Tài liệu Khái niệm “Ấn Độ” từ góc nhìn khu vực học văn hóa – nhân văn: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 61 (01/2019) No. 61 (01/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
85
KHÁI NIỆM “ẤN ĐỘ” TỪ GÓC NHÌN
KHU VỰC HỌC VĂN HÓA – NHÂN VĂN
The concept of “India” from culture-humanity perspective of area studies
ThS. Lê Nguyễn Hải Vân
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
Tóm tắt
Trong quá trình phát triển của ngành Ấn Độ học, các nghiên cứu cổ điển gắn khái niệm Ấn Độ với nền
văn minh của toàn bộ tiểu lục địa Nam Á, trong khi ở các nghiên cứu hiện đại (đặc biệt từ sau sự kiện
phân chia Ấn Độ – Pakistan năm 1947), thuật ngữ này được giới hạn trong phạm vi nước Cộng hòa Ấn
Độ mà không bao gồm các quốc gia khác trên tiểu lục địa. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu và giảng
dạy, việc xác định rõ giới hạn của khái niệm Ấn Độ trong từng bối cảnh nghiên cứu là cần thiết và quan
trọng, đặc biệt là ở lĩnh vực văn h...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 343 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khái niệm “Ấn Độ” từ góc nhìn khu vực học văn hóa – nhân văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 61 (01/2019) No. 61 (01/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
85
KHÁI NIỆM “ẤN ĐỘ” TỪ GÓC NHÌN
KHU VỰC HỌC VĂN HÓA – NHÂN VĂN
The concept of “India” from culture-humanity perspective of area studies
ThS. Lê Nguyễn Hải Vân
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
Tóm tắt
Trong quá trình phát triển của ngành Ấn Độ học, các nghiên cứu cổ điển gắn khái niệm Ấn Độ với nền
văn minh của toàn bộ tiểu lục địa Nam Á, trong khi ở các nghiên cứu hiện đại (đặc biệt từ sau sự kiện
phân chia Ấn Độ – Pakistan năm 1947), thuật ngữ này được giới hạn trong phạm vi nước Cộng hòa Ấn
Độ mà không bao gồm các quốc gia khác trên tiểu lục địa. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu và giảng
dạy, việc xác định rõ giới hạn của khái niệm Ấn Độ trong từng bối cảnh nghiên cứu là cần thiết và quan
trọng, đặc biệt là ở lĩnh vực văn hóa – nhân văn, bởi ở phương diện này việc xác định tiêu chuẩn đồng
nhất để định hình phạm vi một khu vực là phức tạp và mơ hồ hơn cả. Bài viết tập trung phân tích khái
niệm Ấn Độ từ góc độ văn hóa – nhân văn trong nghiên cứu khu vực và đề xuất một số điểm lưu ý trong
quá trình nghiên cứu, giảng dạy và tìm hiểu Ấn Độ học.
Từ khóa: Ấn Độ, khái niệm, khu vực học, nhân văn, văn hóa.
Abstract
In the history of Indian Studies, classic studies aligned the concept of India with the civilization of the
entire South Asia subcontinent, while in modern studies (especially after the separation of India and
Pakistan in 1947), India refers to the Republic of India, excluding other nations on the subcontinent.
Thus, in the process of research and teaching, the precise definition of the term India in specific
research context is necessary and important, especially in the field of culture –humanity in which
identifying the standard of uniformity to shape the scope of an area is much more complex and obscure.
This paper focuses on the concept of India from the perspective of culture and humanity in Area Studies
and proposes some important notes in the process of research, teaching and learning about India.
Keywords: India, concept, Area Studies, humanity, culture.
1. Đặt vấn đề
Khu vực học là lĩnh vực nghiên cứu
khá non trẻ so với nhiều ngành khoa học xã
hội khác. Tuy vậy, xu thế toàn cầu hóa với
quá trình giao lưu hợp tác toàn diện ngày
càng được nhân rộng giữa các quốc gia và
khu vực trên thế giới đã và đang đưa Khu
vực học trở thành ngành nghiên cứu hợp
với xu thế thời đại và phục vụ đắc lực cho
thực tiễn. Chính vì thế, Khu vực học trong
thời gian gần đây cũng là ngành đào tạo
phổ biến tại các cơ sở giáo dục bậc cao trên
thế giới. Việc hiểu biết toàn diện về các
khu vực đặc thù cũng như từng quốc gia
Email: lnhvan@ufl.udn.vn
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 61 (01/2019)
86
riêng lẻ là yếu tố quan trọng trong việc
nâng cao hiệu quả quá trình hợp tác quốc tế
của nước ta hiện nay. Tại Việt Nam, các
chương trình đào tạo liên quan đến ngành
Quốc tế học và Đông phương học cũng
không nằm ngoài xu thế chung này, đã và
đang được xây dựng theo định hướng
nghiên cứu khu vực học để gắn liền với
thực tiễn đất nước và quốc tế, nhằm đào
tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức toàn
diện về một khu vực địa lý trên thế giới,
phục vụ cho quá trình hợp tác và hội nhập
của đất nước.
Bước sang thế kỷ 21, Ấn Độ đang từng
bước trở thành một cường quốc lớn trong
khu vực và trên thế giới. Bối cảnh mới đã
đưa quan hệ Việt - Ấn vốn có truyền thống
tốt đẹp nay được thắt chặt hơn bao giờ hết,
mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác giữa hai
nước. Để những cơ hội này phát huy hết
hiệu quả trong thực tiễn, việc tìm hiểu
nghiên cứu về Ấn Độ một cách toàn diện
từ góc độ khu vực học là một yêu cầu
không thể thiếu. Những hiểu biết sâu sắc
về văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã
hội của “người bạn lớn” này sẽ giúp cho
việc hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ gặt
hái những thành quả tốt đẹp. Chuyên
ngành Ấn Độ học vì thế đang có nhiều cơ
hội phát triển hơn bao giờ hết.
Là một tiểu ngành của khu vực học,
Ấn Độ học lấy quốc gia Ấn Độ làm đối
tượng nghiên cứu, mà việc xác định đúng
bản chất của đối tượng nghiên cứu là bước
không thể thiếu khi tiến hành bất kì nghiên
cứu khoa học nào. Vì vậy, việc làm rõ khái
niệm Ấn Độ từ phương diện khu vực học
sẽ giúp chúng ta có được cách tiếp cận phù
hợp trong quá trình nghiên cứu về Ấn Độ.
Tuy nhiên, khái niệm khu vực có “tính đa
nghĩa và ẩn dụ cao” [2, tr.19] khiến việc
định nghĩa khái niệm Ấn Độ từ góc độ khu
vực học cũng không hề đơn giản.
Khi nghiên cứu quốc gia, khu vực, có
ba lĩnh vực cơ bản luôn được quan tâm,
gồm: (1) chính trị, (2) kinh tế và (3) văn
hóa – nhân văn, trong đó việc xác định tiêu
chuẩn đồng nhất để định hình phạm vi một
“khu vực” trong lĩnh vực văn hóa - nhân
văn là phức tạp và “mơ hồ” hơn cả. Bài
viết này tập trung phân tích khái niệm Ấn
Độ với tư cách là đối tượng nghiên cứu của
Khu vực học trong lĩnh vực văn hóa – nhân
văn. Từ đó xác định một số vấn đề cần
quan tâm trong việc xác định phạm vi khái
niệm Ấn Độ trong quá trình nghiên cứu,
giảng dạy và tìm hiểu về Ấn Độ học.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Khu vực học và tính liên ngành
của Khu vực học
2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển
của Khu vực học
Khu vực học với tư cách là một bộ
môn khoa học đã được định nghĩa như sau:
“Khu vực học là bộ môn khoa học liên
ngành thuộc lĩnh vực nghiên cứu quốc tế,
nó nghiên cứu các vùng lãnh thổ bên ngoài
biên giới quốc gia trên các phương diện xã
hội, kinh tế, chính trị và văn hóa trong
quan hệ với không gian địa lý, nhằm tăng
cường nhận thức của con người về tính đa
dạng của thế giới và vì lợi ích chung” [2,
tr.22].
Khu vực học hình thành từ thế kỷ 19 ở
châu Âu trong bối cảnh các ngành khoa
học xã hội và nhân văn khác đã xác lập
được vị trí của mình. Mỗi ngành có đối
tượng nghiên cứu là một lĩnh vực cụ thể,
được coi là những chỉnh thể tồn tại độc lập,
và vì vậy cần được tìm hiểu nghiên cứu
một cách độc lập. Tuy nhiên, khung lí luận
chung của một ngành khoa học xã hội liệu
khó có thể áp dụng để nhìn nhận một cách
toàn diện tất cả các trường hợp nghiên cứu,
LÊ NGUYỄN HẢI VÂN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
87
khi mà các nền văn hóa xã hội của loài
người phát triển không thuần nhất, và mọi
hiện tượng văn hóa xã hội đều là kết quả
của sự tương tác giữa nhiều yếu tố tự
nhiên, xã hội, lịch sử, biến thiên qua từng
giai đoạn và đặc thù theo từng khu vực
địa lý.
Từ chỗ là lĩnh vực nghiên cứu gắn liền
với các nước tư bản chủ nghĩa, phục vụ cho
quá trình thuộc địa hóa [2, tr.32], ở buổi
ban đầu, nghiên cứu khu vực “thường bị
coi là không có tính chuyên môn và do đó,
không thực sự mang tính học thuật, điều
này làm cho nó phải chịu một địa vị thấp
kém trong các trường đại học” [4, tr.7].
Câu chuyện tranh luận Khu vực học có
phải là một ngành khoa học nghiên cứu hay
không vẫn luôn sôi nổi ở thời kỳ này. Bước
sang thế kỷ 20, bối cảnh phức tạp và gay
cấn của thế giới đã khiến cho nhận thức
khoa học thay đổi và vai trò của Khu vực
học trong việc giải quyết các nhu cầu thực
tiễn của xã hội ngày càng được nhìn nhận
xứng đáng. “Khu vực học đang trở thành
một trào lưu nghiên cứu và đào tạo phát
triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới,
thành một lĩnh vực có phương pháp tiếp
cận riêng, có khả năng cung cấp tri thức
để giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn mà
các khoa học chuyên ngành, để duy trì sự
khác biệt và độc lập với các chuyên ngành
khác, không thể giải quyết được” [4, tr.1].
Với tư cách là ngành khoa học cung
cấp những hiểu biết toàn diện mang tính hệ
thống về các quốc gia, khu vực trên thế
giới, khu vực học cũng đã trở thành một
ngành được quan tâm tại Việt Nam, đặc
biệt là từ thời kỳ đổi mới mở cửa hội nhập.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hướng
hội nhập quốc tế của nước ta, việc nghiên
cứu và giảng dạy khu vực học ngày càng
được mở rộng và đóng vai trò quan trọng.
2.1.2. Tính liên ngành của Khu vực học
Đặc trưng quan trọng nhất của Khu
vực học và làm cho nó khác biệt với các
ngành khoa học xã hội và nhân văn khác
cũng như tạo cho nó vị thế quan trọng
trong bối cảnh thế giới hiện nay là tính liên
ngành. Khái niệm liên ngành (inter-
disciplinary) thể hiện hoạt động nghiên cứu
theo mô hình “hợp tác học thuật” giữa các
học giả từ hai hay nhiều chuyên ngành
cùng sự kết hợp của các phương pháp
nghiên cứu của các chuyên ngành này để
có thể nhận thức và lý giải toàn diện về
một đối tượng (ở đây là khu vực địa lý).
Đối tượng nghiên cứu của khu vực học
là các khu vực địa lý, ở tầm quốc gia hoặc
khu vực. Mỗi thực thể này là một chỉnh thể
tổng hòa của nhiều yếu tố: địa lý tự nhiên,
môi trường, dân cư, xã hội, văn hóa, chính
trị, kinh tế tương tác với nhau trong các diễn
tiến lịch sử khác biệt. Mọi hiện tượng lịch
sử, văn hóa, xã hội đều là hệ quả của rất
nhiều yếu tố và cũng mang nhiều tính chất
đặc điểm được quy định bởi các yếu tố đó.
Vì vậy, Khu vực học, để có thể đưa ra cái
nhìn toàn diện về một quốc gia hay một khu
vực, “đòi hỏi phải vận dụng tổng hợp các
kiến thức của nhiều ngành khoa học khác
nhau trong khi làm sáng tỏ bản chất của các
hiện tượng xã hội của khu vực” [2, tr.22].
Việc tiếp cận đối tượng nghiên cứu theo
hướng liên ngành vận dụng nhiều phương
pháp nghiên cứu của các ngành nghiên cứu
khác nhau của Khu vực học đã tạo ra các sản
phẩm khoa học có “tính pha trộn, lai ghép”
[2, tr.23], thể hiện hiểu biết toàn diện về các
khu vực, các nền văn hóa và xã hội khác
nhau trên thế giới, có đóng góp không nhỏ
vào kho tàng tri thức nhân loại.
2.2. Khái niệm “Ấn Độ” trong Ấn Độ học
2.2.1. Ngành nghiên cứu Ấn Độ học
Việc nghiên cứu và tìm hiểu về nền
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 61 (01/2019)
88
văn hóa, tư tưởng triết học và văn học nghệ
thuật rực rỡ của Ấn Độ đã bắt đầu từ rất lâu
trong lịch sử. Chẳng hạn như các nhà sư
Trung Quốc hành hương đến Ấn Độ trong
đó nổi bật nhất là Pháp Hiển (thế kỷ 4) và
Huyền Trang (thế kỷ 7) đã có những ghi
chép về chuyến đi của mình. Những ghi
chép này trở thành một nguồn tài liệu quý
trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa Ấn
Độ. Ngoài ra, còn có các học giả Ả Rập, về
sau là các thương nhân, nhà truyền giáo và
các học giả phương Tây tiếp cận và tìm
hiểu về nền văn hóa này.
Ấn Độ học với tư cách là một ngành
nghiên cứu mang tính học thuật được thành
lập một cách chính thức tại các trường đại
học lớn của châu Âu vào khoảng cuối thế
kỷ thứ 18 với tên gọi Indology. Vào thời kỳ
đầu, các nghiên cứu Ấn Độ học tập trung
chủ yếu vào lĩnh vực ngôn ngữ, văn học,
lịch sử, văn hóa và triết học Ấn Độ thời kỳ
cổ - trung đại tại nhiều trường đại học ở
châu Âu và Mỹ. Khoảng từ nửa sau thế kỷ
19, các học giả Ấn Độ được đào tạo từ các
trường đại học do Vương quốc Anh thiết
lập tại Ấn Độ bắt đầu tiếp cận với các
phương pháp cùng kết quả nghiên cứu của
giới nghiên cứu phương Tây và tham gia
vào lĩnh vực này [8].
Nghiên cứu Ấn Độ học có thể chia
thành hai trường phái lớn gồm các nhà
nghiên cứu Âu-Mỹ và các nhà nghiên cứu
Ấn Độ và gốc Ấn Độ. Nghiên cứu Ấn Độ
học của các học giả châu Âu, đặc biệt ở
thời kỳ đầu mang tính định kiến cao, chịu
ảnh hưởng của học thuyết chủng tộc, hình
thành các lý thuyết chia cắt xã hội Ấn Độ
để phục vụ cho quá trình thuộc địa hóa và
cai trị của chủ nghĩa thực dân từ thế kỷ 18,
19. Trường phái châu Mỹ tìm hiểu về
nhiều khía cạnh xã hội hơn, tuy nhiên cũng
phân tích qua lăng kính mâu thuẫn giữa các
tôn giáo hoặc đẳng cấp, đề cao giá trị Phật
giáo và phê phán sự bất bình đẳng của xã
hội Hindu giáo. Trong khi đó, các học giả
Ấn Độ và Ấn kiều tham gia nghiên cứu Ấn
Độ học với nỗ lực thay đổi cái nhìn mà họ
cho là đầy định kiến đó, đưa ra cách tiếp
cận từ bên trong về các vấn đề tại Ấn Độ,
khẳng định các giá trị và tính thống nhất
của một Ấn Độ với chiều dài lịch sử và bề
dày văn hóa đầy gắn kết mà họ tự hào [9].
Từ nửa sau thế kỷ 20 trở lại đây, cùng
với việc Cộng hòa Ấn Độ trở thành một
cường quốc đang lên trong thế kỷ 21, việc
nghiên cứu về Ấn Độ không còn chỉ tập
trung vào các lĩnh vực truyền thống của Ấn
Độ học cổ điển (Classical Indology) như
ngôn ngữ, tư tưởng triết học, văn học và xã
hội mà được mở rộng và đào sâu trên nhiều
phương diện như kinh tế, chính trị, đối
ngoại... của Ấn Độ học hiện đại (Modern
Indology hoặc South Asian Studies). Khái
niệm Nam Á (South Asia) bắt đầu được sử
dụng rộng rãi kể từ sau sự kiện Partition
năm 1947 với sự phân chia Ấn Độ và
Pakistan. “Trong nhiều thế kỷ, ‘Ấn Độ’ vẫn
là thuật ngữ quan trọng thường được sử
dụng để chỉ nền văn minh trên tiểu lục địa
như một chỉnh thể thống nhất về địa lý và
văn hóa. Đây vẫn là thuật ngữ hữu dụng,
thuận tiện và chính xác để chỉ nền văn
minh gần 5000 năm của tiểu lục địa cùng
những thành quả của nó. Liên quan đến
những sự kiện sau Partition, khái niệm Ấn
Độ được sử dụng không bao gồm
Pakistan” [10; tr.223]. Theo đó, các nghiên
cứu thuộc lĩnh vực của Ấn Độ học cổ điển
vẫn gắn khái niệm Ấn Độ với toàn bộ tiểu
lục địa Nam Á ở góc độ địa – văn hóa.
Trong khi đó các nghiên cứu Ấn Độ học
hiện đại cho rằng, khái niệm Ấn Độ giới
hạn trong phạm vi nước Cộng hòa Ấn Độ,
phân biệt rõ với khái niệm Nam Á với tư
LÊ NGUYỄN HẢI VÂN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
89
cách là một khu vực gồm nhiều quốc gia.
Tại các trường đại học cũng như các
cơ sở nghiên cứu của Việt Nam, nghiên
cứu Ấn Độ học chưa được định nghĩa một
cách thống nhất. Chẳng hạn như Bộ môn
Ấn Độ học của Trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân Văn TP.HCM hướng đến
đầu ra của sinh viên có khả năng làm việc
công tác trong các lĩnh vực giảng dạy,
nghiên cứu về Ấn Độ học, làm việc tại các
công ty Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam [5];
trong khi đó, Bộ môn Ấn Độ học của
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn Hà Nội có mục tiêu đào tạo kiến thức
chuyên sâu về chuyên ngành Nam Á, sinh
viên sau khi ra trường có thể công tác tại
các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến
các quốc gia Nam Á [6]. Như vậy có thể
thấy, khái niệm và phạm vi nghiên cứu của
Ấn Độ học tại các trường đại học của Việt
Nam chưa có sự thống nhất về mặt phạm
vi, cũng như chưa có sự phân ngành cụ thể
giữa Ấn Độ học cổ điển và hiện đại. Vì
vậy, trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy,
trao đổi học thuật và tìm hiểu các tài liệu
trong và ngoài nước, việc giải thích và cắt
nghĩa khái niệm Ấn Độ, đặc biệt là từ
khung tham chiếu của Khu vực học (tức là
trả lời câu hỏi: Ấn Độ ở đây là một quốc
gia hay khu vực) là cần thiết trong từng bối
cảnh nghiên cứu cụ thể.
2.2.2. Khái niệm Ấn Độ từ góc nhìn
khu vực học văn hóa – nhân văn
Khu vực là một khái niệm có nội hàm
ngữ nghĩa khá mơ hồ và khó xác định. Nội
hàm của khái niệm khu vực thay đổi theo
ngữ cảnh mà nó được sử dụng. Vì vậy, khi
tiến hành nghiên cứu tìm hiểu về một khu
vực cụ thể, việc xác định giới hạn của khu
vực đó là một bước quan trọng. Trong đó,
hai vấn đề căn bản nhất là phạm vi của khu
vực và các tiêu chí xác định khu vực đó.
Nếu như khu vực học chính trị và kinh
tế có thể lấy biên giới quốc gia hiện đại
làm phạm vi đối tượng nghiên cứu một
cách cơ bản, thì với khu vực học văn hóa –
nhân văn việc tìm ra nét đồng nhất của một
khu vực địa lý (tức là tìm ra bản sắc văn
hóa dân tộc) là không hề đơn giản và luôn
gây tranh cãi bởi tính chất vừa thống nhất
vừa đa dạng của văn hóa.
Ấn Độ là một quốc gia, một nền văn
hóa - Nơi mà mọi thứ đều tồn tại ở những
thái cực đối lập nhưng lại cũng dung hòa
với nhau theo một cách rất riêng. Đặc trưng
đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, đa
văn hóa của đất nước này, cùng một lịch
sử trải qua hàng nghìn năm với những biến
động to lớn, những cuộc tiếp xúc giao thoa
văn hóa, đã làm cho việc nghiên cứu về Ấn
Độ một cách toàn diện từ góc độ khu vực
học văn hóa - nhân văn là một thách thức
không hề nhỏ. Chính hoàn cảnh phức tạp
của đối tượng nghiên cứu này khiến cho
với mỗi bối cảnh, mục đích khác nhau của
mỗi nghiên cứu, nội hàm của khái niệm Ấn
Độ lại có những biến đổi nhất định. Để xác
định rõ ràng giới hạn của Ấn Độ trong
nghiên cứu Ấn Độ học ở lĩnh vực văn hóa
– nhân văn, chúng ta cũng cần xuất phát từ
hai vấn đề căn bản của khái niệm khu vực
như đã nêu là phạm vi và tiêu chí xác định.
Thứ nhất, về phạm vi khái niệm Ấn Độ
Theo tác giả Lương Văn Kế, khái niệm
khu vực theo tiêu chí không gian – chức
năng được biểu thị qua 5 mức độ từ thấp
đến cao gồm có: (1) một khoảng đất nhỏ,
(2) một địa phương hay đơn vị hành chính
trong một quốc gia, (3) lãnh thổ một quốc
gia, (4) lãnh thổ các quốc gia liền kề nhau
có chung một nét tương đồng nào đó, và
(5) không gian xuyên quốc gia của các
quốc gia cùng tham gia vào một hiệp ước
song phương hay đa phương nào đó. Theo
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 61 (01/2019)
90
đó, chỉ có hai cấp độ quốc gia và khu vực
liên quốc gia là thuộc phạm vi nghiên cứu
của khu vực học trong đó quốc gia là cấp
độ căn bản [3, tr.196-197].
Ấn Độ học, theo định nghĩa khu vực
học, là ngành nghiên cứu toàn diện về đất
nước Ấn Độ trên tất cả các phương diện
trong mối quan hệ hữu cơ giữa chúng để
tạo nên một chỉnh thể thống nhất. Khái
niệm Ấn Độ trong thường thức ngày nay là
tên gọi của một quốc gia nằm ở khu vực
Nam Á, có diện tích lớn thứ 7 thế giới và
dân số đứng thứ hai thế giới. Phạm vi lãnh
thổ quốc gia đương đại ở đây thường được
dùng làm giới hạn cho đối tượng nghiên
cứu của Ấn Độ học.
Giới hạn trên trùng khít với phạm vi
các nghiên cứu về thể chế, chính trị, hành
chính quốc gia, kinh tế của Ấn Độ với tư
cách là một quốc gia hiện đại. Tuy nhiên,
trở lại với tính liên ngành của khu vực học,
ngành Ấn Độ học không chỉ dừng lại ở
mảng nghiên cứu này mà còn tìm hiểu nó
trong mối liên hệ với các lĩnh vực lịch sử,
văn hóa, xã hội của Ấn Độ. Sự phức tạp
của khái niệm bắt đầu xuất hiện từ đây.
Trong suốt chiều dài lịch sử, quốc gia
Ấn Độ có những thay đổi đáng kể về phạm
vi. Trong lịch sử nghiên cứu, cuộc tranh
luận về sự tồn tại của một chỉnh thế mang
tên Ấn Độ với tư cách là một quốc gia đã
từng làm tốn không ít giấy mực của các
học giả. Một bên là các học giả phương
Tây, đại diện cho tư tưởng thực dân khai
sáng thuộc địa, cho rằng trước khi thực dân
Anh thành lập Đế chế Ấn Độ thuộc Anh
(British Raj), chưa bao giờ tồn tại một
quốc gia Ấn Độ thống nhất. Nhóm thứ hai
là các học giả dân tộc chủ nghĩa của Ấn Độ
nỗ lực phản biện lại quan điểm trên và
chứng minh Ấn Độ là một chỉnh thể tồn tại
tương đối gắn kết và bền vững qua hàng
nghìn năm lịch sử.
Tuy nhiên, cho dù có thực sự tồn tại
một Ấn Độ thống nhất trước khi thực dân
Anh thiết lập British Raj hay không, thì chỉ
với sự kiện Partition năm 1947 chia tách
British Raj thành Ấn Độ và Pakistan, cùng
sự kiện Đông Pakistan tách thành quốc gia
độc lập Bangladesh năm 1971, chúng ta
vẫn cần đặt câu hỏi: Ấn Độ, với tư cách là
đối tượng nghiên cứu của ngành Ấn Độ
học, là một quốc gia hay một khu vực liên
quốc gia (gồm ít nhất là Ấn Độ, Pakistan
và Bangladesh)? Và theo đó, Ấn Độ học là
nghiên cứu ở cấp độ đất nước học hay khu
vực học?
Đa phần nhận thức về Ấn Độ hiện nay
vẫn ngầm hiểu Ấn Độ với phạm vi nước
Cộng hòa Ấn Độ bởi “tuy khu vực học là
tổng hợp của nhiều khoa học xã hội và
nhân văn như vậy, nhưng dù thế nào thì
màu sắc chính trị vẫn rất mạnh mẽ.” [2,
tr.58]. Dù vậy, vẫn cần nhìn nhận rằng việc
nghiên cứu Ấn Độ học truyền thống tập
trung vào các vấn đề ngôn ngữ, triết học tư
tưởng, văn học nghệ thuật của nền văn
minh Ấn Độ - những giá trị không chỉ gói
trọn trong phạm vi quốc gia Ấn Độ hiện
đại. Việc giới hạn phạm vi của cách hiểu về
khái niệm Ấn Độ là một quốc gia hay một
khu vực là lựa chọn mang tính cá nhân bởi
“một khu vực không phải là thực thể bất
biến, mà nó luôn biến đổi theo thời gian, do
đó cần khảo sát khu vực theo con mắt động
cả về chiều thời gian lẫn không gian.” [2,
tr.58]. Điều nên chú ý là trong các bối cảnh
tìm hiểu cụ thể về đối tượng này hay phân
tích các tài liệu nghiên cứu của các học giả
đi trước, cần hiểu và xác định giới hạn cụ
thể về Ấn Độ trong ngữ cảnh cụ thể mà
chúng ta đang tìm hiểu, để tránh sự “lệch
pha” về mặt phạm vi khái niệm.
Thứ hai, về tiêu chí xác định khái
niệm Ấn Độ
Để “vẽ” được phạm vi ranh giới của
LÊ NGUYỄN HẢI VÂN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
91
một khu vực, cần có tiêu chí xác định, một
tiêu chuẩn hay nét đặc trưng đồng nhất để
xác định khu vực đó. Ấn Độ là quốc gia đa
sắc dân tộc, tôn giáo – tín ngưỡng, có một
nền văn minh lịch sử lâu đời đã tạo nên
một nền văn hóa đa dạng hay thậm chí có
thể xem là một tập hợp của nhiều nền văn
hóa. Chính vì vậy, việc xác định phạm vi
Ấn Độ dựa vào tiêu chí đồng nhất về mặt
văn hóa, hay nói cách khác là việc xác định
bản sắc văn hóa dân tộc của Ấn Độ thật
không dễ dàng.
Có thể lấy vấn đề ngôn ngữ làm một ví
dụ. Theo Điều tra dân số năm 2011 của
Chính phủ Ấn Độ1, nước này có 1369 ngôn
ngữ, trong đó có 121 ngôn ngữ chính có
trên 10.000 người sử dụng [7]. Với một số
lượng ngôn ngữ khổng lồ như vậy, việc
làm cho các cộng đồng người với tiếng nói
khác nhau cảm thấy mình cùng thuộc về
một chỉnh thể văn hóa chung là một điều
khá khó khăn. Chính phủ cũng không thể
chọn ra một ngôn ngữ làm quốc ngữ bởi
việc làm này có thể để lại hậu quả khôn
lường (trường hợp Đông Pakistan – với
tiếng Bengali là bản ngữ – tách ra khỏi
Pakistan mà một trong những nguyên nhân
chính là do chính phủ Tây Pakistan muốn
sử dụng tiếng Urdu của Tây Pakistan làm
quốc ngữ, là một bài học mà Ấn Độ không
muốn lặp lại). Mặc dù tiếng Hindi được sử
dụng khá phổ biến, nhưng ý đồ sử dụng
tiếng Hindi làm quốc ngữ của chính quyền
trung ương vấp phải sự phản đối mạnh mẽ
của các bang phía Nam với phong trào
Dravidian. Vì vậy, để tránh các xung đột
có thể xảy ra, chính phủ cho phép mỗi
bang tại Ấn Độ được lựa chọn một ngôn
ngữ chính thức riêng (ví dụ: bang Tây
Bengal có ngôn ngữ chính là tiếng Bengali,
bang Tamil Nadu có ngôn ngữ chính là
tiếng Tamil), còn tiếng Anh cùng tiếng
Hindi được công nhận là ngôn ngữ chính
thức theo Hiến pháp.
Chúng ta có thể phân tích một tình
huống giả định như sau: một người Tamil
đến bang Tây Bengal buộc phải giao tiếp
bằng tiếng Anh vì không hiểu ngôn ngữ
bản địa và trải nghiệm một nền văn hóa
hoàn toàn khác biệt, trong khi một người
Bangladesh – người nước ngoài, không
mang quốc tịch Ấn Độ – lại hoàn toàn có
thể hiểu được ngôn ngữ ở đây và có những
trải nghiệm văn hóa không khác gì ở quê
hương của mình. Bởi trước năm 1947,
Bangladesh là phần phía Đông của vùng
Bengal, và về mặt lịch sử văn hóa, nó nằm
trong tổng thể của vùng văn hóa Bengal
cùng với bang Tây Bengal của Ấn Độ ngày
nay. Ranh giới quốc gia hiện đại khiến
cho người vùng Tây Bengal và người
Bangladesh vốn cùng một bản sắc văn hóa
trở thành công dân của hai quốc gia khác
nhau. Trong khi đó, người Tây Bengal với
người Tamil Nadu, dù có cùng một tư cách
công dân Ấn Độ, lại có phông văn hóa
hoàn toàn khác biệt. Vậy điều gì làm nên
bản sắc văn hóa dân tộc của Ấn Độ – nếu
chúng ta xem Ấn Độ là một quốc gia? Khi
mà công dân trong quốc gia này có nền
tảng văn hóa xa lạ với người cùng một
nước, lại có cùng một truyền thống với
công dân của một quốc gia khác.
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa,
bản sắc văn hóa (cultural identity) và bản
sắc dân tộc (national identity)2 là vấn đề
mà các quốc gia đang đặt nhiều sự quan
tâm. Nếu như tính cách là sự thể hiện “cái
tôi” của một cá nhân cụ thể thì bản sắc
chính là sự thể hiện “cái tôi” vĩ mô của
mỗi nền văn hóa, là nét riêng phân biệt dân
tộc này với dân tộc khác. “Trong quan hệ
quốc tế, bản sắc văn hóa dân tộc được xem
như “cái thẻ căn cước”, là cốt cách của
mỗi dân tộc thể hiện trên mọi phương diện
quan hệ ngoại giao về kinh tế, chính trị,
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 61 (01/2019)
92
văn hóa và xã hội” [1, tr.67]. Bản sắc văn
hóa dân tộc ngày nay còn đóng vai trò
quan trọng đối với mỗi quốc gia trong việc
xác lập và khẳng định sự tồn tại của mình.
Đối với một đất nước mà sự đa dạng và
đối nghịch của các giá trị được đẩy lên đến
đỉnh điểm như Ấn Độ, việc xác định (hay
thậm chí thiết lập mới) thứ gọi là tính Ấn
Độ (Indianness) đóng vai trò quan trọng
trong việc kết nối các nhóm khác nhau
trong xã hội, ngăn ngừa nguy cơ xung đột
có thể xảy ra. Chính phủ Ấn Độ vẫn luôn
nhấn mạnh tuyên ngôn “Thống nhất trong
đa dạng” (Unity in diversity) như “hòn đá
tảng” để xác lập bản sắc dân tộc của mình,
nói cách khác là “sợi chỉ” kết nối, là “chất
keo” gắn kết tất cả các mảng màu quá đa
dạng và khác biệt trong Ấn Độ lại thành
một chỉnh thể đơn nhất có cùng một bản
sắc. Tuy vậy việc chứng minh tính thống
nhất trong đa dạng của các nền văn hóa,
các cộng đồng người, các khu vực trong
bản thân quốc gia Ấn Độ chưa bao giờ là
một việc đơn giản. Để xác lập được bản
sắc văn hóa một cách vững vàng, cần tìm
được câu trả lời cho câu hỏi: Ai là người
Ấn Độ? Dĩ nhiên câu trả lời cần được nhìn
nhận từ góc độ bản sắc văn hóa chứ không
phải tư cách công dân được quy định trên
giấy tờ hành chính. Bởi trong nghiên cứu
khu vực học ở cấp độ quốc gia, hay còn
gọi là đất nước học, “khái niệm quốc gia ở
đây không đơn thuần là ‘nhà nước’ với
tính cách một đơn vị địa lý chính trị (tiếng
Anh: state), cũng không chỉ là ‘nation’
(quốc gia/ dân tộc) mang màu sắc văn
hóa, mà là một chỉnh thể đất nước (tiếng
Anh: country) có thể bao gồm cả hai khái
niệm Nation và State trong tiếng Anh” [2,
tr.21].
Tóm lại, khi nghiên cứu và tìm hiểu về
Ấn Độ từ góc độ khu vực học văn hóa –
nhân văn, cần hiểu rằng phạm vi của khái
niệm Ấn Độ rất rộng và phức tạp so với
một Ấn Độ nhìn từ phương diện khu vực
học chính trị và kinh tế. Vì vậy, cần tránh
việc đánh đồng phạm vi khái niệm Ấn Độ
về mặt văn hóa – nhân văn với biên giới
lãnh thổ của quốc gia Cộng hòa Ấn Độ
ngày nay. Mặt khác, cũng không nên đồng
nhất Ấn Độ trong nghiên cứu khu vực học
văn hóa – nhân văn với toàn bộ khu vực
Nam Á. Bởi trên thực tế, bản thân nhiều
quốc gia Nam Á có lịch sử phát triển tương
đối độc lập với các vương triều tại Ấn Độ,
nhưng vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của
văn hóa Ấn Độ. Nếu chúng ta dùng tiêu chí
văn hóa theo hướng xác định tất cả các
vùng chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hóa
Ấn Độ đều nằm trong phạm vi khái niệm
Ấn Độ thì không chỉ Nam Á mà phần lớn
khu vực Đông Nam Á cũng có thể được
bao gồm trong khái niệm này bởi đây là
nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn
Độ, là nơi lưu giữ các giá trị thậm chí đã
mất đi tại Ấn Độ (chính là Phật giáo).
3. Kết luận
Nghiên cứu Ấn Độ học ngày nay đã
khác với buổi đầu từ thế kỷ 18 rất xa. Các
nghiên cứu về Ấn Độ không chỉ dừng lại ở
vấn đề ngôn ngữ và văn hóa mà được đặt
trong một tổng thể các lĩnh vực đa chiều
nhưng không biệt lập mà tương tác qua lại.
Việc xác định cách hiểu về phạm vi cùng
tiêu chí xác định phạm vi của khái niệm Ấn
Độ từ góc độ khu vực học là rất quan
trọng. Trong các hệ quy chiếu khác nhau,
khái niệm này lại có sự thay đổi nhất định,
và việc xác định phạm vi khái niệm ở
phương diện văn hóa - nhân văn là vô cùng
phức tạp. Vì vậy, trong quá trình nghiên
cứu, giảng dạy và học tập Ấn Độ học,
người nghiên cứu, người dạy và người học
đều không nên đồng nhất khái niệm Ấn Độ
với nước Cộng hòa Ấn Độ hiện đại hay
toàn bộ khu vực Nam Á mà cần xem xét
LÊ NGUYỄN HẢI VÂN TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
93
từng trường hợp cụ thể với sự kết hợp các
tiêu chí về phạm vi thời gian (thời kỳ cổ
đại, trung đại, cận hiện đại, hậu độc lập) và
vấn đề nghiên cứu (kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội, lịch sử) nhằm xác định rõ
nội hàm của khái niệm Ấn Độ được sử
dụng ở cấp độ quốc gia (nước Cộng hòa
Ấn Độ ngày nay) hay khu vực liên quốc
gia (một vùng văn hóa lâu đời bao trùm
nhiều quốc gia ở thời kỳ hiện đại) để có để
đạt đến những lí giải trọn vẹn và sâu sắc về
vấn đề mình đang tìm hiểu.
Chú thích:
1 Các cuộc Điều tra Dân số được Chính phủ
Ấn Độ thực hiện 10 năm 1 lần. Số liệu năm
2011 được công bố vào tháng 6 năm 2018
hiện là số liệu được cập nhật nhất.
2 Bài viết tạm sử dụng khái niệm bản sắc để
dịch khái niệm identity trong tiếng Anh. Tuy
nhiên, hai thuật ngữ này không hoàn toàn
trùng khớp nhau và trong tiếng Việt hiện nay
chưa có từ nào có nghĩa để diễn tả trọn vẹn
khái niệm identity và khái niệm bản sắc vẫn
được sử dụng phổ biến nhất để chuyển ngữ
cho identity trong các văn bản tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Thị Hương (2010). Một số vấn đề lý
luận về bản sắc văn hóa dân tộc. Triết học,
số 10 (233), tr.66-72.
2. Lương Văn Kế (2010). Nhập môn Khu vực
học. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc
gia Hà Nội.
3. Lương Văn Kế (2012). Quốc tế học và khu
vực học: Những khía cạnh phương pháp
luận. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Ngoại
ngữ 28, tr.194-209.
4. Trịnh Cẩm Lan (2007). Sự hình thành và phát
triển nghiên cứu khu vực ở Mỹ và châu Âu.
Đề tài QX-05.09. Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Website Khoa Đông phương học, Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Truy cập ngày 15/11/2018 tại
aspx?TopicId=83b88760-b49a-4ec7-b87d-
0334ae3d3e6f
6. Website Khoa Đông phương học, Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại
học Quốc gia Hà Nội. Truy cập ngày
15/11/2018 tại
article/39/bo-mon-an-do-hoc.html
7. Census Data 2011: General note. Census of
India. Truy cập ngày 15/11/2018 tại
uage_MTs.html
8. Kumar, Shiv (2012). Documentation and
information services in centres of Sanskrit
and Indological Studies in India – A Study
(Luận án tiến sĩ). Panjab University. Truy
cập ngày 19/12/2017 tại
9. Pattanaik, Devdutt (2016). Four types of
Indology. Mid-day. Truy cập ngày
20/12/2017 tại
articles/devdutt-pattanaik-four-types-of-
indology/16973156
10. Patterson, M.L.P và Jacob, L.A. (1965).
South Asian Area Studies and the Library
[with Discussion]. The Library Quarterly.
Vol.35. No.4. Proceedings of the Thirtieth
Annual Conference of the Graduate Library
School. May 20-22: Area Studies and the
Library (Oct., 1965). pp.223-238.
Ngày nhận bài: 16/01/2018 Biên tập xong: 15/12/2018 Duyệt đăng: 20/01/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 88_0018_2214993.pdf