Tài liệu Hướng tới một phác đồ xử trí viêm túi thừa đại tràng phải: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 91
HƯỚNG TỚI MỘT PHÁC ĐỒ XỬ TRÍ VIÊM TÚI THỪA ĐẠI TRÀNG PHẢI
Lê Huy Lưu*, Võ Thị Hồng Yến**, Đỗ Thị Thu Phương**, Bùi Khắc Vũ**, Nguyễn Việt Thành*,
Nguyễn Văn Hải*
TÓM TẮT
Mục tiêu: Viêm túi thừa đại tràng phải hiếm gặp ở các nước Phương Tây nhưng lại thường gặp ở các nước
Châu Á. Hiện chỉ có các hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng trái. Còn nhiều tranh cãi trong
việc đâu là điều trị tối ưu cho bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng phải: điều trị bảo tồn, cắt túi thừa hay cắt đại
tràng phải? Nghiên cứu này nhằm mục tiêu thiết lập một số hướng dẫn điều trị đối với bệnh viêm túi thừa đại
tràng phải.
Phương pháp: Đây là nghiên cứu tiền cứu, từ tháng 12/2009 đến tháng 5/2014, tổng cộng có 155 bệnh
nhân với chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng phải lần đầu, chưa biến chứng được đưa vào nghiên cứu. 81 bệnh
nhân được điều trị nội khoa với kháng sinh và tiết chế ăn ...
8 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 12/07/2023 | Lượt xem: 263 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hướng tới một phác đồ xử trí viêm túi thừa đại tràng phải, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 91
HƯỚNG TỚI MỘT PHÁC ĐỒ XỬ TRÍ VIÊM TÚI THỪA ĐẠI TRÀNG PHẢI
Lê Huy Lưu*, Võ Thị Hồng Yến**, Đỗ Thị Thu Phương**, Bùi Khắc Vũ**, Nguyễn Việt Thành*,
Nguyễn Văn Hải*
TÓM TẮT
Mục tiêu: Viêm túi thừa đại tràng phải hiếm gặp ở các nước Phương Tây nhưng lại thường gặp ở các nước
Châu Á. Hiện chỉ có các hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng trái. Còn nhiều tranh cãi trong
việc đâu là điều trị tối ưu cho bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng phải: điều trị bảo tồn, cắt túi thừa hay cắt đại
tràng phải? Nghiên cứu này nhằm mục tiêu thiết lập một số hướng dẫn điều trị đối với bệnh viêm túi thừa đại
tràng phải.
Phương pháp: Đây là nghiên cứu tiền cứu, từ tháng 12/2009 đến tháng 5/2014, tổng cộng có 155 bệnh
nhân với chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng phải lần đầu, chưa biến chứng được đưa vào nghiên cứu. 81 bệnh
nhân được điều trị nội khoa với kháng sinh và tiết chế ăn uống, 78 bệnh nhân (có 4 bệnh nhân trong nhóm điều
trị bảo tồn thất bại) được mổ nội soi cắt túi thừa (+/- cắt ruột thừa). Phương pháp điều trị ban đầu do bệnh nhân
lựa chọn. Tất cả các bệnh nhân sau điều trị được theo dõi tái phát qua hẹn tái khám hoặc gọi điện thoại.
Kết quả: Tuổi trung bình là 35,59 tuổi, tỉ lệ nam: nữ là 2: 1. Tất cả đều có biểu hiện đau bụng dưới phải và
ấn đau khu trú. Thời gian đau trung bình là 1,7 ngày (1-7 ngày). Không có sự khác biệt về lâm sàng và xét
nghiệm huyết học giữa 2 nhóm. 74 bệnh nhân trong nhóm điều trị bảo tồn thành công (chiếm 91,4%), 7 bệnh
nhân cần phải mổ cấp cứu (chiếm 8,6%): 3 cắt đại tràng phải, 4 cắt túi thừa nội soi. Không có biến chứng và tử
vong. Thời gian nằm viện trung bình là 5 ngày (1-10 ngày). Thời gian theo dõi trung bình là 35 tháng trong đó có
54 bệnh nhân vẫn còn liên lạc. 4 bệnh nhân tái phát (8,5%) với 1 bệnh nhân tái phát 2 lần. 78 bệnh nhân được cắt
túi thừa nội soi thì có 68 trường hợp thực hiện thành công, 10 trường hợp phải chuyển mổ mở. Tỉ lệ biến chứng
là 11,5%. Không có tử vong. Nằm viện trung bình là 7 ngày (3-16 ngày). Thời gian theo dõi trung bình là 44
tháng, không có tái phát.
Kết luận: Điều trị bảo tồn với kháng sinh và tiết chế ăn uống là phương pháp an toàn và hiệu quả đối với
bệnh viêm túi thừa chưa biến chứng, có thể xem như là lựa chọn ban đầu. Mặt khác, cắt túi thừa nội soi cũng là
phương pháp an toàn, hiệu quả và vừa đủ, nên được thực hiện nếu bệnh được chẩn đoán trong mổ nhằm làm
giảm tái phát.
Từ khóa: viêm túi thừa đại tràng phải, điều trị bảo tồn, cắt túi thừa nội soi.
ABSTRACT
TOWARD A THERAPEUTIC STRATEGY FOR PATIENTS WITH RIGHT SIDED DIVERTICULITIS
Le Huy Luu, Vo Thi Hong Yen, Do Thi Thu Phuong, Bui Khac Vu, Nguyen Viet Thanh,
Nguyen Van Hai * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement Vol. 21 - No 2 - 2017: 91 - 98
Purpose: Right-sided diverticulitis is a rare clinical entity in Western countries but is more common in some
Asian countries. At present, there are only guidelines for patients with acute left-sided diverticulitis.
Controversies abound as regards the optimal treatment for those with acute right colonic diverticulitis, ranging
from conservative therapy, diverticulectomy to right hemicolectomy. This study aims to establish some guidelines
for patients with right-sided diverticulitis.
Bộ môn Ngoại, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định
Tác giả liên lạc: ThS.BS Lê Huy Lưu ĐT: 0903.945397 Email: lehuyluu@yahoo.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Ngoại Khoa 92
Methods: In this prospective study, between 12/2009 and 5/2014, a total of 155 patients were consecutively
enrolled at the first attack of uncomplicated right colonic diverticulitis. 81 patients underwent a conservative
management that included bowel rest and intravenous antibiotics and 78 patients underwent laparoscopic
diverticulectomy and/or appendectomy (including 4 patients with failure to respond to conservative therapy). The
treatment was selected by the patient. All the patients were interviewed by phone or follow up after treatment to
detect any recurrence of symptoms.
Results: The median age was 35.59 years, with a male: female ratio of 2:1. All patients presented with acute
right lower abdominal pain and localized rebound tenderness. The mean duration of symptoms was 1.74 ± 1.02
days (range: 1–7 days). There were no statistically significant differences in clinical features and laboratory
findings between the two groups. 74 patients (91.4%) who received a conservative management were successfully
treated, 7 patients (8.6%) needed an urgent operation: 4 patients received a laparoscopic diverticulectomy, 3
patients received a right hemicolectomy. No morbidity and mortality. The average treatment time 5 days (1-10
days). The mean follow-up length was 35 months with 54 patients are still connected. 4 patients (5 times)
underwent recurrent right-sided colonic diverticulitis (8,5%). For the 78 patients who had laparoscopic
diverticulectomy: 68 cases were successful, 10 cases needed to open conversion. The rate of morbidity was 11.5%.
No mortality. The average treatment time 7 days (3-16 days). The patients were followed up for a median time of
44 months, there was no recurrence.
Conclusion: Conservative management with bowel rest and antibiotics could be considered as a safe and
effective treatment for uncomplicated right-sided colonic diverticulitis. This method may be considered as the
initial option. On the other hand, laparoscopic diverticulectomy is also a safe, effective and adequate treatment
method. If being diagnosed intraoperatively, this approach is advocated to decrease the recurrence rate.
Key words: right sided colonic diverticulitis, conservative treatment, laparoscopic diverticulectomy.
MỞ ĐẦU
Túi thừa là bệnh rất phổ biến ở các nước
Phương Tây, tần suất tăng theo tuổi và chủ yếu
gặp ở đại tràng bên trái. Hướng dẫn điều trị
được chấp nhận rộng rãi đối với viêm túi thừa
chưa biến chứng đó là điều trị bảo tồn (bao gồm
kháng sinh phổ rộng và tiết chế ăn uống), phẫu
thuật chỉ được chỉ định khi có các biến chứng
cấp tính như thủng gây viêm phúc mạc hay áp
xe lớn. Phẫu thuật cũng được xem xét cho các
biến chứng hay di chứng do bệnh diễn tiến mãn
tính như tắc ruột, xơ hẹp, rò hay bệnh tái phát
nhiều lần. Túi thừa bên phải thì rất hiếm gặp.
Ngược lại, ở các quốc gia Phương Đông thì
bệnh túi thừa chủ yếu ở bên phải và ngày càng
được phát hiện nhiều. Do vẫn chưa có hướng
dẫn điều trị cho nên nhiều người mặc nhiên áp
dụng điều trị cho bệnh nhân viêm túi thừa đại
tràng phải theo cách giống như áp dụng với
bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng trái. Tuy
nhiên, có rất nhiều khác biệt giữa 2 nhóm đối
tượng bệnh này về tuổi tác, bệnh nội khoa đi
kèm, đặc điểm cấu tạo túi thừa, số lượng túi thừa
cũng như các biến chứng gặp phải khi can thiệp
lên đại tràng phải và trái cũng khác nhau (đại
tràng trái có nguy cơ biến chứng nhiều hơn). Vì
vậy cho nên chúng ta không nên áp dụng một
cách máy móc mà chưa có đánh giá chặt chẽ.
Một số bác sĩ có xu hướng chỉ định mổ cắt
đại tràng vì họ cho rằng đó là phương pháp điều
trị triệt để. Các lý do ủng hộ cho quan điểm này
là: một là bệnh thường xảy ra ở người trẻ, nếu
không điều trị triệt để thì dễ bị tái phát trong
tương lai vì thời gian sống của họ còn rất dài; hai
là việc mổ cắt đại tràng trên bệnh nhân trẻ lại ít
gặp rủi ro; ba là mổ đại tràng bên phải tương đối
an toàn. Thêm lý do nữa là, do hay bị chẩn đoán
nhầm với viêm ruột thừa nên bệnh thường bị
chẩn đoán trong mổ,”đã bị mổ rồi mà không can
thiệp gì cho triệt để hơn thì thấy tiếc”và sẽ là
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 93
thảm hoạ nếu sau mổ bệnh diễn tiến xấu, bệnh
nhân phải mổ lại trong tình trạng xấu hơn.
Một số khác thì có xu hướng điều trị bảo tồn
vì họ cho rằng nhiều nghiên cứu cho thấy diễn
tiến bệnh thường có biểu hiện nhẹ và tự giới
hạn. Các nghiên cứu còn cho thấy tỉ lệ tái phát
thấp và điều trị bảo tồn vẫn thành công rất cao
đối với các bệnh nhân này. Hơn nữa, với điều trị
bảo tồn thành công thì chúng ta sẽ có nhiều thời
gian để đánh giá kỹ hơn bệnh nhân cũng như
chuẩn bị phương án xử trí tốt nhất cho họ về sau.
Tuy nhiên, các nghiên cứu hầu hết là hồi cứu, số
lượng không nhiều và thời gian theo dõi thường
ngắn. Chính vì vậy các tranh cãi vẫn còn tiếp tục.
Nhờ sự phát triển và phổ biến của các
phương tiện chẩn đoán hình ảnh cũng như ý
thức chẩn đoán của các nhà lâm sàng ngày càng
cao nên việc chẩn đoán trước mổ bệnh viêm túi
thừa đại tràng phải ngày càng nhiều. Mặt khác,
do dễ lầm với viêm ruột thừa nên tình huống túi
thừa viêm được chẩn đoán trong mổ cũng
thường gặp, lúc này nên xử trí thế nào cũng là
một vấn đề làm đau đầu các nhà lâm sàng. Nhu
cầu có 1 hướng dẫn điều trị là rất bức thiết. Thật
ra, các tranh cãi chủ yếu xảy ra ở nhóm viêm cấp
tính không biến chứng, còn khi đã có biến chứng
thì việc mổ không còn phải bàn cãi. Vì vậy,
nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào nhóm
đối tượng viêm túi thừa đại tràng phải chưa biến
chứng. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm bước
đầu thiết lập một hướng dẫn điều trị phù hợp
cho bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng phải.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu: đây là nghiên cứu
tiến cứu thực hiện ở nhóm bệnh nhân được
chẩn đoán là viêm túi thừa cấp tính của đại
tràng phải, chưa có biến chứng (không có
viêm phúc mạc hoặc áp xe). Được chia làm 2
nhóm điều trị khác nhau tuỳ theo lựa chọn của
bệnh nhân. Kết quả được thu thập, phân tích
và so sánh để rút ra kết luận.
Chẩn đoán: để đối tượng nghiên cứu chính
xác là bệnh viêm túi thừa đại tràng phải,
chúng tôi chỉ chọn những bệnh nhân được
chẩn đoán bằng các phương tiện có độ đặc
hiệu cao với các dấu hiệu đặc hiệu. Chúng tôi
dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (MSCT)
đối với những bệnh nhân điều trị bảo tồn, đối
tượng được chọn phải có hình ảnh của túi
thừa rõ. Các bệnh nhân mổ thì phải có thấy
được cấu trúc túi thừa khi phẫu tích.
Thu thập dữ liệu
Thông số trước điều trị: tuổi, giới, thời
gain đau, vị trí đau, kiểu di chuyển đau, nhiệt
độ, bạch cầu, các đặc điểm của túi thừa trên
MSCT (số lượng, vị trí, kích thước, tình trạng,
sỏi phân, thủng...).
Thông số điều trị và kết quả: kháng sinh
(loại, số lượng, hàm lượng, thời gian dùng),
thông tin cuộc mổ (thương tổn trong mổ, thời
gian mổ, tai biến...), thời gian phục hồi, ăn uống,
nằm viện...
KẾT QUẢ
Đặc điểm lâm sàng
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2009 đến
tháng 5/2014, tại bệnh viện Nhân dân Gia Định,
chúng tôi đã chọn và đưa vào nghiên cứu tổng
cộng 155 bệnh nhân (BN) viêm túi thừa đại tràng
phải, gồm 103 nam và 52 nữ (tỉ lệ nam: nữ # 2:1),
với tuổi trung bình là 35,59 ± 12,83 (nhỏ nhất là
15, lớn nhất là 80) và được phân vào 2 nhóm như
sau: 81 trường hợp (TH) điều trị bảo tồn (ĐTBT)
và 78 TH mổ cắt túi thừa nội soi (CTTNS). Trong
số 78 TH CTTNS, có 4 trường hợp trong nhóm
điều trị bảo tồn thất bại phải chỉ định mổ và
được cắt túi thừa qua nội soi. Hai nhóm tương
đồng về tuổi cũng như giới (Bảng 1).
Tất cả các bệnh nhân đều vào viện vì đau
bụng. Thời gian đau bụng trung bình của 2
nhóm là 1,74 ± 1,02 ngày (1 – 7 ngày), trong đó
54,1% bệnh nhân đau 1 ngày, 79,2% TH đau
trong 2 ngày và 96,9% TH đau 3 ngày. Đa số biểu
hiện đau ở hố chậu phải, không di chuyển và
cường độ đau ít. Các chỉ số này khá tương đồng
ở 2 nhóm. Biểu hiện đáp ứng viêm bao gồm
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Ngoại Khoa 94
nhiệt độ và số lượng bạch cầu trong máu cũng
tương đồng (Bảng 1).
Bảng 1. Một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng
Đặc điểm
Nhóm
ĐTBT CTTNS
Tuổi 36,2 ± 12,53 34,54 ± 13,26
Giới Nam
Nữ
51
30
54
24
Thời gian
đau
Trung bình
1 ngày
2 ngày
3 ngày
1,7 ± 1,01 (1
-7)
54,3%
82,7%
96,3%
1,77 ± 1,04 (1–
7)
53,8%
75,6%
97,4%
Nhiệt độ (
o
C) 38,1 ± 0,67 38,1 ± 0,66
Số lượng BC (K/uL) 12,51 ± 3,17 12,3 ± 2,79
Chẩn đoán hình ảnh
Nhóm điều trị bảo tồn: chẩn đoán dựa chủ
yếu vào hình ảnh MSCT (Bảng 2):
Bảng 2. Đặc điểm và số lượng túi thừa trên MSCT
Đặc điểm túi thừa Số bệnh
nhân
Tỉ lệ %
Số lượng túi thừa 1
2
3
Rải rác > 3
Nhiều
47
4
3
23
4
58
4,9
3,7
28,4
4,9
Trước/sau phúc mạc Trước phúc mạc 43 53,1
Sau phúc mạc 38 46,9
Vị trí túi thừa viêm
chính
Manh tràng
Đại tràng lên
Đại tràng góc gan
38
39
4
Hình ảnh sỏi phân Có 8 9,9
Không có 73 90,1
Khí cạnh túi thừa,
đại tràng
Có 5 6,2
Không có 76 93,8
Dày thành đại tràng Chỉ viêm túi thừa 1 1,2
Dày quanh túi
thừa
43 53,1
Dày hết chu vi 37 45,7
Nhóm cắt túi thừa nội soi: có gần 50% (38/78
TH) được chẩn đoán trong mổ, tất cả trong số
này chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa hoặc
không loại trừ được viêm ruột thừa. Phần lớn
bệnh nhân trong nhóm này không được chụp
MSCT vì chỉ nghĩ viêm ruột thừa và chỉ định mổ
hoặc nội soi thám sát. Siêu âm chỉ xác định viêm
túi thừa ở 30 TH dù đặc điểm mô tả gợi ý viêm
túi thừa không phải ít (Bảng 3).
Bảng 3. Siêu âm của nhóm mổ
Kết luận siêu âm Số bệnh nhân Tỉ lệ (%)
Viêm túi thừa 30 38,5
Mô tả nhưng không kết luận 1 1,3
Chẩn đoán lầm 38 48,7
Không khảo sát được 9 11,5
Tổng 78 100
Kết quả điều trị
Nhóm điều trị bảo tồn
Thời gian dùng kháng sinh đường tĩnh mạch
trung bình là 4,02 ± 1,58 ngày (0-10 ngày), có 1
trường hợp không dùng kháng sinh, 1 trường
hợp chỉ định mổ nhưng chỉ phải cắt ruột thừa
nên vẫn xem như điều trị bảo tồn viêm túi thừa
thành công. Kết quả thể hiện ở bảng 4:
Bảng 4. Kết quả điều trị bảo tồn
Kết quả Số bệnh nhân % % tích luỹ
Thành công 73 90,1 90,1
Mổ cắt ruột
thừa
1 1,2 91,4
Mổ cắt túi thừa 4 4,9 96,3
Mổ cắt đại tràng 3 3,7 100
Tổng 81 100
Thời gian nằm viện chung là 4,95 ± 1,82 ngày
(1-10 ngày), nếu tính riêng nhóm điều trị bảo tồn
thành công là 4,58 ± 1,45 ngày (1-8 ngày).
Nhóm cắt túi thừa nội soi
Đa số túi thừa phát hiện trong mổ là ở manh
tràng hoặc góc hồi manh tràng. 82% chỉ thấy 1
túi thừa, 9% có 2 túi thừa viêm, 9% còn lại nghi
ngờ có nhiều túi thừa. Về vị trí túi thừa so với
nếp phúc mạc thì phần lớn các trường hợp túi
thừa nằm trước phúc mạc (62 TH, chiếm 79,5%).
Chỉ có 24 trường hợp thấy có sỏi phân trong túi
thừa lúc mổ (30,8%). 65 trường hợp đặt dẫn lưu
sau mổ (83,3%).
Mổ nội soi cắt túi thừa thành công trong 68
trường hợp (87,2%), 10 trường hợp chuyển mổ
mở (chiếm 12,8%). 68 trường hợp có kèm cắt ruột
thừa, 7 trường hợp để lại ruột thừa, 3 trường hợp
ruột thừa đã được cắt trước. Thời gian mổ trung
bình là 109 phút (50 - 230 phút).
Có 9 trường hợp có biến chứng, chiếm 11,5%
(Bảng 5). Không trường hợp nào tử vong. Nằm
viện trung bình sau mổ là 7 ngày (3-16 ngày).
Bảng 5. Biến chứng sau mổ
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 95
Biến chứng Số bệnh
nhân
Xử trí Ghi chú
Thủng ruột non 1 Mổ lại Tai biến không
phát hiện trong mổ
Chảy máu 1 Nội khoa Bệnh nhân dùng
kháng đông
Sốt ác tính 1 Nội khoa Tai biến do thuốc
mê, NV 15 ngày
Viêm phổi 1 Nội khoa Bệnh nhân lao
phổi
Bí tiểu do u xơ 1 Cắt đốt UXTLT NV niệu 15 ngày,
Tiêu hoá 8 ngày
Nhiễm trùng
vết mổ
3 Chăm sóc tại
chỗ
Liệt ruột sớm
sau mổ
1 Nội khoa Nằm viện 10 ngày
Theo dõi
Nhóm điều trị bảo tồn
Trong quá trình theo dõi có 22 TH không liên
lạc được sau lần khám đầu tiên (tháng đầu), đến
nay tiếp tục mất liên lạc thêm 5 TH nữa. Hiện
còn 54 TH vẫn còn liên lạc, chiếm 66,7% bao gồm
cả 7 bệnh nhân đã mổ.
7 TH đã mổ không đưa vào theo dõi trong
nhóm điều trị bảo tồn, nên còn lại 47 TH tiếp
tục được theo dõi tái phát và các vấn đề liên
quan. Thời gian theo dõi trung bình là 32,73 ±
22,77 tháng (1-56 tháng), riêng nhóm 47 BN
còn liên lạc là 49,51 ± 3,33 tháng (45 -56 tháng).
4 bệnh nhân tái phát (8,5%) với 1 bệnh nhân
tái phát 2 lần.
Nhóm cắt túi thừa nội soi
Thời gian theo dõi trung bình là 44 tháng
(lâu nhất theo dõi được 81 tháng), 1 bệnh nhân
loại ra khỏi quá trình theo dõi do mổ cắt đại
tràng phải sau 1 tháng (ung thư đại tràng góc
gan, lần mổ trước không phát hiện được). Xem
xét lại giải phẫu bệnh của bệnh nhân này khi cắt
túi thừa thì vẫn xác định đúng mô túi thừa viêm
cấp tính. Không trường hợp nào tái phát, 6
trường hợp đôi lúc cảm giác khó chịu vùng mổ.
BÀN LUẬN
Một phác đồ điều trị đầy đủ cho bệnh túi
thừa đại tràng phải vẫn còn là vấn đề tranh cãi.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng điều trị nội
khoa bảo tồn sẽ đưa đến biến chứng và tỉ lệ tái
phát cao(4,5,12). Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho
thấy rằng, điều trị nội khoa bảo tồn là một
phương pháp an toàn, hiệu quả, có tỉ lệ tái phát
chấp nhận được và thậm chí vẫn tiếp tục hiệu
quả khi bệnh tái phát mà không cần phải phẫu
thuật(10,11,7,13). Nhưng các kết quả này bị hạn chế
do hầu hết là nghiên cứu hồi cứu. Do đó, chúng
tôi tiến hành một nghiên cứu tiền cứu để có cái
nhìn chính xác hơn về các phương pháp điều trị
cho bệnh lý này.
Một nỗi lo chung của bệnh nhân cũng như
bác sĩ đó là điều trị bảo tồn thất bại và như vậy
bệnh nhân phải mổ trong tình trạng xấu hơn, tổn
thương nặng hơn. Đặc biệt là điều trị bảo tồn
trong tình huống bệnh được chẩn đoán trong
mổ, nếu thất bại bệnh nhân bị mổ lại sẽ tạo tâm
lý không tốt. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy
là hầu hết các nghiên cứu mới gần đây công bố
trên y văn đều cho thấy tỉ lệ thành công cao của
điều trị bảo tồn. Có thể nêu tóm tắt kết quả vài
nghiên cứu khá quy mô với số lượng bệnh nhân
khá lớn sau đây (Bảng 6).
Bảng 6. Một số nghiên cứu về viêm túi thừa đại tràng phải
Năm Tác giả Số BN Tuổi TB Thành công Tái phát Theo dõi (tháng) Loại nghiên
cứu
2004 Komuta
(6)
81 47,3 98,8% 20,5% 28,2 Hồi cứu
2006 Yang
(5)
88 44 98,9% 12,6% 15,1 Hồi cứu
2007 Moon
(3)
55 38,4 100% 3,6% 23,9 Hồi cứu
2010 Matsushima
(8)
100 43,4 100% 8,4% Hồi cứu
2010 Kim
(9)
69 40,4 17,9% 34,3 Hồi cứu
2011 Kim
(4)
61 37,4 100% 13,1% 60,1 Tiền cứu
2012 Issa
(2)
15 52 100% 6,6% 32 Hồi cứu
2014 Park
(10)
104 40,1 19,2% 36,9 Tiền cứu
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Ngoại Khoa 96
Điều này cũng được thể hiện trong kết quả
nghiên cứu của chúng tôi. Với tỉ lệ thành công
của nhóm điều trị bảo tồn lên tới 91,4%, thậm chí
4/7 bệnh nhân được chỉ định mổ cũng vẫn có thể
hy vọng bảo tồn thành công nếu kiên nhẫn hơn
vì tổn thương chưa quá nặng, vẫn thực hiện
được phẫu thuật cắt túi thừa. Một số trường hợp,
kết quả MSCT có thể làm chúng ta hoang mang
như viêm túi thừa thủng (có khí cạnh đại tràng)
nhưng nếu kết hợp với biểu hiện lâm sàng chỉ
khu trú và các dấu hiệu khác trên MSCT như tổn
thương được bao bọc tốt, không có khí tự do hay
tụ dịch... thì vẫn có thể điều trị nội khoa. Hoặc
ngược lại, một số trường hợp biểu hiện lâm sàng
có vẻ nặng như sốt cao, đau nhiều hay thậm chí
có cảm ứng phúc mạc, đề kháng... nhưng nếu
hình ảnh MSCT chưa thể hiện các biến chứng
nặng thì chúng ta vẫn có thể điều trị bảo tồn.
Chúng tôi có 5 trường hợp có khí cạnh đại tràng,
4 trường hợp có mức độ đau nhiều, tất cả đều
được điều trị bảo tồn thành công. Nghiên cứu
này một lần nữa khẳng định bệnh có diễn tiến
nhẹ và đáp ứng với điều trị bảo tồn. Tỉ lệ tái phát
theo dõi qua 4 năm cũng khá thấp và tất cả đều
được điều trị nội khoa thành công. Kết quả này
càng có ý nghĩa vì đây là nghiên cứu tiền cứu.
Trong khi đó, gần đây rất ít nghiên cứu ủng
hộ chuyện mổ cắt đại tràng để điều trị viêm túi
thừa đại tràng phải. Xu hướng can thiệp phẫu
thuật ngày một ít đi, các báo cáo cổ vũ cho phẫu
thuật thường là nhiều năm trước, gần đây hầu
như không có. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt túi thừa
thì chưa được đánh giá, cắt túi thừa nội soi thì lại
càng ít được thực hiện. Cho tới nay chúng tôi
chưa tìm thấy trong y văn báo cáo nào có số
lượng bệnh nhân được mổ cắt túi thừa nội soi
tương đương với nghiên cứu của chúng tôi, chỉ
có vài báo cáo các ca lâm sàng ít ỏi về thực hiện
cắt túi thừa nội soi(1,2,15,16). Vì vậy, hiệu quả của
mổ cắt túi thừa nội soi vẫn chưa được đánh giá
đúng mức, ưu nhược điểm của cách tiếp cận này
vẫn chưa được thảo luận nhiều, vai trò của nó ra
sao trong phác đồ điều trị viêm túi thừa đại
tràng phải vẫn còn là dấu hỏi. Rất cần phải tiếp
tục nghiên cứu, vì rõ ràng với việc áp dụng mổ
nội soi thì các vần đề như đau sau mổ, hồi phục
và các biến chứng liên quan sẽ thay đổi đáng kể
chứ không thể như các báo cáo về cắt đại tràng
hay mổ mở cắt túi thừa. Do bệnh dễ lầm với
viêm ruột thừa và phẫu thuật nội soi áp dụng
trong cắt ruột thừa rất phổ biến nên tình huống
phát hiện viêm túi thừa trong mổ nội soi khá
thường gặp, khi đó nên xử lý ra sao nhất là gặp
các tổn thương khiến ta phân vân không chắc
điều trị nội thành công?
Một số quan điểm xử trí khi phát hiện túi
thừa trong mổ
Fang(4) cho rằng, phẫu thuật triệt để (cắt đại
tràng hoặc cắt túi thừa) nên được thực hiện một
khi chẩn đoán xác định. Ông cũng cho rằng viêm
túi thừa đại tràng phải không phải luôn có diễn
tiến nhẹ và tự giới hạn như các tác giả khác kết
luận mà rất thay đổi, có thể nặng vì tỉ lệ thủng
túi thừa trong nghiên cứu là 32%. Ông cũng dẫn
chứng vài nghiên cứu khác có tỉ lệ thủng túi thừa
cao để bảo vệ quan điểm của mình (như Harada
30% thủng, Ngoi là 37%, Lo là 61%).
Chiu và cộng sự(3) công bố 1 báo cáo 30 bệnh
nhân viêm túi thừa đại tràng phải được chẩn
đoán trong mổ do lầm với viêm ruột thừa. 14
bệnh nhân được mổ cắt túi thừa kèm cắt ruột
thừa, 16 bệnh nhân còn lại chỉ cắt ruột thừa. Cả 2
nhóm này đều tương đồng về các đặc điểm nhân
trắc học, lâm sàng và các chế độ điều trị sau mổ.
Không có tái phát ở nhóm chỉ cắt ruột thừa sau
thời gian theo dõi trung bình là 34 tháng (11-78
tháng). Thậm chí nhóm cắt túi thừa có thời gian
mổ dài hơn, 1 bệnh nhân bị nhiễm trùng vết mổ.
Tác giả khuyên nên điều trị bảo tồn nếu được
chẩn đoán trước mổ và chỉ cần cắt ruột thừa nếu
chẩn đoán trong mổ. Tương tự như vậy,
Harada(5) cũng cho rằng, nếu chẩn đoán trong
mổ mà không có bằng chứng của thủng hay áp
xe thì chỉ cần cắt ruột thừa kết hợp vối điều trị
kháng sinh sau mổ là đủ. Với số lượng lớn hơn,
Leung và cộng sự(9) hồi cứu trong 20 năm, 74
trường hợp viêm túi thừa đại tràng phải chưa
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Ngoại Khoa 97
biến chứng được mổ, trong đó 38 trường hợp mổ
cắt triệt để túi thừa (bao gồm cắt đại tràng phải,
cắt hồi manh tràng và cắt túi thừa) và 36 trường
hợp chỉ cắt ruột thừa. Kết quả cho thấy nhóm cắt
đại tràng diễn tiến nặng nề hơn, hồi phục chậm
hơn, dùng giảm đau nhiều hơn, nằm viện lâu
hơn, biến chứng cao hơn trong khi tỉ lệ tái phát
phải nhập viện lại thì không khác biệt và thấp.
Ngoi(12) thì quan điểm dung hoà, khuyến cáo
cắt túi thừa trong trường hợp viêm thủng, cắt đại
tràng chỉ nên xem xét nếu bệnh tái phát nhiều
lần hoặc không loại trừ ung thư. Papaziogas(14)
thì cho rằng nên cắt túi thừa và xem đây là cách
điều trị vừa đủ, tuy nhiên báo cáo của ông chỉ có
5 trường hợp.
In Kyu Lee thì có quan điểm rõ ràng và
thuyết phục hơn về cắt túi thừa. Ông đồng ý
điều trị nội khoa nếu chẩn đoán được chắc chắn
trước điều trị là viêm túi thừa đại tràng phải
không biến chứng. Nhưng nếu phát hiện trong
mổ thì nên cắt túi thừa vì với kinh nghiệm khá
nhiều trong việc cắt túi thừa (32 trường hợp cắt
hở và 14 trường hợp cắt nội soi) thì ông nhận
thấy đây là an toàn, ít biến chứng và đem lại khả
năng triệt để cho bệnh nhân(8,6,7).
Chúng tôi có tỉ lệ cắt túi thừa nội soi thành
công lên tới 87,2%, diễn tiến hậu phẫu khá nhẹ
nhàng, nằm viện ngắn, không có tái phát trong
thời gian theo dõi. Như vậy, nếu được trang bị
phương tiện tốt, phẫu thuật viên có kỹ năng
phẫu tích và kỹ thuật khâu qua nội soi khéo léo,
tình trạng bệnh nhân và đại tràng cho phép thì
chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện cắt túi thừa
nội soi. Đây cũng được xem là cách điều trị nhẹ
nhàng và vừa đủ vì bệnh nhân giữ được đại
tràng mà có cơ hội điều trị triệt để, tránh tái phát
hay các di chứng do túi thừa viêm gây ra.
Tuy nhiên, dù không có tử vong nhưng với tỉ
lệ biến chứng hơn 11% trong đó khá nhiều biến
chứng có thể tránh nếu không phẫu thuật thì
phẫu thuật cắt túi thừa vẫn không nên là lựa
chọn ban đầu hay áp dụng cho các đối tượng có
rủi ro phẫu thuật. Ngoài ra, cho dù phẫu thuật
thành công thì bệnh nhân vẫn không chắc hết
bệnh túi thừa vì bệnh nhân vẫn có thể còn các túi
thừa khác không thấy được trong mổ. Từ nghiên
cứu của chúng tôi cũng thấy rõ, nhóm có hình
ảnh MSCT phát hiện nhiều túi thừa hơn rõ rệt so
với phát hiện trong mổ, tỉ lệ có nhiều hơn 1 túi
thừa lên tới 42%. Rõ ràng, nếu không có công cụ
chẩn đoán hình ảnh tin cậy, có độ nhạy cao thì
việc bỏ sót hay không phát hiện được túi thừa
trong mổ là khá cao.
Trong thời gian nghiên cứu, dù tiêu chuẩn
chọn bệnh của 2 nhóm như nhau, phân chia vào
2 nhóm nghiên cứu dựa vào sự quyết định của
bệnh nhân trong việc lựa chọn phương pháp
điều trị nào. Dù thời điểm lấy mẫu của nhóm
điều trị bảo tồn được bắt đầu muộn hơn nhưng
nhanh chóng đạt được cỡ mẫu cần thiết (khoảng
1 năm) trong khi nhóm mổ cần tới 4 năm. Điều
này cho thấy tâm lý e ngại phẫu thuật, đồng thời
cũng cho thấy sự phiền toái do bệnh chưa tác
động nhiều tới bệnh nhân (khi bệnh ảnh hưởng
nhiều tới bệnh nhân ví dụ như đau nhiều thì
thậm chí có người tự động đòi được mổ). Đây
cũng là một yếu tố để chúng ta xem xét lựa chọn
phương pháp điều trị. Nhưng khi đã rơi vào tình
huống đã mổ rồi thì lại có xu hướng muốn điều
trị triệt để.
Từ kết quả nghiên cứu cũng như phân tích y
văn, chúng tôi bước đầu đưa xây dựng một phác
đồ xử trí bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng phải
như sau (Hình 1):
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Ngoại Khoa 98
Hình 1. Lưu đồ xử trí viêm túi thừa đại tràng phải
KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu cho thấy điều trị bảo tồn
có tỉ lệ thành công cao với tỉ lệ tái phát chấp
nhận được. Vì vậy, phương pháp này nên là lựa
chọn đầu tiên cho những trường hợp viêm túi
thừa đại tràng phải. Cắt túi thừa nội soi là một
phẫu thuật nhẹ nhàng, an toàn và hiệu quả.
Phương pháp này nên là một trong các lựa chọn
tiếp theo cho bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng
phải, đặc biệt là các bệnh nhân trẻ, không có các
bệnh lý đi kèm và túi thừa đơn độc, đặc biệt là
khi phát hiện trong mổ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Basili G, Celona G, Lorenzetti L et al (2006).
Laparoscopic treatment of caecal diverticulitis. Chir
Ital, 58(1), pp. 55-9.
2. Chelala E, Panomarenco T, Alle JL (2012).
Laparoscopic selective diverticulectomy of the colon
as first treatment in acute complicated diverticulitis.
Acta Chir Belg, 112(3), pp. 234-6.
3. Chiu PW, Lam CY, Chow TL et al (2001). Conservative
approach is feasible in the management of acute
diverticulitis of the right colon. ANZ J Surg, 71 (11),
pp. 634-6.
4. Fang JF, Chen RJ, Lin BC et al (2003). Aggressive
resection is indicated for cecal diverticulitis. Am J
Surg, 185(2), pp. 135-40.
5. Harada RN, Whelan TJ (1993). Surgical management
of cecal diverticulitis. Am J Surg, 166(6), pp. 666-9;
discussion 669-71.
6. Lee IK (2010). Right colonic diverticulitis. J Korean Soc
Coloproctol, 26(4), pp. 241-5.
7. Lee IK, Kim SH, Lee YS et al (2007). Diverticulitis of
the right colon: tips for preoperative diagnosis and
treatment strategy. J Korean Soc Coloproctol, 23(4), pp.
223-231.
8. Lee IK, Lee YS, Kim SJ et al (2010). Laparoscopic and
open surgery for right colonic diverticulitis. Am Surg,
76(5), pp. 486-91.
9. Leung WW, Lee JF, Liu SY, et al (2007). Critical
appraisal on the role and outcome of emergency
colectomy for uncomplicated right-sided colonic
diverticulitis. World J Surg, 31(2), pp. 383-7.
10. Lo CY, Chu KW (1996). Acute diverticulitis of the
right colon. Am J Surg, 171(2), pp. 244-6.
11. Moon HJ, Park JK, Lee JI et al (2007). Conservative
treatment for patients with acute right colonic
diverticulitis. Am Surg, 73(12), pp. 1237-41.
12. Ngoi SS, Chia J, Goh MY et al (1992). Surgical
management of right colon diverticulitis. Dis Colon
Rectum, 35(8), pp. 799-802.
13. Oudenhoven LF, Koumans RK, Puylaert JB (1998).
Right colonic diverticulitis: US and CT findings - new
insights about frequency and natural history.
Radiology, 208, pp. 611-618.
14. Papaziogas B, Makris J, Koutelidakis I et al (2005).
Surgical management of cecal diverticulitis: is
diverticulectomy enough?. Int J Colorectal Dis, 20(1),
pp. 24-7.
15. Rubio PA (1994). Laparoscopic resection of a solitary
cecal diverticulum. J Laparoendosc Surg, 4(4), pp. 281-5.
16. Uwechue RU, Richards ER, Kurer M (2012). Stapled
diverticulectomy for solitary caecal diverticulitis. Ann
R Coll Surg Engl, 94(8), pp. e235-6.
Ngày nhận bài báo: 01/12/2016
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 22/12/2016
Ngày bài báo được đăng: 01/03/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- huong_toi_mot_phac_do_xu_tri_viem_tui_thua_dai_trang_phai.pdf