Hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết dân gian người việt - Đoàn Thị Ngọc Anh

Tài liệu Hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết dân gian người việt - Đoàn Thị Ngọc Anh: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0091 Social Science, 2017, Vol. 62, Iss. 11, pp. 76-80 This paper is available online at HÌNH TƯỢNG PHẠM NHAN TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT Đoàn Thị Ngọc Anh Khoa Ngữ văn & Địa lí, Đại học Hải Phòng Tóm tắt. Phạm Nhan là nhân vật phản diện trong truyền thuyết của người Việt. Hình tượng nhân vật Phạm Nhan được tác giả dân gian xây dựng vừa thực vừa hư, vừa thần bí vừa có sức ảnh hướng lớn trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Bài viết tập trung làm rõ Phạm Nhan là ai? Đặc điểm, hành trạng của nhân vật và những ảnh hưởng của vị tà thần này trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết là một hiện tượng đặc biệt và hết sức phức tạp trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Từ khóa: Phạm Nhan, truyền thuyết dân gian, hình tượng nhân vật. 1. Mở đầu Phạm Nhan là nhân vật có nguồn gốc từ lịch sử. Truyền thuyết Phạm Nhan được xây dựng nhằm thoả mãn tính hiếu kì và lòng căm...

pdf5 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 515 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết dân gian người việt - Đoàn Thị Ngọc Anh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0091 Social Science, 2017, Vol. 62, Iss. 11, pp. 76-80 This paper is available online at HÌNH TƯỢNG PHẠM NHAN TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT Đoàn Thị Ngọc Anh Khoa Ngữ văn & Địa lí, Đại học Hải Phòng Tóm tắt. Phạm Nhan là nhân vật phản diện trong truyền thuyết của người Việt. Hình tượng nhân vật Phạm Nhan được tác giả dân gian xây dựng vừa thực vừa hư, vừa thần bí vừa có sức ảnh hướng lớn trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Bài viết tập trung làm rõ Phạm Nhan là ai? Đặc điểm, hành trạng của nhân vật và những ảnh hưởng của vị tà thần này trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết là một hiện tượng đặc biệt và hết sức phức tạp trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Từ khóa: Phạm Nhan, truyền thuyết dân gian, hình tượng nhân vật. 1. Mở đầu Phạm Nhan là nhân vật có nguồn gốc từ lịch sử. Truyền thuyết Phạm Nhan được xây dựng nhằm thoả mãn tính hiếu kì và lòng căm thù giặc của nhân dân. Hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết người Việt chưa được nghiên cứu một cách hệ thống. Lâu nay, một số công trình, bài viết có đề cập tới Phạm Nhan đều ở dạng những bài viết riêng lẻ, và những nhận định rời rạc. Tài liệu Thần tích Đức Thánh Trần do Bắc Việt tương kế hội xuất bản năm 1963, tại Sài Gòn có bài viết về Phạm Nhan với nhan đề Phạm Nhan một kẻ tà thần hại dân hại nước gươm thần trừ đi [5].Viết về câu chuyện Phạm Nhan, sách Việt Điện u linh tập lục toàn biên chép: hồn Phạm Nhan sau khi bị Hưng Đạo Vương hành hình đi khắp nơi hớp hồn phụ nữ, khiến cho họ đau ốm liên miên. Hồ Đức Thọ trong công trình Trần triều Hưng Đạo Đại Vương trong tâm thức người Việt có nhắc đến: “Phạm Nhan là một tên tướng giặc có yêu thuật thường hay gây tai vạ cho nhân dân, nhất là phụ nữ nên khi ốm đau dai dẳng không rõ nguyên nhân thường nghi là ma làm (chỉ Phạm Nhan)” [3]. Khi Khảo sát truyền thuyết và một số phong tục, lễ hội ở vùng đảo Hà Nam - Quảng Ninh (Luận văn thạc sĩ), tác giả Nghiêm Thị Mai Lan đã xếp Phạm Nhan vào nhóm nhân vật kẻ thù trong chuỗi truyền thuyết khảo sát được ở vùng đảo này. Có khá nhiều ý kiến thống nhất Phạm Nhan vốn là kẻ thù của dân tộc, khi sống đi đến đâu gây tàn sát cả muôn loài cây cỏ, khi chết trở thành loài quỷ hút máu người. Nhân vật Phạm Nhan trở thành nỗi ám ảnh không nguôi của người dân Việt. Trong bài viết này, chúng tôi nghiên cứu về truyền thuyết Phạm Nhan dưới góc độ một thể loại văn học. Lí giải hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết, khai thác những điểm khác biệt về truyền thuyết Phạm Nhan so với những truyền thuyết về các nhân vật phúc thần khác. Đây là một vấn đề mới và hấp dẫn. Ngày nhận bài: 15/5/2017. Ngày sửa bài: 21/7/2017. Ngày nhận đăng: 20/10/2017 Liên hệ: Đoàn Thị Ngọc Anh, e-mail: ngocanhdt.dhhp@gmail.com 76 Hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết dân gian người Việt 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tên gọi Phạm Nhan Đa số các truyền thuyết kể về Phạm Nhan đều có nhắc tới tên thật của nhân vật này là Nguyễn Bá Linh. Nhân vật được giới thiệu đến có gốc tích, lai lịch cụ thể: mẹ người làng An Bài, Đông Triều; cha là thương khách người Phúc Kiến - Quảng Đông (Trung Quốc). Có truyền thuyết còn kể cha Phạm Nhan tên là Nguyễn Bá Quang. Một số truyền thuyết kể rằng Phạm Nhan là con của một người con gái họ Nguyễn, quê ở Đông Triều. Lại có truyền thuyết gọi: Nguyễn Nhan tên chữ là Bá Linh. Cách gọi tên họ khác nhau đối với một nhân vật thực sự có những căn nguyên cần được lí giải. Trong quá trình điền dã và sưu tầm tài liệu chúng tôi thu thập được những ý kiến khác nhau về tên gọi của nhân vật này. Có hai giả thiết được đưa ra: thứ nhất, Bá Linh là tên thật của nhân vật này, và sau khi sang Trung Quốc theo học thi đỗ Tiến sĩ mới lấy tên chữ là Phạm Nhan. Theo giả thiết thứ nhất, thì Phạm Nhan là tên chữ của Nguyễn Bá Linh. Như vậy, chữ Phạm trong “Phạm Nhan” sẽ không được hiểu là họ của nhân vật, mà nên hiểu là tên chữ, hay tên hiệu mà người xưa hay đặt. Giả thiết thứ hai, cũng cho rằng nhân vật có tên thật là Nguyễn Bá Linh, còn Phạm Nhan là tên gọi sau khi ông đã chết. Theo Từ điển Trích dẫn [6]: (phạm) có nghĩa là xâm lấn, động chạm; (nhan) là dáng mặt, vẻ mặt. Phạm nhan là xâm phạm, động chạm vào dáng vẻ, nhan sắc. Theo giả thiết thứ hai, chúng tôi thấy sự hợp lí của tên gọi này liên quan đến những truyền thuyết có kể về căn bệnh mà người phụ nữ mắc phải có tên là bệnh Phạm Nhan. Chuyện kể về việc trước khi chết, nhân vật này hỏi Hưng Đạo Vương: Ngài cho tôi ăn món gì? Căm phẫn trước những việc làm quái ác của kẻ dẫn giặc về dày xéo quê mẹ, Hưng Đạo Vương đã tức giận mà nói rằng: cho mi ăn máu đẻ của đàn bà. Vì vậy mà sau khi chết, hắn luôn tìm phụ nữ để tác oai tác quái, hoành hành gây bệnh. Nhất là đàn bà sau khi mới sinh nở nếu có việc phải đi qua chỗ mà Phạm Nhan bị hành hình thì sẽ bị bắt vía, hút hết máu, gầy mòn dần cho đến chết. Như vậy về tên gọi chúng ta có thể hiểu nhân vật có tên thật là Nguyễn Bá Linh, Phạm Nhan có nội dung lí giải về sự gây họa của nhân vật này trong dân gian, lâu dần được sử dụng như cách gọi tên riêng. Và chúng ta biết nhiều đến nhân vật này với cái tên Phạm Nhan. 2.2. Phạm Nhan với tài thuật phù thủy Phạm Nhan là một kẻ bán nước hại dân, cả trong lịch sử và truyền thuyết đều ghi nhớ về nhân vật này trên thì đắc tội với trời xanh, dưới thì đại ác với đất tổ quê mẹ; một kẻ sống một đời mà bị khinh ghét muôn đời. Hình tượng nhân vật Phạm Nhan trong truyền thuyết là hình ảnh của kẻ tà thần. Phạm Nhan tuy có phép thuật, nhưng lại dùng phép thuật vào việc hại nhân hại nước. Truyền thuyết có kể về việc sau nhiều năm sang Trung Quốc tu học, chuyên tâm nghiên cứu chước thuật, phù phép ma quỷ, luyện khí, luyện công. Hắn tự khoe có tài đi trên than hồng không bỏng, ngâm trong băng tuyết không lạnh, chém đầu không đứt, nếu đứt lại mọc đầu khác. Khi vào trong cung chữa bệnh hắn đã dùng tà thuật chuyên thôi miên các cung nữ làm chuyện dâm ô, vẽ bùa, vẽ các hình thù kì quái lên chỗ kín cung nữ, sờ soạng trong đêm tối, thông dâm một lúc với nhiều người. Lời đồn đại những hình thù kì quái trên thân thể cung nữ lan đi, việc dâm ô lộ ra. Một đạo sĩ cao tay được bí mật nhập quách thành. Sau ba sáu ngày hết một kì Địa sát, Bá Linh bị phát giác. Triều đình chiếu tội trảm quyết. Nhan cầu xin vua Nguyên cho đáo công chuộc tội xin làm hướng đạo sang đánh Nam quốc. Khi đánh trận, Bá Linh thường đi đầu. Bá Linh mắt nhỏ, mặt dài, cưỡi ngựa ra trước trận, tay cầm thanh bảo kiếm, xõa đầu, rũ tóc, trong mồm niệm chú, lẩm bẩm mấy câu. . . trời bỗng nổi 77 Đoàn Thị Ngọc Anh cơn giông, cát sỏi bay vù vù, mây kéo tối mù mịt, quân sĩ giáp mặt không trông thấy nhau. Rồi nghe thấy trên không có tiếng reo hò ầm ầm tựa như có thiên binh, vạn mã đổ xuống khiến quân ta kinh hãi, bỏ chạy. Nhờ tà thuật của Bá Linh mà quân Nguyên đã phá được nhiều trại của ta. Có thể thấy, Phạm Nhan đã tu luyện được phép thuật phù thủy, và sử dụng phép thuật của mình như một thứ khí cụ để trêu người, hại người. Ban đầu là làm những việc đen tối, không đoan chính đối với các cung nữ. Sau khi bại lộ để cứu mạng sống của mình đã dẫn quân xâm lăng về dày xéo lên đất quê mẹ. Phạm Nhan đã dùng phép thuật để giúp cho quân Nguyên chiếm đánh nước ta. Chỉ với sức của một mình Phạm Nhan nhưng có thể sánh với thiên binh vạn mã, khi Phạm Nhan sử dụng đến tà âm binh. Để cướp trại Vạn Kiếp nửa đêm âm binh thần tướng kéo tới bạt ngàn, nhô nhố quân đầu trâu mặt ngựa, mặt mũi dữ tợn như hung thần. Cung nỏ bắn cùng không được âm binh. Để diệt Phạm Nhan, Hưng Đạo Vương đã phải lập trận đồ cửu cung bát quái cùng thanh thần kiếm của Tiên Mẫu. Hưng Đạo Vương bày thành trận đồ thế, chia quân dàn ra 8 cửa, mỗi cửa định một sắc cờ: mặt chính đông cờ xanh. Mặt chính tây cờ trắng. Mặt chính nam cờ đỏ, mặt chính bắc cờ đen. Góc đông nam cờ sắc đỏ trắng, góc tây bắc cờ dán sắc xanh đen. Góc tây nam cờ đỏ trắng, góc tây bắc cờ trắng đen. Mỗi mặt 300 quân, 50 tên kị mã cầm cờ, 250 tên bộ tốt cầm cờ khí giới. Ở chính giữa có một toán quân cầm cờ vàng. Bá Linh xem xét thế trận, cho là có sát khí bốc lên, chắc có quỷ thần chi đây. Khi Bá Linh dẫn 500 quân đánh ở mặt chính đông vào, Hưng Đạo Vương cầm thanh kiếm niệm chú mấy câu, rồi cầm cờ vàng phất lên. Bá Linh phải dùng phép độn giáo, tàng hình để trốn mất. Còn 500 quân bị chết và bắt sống hết. Quân Nguyên phải chạy lui về Vạn Kiếp. Việc bắt Phạm Nhan quả nhiên không dễ dàng gì bởi tài biến hóa khôn lường của hắn. Nhờ lời mách của bà lão hàng cơm, Hưng Đạo Vương chuẩn bị sẵn chỉ ngũ sắc, chờ khi bắt tình cờ, dùng ngay chỉ ngũ sắc quấn vào người thì Phạm Nhan mới không biến được. Sau khi bắt được Phạm Nhan, tướng quân Dã Trượng đã không thể nào hành khuyết đối với tên tướng giặc này. Cứ chặt đầu này hắn lại mọc đầu khác. Sau phải dùng đến thanh kiếm thần của Hưng Đạo Vương có bôi bồ hóng bếp với phân gà sáp mới chém được Phạm Nhan. Xây dựng hình tượng Phạm Nhan, nhân dân thể hiện thái độ căm ghét đối với một kẻ tà thần, hại dân hại nước. Mặc dù truyền thuyết nói về tài thuật của Phạm Nhan nhưng không phải để ngợi ca mà để ghê rợn, để lên án một kẻ thất nhân. Hình tượng Phạm Nhan hoàn toàn khác biệt với những nhân vật truyền thuyết thông thường. Nếu như các nhân vật truyền thuyết ở tuyến thiện được xây dựng trong niềm yêu mến tôn sùng của nhân dân và là biểu tượng của chính khí. Thì Phạm Nhan là biểu tượng cho tà khí, cho hình tượng của một kẻ phản trắc trong lòng nhân dân. 2.3. Phạm Nhan và những nỗi ám ảnh trong dân gian Phạm Nhan tuy đã bị Hưng Đạo Vương tiêu diệt, nhưng sau khi chết giặc Phạm Nhan vẫn còn lẩn khuất, quấy nhiễu dân lành. Khi sống là một tên tướng giặc đánh phá nước ta, khi chết hóa thần lại quấy nhiễu đời sống của nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trong dân gian kể rất nhiều câu chuyện về sự ám ảnh và nỗi sợ hãi đối với hồn ma Phạm Nhan. Tuy đã chết, nhưng tướng giặc vẫn tái sinh, thành những giống có hại dai dẳng hết đời này sang đời khác. Xác Phạm Nhan bị chặt làm ba khúc, khúc chân vứt lên rừng biến thành con vắt, khúc thân vứt lên bờ biến thành con muỗi, khúc đầu vứt xuống sông trôi về gò đất thôn Hưng Học thì biến thành con đỉa, đều là những con vật hút máu người. Truyền thuyết đầy màu sắc hoang đường thể hiện sự kinh tởm, căm ghét tên giặc hút máu người dưới biểu tượng những con vật có thực trong cuộc sống. Tại một số địa phương hiện nay vẫn còn lưu truyền nhau những nỗi sợ hãi về căn bệnh mang tên Phạm Nhan. Vì lời nguyền cho Phạm Nhan ăn máu đẻ của đàn bà, nên hồn ma của y thường đi khắp nơi để hút 78 Hình tượng Phạm Nhan trong truyền thuyết dân gian người Việt máu đàn bà, nhất là đàn bà trong kì sinh nở. Ai mắc phải đều bị bệnh liên miên, thuốc thang mãi cũng không khỏi. Ngày xưa, tại thôn Hưng Học xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh (nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có hiện tượng phụ nữ mang thai chín tháng, nhưng đến kì sinh nở chỉ đẻ ra nước. Dân làng vô cùng sợ hãi. Sau có người nằm mộng thấy hồn Phạm Nhan về đòi cúng tế. Các cụ trong làng mới bàn bạc và làm lễ cúng tế vong hồn Phạm Nhan. Lễ vật phải có một thau nước màu đỏ. Từ đó về sau hàng năm làng Hưng Học đều phải làm lễ cúng, rước Phạm Nhan. Truyền thuyết cũng kể rằng ngày xưa phụ nữ làng Hưng Học so với phụ nữ những làng bên thì xấu hơn rất nhiều. Từ già đến trẻ, phụ nữ trong làng ai cũng bị toét mắt. Người dân cho rằng vì làng Hưng Học nhiễm phải ám khí của Phạm Nhan nên không thể xinh đẹp được. Ở Thủy Nguyên - Hải Phòng vì sợ hãi vong hồn này, đàn bà con gái phải bịt mặt, tránh hồn ma bắt gặp trêu ghẹo. Chỉ có ngày hội đầu xuân trước cửa đình, đền được các thần linh chứng kiến mới bỏ khăn bịt mặt, do đó có ngày “Hội mở mặt” vào dịp đầu xuân tại đình Kênh Dương - Thủy Nguyên ngày nay. Vùng đảo Hà Nam, Phong Cốc phụ nữ đều sợ tà ma này, đối phó bằng cách vá thật đầy đũng váy, nhất là những ngày có kinh lại càng phải che dấu kín đáo hơn. Vì thế dân gian trong vùng mới có phương ngữ lưu truyền “Phục, Phá bịt má, Hà Nam vá trôn” (Phục Lễ, Phả Lễ - Thủy Nguyên, Hải Phòng, Hà Nam - Quảng Ninh). Tội ác của Phạm Nhan đã trở thành nỗi ám ảnh rất lớn trong đời sống của người dân. Dân gian luôn giữ thái độ dè dặt và kinh sợ với vị thần linh này. Hầu hết mọi người đều muốn có thái độ giữ mình, kiêng kị và tránh phạm phải vía của Phạm Nhan. Người ta lập đền thờ hay làm lễ vật để dâng cúng Phạm Nhan chỉ là để mong cầu bình yên cho bản thân và gia đình mình. Quan niệm của dân gian “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì kinh sợ mà thờ cúng để mong cầu bình an và để tránh hậu họa, phiền toái. Đó cũng chính là những dấu ấn riêng trong văn hóa tín ngưỡng của từng địa phương. 3. Kết luận Hình tượng Phạm Nhan được xây dựng trong trí tưởng tượng của dân gian về một nhân vật kẻ thù bị trừng phạt, sau khi chết linh hồn nơi đất khách quê người, sẵn trong lòng đầy oán hận, nên thường xuyên hiện về quấy nhiễu, làm hại nhân dân. Một loạt những hiện tượng lạ xảy ra ở những vùng Phạm Nhan đi qua, khiến cho dân gian liên tưởng nhiều tới những căn bệnh mang tên Phạm Nhan. Các truyền thuyết về Phạm Nhan có rất nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo, nghiêng về yếu tố tâm linh của người dân. Sự xuất hiện của các yếu tố hoang đường kì ảo đó không chỉ mang lại không khí thiêng thường thấy trong truyền thuyết mà còn góp phần làm nổi bật mối quan hệ gần gũi giữa truyền thuyết và đời sống văn hóa tâm linh của người dân. Những truyền thuyết kể về Phạm Nhan, sự hóa thân, hóa thần của nhân vật này và nỗi ám ảnh của người dân về sức mạnh kì bí của vị ác thần thể hiện một đời sống văn hóa dân gian phong phú và phức tạp. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ngọc Hồ, Nhất Tâm, 1992. Việt điện u linh (tập lục toàn biên). Nxb Cửu Long. [2] Nghiêm Thị Mai Lan, 2006. Khảo sát truyền thuyết và một số phong tục, lễ hội ở vùng đảo Hà Nam - Quảng Ninh. Luận văn Thạc sĩ khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [3] Hồ Đức Thọ, 2002. Trần triều Hưng Đạo đại vương trong tâm thức người Việt. Nxb Văn hóa du lịch, Hà Nội. [4] Tạ Chí Đại Trường, 2006. Thần, Người và Đất Việt. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. [5] Thần tích Đức Thánh Trần, 1963. Ủy ban văn hóa hội Bắc Việt tương tế. [6] Hán Việt Từ điển Trích dẫn. 79 Đoàn Thị Ngọc Anh ABSTRACT Pham Nhan - the icon in Vietnamese folk legends Doan Thi Ngoc Anh Faculty of Literature and Geography, Hai Phong Universty Pham Nhan is a villain character in the legends of the Vietnameses. The character of Pham Nhan was constructed both realistic and surreal, both mystical and widely influential in cultural society activities. The article focuses on who Pham Nhan is, the characteristics of this figure and the influence of him upon the cultural life and religious belief of Vietnamese people. Pham Nhan icons in the folk legends is a special and complex phenomenon is the treasure of Vietnam folklore. Keywords: Pham Nhan, legends, character. 80

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4984_dtnanh_5617_2127505.pdf
Tài liệu liên quan