Tài liệu Khảo sát thực trạng sự cố y khoa tại Bệnh viện Trưng Vương năm 2017-2018: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018
20
KHẢO SÁT THỰC TRẠNG SỰ CỐ Y KHOA
TẠI BỆNH VIỆN TRƯNG VƯƠNG NĂM 2017-2018
Lê Thanh Chiến*, Huỳnh Thị Thanh Trang* Nguyễn Mạnh Tuân*, Nguyễn Thị Thu Vân*,
Thân Thị Thu Ba*, Nguyễn Mạnh Hùng*, Lâm Mỹ Dung*
TÓM TẮT
Mở đầu: Sự cố y khoa là một trong những vấn đề có liên quan đến chất lượng điều trị và chăm sóc người
bệnh đang được cả thế giới quan tâm. Những nguy cơ tiềm ẩn luôn tồn tại trong y tế, có thể gây ra mất an toàn
cho người bệnh từ chẩn đoán, điều trị, can thiệp thủ thuật, phẫu thuật, theo dõi, chăm sóc đến việc bảo trì, vận
hành và điều khiển các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công tác tổ chức, quản lý, trình độ chuyên môn của
đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế Thực trạng này đã trở thành áp lực đối với cán bộ y tế và là thách thức
không nhỏ đối với các nhà quản lý.
Mục tiêu: Xác định số lượng, tỷ lệ các loại sự cố y khoa tại Bệnh viện Trưng Vương năm 2017 - 2018. Phân
tích nguyên n...
11 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 12/07/2023 | Lượt xem: 259 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khảo sát thực trạng sự cố y khoa tại Bệnh viện Trưng Vương năm 2017-2018, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018
20
KHẢO SÁT THỰC TRẠNG SỰ CỐ Y KHOA
TẠI BỆNH VIỆN TRƯNG VƯƠNG NĂM 2017-2018
Lê Thanh Chiến*, Huỳnh Thị Thanh Trang* Nguyễn Mạnh Tuân*, Nguyễn Thị Thu Vân*,
Thân Thị Thu Ba*, Nguyễn Mạnh Hùng*, Lâm Mỹ Dung*
TÓM TẮT
Mở đầu: Sự cố y khoa là một trong những vấn đề có liên quan đến chất lượng điều trị và chăm sóc người
bệnh đang được cả thế giới quan tâm. Những nguy cơ tiềm ẩn luôn tồn tại trong y tế, có thể gây ra mất an toàn
cho người bệnh từ chẩn đoán, điều trị, can thiệp thủ thuật, phẫu thuật, theo dõi, chăm sóc đến việc bảo trì, vận
hành và điều khiển các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công tác tổ chức, quản lý, trình độ chuyên môn của
đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế Thực trạng này đã trở thành áp lực đối với cán bộ y tế và là thách thức
không nhỏ đối với các nhà quản lý.
Mục tiêu: Xác định số lượng, tỷ lệ các loại sự cố y khoa tại Bệnh viện Trưng Vương năm 2017 - 2018. Phân
tích nguyên nhân và các yếu tố liên quan các sự cố y khoa.
Đối tượng và phương pháp: Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả loạt ca. Đối tượng nghiên cứu: Sự cố
y khoa ghi nhận được tại Bệnh viện Trưng Vương trong thời gian từ 01/01/2017 đến 31/5/2018.
Kết quả: Nghiên cứu ghi nhận 78 sự cố y khoa trong thời gian nghiên cứu. Tỷ lệ sự cố y khoa tại bệnh viện
được báo cáo chiếm 0,12% lượt người bệnh nhập viện. Phân loại: sai sót chuyên môn 29,5%, an toàn sử dụng
thuốc 29,5%; quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh chiếm 24,4%; vật tư, trang thiết bị chiếm 20,5%; tai nạn, té
ngã 5%. Các yếu tố liên quan: Sự cố xảy ra vào ban đêm có liên quan đến cấp cứu người bệnh cao hơn so với
những sự cố vào ban ngày (p < 0,05). Những sự cố liên quan chuyên môn có tỷ lệ phải cấp cứu cao hơn so với
những sự cố không liên quan đến chuyên môn (43,5% so với 10,9%, p < 0,05). Sự cố liên quan đến an toàn trong
sử dụng thuốc có liên quan đến kéo dài thời gian điều trị, 82,6% so với 50,9% (p < 0,05). Phân tích nguyên nhân
gốc 17 trường hợp sự cố y khoa nghiêm trọng, lỗi hệ thống: 54,7%; cá nhân: 45,3%. Các sự cố lỗi liên quan hệ
thống bao gồm: huấn luyện, đào tạo chiếm 26,9%; công tác hội chẩn 17,3% và liên quan đến quy trình là 14,7%.
Các sự cố lỗi liên quan cá nhân bao gồm: thiếu kỹ năng kinh nghiệm 50%; chủ quan trong điều trị, theo dõi chăm
sóc người bệnh 20,59%; thiếu kiến thức 14,71%; chưa tuân thủ quy chế, qui định 11,76%.
Kết luận: Kết quả nghiên cứu thực trạng sự cố y khoa giúp bệnh viện nhận diện nguyên nhân và các sự cố
thường gặp, từ đó đề ra các giải pháp cải tiến nhằm giảm thiểu các sự cố trong thực hành khám, chữa bệnh.
Từ khóa: Sự cố y khoa, sai sót y khoa.
ABSTRACT
RESULTS OF A SURVEY ON MEDICAL ADVERSE EVENTS IN TRUNG VUONG HOSPITAL
Le Thanh Chien, Huynh Thi Thanh Trang, Nguyen Manh Tuan, Nguyen Thi Thu Van,
Than Thi Thu Ba, Nguyen Manh Hung, Lam My Dung
* Ho Chi Minh City Journal of Medicine * Vol. 22 - No 6- 2018: 20 – 30
Background: Medical adverse events are a major problem that related to poor quality of care. Potential risks
of medical errors not only pose a substantial threat to patients in various ways but also represent a serious
problem for healthcare providers. This problem has become a pressure for healthcare staff and a challenge for
* Bệnh viện Trưng Vương
Tác giả liên lạc: BS.CKII Huỳnh Thị Thanh Trang, ĐT: 0918192469, Email: thanhtrangbvtv@yahoo.com
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018 Nghiên cứu Y học
21
healthcare leaders.
Objectives: To determine the frequency of medical adverse events that occurred in Trung Vuong hospital
from 2017 to 2018 and the percentage of types of medical errors. To analyze the causes and factors that related to
medical adverse events.
Method: A case series study that included all medical adverse events was reported in Trung Vuong hospital
from January 1st, 2017 to May 31st, 2018.
Results: A total of 78 medical adverse events were reported. About 0.12% of medical adverse events occurred
in inpatients. Estimating 29.5% of adverse events related medical errors, 29.5% about medication errors, 24.4%
is related to procedures for medical examination and treatment, 20.5% of medical adverse events is about devices
and equipment, falling takes 5.0%. Night-time events were associated with higher patient emergencies than
daytime incidents (p < 0.05). Clinical events were related to higher patient emergencies than non-clinical
incidents (p < 0.05). Medication errors were associated with prolonged treatment, 82.6% versus 50.9% (p < 0.05).
A total of 17 serious medical adverse events were analyses using the root cause analysis method. About 54.7% of
errors are system errors and 45.3% is individual errors. Medical adverse events related to system errors included
training (26.9%), diagnosing (17.3%), procedures for medical examination and treatment (14.7%). Individual
errors were recorded are lack of experience and skill (50.0%), lack of monitoring and caring patient (20.6%), lack
of knowledge (14.7%) and failure to adhere to policies (11.8%).
Conclusion: Study results indicate major causes of medical adverse events and provide useful information
for improving and preventing medical adverse events in the future. Further studies are needed to reduce the
negative effect of medical adverse events in the clinical and non-clinical situation.
Keywords: Medical adverse events, medical errors.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Sự cố y khoa là một trong những vấn đề có
liên quan đến chất lượng điều trị và chăm sóc
người bệnh đang được cả thế giới quan tâm.
Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa
học, kỹ thuật, lĩnh vực y tế đã có những bước
đột phá về các phương tiện chẩn đoán và điều
trị, chăm sóc. Tuy nhiên, trong y khoa luôn có
những mặt hạn chế và những nguy cơ tiềm ẩn
có thể gây ra các biến cố bất lợi đến sức khỏe,
đó là các tai biến xảy ra trong và sau khi chẩn
đoán và điều trị, hay nói một cách khác là các
“sự cố y khoa”.
Định nghĩa về sự cố y khoa vẫn còn là một
vấn đề tranh cãi, phụ thuộc vào nội dung và
mục đích sử dụng như nghiên cứu khoa học,
quản lý chất lượng, bảo hiểm, pháp luật và
những quy định khác(1,17,21). Một số thuật ngữ
được các nhà nghiên cứu y học sử dụng để mô
tả vấn đề nói trên một cách bản chất hơn như
“nhầm lẫn y khoa – medical mistakes”, sai sót y
khoa “medical error” hay “sự cố y khoa không
mong muốn “medical adverse events”, sự cố
“incident”(16). Các tác giả đưa ra định nghĩa về sự
cố y khoa như sau: Sự cố y khoa là sự thất bại
trong việc thực hiện các hành động đã được lên
kế hoạch từ trước để đạt được mục đích (lỗi
trong việc tiến hành) hoặc sử dụng một kế hoạch
không chính xác để đạt mục tiêu (lỗi trong việc
lên kế hoạch)(14). Sự cố y khoa là những hành
động không có chủ ý (dù có bỏ sót hay đã thực
hiện) dẫn tới những hệ quả không mong
muốn(12). Sự cố y khoa là những sai lệch trong
quá trình chăm sóc người bệnh có thể có hoặc
không có gây hại tới người bệnh(15). Theo nghiên
cứu tổng quan của Grober E.D. và cộng sự tiến
hành năm 2004 đề ra định nghĩa về sự cố y khoa
dựa trên các mô hình khái niệm khác nhau như
sau: Sự cố y khoa là một hành động bị bỏ sót hoặc đã
được thực hiện trong khi lên kế hoạch hoặc trong khi
thực hiện có thể gây ra hoặc gây ra các kết quả không
mong muốn(4). Theo tác giả Tăng Chí Thượng
năm 2015, sai sót là thất bại của hành động theo
kế hoạch hoặc sử dụng kế hoạch không đúng để
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018
22
đạt một mục tiêu mong muốn(16). Cho dù khác
nhau về thuật ngữ các cách diễn đạt, nhưng đều
hướng việc mô tả các sự cố y khoa không mong
muốn và các sai sót có thể xảy ra trong quá trình
điều trị và chăm sóc người bệnh.
Theo nghiên cứu tổng quan của Jame JT
(2013) cho thấy rằng có từ 210,000 đến 400,000 ca
tử vong mỗi năm gây ra do các biến cố bất lợi có
thể ngăn chặn được, liên quan với các sai sót y
khoa trong bệnh viện. Nghiên cứu ghi nhận các
bác sĩ hoặc người điều trị thường không báo cáo
các sự cố nghiêm trọng tới những người có thẩm
quyền, do đó, số lượng các sự cố y khoa không
được ghi nhận và thường xuyên bị bỏ qua là rất
lớn(7). Một nghiên cứu khác của Garrouste-
Orgeas M và cộng sự (2015) ghi nhận số sự cố y
khoa là 804,5/1000 người bệnh-ngày và 20,8% các
trường hợp sự cố y khoa được đánh giá là các tai
biến, gây nguy hiểm cho người bệnh. Nghiên
cứu kết luận vấn đề tổ chức ca trực cũng là một
trong những yếu tố làm tăng khả năng xảy ra sự
cố y khoa. Hơn 40% sự cố xảy ra ở những nhân
viên quay trở lại công việc sau 1 ngày nghỉ,
nguyên nhân là do thông tin bệnh nhân nhập
viện lúc các nhân viên này vắng mặt không được
cập nhật đầy đủ(3).
Tại Việt Nam, các báo cáo về sự cố y khoa
trong Bệnh viện và ở các bệnh viện công lập trên
thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế, dẫn tới vấn
đề nhận diện và giải quyết các sự cố y khoa trở
nên khó khăn. Trong năm 2016, bệnh viện có
tổng cộng 82 sự cố được báo cáo, trong đó có 5
sự cố đặc biệt nghiêm trọng, 63 sự cố sai biệt và
14 sự cố suýt xảy ra. Trước tình hình hạn chế về
các báo cáo sự cố y khoa, thiếu thông tin về các
vấn đề liên quan sự cố y khoa, chúng tôi thực
hiện đề tài này nhằm giúp nhận diện những
nhóm nguyên nhân cơ bản cũng như những yếu
tố thuận lợi cho sự cố xảy ra. Từ đó, làm cơ sở
dữ liệu để có thể đề ra những biện pháp phòng
ngừa sự cố xảy ra và các biện pháp can thiệp làm
giảm thiểu tác động của sự cố đến người bệnh
cũng như các đối tượng có liên quan đến sự cố.
Mục tiêu
Xác định số lượng, tỷ lệ các loại sự cố y khoa
tại Bệnh viện Trưng Vương năm 2017 - 2018.
Phân tích nguyên nhân và các yếu tố liên
quan dẫn tới các sự cố y khoa tại Bệnh viện
Trưng Vương.
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả loạt ca.
Đối tượng nghiên cứu
Sự cố y khoa ghi nhận được tại Bệnh viện
Trưng Vương trong thời gian thực hiện nghiên
cứu, từ 01/01/2017 đến 31/5/2018.
Cỡ mẫu
Lấy mẫu toàn bộ các sự cố y khoa được
báo cáo từ các khoa Lâm sàng và Cận lâm
sàng; tổng hợp toàn bộ báo cáo sự cố tự
nguyện và bắt buộc.
Tiêu chí chọn mẫu
Các sự cố được báo cáo trong thời gian tiến
hành nghiên cứu gây ra bởi bất kỳ nguyên
nhân nào.
Tiêu chí loại trừ
Các báo cáo không chính xác hoặc không
đầy đủ.
Thu thập số liệu
Phương pháp thu thập số liệu
Tổng hợp số liệu từ các báo cáo sự cố từ các
khoa Lâm sàng và Cận lâm sàng.
Công cụ thu thập số liệu
Mẫu báo cáo sự cố.
Xử lý và phân tích số liệu
Mô tả bằng tần số và tỷ lệ phần trăm (%). Sử
dụng phép kiểm 2 để so sánh hai tỷ lệ.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Trong thời gian từ tháng 01/2017 đến hết
tháng 5/2018 có tổng cộng 331 sự cố được báo
cáo, trong đó có 78 sự cố y khoa. Với tổng số lượt
người bệnh nhập viện trong cùng khoảng thời
gian là 65.379 lượt, tỷ lệ sự cố y khoa được báo
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018 Nghiên cứu Y học
23
cáo tại Bệnh viện là 0,12% trên lượt người bệnh
nhập viện.
Đặc điểm mẫu nghiên cứu và đặc điểm về sự cố
y khoa
Thời gian công tác của nhân viên báo cáo sự
cố là từ 20 năm trở lên chiếm tỷ lệ cao với 30,8%.
Chủ yếu nhân viên báo cáo sự cố ghi nhận là
Điều dưỡng/Nữ hộ sinh với 64,1%.
Phân loại tỷ lệ sự cố xảy ra do chuyên môn
và an toàn sử dụng thuốc chiếm tỷ lệ cao, sự cố
xảy ra do quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh
chiếm 24,4%, sự cố xảy ra do vật tư, trang thiết bị
chiếm 20,5%.
Bảng 1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu và đặc điểm về sự
cố y khoa (n=78)
Đặc điểm mẫu nghiên cứu và đặc điểm
về sự cố y khoa
Tần số
(n)
Tỷ lệ
(%)
Đặc điểm mẫu nghiên cứu
Thời gian công tác của nhân viên báo cáo sự cố
Dưới 5 năm 25 33,3
Từ 5 đến dưới 10 năm 8 10,3
Từ 10 đến dưới 20 năm 20 25,6
Từ 20 năm trở lên 24 30,8
Chức danh của nhân viên báo cáo sự cố
Bác sĩ/Dược sĩ 28 35,9
Điều dưỡng/Nữ hộ sinh/Kỹ thuật viên 50 64,1
Đặc điểm về sự cố y khoa
Thời điểm xảy ra sự cố
Ban ngày (từ 6h-17h) 51 65,4
Ban đêm (từ 17h-6h) 27 34,6
Phân loại sự cố và hướng xử trí
Quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh 19 24,4
Sai sót chuyên môn 23 29,5
An toàn trong sử dụng thuốc 23 29,5
Quản lý hồ sơ bệnh án 3 3,9
Tai nạn, chấn thương té ngã 4 5,0
An toàn lưu trữ cơ sở dữ liệu 3 3,9
An ninh, an toàn cháy nổ 3 3,9
Vật tư, trang thiết bị 16 20,5
Xét nghiệm, giải phẫu bệnh 2 2,6
Phân loại khác 5 6,4
Các sự cố xảy ra vào ban ngày và vào ban
đêm liên quan đến các lĩnh vực: quy trình, thủ
tục khám, chữa bệnh; sai sót chuyên môn; an
toàn trong sử dụng thuốc và vật tư, trang thiết bị.
Tỷ lệ sự cố về quy trình, thủ tục khám, chữa
bệnh vào ban đêm gần như tương đương với
ban ngày (25,9% với 23,5%) (p = 0,815).
Về chuyên môn, tỷ lệ sai sót chuyên môn vào
ban đêm ghi nhận là 37% cao hơn so với ban
ngày là 25,5%. Tuy nhiên, sự khác biệt này
không có ý nghĩa thống kê (p = 0,287). Kết quả
ghi nhận tương tự đối với các sự cố liên quan
đến an toàn trong sử dụng thuốc, với tỷ lệ sự cố
xảy ra vào ban đêm nhiều hơn ban ngày nhưng
ghi nhận sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê
(p = 0,588).
Đối với các loại sự cố còn lại, không ghi nhận
sự khác biệt về mặt thống kê theo thời điểm xảy
ra sự cố.
Bảng 2. Phân loại sự cố theo thời gian xảy ra sự cố
(n=78)
Phân loại sự cố
Thời điểm xảy ra
sự cố
p Ban
ngày
(n=51)
Ban
đêm
(n=27)
Quy trình, thủ tục khám, chữa
bệnh (n=19)
12 (23,5) 7 (25,9) 0,815
Sai sót chuyên môn (n=23) 13 (25,5) 10 (37,0) 0,287
An toàn trong sử dụng thuốc
(n=23)
14 (27,5) 9 (33,3) 0,588
Quản lý hồ sơ bệnh án (n=3) 1 (2,0) 2 (7,4) 0,274*
Tai nạn, chấn thương té ngã
(n=4)
3 (5,9) 1 (3,7) 1*
An toàn lưu trữ cơ sở dữ liệu
(n=3)
1 (2,0) 2 (7,4) 0,274*
An ninh, an toàn cháy nổ (n=3) 2 (3,9) 1 (3,7) 1*
Vật tư, trang thiết bị (n=16) 11 (21,6) 5 (18,5) 0,751
Xét nghiệm, giải phẫu bệnh
(n=2)
0 (0) 2 (7,4) 0,118
Phân loại khác (n=5) 3 (5,9) 2 (7,4) 1*
Phép kiểm 2 *Phép kiểm Fisher
Tỷ lệ tử vong khi các sự cố xảy ra vào ban
ngày thấp hơn so với ban đêm (6,9% so với
14,8%), tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa
thống kê (p = 0,227).
Không ghi nhận được sự khác biệt về mặt
thống kê giữa thời điểm xảy ra sự cố với các hậu
quả mất/giảm khả năng vĩnh viễn, nhập viện,
kéo dài thời gian điều trị và các hậu quả khác.
Những sự cố xảy ra vào ban đêm có tỷ lệ
phải cấp cứu người bệnh cao hơn so với những
sự cố vào ban ngày (p = 0,009).
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018
24
Bảng 3. Hậu quả của sự cố và thời gian xảy ra sự cố
(n=78)
Hậu quả của sự cố
Thời điểm xảy ra
sự cố
p
Ban ngày
(n=51)
Ban
đêm
(n=27)
Tử vong (n=7) 3 (6,9) 4 (14,8) 0,227*
Cấp cứu (n=16) 6 (11,8) 10 (37,0) 0,009
Mất/giảm khả năng vĩnh viễn
(n=1)
1 (2,0) 0 (0) 1*
Nhập viện (n=3) 1 (2,0) 2 (7,4) 0,274*
Kéo dài thời gian điều trị
(n=47)
33 (64,7) 14 (51,9) 0,270
Không gây tổn hại (n=11) 7 (13,7) 4 (14,8) 0,895
Hậu quả khác (n=17) 14 (27,5) 3 (11,1) 0,096
Phép kiểm 2 *Phép kiểm Fisher
Trong số những sự cố có tử vong (n = 7),
100% số sự cố có liên quan đến chuyên môn. Tỷ
lệ tử vong ở nhóm có liên quan chuyên môn là
30,4% so với nhóm không liên quan là 0%. Sự
khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
Bảng 4. Tử vong và phân loại sự cố (n=78)
Hậu quả của sự cố
Tử vong
p
Có (%) Không (%)
Quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh
Có liên quan 2 (10,5) 17 (89,5)
1*
Không liên quan 5 (8,5) 54 (91,5)
Sai sót chuyên môn
Có liên quan 7 (30,4) 16 (69,6)
<0,001*
Không liên quan 0 (0) 55 (100)
An toàn trong sử dụng thuốc
Có liên quan 0 (0) 23 (100)
0,098*
Không liên quan 7 (12,7) 48 (87,3)
Vật tư, trang thiết bị
Có liên quan 0 (0) 16 (100)
0,334*
Không liên quan 7 (11,3) 55 (88,7)
Phép kiểm 2 *Phép kiểm Fisher
Không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa
thống kê giữa việc phải cấp cứu với các loại sự
cố liên quan đến quy trình, thủ tục khám, chữa
bệnh, an toàn trong sử dụng thuốc và vật tư,
trang thiết bị.
Những sự cố liên quan đến chuyên môn có
tỷ lệ phải cấp cứu cao hơn so với những sự cố
không liên quan đến chuyên môn (43,5% so với
10,9%, p = 0,004).
Bảng 5. Cấp cứu và phân loại sự cố (n=78)
Hậu quả của sự cố
Cấp cứu
p
Có (%) Không (%)
Quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh
Có liên quan 2 (10,5) 17 (89,5)
0,330*
Không liên quan 14 (23,7) 45 (76,3)
Sai sót chuyên môn
Có liên quan 10 (43,5) 13 (56,5)
0,004*
Không liên quan 6 (10,9) 49 (89,1)
An toàn trong sử dụng thuốc
Có liên quan 5 (21,7) 18 (78,3)
1*
Không liên quan 11 (20,0) 44 (80,0)
Vật tư, trang thiết bị
Có liên quan 1 (6,3) 15 (93,7)
0,169*
Không liên quan 15 (24,2) 47 (75,8)
Phép kiểm 2 *Phép kiểm Fisher
Không tìm thấy sự khác biệt về việc phải kéo
dài thời gian điều trị với các sự cố chuyên môn
và sự cố liên quan vật tư, trang thiết bị.
Tỷ lệ phải kéo dài thời điều trị ở những sự cố
liên quan quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh
thấp hơn so với các loại sự cố khác (p = 0,016).
Những sự cố liên quan đến an toàn trong sử
dụng thuốc có liên quan đến việc kéo dài thời
gian điều trị, 82,6% so với 50,9% (p = 0,009).
Bảng 6. Kéo dài thời gian điều trị và phân loại sự cố
(n=78)
Hậu quả của sự cố
Kéo dài thời gian điều trị
p
Có (%) Không (%)
Quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh
Có liên quan 7 (36,8) 12 (63,2)
0,016
Không liên quan 40 (67,8) 19 (32,2)
Sai sót chuyên môn
Có liên quan 11 (47,8) 12 (52,2)
0,147
Không liên quan 36 (65,5) 19 (34,5)
An toàn trong sử dụng thuốc
Có liên quan 19 (82,6) 4 (17,4)
0,009
Không liên quan 28 (50,9) 27 (49,1)
Vật tư, trang thiết bị
Có liên quan 10 (60,5) 6 (37,5)
0,837
Không liên quan 37 (59,7) 25 (40,3)
Phép kiểm 2 *Phép kiểm Fisher
Kết quả phân tích nguyên nhân gốc
Trong thời gian từ tháng 01/2017 đến hết
tháng 05/2018 ghi nhận có 17 trường hợp sự cố
nghiêm trọng được phân tích nguyên nhân gốc
và rút kinh nghiệm.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018 Nghiên cứu Y học
25
Trong tổng số 17 trường hợp được phân tích,
tổng số lỗi ghi nhận là 75 nguyên nhân và yếu tố
góp phần gây ra lỗi.
Bảng 7. Kết quả phân tích nguyên nhân gốc (n=75)
Vấn đề Tần số (n) Tỉ lệ (%)
Phân loại
Lỗi cá nhân 34 45,3
Lỗi hệ thống 41 54,7
Các lỗi hệ thống (n=41)
Quy trình 6 14,7
Phác đồ 3 6,6
Huấn luyện đào tạo 11 26,9
Bác sĩ điều trị không theo phạm vi
chứng chỉ hành nghề
1 2,5
Trang thiết bị 1 2,5
Trao đổi thông tin 2 5,0
Thiếu hội chẩn 7 17,3
Tổ chức 3 7,2
Phối hợp, giám sát 7 17,3
Các lỗi cá nhân (n=34)
Bác sĩ, điều dưỡng chủ quan 7 20,59
Thiếu kỹ năng, kinh nghiệm 17 50
Thiếu kiến thức 5 14,71
Vi phạm quy chế, qui định 4 11,76
Lỗi do sơ ý 1 2.9
Trong tổng số 75 lỗi ghi nhận, lỗi cá nhân là
45,3% và lỗi hệ thống là 54,7%.
Trong nghiên cứu đang tiến hành, ghi nhận
có 41 lỗi hệ thống trong 17 trường hợp phân tích
nguyên nhân gốc và rút kinh nghiệm.
Trong đó, các lỗi liên quan đến huấn luyện,
đào tạo là chủ yếu với 26,9%. Kế đến là do thiếu
công tác hội chẩn với 17,3% và liên quan đến
quy trình với 14,7%.
Về lỗi cá nhân, trong tổng số 34 lỗi, ghi nhận
chủ yếu là do thiếu kỹ năng kinh nghiệm với
50%, kế đến là do bác sĩ/điều dưỡng chủ quan
trong công tác chăm sóc người bệnh 20,59%. Ghi
nhận có 14,71% lỗi đến từ việc thiếu kiến thức.
11,76% lỗi vi phạm quy chế, qui định.
BÀN LUẬN
Đặc tính mẫu nghiên cứu
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia
báo cáo sự cố y khoa ghi nhận từ các nghiên
cứu trên giới bao gồm các yếu tố về cá nhân, tổ
chức và về văn hóa tại nơi xảy ra sự cố(5). Các
nghiên cứu cũng ghi nhận việc thiếu kinh
nghiệm, thiếu đào tạo, huấn luyện, khối lượng
công việc lớn, tình trạng căng thẳng (stress),
thiếu giao tiếp và thiếu kiến thức y khoa dẫn
đến tăng xảy ra sự cố nhưng hạn chế báo
cáo(18,20). Ngoài ra, văn hóa buộc tội, nỗi sợ bị
trừng phạt do sai sót y khoa cũng là một trong
những rào cản lớn hạn chế báo cáo các sự cố y
khoa ở nhân viên(23). Có thể thấy các yếu tố
trên đều bị ảnh hưởng bởi thời gian công tác
hay kinh nghiệm làm việc. Trong quá trình
làm việc, các sự cố càng được nhận diện nhiều
hơn. Thời gian làm việc càng lâu, càng được
đào tạo, huấn luyện càng nhiều, kinh nghiệm
càng được tích lũy, nhận thức về báo cáo sự cố
được tăng cao, từ đó, các sự cố dễ dàng được
nhận diện và được báo cáo, giải quyết kịp thời.
Trong nghiên cứu ghi nhận có 33,3% nhân
viên có thời gian công tác dưới 5 năm tham gia
báo cáo sự cố y khoa. Điều này là hoàn toàn phù
hợp vì hầu hết, những người làm việc từ 5 năm
trở lên được đào tạo, huấn luyện nhiều hơn, bên
cạnh đó, kinh nghiệm tích lũy được là rất lớn.
Hầu hết công tác báo cáo sự cố do Ban Chủ
nhiệm khoa báo cáo, chủ yếu là bác sĩ trưởng
khoa và điều dưỡng Trưởng khoa, những người
có kinh nghiệm làm việc lâu năm. Ghi nhận báo
cáo từ nhân viên kinh nghiệm dưới 5 năm chủ
yếu là điều dưỡng hành chánh, thực hiện theo
chỉ đạo của Ban chủ nhiệm khoa, ít trường hợp
ghi nhận nhân viên tự nguyện các báo cáo sự cố
y khoa.
Tỉ lệ tham gia báo cáo sự cố từ những nhân
viên dưới 5 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu
của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của
Khorasani F và Beigi M (2017) với tỉ lệ 34,9%(10).
Tuy nhiên, tỉ lệ này lại thấp hơn so với nghiên
cứu Khammarnia M. và cộng sự (2015) với 54%
nhân viên báo cáo sự cố y khoa có kinh nghiệm
dưới 5 năm công tác(9). Sự khác biệt có thể lý giải
do sự khác nhau về văn hóa giữa các địa điểm
nghiên cứu, tình hình văn hóa tổ chức, sự hỗ trợ
giúp đỡ của lãnh đạo và phát triển công nghệ
báo cáo đảm bảo chính xác và ẩn danh, bảo vệ
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018
26
người báo cáo.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, đối tượng
báo cáo sự cố chủ yếu là điều dưỡng, nữ hộ sinh
và kỹ thuật viên với 64,1%. Trong khi đó, tỉ lệ
báo cáo sự cố ở các bác sĩ, dược sĩ là 35,9%. Công
tác báo cáo sự cố chủ yếu do điều dưỡng hành
chính và điều dưỡng trưởng tại các khoa thực
hiện, từ đối tượng bác sĩ, dược sĩ còn hạn chế.
Nghiên cứu chúng tôi phù hợp với các
nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam về đối
tượng báo cáo sự cố là điều dưỡng, nữ hộ sinh
báo cáo sự cố cao hơn đối tượng bác sĩ. Như báo
cáo của Madsen M.D. và cộng sự năm 2006 tại
Đan Mạch cho thấy thái độ đối với báo cáo sự cố,
sai sót có sự khác biệt lớn giữa các nhóm. Nhóm
bác sĩ không thích hoặc miễn cưỡng phải báo cáo
là 34%, trong khi nhóm điều dưỡng là 21%. Lý
do không báo cáo là thói quen, lo sợ bị chú ý,
nguy cơ bị khiển trách(13). Một nghiên cứu định
tính của Kingston và cộng sự năm 2004 trên 14
bác sĩ và 19 điều dưỡng tại một số bệnh viện
công lập tại Adelaide, Nam Úc cho thấy có sự
khác biệt giữa bác sĩ và điều dưỡng trong việc
báo cáo sự cố, xác định dựa trên thuyết hành vi
xã hội, trong đó điều dưỡng có xu hướng báo
cáo nhiều hơn so với bác sĩ(11), tương tự nghiên
cứu của Vincent C (1999) cho thấy đối tượng nữ
hộ sinh báo cáo sự cố cao hơn so với các bác sĩ và
nhân viên báo cáo sự cố nhiều hơn cấp lãnh đạo(19).
Nghiên cứu Kaldjian và cộng sự năm 2008
trên 338 bác sĩ cho thấy hầu hết đồng ý báo cáo
sự cố để cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh
nhân trong tương lai (84,3%), 73% báo cáo các sai
sót nhỏ, 92% báo cáo các sai sót gây tổn hại đến
bệnh nhân. Tuy nhiên thực tế cho thấy chỉ 17,8%
người trả lời đã từng báo cáo các sai sót nhỏ, chỉ
có 3,8% báo cáo các sai sót nghiêm trọng (dẫn
đến khuyết tật hoặc tử vong)(8).
Thực trạng sự cố y khoa được báo cáo bởi
điều dưỡng nhiều hơn bác sĩ cho thấy đối với
bác sĩ vấn đề báo cáo sự cố còn gặp nhiều rào
cản, phù hợp khảo sát văn hóa an toàn người
bệnh tại Bệnh viện Trưng Vương năm 2017 cho
kết quả rằng “bác sĩ” có ý kiến trà lời tích cực
thấp hơn “điều dưỡng” trong 4 lĩnh vực: Học
tập – cải tiến liên tục, nhận thức về an toàn
người bệnh, nhân lực, bàn giao và chuyển bệnh.
Bệnh viện cần có nhiều giải pháp tăng cường
hơn để tăng số lượng báo cáo sự cố y khoa từ đối
tượng bác sĩ - là đối tượng chủ yếu dẫn đến
nguyên nhân gây ra sự cố y khoa như cam kết
lãnh đạo không xử lý kỷ luật, buộc tội, tăng
cường khen thưởng, giải quyết sự cố triệt để
tránh lập lại, thông tin phản hồi
Sự cố y khoa
Số lượng sự cố y khoa được báo cáo
Trong thời gian từ tháng 01/2017 đến tháng
05/2018 nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận có
331 sự cố được báo cáo, trong đó có 78 sự cố y
khoa. Với tổng số lượt người bệnh nhập viện
trong cùng khoảng cùng thời gian = 65,379 lượt,
cho thấy tỷ lệ sự cố y khoa tại Bệnh viện được
báo cáo là 0,12%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với
các báo cáo về sự cố y khoa trên thế giới tại các
nước phát triển là khoảng 8-10% người bệnh
nhập viện.
Số lượng báo cáo sự cố nói chung và sự cố y
khoa nói riêng tại bệnh viện còn thấp dù bệnh
viện từ 3 năm nay đã tiến hành nhiều giải pháp
để tăng cường báo cáo sự cố và giải quyết sự cố.
Khảo sát văn hóa an toàn người bệnh tại bệnh
viện năm 2017 cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại:
Tỉ lệ trả lời tích cực về báo cáo khi có sự cố:
49,1%; 50,3 % nhân viên còn lo lắng khi báo cáo
sự cố sẽ bị trừng phạt do gây ra sự cố; 67% cho
rằng khi có một sự cố xảy ra, cứ như là một cá
nhân được nêu tên chứ không phải một vấn đề
được nêu ra để phân tích nguyên nhân.
Điều này cho thấy lý do chủ yếu khiến nhân
viên ngại báo cáo sự cố là do văn hóa sợ bị trừng
phạt và buộc tội cá nhân.
Thời điểm xảy ra sự cố và thời điểm báo cáo
sự cố
Thời điểm xảy ra sự cố theo Hughes V (2016)
chủ yếu vào ban đêm. Theo các nghiên cứu nhân
viên làm việc vào ca đêm có tỉ suất dẫn đến sự
cố cao hơn so với những nhân viên làm việc vào
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018 Nghiên cứu Y học
27
ca ngày. Những nguyên nhân chính là do thiếu
ngủ và thời gian làm việc dài(6).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, theo kết
quả ghi nhận được thì số sự cố xảy ra vào ban
ngày và nhiều hơn so với ban đêm. Sự khác biệt
này so với các y văn trước đó có thể là do thói
quen báo cáo sự cố cũng như nhận thức về báo
cáo sự cố của nhân viên. Nhân viên có xu hướng
bỏ qua các sự cố suýt xảy ra. Đối với các sự cố
xảy ra hay suýt xảy ra vào ban ngày, việc được
nhận diện là dễ dàng vì có nhiều nhân viên cùng
làm việc vào cùng thời điểm. Bên cạnh đó, vào
ca ngày, còn có thêm sự hỗ trợ của Ban chủ
nhiệm Khoa trong vấn đề báo cáo sự cố. Trong
khi đó, hầu hết các sự cố vào ban đêm ít được
giám sát ghi nhận hơn so với ban ngày, và
thường được bỏ qua. Do đó, việc tự nguyện báo
cáo các sự cố xảy ra vào ban đêm còn hạn chế.
Ngoài ra, yếu tố về “văn hóa buộc tội” và “nỗi sợ
bị trừng phạt” là những rào cản lớn nhất để
nhân viên tự nguyện báo cáo các sự cố liên quan
đến sai sót y khoa, đặc biệt là sai sót về chuyên
môn(22).
Tác động của sự cố và tính chất của sự cố
Theo định nghĩa về sự cố y khoa, các nguy
hại chủ yếu ảnh hưởng tới sự an toàn của người
bệnh và nhân viên chăm sóc. Tuy nhiên, nhân
viên y tế có sự chủ động trong phòng ngừa các
sự cố y khoa hơn so với người bệnh vì đôi khi
người bệnh không lường trước được các nguy cơ
có thể xảy ra. Đối với người bệnh, khi họ chấp
nhận cho bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, thao tác
trên họ nghĩa là họ đã chấp nhận những rủi ro có
thể xảy ra trong quá trình thao tác, chăm sóc.
Việc giải thích về các sự cố có thể xảy ra, các
nguy hại có thể ảnh hưởng đến người bệnh cần
được tư vấn cụ thể từ phía nhân viên để quá
trình chăm sóc đảm bảo sự an toàn cũng như
tăng tính hợp tác của người bệnh và người nhà
bệnh nhân đối với nhân viên y tế.
Đối với tính chất sự cố, hầu hết các sự cố ghi
nhận được là các sự cố đã xảy ra với tỉ lệ là 99%.
Điều này là hoàn toàn phù hợp vì đối với các sự
cố đã xảy ra, nhiều nhân viên đều biết đến sự cố
đó, do đó khó có thể cho nhân viên che giấu các
sự cố này. Tuy nhiên, đối với các sự cố suýt xảy
ra thường được bỏ qua vì các tình huống này
thường ít ai biết đến, hoặc có thể các sự cố này
ảnh hưởng ít và có thể khắc phục tại chỗ nên
không báo cáo. Nhận thức về tầm quan trọng
của báo cáo sự cố của nhân viên là cực kỳ quan
trọng trong vấn đề này. Mặc dù, bệnh viện đã
thực hiện rất nhiều chương trình tập huấn cũng
như triển khai các hoạt động đảm bảo chất
lượng an toàn người bệnh, tổ chức các hội thi
khuyến khích về báo cáo sự cố. Tuy nhiện, tỷ lệ
báo cáo sự cố y khoa tự nguyện là chưa cao. Cần
có những biện pháp khác thích hợp để đảm bảo
việc báo cáo chính xác và đầy đủ. Để thực hiện
việc này, cần khảo sát những lý do, rào cản làm
hạn chế tính tự nguyện của nhân viên trong báo
cáo sự cố y khoa.
Nghiên cứu cùa chúng tôi ghi nhận có 10%
các sự cố y khoa gây tử vong ở người bệnh,
20,5% sự cố đẩy người bệnh vào tình trạng cấp
cứu và 60,3% các sự cố làm kéo dài thời gian
điều trị. Kết quả ghi nhận tương đồng với các
nghiên cứu trên thế giới. Trong nghiên cứu của
Elden N.M.K và Ismail A (2016), sự cố y khoa
tăng thêm 2 ngày điều trị và tăng từ 2000 - 5000$
cho mỗi người bệnh (ghi nhận theo các nghiên
cứu trên thế giới)(2).
Phân loại sự cố y khoa
Các sự cố y khoa trong nghiên cứu của
chúng tôi chủ yếu liên quan đến quy trình, thủ
tục khám, chữa bệnh; sai sót chuyên môn; an
toàn trong sử dụng thuốc và liên quan đến vật
tư, trang thiết bị.
Đối với các sự cố liên quan đến quy trình,
thủ tục khám, chữa bệnh, các sự cố xảy ra
thường do “lỗ hổng” của quy trình. Các quy
trình chưa được thực hiện một cách đồng nhất
giữa các khoa, phòng hoặc có thể quy trình chưa
được cập nhật, ban hành tại thời điểm xảy ra sự
cố. Nghiên cứu chưa đi sâu phân tích về các yếu
tố liên quan đến quy trình. Do đó, việc rà soát lại
các điểm bất hợp lý trong quy trình, cũng như
phát triển và hoàn thiện các quy trình phối hợp
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018
28
là việc cần thiết để đảm bảo không lặp lại các sư
cố tương tự trong tương lai.
Các sự cố về an toàn trong sử dụng thuốc
chủ yếu là phản ứng thuốc khi tiêm, truyền ở
người bệnh nội trú và được phát hiện kịp thời.
Cách khắc phục chủ yếu là ngừng sử dụng loại
thuốc đang tiêm, truyền, báo cáo sự cố và chăm
sóc phục hồi. Trong nghiên cứu chưa ghi nhận
bất kì các báo cáo nào của người bệnh ngoại trú
về những phản ứng bất lợi khi sử dụng thuốc
với nhân viên y tế, hoặc bác sĩ nhận được những
phàn nàn của người bệnh về các tình trạng bất
lợi khi sử dụng thuốc nhưng chỉ khắc phục bằng
cách thay đổi đơn thuốc và ít khi báo cáo sự cố
trong quá trình sử dụng thuốc ở người bệnh
ngoại trú. Việc ghi nhận về các sự cố liên quan
quá trình sử dụng thuốc cần được ghi nhận
thường xuyên vì hiện tại các loại thuốc điều trị là
phổ biến, người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận và
hoàn toàn tuân theo đơn thuốc của bác sĩ điều
trị. Tuy nhiên, một số bộ phận người bệnh có thể
đáp ứng tốt, một số khác lại không đáp ứng hoặc
có những phản ứng không tốt. Việc ghi nhận
giúp bác sĩ điều trị có thể có những phương
pháp điều trị tốt nhất và có ứng dụng quan
trọng trong y học cá thể.
Các sự cố liên quan đến vật tư, trang thiết bị
ghi nhận được trong nghiên cứu chủ yếu do lỗi
thiết bị, hỏng hóc kéo dài làm ảnh hưởng đến
quá trình chăm sóc và điều trị. Hầu hết các sự cố
này đều có cách khắc phục và chưa ghi nhận các
hậu quả nghiêm trọng. Các trang thiết bị tại
bệnh viện được rà soát cẩn thận, đảm bảo an
toàn đặc biệt là ở các khoa trọng điểm sử dụng
nhiều trang thiết bị hiện đại như Hồi sức tích cực
– Chống độc, Cấp cứu. Tuy nhiên, vì chú trọng
vào một số khoa trọng điểm, do đó, đôi khi các
trang thiết bị nhỏ có thể bị bỏ qua và gây ra sự
cố. Với nguồn lực hiện tại tại bệnh viện, hầu như
công tác cung ứng và sửa chữa vật tư trang thiết
bị còn hạn chế và chỉ chú trọng vào các thiết bị
lớn, các khoa trọng điểm và trong các phẫu thuật
cao, chi phí lớn.
Thời điểm xảy ra sự cố và các đặc tính của sự cố
Theo nghiên cứu trước đó của Hughes V.
(2016), các loại sự cố có tỉ lệ xảy ra vào ban đêm
là cao hơn so với ban ngày(6). Trong nghiên cứu
của chúng tôi, không ghi nhận có sự khác biệt về
tỉ lệ các sự cố xảy ra vào ban ngày so với ban
đêm theo phân loại sự cố y khoa. Như đã đề cập
trước đó, sự khác biệt thể là do ảnh hưởng bởi
công tác báo cáo sự cố. Kết quả nghiên cứu hoàn
toàn phụ thuộc và số lượng báo cáo sự cố của
nhân viên cũng như tính chính xác của sự cố.
Bên cạnh đó, việc báo cáo sự cố gặp nhiều khó
khăn do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Ngoài ra,
các sự cố thường ít được báo cáo đầy đủ và hoặc
bỏ qua không báo cáo đặc biệt là đối với các sự
cố xảy ra vào ban đêm. Trong nghiên cứu hiện
tại, có tổng cộng 78 sự cố ghi nhận được trên hệ
thống và từ phân tích nguyên nhân gốc. Chủ
yếu được ghi nhận một cách thuận tiện, do đó
khả năng phát hiện ý nghĩa về mặt thống kê là
hạn chế.
Kết quả nghiên cứu ghi nhận đối với các sự
cố xảy ra vào ban đêm, tỉ lệ người bệnh trong
tình trạng cấp cứu cao hơn so với những sự cố
xảy ra vào ban ngày. Đội ngũ nhân viên trong ca
đêm thường mỏng hơn so với ca ngày, do đó,
bắt buộc những người trực đêm phải có kinh
nghiệm và đảm bảo khả năng giải quyết những
vấn đề phát sinh trong ca trực. Tuy nhiên, đối
với việc phân chia ca trực và đảm bảo nguồn lực
giàu kinh nghiệm là một trong những khó khăn
đối với hầu hết các bệnh viện công lập. Nguồn
lực hạn chế dẫn dến việc những bác sĩ chưa có
nhiều kinh nghiệm trong nhận định, chẩn đoán
và xử trí tham gia vào các ca trực đêm. Mặc dù
có sự hỗ trợ của các bác sĩ nhiều kinh nghiệm
nhưng trong một ca trực, cần có sự phân chia
thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho
nhân viên y tế. Khả năng các sự cố xảy ra thường
rơi vào thời điểm trực của những nhân viên
chưa đủ kinh nghiệm. Điều này có thể là lý do
dẫn đến các sự cố xảy ra khiến người bệnh lâm
vào tình trạng cấp cứu do chẩn đoán và xử trí
chưa phù hợp.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018 Nghiên cứu Y học
29
Hậu quả do sự cố và các yếu tố liên quan
Trong nghiên cứu ghi nhận có mối liên quan
giữa sự cố chuyên môn với tỉ lệ tử vong, cấp cứu
ở người bệnh.
Những sự cố liên quan đến chuyên môn có
tỷ lệ người bệnh phải cấp cứu cao hơn so với
những sự cố không liên quan chuyên môn
(41,5% so với 10,9%). Có thể thấy rằng, sự cố về
chuyên môn là một trong những yếu tố quan
trọng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Các chương trình tập huấn, đào tạo, rèn luyện;
hội chẩn khi gặp các tình huống khó và phải
luôn kết hợp với nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực
khác nhau để có thể đánh giá chính xác nhất tình
trạng bệnh. Việc thiếu kiến thức, kỹ năng và chủ
quan trong quá trình điều trị có thể dẫn đến
những sai lầm nghiêm trọng, và hậu quả để lại là
rất lớn. Các báo cáo tự nguyện các sự cố chuyên
môn trong nghiên cứu còn rất hạn chế, điều này
có thể do ảnh hưởng bởi các yếu tố của “văn hóa
buộc tội” và “nỗi sợ bị trừng phạt”. Việc phân
tích các sự cố liên quan đến chuyên môn cần đội
ngũ chuyên gia ở nhiều lĩnh vực phối hợp. Bên
cạnh việc phát triển một đội ngũ chuyên gia để
đánh giá về chuyên môn, vấn đề nâng cao nhận
thức của nhân viên y tế trong báo cáo sự cố y
khoa liên quan chuyên môn là cực kì quan trọng,
để đảm bảo các sự cố không xảy ra lặp lại, cũng
như cung cấp kiến thức và những bài học kinh
nghiệm trong tương lai.
Nguyên nhân gốc sự cố y khoa
Qua nghiên cứu trên tổng số 17 trường hợp
sự cố y khoa nghiêm trọng, chúng tôi phân tích
nguyên nhân gốc, tổng số lỗi và yếu tố góp phần
ra lỗi là 75, trong đó lỗi hệ thống là 54,7%, lỗi cá
nhân là 45,3%.
Các lỗi hệ thống bao gồm: các lỗi liên quan
đến huấn luyện, đào tạo là chủ yếu với 26,9%.
Kế đến là do thiếu công tác hội chẩn với 17,3%
và liên quan đến quy trình với 14,7%.
Về lỗi cá nhân, trong tổng số 34 lỗi, ghi nhận
chủ yếu là do thiếu kỹ năng kinh nghiệm với
50%, kế đến là do bác sĩ/điều dưỡng chủ quan
trong công tác chăm sóc người bệnh 20,59%. Ghi
nhận có 14,71% lỗi đến từ việc thiếu kiến thức.
11,76% lỗi vi phạm quy chế, qui định.
Lỗi cá nhân gây ra sự cố tại bệnh viện chiếm
tỷ lệ 45,3%, cao so với các báo cáo phân tích
nguyên nhân và các yếu tố liên quan sự cố y
khoa, trong đó nguyên nhân hệ thống chiếm
khoảng 70%, cá nhân 30%. Điều này cho thấy
bên cạnh các lỗi hệ thống cần khắc phục như
chuẩn hóa quy trình, phác đồ, phổ biến, tăng
cường huấn luyện đào tạo kiến thức, kỹ năng,
tăng cường công tác giám sát thì bệnh viện cần
tăng cường các biện pháp để khắc phục lỗi cá nhân.
KẾT LUẬN
Từ tháng 01/2017 đến tháng 05/2018 nghiên
cứu ghi nhận 78 sự cố y khoa. Tỷ lệ sự cố y khoa
tại Bệnh viện được báo cáo là 0,12% trên lượt
người bệnh nhập viện.
Phân loại: sai sót chuyên môn 29,5%, an toàn
sử dụng thuốc 29,5%; quy trình, thủ tục khám,
chữa bệnh chiếm 24,4%; vật tư, trang thiết bị
chiếm 20,5%; tai nạn, té ngã 5%.
Các yếu tố liên quan: Tỷ lệ sự cố xảy ra vào
ban đêm (37%) cao hơn so với ban ngày (25,5%),
sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p >
0,05). Sự cố xảy ra vào ban đêm có liên quan cấp
cứu người bệnh cao hơn so với những sự cố vào
ban ngày (p < 0,05). Những sự cố liên quan đến
chuyên môn có tỷ lệ phải cấp cứu cao hơn so với
những sự cố không liên quan đến chuyên môn
(43,5% so với 10,9%, p < 0,05). Sự cố liên quan
đến an toàn trong sử dụng thuốc có liên quan
đến việc kéo dài thời gian điều trị, 82,6% so với
50,9% (p < 0,05).
Phân tích nguyên nhân gốc 17 trường hợp sự
cố y khoa nghiêm trọng, lỗi hệ thống là 54,7%,
lỗi cá nhân là 45,3%. Các lỗi hệ thống bao gồm:
liên quan huấn luyện, đào tạo 26,9%; liên quan
công tác hội chẩn 17,3% và liên quan đến quy
trình 14,7%. Các lỗi cá nhân bao gồm: thiếu kỹ
năng kinh nghiệm 50%; chủ quan trong chăm
sóc người bệnh 20,59%; thiếu kiến thức 14,71%;
vi phạm quy chế, quy định 11,76%.
Kết quả nghiên cứu thực trạng sự cố y khoa
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 6 * 2018
30
giúp Bệnh viện nhận diện nguyên nhân và các
sự cố thường gặp, từ đó đề ra các giải pháp cải
tiến nhằm giảm thiểu các sự cố trong thực hành
khám, chữa bệnh.
HƯỚNG ĐỀ XUẤT
Chủ động, tăng cường ý thức cá nhân về lợi
ích của việc báo cáo sự cố y khoa tự nguyện. Đề
cao, khuyến kích, biểu dương tập thể, cá nhân
tích cực báo cáo sự cố, xây dựng văn hóa “báo
cáo sự cố” khoa, phòng và toàn thể viên chức.
Nâng cao văn hóa an toàn người bệnh, tích
cực, chủ động phát hiện, phân tích tìm nguyên
nhân gốc, đưa ra các giải pháp khắc phục, sửa
chữa nguy cơ rủi ro, sự cố tiềm ẩn.
Cải tiến quy trình quản lý, giải quyết, phản
hồi, giám sát kết quả khắc phục đồng thời rút ra
bài học từ sự cố để tránh lập lại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Brennan TA, Leape LL, Laird NM, Hebert L, Localio AR,
Lawthers AG (1991). “Incidence of adverse events and
negligence in hospitalized patients: results of the Harvard
Medical Practice Study I”. N Engl J Med, 324: pp. 370-6.
2. Elden NMK, Ismail A (2016) “The Importance of Medication
Errors Reporting in Improving the Quality of Clinical Care
Services”. Glob J Health Sci, 8(8): pp. 243–251.
3. Garrouste-Orgeas M, Perrin M, Soufir L, Vesin A, Blot F,
Maxime V, Beuret P, Troché G, Klouche K, Argaud L, Azoulay
E, Timsit JF (2015) "The Iatroref study: medical errors are
associated with symptoms of depression in ICU staff but not
burnout or safety culture". Intensive Care Med, 41: pp. 273-284.
4. Grober ED, Bohnen JMA (2005) “Defining medical error.” Can J
Surg, 48 (1): 39-44.
5. Hartnell N, MacKinnon N, Sketris I, Fleming M (2012)
“Identifying, understanding and overcoming barriers to
medication error reporting in hospitals: a focus group study”.
BMJ Qual Saf, 21(5): pp. 361-8.
6. Hughes V (2016) “Is There a Relationship Between Night Shift
and Errors? What Nurse Leaders Need to Know”. Athens Journal
of Health, 3(3): 217-228.
7. James JT (2013) "A New, Evidence-based Estimate of Patient Harms
Associated with Hospital Care". J Patient Saf, 9: pp. 122-128.
8. Kaldjian LC, Jones EW, Wu BJ, Forman-Hoffman VL, Levi BH,
Rosenthal GE (2007) “Reporting medical errors to improve
patient safety: a survey of physicians in teaching hospitals”.
Arch Intern Med; 168(1): pp. 40-6.
9. Khammarnia M, Ravangard R, Barfar E, Setoodehzadeh F
(2015) “Medical Errors and Barriers to Reporting in Ten
Hospitals in Southern Iran”. Malays J Med Sci, 22(4): pp. 57–63.
10. Khorasani F and Beigi M (2017) “Evaluating the Effective
Factors for Reporting Medical Errors among Midwives
Working at Teaching Hospitals Affiliated to Isfahan University
of Medical Sciences”. Iran J Nurs Midwifery Res, 22(6): pp. 455–459.
11. Kingston MJ, Evans SM, Smith BJ, Berry JG (2004). Attitudes of
doctors and nurses towards incident reporting: a qualitative
analysis. Med J Aust; 181(1): pp. 36-9.
12. Leape L (1994) “Error in medicine”. JAMA; 272: pp. 1851-7.
13. Madsen MD, Østergaard D, Andersen HB, Hermann N,
Schiøler T, Freil M (2006) “The attitude of doctors and nurses
towards reporting and handling errors and adverse events”.
Ugeskr Laeger; 168(48): 4195-200
14. Reason J (1990) “Human error”. Cambridge: Cambridge
University Press, Psychology- 302 pages.
15. Reason J (1995) “Understanding adverse events: the human
factor”. Quality in Health Care: pp. 80-89.
16. Tăng Chí Thượng (2015) “Hướng dẫn triển khai hoạt động An
toàn người bệnh tại Bệnh viện”. Nhà xuất bản Y học: tr. 11-44, 80-97.
17. Thomas EJ, Studdert DM, Burstin HR, Orav EJ, Zeena T,
Williams EJ (1999) “Incidence and types of adverse events and
negligent care in Utah and Colorado”. Medical Care, 38, (3):
pp.261-71.
18. Tully MP, Ashcroft DM, Dornan T, Lewis PJ, Taylor D, Wass V
(2009) “The causes of and factors associated with prescribing
errors in hospital inpatients: a systematic review”. Drug Saf,
32(10): pp. 819-36.
19. Vincent C, Stanhope N, Crowley-Murphy M (1999) “Reasons
for not reporting adverse incidents: an empirical study”. J Eval
Clin Pract; 5(1): pp. 13-21.
20. Waldman JD, Smith HL (2012). “Strategic planning to reduce
medical errors: Part I—diagnosis”. J Med Pract Manage, 27(4): pp.
230-6.
21. Wilson RM, Runciman WB, Gibberd RW, Harrison BT, Newby
L, Hamilton JD (1995) “The Quality in Australian Health Care
Study”. Med J Aust, 163: pp.458-71.
22. Wolf ZR, Hughes RG (2008) “Patient Safety and Quality An
Evidence-Based Handbook for Nurses: Chapter 35. Error
Reporting and Disclosure”. Agency for Healthcare Research and
Quality (US). www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21328753.
23. Wolf ZR, Serembus JF, Smetzer J, Cohen H, Cohen M (2000)
“Responses and concerns of healthcare providers to medication
error”. Clin Nurse Spec, 14(6): pp.278-87; quiz pp. 288-90.
Ngày nhận bài báo: 14/08/2018
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 22/08/2018
Ngày bài báo được đăng: 10/10/2018
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- khao_sat_thuc_trang_su_co_y_khoa_tai_benh_vien_trung_vuong_n.pdf