Luận văn Chức năng cú pháp của một số vai nghĩa trong câu tiếng Việt

Tài liệu Luận văn Chức năng cú pháp của một số vai nghĩa trong câu tiếng Việt: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Đức CHỨC NĂNG CÚ PHÁP CỦA MỘT SỐ VAI NGHĨA TRONG CÂU TIẾNG VIỆT Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. DƯ NGỌC NGÂN Thành phố Hồ Chí Minh - 2010 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu Câu là đơn vị ngôn ngữ được ngôn ngữ học nói chung, ngữ pháp học nói riêng quan tâm nghiên cứu từ rất sớm. Ngữ pháp cổ điển cũng như một số khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại như cấu trúc luận, ngữ pháp tạo sinh coi câu là đơn vị cấu trúc lớn nhất trong tổ chức ngữ pháp của một ngôn ngữ. Theo đó, việc nghiên cứu ngữ pháp thường chú trọng về đặc trưng cấu trúc của câu. Nói cách khác, câu chủ yếu được xem xét trên bình diện ngữ pháp với các vấn đề như: các thành phần ngữ pháp của câu, các kiểu cấu tạo ngữ pháp của câu và các quan hệ ngữ pháp trong câu. Kết quả nhiều vấn đề về câu chưa được giải quyết đặc biệ...

pdf126 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1074 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Chức năng cú pháp của một số vai nghĩa trong câu tiếng Việt, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Đức CHỨC NĂNG CÚ PHÁP CỦA MỘT SỐ VAI NGHĨA TRONG CÂU TIẾNG VIỆT Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. DƯ NGỌC NGÂN Thành phố Hồ Chí Minh - 2010 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu Câu là đơn vị ngôn ngữ được ngôn ngữ học nói chung, ngữ pháp học nói riêng quan tâm nghiên cứu từ rất sớm. Ngữ pháp cổ điển cũng như một số khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại như cấu trúc luận, ngữ pháp tạo sinh coi câu là đơn vị cấu trúc lớn nhất trong tổ chức ngữ pháp của một ngôn ngữ. Theo đó, việc nghiên cứu ngữ pháp thường chú trọng về đặc trưng cấu trúc của câu. Nói cách khác, câu chủ yếu được xem xét trên bình diện ngữ pháp với các vấn đề như: các thành phần ngữ pháp của câu, các kiểu cấu tạo ngữ pháp của câu và các quan hệ ngữ pháp trong câu. Kết quả nhiều vấn đề về câu chưa được giải quyết đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến nghĩa và hoạt động hành chức của câu. Xuất phát từ chức năng giao tiếp và một phần lí thuyết dụng học về sự tương tác ngôn từ (phần liên quan đến ngữ pháp), ngữ pháp chức năng không chỉ chú ý đến mặt hình thức mà còn chú ý đến mặt nghĩa và mặt chức năng của ngôn ngữ. Với ngữ pháp chức năng, các hiện tượng ngôn ngữ đã được các nhà ngôn ngữ học xem xét trên cả ba bình diện: ngữ pháp- ngữ nghĩa- ngữ dụng, đặc biệt là mặt ngữ nghĩa. Từ khuynh hướng nghiên cứu này, câu không chỉ được coi là đơn vị cấu trúc mà còn là đơn vị của ngôn ngữ được con người trực tiếp sử dụng làm phương tiện giao tiếp. Nói cách khác, câu không phải là thứ câu trừu tượng mà gắn với tình huống ngữ cảnh cụ thể, đó là câu- phát ngôn. Ở đây, câu được xem xét đồng thời trên cả ba bình diện: kết học, nghĩa học- dụng học. Bình diện kết học chủ yếu xem xét cấu trúc cú pháp của câu với nhiệm vụ trung tâm là xác định các chức năng cú pháp trong câu. Bình diện kết học được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với bình diện nghĩa học của câu. Ngữ pháp chức năng đã cho thấy rõ mối quan hệ giữa cấu trúc cú pháp với cấu trúc nghĩa (nghĩa miêu tả) của câu. Đó là mối quan hệ giữa một bên là nội dung (cấu trúc nghĩa) và một bên là hình thức (cấu trúc cú pháp) của câu. Các chức năng cú pháp của câu thực chất là do các vai nghĩa chi phối khi chúng được hiện thực hóa trong câu. Gần đây, giới Việt ngữ học đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề vai nghĩa trong mối quan hệ với chức năng cú pháp của các thành phần câu và kết quả đạt được tương đối khả quan. Một số công trình nghiên cứu bước đầu đã khảo sát và lý giải về mối quan hệ giữa vai nghĩa và chức năng cú pháp. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu cũng mới chỉ dừng lại ở một số vai nghĩa và chức năng cú pháp tương ứng trong câu. Tiếp thu những thành tựu đó, chúng tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ của vai nghĩa với chức năng cú pháp trong câu. Đó là lý do chúng tôi chọn đề tài “Chức năng cú pháp của một số vai nghĩa trong câu tiếng Việt” làm đề tài nghiên cứu. Việc nghiên cứu đề tài này có các ý nghĩa sau đây: - Về mặt lý luận: Tiếp thu những thành tựu nghiên cứu về ngữ nghĩa học cú pháp, đặc biệt là cấu trúc nghĩa của câu, tìm hiểu khái niệm vai nghĩa (tham tố của vị từ), chọn một số vai nghĩa phổ biến trong cấu trúc nghĩa của câu, miêu tả những chức năng cú pháp ứng với các vai nghĩa này. - Về mặt thực tiễn: Kết quả của luận văn có thể có giá trị tham khảo về cấu trúc nghĩa, cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt. Luận văn có thể góp thêm ngữ liệu cho việc nghiên cứu, học tập về ngữ pháp tiếng Việt. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Việc nghiên cứu các vai nghĩa Việc nghiên cứu về vai nghĩa có thể nói là được bắt đầu khá sớm. Đầu tiên, chúng ta phải kể đến lý thuyết diễn trị của nhà ngôn ngữ học người Pháp L.Tesnière. L.Tesnière được biết đến với tác phẩm chính là Elements de syntaxe structurale được xuất bản vào năm 1959. Trong tác phẩm này, ông đã đưa ra khái niệm diễn trị (valence) và các khái niệm có liên quan khác trong đó có diễn tố (actants) và chu tố (circumstants) vào nghĩa học của cú pháp. “Cú pháp dựa trên nghĩa học”(semantically based syntax) của L.Tesnière đã khiến ông trở thành một trong những người sáng lập ra lý thuyết diễn trị (valency theory) – cách phân tích câu dựa trên cấu trúc nghĩa của các vai (role) [Dẫn theo 44: 4]. Theo ông, “Cấu trúc cú pháp của câu xoay quanh vị từ và các diễn tố (actants) làm bổ ngữ cho nó. Chủ ngữ chẳng qua là một trong các bổ ngữ đó. Mỗi vị từ biểu hiện “một màn kịch nhỏ”, nó có một diễn trị (valence) riêng được thể hiện trong số lượng các diễn tố của nó [Dẫn theo 23: 81]. Các vị từ khác nhau cơ bản về số lượng các diễn tố trong vị ngữ. Điều này có nghĩa là dựa trên tiềm lực cú pháp- ngữ nghĩa của vị từ để phân loại chúng thành: - Vị từ vô trị (avalents) không có diễn tố nào trong câu và vì vậy mà (ngữ đoạn) vị từ là phương tiện từ vựng- cú pháp duy nhất biểu hiện sự tình. Ví dụ như vị từ pleut, il pleut ‘mưa’ không có diễn tố nào. - Vị từ đơn trị (monovalents) có một diễn tố, ví dụ như: tomber ‘ngã’. - Vị từ song trị (bivalents) có hai diễn tố, ví dụ như: frapper ‘đánh’. - Vị từ tam trị (trivalents) như donner ‘cho’ L.Tesnière đã phân biệt diễn tố và chu tố- cái vẽ nên bối cảnh (setting)- và các chi tiết phụ họa (incidental details) của các sự tình mà vị từ miêu tả; vì vậy mà toàn bộ một câu vẽ nên một màn kịch nhỏ (mini drama) và diễn đạt trực tiếp một sự tình trọn vẹn. Công trình này của L.Tesnière là theo quan điểm cú pháp dựa trên nghĩa học và về nguyên tắc diễn tố do vị từ quy định còn chu tố là yếu tố phụ mang tính tiềm năng có trong bất kỳ câu nào, bất chấp vị từ với kiểu diễn trị gì đang thực sự chiếm giữ vị trí trung tâm của vị ngữ trong câu. Chính vì dựa trên nguyên tắc như vậy mà L.Tesnière đã đơn giản hóa vấn đề: ông khẳng định mã hóa diễn tố- cái yếu tố bắt buộc phải đi kèm theo vị từ trong vị ngữ của câu- là danh ngữ, còn trạng ngữ mã hóa chu tố- cái yếu tố không bắt buộc phải hiển lộ trong câu. Đây chính là hạn chế của L.Tesnière. Nhưng đóng góp của L.Tesnière và những người kế tục ông là đã đưa lý thuyết diễn trị mà ông tìm ra những tiềm năng cú pháp ngữ nghĩa khác nhau của cùng một vị từ. Ngữ pháp truyền thống trước đó cũng đã nhận ra tiềm năng cú pháp của vị từ nhưng lại chỉ phân chia chúng chủ yếu thành ra vị từ ngoại động và vị từ nội động. Vấn đề vai nghĩa còn được làm rõ bởi C.J. Fillmore, khoảng trước sau 1970, C.J. Fillmore viết một loạt bài trong đó nổi tiếng nhất là bài mang tên “The case for case” (Tác dụng của cách) được công bố năm 1968. Trong bài viết của mình, Fillmore chủ trương rằng có thể xác định một tập hợp các mối quan hệ giữa một vị từ và các tham tố (arguments) của nó. Fillmore làm rõ thuật ngữ cách như sau: “ Đó là những quan hệ ngữ nghĩa- cú pháp ngầm, được giả định tạo nên một tập hợp hoàn chỉnh, tồn tại ngầm đối với những ngôn ngữ có vĩ tố, và dạng thức cách của các mối quan hệ cách vẫn là sự biểu đạt trong ngôn ngữ có thể thực hiện được nhờ những phụ tố, hoặc nhờ các giới từ, hoặc với các cách khác” [Dẫn theo 30: 27]. Các mối quan hệ mà Fillmore gọi là quan hệ cách (case relationships) này theo ông có tính chất phổ quát và có số lượng hữu hạn. Fillmore đã giới thiệu 6 cách sau: - Agentive (Tác cách), chỉ vai chủ thể của hành động do động từ biểu thị. - Instrumental (Công cụ cách), chỉ vai công cụ của hành động do động từ biểu thị. - Dative (Tặng cách), chỉ vai động vật chịu ảnh hưởng của trạng thái hay hành động do động từ biểu thị. - Factitive (Hành cách), chỉ vai của vật sinh ra do kết quả của trạng thái hay hành động do từ biểu thị. - Locative (Vị trí), chỉ vị trí của trạng thái hay hành động do vị từ biểu thị. - Objectice (Đối tượng), là cách trung hòa nhất về nghĩa, chỉ bất kỳ vật gì được biểu thị bằng một danh từ mà vai trò trong hành động hay trạng thái được động từ biểu thị được chính cách thuyết minh nghĩa của động từ quy định.[Dẫn theo 30: 28] Trong các công trình tiếp theo, Fillmore [1971 và 1977] dần bổ sung thêm một số cách “cách”, tức là các “vai nghĩa”, khác: - Counter- Agent (Lực tác động) là sức mạnh hay sức đối kháng qua đó hành động mà vị từ biểu thị được tiến hành. - Source (Nguồn) là điểm xuất phát của hành động hay chuyển động. - Experiencer (Kẻ thể nghiệm hay Nghiệm thể) tương đương với Cảm thể (Senser) của M. A. K. Halliday [1994: 117-119] [Dẫn theo 44: 6-7] - Undergoer (Người/Vật trải qua sự biến) tương đương với Processed (Động thể) của một số tác giả sau Fillmore. Trong suốt thập kỉ 70 và thập kỉ 80 của thế kỷ trước, nhiều công trình nghiên cứu ngữ pháp cách (case grammar) khác được biết đến ở một chừng mực nào đó chúng độc lập với nhau và độc lập với công trình được coi là đi tiên phong của Fillmore. Trong số những công trình này phải kể đến W. Chafe [1970], J.M. Anderson [1971], J.T. Platt [1971], R. E. Longacre [1976], M. Clark [1978], W. A. Cook [1978], S.C. Dik [1978], T. Givón [1984] và S. Starosta [1988]. Sau đây xin được điểm qua một số bộ vai nghĩa nằm trong các công trình của giai đoạn này: Đầu tiên là tác giả R. E. Longacre [1976] đưa ra bộ vai nghĩa gồm Experiencer (Nghiệm thể), Patient (Đối thể), Agent (Tác thể), Range (Cương vực), Measure (Biện pháp), Instrument (Công cụ), Locative (Định vị), Source (Nguồn), Goal (Mục tiêu), Path (Lối đi). Công trình nghiên cứu của W. A. Cook [1978] nêu ít vai hơn trong bộ nghĩa của mình, gồm: Agent (Tác thể), Experiencer (Nghiệm thể), Benefactive (Lợi thể), Object (Đối thể), Locative (Định vị). S. Starosta [1988] cũng trình bày một bộ vai nghĩa khác gồm Patient (Đối thể)-một tên gọi khác của Object hay theme, Agent (Tác thể), Locus (Địa điểm), Correspondent (Tiếp thể)- một tên gọi khác của Dative hay Experiencer, và means (Phương tiện). T. Givón [1984: 126-133] trình bày hai loại vai nghĩa trong các câu- các vai nghĩa chính (major semantic case- roles) và các vai nghĩa tùy chọn (optional case- roles)- và khẳng định “…các vai nghĩa chính bắt buộc xuất hiện trong một số kiểu câu. Nghĩa là sự hiện diện của chúng là quan yếu xét về mặt cú pháp hoặc ngữ nghĩa để giải thích nghĩa cốt lõi của vị từ.” Dưới đây là bảng tóm tắt những vai nghĩa chính được trình bày trong công trình của T.Givón: - Agent (Tác thể) chỉ người/ vật chủ ý bắt đầu một sự tình. - Dative (Tiếp thể) chỉ tham thể có nhận thức tiếp nhận một sự việc/trạng thái. - Patient (Đối thể) chỉ trạng thái hoặc sự thay đổi của trạng thái vô ý thức. - Locative (Định vị thể) chỉ một điểm cụ thể so với một vị trí hay sự thay đổi vị trí của một tham tố khác trong câu Các vai nghĩa tùy chọn của Givón gồm có: - Benefactive (Lợi thể) chỉ tham tố có nhận thức được hưởng lợi từ hành động hay sự việc do Tác thể khởi xướng. - Instrument (Công cụ) chỉ công cụ được Tác thể sử dụng để thực hiện hành động hoặc tạo ra sự tình hoặc trạng thái hiện có. - Associative (Liên hội thể) chỉ Đồng tác thể (Co- agent) hay Đồng tiếp thể (Co- dative) không phải là tiêu điểm chính trong câu. - Manner (Phương thức) chỉ kiểu hiện trạng của một sự tình. - Time (Thời gian) gồm cả Duration (Thời đoạn), Repetition (sự lặp lại) và Frequency (Sự thường xuyên). - Purpose (Mục đích) chỉ mục đích của hành động mà Tác thể khởi xướng. Trong số các tác giả tiêu biểu phải kể đến S. C. Dik. Trong công trình Ngữ pháp chức năng (Functional Grammar) [1978], tác giả đã trình bày khái niệm vị ngữ hạt nhân (nuclear predication) và vị ngữ mở rộng (extended predication). Theo Dik “Một kết cấu vị ngữ hạt nhân bao gồm một vị từ gắn kết với một số thích hợp các ngữ định danh để lắp đầy các vị trí các tham tố của vị từ đó. Kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định một tập hợp các sự tình, trong đó thuộc tính hay quan hệ của nó được vị từ chỉ định, có hiệu lực đối với những ngữ định danh cụ thể mà (với nó) vị từ được ứng dụng.” [14: 39] “Căn cứ vào kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định một tập hợp các sự tình, chúng ta có thể tạo thành một kết cấu vị ngữ mở rộng bằng cách thêm vào một hay nhiều chu tố cho kết cấu vị ngữ hạt nhân đó.” [14: 39] Cũng theo S.C. Dik [1978], chức năng ngữ nghĩa của chu tố bao gồm: - các chỉ định phụ thêm cho sự tình hạt nhân: Phương thức, Đặc trưng, Công cụ; - các quan hệ của sự tình với các tham tố khác: Lợi thể, Liên đới thể; - các quan hệ của sự tình trong các chiều kích thời gian: Thời gian, Thời đoạn, Tần số; - Các quan hệ của sự tình trong các chiều kích không gian: Vị trí, Nguồn, Phương hướng, Lối đi; - Các quan hệ của sự tình với các sự tình khác: Chu cảnh, Nguyên nhân, Lý do, Mục đích, Kết quả. [14: 40-41] S.C. Dik [1978] đã có đóng góp quan trọng trong việc bổ sung hoàn chỉnh hai khái niệm lớn trong lĩnh vực “vai nghĩa”: Tham tố bắt buộc (obligatory participants) hay diễn tố (actants) và tham tố tùy chọn (optional participants) hay chu tố (circumstants). Đồng thời, Dik còn chỉ ra sự chuyển đổi của chu tố thành diễn tố trong một số vị ngữ. Như vậy mối quan hệ giữa vị ngữ mở rộng và vị ngữ hạt nhân là mềm dẻo chứ không cố định hay cứng nhắc. Một đại diện khác là M. A. K. Halliday đã dựa vào mục tiêu chính của ngữ pháp chức năng là giải thích ngôn ngữ dựa trên cái mà con người hành xử với sự hỗ trợ chính của ngôn ngữ, nghĩa là con người sử dụng ngôn ngữ như thế nào để giao tiếp trong cuộc sống đời thường hàng ngày. Ngữ pháp chức năng hệ thống cố gắng đạt được mục tiêu này bằng cách chấp nhận một số định hướng mang tính ngữ nghĩa và ngữ dụng cao hơn trong ngữ pháp, tức là coi nghĩa học và dụng học như những bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tổ chức của ngữ pháp. Halliday xử lí vấn đề hệ thống tổ chức của ngữ pháp này bằng cách khẳng định rằng ngữ pháp của các ngôn ngữ sẵn có trên thế giới đều được tổ chức nhằm biểu đạt trong cùng một câu ba loại nghĩa mà ông gọi là ba “siêu chức năng (metafunctions)” [Halliday,1994: 35]: Nghĩa ý niệm (ideational meaning), nghĩa liên nhân (interpersonal meaning) và nghĩa văn bản (textual meaning) [Halliday, 1985: 53 và 1994: 34]. Đây là chỗ được coi là nổi bật trong ngữ pháp chức năng của Halliday, cái mà ông gọi có tính hệ thống (systemic) và vì vậy mà có thể được ứng dụng để miêu tả nhiều, nếu không muốn nói là tất cả, ngôn ngữ trên thế giới. Cuốn “Dẫn luận ngữ pháp chức năng” được tái bản lần thứ hai năm 1994 của Halliday, có thể nói, đã trình bày bộ vai nghĩa đầy đủ hơn cả so với bộ vai nghĩa của các tác giả khác được trình bày ở trên. [Dẫn theo 44: 11] 2.2. Việc nghiên cứu các vai nghĩa (hay tham tố) trong Việt ngữ học. Hai tác giả Trần Trọng Hải [1972] và Nguyễn Đăng Liêm [1973] đều theo quan điểm của Fillmore và cùng trình bày “một bộ quan hệ cách” gồm Agentive (Tác thể), Objective (Đối thể), Dative (Tiếp thể), Instrument (Công cụ), Benefactive (Lợi thể), Commitative (Liên đới thể), Locative (Định vị), Directional (Hướng), Source (nguồn), Goal (Đích), Extent (Phạm vi), và Time (Thời gian). [Dẫn theo 44:12] Tác giả M. Clark [1978] đưa ra một bộ vai nghĩa tương tự: đổi một cách tương ứng các vai Locative, Directional và Goal, của Trần Trọng Hải và của Nguyễn Đăng Liêm thành Locative, Goal và Terminus và thêm vai Path (Lối đi). Đóng góp của Clark [1978: 19] là chỉ rõ rằng “hình thái cách” (case form) là một đặc điểm đặc trưng hóa một tập hợp của những kiểu đánh dấu cách (case markers), chính là những kiểu hiện thực hóa của các quan hệ cách (case relations), và rằng “những kiểu đánh dấu cách trong tiếng Việt là trật tự từ và giới từ”. [Dẫn theo 44: 12] Chúng ta cũng biết vấn đề nghiên cứu vai nghĩa là vấn đề mới ở Việt Nam nên nó mới chỉ được đề cập tới ở một số công trình nghiên cứu gần đây về ngữ pháp chức năng hoặc các công trình ngữ pháp có vận dụng tư tưởng của ngữ pháp chức năng. Nhưng theo tác giả Cao Xuân Hạo, năm 1983 ông Trương Vĩnh Ký xuất bản cuốn Grammaire de la langue annamite đã có đề cập đến vấn đề ngữ pháp cách. Với mục đích giúp người phương Tây hiểu ngữ pháp tiếng Việt, ông đã miêu tả cách biểu hiện các quan hệ ngữ pháp trong khung vị ngữ của câu bằng những thuật ngữ của các cách tiếng Latin. Các danh từ của tiếng Việt dùng trong câu có thể kể ở vào một trong 8 cách, đó là: Ý nghĩa cách Phương thức diễn đạt 1. Nominatif (Danh cách) 2. Gesnitif (Sinh cách, sở hữu cách) 3. Datif (Tặng cách, Dữ cách) 4. Accusatif hay Objectif (Đối cách) 5. Vocatif (Hô cách) 6. Ablatif (Tác cách, Ly cách) 7. Instrumental (Công cụ cách) 8. Locatif (Vị trí cách) Ø- (không đánh dấu) của / Ø cho Ø- (không đánh dấu) ớ- bớ khỏi- bởi bằng nơi, trong… Ông Trương Vĩnh Ký cho rằng “tiếng Việt không có cách hiểu theo nghĩa hẹp như tiếng Latin. Vì cách là sự biến hình trong vĩ tố của từ tùy theo cái vai trò mà nó đảm đương trong câu; nhưng trong tiếng Việt, cái mà sự biến hình ấy chỉ rõ lại được biểu hiện bằng những tiểu tố tiền vị, và dĩ nhiên đó không phải là cách thực sự. Tuy nhiên sự phân chia theo từng cách là tiện lợi và chính xác; dù danh từ cách không thích hợp và đúng đắn, song ông vẫn dùng nó theo phép loại suy cho dễ hiểu và định nghĩa cách là những vị trí khác nhau của một danh từ tùy theo cái cương vị làm chính hay bổ ngữ cho một từ khác”. Đối với từng cách, ông cho biết có thể diễn đạt ý nghĩa của cách ấy bằng những phương tiện gì khác phương tiện chủ yếu. Như khi nói về công cụ cách, bên cạnh “Cột bằng dây”, ông còn cho “Dùng dây mà cột”, “Lấy dây mà cột”. Điều này cho thấy rằng khi dùng khái niệm cách, ông hiểu nó như ý nghĩa ngữ pháp nhiều hơn là một hình thức ngữ pháp. Như vậy ông không chỉ gán mô hình ngữ pháp tiếng Latin cho tiếng Việt mà còn hiểu rõ khả năng và cách thức sử dụng khái niệm Cách cho những thứ tiếng không biến hình, điều mà gần một thế kỷ sau các nhà ngôn ngữ học phương Tây mới nghĩ đến. Hạn chế của ông Trương Vĩnh Ký là điều dễ hiểu vì vào thời gian đó người ta chưa biết chú ý đến nghĩa của câu, và chưa biết rằng cách là một ý nghĩa phổ quát trong ngôn ngữ nhân loại, mà mọi thứ tiếng trên trái đất đều phải có cách diễn đạt và phân biệt. Tuy nhiên có thể nói ông Trương Vĩnh Ký là người đi trước các nhà ngôn ngữ học trong việc mô tả các phương tiện diễn đạt ý nghĩa Cách trong ngôn ngữ không biến hình xuất phát từ mặt sở biểu và được xem là người tiên phong trong việc xây dựng nền Ngữ pháp cách tiếng Việt. Tiếp theo phải kể đến tác giả Nguyễn Đức Dân trong công trình nghiên cứu “Mô hình ngôn ngữ” [1977] và “Ngôn ngữ học: khuynh hướng- lĩnh vực- khái niệm”[1986], tác giả đã giới thiệu một số vấn đề về ngữ pháp cách như sau: a. Sự nhầm lẫn của Chomsky khi đem phạm trù ngữ pháp (NP, VP) xếp lẫn với chức năng ngữ pháp (trạng ngữ thời gian và nơi chốn). b. Fillmore đặt vấn đề cần phải coi trọng hơn nữa những phạm trù sâu không nổi lên bề mặt nhưng có thể phát hiện được bằng các thao tác cú pháp. Cơ sở của nó là lý thuyết về các cách (The Case for Case). c. Thuật ngữ “Cách” và ý nghĩa của nó trong ngôn ngữ. d. Hệ thống cách mang tính phổ quát đối với mọi ngôn ngữ gồm có các cách: 1. Tác nhân (Agent): kẻ hành động, ví dụ : Ba làm vỡ cửa sổ. 2. Người cảm nhận (Experiencer): kẻ chịu đựng, trải qua một tình huống về tâm lý, tình cảm, nó đối lập với tác nhân. Ví dụ: Tôi lạnh. 3. Công cụ (Instrument): công cụ, nguyên nhân trực tiếp của sự kiện. Ví dụ: Tôi dùng dao thái khoai. 4. Đối tượng (Object): đối tượng chịu tác động. Ví dụ: Bé Hai lớn như thổi. 5. Vị trí (Lieu): nơi xảy ra hành động. Ví dụ: Xoa đầu ai. 6. Gốc (Root): từ điểm đó, nơi đó, người đó mà định hướng đến nơi khác. Ví dụ: Cô Ba bán hoa. 7. Đích (Goal): nơi đó người ta thực hiện hành động. Ví dụ: Tâm mắng Ba. 8. Kết quả (Result): vật nảy sinh nhờ kết quả của hành động. Ví dụ: Cô Ba làm bánh. 9. Thời gian (Time): thời gian xảy ra hành động,. Ví dụ: Mùa đông lạnh. Tác giả Nguyễn Đức Dân nhận xét rằng trong công trình 1966, Fillmore còn cho có Tặng cách (Datif), nhưng đến năm 1971, ông đã tùy từng trường hợp mà xếp cách Datif vào cách Experiencer, cách Object hoặc cách Goal. Fillmore đã đưa ra ba nguyên lý để xác định cách, gồm: Chỉ có một thí dụ cho mệnh đề; một động từ có thể có nhiều vai khác nhau; thực hiện sự “phân bố bổ túc”. e. Phân loại động từ theo cách. Từ cách làm này cho thấy sự đối lập hình thức giữa chủ ngữ và vị ngữ không còn nữa, và do đó những bất hợp lý do chúng gây ra cũng bị mất đi. Điều này được xem là điểm cống hiến đáng kể nhất về ngữ pháp cách và ngữ nghĩa của Fillmore . f. Mối quan hệ giữa cấu trúc chìm và cấu trúc bề mặt, và phương pháp chuyển từ cấu trúc bề sâu sang cấu trúc bề mặt. g. Khả năng ứng dụng của Ngữ pháp cách. [Dẫn theo 30: 101-102] Ngoài các công trình nêu trên, có thể kể đến công trình Tiếng Việt- sơ thảo ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo [1991]. Trong cuốn sách này, từ trang 81 đến trang 96, Cao Xuân Hạo đã vẽ lại bức tranh lịch sử nghiên cứu vai nghĩa từ người khởi xướng là L. Tesnière [1959], điểm qua những mốc quan trọng với những đóng góp đáng chú ý riêng của một số nhà ngôn ngữ gồm C. J Fillmore [1968, 1971 và 1977], D.Ha [1970], Trần Trọng Hải [1972], Nguyễn Đăng Liêm [1973], M. Clark [1974 và 1978], S.C. Dik [1978] và M.A.K. Halliday [1985]. Có thể nói, tác phẩm Tiếng Việt- sơ thảo ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo [1991] là công trình đã phác thảo những nét định hướng đầy đủ cho nhiều nghiên cứu về sau có liên quan đến ngữ pháp chức năng trong tiếng Việt nói chung và các vai nghĩa trong tiếng Việt nói riêng. Tiếp theo, có thể kể tên một số công trình tiêu biểu như “Ngữ pháp chức năng tiếng Việt- Quyển I- Câu trong tiếng Việt” của tập thể các tác giả Hoàng Xuân Tâm- Nguyễn Văn Bằng- Bùi Tất tươm- Cao Xuân Hạo (chủ biên), “Câu chủ- vị tiếng Việt” của Lê Xuân Thại… Trong các công trình này, các tác giả trên cơ sở học tập, kế thừa kết quả nghiên cứu của một số nhà ngữ pháp chức năng trên thế giới như L. Tesnière, C.J. Fillmore, W. Chafe, S.C. Dik…đã bước đầu đưa ra một danh sách các vai nghĩa trong tiếng Việt. Gần đây, một số công trình ngữ pháp tiếng Việt như Câu chủ- vị tiếng Việt” (Lê Xuân Thại), “Thành phần câu tiếng Việt” (Nguyễn Minh Thuyết- Nguyễn Văn Hiệp), “Ngữ pháp chức năng (Vị từ hành động)” (Nguyễn Thị Quy), “Ngữ pháp tiếng Việt- tập 2”, “Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt (theo định hướng ngữ pháp chức năng)” (Diệp Quang Ban)… đã thể hiện rõ sự vận dụng ngữ pháp chức năng vào việc nghiên cứu, lý giải các hiện tượng ngữ pháp với cấu trúc nghĩa (cụ thể là mối quan hệ giữa các chức năng cú pháp và các vai nghĩa). Trong “Câu chủ - vị tiếng Việt” [44], Lê Xuân Thại đã xác định được các vai nghĩa có thể đứng vị trí chủ ngữ trong câu tiếng Việt: 1. Kẻ hoạt động, 2. Đối tượng của hoạt động, 3. Kẻ tiếp nhận, 4. Công cụ của hoạt động, 5. Vị trí. Tác giả Lê Xuân Thại cũng cho rằng việc các vai nghĩa trên (trừ vai kẻ hoạt động) đứng ở vị trí chủ ngữ thì “kéo theo sự thay đổi ý nghĩa và cấu tạo của vị ngữ so với vị ngữ khi kẻ hoạt động đứng làm chủ ngữ và cũng từ đó mà ý nghĩa của câu cũng có chỗ thay đổi”. [44: 152] Nguyễn Thị Quy [41] do chỉ giới hạn trong phạm vi vị từ hành động tiếng Việt nên chỉ xem xét một số tham thể như: đối tượng bị tác động, đích, nơi chốn, thời gian, người hưởng lợi, công cụ, người hưởng lợi, công cụ, người tiếp nhận. Tác giả Hoàng Văn Vân, với tác phẩm Ngữ pháp kinh nghiệm cú tiếng Việt mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống [2005], đã thuyết minh cho quan điểm mà Halliday [1985 và 1994] tự hào gọi là “hệ thống tính” trong cách phân tích ngữ pháp của các ngôn ngữ trên thế giới dựa trên quan điểm chức năng, đặc biệt là cách phân tích câu. Theo Hoàng Văn Vân [2005], các vai nghĩa sau đây có trong tiếng Việt: Hành thể, Đích thể, Lợi thể, Tiếp thể, Khách thể, Khiến thể, Cảm thể, Hiện tượng, Đương thể, Thuộc tính, Tạo thuộc tính thể, Giá trị, Biểu hiện, Bị đồng nhất thể, Đồng nhất thể, Hiện hữu thể, Phát ngôn thể, Tiếp ngôn thể, Đồng nhất thể, Hiện hữu thể, Ngôn thể, Dung môi, Cương vực, Ứng thể, Chu cảnh gồm Phạm vi, Định vị, Phong cách, Nguyên nhân, Đồng hành, Vấn đề, Vai diễn và Quan điểm. Nguyễn Thị Ảnh [2002], không giống Hoàng Văn Vân, chỉ tìm hiểu những vai nghĩa có thể làm Đề trong câu tiếng Việt và tiếng Anh để so sánh chúng với nhau. Theo tác giả này “sự khác biệt, cái làm nên nhu cầu đối chiếu, được thể hiện chủ yếu ở sự khác biệt của Đề. Với phần thuyết sự khác biệt này dường như không đáng kể”; do đó luận án của Nguyễn Thị Ảnh “bỏ qua việc thảo luận về phần Thuyết và xem đối chiếu cấu trúc Đề- Thuyết trong câu tiếng Việt dựa trên khảo sát và kết quả nghiên cứu phần Đề”. Theo Nguyễn Thị Ảnh [2002], các vai nghĩa sau đây có thể làm Đề trong câu tiếng Việt: Tác thể, Hành thể, Lực, Động thể, Nghiệm thể, Đương thể, Đối thể, Mục tiêu, Tiếp thể, Đích, Nguồn, Công cụ, Thời gian, Nơi chốn, và Điều kiện. Cao Xuân Hạo, Hoàng Dũng và Bùi Mạnh Hùng [2003] nêu lên 22 vai nghĩa cần phân biệt hơn cả mà học sinh trung học cơ sở tại Việt Nam phải nắm cho được: Người hành động, Người tác động, Lực tác động, Người thể nghiệm, Người/vật trải qua sự biến, Người/vật bị tác động, Vật tạo tác, Người/vật mang trạng thái, Người nhận, người hưởng lợi, nơi chốn, Đích, Hướng, Nguồn, Lối đi, Phương thức, Công cụ, Thời gian, Khoảng cách không gian, Nguyên nhân, Điều kiện, Trở ngại và Người/vật tồn tại. Việc trình bày của các tác giả trong tiểu mục này là chỗ dựa hết sức quan trọng và đáng tin cậy để chúng tôi đi vào nghiên cứu một số vai nghĩa trong luận văn này. Việc nghiên cứu vai nghĩa gần đây ở Việt Nam cũng được một số tác giả quan tâm. Tác giả Nguyễn Thị Lương, trong cuốn “Câu tiếng Việt”[2006], đã nghiên cứu câu từ góc độ ba bình diện: ngữ pháp- ngữ nghĩa- ngữ dụng. Và theo đó, ở bình diện ngữ nghĩa, tác giả đã vận dụng lí thuyết vị tố- tham thể của ngữ pháp chức năng và lý thuyết hành động nói để nghiên cứu hai thành phần tạo nên nghĩa tường minh của câu: nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái. Tác giả đưa ra khái niệm nghĩa miêu tả của câu “là nghĩa biểu hiện sự vật, việc, hiện tượng (gọi chung là sự tình) trong thực tế khách quan được phản ánh vào trong câu, qua lăng kính chủ quan của người nói (viết)..” [38:133]. Với việc tìm hiểu tìm hiểu cấu trúc nghĩa miêu tả, phân loại các thành tố trong cấu trúc nghĩa miêu tả. Đặc biệt là tác giả đã chỉ ra mối quan hệ của cấu trúc vị tố- tham thể với cấu trúc ngữ pháp của câu. Đồng thời tác giả cũng đã đề cập đến vai nghĩa của các thành phần: chủ ngữ, trạng ngữ , bổ ngữ, khởi ngữ. Đây cũng là gợi ý và chỗ dựa quan trọng cho những vai nghĩa được chọn trong luận văn. Tác giả Nguyễn Văn Hiệp, trong cuốn “Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp” [2008] cũng đã đưa cả chương 2 để nghiên cứu, tìm hiểu về nghĩa miêu tả. Đầu tiên là việc tìm hiểu cấu trúc vị từ - tham thể của câu dựa vào việc điểm lại ngữ pháp của Tesnière, về khái niệm vị từ. Đặc biệt là việc định nghĩa vai nghĩa từ quan điểm của Fillmore (1968), đưa ra danh sách các vai nghĩa của Fillmore và danh sách các vai nghĩa cơ bản được hầu hết các nhà nghiên cứu thừa nhận. Hơn thế nữa, tác giả cho thấy sự thể hiện hình thức của vai nghĩa và đánh dấu các vai nghĩa, phân loại các kiểu sự tình, sự đồ chiếu của cấu trúc vai nghĩa lên cấu trúc cú pháp. Ngoài ra vấn đề vai nghĩa cũng được trình bày rải rác trong các bài viết trên tạp chí Ngôn ngữ: Vai nghĩa phương tiện và các chức năng ngữ pháp của nó trong câu tiếng Việt (Lê Thị Lan Anh- Ngôn ngữ số 4, 2002); Tìm hiểu chức năng ngữ pháp và vai trò thông báo của vai nghĩa thời gian trong câu tiếng Việt (Bùi Thị Thanh Lương- Ngôn ngữ số 4, 2002); Phương pháp nhận diện vai nghĩa của các tham thể trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với vị từ đa trị như cho, tặng, gửi (Lâm Quang Đông- Ngôn ngữ số 7, 2006). Điểm qua các công trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra danh sách các vai nghĩa. Tuy vậy, đó vẫn là một danh sách hiện nay còn để ngỏ. Đồng thời việc tìm hiểu các vai nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu tiếng Việt cũng mới chỉ nghiên cứu ở việc phân tích phân loại các vai nghĩa chủ yếu trên bình diện ngữ nghĩa mà còn ít công trình chuyên sâu về mối quan hệ của các vai nghĩa và chức năng cú pháp của nó khi được hiện thực hóa trong câu. Vì vậy, cần có những công trình đi sâu nghiên cứu về chức năng ngữ pháp của vai nghĩa trong câu tiếng Việt. 3. Nhiệm vụ của luận văn Luận văn này có những nhiệm vụ cụ thể như sau: - Trình bày khái niệm về vai nghĩa, chức năng cú pháp, mối quan hệ giữa vai nghĩa và chức năng cú pháp. - Điểm qua danh sách các vai nghĩa, chọn một số vai nghĩa phổ biến trong khung vị ngữ (vai nghĩa đối thể- patient; vai nghĩa tạo thể - factitive; vai nghĩa vị trí - locative; vai nghĩa nguồn – source; vai nghĩa phương thức – manner). - Tìm hiểu, miêu tả chức năng cú pháp tương ứng với những vai nghĩa (đã chọn) trong câu tiếng Việt (qua ngữ liệu tiếng Việt). 4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu 4.1. Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng một số các thủ pháp và phương pháp nghiên cứu khoa học chung như: - Thu thập, phân loại tài liệu - Khảo sát, phân tích tài liệu Ngoài các thủ pháp như trên, luận văn còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học sau: - Phương pháp phân tích ngữ nghĩa, cú pháp - Phương pháp thống kê - Phương pháp miêu tả 4.2. Nguồn ngữ liệu: Nguồn ngữ liệu chủ yếu được thu thập từ các tác phẩm văn học, các giáo trình nghiên cứu ngữ pháp- ngữ nghĩa tiếng Việt, từ điển tiếng Việt. 5. Bố cục của luận văn Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, phần Nội dung chính của luận văn được phân thành hai chương: Chương một: Những cơ sở lý thuyết Trong chương này, luận văn sẽ trình bày khái niệm vai nghĩa theo các nhà ngôn ngữ trên thế giới và các nhà Việt ngữ học; những vai nghĩa phổ biến trong khung vị ngữ; cấu trúc cú pháp và một số chức năng cú pháp của câu; cấu tạo ngữ pháp của chu tố và diễn tố; mối quan hệ giữa vai nghĩa với chức năng cú pháp của câu. Chương hai: Một số vai nghĩa với chức năng cú pháp của nó trong câu tiếng Việt Ở chương hai, luận văn miêu tả chức năng cú pháp của một số vai nghĩa: vai đối thể; vai tạo thể; vai phương thức; vai nguồn; vai vị trí- không gian. Chương 1: NHỮNG CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1.1. Khái niệm vai nghĩa Khái niệm vai nghĩa đã được các nhà ngôn ngữ dùng với nhiều thuật ngữ khác nhau: cases (cách), semantic relations (quan hệ ngữ nghĩa), roles hay case-roles (vai nghĩa); hoặc thematic roles, theta-roles (vai tham tố), như phái ngữ pháp cải biến (transformational grammar) thường gọi. Luận văn chọn “vai nghĩa” (roles) vì thuật ngữ này ngắn gọn và dễ dàng gắn nó với khái niệm “phân vai” (role assignment) của vị từ ngôn liệu trong khung vị ngữ của câu. Theo tác giả Tô Minh Thanh [44: 37] thì nhìn chung chưa có một định nghĩa nhất quán dành cho vai nghĩa. Theo W. Wilkin [1998; 191-192], vai nghĩa “là thành phần thể hiện về mặt tinh thần các vật thể và khái niệm”. Cùng quan điểm này có D. L. F. Nilsen [1973], S. DeLancey [1982] và R. Jackendoff [1983]. Các tác giả này ít nhiều đều đánh đồng vai nghĩa (role) với các phạm trù của nhận thức (cognitive categories) và vì vậy mà vai nghĩa phải neo đậu vào bến bờ của nhận thức” [Schlessinger,1995: 4] giống như cách thức mà ngôn ngữ lồng ý nghĩa vào âm thanh vậy và do đó bắt buộc âm thanh phải chở tải ý nghĩa. Theo C.J. Fillmore, một sự tình gồm một vị từ trung tâm và quây quần quanh nó là các ngữ đoạn biểu thị những cách ngữ nghĩa hay vai nghĩa (semantic role) nào đó. Fillmore đã đưa ra một số vai nghĩa mà ông cho là có tính phổ quát, có thể tìm thấy trong mọi ngôn ngữ, phản ánh một phương diện chung trong cách thức chúng ta tri nhận về thế giới: “Ý niệm về cách bao gồm một tập hợp khái niệm phổ quát, được giả định là bẩm sinh, xác định những kiểu tri nhận nào đó của con người về những sự tình đang diễn ra quanh họ, tri nhận những vấn đề như ai thực hiện nó, nó xảy ra đối với ai và cái gì thay đổi” (Fillmore 1968, 24) [28: 41]. Định nghĩa của Fillmore cho thấy tác giả nhấn mạnh tính phổ quát của vai nghĩa: nếu kết cấu bẩm sinh của miền nhận thức là giống nhau ở mọi người và nếu vai nghĩa là những khái niệm nhận thức cơ bản (cognitive primitives) thì chẳng phải đó là các phổ niệm (universals). Theo định nghĩa trên của Fillmore về vai nghĩa thì chúng ta có thể hiểu là vai nghĩa tồn tại trong nhận thức nhưng độc lập với ngôn ngữ và có lẽ là có trước ngôn ngữ và rằng hệ thống ngôn ngữ có sử dụng các vai nghĩa thì tồn tại độc lập với các vai này. Tác giả I.M. Schlesinger [1995: 24] “đề nghị […] coi các vai nghĩa là những kết cấu ngôn ngữ không nhất thiết phải tồn tại trong miền nhận thức dù có thể được định nghĩa bằng khái niệm trong miền nhận thức.” [Dẫn theo 44: 38] Như vậy, Schlesinger lại cho vai nghĩa là những kết cấu ngôn ngữ (linguistic constructs), cụ thể là những kết cấu ngữ nghĩa (semantic constructs) chứ không nhất thiết phải là những kết cấu nhận thức (cognitive constructs). Ý kiến này đã để ngỏ cái khả năng là vai nghĩa có thể mang tính cụ thể của riêng từng ngôn ngữ (language-specific). Cách đề xuất của Schlesinger coi vai nghĩa là những kết cấu ngôn ngữ dẫn đến việc phải xác định tiêu chuẩn nhận diện các vai nghĩa và xem chúng hoạt động như thế nào dưới tác động của quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể như tiếng Anh chẳng hạn. Ví dụ vai Tác thể trong tiếng Anh có thể được xác định nhờ những khái niệm nhận thức cơ bản, chính là các đặc điểm của vai nghĩa này, như [+ hành động (activity)], [+ chủ định (volitition)] và [+ý định (intention)] và [+ động vật (anymacy)]. Như vậy, quan điểm của Schlesinger coi vai nghĩa là những kết cấu ngôn ngữ. Quan điểm này cũng có thể rất hữu ích cho việc phân tích một số vai nghĩa trong câu tiếng Việt. Theo tác giả Cao Xuân Hạo, câu biểu hiện một sự tình (hay sự thể). Nội dung (nghĩa biểu hiện) của nó có thể hình dung như một “cảnh” (một màn kịch ngắn) diễn trên sân khấu. Cái cảnh ấy có một nội dung nhất định: trên sân khấu hiện ra quang cảnh nào đấy (một sự tình tĩnh), rồi lại diễn ra một sự việc nào đấy (một sự tình động). Các nhân/ vật (đọc là “nhân và vật” hoặc là “nhân hay vật”) có mặt trên sân khấu được gọi là tham tố của sự tình hay vai (“vai nghĩa”). [27: 51] Như vậy, các tham tố là các vai nghĩa trong một màn kịch nhỏ của một sự thể. Tác giả Hoàng Dũng và Bùi Mạnh Hùng cũng đã định nghĩa vai nghĩa là “quan hệ ngữ nghĩa của ngữ danh từ đối với vị từ trong câu, là cách thức mà thực thể do ngữ danh từ biểu thị góp phần vào sự tình được câu diễn đạt.” [17: 134] Vấn đề vai nghĩa là một vấn đề phức tạp và đã được khảo sát, nghiên cứu theo nhiều quan điểm khác nhau. Nhìn chung, các nhà ngôn ngữ chưa có sự thống nhất cao trong việc xác định và miêu tả các vai nghĩa. Vấn đề danh sách các vai nghĩa và tên gọi của các vai nghĩa cũng còn chưa có sự thống nhất ở các nhà nghiên cứu. Theo tác giả Nguyễn Văn Hiệp [28: 46], có tình hình này bởi các lí do sau: - Thứ nhất, hiện nay nhiều tác giả khác nhau khi nghiên cứu vai nghĩa đã nêu ra một danh sách khác nhau. Thường thấy, là một danh sách khoảng vài chục vai, nhưng cũng có thể lên đến hàng trăm vai (Dixon 1992). - Thứ hai, tên gọi của các vai có thể khác nhau. Có tình trạng một số tác giả dùng chung tên gọi vai nghĩa, nhưng quan niệm khác nhau. Lại có tình trạng dùng tên gọi vai nghĩa khác nhau, nhưng quan niệm lại giống nhau… Và cũng theo tác giả Nguyễn Văn Hiệp [28: 46], ngoài ra cũng phải tính đến khả năng là một ngữ đoạn nào đó trong câu có thể đảm nhận hơn một vai nghĩa, tức nhìn từ góc độ này thì có thể cho rằng nó biểu thị vai nghĩa x, nhưng nhìn từ góc độ khác lại có thể cho rằng nó biểu thị vai nghĩa y. Trước những vấn đề phức tạp như trên, luận văn bước đầu chỉ tìm hiểu một số vai nghĩa đã được các nhà nghiên cứu tương đối thống nhất về tên gọi như các vai: đối thể, tạo thể, phương thức, vị trí, nguồn. 1.2. Những vai nghĩa phổ biến trong khung vị ngữ 1.2.1. Khung vị ngữ Theo Cao Xuân Hạo (1991: 103- 106), nghĩa của câu không đơn giản là một phép cộng nghĩa của các từ ngữ trong câu. Nghĩa của câu là một cấu trúc có nhiều tầng. Các tầng nghĩa trong câu phối hợp với nhau tạo ra nghĩa hành chức (nội dung thông báo) của câu. [Dẫn theo 21: 23] Cao Xuân Hạo quan niệm “nghĩa chính là cái điều được truyền đạt trong lời nói” [23:17] gồm nội dung hay ý nghĩa- nghĩa nguyên văn và nghĩa ngôn trung. Ông phê phán quan điểm cho nghĩa của câu chỉ là tổng các nghĩa của từ kết hợp lại mà thành. Ông ủng hộ quan điểm của Dik “lớp nghĩa học là lớp nghĩa của ‘sự tình’ được biểu thị và những ‘vai trò’ tham gia vào sự tình ấy. Ở đây có những tham tố (participants) của sự tình, gồm có các diễn tố (actants) và những chu tố (circumstants). Các diễn tố là những vai trò tất yếu được giả định sẵn trong nghĩa từ vựng của vị từ. Chẳng hạn một vị từ cho tất nhiên giả định một chủ thể của hành động “cho” (hay hành thể), một đối thể là vật được đem cho và một tiếp thể tức người nhận tặng phẩm. Các chu tố làm thành cái cảnh trí ở xung quanh các tham tố không được giả định một cách tất nhiên trong khung vị ngữ. Đó là các điều kiện thời gian, không gian, là cách thức, phương tiện, hoặc là những nhân vật có liên quan,”v.v.. [23:21] Cũng theo tác giả Cao Xuân Hạo (1991) “các sự tình, được biểu hiện trong ngôn ngữ bằng những câu mà hạt nhân là khung vị ngữ, gồm lõi vị ngữ, (mà trung tâm là vị từ) và các tham tố của nó trong đó có một tham tố làm đề (hay tiểu đề nếu câu có nhiều bậc cấu trúc đề- thuyết)” trước hết có thể chia ra làm ba loại sau: câu tồn tại, nhận định rằng trong một thế giới hay một nơi nào đó có một cái gì; câu chỉ sự tình động hay sự việc biến cố; câu chỉ sự tình tĩnh hay tình hình. từ đó ông phân loại câu theo vị từ Hành động (vô tác, chuyển tác), Quá trình (vô tác, chuyển tác), Trạng thái, Quan hệ với số lượng các diễn tố và vai nghĩa của các diễn tố cùng với một vài chu tố. [23: 433] Như vậy, trong khung vị ngữ, vị từ là yếu tố cốt lõi và quây quần xung quanh là các tham tố biểu thị một số vai nghĩa nào đó hay có thể gọi là cấu trúc vị từ- tham tố. Có những vai nghĩa mang tính bắt buộc, bị quy định bởi bản chất từ vựng- ngữ pháp của vị từ trung tâm, theo cái nghĩa là những vị từ có bản chất từ vựng- ngữ pháp khác nhau sẽ quy định các vai nghĩa bắt buộc khác nhau. Nhưng cũng có những vai nghĩa mang tính tùy nghi, tức không chịu sự quy định bắt buộc như vậy. Trong ngữ pháp của Tesnière, những vai nghĩa bắt buộc sẽ được hiện thực hóa thông qua những ngữ đoạn được coi là diễn tố, còn những vai nghĩa tùy nghi thì được hiện thực hóa thông qua các ngữ đoạn được gọi là chu tố. Việc đánh giá một vai nghĩa là bắt buộc hay tùy nghi phải đặt trong quan hệ với vị từ trung tâm. 1.2.2. Vị từ và các tham tố 1.2.2.1. Vị từ Các nhà nghiên cứu theo quan điểm chức năng cho rằng trong khung vị ngữ không nên đồng nhất khái niệm vị từ với hai từ loại (bao gồm động từ và tính từ) theo cách hiểu thông thường. Ở đây vị từ được hiểu là yếu tố ngôn ngữ chỉ đặc trưng và quan hệ với tư cách chức năng ngữ nghĩa; trong quan hệ với các tham tố (tham thể) mới xuất hiện khái niệm vị từ. Vị từ với cách hiểu như trên sẽ do các từ loại khác đảm nhiệm có thể là động từ, tính từ và cũng có thể là danh từ. Theo tác giả Diệp Quang Ban thì Anna Siewierska- một tác giả có công trình nghiên cứu về ngữ pháp chức năng- đã từng nhận xét: “Trong ngữ pháp chức năng, toàn bộ các vị từ chia thành ba loại: thuộc động từ, thuộc tính từ và thuộc danh từ” [tr 22- Ngữ pháp chức năng- 1991] [Dẫn theo 1:14]. Tất nhiên thực tế sử dụng ngôn ngữ cho thấy vị từ thường do tính từ và động từ thể hiện. Nó học bài. Tôi đọc sách. Em bé gầy yếu quá. Bông hoa này rất đẹp. Trường hợp danh từ đảm nhận chức năng làm vị từ là trường hợp rất hạn hữu. Hầu như ta chỉ gặp vị từ là danh từ trong các kiểu câu: - Anh công nhân, em bác sĩ. - Nhà ấy vợ giáo viên, chồng kỹ sư. Hoặc - Mưa ! - Chuột ! Tuy nhiên những trường hợp hiếm hoi này lại là những bằng chứng giúp chúng ta khẳng định một cách chắc chắn: vị từ trong khung vị ngữ (cấu trúc vị từ- tham thể) không phải là từ loại mà là chức năng nghĩa trong quan hệ với các tham thể. Với cách hiểu như trên, vị từ trong cấu trúc khung vị ngữ được phân loại không giống với cách phân loại vị từ thông thường. Đã có nhiều cách phân loại vị từ nhưng chủ yếu các nhà ngữ pháp chức năng căn cứ vào hai tiêu chí đã được nhà ngôn ngữ học S.C. Dik (1978) sử dụng để phân loại các sự tình dựa vào sự tổng hợp hai cặp đối lập (+/-ĐỘNG - dynamism), (+/-CHỦ Ý - control). Dựa vào hai tiêu chí trên, vị từ và sự tình mà câu phản ánh được chia làm bốn loại, mỗi loại mang hai đặc trưng: Vị từ hành động mang đặc trưng [+ ĐỘNG] và [+ CHỦ Ý]: là các vị từ chỉ hành động (đi, chạy, nhảy, kêu, gào, đánh, đập, chọc, khuân, vác, xây, đắp..) - Vị từ quá trình mang đặc trưng [+ ĐỘNG] và [- CHỦ Ý]: đó là các loại vi từ chỉ quá trình (rơi, khô, héo, phai, thấm,ngấm, chảy, trôi,..) - Vị từ tư thế mang đặc trưng [- ĐỘNG] và [+ CHỦ Ý]: là loại vị từ chỉ tư thế (ngồi, quỳ, đứng, cúi, nằm, lom khom, …) - Vị từ trạng thái mang đặc trưng [- ĐỘNG] và [- CHỦ ĐỘNG]: là các vị từ chỉ trạng thái, tính chất, quan hệ (lo, sợ, vui, mừng, to, nhỏ, đẹp, xấu, là, của, vì, để, bằng…) 1.2.2.2 Tham tố (hoặc vai nghĩa) Các nhà nghiên cứu đã khá thống nhất cho rằng tham tố (tham thể) là tất cả các thực thể (được biểu hiện bằng các danh từ hoặc tương đương danh từ) tham gia vào sự tình, chịu sự chi phối trực tiếp của ý nghĩa của vị từ hoặc phải được vị từ chấp nhận. Theo tác giả Diệp Quang Ban, cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu gồm có phần chỉ sự thể (nêu đặc trưng hay quan hệ) và các vai nghĩa nằm trong phạm vi bao quát của sự thể ấy. Phần sự thể thường do vị tố (Diệp Quang Ban thường dùng thuật ngữ vị tố tương đương với thuật ngữ vị từ) thực hiện và diễn đạt đặc trưng hay quan hệ. [Dẫn theo 21: 27] Cũng theo Diệp Quang Ban, tham thể là những thực thể tham gia vào sự thể (sự việc) như là bộ phận cần thiết của sự thể, bộ phận nằm trong sự thể. Tham thể có quan hệ với sự thể theo kiểu do sự thể ấn định, tức là một sự thể cụ thể chỉ có thể diễn ra nhờ sự có mặt của một hoặc những tham thể nào đó, một sự thể khác có thể diễn ra không cần đến sự có mặt của tham thể nào cả. Chẳng hạn sự đánh nhau nhất thiết phải có hai bên tham gia. [Dẫn theo 21: 28] Cao Xuân Hạo khi dẫn ra tư tưởng của S. C. Dik có khẳng định: “Theo S. C. Dik (1981) một cấu trúc chủ -vị hạt nhân (nuclear predication) xét toàn bộ biểu thị một sự tình (state of affairs) được xác định bởi cái thuộc tính hay mối quan hệ do vị ngữ biểu thị liên kết với các thực thể do các danh tố biểu thị” [23: 91]. Cũng theo S. C. Dik “Một kết cấu vị ngữ hạt nhân bao gồm một vị từ gắn kết với một số thích hợp các ngữ định danh để lắp đầy vị trí các tham tố của vị từ đó. Kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định một tập hợp các sự tình, trong đó thuộc tính hay quan hệ của nó được vị từ chỉ định, có hiệu lực đối với những ngữ định danh cụ thể mà vị từ được ứng dụng.” [14: 39] Theo S. C. Dik thì việc miêu tả các biểu thức ngôn ngữ học trong ngữ pháp chức năng bắt đầu với cấu trúc của kết cấu vị ngữ. Về cấu trúc chung của kết cấu vị ngữ, chúng ta cần phân biệt một bên là kết cấu vị ngữ hạt nhân và một bên là kết cấu vị ngữ mở rộng. Căn cứ vào kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định một tập hợp các sự tình, chúng ta có thể tạo thành một kết cấu vị ngữ mở rộng bằng cách thêm vào một hay nhiều chu tố cho kết cấu vị ngữ hạt nhân đó. Trong khung vị ngữ, các tham tố nêu đặc trưng bằng các chức năng nghĩa trong mối quan hệ với vị từ. Do đó, các tham tố còn được gọi là các vai nghĩa. Trên cơ sở xác định các chức năng nghĩa của các tham tố đối với các loại vị từ mà các tác giả đã đưa ra một danh sách gồm các tham thể: thể hành động, thể (chịu) quá trình, thể (trong) tư thế, thể (trong) trạng thái, lực, thể vị trí, thể đích, thể được lợi, thể bị hại, thể liên đới, tham thể không gian, thời gian, công cụ, phương tiện, nguyên nhân, điều kiện, nghịch đối, mục đích, kết quả… Các tham thể trên được các nhà nghiên cứu khái quát thành hai loại: tham thể cơ sở và tham thể mở rộng (thuật ngữ của tác giả Diệp Quang Ban) hoặc diễn tố và chu tố (thuật ngữ thường dùng của tác giả Cao Xuân Hạo và một số tác giả khác). Ở luận văn này, chúng tôi dùng thuật ngữ diễn tố và chu tố. Diễn tố (tham thể cơ sở) còn gọi là các vai nghĩa bắt buộc mà như tư tưởng của Dik đó là các vai nghĩa trong kết cấu vị ngữ hạt nhân. Các vai nghĩa của chu tố (tham thể mở rộng) còn gọi là các vai nghĩa mở rộng hay tham thể mở rộng. Nhà ngôn ngữ học Tesnière cũng đã dùng bộ khái niệm vị từ và các tham tố (arguments) để phân chia các tham tố thành hai loại: những tham tố bắt buộc phải có được gọi là các diễn tố, còn những tham tố không mang tính bắt buộc như vậy được gọi là các chu tố. Diễn tố (actants): Những vai nghĩa tất yếu được giả định sẵn trong nghĩa từ vựng của vị từ. Nói cách khác đây là những tham tố bắt buộc, xuất hiện do nghĩa của vị từ quy định. “Diễn tố là tham tố cần và đủ, có số lượng nhất định (cho từng vị từ), cùng với nội dung của sự tình (do vị từ biểu thị) tạo thành một sự tình, tức là tạo thành cấu trúc nghĩa của câu” [26: 49] “Diễn tố là tham tố của vị từ tham gia vào nội dung biểu hiện của khung vị từ như một nhân vật được giả định một cách tất yếu trong nội dung nghĩa của vị từ, mà nếu thiếu đi cái sự tình hữu quan không thể thực hiện được, không còn là nó nữa.” [25: 113] Ví dụ: Chị Dậu vội vàng đặt con xuống đất Tham tố: Chị Dậu: chủ thể của hành động đặt; con :đối thể của đặt ; xuống đất: tham tố chỉ đích của hành động đặt – là các tham tố cơ sở (hay diễn tố). Sự có mặt của chúng là bắt buộc, do nghĩa của vị từ đặt đòi hỏi làm cho nghĩa của câu rõ ràng, đủ ý. Chẳng hạn trong câu: Đến rồi ! Tuy vị từ được dùng với từ chỉ thể rồi, người nghe vẫn hiểu là có một người nào hay một cái gì đó (xe, tàu chẳng hạn) đã đến (hoặc sắp đến) cái chỗ được người nói coi là “ở đây”. Do chịu sự ấn định của vị từ nên các tham tố (diễn tố) thường đi với một loại vị từ nhất định. Chẳng hạn: - Tham tố chỉ đích đi với vị từ dời chuyển, vị từ tác động làm vật dời chuyển. - Tham tố chỉ đối thể chịu tác động của hành động: đi với các vị từ chỉ hành động tác động - Tham tố chỉ chủ thể cầu khiến, đối thể được cầu khiến: đi với vị từ cầu khiến - Các tham tố chủ thể trao nhận, tiếp thể, vật được trao nhận: đi với loại vị từ trao nhận. - Các tham tố chủ thể hủy diệt, đối thể bị hủy diệt: đi với loại vị từ bị hủy diệt. Trong khung vị ngữ, mỗi vị từ tùy theo đặc trưng của nó mà đòi hỏi một số lượng nhất định các diễn tố Chu tố (circumstants): Đây là những vai nghĩa không tất yếu, không được giả định sẵn trong nghĩa từ vựng của vị từ. Chúng là những tham tố không bắt buộc, chỉ xuất hiện để thêm một ý nghĩa nào đó cho khung vị ngữ (thời gian, không gian, cách thức, phương tiện, mục đích, ý so sánh…). Chúng không do bản chất của vị từ quy định, chúng có thể có mặt ở nhiều (hay tất cả) các loại vị từ (sự tình). Ví dụ: Chị Dậu chào chồng bằng hai hàng nước mắt. Trong cấu trúc miêu tả của ví dụ trên có hai diễn tố : chị Dậu chủ thể của hành động chào; chồng đối thể được chào; chu tố: bằng hai hàng nước mắt- chỉ phương thức của hành động chào. Sự có mặt của hai diễn tố là do nội dung ý nghĩa của vị từ chào đòi hỏi, nếu thiếu nó, cấu trúc nghĩa miêu tả của ví dụ trên sẽ không hoàn chỉnh, khó tồn tại. Còn sự có mặt của chu tố: bằng hai hàng nước mắt chỉ bổ sung một chi tiết cho cấu trúc nghĩa của ví dụ trên, và nếu thiếu nó thì cấu trúc nghĩa nòng cốt: Chị Dậu chào chồng vẫn tồn tại được. Sự hiện diện của chu tố trong câu chỉ tùy thuộc nhu cầu thông tin và tình huống giao tiếp. Chu tố không trực tiếp chịu sự chi phối của vị từ, không nhất thiết buộc phải có mặt trong khung vị ngữ. Sự xuất hiện của nó là nhằm bổ sung thêm một phương diện nghĩa, nhưng vì nằm trong cùng một cấu trúc nghĩa, nên ý nghĩa của nó phải phù hợp với ý nghĩa của vị từ và phải được vị từ chấp nhận. Chu tố không có số lượng nhất định như các diễn tố. Các nghĩa chu tố được biểu hiện trong ngữ pháp thông qua các bổ ngữ, trạng ngữ. Nhưng cũng có khi chu tố lại được biểu hiện trong Đề. Theo S. C. Dik [14: 70-71] “chu tố là sự mở rộng tùy chọn của kết cấu vị ngữ hạt nhân, chỉ ra các bình diện bổ sung của sự tình. Chu tố ‘nhạy cảm’ với bản chất của sự tình được kết cấu vị ngữ hạt nhân xác định hơn là với bản chất của vị từ được nói đến.” Chu tố có các chức năng ngữ nghĩa tiêu biểu sau: - chỉ định chi tiết các sự tình hạt nhân: Phương thức, Đặc trưng, Công cụ; - quan hệ của sự tình với các tham tố khác: Lợi thể, liên đới thể; - quan hệ của sự tình với các chiều kích thời gian: Thời gian, Thời đoạn, Tần số. - quan hệ của sự tình với các chiều kích không gian: Vị trí, Nguồn, Phương hướng, Lối đi; - quan hệ của sự tình với các sự tình khác: Chu cảnh, Nguyên nhân, Lý do, Mục đích, Kết quả. Sự khác biệt giữa diễn tố (tham thể cơ sở) và chu tố (tham thể mở rộng) là có cơ sở lí luận- dựa vào sự chi phối/ không chi phối của vị từ với các tham thể. Tuy nhiên trong thực tế sử dụng, ở những trường hợp cụ thể, có những thực thể khi đi với vị từ này là chu tố, nhưng khi đi với vị từ khác lại là diễn tố. Ví dụ: - Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này. (1) - Ở cái chốn này, chúng tôi đã học được nhiều điều bổ ích. (2) Ở ví dụ (1) cái chốn này do đi với vị từ yêu- chỉ đối tượng được tiếp nhận tình yêu của chủ thể Sứ nên nó là vai nghĩa bắt buộc, nghĩa là nó bắt buộc phải có mặt thì sự việc mới trọn nghĩa. Còn trong cấu trúc nghĩa ở ví dụ (2), cái chốn này không chịu sự chi phối trực tiếp của vị từ học, chỉ có mặt để làm rõ hơn nơi chốn của sự việc chúng tôi đã học được nhiều điều bổ ích; sự có mặt của nó trong cấu trúc câu của ví dụ (2) là không bắt buộc- bởi vậy nó giữ vai trò là tham tố không bắt buộc hay vai nghĩa không bắt buộc. 1.2.3. Những vai nghĩa phổ biến Như trên chúng ta đã nói, trong khung vị ngữ, vị từ là hạt nhân ngữ nghĩa của vị ngữ (ngữ vị từ). Nói như vậy có nghĩa là vị từ với tư cách là từ biểu hiện nội dung của sự thể đối với cấu trúc tham tố của vị ngữ. Cách tiếp cận như trên đã được nhiều nhà ngôn ngữ học tiếp thu và đưa ra danh sách những vai nghĩa trong khung vị ngữ. Chẳng hạn, Cao Xuân Hạo gọi các diễn tố (vai nghĩa bắt buộc) bằng các tên gọi như: vai tác thể, vai hành thể, vai động thể, vai lực thể, vai đương thể, vai đối thể, vai tiếp thể, vai đích,…còn Diệp Quang Ban gọi là thể động, thể tĩnh, thể cảm nghĩ, thể nói năng, thể mục tiêu, thể tiếp nhận…Còn các chu tố (vai nghĩa mở rộng) Cao Xuân Hạo gọi là : vai phương thức, vai phương tiện, vai kết quả, vai lối đi…, còn Diệp Quang Ban gọi là cảnh huống: thời gian, không gian, nguyên nhân, điều kiện, mục đích, kết quả, đường đi, nghịch đối… [Dẫn theo 38: 149]. Nguyễn Văn Hiệp trong công trình nghiên cứu gần đây nhất (2005), đã liệt kê ra danh sách các vai nghĩa như sau: - Vai tác thể (Agent): biểu thị người gây ra hành động. - Vai nghiệm thể (Expriencer): biểu thị chủ thể trải nghiệm một trạng thái nào đó. - Vai tiếp thể: (Recipient): biểu thị kẻ tiếp nhận trong hành động trao tặng. - Vai kẻ hưởng lợi (Benefactive): biểu thị kẻ được hưởng thành quả từ một hành động do một ai đó thực hiện. - Vai lực tự nhiên (Force): chỉ tác nhân tự nhiên gây ra một biến cố , thay đổi nào đó. - Vai bị thể (Patient): chỉ vật, người chịu sự tác động, dẫn đến một thay đổi nào đó. Sự thay đổi này có thể là sự thay đổi về vật lí, tâm lí… - Vai công cụ (Instrument): chỉ công cụ được dùng để thực hiện hành động. - Vai địa điểm, vị trí (Location): chỉ nơi chốn của sự tình, vị trí tồn tại của sự vật. - Vai điểm xuất phát, hay nguồn của trạng thái (Source): chỉ điểm xuất phát của chuyển động, hay nguồn của trạng thái. - Vai điểm đến (Goal): chỉ đích đến của một chuyển động. - Vai kẻ tham chiếu (Reference): chỉ người hay vật được dùng để tham chiếu trong một trạng thái, quan hệ. - Vai kẻ cùng hành động (Comcomitant): chỉ người cùng hành động trong một hành động. - Vai hướng chuyển động (Direction) hay lối đi (Path): chỉ hướng của chuyển động. - Vai thời điểm (Temporal): chỉ thời điểm của sự tình. - Vai chủ sở hữu (Possessor): chỉ chủ sở hữu của sự vật. - Vai thời lượng (Duration): chỉ thời gian kéo dài của hành động - Vai nội dung (Content): chỉ nội dung của sự hiểu biết. - Vai thể chuyển động (Theme): chỉ một thực thể tồn tại ở một vị trí nào đó, hoặc thực thể chuyển động, chịu một sự thay đổi về một vị trí do một tác nhân nào đó. Một số vai khác có tính chất ngoại vi cũng được tác giả thừa nhận, như vai cách thức (manner), vai nguyên nhân (cause), vai mục đích (purpose). Như vậy, danh sách các vai nghĩa trong khung vị ngữ được các tác giả đưa ra hầu hết đều chưa có sự thống nhất về tên gọi. Ở luận văn này chúng tôi có thể dựa vào cách gọi tên một số vai nghĩa của tác giả Cao Xuân Hạo, đây cũng là một số tên gọi tương đối được phổ biến, để tìm hiểu chức năng cú pháp của các vai nghĩa: vai đối thể, vai tạo thể, vai phương thức, vai vị trí- không gian, vai nguồn. 1.3. Cấu trúc cú pháp và một số chức năng cú pháp của câu Nếu như cấu trúc vị từ - tham tố là cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu thì cấu trúc cú pháp là loại cấu trúc của câu xét ở bình diện cú pháp. Đây chính là bình diện tổ chức nên một câu theo đúng đặc trưng của nó để phân biệt những đơn vị khác như: từ, cụm từ hoặc đoạn văn, văn bản. Có thể thấy cấu trúc cú pháp của câu là vấn đề được ngữ pháp học quan tâm và nghiên cứu từ rất sớm. Trong ngữ pháp cổ điển, do xem câu là đơn vị cấu trúc lớn nhất trong tổ chức ngữ pháp của một ngôn ngữ, nên việc nghiên cứu cấu trúc cú pháp của câu thành vấn đề trung tâm của ngữ pháp học nói riêng và ngôn ngữ học nói chung. Khác với các đơn vị như: âm vị, hình vị, từ, cụm từ, câu là đơn vị mang chức năng thông báo (đơn vị thông báo nhỏ nhất). Điều đó có nghĩa câu luôn phải phản ánh sự việc trong thế giới khách quan. Và sự việc luôn có cấu trúc của nó (cấu trúc đặc trưng- tham thể) nên khi đi vào trong câu nó vẫn đòi hỏi được tồn tại dưới dạng cấu trúc (cấu trúc vị từ- tham tố). Do đó, khi tạo câu phản ánh sự việc, nghĩa là dùng từ ngữ để diễn đạt cấu trúc sự việc cần diễn đạt, các từ ngữ trong câu cũng phải được tổ chức theo những quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ nhất định tạo nên cấu trúc cú pháp của câu. Nói cách khác, câu không phải là phép cộng đơn giản của các từ ngữ đứng cạnh nhau trên trục tuyến tính mà là tổng thể của các yếu tố này, trong các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau cũng góp phần tạo nên một thông báo hoàn chỉnh. Nếu trong cấu trúc sự việc, các tham thể giữ những chức năng nghĩa nhất định trong mối quan hệ với vị từ (nêu đặc trưng sự việc) thì trong cấu trúc cú pháp của câu, các từ ngữ diễn đạt các yếu tố của sự việc cũng giữ các chức năng cú pháp (vai trò cú pháp) nhất định trong quan hệ đối với nhau. Các chức năng cú pháp ấy được phạm trù hóa gọi là thành phần câu. Cấu trúc cú pháp không phải chỉ duy nhất đề cập đến vấn đề các chức năng cú pháp của câu, tuy nhiên ta có thể khẳng định đây là một vấn đề lớn, vấn đề trung tâm của cấu trúc cú pháp. Cứ nhìn qua quang cảnh chung của việc nghiên cứu các thành phần câu chúng ta cũng có thể thấy điều đó. Chỉ điểm qua việc nghiên cứu các thành phần câu của câu tiếng Việt cũng làm cho ta thấy choáng ngợp trước vấn đề phức tạp này. Hầu như mỗi nhà nghiên cứu đều có cách kiến giải khác nhau về thành phần câu. Chúng ta khó tìm thấy hai quan điểm hoàn toàn thống nhất về vấn đề này. Không khác nhau trong quan niệm, cách định nghĩa về thành phần câu thì các tác giả lại chưa hoàn toàn nhất trí với nhau về các tiêu chí xác định thành phần câu. Bên cạnh đó, các vấn đề như: số lượng các thành phần câu, cương vị cú pháp của các thành phần câu cũng chưa hoàn toàn thống nhất. Trước một vấn đề phức tạp như vậy, trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ, chúng tôi không có tham vọng giải quyết vấn đề này. Ở đây, để phục vụ cho luận văn, chúng tôi chỉ căn cứ vào một số tiêu chí để xác định thành phần câu đã được thống nhất ở các nhà nghiên cứu, trên cơ sở ấy đi vào một số thành phần câu như: chủ ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ, đề ngữ, là các thành phần câu có quan hệ đến các vai nghĩa- đối tượng khảo sát của luận văn. Về tiêu chí xác định thành phần câu thì loại ý kiến được đa số các nhà nghiên cứu tán thành và sử dụng là: coi thành phần câu là một phạm trù ngữ pháp, do đó xác định thành phần câu phải dựa cả vào tiêu chí ngữ nghĩa lẫn tiêu chí hình thức. Theo ý kiến của hai tác giả Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp khi trình bày giải pháp liên quan đến thành phần câu thì phân tích câu phải xuất phát từ câu, và nhất thiết phải khu biệt cho được từng thành phần được phân xuất từ câu một cách hình thức. Và “mỗi thành phần câu cần được xác định bằng một thủ pháp hình thức”; “cố gắng sao cho những phạm trù được xác định bằng các thủ pháp hình thức như đã nói có nghĩa” [52: 74]. Sau đây là ý kiến của tác giả Bùi Minh Toán trong giáo trình ngôn ngữ học- Tập II” về thành phần câu: “Như thế các thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ, định ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ,…cũng đều là các phạm trù ngữ pháp. Mỗi phạm trù này cũng có thể chia ra các phạm trù nhỏ hơn như bổ ngữ thì có bổ ngữ gián tiếp hay trực tiếp. Điều quan trọng là dù ở mức độ cao thấp, rộng hay hẹp, mỗi phạm trù này đều là sự thống nhất giữa ý nghĩa ngữ pháp và hình thức ngữ pháp. Từ đó, điều cần chú ý trong nghiên cứu và học tập ngữ pháp là: việc phân xuất và xác định các phạm trù ngữ pháp phải được tiến hành trên cơ sở sự thống nhất giữa ý nghĩa ngữ pháp và hình thức biểu hiện của nó”. [87-14] [Dẫn theo 1: 29]. Tiêu chí ngữ nghĩa cho việc xác định thành phần câu đã được sự thống nhất cao ở nhiều nhà nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Các tác giả đều cho rằng tiêu chí ngữ nghĩa để xác định thành phần câu là ý nghĩa ngữ pháp khái quát của các thành phần câu (ý nghĩa ngữ pháp chức năng). Tuy nhiên, việc chọn tiêu chí hình thức nào để nhận diện được các thành phần câu lại còn là một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Nghiên cứu các công trình về ngữ pháp tiếng Việt từ trước tới nay, chúng tôi thấy việc sử dụng các tiêu chí hình thức có chú ý tới đặc điểm loại hình của tiếng Việt được nhiều nhà ngôn ngữ học đồng tình hơn cả. Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập, cho nên các tiêu chí hình thức để xác định thành phần câu có thể sử dụng là: trật tự từ, hư từ và ngữ điệu. Trong luận văn này, chúng tôi cũng vận dụng các tiêu chí này để nhận diện một số thành phần câu mà trong phạm vi luận văn cần bàn đến. Sau đây là việc nhận diện một số thành phần câu dựa vào sự tổng hợp hai tiêu chí nói trên. 1.3.1. Chủ ngữ Theo các nhà Việt ngữ học thì chủ ngữ được xếp vào một trong hai thành phần nòng cốt (thành phần chính) của câu có quan hệ qua lại với thành phần vị ngữ, nêu lên đối tượng mà đặc trưng hay quan hệ của nó được nói đến ở vị ngữ. Trong công trình nghiên cứu “Thành phần câu”, tác giả Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp đã cho rằng “chủ ngữ là bộ phận của nòng cốt câu biểu thị chủ thể ngữ pháp của vị ngữ, tạo ra cùng vị ngữ một kết cấu có khả năng nguyên nhân hóa.” Về ngữ nghĩa, chủ ngữ là thành phần câu có ý nghĩa ngữ pháp khái quát là biểu thị đối tượng thông báo của câu. “Ý nghĩa của chủ ngữ là ý nghĩa biểu thị đối tượng. Đối tượng này có quan hệ với vị ngữ về phương diện chủ thể của hành động, chủ thể tiếp nhận, chủ thể phẩm chất” [40: 111] Diệp Quang Ban Cũng cho rằng: “Trong tiếng Việt, có thể hiểu chủ ngữ là một trong hai thành phần chính của câu có quan hệ qua lại với vị ngữ, chỉ ra cái đối tượng mà câu đề cập đến.” [4: 113]. “Chủ ngữ và vị ngữ gắn bó với nhau bằng quan hệ chủ- vị. Trong mối quan hệ này, chủ ngữ là thành phần biểu hiện đối tượng được thông báo trong câu…” [63-20] [Dẫn theo 1: 30] Về tiêu chí hình thức: chủ ngữ chủ yếu được nhận diện dựa vào yếu tố trật tự từ và hư từ. Trong tiếng Việt, chủ ngữ thường ở vị trí đi trước vị ngữ. Tác giả Diệp Quang Ban khẳng định “Trong định nghĩa về chủ ngữ của tiếng Việt không thể không nêu đặc trưng phổ biến về vị trí không gian đứng trước vị ngữ của chủ ngữ” [4: 113] Ngoài vị trí đứng trước vị ngữ, trong một số trường hợp, chủ ngữ lại xuất hiện ở vị trí sau vị ngữ trong chuỗi tuyến tính (tất nhiên đó là trường hợp bị chi phối về mục đích tu từ hoặc ngữ cảnh tính huống). Chẳng hạn: - Bỗng từ đằng xa, tiến lại mấy chú bé. Trong câu, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chủ ngữ khi dựa vào phương thức hư từ. Thành phần chủ ngữ thường không chấp nhận các quan hệ từ đứng trước nó. Còn ở phía sau thì có thể chú ý ý kiến sau của tác giả Bùi Minh Toán “Về hư từ …chủ ngữ (nếu được biểu hiện bằng danh từ) thì có thể xác định bằng các từ chỉ định (này, kia, đó, nọ…). Tác dụng của các hư từ này là để biểu hiện rõ tính xác định của chủ ngữ”. [10: 91] 1.3.2. Trạng ngữ Trạng ngữ là thành phần có nhiều ý kiến tranh luận. Trạng ngữ còn được gọi là bổ ngữ câu hoặc phụ ngữ tình huống hay người ta còn gọi là “Hạn định ngữ” (determinant). Đảm nhiệm chức vụ trạng ngữ thường là những yếu tố có ý nghĩa ngữ pháp khái quát: trình bày hoàn cảnh diễn ra sự việc, sự kiện được miêu tả ở nòng cốt câu như không gian, thời gian, mục đích, nguyên nhân, cách thức, phương tiện… “Thành phần tình huống có thể bổ sung nghĩa về thời gian, nơi chốn hay về phương tiện, mục đích, hay về cách thức, trạng thái… nói chung là nghĩa “tình huống”. [53: 224] “Phụ ngữ tình huống là thành phần phụ của câu, dùng để bổ sung ý nghĩa tình huống đối với quá trình hoạt động diễn ra trong câu.” [9: 183] “ Về mặt ngữ nghĩa, trạng ngữ bổ sung cho câu những thông tin về tình huống (thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, cách thức, mục đích, phương tiện,…) tức nó thuộc vai chu tố của sự tình được biểu thị trong câu”. [52: 349]. Về mặt hình thức, có một số dấu hiệu giúp ta dễ dàng nhận diện được thành phần trạng ngữ. Trạng ngữ thường đứng trước nòng cốt câu (tất nhiên vẫn có trường hợp trạng ngữ đứng sau nòng cốt hoặc đứng giữa chủ ngữ và vị ngữ). Một số tác giả cho rằng: “trạng ngữ cũng thường được ngăn cách với nòng cốt câu bằng ngữ điệu (khi nói), dấu phẩy (khi viết)” [7: 165]. Dấu hiệu hình thức này đặc biệt quan trọng khi xem xét trạng ngữ ở vị trí cuối câu hoặc ở vị trí giữa vị ngữ và chủ ngữ. Nó sẽ giúp ta phân biệt trạng ngữ với bổ ngữ một cách rõ ràng. Ví dụ: Anh ấy chùi nước mắt cho nó, với chiếc khăn mà anh ấy đã lau nước mắt cho tôi. [63: 51] Ngoài hai dấu hiệu hình thức trên thì việc thường xuyên kết hợp với quan hệ từ ở đằng trước cũng là một dấu hiệu giúp chúng ta có thể nhận diện được thành phần câu này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thành phần trạng ngữ có thể không được dẫn nhập bằng hư từ. Chẳng hạn: - Một cây súng mát với ba viên đạn, Kơ Long bám gót giặc từ tờ mờ sáng đến trưa. [Dẫn theo 53: 226] 1.3.3. Đề ngữ Đề ngữ, cho đến nay, đã hoàn toàn được công nhận có tư cách của thành phần câu. Đề ngữ được các nhà nghiên cứu gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: khởi ngữ, chủ đề, bổ ngữ- chủ đề, từ- chủ đề, thành phần khởi ý. Ý nghĩa khái quát của đề ngữ là nêu lên chủ đề của câu nói. Quan niệm này được hầu hết các nhà nghiên cứu chấp thuận. “Thành phần khởi ý. Thành phần này giống như từ chủ đề. Nó nêu lên nội dung chính của thông báo được nói bằng nòng cốt câu.” [40: 151] “Đề ngữ là loại thành phần phụ của câu đứng trước nòng cốt câu (thường đứng ở đầu câu, ít khi đứng sau chủ ngữ và đứng trước vị ngữ ), được dùng để nêu lên một vật, một đối tượng, một nội dung cần bàn bạc với tư cách chủ đề câu chứa nó.” [7: 168,169] “Khởi ngữ là thành phần phụ, đứng trước nòng cốt câu, dùng để nêu một đối tượng, một nội dung với tư cách là đề tài của câu nói (do đó có người gọi là đề ngữ).” [38: 58] “Về mặt nội dung, khởi ngữ chuyên dùng để biểu thị chủ đề của câu nói. Khái niệm “chủ đề” hay đề tài ở đây được chúng tôi hiểu như C.F. Hockett, theo nghĩa trong một câu, trước tiên người nói tuyên bố một chủ đề và sau đó nói một điều gì về nó” [Hockett C.F,1958, tr. 201]” [52: 235]. Về mặt hình thức, để biểu thị chủ đề của câu nói thì vị trí thích hợp của đề ngữ là vị trí đứng trước nòng cốt câu. Mặc dù về mặt nghĩa, đề ngữ có thể liên hệ với một bộ phận nào đó của nòng cốt câu như: - Mà y, y không muốn chịu của Oanh một tí gì gọi là tử tế. (Nam Cao). [Dẫn theo 7: 169] - Ông giáo ấy, thuốc không hút, rượu không uống. [Dẫn theo 7: 169] Về mặt ngữ pháp, do đề ngữ là thành phần phụ của câu có quan hệ ngữ pháp với toàn bộ nòng cốt câu nên đề ngữ được tách ra khỏi nòng cốt câu bằng hư từ “thì” hay “là” hoặc chỉ tách ra bằng quãng ngắt (dấu phẩy). Chẳng hạn: - Còn chú nó thì mặc chú nó đấy. (Nguyễn Văn Ngọc) - Còn chị, chị công tác ở đây à? (Nguyễn Đình Thi) 1.3.4. Bổ ngữ Với nhiều tên gọi khác nhau, bổ ngữ là một chức vụ cú pháp của câu gây tranh cãi nhiều nhất giữa các nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã không thống nhất được với nhau về các điểm như: cương vị của bổ ngữ trong hệ thống thành phần câu tiếng Việt; tiêu chí nhận diện bổ ngữ. Tuy nhiên, trước một vấn đề phức tạp, chúng tôi cũng cần đưa ra cách hiểu về nó mà chúng tôi cho là phù hợp nhất. Bổ ngữ có chức năng là bổ sung, làm rõ những đặc trưng nêu ở vị từ. Do đó, ý nghĩa ngữ pháp khái quát của thành phần đảm nhiệm chức năng bổ ngữ có thể là nêu đối tượng chịu tác dụng trực tiếp hay gián tiếp của đặc trưng nêu ở vị từ hoặc nêu lên hoàn cảnh (không gian, thời gian, điều kiện, cách thức, phương tiện.v.v…) mà đặc trưng nêu ở vị từ đòi hỏi được bổ sung để đáp ứng được nhu cầu cụ thể của giao tiếp. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ rõ: “Nói chung bổ ngữ của động từ, tức complements du verbe là những thành viên thứ yếu để chỉ rõ: a. Cái đối tượng (người, vật…) mà sự hoạt động phải chuyển đến như là cái đích của sự hoạt động ấy, hay là tạo ra, hay là bị biến đổi bởi sự hoạt động… b. Các điều kiện, các trường hợp trong đó sự hoạt động đã diễn ra (thời gian, nơi chốn, cách thức, mục đích, …và các thứ điều kiện, trường hợp khác…) (175-11) c. “Những thành phần phụ thêm vào vị từ để làm cho nó trọn vẹn về mặt ngữ pháp gọi là bổ ngữ.” (64 - 40) [Dẫn theo 1: 33] Tác giả Diệp Quang Ban cũng đã đưa ra quan điểm tương tự như trên: “Bổ ngữ là thành phần phụ bằng thực từ đi kèm vị từ (động từ, tính từ) để chỉ cái đối thể chịu tác dụng trực tiếp hay gián tiếp của đặc trưng nêu ở vị từ, hoặc chỉ các chủ thể gắn liền với đặc trưng nêu ở vị từ, hoặc chỉ các đặc trưng phụ thêm vào đặc trưng nêu ở vị từ.” [7: 182, 183] Như vậy, với chức năng bổ sung, làm rõ nghĩa cho những đặc trưng ở vị từ cho nên vị trí thích hợp nhất ở tiếng Việt cho thành phần bổ ngữ là đứng sau vị từ. Một số trường hợp bổ ngữ đứng trước vị từ như: - Họ giúp anh ấy làm nhà. - Tôi thay mẹ trông em. Trường hợp này là có lý do riêng và cần phải được lý giải một cách cặn kẽ. Thành phần bổ ngữ có thể được nối với vị từ một cách trực tiếp hoặc bằng quan hệ từ. Điều này do sự chi phối của vị từ mà nó làm rõ, bổ sung, do sự chi phối của nhịp điệu câu nói, do mục đích thông báo của câu. Một đặc điểm về hình thức nữa khiến ta có thể nhận diện được bổ ngữ một cách tương đối chính xác là bổ ngữ không khi nào tách ra khỏi nòng cốt câu bằng quãng ngắt (dấu phẩy) mà nó trực tiếp gắn bó với vị từ của câu. Tóm lại: cấu trúc cú pháp của câu, ngoài vị ngữ, thường bao gồm một số thành phần cú pháp thường gặp như chủ ngữ, đề ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ. Các thành phần đó là sự thể hiện ở bình diện ngữ pháp của các tham tố trong bình diện nghĩa của câu. Tuy nhiên, thành phần bổ ngữ và trạng ngữ còn nhiều tranh cãi. Theo quan niệm của một số nhà Việt ngữ học bổ ngữ có hai loại đó là: bổ ngữ bắt buộc và bổ ngữ không bắt buộc. Và trường hợp bổ ngữ không bắt buộc (hay còn gọi là chu tố) là trạng ngữ. Nghĩa là các tác giả này cho rằng trạng ngữ là bổ ngữ không bắt buộc. Nhưng vấn đề này cũng chưa được xác định một cách rõ ràng. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi trong luận văn xem trạng ngữ là thành phần phụ của câu. 1.4. Cấu tạo của diễn tố và chu tố Trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu, vị từ làm cốt lõi và quây quần xung quanh là những tham tố, biểu thị những vai nghĩa nào đó. Có những vai nghĩa bắt buộc, bị quy định bởi bản chất từ vựng- ngữ pháp của vị từ trung tâm, theo cái nghĩa là những vị từ có bản chất từ vựng- ngữ pháp khác nhau sẽ quy định các vai nghĩa bắt buộc khác nhau. Nhưng cũng có những vai nghĩa mang tính tùy nghi, tức không chịu sự quy định bắt buộc như vậy. Trong lý thuyết ngữ pháp của Tesnière, những vai nghĩa bắt buộc sẽ được hiện thực hóa thông qua các ngữ đoạn được gọi là diễn tố, còn những vai nghĩa tùy nghi thì được hiện thực hóa thông qua những ngữ đoạn được gọi là chu tố. Như vậy diễn tố là những vai nghĩa bắt buộc xuất hiện trong khung vị ngữ, nó quy định bởi vị từ trung tâm Về chức năng, theo S. C. Dik, diễn tố sẽ nằm trong một kết cấu vị ngữ hạt nhân còn chu tố nằm trong kết cấu vị ngữ mở rộng. Chu tố là thành tố không có chức năng xác định các sự tình theo đúng nghĩa, nhưng nó cung cấp nhiều thông tin gắn với sự tình theo một tổng thể- bằng cách chỉ định thời gian hoặc vị trí của các sự tình, đưa ra lí do hoặc nguyên nhân của các sự tình, và cung cấp những thông tin bổ sung khác. Trong quan hệ với vị từ, diễn tố thường giữ vị trí nòng cốt trong câu, có nghĩa nó bắt buộc phải có mặt để làm nên sự tình. Ví dụ: Nam học bài. Ở ví dụ trên, cái hành động “học” bắt buộc phải có chủ thể “Nam” và đối thể “bài” tham gia vào sự thể. Và nó là hai tham tố bắt buộc làm nên sự tình trong câu. Cũng theo S.C. Dik, một kết cấu vị ngữ hạt nhân bao gồm một vị từ gắn kết với một số thích hợp các ngữ định danh để lắp đầy vị trí các tham tố của vị từ đó. Như vậy, sự xuất hiện diễn tố và chu tố trong câu là do vị từ quyết định. Chúng ta có thể xét ví dụ “Nam học bài”. Ở ví dụ này, “Nam” là diễn tố thứ nhất, là chủ thể của hành động “học” và “bài” là diễn tố thứ hai và là đối thể của “học”. Đây là những yếu tố bắt buộc xuất hiện trong câu. Nhưng chúng ta cũng có thể mở rộng câu trên như: “Nam học bài ở nhà”. Vậy ta thấy thêm một tham tố xuất hiện nữa đó là “ở nhà”, tham tố này không bắt buộc xuất hiện trong câu, nhưng nó có tác dụng bổ sung rõ hơn thông tin cho câu. Và vì thế, tham tố “ở nhà” đóng vai chu tố cho câu. Có những vị từ cần có sự xuất hiện hai diễn tố như ví dụ trên, nhưng cũng có những vị từ xuất hiện ba diễn tố. Những vị từ ba diễn tố thường là những vị từ trao/tặng. Vị từ “tặng”, có ba diễn tố lần lượt chỉ ra chủ thể của hành động tặng, vật được tặng và người tiếp nhận, ví dụ: - Nam tặng sách cho bạn. Trong cấu tạo của câu, diễn tố và chu tố cũng có thể thể hiện bằng các phương tiện đánh dấu. Mỗi ngôn ngữ đều có những cách thức để đánh dấu và thể hiện cấu tạo, chức năng ngữ pháp của diễn tố và chu tố. Tuy nhiên, có một số các phương thức như: - Dùng trật tự từ: Đặc trưng hình tuyến đã cấp cho trật tự từ một tư cách hiển nhiên để làm dấu hiệu phân biệt hình thức. Thay đổi trật tự từ là thay đổi hình thức của cái biểu đạt. Chẳng hạn, vai tác thể và vai bị thể trong tiếng Việt được phân biệt với nhau bằng trật tự: Nó đánh tôi sẽ khác với Tôi đánh nó. - Dùng giới từ: có thể xem giới từ là phương thức phổ biến để đánh dấu vai nghĩa. Trong tiếng Việt vai công cụ có thể đánh dấu bởi giới từ bằng, ví dụ: Tôi đi làm bằng xe gắn máy. Vai kẻ hưởng lợi, vai tiếp thể có thể đánh dấu bởi giới từ cho, ví dụ: - Nam trông nhà cho bà ngoại. - Tôi gửi bức thư cho chị ấy. Vai địa điểm, vị trí có thể được đánh dấu bởi một giới từ chỉ địa điểm, chẳng hạn như giới từ ngoài, ví dụ: Đứa bé đang chơi ngoài sân. 1.5. Mối quan hệ giữa vai nghĩa với chức năng cú pháp Hiện nay, khuynh hướng của các nhà ngôn ngữ học hiện đại không chỉ chú ý nghiên cứu câu ở mặt hình thức mà còn chú trọng nghiên cứu về mặt nghĩa của câu. Nghĩa là việc nghiên cứu câu không tách biệt các bình diện ngữ pháp và ngữ nghĩa. Cao Xuân Hạo, khi nghiên cứu về ngữ pháp chức năng cho biết: “Giữa ba bình diện của ngôn từ có một mối quan hệ khăng khít của hình thức với nội dung, của phương tiện với mục đích. Các bình diện ấy tồn tại vì nhau và nhờ có nhau, cho nên không thể hiểu thấu đáo bất cứ bình diện nào nếu không liên hệ với hai bình diện kia, và nhiệm vụ ngữ pháp chức năng chính là xác minh các mối quan hệ giữa cả ba bình diện” [23: 19] Cấu trúc vị từ - tham tố là cấu trúc nghĩa, được dùng để biểu thị một phần nghĩa của câu: nghĩa miêu tả, nó thuộc bình diện ngữ nghĩa. Còn các thành phần như: chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, khởi ngữ…là khái niệm thuộc bình diện ngữ pháp, được dùng để biểu thị cấu trúc cú pháp gọi tắt là cấu trúc chủ- vị. Hai cấu trúc đó có quan hệ với nhau, bởi chúng là hai mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp của câu, cùng được thể hiện ở một hình thức ngôn ngữ hay có thể nói đó là mối quan hệ giữa hình thức và nội dung trong đó cấu trúc vị từ - tham tố là nội dung còn cấu trúc cú pháp là hình thức. do đó, tìm hiểu mối quan hệ giữa cấu trúc vị từ- tham tố và cấu trúc ngữ pháp của câu là tìm xem nghĩa miêu tả/nghĩa sự vật được thể hiện như thế nào ở các thành phần câu? Đó là những ý nghĩa gì? Cụ thể hơn là tìm hiểu chức năng nghĩa (vai nghĩa) của các thành phần câu: chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, đề ngữ, bổ ngữ- các thành phần ngữ pháp tham gia biểu thị nghĩa miêu tả (sự vật) trong câu. Song, trước khi tìm hiểu nghĩa sự vật của các thành phần câu, cần lưu ý một vài điểm giữa cấu trúc nghĩa và cấu trúc cú pháp. - Về yếu tố trung tâm của mỗi cấu trúc: Nếu ở cấu trúc cú pháp, chủ ngữ và vị ngữ được coi là hai thành phần chính của câu thì ở cấu trúc nghĩa miêu tả- cấu trúc vị từ- tham tố chỉ có một thành phần chính là vị từ. Vị từ giữ vai trò trung tâm, chi phối, ấn định số lượng và chức năng nghĩa cho các tham tố trong cùng một cấu trúc. Về mặt ngữ pháp, vị từ giữ chức năng vị ngữ của câu. - Về ranh giới từng thành phần trong cấu trúc cú pháp và cấu trúc nghĩa: về cơ bản, hầu như mỗi thành phần ngữ pháp của câu đều ứng với một thành phần nghĩa. Nói một cách khác, mỗi thành phần câu đều đảm nhận một vai nghĩa cụ thể. Vì thế ranh giới của thành phần câu cũng là ranh giới của thành phần nghĩa. Nhưng riêng với thành phần vị ngữ, cụ thể hơn là khi vị ngữ có cấu tạo là một cụm động từ hay cụm tính từ có bổ ngữ đi sau thì tình hình không như vậy: ranh giới giữa thành phần câu và thành phần nghĩa không tương ứng với nhau. Bởi vì với những câu có vị ngữ là một cụm động từ (hay cụm tính từ) thì ở bình diện ngữ pháp, ta có thể phân tích chúng theo hai cấp độ: cụm từ và câu. ở cấp độ cụm từ, nếu phân tích cấu tạo của vị ngữ, ta có vị từ trung tâm + bổ ngữ/các bổ ngữ. Ví dụ: Nam đọc sách. đọc sách: cụm động từ, gồm động từ trung tâm đọc, bổ ngữ: sách. Nhưng ở cấp độ câu thì giữ chức năng vị ngữ của câu là cả cụm động từ: đọc sách chứ không phải có riêng từ đọc. Còn ở bình diện ngữ nghĩa, tất cả các yếu tố chỉ được xét ở cùng một cấp độ - trong cấu trúc nghĩa miêu tả - được gọi chung là cấu trúc vị từ - tham thể. Ở cấu trúc đó, vị từ giữ vai trò trung tâm còn các bổ ngữ và cả chủ ngữ có vị thế bình đẳng với nhau trong mối quan hệ với vị từ. Do đó, ranh giới của vị ngữ chỉ trùng với ranh giới của vị ngữ trong các trường hợp vị ngữ có cấu tạo là một từ. Với các vị ngữ có cấu tạo là cụm động từ hay cụm tính từ có bổ ngữ đi sau thì khi phân tích nghĩa miêu tả của chúng, sẽ có hai phần nghĩa: nghĩa của vị từ trung tâm và nghĩa của các bổ ngữ. Ngoài những trường hợp có sự tương ứng giữa một thành tố trong cấu trúc nghĩa với một thành phần ngữ pháp của câu (chẳng hạn chủ thể thường được thể hiện ở chủ ngữ của câu), còn có những trường hợp không có sự tương ứng như thế. Điều này đã được tác giả Đỗ Hữu Châu khẳng định: “Mặc dầu đến nay chưa thống nhất với nhau về nội dung và số lượng các cách ngữ nghĩa nhưng những nhà nghiên cứu tán thành hướng này đều nhất trí cho rằng; a) các cách nghĩa là phạm trù phổ quát mặc sự hình thức hóa chúng thành các phạm trù của ngữ pháp không lí do thì khác nhau trong các loại hình ngôn ngữ và giữa các ngôn ngữ thuộc một loại hình; b) các quan hệ cú pháp thuộc cú pháp bề mặt (như quan hệ chủ ngữ- vị ngữ) có thể tương ứng với các cách sâu khác, nói khác đi không có sự tương ứng một đối một giữa các quan hệ cú pháp bề mặt với các cách ngữ nghĩa” [12: 15] Cao Xuân Hạo cũng có chúng quan điểm như trên: “….Mối quan hệ giữa cách tổ chức của các bình diện không tương ứng một đối một với nhau đến mức có thể nói chẳng hạn rằng một hình thức X của bình diện cú pháp có chức năng biểu thị ý nghĩa Y của bình diện nghĩa học và chỉ có chức năng đó thôi” [23: 20] Trong thực tế, ta thấy cùng một vai nghĩa có thể được biểu hiện thành những thành phần ngữ pháp khác nhau. Điều đó tùy thuộc vào nhu cầu trong từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Ví dụ: chủ ngữ và bổ ngữ có thể đều biểu hiện vai nghĩa đối thể, hay tiếp thể: - Ngày nay, hoa cúc vẫn được dùng để chữa bệnh. [Dẫn theo 38: 155] - Bức tranh của nó được trao giải nhất. [Dẫn theo 38: 155] - Thần dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở. [Dẫn theo 38: 161] Hoặc bổ ngữ và trạng ngữ đều biểu hiện vai nghĩa thời gian, không gian, nguyên nhân, mục đích,.. Ví dụ: - Từ đầu năm đến giờ, chẳng mấy khi cô ấy ở nhà. [Dẫn theo 38: 158] - Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình, mái chùa cổ kính. [Dẫn theo 38: 158] - Nó học suốt hai tiếng đồng hồ. [Dẫn theo 38: 162] - Vì hai đứa trẻ mồ côi, họ có thể quên cả thân mình. [Dẫn theo 38: 159] - Để thường mỗi thành tích của nó, quan thầy gắn cho một cái mề đay. [Dẫn theo 38: 160] Một số thành phần ngữ pháp trong câu không biểu hiện vai nghĩa nào trong cấu trúc nghĩa miêu tả. Đó là các thành phần: tình thái ngữ (chuyên thể hiện nghĩa tình thái, không tham gia biểu hiện nghĩa miêu tả), liên ngữ (chuyên thực hiện chức năng nối kết các câu, các đoạn), phụ chú ngữ (thực hiện chức năng ghi chú thêm thông tin bổ sung). Định ngữ cũng không biểu hiện một vai nghĩa riêng biệt nào mà cùng với danh từ trung tâm của nó biểu hiện một vai nghĩa thống nhất. Trong những tình huống giao tiếp cụ thể, một hay một vài vai nghĩa trong cấu trúc vị từ- tham tố (kể cả các vai nghĩa là diễn tố) có thể không cần biểu hiện thành phần ngữ pháp trong câu, tuy rằng trong thực tế, các tham tố đó vẫn tham dự trong sự tình mà câu phản ánh. Đó chính là trường hợp của các dạng rút gọn (tỉnh lược) của câu. Ví dụ: - Cho em cái kẹo này! - Nấu cơm giùm chị nhé! - Đóng cửa giùm đi! Đây là những trường hợp trong hội thoại trực tiếp, người nói và người nghe đối mặt với nhau. Trong thực tế các vị từ “cho”, “nấu”, “đóng” đều bắt buộc phải có tham tố chủ thể hành động tác động, tuy nhiên trong ngữ cảnh giao tiếp trên, chúng có thể bị lược đi. Với tinh thần như vậy, trong luận văn này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến một số các vai nghĩa tương ứng với các thành phần: chủ ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, đề ngữ…. của câu. TIỂU KẾT Qua những nội dung trình bày trên, chúng tôi tóm lại một số điểm sau: - Vấn đề vai nghĩa là một vấn đề phức tạp được đã nghiên cứu theo nhiều quan điểm khác nhau. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chưa có sự thống nhất cao trong việc định nghĩa và miêu tả các vai nghĩa. Danh sách các vai nghĩa và tên gọi các vai nghĩa cho đến nay chưa có sự thống nhất ở các nhà nghiên cứu. Luận văn chọn cách hiểu vai nghĩa là “quan hệ ngữ nghĩa của ngữ danh từ đối với vị từ trong câu, là cách thức mà thực thể do ngữ danh từ biểu thị góp phần vào sự tình được câu diễn đạt” . - Khung vị ngữ bao gồm vị từ và các tham tố của vị từ. Các tham tố nêu đặc trưng bằng các chức năng nghĩa trong mối quan hệ với vị từ. Các tham tố chính là các vai nghĩa trong khung vị ngữ. Các vai nghĩa được khái quát thành hai loại: vai nghĩa bắt buộc (diễn tố) và vai nghĩa không bắt buộc (chu tố). - Cấu trúc cú pháp thuộc bình diện ngữ pháp. Trong cấu trúc cú pháp của câu, các từ ngữ diễn đạt các yếu tố của sự việc giữ các chức năng cú pháp. Các chức năng cú pháp được gọi là thành phần câu. Dựa vào tiêu chí ngữ nghĩa và hình thức, chúng tôi xác định một số thành phần câu được thống nhất ở các nhà nghiên cứu như: chủ ngữ, vị ngữ, đề ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ. Tuy nhiên, thành phần trạng ngữ và bổ ngữ là hai thành phần câu mà các nhà nghiên cứu còn nhiều tranh cãi và chưa có sự thống nhất cao. - Trong khung vị ngữ, vị từ là yếu tố quyết định sự xuất hiện của diễn tố và chu tố. Có những vị từ đơn trị (một diễn tố), có những vị từ song trị (hai diễn tố), cũng có những vị từ tam trị (ba diễn tố). - Cấu trúc vị từ- tham tố (hay vai nghĩa) của khung vị ngữ thuộc cấu trúc nghĩa biểu hiện và thuộc bình diện ngữ nghĩa. Các thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, đề ngữ …. thuộc bình diện ngữ pháp. Hai cấu trúc này có quan hệ với nhau. Khi được hiện thực hóa trong câu, một số vai nghĩa có thể tương ứng với các thành phần câu như : chủ ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, đề ngữ… Chương 2: MỘT SỐ VAI NGHĨA VỚI CHỨC NĂNG CÚ PHÁP CỦA NÓ TRONG CÂU TIẾNG VIỆT Khi được phản ánh vào câu thì vị từ và các vai nghĩa được người nói (người viết) cấu trúc hóa (tổ chức) theo các quan hệ ngữ pháp. Vị từ và các vai nghĩa sẽ được lựa chọn để đảm nhiệm các chức năng cú pháp khác nhau trong câu. Dưới đây chúng tôi khảo sát chức năng cú pháp của một số vai nghĩa: vai đối thể, vai tạo thể, vai nguồn, vai phương thức, vai vị trí- không gian. Những vai nghĩa được chọn khảo sát, chúng tôi thấy, về tên gọi, được hầu hết các nhà ngôn ngữ học tương đối thống nhất. Những tư liệu thực tế và kết quả nghiên cứu của các công trình đi trước đã cho thấy: các vai nghĩa như vai đối thể, vai tạo thể, vai nguồn, vai phương thức, vai vị trí- không gian có thể được cấu trúc hóa về mặt ngôn ngữ thành các thành phần ngữ pháp khác nhau trong câu như: bổ ngữ, chủ ngữ, đề ngữ, trạng ngữ. Về chức năng cú pháp, cũng có nhiều quan điểm cho rằng các chức năng cú pháp của câu chủ yếu là chức năng chủ ngữ, đề ngữ, trạng ngữ. Bổ ngữ là chức năng của các thành tố trong ngữ. Tuy nhiên, trong luận văn, chúng tôi khảo sát chức năng bổ ngữ vì nó ứng với khá nhiều vai nghĩa trong khung vị ngữ đặc biệt là những vai nghĩa đã khảo sát trong luận văn. Ở chương này, chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát và trình bày chức năng cú pháp của các vai nghĩa trong câu tiếng Việt. Khi xem xét các chức năng cú pháp của các vai nghĩa, luận văn chủ yếu đi khảo sát chức năng cú pháp của các vai nghĩa trên về các mặt: - Vị trí của của thành phần cú pháp mà vai nghĩa đảm nhận so với vị từ. - Cấu tạo của thành tố biểu thị vai nghĩa Sau đó, chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát trên ngữ liệu để đưa ra nhận xét về tỉ lệ các chức năng cú pháp mà từng vai nghĩa có thể đảm nhận. 2.1. Vai nghĩa đối thể (patient) Trong khung vị ngữ, đối thể là vai nghĩa bắt buộc tham gia vào cấu trúc nghĩa của câu. Vai nghĩa đối thể là loại diễn tố chịu sự quy định của các vị từ hành động chuyển tác ngoại động [+ động] và [+ chủ ý]. Cũng vì thế, chúng có quan hệ chặt chẽ với vị từ. Đối thể là vai nghĩa luôn có mặt trong các sự thể chỉ hành động chuyển tác. Và chỉ có sự xuất hiện của đối thể trong câu mới làm cho câu đầy đủ nội dung thông báo. Nhưng đây cũng là một vai nghĩa đa dạng, phong phú và dễ nhầm lẫn với các vai nghĩa khác khi nhận dạng. Vì đây là vai nghĩa được quy định bởi hành động chuyển tác nghĩa là một hành động có tác động đến một đối tượng, làm cho nó thay đổi trạng thái hoặc vị trí, làm cho nó bị hủy diệt, không còn tồn tại nữa, hoặc ngược lại, tạo ra một vật trước kia chưa có. Cũng chính vì sự phong phú và đa dạng được quy định của hành động chuyển tác ở vị từ mà vai nghĩa đối thể được các nhà nghiên cứu chia làm nhiều nhóm nhỏ và được các nhà nghiên cứu đặt tên bằng những vai nghĩa khác nhau. Ở luận văn này, chúng tôi dùng tên gọi đối thể (patient) với ý nghĩa “một người hay vật bị tác động” hay “cái đối tượng bị tác động” hay là “kẻ mà quá trình mở rộng tới” [Halliday, 1994: 110] [Dẫn theo 44: 62]. Có lẽ, cũng vì ý nghĩa này mà có tác giả đã gọi vai đối thể là “thụ nhân” [30: 131] hoặc “bị thể”. [28: 43] Trong quá trình khảo sát về vai nghĩa đối thể, chúng tôi nhận thấy vai nghĩa này có thể đảm nhận các chức năng cú pháp như bổ ngữ, chủ ngữ, đề ngữ. 2.1.1. Chức năng bổ ngữ Qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy chức năng bổ ngữ là chức năng thường xuyên, chủ yếu của vai nghĩa đối thể. Trong tổng số 350 ngữ liệu khảo sát về vai đối thể, chức năng bổ ngữ có 292 trường hợp, chiếm tỉ lệ 83% (xem bảng tổng hợp 2.1) 2.1.1.1. Vị trí của bổ ngữ đối thể Khi đóng vai trò là bổ ngữ trong câu, vai nghĩa đối thể thường có một vị trí tương đối ổn định là đứng sau vị từ. Ví dụ: (1) Thầy thơ lại rút chiếc hèo hoa ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om. [74: 109] (2) Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương. [74: 109] Ở những ví dụ (1), (2) các bổ ngữ đối thể chiếc hèo hoa, thái dương được đặt ngay sau các vị từ tác động rút, bóp. Chiếc hèo hoa, thái dương là đối tượng chịu tác động trực tiếp của hành động rút, bóp. Việc đặt các đối tượng bị tác động ngay sau vị từ là bắt buộc, nó có tác dụng bổ sung ý nghĩa cho sự tình, làm thay đổi vị trí của đối tượng hoặc tác động làm thay đổi một mặt nào đó của đối tượng. Trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu, đối thể đóng vai trò là diễn tố thứ hai. Qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy bổ ngữ đối thể hầu hết được đặt ngay sau vị từ . Do thường được đặt ngay sau vị từ nên bổ ngữ đối thể được gọi là bổ ngữ trực tiếp, ví dụ: (4) Hắn nhặt một hòn gạch toan đập đầu. [61: 68] (5) Ngoài ra, hắn còn khoác một khẩu cạc bin và một cái cúp cúp. [64: 51] Hầu hết các trường hợp bổ ngữ đối thể xuất hiện trực tiếp sau vị từ không cần giới từ. Theo tác giả Nguyễn Thị Quy [42], riêng với một số vị từ như đánh, phang, quất, dạy...thì trước bổ ngữ chỉ đối tượng bị tác động có giới từ “cho”. Ví dụ: (6) a. phang cho nó một vố. b. mắng cho thằng ấy một chầu. c. quất cho nó mấy roi. d. dạy cho chúng một bài học.[Dẫn theo 42: 178] Ở những ví dụ (6a, b, c, d), bổ ngữ đối thể nó, thằng ấy, chúng được xử lý như bổ ngữ nhận thể. Những trường hợp như ví dụ (6a, b, c, d) hầu hết xuất hiện trong khẩu ngữ hoặc những đoạn đối thoại. Khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy rất ít gặp những trường hợp này. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bổ ngữ đối thể được xử lý như bổ ngữ tiếp thể xuất hiện trong câu với vị từ tợp, thử ở những ví dụ sau: (7) Nó mới tợp cho chị ả một miếng nặng. [69: 72] (8) Giấy má gì đấy! Con mẹ đĩ Dậu? Đơn kiện phải không? Ừ! Được! Có giỏi thì đi kiện ngay ông đi! Ông thử cho mày thêm một trận nữa, để mày đi kiện luôn thể. [86: 55]. Ở ví dụ (8) câu “Ông thử cho mày thêm một trận nữa, để mày đi kiện luôn thể”. Vị từ thử trong văn cảnh thực ra có ý nghĩa là đánh và bổ ngữ đối thể mày được xử lý như bổ ngữ tiếp thể. Đối với trường hợp khung vị ngữ có nhiều bổ ngữ cùng đồng thời xuất hiện sau vị từ thì bổ ngữ đối thể vừa có khả năng đứng trước vừa có khả năng đứng sau các bổ ngữ khác (bổ ngữ tiếp thể, bổ ngữ lợi thể, bổ ngữ phương thức, bổ ngữ nguồn ..). Mặc dù tất cả các bổ ngữ đều nằm trong khung vị ngữ, nhưng việc đứng trước hay sau các bổ ngữ khác của bổ ngữ đối thể có thể do ngữ điệu, do tính chất dễ nghe của câu nói, hoặc do tiêu điểm của thông tin. + Trường hợp bổ ngữ đối thể xuất hiện sau bổ ngữ tiếp thể: Ví dụ: (9a) Liêu chết được hai ngày thì anh Thế về đưa cho Liêu một miếng giấy. [79: 158] Bổ ngữ đối thể một miếng giấy trong ví dụ (9a) không xuất hiện trực tiếp sau vị từ đưa mà xuất hiện sau bổ ngữ tiếp thể Liêu. Một miếng giấy là đối tượng đã bị dịch chuyển vị trí do hành động đưa. (10a) Họ sẽ gửi cho Điền những bức thư xinh xinh ướp nước hoa. [61: 264] Ở ví dụ (10a) bổ ngữ đối thể những bức thư xinh xinh ướp nước hoa xuất hiện sau bổ ngữ tiếp thể Điền có nghĩa là đối tượng những bức thư xinh xinh ướp nước hoa đã được dịch chuyển vị trí từ họ chuyển sang tiếp thể Điền. Như vậy, qua những ví dụ (9a), (10a) bổ ngữ đối thể xuất hiện với vị trí là diễn tố thứ ba, bị ngăn cách với vị từ bởi bổ ngữ tiếp thể. Hầu hết các bổ ngữ đối thể ở vị trí sau bổ ngữ tiếp thể đều chủ yếu xuất hiện trong câu có vị từ trao gửi như : cho, biếu, cống, trao, cấp, hiến, ban, bán, giao, chuyển, truyền, thí, bố thí, nộp, nhượng, phát chia, phân, gửi, tặng, dâng, thưởng, trả…Mặc dù bổ ngữ đối thể và bổ ngữ tiếp thể đều nằm ở phần thuyết- phần mang thông tin “mới”- của cấu trúc thông báo, nhưng tiêu điểm thông báo thường chỉ tập trung vào một loại bổ ngữ nào đó. Cho nên, nếu tiêu điểm thông báo là bổ ngữ đối thể, thì lúc đó, bổ ngữ đối thể thường xuất hiện ở vị trí sau bổ ngữ tiếp thể. [Dẫn theo 1: 113-114] Trọng tâm thông báo là một cơ sở để người nói sắp xếp trật tự các thành phần cú pháp. Ngoài ra, trật tự trước sau của các thành phần cú pháp còn do cách nhìn nhận và miêu tả sự tình của người nói. Vị trí của bổ ngữ đối thể một miếng giấy và những bức thư xinh xinh ướp nước hoa trong ví dụ (9a) và (10a) có thể đặt ngay sau vị từ hạt nhân đưa và gửi ở ví dụ (9b) và (10b): (9b) Liêu chết được hai ngày thì anh Thế về đưa một miếng giấy cho Liêu. (10b) Họ sẽ gửi những bức thư xinh xinh ướp nước hoa cho Điền. Rõ ràng cách nhìn nhận và miêu tả sự tình ở (9b) và (10b) đã có sự thay đổi và chúng ta có thể khẳng định rằng khi trật tự các bổ ngữ thay đổi thì không chỉ tiêu điểm thông báo của sự tình thay đổi mà ở đó còn là sự thay đổi về cách nhìn nhận và miêu tả sự tình. Theo tác giả Lâm Quang Đông [21:196], trật tự tác thể + tiếp thể + đối thể là trật tự bình thường, cơ bản nhất, phổ biến nhất đối với câu có vị từ trao tặng trong tiếng Việt. Trật tự này chiếm tới 60% trong số được khảo sát trong tiếng Việt khi danh ngữ thể hiện tác thể đứng đầu câu. Như vậy có nghĩa là trường hợp bổ ngữ đối thể bị ngăn cách vị từ bởi bổ ngữ tiếp thể chiếm số lượng cao trong câu tiếng Việt có vị từ trao tặng. Điều này còn được lý giải như sau: Thứ nhất là do lý do khối lượng (độ dài) của các danh ngữ thể hiện tiếp thể và đối thể: danh ngữ ngắn hơn được xếp trước, danh ngữ dài hơn được xếp sau trong trật tự tuyến tính của các thành phần câu. Ví dụ: (11) Sáng hôm sau, đồng chí Cận đem gửi cho Núp một gùi muối đầy, sáu cái rìu rựa, hai cây súng dài, một ảnh Bok Hồ, một lá cờ và một trăm cây kim… [79: 139] Bổ ngữ đối thể một gùi muối đầy, sáu cái rìu rựa, hai cây súng dài, một ảnh Bok Hồ, một lá cờ và một trăm cây kim.. ở ví dụ (11) là những danh ngữ có độ dài dài hơn bổ ngữ tiếp thể Núp nên thông thường ta thấy nó được đặt sau tiếp thể. Thứ hai, theo Lâm Quang Đông [21: 200, 201] cũng cần chú ý những nhân tố sau- những nhân tố cũng có tác động tới trật tự của các thành phần câu thể hiện các tham thể đó là tính bất định / xác định (indefinite/ definite) và/ hoặc tính cụ thể / không cụ thể (specific / non-specific) của các đối tượng tham gia sự tình cho/ tặng, đặc biệt là đối thể. Với đối thể, đặc trưng [+/- xác định] và/ hoặc [+/- cụ thể] quyết định mức độ tham gia sự tình của nó, và cuối cùng là quy định vị trí của nó trong cấu trúc cú pháp. Khi đối thể có đặc trưng [- xác định] và [- cụ thể], nó buộc phải đi liền với vị từ. Ví dụ: (12a) Cô đã lấy nước cho các cụ chưa? [dẫn theo 21: 201] Không thể nói: (12b) Cô đã lấy cho các cụ nước chưa? [dẫn theo 21: 201] Ngược lại khi đối thể có một trong hai đặc trưng [+ xác định] và [cụ thể] nó được tự do hơn về vị trí: nó có thể đứng trước hoặc sau tiếp thể. + Ngoài trường hợp bổ ngữ đối thể xuất hiện sau bổ ngữ tiếp thể, bổ ngữ đối thể còn có thể xuất hiện sau bổ ngữ người hưởng lợi. Ví dụ: (13) Chị Thủy luộc cho tôi con gà. (72-NHT) [Dẫn theo 1: 115] + Bổ ngữ đối thể còn có thể xuất hiện sau bổ ngữ đích, ví dụ: (14) Mẹ Sáu đem trải lên bộ ván gõ chiếc chiếu bông. [64: 41] + Bổ ngữ đối thể có thể xuất hiện sau bổ ngữ phương thức. Ví dụ: (15) Thằng Xăm cởi phanh áo. [64:52] Tóm lại, do mục đích thông báo, do sự nhìn nhận và miêu tả sự tình mà người nói có thể đặt của bổ ngữ đối thể so với vị từ hạt nhân ở những vị trí khác nhau. Qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy vị trí chủ yếu của bổ ngữ đối thể là xuất hiện trực tiếp sau vị từ hạt nhân. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bổ ngữ đối thể có thể xuất hiện sau các bổ ngữ khác như bổ ngữ tiếp thể, bổ ngữ người hưởng lợi, bổ ngữ nguồn, bổ ngữ vị trí hay hướng không gian của hành động. Tuy nhiên, vị trí của bổ ngữ đối thể sau các bổ ngữ khác không nhiều. 2.1.1.2. Cấu tạo của bổ ngữ đối thể Trong cấu trúc cú pháp của câu, hầu hết các trường hợp bổ ngữ đối thể được biểu hiện bằng một danh từ, danh ngữ hay một đại từ nhân xưng hồi chỉ làm bổ ngữ trực tiếp đặt sau vị từ, có nghĩa là bổ ngữ đối thể có quan hệ chặt chẽ với vị từ đến nỗi không cần dùng đến các quan hệ từ (hay giới từ). Ví dụ: (16) Tới cõng Thẩm nãy giờ mệt thở hồng hộc. [64: 91] (17) Anh Tám cầm tấm ảnh nhìn chăm chú. [64: 40] (18) Thậm chí bà Cà Xợi đã liệng vãi các thứ ấy ra sân, rồi bưng mặt khóc. [64: 59] Bổ ngữ đối thể Thẩm trong ví dụ (16) là một danh từ, còn ở ví dụ (17) bổ ngữ đối thể tấm ảnh và bổ ngữ đối thể các thứ ấy ở ví dụ (18) đều được cấu tạo là một danh ngữ đặt ngay sau vị từ cầm và liệng vãi. Qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy, khi cấu tạo là một đại từ nhân xưng hồi chỉ, loại bổ ngữ này có thể bị tỉnh lược. Những trường hợp này thường xuất hiện ở những đoạn hội thoại trực tiếp trong tác phẩm văn học hoặc trong giao tiếp hàng ngày. Ví dụ: (19) Anh Dậu tuy đón lấy bức văn tự, nhưng vì cánh tay bị sợi dây thừng ghì chặt quá, anh không thể đưa nó gần mắt mà coi (1). Chị Dậu lại phải cầm lấy Ø và chìa lên tận ngang mặt cho chồng lẩm nhẩm đánh vần Ø (2). [86: 50] Trong đoạn văn ở ví dụ (19), câu (1) đối thể bức văn tự ở vế đầu đã được thay thế bằng đại từ nó ở vế sau. Câu (2) đối thể bức văn tự đã hoàn toàn bị tỉnh lược. Khi bổ ngữ đối thể đứng sau những vị từ hành động như: phang, mắng, quất, dạy…thì bổ ngữ đối thể thường được xử lý như vai tiếp thể hoặc vai lợi thể và cấu tạo của bổ ngữ đối thể ở dạng này thường có cấu tạo là một đại từ hoặc danh từ đứng sau giới từ cho. Ví dụ: Dẫn lại ví dụ (6) a. phang cho nó một vố. b. mắng cho thằng ấy một chầu. c. quất cho nó mấy roi. d. dạy cho chúng một bài học. [Dẫn theo 42: 178] 2.1.2. Chức năng chủ ngữ Bổ ngữ là chức năng chủ yếu của vai nghĩa đối thể, còn chức năng chủ ngữ không phải là chức năng chính, chức năng cơ bản của vai nghĩa đối thể khi được ngữ pháp hóa trong câu. Vì vậy, khi khảo sát ngữ liệu, chức năng chủ ngữ của vai nghĩa đối thể chỉ có 28 trường hợp, chiếm 8% trong tổng số 350 ngữ liệu được khảo sát (xem bảng 2.1). Một điều thường thấy là chủ ngữ với nội dung ý nghĩa khái quát: thành phần câu nêu lên đối tượng thông báo của câu thường do các tham tố chủ thể đảm nhận. Vì vậy chủ ngữ đối thể nếu có xuất hiện trong câu thường chủ yếu ở những loại câu có nghĩa bị động. Ví dụ: (20) Ngày nay, hoa cúc vẫn được dùng để chữa bệnh. [Dẫn theo 25: 155] (21) Cây kim của Núp chuyền tay tất cả phụ nữ trong làng. [79: 62] (22) Pháp trường lập ở trong ấy kia. [75: 113] 2.1.2.1. Vị trí của chủ ngữ đối thể Với nội dung ý nghĩa khái quát là nêu lên đối tượng thông báo của câu nên vị trí phù hợp nhất của chủ ngữ là vị trí đứng trước vị ngữ của câu. Ví dụ: (23) Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỉ che lấp mất. [61: 16] (24a) Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. [61: 266] (25) Cái chết bị kìm lại trong một phút lại bắt đầu chuyển động. [61: 197] Xét ví dụ (23) và (25) đối thể cái bản tính tốt của người ta và cái chết đảm nhận chức vụ chủ ngữ được đặt ở vị trí đầu câu của loại câu có ý nghĩa bị động. Chủ ngữ thường xuất hiện trước vị ngữ là một động ngữ có mở đầu bằng vị từ bị, được. Riêng ở ví dụ (24a) cái sự thật tàn nhẫn đóng vai trò là chủ ngữ trong câu không có sự xuất hiện bị, được nhưng người đọc cũng có thể ngầm hiểu ý nghĩa của câu hoàn chỉnh là: (24b) Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn được bày ra đấy. Trong khung vị ngữ (24b) có đối thể cái sự thật tàn nhẫn đóng vai trò chủ ngữ còn tác thể không hiển lộ và người đọc cũng có thể hiểu tác thể ở đây được ngầm ẩn. Và trường hợp tác thể ngầm ẩn hay không hiển lộ cũng xuất hiện khá nhiều trong khung vị ngữ có đối thể đảm nhận chức năng chủ ngữ. Qua cứ liệu khảo sát, thành phần chủ ngữ đối thể không xuất hiện thường xuyên trong câu như bổ ngữ đối thể. Chủ ngữ đối thể chỉ xuất hiện khi người nói muốn nhấn mạnh vào đối tượng chịu sự tác động của hành động, muốn đặt trọng tâm thông báo về đối tượng chịu sự tác động lên đầu câu. Và những trường hợp như ở ví dụ (23), (24a,b), (25) vừa dẫn trên, theo Nguyễn Văn Lộc [35] là những trường hợp đối thể trong câu bị cải biến vị trí ở dạng bị động. Bởi cũng theo tác giả đây là dạng những kết tố đối thể tác động và chúng có những đặc điểm chung: - Về nội dung, kết tố đối thể tác động chỉ sự vật chịu sự tác động trực tiếp của hoạt động (tác động về mặt vật lý hay tâm lý). - Về hình thức, nét chung của kết tố đối thể tác động là có khả năng tham gia cải biến bị động. Cải biến bị động về thực chất, chính là cải biến của động từ tác động (động từ chủ động ngoại hướng) và các kết tố đối thể đặc trưng cho nó. Rõ ràng, nếu không có động từ tác động và kết tố đối thể tác động thì không thể có cải biến bị động. Vai trò quan trọng của cải biến bị động còn thể hiện ở chỗ đặc tính ngữ pháp của động từ và số lượng biến thể bị động có thể có. [35: 112]. Chẳng hạn các động từ được đặc trưng bởi một kết trị đối thể tác động kiểu như: ăn, đọc, viết, đánh, mắng, phá…. nói chung chỉ cho phép một biến thể bị động. Còn các động từ có hai kết trị đối thể tác động (ví dụ: trao, gửi, tặng,…) cũng thường cho phép tạo hai biến thể bị động. Ví dụ: So sánh: - (26a) Nó đập ghè rượu. [79: 29]  - (26b) Ghè rượu bị nó đập. - (27a) Núp đưa cái rựa cuối cùng cho Liêu. [79: 107] - (27b) Cái rựa cuối cùng được Núp đưa cho Liêu. Như vậy khả năng tham gia cải biến bị động của các vai nghĩa đối thể tác động không như nhau và phụ thuộc vào ý nghĩa của động từ hạt nhân và ý nghĩa của các vai nghĩa cụ thể. Nguyễn Văn Lộc [35] cho rằng: “Trong số các kiểu kết tố đối thể tác động, có khả năng tham gia cải biến bị động mạnh nhất là kết tố đối thể bên các động từ tác động tích cực (ăn, đánh, đốt, phá, giết, cắn, xé, chặt, cắt, vv…) Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy, cải biến bị động với các động từ tác động tích cực và các vai nghĩa đối thể đảm nhiệm chức năng chủ ngữ đặc trưng cho chúng rất phổ biến. Ví dụ: (28) Tôi đánh nó  Nó bị tôi đánh. (29) Chó cắn mẹ nó Mẹ nó bị chó cắn. (30) Chúng trói chặt Tnú  Tnú bị chúng trói chặt. Trường hợp chủ ngữ đối thể ở vị trí đầu câu, trước vị ngữ chủ yếu là những trường hợp cải biến vị trí bị động. Và sự hiện thực hóa khả năng cải biến bị động của vai nghĩa đối thể tác động cũng bộc lộ ở mức độ không như nhau mà phụ thuộc vào ý nghĩa tình thái của động từ hạt nhân. Do đó, vị trí đứng ở đầu câu của chủ ngữ đối thể khi được cải biến vị trí trong câu tiếng Việt không nhiều, nếu có là do mục đích thông báo hoặc do gắn với ý nghĩa

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVNNH025.pdf
Tài liệu liên quan