Tài liệu Khảo sát sự chuyển pha của dụng cụ quay nickeltitanium sau sử dụng có hấp vô trùng trong mô phỏng lâm sàng: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 96
KHẢO SÁT SỰ CHUYỂN PHA CỦA DỤNG CỤ QUAY NICKEL-
TITANIUM SAU SỬ DỤNG CÓ HẤP VÔ TRÙNG
TRONG MÔ PHỎNG LÂM SÀNG
Nguyễn Quốc Thắng*, Phạm Văn Khoa**
TÓM TẮT
Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm khảo sát nhiệt độ kết thúc chuyển pha austenite (Af) dọc theo trục dụng cụ của
ba hệ thống dụng cụ quay nội nha Nickel-Titanium (NiTi) gồm Reciproc, HyFlex CM Pro và Neoniti sau sử
dụng trong mô phỏng lâm sàng có hấp vô trùng.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu in vitro trên 90 dụng cụ quay NiTi của ba hệ thống Reciproc,
HyFlex Pro, Neoniti được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm các trâm còn mới chưa sử dụng, nhóm 2 gồm các
trâm sử dụng và hấp vô trùng 1 lần, nhóm 3 gồm các trâm sử dụng và hấp vô trùng lần lượt 1, 2 và 3 lần. Sau
đó, các trâm được cắt thành các đoạn nhỏ khoảng 4-5 mm dọc theo trục dụng cụ từ phần đầu dụng cụ. Sử dụng
phương pháp phân tích nhiệt lượng quét vi sai (DSC) để xác đ...
8 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 12/07/2023 | Lượt xem: 238 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khảo sát sự chuyển pha của dụng cụ quay nickeltitanium sau sử dụng có hấp vô trùng trong mô phỏng lâm sàng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 96
KHẢO SÁT SỰ CHUYỂN PHA CỦA DỤNG CỤ QUAY NICKEL-
TITANIUM SAU SỬ DỤNG CÓ HẤP VÔ TRÙNG
TRONG MÔ PHỎNG LÂM SÀNG
Nguyễn Quốc Thắng*, Phạm Văn Khoa**
TÓM TẮT
Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm khảo sát nhiệt độ kết thúc chuyển pha austenite (Af) dọc theo trục dụng cụ của
ba hệ thống dụng cụ quay nội nha Nickel-Titanium (NiTi) gồm Reciproc, HyFlex CM Pro và Neoniti sau sử
dụng trong mô phỏng lâm sàng có hấp vô trùng.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu in vitro trên 90 dụng cụ quay NiTi của ba hệ thống Reciproc,
HyFlex Pro, Neoniti được chia thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm các trâm còn mới chưa sử dụng, nhóm 2 gồm các
trâm sử dụng và hấp vô trùng 1 lần, nhóm 3 gồm các trâm sử dụng và hấp vô trùng lần lượt 1, 2 và 3 lần. Sau
đó, các trâm được cắt thành các đoạn nhỏ khoảng 4-5 mm dọc theo trục dụng cụ từ phần đầu dụng cụ. Sử dụng
phương pháp phân tích nhiệt lượng quét vi sai (DSC) để xác định nhiệt độ chuyển pha và quá trình chuyển pha
của các đoạn mẫu.
Kết quả: Giá trị Af của mỗi đoạn giữa các nhóm sau khi sử dụng có hấp vô trùng trong cùng một hệ thống
trâm không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p >0,05).
Kết luận: Sau sử dụng và hấp vô trùng lần lượt 3 lần không làm thay đổi nhiệt độ Af của dụng cụ quay nội
nha NiTi.
Từ khoá: NiTi, dụng cụ quay, phân tích nhiệt lượng quét vi sai (DSC), sự chuyển pha
ABSTRACT
INVESTIGATION OF PHASE TRANSFORMATION IN NICKEL-TITANIUM
ROTARY INSTRUMENTS AFTER SIMULATED CLINICAL USE AND STERILIZED
Nguyen Quoc Thang, Pham Van Khoa
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement Vol. 22 - No 2- 2018: 96 - 103
Objective: The aim of this study was to investigate the values of Af along the axial length of NiTi rotary
instruments (Reciproc, HyFlex CM Pro, Neoniti) after simulated clinical use and sterilized.
Materials and method: In this in vitro study, 90 files (Reciproc, HyFlex CM Pro, Neoniti) were divided
into three groups: Group 1 was in the as-received condition, Group 2 and Group 3 were after subjection to 1 and 3
sterilization cycles with simulated clinical use, respectively. They were cut into segments at 4-5 mm increment
from the working tip. The transformation temperatures and phase transformations of regional specimens was
examined using differential scanning calorimetric.
Result: No statistically significant difference was found in the Af values of each specimens in three groups in
each NiTi systems after simlated clinical use and sterilized (p > 0,05).
Conclusion: After three times simulated clinical using and sterilizing had no evident effect upon the phase
transformation for each rotary instruments systems.
Key words: NiTi, rotary instrument, diffential scanning calorimetric (DSC) analysis, phase transformation.
*Khoa RHM, Đại học Y Dược TP.HCM **Bộ môn Chữa răng-Nội nha, Khoa RHM, ĐHYD TP.HCM
Tác giả liên lạc: ThS. Nguyễn Quốc Thắng ĐT: 0916059590 Email: thangnguyen.dds@gmail.com
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 97
MỞ ĐẦU
Điều trị nội nha chủ yếu nhằm hướng đến
các mục tiêu chữa trị và phòng ngừa các bệnh lý
tủy răng và vùng quanh chóp. Trong suốt hai
thập kỷ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát
triển liên tục về khoa học, công nghệ mới ứng
dụng trong lĩnh vực nội nha, cùng với sự ra đời
hàng loạt các loại dụng cụ quay thế hệ mới đã
làm cho công việc điều trị nội nha trở nên dễ
dàng hơn, cải thiện tốc độ của quy trình sửa soạn
hệ thống ống tủy, an toàn, có độ tin cậy cao. Sự
ra đời của dụng cụ quay Nikel-Titanium (NiTi)
đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng,
hợp lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả
điều trị.
Các đặc tính và tỉ lệ tương đối giữa các pha
tinh thể quyết định tính chất cơ học của kim loại.
Hai đặc tính đặc trưng cơ bản là tính nhớ hình
dạng và tính siêu đàn hồi được ứng dụng nhiều
trong lâm sàng nha khoa là kết quả của sự
chuyển pha qua lại giữa pha austenite và pha
martensite trong hợp kim NiTi.
Bước đầu tiên trong việc mô tả một vật liệu
có tính nhớ hình dạng là khảo sát sự thay đổi
nhiệt độ trong quá trình chuyển pha. Theo
Brantley, phương pháp phân tích nhiệt lượng
quét vi sai (DSC) là một công cụ mạnh mẽ để
nghiên cứu các tính chất vật liệu của các loại
dụng cụ quay NiTi dùng trong nội nha. Phương
pháp này cho phép khảo sát được sự chuyển
dạng giữa hai pha austenite và martensite dựa
vào sự thay đổi nhiệt độ trong quá trình nung
nóng và làm nguội, đồng thời cung cấp thông tin
về năng lượng trong quá trình chuyển pha của
vật liệu(5).
Vào đầu những năm 2000, hàng loạt những
nghiên cứu nhận thấy rằng có sự thay đổi trong
sự chuyển dạng giữa các pha khi xử lý nhiệt, làm
ảnh hưởng đến độ mềm dẻo, dễ uốn của dụng
cụ quay NiTi. Kể từ đó, người ta đã ứng dụng
việc thay đổi nhiệt độ trong quá trình chế tạo
dụng cụ với mong muốn làm thay đổi các tính
chất của hợp kim NiTi. Ở dạng pha martensite,
hợp kim NiTi có độ kháng mỏi đáng kể, các
dụng cụ khi đó dễ dàng bị biến dạng và sau đó
chúng có thể phục hồi lại hình dạng ban đầu khi
làm nóng trên mức nhiệt độ chuyển pha. Điều
này có thể lý giải là do quá trình nung nóng sẽ
làm hợp kim tạm thời chuyển thành pha
austenite, khi đó nó có tính chất siêu đàn hồi có
thể khôi phục lại hình dạng ban đầu trước khi bị
làm nguội lại.
Quy trình xử lý cơ nhiệt độc quyền là một
quy trình phức tạp mà tích hợp giữa quy trình
hóa cứng và quy trình xử lý nhiệt vào chung
trong cùng một quy trình. Gần đây, một loạt các
quy trình xử lý nhiệt cơ học đã và đang được
phát triển với mục tiêu sản xuất ra các phôi dây
NiTi siêu đàn hồi tồn tại ở pha martensite trong
thực hành lâm sàng. Những cải tiến trong lĩnh
vực vật liệu đã dẫn đến sự phát triển của các
dụng cụ nội nha thế hệ tiếp theo. Dây M
(Reciproc), dây CM (HyFlex CM Pro) và dây
được sản xuất bằng phương pháp gia công cắt
dây tia lửa điện (Neoniti) là những đại diện cho
các thế hệ tiếp theo của hợp kim NiTi với sự cải
thiện độ mềm dẻo và độ kháng mỏi của dụng cụ.
Ngày nay, các công nghệ luyện kim mới ra
đời tạo nên cuộc cách mạng trong việc điều trị
nội nha nhưng đồng thời cũng làm tăng lên
đáng kể chi phí đầu tư dụng cụ của các bác sĩ
răng hàm mặt. Hiện nay ở Việt Nam, do điều
kiện kinh tế chưa cao, chi phí điều trị nội nha
còn khá thấp, do đó các bác sĩ có khuynh
hướng thường sử dụng lại dụng cụ nội nha
sau khi hấp vô trùng để tiết kiệm chi phí, mặc
dù khuyến cáo của nhà sản xuất chỉ nên sử
dụng một lần cho một bệnh nhân nhằm tránh
những tai nạn không mong muốn xảy ra như
gãy dụng cụ trong ống tủy.
Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu in
vitro sử dụng phương pháp phân tích nhiệt
lượng quét vi sai (DSC) để khảo sát sự thay đổi
của nhiệt độ kết thúc chuyển pha austenite (Af)
sau khi sử dụng và hấp vô trùng của ba hệ thống
dụng cụ quay NiTi gồm Reciproc, HyFlex CM
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 98
Pro và Neoniti đại diện cho ba loại vật liệu và
công nghệ chế tạo trâm thế hệ mới.
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu thử nghiệm in vitro.
Đối tượng nghiên cứu
30 trâm Reciproc R25 (.25/.08) chiều dài 25
mm (VDW).
30 trâm quay HyFlex CM Pro 25/0,06
(Coltène), chiều dài 25 mm.
30 trâm quay Neoniti A1 25/0,08 (NEOLIX),
chiều dài 25 mm.
Phương tiện nghiên cứu
150 ống tủy nhựa hẹp, cong hình chữ L dài
19 mm.
Trâm dũa K số 10 chiều dài 25 mm.
Máy nội nha VDW.SILVER®RECIPROC® và
tay khoan nội nha giảm tốc (6:1) kèm theo máy.
Dung dịch bơm rửa NaOCl 3%, côn giấy.
Máy cắt tốc độ chậm IsoMet (Buehler, Lake
Bluff, IL).
Máy đo phân tích nhiệt lượng quét vi sai
DSC 8000 (Perkin Elmer, USA) kèm phần mềm
phân tích Pyris phiên bản 11.0.0.0449.
Tiến trình thực hiện
Phân nhóm nghiên cứu
90 trâm quay NiTi của 3 nhóm trâm khác
nhau được chia thành 3 nhóm lớn gồm:
- Nhóm I: 30 trâm quay Reciproc R25.
- Nhóm II: 30 trâm quay HyFlexTM CM Pro
25/0,06.
- Nhóm III: 30 trâm quay Neoniti A1 25/0,08.
Các trâm ở từng mỗi nhóm I, II, III lại được
chia thành 3 nhóm nhỏ như sau:
- Nhóm I.1: 10 trâm Reciproc R25 còn mới
chưa sử dụng.
- Nhóm I.2: 10 trâm Reciproc R25 thực hiện
mô phỏng việc điều trị sửa soạn trên 1 ống tủy
nhựa, sau đó đem đi hấp vô trùng 1 lần.
- Nhóm I.3: 10 trâm Reciproc R25 thực hiện
mô phỏng việc điều trị sửa soạn ống tủy và hấp
vô trùng lần lượt 1, 2 và 3 lần.
- Nhóm II.1: 10 trâm HyFlexTM CM Pro
25/0,06 còn mới chưa sử dụng.
- Nhóm II.2: 10 trâm HyFlexTM CM Pro
25/0,06 thực hiện mô phỏng việc điều trị sửa
soạn trên 1 ống tủy nhựa, sau đó đem đi hấp vô
trùng 1 lần.
- Nhóm II.3: 10 trâm HyFlexTM CM Pro
25/0,06 thực hiện mô phỏng việc điều trị sửa
soạn ống tủy và hấp vô trùng lần lượt 1, 2 và 3
lần.
- Nhóm III.1: 10 trâm Neoniti A1 25/0,08 còn
mới chưa sử dụng.
- Nhóm III.2: 10 trâm Neoniti A1 25/0,08 thực
hiện mô phỏng việc điều trị sửa soạn trên 1 ống
tủy nhựa, sau đó đem đi hấp vô trùng 1 lần.
- Nhóm III.3: 10 trâm Neoniti A1 25/0,08 thực
hiện mô phỏng việc điều trị sửa soạn ống tủy và
hấp vô trùng lần lượt 1, 2 và 3 lần.
Sau khi phân nhóm, các cây trâm của các
nhóm I.2, I.3, II.2, II.3, III.2, III.3 sẽ được đem tiến
hành quá trình mô phỏng lâm sàng cho việc sửa
soạn, tạo dạng ống tủy và hấp vô trùng.
Quy trình sửa soạn và tạo dạng trên ống tủy
nhựa của từng hệ thống trâm quay NiTi nội
nha
Quy trình sửa soạn và tạo dạng trên ống tủy
nhựa hẹp, cong hình chữ L với ba hệ thống trâm
quay NiTi được thực hiện bởi người nghiên cứu
trên các nhóm I.2, I.3, II.2, II.3, III.2, III.3 theo như
quy trình sửa soạn và tạo dạng tuân theo hướng
dẫn của nhà sản xuất.
Khử khuẩn dụng cụ sau khi sửa soạn ống tủy
Sau khi sử dụng mô phỏng lâm sàng, tất cả
các trâm quay NiTi sẽ được ngâm khử khuẩn
bằng dung dịch Hexanios G+R pha loãng ở nồng
độ 0,5% trong 15 phút. Sau đó rửa sạch, lau khô,
đóng gói và đem đi hấp vô trùng bằng hơi nước
nóng (autoclave) trong 30 phút ở 134oC, áp suất
1,4 atmosphere.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 99
Sau khi hấp vô trùng 1 lần sẽ chọn ngẫu
nhiên ở mỗi hệ thống 10 cây trâm, ta được các
nhóm I.2, II.2 và III.2 (mỗi nhóm gồm 10 trâm).
Các cây trâm còn lại sẽ được đem thực hiện lặp
lại việc mô phỏng lâm sàng điều trị sửa soạn, tạo
dạng trên ống tủy nhựa lần thứ 2, sau đó ngâm
khử khuẩn dụng cụ, hấp vô trùng và đem sửa
soạn trên ống tủy nhựa lần thứ 3, tiếp theo đó
ngâm khử khuẩn và hấp vô trùng dụng cụ, khi
đó sẽ thu được nhóm I.3, II.3 và III.3 (mỗi nhóm
gồm 10 trâm).
Cắt từng cây trâm thành từng đoạn mẫu nhỏ
Sau khi chuẩn bị xong ba nhóm của từng hệ
thống trâm quay NiTi, các trâm sẽ được cắt
thành từng đoạn nhỏ bằng máy cắt tốc độ chậm
IsoMet (Buehler) có lưỡi cắt bằng kim cương và
làm mát bằng nước, cắt cẩn thận và từ từ từng
cây trâm ở tất cả các nhóm thành 4 đoạn mẫu
nhỏ, đánh dấu ký hiệu từng đoạn mẫu lần lượt
là A, B, C, D dọc theo trục dụng cụ tính từ đầu
dụng cụ với mỗi đoạn dài khoảng 4 – 5 mm.
Đo nhiệt lượng quét vi sai (DSC) và phân tích
bằng phần mềm phân tích nhiệt
Từng đoạn trâm của mỗi nhóm sau khi cắt sẽ
được xác định cân nặng bằng cân phân tích điện
tử CPA 225D Sartorius (sai số 0,1mg). Sau khi
cân, từng đoạn mẫu sẽ được đặt vào trong một
đĩa nhôm nhỏ và không đậy nắp lại để tránh tạo
ra ứng suất không mong muốn đè nén lên mẫu
thử trong quá trình đo. Ngoài ra, có một đĩa
nhôm trống khác chọn làm đĩa chứng trơ cần
phải có khi thực hiện phép đo DSC. Sau đó, đem
hai đĩa nhôm trên đặt vào bên trong hai buồng
đo của máy DSC 8000 (Perkin Elmer, Hoa Kỳ).
Đậy nắp buồng đo và thiết lập chu trình nhiệt
của phép đo DSC bằng máy vi tính với nhiệt độ
của phép đo DSC trong phạm vi từ 15oC đến
100oC. Trước tiên, mẫu đo sẽ được làm lạnh từ
nhiệt độ phòng xuống nhiệt độ 15oC, sau đó
được làm nóng lên 100oC sẽ thu được đường
cong lạnh, rồi làm lạnh từ 100oC xuống 10oC sẽ
thu được đường cong nóng, tốc độ gia nhiệt
trong suốt quá trình đo nhiệt là 10oC/phút và
dòng chảy khí nitro vào khoảng 20 ml/phút.
Nhiệt độ hiệu chuẩn của thiết bị đo được thực
hiện bởi n-pentane, nước khử ion và indium.
Đồ thị và kết quả của phép đo DSC được ghi
nhận và phân tích bằng phần mềm máy tính
Pyris phiên bản 11.0.0.0449 bao gồm nhiệt độ bắt
đầu và kết thúc chuyển pha tinh thể tại các đỉnh
thu nhiệt và tỏa nhiệt trên các đường cong tín
hiệu trong quá trình chuyển pha cùng với giá trị
enthalpy thay đổi liên quan đến quá trình
chuyển pha.
KẾT QUẢ
Không có các sai sót thường gặp khi sửa soạn
trên ống tủy nhựa bằng dụng cụ quay Reciproc,
HyFlex CM Pro, Neoniti. Các trâm không bị biến
dạng hoặc gãy trong suốt quá trình sửa soạn, tuy
nhiên hiệu quả cắt ở các trâm sau khi sử dụng và
hấp vô trùng giảm dần khi sửa soạn trên các ống
tủy nhựa.
Kết quả DSC về các giá trị trung bình và
độ lệch chuẩn của nhiệt độ kết thúc chuyển
pha austenite (Af) được ghi nhận trong đồ thị
DSC trong quá trình nung nóng giữa các đoạn
mẫu A, B, C, D của cả ba hệ thống trâm quay
NiTi trong nghiên cứu được liệt kê trong các
bảng 1, 2 và 3. Do các số liệu tuân theo phân
phối chuẩn (kiểm định Shapiro-Wilk với mẫu
nhỏ), nên chúng tôi dùng kiểm định ANOVA
(phương sai giữa các nhóm so sánh bằng
nhau) để so sánh các giá trị trung bình giữa ba
nhóm 1, 2, 3 của từng hệ thống trâm quay NiTi
sử dụng trong nghiên cứu này.
Nhiệt độ Af của hệ thống trâm quay Reciproc
trong quá trình nung nóng
Bảng 1 mô tả nhiệt độ Af trung bình của ba
nhóm nghiên cứu của hệ thống trâm Reciproc.
Nhiệt độ Af của đoạn mẫu A thấp nhất (khoảng
47,5oC) và cao nhất là ở đoạn mẫu D (khoảng
51oC) và có sự tăng dần giá trị này từ đoạn mẫu
A đến đoạn mẫu D. Kết quả cho thấy không có
sự khác biệt có ý nghĩa (p>0,05) sau 3 lần sử
dụng có hấp vô trùng so với trâm còn mới chưa
sử dụng.
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 100
Bảng 1. Nhiệt độ kết thúc chuyển pha austenite (Af) của ba nhóm nghiên cứu của hệ thống trâm quay Reciproc
trong quá trình nung nóng.
Af (
o
C)
A B C D
Nhóm I.1 47,65 0,48 49,36 0,73 50,62 1,03 51,31 1,79
Nhóm I.2 47,43 0,45 49,45 0,35 50,45 1,08 51,11 1,50
Nhóm I.3 47,62 0,70 49,36 0,46 50,34 1,10 51,12 1,10
p (ANOVA) 0,634 0,904 0,845 0,943
* Nhiệt độ Af của hệ thống trâm quay HyFlex CM Pro trong quá trình nung nóng
Nhiệt độ Af trung bình và độ lệch chuẩn ở ba
nhóm của hệ thống trâm HyFlex CM Pro trong
quá trình nung nóng được liệt kê trong bảng 2.
Khi so sánh trung bình giữa các nhóm bằng kiểm
định ANOVA, chúng tôi nhận thấy không có sự
khác biệt có ý nghĩa (p > 0,05) giữa các nhóm II.1,
II.2, II.3 của các đoạn mẫu.
Bảng 2. Nhiệt độ kết thúc chuyển pha austenite (Af) của ba nhóm nghiên cứu của hệ thống trâm quay HyFlex
CM Pro trong quá trình nung nóng.
Af (
o
C)
A B C D
Nhóm II.1 41,45 0,33 42,90 0,75 44,99 0,60 49,57 0,85
Nhóm II.2 41,42 0,40 42,63 0,62 45,10 0,81 50,01 0,83
Nhóm II.3 41,47 0,41 43,48 0,90 45,39 0,66 50,29 0,77
p (ANOVA) 0,958 0,055 0,438 0,158
* Nhiệt độ Af của hệ thống trâm quay Neoniti trong quá trình nung nóng
Giá trị nhiệt độ kết thúc chuyển pha
austenite trung bình và độ lệch chuẩn của hệ
thống trâm quay Neoniti được mô tả trong bảng
3. Chúng tôi nhận thấy nhiệt độ kết thúc chuyển
pha austenite của hệ thống trâm Neoniti A1 nằm
trong khoảng từ 52,3oC đến gần 54oC. Sau ba lần
sử dụng và hấp vô trùng thì giá trị Af ở các đoạn
trâm không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê
so với tình trạng lúc trâm còn mới chưa sử dụng
Bảng 3. Nhiệt độ kết thúc chuyển pha austenite (Af) của ba nhóm nghiên cứu của hệ thống trâm quay Neoniti
trong quá trình nung nóng.
Af (
o
C)
A B C D
Nhóm III.1 53,89 0,83 53,00 1,22 52,37 1,17 53,08 1,11
Nhóm III.2 54,07 1,20 53,39 0,99 52,38 1,34 53,40 1,09
Nhóm III.3 53,79 0,94 53,28 1,11 52,36 1,07 53,18 1,31
p (ANOVA) 0,823 0,718 0,999 0,826
BÀN LUẬN
Trong nghiên cứu của chúng tôi có sử dụng
các ống tủy nhựa trong suốt để mô phỏng việc
sửa soạn và tạo dạng hệ thống ống tủy. Việc sử
dụng ống tủy nhựa trong nghiên cứu lần đầu
tiên được thực hiện bởi Weine và cs. năm 1975,
cho đến ngày nay chúng vẫn còn được sử dụng
rộng rãi trong các nghiên cứu so sánh hiệu quả
giữa các loại trâm quay nội nha với nhau(2,10). Do
ống tủy nhựa được sản xuất với cùng một chiều
dài, cùng độ cong, cùng độ thuôn ban đầu, cũng
như giống nhau độ cứng, do đó việc sử dụng
ống tủy nhựa trong nghiên cứu này giúp chuẩn
hóa về kích thước, độ cứng, độ cong, độ thuôn
và hình dạng giải phẫu của ống tủy, trong khi
nếu sử dụng răng đã nhổ thì khó có thể thu thập
được các răng có chiều dài, độ cong, độ cứng và
kích thước ban đầu tương tự nhau. Tuy nhiên,
khi sử dụng ống tủy nhựa cũng có một số hạn
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 101
chế, đó là độ cứng của vật liệu nhựa dùng để chế
tạo ống tủy mô phỏng (22 kg/mm2) thấp hơn so
với độ cứng của ngà răng thông thường (40
kg/mm2). Hơn nữa, trong khi sửa soạn ống tủy,
lực ma sát sinh ra sẽ làm vật liệu bị nóng chảy,
do đó cản trở vận động quay của dụng cụ nội
nha trong ống tủy, làm trâm dễ bị kẹt và đôi khi
phải chịu lực vặn xoắn quá mức có thể dẫn đến
gãy dụng cụ trong khi sửa soạn. Trong nghiên
cứu của chúng tôi không ghi nhận thấy trường
hợp nào dụng cụ bị gãy trong khi sửa soạn ống
tủy với ba hệ thống trâm quay Reciproc, HyFlex
CM Pro và Neoniti. Việc thực hiện mô phỏng
sửa soạn và tạo dạng ống tủy trên các ống tủy
nhựa với mục đích chuẩn hóa điều kiện thử
nghiệm về độ cứng, độ cong, độ thuôn của ống
tủy. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng thì mỗi
răng có độ cứng, độ cong và độ thuôn khác nhau
tùy thuộc vào giới tính, lứa tuổi, tình trạng bệnh
lý cũng như nhiều yếu tố khác nên nghiên cứu
không thể mô phỏng chính xác hoàn toàn.
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về số lần
sử dụng của dụng cụ quay NiTi. Các nhà sản
xuất dụng cụ đều khuyến cáo chỉ nên sử dụng
một lần trong lâm sàng, và cũng có những
khuyến nghị tương tự với mong muốn làm giảm
biến chứng gãy trâm thường xảy ra trong khi
điều trị(3), nhưng cũng có những nghiên cứu
khác cho thấy rằng dụng cụ quay NiTi có thể sử
dụng lên đến 10 lần ở trong các mô hình ống tủy
hoặc có thể sửa soạn ở bốn răng cối lớn mà
không bị gãy trâm(13,16). Tuy nhiên, đa số các tác
giả đều chấp thuận rằng việc sử dụng trên lâm
sàng các dụng cụ quay NiTi kéo dài sẽ làm giảm
đáng kể đặc tính kháng mỏi do chu kỳ(4,17). Bởi vì
giải phẫu của từng ống tủy không giống nhau,
cũng như chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác,
cho nên thật khó để có thể đưa ra lời khuyên
chung về số lần sử dụng dụng cụ quay NiTi.
Brantley và cs. đã thực hiện nhiều nghiên
cứu DSC cho hợp kim NiTi trong chuyên ngành
chỉnh nha và nội nha. Năm 2002, nhóm tác giả
xuất bản hai bài báo liên quan đến phương pháp
phân tích DSC của các loại trâm quay NiTi còn
mới chưa qua sử dụng(5) và so sánh với các trâm
quay đã qua sử dụng 1 lần, 3 lần và 6 lần(6).
Nhóm tác giả cho rằng phương pháp phân tích
DSC là một công cụ mạnh mẽ để nghiên cứu các
tính chất vật liệu của các loại trâm quay nội nha,
cung cấp thông tin trực tiếp không sẵn có từ các
kỹ thuật phân tích các pha tinh thể của hợp kim
NiTi. Ngoài ra, theo tác giả thì tính nhớ hình
dạng thực sự không cần thiết trên lâm sàng
trong lĩnh vực nội nha. Sau đó, nhóm tác giả tiếp
tục khảo sát nhiệt độ chuyển pha giữa các đoạn
trâm quay qua các lần sử dụng lần lượt 1 lần, 3
lần và 6 lần trong mô phỏng và so sánh với kết
quả của nhóm còn mới chưa sử dụng. Kết quả
trong nghiên cứu này cho thấy không có sự ảnh
hưởng rõ rệt đến trạng thái các pha của các trâm
quay NiTi. Một nghiên cứu khác của Alapati và
cs(1) cũng không thấy có sự khác biệt có ý nghĩa
giữa các trâm còn mới chưa sử dụng với các
trâm đã sử dụng trên lâm sàng. Tương tự như
vậy, trong nghiên cứu của chúng tôi cũng cho
kết quả rằng không có sự thay đổi về các giá trị
nhiệt độ chuyển pha Af của cả ba hệ thống trâm
Reciproc, HyFlex CM Pro và Neoniti sau ba lần
sử dụng mô phỏng lâm sàng có hấp vô trùng.
Nhiều nghiên cứu đã tập trung vào những
ảnh hưởng của việc tiệt trùng bằng nhiệt lên độ
kháng mỏi của dụng cụ quay NiTi, nhưng cho
đến nay, các kết quả vẫn mâu thuẫn nhau và
chưa có sự đồng thuận(7,11,12,15). Bởi vì quá trình xử
lý nhiệt ảnh hưởng đến các tính chất vật lý của
hợp kim NiTi nên quá trình hấp vô trùng cũng
có thể làm thay đổi các tính chất vật lý này. Theo
một nghiên cứu của Canalda-Sahli(7), nhìn chung
có sự giảm nhẹ độ mềm dẻo của trâm NiTi sau
10 chu kỳ tiệt trùng bằng nhiệt, nhưng toàn bộ
các trâm thử nghiệm trong nghiên cứu đều thỏa
mãn yêu cầu ISO tối thiểu về độ lệch góc sau khi
hấp vô trùng. Tuy nhiên, Serene và cs. (1995) báo
cáo rằng việc tiệt trùng sẽ làm tăng lên tính
kháng mỏi chu kỳ của dụng cụ thông qua việc
làm tăng độ cứng và khả năng kháng lại lực vặn
xoắn của của hợp kim NiTi, đồng thời sự biến
dạng của các dụng cụ NiTi trong quá trình sử
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 102
dụng trên lâm sàng có thể được phục hồi bằng
cách nung nóng chúng ở nhiệt độ lớn hơn
125oC(14). Một kết quả tương tự cũng được báo
cáo trong nghiên cứu của Chaves Craveiro de
Melo và cs. (2002) rằng sau 5 chu kỳ tiệt trùng
bằng nhiệt, khả năng kháng mỏi của trâm
ProFile trong ống tủy mô phỏng và độ vi cứng
của chúng tăng lên một cách đáng kể(9).
Mặt khác, nghiên cứu của Casper và cs. cho
thấy khi đem hấp vô trùng 7 lần thì không có sự
ảnh hưởng đáng kể đến độ mềm dẻo và độ
kháng gãy của dây M, dây CM hoặc dây xử lý
pha R(8). Silvaggio và Hicks (1997) cũng đã chứng
minh rằng quá trình hấp vô trùng bằng
Autoclave hay hấp khô không làm giảm sức đề
kháng của dụng cụ(15). Mize và cs. (1988) cho thấy
không có sự khác biệt có ý nghĩa lên tính kháng
mỏi của dụng cụ NiTi sau một số lần tiệt
trùng(12). Khi so sánh giữa dụng cụ bằng thép
không gỉ và dụng cụ NiTi khử trùng bằng
autoclave hay hấp khô, Hilt và cs. (2000) cũng
kết luận không có sự khác biệt sau khi tiệt trùng
dụng cụ mà có ảnh hưởng lên các tính chất của
dụng cụ như độ xoắn của trâm và cấu trúc vi
thể11.
Trong nghiên cứu của chúng tôi không có sự
khác biệt có ý nghĩa thống kê về nhiệt độ chuyển
pha sau 3 lần sử dụng có hấp vô trùng của cả ba
loại hệ thống trâm quay Reciproc, HyFlex CM
Pro và Neoniti. Do vậy chúng tôi có thể kết luận
rằng việc hấp vô trùng và việc sử dụng lại trâm
quay NiTi nội nha không làm ảnh hưởng đến sự
chuyển pha tinh thể trong hợp kim NiTi ở các
loại dây M, dây CM và dây NiTi được chế tạo
bằng phương pháp gia công cắt dây tia lửa điện.
KẾT LUẬN
Kết quả của nghiên cứu cho thấy không có
sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về sự thay đổi
các pha tinh thể sau khi sử dụng có hấp vô
trùng. Điều này không có nghĩa là các bác sĩ lâm
sàng có thể sử dụng lại dụng cụ quay NiTi sau
khi sử dụng và hấp vô trùng bao nhiêu lần cũng
được. Biến chứng gãy trâm chịu ảnh hưởng bởi
nhiều yếu tố khác nhau như độ kháng mỏi chu
kỳ, độ kháng xoắn, các vi nứt trên dụng cụ sau
khi sử dụng Do đó, trong thực hành lâm sàng,
tốt nhất các bác sĩ chỉ nên sử dụng trâm quay
NiTi một lần cho một bệnh nhân, cho dù là bất
kể ở hệ thống trâm quay loại nào để phòng ngừa
các biến chứng không mong muốn xảy ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alapati SB, Brantley WA, Iijima M, Schricker SR, Nusstein JM,
Li UM, Svec TA (2009). “Micro-XRD and temperature-
modulated DSC investigation of nickel-titanium rotary
endodontic instruments”, Dental Materials, 25 (10), pp.1221-
1229.
2. Altunbas D, Kutuk B, Kustarci A (2015). “Shaping ability of
reciprocating single-file and full-sequence rotary
instrumentation systems in simulated curved canals”,
European Journal of Dentistry, 9 (3), pp.346-351.
3. Arens FC, Hoen MM, Steiman HR, Dietz GC Jr (2003).
“Evaluation of single-use rotary nickel-titanium instruments”,
Journal of Endodontics, 29 (10), pp.664-666.
4. Bahia M, Buono V (2005). “Decrease in the fatigue resistance
of nickel-titanium rotary instruments after clinical use in
curved root canals”, Oral Surgery, Oral Medicine, Oral
Pathology, Oral Radiology, and Endodontology, 100 (2), pp.249-
255.
5. Brantley WA, Svec TA, Iijima M, Powers JM, Grentzer TH
(2002). “Differential scanning calorimetric studies of nickel
titanium rotary endodontic instruments”, Journal of
Endodontics, 28 (8), pp.567-572.
6. Brantley WA, Svec TA, Iijima M, Powers JM, Grentzer TM
(2002). “Differential scanning calorimetric studies of nickel-
titanium rotary endodontic instruments after simulated
clinical use”, Journal of Endodontics, 28 (11), pp.774-778.
7. Canalda-Sahli C, Brau-Aguade E, Sentis-Vilalta J (1998). “The
effect of sterilization on bending and torsional properties of K-
files manufactured with different metallic alloys”, International
Endodontics Journal, 31 (1), pp.48-52.
8. Casper RB, Roberts HW, Roberts MD, Himel VT, Bergeron BE
(2011). “Comparison of autoclaving effects on torsional
deformation and fracture resistance of three innovative
endodontic file systems”, Journal of Endodontics, 37 (3),
pp.1572-1575.
9. Chaves Craveiro de Melo M, Guiomar de Azevedo Bahia M,
Lopes Buono VT (2002). “Fatigue resistance of engine-driven
rotary nickel-titanium endodontic instruments”, Journal of
Endodontics, 28 (11), pp.765-769.
10. Forghani M, Hezarjaribi M, Teimouri H (2017). “Comparison
of the shaping characteristics of Neolix and Protaper Universal
systems in preparation of severely-curved simulated canals”,
Journal of Clinical and Experimental Dentistry, 9 (4), pp.556-569.
11. Hilt BR, Cunningham CJ, Shen C, Richards N (2000).
“Torsional properties of stainless-steel and nickel titanium
files after multiple autoclave sterilizations”, Journal of
Endodontics, 26 (2), pp.76-80.
12. Mize SB, Clement DJ, Pruett JP, Carnes DL (1998). “Effect of
sterilization on cyclic fatigue of rotary nickel-titanium
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 2 * 2018 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 103
endodontic instruments”, Journal of Endodontics, 24 (12),
pp.843-847.
13. Peters OA, Barbakow F (2002). “Dynamic torque and apical
forces of ProFile .04 rotary instruments during preparation of
curved canals”, International Endodontics Journal, 35 (4), pp.379-
389.
14. Serene TP, Adams JD, Saxena A (1995). Nickel-titanium
instruments: applications in endodontics, Ishiyaku EuroAmerica,
St. Louis, p.112.
15. Silvaggio J, Hicks ML (1997). “Effect of heat sterilization on the
torsional properties of rotary nickel-titanium endodontic
files”, Journal of Endodontics, 23 (12), pp.731-734.
16. Yared G, Bou Dagher FE, Machtou P (1999). “Cyclic fatigue of
ProFile rotary instruments after simulated clinical use”,
International Endodontics Journal, 32 (2), pp.115-119.
17. Yared G (2004). “In vitro study of the torsional properties of
new and used ProFile nickel titanium rotary files”, Journal of
Endodontics, 30 (6), pp. 410-412.
Ngày nhận bài báo: 28/01/2018
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 25/02/2018
Ngày bài báo được đăng: 15/03/2018
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- khao_sat_su_chuyen_pha_cua_dung_cu_quay_nickeltitanium_sau_s.pdf