Khái niệm chủ nghĩa đa văn hóa

Tài liệu Khái niệm chủ nghĩa đa văn hóa: 104 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0033 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 104-109 This paper is available online at KHÁI NIỆM CHỦ NGHĨA ĐA VĂN HÓA Nguyễn Thi Phương Trường Đại học Mỏ - Địa chất Tóm tắt. Chủ nghĩa đa văn hóa là học thuyết mang tính pha trộn, chứa nhiều kiến giải khác nhau, và không có nền tảng lí thuyết nhất quán. Chủ nghĩa đa văn hóa kế thừa tư tưởng tự do và bình đẳng của chủ nghĩa tự do của cá nhân, phát triển thành tự do và bình đẳng của cộng đồng; còn về chủ nghĩa cộng đồng thì chủ nghĩa đa văn hóa kế thừa tư tưởng về quyền được bảo vệ bản sắc văn hóa gốc của mỗi cá nhân. Bài viết trên cơ sở phân tích các định nghĩa khác nhau về văn hóa từ đó làm rõ nội hàm của khái niệm chủ nghĩa đa văn hóa và phân loại chủ nghĩa đa văn hóa trên thế giới. Từ khóa: Chủ nghĩa đa văn hóa, đa văn hóa, đa dạng văn hóa. 1. Mở đầu Gần nửa thế kỉ qua, chính sách văn hóa ở nhiều quốc gia đã đưa ra mục tiêu là thúc đẩy sự ...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 1239 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khái niệm chủ nghĩa đa văn hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
104 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0033 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 104-109 This paper is available online at KHÁI NIỆM CHỦ NGHĨA ĐA VĂN HÓA Nguyễn Thi Phương Trường Đại học Mỏ - Địa chất Tóm tắt. Chủ nghĩa đa văn hóa là học thuyết mang tính pha trộn, chứa nhiều kiến giải khác nhau, và không có nền tảng lí thuyết nhất quán. Chủ nghĩa đa văn hóa kế thừa tư tưởng tự do và bình đẳng của chủ nghĩa tự do của cá nhân, phát triển thành tự do và bình đẳng của cộng đồng; còn về chủ nghĩa cộng đồng thì chủ nghĩa đa văn hóa kế thừa tư tưởng về quyền được bảo vệ bản sắc văn hóa gốc của mỗi cá nhân. Bài viết trên cơ sở phân tích các định nghĩa khác nhau về văn hóa từ đó làm rõ nội hàm của khái niệm chủ nghĩa đa văn hóa và phân loại chủ nghĩa đa văn hóa trên thế giới. Từ khóa: Chủ nghĩa đa văn hóa, đa văn hóa, đa dạng văn hóa. 1. Mở đầu Gần nửa thế kỉ qua, chính sách văn hóa ở nhiều quốc gia đã đưa ra mục tiêu là thúc đẩy sự khoan dung và tôn trọng bản sắc văn hóa của các cộng đồng thiểu số. Những chính sách này được thực hiện thông qua các biện pháp như hỗ trợ các hiệp hội cộng đồng và các hoạt động văn hóa của họ, khuyến khích các hình ảnh tích cực trên các phương tiện truyền thông, hoàn thiện các dịch vụ công cộng nhằm đáp ứng những khác biệt văn hóa trong xã hội. Xu hướng xuất hiện và phát triển những chính sách như vậy đã phản ánh tinh thần tự do, dân chủ, và khát vọng khẳng định bản sắc của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng trên thế giới. Trong các tài liệu hữu quan, khi bàn về xu hướng nói trên, người ta thường định danh bằng thuật ngữ "chủ nghĩa đa văn hóa" / Multiculturalism. Tuy nhiên, đây là một thuật ngữ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và cho đến nay vẫn chưa có sự nhất quán trong cách dùng. Ở Việt Nam, mặc dù chính sách văn hóa của chúng ta có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa đa văn hóa, nhưng đây vẫn là khái niệm còn mới mẻ trong giới nghiên cứu và cộng đồng xã hội. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Cơ sở của chủ nghĩa đa văn hóa Chủ nghĩa đa văn hóa là một chủ thuyết triết học - chính trị, nảy sinh vào những thập niên 80 của thế kỉ XX nhằm đáp ứng nhu cầu quản lí tính đa dạng văn hóa và sắc tộc trong lòng một xã hội. Xét từ góc độ thực tiễn, chủ nghĩa đa văn hóa tìm cho mình cơ sở hiện thực cho sự ra đời và phát triển là những yếu tố chung sau đây: Thứ nhất, phong trào xã hội dân chủ ở các nước phương Tây những năm 70 của thế kỉ XX làm dấy lên những yêu sách về bình đẳng giới, quyền công dân của các tộc người thiểu số và người nhập cư. Ngày nhận bài: 19/1/2018. Ngày sửa bài: 19/3/2018. Ngày nhận đăng: 4/4/2018. Tác giả liên hệ: Nguyễn Thi Phương. Địa chỉ e-mail: nguyenthiphuong@humg.edu.vn Khái niệm Chủ nghĩa đa văn hóa 105 Thứ hai, làn sóng di cư dâng cao, dồn những dòng chảy đổ về phương Tây dẫn đến tình trạng đẩy "các nước tiếp nhận" vào tình trạng mất an ninh và khủng hoảng phúc lợi xã hội. Thứ ba, sự gia tăng nhu cầu "phản tư văn hóa" ở mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng trước tác động của toàn cầu hóa. Đây là phản ứng chống lại xu hướng "bị đồng hóa", "bị hòa tan" trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của chủ nghĩa đa văn hóa còn được thúc đẩy bởi những yếu tố dân tộc và lịch sử riêng có của mỗi quốc gia, mỗi khu vực, bởi vậy hình thức nảy sinh cũng như biểu hiện của chủ nghĩa đa văn hóa là rất đa dạng. Chủ nghĩa đa văn hóa được lồng ghép vào các chính sách công của nhà nước như giáo dục, y tế, ngôn ngữ, việc làm.... Xét từ góc độ lí thuyết, chủ nghĩa đa văn hóa là học thuyết mang tính pha trộn, chứa nhiều kiến giải khác nhau, và không có nền tảng lí thuyết nhất quán. Về cơ bản, chủ nghĩa đa văn hóa đã kế thừa ý tưởng của chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa cộng đồng. Những luận điểm cơ bản được kế thừa ở đây là: Một là, từ chủ nghĩa tự do cổ điển, mỗi cá nhân đều có quyền tự do và bình đẳng. Để duy trì và bảo vệ quyền tự do và bình đẳng của cá nhân, thì các cá nhân phải thương lượng và thỏa thuận với nhau sao cho khi thực hiện quyền của người này sẽ không xâm hại quyền của người khác. Đó là khế ước xã hội hay còn gọi là "một nền chính trị dân chủ", ở đó các quyền cá nhân được tôn trọng dưới sự thống trị của một quyền lực công cộng hình thành trên cơ sở "khế ước xã hội". Chủ nghĩa đa văn hóa đã chuyển hóa ý tưởng này thành quyền bình đẳng giữa các cộng đồng văn hóa, sắc tộc trong xã hội. Và dó đó, việc nó đề ra "chính sách đa văn hóa" cũng giống như việc đề ra "khế ước xã hội" trong chủ nghĩa tự do cổ điển. Hai là, từ chủ nghĩa cộng đồng, mỗi cá nhân đều có có một gốc văn hóa xác định, tức là có cội nguồn chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo. Những cội nguồn đó là điều kiện để cá nhân ý thức về bản thân, về ý nghĩa của đời sống. Nếu mất đi những điều kiện như vậy, cá nhân sẽ mất đi bản sắc và định hướng lối sống. Ý tưởng đó đã được chủ nghĩa đa văn hóa chuyển hóa thành các yêu sách đòi thừa nhận (về mặt đạo đức hay về mặt pháp lí) các cộng đồng văn hóa khác nhau trong xã hội (đặc biệt là các cộng đồng thiểu số). 2.2. Khái niệm chủ nghĩa đa văn hóa Hiện tại, trên thế giới đã phân ra ba cách sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa đa văn hóa”, đó là phương diện “nhân khẩu học”, phương diện “ý thức hệ” và phương diện “cương lĩnh chính trị” [4;tr.110]. Chủ nghĩa đa văn hóa với tư cách là một thuật ngữ mô tả nhân khẩu học (demographic- descriptive) được dùng để chỉ sự tồn tại của các bộ phận cấu thành khác nhau về mặt sắc tộc hay về mặt chủng tộc trong dân cư của một xã hội hay một nhà nước. Trong trường hợp này, những sự khác biệt về chủng tộc hay sắc tộc được quy về khác biệt văn hóa. Theo đó, khái niệm "chủ nghĩa đa văn hóa" có nội dung tương đương với khái niệm "tính đa dạng tộc người" trong khuôn khổ quốc gia dân tộc. "Tính đa dạng tộc người” được hiểu là một trạng thái nhân khẩu học xảy ra khi có hai hay nhiều nhóm sắc tộc cùng tồn tại trong một xã hội. Giữa các nhóm này có thể xuất hiện vùng chồng lấn, giao thoa và sự "vay mượn" văn hóa của nhau, song chúng vẫn đủ sự khác biệt để hình thành nên bản sắc văn hóa riêng của mỗi cộng đồng. “Sự pha trộn giữa các dân tộc vì họ pha trộn chứ không kết hợp. Mỗi nhóm đều có tôn giáo riêng, văn hóa và ngôn ngữ riêng, các ý niệm và lề thói riêng của họ. Với tính chất là các cá nhân, họ gặp nhau, nhưng chỉ ở chợ, để mua và bán. Đó là một xã hội đa sắc tộc, với các nhóm khác nhau trong cộng đồng để sống bên cạnh nhau, nhưng tách biệt, trong cùng một thực thể chính trị” [5; tr.15]. Nguyễn Thi Phương 106 Theo đó, chủ nghĩa đa văn hóa được hình dung như khái niệm phản ánh trạng thái dân cư tại những xã hội mà ở đó, các chủng tộc lồng ghép không gian sống vào nhau song không tan biến trong nhau. Với cách hiểu “chủ nghĩa đa văn hóa” là đồng nhất với "tính đa dạng tộc người” thì người ta có thể coi nó có một cội nguồn sâu xa từ trong lịch sử, gắn với sự xuất hiện của các đô thị và các đế chế cổ đại. Với tư cách là khái niệm mang tính cương lĩnh chính trị (programmatic-political), “chủ nghĩa đa văn hóa” được hiểu như các chương trình và những sáng kiến chính trị đặc biệt được đưa ra để ứng phó với những vấn đề nảy sinh từ tình trạng đa dạng sắc tộc và văn hóa trong xã hội mà một nhà nước đang quản lí. Trong xã hội đa dạng văn hóa, các nhà nước thường phải chịu những áp lực đến từ nhiều nhóm văn hóa khi họ đưa ra các yêu sách từ nhiều kênh khác nhau như chính trị, đảng phái, truyền thông... cho đến các tổ chức xã hội. Nhà nước không dễ dàng thông qua những yêu sách như vậy bởi chúng không chỉ khác biệt, thậm chí có thể trái ngược nhau khiến việc thực thi chúng có thể dẫn đến việc làm tổn thương lợi ích của những nhóm khác hoặc lợi ích của toàn xã hội. Với tư cách là khái niệm mang tính quy chuẩn ý thức hệ (ideological-normative), "chủ nghĩa đa văn hóa" đã gây ra nhiều tranh cãi nhất, bởi nó gắn với những luận giải mang tính đạo đức và triết lí khác nhau về vị thế của bản sắc văn hóa trong xã hội hiện đại. Bất chấp việc chủ nghĩa đa văn hóa có thể được định nghĩa khác nhau ở một số điểm nào đó, song về cơ bản, khái niệm này hàm chứa tư tưởng ủng hộ quyền bình đẳng cho các cộng đồng văn hóa. Gần đây, Will Kymlicka đã xác định chủ nghĩa đa văn hóa theo dấu hiệu như: “tán dương sự đa dạng văn hóa sắc tộc, khuyến khích các công dân thừa nhận và ủng hộ việc thể hiện các phong tục tập quán, các truyền thống tồn tại trong một xã hội đa sắc tộc”. [2; Tr.34] Trọng tâm của chủ nghĩa đa văn hóa là ý niệm thừa nhận và tôn trọng đối với các cộng đồng văn hóa trong một xã hội. Chủ nghĩa đa văn hóa thách thức các hệ thống thứ bậc sắc tộc và chủng tộc trước kia khi nó ủng hộ niềm tin cho rằng không có nền văn hóa nào tốt hơn hay xấu hơn và không nền văn hóa nào có quyền chi phối nền văn hóa khác. Đấu tranh để đi đến sự thừa nhận văn hóa thiểu số; điều chỉnh những bất công; và định ra những phương tiện để những khác biệt văn hóa cùng tồn tại trong một xã hội - là những lí tưởng thúc đẩy thuyết đa văn hóa, hiểu theo nghĩa một học thuyết. Từ việc tổng kết các quan điểm khác nhau về chủ nghĩa đa văn hóa, chúng tôi dựa trên những đặc điểm đã được thừa nhận chung để xác định nội dung cơ bản của khái niệm chủ nghĩa đa văn hóa, cụ thể như sau: 1. Chủ nghĩa đa văn hóa là khái niệm dùng để chỉ tập hợp các học thuyết chính trị và triết học ra đời với chủ trương cho rằng văn hóa riêng của một nhóm xã hội cần phải được thừa nhận. 2. Chủ nghĩa đa văn hóa phản ánh tính đa dạng văn hóa của nhân loại, ủng hộ niềm tin và hành vi công nhận, tôn trọng sự hiện diện của tất cả các nhóm văn hóa khác nhau trong một xã hội, thừa nhận các giá trị khác biệt, khuyến khích và cho phép các cộng đồng văn hóa đóng góp vào xã hội. Tiến hành phân tích cụ thể và chi tiết hai luận đề cơ bản trên, có thể thấy chúng hàm chứa những nội dung đáng lưu ý sau: Thứ nhất, chủ nghĩa đa văn hóa góp tiếng nói quan trọng nhằm chống lại sự áp đặt văn hóa từ phía nhà nước. Bằng cách này, nó thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa nhà nước. Chủ nghĩa đa văn hóa không chỉ bàn về văn hóa mà còn đặt ra những vấn đề về lợi ích kinh tế và chính trị, khiến các nhà nước phải suy xét để đưa ra những chính sách bình đẳng cho ngôn ngữ, tập tục, hay tôn giáo...và vị thế bình đẳng của các cộng đồng văn hóa trong cơ cấu kinh tế và quyền lực quốc gia. Khái niệm Chủ nghĩa đa văn hóa 107 Thứ hai, chủ nghĩa đa văn hóa ủng hộ niềm tin cho rằng không có nền văn hóa nào tốt hơn hay xấu hơn và không có nền văn hóa nào có quyền chi phối nền văn hóa khác. Sự khác biệt văn hóa làm cho chúng ta thấy cần đến nhau như những bổ sung trong tiến trình phát triển của bản thân, mà không phải ngược lại. Trên thực tế, năng lực của mỗi người, mỗi nền văn hóa là có hạn, và chỉ phát triển mạnh mẽ ở một khía cạnh nào đó. Bởi vậy, các cá thể và cộng đồng văn hóa thống nhất với nhau trong một xã hội không phải bởi chúng giống nhau, mà bởi sự khác biệt. Nhờ những khác biệt này chúng bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau như một chỉnh thể. Tình huống này cũng giống như trường hợp Marx phân tích về phân công lao động xã hội trong tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức": Phân công lao động xã hội khiến "cái thừa" của người này là "cái thiếu" ở người khác và bởi vậy, con người tiến hành trao đổi để hình thành nên cơ thể kinh tế thống nhất. Chúng ta vẫn tồn tại nếu chúng ta không biết tới người khác, nhưng lối sống sẽ trở nên giàu có hơn nếu như người ta quan tâm và đến với những nền văn hóa khác. Trên thực tế, lối sống tự thu mình lại hầu như không thực hiện được đối với bất cứ ai trong thế giới hiện đại tương thuộc lẫn nhau. Thứ ba, chủ nghĩa đa văn hóa thừa nhận và ủng hộ các phong tục tập quán, truyền thống, tôn giáo của các cộng đồng yếu thế. Trọng tâm của nó là thừa nhận và tôn trọng đối với mỗi cộng đồng và những giá trị độc đáo của họ. Việc ủng hộ các cộng đồng lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa của mình đã góp phần bảo vệ tính đa dạng, đồng thời đó chính là cách mà các cộng đồng khác biết mình có bản sắc. Bản sắc văn hóa được nhìn nhận rõ nhất ở đường biên giao tiếp giữa các cộng đồng văn hóa. Thông qua tiếp xúc với các cộng đồng văn hóa khác, bản sắc của cộng đồng văn hóa đó lộ ra. Do vậy, tôn trọng bản sắc văn hóa của các cộng đồng văn hóa khác cũng chính là tôn trọng chính mình. Thứ tư, chủ nghĩa đa văn hóa đề cao khoan dung văn hóa, đối thoại văn hóa; chống lại chủ nghĩa cô lập, biệt lập và cực đoan văn hóa. Một mặt, nền văn hóa nào cũng có cuộc đối thoại giữa quá khứ với hiện tại, giữa "truyền thống" và "hiện đại"...và giữa những tư tưởng khác nhau trong bản thân chúng. Mặt khác, nhờ tiếp xúc đối thoại với môi trường bên ngoài, các nền văn hóa mới trưởng thành như ngày nay. Mỗi một nền văn hóa hiện nay đều mang trong mình một phần nội dung của những nền văn hóa khác khiến cho không có gì là “thuần túy” cả. Một cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa đòi hỏi mỗi nền văn hóa tham dự phải sẵn lòng mở cửa đón nhận những ảnh hưởng đến từ bên ngoài và học tập từ những người khác, và điều đó hàm ý rằng, đối thoại đòi hỏi mỗi nền văn hóa phải có phẩm chất tự phê phán và phẩm chất mở cửa. Bởi vậy, khoan dung và đối thoại văn hóa sẽ làm giàu cho mỗi nền văn hóa và tạo ra quan hệ hòa bình giữa các nền văn hóa. Thứ năm, chủ nghĩa đa văn hóa đề cao sự cạnh tranh sáng tạo. Dưới lăng kính "chủ nghĩa đa văn hóa", không có học thuyết chính trị -xã hội nào có thể biểu đạt (đại diện) đầy đủ tất cả các chiều cạnh trong đời sống nhân loại. Mỗi trong số chúng, giả như liberalism (chủ nghĩa tự do), conservatism (chủ nghĩa bảo thủ) hay nationalism (chủ nghĩa dân tộc) đều bám chặt lấy một thứ văn hóa đặc thù, chỉ đại diện cho một nhân sinh quan đặc thù và đúng với một bộ phận nào đó của nhân loại. Đơn cử như chủ nghĩa tự do, đây là một học thuyết cổ xúy những giá trị là “phẩm giá”, “tự quyết”, “tự do”, “tư duy phê phán” và “bình quyền”. Tuy nhiên, tất cả những giá trị đó đều có thể bị những người thuộc trường phái khác giải thích theo kiểu của họ, và bởi vậy, chủ nghĩa tự do cũng chỉ là một cách giải thích và không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Chẳng hạn, người ta cũng có thể phản đối chủ nghĩa tự do với lí do: nó (chủ nghĩa tự do) đã bỏ qua (hoặc không thèm để ý đến) những giá trị khác của con người như tính đoàn kết (hợp quần), cộng đồng, tình cảm đối với cội nguồn, tính vị tha, tính khiêm tốn, sự hài lòng với cuộc sống Chính vì chỉ có thể nắm bắt một số những giá trị sống nào đó, trong khi lại bỏ qua những giá trị sống khác, nên chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân tộc hay những chủ thuyết chính trị khác nữa Nguyễn Thi Phương 108 không thể (và không có quyền) tuyên bố bản thân là lí luận duy nhất làm chỗ dựa cho một xã hội tốt đẹp. Bởi vậy, chủ nghĩa đa văn hóa cũng không có kỳ vọng trở thành một học thuyết triết học hay chính trị duy nhất đúng. Nó chỉ đơn giản phát biểu rằng, một khi đã không có những cái "tối hậu", "tuyệt đích", hay "duy nhất" như vậy thì hãy để cho các quan điểm và chính kiến khác nhau đua nở. Một xã hội tốt đẹp là xã hội nuôi dưỡng tính đa dạng và khuyến khích cuộc đối thoại sáng tạo giữa các văn hóa khác nhau và giữa những quan điểm đạo đức của chúng. Một xã hội như vậy không chỉ tôn trọng đến các quyền của thành viên đối với văn hóa của họ, mà còn quan tâm đến sức mạnh tự phê phán, tự quyết, hình ảnh, cảm tình mang tính trí tuệ và đạo đức của các văn hóa khác nhau để góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của toàn xã hội. 2.3. Phân loại chủ nghĩa đa văn hóa Hiện nay trên thế giới, chủ nghĩa đa văn hóa được phân chia thành mạnh và yếu. Sự phân loại này căn cứ chủ yếu vào động lực thúc đẩy cho sự ra đời các chính sách đa văn hóa và áp dụng mô hình chính sách đa văn hóa vào thực tiễn xã hội. Với chủ nghĩa đa văn hóa yếu, động lực thúc đẩy cho sự ra đời các chính sách này đi từ trên xuống dưới (theo nghĩa cộng đồng chiếm đa số trong nhà nước thừa nhận quyền của các cộng đồng thiểu số). Còn chủ nghĩa đa văn hóa mạnh, động lực thúc đẩy cho sự ra đời các chính sách này đi từ dưới lên trên (theo nghĩa cộng đồng thiểu số đòi quyền được thừa nhận văn hóa của mình). Đối với chủ nghĩa đa văn hóa yếu thì họ chấp nhận đa dạng văn hóa, nghĩa là các cộng đồng văn hóa được quyền bình đẳng với nhau, được thể hiện bản sắc văn hóa của mình trong chừng mực không ảnh hưởng đến các cộng đồng văn hóa khác. Chủ nghĩa đa văn hóa yếu nhìn đa dạng văn hóa từ góc độ của cộng đồng văn hóa lớn cho phép các cộng đồng thiểu số, yếu thế được thể hiện bản sắc văn hóa của mình trong không gian nhà nước dân tộc. Họ hướng tới việc điều hòa quyền và lợi ích của nhóm và cá nhân, bảo tồn nền văn hóa sắc tộc cùng với việc mở rộng bản sắc dân tộc chính trị mang tính bao trùm tất cả các nhóm sắc tộc. Chủ nghĩa đa văn hóa yếu chỉ dừng lại ở mức độ chấp nhận quyền bình đẳng giữa các cộng đồng văn hóa mà không pháp điển hóa nó, hay nói cách khác, nó đề cao đạo đức khoan dung giữa các cộng đồng văn hóa. Chủ nghĩa đa văn hóa yếu dựa trên chủ nghĩa tự do cổ điển, với quan điểm là các nền văn hóa thiểu số được chấp nhận bên trong một xã hội tự do. Do đó, mối quan tâm hàng đầu của chủ nghĩa đa văn hóa yếu là tìm kiếm cách thức nào đó để những người theo đuổi những giá trị khác nhau có thể sống cùng nhau mà không sợ xung đột. Khi đối mặt với sự bất đồng hay sự khác biệt, những gì nên tìm kiếm là sự cùng chung sống hòa bình. Điều này chỉ có thể thực hiện được với điều kiện mỗi người phải tôn trọng tự do của người khác. Một xã hội lấy tư tưởng của chủ nghĩa đa văn hóa yếu làm tiêu chí, thì sẽ không ngăn cấm những người bên ngoài gia nhập vào xã hội đó. Tương tự, những ai là một phần của xã hội đó đều được tự do sống theo những truyền thống riêng của họ. Sự hiện diện của các nền văn hóa hay các truyền thống khác nhau được chấp nhận, cho dù bản thân những truyền thống đó không đi theo hay không ủng hộ chủ nghĩa tự do hay các giá trị tự do. Đối với chủ nghĩa đa văn hóa mạnh thì thừa nhận đa dạng văn hóa từ góc độ của các cộng đồng thiểu số. Chủ nghĩa đa văn hóa mạnh đứng hẳn về phía những cộng đồng thiểu số đòi quyền bình đẳng. Theo chủ nghĩa đa văn hóa mạnh, quyền bình đẳng giữa các cộng đồng văn hóa phải được thể chế hóa bằng pháp luật, bản sắc văn hóa của các cộng đồng thiểu số phải được thừa nhận và cần được bảo vệ cho dù những yếu tố văn hóa này có thể đi ngược lại văn hóa của nhà nước dân tộc. Chủ nghĩa đa văn hóa mạnh hướng đến bảo vệ các nền văn hóa sắc tộc và phần nào bỏ qua lợi ích của cộng đồng lớn hơn. Họ yêu cầu nhà nước cần có những chế tài cần thiết để bảo vệ cho Khái niệm Chủ nghĩa đa văn hóa 109 các cộng đồng thiểu số. Chủ nghĩa đa văn hóa mạnh yêu cầu sự bình đẳng phải được pháp luật thừa nhận. Những người theo chủ nghĩa đa văn hóa mạnh cho rằng điểm yếu của chính sách đa văn hóa yếu là để xảy ra khả năng một số người chấp nhận bị đồng hóa văn hóa dù họ không muốn làm như vậy, nhưng họ hầu như không có sự lựa chọn nào khác. Theo Chandran Kukathas sự khác biệt giữa chủ nghĩa đa văn hóa mạnh và yếu là vấn đề mức độ khoan dung. Cả hai biến thể nói trên đều bắt nguồn từ lí thuyết chính trị tự do: Chủ nghĩa đa văn hóa mạnh thuộc về chủ nghĩa tự do hiện đại, còn chủ nghĩa đa văn hóa yếu thuộc về chủ nghĩa tự do cổ điển. Cả chủ nghĩa đa văn hóa mạnh và yếu cho dù có nhiều điểm khác nhau nhưng đều có một mục tiêu là bảo vệ bản sắc văn hóa của các cộng đồng thiểu số và quyền bình đẳng giữa các cộng đồng văn hóa. 3. Kết luận Tóm lại, cho dù còn nhiều quan điểm khác nhau về cách hiểu và nội hàm khái niệm chủ nghĩa đa văn hóa, nhưng sau hơn nửa thế kỉ ra đời và phát triển với tư cách là một lí thuyết – chủ nghĩa đa văn hóa - vẫn đang là cơ sở cho những chính sách văn hóa ở hầu hết mọi nơi (nhất là ở phương Tây), việc chấp nhận chủ nghĩa đa văn hóa đang trở thành xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực công cộng. Ngày càng có nhiều quốc gia lồng ghép các yếu tố của chủ nghĩa đa văn hóa vào trong các chương trình chính sách công của họ, thậm chí như Hoa Kỳ, chủ nghĩa đa văn hóa còn được coi như mô thức giáo dục thích hợp với thế kỉ XXI. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Chandran Kukathas (2004). Theoretical Foundations of Multicuturalism. [2] Will Kymlicka (2010). The rise and fall of multiculturalism?: new debates on inclusion and accommodation in diverse societies. in Vertovec S., Wessendorf S., ed. The Multiculturalism Backlash: European Discourses, Policies and Practices. London/New York: Routledge, pp. 32-49. [3] Francis Fukuyama. (2007) Identity and Migration. Prospect Magazine, Issue 131. [4] John Rex, Gurharpal Singh. (2003) Pluralism and Multiculturalism in Colonial and Post- Colonial Society – Thematic Introduction. International Journal on Multicultural Societies (IJMS), Vol. 5, No. 2, p.106-118. [5] Watson C.W. (2000) Multiculturlism. Buckingham: Open University Pess. ABSTRACT Multi-culturalism concept Nguyen Thi Phuong Hanoi University of Mining and Geology Multiculturalism is a blended theory that carries a wide range of meanings and is underlined by no coherent theoretical background. It is inherited the concept of freedom and equality of personal freedom and then evolved to that of community freedom. Regarding communalism, multi-culturalism has inherited the ideology of individuals’ right to maintain their native culture. This article analyzes various definitions of culture, then sheds light on the nature of multi- culturalism concept and classifies its genres. Keywords: Multiculturalism, Multicultural, Cultural diversity.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf5207_13_nguyen_thi_phuong_9815_2123690.pdf