Khuynh hướng truyện ngắn - Tiểu thuyết hóa trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 - Chu Thị Huyền

Tài liệu Khuynh hướng truyện ngắn - Tiểu thuyết hóa trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 - Chu Thị Huyền: 27 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0024 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 27-34 This paper is available online at KHUYNH HƯỚNG TRUYỆN NGẮN - TIỂU THUYẾT HÓA TRONG DÒNG CHẢY CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1986 Chu Thị Huyền Trường Trung học Phổ thông Ninh Giang, Hải Dương Tóm tắt. Trong dòng chảy phong phú và đa dạng của văn học thời kì Đổi mới, truyện ngắn Việt Nam sau 1986 đã có cuộc trở mình ngoạn mục. Thời kì này, truyện ngắn đã hình thành và phát triển với các khuynh hướng thể loại cơ bản như truyện cực ngắn, truyện ngắn trữ tình và truyện ngắn tiểu thuyết hóa. Khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa hiện diện trở thành một khuynh hướng chủ đạo cuả truyện ngắn thời kì này với những đặc trưng cơ bản như: tiếp cận và phản ánh hiện thực đa chiều; mở rộng biên độ dung lượng tối đa, nhân vật đa loại hình, sử dụng những thủ pháp (luân phiên ngôi kể, gia tăng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, sử dụng độc thoại nội tâm) Các...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 444 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khuynh hướng truyện ngắn - Tiểu thuyết hóa trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 - Chu Thị Huyền, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
27 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0024 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 27-34 This paper is available online at KHUYNH HƯỚNG TRUYỆN NGẮN - TIỂU THUYẾT HÓA TRONG DÒNG CHẢY CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1986 Chu Thị Huyền Trường Trung học Phổ thông Ninh Giang, Hải Dương Tóm tắt. Trong dòng chảy phong phú và đa dạng của văn học thời kì Đổi mới, truyện ngắn Việt Nam sau 1986 đã có cuộc trở mình ngoạn mục. Thời kì này, truyện ngắn đã hình thành và phát triển với các khuynh hướng thể loại cơ bản như truyện cực ngắn, truyện ngắn trữ tình và truyện ngắn tiểu thuyết hóa. Khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa hiện diện trở thành một khuynh hướng chủ đạo cuả truyện ngắn thời kì này với những đặc trưng cơ bản như: tiếp cận và phản ánh hiện thực đa chiều; mở rộng biên độ dung lượng tối đa, nhân vật đa loại hình, sử dụng những thủ pháp (luân phiên ngôi kể, gia tăng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, sử dụng độc thoại nội tâm) Các nhà văn tiêu biểu của khuynh hướng này là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Dạ Ngân, Đỗ Bích Thúy, Chính điều này đã làm nên hình hài, diện mạo, vị thế trang trọng của truyện ngắn Việt Nam sau 1986. Từ khóa: Truyện ngắn, truyện ngắn Việt Nam sau 1986, truyện ngắn tiểu thuyết hóa, khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa. 1. Mở đầu Trong dòng chảy phong phú và đa dạng của truyện ngắn Việt Nam sau 1986, truyện ngắn tiểu thuyết hóa được coi là dạng thức tiêu biểu. Sự nỗ lực đổi mới, những tìm tòi, bứt phá của giới sáng tác đã tạo nên những đỉnh triều và những con sóng ngầm của thể loại. Song hành cùng sự chuyển biến của thể loại là sự phản hồi hàng loạt ý kiến từ độc giả. Khẳng định về sự giao thoa, tương tác giữa hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng: “Truyện ngắn trong suốt quá trình phát triển, luôn đứng trước một thách thức: phải làm sao sức chứa và sức nặng vượt thoát được ra ngoài cái khuôn khổ bé nhỏ mà nghệ thuật khuôn vào nó. Lẽ dĩ nhiên, truyện ngắn phải tự tìm tòi, đồng nghĩa nó cũng phải nhìn sang tiểu thuyết” [1; 69]. Đồng quan điểm với ý kiến trên, nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc viết: “Thời hiện đại, tiểu thuyết có xu thế nghiêng về truyện ngắn bởi nó ngắn - về dung lượng, ít nhân vật, thời gian và không gian không có quy mô lớn còn truyện ngắn thì cố mở rộng phạm vi về phương diện tiểu thuyết”. Cũng chính trong bài viết này, sau khi bàn về sự giao thoa thể loại, nhà nghiên cứu khẳng định: “Chính sự xóa mờ ranh giới thể loại mà càng về cuối thế kỉ XX càng diễn ra mãnh liệt và truyện ngắn ngày nay chiếm ưu thế” [8; 526]. Trong công trình Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng định danh cho thể loại này. Tác giả viết: “Nếu với tiểu thuyết có kiểu tiểu thuyết trong tiểu thuyết thì cũng có thể nói trong truyện ngắn có kiểu truyện ngắn trong truyện ngắn hay còn gọi là truyện ngắn - liên hoàn” [11; 162]. Trên thực tế, qua quan sát của chúng tôi, hiện còn một số bài viết quan tâm tới thể loại này như: Tìm hiểu truyện ngắn (Trần Thanh Địch), Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay (Phạm Xuân Ngày nhận bài: 9/1/2018. Ngày sửa bài: 29/3/2018. Ngày nhận đăng: 2/4/2018. Tác giả liên hệ: Chu Thị Huyền. Địa chỉ e-mail: linhhuyen190879@gmail.com Chu Thị Huyền 28 Nguyên), Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975 (Bích Thu) Tuy nhiên, đến nay chưa có bài viết nào nghiên cứu kĩ lưỡng, tổng thể về truyện ngắn tiểu thuyết hóa với tư cách nó là một khuynh hướng cơ bản trong thể loại truyện ngắn Việt Nam sau 1986. Vì vậy, với bài viết Khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa trong dòng chảy truyện ngắn Việt Nam sau 1986, chúng tôi mong muốn mang đến một cái nhìn tương đối toàn diện về khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986. Qua đó, độc giả thấy được sự độc đáo cũng như vai trò quan trọng của khuynh hướng này trong việc làm nên diện mạo của truyện ngắn Việt Nam. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Nguồn gốc của truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986 Trên thế giới, truyện ngắn tiểu thuyết hóa đã hiện diện trên văn đàn cách đây hai thế kỉ. Những nhà văn mở đầu cho khuynh hướng sáng tác này phải kể tới T.Sêkhôp (đã viết truyện ngắn liên hoàn như bộ ba Người trong bao, Quả phúc bồn tử và Về tình yêu (1898), hay E. Hêminhway (đã viết 70 truyện ngắn, trong đó có 15 truyện liên kết với nhau cùng một nhân vật Nick Adam) Trong văn học Việt Nam, những cây bút xuất sắc làm nên diện mạo ban đầu của thể loại đó là Nam Cao (Chí Phèo, Đời thừa, Lão Hạc, Dì Hảo), Nguyên Hồng (Trong cảnh khốn cùng, Hàng cơm đêm, Bố con lão đen) trong đó Nam Cao là người khơi dòng chảy đầu tiên của truyện ngắn tiểu thuyết hóa. Trải qua sự thăng trầm của thời gian và lịch sử, từ sau 1986 đến nay (2018), truyện ngắn là thể loại “được mùa”, một thể loại đã “đạt đến độ chín về nội dung và hình thức”. Trong sự phát triển của thể loại văn xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng, sự giao thoa giữa các thể loại là điều tất yếu. Xét riêng trong thể loại truyện ngắn, chúng ta thấy có sự tương tác giữa truyện ngắn và kịch, truyện ngắn và thơ, truyện ngắn và truyện cổ tích hình thành nên những mô hình, dạng thức mới như truyện ngắn kịch, truyện ngắn trữ tình, truyện ngắn giả cổ tích Truyện ngắn tiểu thuyết hóa cũng ra đời theo quy luật đó. Thực vậy, với sự kế thừa và tiếp thu truyện ngắn tiểu thuyết hóa trong và ngoài nước, với sự tương tác giữa hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, với sự vận sự động nội tại của chính thể loại, sự đòi hỏi có và cần có một thể loại truyện ngắn mới làm nên vị thế mới của văn học đã là những cơ sở, tiền đề để ra đời khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa. Làm nên diện mạo truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986, chúng ta không thể nhắc đến những gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Minh Châu (Phiên chợ Giát); Nguyễn Khải (Một người Hà Nội); Ma Văn Kháng (Nhà trong ngõ hẻm); Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Giọt máu, Con gái thủy thần); Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền); Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè), Đỗ Bích Thúy (Những buổi chiều ngang qua cuộc đời); Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận); Y Ban (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ); Hạo Nguyên (Kỉ nguyên giếng); Nguyễn Thế Hùng (Mùi hương còn lại); Nguyễn Trương Quý (Bỉ sắc tư phong), Doãn Dũng (Âm thanh của kí ức); Dương Tử Ngang (Thời gian lặng lẽ), Nguyễn Anh Vũ (Cửa Bắc). 2.2. Một số đặc trưng cơ bản của khuynh hướng truyện ngắn - tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986 2.2.1. Tiếp cận và phản ánh hiện thực đa chiều. Truyện ngắn thường được định lượng là ngắn, nhỏ trên cả hai bình diện nội dung và hình thức. Tuy nhiên, với khuynh hướng truyện ngắn - tiểu thuyết hóa, các nhà văn hôm nay đã phá vỡ một số yếu tố nền tảng của thể loại và trao cho truyện ngắn một số đặc tính mới để làm nên những thang bậc giá trị thể loại. Trước đây, trong truyện ngắn truyền thống, cách tiếp cận và phản ánh của truyện ngắn thường được giới hạn trong một không gian nhỏ hẹp bởi “truyện ngắn là một hình thức tự sự loại nhỏ. Nó khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập trung mô tả một sự kiện nào đó thường xảy ra trong một đời nhân vật, hơn nữa thường bộc lộ một nét nào đó của nhân Khuynh hướng truyện ngắn - tiểu thuyết hóa trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 29 vật” [3]. Tuy nhiên, truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986 không chỉ dừng lại với quan điểm tiếp cận và phản ánh những góc nhỏ, “lát cắt” của cuộc sống. Nó có khả năng bao quát hiện thực rộng lớn, nó là một cuốn tiểu thuyết thu nhỏ trong dung lượng một truyện ngắn. Là một cuốn tiểu thuyết cỡ nhỏ, truyện ngắn tiểu thuyết hóa không từ chối bất cứ đề tài nào của cuộc sống. Đó có thể là đề tài chiến tranh được tái hiện qua những hồi ức, những giấc mơ, những suy tưởng. Đó là đề tài tình yêu - một thứ chất nhựa lúc nào cũng tràn đầy sức sống trong thơ ca, kí, tiểu thuyết và bây giờ vẫn đầy sức vẫy gọi trong truyện ngắn tiểu thuyết hóa. Đó là thế sự bỏng rẫy với muôn cảnh đời, cảnh người trong cuộc sống thời hậu chiến kéo nền kinh tế thị trường, thời đại công nghệ 4.0 hôm nay. Đó có thể là cuộc sống của những người nông dân cổ hủ, cố thủ với những tập tục định kiến trên núi cao, sông thẳm cho tới cuộc sống của người nông dân nghèo dạn dĩ trong lũy tre làng; cuộc sống chạy theo đuôi con cá, con ngựa, con vịt hay chạy đua theo con dấu, chức vị của người nông dân, trí thức, giám đốc, tổng giám đốc, chính trị gia Tất cả đều trở thành đề tài, thành vấn đề, thành “tâm bão” của truyện ngắn tiểu thuyết hóa hôm nay. Đọc Âm thanh của kí ức (Doãn Dũng), người đọc được sống lại với kí ức của những ngày binh lửa thuở nào. Không gian thực của truyện là chiếc sân khấu rộng bằng năm manh chiếu, các nhân vật hiện diện là những diễn viên đang nhập vai cho tiết mục trình diễn truyện ngắn “Những vòng đồng kí ức”. Sau những thao tác chuẩn bị nhanh chóng, hình ảnh đại đội 3 với C phó quân sự, thượng úy Hải quân Phúc, đội trưởng Toại đang nhoài người trên bờ hào dùng ống nhòm quan sát trận địa trong cuộc quyết chiến trên đỉnh Z4 hiện diện trên sân khấu. Cả không gian thực như chìm để để người xem lắng lại và trở về với không gian xưa - chiến trường, những người lính quả cảm, những mất mát, hy sinh, gan góc, dũng cảm và chiến thắng, và những “những ngôi mộ trầm mặc bám vào triền đồi. Đài tưởng niệm hình ba khẩu A K chụm lưng tuốt lê tạc thẳng lên trời” [13; 29]. Truyện Thời gian lặng lẽ (Dương Tử Ngang), Những chàng trai sống cùng hoa săng đắng (Nguyễn Đình Tú), Cửa Bắc (Nguyễn Anh Vũ) mỗi câu chuyện có cách khởi đầu khác nhau để trở về với chiến tranh song nó đều có giá trị làm thức dậy một phần khó ngủ yên trong lòng những người lính, những người đã bước ra từ chiến tranh. Nhiều độc giả thời nay không mặn mà mấy với đề tài này, tuy nhiên với những người lính, đó là phần êm ái nhất, đau đớn nhất và cũng là phần thiêng liêng nhất của cuộc đời mình. Bên cạnh đề tài chiến tranh, các nhà văn hôm nay bắt rất nhanh và tái hiện rất sắc những câu chuyện nóng hổi của cuộc sống. Trước hết là những câu chuyện về sự đổi thay dần dần trong nếp sống, cách sống của con người theo dòng chảy và sự biến đổi của thời gian. Trong sự giao tranh giữa cái mới và cái cũ, Nguyễn Khải đã viết Một người Hà Nội như một cái nhìn mang tính khẳng định và mong muốn vương vít nhiều về những giá trị vàng của lịch sử. Hình ảnh cô Hiền - một “hạt bụi vàng” của Hà Nội ra đi thể hiện cái nhìn quan hoài, nuối tiếc về sự ra đi của một thời: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng” [4; 51]. Giọt máu (Nguyễn Huy Thiệp) là lịch sử bốn đời của một họ tộc, từ đời đại phú Phạm Ngọc Liên “sống đến tám mươi tuổi, sang đời con là ông Phạm Ngọc Gia làm nghề mổ lợn, đến đời đứa cháu đích tôn Phạm Ngọc Chiểu thi đỗ, làm quan, đục khoét dân chúng, sau bị thất sủng về vườn, và khép lại là đời thứ tư - vợ chồng người chắt Phạm Ngọc Phong, chết trong ân hận khi đứa con trai bị sét đánh chết. Bốn mươi lăm trang truyện giống như một pho tiểu thuyết tái hiện sự kiện của một họ tộc kéo dài bốn đời, hàng chục số phận thăng trầm, đau khổ, gồm đủ mọi hạng người trong xã hội. Nhiều truyện ngắn của Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Thân, Trần Thuỳ Mai, Y Ban, Nguyễn Bản cũng có xu hướng mở rộng dung lượng và sức chứa như thế. Nhìn lại chặng đường phát triển của truyện ngắn tiểu thuyết hóa ba thập niên, chúng ta nhận ra: chưa bao giờ cuộc sống lại đa màu, đa sắc như thế trên trang văn. Chu Thị Huyền 30 Truyện ngắn thời kì này như anh chàng lực điền dang cái lưng to vằm của mình ra để cõng bao nhọc nhằn của cuộc sống. Các nhà văn hôm nay dùng ngòi bút và trái tim chân thật của mình cày vỡ những sự thực ở đời. Mọi ngõ ngách, mọi nẻo đời dù nhàu nhĩ, xám xịt hay tươi rói đều oằn mình trên mỗi trang viết. Truyện ngắn tiểu thuyết hóa là cuộc du hí thời hiện đại. Người đọc khi thì được sống cùng cuộc sống người - bò khuất sau lũy tre làng với những âu lo khắc khoải về tương lai của người nông dân, về nông thôn Việt Nam (Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra - Nguyễn Minh Châu); khi lại lăn mình vào cuộc sống với những cánh đồng bất tận đói nghèo, tăm tối, lạc hậu, cuộc sống cực nhằn của những người nuôi vịt chạy đồng trên mảnh đất Nam Bộ (Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư); hay cuộc sống trong những thung lũng bên triền núi phía bắc của một gia đình mới món ăn độc nhất - món sài thục - được coi là “linh vật của gia đình” (Linh vật, Phạm Duy Nghĩa), cuộc sống của một gia đình sống theo lối du canh nhưng quyết bảo vệ cho được mảnh đất, lối sống nề nếp văn hóa của ông cha trước những kẻ ngoại tộc (Mùi hương còn lại, Nguyễn Thế Hùng); Tạm xa cái hẻo lánh lũy tre làng, cái mịt mờ bên những triền núi, truyện ngắn lại đổ ập trước mắt bạn đọc cái không khí bụi bặm, náo nhiệt nơi phố phường. Một cái ngõ hẻm, một cái hành lang công cộng với bao tiếng cười, tiếng khóc, tiếng chửi túa ra cùng những mảnh đời của đủ hạng người nhào lộn trong cái “vô luân, dị ngợm, hỗn mang” (Nhà trong ngõ hẻm, Ma Văn Kháng). Một vỉa hè với những “món ăn ngon mà người ta bán hàng dễ sợ” khi “phở quát cháo chửi thành thương hiệu rồi” (Bỉ sắc tư phong, Nguyễn Trương Quý) Mở rộng, bao quát cuộc đời không chỉ ở bề rộng của không gian, chiều dài của lịch sử, truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986 khám phá chiều sâu của số phận, với những “luật đời”, “nghiệp chướng”, những uẩn ức, luật nhân quả... Độc giả hôm nay nhận ra hiện thực phản ánh của truyện ngắn và tiểu thuyết đang xích lại gần. Những vấn đề lớn lao của con người, cuộc đời, vấn nạn của xã hội dần dần trở nên quen thuộc trong nhiều trang viết của thể loại truyện ngắn tiểu thuyết hóa. Nói cách khác cái “lát cắt cuốc sống” của truyện ngắn ngày càng dày thêm, to ra và có sức phản ánh sâu, rộng, lớn. Đó là Đời khổ, Luật trời, (Nguyễn Khải), Tóc huyền màu bạc trắng, Những người đàn bà, Bà ngoại, Người bị ruồng bỏ (Ma Văn Kháng), Chị tôi, Một nửa cuộc đời (Nguyễn Thị Thu Huệ), Vòng trầm luân trần gian, Hoá kiếp, Tội tổ tông, Luân hồi (Tạ Duy Anh), Người sót lại của rừng cười, Hồn trinh nữ, Nghiệp chướng (Võ Thị Hảo), Nhân sứ (Hòa Vang)... Có thể nói, chưa bao giờ truyện ngắn lại đa diện, đa sắc như bây giờ! Khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa hôm nay đã mang sức chứa lớn như bất cứ một cuốn tiểu thuyết thật sự nào ở đời. 2.2.2. Mở rộng biên độ dung lượng tối đa Trong sự đa thanh cuả truyện ngắn Việt Nam sau 1986, nếu khuynh hướng truyện cực ngắn có xu hướng cô đúc, dồn nén dung lượng thể loại trong vài câu, một câu văn, thậm chí đúc lại toàn bộ tác phẩm bằng một từ thì truyện ngắn tiểu thuyết hóa lại toàn đối lập. Các nhà văn theo khuynh hướng truyện ngắn này cởi mở dung lượng của thể loại đến mức dài hơi nhất có thể. Những nhà văn tiên phong trong khuynh hướng này phải kể đến Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Võ Thị Hảo, Y Ban, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư Qua khảo sát Văn mới 2015-2016, tuyển tập bao gồm 26 tác phẩm, trong đó có mười tác phẩm có dung lượng từ mười trang trở lên, đặc biệt Mùi hương còn lại (Nguyễn Thế Hùng) 14 trang, Vô vi (Trần Thanh Cảnh) 14 trang, Ám thanh (Ý Nhi) 16 trang, Nhà trong ngõ hẻm (Ma Văn Kháng) 20 trang và dài nhất Kỉ nguyên giếng (Hạo Nguyên) 22 trang văn. Khảo sát Tuyển tập truyện ngắn hay 2000-2016, 60 năm Văn nghệ quân đội, tập truyện có 19/37 tác phẩm thuộc khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa, tác phẩm dài hơi nhất đó là Phòng chờ (Thụy Anh) 19 trang văn. Như vậy, nếu truyện ngắn truyền thống chỉ tồn tại từ ba đến năm trang viết thì truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986 đã có dung lượng ngôn ngữ gấp từ ba đến năm lần. Khuynh hướng truyện ngắn - tiểu thuyết hóa trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 31 Sự dài hơi về ngôn ngữ kéo theo sự biến đổi hoàn toàn về kết cấu và cốt truyện. Truyện ngắn hôm nay không còn cốt truyện, kết cấu đơn tính mà cốt truyện thường là truyện lồng trong truyện và kết cấu liên hoàn, phân mảnh. Nguyễn Huy Thiệp là một ví dụ tiêu biểu. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp [14] với 41 truyện, song có ba dạng thức cơ bản: Nhóm 1: Nhưng tác phẩm có kết cấu truyện lồng trong truyện/ liên hoàn, bao gồm: Những ngọn gió Hua Tát gồm 10 truyện ngắn liên hoàn (Trái tim hổ, Con thú lớn nhất, nàng Bua, Tiệc xòe vui nhất, Sói trả thù, Đất quên, Chiếc tù và bị bỏ quên, Sạ, nạn dịch, nàng Sinh); Chút thoáng Xuân Hương gồm ba truyện (Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba); Con gái thủy thần bao gồm ba truyện (Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba); Không có vua (1. Gia cảnh, 2. Buổi sáng, 3. Ngày giỗ, 4. Buổi chiều, 5. Ngày Tết, 6. Buổi tối, 7. Ngày thường); Trương Chi (1.Vào chuyện; 2. Câu chuyện; 3. Đoạn kết); Thương nhớ đồng quê (đoạn 1, Chuyện sư Thiều; Chuyện ông giáo Quỳ; Chuyện chú Phụng); Không khóc ở Califolia. Nhóm 2: Những truyện được tác giả đánh mục/ phần, bao gồm: Huyền thoại phố phường (3 đoạn và đoạn kết); Cún (ba đoạn); Tướng về hưu (15 đoạn); Giọt máu (14 đoạn); Kiếm sắc (đoạn 1, đoạn kết); Vàng lửa (2 đoạn, đoạn kết 1, đoạn kết 2, đoạn kết 3); Thương cả cho đời bạc (3 đoạn , đoạn kết); Cánh buồm nâu thuở ấy (6 đoạn). Nhóm 3: Nhóm tác phẩm không được đánh số mục nhưng ngắt quãng bằng dấu ba sao (***) bao gồm: Chảy đi sông ơi (ba đoạn); Những người thợ xẻ (2 đoạn); Phẩm tiết (2 đoạn); Nguyễn Thị Lộ (5 đoạn); Chuyện tình đêm mưa (5 đoạn); Những người muôn năm cũ (2 đoạn). 2.2.3. Nhân vật đa loại hình Hiện thực xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI có sự thay đổi, biến động không ngừng. Thời đại đó đã sinh ra những con người mới, kiểu nhân vật mới cho văn học trong đó có truyện ngắn. Là những người đi đầu, xung kích trong văn học nghệ thuật, các nhà văn theo khuynh hướng truyện ngắn tiểu thuyết hóa đã tái hiện thành công diện mạo của thời đại qua góc nhìn từ nhân vật, trong đó nổi bật với những loại hình: nhân vật bản năng, tính dục; nhân vật đê tiện thực dụng; nhân vật hướng thiện. Nhân vật bản năng tính dục cũng chính là con đẻ của xã hội đương đại trao tay cho văn học trong đó có truyện ngắn. Nhân vật bản năng, tính dục khai thác con người tự nhiên, con người bên trong con người. Nhu cầu thỏa mãn ham muốn, khát vọng của bản thân, những ham muốn đến từ thế giới vô thức, ẩn sâu trong mỗi con người được trào dâng do tác động của ngoại cảnh mang lại. Đi thăm chồng (Dạ Ngân) là câu chuyện cảm động về những cuộc đi thăm chồng của những người vợ lính thời chiến. Bất chấp những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trên đường, họ đều mong muốn có được những giây phút gần chồng, được “tắm hơi chồng”. Nhân vật tôi, người kể chuyện đã kể lại cảm giác hạnh phúc xen tiếc nuối của người em gái - Út: “Mười chín tuổi, mấy ngày trăng mật trong bom pháo, lần này nữa là lần thứ ba người vợ lính được tắm hơi chồng, vẻ mặt ấy đang thông tin với tôi những điều gì? Tóc tràn, da không bắt nắng, nó thanh tân và rạng ngời như mùi hương của trăng mật còn ngây ngất trong từng tế bào, hơi thở, dáng điệu. Tôi chưa có chồng, tôi mò mẫm với bản năng nhưng tôi biết em tôi như một bông hoa kì diệu trong đêm, thứ hoa có tên đàn bà” [15; 19]. Có thể nói, truyện ngắn Việt nam sau 1986 đã cởi trói những ràng buộc cho văn chương, để con người được trở về sống trọn những giây phút là mình, với những khát vọng chân chính, nguyên thể của con người. Ngọn nến vĩnh cửu (Đỗ Phấn) lại chọn lựa khai thác niềm hạnh phúc chớp nhoáng, chóng vánh, tạm bợ nhưng tràn đầy khát khao của Yến (khi rời khỏi vòng tay người chồng nơi xóm núi) để đến với người đàn ông ở căn nhà sát ban công, nơi có ngọn nến im phăng phắc tỏa ánh sáng mờ ảo: “Bàn tay nóng như một mũi tên chỉ đường đến tận mọi ngóc ngách cơ thể cô. Nó đánh thức toàn bộ giác quan cô trên suốt quãng đường đi qua Cô oằn mình đón nhận. Một nóng bỏng dịu dàng trườn vào tận thẳm sâu khao khát” [15; 33]. Nhìn lại sự vận động và phát triển của truyện ngắn tiểu thuyết hóa sau hơn ba mươi năm của thời kì đổi mới, chúng tôi nhận thấy kiểu nhân vật bản năng, tính dục ngày càng xuất hiện với tần số cao. Không chỉ thấp thoáng hay dừng lại ở một vài chi tiết nhỏ lẻ trong văn bản, nhiều nhà văn Chu Thị Huyền 32 đã làm nên độ dày nhân vật qua hệ thống nhân vật trong các sáng tác của mình. Đó là Chương, Trương Tri, (Con gái thủy thần, Trương Chi - Nguyễn Huy Thiệp); là San, Dự (Nhà trong ngõ hẻm, Đất màu - Ma Văn Kháng); là nhân vật người cha (Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư), là Xuân (Xuân nữ - Dạ Ngân) Nhìn chung, các nhà văn hôm nay không chỉ soi chiếu nhân vật dưới cái nhìn của nhà văn mà trong cái nhìn rộng mở hơn. Dưới góc nhìn phân tâm học, họ là những chuyên gia tâm lí khám phá, phát hiện, lên tiếng về những u uẩn, kìm nén, những bi kịch bản thể của con người. Bên trong con người xã hội là con người sinh học đã, đang dần được phơi mở. Song có điều các nhà văn hôm nay không chỉ phản ánh nhu cầu mang tính bản năng cuả con người mà khơi sâu lí giải nguyên nhân tạo nên nó - những khát vọng, sự tuyệt vọng; những hạnh phúc, sự khổ đau, bất hạnh của con người trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc bản thể của mình. Đây chính là sự thành công của truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986. Loại hình nhân vật đê tiện, thực dụng không phải là kiểu nhân vật mới trong truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986. Trước 1986, kiểu nhân vật là đã khá phổ biến trong truyện ngắn Việt Nam, tuy nhiên đến giai đoạn này, nhân vật đê tiện, thực dụng đã mở rộng quy mô phản ánh và đối tượng. Trước kia, kẻ đê tiện thực dụng chủ yếu là những ‘ông chủ, bà chủ” (con đẻ của xã hội thực dân nửa phong kiến), nay mở rộng tới mọi đối tượng trong xã hội. Họ bị đồng tiền, danh vọng, tình ái làm vấy bẩn, nhuộm đen lương tâm. Họ tham lam, ích kỉ, hẹp hòi và tàn nhẫn vô độ. Con người không chỉ bị tha hóa mà còn tự nguyện, bằng lòng và thậm chí hãnh diện trước sự tha hóa của chính mình. Chúng ta có thể kể tên những nhân vật thuộc loại này như Đoài (Không có vua - Nguyễn Huy Thiệp), Bường (Những người thợ xẻ - Nguyễn Huy Thiệp), Sếp trưởng, Sếp phó, con dâu Sếp phó (Cả một dây đi theo nhau - Hồ Anh Thái), Toản, Quảng, Phó, đạo sĩ (Xóm chùa thời ung thư, Đất xóm chùa, Người khách đêm giao thưà, Niết bàn rực cháy - Đoàn Lê), ông Báu (Quỹ đen - Kiều Bích Hương), Truyện ngắn Những người thợ xẻ được Nguyễn Huy Thiệp viết bằng giọng văn vừa lạnh lùng dửng dung vừa giễu nhại pha chút hài hước vạch trần thói cơ hội thực dụng của những người thợ xẻ. Để chuộc lợi, Bường sẵn sàng lừa lão Thuyết, bán trộm gỗ cho cánh lái xe. Hắn sung sướng trước đồng tiền vừa thu được: “Hóa ra so với chỉ tiêu, bọn mình vượt 220 phần trăm. Đời xôm thật! Thế mới gọi là hoạch toán kinh tế chứ!” [13; 230]. Không dừng lại ở đó, lợi dụng lúc con gái lão Thuyết mang đồ dùng đến cho đám thợ xẻ, hắn nấp trong bụi cây, chờ cơ hội để dở trò đồi bại: “Khi Quy đi qua chỗ anh Bường nấp thì vụt một cái, anh Bường chồm dậy. Tôi nghe thấy Quy kêu thất thanh. Anh bường bịt miệng, bế thốc cô gái vào bụi rậm” [6; 231]. Lòng tham của con người khi nổi dậy, nổi dậy có ý thức, có sự sắp đặt sẽ biến con người trở thành đê tiện, mất hết tính người là vậy! Cũng giống như Bường, nhân vật Đoài trong Không có vua cũng là kẻ đê tiện và bỉ ổi không kém. Là em nhưng hắn sẵn sàng chòng ghẹo, định giở trò vô luân với chị dâu, hắn gã gẫm: “Tối nay tôi vào buồng Sinh nhé!”. Và đây là phản ứng của hắn khi nghe tin cậu mất: “Cứ gác lại đã. Các bác già chết đi có gì là lạ? Tiếp tục cuộc vui đi. Nào, xin mời các chư tướng!” [14;140]. Chỉ với lời thoại ngắn gọn, Nguyễn Huy Thiệp đã lật tẩy thói dâm ô, bỉ ổi, bạc nghĩa, bạc tình của Đoài trên trang giấy. Câu chuyện như một vở bi hài kịch với một đống hổ lốn ái, ố, hỉ, nộ của con người, khiến người đọc không khỏi xót xa về lối sống của một số công dân thời đổi mới - sản phẩm mà xã hội hiện đại đã tạo ra. Qua quan sát truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986, nhìn từ nhân vật, sự xuất hiện đông đảo hai kiểu nhân vật trên không khỏi mang đến cho bạn đọc cái nhìn lo lắng, trăn trở về xã hội đương thời. Bởi lẽ trong bất cứ không gian nào, với bất cứ tầng lớp nào chúng ta cũng nhận thấy sự nhem nhuốc, xộc xệch, méo mó về hình hài và tính cách của con người. Tuy vậy, thực tiễn văn họ đã chỉ ra các nhà văn hôm nay (cũng như chúng ta) không hoàn toàn mất niềm tin về con người, về những giá trị tốt đẹp của con người của xã hội. Trong xã hội còn một bộ phận không nhỏ vẫn đang tiếp tục hành trình gìn giữ, phát huy và nâng niu những giá trị Chân - Thiện - Mĩ Khuynh hướng truyện ngắn - tiểu thuyết hóa trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1986 33 của cuộc sống, cho dù hành trình đó vô cùng nhọc nhằn và vất vả. Các nhà văn hôm nay đã ghi lại chân dung những con người đó kèm gửi sự trân quí của mình, khao khao lưu truyền, phát triển những giá trị tốt đẹp ở đời. Họ được gọi là những nhân vật hướng thiện. Họ có thể là những người lầm lỗi, sau khi vấp ngã, gây tội họ sẵn sàng trả giá và mong muốn góp công vào việc gìn giữ những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Họ có thể là những người tự nhận một cái nghề không tên tuổi - cái nghề phụng thờ, gìn giữ, lưu truyền giá trị Người, giá trị Cuộc đời, giá trị của dân tộc. Đó là nhân vật Yến (Thanh Tẩy - Nguyễn Đình Tú), ông Năm Nhỏ (Cải ơi - Nguyễn Ngọc Tư), mẹ già Mao (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá - Đỗ Bích Thúy), lão Từ, lão Tân (Đôi chóe sành màu da lươn - Nghiêm Lương Thành) Bên cạnh ba yêu tố cơ bản của truyện ngắn tiểu thuyết hóa như trên, chúng ta thấy các nhà văn hôm nay đã làm nên diện mạo của truyện ngắn bằng một số thủ pháp như sự luân phiên các ngôi kể, gia tăng phân tích tâm lí nhân lí nhân vật, phát huy giá trị của độc thoại nội tâm, sử dụng một số thủ pháp nhại (nhại cổ tích, nhại lịch sử), đổi mới thành phần cú pháp, ngữ đoạn, gia tăng ngôn ngữ đời thường, khẩu ngữ Tất cả những điều này làm nên tính đa diện, đa thanh, đa ngôn, tính đối thoại cuả truyện ngắn tiểu thuyết hóa Việt Nam sau 1986. 3. Kết luận Tóm lại, trong sự phát triển của văn xuôi thời kì Đổi mới, truyện ngắn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Sự phân tách thành nhiều khuynh hướng trong đó có truyện ngắn tiểu thuyết hóa là một ví dụ tiêu biểu. Kế thừa và phát triển truyện ngắn tiểu thuyết hóa trên thế giới và Việt Nam, giao thoa và tương tác giữa truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại, truyện ngắn tiểu thuyết hóa đã trở thành một khuynh hướng sáng tác quy tụ nhiều tài năng và sáng tác có giá trị. Với những giá trị đã đạt được trong hơn ba mươi năm qua, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng truyện ngắn tiểu thuyết hóa nói riêng và truyện ngắn Việt Nam nói chung sẽ vươn xa hơn nữa về mọi biên độ để trở thành cánh chim đầu đàn trong văn xuôi hiện đại Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Tạ Duy Anh (biên soạn), 2000. Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí. Nxb Thanh niên, Hà Nội. [2] Trần Thanh Địch, 1988. Tìm hiểu truyện ngắn. Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. [3] Tên Gulaiep.N.A., 1982. Lý luận văn học. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. [4] Nguyễn Khải, 2014. Tuyển tập truyện ngắn. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. [5] Nguyễn Kiên, 2000. Về tác động của tiểu thuyết đối với truyện ngắn, in trong Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Bùi Việt Thắng. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 341. [6] Phạm Xuân Nguyên, 1994. Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay. Tạp chí văn học, số 2, tr 26. [7] Vương Trí Nhàn, 1983. Sự sáng tạo trong truyện ngắn, Tạp chí Văn nghệ quân đội số 10. [8] Nhiều tác giả, 2006. Lý luận phê bình văn học đổi mới và phát triển. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2006, tr 526. [9] Nhiều tác giả, 2016. Tuyển truyện ngắn đạt giải cao 30 năm đổi mới 1986-2016. Nxb Trẻ, Hà Nội. [10] Hồ Anh Thái (tuyển chọn), 2017. Văn mới 2015-2016. Nxb Trẻ, Hà Nội. [11] Bùi Việt Thắng, 2000. Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. [12] Bích Thu, 1996. Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975. Tạp chí văn học, số 9, tr.32. [13] Tuyển tập truyện ngắn hay 2000-2016, 60 năm Văn nghệ quân đội, 2016. Nxb trẻ, Hà Nội. Chu Thị Huyền 34 [14] Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, 2000. Nxb Đông A, Hà Nội. [15] Văn mới 5 năm (2011- 2015), 2015. Nxb Đông A, Hà Nội. ABSTRACT The fictionalized sort orientation in the streets of the vietnamese stories after Chu Thi Huyen Ninh Giang High School, Hai Duong In the abundant and varied flow of modern literature, the Vietnamese short story after 1986 has been spectacular. This period, the short story has formed and developed with basic physical tendencies like a short, short story, head story and fictionalized short stories. The fictionalized short orientation is becoming a mainstream trend of this period of short term with basic characteristics such as: access to the maximum capacity of the maximum capacity, multi character type, using the important technique (to change the story, increasing the art of describing the character of character, inner voice...). The typical writers like Nguyen Minh Chau, Nguyen Khai, Ma van Khang, Nguyen Huy Thiep, Ta Duy Anh, Do Hoang Dieu, Nguyen Thi Thu Hue, Nguyen Ngoc Tư... whom makes the form, the appearance, the solemn position of the Vietnamese short story after 1986. Keywords: The short story, short after the 1986 Vietnam, fictionalized short stories, fictionalized short orientation.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf5192_4_chu_thi_huyen_7886_2123681.pdf
Tài liệu liên quan