Tài liệu Lập trường thay đổi của Mỹ về “vấn đề Campuchia” giai đoạn 1985 – 1991: Nguyễn Ngọc Dung... Lập trường thay đổi của Mỹ về “vấn đề Campuchia”....
74
LẬP TRƯỜNG THAY ĐỔI CỦA MỸ VỀ
“VẤN ĐỀ CAMPUCHIA” GIAI ĐOẠN 1985 – 1991
Nguyễn Ngọc Dung(1), Trần Đình Tư(1)
(1) Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-HCM)
Ngày nhận bài: 15/8/2018; Ngày gửi phản biện 20/8/2018; Chấp nhận đăng 30/11/2018
Email: nndung@vnuhcm.edu.vn
Tóm tắt
Cuộc khủng hoảng ở Campuchia (1979-1991) được biết đến dưới thuật ngữ chính trị
quốc tế - “Vấn đề Campuchia”, được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong
quan hệ quốc tế hiện đại ở khu vực Đông Nam Á; kéo theo sự dính líu, can thiệp của nhiều
quốc gia và lực lượng quốc tế, trong đó có Mỹ. Trên cơ sở hệ thống hóa những quan điểm, thái
độ và hành vi của Mỹ đối với các phe phái chính trị Campuchia trong cuộc xung đột, dưới tác
động của cuộc Chiến tranh lạnh, bài viết tập trung phân tích sự thay đổi về lập trường và thái
độ của Mỹ khi tham dự vào cuộc khủng hoảng ở Campuchia từ 1985 đến 1991;...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 432 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lập trường thay đổi của Mỹ về “vấn đề Campuchia” giai đoạn 1985 – 1991, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyễn Ngọc Dung... Lập trường thay đổi của Mỹ về “vấn đề Campuchia”....
74
LẬP TRƯỜNG THAY ĐỔI CỦA MỸ VỀ
“VẤN ĐỀ CAMPUCHIA” GIAI ĐOẠN 1985 – 1991
Nguyễn Ngọc Dung(1), Trần Đình Tư(1)
(1) Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-HCM)
Ngày nhận bài: 15/8/2018; Ngày gửi phản biện 20/8/2018; Chấp nhận đăng 30/11/2018
Email: nndung@vnuhcm.edu.vn
Tóm tắt
Cuộc khủng hoảng ở Campuchia (1979-1991) được biết đến dưới thuật ngữ chính trị
quốc tế - “Vấn đề Campuchia”, được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong
quan hệ quốc tế hiện đại ở khu vực Đông Nam Á; kéo theo sự dính líu, can thiệp của nhiều
quốc gia và lực lượng quốc tế, trong đó có Mỹ. Trên cơ sở hệ thống hóa những quan điểm, thái
độ và hành vi của Mỹ đối với các phe phái chính trị Campuchia trong cuộc xung đột, dưới tác
động của cuộc Chiến tranh lạnh, bài viết tập trung phân tích sự thay đổi về lập trường và thái
độ của Mỹ khi tham dự vào cuộc khủng hoảng ở Campuchia từ 1985 đến 1991; tức là giai đoạn
Mỹ chuyển mức độ từ lập trường chính trị thực dụng cứng rắn mang sắc thái “trả thù” các đối
thủ cộng sản, sang mức độ mềm dẻo thỏa hiệp hơn với các nước lớn, nhằm dàn xếp “vấn đề
Campuchia” có lợi cho phía Mỹ và phương Tây.
Từ khóa: vấn đề Campuchia, Khmer Đỏ, lập trường, Mỹ, Đông Nam Á
Abstract
THE U.S ALTERNATIVE POSITION ON “CAMBODIAN PROBLEM”, 1985 - 1991
Cambodia crise (1979 – 1991) which usually has been known under an International
political term as “Cambodian problem” is regarded as one of the most international contemporary
events in Southeast Asia; and engages many countries, International organizations, not except the
U.S. Going through the U.S point of views, atitutes and behaviours forwards Cambodian political
factions in this crise, under Cold war context, the paper focuses on analyzing alternative position,
atitutes and behaviours of the U.S government at the time they participate in Cambodian crise, for
1985 – 1991; namely, the period the U.S changes a level from rigid realpolitics position, colouring
“vengeance” against their communist rivals to a level of more flexible and compromising for the
great powers in order to arrange “Cambodian problem”, for the sake of the U.S and Western
profits.
1. Đặt vấn đề
Sau 1975, Mỹ khá “lơ là” với khu vực Đông Nam Á. Nhưng do những biến cố lớn ở châu
Á, như cải cách mở cửa ở Trung Quốc (1978), Liên Xô đưa quân vào Apganistan (1979), xung
đột tại Campuchia (từ 1977), chiến tranh biên giới Trung - Việt (1979), đã khiến chính quyền
Carter xem xét lại chính sách Đông Nam Á của họ. Washington bắt đầu tham gia vào tiến trình
giải quyết “vấn đề Campuchia” như là trách nhiệm của một cường quốc trong các vấn đề của
thế giới chứ không phải là do các cam kết của họ đối với Campuchia và các đồng minh ở khu
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 4(39)-2018
75
vực này. Vì thế, lập trường, thái độ cũng như sự can dự vào “Vấn đề Campuchia” của Mỹ là có
mức độ; và tùy thuộc rất nhiều vào cân bằng lực lượng trong tam giác chiến lược Mỹ - Xô -
Trung. Vậy thì lập trường và thái độ của Mỹ đã thay đổi thế nào khi tham dự vào cuộc khủng
hoảng ở Campuchia? Rõ nhất giai đoạn 1985-1991, tức là giai đoạn Mỹ chuyển từ lập trường
chính trị thực dụng (realpolitics) cứng rắn mang sắc thái “trả thù” (vengeance) các đối thủ cộng
sản, sang lập trường chính trị thực dụng nhưng ôn hòa, thỏa hiệp hơn trong quan hệ với các
nước lớn, nhằm dàn xếp “Vấn đề Campuchia” có lợi cho phía Mỹ và phương Tây.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Lập trường, thái độ của Mỹ có tác động quan trọng, góp phần quyết định đến tiến trình
giải quyết “vấn đề Campuchia”. Tuy nhiên, những công trình được công bố trong thời gian qua,
kể cả trong nước và nước ngoài, còn ít quan tâm đến vấn đề này. Hơn nữa, sự nhìn nhận và
đánh giá của nhiều học giả hay chính khách về cái gọi là “Vấn đề Campuchia” và vai trò của
Mỹ có nhiều khác biệt. Ở trong nước, những công trình ít nhiều đề cập đến cuộc xung đột ở
Campuchia vốn mang tính quốc tế và khu vực sâu sắc, là những tác phẩm về lịch sử ngoại giao
Việt Nam. Có thể nhắc đến một số công trình tiêu biểu như Vũ Dương Huân (2002), Lưu Văn
Lợi (2004), Lê Phụng Hoàng (2008). Ngoài ra còn một số đề tài khoa học được Bộ Quốc phòng
thực hiện liên quan đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ
quốc tế ở Campuchia của Quân khu 7, hoạt động quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia
(1979-1989) Ở nước ngoài, cũng chỉ xuất hiện những công trình nghiên cứu chung về cuộc
khủng hoảng Campuchia hay quan hệ quốc tế xung quanh cuộc khủng hoảng này. Đó là một số
sách chuyên khảo, tài liệu do học giả hay trung tâm nghiên cứu của viện, trường đại học ấn
hành. Một số công trình quan trọng có thể kể đến như Nayan Chanda (1986); Jonh D. Ciorciari
(2006); Documentation Center of Cambodia (2007); Norodom Sihanouk (2003); Granto
Ivanxơ - Kenvin Râulây (1984), Harish C.Mehta - Julie B. Mehta (2008), Nhân tố Mỹ trong
cuộc xung đột Campuchia ở hầu hết các công trình này chưa được đặt ra như một đối tượng
nghiên cứu độc lập. Hiếm hoi, nhưng chắc chắn là có một tác phẩm đề cập đến lập trưởng thái
độ của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Campuchia; đó là Christopher Brady (1999), nhờ công
trình này phân tích trực tiếp chính sách của Mỹ đối với Campuchia giai đoạn 1977-1992, nhưng
lại thiên về khía cạnh xây dựng chính sách (making policy). Để phản ánh khách quan, chân
thực lập trường, thái độ của Mỹ trong cuộc xung đột ở Campuchia từ khía cạnh quốc tế, bài viết
chú ý đến bối cảnh, cục diện quốc tế; nhất là cấu trúc 3 tầng của cuộc xung đột. Vì vậy, phương
pháp hệ thống - cấu trúc được sử dụng để thấy rõ sự tương tác giữa các nhân tố quốc tế liên
quan. Mặt khác, phương pháp phân kỳ lịch sử tạo ra một khung không - thời gian để xem xét sự
thay đổi lập trường của Mỹ trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Lập trường của Mỹ về “Vấn đề Campuchia” trước 1985
Mỹ coi việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia là “hành động xâm lược”; sự hiện diện
quân đội Việt Nam ở Campuchia có thể gây đe dọa cho Thái Lan. Nếu Việt Nam thành công tại
Campuchia sẽ làm giảm uy tín của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực. Vì vậy, mục tiêu
của Mỹ là buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, xây dựng một nước Campuchia trung lập.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Rechard. Holbrooke khẳng định: “Vấn đề trung tâm trong chính sách
Nguyễn Ngọc Dung... Lập trường thay đổi của Mỹ về “vấn đề Campuchia”....
76
đối với Việt Nam của Mỹ là việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia; và đó là lý do chúng ta và
ASEAN hoàn toàn nhất trí với nhau biện pháp hành động có hiệu quả nhất nhằm làm cho Hà
Nội phải rút quân khỏi Campuchia... Chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình cô lập Hà Nội về mặt ngoại
giao, gây sức ép kinh tế cho đến khi nào Hà Nội sẵm sàng đáp ứng...” (Far Eastern Economic
Review, 1979). Thực ra, Mỹ không ưa gì chế độ Khmer Đỏ, xem đó là “một trong những chế
độ vi phạm nhân quyền tệ hại nhất trong lịch sử” nhưng do mục tiêu chính trị, Mỹ vẫn ủng hộ
chế độ này như là “vấn đề nguyên tắc” và không thừa nhận CHND Campuchia vì coi đó là
chính phủ “bù nhìn” của Việt Nam (Christopher Brady, 1999).
Sự tính toán của Mỹ trong cuộc xung đột ở Campuchia liên quan chặt chẽ đến quan hệ
của tam giác Mỹ - Trung - Xô. Tại cuộc đàm phán diễn ra ở Bắc Kinh từ 20-22/5/1978 giữa
Brezenski với Đặng Tiểu Bình, Mỹ đã quyết định đi với Trung Quốc, loại trừ khả năng bình
thường hóa quan hệ Mỹ - Việt. Tổng thống Carter đã ghi trong hồi ký rằng: “Bước đi với Trung
Quốc có tầm quan trọng tối cao, cho nên sau vài tuần đánh giá, tôi quyết định trì hoãn cố gắng
về Việt Nam cho đến khi ký hiệp định của chúng ta ở Bắc Kinh” (Grantơ - Ivanxơ & Kenvin -
Râulây, 1986). Ngày 1/11/1979, Trung - Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao,
đánh dấu một giai đoạn khá dài sự câu kết của hai nước chống Liên Xô và đồng minh của Liên
Xô. Vì vậy, đây là giai đoạn Việt Nam “bị cuốn vào vòng xoáy của các nước lớn” (Trần Quang
Cơ, 2008). Trong bối cảnh chiến tranh Trung - Việt, cuộc xung đột ở Campuchia tiếp diễn chưa
rõ điểm dừng, thì theo quan điểm của Mỹ, “Vấn đề Campuchia” liên quan chặt chẽ tới vấn đề bảo
vệ đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á. Cũng theo Holbrooke, “chính sách của Mỹ đối với vấn đề
trên sẽ đặt cơ sở trên sự ủng hộ mạnh mẽ Thái Lan; chúng tôi sẽ tăng viện trợ quân sự cho
Indonesia, Malaysia và Philippines” (Far Eastern Economic Review, 1979). Trong năm 1979, Mỹ
cung cấp cho Thái Lan số lượng vũ khí trị giá tới 400 triệu đô la Mỹ (Lê Phụng Hoàng, 2008).
Từ khi Ronald Reagan lên làm Tổng thống (1981), quan hệ Xô - Mỹ căng thẳng trở lại,
Mỹ càng biểu lộ phản ứng gay gắt với Liên Xô trong “Vấn đề Campuchia”. Trợ lý Ngoại
trưởng, đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Paul D. Wolfowitz đã nói rằng: “Liên Xô
là gốc rễ của mọi vấn đề”. Chính quyền Mỹ còn coi việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia
như là “sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực Đông Nam Á” (Kennton Clymer , 2004)
và tác động tiêu cực đến lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ. Theo hướng này, tháng 11/1985,
Vernon Walters thừa nhận: “Hoa Kỳ đã có những chuẩn bị cuối cùng để thảo luận với Liên Xô
về những đóng góp cho sự tiến bộ của ASEAN cũng như góp phần xây dựng lại nền kinh tế của
Campuchia” (Christopher Brady,1999).
Nhìn chung, lập trường và thái độ của Mỹ về “Vấn đề Campuchia” cho đến 1985 bao
gồm việc vu khống Việt Nam xâm lược Campuchia, phủ nhận nhà nước Cộng hòa nhân dân
Campuchia là người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Campuchia, hỗ trợ tàn quân
Khmer Đỏ tiến hành chiến tranh du kích, ủng hộ Campuchia Dân chủ giữ chiếc ghế tại Đại Hội
đồng LHQ. Vì vậy, Mỹ đã liên kết với Trung Quốc, khối ASEAN và một số nước khác, hình
thành một liên minh chống Việt Nam và khối nước Đông Dương. Đó là lập trường mang ý thức
hệ chống cộng sâu sắc.
3.2. Lập trường của Mỹ về “Vấn đề Campuchia” (1985 – 1989)
Tổng thống Ronald Reagan bắt đầu nhiệm kỳ hai năm 1985, tiếp tục thực thi những chính
sách mà trong nhiệm kỳ đầu chưa hoàn thành. Với học thuyết Reagan, Mỹ “cam kết hỗ trợ cho các
lực lượng phản cách mạng trong cuộc chiến tranh chống lại Chủ nghĩa Mác, và các đồng minh của
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 4(39)-2018
77
Liên Xô” (Christopher Brady, 1999). Đến thời điểm này, Washington đã coi Khmer Đỏ là một dạng
“cộng sản”, dù không phải là đồng minh của Liên Xô; nên đã bắt đầu từ chối ủng hộ hoặc thi hành
chính sách hai mặt lực lượng này. Ngày 15/5/1985, Thượng viện Mỹ thông qua khoản viện trợ vũ
khí sát thương công khai đầu tiên cho các lực lượng “phi cộng sản” (phái Sihanouk và Son Sann),
bất chấp các cảnh báo rằng “hầu hết các khoản viện trợ sẽ đến tay Khmer Đỏ”. Về sự kiện này,
Helen R.Chauncey (đại học Georgetown) khẳng định: “Chính quyền Reagan đã cùng một hội với
Khmer Đỏ và các khoản viện trợ chỉ làm tình hình ngày một tồi tệ hơn” (Kennton Clymer, 2004).
Nhưng Stephen Solarz thì cho rằng: “Các khoản viện trợ sát thương sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ
đến Việt Nam rằng Mỹ ủng hộ các lực lượng kháng chiến, qua đó nâng cao triển vọng cho một giải
pháp chính trị, cân bằng sức ép của Việt Nam đang tiếp tục chiếm đóng Campuchia”. Ngày
19/12/1985, Ronald Reagan ký thông qua khoản viện trợ không ít hơn 1.5 triệu và không nhiều hơn
5 triệu USD cho lực lượng “phi cộng sản” (Kennton Clymer, 2004).
Trong quan hệ Mỹ - Xô, sau hai cuộc gặp thượng đỉnh các năm 1985 và 1986, hai bên đã ký
kết được Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, cùng nhau thỏa thuận việc giải
quyết xung đột ở Apganistan, mở đường cho những điều chỉnh chiến lược đối ngoại mới của họ.
Nhưng với “vấn đề Campuchia”, Mỹ vẫn cần sự điều chỉnh trong một tổng thể chung các chính
sách của họ tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương; nhất là tại Đông Nam Á, nơi Mỹ có nhiều
đồng minh và lợi ích thương mại. Vì vậy, Mỹ muốn có một giải pháp chính trị toàn diện cho
Campuchia, vừa để bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa giữ được vai trò trụ cột của mình trong các vấn đề
quốc tế. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Paul D. Wolfowitz xác định rằng: “Mục tiêu chắc chắn không
phải là tìm kiếm một chiến thắng quân sự...” mà là để “cân bằng các nhân tố ở Campuchia”. Đại sứ
Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Vernon Walters thì tuyên bố: “Để đạt được một giải pháp chính trị, Mỹ cần
phải có các giải pháp với Liên Xô” và “Mỹ đã có các bước chuẩn bị cuối cùng cho các cuộc đàm
phán với Liên Xô về Campuchia theo đề nghị của ASEAN” (Christopher Brady, 1999). Đến năm
1987, các điều kiện cơ bản để giải quyết “vấn đề Campuchia” gần như đầy đủ; chiều hướng giải
quyết đã được khai thông từ chính quan hệ của ba nước lớn Mỹ - Xô - Trung. Mỹ buộc phải lựa
chọn đối tác để thực hiện lợi ích của mình tại Campuchia. Và nhân vật mà “CIA từng làm việc cật
lực để lật đổ (Norodom Sihanouk) nay được chọn quay lại” (Christopher Brady, 1999). Từ đó, lập
trường của Mỹ tiếp tục được điều chỉnh: một mặt đề cao lực lượng mà Mỹ gọi là “phi cộng sản”
(Sihanouk và Son Sann), không chấp nhận CHND Campuchia; mặt khác, Mỹ bắt đầu tách mình ra
khỏi sự dính líu gián tiếp đến Khmer Đỏ. Trong cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN tại Bangkor
(7/1988), Ngoại trưởng George Shultz tuyên bố: “Mỹ kiên quyết không chấp nhận Khmer Đỏ trở lại
nắm quyền ở Campuchia, và chúng tôi [Mỹ] tin rằng đây là vấn đề quan trọng trong bất cứ giải
pháp nào nhằm ngăn chặn sự trở lại của Khmer Đỏ” (Lê Phụng Hoàng, 2008). Giải thích cho lập
trường trên, Vernon Walters cho rằng: “Việt Nam chiếm đóng Campuchia là bất hợp pháp và là cội
nguồn của mọi xung đột ở Campuchia. Việt Nam cần nhanh chóng rút toàn bộ quân đội khỏi
Campuchia, ước tính là 120.000 quân mà chúng tôi [Mỹ] tin rằng vẫn còn ở Campuchia, là chìa
khóa để giải quyết tình trạng tồi tệ này. Chúng tôi không tin người dân Campuchia sẽ sẳn sàng bỏ
phiếu cho sự trở lại của Khmer đỏ” (Christopher Brady, 1999).
Việt Nam rút bớt quân vào giữa năm 1986 chưa tạo được bước ngoặt, nhưng rõ ràng đã
có tác động đến giới hoạch định chính sách của Mỹ. Vì vậy, năm 1987, Thượng nghị sĩ Chester
Atkins đặt câu hỏi về mối quan hệ của Chính phủ Mỹ với lực lượng Khmer Đỏ: “Trong khi Mỹ
[một mặt] phản đối sự trở lại cầm quyền của Khmer Đỏ, [mặt khác] lại giúp đỡ hồi sinh và coi
Nguyễn Ngọc Dung... Lập trường thay đổi của Mỹ về “vấn đề Campuchia”....
78
sự trở lại của Khmer Đỏ là một công cụ để chống Việt Nam?” (Christopher Brady, 1999).
Stephan Solarz cũng nói: “Tôi run lên vì sợ, không chỉ với nhân dân Campuchia mà còn với
toàn thế giới, với toàn thể nhân loại, nếu chế độ Khmer Đỏ một lần nữa được phục hồi”
(Kennton Clymer, 2004) . Chester Atkins nói thẳng: “Chính phủ [Mỹ] đang theo đuổi chính
sách nháy mắt, chớp mắt và gật đầu”... “Chính phủ coi sự trở lại của Khmer Đỏ chỉ là một vấn
đề phụ, thay vì đứng thẳng lên chống lại Khmer Đỏ” (Kennton Clymer, 2004).
Cuộc điều trần vào tháng 7/1988 để xem xét điều luật H. Con.271 “đã khuyến cáo Tổng
thống [Reagan] nên đàm phán trực tiếp với Việt Nam để thảo luận các vấn đề quan tâm”[United
States polycy Towards Cambodia, 1990]. Ngày 11/10/1988, Ronald Reagan đã gặp Sihanouk ở
Nhà Trắng và tuyên bố công khai viện trợ cho các lực lượng phi cộng sản hơn 10 triệu USD và
15 triệu USD vào năm sau đó (Kennton Clymer , 2004). Đây là lần đầu tiên Mỹ tiếp Sihanouk
tại Nhà Trắng và công khai ủng hộ mạnh mẽ cho lực lượng này trong tiến trình giải quyết “vấn
đề Campuchia”.
Việc Việt Nam tuyên bố rút hết quân vào năm 1989 đã làm tình hình Campuchia chuyển
biến nhanh chóng. “Campuchia đạt cùng lúc hai thái cực. Một là việc Việt Nam rút quân là
hoàn toàn thực. Ở chiều ngược lại, sự nguy hiểm được tạo ra từ khoảng trống mà Việt Nam để
lại và lực lượng Khmer Đỏ có thể khai thác” (Christopher Brady, 1999). Tình trạng này càng
thúc giục Mỹ đi đến một giải pháp chính trị toàn diện cho “vấn đề Campuchia”
3.3. Lập trường của Mỹ về “Vấn đề Campuchia” (1989-1991)
Từ năm 1989, cả ba cường quốc Mỹ - Xô - Trung đều bị tác động mạnh từ những thay
đổi của tình hình trong nước. Ở Mỹ, đó là cuộc bầu cử tổng thống đã đưa George Herbert
Walker Bush thay Ronald Reagan nắm quyền Nhà trắng; ở Trung Quốc - là sự kiện Thiên An
Môn mùa hè 1989, ảnh hưởng to lớn đến các mối quan hệ đối ngoại của nước này; ở Liên Xô,
chính sách cải tổ của Gorbachev làm Liên Xô ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Lên nắm quyền từ ngày 20/1/1989, George Herbert Walker Bush (Bush cha) vẫn thi hành
chính sách ngoại giao thực dụng, tiếp tục cải thiện quan hệ Mỹ - Trung làm đối trọng với quan
hệ Xô – Mỹ. Nhưng, sự kiện Thiên An Môn khiến Mỹ không thể làm ngơ; tuy nhiên, Mỹ vẫn
không muốn làm xấu đi quá mức quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống George Bush đã chủ
định rằng: “Cần có một sự cân bằng trong các chính sách, Mỹ sẽ sử dụng các biện pháp khác để
trừng phạt mà vẫn không ảnh hưởng đến quy chế tối huệ quốc dành cho Trung Quốc, vì đó là
lợi ích quốc gia của Mỹ” (Mandelbaum,....?) Một tháng sau sự kiện Thiên An môn, Mỹ chỉ áp
đặt lệnh cấm vận đối với các cuộc hội đàm cấp cao với Trung Quốc.
Trong khi giữ cân bằng các mối quan hệ nước lớn, Mỹ vẫn khuyến khích các nước
ASEAN tham gia giải quyết các vấn đề của khu vực thông qua những sáng kiến như “tham gia
linh hoạt” (flexible engagement), “tăng cường tương tác” (enhanced interaction) với các nước
này (Caroline Hughes, 2003). Tuy nhiên, từ sau Hội nghị Paris lần thứ nhất năm 1990, vai trò
của ASEAN giảm dần; “Vấn đề Campuchia” được chuyển cho nhóm P – 5; và sau đó Liên Hợp
Quốc đảm nhận.
Ngày 30/7/1989, Hội nghị Quốc tế về “vấn đề Campuchia” nằm ngoài khuôn khổ Liên
Hợp Quốc chính thức khai mạc ở Paris và đến ngày 30/8/1989 thì buộc phải tạm ngừng 6 tháng.
Trong năm này, Mỹ tổ chức đến ba phiên điều trần xoay quanh vấn đề tại sao Hội nghị Paris về
Campuchia chưa được ký kết. Trong phiên điều trần tháng 9/1989, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 4(39)-2018
79
trách Đông Á – Thái Bình Dương David Lambertson đã cho rằng: “Lý do không đạt được thỏa
thuận ở Paris là do Việt Nam và CHND Campuchia không sẳn sàng từ bỏ bất kỳ quyền lợi nào
của CHND Campuchia”; rằng “Sihanouk phải có vai trò lãnh đạo như ông ta đã từng có, ông ta
vẫn là biểu tượng duy nhất của chủ nghĩa dân tộc Campuchia”(Klintworth, 1989). Còn Trợ lý
Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Richard Solomon thì phát biểu như sau:
“Mối quan tâm cơ bản của chúng ta [Mỹ] bắt đầu với sự hỗ trợ an ninh cho Thái Lan Một
yếu tố quan tâm thứ hai nữa là sự phát triển của một lực lượng thứ ba phi cộng sản, và nếu bạn
muốn [quốc hội Mỹ], sẽ là dưới sự lãnh đạo của hoàng tử Sihanouk” (Klintworth, 1989).
Nhưng một học giả Mỹ, giáo sư Kenton J. Clymer lại cho rằng, Hội nghị Paris lần thứ nhất thất
bại là do quyết tâm của chính quyền Bush tăng cường viện trợ vũ khí sát thương cho các lực
lượng phi cộng sản. Đây là nỗ lực của Mỹ diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Paris nhằm cũng
cố vị thế cho các lực lượng thân Mỹ (Kennton Clymer, 2004). Việc này diễn ra nhằm đáp ứng
phần nào yêu cầu của hoàng thân Ranariddh. Lý do mà Mỹ đưa ra là nhằm giúp lực lượng “phi
cộng sản” ngăn cản sự quay trở lại quyền lực của Khmer Đỏ.
Kể từ khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia (1989), giới ngoại giao Mỹ ngày càng ưa
sử dụng thuật ngữ “lực lượng thứ ba” để tách lực lượng trước đó Mỹ hay gọi là “phi cộng sản”
ra khỏi sự dính líu đến Khmer Đỏ trong Chính phủ Liên hiệp ba phái. Việc tách lực lượng được
Mỹ hậu thuẫn này ra khỏi sự dính líu đến Khmer Đỏ là rất nhạy cảm trong chính sách của Mỹ
đối với Campuchia. Nói như nghị sĩ Stephan Solazr: “Đôi khi chính sách đúng về chuẩn mực
đạo đức lại đòi hỏi một chút sự mơ hồ về mặt pháp lý (Kennton Clymer, 2004). Việc Việt Nam
rút hoàn toàn quân đội khỏi Campuchia năm 1989 đã gỡ được nút thắt trong quan hệ của Mỹ
với Đông Dương. “Vấn đề Campuchia” mất đi lý do gây tranh cãi chính giữa Mỹ, Liên Xô,
Trung Quốc; và không còn cái cớ để Mỹ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn như trước. Chính
phủ Liên hiệp ba phái (Sihanouk, Son Sann và Khmer Đỏ) là đối tác mập mờ mà các tổng
thống Jimmy Carter và Ronald Reagan đều ủng hộ. Nhưng giờ đây, Mỹ đã loại Khmer Đỏ ra
khỏi tiến trình hòa giải ở Campuchia. Như vậy, để tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị cho
“Vấn đề Campuchia”, Mỹ đã xác định lực lượng thứ ba một cách rõ ràng hơn.
Cùng với việc suy yếu nhanh chóng ảnh hưởng của Liên Xô là nỗi lo ngại sự gia tăng
mạnh mẽ vai trò của Trung Quốc trong tiến trình giải quyết “Vấn đề Campuchia”; nên Mỹ buộc
phải thể hiện vai trò ngày một lớn hơn trong cuộc khủng hoảng ở Campuchia. Theo Pierre P.
Lizée, một giáo sư chính trị học, tiến trình “giải quyết “Vấn đề Campuchia” thông qua các sáng
kiến của Mỹ, Trung Quốc và Australia, đã đưa đến kết quả là vai trò quan trọng của Liên Hợp
Quốc trong tiến trình đàm phán (Pierre P. Lizée, 2000). Vai trò đó nằm trong tay của 5 thành
viên thường trực, được nhắc đến với tên gọi nhóm P-5.
Bước sang năm 1990, Mỹ thôi không ủng hộ Chính phủ Liên hiệp ba phái, bắt đầu đàm
phán với Việt Nam về “Vấn đề Campuchia”, tách ra khỏi lập trường chống Việt Nam của
Trung Quốc. Ngày 18/7/1990, Ngoại trưởng Baker tuyên bố: “Chúng tôi [Mỹ] sẽ mở cuộc đối
thoại trực tiếp với Việt Nam về Campuchia. Chúng tôi sẽ chuẩn bị để viện trợ nhân đạo của
chúng tôi cho Campuchia và chúng tôi sẳn sàng để thay đổi chính sách của chúng tôi về ghế
của Campuchia tại Liên Hợp Quốc, hiện vẫn đang trong tay Campuchia Dân chủ của Khmer
Đỏ” (báo Nhân Dân). Ông cũng cảnh báo Quốc hội Mỹ là không nên đẩy sự thù địch với Việt
Nam đi quá xa khi nói rằng: “Khmer Đỏ đã thành công trong việc biến các cuộc đối thoại chính
trị thành đối thoại về chiến tranh”. Và “...sự chậm trễ để đạt được một giải pháp cho “Vấn đề
Nguyễn Ngọc Dung... Lập trường thay đổi của Mỹ về “vấn đề Campuchia”....
80
Campuchia”, trách nhiệm không còn thuộc về Việt Nam”. Những điều chỉnh trong chính sách
của Mỹ cũng được thông báo cho các nước ASEAN, rằng đây “chỉ đơn thuần là một sự thay đổi
về chiến thuật”; và việc Mỹ quan tâm nhiều hơn đến “Vấn đề Campuchia” chủ yếu là “do lợi
ích về đạo đức của Mỹ nhiều hơn là [lợi ích] chiến lược” (Christopher Brady, 1999). Theo
hướng đó, tháng 9/1990, Mỹ cử Đại sứ Mỹ tại Indonesia là John Monjo gặp đại diện của Thủ
tướng Hun Sen. Dẫu vậy, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Thomas Pickering vẫn cho rằng nên
tiếp tục treo ghế của Campuchia tại Liên Hợp Quốc. Lý do là để “Việt Nam không thể trở thành
một nhân tố buộc chúng tôi [Mỹ] phải trao phần thưởng” (ABC-TV, 1990).
Trong suốt quá trình đàm phán, người Mỹ luôn né tránh sử dụng cụm từ “diệt chủng” để
chỉ Khmer Đỏ và Pol Pot. Mỹ lo sợ từ “diệt chủng” nếu được gắn với Khmer Đỏ và Pol Pot thì
việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia trở thành hợp pháp. Ngay tại Quốc hội Mỹ tháng
5/1989 đã diễn ra cuộc tranh luận giữa Jim Leach (Iowa) với Micheal Young, Phó cố vấn pháp
lý Bộ Ngoại giao và Lambertson. Cho dù rất miễn cưỡng nhưng cả Young lẫn Lambertson đều
thừa nhận Khmer Đỏ “có phạm tội diệt chủng. Cuối năm 1990, cùng với ASEAN và Australia,
Nhật Bản, Mỹ đã đưa “Vấn đề Campuchia” ra Liên Hợp Quốc, trong một giải pháp chính trị
toàn diện. Lúc này đã hình thành một cộng đồng quốc tế đông đảo mong muốn giải quyết dứt
điểm cuộc khủng hoảng ở Campuchia, nhằm thoát khỏi các rào cản của Chiến tranh lạnh để
thiết lập các quan hệ mới mang tính đối thoại.
Xu hướng trên xuất hiện cùng thời và phần nào phù hợp với sự điều chỉnh chính sách đối
ngoại của Mỹ thời hậu Chiến tranh lạnh - chiến lược vành đai Thái Bình Dương (Pacific Rim),
“coi vấn đề hợp tác kinh tế và sự thịnh vượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương [mới] là
tương lai của thế kỷ XXI” (Caroline Hughes, 2003). Đó cũng là lý do để “Chính quyền Bush
thúc đẩy các nước trong nhóm P-5 hợp tác nghiêm túc hơn trong việc giải quyết “vấn đề
Campuchia”. Từ tháng 1/1990, đại diện của nhóm P-5 đã nhóm họp và thảo luận tất cả các vấn
đề về một giải pháp chính trị cho “vấn đề Campuchia”. Kết quả là ngày 23/10/1991, tại Hội
nghị Paris lần thứ hai, một giải pháp chính trị toàn diện cho “Vấn đề Campuchia” được ký kết.
4. Kết luận
“Vấn đề Campuchia” luôn chịu sự tác động mạnh mẽ của các cường quốc trên thế giới,
trong đó có Mỹ. Được xem là nhân tố ngoại vi (peripheral), song cuộc xung đột ở Campuchia
vẫn được Mỹ tính toán phù hợp với mức độ và tầm quan trọng trong tổng thể chiến lược ngoại
giao của họ. “Vấn đề Campuchia” giai đoạn 1985-1991 được Mỹ điều tiết trên mọi bình diện:
các phe phái chính trị Campuchia, ASEAN và khối nước Đông Dương; cao hơn là quan hệ tam
giác chiến lược Mỹ - Xô - Trung và Liên Hợp Quốc. Nếu trong giai đoạn trước 1985, Mỹ cấu
kết với Trung Quốc, ASEAN nhằm đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông
Nam Á; thì trong giai đoạn 1985-1991, khi Liên Xô trượt dài vào khủng hoảng, “Vấn đề
Campuchia” có nguy cơ bị Trung Quốc độc diễn, Mỹ liền điều chỉnh thái độ, lập trường của
mình để trở thành một trong những nhân tố chính, có tiếng nói quyết định nhằm giải quyết dứt
điểm “Vấn đề Campuchia” trên danh nghĩa Liên Hiệp Quốc. Lập trường của Mỹ về “Vấn đề
Campuchia” cũng thể hiện các toan tính trong việc thúc đẩy đồng minh khu vực Đông Nam Á
tham dự vào “Vấn đề Campuchia”, cũng như trong việc ủng hộ lực lượng “phi cộng sản” để
chống phá CHND Campuchia lẫn Việt Nam. Và trong một chừng mực nhất định, chế độ Khmer
Đỏ cũng được Mỹ sử dụng như một công cụ, phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ.
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 4(39)-2018
81
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nhà nước Campuchia hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng
Mĩ George P. Shultz về việc Mĩ không công nhận ghế Campuchia tại Liên Hợp quốc. Báo Nhân
dân ngày 21/7/1990,
[2]. Caroline Hughes (2003). The Political Economy of Cambodia’s Transition, 1991–2001.
Routledge Taylor and Francis Group. London and New York, tr.92; 94.
[3]. Christopher Brady (1999). United States Foreign Policy Towards Cambodia, 1977-1992, A
Question of Realities. Palgrave Macmilian Press LTD, tr. 28; 112;105; 113;117;121
[4]. Documentation Center of Cambodia (2007). A history of Democratic Kampuchea. Far Eastern
Economic Review (16/11/1979). Hongkong, pp.14–15.
[5]. Grantơ - Ivanxơ & Kenvin - Râulây (1986). Chân lý thuộc về ai. NXB Quân đội Nhân dân, tr.61.
[6]. Harish C.Mehta - Julie B. Mehta (2008, sách dịch). HunSen: nhân vật xuất chúng của
Campuchia. NXB Văn học.
[7]. Jonh D. Ciorciari (2006). The Khmer Rouge Tribunal. Publisher: Documentation Center Of
Cambodia; Edition Unstated edition
[8]. Kennton Clymer (2004). The United States and Cambodia, 1969-2000, a troubled relationship.
Routledge Taylor and Francis Group, London and New York, tr119; 144; 145;146;147; 148; 151
[9]. Klintworth, G (1989). Vietnam’s Intervention in Cambodia in International Law. Canberra,
Australian goverment Publishing Services, pp. 10-11
[10]. Lê Phụng Hoàng (2008). Lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới thứ
hai đến cuối chiến tranh lạnh (1945-1991). Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, tr. 375; 376;
[11]. Lưu Văn Lợi (2004). Ngoại giao Việt Nam 1945-1995. NXB Công an Nhân dân.
[12]. Mandelbaum (...). The luck of the President, p. 400
[13]. Nayan Chanda (1986). Brother Enemy: the War after the War. Harcourt Publisher- ISBN-
10: 0151144206
[14]. Norodom Sihanouk (2003, sách dịch). Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơme Đỏ.
Hồi ký. Nguồn
[15]. Pierre P. Lizée (2000). Peace, Power and Resistance in Cambodia, Global Governance and
the Failure of International Conflict Resolution. Palgrave Macmilian Press LTD, tr.63.
[16]. Trần Quang Cơ (2008). Hồi kí. Nguồn tr.13-14.
[17]. United States Policy Towards Cambodia: Prospects for a Negotiated Settment, hearing before
the Sub-commitee on Asian and Pacific Affaire, 12 Sept, 1990, p.4
[18]. Vũ Dương Huân (2002, chủ biên). Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp đổi mới 1975-
2002. Học viện Quan hệ Quốc tế.
“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc
gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề
tài mã số C 2016-18b-03”
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 43456_137175_1_pb_5031_2189967.pdf