Tài liệu Hoạt động trải nghiệm sáng tạo – lí thuyết và vận dụng trong dạy học Tiểu học: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0035
Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1A, pp. 98-108
This paper is available online at
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO
– LÍ THUYẾT VÀ VẬN DỤNG TRONG DẠY HỌC TIỂU HỌC
Dương Giáng Thiên Hương
Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Học tập trải nghiệm, hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo hay học tập thông
qua trải nghiệm là những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong giai đoạn đổi mới giáo dục
ở nước ta gần đây. Mặc dù đã xuất hiện những nghiên cứu về giáo dục trải nghiệm, học tập
thông qua trải nghiệm vào những năm 80 của thế kỉ XX, song tại Việt Nam, những nghiên
cứu chuyên sâu về triết lí học tập này, cụ thể hơn là các hoạt động trải nghiệm sáng tạo
cũng như việc vận dụng nó vào các cấp học bậc học vẫn còn là một khoảng trống. Dưới các
góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu giáo dục cũng đưa ra những khái niệm,
đặc điểm, cách vận dụng hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo các cách ...
11 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 419 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoạt động trải nghiệm sáng tạo – lí thuyết và vận dụng trong dạy học Tiểu học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0035
Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1A, pp. 98-108
This paper is available online at
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO
– LÍ THUYẾT VÀ VẬN DỤNG TRONG DẠY HỌC TIỂU HỌC
Dương Giáng Thiên Hương
Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Học tập trải nghiệm, hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo hay học tập thông
qua trải nghiệm là những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong giai đoạn đổi mới giáo dục
ở nước ta gần đây. Mặc dù đã xuất hiện những nghiên cứu về giáo dục trải nghiệm, học tập
thông qua trải nghiệm vào những năm 80 của thế kỉ XX, song tại Việt Nam, những nghiên
cứu chuyên sâu về triết lí học tập này, cụ thể hơn là các hoạt động trải nghiệm sáng tạo
cũng như việc vận dụng nó vào các cấp học bậc học vẫn còn là một khoảng trống. Dưới các
góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu giáo dục cũng đưa ra những khái niệm,
đặc điểm, cách vận dụng hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo các cách thức khác nhau. Bài
báo đề cập đến lí thuyết về hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo (gọi tắt là hoạt động
trải nghiệm sáng tạo - HĐTNST) dưới góc độ một hình thức tổ chức giáo dục, mô tả khái
niệm, các hình thức HĐTNST và quy trình tổ chức các HĐTNST trong dạy học ở tiểu học
hiện nay.
Từ khóa: Học tập trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tiểu học.
1. Mở đầu
Tư tưởng giáo dục về học qua trải nghiệm (experiential education) đã xuất hiện sơ khai từ
thời cổ đại, song nó chỉ thực sự phát triển và trở thành một tư tưởng giáo dục chính thống và phát
triển thành học thuyết khi có những công trình nghiên cứu của các nhà tâm lí học, giáo dục học nổi
tiếng trên thế giới. Từ cuối thế kỉ XIX, xuất hiện mô hình dạy học trải nghiệm đầu tiên trên thế giới
là mô hình về nghiên cứu ứng dụng và đào tạo thực nghiệm của nhà tâm lí học Kurt Lewin. Lewin
nhấn mạnh tới sự kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết và thực hành. Ông thấy rằng, việc học có thể đạt
hiệu quả tối đa khi có mối quan hệ chặt chẽ giữa kinh nghiệm cá nhân và việc phân tích giải quyết
nhiệm vụ học tập. Nhắc đến học thuyết giáo dục trải nghiệm, phải nhắc đến quan điểm “học qua
làm, học bắt đầu từ làm” của John Deway. Với triết lí giáo dục đề cao vai trò kinh nghiệm, từ giữa
thế kỉ XX, ông đã đưa ra được quan điểm về vai trò của kinh nghiệm trong giáo dục. Ông cũng chỉ
ra rằng, kinh nghiệm giúp nâng cao hiệu quả của giáo dục bằng cách kết nối người học, kiến thức
học với thực tiễn cuộc sống, vì thế cần đưa các loại bài tập như nghề làm vườn, dệt, mộc... vào nhà
trường [7]. David Kolb nghiên cứu chu trình học từ trải nghiệm. Theo ông, các bước của học tập
trải nghiệm bao gồm kinh nghiệm cụ thể, quan sát phản chiếu, khái niệm hóa và thử nghiệm tích
cực.Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều các nhà giáo dục học hiện đại như Willingham, Conrad và
Ngày nhận bài: 11/11/2016. Ngày nhận đăng: 20/2/2017
Liên hệ: Dương Giáng Thiên Hương, e-mail: huongdgt@hnue.edu.vn
98
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo – lí thuyết và vận dụng trong dạy học tiểu học
Hedin, Druism, Owens và Owens, Karen Warren... [3-5]. Đối với các nước có nền giáo dục phát
triển, đặc biệt là các nước tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng
lực, HĐTNST được quan tâm và triển khai dưới nhiều góc độ. Trong khu vực châu á, từ năm 1973,
học tập trải nghiệm đã được Hồng Kông áp dụng thông qua việc dạy học qua hoạt động tham
quan, dã ngoại. Tư tưởng này tiếp tục phát triển ở các nước châu á khác như Singapore, Đài Loan,
Hàn Quốc, Trung Quốc...Dạy học trải nghiệm sáng tạo có một bước tiến quan trọng hơn khi vào
năm 2002, chương trình “Dạy học vì một tương lai bền vững” đã được UNESCO thông qua. Trong
chương trình này có phần quan trọng về học qua trải nghiệm sáng tạo.
Ở Việt Nam, từ thời kì đầu của nền giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Học đi
đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.” Mặc dù cũng
đã được vận dụng trong nhiều loại hình trường, song lí thuyết về hoạt động trải nghiệm sáng tạo
vẫn còn vô cùng mới mẻ. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ra đời, trong đó xuất
hiện khái niệm mới “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”. Trong dự thảo nêu rõ, theo định hướng đổi
mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 thì các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động
trải nghiệm sáng tạo được cấu trúc thành một hệ thống chỉnh thể, thống nhất từ cấp tiểu học đến
cấp trung học phổ thông. HĐTNST dành cho tất cả các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 giúp HS vận
dụng những tri thức, kiến thức, kĩ năng, thái độ đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm bản
thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo [1]. Đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu,
các tác giả luận văn, luận án cũng đưa ra những kết quả nghiên cứu về HĐTNST trong thời gian
gần đây theo hướng tổng hợp lí thuyết, vận dụng HĐTNST trong dạy học một số môn học ở THPT,
THCS hay tiểu học. Có thể kể đến các tác giả như Nguyễn Thị Chi, Nguyễn Thị Liên, Tưởng Duy
Hải, Đinh Thị Kim Thoa... [1-3].
Có thể nói, mặc dù hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã xuất hiện và phát triển từ lâu trên thế
giới nhưng ở Việt Nam thì đây vẫn còn là một hình thức mới mẻ, đang trên đường khẳng định dần
vị thế của mình trong giáo dục bởi tính tích cực của nó. Bài báo đề cập đến lí thuyết về hoạt động
học tập trải nghiệm sáng tạo (gọi tắt là hoạt động trải nghiệm sáng tạo - HĐTNST) dưới góc độ
một hình thức tổ chức giáo dục, mô tả khái niệm, các hình thức HĐTNST và quy trình tổ chức các
HĐTNST trong dạy học ở tiểu học hiện nay.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo
2.1.1. Khái niệm “hoạt động” - “trải nghiệm” - “sáng tạo”
Để tìm hiểu đầy đủ về thuật ngữ HĐTNST, cần có những mô tả về các thuật ngữ “hoạt động
giáo dục”, “trải nghiệm”, “sáng tạo”
* Hoạt động học tập
Hoạt động là phạm trù cơ bản của tâm lí học, là phương thức tồn tại của con người trong
thế giới xung quanh. Hoạt động là quá trình cá nhân thực hiện các quan hệ giữa họ với thế giới
tự nhiên, xã hội, người khác và với bản thân. Nếu đối tượng của hoạt động trong quan hệ của con
người với thế giới xung quanh là thế giới đồ vật thì đó là hoạt động có đối tượng. Còn đối tượng
của hoạt động là con người thì quá trình tương tác đó gọi là giao tiếp.
Dưới góc độ tâm lí học, hoạt động được hiểu là quá trình tác động qua lại giữa con người
với thế giới xung quanh để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới và về phía con người.
Hoạt động giáo dục (theo nghĩa rộng) là một loại hình hoạt động đặc thù của xã hội loài
99
Dương Giáng Thiên Hương
người nhằm truyền kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác, được tổ chức có mục đích, nhằm
hình thành, phát triển toàn diện nhân cách con người. Hoạt động giáo dục theo nghĩa rộng bao
gồm hoạt động dạy học (hoạt động học tập - nhấn mạnh chủ thể hoạt động nhận thức) và hoạt
động giáo dục (theo nghĩa hẹp).
Hoạt động học tập là quá trình hoạt động có mục đích, có ý thức, có động cơ và mang tính
tự giác của người học, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn, cố vấn của người dạy, nhằm đạt được mục tiêu
học tập. Hoạt động học tập là quá trình diễn ra hoạt động nhận thức của người học, mà tư duy
chính là một yếu tố cơ bản của loại hình hoạt động này.
Hoạt động giáo dục (theo nghĩa hẹp) là quá trình tổ chức hoạt động của nhà giáo dục nhằm
hình thành nhân sinh quan, phẩm chất đạo đức, đồng thời bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ và phát triển
thể chất của học sinh thông qua hệ thống các biện pháp kết hợp của gia đình và xã hội để phát huy
mặt tốt, khắc phục những hạn chế trong suy nghĩ và hành động của các em (Phạm Viết Vượng,
2005).
*Trải nghiệm
Theo Wikipedia, trải nghiệm là tiến trình hay là quá trình hoạt động năng động để thu thập
kinh nghiệm, trên tiến trình đó có thể thu thập được những kinh nghiệm tốt hoặc xấu, thu thập
được những bình luận, nhận định, rút tỉa tích cực hay tiêu cực, không rõ ràng, còn tùy theo nhiều
yếu tố khác như môi trường sống và tâm địa mỗi người.
Trong Từ điển Tiếng Việt, tác giả Hoàng Phê định nghĩa: Trải nghiệm được hiểu đơn giản
nhất là những gì con người từng kinh qua thực tế, từng biết, từng chịu.
Trải nghiệm mang lại cho con người kinh nghiệm phong phú bởi khi trải nghiệm, ta đã trải
qua con đường “thử” và “sai”. Người trải nghiệm nhiều sẽ có nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống
cho bản thân, giúp con người hình thành năng lực, phẩm chất sống.
Trải nghiệm có nhiều dạng khác nhau, tùy thuộc vào các tiêu chí khác nhau như phạm vi
diễn ra hoạt động, đặc điểm của hoạt động hay nội dung giáo dục thông qua hoạt động... Học tập
thông qua trải nghiệm là học tập thông qua sự phản ánh về việc làm, thường tương phản với học
vẹt, giáo khoa. Học tập trải nghiệm có liên quan nhưng không đồng nhất với giáo dục thực nghiệm,
học tập hành động, học tập khám phá hay học tập dịch vụ.
Khi tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học, không nhất thiết phải là hoạt động
quy mô lớn, ở ngoài trời,. . . mới được gọi là trải nghiệm. Khi học sinh trực tiếp tham gia vào các
hoạt động trên lớp học, được tương tác với con người, sự vật, được làm những cái mới mẻ mà trước
đó chưa từng làm, chưa từng nói, qua đó lấy được kinh nghiệm cho bản thân cũng là trải nghiệm.
Thêm vào đó, không phải khi học sinh hoạt động chân tay, chạy nhảy,..mới gọi là trải nghiệm. Việc
các em tư duy, động não về những cái chưa biết, cái mới cũng được cho là trải nghiệm. Từ quan
điểm này khi tổ chức hoạt động trải nghệm cho học sinh nói chung, hoạt động trải nghiệm sáng
tạo nói riêng, giáo viên không nên cứng nhắc về thời gian, địa điểm hay quy mô thực hiện.
*Sáng tạo
Sáng tạo là năng lực cần thiết với mỗi người. Đặc biệt là trong thời kì kinh tế tri thức, toàn
cầu hóa như hiện nay, đòi hỏi người lao động phải có sức sáng tạo cao. Sáng tạo là sự nảy sinh ra
ý tưởng mới, dựa trên những cái đã có, đã biết, mang lại những thành quả phục vụ được cho đời
sống con người
Sáng tạo được diễn ra ở các độ tuổi với những đặc trưng khác nhau và các cấp độ khác
nhau. Mỗi người có khả năng sáng tạo khác nhau. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả
Nguyễn Huy Tú đã đưa ra 5 mức độ của sự sáng tạo [2-3]:
100
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo – lí thuyết và vận dụng trong dạy học tiểu học
Như vậy, sáng tạo không nhất định phải là điều gì quá cao xa, khó khăn hay phức tạp. Kể
cả những hành động, việc làm nhỏ cũng có thể được đánh giá là sáng tạo. Đưa ra năm mức độ của
sự sáng tạo như trên nhằm nhấn mạnh người giáo viên không nên phức tạp hóa, đòi hỏi cao ở sự
sáng tạo của học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Sự sáng tạo có thể giáo dục được, vậy nên cần tạo
điều kiện thoải mái để các em có thể phát triển khả năng sáng tạo trong tương lai.
2.1.2. Thế nào là Hoạt động trải nghiệm sáng tạo?
Cụm từ “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” là một thuật ngữ mới trong dự thảo Chương trình
giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2015. Có thể hiểu:
một hoạt động có giáo dục có mục đích, được tổ chức nhằm hình thành phẩm chất, năng lực cho
người học, dành cho học sinh và phải đảm bảo 3 yếu tố: Hoạt động – Trải nghiệm – Sáng tạo, mới
được gọi là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong Dự thảo, thuật ngữ HĐTNST được định nghĩa:
là hoạt động giáo dục trong đó từng học sinh được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường
hoặc xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức,
các kĩ năng và tích lũy kinh nghiệm riêng của cá nhân. ở đây, hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ có
vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục của học sinh tiểu học, được coi như một môn học
trong tuần (3-4 tiết/tuần) [6].
Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra một
định nghĩa khác: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng
dẫn của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau
của đời sống nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát
triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.
Khái niệm này khẳng định vai trò định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn của nhà giáo dục; thầy cô giáo,
cha mẹ học sinh, người phụ trách...[5]
Trong Tài liệu hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo cho học sinh tiểu
học, nhóm tác giả đưa ra quan điểm: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, trong
đó học sinh được trực tiếp hoạt động thực tiễn trong nhà trường hoặc trong xã hội dưới sự hướng
dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, các kĩ năng và tích lũy kinh
nghiệm cá nhân. Mỗi hoạt động này mang tính tổng hợp của nhiều lĩnh vực giáo dục, kiến thức và
kĩ năng khác nhau [2].
Bởi hoạt động trải nghiệm sáng tạo rất linh hoạt và mềm dẻo (về địa điểm, thời gian, quy
mô, nội dung,...) nên có thể nhìn nhận hoạt động trải nghiệm sáng tạo dưới các góc độ khác nhau:
- Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể là một hình thức tổ chức dạy học: như vậy, ở đây,
hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ là một trong số các hình thức tổ chức dạy học, giáo dục để tổ
chức các hoạt động giáo dục, là một “CáCH” để học sinh chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, hình
thành năng lực, phẩm chất.
- Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể được hiểu là một nội dung giáo dục: như vậy, nó sẽ
101
Dương Giáng Thiên Hương
là nội dung rất lớn, bao gồm nhiều nội dung nhỏ khác như: đời sống xã hội, văn hóa – nghệ thuật,
thể thao, khoa học kĩ thuật, . . . được nhà giáo dục thiết kế nhằm phát triển nhân cách một cách
toàn diện cho học sinh.
- Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể được hiểu là bản chất của một hoạt động: như vậy,
hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động có mục đích, đối tượng,. . . cụ thể:
+ Chủ thể: Học sinh và các lực lượng liên quan.
+ Đối tượng: Tri thức, kinh nghiệm xã hội, giá trị, kĩ năng xã hội.
+ Mục tiêu: Giáo dục toàn diện và phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi học
sinh.
+ Kết quả: Hệ thống các kĩ năng, năng lực, phẩm chất.
- Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể được hiểu tương đương với một môn học, giống
với quan điểm trong dự thảo Chương trình giáo dục tổng thể. Như vậy, nó sẽ có nội dung, phương
pháp, hình thức, cách đánh giá,. . . được thiết kế cụ thể, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện nhân
cách học sinh.
Như vậy, bản thân hoạt động trải nghiệm sáng tạo được có thể được nhìn nhận dưới nhiều
góc độ khác nhau tùy vào quan điểm, nghiên cứu của mỗi người. Với mỗi cách nhìn, nó lại được
tổ chức thực hiện theo cách khác nhau. Trong nghiên cứu này, chúng tôi quyết định nhìn nhận hoạt
động trải nghiệm sáng tạo như một hình thức tổ chức dạy học tích cực. Do đó, chúng tôi quan
niệm: HĐTNST (creative experiential activities) là một hình thức hoạt động giáo dục, trong đó,
dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động
học tập thực tiễn khác nhau của môi trường xung quanh với tư cách là chủ thể của hoạt động, được
thể hiện sự sáng tạo của bản thân, qua đó tăng cường kiến thức, hình thành và phát triển kĩ năng,
xác định giá trị, phát triển năng lực, nhân cách phù hợp cũng như tiềm năng sáng tạo của bản thân.
2.2. Tổ chức các HĐTNST trong dạy học tiểu học:
Trong nhà trường tiểu học hiện nay, việc tổ chức các HĐTNST phụ thuộc nhiều vào sự chủ
động, tự giác của nhà trường và đội ngũ giáo viên, vì lẽ đó, việc tổ chức hình thức hoạt động này
còn khá hạn chế, đơn điệu. Nếu các HĐTNST được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong
phú, tích hợp trong các hoạt động học tập một cách hợp lí sẽ góp phần nâng cao hiệu quả học tập
tích cực đối với học sinh.
2.2.1. Nguyên tắc tổ chức các HĐTNST ở tiểu học:
Để tổ chức các HĐTNST một cách có hiệu quả, cần tuân thủ theo một số quy tắc nhất định
sau đây:
a. Đảm bảo tính trải nghiệm và phát huy khả năng sáng tạo của học sinh tham gia hoạt
động
Đây là yếu tố cơ bản thể hiện điểm khác biệt cũng như ưu thế của hoạt động trải nghiệm
sáng tạo với các hoạt động học tập khác, đó là tính trải nghiệm và tính khám phá. Học sinh được
tham gia các nội dung mới mẻ, gắn liền với cuộc sống, thực tiễn xung quanh. Trong yêu cầu của
HĐTNST phải chứa đựng các tình huống có vấn đề làm nảy sinh những băn khoăn, thắc mắc của
HS, đòi hỏi các em phải vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng sẵn có của mình
trong việc giải quyết vấn đề. Sự trải nghiệm được thể hiện ở tất cả các khâu của hoạt động, từ chỗ
học sinh được chủ động lên ý tưởng, chuẩn bị, tổ chức tiến hành hay đánh giá, nhận xét.
Một đặc điểm tất yếu của hoạt động trải nghiệm sáng tạo đó là giáo viên phải phát huy được
102
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo – lí thuyết và vận dụng trong dạy học tiểu học
khả năng sáng tạo của học sinh với các cấp độ khác nhau. Trong quá trình trải nghiệm, cùng tham
gia một hoạt động với mục tiêu như nhau nhưng mỗi cá nhân, mỗi nhóm học sinh phải có không
gian để thể hiện khả năng sáng tạo của mình. ở đây, học sinh được tự lên ý tưởng, bàn bạc, thảo
luận để thực hiện ý tưởng đó giáo viên có vai trò quan sát, động viên và giúp đỡ, gợi ý kịp thời để
học sinh hoàn thành nhiệm vụ.
b. Đảm bảo mục tiêu giáo dục
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp cao, cả về nội dung, phương pháp thực
hiện cũng như kết quả đạt được. Các HĐ này không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, kĩ năng
bài học yêu cầu mà còn giúp rèn luyện, hình thành ở học sinh các năng lực, phẩm chất cần thiết
cũng như bồi dưỡng khả năng sáng tạo. Khi tổ chức một HĐTNST cần xác định rõ mục tiêu giáo
dục cần đạt được, ưu tiên những năng lực và phẩm chất cốt lõi trong từng hoạt động, có phương
án đánh giá và kiểm tra cụ thể. Việc xác định mục tiêu chung chung, ôm đồm sẽ làm hạn chế hiệu
quả hoạt động, gây khó khăn khi thực hiện.
c. Đảm bảo tính vừa sức
Đảm bảo tính vừa sức là nguyên tắc quan trọng khi tổ chức cấc hoạt động giáo dục cho học
sinh tiểu học nói chung và HĐTNST nói riêng. Mỗi một HĐTNST cần chứa đựng một chuỗi các
tình huống có vấn đề (THCVĐ), đưa người học vào quá trình tư duy tự giác, có mong muốn và
có niềm tin rằng mình có khả năng giải quyết những vấn đề mà trước đây mình chưa từng đối mặt
hoặc chưa từng chứng kiến. Nói một cách khác, các tình huống có vấn đề được đưa ra phải nằm
trong vùng phát triển trí tuệ gần nhất của trẻ (theo L.S. Vygotxki), đi trước sự phát triển và hướng
dẫn sự phát triển. Các THCVĐ cần được xây dựng dựa trên các định hướng: tôn trọng vốn sống
của trẻ, xây dựng việc dạy học và giáo dục trên mức độ khó khăn cao và nhịp độ học nhanh, nâng
mức độ khái quát hay làm cho trẻ có ý thức về toàn bộ quá trình học tập.
d. Đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh và
vai trò chủ đạo của giáo viên
Nguyên tắc này đòi hỏi việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo vừa phải phát huy được
vai trò chủ thể tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh, vừa phải đảm bảo vai trò tổ chức, hỗ trợ,
điều khiển của giáo viên. Vai trò chủ thể tích cực của học sinh được thể hiện ở chỗ: các em tự giác,
chủ động tham gia vào nhiều giai đoạn của hoạt động, thể hiện bản thân, có ý thức trong việc vận
dụng, phát huy những gì đã học được, phát huy tối đa tư duy phản biện, tư duy sáng tạo trong quá
trình giải quyết các tình huống có vấn đề gặp phải. Khi tổ chức hoạt động, giáo viên cần hướng
dẫn, phỗ biến công việc cụ thể, kịp thời để học sinh nắm được nhiệm vụ được giao. Trong khi hoạt
động diễn ra, giáo viên phải tích cực quan sát, chú ý để có thể giúp đỡ, động viên hoặc định hướng
cho học sinh một cách kịp thời.
Nguyên tắc này được đưa ra nhằm nhấn mạnh sự kết nối chặt chẽ giữa vai trò của người
giáo viên và học sinh khi tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. HĐTNST đòi hỏi sự chủ động
cao của HS song không vì lẽ đó mà giáo viên “bỏ mặc” cho học sinh tự quyết định, tự thực hiện
các nhiệm vụ mà không định hướng và kiểm soát.
2.2.2. Quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học tiểu học
Để đảm bảo tính hiệu quả, sau khi thiết kế một HĐTNST có sự tham gia ý kiến của HS và
các lực lượng giáo dục khác (nếu cần), khi tổ chức một hoạt động trải nghiệm sáng tạo, người giáo
viên nên đi theo một quy trình nhất định, bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Giới thiệu hoạt động trải nghiệm, mục đích hoạt động
Trước khi tiến hành tổ chức hoạt động, giáo viên cần giới thiệu cho học sinh về hoạt động
103
Dương Giáng Thiên Hương
các em sẽ tham gia như tên hoạt động, mục tiêu của hoạt động, nội dung, hình thức hoạt động, các
cách thức đánh giá kết quả học tập giáo dục thông qua hoạt động.
Đây là giai đoạn quan trọng cần thiết, giúp học sinh xác định rõ những yêu cầu cần thực
hiện từ đó chuẩn bị tâm thế sẵn sàng tham gia hoạt động. Giới thiệu hoạt động có nhiều hình thức,
có thể là các trò chơi giúp không khí trở nên sổi nổi, hào hứng.
Bước 2: Phổ biến nhiệm vụ trải nghiệm cho học sinh
Đây là bước rất quan trọng khi tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Khi tiến hành giao
nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên cần:
- Truyền đạt một cách rành mạch, rõ ràng, đầu đủ, bao gồm cả nội dung nhiệm vụ lẫn thời
gian, địa điểm hoặc yêu cầu; giáo viên nên nêu rõ nhiệm vụ được thực hiện theo hình thức cá nhân
hay nhóm, và cần thiết thì tiến hành chia nhóm luôn.
- Giáo viên lắng nghe ý kiến phản hồi từ học sinh. Nếu các em có thắc mắc, giáo viên cần
giải đáp rõ ràng.
- Có thể gợi ý, đề xuất một số phương án về hoạt động trải nghiệm nếu học sinh cảm thấy
khó hiểu hay không có ý tưởng.
- Trong giai đoạn phổ biến nhiệm vụ, giáo viên cần nhắc nhở học sinh sẽ ghi chép lại các
yếu tố quan trọng liên quan như: đối tượng thực hiện nhiệm vụ, thời gian, địa điểm thực hiện, lực
lượng mời tham gia hoạt động (nếu có), thời điểm tương tác giữa GV và HS trong quá trình diễn ra
hoạt động. Các nhiệm vụ trải nghiệm phải có sự bàn bạc và thống nhất giữa GV và HS, đảm bảo
từng HS hiểu rõ nhiệm vụ.
Bước 3: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Sau khi đã phổ biến tốt nhiệm vụ hoạt động, giáo viên tổ chức cho học sinh tiến hành trải
nghiệm. Trong giai đoạn này, HS phải được tham gia trải nghiệm theo cá nhân hoặc theo nhóm để
sáng tạo và chiếm lĩnh kiến thức trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ. Khi học sinh tham
gia hoạt động trải nghiệm, giáo viên cần chú ý quan sát để đảm bảo một số vấn đề sau:
- Các học sinh hoặc nhóm học sinh đều tham gia trải nghiệm, không có học sinh “chầu rìa”.
Các em đều tham gia thảo luận, chia sẻ, đóng góp ý kiến, tập trung vào hoạt động diễn ra.
- Trong khi tiến hành nhiệm vụ, nếu có học sinh không tìm ra hướng giải quyết hay có thắc
104
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo – lí thuyết và vận dụng trong dạy học tiểu học
mắc, băn khoăn, giáo viên cần đưa ra gợi ý hay giải đáp tốt những băn khoăn đó. Giáo viên cũng
cần chú ý để đảm bảo tất cả các học sinh đều đi đúng hướng đã đề ra.
- Khi tổ chức hoạt động, giáo viên tôn trọng ý kiến, khả năng hay sự sáng tạo của học sinh.
Cần đảm bảo các em được tự mình trải nghiệm nhiều nhất có thể và phát huy được khả năng sáng
tạo.
Bước 4: Đánh giá hoạt động
Đây là bước giáo viên tổ chức cho học sinh sau khi các em hoàn thành hoạt động trải nghiệm
sáng tạo. ở giai đoạn này, các sản phẩm hoạt động cũng như các thông tin phục vụ việc đánh giá
sẽ được công khai trước lớp. Giáo viên cần chú ý đến việc phát huy vai trò tự đánh giá và đánh giá
của HS. Để làm tốt phần này, giáo viên nên:
- Chủ động phối hợp với HS xây dựng bộ công cụ đánh giá: phiếu quan sát, bảng kiểm
(checklist), phiếu hỏi, bảng tiêu chí đánh giá sản phẩm...
- Hướng dẫn học sinh cách nhận xét, đánh giá kết quả hoạt động; tạo khoản thời gian để học
sinh, hoặc các nhóm quan sát, suy nghĩ, thảo luận cách đánh giá.
- Khi học sinh nhận xét, giáo viên cần ở bên dẫn dắt, động viên; không áp đặt ý kiến của
mình vào quan điểm của học sinh; khi học sinh đưa ra ý kiến, có thể yêu cầu giải thích lựa chọn
của mình.
- Tạo điều kiện cho học sinh được trình bày, nêu câu hỏi nếu có thắc mắc với sản phẩm của
học sinh khác.
- Sau khi học sinh đã tiến hành xong hoạt động đánh giá, giáo viên cần có sự nhận xét tổng
thể, đưa ra những điểm tích cực cần phát huy hoặc hạn chế cần khắc phục. Nhận xét không chỉ liên
quan đến sản phẩm cuối cùng mà còn phải đưa ra được đánh giá về thái độ, ý thức của học sinh
trong quá trình tham gia hoạt động.
2.2.3. Một số hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở tiểu học
Căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi tiểu học cũng như mục tiêu, chương trình giáo dục
tiểu học hiện hành, chúng tôi xin đưa ra một số hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo
có thể vận dụng trong nhà trường tiểu học như sau:
a. Câu lạc bộ
Câu lạc bộ là hình thức hoạt động ngoại khóa của những nhóm học sinh có cùng sở thích
hoặc nhu cầu, dưới sự định hướng của nhà giáo dục nhằm tạo môi trường giao lưu giữa các học
sinh với nhau, giữa học sinh và giáo viên, giữa HS với môi trường xung quanh. Hoạt động câu lạc
bộ là cơ hội để các em chia sẻ kiến thức, hiểu biết, thể hiện mình, đồng thời cũng giúp các em tích
lũy thêm được hiểu biết, các kĩ năng, thái độ, năng lực cần thiết. Các câu lạc bộ cần phải được
thành lập dưa trên các nguyên tắc: tự nguyện, bình đẳng; không phân biệt đối xử; phát huy tính
sáng tạo; tôn trọng ý kiến của học sinh và học sinh là chủ thể của mọi vấn đề trong câu lạc bộ. Để
tổ chức hình thức hoạt động này một cách có hiệu quả, cần có sự tham gia đồng bộ của các lực
lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, có chương trình giáo dục cụ thể được thẩm định, giám
sát việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, có cơ sở vật chất và bố trí thời gian hợp lí,
gắn kết nội dung học tập trong câu lạc bộ với nội dung giáo dục của nhà trường. Giáo viên có thể
tổ chức theo quy mô lớp để dễ quản lí và nên tổ chức ở các lớp cuối cấp tiểu học, khi các em có
năng lực tự quản ở một mức độ nhất định.
Các Câu lạc bộ có thể tổ chức theo năng khiếu của học sinh như Đàn, Hát, Khéo tay hay
làm.. hoặc theo các chủ đề như Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Bảo vệ môi trường xung
105
Dương Giáng Thiên Hương
quanh em; Em yêu khoa học;...
b. Trò chơi
Trò chơi là một hình thức HĐTNST tích cực, có hiệu quả cao đối với quá trình giáo dục trẻ
nhỏ độ tuổi tiểu học. Hơn nữa, nếu tổ chức trò chơi một cách tích cực sẽ giúp trẻ hình thành được
kiến thức, kĩ năng, năng lực một cách tự nhiên, đầy hứng thú, có tác dụng giáo dục “học mà chơi,
chơi mà học”.
Trò chơi có thể được tổ chức trong nhiều giai đoạn khác nhau của 01 hoạt động học tập như
làm quen, khởi động, dẫn nhập vào nội dung học tập, cung cấp tri thức, đánh giá kết quả hay củng
cố kiến thức đã học.
c. Tổ chức diễn đàn (forum)
Diễn đàn là hình thức tổ chức hoạt động được sử dụng nhằm thúc đẩy sự tham gia của học
sinh thông qua việc các em được trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình. Thông qua diễn đàn,
học sinh được đưa ra quan điểm, trình bày ý kiến, các câu hỏi, đề xuất ý kiến về một vấn đề nào
đó có liên quan đến nhu cầu, hứng thú, sự quan tâm của chính các em. Đây cũng là dịp để các em
học cách lắng nghe, đóng góp ý kiến, phát triển tư duy phản biện. Thêm nữa, qua diễn đàn, thầy
cô giáo, bố mẹ hiểu thêm được những suy nghĩ, băn khoăn, nhu cầu của con em mình.
Diễn đàn có thể được tổ chức ở quy mô cấp lớp, cấp khối, cấp trường, huyện hay cao hơn
nữa. Chủ đề của diễn đàn phải thân thiết, gần gũi, thiết thực với học sinh. Và nhằm phát huy tính
tích cực của học sinh, chính các em được chuẩn bị, xây dựng chủ đề, dẫn dắt và điều khiển diễn
đàn.
Để tổ chức các diễn đàn cho học sinh một cách hiệu quả, cần có sự hướng dẫn các em thiết
lập các nguyên tắc khi tham gia diễn đàn, khuyến khích các em cách thức trao đổi, trình bày quan
điểm một cách tích cực, biết lắng nghe và chia sẻ, biết chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm.
Đối với học sinh tiểu học, cần có sự tham gia, quản lí của nhà trường và cha mẹ học sinh một cách
phù hợp, kịp thời hỗ trợ và giải quyết các phát sinh khi cần thiết.
d. Tham quan, dã ngoại
Tham quan, dã ngoại là hình thức học tập thực tế hấp dẫn đối với học sinh diễn ra bên ngoài
nhà trường. Trong các buổi tham quan, dã ngoại, các em được đến thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến
thức, tiếp xúc với những điều mới lạ, bồi dưỡng tình cảm với quê hương đất nước, với thiên nhiên
con người. . . từ đó giúp các em có được kinh nghiệm thực tế, từ các mô hình, cách làm hay hiệu
quả trong một lĩnh vực nào đó có thể áp dụng vào cuộc sống của chính các em.
Tham quan, dã ngoại là hoạt động thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Đây là cơ hội
để các em thể hiện và bộc lộ các năng lực và phẩm chất đã có, trải nghiệm các hoạt động thông
qua đó tích lũy tri thức, vốn sống.
Đối với học sinh tiểu học, để tổ chức hoạt động tham quan hiệu quả cần đảm bảo:
- Xác định mục đích học tập cần đạt được sau chuyến tham quan
- Lập kế hoạch chi tiết về địa điểm, thời gian, các hoạt động sẽ diễn ra, các lưu ý khi tham
gia buổi tham quan, các đầu mối phụ trách.
- Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chuyến tham quan (xe
cộ, phương tiện di chuyển, đồ ăn, nước uống, dụng cụ y tế, phiếu quan sát hay phiếu học tập, dụng
cụ và phương tiện học tập cần thiết, tư trang cá nhân...)
- Tập huấn nội quy, chú trọng các điều kiện an toàn của học sinh khi đi tham quan.
- Viết thu hoạch sau buổi tham quan, trao đổi trước lớp/ trường những điều đã học được,
106
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo – lí thuyết và vận dụng trong dạy học tiểu học
cảm nhận của cá nhân, những điều cần rút kinh nghiệm. Tùy theo yêu cầu môn học, bài thu hoạch
có thể là các sản phẩm, mẫu vật, hình ảnh..
e. Hội thi/cuộc thi
Hội thi/cuộc thi là một trong những hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, thú vị và đạt hiệu
quả cao trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh. Hội thi mang tính chất thi đua giữa các cá nhân,
các nhóm hoặc tập thể khiến cho người tham gia luôn hoạt động tích cực để vươn lên nhằm đạt
được thành tích tốt, thực hiện được mục tiêu mong muốn.
Hội thi có thể được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo tính chất và phạm vi
sử dụng, chẳng hạn như thi vẽ, thi viết, thi tìm hiểu, thi giải đố, thi khéo tay... Nội dung của hội thi
cũng rất phong phú, thể hiện tính sáng tạo và năng động của người thiết kế.
Đối với học sinh tiểu học, Hội thi có thể được tổ chức trong thời gian diễn ra các chủ điểm
giáo dục của năm học, sau một đơn vị kiến thức, một giai đoạn học tập nào đó của một môn học,
một kì học hay dành cho một nhóm đối tượng học sinh trong độ tuổi nhất định. Hiện có nhiều
Hội thi được tổ chức cho học sinh tiểu học với phạm vi rộng lớn như Thi Giải toán qua mạng, thi
V-Olympic Tiếng Anh...Tuy nhiên, cũng có thể tổ chức các Hội thi trong phạm vi nhỏ hơn, cấp
trường, cấp Liên đội, cấp lớp...Tùy theo phạm vi tổ chức, cần chú ý xác định rõ mục tiêu, nội dung,
yêu cầu của Hội thi, đối tượng tham gia, công tác tổ chức, tuyên truyền, phân công công việc,
chuẩn bị cơ sở vật chất cho Hội thi, cơ cấu giải thưởng, cách thức tổ chức...Ngoài ra, cũng cần có
những phương án dự phòng, dự kiến giải quyết các tình huống phát sinh để tránh những sơ xuất,
ảnh hưởng đến chất lượng Hội thi.
f. Hoạt động nhân đạo, thiện nguyện:
Hoạt động nhân đạo, thiện nguyện là những hoạt động có nội dung tác động đến tình cảm,
sự đồng cảm của học sinh trước những người có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua hoạt động nhân
đạo, thiện nguyện, học sinh có những hiểu biết thêm về hoàn cảnh của những thành phần khác
nhau trong xã hội, hình thành và giáo dục các em xúc cảm xã hội, sự thông cảm, lòng khoan dung,
nhân ái đồng thời tạo cơ hội để các em thực hành và vận dụng những kĩ năng mà mình có được
trong quá trình học tập.
Đối với học sinh tiểu học, hoạt động nhân đạo, thiện nguyện có thể được thực hiện dưới
nhiều hình thức khác nhau như hiến máu nhân đạo, xây dựng quỹ ủng hộ, quyên góp đồ dùng học
tập, tổ chức trung thu, tết cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa, chăm sóc người già neo đơn, chăm sóc nghãi
trang liệt sĩ. . . Tùy vào điều kiện của địa phương, trường học mà lựa chọn hình thức tổ chức hoạt
động nhân đạo sao cho hợp lí.
Để nâng cao tính hiệu quả của hình thức này, cần tuyên truyền vận động cho học sinh toàn
trường về ý nghĩa và mục đích của hoạt động, huy động sự tham gia của các tổ chức cơ quan, đoàn
thể, địa phương, hội cha mẹ học sinh... Chú ý không biến hoạt động thiện nguyện, nhân đạo thành
hoạt động ganh đua, mang tính hình thức.
3. Kết luận
Học tập trải nghiệm nói chung và hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo nói riêng có vai
trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục tiểu học, bởi nó đề cao việc hình thành năng lực người
học thông qua những trải nghiệm thực tiễn, phù hợp với quy luật về tâm lí đối với việc hình thành
và phát triển nhân cách cho học sinh tiểu học. Bằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, mỗi HS vừa là
người thiết kế, tổ chức và thực hiện các hoạt động cho mình, do đó, các em tích cực hóa bản thân,
khám phá bản thân, điều chỉnh bản thân, phát huy vốn kinh nghiệm cá nhân, tích lùy kinh nghiệm
107
Dương Giáng Thiên Hương
thông qua trải nghiệm. Thông qua HĐTNST, học sinh phát hiện được sở trường, năng lực nổi trội
của mình, góp phần giúp nhà trường và bản thân các em có những định hướng nghề nghiệp phù
hợp cho tương lai. Mặc dù hết sức quan trọng, song để có thể triển khai các HĐTNST trong nhà
trường tiểu học, cần xây dựng và hệ thống hóa được cơ sở lí luận phù hợp, có những gợi ý đối với
giáo viên về cách thiết kế và tổ chức loại hình hoạt động này, đồng thời tạo sự linh hoạt về chương
trình để có cơ sở thuận lợi trong việc xây dựng các chủ đề có tính tích hợp cao giữa các môn học
hoặc giữa các phần kiến thức nội môn. Thêm vào đó, yếu tố GV cũng có vai trò quyết định đối
với việc thực hiện các HĐTNST. Cần có chương trình bồi dưỡng GV các nội dung liên quan đến
HĐTNST, xây dựng các diễn đàn để GV trao đổi học tập, có động viên và khuyến khích kịp thời.
Có như vậy, mới nâng cao được hiệu quả việc vận dụng loại hình hoạt động này trong nhà trường
tiểu học ở nước ta hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Chi, 2014. Nghiên cứu xây dựng một số hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho
học sinh lớp 4, 5 trường tiểu học thực nghiệm Hà Nội theo định hướng đổi mới chương trình
GDPT sau 2015. Đề tài KH&CN, mã số V2014-11, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2015. Kĩ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng
tạo trong trường tiểu học. Tài liệu tập huấn, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[3] Nguyễn Thị Liên (chủ biên), 2016. Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường
phổ thông. Nxb Giáo dục Việt Nam.
[4] Karen Warren, 2009. Theory and Practice of Experiential education. Kedall/Hunt PC.
[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2015. Dự thảo: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong
chương trình giáo dục phổ thông mới.
[6] John Deway, 2012. Kinh nghiệm và giáo dục. Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
[7] Tưởng Duy Hải, 2016. Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học Vật lí ở trường
phổ thông. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, No.8B, Vol.61.
[8] Nguyễn Thị Hằng, 2014. Định hướng hình thành năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm
sáng tạo cho sinh viên sư phạm. Tạp chí khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 59
(6A), tr.205 – 212.
[9] Kolb,D. 1984. Experiential Learning: experience as the source of learning and development.
Englewood Cliffs, NJ; Publisher: Prentice Hall.
ABSTRACT
Creative experiential activities - Theory and application in primary education
Duong Giang Thien Huong
Faculty of Primary Education, Hanoi National University of Education
Experiential education, creative experiential activities or experience-based leaning
approach, is the term that is increasingly used during the recent education innovation in our
country. Despite plenty of researches on experiential education in the 80s, in Vietnam, there
is a lack of deep studies about this theory, especially the creative experiential activities. Also,
depending on different research perspectives, education researchers have different understanding
and application of this theory into classroom practices. In this paper, the theory of creative
experiential activities is used to refer to a form of teaching and learning. The paper describes
the concept, instructional process and principles of experiential learning in primary education.
Keywords: Experiential education, creative experiential activities, primary education.
108
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4730_dgthuong_478_2130330.pdf