Iện tượng chơi chữ trong truyện cười Tiếng Việt - Đoàn Thị Tâm

Tài liệu Iện tượng chơi chữ trong truyện cười Tiếng Việt - Đoàn Thị Tâm: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0053 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 11-18 This paper is available online at HIỆN TƯỢNG CHƠI CHỮ TRONG TRUYỆN CƯỜI TIẾNG VIỆT Đoàn Thị Tâm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên Tóm tắt. Để tạo ra tiếng cười, mỗi dân tộc có một cách thức khác nhau do có sự chi phối bởi yếu tố tâm lí và văn hóa. Ngoài cái cười tự nhiên, còn có cái cười mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trong nhiều trường hợp, tiếng cười còn là một thứ vũ khí chống lại kẻ thù giai cấp, chống lại những cái tiêu cực trong xã hội. Có rất nhiều phương thức để gây cười. Tuy nhiên, bài báo này chỉ đề cập đến hiện tượng chơi chữ trong truyện cười của người Việt. Từ khóa: Truyện cười, chơi chữ, nói lái, đồng âm, đa nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa. 1. Mở đầu Chơi chữ vừa là trò chơi trí tuệ vừa là một phương tiện để truyền tải một lượng thông tin đặc biệt. Nó nhằm thông báo những cách đánh giá hiện tượng này, sự kiện kia của xã hội. Đây là phương thức thức b...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 642 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Iện tượng chơi chữ trong truyện cười Tiếng Việt - Đoàn Thị Tâm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0053 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 11-18 This paper is available online at HIỆN TƯỢNG CHƠI CHỮ TRONG TRUYỆN CƯỜI TIẾNG VIỆT Đoàn Thị Tâm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên Tóm tắt. Để tạo ra tiếng cười, mỗi dân tộc có một cách thức khác nhau do có sự chi phối bởi yếu tố tâm lí và văn hóa. Ngoài cái cười tự nhiên, còn có cái cười mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trong nhiều trường hợp, tiếng cười còn là một thứ vũ khí chống lại kẻ thù giai cấp, chống lại những cái tiêu cực trong xã hội. Có rất nhiều phương thức để gây cười. Tuy nhiên, bài báo này chỉ đề cập đến hiện tượng chơi chữ trong truyện cười của người Việt. Từ khóa: Truyện cười, chơi chữ, nói lái, đồng âm, đa nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa. 1. Mở đầu Chơi chữ vừa là trò chơi trí tuệ vừa là một phương tiện để truyền tải một lượng thông tin đặc biệt. Nó nhằm thông báo những cách đánh giá hiện tượng này, sự kiện kia của xã hội. Đây là phương thức thức bao gồm các phương tiện như: nói lái, dùng từ đồng âm, đồng nghĩa, tách âm tiết trong phạm vi một từ... Tuỳ từng trường hợp, mỗi phương tiện trên lại có những cách thể hiện rất đa dạng, độc đáo [1-15]. Những câu chữ được sắp xếp một cách khác thường, càng kích thích mạnh trí xét đoán thì càng trở nên sáng giá. Đôi khi chúng khiến người đọc phải "nghiền ngẫm" mới có thể tìm ra được cái nghĩa ẩn sâu dưới hình thức ngôn từ mà bên ngoài tưởng như rất bình thường đó. Bài viết của chúng tôi tìm hiểu hiện tượng chơi chữ trong truyện cười của người Việt với một số kiểu chơi chữ thường gặp. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái niệm chơi chữ Chơi chữ là một phương thức tu từ bằng cách vận dụng các đơn vị của ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp để kích thích tình cảm và trí tuệ của con người nhằm tạo ra những liên tưởng bất ngờ, thú vị. 2.2. Một số kiểu chơi chữ thường gặp 2.2.1. Dùng biện pháp nói lái Do âm tiết tiếng Việt có đặc điểm rất rõ là ranh giới giữa các âm tiết luôn tách bạch và cấu trúc âm tiết là cố định, hầu như về mặt lí thuyết phụ âm đầu nào cũng có thể kết hợp với bất kì Ngày nhận bài: 1/1/2016. Ngày nhận đăng: 5/5/2016 Liên hệ: Đoàn Thị Tâm, e-mail: doanthitam77@gmail.com 11 Đoàn Thị Tâm phần vần nào, nên trong nhiều trường hợp vẫn tạo nên những đơn vị có nghĩa. Nói lái chính là dựa vào đặc điểm trên, "người ta tráo đổi phụ âm đầu và phần vần giữa các âm tiết để tạo nên những từ ngữ khác có nội dung mới, bất ngờ, hiểm hóc" [8;180]. Mục đích của nói lái là gây tiếng cười hài hước, châm biếm, đả kích một đối tượng hay một hiện tượng xã hội nào đó. Ví dụ: Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo? Chày kình tiểu để suông không đấm Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo. (Chùa Quán Sứ - Hồ Xuân Hương) Đọc bài thơ trên, chúng ta đang hình dung ra cảnh tượng một ngôi chùa yên tĩnh, vắng vẻ, chỉ có sư thầy, vãi và những chú tiểu. Thế nhưng khi nói lái một số từ thì bài thơ lại có một ý nghĩa khác hẳn với ý nghĩa ban đầu, thậm chí trái ngược với ý nghĩa ban đầu: đáo nơi neo —> đ... nơi nao, suông không đấm —> đâm không xuống (phát âm giọng Bắc Bộ s —> x), đếm... đeo —> đ... đêm. Qua đó, chùa không còn là nơi uy nghiêm, thanh tịnh nữa mà cũng xô bồ như chốn trần tục. Ngoài việc nói lái để ám chỉ, công kích, chế giễu như đã nói, nói lái còn thể hiện sự nghịch ngợm, trí thông minh của người dân lao động. Xét văn bản sau: Tiếng Nghệ Tĩnh Tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, do phát âm "ruộng" thành "rọng" và "rượu" thành "riệu" nên mới có chuyện vui sau đây: "Một đoàn cán bộ về xã nọ để kiểm tra tình hình sản xuất. Đến trụ sở chẳng thấy ai, họ gặp một người nông dân và hỏi. Người ấy lắc đầu: - Ôi dào! Ban quản trị chúng tôi đang "liều với rọng", các bác không tìm thấy đâu! Nghe nói vậy, đoàn cán bộ tưởng là ban quản lí đang tập trung chỉ đạo sản xuất ngoài đồng ruộng, liền đi ra cánh đồng, nhưng cũng chẳng thấy ai. Họ quay về gặp người nông dân lúc nãy, hỏi lại, người đó cười: - "Liều với rọng" là "lòng với riệu"! Ban quản lí chúng tôi đang chè chén trong quán kia kìa!" [15;20] Lúc đầu, người nghe cứ tưởng rằng các vị trong Ban quản trị là những người mẫn cán, quan tâm sâu sát đến cuộc sống của người dân nhưng sử dụng hình thức nói lái thì thực sự lại không phải như thế. Hơn thế, nó còn trái ngược với những gì chúng ta cảm nhận ban đầu. Thì ra các vị chỉ là những người thích chè chén, chứ không lo gì cho dân cả. 2.2.2. Dùng hiện tượng đồng âm Đồng âm là một hiện tượng phổ quát của mọi ngôn ngữ, nhưng trong mỗi ngôn ngữ hiện tượng đồng âm lại có những đặc điểm riêng. Trong tiếng Việt, xuất phát từ loại hình đơn tiết, hiện tượng đồng âm rất phổ biến. Với tư cách là một phương tiện của chơi chữ, từ đồng âm được sử dụng theo nhiều cách để tạo hàm ngôn trong văn bản. Do đó, có thể dùng từ đồng âm để tạo ra những ngữ cảnh, trong đó mỗi từ sẽ cho phép ta hiểu theo kiểu nước đôi. Ví dụ: 12 Hiện tượng chơi chữ trong truyện cười tiếng Việt Bà già đi chợ cầu Đông Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng Thầy bói gieo quẻ nói rằng Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn. (Ca dao) Rõ ràng là khi đọc hai câu thơ đầu, chúng ta đều hiểu dụng ý của bà lão là muốn biết việc lấy chồng ở vào cái tuổi của bà bây giờ có "lợi" gì không. Như vậy, "lợi" ở đây là "lợi ích". Thế nhưng khi nghe câu trả lời của thầy bói thì bà già (và có lẽ cả chúng ta nữa) đều bị bất ngờ. Nhờ sự đan xen của hai ngữ cảnh có tác dụng xác nhận nghĩa khác nhau mà một từ "lợi" có hai nghĩa khác nhau: "lợi" trong "lấy chồng lợi chăng" là lợi ích, còn "lợi" trong "lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn" là "bộ phận cắm răng". Như vậy, từ "lợi" này đã được hiểu nước đôi và ông thầy bói đã hàm ý nói với bà cụ rằng: bà già quá rồi (đến nỗi đã rụng hết cả răng) thì không nên lấy chồng làm gì nữa, sẽ chẳng có "lợi" chút nào đâu. Hay: Bạn vàng chơi với bạn vàng Đừng chơi bạn vện, ra đàng cắn nhau. (Ca dao) Trong tiếng Việt có một cụm từ "bạn vàng", tức là bạn quý và thân. Nhưng khi xuất hiện từ "bạn vện" (chó vện), bạn vàng có thể hiểu là chó (lông) vàng. Như vậy, người đọc đang hiểu theo cách này thì bắt buộc lại phải hiểu theo cách khác. Câu chuyện lí thú sau đây cũng đề cập đến vấn đề này. "Có hai ông thông gia ngồi ăn cơm với nhau. Ông bố vợ là chủ nhà có đãi ông sui món thịt luộc. Ông bố chồng thấy món thịt ngon nên cứ gắp hai miếng một lần. Ông kia bèn nói: - Anh sui, con gái tôi về làm dâu bên anh, có gì không phải thì anh đừng có "chấp" nhé! Ông bố chồng thủng thẳng: - "Thái quá" thì phải "chấp" chứ sao!" Cả hai ông đều dùng hiện tượng đồng âm để diễn đạt cho cái ý tưởng của mình. Từ "chấp" có hai nghĩa: 1) để bụng những chuyện vặt, những chuyện nhỏ nhặt (cố chấp) và 2) gộp những chung lại với nhau cho được nhiều, đây là biến âm của từ "chập". Và trong hoàn cảnh này thì ý của câu nói thuộc cái nghĩa 2). Thế nhưng, ông sui đằng trai cũng mẫn tiệp không kém khi sử dụng một từ đồng âm khác (thái quá) cũng có hai nghĩa: 1) thái mỏng quá và 2) quá mức. Như vậy, câu trả lời của ông sui nhà trai có thể được hiểu theo hai nghĩa: - Thịt thái mỏng qúa nên tôi phải chấp hai miếng lại mà gắp. - Nếu con gái anh quá đáng (có những hành vi không chấp nhận được) thì tôi cũng không thể bỏ qua (phải chấp). 2.2.3. Dùng hiện tượng đồng nghĩa và trái nghĩa Trong một ngữ huống cụ thể, có khả năng xảy ra trường hợp một nét nghĩa nào đó của một từ được sử dụng trong mối quan hệ đồng nghĩa hay trái nghĩa dựa trên cấu trúc bề mặt, nhưng những nét nghĩa khác lại được hiểu ở tầng bên dưới. Hoặc giả trong một số trường hợp, nếu đột nhiên xuất hiện một mối quan hệ ngữ nghĩa không bình thường trên cấu trúc bề mặt thì con đường đồng nghĩa hoặc trái nghĩa thường đưa ta đến với nghĩa hàm ngôn. * Từ đồng nghĩa là những từ có vỏ ngữ âm khác nhau nhưng có ý nghĩa tương tự hoặc giống 13 Đoàn Thị Tâm nhau và có thể thay thế cho nhau trong cùng một ngữ cảnh mà không làm biến đổi hoặc biến đổi không đáng kể nội dung, ý nghĩa của câu. Cũng chính vì đặc điểm này mà người ta có thể dễ dàng thay đổi lẫn nhau giữa các từ vừa để tránh gây sáo mòn, nhàm chán vừa nhằm thể hiện dụng ý của mình. "Một người nghe nói bạn mình bị bệnh nhãn khoa, bèn đến thăm. Vừa vào, thấy người bệnh hai mắt sưng húp vội kêu lên: - Đã đau nhãn khoa lại còn bị bệnh mắt nữa à? Thật "hoạ vô đơn chí" [15;31]. Tác giả sử dụng hiện tượng đồng nghĩa giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt để chế giễu anh chàng nọ không phân biệt được thế nào là "đau mắt", thế nào là "bệnh nhãn khoa"!. Lại có những trường hợp đồng nghĩa ngữ cảnh. Xét ví dụ sau: "Sư phụ xơi vụng thịt cầy trong phòng. Chú tiểu trông thấy hỏi, sư phụ nói là đang ăn đậu phụ. Vừa lúc ấy có tiếng chó sủa ngoài cổng chùa, sư phụ hỏi: "Cái gì ầm ĩ ở ngoài cổng thế?". Chú tiểu đáp: "Bạch cụ, đậu phụ làng cắn nhau với đậu phụ chùa đấy ạ!". Sư phụ ăn vụng thịt cầy là sự vi phạm luật giới nhà Phật. Từ cái sai đó, sư phụ phạm tiếp một cái sai khác là nói dối. Ở đây, chó (cầy) đồng nghĩa văn cảnh với đậu phụ. Nghĩa hàm ngôn nằm ở cặp từ đồng nghĩa: chó - đậu phụ, nhằm lật tẩy việc làm mờ ám và thói quen nói dối của sư phụ, đồng thời cho thấy sự thông minh của chú tiểu (lực lượng quần chúng) biết sử dụng "Gậy ông đập lưng ông". * Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa đối lập nhau và phải nằm trong mối quan hệ tương liên (cùng trường nghĩa). Trong tác phẩm "Sống mòn", Nam Cao viết: "Rồi y sẽ chết mà chưa làm được gì cả, chết mà chưa sống. Chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã". Ở đây, chúng ta thấy có cặp từ trái nghĩa: sống - chết. Nhưng ngoài nghĩa hiển ngôn, chúng còn mang một ý nghĩa hàm ẩn: những con người sống vô ích, sống không có hoài bão thì coi như đã chết, chết về mặt tinh thần, mặc dù thể xác vẫn tồn tại. Từ chết ở câu thứ tư chính là sự đối lập với tên truyện Sống mòn, là cặp trái nghĩa mang ý nghĩa hàm ẩn. Trong hiện tượng trái nghĩa, có những trường hợp trái nghĩa lâm thời. Có thể lợi dụng hiện tượng này để tạo những lối nói hàm ngôn khá độc đáo. Chẳng hạn, chúng ta đã từng nghe: "Miệng hùm gan sứa". Bình thường thì hùm và sứa, miệng và gan vốn không trái nghĩa với nhau. Nhưng đây là một thành ngữ, mà thành ngữ thì mang tính cố định nên ở đây "hùm" - "sứa", "miệng"- "gan" có thể coi là trái nghĩa lâm thời. "Hùm" tượng trưng cho cái dũng mãnh còn "sứa" là cái mềm yếu; "miệng" tượng trưng cho lời nói, cho cái bên ngoài, "gan" là ý chí, là cái bên trong. Như vậy, những ai bên ngoài nói mạnh, khoác lác thì thực chất bên trong lại không phải như thế, thậm chí còn khác hẳn cái thể hiện bên ngoài. Xét truyện vui: Gan sứa "Chồng nghi vợ ngoại tình. Một bữa nọ, ông đi làm thình lình về sớm. Vừa về đến nhà là ông đâm bổ đi kiếm gã nhân tình. Ngó xuống gầm giường: - Không có hắn ở đây. Nhìn vào tủ váy vợ: - Không có hắn ở trong này. 14 Hiện tượng chơi chữ trong truyện cười tiếng Việt Sau đó, ông mở tủ và nhìn thấy một gã khổng lồ, cao phải tới hai mét, bắp thịt cuồn cuộn. Đứng lặng người một lúc suy tính, ông đóng sầm cửa tủ lại lắp bắp: - Hắn cũng không có ở đây nốt" [4;51]. Tiếng cười như bật ra khi chúng ta đọc đến phát ngôn cuối cùng của văn bản. Hoá ra anh chàng chỉ là: "Miệng hùm gan sứa", hùng hổ thế thôi nhưng lại là kẻ nhát gan. 2.2.4. Dùng hiện tượng đa nghĩa Trong từ đa nghĩa thường có các loại nghĩa: nghĩa gốc và nghĩa phái sinh (nghĩa chuyển). Nghĩa phái sinh là nghĩa dựa trên cơ sở nghĩa gốc mà có. Nó có thể là nghĩa cố định của một từ đa nghĩa nhưng cũng có thể là nghĩa tạm thời do văn cảnh tạo ra. Khi sử dụng trong chơi chữ, nghĩa phái sinh thể hiện dưới các dạng sau đây: Dạng hiện: tức là hiện rõ ra và người đọc có thể nhận thấy sự đối lập giữa nghĩa phái sinh và nghĩa gốc. Thường đây là nghĩa phái sinh thật. Ví dụ: Em vì tình, mang ba lô đằng trước Anh vì nước, mang ba lô đằng sau. (Ca dao hiện đại) Không ai mang ba lô đằng trước bao giờ, hơn nữa lại đeo ba lô vì "tình"! Cho nên, nghĩa phái sinh của "ba lô" là "bụng chửa". Dạng ẩn: tức là lối nói úp mở, mơ hồ. Nghĩa phái sinh có thể là thật cũng có thể là giả. Xét chuyện cười sau: "Một cặp tình nhân dẫn nhau vào nhà hàng ăn1 trưa. Nhưng cả hai cứ ngồi nhìn nhau sau đắm, không thèm gọi đồ ăn. Cuối cùng, chàng lên tiếng: - Ôi, nhìn em ngon lành làm sao! Anh muốn ăn2 em! - Em cũng thế! Em muốn ăn3 anh! Người phục vụ nãy giờ đứng chờ nghe thế liền hỏi: - Dạ thưa, thế anh chị uống gì ạ?" [4;101]. Từ ăn1 là nghĩa gốc (ăn trưa, đồ ăn), còn từ ăn2 và ăn3 là nghĩa phái sinh. Truyện đáng cười ở chỗ, người phục vụ đã đặt hai từ "ăn" có nghĩa phái sinh trong thế tương đồng với từ "uống" mang nghĩa gốc. Hàm ý của truyện có thể có nhiều cách: vào chỗ công cộng thì không nên có những cử chỉ, lời nói đáng ra chỉ nên nói với nhau ở chỗ riêng tư; hoặc nên tế nhị, tôn trọng người khác (vì người phục vụ đã chờ rất lâu rồi). Đôi khi, có những trường hợp dùng nghĩa phái sinh văn cảnh. Ví dụ: Mẹ chồng, nàng dâu cùng cảnh goá bụa. Mẹ chồng an ủi nàng dâu: "- Số mẹ con ta không may như vậy, thôi hãy cắn răng mà chịu đựng con ạ. ít lâu sau, bà mẹ chồng có ông hàng xóm hay qua lại. Cô con dâu trách mẹ: - Sao mẹ nói phải cắn răng mà chịu? - Con còn răng mới cắn được, chứ mẹ còn răng đâu." Hoá ra, cũng là "cắn răng" nhưng nghĩa trong hai phát ngôn hoàn toàn khác nhau. Tiếng cười bật ra khi người đọc nghe cách lập luận trong phát ngôn của mẹ chồng. 15 Đoàn Thị Tâm 2.2.5. Hoán đổi vị trí các từ trong câu Tiếng Việt sử dụng phương thức trật tự từ. Do đó, khi thay đổi vị trí của các từ trong câu sẽ làm thay đổi nội dung ý nghĩa của câu. Khi có một câu nói của một đối tượng nào đó, chúng ta có thể sử dụng phương thức này để hoán đổi vị trí của các từ trong câu đồng thời thay đổi cả ý nghĩa của nó. Và chắc chắn mục đích của chúng ta là nhằm phản bác lại câu nói trước đó, cũng như thể hiện quan điểm đối lập với đối tượng đó. Ví dụ: Có hai người nói chuyện với nhau về một người rất ki bo, ích kỉ và rất tham lam. Một người chép miệng: "- Anh ta tham như thế nên anh ta mới đau ốm liên miên, thật là "của thiên trả địa"! - Có lẽ anh ta đau ốm liên miên nên anh ta mới tham như thế! - Người kia chống chế." Người thứ nhất chê anh nọ tham, mà thói đời hễ "tham thì thâm" nên người đó đã đưa ra luật nhân quả "đau ốm liên miên" và "của thiên trả địa". Người đó còn hàm ý rằng: sống ở đời phải có trước có sau, không nên tham lam quá vì sẽ có báo ứng. Nhưng người thứ hai đã hoán đổi vị trí các từ trong câu nói của người thứ nhất để thể hiện rằng mình không hoàn toàn đồng ý với người kia, đồng thời người thứ hai đã ngầm bào chữa cho anh chàng được nói đến ở trên. 2.2.6. Biện pháp tách từ Tách từ là tách các hình vị trong từ đa tiết nhằm tạo ra sự bất ngờ về cách kết hợp, biến đổi từ ngữ. Từ đó tạo ra sự bất ngờ trong nhận thức của người tiếp nhận. Nhờ bất ngờ mà người nghe, người đọc chú ý đến điều định nói ra hơn khi nó được diễn đạt một cách bình thường. - Tách từ ghép, từ láy thành những từ đơn mang ý nghĩa độc lập. Ví dụ: "- Này cậu! Cậu sẽ phê bình sao về cuốn tiểu thuyết của tớ? - Vì cậu là bạn nên mình chỉ bình thôi chứ không phê như những người khác" [9;60]. Dựa vào câu "vì cậu là bạn" mà ta hiểu được hàm ý của người nói: tiểu thuyết của cậu rất dở nhưng vì là bạn của nhau nên tớ chỉ bình luận chung chung chứ không chỉ thẳng ra những chỗ chưa được. Phương thức này xuất hiện khá phổ biến trong giao tiếp hàng ngày. Sau đây là một ví dụ khác: Chân chính, chân phụ "Một anh bộ đội đóng quân ở làng quê và yêu một cô gái người làng ấy. Một hôm anh ta đến nhà người yêu thì gặp bố cô ở nhà, anh nói: - Dạ thưa bác... cháu xin phép bác cho cháu đưa em sang đơn vị để xem văn nghệ có được không ạ? - Không văn nghệ, văn gừng gì hết. Tôi còn lạ gì cái vở của các anh lấy lí do này lí do kia. Ai biết anh đưa nó đi xem hay đưa ra bờ bụi nào đó... Anh bộ đội nghe vậy vội thanh minh: - Dạ, sao lại dám vậy ạ! Thưa bác chúng cháu phải giữ cho nhau, vì cháu yêu một tình yêu chân chính chứ ạ! Ông già cười và mai mỉa: - Tôi biết là anh chân chính rồi, mà tôi có sợ cái chân chính của anh đâu. Tôi chỉ sợ cái chân phụ của anh thôi. Cái chân chính của anh thì giữ được, còn cái chân phụ anh làm sao giữ nổi" [9;60]. 16 Hiện tượng chơi chữ trong truyện cười tiếng Việt Đây là trường hợp tách từ bằng cách tạo ra một từ mới song song với từ đã cho, mà một trong hai yếu tố của từ mới này tồn tại hiển nhiên với một trong hai yếu tố của từ ban đầu (chỉ tồn tại trên mặt nghĩa). Như đã thấy, "chân chính" là một tính từ thường chỉ phẩm chất của con người. Với mô hình trọng âm [11]. Thế nhưng trong trường hợp này, ông bố của cô gái đã tách từ ra để hiểu như một danh từ có mô hình trọng âm [01] và sử dụng nó như một đơn vị cơ sở nằm trong thế đối lập với "chân phụ". Và điểm độc đáo ở đây là ông đã diễn đạt được một hàm ý rất sâu sắc. 2.2.7. Phương thức buông lửng Buông lửng dùng để biểu thị điều người viết không diễn đạt hết ý, các ý được buông lửng thường cùng loại và gần nghĩa với nhau. Hình thức buông lửng được sử dụng vào chơi chữ chủ yếu là buông lửng ở cuối câu, cuối vế câu và không nhằm thể hiện những nội dung vừa nói. Mà thông tin quan trọng cần biểu đạt lại nằm ở chỗ buông lửng. Người đọc nhận biết được là nhờ dựa vào ngữ cảnh, hiểu biết và cả kinh nghiệm sống. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Chí Phèo có đoạn: "Hắn xông lại gần, đảo ngược mắt, giơ cái tay lên nửa chừng: - Bẩm không ạ, bẩm thật là không say. Con đến xin cụ cho con đi ở tù mà nếu không được thì... thì... thưa cụ..." (Nam Cao - Chí Phèo) Ở chỗ buông lửng, tác giả không cần viết rõ thì người đọc cũng có thể hiểu được. Bởi ai cũng biết Chí Phèo là một thằng rất liều lĩnh, là một thằng chuyên rạch mặt ăn vạ và hơn nữa hắn đang có một suy nghĩ hết sức "quái gở": "Bẩm cụ từ ngày cụ bắt đi ở tù, con lại sinh ra thích đi ở tù,... bẩm quả đi ở tù sướng quá! Đi ở tù còn có cơm để mà ăn, bây giờ về làng, về nước, một thước cắm dùi cũng không có, chả làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ, cụ lại cho con đi ở tù...". Vì thế, chỗ buông lửng đang đề cập đến có ngầm ý là "con sẽ đâm chết dăm ba thằng". Và hơn ai hết, Bá Kiến sẽ hiểu trong số "dăm ba thằng" biết đâu sẽ có cả "cụ" trong đó nữa. Bởi người liều như hắn thì có còn việc gì mà không dám! Xét truyện cười sau: Tác dụng của hô ngữ "- Anh thương, anh yêu, anh quý...- Cô vợ trẻ bắt đầu lên tiếng. Anh chồng nhanh nhảu tiếp luôn: - ... Đi xách nước, giặt quần áo, lau xe cho em! Phải không!" [15;16]. Cái vế đầu mà cô vợ đưa ra thoạt nghe cứ ngỡ đó là là lời nói của một người vợ rất yêu thương chồng. Có lẽ chỉ có anh chồng với "kinh nghiệm sống" của mình mới hiểu ý của cô vợ để đưa ra vế thứ hai - một vế trái ngược hẳn với vế đầu. 3. Kết luận Chơi chữ thể hiện rõ nét khả năng ngôn ngữ và tư duy của người phát ngôn. Tuy nhiên, tầm quan trọng về nghĩa đôi khi không phải do nghĩa quyết định mà còn do sự nhận thức và mục đích của người phát ngôn hoặc người thụ ngôn. Do đó, chơi chữ cũng phản ánh được trình độ, nhận thức của người tiếp nhận khi tiến hành “giải mã” văn bản. Bởi vậy, việc giải mã một tín hiệu ngôn ngữ không chỉ dựa vào bản thân nó mà nhiều khi phải viện dẫn đến các tri thức bên ngoài văn bản như phong tục, tập quán và văn hóa. Chính vì thế chơi chữ luôn luôn là một vấn đề thú vị. 17 Đoàn Thị Tâm TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Anh, 2003. “Chơi chữ trên báo chí”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 6, tr.10. [2] Nguyễn Trọng Báu, 2003. Đố tục giảng thanh và giai thoại chữ nghĩa. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội. [3] Đỗ Hữu Châu, 1999. Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [4] Anh Côi, 2003. Nụ cười tình yêu. Nxb Thanh Hóa. [5] Nguyễn Đức Dân, 1996. Lô gích và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [6] Nguyễn Thiện Giáp, 2002. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [7] Lê Trung Hoa- Hồ Lê, 2002. Sử dụng từ ngữ trong tiếng Việt (Thú chơi chữ), Nxb Khoa học Xã hội, Tp. Hồ Chí Minh. [8] Đinh Trọng Lạc, 1994. 99 biện pháp tu từ tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [9] Đỗ Thị Kim Liên, 1999. "Những phương thức cấu tạo hàm ngôn trong hội thoại". Kỷ yếu hội thảo "Ngữ dụng học" lần thứ nhất, Trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội & Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, tr.60-68. [10] Lê Xuân Mậu, 2004. "Đa nghĩa- vẫn là chuyện chữ nghĩa". Tạp chí Ngôn ngữ, số 6, tr.26-29. [11] Triều Nguyên, 2004. "Buông lửng câu để chơi chữ". Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 4, tr.16-18. [12] Nguyễn Thị Nhung, 2002. "Chơi chữ trên báo thiếu niên". Tạp chí Ngữ học Trẻ, tr.647-651. [13] Phạm Văn Tình, 2002. "Im lặng- một dạng tỉnh lược ngữ dụng". Tạp chí Ngôn ngữ, số 5, tr.26-30. [14] Đào Thản, 1985. "Tài chơi chữ của Nguyễn Khuyến". Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, tr.10-25. [15] Nguyễn Văn Tứ, 1996. Chuyện vui chữ nghĩa. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội. ABSTRACT Puns in Vietnamese jokes Every people has its own way to make others laugh since it is affected by both psychological and cultural aspects. Apart from natural laughter, there are those which have socially profound meaning. In many cases, laughter is a tool against the enemy named class, and negative things in society. There are various ways to make someone laugh but this article is only aimed at focusing on using puns in Vietnamese jokes. Keywords: Jokes, puns, mispronunciation, homonyms, polysemy, synonyms, antonyms. 18

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4168_dttam_4094_2132820.pdf
Tài liệu liên quan