Tài liệu Không gian giả tưởng trong truyện chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0059
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 69-74
This paper is available online at
KHÔNG GIAN GIẢ TƯỞNG TRONG TRUYỆN
CHÚC MỘT NGÀY TỐT LÀNH CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
Lã Thị Bắc Lý và Phùng Thị Hân
Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Trong Chúc một ngày tốt lành, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra một không gian giả
tưởng đầy màu sắc, mới lạ và hấp dẫn. Đó là một không gian mà cả con người và con vật
đều có một hệ thống ngôn ngữ chung, thống nhất. Không gian ấy biểu hiện một thế giới
đảo lộn, đầy ảo thuật; nơi tình yêu là lẽ sống. Tác phẩm cũng mang ý nghĩa phê phán lối
sống thực dụng của con người và gửi gắm thông điệp: người lớn muốn hiểu được các em
thì hãy nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ. Qua lăng kính của trẻ nhỏ, ta sẽ thấy được thế
giới luôn ẩn chứa nhiều điều kì diệu và đầy phép thuật. Đó chính là tấm vé đi tuổi thơ cho
những ai hiểu được giá trị của nó.
Từ khóa: Văn học thiếu nhi Việt Nam, N...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 391 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Không gian giả tưởng trong truyện chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0059
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 69-74
This paper is available online at
KHÔNG GIAN GIẢ TƯỞNG TRONG TRUYỆN
CHÚC MỘT NGÀY TỐT LÀNH CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
Lã Thị Bắc Lý và Phùng Thị Hân
Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Trong Chúc một ngày tốt lành, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra một không gian giả
tưởng đầy màu sắc, mới lạ và hấp dẫn. Đó là một không gian mà cả con người và con vật
đều có một hệ thống ngôn ngữ chung, thống nhất. Không gian ấy biểu hiện một thế giới
đảo lộn, đầy ảo thuật; nơi tình yêu là lẽ sống. Tác phẩm cũng mang ý nghĩa phê phán lối
sống thực dụng của con người và gửi gắm thông điệp: người lớn muốn hiểu được các em
thì hãy nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ. Qua lăng kính của trẻ nhỏ, ta sẽ thấy được thế
giới luôn ẩn chứa nhiều điều kì diệu và đầy phép thuật. Đó chính là tấm vé đi tuổi thơ cho
những ai hiểu được giá trị của nó.
Từ khóa: Văn học thiếu nhi Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh, Chúc một ngày tốt lành, không
gian giả tưởng.
1. Mở đầu
Trên thế giới, dòng văn học giả tưởng xuất hiện rất sớm và phát triển mạnh. Độc giả đã
quá quen thuộc với cái tên Robinson, Perter Pan, Hoàng tử bé, Alice,. . . đặc biệt Harry Poter -
cuốn truyện với phép thuật diệu kì làm mê hoặc không chỉ trẻ con mà cả người lớn. Ở Việt Nam,
yếu tố giả tưởng cũng được nhiều tác giả quan tâm như Trên hành trình Đêta của Lưu Văn Khuê,
Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm của Phan Hồn Nhiên, Thiên mã của Hà Thủy
Nguyên,. . . Nhiều tác giả sáng tạo ra thế giới giả tưởng bằng việc lấy các câu chuyện về loài vật để
lôi cuốn, kích thích trí tưởng tượng của trẻ thơ. Các con vật hiện lên như con người, có suy nghĩ,
hành động, cảm xúc và cũng biết yêu thương. . . Với khuynh hướng này, Nguyễn Nhật Ánh là một
ví dụ tiêu biểu. Trong hàng loạt truyện viết đầu thế kỉ XXI như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi
thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lá nằm trong lá, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Ngồi khóc trên cây,
Chúc một ngày tốt lành, Bảy bước tới mùa hè,. . . Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra một không gian giả
tưởng đầy hấp dẫn, thu hút bạn đọc vào mê cung của những câu chuyện li kì, huyền ảo.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát không gian giả tưởng trong truyện Chúc một ngày
tốt lành. Một không gian được thêu dệt bằng trí tưởng tượng đậm chất siêu thực - một thế giới mới
lạ, đầy màu sắc. Trong thế giới ấy, Nguyễn Nhật Ánh đã biến những điều không thể thành có thể,
biến mơ tưởng thành hiện thực. Ngỡ là phi lí nhưng lại vô cùng có lí.
Ngày nhận bài: 15/7/2015 Ngày nhận đăng: 10/11/2015
Liên hệ: Lã Thị Bắc Lý, e-mail: ltbl@hnue.edu.vn
69
Lã Thị Bắc Lý
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Không gian giả tưởng được xây dựng bằng một hệ thống ngôn ngữ thống
nhất
Trong thế giới Chúc một ngày tốt lành, Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng một ngôn ngữ chung
cho tất cả các nhân vật để chúng có thể trò chuyện với nhau như con người. Ở đây, ranh giới giữa
con người và con vật đã bị xóa bỏ. Con vật được xây dựng như con người với những suy tư, trăn trở
về thế giới, về tình yêu, về mối quan hệ xã hội. Nguyễn Nhật Ánh mang đến cho bạn đọc một thế
giới hoàn toàn mới lạ. Các con vật tự thiết lập một bộ từ điển ngôn ngữ chung, bao gồm cả phiên
âm, dịch nghĩa:
- Un un gô – gô un un: chào buổi sáng
- Chiếp un un: Anh có khỏe không ?
- Un un – chiếp un un: Tôi khỏe còn anh ?
- Un un: Khỏe ạ
- Ăng gô gô: Chúc một ngày tốt lành
- Chiếp chiếp gô: Cảm ơn
- Un gô gô: Chúc ngủ ngon.
- Gồ gồ - gồ un - ủn gô. . . ô. . . ô: Thế là tình ta vỡ tan.
- . . . . . . ..
Trên cơ sở bộ từ điển cẩm nang ngôn ngữ đó, thằng Cu (đại diện cho con người) và các con
vật đã tạo ra một loạt các cuộc hội thoại theo chủ đề để con người có thể tiếp cận với con vật một
cách dễ dàng hơn. Nguyễn Nhật Ánh đã kéo gần khoảng cách giữa con người với thế giới loài vật
để lắng nghe những âm thanh mà vốn thường ngày ta vẫn cho là vô nghĩa.
Không chỉ hiểu nhau về mặt ngôn ngữ mà người với vật còn có thể chia sẻ với nhau cả
những tâm tư tình cảm thầm kín. Thằng Cu rất hiểu suy nghĩ của cún Lọ Nồi vì nó cũng đang yêu.
Những rung động khác giới khiến chúng có thể đồng cảm, hiểu và xích lại gần nhau hơn. Nguyễn
Nhật Ánh đã thiết lập một ngôn ngữ chung giữa con người với con vật, con vật với con vật đó chính
là ngôn ngữ tình cảm.
Với việc xây dựng hệ thống ngôn ngữ thống nhất như vậy, dường như Nguyễn Nhật Ánh
muốn định danh lại thế giới, nghĩa là tạo ra hai lần lạ. Thông thường thì con vật nào phải kêu đúng
tiếng con vật ấy. Nhưng tác giả đã đảo lộn lại trật tự ấy bằng việc luân chuyển ngôn ngữ để các con
vật có thể hiểu lẫn nhau. Điều này hoàn toàn có lí vì thế giới đó được nhìn theo logic của trẻ thơ.
Nguyễn Nhật Ánh đã thành công trong việc xây dựng một không gian giả tưởng, không gian mơ
ước của trẻ thơ và tất nhiên, trong không gian ấy, người lớn cũng được quay trở về với chính thơ ấu
của mình.
2.2. Không gian giả tưởng biểu hiện một thế giới đảo lộn
Trước hết, là sự đảo lộn trong thế giới loài vật. Sự thay đổi ngôn ngữ (tiếng kêu) của các
con vật đã dẫn đến những đảo lộn trong cuộc sống. Các bà mẹ cứ theo tiếng kêu mà đi tìm con,
rốt cuộc chỉ thấy con người khác. “Chị Nái Sề thở phì phì, kêu ụt ịt, rồi lại thở phì phì trông rất tức
giận: Ai đời tôi đi kiếm thằng Đuôi Xoăn và thằng Lọ Nồi cả buổi rốt cuộc lại bắt gặp thằng Mõm
Ngắn con nhà chị Vện”. Trong khi người lớn tỏ ra tức giận thì bọn trẻ vô cùng thích thú. Chúng tự
tạo ra trò chơi ngôn ngữ mà người lớn cho là kì quặc. Chỉ trẻ con mới có thể nghĩ ra những điều kì
70
Không gian giả tưởng trong truyện Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh
diệu. Và cũng chỉ có chúng mới có thể biến khu vườn nhà bà Đỏ vốn buồn tẻ trở nên sôi động với
dòng người lũ lượt kéo đến tham quan. Nguyễn Nhật Ánh đã làm đảo lộn cả thế giới loài vật, và
đó cũng chính là thế giới của tuổi thơ đầy ắp những “nghịch lí” mến thương.
Thứ hai là đảo lộn trong thế giới người lớn.Việc con vật nọ kêu tiếng con vật kia làm cho
người lớn vô cùng kinh ngạc, hoảng hốt. Bà Hai Nhành thì kêu lên một tiếng ối mẹ ơi rồi chạy
thật nhanh, bà Đỏ thì lo lắng không ăn không ngủ, ông Sáu Thơm thì khẳng định không dám nuôi
những con vật quái này trong nhà, ông an ninh cũng khẳng định thế này thì loạn mất. Không thể
quản lí nổi nếu không kịp thời chấn chỉnh... Có thể nói, người lớn không thể chấp nhận được điều
vô lí đó, chỉ có thằng Cu thấy thú vị vì nó là trẻ con. Nhưng chính sự khác thường đó làm cho
người lớn phải nhìn lại, suy nghĩ và thực sự quan tâm đến những con vật thường ngày quanh họ.
Chúng cũng có cảm xúc riêng, có ngôn ngữ riêng, có tình yêu riêng như con người. Nguyễn Nhật
Ánh như sắp xếp lại trật tự thế giới bằng việc tưởng tượng ra loài vật có thể sáng tạo ra ngôn ngữ
và có thể nói chuyện như con người. Đảo lộn hơn nữa là con người có thể giao tiếp với con vật.Và
hơn thế, chính con người còn cảm thấy điều đó là thú vị. Khoảng cách giữa con người và con vật
được xích lại gần nhau hơn. Họ thấy yêu cuộc sống hơn và cảm thấy thế giới thật mới mẻ, thật
đáng yêu.
Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra một thế giới đầy ảo thuật. Ông đã làm thay đổi cách
nhìn của con người đối với con vật và cách nhìn của người lớn đối với trẻ thơ. Nguyễn Nhật Ánh
nhìn thế giới theo suy nghĩ của trẻ con cho nên thế giới phải kì lạ, phải khác biệt và có nhiều trò
chơi độc đáo. Bởi ông hiểu tính cách của trẻ thơ, luôn thích những thứ mới lạ, thích phiêu lưu,
khám phá, thích làm những điều trái với suy nghĩ của người lớn. Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra một
không gian vui chơi cho trẻ nhỏ, đồng thời, đưa người lớn được trở về với tuổi thơ của chính mình.
2.3. Không gian giả tưởng – nơi tình yêu là lẽ sống
Dường như Nguyễn Nhật Ánh đã chạm đúng mạch cảm xúc của lứa tuổi học trò với những
rung động đầu đời, những yêu thương nhẹ nhàng, những cảm xúc không tên, những định nghĩa hết
sức mơ hồ về tình yêu: Lọ Nồi nghe rất rõ tiếng đập của trái tim trong ngực khi nàng sắp đi ngang
qua. Lọ Nồi lần đầu tiên biết đến cảm giác của tình yêu sét đánh (theo ngôn ngữ của người lớn),
nó cảm thấy mọi thứ như đang quay cuồng khi nhìn thấy nàng Đeo Nơ: Chưa bao giờ nó thấy một
nàng heo nào đẹp đến thế. Nàng chạc tuổi nó, toàn thân trắng hồng, rèm mi như tơ nõn mỗi khi
nàng chớp mắt, đặc biệt cổ nàng đeo một chiếc nơ màu đỏ. Mỗi khi nàng thong thả cất bước bên
kia hàng rào, trông nàng mới uyển chuyển làm sao. Nguyễn Nhật Ánh diễn tả thật tinh tế cảm xúc
của Lọ Nồi khi trái tim đang ngập tràn tình yêu. Nó như bị tê liệt mọi giác quan chỉ có trái tim
là thổn thức, rộn ràng và say đắm trước cái đẹp kiều diễm, nữ tính của nàng Đeo Nơ. Kể từ đó,
hình ảnh nàng Đeo Nơ luôn ám ảnh trong tâm trí Lọ Nồi, nhiều khi bản thân nó không thể điều
khiển được trái tim mình. Tình yêu có sức mạnh kì diệu, làm cho nó thấy rạo rực, khao khát và nhớ
nhung.
Lọ Nồi yêu nàng Đeo Nơ, thằng Cu cũng yêu nhỏ Hà. Cả chủ và vật nuôi đều nhớ nhung
hình bóng bên kia bờ rào. Lọ Nồi và thằng Cu cùng tâm trạng đau đớn, buồn bã khi nghe những
lời nhận xét như cứa vào tim của nàng Đeo Nơ và nhỏ Hà. Nàng Đeo Nơ nhận xét về Lọ Nồi một
cách tự nhiên, vô tư: Mặt bạn giống như trang giấy bị vấy mực ấy. Trông bẩn bẩn thế nào. Trong
khi đó, Nhỏ Hà cũng làm thằng Cu vô cùng buồn bã: Tôi ghét những người nói dối lắm đó. Những
câu nói rất vô tư nhưng với người yếu dấu thì chẳng khác nào vừa đóng mẩu đinh cuối cùng lên
nắp quan tài định mệnh. Tình yêu đem lại cho người ta niềm vui nhưng cũng đem lại cho người
ta nỗi buồn. Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện rất đúng tình yêu của lứa tuổi mới lớn bồng bột, hồn
71
Lã Thị Bắc Lý
nhiên, và rất . . . . trẻ con.
Tình yêu làm thay đổi mọi thứ và làm con người ta trở nên mềm yếu. Lọ Nồi, thằng Cu
như chàng si tình trong giấc mơ gặp nàng công chúa xinh đẹp. Tình yêu làm cho họ thông minh
và dũng cảm. Chính bởi vậy mà Lọ Nồi và thằng Cu đã cứu “người yêu” của mình thoát khỏi bọn
trộm cướp. Và phần thưởng xứng đáng cũng đã đến với họ. Nàng Đeo Nơ và nhỏ Hà đã biết đến
tình yêu của Lọ Nồi và thằng Cu. Nguyễn Nhật Ánh đã rất thành công khi miêu tả tâm trạng, cảm
xúc của lứa tuổi mới lớn, bắt đầu biết chú ý, biết rung động với những đối tượng khác giới. Tình
yêu của lứa tuổi học trò luôn luôn hồn nhiên, đáng yêu và đẹp như chính các em vậy.
Tình yêu ấy có sức lan tỏa ghê gớm: Một khi sóng gió tình trường đã trôi qua, con người
(cũng như con heo – và tất tần tật các con vật khác) không còn thấy run sợ trước bất cứ điều gì
trên đời nữa. Gấp trang sách lại, bạn đọc như vẫn còn thấy dư đọng những dư vị ngọt ngào của tình
yêu. Thực sự viết được những điều tinh tế thì phải cần có một tâm hồn tinh tế, óc quan sát tinh tế
mới có thể làm nên những điều tuyệt diệu.
2.4. Giá trị phản ánh của không gian giả tưởng trong Chúc một ngày tốt lành
Thứ nhất, không gian giả tưởng phản ánh hiện thực xã hội. Nguyễn Nhật Ánh sáng tạo ra
những điều trái ngược với quy luật tự nhiên để phản ánh một thực tại xã hội thực dụng, thiếu tình
yêu thương. Trong khi các con vật đang rất thú vị với việc “sáng tạo” ngôn ngữ của mình thì các
cơ quan chức năng lại lợi dụng việc đó để kiếm lời: Ông động vật hoang dã muốn đưa ngay những
con vật này vào sách đỏ, ông du lịch thì nghĩ ngay đến một dự án vĩ đại nhằm khuếch trương hình
ảnh của ngành du lịch, ông thuế vụ không thể nói lên lời vì còn phải nhẩm tính số thuế sẽ thu được
trong ngày sắp tới, bà y tế thì đề cao công tác kiểm dịch và phòng bệnh. . . . Cũng theo đó, ngành
báo chí tăng doanh thu khủng khiếp, còn nhà bà Đỏ thì hũ gạo đầy lên liên tục, thằng Cu lúc nào
cũng có tiền trong túi. . .
Ngay sau khi phát hiện ra khả năng đặc biệt của các con vật ở nhà bà Đỏ, các cơ quan chức
năng bắt đầu đổ xô vào đầu tư. Trên danh nghĩa thì là quan tâm đến đời sống nhân dân nhưng sâu
xa chính là phục vụ cho lợi ích của cá nhân họ: Các nẻo đường dẫn đến nhà bà Đỏ đều được đổ
bê tông. Cây cối được trồng thêm trong vườn, nhiều loại bà chưa từng thấy...bóng đèn be bé đủ
màu, buổi tối ánh sáng chớp nháy không ngừng như cả thế giới đang chìm trong hội hoa đăng. Các
con vật thì dư dả thức ăn. Chính cái nhìn thực dụng của các nhà lãnh đạo đã “giết chết” sự hồn
nhiên, vô tư của trẻ thơ. Họ nhìn những chuyện kì diệu do trẻ con tạo ra thành món hàng kiếm lợi
chứ không hiểu rằng cần phải tạo ra môi trường bổ ích để nuôi dưỡng những điều kì diệu đó, nuôi
dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Phải chăng, khi sáng tạo ra một thế giới đảo lộn trong Chúc một ngày tốt
lành, Nguyễn Nhật Ánh muốn gửi gắm ước mơ một xã hội tốt đẹp sẽ đến với các bạn nhỏ. Đồng
thời ông cũng muốn nhắc nhở mọi người lớn hãy lắng nghe, hãy quan tâm đến suy nghĩ của các
em nhiều hơn nữa, và chỉ có thế mới có thể tìm thấy niềm vui, tình yêu thương, điều kì diệu trong
thế giới của trẻ thơ.
Với Chúc một ngày tốt lành, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ phê phán lối sống thực dụng của
con người mà ông còn muốn đưa họ về gần với tuổi thơ của mình để sống với sự hồn nhiên, vô tư,
không vụ lợi. Đó chính là món quà cuộc sống đầy ý nghĩa của Chúc một ngày tốt lành cũng như
hàng loạt những truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh viết đầu thế kỉ XXI.
Thứ hai, Không gian giả tưởng gửi gắm những thông điệp. Dường như tác giả Chúc một
ngày tốt lành muốn kêu gọi mọi người hãy trở về với tự nhiên, về với con người thực của mình,
sống với sự vô tư, hồn nhiên của trẻ thơ. Nguyễn Nhật Ánh luôn tạo ra sự đối lập giữa thế giới
người lớn với thế giới trẻ con; đối lập giữa những suy tưởng, tính toán của người lớn với suy nghĩ
72
Không gian giả tưởng trong truyện Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh
hồn nhiên, vô tư của trẻ nhỏ để nhắn nhủ với mọi người rằng chớ nên áp đặt suy nghĩ của mình
mà kìm hãm sự phát triển của các em. Người lớn hãy bình tĩnh lắng nghe những suy nghĩ của các
em để hiểu các em hơn. Ông viết cho thiếu nhi để kéo người lớn gần với các em hơn để cùng lắng
nghe cùng thấu hiểu thế giới trẻ thơ.
Nguyễn Nhật Ánh gửi vô vàn những bài học triết lí trong truyện của mình đó là triết lí về
cuộc sống, về tình yêu, tình bạn và về tình người. Điều thú vị là tác giả để cho đối tượng phát ngôn
triết lí chính là các con vật, kiểu như truyện ngụ ngôn. Chúng đại diện cho trẻ thơ và phán xét thế
giới theo cách nghĩ của chính mình. Đây là câu nói của Lọ Nồi với gà Cánh Cụt: Tự mình bươn
chải kiếm ăn, chính điều đó đem lại giá trị cho cuộc sống. Đó là cách tốt nhất dạy cho em bài học
làm người, à quên bài học làm gà. Là loại bài học các em không thể học bằng cách nào khác. Nếu
sống mà chỉ ườn ra cho người khác lo liệu thì gần như là không sống. Không những thế, Lọ Nồi
còn triết lí về tình yêu: Một khi sóng gió tình trường đã trôi qua con người (cũng như con heo và tất
tần tật các con vật khác) không còn thấy run sợ trước bất cứ điều gì nữa. Chúng ta nhận thấy rằng
trẻ con tự rút ra những bài học cuộc sống mà nó đã trải qua và những bài học ý nghĩa đó không chỉ
có giá trị với chúng mà còn với cả người lớn. Nguyễn Nhật Ánh làm cho người lớn phải trăn trở,
suy nghĩ và tự tìm ra giải pháp. Và dường như chúng ta thấy kết thúc tác phẩm là bàn tay ấm nóng
của người lớn dành cho trẻ nhỏ như một sự cảm ơn sâu sắc.
Cuối cùng Nguyễn Nhật Ánh muốn nhắc nhở người lớn muốn hiểu được các em thì hãy
nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ. Bởi như vậy mới hiểu và đồng cảm được hành động, suy nghĩ
của các em. Qua lăng kính của trẻ nhỏ, người lớn sẽ thấy được thế giới luôn ẩn chứa nhiều điều kì
diệu và đầy phép thuật. Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh luôn dành tấm vé đi tuổi thơ cho những ai
hiểu được giá trị của nó.
3. Kết luận
Không gian giả tưởng là kiểu không gian nghệ thuật đặc thù trong các tác phẩm viết cho
thiếu nhi. Mặc dù dòng văn học giả tưởng chưa phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng không gian
giả tưởng là thứ không thể thiếu trong các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. Trong hàng loạt
truyện dài viết đầu thế kỉ XXI, Nguyễn Nhật Ánh đã sáng tạo ra một thế giới riêng dành cho tuổi
thơ, và không chỉ có tuổi thơ của ngày hôm nay mà bất cứ ai đọc các tác phẩm của ông cũng được
trở về với thơ ấu của chính mình.
Trên cơ sở tìm hiểu về không gian giả tưởng trong truyện Chúc một ngày tốt lành, có thể
thấy được khả năng của Nguyễn Nhật Ánh trong việc tưởng tượng, sáng tạo thế giới dành cho trẻ
nhỏ. Đồng thời khẳng định niềm đam mê, tâm huyết với văn học thiếu nhi của ông, như ông từng
nói: Tôi tin những nhà văn viết cho thiếu nhi không bao giờ thiệt thòi, ít ra là ở điều này trong khi
không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông thì nhà văn viết cho thiếu nhi có thể tắm
nhiều lần trong dòng sông tuổi thơ. Đó là hạnh phúc rất lớn mà tôi tin các nhà văn viết cho thiếu
nhi sẵn sàng chia sẻ.
(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia
(NAFOSTED) trong đề tài mã số VII.I.3-2012-10.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Thái Phan Vàng Anh, 2013. “Nguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu nhi”. Tạp chí Non
nước, số 187 (tháng 6), tr.59-64.
[2] Nguyễn Nhật Ánh, 2008. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh
[3] Nguyễn Nhật Ánh, 2010. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh
73
Lã Thị Bắc Lý
[4] Nguyễn Nhật Ánh, 2011. Lá nằm trong lá. Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh
[5] Nguyễn Nhật Ánh, 2012. Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh
[6] Nguyễn Nhật Ánh, 2013. Ngồi khóc trên cây. Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh
[7] Nguyễn Nhật Ánh, 2014. Chúc một ngày tốt lành. Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh
[8] Nguyễn Nhật Ánh, 2015. Bảy bước tới mùa hè. Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh
[9] Báo mới online, 2014. Nguyễn Nhật Ánh: “Tôi biến hóa những kỉ niệm vào trang viết”.
/152/13617871.epi, cập nhật ngày 06/05/2014.
[10] Vũ Ngọc Bình, 1993. “Văn học thiếu nhi trong tiến trình đổi mới”. Tạp chí Văn học, số 5,
tr.8-9.
[11] Vân Hà (tổng thuật), 2010. “Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân
cách trẻ em trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế”. Thông tin Khoa học Xã hội, số 1,
tr.33-38.
[12] Lê Phương Liên, 2009. Viết cho thiếu nhi là viết cho tương lai.
asp?action=article&ID=8368, cập nhật ngày 20/06/2014.
[13] Nhiều tác giả, 2009. Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ
em trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế. (Kỉ yếu Hội thảo của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn
học- Nghệ thuật trẻ em), Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
[14] Vân Thanh (biên soạn), 2006. Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam. Nxb Từ điển bách khoa.
ABSTRACT
The fictional space in Have a good day by Nguyen Nhat Anh
In the book ‘Have a good day’, Nguyen Nhat Anh has created a colorful fictional space
which is both novel and attractive. It is a space where humans and animals have a common
language system. It is a space that represents a world turned upside down and full of magic, where
love is the reason for living. The work is meant to criticize the pragmatic lifestyle of people and
sends a useful message to readers: if the adults want to understand themselves, they will have to
look at the world with the eyes of a child. Through the lens of young children, we will see that the
world is full of magic. That’s the ticket to go back to our childhood, for those who see the value of
it.
Keywords: Vietnamese Children’s Literature, Nguyen Nhat Anh,Have a good day, fictional
space
74
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 3877_ltbly_5274_2178525.pdf