 27,5 % 30,2 % 18,0 % 17,0 % 11,4 % 20,8 % 19,1 % 23,1 % 20,7 % Khác SL 3 3 7 5 4 5 5 32 % cột 7,5% 2,3% 5,3% 3,7% 3,1% 2,2% 4,3% 3,1% Tổng số SL 22 40 129 133 135 88 130 225 117 1019 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% Việc làm khi nhận được thông tin kêu gọi Bày tỏ thái độ thông cảm SL 12 22 59 51 52 39 51 97 58 441 % cột 57,1 % 64,7 % 58,4 % 60,0 % 61,2 % 63,9 % 60,7 % 57,7 % 64,4 % 60,5 % Chia sẻ thông tin này với người khác SL 4 5 48 45 43 22 40 81 35 323 % cột 21,1 % 15,2 % 43,6 % 44,1 % 43,9 % 32,4 % 40,8 % 42,4 % 39,8 % 40,0 % Bản thân đóng góp vật chất SL 5 15 26 30 37 29 34 52 50 278 % cột 23,8 % 39,5 % 28,0 % 33,3 % 42,0 % 46,0 % 36,2 % 29,9 % 50,5 % 36,6 % Vận động người khác SL 5 9 23 28 29 23 32 54 20 223 % cột 25,0 % 25,7 % 24,5 % 30,8 % 33,3 % 35,4 % 36,4 % 30,5 % 22,7 % 29,9 % cùng đóng góp vật chất Sẽ làm gì sau khi tiếp nhận thông tin thường xuyên trên truyền hình Tìm hiểu xem thông tin đó đúng hay sai SL 9 23 73 78 75 50 72 137 63 580 % cột 40,9 % 57,5 % 56,6 % 58,6 % 55,6 % 56,8 % 55,4 % 60,9 % 53,8 % 56,9 % Thay đổi thái độ và quan điểm về vấn đề nêu ra SL 8 10 27 31 30 21 31 44 27 229 % cột 36,4 % 25,0 % 20,9 % 23,3 % 22,2 % 23,9 % 23,8 % 19,6 % 23,1 % 22,5 % Giữ nguyên thái độ, quan điểm cũ SL 5 7 29 24 30 16 27 44 25 207 % cột 22,7 % 17,5 % 22,5 % 18,0 % 22,2 % 18,2 % 20,8 % 19,6 % 21,4 % 20,3 % Không trả lời SL 1 2 3 % cột 1,1% 1,7% ,3% Tổng số SL 22 40 129 133 135 88 130 225 117 1019 % cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% 1.3.1.5. Địa bàn sinh sống Công chúng truyền hình được chia ra hai địa bàn chính là nông thôn và đô thị. Những công chúng sống ở thành thị do có nhiều nguồn để thu thập thông tin nên thời gian dành cho các kênh truyền thông cũng bị san sẻ bớt, nhưng thực tế điều tra lại cho thấy, lượng người xem truyền hình ở thành thị vẫn đông, đã chứng tỏ đặc điểm tiếp nhận thông tin của công chúng là thích được xem thông tin, được thấy mình như tham gia vào sự kiện, hiện tượng nên chọn truyền hình. Và trong truyền hình, công chúng có thể tham gia vào các trò chơi, có thể thấy mình trên tivi, đó cũng là một trong số các nguyên nhân khiến công chúng ở nông thôn rất thích xem truyền hình. Xem bảng thống kê để thấy rõ nhất sự tương quan giữa những công chúng truyền hình ở nông thôn và công chúng truyền hình thành thị. Tương quan 2 chiều nơi ở hiện nay và thời lượng xem truyền hình Nơi ở hiện nay A Total Đô thị Nông thôn Thời lượng xem TH vào ngày thường Dưới 1 h SL 28 29 57 % cột 5,0% 6,3% 5,6% Từ 1-2h SL 172 124 296 % cột 30,5% 27,0% 28,9% Từ 2-4h SL 183 152 335 % cột 32,4% 33,1% 32,7% Từ 4-5 h SL 67 79 146 % cột 11,9% 17,2% 14,3% Trên 5h SL 113 75 188 % cột 20,0% 16,3% 18,4% ktl SL 1 1 % cột ,2% ,1% Tổng số SL 564 459 1023 % Cột 100,0% 100,0% 100,0% Thời lượng xem TH vào ngày Thứ 7 Dưới 1 h SL 24 31 55 % cột 4,3% 6,8% 5,4% Từ 1-2h SL 140 106 246 % cột 24,8% 23,1% 24,0% Từ 2-4h SL 149 124 273 % cột 26,4% 27,0% 26,7% Từ 4-5 h SL 84 104 188 % cột 14,9% 22,7% 18,4% Trên 5h SL 139 85 224 % cột 24,6% 18,5% 21,9% ktl SL 28 9 37 % cột 5,0% 2,0% 3,6% Tổng số SL 564 459 1023 % Cột 100,0% 100,0% 100,0% Thời lượng xem TH vào ngày CN Dưới 1 h SL 20 25 45 % cột 3,5% 5,4% 4,4% Từ 1-2h SL 137 107 244 % cột 24,3% 23,3% 23,9% Từ 2-4h SL 143 124 267 % cột 25,4% 27,0% 26,1% Từ 4-5 h SL 87 100 187 % cột 15,4% 21,8% 18,3% Trên 5h SL 155 96 251 % cột 27,5% 20,9% 24,5% ktl SL 22 7 29 % cột 3,9% 1,5% 2,8% Tổng số SL 564 459 1023 % Cột 100,0% 100,0% 100,0% 1.3.1.6. Nghề nghiệp Bất cứ những làm nghề gì, kể cả thất nghiệp thì họ vẫn có nhu cầu nắm bắt thông tin và giải trí. Đó là nguyên do những người làm việc theo giờ giấc (công nhân viên chức) và những người có quỹ thời gian rảnh nhiều nhất (nội trợ, thất nghiệp và hưu trí) là những công chúng xem truyền hình nhiều nhất. Tuy nhiên với những nghề nghiệp khác, do không có điều kiện về mặt thời gian hay kinh tế không thể theo dõi truyền hình thường xuyên thì họ lại có chủ đích xem truyền hình để học hỏi và tham gia vào truyền hình, nghĩa là truyền hình mang lại nhiều hiệu quả hơn với những đối tượng này. Tương quan nghề nghiệp và đặc điểm tâm lý khi tiếp nhận TT Nghề nghiệp người trả lời Total Công chức Công nhân Nông dân Buôn bán/dị ch vụ Lực lượng vũ trang SV/H S Hưu trí/ nội trợ/ thất nghiệ p khác ktl Mức Thường SL 329 60 113 49 34 72 105 5 1 768 độ xem truyền hình xuyên % cột 85,7 % 65,9 % 52,3 % 77,8 % 97,1 % 66,1 % 89,0 % 83,3 % 100,0 % 75,1 % Thỉnh thoảng SL 53 30 94 12 1 36 11 1 238 % cột 13,8 % 33,0 % 43,5 % 19,0 % 2,9% 33,0 % 9,3% 16,7 % 23,3 % Hiếm khi SL 2 1 8 2 1 2 16 % cột ,5% 1,1% 3,7% 3,2% ,9% 1,7% 1,6% Không bao giờ SL 1 1 % cột ,5% ,1% Tổng số SL 384 91 216 63 35 109 118 6 1 1023 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% Mức độ chủ động khi xem truyền hình Có chủ định từ trước SL 193 39 67 35 24 50 70 1 1 480 % cột 50,3 % 42,9 % 31,0 % 55,6 % 68,6 % 45,9 % 59,3 % 16,7 % 100,0 % 46,9 % Theo thói quen SL 177 37 119 25 11 45 39 4 457 % cột 46,1 % 40,7 % 55,1 % 39,7 % 31,4 % 41,3 % 33,1 % 66,7 % 44,7 % Tình cờ SL 14 15 30 3 14 9 1 86 % cột 3,6% 16,5 % 13,9 % 4,8% 12,8 % 7,6% 16,7 % 8,4% Tổng số SL 384 91 216 63 35 109 118 6 1 1023 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% Mức Nhớ SL 22 9 10 5 6 14 12 78 độ tiếp nhận khi xem truyền hình toàn bộ nội dung % cột 5,7% 9,9% 4,6% 7,9% 17,1 % 12,8 % 10,2 % 7,6% Nhớ phần lớn nội dung SL 299 44 88 38 24 69 71 5 1 639 % cột 77,9 % 48,4 % 40,7 % 60,3 % 68,6 % 63,3 % 60,2 % 83,3 % 100,0 % 62,5 % Nhớ một phận nội dung SL 61 33 110 19 5 24 31 1 284 % cột 15,9 % 36,3 % 50,9 % 30,2 % 14,3 % 22,0 % 26,3 % 16,7 % 27,8 % Không nhớ nội dung gì SL 2 5 8 1 2 4 22 % cột ,5% 5,5% 3,7% 1,6% 1,8% 3,4% 2,2% Tổng số SL 384 91 216 63 35 109 118 6 1 1023 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% Trao đổi thông tin nhận được từ truyền hình Gia đình SL 147 40 148 41 10 52 74 2 1 515 % cột 38,3 % 44,0 % 68,5 % 65,1 % 28,6 % 47,7 % 62,7 % 33,3 % 100,0 % 50,3 % Đồng nghiệp SL 179 25 9 7 20 13 8 2 263 % cột 46,6 % 27,5 % 4,2% 11,1 % 57,1 % 11,9 % 6,8% 33,3 % 25,7 % Hàng xóm/bạ n bè SL 49 23 54 15 3 38 30 1 213 % cột 12,8 % 25,3 % 25,0 % 23,8 % 8,6% 34,9 % 25,4 % 16,7 % 20,8 % với ai Khác SL 9 3 5 2 6 6 1 32 % cột 2,3% 3,3% 2,3% 5,7% 5,5% 5,1% 16,7 % 3,1% Tổng số SL 384 91 216 63 35 109 118 6 1 1023 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% Việc làm khi nhận được thông tin kêu gọi Bày tỏ thái độ thông cảm SL 106 54 133 27 7 56 56 3 442 % cột 47,5 % 79,4 % 65,2 % 67,5 % 46,7 % 58,3 % 70,0 % 75,0 % 60,5 % Chia sẻ thông tin này với người khác SL 147 28 53 16 14 29 35 2 324 % cột 51,6 % 40,0 % 25,4 % 36,4 % 58,3 % 30,9 % 45,5 % 33,3 % 40,0 % Bản thân đóng góp vật chất SL 83 32 53 27 10 35 39 1 280 % cột 35,6 % 47,1 % 26,0 % 52,9 % 55,6 % 36,5 % 44,3 % 100,0 % 36,7 % Vận SL 93 14 44 16 11 20 24 1 223 động người khác cùng đóng góp vật chất % cột 36,6 % 27,5 % 22,2 % 40,0 % 45,8 % 21,5 % 29,3 % 25,0 % 29,9 % Sẽ làm gì sau khi tiếp nhận thông tin thườn g xuyên trên truyền hình Tìm hiểu xem thông tin đó đúng hay sai SL 252 42 100 29 25 62 68 4 1 583 % cột 65,6 % 46,2 % 46,3 % 46,0 % 71,4 % 56,9 % 57,6 % 66,7 % 100,0 % 57,0 % Thay đổi thái độ và quan điểm về vấn đề nêu ra SL 92 13 44 20 3 32 24 2 230 % cột 24,0 % 14,3 % 20,4 % 31,7 % 8,6% 29,4 % 20,3 % 33,3 % 22,5 % Giữ nguyên thái độ, quan điểm cũ SL 40 35 71 14 7 15 25 207 % cột 10,4 % 38,5 % 32,9 % 22,2 % 20,0 % 13,8 % 21,2 % 20,2 % Không trả lời SL 1 1 1 3 % cột 1,1% ,5% ,8% ,3% Tổng số SL 384 91 216 63 35 109 118 6 1 1023 % Cột 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100,0 % 100, 0% 1.3.2. Điều kiện tiếp nhận truyền hình của công chúng hiện đại Công chúng truyền hình tiếp nhận thông tin qua hai hệ thống âm thanh (chiếm 60% lượng thông tin) và hình ảnh (40% lượng thông tin). Âm thanh và hình ảnh được xây dựng để bổ sung thông tin cho nhau, âm thanh cung cấp thông tin cơ bản, còn hình ảnh bổ sung thông tin và làm tăng độ sát thực, tính sinh động của thông tin. Tuy nhiên, với đặc trưng của truyền hình là thông tin qua âm thanh và hình ảnh cùng lúc được cung cấp cho công chúng, những thông tin này chỉ được phát một lần nên lượng thông tin mà công chúng phải tiếp nhận được là khá lớn và có tính dồn dập, liên tục. Điều này gây khó khăn cho việc sắp xếp các thông tin và việc ghi nhớ của công chúng. Đối với công chúng báo in có thể có những khoảng thời gian ngưng nghỉ nếu thấy cần thiết, còn với công chúng truyền hình điều này là không thể. Việc tiếp nhận thông tin bằng cả hai giác quan, thính giác và thị giác cũng làm cho trí óc công chúng truyền hình làm việc nặng hơn. ở trường hợp này, việc tiếp nhận thông tin mới được coi là kinh nghiệm mới, được biểu hiện lần đầu thâm nhập vào ý thức của người tiếp nhận. Còn trong trường hợp khác là tiềm thức, trong trí nhớ của người xem đã có những thông tin nhất định liên quan đến vấn đề đang tiếp nhận. Tuy nhiên, những thông tin ở đây chỉ đóng vai trò là thông tin cơ bản sơ lược, chưa đầy đủ, chưa logic hoặc bị đảo lộn về trình tự. Đối với trường hợp này, việc tiếp nhận thông tin mang tính chất bổ sung thêm thông tin. Quá trình tiếp nhận này sẽ giúp công chúng lấp đầy những khoảng trống thông tin về vấn đề hay sắp xếp lại những thông tin theo một trật tự logic hợp lý hơn theo bản chất khách quan của vấn đề. Việc tiếp nhận thông tin bổ sung này cũng sẽ cung cấp cho công chúng những thông tin sâu rộng hơn nếu trước đó công chúng chỉ có những thông tin cơ bản, sơ lược. Để từ đó, công chúng sẽ hình thành được một hệ thống kiến thức, hệ thống thông tin về vấn đề một cách đầy đủ và logic. Ngày nay với tuy duy hoàn toàn mới và xu hướng hiện đại đã có thể cho công chúng tiếp nhận thông tin theo cách nghĩ của mình. Trường hợp thứ hai, tiếp nhận thông tin củng cố. Trường hợp này là công chúng đã có thông tin và hiểu biết về vấn đề, song do nhu cầu công việc hay do sở thích, hay cũng có thể do sau một thời gian, trí nhớ về những sự việc hiện tượng khó huy động lại, do vậy, công chúng tiếp nhận thông tin với mục đích hồi phục lại những hiểu biết, những tri thức về vấn đề mà trước đó đã tiếp nhận. Với trường hợp này, công chúng sẽ ghi nhớ thông tin được lâu hơn. Việc tiếp nhận vấn đề theo hình thức củng cố thông tin cũng giúp cho công chúng kiểm tra lại tính xác thực, khách quan của thông tin đã tiếp nhận trước đó. Nếu thông tin của lần tiếp nhận trước và lần này trùng nhau (nghĩa là thông tin đúng, thông tin chân lý) thì công chúng càng có cơ hội củng cố chúng, còn trong trường hợp thông tin bị nghi ngờ về tính chân thực khách quan, thông tin không chính xác thì chúng sẽ được xác định lại. Xác minh lại thông tin cũng sẽ đem lại cho công chúng những hiểu biết mới, hoàn thiện thông tin tiếp nhận và đó cũng là mốc để công chúng ghi nhớ thông tin. Tất nhiên, việc tiếp nhận thông tin của công chúng trong những trường hợp trên cũng đều ở trong những điều kiện nhất định, hay còn gọi là điều kiện tiếp nhận thông tin. Trong đó phải kể đến các điều kiện: kiến thức về các lĩnh vực của đời sống, tâm lý tiếp nhận, mức độ quan hệ giữa vấn đề và người tiếp nhận, hoàn cảnh tiếp nhận và kiến thức tiếp nhận của người tiếp nhận vấn đề đó. Đối với công chúng truyền hình hiện đại, thì điều kiện tiếp nhận thông tin ngày càng thuận tiện và công chúng cũng có đủ điều kiện cần thiết để có thể tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng và đúng với nhu cầu. Điều kiện này phải kể thêm đó là điều kiện về kinh tế và quỹ thời gian, kinh tế phát triển, thời gian gấp gáp nên các thông tin trên truyền hình cũng có xu hướng nhanh hơn, ngắn gọn hơn trước và lượng thông tin cũng nhiều hơn, chất lượng hơn. 1.3.3. Đặc điểm nhu cầu tiếp nhận truyền hình của công chúng hiện đại Quá trình tiếp nhận thông tin của công chúng có thể được chia làm hai giai đoạn: Tìm chương trình, tiếp nhận thông tin và sự biến đổi của nhận thức sau khi tiếp nhận thông tin. Lựa chọn chương trình là một bước giới hạn phạm vi thông tin tiếp cận của công chúng. Lựa chọn chương trình truyền hình liên quan đến mục đích xem truyền hình của công chúng, liên quan đến sở thích, nhu cầu hay do yêu cầu của công việc. Công chúng sẽ chỉ chọn những chương trình truyền hình mang lại thông tin có ý nghĩa cho họ. Lựa chọn chương trình là khâu đầu tiên và cũng là khâu quan trọng nhất, nó quyết định việc chương trình có được công chúng xem tiếp hay không. Vì thế, những người làm truyền hình cần phải quan tâm để lựa chọn những đề tài có thể gây được sự chú ý của công chúng. Khi đã có một sự kiện cụ thể, lại phải chọn được một mâu thuẫn cần giải quyết, mâu thuẫn đó phải mang tính thời sự. Theo đó, nhà báo phải nghiên cứu, xác định được giới hạn của vấn đề và ý nghĩa thời sự của tác phẩm truyền thông đối với công chúng. Hiện nay, việc lựa chọn chương trình của công chúng được hỗ trợ bởi nhiều kênh thông tin khác nhau. Đối với công chúng truyền hình thì truyền hình thực sự là công cụ tuyệt vời giúp họ có thể lựa chọn thông tin mình quan tâm, yêu thích thông qua bản giới thiệu chương trình (có thể là trong ngày, hay từ nhiều ngày trước). Tuy nhiên, khi ngồi trước máy thu hình, người xem thường có một động tác là bật các kênh và họ sẽ dừng ở một kênh có chương trình mà họ quan tâm, hay gây chú ý với họ. Sự lựa chọn chương trình vì vậy sẽ diễn ra nhanh chóng, không có chủ ý từ trước. Sau khi đã lựa chọn chương tình thì bước tiếp theo sẽ là tiếp nhận thông tin, trong cuốn "Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận" của Viện Thông tin khoa học xã hội, 1991, Trần Đình Sử cho rằng: " Xét ở góc độ tiếp nhận thì thấy "chủ đề", "đề tài" là cách mà công chúng phân tích, cắt nghĩa". Công chúng tiếp nhận ở đây được coi là người cắt nghĩa tác phẩm, "người cắt nghĩa không phải là người bị kiểm soát. Thành tố của tác phẩm ở trong các quan hệ hình thức xác định lẫn nhau. Các yếu tố đưa ra và được lọc lấy trong tất cả tính phức tạp, qua nắm bắt chỉnh thể tác phẩm nhất định sẽ bộc lộ ý nghĩa chung của các bộ phận cũng như các chỉnh thể" (Trần Đình Sử, Viện Thông tin khoa học xã hội, 1991). Như vậy, khi vấn đề được đưa ra, người tiếp nhận sẽ lọc lấy những thông tin mà cá nhân công chúng cần hoặc quan tâm. Trong quá trình tiếp nhận thông tin này cũng sẽ xảy ra một hiện tượng thuộc về vấn đề y học, đó là người xem sẽ khơi dậy trong trí nhớ của mình tất cả những thông tin có liên quan đến thông tin đang tiếp nhận, xem xét thông tin ấy trong một hệ thống thông tin có liên quan có cùng một chủ đề. Con người là một thực thể tồn tại với nhu cầu luôn mong muốn khám phá cái mới, tìm hiểu bản chất những quy luật, những vấn đề chưa biết. Điều này giống như công chúng truyền hình khi đứng trước một chương trình đề cập đến một vấn đề mới mẻ, chương trình sẽ lôi cuốn được sự chú ý của công chúng. Quy luật nhận thức của con người là đi từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính, từ chi tiết đến khái quát, từ dễ đến khó, từ bộ phận đến tổng thể. Và đối với vấn đề được coi là mới mẻ thì việc tiếp nhận thông tin của công chúng cũng sẽ tuân theo quy luật trên. Trong quá trình tiếp nhận này, công chúng có sự liên hệ, liên tưởng giữa các khía cạnh của vấn đề, có sự phân tích, tổng hợp thông tin để từ đó tạo thành một chỉnh thể đầy đủ của vấn đề. kết luận chương 1 Nghiên cứu công chúng truyền hình đòi hỏi phải có sự hiểu biết về đặc điểm của công chúng nói chung và các đặc điểm của báo chí. Qua đó, thấy được sự tác động của báo chí nói chung và truyền hình nói riêng tới công chúng. Bên cạnh đó là các yếu tố từ thực tế xã hội tác động tới tâm lý, nhu cầu tiếp nhận của công chúng truyền hình. Công chúng báo chí là hầu hết toàn bộ công chúng của xã hội, trong thời đại sống bằng thông tin hiện nay thì công chúng của báo chí quả thật là rất lớn. Tuy nhiên cũng cần khẳng định, công chúng của báo chí chủ yếu là những người có tri thức, học vấn nhất định. Công chúng báo chí nước ta hết sức đa dạng và phân tán. Đó là một thực thể xã hội rộng lớn, hết sức phong phú và đa dạng, có sự khác biệt nhau về lứa tuổi, giới tính, trình độ học vấn, địa bàn cư trú, nghề nghiệp, mức sống, sở thích...Đối tượng công chúng có thể là một cộng đồng người trong một thôn xóm, khối phố cho đến cộng đồng to lớn có phạm vi toàn quốc. Đặc điểm này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ, thời gian, mục đích tiếp cận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công chúng truyền hình là những người tiếp nhận thông tin từ loại hình truyền thông truyền hình. Trong xã hội thông tin hiện nay, con người của xã hội hiện đại đã và đang chịu sự ảnh hưởng của rất nhiều loại thông tin được mang tới từ các loại phương tiện thông tin khác nhau. Chính vì thế, đã tạo ra những lớp công chúng của từng loại hình báo chí riêng biệt, có thể một cá nhân tiếp nhận thông tin từ nhiều loại phương tiện thông tin đại chúng nhưng sự tiếp nhận của từng loại rõ ràng là có sự khác biệt, và họ trở thành công chúng riêng biệt đối với từng loại hình báo chí. Cùng với sự phát triển của kinh tế, trình độ dân trí được cải thiện và nâng cao, công chúng có thể tự nhận thức và đánh giá được thông tin. Vì thế, số lượng cũng như phạm vi công chúng không ngừng phát triển và mở rộng, tạo thành một lớp công chúng truyền hình khác trước rất nhiều, có thể gọi đó là công chúng truyền hình hiện đại. Các yếu tố tác động đến công chúng truyền hình đó là chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật. Các yếu tố này hình thành nên công chúng truyền hình và cũng là những yếu tố làm thay đổi và phát triển công chúng truyền hình theo thời gian. Điều kiện sống, giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp và nơi sinh sống của công chúng truyền hình đã tạo nên những lớp công chúng truyền hình có nhu cầu khác nhau và đồng thời, họ cũng có những cảm nhận và cách tiếp nhận truyền hình riêng biệt. Điều tra xã hội học đã làm rõ những đặc điểm xã hội học của công chúng truyền hình và đặc điểm tâm lý tiếp nhận truyền hình của họ. Với hơn 1000 phiếu điều tra trên 8 tỉnh thành trong cả nước đã cho thấy khá rõ nét về đặc điểm công chúng truyền hình, cũng như đặc điểm tâm lý tiếp nhận truyền hình mà cụ thể là Đài truyền hình Việt Nam của họ. Công chúng truyền hình ngày nay tiếp nhận thông tin hay tìm hiểu nhận thức qua các kênh truyền hình khá dễ dàng vì điều kiện sống ngày nay được nâng cao, công chúng cũng thích tiếp cận với thông tin và xã hội bên ngoài qua truyền hình về đặc tính của truyền hình là sự hấp dẫn của hình ảnh kết hợp với âm thanh mang lại sự sống động và xác thực cho thông tin. Đa số những công chúng được điều tra xã hội học cho thấy họ tiếp nhận truyền hình khá hiệu quả khi truyền hình trở thành nơi cung cấp thông tin lý tưởng, sân chơi và như một trường học đối với công chúng. Công chúng truyền hình có nhiều điều kiện tiếp nhận truyền hình do chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thiết thực của họ. Bản thân họ cảm nhận được sự cần thiết về thông tin mà truyền hình có thể đáp ứng được, chính vì vậy họ tạo ra điều kiện để có thể tiếp nhận thông tin từ truyền hình. Chương 2 Hiện trạng đáp ứng nhu cầu thông tin cho công chúng của Đài truyền hình Việt Nam 2.1. Đặc điểm xử lý thông tin trên Đài truyền hình Việt Nam 2.1.1. Chủ động trong trao đổi thông tin Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với gần 40 năm hình thành và phát triển đã có nhiều bước đi thăng trầm. Là đài truyền hình quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam và là đài phủ sóng toàn quốc duy nhất tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 7 tháng 9 năm 1970 từ một ban biên tập thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1976, Đài tách ra và chuyển trụ sở sang khu vực Giảng Võ hiện nay, chính thức được đặt tên là Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1987 và bắt đầu từ đó trở thành Đài truyền hình quốc gia. Đến nay, với đội ngũ người làm truyền hình hùng hậu, có chuyên môn cao, cơ sở vật chất khá tốt và ổn định. Đài Truyền hỡnh Việt Nam là một tổ chức thuộc chính phủ hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Đài trực thuộc quản lý trực tiếp của Chớnh phủ. VTV luôn đi đầu trong việc đăng tải tin tức, trong nhiều năm qua, VTV đã đăng tải các sự kiện quan trọng diễn ra tại Việt Nam và trong khu vực bao gồm các kỳ Đại hội Đảng, họp Quốc hội, Kỳ họp thượng đỉnh ASEAN, các kỳ họp Lãnh đạo APEC, các chuyến thăm chính thức của các nguyên thủ, cũng như các giải thể thao quốc gia và quốc tế như: SEAGAMES, các giải bóng đá quốc tế, các lễ hội lớn và các hoạt động văn hóa quốc gia. VTV là kênh tin tức quốc tế quan trọng, nắm trong tay bản quyền cấp phép của Reuters và các hãng tin tức lớn quốc tế, VTV luôn là Đài truyền hình đầu tiên đem tới các thông tin mới nhất, chính xác về những gì đang diễn ra trên khắp thế giới. Các sự kiện chính như cuộc chiến tại Iraq, đánh bom tại New York, Madrid, Iraq, London, vụ bắt cóc con tin tại Beslan,...cũng như các tin tức mới nhất về các phát minh khoa học đều được phát sóng kịp thời trên các kênh của VTV. VTV là người bạn tri thức, cung cấp cho mọi tầng lớp khán giả các thể loại chương trình kiến thức như phương pháp trồng trọt, chăn nuôi, các chương tình giáo dục cho các cấp học, kiến thức về thế giới động vật, các thông tin khoa học và pháp luật,... VTV chiếm ưu thế trong lĩnh vực giải trí, nắm trong tay quyền phát sóng độc quyền tại Việt Nam các giải thể thao lớn trên thế giới như Olympic Games, World Cup, Cúp FA, Cúp UEFA, Ngoại hạng Anh, Copa Libertadores, giải Prime Liga Tây Ba Nha, Asian Games,...Bên cạnh đó, VTV mua được quyền sản xuất tại Việt Nam một số các chương trình trò chơi được ưa thích như: Vòng quay may mắn (Chiếc nón kỳ diệu), Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú, Trò chơi âm nhạc,... VTV là nhà đồng tổ chức và tài trợ cho các cuộc thi sáng giá và gây được nhiều sự quan tâm của công chúng, như: Robocon, Trí tuệ Việt Nam (cuộc thi thiết kế phần mềm vi tính), Hoa hậu Việt Nam, Các cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc, Liên hoan truyền hình toàn quốc, Giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV,... Bên cạnh đó phải kể đến là việc sản xuất phim truyền hình, những năm gần đây thực sự đã trở thành người bạn thân thiết của công chúng. Hàng năm với vài chục phim một tập và nhiều tập với nội dung phong phú, bám sát cuộc sống xã hội đã làm giàu thêm chương trình của VTV. Điều này có thể nhận thấy qua các cuộc bình chọn phim truyền hình hằng năm, góp phần đưa nền điện ảnh lên một tầm cao mới. VTV chủ động trong thông tin được thể hiện ở hầu hết các chương trình, đặc biệt là các chương trình trực tiếp. Không chỉ là đơn vị, phương tiện thông tin cho công chúng mà còn là nơi dấy lên rất nhiều thông tin thú vị. Khai thác triệt để các khía cạnh của đời sống để đưa vào chương trình, tích cực giao lưu với truyền hình nước ngoài, khai thác nhiều loại truyền thông mới, hiện đại để theo kịp sự phát triển của truyền hình thế giới, như truyền hình trả tiền, cáp, các công nghệ làm truyền hình trực tiếp, sitcom,... Là một tổ chức thông tin, truyền thông hàng đầu ở Việt Nam, VTV luôn giữ vai trũ tích cực trên mặt trận tư tưởng văn hoá quốc gia thông qua việc tuyên truyền thông tin tới mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước và kiều bào tại nước ngoài, cung cấp các chương trỡnh khoa học giỏo dục và cỏc chương trỡnh giải trớ cho cỏc nhúm khỏn giả. Bờn cạnh đó, Đài cũn là một kờnh giao lưu hiệu quả cho hơn 50 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam cũng như giữa Việt Nam và thế giới. Trong suốt thập kỷ qua, VTV đó phỏt triển nhiều dịch vụ đa dạng từ phát sóng truyền hỡnh tới cỏc lĩnh vực khỏc như sản xuất phim, Pay-TV, dịch vụ Internet, phát hành tạp chí. Đài đó chứng minh được ảnh hưởng ngày càng tăng của mỡnh tới đời sống tinh thần, văn hoá và giải trí của người Việt Nam. 2.1.2. Khả năng trình bày thông tin VTV là Đài truyền hình quốc gia, có độ phủ sóng rộng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, như vậy là mức phục vụ hết sức phong phú. Không kể đến các tin tức, phóng sự thời sự được phát trên VTV luôn là những tin tức có sức ảnh hưởng to lớn. Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam phỏt triển nhanh và duy trỡ sự phỏt triển liờn tục. Cụng nghiệp giải trớ đó đóng vai trũ quan trọng giỏn tiếp và trực tiếp cho bức tranh toàn cảnh này. Nhưng toàn cầu hoá đang tăng cường độ cạnh tranh, đó là thách thức lớn phải đương đầu và cần vượt qua. Mặt khác, tiềm năng là lợi thế có được để phát triển phải được khai thác triệt để. Là ngành công nghiệp giải trí "hái ra tiền", truyền hỡnh là một trong những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, khai thác lợi thế của nhiều công nghệ hiện đại, đa tính năng. Đây chính là một "công cụ" tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, với giới hạn là một luận văn, tác giả chỉ xin đề cập tới một số loại hình thể hiện mới của VTV được nhiều sự quan tâm của công chúng và đã tạo ra được dư luận khá sôi nổi, đó là truyền hình thế hệ mới. Truyền hỡnh tương tác, truyền hỡnh thực đang thổi một luồng sinh khí năng động, sáng tạo, hiện đại trong tư duy làm truyền hỡnh ở Việt Nam. Những ưu điểm của cách làm truyền hỡnh này khụng thể phủ nhận. Chớnh cỏch làm mới này đó cú sức quyến rũ hấp dẫn, đưa khán giả đến với chương trỡnh ngày càng nhiều hơn cho dù nhiều loại hỡnh giải trớ khỏc cũng đang thịnh hành trên thị trường. Kiểu truyền hỡnh tương tác, truyền hỡnh thực tế cho khỏn giả tõm lý chớnh mỡnh tham gia vào chương trỡnh thành cụng, nờn họ gắn bú với truyền hỡnh như khán giả trung thành. Mặt khác, cách làm truyền hỡnh thế hệ mới này là đổi mới truyền hỡnh xưa cũ, cổ điển, phù hợp với thời công nghệ, cho truyền hỡnh sự phong phỳ đa dạng, cung cấp thông tin cũng nhanh, nhạy, thật, và nó cũng tạo cho nhịp điệu cuộc sống nhiều điều thú vị. Nhưng vỡ quỏ mới, khi nú cũng cũn "trẻ" với cả các quốc gia phát triển nên không thể tránh khỏi những vấn đề khi dung nạp, nhất là ở Việt Nam. Với truyền hỡnh tương tác, thấy được "sân chơi" đầy tiềm năng nên không hiếm các nhà kinh doanh công nghệ giải trí thuộc ngành truyền thông, các nhà cung cấp mạng đó nhảy vào kinh doanh, đặc biệt là kiểu tin nhắn cho các chương trỡnh thể thao, ca nhạc… một thị trường chưa có sự quản lý một cỏch chặt chẽ nên nhiều khi đó gây ra sự mất uy tín của một số Đài. Với truyền hỡnh thực tế, bài học của Đài truyền hỡnh Hồ Chớ Minh trong Vui là chính khụng chuẩn bị kỹ tõm lý khỏn giả nờn khi khỏn giả bị "sốc" vỡ khụng phự hợp văn hoá Việt, dẫn đến sự thất bại. Phần khác vỡ là truyền hỡnh thực tế, nờn cú khi đi vào chủ nghĩa tự nhiên thái quá, bất chấp những qui phạm về nhân thân, về sự riêng tư cá nhân, hay có những vấn đề thuộc lĩnh vực nhạy cảm không được tôn trọng… nên chất lượng chương trỡnh cũng không thể gọi là cao mà đôi khi cũn bị phản ứng ngược. Nhưng không phải những trở ngại mà các Đài truyền hỡnh khụng tiếp tục thực hiện, vỡ như thế là đi ngược với xu thế chung, không phù hợp với sự đổi mới của công nghệ giải trí, với cả những nhu cầu ngày càng cao của khán giả xem truyền hỡnh. Vấn đề là ở các nhà Đài biết lựa chọn chủ đề, định hướng nội dung và công tác quản lý cỏc chương trỡnh bảo đảm tính hấp dẫn nhưng lành mạnh, bổ ích về thông tin. Truyền hỡnh thực tế (Reality show) - một thể loại truyền hỡnh khụng cú kịch bản trước, nhân vật hay đối tượng thể hiện là ngẫu nhiên bắt gặp trong cuộc sống thực, và nó vô tỡnh lọt vào ống kớnh camera, mà ngay cả người cầm máy cũng không biết trước sự việc diễn tiến như thế nào, chỉ biết đi theo nhân vật, chạy theo đối tượng cho đến khi xảy ra tỡnh huống và kết thỳc sự việc. Bi, hài trong dạng truyền hỡnh thực tế luụn thường trực tạo những bất ngờ, chính điều đó làm nên sự hấp dẫn. Người thật, việc thật, không dàn dựng, không cắt ghép, rất tự nhiên. Thể loại này được các nước đưa vào công nghệ giải trớ nghe nhỡn vào năm 2000 và rất ăn khách, nó gần như một dạng truyền hỡnh tỡnh huống hài, một show giải trớ gõy nhiều hứng thỳ vỡ chớnh cỏi khụng biết sự việc sẽ đi đến đâu, mà đôi khi kết thúc không như người ta nghĩ. truyền hỡnh thực tế cú rất nhiều biến thể khác nhau, nó cũng có những giới hạn đối tượng để thực hiện nhằm thu hút khán giả. Đôi lúc truyền hỡnh thực tế cũn như một phim thời sự nguyên bản gốc, có sao để vậy nên mức độ tác động rất cao nếu sự kiện hay nhân vật có những tỡnh huống đặc biệt mang tầm cao hơn cả sự giải trí thông thường. Đó thường là lúc đang xảy ra một sự kiện nào đó, và truyền hỡnh cú mặt trực tiếp quay, phỏt súng ngay lập tức. Đài truyền hỡnh Việt Nam bắt đầu thực hiện dạng truyền hỡnh thực tế trong thời gian gần đây với một số chương trỡnh. Truyền hỡnh thực tế đó được xen kẽ một số talk show Tại sao không trên VTV1, nhưng chưa thực sự rừ ràng lắm vỡ vẫn bị lệ thuộc vào sự biờn tập chương trỡnh, cú sự cắt ghộp dựng, và theo ý đồ kịch bản có sẵn nên chưa "thật" lắm. Đến khi Đài truyền hỡnh Thành phố Hồ Chí Minh làm chương trỡnh Vui là chính, thỡ truyền hỡnh thực tế thực sự cú mặt và gõy tỏc động mạnh đến thị hiếu khán giả. Gần đây nhất, trong talk show Ước mơ của tôi phát sóng trên VTV3, cũng đó thực hiện kiểu làm truyền hỡnh thực tế mang đến một sinh khí mới, người xem cảm nhận tốt hơn, cảm xúc nhiều hơn qua hỡnh ảnh thật và nú hay hơn những gỡ được nói ra. truyền hỡnh thực tế đó cú những bước đi tuy chưa gọi là mạnh mẽ, tự tin vỡ những đặc thù riêng của thể loại này trong việc sản xuất xây dựng các chương trỡnh truyền hỡnh ở Việt Nam, nhưng nó đó cú mặt như một sự khám phá mới trong cách làm truyền hỡnh và cả tư duy làm phim truyền hỡnh, trong cỏch tiếp cận thụng tin để truyền tải đến khán giả xem truyền hỡnh về muụn mặt cuộc sống. Có thể thấy điều này qua một số chương trỡnh truyền hỡnh của Đài truyền hỡnh Việt Nam, truyền hỡnh Thành phố Hồ Chớ Minh, Đài Phỏt thanh - Truyền hỡnh Hà Nội…Truyền hỡnh thực tế đó đưa những đoạn phim ngắn về cuộc sống của những con người lao động lam lũ nhất, chiếu những cảnh con người chống chọi với bệnh ung thư, HIV/AIDS, tật nguyền, nỗi đau da cam, hay sự đau khổ của những gia đỡnh thương binh liệt sĩ bao năm tỡm dấu vết người thân… tạo rất nhiều xúc cảm đến người thân. Hay thực tế nhất là chương trỡnh Blog giao thông trên VTV1, vừa mang tính thực tế lại vừa thời sự. Khi công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng kết hợp với nhau, cùng những công nghệ kết nối băng thông rộng, truyền tải viễn thông, dữ liệu hỡnh ảnh… và những cải tiến kỹ thuật nghe nhỡn, ngành truyền hỡnh phỏt triển với nhiều hỡnh thức đưa khán giả tiếp cận ngày càng gần hơn, tạo thành những cuộc cách mạng trong lĩnh vực giải trí gia đỡnh. Đặc biệt là các loại truyền hỡnh tương tác, truyền hỡnh thực tế… đó bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Truyền hỡnh tương tác hay cũn gọi là truyền hỡnh "trao đổi", truyền hỡnh "mở", có thể triển khai trên cơ sở hạ tầng mạng như cáp quang, mạng ADSL, vệ tinh, truyền hỡnh số mặt đất… Nó là một hỡnh thức xem truyền hỡnh cấp cao, giúp khán giả có những tác động trực tiếp đến quá trỡnh cung cấp dịch vụ truyền hỡnh cho mỡnh, cú thể chủ động thời gian phát sóng hay thay đổi chương trỡnh… theo ý muốn. Truyền hỡnh tương tác đó được các nước phát triển đưa vào công nghệ giải trí nghe nhỡn từ lõu, nhưng tới khoảng năm 2002 mới được phát triển ở châu Á, và thật sự làm cuộc "đại cách mạng" thay đổi diện mạo về ngành giải trí gia đỡnh ở cỏc nước Nhật Bản, Hàn Quốc,… Năm 2006, truyền hỡnh tương tác được chính thức đưa vào Nhật ký vàng Anh, phát sóng tháng 8 trên VTV3 theo bản format Nhật ký Sophia rất ăn khách ở châu Âu. Đài truyền hỡnh Việt Nam đó đưa một kiểu xem phim mới, đưa ra các phương án giải quyết các tỡnh huống phim, từ đó đạo diễn, biên kịch sẽ dựa vào ý kiến khỏn giả, phim khụng cũn phụ thuộc vào ý kiến cỏ nhõn đạo diễn hay biên kịch nữa. Biên độ của tỡnh huống cũng được phong phú và đa dạng hơn, khán giả trở thành người quyết định "số phận nhân vật". Truyền hỡnh tương tác cũn là truyền hỡnh "mở", như các chương trỡnh Khởi nghiệp, Làm giàu không khó, Sức sống mới trên VTV1, Talk Việt Nam ở VTV4, đặc biệt chương trỡnh Nói và Làm của Truyền hỡnh Thành phố Hồ Chớ Minh, trực tiếp chất vấn, thảo luận cỏc vấn đề về kinh tế, xó hội, giỏo dục, y tế, dõn sinh…. của cử tri thành phố với quan chức Hội đồng nhân dân Thành phố. Khán giả có thể ngay lập tức đối thoại với nhân vật đang được phát sóng trên truyền hỡnh để nêu ý kiến của mỡnh, rồi được trả lời ngay trên sóng. Ở những chương trỡnh khỏc như Bỡnh luận thể thao sau cỏc trận đấu trên VTV3, khán giả có thể được trực tiếp nhắn tin tham gia bỡnh luận cựng MC, hay bỡnh chọn cho cỏc trận đấu cho đến khi gần kết thúc. Không chỉ ở thể thao mà trong các chương trỡnh ca nhạc, game show cũng ỏp dụng truyền hỡnh tương tác, tuy không trực tiếp nhưng cũng là dạng mở để thu hút khán giả tham gia chương trỡnh như Bài hát Việt, Sao Mai, Vui cùng Hugo, Cuồng nhiệt với thể thao… Kờnh VTV6 dành riờng cho giới trẻ là kờnh truyền hỡnh tương tác rừ nhất. Cỏc chương trỡnh của kờnh này dự đang trong thời gian phát sóng thử nghiệm đó thấy rừ ưu điểm thu hút khán giả trẻ cùng tham gia vào chương trỡnh. Cỏc khỏn giả cũng cú thể cú nhiều lựa chọn để thực hiện kết nối với chương trỡnh: điện thoại, nhắn tin, email, lập blog cá nhân hay nhóm, hay trực tiếp vào trang web của chương trỡnh. truyền hỡnh tương tác chính là môi trường để thể hiện và thực hiện sự năng động, sáng tạo, phù hợp với tính khám phá, luôn đổi mới, thích lạ của giới trẻ… Cú kiểu truyền hỡnh tương tác khác là các dạng tin nhắn qua mạng hay điện thoại ngay khi chương trỡnh đang phát sóng đó và đang được các đài truyền hỡnh khai thỏc triệt để thông qua các dịch vụ cung cấp của các công ty kinh doanh công nghệ giải trí hay cung cấp mạng. Truyền hỡnh tương tác đó thổi khụng khớ xem truyền hỡnh kiểu "động" chứ không thụ động như trước. 2.2. Công chúng - Đối tác của Đài truyền hình Việt Nam 2.2.1. Quá trình biến đổi nhận thức của công chúng sau khi tiếp nhận thông tin truyền hình Theo tác giả Trần Hữu Quang thì truyền thông đại chúng có tác dụng vạn năng, trong quyển "Xã hội học báo chí", Nhà xuất bản Trẻ, 2006, ông viết rằng: " Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, khi mà một số phương tiện truyền thông mới như đài phát thanh và điện ảnh vừa ra đời (lúc ấy chưa có tivi) và được công chúng say sưa đón nhận, giới nghiên cứu dần dà đâm ra lo âu vì nghĩ rằng người dân chịu tác động mạnh mẽ và trực tiếp bởi các phương tiện truyền thông đại chúng... Thậm chí nhiều học giả còn cho rằng sở dĩ Hitler và chủ nghĩa quốc xã lên nắm được chính quyền ở Đức là nhờ vào các phương tiện truyền thông đại chúng". Và đến khi truyền hình ra đời thì đây thực sự là một kênh truyền thông có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của công chúng. Với Việt Nam, VTV thực sự đã làm cho công chúng biến đổi nhận thức rất nhiều, dường như những vấn đề nắm bắt được trên VTV đã làm cho công chúng truyền hình theo kịp được guồng quay của cuộc sống hiện đại. Những người làm truyền hình trước hết cũng là công chúng, chính vì thế họ hiểu công chúng muốn gì, muốn biết những gì và họ sẽ phải làm như thế nào với thông tin nắm bắt được. Với sự khảo sát công chúng trên 8 tỉnh thành có đại diện của cả các miền trên đất nước, tác giả có thể đưa ra n

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Mối quan hệ giữa công chúng với truyền hình Việt Nam hiện nay.pdf
Tài liệu liên quan