Lịch sử hình thành và phát triển các dòng họ tại Thành phố Đà Nẵng

Tài liệu Lịch sử hình thành và phát triển các dòng họ tại Thành phố Đà Nẵng: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 27 (52) - Thaùng 4/2017 3 Lịch sử hình thành và phát triển các dòng họ tại Thành phố Đà Nẵng The history of formation and development of families in Da Nang city PGS.TS. Lê Văn Tấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Le Van Tan, Assoc.Prof., Ph.D., Vietnam Academy of Social Sciences ThS. Tăng Chánh Tín, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng Tang Chanh Tin, M.A., University of Education and Training, Da Nang University Tóm tắt Trong tổng thể văn hóa của một quốc gia, dân tộc; dòng họ có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng. Không chỉ dừng lại ở một tập thể người cùng chung một dòng máu, một ông tổ; dòng họ đã trở thành một hạt nhân gắn kết chặt chẽ các thành viên, ẩn chứa sức mạnh to lớn về vật chất cũng như tinh thần. Trong mỗi dòng họ, vấn đề lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ được đặc biệt coi trọng. Sự hình thành, nguồn gốc, thành phần và sự phát triển của các dòng họ phản ánh sinh động lịch sử, vă...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 415 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lịch sử hình thành và phát triển các dòng họ tại Thành phố Đà Nẵng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 27 (52) - Thaùng 4/2017 3 Lịch sử hình thành và phát triển các dòng họ tại Thành phố Đà Nẵng The history of formation and development of families in Da Nang city PGS.TS. Lê Văn Tấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Le Van Tan, Assoc.Prof., Ph.D., Vietnam Academy of Social Sciences ThS. Tăng Chánh Tín, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng Tang Chanh Tin, M.A., University of Education and Training, Da Nang University Tóm tắt Trong tổng thể văn hóa của một quốc gia, dân tộc; dòng họ có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng. Không chỉ dừng lại ở một tập thể người cùng chung một dòng máu, một ông tổ; dòng họ đã trở thành một hạt nhân gắn kết chặt chẽ các thành viên, ẩn chứa sức mạnh to lớn về vật chất cũng như tinh thần. Trong mỗi dòng họ, vấn đề lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ được đặc biệt coi trọng. Sự hình thành, nguồn gốc, thành phần và sự phát triển của các dòng họ phản ánh sinh động lịch sử, văn hóa của dân tộc trong những giai đoạn đã qua. Chọn Đà Nẵng, thành phố biển miền Trung làm đối tượng khảo sát, bài viết sẽ tập trung khắc họa lịch sử hình thành và phát triển của các dòng họ tại Đà Nẵng để thấy được sự đa dạng và phong phú trong thành phần cư dân ở mảnh đất này. Từ khóa: dòng họ, văn hóa dòng họ, hình thành, phát triển, Đà Nẵng. Abstract In the overall culture of a nation or an ethnicity, family plays a very important role. Not only do a group of people share a bloodline or an ancestor but family has also formed a nucleus connecting members closely, hiding enormous strengths physically as well as spiritually. In each family, the history and development of family is highly valued. The formation, the origin, the composition and the development of family vividly reflected the history and culture of the nation in the past time. Choosing Da Nang, a central coastal city, as a research subject, the article will focus on depicting the history of formation and development of families in Da Nang in order to show the diversity and abundance of residential composition in this land. Keyword: family, family culture, formation, development, Da Nang. 1. Đặt vấn đề Lịch sử hơn 700 năm (kể từ mốc 1306) với tư cách là một phần lãnh thổ của Đại Việt đã tạo cho Đà Nẵng một bề dày văn hóa truyền thống, được kết tinh từ nhiều thành phần văn hóa độc đáo. Trong đó, dòng họ, văn hóa dòng họ được xem là một trong những thành tố đặc sắc của văn hóa Đà Nẵng. Dòng họ với những biểu hiện sinh động của nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân Đà Nẵng, góp LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC DÒNG HỌ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 4 phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, cố kết và tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Nghiên cứu về dòng họ ở Đà Nẵng dưới góc nhìn về lịch sử hình thành và phát triển sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử và văn hóa rất thú vị về mảnh đất “đầu biển cuối sông” này. 2. Những khái niệm về dòng họ Đối với mỗi người Việt Nam, khái niệm về dòng họ hẳn đã không còn xa lạ. Bởi lẽ, ngay từ khi được sinh ra, mỗi người trong chúng ta đều được sống, được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường của cộng đồng thân tộc. Dòng họ, dòng tộc đã trở thành những gì cao quý, thiêng liêng nhất khi nhớ về của mỗi người con nước Việt. Tuy vậy, để có được một định nghĩa đầy đủ, rõ ràng và khoa học về dòng họ thì không phải là điều dễ dàng. Các học giả, nhà nghiên cứu trong các công trình của mình đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về dòng họ. Trong Hán Việt từ điển giản yếu, học giả Đào Duy Anh đã giải thích “Tộc là họ, thân thuộc, loài”1. Hai tác giả Phillippe Papin và Olivier Tessier trong tác phẩm Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ đã đưa ra nhận định về dòng họ: “Theo định nghĩa, tộc hay dòng họ tập hợp toàn thể con cháu bên nội của cùng một ông tổ được thừa nhận”2. Nhà nghiên cứu Nguyễn Từ Chi lại nêu ra quan niệm: “Họ, quá lắm cũng chỉ có thể xem là một dạng đặc biệt của gia đình mở rộng, mà tác dụng chính đối với các thành viên của nó (tức là các gia đình nhỏ hợp thành nó) là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên huyết thống”3. Đỗ Trọng Am trong cuốn Văn hóa dòng họ Việt Nam cũng đã đưa ra một khái niệm về dòng họ như sau: “Dòng họ là tổ chức của những người có cùng huyết thống, cùng một ông tổ sinh ra, theo thời gian và theo hệ thống dọc, thường tụ họp quanh một ngôi từ đường và sinh sống gần gũi trong làng xã, thời gian càng dài thì chi nhánh càng phát triển, không chỉ hạn chế bởi phạm vi biên giới”4. GS Nguyễn Đình Chú trong một bài viết của mình cũng đã nhận định: “Dòng họ xuất hiện từ khi có hôn nhân và gia đình hạt nhân là một cặp vợ chồng theo quan hệ đực - cái. Gia đình từ bố mẹ mà có con cái. Từ con cái mà có cháu chắt, rồi chút chít mà thành dòng họ. Dòng họ theo thời gian phát triển ngày một đông đúc sẽ có sự phân chi phân phái”5. Trong số các định nghĩa về dòng họ, nhiều người đánh giá cao cách định nghĩa của Léopold Cadière, trong cuốn Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam: “Người Việt cho dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng thuộc về một họ, tức gia đình theo nghĩa rộng, tổ chức vững chắc, liên kết chặt chẽ bằng huyết thống, bằng những quyền lợi vật chất, bằng những niềm tin tôn giáo, bằng các mối dây luân lý của cộng đồng”6 Như vậy, ta có thể thấy rằng, việc đưa ra một định nghĩa chính xác, đầy đủ về dòng họ là không hề dễ dàng. Tùy mỗi cách tiếp cận, mỗi hướng nghiên cứu mà các học giả, nhà nghiên cứu đưa ra những quan điểm của mình về dòng họ. Trong đó, khái niệm mà Léopold Cadière đưa ra có sự thuyết phục cao nhất khi đã đưa ra những dấu hiệu nhận diện nổi bật của dòng họ là “huyết thống”, “quyền lợi vật chất”, “niềm tin tôn giáo” và “luân lý cộng LÊ VĂN TẤN – TĂNG CHÁNH TÍN 5 đồng”. Có thể nhận thấy, điểm chung nhất khi đề cập đến một dòng họ đó là có chung huyết thống và cùng chung một ông tổ. 3. Quá trình hình thành và phát triển các dòng họ tại Đà Nẵng 3.1. Sự hình thành và phát triển các dòng họ Hiện nay, tại Đà Nẵng, vẫn chưa có một thống kê chính thức về số lượng các dòng họ tại nơi đây. Tuy vậy, theo sự phát triển của thời gian cũng như phong trào phục hưng văn hóa dòng họ đang diễn ra mạnh mẽ thì số lượng ở nơi đây cũng lên đến hàng trăm dòng họ. Mỗi một dòng họ ở Đà Nẵng đều có lịch sử hình thành, nguồn gốc và quá trình phát triển khác nhau, phản ánh sinh động quá trình lập làng, mở ấp của tiền nhân. Có thể nói, trải qua một thời gian dài đầy bất ổn kể từ sau mốc thời gian 1306, khi Huyền Trân công chúa về làm dâu xứ Chiêm Thành để đổi lại sính lễ là Châu Ô và Châu Lý (sau đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu). Đến đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), vùng đất biên viễn phương nam của nước ta mới dần đi vào ổn định. Nước ta được chia thành 12 đạo thừa tuyên. Trong đó có “đạo thừa tuyên Thuận Hóa gồm 02 phủ là Triệu Phong và Tân Bình. Vùng đất Đà Nẵng lúc bấy giờ thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong với 12 tổng và 96 xã”7. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh đem quân “Bình Chiêm”, lập ra đạo thừa tuyên thứ 13 Quảng Nam. Để kịp thời vỗ yên bờ cõi, mở mang làng xã, vua Lê Thánh Tông đã thực hiện chính sách “Tòng chinh lập nghiệp”, cho nhân dân từ các miền phía Bắc Thuận Quảng, chủ yếu từ đồng bằng Thanh - Nghệ vào khai phá, lập làng dựng ấp. Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú trong bài viết “Lịch sử hình thành các dòng họ Quảng Nam” đã nhận định: “cuộc di dân của người Việt vào vùng Nam Hải Vân là không phải kéo dài 700 năm suốt từ thời nhà Lý đến thời các vua Nguyễn mà có thể chia làm mấy giai đoạn chính: Từ 1306 đến 1402 là sự ổn định của vùng Bắc Hải Vân. Từ 1402 đến 1407 là 5 năm của những cuộc di dân đầu tiên được tổ chức quy mô, cẩn thận, nghiêm khắc và cương quyết dưới sự chỉ đạo của triều đình nhà Hồ Từ 1471 đến 1671 là 200 năm của những cuộc di dân ồ ạt, tổ chức có, bắt buộc có, tù đày có, lính thú ở lại có, di dân tự phát có, tù binh có, ngoại kiều có Mãi đến thời Tây Sơn và vua Nguyễn các di dân mới trở lại với số lượng không đáng kể”8. Từ nhận định trên, có thể thấy rằng, lịch sử các dòng họ Quảng Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng gắn liền với lịch sử di dân và định cư của người Việt về phương Nam, đặt trong mối quan hệ giao lưu, tiếp biến với các dân tộc bản địa, tiêu biểu là người Chăm. Chính lịch sử có nhiều biến động của vùng đất này đã tạo cho lịch sử các dòng họ ở đây có những khác biệt về thời gian xuất hiện, về nguồn gốc cũng như quá trình phát triển của các dòng họ. Theo nghiên cứu tại thành phố Đà Nẵng, nhiều dòng họ ở đây có lịch sử khá lâu đời. Trong đó, tộc Phan làng Đà Sơn, thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng được xem là dòng họ lâu đời nhất ở xứ Quảng. Đà Sơn là một trong những làng được thành lập sớm ở Hóa Châu. Ông Phan Công Thiên, sinh năm 1318 (đời vua Trần Minh Tông) LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC DÒNG HỌ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 6 là phò mã vua Trần (lấy công chúa Trần Ngọc Lãng) là tiền hiền thành lập làng Đà Sơn. Năm 1346, ông nhận chức “Đô chỉ huy suy thập tam châu kinh lược chiêu dụ xử trí Xứ”, tức “người trông coi mười ba châu” thuộc phía Nam chân đèo Hải Vân và nhận lệnh vua Trần vào dựng làng lập chợ, ổn định đời sống nhân dân vùng đất mới Hóa Châu. Điểm dừng chân đầu tiên của ông Phan Công Thiên thuộc động Trà Ngâm, xứ Trà Na (nay là làng Đà Sơn, Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Đi cùng với ông Phan Công Thiên trong thời gian này còn có các tộc họ: Nguyễn, Kiều, Đỗ. Đây được xem là 4 tộc họ tiền hiền của làng. Ban đầu các tộc họ tiền hiền này cộng cư với người Chăm bản địa khai khẩn vùng đất dưới chân núi Phước Tường (đất làng Đà Sơn ngày nay). Từ đây, diện tích của làng không ngừng được mở rộng, bao gồm một vùng rộng lớn từ sát sông Cu Đê vào đến Cẩm Lệ ngày nay thuộc động Trà Ngâm, xứ Trà Na trước kia. Sau những bước chân đầu tiên của ông Phan Công Thiên vào khai phá làng Đà Sơn những năm nửa đầu thế kỷ XIV, đến nửa sau thế kỷ XV, nhất là sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, nhiều dòng họ từ phía Bắc đã di cư vào phương Nam để làm ăn sinh sống. Từ đó, mảnh đất Đà Nẵng đã được nhiều dòng họ chọn làm điểm dừng chân. Nhiều dòng họ đến đây thời kỳ này được tôn làm tiền hiền của các làng. Như tộc Huỳnh tiền hiền làng Thạc Gián (quận Thanh Khê), tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn tiền hiền làng Bồ Bản (huyện Hòa Vang), tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê tiền hiền làng Túy Loan (huyện Hòa Vang), tộc Trần, Lê, Nguyễn, Đỗ, Ngô, Huỳnh tiền hiền làng An Hải (quận Sơn Trà) Tiếp đó, dưới thời các chúa Nguyễn, những cư dân từ phía bắc tiếp tục theo những đoàn lưu dân vào Nam. Công cuộc mở rộng bờ cõi của Nguyễn Hoàng vào thế kỷ XVI và sự kiện triều đình nhà Nguyễn chính thức được thành lập đầu thế kỷ XIX đã khiến dòng người di dân vào vùng đất Thuận Quảng ngày càng nhiều. Nhiều dòng họ đã dừng chân lập làng tại Đà Nẵng quần tụ hình thành những làng ấp trù phú. Điển hình như năm 1605, ông Nguyễn Huyền lập nên làng Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu); năm 1621, ông Hồ Văn Oai cùng gia đình dừng chân lập làng tại làng Thanh Khê (quận Thanh Khê); năm 1643, ông Văn Đức lập nên làng Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) Tiếp đó, dưới thời Tây Sơn và nhà Nguyễn sau này, một số dòng họ cũng đến Đà Nẵng lập nghiệp và lập nên các làng như Đại La (huyện Hòa Vang), Trung Lương (quận Cẩm Lệ) Như vậy, có thể khẳng định, phần lớn các dòng họ gốc Việt ở thành phố Đà Nẵng có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình khai hoang, lập làng, mở rộng lãnh thổ về phía Nam của người Việt. Bên cạnh đó, vùng đất Đà Nẵng trước khi có mặt của người Việt chính là địa bàn sinh sống của người Chăm, chủ nhân của vương quốc Chămpa hùng mạnh trong lịch sử. Chính vì vậy, trên địa bàn Đà Nẵng, còn có một dòng họ rất đặc biệt, dòng họ này tự nhận mình có nguồn gốc Chăm, có lịch sử lâu đời nhất trong các dòng họ tại đây, đó là dòng họ Ông làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). LÊ VĂN TẤN – TĂNG CHÁNH TÍN 7 Theo lời kể của cụ Ông Ích Trưng, Trưởng ban đại diện hội đồng gia tộc họ Ông thì họ Ông có nguồn gốc Chăm. Năm 1069, nhà Lý đánh Chămpa và bắt người họ Ông mang ra ngoài Bắc. Vua Lý thấy người này có nghề dạy voi nên phong cho chức Quản tượng và cho sinh sống ở núi Voi, Hà Bắc, đổi họ thành Lý Trai, đây được xem là thủy tổ của dòng họ Ông ở ngoài Bắc. Người này lấy vợ và sinh được 8 người con, trong đó có một người đi sang Lào, về sau đi vào vùng Phan Rang Tháp Chàm và sinh con đẻ cái. Trong số đó, một người con là Ung (Ông) Văn Lào đã trở lại làng Phong Lệ cùng với các họ Phan, Phùng khai khẩn lập nên làng Phong Lệ. Ngài Ung (Ông) Văn Lào được xem là thủy tổ của dòng họ Ông làng Phong Lệ. Các ngài Ung (Ông) Văn Lào, Phan Công Nhâm và Phùng Văn Mươi được triều đình sắc phong là Tam Vị tiền hiền của làng Phong Lệ. Trải qua thời gian dài, người họ Ông làng Phong Lệ đã sinh sống hòa hợp, kết hôn với các dòng họ khác trong làng và dần dần Việt hóa, nhiều người họ Ông khi được hỏi luôn cho mình là người Kinh mà đã quên đi gốc gác Chăm. Trong suốt quá trình định cư, các vị thủy tổ của các dòng họ ở quận Đà Nẵng đã gặp không ít khó khăn, nhưng với bản lĩnh của những người đi đầu, họ đã vượt qua tất cả và tạo lập nền tảng vững chắc cho con cháu đời sau. Từ những bước chân đầu tiên của tiền nhân, đến nay, hầu hết các dòng họ tại Đà Nẵng đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Hiện nay, các dòng họ ở Đà Nẵng đã phát triển với nhiều đời, nhiều chi phái tính từ vị Đệ nhất thủy tổ. Cụ thể như tộc Nguyễn Hữu làng Hòa An (quận Cẩm Lệ) đã trải quan hơn 500 năm lịch sử. Tính từ khi 04 anh em vị thủy tổ gồm Nguyễn Hữu Hồ, Nguyễn Hữu Hải, Nguyễn Hữu Thanh, Nguyễn Hữu Châu vào lập làng thời Lê Thánh Tông đến nay đã đến 17 đời, 02 phái và 05 chi với hơn 160 hộ. Sau khi người anh cả Nguyễn Hữu Hồ dừng chân lập làng tại Hòa An, 03 người em tiếp tục cuộc hành trình về Nam. Trong đó, ngài Nguyễn Hữu Hải đến định cư tại huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, lập nên một nhánh Nguyễn Hữu tại đây. Còn 02 người em còn lại không rõ đi đâu. Với tộc Ông làng Phong Lệ (Hòa Thọ Đông), tính từ vị thủy tổ Ung (Ông) Văn Lào đến nay đã được 21 đời với 03 phái và 10 chi. Đa số con cháu họ Ông đều quần tụ, sinh sống tại làng Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Tộc Lê tại Đà Nẵng có tổ đình tại làng Mân Thái (quận Sơn Trà) vốn là hậu duệ đời thứ 15 của dòng dõi vua Lê. Đến đời thứ 16 ông Lê Hào đã sinh hạ được 09 người con. 9 người con này trở thành thủy tổ của các dòng họ Lê ở các địa phương như họ Lê ở Gia Lộc, Hà Lộc (Điện Bàn, Quảng Nam), họ Lê ở Mân Thái, Nại Hiên Đông, Mỹ Thị (quận Sơn Trà), họ Lê ở Thanh Khê, Hà Khê (quận Thanh Khê), họ Lê ở Nam Ô (quận Liên Chiểu) và đặc biệt là một nhánh họ Lê tại Phan Thiết Bình Thuận. Ngoài ra các dòng họ Đàm, Đinh, Đặng Ngọc, Phạm đều có tổ đình tại Đà Nẵng thờ phụng bậc thủy tổ khai sinh ra dòng họ trên mảnh đất này. Hiện nay, đa số con cháu của các dòng họ đều cư trú trên mảnh đất tiền nhân đã chọn. Tuy nhiên, LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC DÒNG HỌ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 8 qua thời gian, chiến tranh cùng bao biến thiên của lịch sử, hiện nay, nhiều con cháu đã làm việc, công tác tại nhiều địa phương ở trong lẫn ngoài nước. Mặc dù cư trú ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay nước ngoài, những người con vẫn không nguôi nhớ về cội nguồn dòng họ của mình. Văn hóa dòng họ với tất cả những giá trị cao quý, thân thương nhất là sợi dây vô hình ràng buộc họ với quê hương, như chính lời dạy mà tộc họ nào cũng trang trọng đặt ở ngôi từ đường “Mộc hữu bản, thủy hữu nguyên” (Sông có cội, nước có nguồn). 3.2. Nguồn gốc của các dòng họ Về nguồn gốc của các dòng họ, có thể nói, những lớp cư dân “Bắc địa tùng vương” cuối thế kỷ XV đến Đà Nẵng bao gồm nhiều dòng họ khác nhau trên đất Bắc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuyên thì: “Xét về thành phần, có thể thấy một số họ là quan lại, tướng tá, binh sĩ đã từng tham gia “bình Chiêm phạt Lỗ”, được lệnh ở lại và đưa vợ con vào lập nghiệp; nhưng đông hơn cả vẫn là dân nghèo quê đất Bắc. Một bộ phận khác là người Chăm ở lại làm ăn thuận hòa với những lưu dân Việt mới đến. Ngoài ra, còn phải kể đến những người bị tù tội phải lưu đày”9. Trong Luận án Phó Tiến sĩ khoa học lịch sử Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, tác giả Huỳnh Công Bá cho rằng: “những lưu dân đến Bắc Quảng Nam thời Lê Thánh Tông chủ yếu thuộc các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Cao Bằng, chính Nghệ An có người di cư đến Quảng Nam dưới thời Lê Thánh Tông nhiều nhất”10. Qua nghiên cứu thực địa tại Đà Nẵng, thấy rằng, nguồn gốc của các dòng họ tại đây chủ yếu xuất phát từ miền Bắc. Tộc Nguyễn Hữu làng Hòa An (quận Cẩm Lệ) trong gia phả có ghi nguồn gốc từ làng Hòa An, huyện Chơn Phước, phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An. Trong gia phả tộc Nguyễn Hữu có ghi lại: “Các cụ cao thỉ tổ chúng ta đã từng đạp bao gian lao, vượt suối trèo đèo, dầm mưa dải nắng đến đây khai phá rừng rậm, san gò nổng thành bình địa phì nhiêu, chiêu dân lập ấp sáng lập nên làng Hòa An”11 Một số khác có nguồn gốc đồng bằng Bắc Bộ như tộc Đàm làng Mỹ Khê (quận Sơn Trà) có nguồn gốc làng Me, Hương Mạc, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ngoài ra, tộc Nguyễn làng Hải Châu (quận Hải Châu) xuất phát từ thôn Hiếu Hiền, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnhThanh Hóa; tộc Văn làng Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) có nguồn gốc từ làng Gốm, huyện Hải Hưng, tỉnh Hải Dương; tộc Hồ làng Thanh Khê (quận Thanh Khê) có nguồn gốc xã Phước Châu, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, tỉnh Hà Tĩnh.... Tại từ đường tộc Nguyễn Hữu làng Hòa An, quận Cẩm Lệ còn ghi lại 02 câu đối chữ Hán về nguồn gốc của dòng họ mình: “Hệ xuất trần lưu kỷ bá tải, cơ đồ tại Bắc Điển lâm hòa thổ thập dư truyền, doanh nghiệp du Nam” Bên cạnh những dòng họ có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thì trên địa bàn Đà Nẵng, cũng có một số dòng họ xuất phát từ phía Nam hoặc từ các địa phương khác trong tỉnh. Điển hình như dòng họ Thái làng Nghi An (quận Cẩm Lệ) có nguồn gốc từ xã Thanh Lộc, tổng Phong Hạ, huyện Phù Ly, tỉnh Bình Định. Dòng LÊ VĂN TẤN – TĂNG CHÁNH TÍN 9 họ Lê làng Liêm Lạc (quận Cẩm Lệ) thì có nguồn gốc từ Chợ Được, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. 3.3. Xuất thân và thành phần xã hội của thủy tổ các dòng họ Xuất thân và thành phần xã hội của những vị thủy tổ của các tộc họ tại Đà Nẵng khác nhau do lý do, mục đích của họ khi đến vùng đất này khác nhau. Họ có thể là những người nông dân dân nghèo, hưởng ứng công cuộc mở rộng lãnh thổ về Nam của triều đình, theo lời kêu gọi mà gồng gánh gia đình vào vùng đất mới mong có cơ hội đổi đời. Họ cũng có thể là những quan lại, tướng lĩnh theo lệnh vua ban vào vùng đất mới để chiêu dân lập ấp. Thực tế tại Đà Nẵng, thủy tổ của các dòng họ có xuất thân rất khác nhau. Thủy tổ tộc Phan Hữu ở làng Cẩm Bắc (quận Cẩm Lệ) là ngài Phan Hữu Quơn xuất thân từ một võ quan thời nhà Lê. Thủy tổ tộc Đàm làng Mỹ Khê (quận Sơn Trà) là ngài Đàm Văn Độn, thủy tổ tộc Nguyễn Hữu làng Hòa An (quận Cẩm Lệ) là ngài Nguyễn Hữu Hồ xuất thân từ những nông dân theo đoàn lưu dân từ phía bắc vào khai phá lập làng. Bên cạnh những dòng họ gốc Việt, từ phía Bắc vào; tại Đà Nẵng, chúng ta sẽ không khó khi bắt gặp những dòng họ vốn tự nhận mình có gốc Chăm như họ Ông làng Phong Lệ (quận Cẩm Lệ), họ Trà làng Hòa Phú (quận Liên Chiểu) Trong quá trình phát triển, những dòng họ này đã có sự giao lưu và gắn bó chặt chẽ với các dòng họ người Việt qua nhiều thế hệ. Mặc dù xuất thân từ những thành phần khác nhau, ra đi từ những làng quê khác nhau nhưng các vị thủy tổ của các dòng họ ở Đà Nẵng đều ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát triển nòi giống, chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống. Công lao “gieo hạt” từ buổi đầu khó khăn, gian khổ ấy của các vị luôn được con cháu đời sau ngưỡng vọng, tôn thờ. 4. Thay lời kết Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của dòng họ trong bất cứ thời đại nào của lịch sử. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề dòng họ và văn hóa dòng họ lại càng phải được xem trọng, tôn vinh. Việc nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ tại Đà Nẵng cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, khoa học. Cần có sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu bên cạnh các dòng họ để góp phần xây dựng bức tranh tổng thể về các dòng họ tại Đà Nẵng, làm rõ nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của dòng họ, văn hóa dòng họ tại Đà Nẵng. Đó là trách nhiệm, là món nợ của hậu thế trước các bậc tiền nhân. Chú thích: 1 Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2009, tr.603. 2 Phillippe Papin và Olivier Tessier (chủ biên), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, Nxb TT KHXH&NVQG, Hà Nội, 2002, tr.343. 3 Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa & tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003, tr.253. 4 Đỗ Trọng Am, Văn hóa dòng họ Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2011, tr.30. 5 Nguyễn Đình Chú, Dòng họ và vai trò của văn hóa dòng họ trong đời sống văn hóa dân tộc. Trong sách Văn hóa gia đình, dòng họ và gia phả Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr.14. 6 Léopold Cadière, Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2006 tr.241, 242. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC DÒNG HỌ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 10 7 Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.93. 8 Hồ Trung Tú, Lịch sử hình thành các dòng họ Quảng Nam, trên trang xuquang.com, 26.08.2006. 9 Nguyễn Xuyên, Thân tộc với vùng đất Quảng Nam, trên trang hothan.org, 15.06.2010. 10 Huỳnh Công Bá, Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, Luận án Phó Tiến sĩ khoa học lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, 1996, tr.63. 11 Gia phả tộc Nguyễn Hữu, làng Hòa An, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, 1998, tr.2. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Dương Văn An (1997), Ô Châu cận lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. Phan Đại Doãn (2004), Mấy vấn đề về văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 3. Võ Văn Hòe (2010), Tập tục xứ Quảng theo một vòng đời, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 4. Dương Trung Quốc (2001), Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 5. Hồ Trung Tú (2015), Có 500 năm như thế - Bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kỳ lịch sử, Nxb Đà Nẵng. Ngày nhận bài: 17/3/2017 Biên tập xong: 15/4/2017 Duyệt đăng: 20/4/2017

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf85_8738_2215137.pdf
Tài liệu liên quan