Tài liệu Kinh tế nông dân: khái niệm và các vấn đề: 81 Xó hội học, số 4 - 2009
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
KINH Tế NÔNG DÂN: KHáI NIệM Và CáC VấN Đề
Bùi Quang Dũng1TP0F*
Tại nhiều nước công nghiệp, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp chỉ còn dưới mức 5%;
trong khi đó vào năm 2007, theo một thống kê, dân cư nông thôn ở Việt Nam vẫn còn
chiếm 72,6% dân số cả nước, phần lớn là những hộ thuần nông nghiệp. Trong quá trình
công nghiệp hóa, các hộ nông dân này sẽ chuyển sang các loại hình sản xuất đa dạng hơn,
kết hợp nông nghiệp và phi nông nghiệp... Vấn đề đặt ra là quá trình chuyển biến này
diễn ra như thế nào, xét trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chuyển mạnh sang các quan
hệ thị trường, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Bài viết này, thực hiện trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu “Tam Nông” và
“Điều tra nông dân” của viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2009-2010), nhằm thảo luận về
một số khái niệm và vấn đề liên quan tới bản chất và sự tiến triển của nền “kinh tế nông
dân” nói chung. Bài viết cũng ...
13 trang |
Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 1053 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kinh tế nông dân: khái niệm và các vấn đề, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
81 Xó hội học, số 4 - 2009
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
KINH Tế NÔNG DÂN: KHáI NIệM Và CáC VấN Đề
Bùi Quang Dũng1TP0F*
Tại nhiều nước công nghiệp, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp chỉ còn dưới mức 5%;
trong khi đó vào năm 2007, theo một thống kê, dân cư nông thôn ở Việt Nam vẫn còn
chiếm 72,6% dân số cả nước, phần lớn là những hộ thuần nông nghiệp. Trong quá trình
công nghiệp hóa, các hộ nông dân này sẽ chuyển sang các loại hình sản xuất đa dạng hơn,
kết hợp nông nghiệp và phi nông nghiệp... Vấn đề đặt ra là quá trình chuyển biến này
diễn ra như thế nào, xét trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chuyển mạnh sang các quan
hệ thị trường, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Bài viết này, thực hiện trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu “Tam Nông” và
“Điều tra nông dân” của viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2009-2010), nhằm thảo luận về
một số khái niệm và vấn đề liên quan tới bản chất và sự tiến triển của nền “kinh tế nông
dân” nói chung. Bài viết cũng sẽ đề cập tới một vài khuôn khổ lý thuyết liên quan tới chủ
đề.
Lao động nông nghiệp
Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, lao động gắn bó chặt chẽ với những khía
cạnh khác của đời sống gia đình, dòng họ, các hoạt động và các mối quan hệ của hộ gia đình,
hệ thống lễ nghi, nghi thức ma thuật và tôn giáo, hoạt động quân sự, chính trị.
Ta thấy Malinowski đã mô tả việc trồng rau của những người dân đảo Trobriand
được điều chỉnh như thế nào ở mỗi thời kỳ của lịch nông nghiệp bằng những thầy phù
thuỷ Towosi, những người mà quyền uy của họ đảm bảo sự phối hợp các nhiệm vụ khác
nhau và các tiêu chuẩn ngang nhau trong việc làm hàng rào của các mảnh đất nhỏ. Sự
phân bố hoạt động sản xuất nông nghiệp, tương tự, không phải là vấn đề thị trường lao
động mà được quyết định bởi hai loại trách nhiệm và nó gắn liền với "các quy tắc dòng họ
hay quan hệ thông gia, các nhiệm vụ và đồ cống nạp phải nộp cho người thủ lĩnh"
(Malinowski, 1954: 19). Trong loại xã hội như thế, nông nghiệp tạo ra các mối liên hệ xã
hội do hoạt động nông nghiệp không phải là cái cho năng suất ngay. Từ khi bắt đầu sản
xuất (làm đất, gieo hạt, v.v...) đến thời kỳ thu hoạch, phải có thời gian chờ cho lúa chín.
Trong khoảng thời gian này, người sản xuất phải có số lương thực dự trữ từ trước và
khoản này là "nợ" của họ đối với những người sản xuất trước đó, và những người này, tới
lượt mình, lại nợ của những người khác nữa. Năm này qua năm khác, việc thay thế các
nhóm sản xuất nông nghiệp diễn ra thông qua sự thay thế các thế hệ. Trong chu kỳ sản
xuất nông nghiệp, những người già nhất chiếm giữ vị trí tôn kính và những người đến sau
thì ít được vị nể hơn. Để thực hiện quá trình sản xuất và tái sản xuất này, những đứa trẻ
sinh ra nhập luôn vào chu trình sản xuất, nhưng chúng chỉ có thể thực sự làm đuợc điều
đó sau những khoảng thời gian dài. Việc nuôi dưỡng trẻ con do chính chu kỳ sản xuất
* PGS.TSKH, Viện Xã
Kinh tế nụng dõn: khỏi niệm và cỏc vấn đề.
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
82
gồm những người lớn tuổi kia đảm nhiệm. Còn những người già, khi thoát ra khỏi cái chu
kỳ sản xuất này, do không thể làm việc được nữa, cũng được nuôi dưỡng bằng chính
những người đang lao động. Trong các nhóm gia đình (bộ lạc), người già phải chăm lo tới
việc tái sản xuất của nhóm và quản lý các gia đình, v.v Vậy là ta thấy chu kỳ phân phối
lương thực được thực hiện giữa các thế hệ, theo tuần hoàn chứ không phải theo tuyến
tính. Các mối quan hệ này kéo dài suốt cả chu trình sống, nó tạo ra một cơ cấu thứ bậc
trên cơ sở tham gia trước (hay sau), xác định nguồn gốc xã hội. Đó là cái mà theo
Meillassoux, tạo thành hệ thống các quan hệ họ hàng. Nhìn từ phía các quan hệ xã hội
này (quan hệ họ hàng hay gia đình), ta thấy rằng chính nó cấu thành bộ xương sống cho
tổ chức kinh tế (Meillassoux, 1979).
Hộ gia đình nông dân, thể chế chủ yếu trong nhiều xã hội nông nghiệp minh họa
còn rõ nét hơn cách thức trong đó công việc hầu như không tách biệt với các khía cạnh
khác của đời sống. Kinh tế gia đình chủ yếu sản xuất lương thực, thực phẩm cho sự tiêu
dùng trực tiếp, sản xuất các công cụ và vật dụng cần thiết cho hoạt động sản xuất và tái
sản xuất của toàn bộ các thành viên gia đình. Hình thức kinh tế này gắn liền với một kiểu
tổ chức xã hội riêng biệt. Về nguyên tắc, trong những xã hội mà hình thức kinh tế này tồn
tại, các quan hệ trao đổi chỉ diễn ra thông qua việc trích nộp cho nhà nước hay thương
mại, thì tổ chức gia đình nông dân về mặt xã hội là cái cơ sở vững chắc của nó. Người
nông dân vừa là tác nhân kinh tế vừa là chủ một gia đình. Cái mà anh ta có vừa là một
đơn vị kinh tế vừa là một gia đình. Một gia đình nông dân không đơn giản là một đơn vị
sản xuất, đó cũng là một đơn vị tiêu dùng. Gia đình nông dân không chỉ nuôi dưỡng các
thành viên của nó mà còn cung cấp cho họ những hoạt động khác. Người già được chăm
sóc cho tới lúc chết. Kết hôn và các hình thức thừa kế đảm bảo tái sản xuất đơn vị gia
đình cả về mặt sinh học cũng như về mặt xã hội. Trẻ con được nuôi nấng và được xã hội
hóa phần lớn trong gia đình. Rất nhiều chức năng của một hệ thống xã hội như thế đòi
hỏi đóng góp lao động và bản chất của thứ lao động này là ở chỗ nó không được trả công.
Như thế, các hình thức sản xuất này rất chặt chẽ vì nó liên quan tới tất cả các
phương diện của đời sống từng thành viên gia đình hay nhóm nói chung. Nhưng cũng
chính trên cơ sở đó mà nó tạo nên một thứ bảo hiểm và an toàn rất lớn cho tái sản xuất và
đời sống nhóm. Về mặt lịch sử, hình thức tổ chức sản xuất này gắn liền với lao động thủ
công và chính điều đó giải thích tại sao tồn tại những quy mô gia đình lớn trong các kiểu
xã hội nông nghiệp. Chừng nào mà các cộng đồng kinh tế kiểu này (gia đình, bộ lạc, v.v)
còn được sử dụng đất đai không phải trả tiền thì nó còn tiếp tục giữ vai trò bảo hiểm xã
hội. Bảo hiểm xã hội là mục đích của kinh tế gia đình. Các thành viên gia đình (bố mẹ, vợ
chồng, con cái của họ) không được "hoàn lại" theo lao động trực tiếp mà theo lao động mà
họ góp cho cộng đồng trong suốt cả cuộc đời. Sự kiện này là đối lập lại hệ thống kinh tế
hiện đại dựa trên chế độ làm công ăn lương, căn cứ vào thời gian lao động hay khối lượng
sản phẩm.
Phân tích của Hirkey về những yếu tố xã hội trong hoạt động kinh tế tại Khánh
Hậu, minh họa về tầm quan trọng của "lao động gia đình". ý nghĩa của nghiên cứu này là
ở chỗ nó làm rõ vai trò của các hình thái lao động khác nhau gắn liền với cấu trúc xã hội.
Hirkey phát hiện rằng tại Khánh Hậu, những tương trợ và hợp tác sản xuất xuất hiện
Bựi Quang Dũng
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
83
chủ yếu trong những phạm vi nhỏ hẹp hơn phạm vi làng xã. Thật vậy, nhóm lớn nhất có
thể coi như mối dây ràng buộc về quyền lợi chung là ấp, nhưng ngay trong một ấp, do
rộng quá hoặc dân cư đông nên khó có thể phát triển sự hợp tác ở cấp độ này. Ranh giới
hành chính của làng cũng quá rộng khiến cho nhiều người dân trong làng ít tiếp xúc với
nhau. Trong làng có Đình như các làng mạc ở miền Bắc và nơi làm việc của hội đồng xã là
điểm tụ họp của dân làng mỗi khi giải quyết các công việc, nhưng những buổi họp đó
không thu hút dân làng và nhiều người tuy có mặt nhưng không tham gia tích cực. Tóm
lại, làng "quá rộng, quá cứng nhắc đối với sự cộng đồng hợp tác, chỉ có thể là một đơn vị
hành chính và còn có thể là quá rộng đối với mục tiêu hành chính nữa" (Hirkey, 1960:
225).
Người ta gặp những hình thức hợp tác thông thường nhất tại những đơn vị nhỏ hơn
ấp, trong phạm vi hàng xóm láng giềng hay họ hàng. Những người này có thể có mối quan
hệ liên đới và hợp tác. Tuy nhiên, theo Hirkey, đừng quá nhấn mạnh tới tầm quan trọng
của sự hợp tác ở quy mô này. Tuy nó có thực và khá rõ rệt đối với những gia đình thuộc
lớp dưới và trung bình của làng, quá nửa các hoạt động kinh tế chỉ diễn ra ở phạm vi
riêng tư của mỗi gia đình mà thôi.
Những tài liệu trong một nghiên cứu sâu về xã Dục Tú ở miền Bắc, cung cấp một so
sánh quan trọng, vì nó cho thấy sự khác nhau về cấu trúc xã hội và mối liên quan giữa
chúng với các hình thức tổ chức hợp tác và tương trợ. Người ta phát hiện rằng vẫn tồn tại
một cấu trúc làng thể hiện trong các mô hình tương trợ giữa các hộ nông dân trong các
dịp sản xuất và hội hè. Khác với xã hội đã hiện đại hoá, nơi mà sự trợ giúp được cung cấp
dưới hình thức các dịch vụ (trả tiền), trong xã hội nông thôn Dục Tú, nông dân tiếp tục sử
dụng các trao đổi lao động và trợ giúp tập thể ở quy mô làng. Người nông dân thích vào
các hội, nhóm và tham gia vào nhiều hình thức câu lạc bộ khác nhau. Rất nhiều khoản
tín dụng nhỏ dành cho nông dân là do các tổ chức cung cấp hoặc là người ta (nhà nước,
ngân hàng v.v) tiến hành cho vay thông qua các tổ chức này. Tương tự, như nhiều làng
xã của miền Bắc hiện nay, các công việc ma chay, cưới xin, giỗ tết v.v của các gia đình
tại Dục Tú cũng do các tổ chức "phi chính thức" này đảm đương. Một người phụ nữ lấy
chồng tại xã này kể rằng đám tang của bà mẹ chồng, với rất nhiều công việc phải làm
(làm cỗ bàn, tiếp khách, dựng rạp, v.v), nếu không được "hội chư bà" (mà bà ta là thành
viên) đứng ra lo toan thì không biết sẽ thế nào. Nói thêm rằng, người đàn bà này tự nhận
là việc tham gia vào "hội chư bà" là một trong những quyết định đúng đắn của chị ta
trong thời gian gần đây (Đặng Việt Phương, 2007).
Các hình thức nông nghiệp
Về phương diện kinh tế, người ta thường phân loại các xã hội nông nghiệp dựa trên
một tiêu chí hai mặt, một mặt là tầm quan trọng của việc bán sản phẩm dư thừa và mặt
kia là trình độ cơ khí hóa và tiến bộ công nghệ. Nông nghiệp sinh tồn, nông nghiệp truyền
thống hay nông nghiệp thương phẩm, nông nghiệp hiện đại là những thuật ngữ thường
được dùng để thể hiện đồng thời hai khía cạnh này. Những thuật ngữ này thực ra không
hoàn toàn tương thích với nhau về mặt khoa học, nhưng chúng giúp ta nhận thức được
tính liên tục trong những nấc thang phát triển khác nhau của kinh tế nông thôn. ở một
cực là việc sản xuất biệt lập cho sự sống của gia đình, sử dụng những công cụ nguyên
Kinh tế nụng dõn: khỏi niệm và cỏc vấn đề.
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
84
thủy và các giống cây trồng bản địa. Còn ở cực kia là nền nông nghiệp chuyên sản xuất
cho thị trường, chuyên môn hóa và công nghiệp hóa với mức sử dụng tư bản cao. Giữa hai
cực này là mảnh đất của nông nghiệp truyền thống, nơi sản xuất nông nghiệp một phần
dành cho tiêu dùng gia đình và một phần để bán ra thị trường.
Các loại hình nông nghiệp còn có thể phân loại dựa trên những điều kiện của chế độ
canh tác.
Tại các nước Châu Âu chẳng hạn, thời vụ nông nghiệp không kéo dài và sau khi thu
hoạch thường phải để ra một lượng lớn thóc làm giống. Khí hậu không cho phép canh tác
quá 3 vụ trong hai năm; chỉ mãi gần đây người ta mới làm được điều đó do sử dụng phân
bón và chế độ luân canh. Trước thế kỷ XVII, cách bón phân cho lúa thông dụng nhất là
chăn thả súc vật ngoài đồng hoang, vì thế cứ 2 hoặc 3 năm mới có thể trồng được một vụ
ngô. Kiểu nông nghiệp này cần tới một diện tích canh tác lớn, đủ nuôi sống một gia đình
đông người. Chính vì thề mà ở thời Trung cổ, người ta cãi nhau rất nhiều để quyết định
xem ruộng của gia đình nào được quyền chăn thả súc vật. Năng suất thấp nên vai trò của
súc vật kéo rất lớn vì chỉ riêng sức người thì không đủ canh tác. Tại những vùng mà súc
vật kéo và các công cụ nặng như cày lật và bừa giữ vai trò quyết định trong canh tác thì
các điền trang lớn sẽ có lợi thế hơn các hộ tiểu nông.
Vào thế kỷ XII-XIII, đô thị hoá đã tạo ra một thị trường ngày càng lớn cho nông
nghiệp. Nhiều chủ đất nhận thấy những khu đất rộng cho canh tác có lợi hơn những
mảnh đất nhỏ rải rác và họ bắt đầu tách điền trang của họ ra khỏi đất làng và tiến hành
canh tác riêng biệt. Cho tới khoảng thế kỷ XIII, chế độ nông nô tan rã ở nhiều nơi của
Tây Âu. Nông dân được giải phóng khỏi những ràng buộc kinh tế kiểu phong kiến, mặt
khác họ lại bị mất một phần ruộng đất thừa kế nên phải đi làm thuê. Dân số tăng đã làm
giảm diện tích của nhiều nông trại và trong nhiều trường hợp không còn đủ nuôi sống gia
đình. Những chủ đất không có khả năng quản lý trực tiếp cho các tá điền thuê đất, còn
nông dân khá giả thì dành một phần ruộng đất cho tá điền và dần dà người ta hiểu rằng
cho tá điền hoặc nông dân nghèo thuê đất là có lợi. Đó là tình hình của một nhóm bao
gồm quý tộc nhỏ, giáo sĩ và nông dân giàu.
Suốt thời Trung cổ, khoảng cách giữa các chủ đất nhỏ với những điền chủ lớn dần
lên. Giá đất cao hơn khiến cho tiền thuê đất cũng phải trả nhiều lên. Địa chủ thích thuê
những nông dân khá giả, có khả năng đầu tư cho súc vật kéo và nông cụ. Các mối quan hệ
tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp đã hình thành như thế từ trước thế kỷ XV tại nhiều
nước châu Âu.
Hình thức sản xuất nông nghiệp phổ biến tại các quốc gia châu á hình thành với
những điều kiện khác. Lúa gạo là cây lương thực nhiệt đới có thể trồng từ hai tới ba vụ
trong một năm. Cung cấp nước giữ vai trò quan trọng nhất đối với lối canh tác này. So với
lối canh tác nói trên thì diện tích đất trồng lúa nước không phụ thuộc vào việc cung cấp
phân bón, và chăn nuôi gia súc chỉ có vai trò thứ yếu. Lúa gạo là loại cây trồng có sản
lượng khá cao và diện tích đất cho một nông trại tương đối nhỏ. Nếu cung cấp đầy đủ
nước thì nông dân có thể canh tác tới hai, thậm chí ba vụ trong một năm. Việt Nam được
coi là nước canh tác hai vụ sớm nhất và từ hàng nghìn năm nay, nông dân nhiều vùng
của Việt Nam (và Trung Quốc) đã tiến hành canh tác hai vụ lúa. Gourou khi nghiên cứu
Bựi Quang Dũng
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
85
kỹ thuật canh tác tại Bắc Việt Nam đánh giá rất cao trình độ thâm canh ruộng nước của
nông dân ở đây. Hệ thống thủy lợi trở nên quan trọng khi người ta mở rộng việc trồng lúa
từ vùng ngập nước tự nhiên sang các vùng khô cạn. Các hệ thống thủy lợi châu á thay đổi
rất phức tạp, từ việc tận dụng nguồn nước ở vùng núi, đào bể chứa nước tại ruộng, đến
xây dựng hệ thống kênh rạch phức tạp. Khái niệm "xã hội thuỷ lợi" do Wittfogel nêu lên
là nhằm luận giải về vai trò của các nhà nước châu á trong việc kiểm soát và xây dựng các
hệ thống thủy lợi. Mặc dù khái niệm này không được đông đảo giới nghiên cứu chấp nhận,
dẫu sao, nó cũng khiến ta lưu ý tới tầm quan trọng của thuỷ lợi trong việc hiểu tổ chức
kinh tế xã hội nhiều quốc gia nông nghiệp châu á (Wittfogel, 1997). Một ví dụ điển hình
là Bali (Indonesia), nơi mà trải qua nhiều thế kỷ, một hệ thống quản lý nguồn nước phức
tạp do các cộng đồng nông dân duy trì thông qua các nghi lễ diễn ra định kỳ tại các đền
thờ nước. Trong nền kinh tế lúa nước, nước là yếu tố sống còn của hệ thống sinh thái, cấu
trúc kinh tế và xã hội.
Hệ thống canh tác lúa nước có khả năng đáp ứng nhu cầu cho một lượng dân cư
đông hơn hệ thống lúa cạn. Những điều kiện về dân số ở nơi khác có thể dẫn tới nạn đói
hay di cư thì tại khu vực trồng lúa nước, lại có thể đi đôi với tăng trưởng kinh tế mạnh
mẽ. Nhưng áp lực dân số đang đến mức tới hạn và dù có thể tiếp tục tăng sản lượng,
nhưng các lợi ích của trồng trọt sẽ bắt đầu tụt xuống. Tại Trung Quốc những năm 60, mọi
nỗ lực nhằm tiến hành canh tác ba vụ lúa đều tỏ ra có hại về mặt kinh tế vì tổng sản
lượng hàng năm tăng rất ít và không đáp ứng được sự gia tăng lao động. Tại những
vùng trồng lúa với kỹ thuật canh tác lạc hậu, các quan hệ sản xuất có những đặc điểm
tương tự với những quan hệ của chế độ phong kiến châu Âu. Năng suất thấp và khả năng
nuôi sống dân cư thấp nên việc kiểm soát lao động là rất quan trọng đối với giới thống trị.
Nông dân chỉ có cơ hội tiếp cận với đất đai canh tác thông qua việc thiết lập các mối quan
hệ lệ thuộc vào giới thống trị này.
Khu vực phi nông nghiệp
Bất cứ nền kinh tế nông thôn nào, ngoài ông chủ đất và người làm ruộng cũng có
thêm nhiều “nhân vật” khác, như người buôn bán, thợ thủ công, v.v Tại một thị trấn
hay trong một làng, ta thấy có những người sản xuất nhỏ hoạt động, những xưởng thợ
nhỏ, nhà máy hoặc xưởng thủ công gia đình (nghề dệt, đồ gốm, kim loại, v.v); các hoạt
động phi nông nghiệp này, tuỳ theo cấu trúc kinh tế nhất định, sẽ có ý nghĩa khác nhau
trong mối quan hệ với các hoạt động nông nghiệp.
Trong những nền kinh tế thiên về ruộng đất thì những hoạt động phi nông nghiệp
chỉ có một vị trí nhỏ bé trong sinh hoạt kinh tế của làng. Nói thế không có nghĩa là những
hoạt động này không quan trọng vì chúng góp phần thoả mãn một số nhu cầu nhất định.
Dân chúng tham gia vào các hoạt động ngoài nông nghiệp, trong trường hợp đó, thường
khó phân biệt thành các loại nghề nghiệp rõ nét. Mọi hoạt động đều tương hợp với nghề
nông và nhiều thợ chuyên nghiệp, như ta có thể quan sát thấy trong tất cả các chế độ
kinh tế tự cung tự cấp, còn làm ruộng thêm hoặc còn làm chủ ruộng nữa. Một số nghề hợp
thành các phường hội, thành các làng thủ công nghiệp với những tổ chức nghề nghiệp
nhất định; một số nghề ít quan trọng hơn, thường chỉ là phần thu nhập bổ sung cho gia
đình nông dân. Người nông dân trông đợi thêm thu nhập ở "công nghiệp", họ có thể vẫn
Kinh tế nụng dõn: khỏi niệm và cỏc vấn đề.
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
86
tiến hành các hoạt động nông nghiệp và vẫn làm nghề thủ công trong những lúc nhàn rỗi
do nhân công quá thừa thãi và do những thời kỳ nông nhàn không tránh khỏi trong lịch
nông nghiệp.
Nông dân vùng châu thổ sông Hồng (Việt Nam) đã tạo ra một nền công nghiệp kiểu
như thế, rất vừa tầm với họ, một nền công nghiệp nhỏ bé, lãng phí nhân công và không có
máy móc; "một nền công nghiệp trung thành với truyền thống qua đó hiện lên chủ nghĩa
biệt lập của làng xã"; một nền công nghiệp ít lãi chỉ có thể giúp cho người nông dân ít
ruộng khỏi chết đói. Tóm lại, đó là nền "công nghiệp nông dân", nông dân trước hết vì
những người thợ thủ công đều là nông dân, họ sẽ chỉ canh tác nông nghiệp thôi nếu ruộng
đất giúp họ đủ sống; nông dân còn ở chỗ nó chỉ được tiến hành trong làng xã, ở ngay trong
gia đình (Gourou, 2003).
Trong nhiều nghề thủ công, người thợ được coi là người thầy của một nhóm kỹ thuật cổ
truyền và các phương tiện sử dụng. Các kỹ thuật nghề nghiêp được coi là bí mật và chỉ được
truyền lại cho các con trai trong gia đình, con gái không được truyền (thậm chí có thể truyền
cho con dâu). Trong một số làng nghề hay phường hội thủ công nghiệp ở Việt Nam, các bí quyết
của nghề thủ công chỉ được truyền cho con trai, thậm chí chỉ truyền cho đứa con sẽ ở lại với gia
đình bố mẹ. Các bí truyền về nghề nghiệp này do nhiều nguyên nhân, cùng với thời gian và
việc di trú, sẽ không giữ được nữa. Chẳng hạn, những người thợ đầu tiên của một làng đúc
đồng (làng Nhân Giang) vốn gốc Quy Nhơn di cư vào Nam trước thời Gia Long khoảng từ năm
1720 đến năm 1750. Thời kỳ lập nghiệp, những thợ đúc này giữ bí mật nghề nghiệp một cách
kỹ càng. Các kỹ thuật đúc được truyền thụ theo kiểu cha truyền con nối và được coi như một
thứ của cải thừa kế. Về sau này, do các cuộc hôn nhân với người bản địa và do thiếu nhân lực,
các gia đình phải truyền cho con rể và thợ học việc là những người cùng làng (Tôn Nữ Quỳnh
Trân, 1995).
Người nông dân bắt tay làm các công việc thủ công vào những lúc rỗi rãi, có khi làm tới
khuya. Hầu như người phụ nữ nông thôn nào cũng có mặt ngoài đồng, nhưng tới ngày phiên
chợ, họ lại tạm gác công việc hay nhờ một người lối xóm trông nom hộ, mang hàng hoá thủ
công do gia đình làm ra các chợ để bán. Trừ vài ngoại lệ, còn đa số các trường hợp thì thủ
công nghiệp và tiểu thương nằm trong hoạt động hàng ngày của gia đình nông dân; hai hoạt
động này chỉ là phần bổ sung cho nông nghiệp. Và luồng tiểu thương khá phát đạt ở miền
Bắc trước năm 1954 chủ yếu là nằm trong tay phụ nữ.
Bắc Kỳ là một trung tâm thương nghiệp khá sôi nổi trong thời kỳ Trung Quốc đô hộ;
đấy là xuất phát điểm để đi tới các biển phương Nam. Tuy nhiên, nhìn suốt lịch sử Việt
Nam thì dường như là một số điều kiện đã ngăn cản không cho ngoại thương phát triển.
Từ thế kỷ X cho tới thế kỷ XIX, chưa có một triều đại Việt Nam nào cho phép thương
nhân trong nước ra nước ngoài buôn bán, cùng lắm chỉ là mở cửa biển này hay mở của
biển kia cho thương nhân ngoại quốc tới mua bán. Nhu cầu trao đổi sản phẩm của nông
nghiệp và thủ công nghiệp chỉ dẫn tới việc làm xuất hiện một mạng lưới dày đặc các chợ
nông thôn đủ loại. Trước năm 1945, ta gặp ở nông thôn miền Bắc những chợ làng, chợ xã,
chợ tổng, chợ huyện, chợ phủ và chợ nào cũng họp đều kỳ vào những ngày không khớp
nhau. Thủ công nghiệp và thương nghiệp nói trên chưa đủ sức làm xuất hiện trong dân
Bựi Quang Dũng
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
87
cư nông thôn một "giai cấp thợ thủ công và tiểu thương đích thực" (Nguyễn Từ Chi, 1996).
An ninh kinh tế
Theo Wolf, ngay cả khi tự túc được lương thực thì người nông dân vẫn cần tới các
quan hệ với người khác; ví dụ họ phải tiến hành các cuộc hôn nhân hay là thiết lập các
liên hệ xã hội khác với những người trong hay ngoài cộng đồng. Các quan hệ xã hội đều
được biện minh hay giải thích bằng các cấu trúc biểu trưng; hơn nữa, các quan hệ xã hội
này đều gắn liền với những nghi thức tốn kém nhất định. Cho nên, nếu nông dân tham
gia vào các mối quan hệ xã hội thì họ phải làm việc để tạo ra một ngân quỹ cho các nghi
thức. Đó là nhu cầu xã hội thứ nhất và nó đặc trưng cho bất kỳ kiểu xã hội nào. Quỹ nghi
thức đôi khi rất lớn vì cá nhân cần phải bỏ ra nhiều công sức và vật phẩm để đảm bảo
tình đoàn kết giữa anh ta với toàn thể cộng đồng.
Có nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau và các quan hệ này không phải luôn luôn
cân xứng. Mối quan hệ giữa người trồng trọt và người thợ thủ công có thể là một quan hệ
trao đổi sản phẩm cân xứng. Mỗi người cung cấp cái mình có đổi lấy những sản phẩm cần
thiết không tự sản xuất. Bên cạnh đó tồn tại những quan hệ xã hội hoàn toàn khác, ví dụ
người nông dân phải nộp một khoản địa tô nhất định cho địa chủ là kẻ sở hữu đất đai.
Vậy là một phần sản phẩm nông nghiệp của nông dân bị khấu trừ cho các tầng lớp thống
trị. Tóm lại, ở đâu có quyền sở hữu ruộng đất tư nhân theo kiểu phong kiến hay châu á
thì ở đó nông dân phải lao động không chỉ vì các khoản chi phí nghi thức và sinh tồn mà
còn vì các quỹ thuê đất.
Đối với nông dân thì sản phẩm dành cho tiêu dùng trực tiếp (kể cả hạt giống và thức
ăn cho gia súc) và các chi phí nghi thức vẫn là cái cơ bản nhất. Nhưng quỹ tiền thuê đất,
theo Wolf, mới là điều phân biệt người nông dân và người trồng trọt nguyên thủy. Cơ sở
của việc tạo ra quỹ thuê đất là một trật tự xã hội trong đó kẻ thống trị có thể dùng sức
mạnh và quyền lực để đòi hỏi các khoản cống nạp của người sản xuất trực tiếp. Vấn đề ở
chỗ nông dân vừa là người sản xuất trực tiếp vừa là chủ một gia đình. Một gia đình nông
dân không đơn giản là một tổ chức sản xuất mà còn là một đơn vị tiêu thụ tính bằng số
nhân khẩu của nó. Trong gia đình nông dân, trẻ con được nuôi dưỡng và người già được
chăm sóc cho tới lúc chết. Hôn nhân giúp thoả mãn các nhu cầu giới tính, và trong cái đơn
vị này tình cảm là chất kết dính các thành viên với nhau. Sự tồn tại của hệ thống kinh tế
căn cứ trên giá cả và lợi nhuận không phải là nguyên nhân trực tiếp của lao động gia
đình (Wolf, 1966).
Như thế, vấn đề chủ yếu của kinh tế nông dân là cân bằng các nhu cầu của thế giới
bên ngoài với nhu cầu cung cấp cho gia đình mình. Người nông dân đi theo hai chiến lược
khác hẳn nhau để đáp ứng các loại nhu cầu này, hoặc là tăng cường sản xuất, hoặc là
giảm tiêu dùng. Nếu nông dân đi theo chiến lược thứ nhất thì anh ta sẽ bỏ sức lao động
nhiều hơn trên mảnh đất của mình nhằm tăng sản lượng. Điều này phụ thuộc vào việc
anh ta có huy động được các nhân tố sản xuất cần thiết như đất, nhân công và tín dụng,
v.v... hay không. Trong thực tế, các yếu tố sản xuất thường khó kiếm do các nghĩa vụ đi
kèm với chúng khá nặng nề, đặc biệt là nghĩa vụ đóng góp số dư thừa cho các hoạt động
nghi lễ và trả địa tô.
Kinh tế nụng dõn: khỏi niệm và cỏc vấn đề.
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
88
Nếu nông dân có thể từ chối không đóng góp cho các hoạt động nghi lễ thì anh ta có
thể dùng các khoản dư thừa cho các mục tiêu kinh tế. Trường hợp đó thường xảy ra khi
quyền lực bên trên suy yếu và các mối liên hệ xã hội truyền thống mất đi tính nghiêm
ngặt của nó. Trong những hoàn cảnh như thế, có thể thấy một số nông dân khá giả chèn
ép một số nông dân khác kém may mắn hơn để bước vào môi trường quyền lực. Trong quá
trình thăng tiến này họ thường vi phạm những lề thói xã hội nhất định. Đó là các tiểu
chủ ở nước Anh thế kỷ XVI, là các phú nông ở Trung Quốc và giới phú nông ở nước Nga
trước cách mạng tháng 10. Trong một số trường hợp khác, nông dân có thể từ chối thực
hiện các nghĩa vụ nghi lễ. Chẳng hạn, các nhóm nông dân da đỏ Trung Mỹ thôi thực hiện
các nghi thức Thiên chúa giáo truyền thống do họ phải đóng góp nhiều cho việc duy trì
các tổ chức và các lễ hội của nó. Các nhóm nông dân này cải đạo sang Tin Lành vốn không
đòi hỏi các chi phí tốn kém.
Chiến lược thứ hai để giải quyết những khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu
của gia đình nông dân là cắt giảm tiêu dùng. Nông dân giảm tiêu dùng bằng cách chỉ
dùng các loại lương thực cơ bản nhất hoặc tăng cường sản xuất lương thực và các thứ cần
thiết trên đất tư của anh ta. ở Việt Nam, cũng như hầu hết các nước dựa vào nông nghiệp
thâm canh lúa nước khác, nền nông nghiệp vẫn mang tính chất sinh tồn với nhiều mức độ
khác nhau, nghĩa là nó đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của người sản xuất về
lương thực (lúa gạo) và các thực phẩm liên quan, phần lương thực dư thừa mới bán ra thị
trường. Nông nghiệp thâm canh lúa nước sử dụng rất nhiều lao động, canh tác theo mảnh
nhỏ, sử dụng nhiều phân bón, phần lớn là phân hữu cơ, nhưng nếu gặp thời tiết thuận lợi
có thể đem lại sản lượng thu hoạch rất cao, do đó nuôi sống được nhiều người trên một
đơn vị đất đai. Các gia đình nông dân tổ chức việc sản xuất của mình không phải nhằm
vào mục tiêu lợi nhuận tối đa mà là an ninh lương thực và giảm thiểu rủi ro. Tùy theo các
điều kiện kinh tế và kỹ thuật cụ thể mà họ lựa chọn những chiến lược sản xuất khác
nhau để thực hiện được mục tiêu này (ví dụ những năm thời tiết có vẻ không thuận lợi họ
gieo nhiều loại giống, thì họ trồng một loại giống dễ nuôi, để đảm bảo rằng bất kể chuyện
gì xảy ra họ cũng không bị mất trắng). Vì lý do an ninh lương thực và do tập quán ăn
uống, người ta cũng trồng một số loại cây lương thực và hoa màu khác. Rau cỏ trồng trên
mảnh vườn nhà và những loại gia súc, gia cầm như lợn, gà, vịt nuôi ngay trong khuôn
viên gia đình hay cá thả trong ao hồ hay ruộng lúa cung cấp thêm dinh dưỡng cho bữa
ăn cũng là bộ phận của hệ thống nông nghiệp này. Trâu bò được nuôi trước hết để làm sức
kéo cho nông nghiệp và cũng là nguồn thực phẩm cho tiêu dùng gia đình.
Những cố gắng mưu sinh như vậy giải thích tại sao nông dân thiên về lối sống
truyền thống, và tại sao họ không thích cái mới. Những nông dân thuộc loại này ủng hộ
việc duy trì các quan hệ xã hội truyền thống. Chừng nào các quan hệ truyền thống và các
loại quỹ "bảo hiểm" còn được duy trì, thì cộng đồng làng còn có thể đóng vai trò tương tự
như một thể chế phúc lợi, đảm bảo cơ hội sống cho mọi thành viên của nó.
Lý thuyết “kinh tế nông dân”
Một cách tóm tắt, có thể nói rằng đặc điểm cốt yếu của kinh tế nông dân thể hiện ở
chỗ gia đình là một đơn vị của lao động và tiêu dùng (Wolf, 1966; Mendras, 1969;
Meillassoux, 1979). Trong khi nhiều chủ đề của môn xã hội học nông thôn được đề cập
Bựi Quang Dũng
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
89
khá đa dạng về phương diện lý thuyết, thì bàn luận về kinh tế nông dân hầu hết xoay
quanh những kiến giải của Chayanov.
Trong lý thuyết của Chayanov, nền kinh tế nông dân là một hệ thống kinh tế cụ thể,
trong hệ thống đó, đất đai, lao động và tư liệu sản xuất được kết hợp với nhau theo một quá
trình phát triển gia đình tự nhiên. Trong nền kinh tế tư bản, theo ông, lực lượng lao động có
thể được định nghĩa một cách khách quan dưới hình thức tư bản khả biến và việc kết hợp nó
với một lượng tư bản bất biến nhất định bị chi phối bởi tỷ lệ lợi nhuận. Ngược lại, đối với một
nông dân, sản phẩm lao động do gia đình cung cấp là một loại thu nhập duy nhất. Và do
không có hiện tượng xã hội về tiền công, nên cũng không có lợi nhuận tư bản. Câu hỏi chính
mà Chayanov cố gắng trả lời là: cái gì là cơ chế bên trong có thể lý giải được tính hợp lý của
đơn vị sản xuất và tiêu thụ đặc biệt này?
Chayanov cho rằng đặc điểm cơ bản của kinh tế nông dân là kinh tế gia đình. Toàn bộ
tổ chức của dạng kinh tế này do quy mô, cấu trúc của gia đình, các nhu cầu tiêu dùng và số
lượng lao động quy định. Đây là lý do giải thích tại sao quan niệm về lời lãi của kinh tế nông
dân khác với kinh tế tư bản và tại sao những quan điểm của kinh tế tư bản không thể áp
dụng cho nền kinh tế nông dân. Lợi nhuận tư bản là lợi nhuận ròng, tính bằng cách lấy thu
nhập trừ đi các chi phí sản xuất. Đối với nền kinh tế nông dân, sức lao động bỏ ra không
được tính bằng tiền, đó là nỗ lực lao động của các thành viên gia đình. Chừng nào mà nhu
cầu của gia đình còn chưa được đáp ứng thì gia đình nông dân còn làm việc vì những khoản
tiền công nhỏ bé, không sinh lợi trong hệ thống kinh tế tư bản.
Do mục đích của kinh tế nông dân là thoả mãn tiêu dùng gia đình hàng năm nên cái
được quan tâm nhất không phải là tiền trả cho một đơn vị lao động (ngày công) mà là tiền
trả cho cả năm lao động. Nếu đất đai nhiều thì bất kỳ một đơn vị lao động nào do gia đình
bỏ ra đều có thể nhận tiền công tối đa. Trong những điều kiện như thế, kinh tế nông dân
thường dẫn tới nền kinh tế quảng canh. Nếu đất đai ít thì nông dân tiến hành thâm canh.
Bằng cách này, thu nhập hàng năm của các thành viên tăng lên dù cho số tiền trả cho
mỗi đơn vị lao động ít hơn.
Trong phương trình sức lao động và tiêu dùng, một mặt, chúng ta có quy mô gia
đình và mặt khác, chúng ta có tỷ lệ nhất định giữa những người làm và không làm. Sự
kết hợp giữa lao động, đất đai và công cụ lao động có thể thực hiện được thông qua lao
động cực nhọc. Nói cách khác, việc thực hiện một chức năng sản xuất nhất định phụ
thuộc vào mức độ tự khai thác lực lượng lao động của gia đình. Cái cốt lõi trong thuyết
Chayanov là sự cân đối cần thiết giữa tiêu thụ và việc tự khai thác lao động của gia đình.
Chayanov chỉ ra rằng trong trường hợp giá nông phẩm sụt giảm, người nông dân cũng
không giảm sức sản xuất mà ngược lại họ càng cố gắng và duy trì mức độ tiêu thụ thông
qua việc tăng cường sản xuất. Hành vi đặc trưng của một xí nghiệp tư bản chủ nghĩa
trong tình trạng khủng hoảng là thái độ ngược lại: giảm sức sản xuất. Về phương diện
này, đây là hai cỗ máy kinh tế hoàn toàn khác nhau phản ứng một cách khác nhau với
cùng những nhân tố kinh tế.
Một trong những hậu quả chủ yếu của cách tiếp cận này là sự tương tác giữa các
chức năng sản xuất và tái sản xuất. Quá trình phát triển tự nhiên của chu kỳ gia đình
Kinh tế nụng dõn: khỏi niệm và cỏc vấn đề.
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
90
(những mối quan hệ tái sản xuất) sẽ trở thành mối quan hệ sản xuất. Chu kỳ phát triển
này sẽ tác động tới cách mỗi đơn vị sản xuất quan hệ với thị trường, tới độ lớn của trang
trại, v.v... Tuy nhiên, tính khả thi của bất cứ một nhóm gia đình nào cũng không thể
nghiên cứu độc lập với mức độ phát triển nhất định của công nghệ và những trở ngại sinh
thái. Không có tính khả thi tự nhiên nào nhưng có tính khả thi xã hội, phụ thuộc vào
quan hệ qua lại giữa đời sống bên trong của mỗi tế bào sản xuất với hệ thống bên ngoài.
Chỉ có thông qua quá trình này mới giải quyết được vấn đề tái sản xuất xã hội.
Lý thuyết Chayanov ứng dụng rất rộng vì có thể giải thích hoạt động kinh tế của
các hộ gia đình trong nhiều xã hội. ở cấp độ vi mô, đó là lý thuyết về lao động gia đình độc
lập với những điều kiện lịch sử, xã hội và kinh tế. Nếu chúng ta coi chu kỳ phát triển là
một quá trình tự nhiên, thì những giai đoạn chủ yếu của nó sẽ có ý nghĩa chung cho sự
phát triển gia đình trong phạm vi xã hội rộng lớn.
Việc tập trung vào các quá trình tự nhiên bất biến là mặt mạnh nhưng đồng thời
cũng là điểm yếu của lý thuyết này. Lý thuyết tỏ ra đúng trong chừng mực nền kinh tế
nông dân dựa vào nhóm ở đấy các quá trình tự nhiên đóng vai trò quan trọng đối với việc
quyết định thành phần của đơn vị sản xuất. Nói chung, điều này đúng với tất cả xã hội
"truyền thống" và xã hội nông dân. Nghĩa là lý thuyết này áp dụng cho các xã hội mà ở
đó, các điều kiện tự nhiên ngự trị và nổi trội hơn các xã hội nơi các yếu tố nhân tạo chiếm
ưu thế. Điểm yếu nằm ở trong sự quy giản của mô hình này xuống các quá trình tự nhiên
thuần tuý. Là vì ngay cả khi tính chất của lao động gia đình nông dân phụ thuộc vào tuổi,
giới tính cũng như vào các quá trình tự nhiên và những khác biệt về mùa thì lao động vẫn
luôn có tính chất xã hội. Khía cạnh cơ bản này hoàn toàn mất đi trong khái niệm trang
trại lao động gia đình.
Ngược với điều mà nhiều người khẳng định (nền kinh tế nông dân của Chayanov đại
diện cho một phương thức sản xuất cụ thể), lý thuyết về kinh tế nông dân là một khái
niệm phân tích theo nghĩa rằng những biến đổi trong môi trường mà nền kinh tế nông
dân đang hoạt động không làm thay đổi bản chất của bản thân nền kinh tế đó. Tuy nhiên,
khái niệm "phương thức sản xuất" không biểu thị một hiện thực kinh tế và kỹ thuật, mà
thể hiện một hiện thực kinh tế và xã hội. Do vậy, yếu tố kinh tế không chỉ liên quan tới tổ
chức kỹ thuật việc sản xuất vật chất mà còn hàm ý về quan hệ giữa những người sản xuất
và những người phi sản xuất nhưng lại có quan hệ với sản xuất. Không có khái niệm "sản
xuất nông dân mang nghĩa chung" như hàm ý của nó trong khái niệm của Chayanov.
Không thể rút gọn nền kinh tế nông dân thành những yếu tố bất biến của "tế bào" gia
đình còn là do, mặc dù tất cả những nền kinh tế nông dân đều gồm những hộ nông dân
riêng rẽ, nhưng các quan hệ xã hội trong đó nền kinh tế này tồn tại có một bản chất hoàn
toàn khác nhau. Vì thế cho nên nền kinh tế nông dân trong nhiều xã hội nông dân khác
nhau có thể được gói gọn trong các phương thức sản xuất cụ thể và có thể phân biệt được.
Có thể thấy rõ những quan hệ xã hội chiếm ưu thế thay đổi nội dung xã hội của nền
kinh tế nông dân tới mức nào trong yếu tố bất biến: "sự tồn tại" hoặc "nhu cầu của gia
đình". Nhưng điều này có thể được xem là rất nhỏ bé vì Chayanov cho rằng nền kinh tế
nông dân không có khả năng tích luỹ. Tuy nhiên, thay vì biểu thị một nét cụ thể của nền
kinh tế nông dân, điều này chỉ có nghĩa là tất cả các xã hội nông dân (dù là dưới một hình
Bựi Quang Dũng
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
91
thái nào: phong kiến, hoặc châu á v.v...) đều là những xã hội mà ở đó giá trị sử dụng
chiếm ưu thế, thậm chí ngay cả đó là những xã hội sản xuất hàng hoá. Khi nền kinh tế
quốc dân bị ngự trị bởi một kiểu sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì từ chính nền sản xuất và
trang trại lao động gia đình vẫn nảy sinh khao khát giá trị thặng dư kèm theo sự vận
động của tích luỹ vốn. Nói một cách khác, khao khát giá trị thặng dư hoàn toàn diễn ra
theo quy luật phát triển và tích luỹ tư bản chủ nghĩa. Và điều đó sẽ xảy ra mặc dù chúng
ta có thể khẳng định rằng sản xuất trang trại gia đình theo sự phát triển tư bản chủ
nghĩa được hướng tới việc thoả mãn nhu cầu của gia đình.
Hoàn toàn không phải Chayanov không nhận thức được vai trò quan trọng của
những nhân tố vĩ mô trong quá trình tái sản xuất xã hội của trang trại gia đình. Ông nói
rõ rằng các nghiên cứu tiến hành đã không thể đề cập tới các điều kiện chi phối mức năng
suất lao động vì chúng phụ thuộc nhiều vào những nhân tố bên trong trang trại cũng như
phụ thuộc vào những nhân tố kinh tế chung. Sự màu mỡ của thổ nhưỡng, vị trí thuận lợi
của trang trại trong quan hệ với thị trường, tình hình thị trường hiện tại, những quan hệ
về đất đai tại địa phương, hình thức tổ chức của thị trường địa phương và sự thâm nhập
của chủ nghĩa tư bản vào giai cấp nông dân- tất cả những thứ đó, theo Chayanov đều là
những nhân tố chính quyết định năng suất lao động và tiền công của nông dân.
Hơn thế nữa, Chayanov còn khẳng định rằng mối liên hệ trực tiếp giữa quy mô gia
đình với quy mô trang trại phụ thuộc vào trình độ công nghệ của một xã hội cụ thể và
"các quan hệ sản xuất xã hội". Ông thừa nhận rằng trong một trang trại mà chức năng
sản xuất phụ thuộc vào công nghệ tiết kiệm lao động thì sức ép phát triển sinh học của
gia đình không ảnh hưởng tới diện tích đất sử dụng. Nếu điều này là đúng thì người nông
dân có thể đưa lao động thặng dư tới làm việc ở một nơi nào đó và vào thời kỳ mùa vụ cao
điểm có thể thuê lao động phụ. Về mô hình thừa kế, ông cũng chỉ ra rằng nếu có một hệ
thống không thể chia tách được thì chu kỳ phát triển tự nhiên sẽ không tác động tới việc
phân đất sau các giai đoạn khác nhau.
Trong một số bài viết của mình Tepicht đã dành cho việc phân tích thuyết vi mô
của Chayanov bằng cách lập luận rằng nền kinh tế nông dân được đặc trưng bởi tính
chất xã hội của nó hơn là bởi trình độ phát triển công nghệ. Cũng theo Tepicht, những
đặc tính gia trưởng của nông dân, sự kết hợp giữa đất đai và lao động quan trọng hơn
việc sử dụng tư bản và mục đích sản xuất chủ yếu là tăng thu nhập gia đình, là những
đặc tính hiện hữu trong các xã hội nông dân dù công nghệ là người, gia súc hay máy
móc. Do vậy, giả sử chúng ta không có khả năng tìm thấy sự nổi trội của các đơn vị sản
xuất nông dân trong những điều kiện lịch sử cụ thể nào đó (ví dụ như trường hợp tan rã
của giai cấp phong kiến ở một số xã hội châu Âu), chúng ta cũng không thể nói tới nền
kinh tế nông dân với tư cách là một phương thức sản xuất.
Tepicht cũng định nghĩa nền kinh tế nông dân là một nền kinh tế có lượng tư bản
khả biến lớn và có lượng tư bản bất biến nhỏ có nguồn gốc từ công nghiệp, hoà nhập một
cách yếu ớt với sự phân công lao động xã hội, thiếu chuyên môn hoá và quan hệ sản xuất
chồng chéo với cơ cấu hộ gia đình. Do tư bản bất biến được giảm thiểu nên sự thay thế lẫn
nhau giữa đất đai và lao động đóng vai trò quyết định trong quá trình tái sản xuất, ngược
Kinh tế nụng dõn: khỏi niệm và cỏc vấn đề.
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
92
lại trong nền nông nghiệp công nghiệp, cái có giá trị nhất là thay đất đai bằng tư bản
hoặc thay lao động bằng tư bản (Tepicht, 1973).
Cuối cùng, như nhiều học giả đã chỉ rõ, sự tái sinh của các quan hệ sản xuất dựa
vào lao động gia đình và sự kiểm soát đất đai sẽ khác nhau rất lớn tuỳ theo những biến
đổi về tỷ lệ diện tích đất trên dân số.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Quang Dũng. 2007. Xã hội học nông thôn. Nhà xuất bản khoa học xã hội
2. Buttel, Frederick H, Olaf F. Larson, và Gilbert W. Gillespie J. 1990. The Sociology of
Agriculture. Westport, Conn: Greenwood Press.
3. Chayanov, A. 1966. The theory of peasant economy. Irwin.
4. Đặng Thị Việt Phương. 2007. Tài liệu điền dã.
5. Gilbert, J. 1982. "Rural Theory: The Grounding of Rural Sociology". Rural Sociology
47 (Winter): 609-533.
6. Gourou, P. 2003. Người nông dân châu thổ Bắc kỳ. Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ
Chí Minh.
7. Henry, L. 1953. Perspectives de la Sociologie Rurale. Cashiers Internationaux de
Sociologie 14:122-140.
8. Hirkey, J. 1959. Cuộc nghiên cứu một cộng đồng thôn xã Việt Nam (Phần Xã hội học).
Phái đoàn cố vấn Đại học Michigan.
9. Howard, N. 1980. "Rural Sociology- A trend Report". Current Sociology 28 (1):
1-14).
10. Malinowski, B. 1954. Magic, Science and Religion. Double Day Anchor Books:
Garden City, NY.
11. Meillassoux, C. 1979. Femmes, Greniers and Capitaux. Francois Maspero. 1, place
paul-painlevé, Paris.
12. Mendras, H. 1976. Societe Paysannes. Armand Colin- collection, Paris.
13. Nguyễn Từ Chi. 1996. Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người. Nhà xuất bản Văn
hoá thông tin, Hà Nội.
14. Olaf F. Larson. 1972. "Rural Society" trong International Encyclopedia of the Social
Sciences (volume 13,14). Macmillan and Free Press, New York
15. Roger, Evertt và đồng nghiệp. 1987. Social change in Rural Societies, Prentice Hall,
Engiewood Cliffs.
16. Sorokin, PA. và Zimmerman, C. 1929. Principles of Rural- Urban Sociology. New
York: Henry Holt.
17. Summer F. Gene. 1991. "Rural sociology" trong Encyclopedia of Sociology. Borgatta
Bựi Quang Dũng
Bản quyền thuộc viện Xó hội học www.ios.org.vn
93
Edgar. F, Borgatta L. Marrie. Volume 3. Macmillan Publishing Company.
18. Tepicht, J. 1973. Marxisme et agriculture. Paris, Colin.
19. Tôn Nữ Quỳnh Trân. 1995. "Về một làng thợ đúc ở Sài Gòn vào cuối thế kỷ XIX"
trong Làng xã ở châu á và ở Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học. Nhà xuất bản
thành phố Hồ Chí Minh.
20. Vũ Quốc Thúc. 1951. L'Economie communaliste du Viet Nam. Presses Universitaires
du Viet Nam, (bản dịch, Viện Xã hội học).
21. Wittfogel, K. 1997. Le Despotisme Oriental. Les Editions de Minuit.
22. Wolf, E. 1966. Peasants. Prentice- Hall (foundation of modern anthropology series).
Wolf, E. 2000. "Giai cấp nông dân và các vấn đề của nó", trong Một số vấn đề về nông
nghiệp, nông dân và nông thôn ở các nước và Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- so4_2009_buiquangdung_762.pdf