Luận văn Màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam

Tài liệu Luận văn Màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Nghiêm Phương MÀU SẮC NAM BỘ TRONG NGÔN NGỮ TRUYỆN KÝ SƠN NAM Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS. TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2009 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Ngôn ngữ văn chương là đại diện tiêu biểu của ngôn ngữ văn hóa, dạng thức tồn tại “toàn vẹn nhất, sáng chói nhất” của ngôn ngữ toàn dân. Nói đến ngôn ngữ văn chương là nói đến chức năng thẩm mỹ, đến giá trị tạo hình, giá trị biểu trưng, biểu cảm to lớn. Để ngôn từ nghệ thuật có thể khắc hoạ chân thực, sinh động bức tranh cuộc sống thì việc huy động, sử dụng nhằm khai thác thật tốt khả năng, tiềm năng của các phương tiện ngôn ngữ là một việc làm không thể thiếu. Khu vực Nam bộ - vùng đồng bằng châu thổ sông Mê-Kông - đất đai rộng lớn, phì nhiêu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, đồng thời là vùng đất với lịch sử hơn ba trăm năm khẩn hoang ...

pdf113 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1189 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Nghiêm Phương MÀU SẮC NAM BỘ TRONG NGÔN NGỮ TRUYỆN KÝ SƠN NAM Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS. TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2009 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Ngôn ngữ văn chương là đại diện tiêu biểu của ngôn ngữ văn hóa, dạng thức tồn tại “toàn vẹn nhất, sáng chói nhất” của ngôn ngữ toàn dân. Nói đến ngôn ngữ văn chương là nói đến chức năng thẩm mỹ, đến giá trị tạo hình, giá trị biểu trưng, biểu cảm to lớn. Để ngôn từ nghệ thuật có thể khắc hoạ chân thực, sinh động bức tranh cuộc sống thì việc huy động, sử dụng nhằm khai thác thật tốt khả năng, tiềm năng của các phương tiện ngôn ngữ là một việc làm không thể thiếu. Khu vực Nam bộ - vùng đồng bằng châu thổ sông Mê-Kông - đất đai rộng lớn, phì nhiêu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, đồng thời là vùng đất với lịch sử hơn ba trăm năm khẩn hoang của người Việt. Cảnh vật thiên nhiên và con người Nam bộ từ lâu đã gây được sự chú ý của nhiều người cầm bút và không ít người trong số đó gặt hái được thành công. Sơn Nam (tên khai sinh là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 tại Kiên Giang), nhà văn Nam Bộ, người được mệnh danh là “nhà Nam Bộ học” hay “ông già Ba Tri” của văn học hiện đại là một trong những tác giả tiêu biểu. Những sáng tác của Sơn Nam, cố nhiên được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Tiếp cận sáng tác của ông, các nhà lý luận phê bình văn học thường có chung một nhận xét về sự giàu có “sắc thái địa phương”, hay “đậm đà màu sắc Nam Bộ”. Tuy nhiên, nghiên cứu về Sơn Nam chủ yếu dừng lại ở những bài viết tản mạn. Có thể thấy rõ điều này thông qua sự kiện: tháng 12 năm 2008, Hội nhà văn Thành Phố Hồ Chí Minh thông báo quyết định lùi thời gian tổ chức hội thảo về Sơn Nam. Ông Lê Văn Thảo, chủ tịch Hội nhà văn Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết: "Được phát động từ cuối năm ngoái nhưng đến nay chúng tôi không nhận được tham luận như ý muốn mà thay vào đó là nhiều bài viết do các cây bút không chuyên gửi về. Vì thế, đành phải tạm hoãn hội thảo để có thêm thời gian chuẩn bị cẩn thận hơn". Và: “Hội thảo về nhà văn Sơn Nam càng chậm càng tốt. Từ trước tới nay, có nhiều bài viết về ông, do đó, khi muốn nói thêm về Sơn Nam cần những nghiên cứu sâu sắc, mang tính khái quát cao và những nhận định, phát biểu mới, mang tính khoa học” [71]. Mặt khác, những bài viết này cũng chỉ tập trung ở bình diện lý luận phê bình văn học. Chính vì vậy, vấn đề về “màu sắc Nam Bộ” trong tác phẩm của ông chưa được tìm hiểu, phân tích thấu đáo. Trường hợp của Sơn Nam không phải là một ngoại lệ. Hoàng Thị Châu trong Giáo trình Phương ngữ học tiếng Việt đã nhận định: “Trong thực tế tiếng Việt rất đa dạng và luôn luôn biến đổi, uyển chuyển với những sắc thái địa phương khác nhau (…). Những sắc thái đó thông thường chỉ được cảm nhận mà không được phân tích, lý giải tường tận.” [12,tr 16]. Như vậy, yêu cầu có tính khách quan là: cần khảo sát một cách đầy đủ và toàn diện những yếu tố vật chất làm nên giá trị màu sắc địa phương trong ngôn bản nghệ thuật của tác giả. Trong đó, một công việc quan trọng là xem xét những phương tiện ngôn ngữ được lựa chọn trên cơ sở đối lập giữa các phương ngữ, giữa phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân ở cả ba bình diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp để chỉ ra những khác biệt trong tương quan với môi trường địa lý, môi trường lịch sử xã hội, soi rọi chúng trên cơ sở đặc trưng ngôn ngữ văn chương, dưới góc độ phong cách học, ngữ nghĩa học nói chung và ngôn ngữ tri nhận nói riêng. Với những lý do trên, tại thời điểm này, việc làm sáng rõ đặc điểm màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ nghệ thuật của Sơn Nam thông qua một số tác phẩm tiêu biểu, dưới cái nhìn ngôn ngữ học là một việc làm có ý nghĩa. 2. Mục đích nghiên cứu Mục đích chính của đề tài là tìm hiểu, phân tích những yếu tố làm nên giá trị “màu sắc Nam bộ” trong truyện ký Sơn Nam, chỉ ra những thành công và kể cả những hạn chế có thể có trong việc khai thác, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ của tác giả. Ngoài ra, trên cơ sở ngữ liệu được thu thập, thông qua kết quả nghiên cứu, đề tài còn góp phần tìm hiểu: - Đặc trưng về màu sắc, sắc thái của phương ngữ Nam bộ (ở cả ba bình diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) trong ngôn ngữ nghệ thuật cũng như những giá trị tạo hình, giá trị biểu cảm của chúng. - Áp lực văn hoá, cách phân chia hiện thực hay cơ sở tri nhận phản ánh trong phương ngữ Nam bộ. - Những vấn đề có tính chất nguyên tắc khi sử dụng phương ngữ xét ở bình diện sáng tác văn học. - Tính đa dạng và thống nhất ngôn ngữ. Những khả năng và đóng góp của phương ngữ Nam bộ đối với ngôn ngữ toàn dân. 3. Lịch sử vấn đề Chiếm một số lượng lớn trong những sáng tác của Sơn Nam là những tác phẩm thuộc bộ phận văn học hợp pháp miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Sau khi đất nước thống nhất, vì nhiều lý do khác nhau, dòng văn học này chưa thể có ngay sự quan tâm thích đáng. Nằm trong bối cảnh đó, những nghiên cứu về sáng tác của Sơn Nam là chưa nhiều, chưa thật sự tương xứng với những đóng góp của ông. Sau đây là những bài viết, công trình nghiên cứu chủ yếu về tác giả. Về sách Có hai luận văn thạc sĩ: Đặc điểm truyện ngắn Sơn Nam giai đoạn 1954-1975: Tác giả Lê Thị Thùy Trang, Trường Đại học sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003. Với phương pháp lịch sử, hệ thống, so sánh, miêu tả, luận văn trình bày những đặc điểm của truyện ngắn Sơn Nam trên phương diện nội dung và nghệ thuật như: cảm hứng chủ đạo của tác giả; những đặc điểm về nghệ thuật xây dựng nhân vật; phương thức kết cấu; ngôn từ; vị trí của Sơn Nam trong văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975. Đặc trưng truyện ngắn Sơn Nam: Tác giả Trần Phỏng Diều, Trường Đại học sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, 2004. Thông qua khảo sát 84 truyện ngắn, tác giả đưa ra những nhận xét về cảm hứng sáng tác (cảm hứng về thiên nhiên, cảm hứng về con người) - trong đó có những phân tích về quan niệm con người, về không thời gian nghệ thuật, ý nghĩa của chúng trong khắc họa tính cách Nam Bộ, thiên nhiên, cảnh vật Nam Bộ. Ngoài ra, luận văn còn trình bày những vấn đề về kết cấu, từ vựng, các biện pháp tu từ, giọng điệu người kể chuyện, hình tượng tác giả, phong cách tác giả... Điểm chung của hai luận văn nói trên là chúng đều thuộc bình diện Lý luận phê bình văn học, cùng hướng đến việc đánh giá toàn diện giá trị nội dung, nghệ thuật cũng như đặc điểm thi pháp, phong cách cá nhân ở mảng truyện ngắn của Sơn Nam. Về góc độ từ vựng, các tác giả đều xem xét việc khai thác, sử dụng vốn từ địa phương trong tác phẩm. Mặc dù không đề cập trực tiếp về màu sắc Nam Bộ, nhưng những khía cạnh khác nhau của hai bản luận văn này có những tác động tích cực vào quá trình triển khai nghiên cứu. Các bài báo Là nhà văn gần như suốt đời dành cho đề tài Nam Bộ, với một lối văn phong giản dị, gần gũi với người lao động, vì thế Sơn Nam chiếm được tình cảm của đông đảo quần chúng độc giả. Đây cũng chính là lý do khiến ở mảng báo chí, ông được nhiều người quan tâm, chú ý. Đặc biệt, sau sự kiện ông ra đi (2008), có hàng trăm bài viết, xuất hiện rải rác trên nhiều tờ báo. Nội dung những bài viết này phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau xung quanh đời sống và sự nghiệp sáng tác của tác giả. Nó có thể là ghi chép, phỏng vấn, bút ký hoặc dưới hình thức chuyện kể. Nó cũng có thể là những bài giới thiệu thân thế sự nghiệp, những cảm nhận, đánh giá, phê bình... Ở nhóm bài thuộc diện nghiên cứu phê bình, có thể quy chúng vào hai mảng chính: (i) Nghiên cứu tác giả: hoàn cảnh sống, hoàn cảnh sáng tác, cá tính, phong cách - lối sống, quan niệm văn chương nghệ thuật... làm cơ sở cho tìm hiểu tác phẩm; (ii) Đánh giá khái quát vị trí hay những đóng góp của tác giả trong nền văn học (đôi khi đối chiếu, so sánh với tác giả khác). Việc đề cập tới đặc điểm truyện ký Sơn Nam như: bức tranh hiện thực Nam Bộ, văn minh miệt vườn Nam Bộ, lối diễn đạt, sắc thái Nam Bộ... những tác phẩm báo chí này rõ ràng có sự liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. Điển hình là các bài viết: “Nhà văn Sơn Nam – nhà Nam Bộ học” của Huỳnh Công Tín [63], “Sơn Nam - dề lục bình Nam bộ” của Trần Mạnh Hảo [26], “Sơn Nam, ông già "Ba Tri" của đồng bằng Nam Bộ” của Nguyễn Mạnh Trinh [65], “Sơn Nam - mấy độ qua đường phố, nghiêng mình nhớ đất quê” của Trần Hữu Dũng [17], “Sơn Nam cây đại thụ của văn học, văn hóa Nam Bộ” của Nguyễn Văn Thành [52], “Nhà văn Sơn Nam – cô đơn trong hạnh phúc” của Nguyễn Tý [70], “Nhà văn Sơn Nam: Sẽ trồng lại cây đước trên châu thổ” của Chu Văn Sơn [47], “Gặp nhà văn Sơn Nam, nghĩ về sự trong sáng của một tấm lòng” của Diệp Hồng Phương [42]... Huỳnh Công Tín trong bài viết (khoảng 7 trang khổ A4) đã khái quát ba điểm nổi bật và cũng là thành công của Sơn Nam: (i) Những tri thức phong phú về lịch sử, địa lý. (ii) Những hiểu biết về con người Nam Bộ. (iii) Văn phong mang đặc trưng Nam Bộ. Theo tác giả, đây chính là điều khiến Sơn Nam xứng danh “Nhà Nam Bộ học”. Tương tự như vậy, Trần Mạnh Hảo cho rằng: Sơn Nam là nhà văn của nông thôn, phong tục Nam Bộ, nhà văn của huyền thoại thời kỳ khai điền lập ấp... Nguyễn Mạnh Trinh thì tìm hiểu về đặc điểm Nam Bộ trong hình tượng người nông dân trong tác phẩm. Chu Văn Sơn lại quan tâm tới khía cạnh bút pháp: chất biên khảo trong văn chương nghệ thuật. Trần Hữu Dũng có những bình luận ở nhiều góc cạnh: tư tưởng nghệ thuật (bày tỏ tình yêu nước), quan điểm sáng tác… Theo tác giả thì màu sắc Nam Bộ của truyện ký Sơn Nam xuyên thấm trong đề tài, trong hình tượng con người, hình tượng thiên nhiên, cảnh vật cũng như đặc điểm văn phong. Tuy nhiên, do giới hạn khuôn khổ một bài báo nên những vấn đề trên đây không đủ điều kiện đi sâu và trình bày có hệ thống. Dẫu vậy, đó vẫn là những ý kiến quan trọng và bổ ích, nó định hướng, gợi ý cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đề tài. Như thế, có thể thấy, tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ học hầu như chưa có một chuyên luận nào. Nhìn một cách trực giác, ai cũng có thể thấy Sơn Nam và mở rộng ra các nhà văn khác như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng… là những nhà văn mà tác phẩm của họ thấm đẫm chất Nam Bộ. Thế nhưng, để chỉ ra một cách rạch ròi, sáng tỏ lại là việc không đơn giản, nó đòi hỏi người nghiên cứu phải tiếp cận dưới góc độ đa ngành. Tiếp thu những thành quả như đã trình bày, đề tài tiếp tục nghiên cứu vấn đề màu sắc Nam Bộ một cách hệ thống hơn, toàn diện hơn nhằm xác định, đánh giá những yếu tố làm nên chính đặc trưng này trong truyện ký của tác giả. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu và nguồn ngữ liệu 4.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu “Màu sắc”, phong vị trong một tác phẩm văn học là quan hệ tổng hoà của nhiều yếu tố - một vấn đề có tính chất ngữ - văn học. Mục đích của đề tài là khảo sát, phân tích màu sắc Nam Bộ của truyện ký Sơn Nam trong phạm vi ngôn ngữ học. Vì vậy, đề tài không lấy toàn bộ ngôn từ, hình thức tác phẩm làm mục tiêu nghiên cứu mà đối tượng khảo sát chỉ bao gồm những phương tiện ngôn ngữ phản ánh đặc trưng Nam Bộ được nhà văn khai thác và sử dụng trong truyện ký. Cũng với tinh thần ấy, nếu có tiến hành miêu tả những nét riêng trong ngôn ngữ nhà văn ở khía cạnh nào đó thì điều ấy không có nghĩa là đề tài đặt ra nhiệm vụ đánh giá đầy đủ về phong cách tác giả. Trên bình diện nghĩa, dĩ nhiên đề tài không tìm hiểu toàn bộ giá trị nội dung, mà chỉ cốt làm sáng rõ những yếu tố màu sắc địa phương trong tác phẩm. 4.2 Nguồn ngữ liệu Theo quan sát của chúng tôi, sáng tác của Sơn Nam khá đa dạng. Ngoài phần biên khảo, truyện ngắn, ký của ông lên tới gần cả ngàn đơn vị. Trong luận văn, chúng tôi tập trung khảo sát: a/ Biên khảo - Bến Nghé xưa, Nxb Trẻ, 1997, 240 trang. - Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Nxb Trẻ, 2007, 507 trang. - Cá tính Miền Nam, Nxb Trẻ, 2000, 128 trang. - Tiếp cận đồng bằng Sông Cửu Long, Nxb Trẻ, 2003, 144 trang. - Lăng Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, Nxb Long An, 1994, 76 trang. Ba cuốn đầu đã xuất bản trước 1975, hai cuốn sau mới viết sau 1975. b/ Văn học - Chim quên xuống đất, Nxb Trẻ, 2001, 260 trang. - Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, 2006, 927 trang. - Hương quê, Tây Đầu Đỏ và một số truyện ngắn khác, Nxb Trẻ, 2006, 448 trang. - Hồi ký Sơn Nam: Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu, Hai mươi năm giữa lòng đô thị, Bình An, Nxb Trẻ, 2005, 542 trang. - Một mảnh tình riêng, Nxb Văn Nghệ, 2000, 180 trang. - Biển cỏ Miền Tây, Hình bóng cũ, Nxb trẻ, 2003, 379 trang. Có một số truyện ngắn được in trong nhiều ấn phẩm khác nhau, đối tượng này, chúng tôi chỉ khảo sát một lần. 5. Phương pháp nghiên cứu Để tìm hiểu những đặc điểm về màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học, đề tài sử dụng những phương pháp, thủ pháp nghiên cứu sau đây: 5.1. Phương pháp so sánh, đối chiếu Trên cơ sở đối lập vốn từ vựng chung và từ vựng địa phương thuộc các bình diện: cấu tạo, ngữ nghĩa, ngữ pháp để xác định những điểm giống và khác nhau giữa chúng. Phương pháp so sánh còn sử dụng đối chiếu ngôn ngữ giữa Sơn Nam với tác giả khác. 5.2. Phương pháp miêu tả Phương pháp miêu tả được vận dụng xuyên suốt trong toàn bộ luận văn. Miêu tả dựa vào sự tương tác của ngữ cảnh. Miêu tả những đặc điểm của phương ngữ, tác động của môi trường sống, hoàn cảnh xã hội làm nên nững khác biệt phương ngữ. Mối quan hệ ngôn ngữ với tư duy được phân tích trên cơ sở tập hợp những từ đồng nghĩa, gần nghĩa của tác phẩm trong tương quan với từ vựng chung. Miêu tả ý nghĩa của từ, vị trí của từ địa phương đối với nhu cầu phản phản ánh hiện thực. Việc xử lý số liệu được tiến hành thông qua thủ pháp thống kê ngôn ngữ: tần số, hạng và độ phân bố. Hỗ trợ cho công việc này, chúng tôi sử dụng công cụ phần mềm tin học được viết bằng ngôn ngữ Visual Basic 6.0, hệ quản trị dữ liệu Microsoft Access phiên bản 2003 nhằm đảm bảo tính chính xác, truy vấn đa dạng ngữ liệu được cập nhật. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn không có tham vọng giải quyết những vấn đề lý thuyết. Trái lại, thông qua ngữ liệu sưu tập, góp phần khắc họa rõ hơn một số đặc điểm ngôn ngữ Nam Bộ trong tác phẩm của Sơn Nam. Từ đó, giải thích vì sao Sơn Nam trước tới nay vẫn được coi là nhà văn của người bình dân, cụ thể là bình dân Nam Bộ. 7. Bố cục Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, nội dung chính của luận văn tập trung ở hai chương. Chương 1: Một số vấn đề chung – trình bày những kiến thức tổng quát có liên quan đến nội dung nghiên cứu. Đây là cơ sở lý luận để luận văn đi vào miêu tả những vấn đề cụ thể ở chương tiếp theo. Chương 2: Các phương tiện ngôn ngữ biểu thị màu sắc Nam Bộ trong truyện ký. Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Tóm tắt tiểu sử Sơn Nam Sơn Nam sinh vào khoảng tháng 8, năm 1926. Nơi ông sinh thuộc rừng U Minh Thượng: làng Đông Thái, Huyện An Biên, Tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, sau đó học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên tiền phong, giành chính quyền ở địa phương. Từ 1945 đến 1954, cũng như nhiều thanh nhiên tiến bộ khác, Sơn Nam đi theo kháng chiến, làm công tác văn nghệ ở Quân khu 9. Hòa bình lập lại, ông được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam, tham gia đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1955, Sơn Nam lên Sài Gòn cộng tác với các báo có xu hướng tiến bộ: Nhân Loại, Tiếng Chuông, Lẽ Sống. Đến 1960 ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu 1- Bình Dương). 18 tháng sau, ông được thả tự do. Ra tù, Sơn Nam tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Về sự nghiệp sáng tác Sáng tác của Sơn Nam rất đa dạng. Tuy nhiên, dù là truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, ký hay biên khảo thì nội dung cũng xoay quanh vùng đất Nam Bộ, từ miệt vườn cực Nam U Minh, Cà Mau đến chốn đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, yêu và suốt đời dành tâm huyết cho quê hương mình, vì thế, ông là người am hiểu lịch sử, văn hóa, biết rõ tính cách, tâm lý con người Nam Bộ. Đó là lý do khiến ông được mệnh danh là “pho từ điển sống miền Nam”, là “ông già Ba Tri”, là “nhà Nam Bộ học”. Các sáng tác của ông vì thế giúp ích trên phương diện: lịch sử, văn hóa - phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật, ngôn ngữ… Văn học Sơn Nam có một khối lượng tác phẩm dồi dào: Chuyện xưa tình cũ, Hương rừng Cà Mau (tập 1), Chim quyên xuống đất; Hương rừng Cà Mau (tập 2,3), in chung 3 tập năm 2006; Hồi ký: Từ U Minh đến Cần Thơ (tập 1), Ở chiến khu (tập 2), 20 năm giữa lòng đô thị (tập 3), Bình an (tập 4), in chung 4 tập năm 2006; Bà chúa Hòn; Một mảnh tình riêng; Biển cỏ Miền Tây, Hình bóng cũ; Ngôi nhà mặt tiền; Truyện ngắn của truyện ngắn; Hương quê, Tây Đầu Đỏ và một số truyện ngắn khác… Biên khảo Bao gồm các tác phẩm chính: Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Bến Nghé xưa, Cá tính Miền Nam, Danh thắng miền Nam, Người Sài Gòn, Đất Gia Định xưa, Văn Minh miệt vườn, Lịch sử An Giang, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Lăng Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, Tiếp cận Đồng Bằng Sông Cửu Long… Lĩnh vực văn học - nghệ thuật, có lẽ thành công nhất đối với ông thuộc về mảng truyện ngắn. Tiêu biểu là tác phẩm Hương rừng Cà Mau, tập 1 xuất bản năm 1962 và hai tập được viết sau đó bao gồm 66 truyện. Về những cống hiến của Sơn Nam, Nguyễn Anh Động nhận xét: “Hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là những giải trí cho độc giả mà còn là khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên Sơn Nam am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang lại hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc” [19]. Hơn 60 năm cầm bút và để lại gần 50 đầu sách, một con số đáng khâm phục. Sơn Nam xứng đáng là niềm tự hào của miền đất châu thổ sông Cửu Long. Ông mất ngày 13-08-2008, hưởng thọ 82 tuổi. 1.2. Sơ lược lịch sử hình thành và vấn đề văn hóa Nam Bộ Như đã đề cập, các nhà ngôn ngữ học hiện đại có sự xác nhận về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá. Ở đó, văn hoá được định nghĩa là toàn bộ di sản vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích luỹ trong tiến trình lịch sử. Ngôn ngữ là một bộ phận và hơn nữa là bộ phận quan trọng nhất, là sự thể hiện sâu sắc nhất những đặc trưng văn hoá của một dân tộc. Với quan niệm ấy, trong giới ngôn ngữ học, hướng nghiên cứu ngôn ngữ - văn hoá ngày càng được chú ý và tiếp tục đạt được những thành tựu nổi bật. Điều này đặt ra, muốn tìm hiểu một đặc điểm nào đó mang tính địa phương trong ngôn ngữ nghệ thuật, trước tiên cần phải đề cập đến những đặc điểm văn hóa, lịch sử của vùng đất đó. Nam Bộ là một vùng đất rộng lớn, bao gồm hai tiểu vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Miền đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương: Thành Phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Diện tích 23.563 km2, dân số 14.025.378. Đông Nam Bộ nằm trên vùng bình nguyên và đồng bằng, là nơi chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng Cửu Long. Đất đai chủ yếu là đất đỏ bazan và đất phù sa cổ, khí hậu tương đối điều hòa, có lượng mưa dồi dào thuận lợi cho chăn nuôi, trồng trọt. Tây Nam Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Diện tích là 39.734 km2, dân số 17.178.871. Tây Nam Bộ là vùng châu thổ sông Mê - Kông (Cửu Long), là một trong những vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn của Đông Nam Á và thế giới. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng mưa trung bình cao nhất cả nước, đất đai phì nhiêu, sinh thái đa dạng, vì thế khu vực này rất thuận tiện cho việc canh tác cây lương thực, cây ăn trái, cũng như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và giao thông đường thủy. Thời kỳ cổ trung đại, Đông Nam Bộ đã có con người cư trú. Họ là chủ nhân của nền văn hóa Đồng Nai bao gồm văn hóa đá mới (cách nay khoảng 5000 năm) và văn hóa đồng (cách nay khoảng 3000 - 4000 năm). Ra đời muộn hơn, khoảng thế kỷ II đến thế kỷ VII sau công nguyên, ở khu vực Tây Nam Bộ, là sự tồn tại của quốc gia Phù Nam với sự phát triển của nền văn hóa Óc Eo. Tuy nhiên, từ khoảng thế kỷ VI, nơi đây bước vào những cuộc tranh chấp liên miên. Sau sự diệt vong của vương quốc Phù Nam kéo theo sự tàn lụi nhanh chóng của nền văn hóa Óc Eo, mảnh đất này “đã diễn ra một quá trình hoang hóa”. Ngày đầu khi cư dân Việt đến đây, Nam Bộ gần như một vùng đất chưa được khai phá. Cư dân Khơ me, Chăm và một vài dân tộc ít người khác phân bố lẻ tẻ, rải rác trên những giồng đất cao, những vùng đồi núi. Số lượng ít ỏi, trình độ kỹ thuật thấp kém nên lúc này “đất Sài Gòn – Gia Định vẫn là đất tự do của các dân tộc và hầu như vô chủ” [Lời giới nhà xuất bản- Lịch sử khẩn hoang Nam Bộ, tr.9]. Châu Đạt Quan (thế kỷ 13) - sứ thần nhà Thanh - khi qua đây đã miêu tả: “Bắt đầu vào Châu Bồ, gần hết cả vùng là bụi rậm của rừng thấp, những cửa rộng của sông lớn chảy hàng ngàn dặm, bóng mát um tùm của những gốc cây cổ thụ và cây mây dài(...). Khắp nơi vang tiếng chim hót và thú kêu (...). Hàng trăm, hàng nghìn trâu rừng tụ họp từng bầy”. Hay theo lời Lê Quý Đôn thì: “Từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm hàng nghìn dặm” [Sđd tr.7-8]. Đây chính là thử thách lớn lao mà nhiều thế hệ người Việt phải đối diện, phải khắc phục suốt cả chặng đường dài sau đó. Cuối thế kỷ 17, cùng với công cuộc Nam tiến, chúa Nguyễn cho phép một vài tập đoàn người Trung Quốc có tư tưởng bài Mãn, phục Minh vào khu vực này cư trú. Theo Sơn Nam, công cuộc khai phá Nam Bộ thời kỳ này có sự xuất hiện đan xen các nhóm lưu dân Việt - Hoa: “Trần Thắng Tài (Đồng Nai), Dương Ngạn địch tại Mỹ Tho, Nguyễn Hữu Cảnh (Hậu Giang), Nguyễn Cửu Vân (Vàm Cỏ), Mạc Cửu (Hà Tiên) đã đi những bước tiên phong trong thời gian ngắn” [Lịch sử khẩn hoang, tr.32]. Như vậy, song hành với quá trình khai phá đất phương Nam là cuộc gặp gỡ lịch sử Việt, Hoa và cư dân bản địa mà hệ quả là sự giao thoa văn hóa. Tuy nhiên, xét về vị thế, người Việt có tính chất hạt nhân. Họ không chỉ giữ vai trò quyết định trong công cuộc khai phá mà còn nắm thế chủ động trong thụ đắc, tiếp biến, làm giàu giá trị văn hóa, khẳng định bản thể văn hoá Việt, chủ quyền lãnh thổ Việt. Nói đến Nam Bộ, các nhà nghiên cứu nhắc nhiều đến nền văn minh thực vật hay văn minh miệt vườn, văn minh lúa nước. Sức lao động, sức sáng tạo của các thế hệ người Việt cùng với tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em đã biến một vùng đất hoang dã thành những cánh đồng bất tận, những khu vườn rộng lớn, bạt ngàn cây trái, khiến những cánh rừng, những dòng sông mang lại sự trù phú, thịnh vượng. Theo Sơn Nam - có sự đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu - thì văn minh miệt vườn chính là trung tâm điểm của văn minh Nam Bộ. Đó là kết quả phấn đấu liên tục của nhiều thế hệ nhằm xây dựng môi trường sống hòa hợp giữa con người, giữa nhu cầu phát triển xã hội với quy luật và sự vận động của tự nhiên. Như vậy, văn minh miệt vườn Nam Bộ chính là những giá trị văn hoá sinh thái – nhân văn của người Việt được tạo lập, định hình trên cơ sở nối tiếp truyền thống ở một miền đất mới. Đề cập truyền thống văn hóa, không thể không nhắc tới văn hóa làng. Có nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa dân tộc suy cho cùng là văn hóa làng mở rộng. Mỗi làng có một địa phận riêng, được bố trí theo kiểu xương cá, lấy đường làng làm trục kết nối, thường được bao bọc bằng các lũy tre. Cổng làng là nơi thông ra địa phận khác, nơi con người có thể mở rộng giao tiếp nhưng cũng là công cụ ngăn chặn những tác động xấu từ thế giới bên ngoài, bảo vệ cuộc sống bình yên của làng. Ở những nơi có địa thế cao ráo, người ta thường trồng các loại cây có kích thước to lớn, sống lâu năm nhằm đánh dấu không gian tồn tại, khẳng định chủ quyền đồng thời biểu thị cho sức sống trường tồn. Là sự chuyển tiếp từ công xã nguyên thủy sang công xã nông thôn, vì thế làng ở Bắc bộ, Trung bộ thường có vài dòng họ sinh sống. Do quan hệ huyết thống hoặc cùng quan hệ sở hữu đất đai khiến cho làng dễ dàng xây dựng được những thiết chế thống nhất. Từ lâu, chúng ta đã biết đến hương ước làng và sức mạnh của nó trong việc tổ chức, ràng buộc, cố kết các thành viên trong cùng cộng đồng. Tất cả những điều này khiến cho “làng” trở thành một đơn vị khép kín, có sự độc lập tương đối với bộ máy hành chính. Khi di cư về phương Nam, cố nhiên người Việt mang theo cái thiết chế ấy để xây dựng mối quan hệ cộng đồng. Tuy nhiên, so với khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ thì “làng” Nam Bộ có nhiều điểm khác biệt. Tận dụng môi trường, để thuận tiện cho việc đi lại và làm ăn sinh sống, người dân Nam Bộ định cư dọc theo các con sông (hoặc những tuyến lộ) tạo nên một điểm riêng trong đời sống văn hóa. Từ biệt không gian làng xã thân thuộc, dấn thân chinh phục miền đất mới, họ cùng nhau dựng ấp, lập làng. Do nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau nên tính huyết thống không phải là yếu tố phổ biến và quan trọng. Đây là lý do khiến người ta thường sử dụng thành ngữ “anh hùng tứ chiến” như là để biểu thị tính “mở”, biểu thị cách tổ chức của làng xóm Nam Bộ. Tất cả những đặc điểm trên đây không thể không có những tác động đến đời sống ngôn ngữ. Vì vậy, khảo sát màu sắc địa phương thông qua ngôn ngữ tác phẩm, trong mối tương quan với những yếu tố, đặc điểm văn hóa riêng, mang tính đặc thù của chính vùng đất ấy là một cách làm cần thiết. 1.3. Những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ văn chương Xung quanh đặc trưng ngôn ngữ văn chương, tuy còn những ý kiến khác nhau, những kiến giải khác nhau nhưng về cơ bản có thể trình bày bởi những điểm có tính quan yếu sau đây: 1.3.1 Tính cấu trúc (tính hệ thống) Văn bản nghệ thuật không phải là sự xuất hiện ngẫu nhiên, không phải là phép cộng đơn thuần của những yếu tố. Giữa thành tố nội dung, tư tưởng, tình cảm, hình tượng cùng các thành tố ngôn ngữ biểu đạt luôn tồn tại mối quan hệ hữu cơ, phụ thuộc, gắn bó mật thiết với nhau, phù hợp với nhau, hỗ trợ nhau trong một nhiệm vụ chung. Ngôn từ nghệ thuật “không sống đơn độc, tự nó, vì nó(…)” [34, tr.141]. Điều này là tất yếu, bởi lẽ, chỉ có như vậy tác phẩm nghệ thuật mới trở thành một chỉnh thể toàn vẹn, mới thực hiện được chức năng tư tưởng, chức năng thẩm mỹ to lớn. Nói cách khác, chính chức năng thẩm mỹ, chức năng tư tưởng quy định sự lựa chọn, cách thức cấu tạo và tổ hợp các yếu tố ngôn ngữ. Viết về đề tài Nam Bộ, hiển nhiên Sơn Nam phải huy động vốn sống, vốn hiểu biết về tiếng nói địa phương từ ngữ âm, từ vựng đến ngữ pháp trong xây dựng tác phẩm. Đây là nhân tố quy định ngoài ngôn ngữ mang tính khách quan và cũng là con đường để tác giả có thể tái hiện trung thực bức tranh đời sống như vốn dĩ của nó. Màu sắc địa phương trong trường hợp này được hiểu là tập hợp các yếu tố ngôn ngữ cùng thể hiện một cách nhất quán về đề tài thuộc địa phương đó. Chính sự “lặp lại” này là cơ sở để đề tài tập hợp và phân tích chúng nhằm xác định màu sắc ngôn ngữ trong tác phẩm. 1.3.2 Tính hình tượng Tính hình tượng là một trong những đặc trưng quan trọng của ngôn ngữ văn chương. Tính hình tượng gắn liền với chức năng thẩm mỹ. Thông qua nó người đọc cảm nhận được cái đẹp, cái tinh tế của thế giới nghệ thuật. Ngôn ngữ văn chương chẳng những giàu hình ảnh, giàu tính biểu trưng mà còn có sức biểu cảm to lớn. Chính sắc thái biểu cảm của ngôn từ là nội dung bổ sung, đánh dấu thái độ tình cảm của con người đối với đối tượng được đề cập. “Một từ trong tác phẩm nghệ thuật không thể được coi ngang bằng như từ của ngôn ngữ thực hành, vì trong văn bản nghệ thuật, từ thi ca (từ nghệ thuật) có hai bình diện theo khuynh hướng của mình, có mối tương quan đồng thời cả với những từ của ngôn ngữ văn hóa chung, cả với những yếu tố của cấu trúc ngôn từ của văn bản nghệ thuật.” [34, tr.146] Những đặc điểm ngôn ngữ văn chương như: tính đa nghĩa, gợi hình, gợi cảm, khả năng diễn đạt tinh tế về sự đa dạng, đa sắc thái của bức tranh đời sống là những căn cứ để xác định màu sắc trong tác phẩm nghệ thuật. 1.3.3 Tính tổng hợp Chức năng văn chương là tái hiện sinh động, chân thực đời sống. Điều này đòi hỏi ngôn ngữ văn chương phải có những đặc điểm riêng, sức biểu hiện riêng. Tính riêng biệt ở đây không có nghĩa loại trừ những hình thức, phong cách chức năng khác mà ở chỗ nó có quyền huy động, quyền sử dụng mọi khả năng, tiềm năng của ngôn ngữ. Trong tác phẩm văn chương, chúng ta thấy sự có mặt của những phong cách chức năng: phong cách khẩu ngữ, phong cách hành chính, phong cách khoa học… tạo nên tính đa phong cách hay tính tổng hợp phong cách. Đặc trưng của ngôn ngữ văn chương nói chung và tính tổng hợp đa phong cách nói riêng, đặt ra không chỉ cho người viết mà cả với người nghiên cứu thao tác phân biệt giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật. Với tư cách là hình thức cơ bản để văn học miêu tả thế giới, nhân vật có một vị trí cực kỳ quan trọng trong tác phẩm. Muốn hiện thực hóa được điều ấy, nhân vật phải được nói bằng ngôn ngữ của họ. Đó là thứ ngôn ngữ của giàu tính cụ thể, giàu yếu tố chủ quan và cảm xúc. Chất khẩu ngữ chính là dấu hiệu nhận biết màu sắc địa phương của tác phẩm. Lựa chọn này có thể xảy ra với cả ngôn ngữ tác giả và sự “lệch chuẩn” ấy cũng là một trong những dấu hiệu xác định giọng điệu, phong cách ngôn ngữ. Tuy nhiên, bất luận trong trường hợp nào thì tác giả vẫn là phải là đại diện tiêu biểu cho ngôn ngữ văn hóa. Tính tổng hợp đa phong cách và sự phân biệt giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả cho ta quan điểm tiếp cận yếu tố “màu sắc” địa phương trong tác phẩm nghệ thuật: một mặt, nó chỉ ra những vấn đề có tính nguyên tắc trong sử dụng ngôn ngữ, một mặt nó phản ánh những gì thuộc về cá tính, phong cách, năng lực vận dụng ngôn ngữ cá nhân. Tất nhiên, để nói điều này, chúng ta luôn phải nó đặt bên cạnh những yêu cầu có tính khách quan: đề tài, chủ đề hay hiện thực tác phẩm phản ánh. 1.4. Những vấn đề về phương ngữ 1.4.1 Khái niệm về phương ngữ Phương ngữ theo cách gọi khác là tiếng địa phương. Với tư cách ấy, phương ngữ gắn liền trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng người thuộc địa phương đó. Khái niệm “phương ngữ” có sự phân biệt với khái niệm “ngôn ngữ”. Nhấn mạnh điều này, Hoàng Tuệ đã chỉ rõ: “Đó là một hình thái nhất định của một ngôn ngữ. Hình thái ấy có những đặc điểm riêng trong hệ thống ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng và được sử dụng ở một môi trường địa lý hẹp hơn môi trường của ngôn ngữ” [67, tr.249]. Quan hệ giữa ngôn ngữ toàn dân và phương ngữ là quan hệ giữa cái chung và cái riêng, cái bất biến và cái khả biến. Cái chung là cái thống nhất không loại trừ ai vì chỉ có như thế ngôn ngữ mới thực hiện được chức năng xã hội to lớn của nó. Ngược lại, ngay trong phạm vi bất biến, ta vẫn xác định độ xê dịch ở những yếu tố, tuỳ theo từng người với trình độ học vấn của họ, theo từng vùng với chịu sự chi phối môi trường địa lý – xã hội. Cần thấy rằng: một khi nói đến sự khác biệt của phương ngữ thì điều ấy không có nghĩa là tách phương ngữ ra khỏi ngôn ngữ toàn dân, phá vỡ tính thống nhất của một ngôn ngữ. 1.4.2 Những bình diện nghiên cứu cơ bản của phương ngữ và màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học Nhiệm vụ của phương ngữ học là khảo sát các biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân dưới hình thức biến thể địa phương, xác định có hay không mức độ liên quan cái mã chung của những đối tượng được xét đến. Xuất phát từ những đặc điểm của phương ngữ trong mối quan hệ với ngôn ngữ toàn dân cũng như những phương ngữ khác trong một ngôn ngữ, việc khảo sát phương ngữ thường được tiến hành trên ba bình diện: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Trong nhận thức của chúng tôi, màu sắc Nam Bộ trong là một tập hợp bao gồm nhiều đặc điểm về con người, thiên nhiên, văn hóa – kinh nghiệm ứng xử của con người với thiên nhiên, của con người với con người trong môi trường Nam Bộ - được biểu đạt bằng các phương tiện ngôn ngữ. Hiển nhiên, cùng nguồn cội sinh ra, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, văn hóa Nam Bộ có những nét riêng. Xét thuần túy về văn học, cách diễn đạt có cái gì đó rất gần gũi và dung dị, tạo nên một mạch riêng khó lẫn lộn từ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Hồ Biểu Chánh… đến Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi… Sơn Nam - nhà văn chúng ta đang khảo sát - cũng năm trong dòng chảy này. Màu sắc địa phương quả nhiên là một vấn đề không mới. Từ góc độ văn học, các nhà lý luận thường đánh giá cao chức năng của nó trong việc thể hiện cá tính nhân vật. Nói cách khác, từ địa phương sẽ là nhân tố khiến cho nhân vật hình tượng này khác với nhân vật hình tượng khác. Tất cả những điều đó tạo nên cái gọi là điển hình. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, việc khảo sát từng yếu tố cụ thể lại không đơn giản như vậy. Ta biết, do nhiều lý do khác nhau, xét về mặt biến thể ngôn ngữ, văn hóa vùng Nam Bộ có những nét riêng. Từ góc độ dân tộc học, có thể kể ra một số đặc điểm nhưng từ góc độ ngôn ngữ học và kể cả văn chương nữa, để làm được việc này phải có cách tiếp cận liên ngành. Bởi tiếng Việt là một ngôn ngữ tồn tại thống nhất trong đa dạng, sự phân vùng Bắc, Trung, Nam chỉ là tương đối còn trong thực tế giao tiếp thì chúng nhòe vào nhau, đan cài lẫn nhau. Tất nhiên, đi tìm màu sắc địa phương trong văn học nói chung, màu sắc Nam Bộ nói riêng không thể không chú ý đến bình diện ngữ âm. Bởi lẽ như ta biết, mặc dù tiếng Việt là một ngôn ngữ có tính thống nhất cao nhưng tiếng Việt lại tồn tại trong những phương ngữ cụ thể. Sự khác biệt giữa phương ngữ với phương ngữ và cả với tiếng Việt toàn dân, trước hết là ở hệ thống ngữ âm. Thứ đến là từ vựng. Đây là bình diện thể hiện rõ nhất đặc điểm phương ngữ nhưng cũng là vấn đề khá phức tạp. Có thể kể ra đây loại từ ngữ chỉ sản vật có ở vùng này mà không có ở vùng khác như: cà na, điển điển, bòn bon… hoặc mội số đặc sản: mắm ba khía, cá thèo lèo… hoặc loại sản phẩm gắn liền với nghề thủ công: đương đệm, cần xé, cà ràng… hoặc để chỉ cùng một sự vật, hiện tượng mà ở mỗi phương ngữ có cách khác nhau: heo/lợn, cá lóc/cá tràu/cá quả, thồ đâu/sầu đâu/sầu đông… Có khi phải kể đến sức sản sinh của một kiểu cấu tạo từ nào đó như: đỏ lừ/đỏ ké/đỏ hói/đỏ hỏn… Nhưng có lẽ bao trùm lên và phức tạp hơn cả là các biểu thức biểu đạt. Hãy quan sát: Nam Bộ: Ăn như xáng xúc Mần như lục bình trôi. Trung Bộ: Ăn như còng chạy Làm như mài mại bơi. Bắc Bộ: Ăn như thuyền chở mã Làm như ả chơi trăng. Rõ ràng, nếu dừng lại phân tích thật chu đáo, các thành ngữ nói trên đều ít nhiều chứa màu sắc địa phương. Cụ thể: Ở Nam Bộ về hiện thực đó là xáng xúc (máy múc bùn), những dề lục bình. Về định danh, đó là mần. Ở Trung Bộ, hai sản vật quan trọng ở vùng sông nước là còng (biển) và mài mại (cá nước lợ). Ở Bắc Bộ, đó là dấu vết thời kỳ phong kiến, chuyện cúng bái: thuyền chở mã (thuyền làm bằng giấy dùng để cúng tế) và cách định danh thuyền, ả. Dễ thấy, nội dung biểu đạt là như nhau, phương thức so sánh xuất hiện ở trong cả ba văn bản. Tuy nhiên, đọc kỹ chúng ta sẽ thấy được màu sắc địa phương khác nhau giữa chúng. Đặt vấn đề khảo sát các phương tiện ngôn ngữ biểu thị màu sắc địa phương nói chung và phương tiện từ vựng nói riêng trong tác phẩm văn học như đã đề cập trên đây lẽ dĩ nhiên không thể tách rời bình diện ngữ nghĩa. Là một hiện tượng xã hội - lịch sử, sự hình thành của phương ngữ gắn liền với quá trình vận động và phát triển không ngừng của ngôn ngữ, sự tách biệt về không gian địa lý, hoàn cảnh sống, đặc điểm kinh tế xã hội, quá trình tiếp xúc văn hóa - ngôn ngữ… Vì thế, hiểu tiếng địa phương không chỉ giới hạn bởi những yếu tố có tính hình thức mà còn bao hàm cả yếu tố nội dung. Quan điểm đối lập phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân hoặc một phương ngữ khác là một trong những cơ sở xác định màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học. 1.5. Ngôn ngữ học tri nhận và nghĩa học tri nhận 1.5.1 Khái niệm về ngôn ngữ học tri nhận Ngôn ngữ học tri nhận là một khuynh hướng, một trào lưu của ngôn ngữ học hiện đại. Sự ra đời của ngôn ngữ học tri nhận có nguồn gốc từ việc tiếp thu tư tưởng mới trong lĩnh vực tâm lý học. Những nhân vật có ảnh hưởng đến sự ra đời của khuynh hướng này không thể không nhắc tới W.Humboldt (Đức, thế kỷ 19) và B.Whorf (Mỹ, đầu thế kỷ 20). W.Humboldt là người tiếp cận ngôn ngữ dưới bình diện văn hóa, tâm lý. Ông từng đưa ra những luận điểm nổi tiếng: ngôn ngữ làm nên linh hồn một dân tộc; thế giới ngôn ngữ là một thế giới trung gian giữa thế giới khách quan bên ngoài và thế giới con người; sự phản ánh trong ý thức con người không đơn thuần là con đường trực tiếp, một đối một với hiện thực mà bao giờ cũng bị ảnh hưởng của thế giới ngôn ngữ… B.Whorf đề cập tới tính tương đối của ngôn ngữ. Thế giới là một thể liên tục, không chia cắt. Tuy nhiên, để nhận thức và biểu thị kết quả nhận thức con người phải chia cắt thế giới thành những tế phần khác nhau. Những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau có thể chia cắt hiện thực một cách khác nhau, tạo nên “bức tranh ngôn ngữ về thế giới” một cách khác nhau. Nói cách khác, thế giới xung quanh ta được cấu trúc hóa một cách khác nhau trong mỗi ngôn ngữ. Vì thế, về nguyên tắc sẽ không có sự đồng nhất ý nghĩa giữa các ngôn ngữ. Sự chuyển hướng của tâm lý học trong những năm 60 của thế kỷ 20 tiếp tục có những tác động to lớn đối với đời sống ngôn ngữ học. Cái công thức nhị nguyên “kích thích-phản ứng” (S-R) của trường phái hành vi luận đã không đề cập đến trạng thái tinh thần hay những hiện tượng tâm lý tác động đến quá trình đó. Quan điểm này đề nghị phải nghiên cứu con người như một hệ thống xử lý thông tin mà nó tiếp nhận. Neisser cho rằng: “tất cả các quá trình trong đó các cứ liệu cảm giác đầu vào được cải biến, được giảm bớt, được làm phong phú thêm, được lưu trữ và được sử dụng” [53, tr.15]. Hay ý kiến của Solso: “nghiên cứu xem con người tiếp nhận thông tin về thế giới như thế nào, những thông tin đó con người hình dung ra sao, chúng được lưu trữ và cải biến thành tri thức như thế nào” [53, tr.13] Về đối tượng, ngôn ngữ học tri nhận xác định: đó chính là ngôn ngữ trong mối quan hệ với sự tri nhận đồng thời có nhiệm vụ bao quát một cách toàn diện chức năng tri nhận của ngôn ngữ. Tác giả Trần Văn Cơ cho rằng ngôn ngữ học tri nhận là “phải trả lời hàng loạt những câu hỏi có liên quan đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và các quá trình tri nhận bao gồm quá trình nhận thức (trí tuệ hay ý thức), ý niệm hóa, tri giác và các biểu tượng tinh thần đang diễn ra trong não bộ con người, nhờ đó con người tiếp nhận được những tri thức về thế giới” [14, tr.62]. 1.5.2 Ngữ nghĩa học tri nhận và vấn đề màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học Tri nhận được hiểu vừa là tri thức vừa là nhận thức của con người cùng với vốn kinh nghiệm được tích lũy. Ngôn ngữ là hình thức tồn tại của kinh nghiệm lịch sử - xã hội. Mỗi dân tộc có kinh nghiệm lịch sử - xã hội của riêng mình. Do đó, những ngôn ngữ khác nhau có thể tồn tại những nét dị biệt, biểu thị những ý nghĩa riêng. Có thể nói, chính chủ trương “khảo sát một số khả năng tri nhận của con người cái khả năng ngôn ngữ cũng như miêu tả các tri thức ngôn ngữ được lưu trữ trong đầu óc con người dưới dạng các biểu tượng tinh thần đặc biệt” [53, tr.14] khiến cho ngôn ngữ học tri nhận đặc biệt quan tâm tới việc nghiên cứu về nghĩa. Khác với ngôn ngữ học truyền thống, ngôn ngữ học tri nhận đề cao vấn đề nghĩa nhưng nhưng không phải là ý nghĩa trong mối quan hệ với thực tại khách quan mà là mối quan hệ với thế giới tinh thần, phản ánh năng lực tri nhận của con người. Điều này khiến cho ngôn ngữ học tri nhận đặt ra cho mình nhiều nội dung nghiên cứu: quá trình tạo sinh và hiểu ngôn ngữ, vấn đề phạm trù hóa, ý niệm hóa, vấn đề ý niệm cảm xúc của con người, cái nhìn của con người đối với thế giới hay “bức tranh ngôn ngữ thế giới”, vai trò của cơ thể đối với ý thức ngôn ngữ… Trong đó, nội dung quan trọng bậc nhất của ngôn ngữ học tri nhận là nghiên cứu ý niệm hóa và quá trình ý niệm hóa về thế giới. Xin được lược trích ý kiến về một trường hợp cụ thể sau đây của tác giả Trần Văn Cơ: Các nhà từ điển học thường lấy phương pháp phân tích thành tố ý nghĩa để xác định nghĩa từ vựng. Tuy nhiên, điều này không làm thỏa mãn nhiều nhà ngữ học. Ví dụ: “Nhà” được giải nghĩa “công trình xây dựng có mái, có tường vách để ở hay để dùng vào việc nào đó” [41, tr.699]. Định nghĩa này đã bỏ qua nhiều nét nghĩa quan trọng trong cấu trúc nghĩa của từ. Dễ thấy, “ngôi nhà” Việt Nam không giống nhà châu Âu, châu Phi… “Nhà” người Việt không chỉ khác về kiến trúc mà còn ở những tình cảm, quan niệm được gửi gắm: “nhà” là nơi che chở, đùm bọc, bảo vệ, là hơi ấm, sự chờ đợi. Họ gọi vợ mình hoặc chồng mình là “nhà tôi” với hy vọng về một mái ấm che thân, sự bình an trong cuộc đời. Phải là người Việt mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của “xa nhà”, “nhớ nhà”, “về nhà”, “người nhà”… Đó là lý do cần bổ sung việc giải nghĩa bằng phương pháp phân tích ý niệm. Cũng theo tài liệu của tác giả này, ý niệm có cấu trúc theo mô hình trung tâm và ngoại vi. Trung tâm chính là khái niệm mang tính phổ quát. Nằm ở ngoại vi là những nét đặc thù văn hóa dân tộc. Nét đặc thù ấy bao gồm: văn hóa toàn dân tộc, văn hóa các tộc người, văn hóa vùng, miền… Đến đây có thể nói rằng, việc khảo sát từ ngữ địa phương trên cơ sở ngôn ngữ học tri nhận chính là cách tìm hiểu cơ sở tri nhận, cách thức ý niệm hóa trong sự tương tác với đặc thù văn hóa của địa phương đó. Đây cũng là một trong những cách thức làm sáng rõ màu sắc địa phương trong tác phẩm. Tất nhiên, chúng ta hiểu rằng, cơ sở tri nhận của một cá nhân dù là ai cũng không thể tách rời khỏi cộng động. Chẳng hạn, do nhiều lý do khác nhau, người Nam Bộ dùng nhiều từ ngữ về sông nước. Bên cạnh tính phong phú và đa dạng trong định danh, một mặt người Việt nói chung, người Nam Bộ nói riêng xây dựng các bức tranh ý niệm và các ẩn dụ của mình thông qua các con đường sau: - Dùng trải nghiệm của chính bản thân mình để tri nhận thế giới (i). - Dùng trải nghiệm của chính thế giới để tri nhận lại chính mình (ii). - Dùng trải nghiệm của một sự vật, hiện tượng trừu tượng thông qua một sự vật hiện tượng cụ thể (iii). Thuộc nhóm (i), trước hết có thể kể đến các từ ngữ: lòng sông, cỏ tóc tiên, mặt nước, rún lũ… Nhóm (ii) có thể kể: ngụp lặn trong công việc, công việc ngập đầu, bơi trong công việc, công việc trôi chảy, công việc ứ đọng… và (iii): đời người là dòng sông, đời người là cỏ cây, đời người là một ngày. Rõ ràng, các cách tri nhận trên không thể không ít nhiều ảnh hưởng đến việc xây dựng, miêu tả hình tượng trong truyện ký của Sơn Nam - một nhà văn am hiểu vùng đất mình sinh ra và trưởng thành. 1.6 Tiểu kết Như đã trình bày, chương này có tính chất tổng quan. Luận văn đã bàn luận, đề cập đến: - Tiểu sử Sơn Nam. - Lịch sử, văn hóa vùng đất Nam Bộ. - Đặc trưng của ngôn ngữ văn chương. - Phương ngữ và phương ngữ Nam Bộ. - Màu sắc địa phương - màu sắc Nam Bộ. - Ngôn ngữ học tri nhận và các cách định danh. Đây có thể coi là bộ khung lý thuyết, xuất phát điểm để luận văn đi vào miêu tả một số chủ đề cụ thể trong chương tiếp theo. Chương 2 CÁC PHƯƠNG TIỆN NGÔN NGỮ BIỂU THỊ MÀU SẮC NAM BỘ TRONG TRUYỆN KÝ SƠN NAM Một trong những cách thức được đề tài sử dụng nhằm tiếp cận với những phương tiện này - đó là: so sánh, đối chiếu ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp phương ngữ với với ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp trong ngôn ngữ toàn dân nhằm xác định màu sắc địa phương trong tác phẩm. 2.1. Từ vựng – ngữ âm Hiện nay, xung quanh vấn đề từ tiếng Việt tồn tại nhiều quan niệm khác nhau. Tuy nhiên, như đã xác định, ở luận văn này chúng tôi không đi vào những vấn đề có tính lý luận mà chấp nhận quan điểm về từ của Nguyễn Tài Cẩn làm cơ sở khảo sát, nghiên cứu. Trên cơ sở phối hợp hai bình diện ngữ âm và ngữ nghĩa, từ địa phương được chia thành: (i) Nhóm không có từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân, (ii) nhóm có từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân. Quá trình khảo sát được thực hiện trên 57 truyện ngắn (trong Hương rừng Cà Mau, Hương quê Tây Đầu Đỏ và một số truyện ngắn khác) và 02 tập hồi ký (Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu). 2.1.1 Từ ngữ địa phương không tương đương Nhóm từ ngữ không tương đương tiếp tục được chia tách nhỏ hơn - bao gồm: những từ ngữ phản ánh sản vật có nguồn gốc tự nhiên của miền đất Nam Bộ, những từ ngữ chỉ đặc điểm địa hình và sự vận động dòng nước, những từ ngữ phản ánh tập quán lao động sản xuất, khả năng thích ứng với đặc thù sông nước. 2.1.1.1 Từ ngữ phản ánh sản vật có nguồn gốc tự nhiên Có tổng số 108 từ được ghi nhận là không có từ tuơng đương trong ngôn ngữ toàn dân, trong đó có 44 từ (chiếm tỷ lệ 41,12%) là những từ chỉ sản vật riêng của miền đất Nam Bộ với tổng tần số: 238, phân bố 140 trên tổng số 949 trang (14,75%), 36 trên tổng số 59 tác phẩm (61,01%). Nếu tính trung bình số trang từ này xuất hiện, ta có kết quả cụ thể như sau: 949 (trang)/238 (tần số) = 3,99 Điều này có nghĩa, cứ 3,99 trang thì một trong số các từ này xuất hiện một lần. Bảng 2.1 minh họa một số từ tiêu biểu thuộc nhóm từ này (gồm: tần số, số trang và số tác phẩm từ đó xuất hiện) Bảng 2.1 Thực vật Động vật Từ Tần số Trang Truyện Từ Tần số Trang Truyện Tràm 48 34 15 Già sói 16 7 3 Mốp 20 14 4 Chằng bè 5 5 4 Mắm 11 9 6 Sặc rằn 4 4 3 Đước 12 9 5 Sặc 3 3 3 Bàng 16 9 3 Vò vẽ 6 5 2 Dừa nước 11 6 5 Cá tra 3 3 3 Gừa 11 7 4 Chó đồng 3 3 3 Mù u 11 6 4 Thầy bói 4 3 2 Bồn bồn 4 2 2 Ri voi 12 10 1 Sậy đế 4 3 3 Cá bông 4 2 1 Sầu riêng 3 3 3 Hổ hành 1 1 1 Dây dớn 27 13 5 Trích 12 7 1 Dây choại 28 21 14 Áo dà 1 1 1 Về ngữ nghĩa, phần lớn đây là những từ biểu thị tên những loài động thực vật thuộc hệ sinh thái ngập mặn: “tràm”, “đước”, “mắm”, “vẹt”, “dừa nước”... những loài chim di trú to lớn có nguồn gốc từ Biển Hồ (Căm Pu Chia): “già sói”, “chằng bè”/“thằng bè”, “giang sen”, “chó đồng”... Đó cũng còn là những từ phản ánh về hình ảnh miệt vườn cây trái Nam Bộ: “chôm chôm”, “sầu riêng”, “dừa xiêm” ”, “măng cụt”... Sơn Nam dường như luôn cố gắng tái hiện lại bằng ngôn ngữ về một vùng đất trù phú mà hoang sơ, mà lạ lẫm hiện ra sau mỗi bước chân người. Ví dụ 1: 1a. “Rừng tràm xanh đậm rọi xuống mặt nước đỏ ngầu, rung rinh. Nhứt là về ban đêm khi trăng chiếu, đom đóm về đậu khắp nhánh tràm như họp chợ phiên” [Mùa len trâu – Hương rừng Cà Mau(HRCM), tr.657]. 1b. “Trên ba mươi năm về trước, đó là nơi sầm uất, lau sậy mọc um tùm quanh mấy gốc bần to lớn (…) Ngọn nước bạc mát lạnh đổ tuôn qua Rạch Giá mang mấy giề lục bình lá xanh bông tím trôi phưu lưu từ sông Hậu ra ngoài khơi vịnh Xiêm La xanh thẳm” [Con Bảy đưa đò – HRCM, tr.235]. 1c. “Vài con chim áo dà bay tới tấp như giựt mình(…) Đến ngọn cây tràm, nàng nằm yên ôm sát thân cây. Đằng xa, trong bụi lá gồi như có gió thổi nhẹ vô cớ” [Ruộng lò bom – HRCM, tr.784]. Trong số những sản vật có nguồn gốc tự nhiên, “tràm” là loài cây được nhắc đến nhiều nhất. Tần số của nó là 48, xuất hiện trong 34 trang và 15 truyện ngắn (Đoàn Giỏi cũng lặp lại tên loài cây này tổng số 18 lần trong “Đất rừng phương Nam”). Kế đó là loài “mốp”: 20 lần, 14 trang, 4 tác phẩm; “đước” 12 lần, 9 trang và 5 tác phẩm; “mắm” 11 lần, 9 trang, 6 tác phẩm; “bàng” 16 lần, 9 trang, 3 tác phẩm... Với Tây Nam Bộ, “tràm” có thể là loài cây điển hình. Nếu như ở nông thôn miền Bắc, “tre” là hình ảnh thân thuộc thì “tràm” lại là những gì gần gũi, gắn bó - nhất là đối với các tỉnh cực nam Tây Nam Bộ. Nhiều nơi ở khu vực này, người ta coi “tràm” là biểu tượng của địa phương mình. Hình ảnh “tràm” xuất hiện trong nhiều đầu sách, xuất hiện trong phim ảnh như là những biểu trưng. Một đoàn cải lương khá nổi trong tiếng cả nước có tên là đoàn cải lương “Hương Tràm”. Tượng đài tỉnh Cà Mau hiện nay cũng được lấy cảm hứng từ “tràm”, “đước”. Có thể nói, sự hiện diện khá đa dạng những sự vật đặc thù trong đời sống tự nhiên thông qua lớp từ địa phương đã góp phần tạo nên một không gian Nam Bộ trong truyện ký Sơn Nam. 2.1.1.2 Từ ngữ chỉ đặc điểm địa hình và vận động dòng nước Trong ngôn ngữ toàn dân thì “ao”, “đầm”, “hồ”, “rộc”, “sông” “kênh”, “mương”, “máng”... là những từ chỉ địa hình lõm khuyết, chứa nước. Ngoài việc sử dụng những từ ngữ ấy, Sơn Nam còn huy động nhiều từ thuộc lớp từ địa phương trong sáng tác của mình. Bảng 2.2 miêu tả những từ này. Bảng 2.2. STT Từ Tần số Số trang Số tác phẩm 1 Rạch 95 75 24 2 Vàm 17 16 11 3 Vuông 14 7 1 4 Đìa 12 10 5 5 Lung 7 6 4 6 Bàu 2 2 2 7 Láng 2 2 2 8 Vàm rạch 2 2 2 9 Loi 1 1 1 10 Nước ròng 10 10 6 11 Nước lớn 4 4 4 12 Nước rặc 2 2 2 13 Nước cái 2 2 1 14 Nước nổi 1 1 1 Tổng số từ: 14 Tổng tần số : 172 Sự phân bố của chúng: Số trang: 118/949 (12,43%) Số tác phẩm: 34/59 (57,62%) “Rạch” là từ có tần số và phân bố cao nhất trong nhóm (95 lần, 75 trang và 24 tác phẩm). Đó là những con sông nhỏ, xuất phát từ những nhánh sông lớn, tạo thành một mạng lưới dày đặc trên dải đất Tây Nam Bộ. Sự lặp lại nhiều lần của “rạch” trong tác phẩm rõ ràng có cơ sở thực tiễn. “Vàm” có tần số và độ phân bố xếp thứ hai (17 lần, 16 trang và 11 tác phẩm). Tiếng Khơ me có từ “péam”, nghĩa của nó là “cửa sông, nơi một con sông nhỏ chảy vào con sông lớn”. Nhiều địa danh trong tác phẩm bắt đầu từ “vàm”: “Vàm Cống”, “Vàm Tắc Thủ”, “Vàm Nao”, “Vàm Rạch”… Một điểm chú ý khác là sự hiện diện của những từ chỉ hiện tượng các dòng nước: “nước lớn”, “nước ròng”, “nước nổi”, “nước lên”, “nước rặc”… Dễ dàng nhận thấy “nước rặc”, “nước cái” không có từ tương đương trong ngôn ngữ toàn dân. Nó là “đặc sản” của phương ngữ Nam Bộ. “Nước rặc” được giải nghĩa: “Là nước chảy đã cạn, chỉ còn một đường nước nhỏ giữa lòng sông”, “nước cái” là “con nước rong lớn hơn hai con nước rong (nước lớn hơn mọi con nước, có khả năng tràn bờ) của tháng” [61, tr.956,960]. Tương tự như vậy với “nước nổi”, “nước ròng”, “nước lớn”. Nếu như “ngập”, “rút”, “dâng” trong ngôn ngữ toàn dân là những vị từ, thì “nổi”, “ròng”, “lớn” còn được danh hóa thông qua sự kết hợp với từ tố “nước”. Cuốn “Tự vị An Nam La tinh” của Bá Đa Lộc Bỉ Như ghi âm tiếng “Đàng Trong” xem “nước ròng”, “nước lên” là đơn vị từ. [40, tr.360]. Cuốn: “Đại Nam quấc âm tự vị” do Hùinh Tịnh Paulus Của biên soạn thì thấy sự có mặt cả: “nước ròng”, “nước rặc”, “nước nổi”, “nước lớn”, “nước rong” [15, tr.779]. Huỳnh Công Tín trong “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” đồng nhất quan điểm đó, đồng thời còn xếp chúng vào từ loại danh từ [60, tr.957, 958, 690]. Quan sát cách sử dụng chúng trong tác phẩn Sơn Nam: Ví dụ 2 2a. “Gà gáy văng vẳng. Dưới sông, từng dề lục bình trôi theo ngọn nước dòng.” [Giấc mơ ngoài bãi tha ma –HRCM, tr.434] 2b. “Ngày qua, ngày lại. Chiếc bè trôi lên theo nước lớn, nước ròng” [Sông Gành Hào – HRCM, tr.809] Ngược lại, trong “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên, ta không thấy xuất hiện những đối tượng này - ngoại trừ trường hợp “nước ròng” được đồng nhất với “ròng” theo tư cách vị từ. Tất nhiên, trong ngôn ngữ toàn dân các từ “ngập”, “rút”, “dâng” hoàn toàn có thể kết hợp với “nước”, nhưng kết quả chúng ta có những đơn vị lớn hơn từ. Sự phối hợp của “rạch” cùng với những từ chỉ các nguồn nước (sông, kinh, mương…) trong tác phẩm tạo ra những ấn tượng rất riêng về miền đất được mệnh danh là “quê hương của những dòng sông”. Tương tự như vậy, sự có mặt thường xuyên và hết sức đa dạng những từ có chung nét nghĩa “chỗ trũng, chứa nước” như: “lung”, “láng”, “bàu”, “đìa” hay “chỉ sự vận động của dòng nước”: “nước lớn”, “nước ròng”, “nước nổi”, các vùng đất giáp ranh nước… khiến người đọc có thể hình dung về một vùng đất tràn ngập nước. Ví dụ 3 3a. “Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa, nối liền qua những lung, bàu, tròn tròn, méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách… Sậy mọc khỏi đầu” [Hương rừng – HRCM, tr.573]. 3b. “Nước ngoài biển tràn ngập, chảy vô rạch. Đây là con nước ngày mười tám. Bao nhiêu cá gặp nước mặn, chạy trốn không kịp… Chừng một giờ đồng hồ cá chịu không được phóng lên bờ. Trọn khúc rạch này thuộc về cô, không ai cạnh tranh. Mấy người khác bắt cá ở ngoài vàm, phía ngọn, trước nhà họ” [Tấm lòng vàng - Hương quê, Tây Đầu Đỏ và một số truyện ngắn khác (HQTĐĐ), tr.397]. 3c. “Theo sông Hậu, ra phía vàm biển, sông rộng, giặc canh phòng nghiêm ngặt… Nước xuôi, xuồng nhỏ, một ông lão cầm dầm bơi, tôi thì ở trước mũi xuồng, cầm dầm bơi chiếu lệ, xuồng trống trơn. Nhờ nước ròng, thuyền lướt nhanh” [Ở chiến khu 9 - Hồi ký (HK), tr.255]. 3d. “Bấy lâu nay, ở vùng sông nước chằng chịt với chợ làng, chợ nổi ven sông, đêm thanh vắng nghe những câu hò, câu lý xen nhau dài theo con rạch, con kênh dường như vô tận, qua khúc loi, khúc vịnh, về đêm, trên nhánh bần gie có đóm đậu sáng ngời” [Từ U Minh đến Cần Thơ – Hồi ký (HK), tr.59]. 2.1.1.3 Từ ngữ phản ánh tập quán, kinh nghiệm sản xuất, khả năng thích ứng với đặc thù sông nước Chúng ta đã liệt kê, phân tích nhóm những từ ngữ chỉ sự vật, sản vật riêng. Ngoài những từ ngữ này, ta còn thấy những từ không có từ đối lập trong tiếng Việt toàn dân mà nguyên nhân có thể được giải thích là do quá trình tích lũy kinh nghiệm, khả năng thích ứng với môi trường, sự pha trộn về phong tục tập quán của những cộng đồng khác nhau cùng sinh sống trên dải đất Nam Bộ. Chiếm vị trí quan trọng trong số đó là những từ ngữ chỉ về phương tiện giao thông đường thủy: Bảng 2.3. STT Từ Tần số Số trang Số tác phẩm 1 Xuồng 220 124 34 2 Ghe ngo 38 8 2 3 Tam bản 29 17 4 4 Xuồng ba lá 2 2 2 5 Bầu nóc 1 1 1 6 Xuồng chèo 1 1 1 7 Ghe lường 1 1 1 8 Máy đuôi tôm 1 1 1 Tổng số: 08 Tổng tần số : 293 Sự phân bố của chúng: Số trang: 144/949 (15,17%) Số tác phẩm: 36/59 (61,1%) Phương ngũ Nam Bộ có sự phân biệt giữa “ghe” và “xuồng”. Sự phân biệt này là có lý do. Căn cứ vào nghĩa sở biểu, “ghe” đồng nghĩa với “thuyền” (Từ điển “Tự vị An Nam” của Bá Đa Lộc Bỉ Như cũng giải nghĩa như vậy). Trong khi đó “xuồng”, xét theo ý nghĩa hiện thực mà từ phản ánh thì đó là loại phương tiện khác “thuyền” vì có đáy phẳng, kích thước nhỏ và được dùng chủ yếu trên kênh rạch. “Xuồng” là kết quả sáng tạo của người dân Nam Bộ trong quá trình khai phá miền đất mới. Trong sáng tác của Sơn Nam, người đọc thường xuyên thấy sự hiện diện của từ này. Xét toàn bộ số từ ngữ địa phương Nam Bộ trong số tác phẩm được khảo sát, “xuồng” là từ có hạng cao nhất (220 lần), nó có mặt trong 124/949 trang (13,1%) và 34/59 tác phẩm (57,62%). Có thể nói, nhóm từ ngữ chỉ phương tiện giao thông đường thủy là điểm nổi bật trong truyện ký. Cùng với những từ có quan hệ trường nghiã, nó vẽ lên hình ảnh về một trong những hoạt động đặc thù của con người ở môi trường sông nước. Ví dụ 4: 4a. “Gió ngưng thổi và chiếc xuồng dừng lại, như thối lui. Ông Hai quạt mạnh cây chèo. Qua khỏi ba voi, gió lại thổi (…) Chiếc xuồng cứ trôi dề dề, khi nhanh khi chậm. Ông Hai cầm bẹ chuối, tát từng chập vì tàu lá dừa ngả nghiêng, sóng tạt vô xuồng (…)” [Ba kiểu chạy buồm – HQTĐĐ, tr.19] 4b. “Mặt nước xanh tươi, đám ruộng sạ của ai hiện ra hàng trăm công đất. Lạc vào đó vướng dầm khó bơi. Nó quay xuồng về phía tay mặt. Sóng đã dịu xuống. Phía trước mũi xuồng, lố nhố những đám đen ngòm, chuyển động như dăng kín chân trời” [Một cuộc bể dâu – HRCM, tr.627,628]. 4c. “Hai con mắt ghe chớp lên. Toàn thân ghe rung chuyển, ngời từng đốm xanh đỏ như vẩy rắn, Lái ghe, đằng xa kia, như quơ qua quơ lại. Gió thổi ào ạt vào trại lá (…) Ghe nọ rùng mình phóng tới, gân cốt chuyển nghe răng rắc” [Chiếc ghe ngo - HRCM – tr.203]. Bên cạnh những từ ngữ chỉ về phương tiện giao thông đường thủy, chúng ta còn gặp số lượng không nhỏ những từ ngữ thể hiện cách thức ứng xử, những kinh nghiệm khác được tích lũy, được tiếp biến nhằm đáp ứng với sự thay đổi địa bàn sinh sống. Bảng 2.4 giới thiệu một số từ tiêu biểu. Bảng 2.4. STT Từ Tần số Số trang Số tác phẩm 1 Sạ 5 3 2 2 Len trâu 14 10 3 3 Giạ 12 10 10 4 Công 5 5 5 5 Phảng 2 2 2 6 Cầu khỉ 7 7 4 7 Chợ nổi 1 1 1 8 Nóp 27 20 9 9 Bà ba 6 6 3 10 Khăn rằn 1 1 1 11 Gối ôm 1 1 1 12 Vọng cổ 32 25 7 13 Hủ tiếu 21 16 7 14 Mắm bò hóc 1 1 1 15 Bánh lá dừa 2 2 1 16 Kho tộ 1 1 1 17 Chè chuối 1 1 1 18 Mắm lòng 1 1 1 19 Xóc chéo 1 1 1 20 Nước lèo 1 1 1 21 Lai rai 15 15 9 22 Cháo khuya 1 1 1 23 Nướng trui 3 3 3 Ngoài danh sách này còn 12 từ khác. Tính chung là 35 từ, với tổng tần số 187, phân bố 146 trang, 37 tác phẩm. Trong tổng số 35 từ, đáng chú ý là những từ phản ánh tập quán lao động sản xuất nông nghiệp. Với số lượng không nhiều (5 từ, tần số 38, phân bố 30 trang, thuộc 22 tác phẩm) nhưng những “sạ”, “len trâu”, những từ chỉ đơn vị đo khối lượng, diện tích “giạ”, “công” cũng phần nào khái quát được những điểm khác biệt về phương thức sản xuất nông nghiệp ở một vùng đất đai màu mỡ và rộng lớn. Ví dụ 5 5a. “Ruộng đất quá phì nhiêu, chẳng cần bón phân, mỗi công đất (1000 thước vuông) thâu hoạch hơn 20 giạ(…) Họ tha hồ ăn xài, suốt tháng giêng cờ bạc đờn ca vọng cổ lai rai cho đến tháng ba, sa mưa.” [Anh hùng rơm, HRCM, tr.11]. 5b. “Chặng đầu, họ mới len trâu tới chân núi Ba Thê, mình đuổi theo còn lịp. Lấy cái nóp của tao mà đem theo” [Mùa len trâu – HRCM, tr.654] 5c. “Trâu chạy ầm ầm. Không mấy chốc, tràm gãy rôm rốp, ngã liệt xuống lõm rừng thành một cái đầm lớn. Người len trâu tạm nghỉ vài ngày” [Mùa len trâu – HRCM, tr.657] Những từ ngữ còn lại liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống. Hầu hết, chúng là những từ rất “giàu” chất Nam Bộ: “áo bà ba” với ý nghĩa ước lệ về vẻ đẹp thiếu nữ, “khăn rằn” tượng trưng cho con người dân lao động, “vọng cổ” - hình thức dân ca, dân vũ - tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa tinh thần... “Văn hóa là khắc phục” (theo Trần Ngọc Thêm), trong một cách nhìn khác, Sơn Nam còn cho người đọc cảm nhận về những gian khổ, hiểm nguy mà con người phải đối diện. Ở trường hợp này thì những từ ngữ mà nhà văn sử dụng là không thể thay thế, bởi nó là hiện thực, là dấu ấn của lịch sử của của một thời mở đất. Ví dụ 6 6a. “Đó là người chết, không có đất mà chôn, vùng này nước sâu không đều, có khi thới 4 thước. Chết thì nhờ mấy nhà gần đó bó thây lại với cái chiếu rách, cái nóp bàng. Rồi xóc cây dưới nước, xóc tréo, treo cái xác lên cao” [Từ U Minh đến Cần Thơ – (HK), tr.50]. 6b. “Nói chôn cho đúng tục lệ chớ đất đâu mà chôn? Tư bề là nước. Có hai cách: một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo lên mặt nước, chờ khi nước giựt mới đem chôn lại dưới nước… Chi bằng bỏ xác lại rồi dằn cây, dằn đá mà neo lại dưới đáy ruộng” [Một cuộc bể dâu – HRCM, tr.631] Đặc điểm Nam Bộ còn thể hiện ở quan hệ cộng cư, cộng sinh giữa các dân tộc. “Hủ tiếu” có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng đã trở thành món ăn của cả cộng đồng. Trong niềm tin tôn giáo của người Khơ me, “ghe ngo” là hiện thân của thần rắn Naga, tuy nhiên đua “ghe ngo” ngày nay là một hình thức sinh hoạt văn hóa chung, không phân biệt giữa các dân tộc. 2.1.1.4 Nhận xét chung về nhóm không tương đương a. Nói đến Tây Nam Bộ là nói tới sông nước. Sông Mê-kông khi đi vào phía nam Việt Nam thì chia thành hai dòng lớn: sông Tiền và sông Hậu. Từ đây tiếp tục hình thành những nhánh sông to nhỏ khác nhau. Ngoài những con sông tự nhiên còn vô số kênh đào, tạo nên một mạng lưới sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 54.000 km. Sông rạch có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân trên trên mảnh đất này. Sông cho phù sa, cung cấp nước tưới, cho nguồn lợi thủy sản vô cùng to lớn. Văn hóa sông nước vì thế thấm rất sâu vào đời sống ngôn ngữ, góp phần làm nên cái riêng vừa phong phú, đa dạng, vừa độc đáo, trẻ trung, giàu sức sống. Sơn Nam đã huy động khá triệt để từ vựng phương ngữ nhằm tái tạo một cách chân thực bức tranh đời sống của vùng quê sông nước Nam Bộ. Có thể thấy rõ hơn điều này thông qua việc đối chiếu, so sánh những sáng tác của ông với tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Đây là tác phẩm có chung bối cảnh lịch sử xã hội và có độ dài tương đương với những sáng tác được khảo sát của Sơn Nam. Kết quả thống kê đối chiếu như sau: Tổng số từ ngữ không tương đương trong tiếng Việt toàn dân: Đoàn Giỏi (ĐG): 38, Sơn Nam (SN): 108. Tỷ lệ (38/108) = 35,2%.. Chia ra: Từ chỉ sản vật tự nhiên: ĐG: 22, SN: 44. Tỷ lệ: (22/44) = 50,0% Chỉ địa hình và sự vận động của dòng nước: ĐG: 06, SN: 14. Tỷ lệ: (6/14) = 42,86% Chỉ phương tiện giao thông đường thủy: ĐG: 04, SN: 08. Tỷ lệ (5/8) = 50,0%. Chỉ tập quán, kinh nghiệm sản xuất, khả năng thích ứng với đặc thù sông nước: ĐG: 06, SN: 35. Tỷ lệ (6/35) = 17,1% Số từ ngữ trùng ở cả hai nhà văn là 29, tập trung vào nhóm có tần số cao được miêu tả từ bảng 2.1 đến bảng 2.4. Thuộc phạm vi từ ngữ địa phương không có từ tuơng đương trong tiếng Việt toàn dân, việc chỉ ra những điểm tương đồng giữa các tác giả là căn cứ khẳng định yêu cầu có tính khách quan trong việc sử dụng phương ngữ đối với văn học hiện thực. Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: một khi giao lưu kinh tế, văn hóa phát triển thì những từ ngữ này dễ dàng tham gia vào hệ thống từ vựng chung, làm nó ngày càng phong phú, đa dạng. Mặt khác, khi đề cập tới những khác biệt giữa các tác giả thì cũng có nghĩa là chúng ta đã chỉ ra những yếu tố chủ quan chi phối đến quá trình sáng tác. Như vậy, việc lựa chọn trước hết là lệ thuộc vào chủ đề, thứ đến là sự ưa thích và thói quen của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, còn một thực tế, nếu như ở Đoàn Giỏi, nhân vật của ông là hình ảnh con người Nam Bộ đối diện với những biến cố lịch sử thì nhân vật của Sơn Nam là những người lao động bình thường, chân chất trên hành trình khai phá miền đất mới. Chính điều này khiến văn Sơn Nam luôn đầy ắp những yếu tố khác lạ góp phần tạo nên nét phong vị độc đáo trong các tác phẩm.. b. Với tư cách là một hệ thống định danh riêng, một góc tri nhận riêng, lớp từ ngữ phương ngữ không có từ ngữ tương đương đã tạo nên màu sắc địa phương - ở đây là màu sắc địa phương Nam Bộ - trong tác phẩm Sơn Nam. Điều này thoạt nhìn, dễ thấy như hiển nhiên. Bởi như ai nấy đều biết, Sơn Nam là nhà Nam Bộ học, suốt đời chuyên viết, nghiên cứu về chính mảnh đất phương Nam của tổ quốc. Để miêu tả vùng đất, thiên nhiên ấy, con người ấy không thể không sử dụng đến lớp tên gọi ứng với sở chỉ được miêu tả. Thế nhưng, từ một góc nhìn khác, về nguyên tắc, tác giả có thể cho phép mình lựa chọn thay thế bằng các từ ngữ tương đương. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong tất cả các tác phẩm mà luận văn khảo sát, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, còn lại, nhà văn rất có ý thức sử dụng từ ngữ địa phương mà trước hết là lớp từ ngữ không tương đương. Khảo sát truyện “Ngày hội ba khía”, một truyện giàu chất Nam Bộ, ta thấy xuất hiện không nhiều lắm từ ngữ không tương đương so với từ ngữ tương đương. Thế nhưng, các từ ngữ này có một vai trò rất lớn trong việc tô đậm bản sắc Nam Bộ. Như đã nói, hệ thống từ ngữ này, trước hết là những từ chỉ về thiên nhiên: lung (sen), xẻo, đước, mùa giêng nam… hoặc đề cập những vật chỉ có ở vùng này: xuồng, nóp, cà ràng… nhưng đặc biệt là những từ trừu tưọng chỉ hoạt động tính chất: coi mòi, cụ bị… Hãy quan sát: Từ ngữ không tương đương Từ ngữ tương đương Miệt Bỏ ống Xẻo Lận Gộc (cá) Bánh tráng Xuồng Đậu phộng Cụ bị Nhứt (bản Vạn lợi) Nóp Uy Lung (sen) Chạp phô Xuồng ba lá Công xi Coi mòi Từng chập Nóp Hèn chi Mùa giêng nam Hột điều Đước Sắp nhỏ Chập Lụm cụm Chập sau Thâu 2.1.2 Từ ngữ địa phương tương đương Nhóm có từ ngữ tương đương chiếm tỷ lệ áp đảo: 917 so với 108 từ ngữ không tương đương. Tần số của nhóm là 6127. Đây là những từ ngữ mà lý do xuất hiện của chúng có thể là do thay đổi về mặt ngữ âm, hoặc do có chuyển biến, bố trí lại về nghĩa, hoặc khác nhau về nguồn gốc... Trong chừng mực nào đó, hầu hết trong số này được coi là những từ đồng nghĩa với từ trong vốn từ vựng toàn dân. Tuy nhiên, có thể nói, chúng lại đóng vai trò quan trọng làm nên sắc thái Nam Bộ trong sáng tác của Sơn Nam. Do đó, để làm rõ những giá trị của chúng, việc khảo sát sẽ tiến hành với những hình thức sau đây: - Thông qua nhóm những từ ngữ biến đổi ngữ âm, tìm hiểu giọng điệu, màu sắc ngữ âm phương ngữ. So với tiếng Việt toàn dân phản ánh trên chữ viết, mỗi phương ngữ nói chung, phương ngữ Nam Bộ nói riêng có một hệ thống ngữ âm riêng. Trong giao tiếp, các biến thể này là một trong những căn cứ để nhận diện giọng địa phương và cũng là màu sắc địa phương xét thuần túy về mặt vỏ ngữ âm. - Trong nhóm những từ ngữ xuất hiện bởi các nguyên nhân còn lại, xác định từ ngoại lai đồng đại tìm hiểu ý nghĩa về giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt, Hoa, Khơ me; phân tích giá trị ngữ nghĩa thông qua cách nhìn, cách phân chia hiện thực hay những khác biệt về tri nhận thể hiện trong nhóm từ ngữ có sự chuyển biến ý nghĩa, có hình thức kết hợp mới, làm cơ sở cho việc đánh giá màu sắc trong tác phẩm. 2.1.2.1 Nhóm từ ngữ biến thể ngữ âm Tổng số từ ngữ mang đặc điểm ngữ âm địa phương là 246. Tổng tần số là 2106. Trong số các từ ngữ có những điểm gần gũi về ngữ âm, đề tài chia chúng thành các nhóm nhỏ: khác nhau phần vần (khác bộ phận vần - chủ yếu là âm chính), khác nhau phụ âm đầu và khác nhau thanh điệu. 2.1.2.1.1 Khác nhau phần vần Trong phương ngữ Nam Bộ, ta nhận thấy có một số lượng đa dạng những biến thể kiểu này. Những khác biệt ấy thường diễn ra ở hai âm có vị trí gần nhau trong hệ thống âm vị. Thống kê cho thấy Sơn Nam dùng những biến thể này khá rộng rãi. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu: - “i” trong phương ngữ Nam Bộ, “ê” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số từ ngữ 05, tổng tần số 150. Bịnh/bệnh (tần số (TS) 70), lịnh/lệnh (TS 37), kinh/kênh (TS 35), nghinh/nghênh (TS 06), binh/bênh (TS 02). Ví dụ 7 7a. “Người nầy thấy mẹ bịnh, nhận lãnh trách nhiệm cho con bú mấy tháng trời. Sau đó, mẹ hết bịnh, bà ta cũng tới thăm và tập cho ăn cơm”. [Từ U Minh đến Cần Thơ, HK, tr.65] 7b. “Thầy phái viên quyết tình binh vực cho độc giả nọ” [Tình nghĩa giáo khoa thư – HRCM, tr.872] 7c. “Ai nấy vỗ tay hoan nghinh. Cô Một e thẹn, cắm đầu chạy vô nhà” [Truyện rừng tràm – HRCM, tr.228] - “u” trong phương ngữ Nam Bộ, “ô” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số từ ngữ 04, tổng tần số 15. Thúi/thối (TS 06), lú/ló (TS 04), tui/tôi (TS 07), cú/cốc (TS 01), rún/rốn (TS 01). Ví dụ 8 8a. “Để xác cai tổng Hanh hôi thúi tại nhà”. [Xóm Cù Là – HRCM, tr.890]. 8b. “Nơi chôn rau cắt rún của tôi vốn đẹp và còn nhiều điều muốn nói” [Ở chiến khu 9 - HK, tr.278] - “u” trong phương ngữ Nam Bộ, “o” hoặc “ô” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số từ ngữ 06, tổng tần số 25. Nhúm/nhóm (TS 03), khum/khom (TS 01), lum khum/lom khom (TS 01), um/om (TS 01), chụp/chộp (TS 12), lụp cụp/lộp cộp (TS 07). Ví dụ 9 9a. “Tôi đánh cái quẹt máy, nhúm lửa.” [Ngày mưa đầu mùa – HRCM, tr.669] 9b. “Có một con to nhứt ngồi lum khum trên nhánh cây, chân thòng xuống” [Cao khỉ U Minh - HRCM, tr.163]. Lưu ý rằng cách viết “u” trong các ví dụ được dẫn ở trên được ghi theo chuẩn chính tả (ví dụ: vần um – trong lum khum, trong thực tế phương ngữ Nam Bộ là [- ưm], vần up trong lụp chụp là [- ựp]) và ô và o khi phân bố trước -m, -p thì người Nam Bộ phát âm giống nhau. Vì vậy, khảo sát ngữ âm dựa vào chữ viết có phần hạn chế. Nếu quan sát giọng trong ngôn ngữ nói thì “chất Nam Bộ” sẽ bộc lộ rõ hơn. - “ư” trong phương ngữ Nam Bộ, “â” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số từ ngữ 07, tổng tần số 217. Nhứt/nhất (TS 105), giựt/giật (TS 57), nhựt/nhật (TS 34), bực/bậc – trong “tột bực” (TS 09), nhật trình/nhựt trình (TS 01), tưng/tâng (TS 01). Một lưu ý nữa là nhiều từ với vần [-ân, -ât] chuyển thành vần [-ưn, -ưt] trong phương ngữ Trung bộ và dần dần thâm nhập vào phương ngữ Nam Bộ. Trong số này “ưn” là một vần không có trong tiếng Việt toàn dân. Tuy nhiên, ở truyện ký Sơn Nam ta thấy sự hiện diện của nó. Ví dụ 10 10a. “Cây kim còn dính lỗ chưn lông” [Ba kiểu chạy buồm, HQTĐĐ, tr.11] 10b. “Lập cười vang, múa men tay chưn như đứa trẻ thấy kẹo” [Hương rừng – HRCM, tr.576]… Chưn/chân xuất hiện 10 lần trong số tác phẩm được khảo sát. - “â” trong phương ngữ Nam Bộ, “a” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số từ ngữ 05, tổng tần số 235. Nầy/này (TS 152), mầy/mày (TS 57), bây/bay (TS 33), lây lất/lay lắt (TS 02), lậm/lạm (TS 01). Ví dụ 11 11a. “Ấy thế mà Hai Khoánh ra đây, sống lây lất suốt bốn tháng trường” [Cái va li bí mật, HRCM, tr.141] 11b. “Ổng hút á phiện lậm lắm rồi” [Người tình cô đào hát, HRCM, tr.732] - “ơ” trong phương ngữ Nam Bộ, “a” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số từ ngữ 04, tổng tần số 75. Đờn/đàn (TS 23), đờn ca/đàn hát (TS 10), nhợt/nhạt (TS 04), lợt/lạt (TS 02). Ví dụ 12 12a. “Quá khuya, còn được nghe đờn ca tài tử, đặc biệt là bản vọng cổ” [Ở chiến khu IX, HK, tr.267]. 12b. “Căn nhà lầu của Tây Đầu Đỏ hiện ra, trơ trẽn với mái ngói lợt lạt” [Bà đầm Phô Xi Đông – HRCM, tr.44]. - “a” trong phương ngữ Nam Bộ, “i” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số từ ngữ 05, tổng tần số 210: Sanh/sinh (TS 91), chánh/chính (TS 52), lãnh/lĩnh (TS 35), tánh/tính (TS 31), bình sanh/bình sinh (TS 01). Ví dụ 13 13a. “Tháng tư năm đó, ông sanh được bốn ông Mun con…Xưa nay, cọp sanh một hay sanh đôi là cùng. Đàng này sanh tới bốn con. Dân làng nhìn nhau lắc đầu tưởng tượng một ngày kia bố ông Mun nhỏ lớn lên, sung sức” [Hết hời oanh liệt - HRCM, tr.517]. 13b. “Nghe nói quan trên giúp mỗi người một ổ bánh mì, mười người thì được lãnh một hộp sữa. Ai về nhứt được giải thưởng danh dự” [Chiếc ghe ngo – HRCM, tr.204]. - “ơ” trong phương ngữ Nam Bộ, “ư” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số 04 từ ngữ, tổng tần số 113. Chớ/chứ (TS 99), thơ/thư (Ts 09), gởi/gửi (Ts 04), ờ/ừ (Ts 01). Ví dụ 14 14a. “Từ bốn thang qua, nó tư tình với cô Huệ, nói chuyện riêng được bốn lần, gởi thơ tình được năm lần” [Yêu cho được – HRCM, tr.917]. 14b. “Vả lại chỉ thề ăn cướp ở quận khác, chớ tuyệt nhiên không quậy phá xứ mình” [Từ U Minh đến Cần Thơ – HK, tr.93]. “ơ” trong phương ngữ Nam Bộ, “â” trong tiếng Việt toàn dân: Tổng số từ ngữ 02, tần số 49. Nhơn/nhân (TS 48), chơn tướng/chân tướng (TS 01). Ví dụ 15 15a. “Thiếu nữ đẹp thật, dường như anh ta đã gặp nàng hồi năm ngoái, năm kia nhơn dịp cúng đình” [Giấc mơ ngoài bãi tha ma – HRCM, tr.426]. 15b. “Tử Nha biết đúng chơn tướng con yêu nọ, nên xin phép Tử Cang thiêu sống nó.” [Hát bội giữa rừng – HRCM, tr 504] Ngoài ra, hiện tượng âm đệm “o” (w) bị triệt tiêu trong cách phát âm phương ngữ Nam Bộ cũng để lại dấu vết trong cách dùng từ của tác giả: “trắng xát” (có thể bắt nguồn từ trắng toát), “xẹt” (xoẹt), “tác hoác” (toác hoác), “xồm xàm” (xồm xoàm), “lóm thóm” (có thể bắt nguồn từ loáng thoáng), “thối lui” (thoái lui), “tấn thối” (tiến thoái)... Thuần túy về mặt ngữ âm, nếu trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt không có âm đệm sẽ dẫn đến hàng loạt hiện tượng đồng âm. Tuy nhiên, khi khảo sát các hiện tượng mất âm, biến âm, ta vẫn thấy Sơn Nam duy trì các thế đối lập này như: quá/hóa, óa, góa… Ví dụ 16 16a. “Dễ quá. Tôi chỉ giùm em… Ở xóm Rạch Giồng, tiệm quán bán tới khuya. Tôi thèm sữa bò quá chừng quá đỗi” [Cái va li bí mật – HRCM, tr.146] 16b. “Bà góa chồng vào năm bốn mươi tuổi (…) Ông nầy góa vợ như thề chẳng bao giờ tục huyền” [Hai mẹ con – HRCM, tr.456] 16c. “Khó cắt nghĩa lắm. Thủng thỉnh, bà con sẽ rõ. Hóa là biến hóa… Các chất hóa học hiện nay còn thiếu.” [Bác vật xà bông – HRCM, tr.75] Điều này chứng tỏ, xét về yêu cầu biểu đạt, Sơn Nam luôn có ý thức: một mặt tạo nên màu sắc địa phương, mặt khác vẫn phải duy trì tính phổ biến cần thiết. Hiển nhiên, chủ trương này là rất hợp lý. 2.1.2.1.2 Khác nhau phụ âm đầu Cũng như những biến thể ở âm chính, thực tế phát âm trong phương ngữ Nam Bộ cũng có những khác biệt. Khảo sát sau đây là căn cứ về sự xuất hiện của chúng trong tác phẩm của Sơn Nam. Tuy nhiên, trước hết cần thấy rằng, nếu một sự kiện ngữ âm khá phổ biến nào đó ở Nam Bộ, có khi lại không xuất hiện trong sáng tác của tác giả thì đó cũng là chuyện bình thường. Điều này, tuy không tuyên bố hiển ngôn nhưng rõ ràng nó phản ánh quan niệm về chuẩn chính tả của tác giả. Biến thể phụ âm đầu không nhiều và chủ yếu tập trung vào biến thể của NH Theo Nguyễn Tài Cẩn thì lai nguyên của NH mãi tới thế kỷ XVII còn được ghi la ML, đôi khi là MNH. Ở Trung và Nam Bộ thường là L. Hiện nay về mặt chính tả có những trường hợp viết Nh thành L, thành R, thành D… Cũng theo tác giả thì “NH” mới hình thành vài ba thế kỷ nay: hình thành ở Bắc Bộ rồi sau đó phổ biến ra toàn quốc” [7, tr.27]. Có thể thấy nhận định này trong phương tiện từ vựng mà Sơn Nam thể hiện: Biến thể l/nh: Lanh/nhanh (TS 07), lú/nhú (TS 04), lài/nhài (TS 02), lợt lạt/nhợt nhạt (TS 02) lem luốc/nhem nhuốc (TS 01). Ví dụ 17 17a. “Mình là người Việt, khôn lanh và vui vẻ với mọi thứ văn minh” [Từ U Minh đến Cần Thơ – HK, tr.80]. 17b. “Đồng bào ta sửng sốt vì đa số “ông Tây” trông lem luốc, đặc biệt râu của họ mọc quá nhanh, cái mặt đen thui, dưới cằm râu dài chừng 10 xăngtimét” [Ở chiến khu 9 – HK, tr.162] Biến thể d/nh (“d” thể hiện âm [j] trong phương ngữ Nam Bộ, ở đây ghi theo chuẩn chính tả): dòm/nhòm (TS 13), dợt/nhợt (TS 04)… Cá biệt, lại có những trường hợp ngược lại: “nh” trong phương ngữ Nam Bộ, “d” trong phương ngữ Bắc Bộ: nhốt/dốt (TS 01), nhướng/dướng (TS 02). Đây chính là tình trạng nước đôi mà Nguyễn Tài Cẩn đã đề cập trong cuốn Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Ví dụ 18: “Tư Hưng đâu rồi! Nuôi heo bậy mà bỏ nó chạy cùng đường cùng sá. Sao không nhốt nó lại” [Bốn cái ngu – HRCM, tr.95] Phần lớn các trường hợp còn lại việc sử dụng “nh”, tương ứng với phương ngữ Bắc Bộ. Ngoài ra, trong những sáng tác của Sơn Nam, ta còn bắt gặp một số biến thể khác như: l/tr (lánh/tránh), v/t (“v” thể hiện âm [j] trong phương ngữ Nam Bộ, ở đây ghi theo chuẩn chính tả) - vuột/tuột, d/đ (dĩa/đĩa), ng/g (ngáy/gáy), kh/g (khảy/gảy), th/x (thoa/xoa), ph/b phỏng/bỏng… Một vài dẫn chứng cho những trường hợp này: Ví dụ 19 19a. “Tụi nó muốn trả thù, hăm he làm đơn thưa Tây đoan. Con lánh mặt nhưng nhớ má quá chừng” [Hai mẹ con – HRCM, tr.458] 19b. “Tụi Tây… thấy mà tội nghiệp! Tụi nó bị nắng ăn cháy da phỏng trán, râu ria xồm xàm. Thằng Tây già nọ thèm ăn trái khóm.” [Ăn to xài lớn – HRCM, tr.35] 19c. “Máu, máu tuôn xối xả. Dể nó chạy vuột, uổng quá! Máu chảy ướt dầm nè!” [Xuất quỷ nhập thần – HRCM, 910]. 19d. “Nhưng gây gổ, giảng luân lý với kẻ giết đàn bà, giết con nít là điều ngu xuẩn, hơi đâu mà đờn khảy tai trâu, nước đổ lá môn” [Cái va ly bí mật, HRCM, tr.145]. Một số trường hợp biến thể ngữ âm vừa liệt kê cũng có thể xuất hiện trong phương ngữ khác như ở Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) nhưng với hệ thống phương ngữ Nam Bộ, chúng xuất hiện đều đặn hơn. 2.1.2.1.3 Khác nhau thanh điệu Những biến thể của đơn vị siêu đoạn tính này có thể tìm thấy khá nhiều trong sáng tác của Sơn Nam: vầy/vậy (TS 41), lọi/lòi (TS 02), lóm/lỏm (TS 01), nghệu/nghều (TS 05), kế/kề (TS 08), miễu/miếu (TS 15), hả/há (TS 02), nhái/nhại (TS 02), thố lộ/thổ lộ (TS 02), lầm bầm/lẩm bẩm (TS 01), le/lè (TS 01), xăn/xắn (TS 01), nhận/nhấn (TS 01)… Ví dụ 20: 20a. “Tay trái họ nắm cần cổ chim. Họ vặn lọi lại. Chim chết không kịp ngáp” [Tháng chạp chim về - HRCM, tr.826] 20b. “Bà con nói sao. Tôi canh chừng hoài. Bờ đê cao nghệu, cá nhảy sao nổi” [Cá nước chim trời – HQTĐĐ, tr.66] 20.c “Ban nãy, còn bao nhiêu câu hỏi mà họ không dám hở môi thố lộ ra. Giờ đây, họ xúm xít lại bàn tán cho hả hơi” [Bác vật xà bông – HRCM, tr.75] Phương ngữ Nam Bộ có 5 thanh điệu, trong đó không có sự khu biệt giữa hỏi và ngã như phương ngữ Bắc Bộ. Hiện tượng này có những tác động đến hệ thống từ ngữ địa phương. Có thể dẫn ra đây một số trường hợp mà tác giả đã sử dụng, đó là “giẻ” trong “giẻ sóng” (giẽ sóng), “lỏng bỏng” (lõng bõng). Ví dụ 21 “Phải mặn đủ chữ nước tro mới hiệp với dầu dừa để thành xà bông. Bằng không hai thứ ấy cứ lỏng bỏng” [Bác vật xà bông – Hương rừng Cà Mau, tr. 78]. 2.1.2.1.4. Màu sắc ngữ âm Xét một cách tổng quát, tuy ngữ liệu được khảo sát tồn tại dưới dạng văn viết, nhưng rõ ràng các biến thể ngữ âm là phương diện thể hiện màu sắc phương ngữ dễ nhận biết nhất. Nó giống như giọng nói của người Việt. Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể đoán định được giọng nói ấy xuất phát từ vùng, miền nào. Dưới đây là một số trích đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Ví dụ 22 22a. “Dạ thưa ông, ông đờn ca cổ nhạc từ hồi nào? Vì sanh sau đẻ muộn tôi chưa từng am hiểu” [Tình nghĩa giáo khoa thư – HRCM, tr.724] 22b. “Chờ một lát. Cụ bị xong xuôi rồi, ông Hai ơi (…) Khô cá gộc, thứ hảo hạng, ông hửi thử. Cá gộc thứ thiệt không bao giờ tanh” [Ba kiểu chạy buồm - HQTĐĐ, tr.14] Như đã nói ở mục 2.1.2.1, đây là nhóm những từ ngữ chiếm số lượng lớn trong tổng số được ghi nhận là từ ngữ địa phương nam Bộ (246 trên 1025) trong sáng tác Sơn Nam. Tổng số lần xuất hiện của những biến thể này là 2106, bình quân trên 949 trang thì một trang có 2,21 lượt từ. Nhiều từ ngữ trong số này thường được xem là đồng nghĩa tuyệt đối với từ ngữ tương ứng trong ngôn ngữ toàn dân, kể cả nghĩa sắc thái, nếu có khác thì chỉ khác bởi phạm vi sử dụng. Thực ra, ý nghĩa sắc thái không chỉ biểu thị sự trang trọng hay không trang trọng, thân mật hay không thân mật... trong tác phẩm văn học, sắc thái địa phương biểu thị thông qua lớp từ ngữ địa phương luôn là một yếu tố được các nhà văn quan tâm, lựa chọn. Một điều đáng lưu ý nữa là Sơn Nam không chỉ ưu tiên sử dụng nhóm từ ngữ biến thể ngữ âm trong ngôn ngữ nhân vật bởi sự chi phối mang tính đặc trưng của phong cách khẩu ngữ. Ngược lại, ở nhóm này, tác giả dường như không tạo dựng quan điểm đối lập trong quá trình lựa chọn giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật. Thống kê cho thấy, với tổng số 229 từ ngữ biến đổi ngữ âm tính riêng trong thể loại truyện ngắn, số từ ngữ được dùng trong ngôn ngữ người kể chuyện có số lượng nhiều hơn so với ngôn ngữ nhân vật: 166/147 (giao giữa hai hình thức ngôn ngữ là 67). Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, tác giả đồng thời sử dụng các biến thể (xem thêm 2.3). Nếu việc khai thác nhóm những từ ngữ không có từ đối lập trong ngôn ngữ toàn dân là yêu cầu có tính khách quan nhằm tái hiện một cách chân thực về cuộc sống thì đối với nhóm từ ngữ này, điều để tác giả đưa ra quyết định lựa chọn lại mang đậm yếu tố chủ quan. Với số lượng lớn những đơn vị từ ngữ mang màu sắc ngữ âm Nam Bộ, vấn đề được hiểu: nhân vật người kể chuyện hay “hình tượng tác giả” được xây dựng, thể hiện dưới “vai” Nam Bộ, người thuật truyện “Nam Bộ”, kể lại những câu chuyện thuộc đề tài Nam Bộ. Thuộc bình diện của phong cách tâm – sinh lý và phong cách xã hội liên quan đến những yếu tố cá tính, tầng lớp, địa phương… đây là sự lựa chọn đánh dấu đặc điểm riêng của ngôn ngữ tác giả. Các nhà lý luận, phê bình văn học lâu nay thống nhất rằng, việc sử dụng phương ngữ trong tác phẩm văn học là việc làm cần thiết. Mặc dù vậy, họ cũng thường nêu ra nguyên tắc phân biệt giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật bằng thái độ ưu tiên phương ngữ cho ngôn ngữ nhân vật và ngược lại. Điều này là đúng. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên tắc duy nhất. Như đã nói, việc sử dụng phương ngữ như thế nào còn phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng, đó là tác giả (người kể chuyện) sẽ lựa chọn, xây dựng hình tượng của chính mình là ai, là người từ đâu tới… Nói Sơn Nam có lối diễn đạt giản dị, Sơn Nam có cái nhìn của người trong cuộc khi phản ánh cuộc sống miệt vườn Nam Bộ, Sơn Nam là “ông già Ba Tri” của văn học hiện đại… chính là tìm hiểu cách miêu tả hiện thực, đặc biệt và bao trùm lên trên hết đó là giọng điệu tác phẩm thông qua những đặc điểm của phương tiện biểu đạt. Về thực chất, “màu sắc Nam Bộ” có được chính là nhờ sự đối lập giữa phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân trong ngôn từ nghệ thuật. Ngoài nhận định trên, cũng cần thấy có sự khác biệt về việc khai thác nhóm từ ngữ này giữa thể loại truyện và ký. Khảo sát 210 trang văn bản của mỗi thể loại cho kết quả: truyện: 1,3 trang có một đơn vị từ ngữ mới, ở hồi ký là 2,8 trang. Như vậy, số lượng từ ngữ mang đặc điểm ngữ âm Nam Bộ trong truyện cao hơn hẳn so với hồi ký. Điều này do đặc điểm của thể loại. Chính tính chất khách quan, chính xác của những sự kiện trong thể ký quy định việc sử dụng ngôn ngữ, dẫu rằng bao trùm lên các tác phẩm vẫn giọng điệu của nhân vật “tôi” với tư cách là một cư dân Nam Bộ đích thực. Cũng cần lưu ý rằng, những số liệu này được khảo sát từ tác phẩm văn học. Trong các văn bản khoa học thì tình hình lại hoàn toàn khác. Theo khảo sát bước đầu của chúng tôi, trong tác phẩm “Giới thiệu Sài Gòn xưa” của Sơn Nam, do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 1995 thì những từ ngữ biến thể ngữ âm như trên và cả từ ngữ địa phương đều vắng bóng. Sự kiện này chứng tỏ Sơn Nam rất có ý thức phân biệt việc sử dụng từ ngữ địa phương, màu sắc địa phương trong các thể loại khác nhau. Những biến đổi về hình thức từ vựng, ngoài biến đổi ngữ âm học và âm vị học, còn có những lý do khác, trong đó có tục kiêng kị - liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Trong ngôn ngữ đời thường ta thường gọi đó là nói “chại” hay nói “choại”. 2.1.2.2 Nhóm từ ngữ còn lại Ở cả hai thể loại truyện và ký, trong tổng số 1025 có 466 từ ngữ cùng gọi tên sự vật, hiện tượng nhưng chúng có hình thức ngữ âm khác hoàn toàn với từ ngữ tương ứng trong ngôn ngữ toàn dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Nó có thể do cách thức định danh khác nhau, do sự xung đột đồng nghĩa, do hiện tượng thay thế tên gọi, do khác nhau về nguồn gốc... Những trường hợp liên quan tới quá trình chuyển biến ý nghĩa, cách thức định danh, tri nhận sẽ được đề cập ở 2.2.1.2.2 và 2.2.1.2.3, ở mục 2.1.2.2.1, đề tài tiến hành khảo sát một số từ địa phương mà lý do được đánh giá là khác nhau nguồn gốc. 2.1.2.2.1 Khác nhau nguồn gốc – giao lưu văn hóa Việt, Khơ me, Hoa Cũng như một số quốc gia, Việt Nam là một trong những nước trên thế giới trở thành nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa. Sự tiếp xúc này dĩ nhiên để lại dấu vết trong từ vựng ngôn ngữ. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là việc tiếp thu, ảnh hưởng từ ngoại lai ở các vùng phương ngữ khác nhau không phải lúc nào cũng giống nhau. Hoàng Thị Châu trong giáo trình Phương ngữ tiếng Việt đã đưa ra nhận định: “Trong ba phương ngữ chính, phương ngữ Bắc, tiếp thu nhiều từ Hán Việt hay nhiều từ gốc Hán hơn cả (…) Trong phương ngữ Nam có nhiều từ địa phương mới vay mượn của tiếng Khơ me” [12, tr.108,109]. Như vậy, phân biệt sự khác nhau này cũng là cách tiếp cận về màu sắc phương ngữ. Đặt ra nhiệm vụ đối chiếu về lớp từ ngữ này, ngoài việc bám sát quan điểm đồng đại, đề tài chỉ khảo sát những từ ngoại lai thể hiện nét đặc thù của văn hóa Nam Bộ, phản ánh quá trình cộng sinh giữa ba dân tộc Việt – Khơ me – Hoa được tái hiện trong tác phẩm. Xác định từ ngoại lai là một công việc khó khăn, nhất là đối với một ngôn ngữ có lịch sử phức tạp như tiếng Việt. Trong bối cảnh chúng ta chưa có được từ điển từ nguyên của phương ngữ Nam Bộ, việc xác định từ ngoại lai gốc Khơ me cũng như các cư dân thuộc các vùng như Quảng Châu, Phúc Kiến Trung Hoa được dựa trên nhiều nguồn tài liệu, dựa vào những đặc điểm ngữ âm, ngữ nghĩa, cấu tạo ngữ pháp của từ tiếng Việt để tiến hành đối chiếu và nhận diện. Sau đây là một số từ ngữ tiêu biểu trong tác phẩm được xem là có nguồn gốc ngoại lai như đã giới thiệu: “Ghe” là một từ là một từ có tần số cao (158) và phân bố rộng (xuất hiện trong 118 trang và 47 tác phẩm) trong truyện ký Sơn Nam. Xét về nghĩa sở thị nó đồng nghĩa với “thuyền”. Vì thế, trong “Đất rừng Phương Nam” ở lời người kể chuyện, Đoàn Giỏi không dùng “ghe” mà dùng “thuyền”, “ghe’ chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ nhân vật. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “ghe” có nguồn gốc Khơ me, xuất phát từ từ “thwe” chỉ “thuyền chài”, “loại thuyền lớn”. “Chơn”/ “chưn” (TS 03): Khơ me có từ “chơơng” nghĩa “bên dưới” cũng có nghĩa là “cái chân”. “Cà ròn” (TS 19): Khơ me là “karông” chỉ loại bao đan bằng sợi bàng (giống cói), người Hoa (Quảng Đông) Nam Bộ gọi là “bao bố” hay “bao bố tời” (phương ngữ Nam Bộ hiện nay dùng đồng thời hai biến thể này). Từ tương đương ở phương ngữ Bắc Bộ là “bao tải”. “Mùng” (TS 36): Khơ me có từ “mung”, chỉ dụng cụ bằng vải thưa, dùng phủ lên giường để tránh muỗi khi ngủ. Trong phương ngữ Bắc từ tương ứng là “màn” vốn là một từ gốc Thái. “Hên” (TS 01): Khơ me có từ “hêng”, có nghĩa “may, may mắn”. Từ này còn có ý kiến khác nên có thể xếp và dạng tồn nghi. “La” (TS 11): Khơ me có từ “lôla”, có nghĩa là “hét, mắng”. Một số từ ngữ khác thuộc phương ngữ Nam Bộ có thành tố “la” như: “la lối”, “la ó” kể cả “ba lô ba la” nhiều khả năng có quan hệ với từ này. “Ém” (TS 04): Khơ me có từ đồng âm, nghĩa là “dấu mất”. Trong phương ngữ Nam Bộ “ém” là một từ đa nghĩa, ngoài nghĩa “dấu mất”, nó còn các nghĩa khác: đè sát xuống, chèn, cố ép vật nào đó vào một chỗ hẹp, cho hết, cho kín. “Chồm hổm” (TS 05). Phương ngữ Trung Bộ có từ “chò hõ” – một từ gần nghĩa và cấu tạo láy giống nhau. Phương ngữ Nam dùng cả hai biến thể. Tiếng Khơ me: “ch-hoh”, có nghĩa “ngồi trên hai chân, phần mông không chạm đất”. “Té” (TS 34). Khơ me có từ “tel”, có nghĩa là “nằm xuống, rơi xuống do trượt”. Từ đồng nghĩa trong phương ngữ Bắc là “ngã”, phương ngữ Trung là “bổ”. “Chiên” (TS 03). Khơ me có từ “chòn iên”, có nghĩa “hình thức nấu chín thức ăn bằng mỡ động vật hoặc dầu thực vật”. Phương ngữ Bắc là “rán”. Một số từ ngữ khác (có tần số thấp trong tác phẩm) như “cà nhỏng” (lêu têu, lười nhác), “cà nhót” (tập tễnh), “cà lăm” (nói lắp), “cà rá” (nhẫn), “ên” (mỗi mình – một mình), “tòn ten” (lủng lẳng), “chàng hảng”, (dạng háng), “chàng ràng” (quanh quẩn), “chùm nhum” (lố nhố), “sét” (dỉ), “xụi lơ” (ngay đơ), “xà lỏn” (quần cụt), “bò hóc” (mắm cá), “tằn khạo” (cai thầu, đầu nậu)… cũng được cho rằng có nguồn gốc Khơ me, mới du nhập. Bên cạnh số đã liệt kê, truyện ký Sơn Nam còn có những từ ngữ mà sự khác nhau do có nguồn gốc Hán: “khổ qua” (mướp đắng), “ký giả” (nhà báo), “nhật trình”/“nhựt trình” (nhật báo), “ly” (cốc), “lộ” (đường), “hồi” (lúc)… Trong đó, có những từ được du nhập vào tiếng Việt khu vực Nam Bộ thông qua con đường khẩu ngữ của một vài nhóm cư dân phương Bắc di cư về phương Nam đầu (thế kỷ 17). Thấy rõ nhất là các từ như: “hia”, “chế” (từ của người Hoa Triều Châu chỉ người sinh trước người nói mang tính thân mật), “lứ” (từ của người Hoa Triều Châu chỉ đại từ ngôi thứ hai số ít, tương đương với “anh”, “chị”, “mày”… tiếng Việt). Tương tự: “hỉa” (ngôi thứ ba, số ít), “tàu hũ” (đậu phụ), “liễn” (câu đối), “khổ qua” (mướp đắng),… Ngoài ra, trong tác phẩm còn xuất hiện những từ ngữ được xem như đã Việt hóa, bởi có sự tham gia của những yếu tố gốc Việt kết hợp với những yếu tố gốc Khơ me như: “ông tà” (thần đất/thổ công), “cá lóc” (phương ngữ Bắc là “cá quả”, phương ngữ Trung là “cá tràu” - tiếng Khơ me là “ptuok”)… Ngay cả những hợp đã giới thiệu trên đây, nhiều từ ngữ được chuyển hóa mạnh theo cách phát âm người Việt nhất là sự chuyển hóa theo phương thức láy: “chò hõ”/ “chồm hổm”, “tòn ten”, “chàng hảng”... Việc tiếp nhận của người đọc ở những từ này chẳng những dễ dàng, mà trong tương quan với từ vựng toàn dân, chúng còn có được tính biểu hình, biểu cảm, sắc thái ngữ nghĩa riêng. Chúng ta dễ dàng nhận ra tính gợi hình của “chò hõ”/“chồm hỗm” so với “xổm”, giữa “tòn ten” so với “lủng lẳng”, “chàng hảng” so với “dạng háng”… trong một vài đoạn tường thuật của Sơn Nam. Ví dụ 23 23a. “Các đương sự lần lượt đến ngồi chồm hổm tại hàng ba nhà thầy phó hương quản. Ông Hăngri nâng ống vố lên, rít một hơi dài rồi nói từng tiếng một.” [Anh hùng rơm - HRCM, tr.17]. 23b. “Một ông lão đáp: - Người An Nam mình ngồi trên ván chớ không ngồi trên ghế. Có hai kiểu ngồi: chồm hổm hoặc xếp bàn tròn (xếp bằng), thế thôi. Ngồi ghế, hai cái tay cái chân nó… tòn ten kỳ cục lắm. Xưa nay, ghế chỉ dùng cho vua hay quan lớn mà thôi.” [Hai ông già - HRCM, tr.476] 23c. “Trước khi đóng cửa trước và sau, ban nãy thầy đã quan sát kỹ lưỡng, đề phòng Năm Tiết núp lén trong kẹt vách hoặc đeo tòn ten trên đòn dông nhà.” [Xuất quỷ nhập thần - HRCM, tr.909]. Tiếp xúc ngôn ngữ, vay mượn từ ngữ là một chuyện bình thường. Đi tìm nguồn gốc là chuyện của các nhà ngôn ngữ học, đối với người sử dụng rõ ràng chúng đáp ứng được nhu cầu định danh, nhu cầu biểu đạt trong giao tiếp. Hơn thế nữa, trước nhiều biến thể, người nói hay người viết có quyền lựa chọn kiểu nào, loại nào để có hiệu quả cao nhất. Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu có tính hai mặt: cái biểu đạt và cái được biểu đạt (F.d. Saussure). Nó là một thiết chế đồ sộ, phức tạp nhưng tiết kiệm. Do đó, trong một ngôn ngữ khó có thể có hiện tượng một “cái được biểu đạt” tồn tại nhiều “cái biểu đạt”. Vì thế, một khi những từ như: “nói lắp”, “nhẫn”, “mình/một mình”, “dỉ”, “anh”, “chị”, “mẹ”, “con dấu”… được sử dụng trong ngôn ngữ thống nhất thì các từ “cà lăm”, “cà rá”, “ên”, “sét”, “hia”, “lứ”, “úm”, “mộc”… khó có thể tham gia vào vốn từ vựng chung… Dẫu vậy, cần xét thêm rằng: trong văn bản khoa học, hành chính do yêu cầu tính chuẩn mực thì những từ ngữ nói trên rõ ràng không có chỗ đứng. Tuy nhiên, trong sáng tác văn chương, trước yêu khai thác triệt để chất liệu của đời sống thì những từ ngữ nói trên vào thời điểm nào đó lại là cần thiết - nhất là ở những trường hợp nhân vật trong truyện là những người Việt nhưng có nguồn gốc thuộc các dân tộc khác. Sơn Nam đã sử dụng chúng theo cách như vậy nhằm tái hiện lại một cách sinh động về quan hệ song tồn giữa các dân tộc. Đoạn trích, “Hội ngộ bến Tầm Dương” là một dẫn chứng tiêu biểu. Ví dụ 24 “- A Lẩu ơi, đong hai xu rượu (…) A Lẩu có ba tội lớn. Biết không? - Cái nầy, hóa có đóng ba tăng, có đóng giấy thuế thân cho Tây, làm sao tội được? (…) - Lứ vẽ cái hình gì treo trên vách? Có mặt trăng, có cây sậy lại có cây tùng bên bờ giếng. Xứ nầy làm sao có cảnh đó. Vẽ tầm bậy… - Hóa vẽ hình bên Tàu. Lứ sanh bên này, chưa về Tàu lần nào, làm sao thấy cảnh bên Tàu” [Hội ngộ bến Tầm Dương – HRCM, tr. 535-536] Với nhóm từ ngữ biến đổi ngữ âm, nếu người đọc đến từ một vùng phương ngữ khác thì việc dựa vào những yếu tố tương đồng ngữ âm để nhận biết nó thì trong trường hợp từ ngữ vay mượn, người đọc cần đến sự tìm hiểu, đối chiếu. Quá trình tìm hiểu, đối chiếu giữa phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân hay một phương ngữ khác chính là lúc họ thu nhận được hiểu biết về vốn từ ngữ địa phương và một cách gián tiếp là những nhận biết về đặc điểm văn hóa, lịch sử của chính vùng đất ấy. Sự xuất hiện của từ ngữ vay mượn cũng chính là một trong những yếu tố làm nên màu sắc ngôn ngữ trong tác phẩm. 2.1.2.2.2 Mở rộng nghĩa - cách phân chia hiện thực và đặc điểm văn hóa sông nước a. Mở rộng nghĩa Nhắc đến phương ngữ Nam Bộ, trong tương quan với phương ngữ Bắc Bộ, người ta thường đề cập tới hiện tượng mở rộng nghĩa từ hay hiện tượng khái quát về nghĩa mà hệ quả là một từ trong phương ngữ Nam Bộ tương ứng với nhiều từ trong phương ngữ Bắc Bộ (cũng như ngôn ngữ toàn dân). Với tổng số 949 trang truyện ký, có 194 từ được ghi nhận là những biến thể ngữ nghĩa địa phương, trong đó có 39 từ (chiếm 20,1%) là biến thể mở rộng nghĩa. Bảng 2.5, 2.6, 2.7 miêu tả nhóm từ này. a1. Nhóm danh từ đơn vị Bảng 2.5. STT Trong truyện ký Sơn Nam Danh từ đơn vị tương ứng trong phương ngữ Bắc Tần số 01 Mớ Mớ, túm, đám, bó, đống, nắm... 27 02 Cục Hòn, viên, cục 04 03 Miếng Miếng, tờ, mảnh, ngụm... 04 Ở phương ngữ Bắc Bộ, các từ “miếng”, “ngụm”, “mảnh”/“mẩu”… hay “viên”, “cục”, “mẩu”… luôn có sự đối lập trong cách sử dụng. Ví dụ: “miếng cơm”, “ngụm nước”, “mảnh giấy”(i); “viên phấn”, “cục kẹo”, “mẩu bánh” (ii). Trong phương ngữ Nam Bộ lại có sự khái quát, đồng nhất chúng trong nhiều trường hợp: Kết hợp(i) sử dụng bằng một từ “miếng” duy nhất (“miếng cơm”, “miếng nước”, “miếng giấy”); kết hợp (ii) dùng chung từ “cục”: (“cục phấn”, “cục kẹo”, “cục bánh”)… Điều này dẫn đến hệ quả: vốn đơn vị trong phương ngữ Nam Bộ có số lượng ít hơn nhiều so với phương ngữ Bắc Bộ cũng như ngôn ngữ toàn dân. Đơn cử trường hợp của từ “mớ”. “Mớ” trong ngôn ngữ toàn dân là một từ đa nghĩa: (i)chỉ “tập hợp những vật cùng loại gom lại thành một đơn vị”, (ii).“chỉ số lượng tương đối nhiều những vật cùng loại nhưng có sự khác nhau nào đó và ở tình trạng lộn xộn, hỗn loạn không có trật tự, có hàm ý chê: rối như mớ bòng bong, chỉ một mớ lý luận suông” [41, tr.645] “Mớ” theo nghĩa (ii) Sơn Nam sử dụng một lần trong hồi ký. Phần còn lại “mớ” xuất hiện 28 lần được xác định với tư cách từ địa phương. Theo quan điểm của nhiều nhà Việt ngữ học thì các từ: “túm, nắm, mớ, bó...” là danh từ chỉ đơn vị ước chừng. Dựa vào ngữ cảnh, hoàn toàn có thể để xác định được từ ngữ tương ứng, thay thế cho từng trường hợp của “mớ” ở những những ví dụ sau đây: Ví dụ 25 25a. “Nó thuộc loại cu cườm, mớ lông xung quanh cổ nhuộm màu hường dợt” [Bốn cái ngu - HRCM, tr.104], 25b. “Cầm mớ lá dừa cháy anh bước vào nhà” [Từ U Minh đến Cần Thơ - HK, tr.135], 25c. “Anh em trao cho tôi một mớ truyền đơn” [Ở chiến khu 9 - HK, tr.236], 25d. “Hai Khoánh trở về động đá dưới sườn đồi, lục lạo mớ cơm nguội còn sót lại trong nồi đất” [Cái va li bí mật - HRCM, tr.143]... Có thể thấy, trong khẩu ngữ Nam Bộ, hoạt động của “mớ” là khá rộng: mớ rau, mớ cá, mớ trà, mớ lông, mớ củi… Theo Đại Nam Quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, một cuốn từ điển lấy phương ngữ Nam Bộ là chính thì “mớ” còn các cách sử dụng sau: - mớ tôi. - mớ que. - bán mớ, mua mớ. - nói hốt mớ, làm hốt mớ. - áo mớ. (Sđd, tr.655) a2. Nhóm không thuộc danh từ đơn vị Bảng 2.6. TT Trong truyện ký Sơn Nam Từ sử dụng trong phương ngữ Bắc Tần số 01 Kiếm Tìm, kiếm 40 01 Chụp Vồ, chộp 14 02 Rớt Rơi, rớt 13 03 Đốt Đốt, thắp (thắp đèn) 11 04 Ghé Đến, ghé (trong thăm, chơi) 10 05 Lột Bóc, cởi 09 06 Nón Nón, mũ 06 07 Ốm Gầy, còm, còi 06 08 Giỏ Túi, giỏ, làn 05 09 Giò Chân, giò 04 10 Lạnh Rét, lạnh, giá, buốt 02 Các đối tượng liệt kê ở bảng 2.6 có đặc điểm tương tự như nhóm danh từ đơn vị. Cụ thể: Tiếng Việt toàn dân - nghĩa của “mũ”: “Đồ dùng đội trên đầu, úp chụp sát tóc”; nghĩa của “nón”: “Đồ dùng để đội trên đầu, che mưa nắng, hình một vòng tròn nhỏ dần lên đỉnh” [41, tr.647,755]. Trong khi đó, từ địa phương Nam Bộ - nghĩa của “nón”: “Từ chỉ chung nón và mũ” [4, tr.436]. Một trường hợp khác: Nghĩa của “chộp”: “nắm, bắt một cách nhanh gọn”; nghĩa của “vồ”: “lao mình tới rất nhanh để tóm lấy, bắt lấy một cách bất ngờ” [41, tr.169,1125]. Sự cụ thể hóa bởi nét nghĩa: “lao mình rất nhanh” trong “vồ” chính là yếu tố khu biệt nghĩa với “chộp”. Việc đồng nhất hai từ này khiến cho “chụp” trong phương ngữ Nam Bộ không còn sự tồn tại của nét nghĩa riêng nói trên. Căn cứ vào những đối chiếu, phân tích thành tố nghĩa như đã trình bày có thể rút ra nhận định: nghĩa của của “nón”, “lạnh”, “chộp”… trong ngôn ngữ toàn dân không hoàn toàn trùng khớp với “nón”, “lạnh”, “chụp”… trong phương ngữ Nam Bộ. Và do đó, việc sử dụng những từ địa phương này trong tác phẩm không thể không mang lại những ý nghĩa sắc thái. Có thể nói, chính hiện tượng mở rộng nghĩa hay việc lấy từ ngữ không tương ứng giữa phương ngữ Nam Bộ hoặc tương ứng nhưng khác nhau về sắc thái so với ngôn ngữ toàn dân là những yếu tố phản ánh màu sắc địa phương trong tác phẩm văn học. Hiện tượng mở rộng phạm vi sở biểu của từ còn có một hình thức khác với khái quát hóa nghĩa từ, đó là hình thức gia tăng nghĩa vị của từ. Ngôn ngữ không phải là một hệ thống nhất thành bất biến. Như ta đã thấy, sự biến đổi của ngôn ngữ bao giờ cũng diễn ra mạnh nhất ở hệ thống từ vựng. Sự biến đổi này không chỉ gới hạn trong cách thức gia tăng số lượng từ mà còn ở chỗ phát triển thêm mặt ý nghĩa của từ - một trong những đặc điểm phản ánh tính “tiết kiệm” của ngôn ngữ. Hệ quả là làm xuất hiện nhiều hơn các biến thể từ vựng cũng như các từ đa nghĩa. Điều muốn nói về những khác biệt giữa phương ngữ Nam Bộ và ngôn ngữ toàn dân đối với hiện tượng này là ở chỗ: trong nhiều trường hợp, từ vựng toàn dân có từ biểu thị thì từ vựng phương ngữ Nam Bộ lại gắn ý nghĩa này làm thành một nghĩa vị mới (phái sinh) trong một từ có sẵn. Căn cứ vào quan hệ liên tưởng, ta thường gọi hiện tượng này là chuyển nghĩa ẩn dụ hay chuyển nghĩa hoán dụ. Đây là hiện tượng khá phổ biến trong phương ngữ Nam Bộ và cũng là một trong những đặc điểm ngữ nghĩa của truyện ký Sơn Nam hay sự thể hiện màu sắc địa phương của tác phẩm. Bảng 2.7. STT Từ trong truyện ký Nghĩa của từ trong truyện ký tương đương với từ trong ngôn ngữ toàn dân Tần số 1 Coi Xem, đọc, trông, trông giữ 118 2 Xài Tiêu, dùng 23 3 Xưa Xa xưa, (đã) lạc hậu, cổ 23 4 Kiếm Tìm, kiếm 40 5 Cây Cây, gỗ 15 6 Chuyện Chuyện, việc (công việc) 13 7 Lội Bơi, lội, đi (bộ) 13 8 Ván Ván, phản 10 9 Đồ Đồ đạc, thức ăn, quần áo 04 10 Chém Chém, húc (trâu húc) 03 11 Buồn Buồn, giận 03 12 Thương Thương, yêu 02 Về mặt lý luận, cách định danh trong phương ngữ rộng hơn hay hẹp hơn so với vốn từ vựng chung hoặc với phương ngữ khác cũng là chuyện bình thường. Với tư cách là một hệ thống con, từ vựng trong phương ngữ có đầy đủ phương tiện để biểu đạt. Tuy nhiên, trở lại danh sách từ vựng ở bảng 2.7, đứng trên quan hệ âm, nghĩa ta còn thấy: Nếu những từ này trong ngôn ngữ toàn dân (buồn, giận; thương, yêu; chém, húc…) là không có lý do, thì trong phương ngữ Nam Bộ lại không như vậy. Cụ thể: “Chém” do có sự chuyển di ý niệm để biểu thị hành động “dùng sừng làm vũ khí tấn công”, “buồn” thông qua phương thức ẩn dụ dùng để diễn đạt “một trạng thái tình cảm không vui vì ai đó”... nên quan hệ này không còn là võ đoán nữa. Như đã thấy, mở rộng nghĩa của từ trong phương ngữ Nam Bộ là một hiện tượng khá phổ biến. Hiện tượng này trong phương ngữ còn có sự tác động của của các hình tiết độc lập. Hãy quan sát: Ví dụ 26: “Cứ bắt sống, bắt nhưng đừng trói, lúc bắt thì đừng nặng lời. Cô Huôi, Tư Thính hay bất cứ ai cũng đáng bắt. Tụi nó làm lộng” [Bà chúa Hòn, tr.175]. Trong tiếng Việt toàn dân, theo từ điển Hoàng Phê, “lộng” có những nét nghĩa sau: “Vùng biển gần bờ, gió thổi ở nơi trống trải”. Rõ ràng “lộng” trong ngữ cảnh đang xét là hoàn toàn theo nghĩa mới. Theo từ điển của Hùinh Tịnh Paulus Của thì “lộng” là “nghênh ngang không phải phép”. Nghĩa này phù hợp với ngữ cảnh trên. Từ hiện tượng này, có thể nghĩ đến về chức năng ngữ nghĩa của một số hình vị. Một cách cụ thể, trong tiếng Việt toàn dân, đó là những hình vị không độc lập thì trong phương ngữ Nam Bộ lại là một từ: “te tua” → “te”, “lộng hành” → “lộng”, “xe cộ” → “cộ”, “la mắng” → “la”… Chính phương thức này cũng là một trong những đặc điểm làm nên màu sắc Nam Bộ trong diễn đạt. Sự tồn tại của những từ mang đặc điểm trên đây, dĩ nhiên có những tác động đến quá trình lĩnh hội tác phẩm. Dựa vào kinh nghiệm, thói quen ngôn ngữ, sự liên hệ đến phạm vi kết hợp của từ trong ngôn ngữ toàn dân, người đọc có thể nhận biết sự khác biệt về cách thể hiện ngữ nghĩa thông qua từ vựng địa phương trong tác phẩm. Như vậy, chính sự không tương ứng giữa nghĩa vị của từ, quá trình xác định quan hệ đồng nghĩa giữa nghĩa

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVNNH014.pdf