Tài liệu Hình tượng trẻ thơ qua hồi ức về thời thơ ấu trong văn học Việt Nam sau 1975: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 33 (58) - Thaùng 10/2017
3
Hình tượng trẻ thơ qua hồi ức về thời thơ ấu
trong văn học Việt Nam sau 1975
The image of a young child through childhood memories
in Vietnamese literature after 1975
TS. Ngô Thị Ngọc Diệp,
Trường Đại học Sài Gòn
Ngo Thi Ngoc Diep, Ph.D.,
Saigon University
Tóm tắt
Bị chi phối bởi cơ chế hồi ức và sự trải nghiệm, ý thức tự bạch của nhà văn, hình tượng trẻ thơ trong các
hồi ức về thời thơ ấu của văn xuôi Việt Nam sau 1975 vừa hiện thân cho một thế giới trong sáng, đẹp
đẽ, vừa là những nhân cách trong sự va đập nhiều chiều của cuộc sống, vừa là những cá nhân, cá tính
độc đáo. Cái nhìn toàn diện và sâu sắc này giúp nâng cao sự cảm nhận, lí giải về một quãng đời quan
trọng của con người, góp phần xây dựng hình tượng trung tâm của văn học thiếu nhi ngày càng sinh
động, đầy đặn, có chất sống hơn.
Từ khóa: hồi ức, thời thơ ấu, trẻ thơ.
Abstract
To be dominated by memory mechanism and exp...
11 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 555 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình tượng trẻ thơ qua hồi ức về thời thơ ấu trong văn học Việt Nam sau 1975, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 33 (58) - Thaùng 10/2017
3
Hình tượng trẻ thơ qua hồi ức về thời thơ ấu
trong văn học Việt Nam sau 1975
The image of a young child through childhood memories
in Vietnamese literature after 1975
TS. Ngô Thị Ngọc Diệp,
Trường Đại học Sài Gòn
Ngo Thi Ngoc Diep, Ph.D.,
Saigon University
Tóm tắt
Bị chi phối bởi cơ chế hồi ức và sự trải nghiệm, ý thức tự bạch của nhà văn, hình tượng trẻ thơ trong các
hồi ức về thời thơ ấu của văn xuôi Việt Nam sau 1975 vừa hiện thân cho một thế giới trong sáng, đẹp
đẽ, vừa là những nhân cách trong sự va đập nhiều chiều của cuộc sống, vừa là những cá nhân, cá tính
độc đáo. Cái nhìn toàn diện và sâu sắc này giúp nâng cao sự cảm nhận, lí giải về một quãng đời quan
trọng của con người, góp phần xây dựng hình tượng trung tâm của văn học thiếu nhi ngày càng sinh
động, đầy đặn, có chất sống hơn.
Từ khóa: hồi ức, thời thơ ấu, trẻ thơ.
Abstract
To be dominated by memory mechanism and experience, self-expression consciousness of the writer,
the image of a young child through childhood memories in Vietnam’s prose after 1975 is not only the
embodiment of a beautiful pure world, the personality in the multi-dimensional collision of life, but also
the individual and the unique personality. This comprehensive and insightful view enhances the
perception and interpretation of a person’s important lifetime, and contributes to building the central
image of children’s literature that is more vivid and powerful.
Keywords: memory, childhood, a young child.
1. Mở đầu
Trong nền văn xuôi Việt Nam sau
1975, các thể loại sử dụng hồi ức tuổi thơ
làm chất liệu nghệ thuật như hồi kí, tự
truyện, tiểu thuyết - tự truyện viết về
thời thơ ấu (có thể gọi chung là các dạng
thức hồi ức tuổi thơ) rất phát triển, khẳng
định vị trí ưu trội của nó trong việc thỏa
mãn nhu cầu trở về quá khứ, bộc lộ những
suy nghĩ, chiêm nghiệm cá nhân. Kí ức tuổi
thơ luôn chất chứa bao điều trong sáng, đẹp
đẽ với những rung cảm, tình cảm và mơ
ước đầu đời. Đó là miền thơ ấu, miền xanh
thẳm đã qua nhưng luôn có xu hướng tìm
về trong tâm thức mỗi người. Sự phát triển
các hồi ức tuổi thơ như một qui luật tất yếu
của văn chương trên con đường tìm kiếm
sự bằng an cho tâm hồn con người khi xã
hội ngày càng bề bộn, phức tạp với nhiều
giá trị ảo, nhiều áp lực và sự nhiễu tâm
HÌNH TƯỢNG TRẺ THƠ QUA HỒI ỨC VỀ THỜI THƠ ẤU TRONG VĂN HỌC VI T NAM SAU 1975
4
Trong hành trình quay về thời thơ ấu, các
nhà văn đã làm sống dậy tuổi thơ của mình
và bao người khác. Bị chi phối bởi cơ chế
hồi ức và sự trải nghiệm, ý thức tự bạch
của nhà văn, trẻ thơ vừa hiện thân cho một
thế giới trong sáng, đẹp đẽ, vừa là những
nhân cách trong sự va đập nhiều chiều của
cuộc sống, vừa là những cá nhân, cá tính
chân thật và gần gũi. Cái nhìn toàn diện và
sâu sắc này giúp nâng cao sự cảm nhận, lí
giải về một quãng đời quan trọng của con
người, góp phần xây dựng hình tượng
trung tâm của văn học thiếu nhi ngày càng
sinh động, đầy đặn, có chất sống hơn.
2. Nội dung
2.1. Trẻ thơ hiện thân cho thế giới
trong sáng, đẹp đẽ
Trẻ thơ là hiện thân cho những gì tốt
đẹp, thánh thiện nhất, đó không phải là cái
nhìn mới mẻ trong văn học, bởi với nhà
văn các em luôn là “thế giới thần tiên,
trong sạch chỉ có cái đẹp và vươn tới cái
đẹp” (Định Hải, Trả lời phỏng vấn báo Thể
thao và Văn hóa, ngày 24/8/2008), [1]. Tuy
nhiên, với các dạng thức hồi ức, khi đắm
mình trong màn sương hoài niệm với bao
xúc cảm yêu thương, tiếc nhớ, vẻ đẹp của
trẻ thơ càng được tô đậm, lung linh hơn:
“Tuổi thơ của ai cũng vậy, nó chứa đựng
những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có
thể cho ta, khi nắng bao giờ cũng lấp lánh
và gió bao giờ cũng ngát hương” (Vũ Thư
Hiên, Lời giới thiệu “Miền thơ ấu”), [2].
Nói đến trẻ thơ bao giờ ta cũng
hình dung về một thế giới hồn nhiên, trong
sáng và đầy sôi nổi, đam mê. Nét thơ ngây,
đáng yêu của các em luôn được ống kính
hồi tưởng của nhà văn bắt lấy trước tiên.
Trong Khúc đồng dao lấm láp, Kao Sơn rất
tinh tế, dí dỏm khi phát hiện cái ấm ức
ngây thơ của một chú bé sơ sinh khi không
hiểu sao những gì mình thích đều bị giật ra,
bị treo lên: “Tôi đúng là bị biến thành con
chó, chỉ được phép giương mắt nhìn những
thứ mà mình thích, nhưng không thể gặm
mõm vào được” [19, tr.14]. Tuổi thơ dữ dội
- bản di chúc chiến sĩ của Phùng Quán,
khắc họa hình ảnh một cậu bé Mừng thật
thà khai “biết bồng em” khi xin vào Vệ
quốc đoàn, lại còn tưởng mình được giao
nhiệm vụ bồng tù binh về nộp cấp chỉ huy
nên lo lắng: “Nhưng thằng Tây to rứa em
sợ bồng không nổi”! [18, tr.22] Thế giới
tuổi thơ luôn hấp dẫn với những sinh hoạt,
vui chơi đầy hào hứng. Kí ức các nhà văn
mở ra cả một thế giới trò chơi và những thú
vui cuốn hút như chơi trốn tìm, ô ăn quan,
giải gianh, câu công cống, đá dế, bẫy cò,
câu cá, thả diều, đánh trận giả, tắm suối,
xem hội làng, nghe kể chuyện tàu, chuyện
ma, trong đó không thiếu những chuyến
“phiêu lưu”, những trò nghịch dại (Tuổi
thơ im lặng, Miền thơ ấu, Tiếng vọng tuổi
thơ, Khúc đồng dao lấm láp). Trong
Miền xanh thẳm, Thiện và Bảo có thể đội
mưa, chịu rét cả đêm để bắt “cá cóng” hay
lũ ếch béo mầm. Hai cô bé Bê và Loan có
cả một kho tàng bí mật giấu trên đảo Hoa
Vàng và thường xuyên trốn mẹ bơi thuyền
vượt sông để thăm nó (Hành trình ngày thơ
ấu) Có thể nói, các cậu bé, cô bé lên
chín, lên mười luôn tạo cho mình một thế
giới riêng để đắm mình trong đó với bao
thích thú, say mê và mơ mộng.
Tuổi thơ rất giàu tình cảm, giàu lòng
trắc ẩn. Bản tính thiện, lòng tốt luôn sẵn có
trong các em để sẻ chia với những người
xung quanh. Cuốn hồi kí - tự truyện Tuổi
thơ im lặng thật sự làm ta xúc động với
hình ảnh một cậu bé nhạy cảm, nhân hậu
khi biết quan tâm đến những cụ già không
tên sống còm cõi ở chùa, thương những
chú mõ buồn tủi vì luôn bị coi thường, xót
xa cho những con người tha hương, tàn tật,
NGÔ THỊ NGỌC DI P
5
cô đơn như bà Vinh, bà Sứt, ông Đống, là
“khổ chủ” của những nấm mồ vô chủ:
“Mấy ngôi mộ bên đường lạnh tanh! Mùa
nước, mồ mả bị ngập lút. Các ông các bà
này lại bị chết một lần nữa” [15, tr.175].
Còn bao nhiêu gương mặt trẻ thơ giàu tình
cảm, thánh thiện hiện rõ trong kí ức nhà
văn. Đó là một cậu bé Thư biết yêu thương
những con người già nua, nghèo khó, cơ
nhỡ như ông Nhiêu Tuất, cô Thiệp, cô
Nhất, chú Khóa (Miền thơ ấu); cô bé Bê
dành tình cảm chân thành cho những con
người có cảnh ngộ đáng thương như Ly,
Đào Ca, Dũng còm, chú bé Cau và người
mẹ tàn tật (Hành trình ngày thơ ấu);
hành động vét cả nồi cơm nguội cho bà lão
ăn mày cũng cho thấy tấm lòng thơm thảo
của cô bé Thảm (Côi cút giữa cảnh đời)
Một nét đẹp của tâm hồn trẻ thơ là ước
mơ, khát vọng. Hồi ức tuổi thơ đã đi sâu
vào đời sống nội tâm, hé lộ những ước mơ
riêng tư, thầm kín của các em. Được đến
trường tưởng chừng là ước mơ bình dị nhất
của mọi đứa trẻ nhưng với mỗi em lại hiện
lên trong niềm khao khát và mong mỏi
khác nhau. Cô bé Bê đau khổ, luyến tiếc
với ước mơ đã trở nên xa vời khi bị đuổi
học (Hành trình thời thơ ấu); Cậu bé Duy
đến trường với mặc cảm, tủi hờn của một
học trò nghèo (Hành trình ngày thơ ấu);
những học sinh Cao Bằng phải trải qua bao
khó khăn thử thách để chinh phục con chữ
(Đường về với mẹ Chữ) Ước vọng tuổi
thơ còn mở ra vô tận và niềm khát khao đủ
lớn để trong mọi hoàn cảnh các em luôn
nuôi dưỡng nó. Những ngày trọ học khổ
cực, thiếu thốn nhưng các bạn nhỏ trong
Miền xanh thẳm vẫn không ngừng đeo đuổi
những ước mơ bay bổng như trở thành kĩ
sư địa chất, được làm thủy thủ hay bác sĩ,
nhà văn... Chiến tranh cũng không vùi lấp
được những ước mơ của trẻ thơ. Trong
hành trang mỗi chiến sĩ Vệ quốc đoàn nhí
đều có những ước vọng riêng: Hiền muốn
theo nghề làm xiếc, Quỳnh sơn ca mơ ước
trở thành nhạc sĩ để viết bản nhạc Sông
Hương xanh mà mọi người đều yêu thích,
Mừng mong mỏi những người mắc bệnh
hiểm nghèo đều được chữa khỏi (Tuổi
thơ dữ dội). Khát vọng lớn nhất của trẻ thơ
là vượt lên chính mình. Mong muốn được
đi học và có cuộc sống như bao đứa trẻ
bình thường khác đã giúp Vững quyết tâm
đứng lên trên đôi chân gần như bại liệt. Nỗ
lực, kiên trì luyện tập, học tập trong đau
đớn và chua xót, sau cùng cậu bé ốm yếu,
tật nguyền ngày nào đã tốt nghiệp đại học y
khoa, rồi trở thành nhà văn nổi tiếng (Tuổi
thơ khát vọng).
Sẽ không hoàn thiện vẻ đẹp của trẻ thơ
nếu không nhắc đến cái mạnh mẽ, dũng
cảm của lứa tuổi đang muốn khẳng định
mình. Chính sự trong sáng, hồn nhiên
khiến các em có sức mạnh và sự can đảm
kì lạ mà đôi khi người lớn không có được.
Người đọc thật sự xúc động và ấn tượng
với một Vịnh-sưa tự buộc mình vào cột thu
lôi chót vót trên lầu cao để báo tin về kho
đạn bí mật của địch. Em đã hi sinh và tạc
một tượng đài lịch sử “lồ lộ rực rỡ trên cái
nền đỏ chói chang dữ dội ấy, tưởng như
chính lửa đã tạc khắc nên” [18, tr.127]; hay
nhân vật Thắng gan góc từ những lần đánh
nhau với cá sấu đến những trận chiến trực
diện với kẻ thù (Cơn giông tuổi thơ); bảy
em học sinh Lư, Hồng, Hỏn, Tập, Hoảnh,
Tâm, Lạng đã trèo đèo lội suối suốt chín
ngày đêm, vượt qua chặng đường dài gần
300 cây số, thường xuyên chống lại trộm
cướp, hổ, rắn rết để đến trường (Đường về
với mẹ Chữ) Đó là những hình ảnh cứng
cỏi, can đảm, thể hiện nghị lực phi thường
của trẻ thơ, là những nét đẹp để lại ấn
tượng sâu đậm trong kí ức nhà văn.
HÌNH TƯỢNG TRẺ THƠ QUA HỒI ỨC VỀ THỜI THƠ ẤU TRONG VĂN HỌC VI T NAM SAU 1975
6
Có thể nói, với cái nhìn tinh tế, nhập
thân vào trẻ thơ, hiểu và trân trọng các em,
các nhà văn đã khắc họa khá đầy đặn, sinh
động vẻ đẹp tuổi thơ. Hồi ức của các tác
giả đã làm sống dậy một thế giới hồn
nhiên, trong sáng, đầy ắp tình yêu thương,
sự ngay thẳng, mạnh mẽ, những hoạt động
sôi nổi, những niềm vui bất tận Cảm
hứng hồi tưởng, tiếc nhớ, sự ùa về của bao
kỉ niệm khó phai càng khiến thế giới đó
thêm lung linh, rạng ngời.
2.2. Trẻ thơ - một nhân cách trong sự
tác động đa chiều của cuộc sống
Nhớ về quãng đời thơ ấu, các nhà văn
luôn có ý thức lí giải những bước trưởng
thành của mình cũng như quá trình lớn lên
của những đứa trẻ khác. Họ quan tâm đến
sự tác động của gia đình, xã hội đối với sự
phát triển tâm lí, tính cách của trẻ thơ và
thông qua mối quan hệ này mà mở ra
những suy ngẫm về nhiều vấn đề của cuộc
sống. Hồi ức về thời thơ ấu sau 1975
không đặt trẻ thơ trong đời sống tập thể,
cộng đồng với các công việc sản xuất và
chiến đấu như thường thấy ở các tác phẩm
viết cho các em thời kì trước mà xây dựng
hình tượng trẻ thơ như những nhân cách
trong sự tác động đa chiều của cuộc sống
để nhìn nhận đúng bản chất tuổi thơ hơn.
Không thể tách rời đời sống trẻ thơ với
những biến cố lịch sử, các nhà văn đã
ngoái về quá khứ để nhìn rõ gương mặt các
em trong chiến tranh. Tuy vẫn đi theo
mạch nguồn sử thi, nhưng cảm nhận về
chiến tranh của các tác giả đã có chiều sâu
hơn. Chiến tranh có tác động lớn đến con
người, cả những số phận trẻ thơ. Các em
hoặc là chủ nhân của cuộc chiến đấu, hoặc
là nạn nhân của chiến tranh, ở góc độ nào
cũng ẩn sâu cái đau đớn của nhà văn khi
nhân cách trẻ thơ bị những cú va đập dữ
dội từ cuộc chiến. Bom đạn chiến tranh
luôn đưa đến những mất mát, thiệt thòi, để
lại nhiều vết chai, vết sẹo trên thể xác và
tâm hồn các em. Tuổi thơ hồn nhiên bị
đánh cắp cùng cái yên bình của làng quê
khi bọn giặc “bắt mang đi tất cả những
người trong làng để xóa dấu vết làng tôi.
Chúng giết tất cả những con trâu Trích,
trâu Mỡ, trâu Ve để xóa nhòa đồng ruộng
tuổi thơ và dĩ vãng của những đứa trẻ con
làng quê” [12, tr.38]. Cuộc sống thời chiến
căng thẳng, hiểm nghèo in hằn lên dáng
dấp, tâm trạng của những đứa trẻ đáng
thương: “Em nào cũng đen nhẻm, gầy sắt,
ánh mắt mệt mỏi vì đói ngủ, vì phải làm
việc quá sức Tính nết các em cũng thay
đổi nhiều, không một tiếng cười đùa,
không một lời trêu chọc” [18, tr.174].
Những đoạn kí ức như chùng xuống, trĩu
nặng tâm trạng đau xót của nhà văn.
Với thế hệ thiếu niên dũng cảm cầm
súng ra trận, bên cạnh sự ngợi ca, trân
trọng, các tác giả không khỏi chua xót khi
chiến tranh đã biến các em từ những đứa trẻ
non nớt, hồn nhiên thành người lính gan
góc, dạn dày. Nhà văn Phùng Quán nhìn lại
tuổi thơ của mình cũng là của những đứa
trẻ trong thiên sử thi hoành tráng Tuổi thơ
dữ dội: “Tôi tưởng chừng mình như không
có tuổi thơ Tuổi thơ tôi là một tuổi thơ
nghiệt ngã 13 tuổi tôi đã phải cầm lấy
khẩu súng ra trận cứu nước cùng với thế hệ
cha anh. Vào cái tuổi chơi bi chơi đáo, trèo
tường hái trộm quả của nhà chùa thì tôi đã
phải nhìn thấy cảnh đầu rơi máu chảy, phải
trộm súng vượt ngục. Tất cả những điều
này tôi đã kể lại trong tiểu thuyết Tuổi thơ
dữ dội” [10, tr.10]. Chiến tranh còn có cả
những thử thách khắc nghiệt buộc các em
phải đối diện. Các em cũng bị giặc bắt, tra
tấn, dở mọi thủ đoạn xấu xa, dù vững vàng
vượt qua hay hoang mang dao động, đánh
mất mình cũng là điều dễ hiểu. Các em
NGÔ THỊ NGỌC DI P
7
cũng có những trăn trở, lựa chọn nghiệt ngã
như nỗi khổ tâm vì phải nghi ngờ mẹ của
Tuân (Hồi đó ở Sa Kỳ), sự lựa chọn giữa đi
nước ngoài học nhạc hay ở lại chiến khu
đói rét với những bản nhạc viết trên lá của
Quỳnh-sơn ca (Tuổi thơ dữ dội) Đằng
sau chiến công, những tấm huy chương còn
có cái xô bồ, phức tạp, những trớ trêu, oan
trái tác động không nhỏ đến đời sống trẻ
thơ. Trong Dòng sông thơ ấu, cậu bé Minh
khổ sở vì sự lôi kéo của ông Tư Khởi đang
ngả nghiêng theo giáo phái Hòa Hảo. Tác
phẩm Tuổi thơ dữ dội cho thấy nỗi oan ức
đến tuyệt vọng của cậu bé Mừng khi bị lãnh
đạo nghi ngờ. Người mẹ khốn khổ của em
đã chết trong đau đớn vì ngỡ con theo Việt
gian. Trẻ thơ như cây non mọc thẳng, các
em không chịu được bất cứ sự bẻ cong nào!
Trong lúc hấp hối, Mừng đã cầu xin khẩn
thiết: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt
gian nữa, anh hí”, lời nói “yếu ớt và nhỏ
gần như một hơi thở nhưng trong khoảnh
khắc ấy đã trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc”
[18, tr.714-715]. Chỉ bằng chiến công và
cái chết, Mừng mới lấy lại được sự trong
sáng, ngay thẳng của mình
Không chỉ chịu sự tác động của chiến
tranh, hồi ức tuổi thơ sau 1975 còn khắc
họa hình ảnh trẻ thơ trong mối quan hệ với
đời sống xã hội, nhà trường và gia đình.
Với cái nhìn chân thực và trải nghiệm sâu
sắc, các nhà văn cho thấy mỗi bước chân
vào đời của các em không phải lúc nào
cũng được chào đón bởi những con người
tốt đẹp mà còn có sự hiện diện của bao kẻ
xấu xa. Vẫn còn đó những người tốt luôn
yêu thương, giúp đỡ, dìu dắt các em như
ông lão chăn vịt, ông già Mộc, anh Cao,
anh Khiết trong Hành trình ngày thơ ấu,
hay cô Đại Bàng, cô Quyên, ông Vinh
pháo, cụ Hồn Nhiên, cụ Xương, cụ Tuệ
trong Côi cút giữa cảnh đời Song, cũng
không ít những con người hiện thân cho cái
cái xấu, cái ác tồn tại trong xã hội được các
nhà văn mạnh dạn phanh phui. Làng quê
của chú bé Khán vẫn còn hiện tượng những
chú mõ bị khinh khi, đánh chửi, đến nỗi
chú Ất tóc đã bạc vẫn có những đứa trẻ gọi
là “thằng Ất”! (Tuổi thơ im lặng). Xung
quanh các em còn nhiều kẻ tham tham, ích
kỉ, hống hách đáng căm ghét. Cô bé Loan
rất ghét lão cai Cân vì lão coi trọng tiền
bạc hơn cả con ruột, hơn cả tình nghĩa
(Hành trình ngày thơ ấu). Chứng kiến hành
động của những kẻ đồi bại, dựa vào quyền
thế nhiễu nhương, hãm hại người khác như
lão Luông, lão Hứng, cậu bé Duy rùng
mình nhận ra: “Thì ra con người ta là vậy,
nó, chính nó, nhiều khi lại là thủ phạm gây
ra bao nỗi oan khổ, đớn đau cho đồng loại”
[16, tr.134] Có thể nói, đối diện với cuộc
sống còn nhiều phức tạp, cái xấu cái ác vẫn
có cơ hội tồn tại, đòi hỏi các em có một độ
trưởng thành nhất định về mặt nhân cách,
phải can đảm, mạnh mẽ, có cái nhìn sâu
sắc hơn, biết phân biệt cái đúng cái sai,
nhận ra người tốt kẻ xấu để học hỏi những
điều hay và nguyện đứng bên này của bờ
vực xấu xa, tội lỗi.
Nhân cách trẻ thơ có sự tác động rất
lớn từ nhà trường, đặc biệt là mối quan hệ
giữa các em với thầy cô giáo. Trong văn
học giai đoạn trước 1975, mối quan hệ giữa
người lớn và trẻ em thường đặt ra theo
hướng người lớn bao giờ cũng tốt, cũng
đúng và trẻ em là đối tượng để dạy bảo,
phải tuân theo sự sắp đặt của họ. Quan hệ
thầy trò càng thể hiện rõ điều đó. Văn học
dành cho thiếu nhi sau 1975 không nhìn
nhận mối quan hệ này một cách đơn giản,
xuôi chiều bởi không phải giáo viên nào
cũng là người thầy đáng kính để xứng đáng
nhận sự trân trọng, biết ơn của học sinh.
Bên cạnh những người thầy giỏi, nhân hậu,
HÌNH TƯỢNG TRẺ THƠ QUA HỒI ỨC VỀ THỜI THƠ ẤU TRONG VĂN HỌC VI T NAM SAU 1975
8
công bằng và tâm huyết trong dìu dắt các
em (thầy Khang trong Tuổi thơ khát vọng,
“bố Thế” trong Hành trình ngày thơ ấu, cô
Lựu, thầy Lương trong Tiếng vọng tuổi
thơ), còn có những thầy cô kém cỏi cả
chuyên môn lẫn phẩm chất, làm tổn thương
trẻ thơ, để lại những ấn tượng nặng nề về
quãng đời học sinh. Trẻ em rất nhạy cảm
trước những đối xử không công bằng của
thầy cô giáo. Cậu bé Duy năm tuổi đã tủi
thân, tức giận và giữ mãi ấn tượng không
tốt đẹp về cô giáo vỡ lòng của mình: “Tôi
không có quần áo đẹp, không có đồ chơi,
không được cô giáo Thìn yêu chiều, chăm
sóc như nhiều đứa” [16, tr.98]. Thầy cô
cũng có những kẻ hám tiền, hám quyền mà
đánh rơi lòng tự trọng; quấy nhiễu, tán tỉnh
rồi đe nẹt, trù úm học sinh; lộng quyền, đổi
trắng thay đen, lạnh lùng, tàn nhẫn (cô
Tuyết trong Côi cút giữa cảnh đời, Thầy
Gia, bà hiệu trưởng trong Hành trình ngày
thơ ấu) Những người thầy, người cô như
thế chẳng những không dạy dỗ được điều
gì tốt đẹp mà còn cản trở con đường học
hành của các em. Chính bà hiệu trưởng
trong Hành trình ngày thơ ấu đã dành cho
Bê mức kỉ luật cao nhất là đuổi học và
thông báo toàn trường cấp ba trong tỉnh,
dập tắt khát khao đến trường và hất em ra
ngoài xã hội một cách thô bạo: “Bà vĩnh
viễn buộc tôi thôi học vì không một trường
nào dám nhận tôi nữa. Bà đã chặn tất cả
các ngả đường phía trước đời tôi” [14,
tr.98] Có thể nói, nhà trường với những
thầy cô giáo đáng kính và cả những kẻ
không đáng làm thầy đều tác động lớn đến
nhân cách học sinh. Các em học được bao
điều hay lẽ phải từ những thầy cô có phẩm
chất cao quí và chịu nhiều ấm ức, đau khổ
trước cái bất công, phải vươn lên đấu tranh
với chúng. Tuy nhiên, các nhà văn không
khỏi chua xót khi khắc họa hình tượng trẻ
thơ với những thương tổn, đổ vỡ về thầy cô
giáo vốn là “tượng đài” đẹp đẽ trong lòng
học sinh. Mạnh dạn thể hiện mặt trái trong
môi trường giáo dục, các tác giả đã tỏ rõ
thái độ đứng về phía trẻ thơ, cảm thông và
trân trọng các em, đồng thời phê phán
mạnh mẽ những mặt tiêu cực, xấu xa
không đáng tồn tại ở nơi dành cho các em
học tập và rèn luyện.
Gia đình là cái nôi của sự hình thành
và phát triển nhân cách của trẻ thơ. Các
nhà văn đã rất sâu sắc khi quan tâm đến
mối quan hệ giữa trẻ em và gia đình, chú ý
tới sự tác động ở chiều sâu của văn hóa gia
đình và nhân cách của những người thân
yêu đến tâm hồn và tính cách các em.
Truyền thống gia đình có vai trò quan
trọng trong việc tạo nên diện mạo, cốt cách
một con người. Không phải ngẫu nhiên
mỗi người trưởng thành đều nhớ da diết và
biết ơn nơi nuôi dưỡng tâm hồn mình từ
thuở ấu thơ. Cuốn tiểu thuyết tự truyện
Miền thơ ấu cứ làm người đọc nhớ đến một
đại gia đình yêu thương, một cộng đồng
gắn kết tối lửa tắt đèn có nhau. Cậu bé Thư
biết gắn bó với quê hương và hướng về tổ
tiên nguồn cội là nhờ những năm tháng
sống ở quê nội cùng người cô như được
sinh ra với sứ mệnh gìn giữ “nếp nhà”. Gia
đình cậu bé Khán trong Tuổi thơ im lặng
rất yêu văn hóa dân tộc, từ người bà hay
hát ru cháu bằng những câu ca dao ngọt
ngào, người cha hay mang về cho con
những cuốn sách cổ điển đến các mợ, các
dì thường kể chuyện cổ tích và dạy bọn trẻ
những điệu dân ca Tất cả như dòng
mạch ngọt ngào ngấm vào Khán để rồi
phát triển thành khí chất văn chương của
một nhà văn tài năng
Trẻ thơ luôn được thừa hưởng những
phẩm chất tốt đẹp của các thành viên trong
gia đình, đặc biệt là những người lớn. Hồi
NGÔ THỊ NGỌC DI P
9
ức tuổi thơ không thể thiếu hình ảnh người
ông, người bà. Với trẻ con ngây thơ, bồng
bột thì ông bà mới là người có đủ trải
nghiệm, thời gian và lòng nhân hậu để lắng
nghe, chăm bẵm chúng Những người bà
của Thư, của Duy, của Cao đều như bước ra
từ chuyện cổ tích với tấm lòng khoan dung,
độ lượng, giàu đức hi sinh, dạy bọn trẻ biết
yêu thương những người kém may mắn
quanh ta. Lòng nhân hậu của những đứa trẻ
có lẽ ảnh hưởng từ những người bà nhân từ
(Miền thơ ấu, Côi cút giữa cảnh đời, Khúc
đồng dao lấm láp). Đến với tự truyện của
Vũ Đức Nguyên, người đọc không khỏi xúc
động với hình ảnh một người ông thâm
trầm, thương con, thương cháu. Ông ngoại
của Vững đã thức trắng đêm để tìm cách
cứu đứa cháu bất hạnh trong cơn thập tử
nhất sinh. Biết ơn ông sâu sắc, tác giả đã
viết cuốn sách về cuộc đời mình để tưởng
nhớ ông: “Tôi viết cuốn sách này là để
tưởng nhớ hương hồn ông ngoại” (Lời đề
từ tác phẩm Tuổi thơ khát vọng).
Đối tượng mà trẻ em chịu tác động
trực tiếp và lớn nhất là cha mẹ. Là trụ cột
gia đình và nuôi dạy con cái nên cha mẹ có
ảnh hưởng nhiều mặt đến những đứa trẻ.
Tuy nhiên, khác với hình ảnh ông bà
thường đẹp đẽ và trọn vẹn, bố mẹ vừa yêu
thương, vừa nghiêm khắc, vừa chịu áp lực
gia đình và tác động phức tạp của hoàn
cảnh, do vậy, không phải lúc nào họ cũng
là hình ảnh đẹp nhất trong mắt con trẻ và
tạo được sự “đồng thuận” với chúng. Trong
Hành trình ngày thơ ấu, mẹ của Bê rất
thương em nhưng cũng hay dùng đòn roi
với đứa con gái cứng đầu. Mẹ không hiểu
Bê bởi cô bé có tư tưởng “nổi loạn” còn bà
vẫn theo quan niệm cũ. Khi Bê chống lại
thầy Gia, bà cho rằng: “Bất luận là gì, thầy
vẫn là thầy, trò vẫn là trò. Trò dám chống
lại thầy là tội không dung thứ” [14,
tr.87]. Theo quan niệm của bà, Bê là “đứa
trẻ hư” và phải nhận sự trừng phạt thật
đáng sợ: “Chao ôi, tôi sợ những tia nhìn
nghiệt ngã đó và sự im lặng hơn những roi
đòn đau rát từ xưa đến nay Sự im lặng
của mẹ khiến tôi cảm thấy tôi đã chết rồi”
[14, tr.106]. Tác giả thật sâu sắc khi đưa
đến cho các bậc cha mẹ một kinh nghiệm
trong ứng xử với con trẻ. Với các em, sự
lạnh lùng, xa cách, không lắng nghe và
thấu thiểu của người lớn còn đáng sợ hơn
những trận đòn đau trên thể xác. Trong
cuộc sống đời thường, không phải bố mẹ
nào cũng thấu hiểu con trẻ dù họ cũng từng
là trẻ con. Cậu bé Cao với bao tủi thân, ấm
ức giấu kín trong tâm hồn thơ dại khi bị bố
mẹ thường xuyên mắng mỏ, đánh đập. Cậu
cảm thấy đau không phải vì những cái
“phát mông, tát má, cốc đầu” mà vì bị mẹ
bắt đi lấy mũ về khi cậu thương thằng bù
nhìn rơm nên đội cho nó, vì bị quát là điên
khi xem con chó Đốm là bạn và cho nó
miếng thịt, vì bị bắt đi đòi lại chiếc đèn ông
sao khi đã thơm thảo cho bé Tâm, vì bị
nghi ngờ là copy bài toán đã cố gắng tự
làm Bố mẹ đã vô tình hắt hủi, tạo áp lực
cho Cao mà bỏ quên những xúc cảm, tình
cảm tốt đẹp của một đứa trẻ (Khúc đồng
dao lấm láp). Trong những hoàn cảnh khắc
nghiệt, đôi khi bố mẹ cũng không làm tròn
trách nhiệm với con cái. Có những người
mẹ bỏ rơi con mà tâm hồn trẻ dại của đứa
bé không thể nào hiểu được: “Cho đến tận
bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi lí do gì mà
mẹ tôi bỏ tôi lại cho bà, ra đi theo cái ông
lái xe tải nọ. Bà nội đã già và tôi thì còn
quá bé bỏng” [16, tr.3]. Trong Tuổi thơ
khát vọng, gánh nặng gia đình đã che lấp
tình cảm của người mẹ. Bà trở nên cáu
kỉnh, gắt gỏng đến cay nghiệt với đứa con
tật nguyền, vô tình để lại trong em những
mặc cảm, tủi hờn sâu kín
HÌNH TƯỢNG TRẺ THƠ QUA HỒI ỨC VỀ THỜI THƠ ẤU TRONG VĂN HỌC VI T NAM SAU 1975
10
Có thể nói, hồi ức về thời thơ ấu sau
1975 đã đặt tuổi thơ vào nhiều môi trường,
trong sự tác động nhiều chiều để khám phá
và thể hiện nhân cách trẻ thơ toàn diện và
sâu sắc. Với ưu thế của các dạng thức sử
dụng chất liệu sống và trải nghiệm cá nhân,
nhà văn có điều kiện đi vào những ngóc
ngách đời tư, những ẩn khuất của mỗi số
phận trẻ thơ để thấy cuộc sống và hành
trình vào đời của các em không chỉ toàn
màu hồng mà có cả những gam màu xám
lạnh. Chiến tranh hay hòa bình, gia đình
hay xã hội không phải lúc nào cũng là môi
trường lí tưởng mà luôn có những mặt trái
có thể gây tổn thương, đổ vỡ trong tâm hồn
trẻ thơ. Tuy nhiên, đó như những thử thách
có tính qui luật của cuộc đời để các em
vượt qua và trưởng thành hơn.
2.3. Trẻ thơ - một cá nhân, cá tính
độc đáo
Cái tôi cá nhân là diện mạo riêng, tính
cách riêng của mỗi người, không hòa lẫn
với ai khác. Nếu văn học thiếu nhi trước
1975 nhìn nhận trẻ thơ chủ yếu ở tư cách
công dân, phẩm chất cộng đồng, gương
mặt riêng có phần mờ nhòe, thì sau 1975,
với sự bùng nổ của ý thức cá nhân, văn học
khám phá và thể hiện hình tượng trẻ thơ
như những cá nhân, cá tính độc đáo, khẳng
định cái tôi trẻ thơ khác với cái tôi người
lớn và đến lượt mình mỗi cái tôi trẻ thơ
hiện ra như một cá thể sinh động và khác
biệt. Hơn nữa, với các dạng thức hồi ức,
người viết có khả năng đi sâu vào các quan
hệ riêng tư, soi rọi những góc khuất của
đời sống nội tâm để bộc bạch về khí chất,
sở thích, ước muốn của bản thân cái tôi
cá nhân, vì thế, càng hiện lên chân thật và
sống động.
Với Miền thơ ấu, Vũ Thư Hiên đã
khẳng định trẻ thơ là một thế giới riêng mà
người lớn không thể uốn nắn một cách thô
bạo. Bằng chứng là cậu bé Thư đã phá vỡ
“âm mưu” của cô Gái khi “gắng sức nhào
nặn tôi từ một tên nhóc vô thần thành một
con chiên ngoan đạo” [13, tr.245]. Thư
phải sống đúng với bản chất tuổi thơ hiếu
động, bướng bỉnh chứ không thể trở nên
điềm đạm và chịu đựng như người lớn. Với
bản tính nghịch ngợm, không ít lần cậu làm
cho cô Gái phiền lòng và được nếm mùi
cây phất trần của bà. Táo tợn nhất là lần
cậu bày trò đóng giả cha đạo, đọc những
câu kinh báng bổ đạo Chúa: “Miăn tôm
kho cà kho cá kho.o.o! Miăn miho mihen
mi chết bỏ kề nhà miii A-me.e.e.n.n!”
[13, tr.106]. Cậu còn liều lĩnh mở khóa
hòm gian của cô Gái cho cô Thiệp lấy trộm
đồ. Cậu cũng không ít lần ăn trộm quít
trong cái hòm gian được khóa cẩn mật đó.
Thủ phạm làm cho thuốc tễ, cam thảo, quế
chi, táo tàu trong kho thuốc của cô Gái hao
hụt cũng chính là cậu Không chỉ nghịch
ngợm, phá phách, Thư còn là đứa trẻ có
đời sống nội tâm phong phú và một tấm
lòng nhân hậu đáng quí. Nhiều lần cậu giận
cô Gái, giận cả Chúa nhưng luôn sẵn lòng
yêu thương, giúp đỡ người khác. Việc cậu
lấy trộm gạo cho chú Khóa hay “tòng
phạm” với cô Thiệp cũng xuất phát từ lòng
trắc ẩn, cảm thông với những con người
nghèo khổ, cơ nhỡ
Gửi theo chuyến tàu trở về tuổi thơ
trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của
Nguyễn Nhật Ánh là ước vọng được sống
đúng với thế giới tuổi thơ, sống đúng với
bản thân mình của thằng cu Mùi và “những
người bạn” Hải cò, Tủn, Tí sún. Cu Mùi là
một đứa trẻ lên tám rất nghịch ngợm, hiếu
động, ham chơi, muốn thoát sự khỏi ràng
buộc của người lớn, làm “nhà cách mạng
bé con” “cho đời bớt nhạt”. Nếu một ngày
không có cái gì mới lạ, không có một trò
phá phách, nghịch dại nào đó hẳn cu cậu sẽ
NGÔ THỊ NGỌC DI P
11
rất buồn chán, dĩ nhiên là cái buồn của trẻ
con “buồn ơi là sầu!”. Tác giả thật dí dỏm
mà tinh tế, sâu sắc khi khi khắc họa hình
ảnh cu Mùi như một sự khẳng định cái
khác biệt giữa trẻ thơ và người lớn. Tất cả
suy nghĩ, hành động, sở thích của cậu bé
đều khác (hoặc cố ý làm khác) người lớn.
Cu Mùi khoái “xực” mì gói trong khi
người lớn chỉ quan tâm những món bổ béo;
cu Mùi “tủi thân và sầu muộn” khi phải
ngủ trưa thì người lớn luôn bắt buộc cậu
phải ngủ trưa; cu Mùi xem chó là bạn,
người lớn lại bắt chúng để giết thịt; trong
khi mọi người uống nước trong ly và ăn
cơm bằng chén thì cu Mùi nghĩ ra cách
uống nước trong chai và ăn cơm bằng thau!
Cu Mùi còn “đầu têu” trong trò chơi đóng
vai bố mẹ để được “dạy con” bằng những
phát ngôn “giễu nhại” hả hê: “Giờ này mà
học bài hả? Đồ lêu lổng!”, “Con ngoan là
phải chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh
lộn!”, “Đánh nhau mà quần áo sạch sẽ thế
kia thì có nhục cho tổ tiên không kia
chứ!” [11, tr.33-36]. Những đứa trẻ cũng
muốn đảo lộn trật tự thế giới bằng cách gọi
tên khác lạ: gọi con chó là cái bàn ủi, cái
cặp là cái giếng, cuốn tập là cái nón, cái
miệng là cánh tay, đi ngủ là đi chợ
Chúng còn cả gan mở cả một phiên tòa để
luận tội bố mẹ Tất cả như một sự giải tỏa
những ấm ức của trẻ con, một cách “nổi
loạn” để đòi tự do, công bằng, để bộc bạch
những tâm tư, ước vọng thầm kín của tâm
hồn thơ dại mà không ai thấu hiểu!
Cậu bé Vững bước ra từ hồi ức Tuổi
thơ khát vọng là sự khẳng định một tính
cách trẻ thơ đầy nghị lực như chính cái tên
của em, luôn vững vàng. Thành công của
Vững gắn liền với nỗi đau tật nguyền,
những ngày tập tễnh đến trường, những
bươn chải nhọc nhằn của mẹ, những tháng
ngày biền biệt của cha, những chuyến tản
cư, loạn lạc Thật cảm động khi Vững đã
nhiều lần chiến thắng số phận. Bị ốm liệt
giường nhưng bản năng sống mạnh mẽ đã
giúp em vượt qua lưỡi hái của tử thần.
Nghe ngoài kia người ta đã đóng áo quan
cho mình, Vững vẫn không cam tâm: “Sao
lại đóng quan tài chôn tôi xuống đất? Tôi
mắc tội gì mà đem chôn sống tôi?” [17,
tr.10]. Em lấy hết sức mình hít chút không
khí quí giá vào lồng ngực, cố ngóc đầu lên
uống từng thìa thuốc đắng chát, vẫn chìa
những ngón tay xương xẩu ra xin ăn
Vượt qua cái chết, em kiên quyết phải
bước đi trên đôi chân què quặt rồi quyết
tâm chinh phục con đường đến trường...
Điều đáng quí là bên trong cậu bé Vững
cứng cỏi còn có một tâm hồn trẻ thơ nhạy
cảm, hiền lành, nhân hậu. Cũng có những
lúc ghen tị với chúng bạn, tủi hờn vì sự gắt
gỏng cay nghiệt của mẹ, mặc cảm với thân
phận con nuôi nhưng rồi nhận ra cái cơ
cực, gian truân cùng công lao, tình nghĩa
mà mẹ dành cho mình, Vững đã gạt đi
buồn tủi, nguyện không đào xới quá khứ để
cảm thông và yêu thương mẹ nhiều hơn
Trong Hành trình ngày thơ ấu, Bê là
một cô bé rất cá tính. Em thông minh,
nhanh nhẹn, hết lòng vì bạn bè, vừa có nét
ngây thơ, vừa cứng cỏi, thẳng thắn, ngang
tàng, dám đối đầu với thầy Gia hay quyết
định lên biên giới tìm bố. Phản ứng của Bê
với thầy Gia không phải là hành động rồ
dại, xốc nổi của trẻ con mà đó là việc làm
có ý thức chống lại “một ông giáo không
đủ tư cách làm thầy, thậm chí không đủ tư
cách làm một con người đứng đắn và lương
thiện” [14, tr.87]. Nhân vật Bê đưa đến sự
nhận thức lại về quan hệ người lớn - trẻ
em, quan niệm trẻ em ngoan - hư, bởi
không phải lúc nào người lớn cũng đúng,
cần hiểu trẻ em và đánh giá chúng công
bằng, sâu sắc hơn.
HÌNH TƯỢNG TRẺ THƠ QUA HỒI ỨC VỀ THỜI THƠ ẤU TRONG VĂN HỌC VI T NAM SAU 1975
12
Có thể nhận diện bao gương mặt trẻ
thơ cá tính khác trong nhiều tác phẩm. Một
Bảo lão mổ “da bánh mật, bước đi huỳnh
huỵch, ăn nói bặm trợn”, nhanh nhẹn,
nhiều chiêu trò, thích bay nhảy tự do
nhưng lại sống tình cảm và yêu mến, tự
hào về quê hương (Miền xanh thẳm); một
cô bé Tiệp Kiến Vàng “mặt mũi sáng sủa,
nói năng hoạt bát”, có tư chất văn chương,
vừa giống người cô “thủ lĩnh” của mình,
vừa nể sợ, vừa biết khéo léo nịnh cô (Miệt
vườn xa lắm); một chú bé Cao “nghịch
rách trời rơi xuống”, tham ăn, ham chơi,
hay trốn học, hay đánh nhau với bạn nhưng
rất nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan
tâm, chia sẻ với những người già, cô đơn
như ông Tác hay cô bé “con nhà quét chợ”
như Tâm, thương cả con chó Đốm, thằng
bù nhìn rơm (Khúc đồng dao lấm láp)
Có thể nói, các tác giả đã nhìn nhận mình
cùng bao đứa trẻ khác như một cá nhân, cá
tính độc đáo. Trong thế giới tuổi thơ, mỗi
em là một “thực thể” sinh động với những
nét riêng về tính cách, đời sống nội tâm,
nhu cầu thường nhật, sở thích cá nhân và
cả những thói tật Khắc họa hình tượng
trẻ thơ ở góc nhìn này vừa thể hiện quan
niệm mới của văn xuôi sau 1975 về trẻ em,
vừa cho thấy một đặc trưng của các dạng
thức hồi ức là luôn bắt lấy những gì là
riêng biệt, độc đáo để lại ấn tượng sâu đậm
trong lòng tác giả.
3. Kết luận
Nhìn chung, được khắc họa với cái
nhìn đa chiều và những trải nghiệm cá
nhân, hình tượng trẻ thơ qua các hồi ức về
thời thơ ấu trong văn xuôi Việt Nam sau
1975 hiện lên khá chân thực và đầy đặn.
Đó là một thế giới hiện thân cho những gì
đẹp đẽ, thánh thiện nhưng không tránh
khỏi những tác động nhiều chiều, lắm lúc
nghiệt ngã của thời cuộc, của lòng người;
là một thế giới riêng, độc đáo mà đôi khi
người lớn không hiểu được và không thể
nhào nặn theo ý họ. Bị chi phối bởi khuynh
hướng nhận thức lại quá khứ, các nhà văn
mạnh dạn đi vào những ngóc ngách khuất
lấp trong đời sống chiến tranh, đời sống xã
hội, nhà trường và gia đình để thấy những
mặt trái của nó và sự tác động sâu sắc đến
nhân cách trẻ thơ. Tuy nhiên, tâm thế hồi
tưởng, chiêm nghiệm, cảm xúc yêu thương,
trân trọng, cái nhìn thể tất đã níu giữ ngòi
bút nhà văn, không đẩy cảm hứng phê phán
đến quyết liệt, tận cùng. Cái đọng lại vẫn là
sự khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp trẻ thơ, qua
đó gửi gắm niềm tiếc nhớ về một thời tuyệt
đẹp đã xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Định Hải (2008), “Nhớ thời cháo cám làm thơ
nuôi mình”, Báo Thể thao và văn hóa, ngày
24/8/2008.
2. Vũ Thư Hiên, Lời mở đầu “Miền thơ ấu”,
nguồn:
tid=2qtqv3m3237n1nnntn31n343tq83a3q3m32
37nvn&cochu=
3. Phong Lan (1989), “Miền thơ ấu, một cuốn
sách đẹp”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4,
tr.96 - 100.
4. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006),
Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề
nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
5. Lã Thị Bắc Lý (2000), Truyện viết cho thiếu
nhi sau năm 1975, Nxb Đại học Quốc gia
Hà Nội.
6. Đỗ Hải Ninh (2011), “Mối quan hệ giữa tự
truyện - tiểu thuyết và một số dạng thức tự
thuật trong văn học Việt Nam đương đại”,
Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8.
7. Nguyễn Khắc Phê (2006), “Sự thật từ ngòi
bút Phùng Quán”, Báo Văn nghệ, số 29, ngày
22/7/2006.
8. Trần Đình Sử (1986), “Tuổi thơ im lặng, kỉ
niệm về một tầng văn hóa làng quê lâu đời”,
Báo Văn nghệ, số 36.
NGÔ THỊ NGỌC DI P
13
9. Vân Thanh (1999), Phác thảo văn học thiếu
nhi Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
10. Vũ Bội Trâm - Ngô Minh (Biên soạn), (2007),
Phùng Quán còn đây, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ
Chí Minh.
TÁC PHẨM KHẢO SÁT (có trích dẫn)
11. Nguyễn Nhật Ánh (2008), Cho tôi xin một vé
đi tuổi thơ, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
12. Thu Bồn (1978), Cơn giông tuổi thơ,
Nxb Hà Nội.
13. Vũ Thư Hiên (1988), Miền thơ ấu, Nxb Văn
nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
14. Dương Thu Hương (1985), Hành trình ngày
thơ ấu, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
15. Duy Khán (2012), Tuổi thơ im lặng, Nxb Kim
Đồng, Hà Nội.
16. Ma Văn Kháng (2006), Côi cút giữa cảnh đời,
Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
17. Vũ Đức Nguyên (2004), Tuổi thơ khát vọng,
Nxb Hà Nội.
18. Phùng Quán (2005), Tuổi thơ dữ dội,
Nxb Văn học, Hà Nội.
19. Kao Sơn (2017), Khúc đồng dao lấm láp,
Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
Ngày nhận bài: 02/9/2017 Biên tập xong: 15/10/2017 Duyệt đăng: 20/10/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 9_8815_2215061.pdf