Hình tượng mẫu thượng ngàn từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng - Nguyễn Thị Hường

Tài liệu Hình tượng mẫu thượng ngàn từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng - Nguyễn Thị Hường: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0009 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 54-61 This paper is available online at HÌNH TƯỢNG MẪU THƯỢNG NGÀN TỪ TRUYỀN THUYẾT, CHẦU VĂN ĐẾN VỞ CHÈO BẮC LỆ ĐỀN THIÊNG Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Thanh Phương Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trong quan niệm của Đạo Tứ phủ Việt Nam, Mẫu Thượng Ngàn là bà mẹ cai quản miền núi rừng rộng lớn. Cùng với Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải, bà mẹ này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác bất tận ở nhiều loại hình nghệ thuật cũng như các thể loại văn học dân gian. Bài viết này tìm hiểu sự giống nhau và khác nhau giữa các bản truyền thuyết, các bài văn chầu và vở chèo hiện đại Bắc Lệ đền thiêng khi cùng lấy Mẫu Nhạc Phủ làm hình tượng trung tâm. Qua đó, sự chi phối bởi đặc trưng thể loại đối với một hình tượng văn học cũng được làm rõ. Từ khóa: Bắc Lệ đền thiêng, Mẫu Thượng Ngàn, truyền thuyết, chầu văn, chèo. 1. Mở đầu Đạo Mẫu là một tín ngưỡng có tính chấ...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 609 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình tượng mẫu thượng ngàn từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng - Nguyễn Thị Hường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0009 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 54-61 This paper is available online at HÌNH TƯỢNG MẪU THƯỢNG NGÀN TỪ TRUYỀN THUYẾT, CHẦU VĂN ĐẾN VỞ CHÈO BẮC LỆ ĐỀN THIÊNG Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Thanh Phương Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trong quan niệm của Đạo Tứ phủ Việt Nam, Mẫu Thượng Ngàn là bà mẹ cai quản miền núi rừng rộng lớn. Cùng với Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải, bà mẹ này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác bất tận ở nhiều loại hình nghệ thuật cũng như các thể loại văn học dân gian. Bài viết này tìm hiểu sự giống nhau và khác nhau giữa các bản truyền thuyết, các bài văn chầu và vở chèo hiện đại Bắc Lệ đền thiêng khi cùng lấy Mẫu Nhạc Phủ làm hình tượng trung tâm. Qua đó, sự chi phối bởi đặc trưng thể loại đối với một hình tượng văn học cũng được làm rõ. Từ khóa: Bắc Lệ đền thiêng, Mẫu Thượng Ngàn, truyền thuyết, chầu văn, chèo. 1. Mở đầu Đạo Mẫu là một tín ngưỡng có tính chất bản địa của đất Việt, gắn bó chặt chẽ với nếp cảm, nếp nghĩ và tư duy của những cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Tương ứng với quan niệm về Tứ Phủ, có bốn vị Thánh Mẫu cai quản bốn miền không gian khác nhau: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa. Nếu Mẫu Thượng Thiên cai quản bầu trời, Mẫu Thoải quán xuyến vùng sông biển, Mẫu Địa gắn với mặt đất thì Mẫu Thượng Ngàn lại có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ vùng núi cao rừng sâu. Từ trước đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về Đạo Mẫu của các tác giả tên tuổi trong và ngoài nước, như: Vũ Ngọc Thanh, Thích Minh Nghiêm, Ngô Đức Thịnh, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Hiền, Vũ Tú Anh, Olga Dror [2, 4-11]... Tuy các tác giả có nhắc đến vai trò và một số đặc điểm của Mẫu Thượng Ngàn nhưng rất sơ lược. Hầu hết các công trình đều tập trung vào việc tìm hiểu nguồn gốc, hành trạng của Mẫu Thượng Thiên trong sự hợp nhất với Mẫu Liễu Hạnh. Trong khi đó, thực tế, Mẫu Nhạc Phủ trở thành nguồn cảm hứng bất tận, xuất hiện với tần suất cao ở các thể loại văn học dân gian cũng như các loại hình nghệ thuật khác nhau. Ở bài viết này, chúng tôi đứng ở góc độ Ngữ văn dân gian để tìm hiểu sự giao thoa cũng như điểm khác biệt của hình tượng trên từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng mới được công diễn năm 2013. Ngày nhận bài: 15/12/2015. Ngày nhận đăng: 10/3/2016 Liên hệ: Nguyễn Thị Hường, e-mail: maidinhsphn@gmail.com 54 Hình tượng Mẫu Thượng ngàn từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Những điểm giống nhau 2.1.1. Mẫu Thượng Ngàn được miêu tả với vẻ đẹp hoàn thiện, hoàn mĩ Hình tượng Mẫu (Mẹ) trong tâm thức dân gian là biểu hiện cho tính nữ, cho sự bảo trợ, sinh sôi của sự sống. Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, Mẫu đều hiện lên rất đẹp. Và Mẫu Thượng Ngàn cũng không nằm ngoài quy luật đó. a. Vẻ đẹp ngoại hình Nhìn chung, trong truyền thuyết và văn chầu, Mẫu Thượng Ngàn hiện lên là một trang tuyệt sắc được tạo dựng qua hệ thống những hình ảnh ước lệ, tượng trưng của văn học trung đại. Gắn với núi rừng rộng lớn, vẻ đẹp của nàng được đo bằng những chuẩn mực của tự nhiên: tóc mây, da trắng như tuyết, miệng cười như hoa. . . “Quế Nương có hình dung rất yêu kiều, diễm lệ. Người thanh mặt đẹp, môi như son tươi, da trắng như tuyết, mắt tựa sóng thu. Sánh với hoa, hoa càng thêm sắc. So với ngọc, ngọc càng sinh hương” [2;102] hay: “Vẻ nhan sắc phương phi yểu điệu/ Nét dịu dàng dương liễu tốt tươi/ Dung nghi vốn sẵn tư trời/ Môi son má phấn miệng cười như hoa./ Mái tóc mây da ngà tuyết điểm/ Đôi mày ngài vẻ nguyệt tô son/ Càng nhìn càng ngắm càng dòn/ Cổ cao ba ngấn, mặt tròn khuân trăng/ Tay tháp bút hàm răng ngọc thạch/ Tai hoãn vàng, hổ phách kim cương” (Văn Mẫu Thượng Ngàn) [10]. Đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng, nét đẹp của Mẫu được thể hiện qua hình tượng cô Thị Nhượng mặc áo xanh và thực hiện các hành động múa hát để hầu Thánh lúc dân làng Lệ Thượng chuẩn bị cho ngày giỗ Mẹ. Vẻ đẹp của Mẫu được thể hiện qua lời tụng ca của dân làng : “Lạy Chầu, Chầu đẹp quá”. . . Không chỉ thế, Mẹ núi rừng của dân làng Lệ Thượng đã hóa thân, nhập hồn mình vào cả cây cỏ, núi sông, bà Đền, em bé Bắc Lệ. . . Vẻ đẹp của Mẫu chính là một vẻ đẹp tự nhiên với những gì “nguyên sơ và đẹp đẽ của núi sông, trời, biển”. Tất cả đều hiển hiện trong “nụ cười, trong ánh mắt và trong câu hát” của Nhường. Mẫu Thượng Ngàn không được miêu tả dung nhan một cách trực diện mà mờ mờ ảo ảo trong hình dung của người xem khi dân Lệ Thượng hầu đồng. Đó là một vẻ đẹp thuần khiết đầy bí ẩn và hư ảo. b. Vẻ đẹp phẩm chất Bên cạnh vẻ đẹp về ngoại hình, Mẫu Thượng Ngàn còn đươc khắc họa với những nét đáng quý của tâm hồn, nhân cách theo đúng chuẩn mực đạo đức của Nho giáo. Nhìn một cách tổng quát nhất thì Mẫu Nhạc phủ từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng là một người giàu lòng thương yêu và gắn bó với núi rừng, cây cỏ. Ở truyền thuyết, Quế Nương và La Bình đều quyến luyến với núi non, rừng rậm, yêu thương vạn vật cũng như con người. Quế Nương đau xót khi chứng kiến cảnh nhân dân đói khổ. Nàng không chỉ đến lần lượt từng căn lều để hỏi thăm dân chúng mà còn học phép thần thông để giúp đỡ con người khiến bản làng trở nên tươi tốt, trù phú. La Bình dạy dỗ muôn thú để chúng làm điều thiện, giúp đỡ con người. Nữ thần bày cho muông thú, chim chóc các sinh sống, leo trèo, múa hát, phạt những loài ác thú và thưởng cho các giống vật có công.Vì vậy cuối mỗi bài văn chầu, người cung văn thường tấu lên: “Mời chầu giáng phúc từ trung/ Khuông phù đệ tử tăng long thọ trường” (Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn) [10]. Đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng, Mẫu Thượng Ngàn không chỉ gắn bó với rừng núi mà đã thực sự hòa nhập vào núi rừng vùng sơn cước: “Mẹ là con suối, là dòng sông hiền hòa chảy mãi, là hoa trái bốn mùa trĩu nặng oằn sai” [13]. Những người dân Lệ Thượng làm theo lời dạy của Mẫu nên chẳng bao giờ làm điều tàn ác, bất nhân. Bà Đền không nỡ cầm dao vì mảnh đất này chưa một lần máu đổ, người dân nơi đây chẳng khi nào tàn sát đồng loại chúng sinh. Như thế, vẻ đẹp của Mẫu Thượng Ngàn qua các thể loại truyền thuyết, chầu văn và vở chèo Bắc Lệ đền thiêng có sự diễn tiến và biến đổi. Từ sự gắn bó với thiên nhiên, núi rừng trong truyền 55 Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Thanh Phương thuyết và văn chầu, đến vở chèo này, Mẫu đã hòa vào làm một với thiên nhiên và trở nên thân thương, gần gũi hơn với con người. Tuy có những điểm gặp gỡ như vậy nhưng đối với mỗi thể loại thì vẻ đẹp phẩm chất của Mẫu lại được nhấn mạnh ở những phương diện riêng biệt. Truyền thuyết về Quế Nương kể rằng nàng là người con hiếu thảo. Dù đã lớn nhưng nàng vẫn không màng đến việc lấy chồng mà lúc nào cũng chỉ đau đáu về người đã sinh ra mình nên đã bỏ cung điện để vào rừng tìm mẹ. Trong văn chầu, Mẫu Thượng Ngàn được khắc họa là một người đoan trang, mực thước. Mẫu là đại diện cho vẻ đẹp chuẩn, đoan trang: “Nét đoan trang nào ai dám đọ/ Vốn anh linh đã có tiếng vang/ Thung dung dạo gót lên ngàn/ Nhác trông tựa thể tiên nàng Nguyệt Nga” (Chầu Bé văn) [10]. Đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng, vẻ đẹp phẩm chất của vị Thánh Mẫu đứng đầu Nhạc phủ được thể hiện qua một chi tiết nhỏ. Đó là khi dân làng chọn người để thông quan cùng với Mẫu, vị trưởng lão đã yêu cầu: “Thanh đồng được chọn phải có tâm trong sáng, có hiếu nghĩa với tông đường, lối xóm bà con” [13]. Vì vậy người được “thông quan” cùng thần thánh là Thị Nhường - một cô gái xinh đẹp, trong trắng, hiếu lễ. Còn Thị Ngọ không được chọn vì Thị Ngọ hay “lang bạt kì hồ”, lại có “đôi ba lời to nhỏ về đức độ nhân tâm”. Sống theo đức của Mẫu nên những người dân Lệ Thượng luôn hiền hòa, ngay thẳng và cương trực: “Dân tôi hiền hòa chẳng toan tính thiệt hơn. Người theo đạo Mẹ sẽ chẳng làm điều bất chính” [13]. Mẫu Thượng Ngàn dù được xây dựng trong thể loại văn học nghệ thuật nào cũng được khắc họa với những vẻ đẹp hoàn thiện, hoàn mĩ. Vẻ đẹp đó là dung nhan kiều diễm, đức hạnh đoan trang và tình yêu con người, yêu cuộc sống của Mẫu. Đó cũng là những phẩm chất đáng quý của những người phụ nữ Việt Nam. 2.1.2. Mẫu Thượng Ngàn được miêu tả với những công lao to lớn Có thể thấy, các Nữ thần và Mẫu thần ở nước ta đều là những người có công lao to lớn với dân với nước. Mẫu Thượng Ngàn cũng là một bậc Tiên thánh có nhiều công lao được nhân dân ghi nhận. Truyền thuyết về Quế Nương nói rằng nàng được Tiên ông cho một quyển sách học phép màu nhiệm làm cho sông núi thông thương cứu dân khỏi cảnh lầm than: “Như có một sức mạnh vô hình từ bàn tay công chúa dội xuống từ mỏm núi, tức khắc khe núi nứt ra, đất đá ầm ầm xô chuyển, nước từ các khe vỡ ào dội xuống vùng đất thấp” [2;104]. Vì vậy, nhớ ơn Quế Nương, nhân dân lập đền thờ tôn phong nàng là Thượng Ngàn công chúa, đời đời hương khói. Truyền thuyết về nàng La Bình lại kể nàng đã có công dạy dỗ muông thú, bảo chúng làm điều thiện. Vì vậy nàng đã được Thượng Đế giao cho cai quản “tám mươi mốt cửa rừng xanh”. Thêm nữa, nàng còn là người có công rất lớn trong việc chống giặc. Chính nàng đã báo mộng cho Lê Lợi và hiển linh thành bó đuốc soi đường cho ông rút quân về vùng núi Yên Thế an toàn [2;97]. Chầu văn cũng như truyền thuyết đều nói khá kĩ về sự tích, cuộc đời và công lao của Thánh. Tất cả những bài văn chầu Thánh Mẫu Thượng Ngàn đều có phần kể về công trạng của Bà. Mẫu Thượng Ngàn có công lớn trong việc chống ngoại xâm: “Gươm thiêng một buổi ra oai phép/ Loài giặc Liễu Thăng phút phá tan" (Văn Mẫu Thượng Ngàn) [10]. Vì có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh nên Mẫu đã được tôn vinh là Lê Mại Đại Vương. Nếu như trong truyền thuyết và chầu văn công lao của Mẫu Thượng Ngàn được khắc họa cụ thể, chi tiết với dáng dấp của những anh hùng chống ngoại xâm, anh hùng văn hóa thì đến Bắc Lệ đền thiêng điều này lại không được nói đến một cách trực diện. Ở vở chèo này, công lao của Mẫu thể hiện ở việc Mẫu trở thành điểm tựa tinh thần to lớn cho những người dân Lệ Thượng trong trường kì đấu tranh chống lũ ngoại xâm. Lòng tôn kính đối với Mẫu đã tạo thành sức mạnh quật khởi để những người dân vốn quen với tiếng hát, cung đàn vùng lên đấu tranh để bảo vệ mảnh đất này. Như thế, ở truyền thuyết, văn chầu và vở chèo Bắc Lệ đền thiêng, Mẫu Thượng Ngàn đều được ca ngợi với những công lao to lớn. Trong tiềm thức dân tộc, ngay ở những ngày đầu khai thiên lập địa, Mẫu đã giúp dân dời núi khai sông, dạy dân cách trồng trọt rồi khi có giặc thù, Mẫu lại oai 56 Hình tượng Mẫu Thượng ngàn từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng phong giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh. Và sau này, Bà chúa rừng xanh ấy hiển linh cùng với dân Lệ Thượng kiên cường chống Pháp. Theo chiều dài lịch sử như vậy, cách tư duy cũng như những hình dung tưởng tượng của dân ta về Mẫu cũng có những biến đổi. Mẫu Thượng Ngàn được kéo lại gần hơn với dân chúng trong các cuộc chiến tranh xâm lược đặc biệt là cuộc đấu tranh chống Pháp. Mẫu không còn là một đấng tối linh quá xa vời, hư huyễn mà ở ngay gần bên ta, hóa thân vào các sự vật xung quanh, ở ngay trong chính cách cảm, cách nghĩ của mỗi con người. 2.1.3. Mẫu Thượng Ngàn linh hiển âm phù Khi cuộc sống có quá nhiều bất trắc, người ta thường tìm đến một thế lực siêu nhiên nào đó để gửi niềm hi vọng về sự trợ giúp thần kì. Tâm thức dân gian luôn tin có một lực lượng phi phàm sẵn sàng phù trợ cho người có tâm cầu đảo và đặc biệt là giúp sức cho con dân Đại Việt trước mỗi cơn bình địa ba đào, khói lửa chiến tranh. Mẫu Thượng Ngàn nói riêng, các vị Thánh trong điện thờ Đạo Mẫu nói chung đã từng bước ra nhập vào hệ thống thần linh đất Việt để rồi ngày càng khẳng định được vai trò về mặt tâm linh của mình. Truyền thuyết về Mẫu Thượng Ngàn kể lại rằng công chúa La Bình đã hiển linh báo mộng cho Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Sau này nhà Lý đánh Ai Lao, nhà Trần đánh Chiêm Thành, Mẫu lại có công âm phù, gia phong là Thượng đẳng thần [2;99]. Trong chầu văn, sự linh hiển âm phù của Mẫu Thượng Ngàn hiện lên rõ nét hơn ở truyền thuyết. Trước hết, các bản văn chầu đều tái hiện lại việc Mẫu Thượng Ngàn hiển linh giúp Lê Lợi chống giặc, giúp dân, giúp nước: “Khắp đâu đâu nức danh tiên nữ/ Tự Lê triều quốc sử còn ghi/ Danh thơm Nam, Bắc, Trung kì/Bảo dân hộ quốc điều thì tứ phương” (Văn Mẫu Thượng Ngàn) [10]. Ở cuối mỗi bài văn chầu bao giờ cũng có lời thỉnh cầu các Mẫu, các Thánh hiển linh để độ trì vì người dân ta vẫn tin rằng lời khấn nguyện của mình sẽ được thánh thần thấu tỏ. Vào những ngày giỗ Cha, giỗ Mẹ hay trong bất cứ dịp lễ nào của đạo Tam phủ, Tứ phủ thì các con nhang đệ tử đến rất đông: “Muôn dân lễ bái kêu cầu/ Sở nguyện như ý sở cầu tòng tâm” (Văn Mẫu Thượng Ngàn) [10]. Đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng, chính sự linh hiển âm phù của Mẫu đã giúp cho những người dân Lệ Thượng thêm vững lòng tin và làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Vở chèo này có ba lần sấm chớp bỗng dưng nổi lên một cách dữ dội và kinh hoàng. Lần đầu là khi dân Lệ Thượng bị Pháp bức bách phải phá đền, nhân dân quyết định nổi dậy chống lại Pháp theo lời hiệu triệu của ngài Cai Kinh. Bà Đền đã cầm con dao quắm để thể hiện lòng quyết tâm một phen sống mái với giặc thù còn người dân Lệ Thượng thì bỏ đàn, sáo để cầm vũ khí (cầm dao). Lúc này một tiếng sét rất to nổ giữa thinh không. Tiếng sét ấy như lời phán truyền của Mẫu linh thiêng với dân làng Lệ Thượng về sự dữ dội, ác liệt và tình thế bắt buộc phải cầm vũ khí để bảo vệ tiếng hát tiếng đàn cùng núi non, cuộc sống nơi đây. Lần thứ hai, sớm chớp nổi liên hồi rất rùng rợn và ghê sợ. Đó là khi Thị Ngọ nghe theo quân Pháp đứng ra chống lại dân làng Lệ Thượng và sẵn sàng phá bỏ đền thờ Mẫu Thượng Ngàn. Việc làm của Thị Ngọ đã động đến thần linh và Mẹ linh thiêng nên tiếng sét ấy vang lên chính là một sự trừng phạt khiến người phụ nữ này vô cùng sợ hãi, hoảng loạn đến mức cuối cùng phát điên. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng trước “sức mạnh siêu nhiên” đó. Lần cuối cùng tiếng sấm xuất hiện trong vở chèo cũng là tiếng sấm dữ dội nhất. Đó là lúc bọn Pháp bắn chết tất cả những người dân Lệ Thượng. Những thân người trên sân khấu lúc này dường như hóa tượng và được phủ một cái khăn đỏ tạo thành quang cảnh rất rùng rợn. Lúc ấy, sấm chớp lại nổi lên và đám lính đau đớn quằn quại. Đây là sự trừng phạt của Mẫu đối với kẻ xâm lược bạo tàn vì chúng đã tàn sát những người con quanh năm chỉ biết làm ăn chăm chỉ và chẳng bao giờ làm hại đến ai của Mẫu. Kết thúc vở chèo, Mẫu Nhạc phủ hóa thân vào em bé Bắc Lệ. Em bé cất tiếng gọi dân làng: “Bà Đền ơi! Ông Thuấn ơi! Cô Nhường ơi”. . . Nghe tiếng gọi của cô bé, những xác chết từ từ đứng dậy. Sân khấu lúc này chỉ còn văng vẳng câu hát văn quen thuộc: “Ai lên đến cao sơn xứ Lạng/ Hỏi thăm đền Chầu Bé nơi nao/ Hỏi ra Bắc Lệ đi vào” [13]. Cô bé Bắc Lệ xuất hiện ở cuối 57 Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Thanh Phương vở chèo là sự hóa thân của Mẫu có ý nghĩa lớn lao. Người Pháp có thể dùng súng giết những người dân Lệ Thượng nhưng chúng chẳng bao giờ triệt tiêu được mầm sống nơi đây. Em bé chính là biểu hiện cho sức sống của nhân dân và sự linh thiêng của ngôi đền Bắc Lệ. Chính các Mẫu đang ươm mầm non mới trên mảnh đất đầy sự chết chóc này. Nếu sự hiển linh của Mẫu Thượng Ngàn trong truyền thuyết và chầu văn nghiêng về khía cạnh phù trợ người anh hùng đánh thắng giặc thì ở vở chèo Bắc Lệ đền thiêng lại tập trung thể hiện sự trừng phạt. Tuy kết thúc bằng việc dân Lệ Thượng phải đổ máu trước họng súng kẻ thù theo đúng sự thật lịch sử nhưng nội dung vở diễn vẫn thể hiện tinh thần bất khuất và lòng tin của chúng dân về Mẹ linh thiêng. Qua các truyền thuyết, chầu văn và vở chèo Bắc Lệ đền thiêng, ta thấy Mẫu Thượng Ngàn là một vị Thánh Mẫu linh thiêng luôn phù dân hộ quốc. Bà mẹ rừng núi này, từ sự ngưỡng vọng của nhân dân trong các truyền thuyết đã được dân gian hóa để đi vào cuộc sống thường ngày qua văn chầu và cuối cùng ở vở chèo Bắc Lệ đền thiêng đã trở thành điểm tựa niềm tin của dân chúng. 2.2. Những điểm khác nhau 2.2.1. Nguồn gốc Lai lịch là “chiếc chìa khóa” quan trọng giúp ta hiểu thêm về tính cách, số phận của nhân vật. Ngô Đức Thịnh trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam đã nhận định rằng: Các vị thần linh trong Đạo Tam phủ, Tứ phủ đã từng là người trần thế hoặc có nguồn gốc tiên thánh [19]. Mặc dù mang những điểm chung như vậy nhưng thực tế tìm hiểu cho chúng tôi thấy nguồn gốc của Mẫu Thượng Ngàn ở truyền thuyết, chầu văn và vở chèo Bắc Lệ đền thiêng có nhiều điểm khác nhau. Trong truyền thuyết, Mẫu Thượng Ngàn có nguồn gốc nhân thần. Truyện về nàng Quế Nương và La Bình đều gắn với triều đại Hùng Vương. Quế Nương là con của Hùng Định Vương. Hoàng hậu mang thai nàng đến ba năm mới đẻ. Truyền thuyết về nàng La Bình kể nàng là cháu của Vua Hùng, con gái Sơn Tinh. Vì có nhiều công lao lớn nên Quế Nương và La Bình đã trở thành Thánh Mẫu che chở cho dân chúng. Như vậy, nguồn gốc của Mẫu Thượng Ngàn trong truyền thuyết có nhiều nét khác với Mẫu Liễu Hạnh trong thế đồng nhất với Mẫu Thiên và Mẫu Địa. Mẫu Liễu Hạnh có nguồn gốc Thần Tiên, là con của Ngọc Hoàng thượng đế, vì đánh rơi chén ngọc mà bị đày xuống trần gian. Một người là xuất thân là người trời (Mẫu Liễu Hạnh) một người xuất thân là người trần (Mẫu Thượng Ngàn) nhưng rồi họ đều gắn bó với thiên nhiên và cuộc sống nơi trần thế và trở thành những vị thần bảo hộ cho dân chúng. Ở một số bản văn chầu cho rằng Mẫu Nhạc có nguồn gốc Thần Tiên, là người Trời đầu thai xuống trần giới: “Đức chúa ngàn con vua Đế Thích/ Giáng sinh vào quý tộc Lê gia/ Năm Thân tháng Hai mồng Ba/ Giáng sinh tiên chúa khai hoa giờ Dần” (Văn Mẫu Thượng Ngàn). Nếu như ở truyền thuyết và chầu văn, Mẫu Thượng Ngàn được giới thiệu với những lai lịch khác nhau thì đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng, lai lịch của Mẫu Thượng Ngàn không được nhắc đến nữa. Con dân Lệ Thượng đã được nghe kể nhiều về Mẹ qua những câu chuyện, những lời hát để rồi từ bao giờ không rõ, họ dốc lòng thờ Mẹ. Mẹ đã hóa thân vào núi rừng nơi đây hay chính rừng núi đã sinh ra Mẹ? Ta chỉ biết rằng, Mẹ là con suối, là dòng sông, là cây trái bốn mùa trĩu quả. Phải chăng, người dân Lệ Thượng quan niệm Mẹ xuất thân từ nhiên thần nên mới đem so sánh mẹ với thiên nhiên, núi rừng và vạn vật như thế? Trong kịch bản chèo không nói đến lai lịch của Mẫu Thượng Ngàn như một sự ngầm khẳng định rằng Mẫu đã có từ khi núi biết cao, gió biết thổi và hoa biết thơm. Mẫu Thượng Ngàn nói riêng cũng như Đạo Mẫu nói chung đã cắm rễ sâu bền trên mảnh đất này. 58 Hình tượng Mẫu Thượng ngàn từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng 2.2.2. Tính cách Mẫu Thượng Ngàn trong truyền thuyết có tính cách đơn nhất một chiều, là người giàu tình yêu thương nhân dân và muôn vật. Trong khi đó, ở chầu văn điều này lại được thể hiện hết sức đa dạng, đa chiều. Mẫu vừa là một người đoan trang, mẫu mực, yêu thương con người và vạn vật lại vừa rất tinh nghịch: “Hợp bạn loan non bồng nước nhược/ Đàn ngũ huyền làu thuộc Chiêu Quân/ Cảnh thanh xuân lại thêm xuân/ Éo le nhiều nỗi thanh tân chơi bời/ Giả làm người thiết tha ghẹo khách/ Dạy chim thiêng sênh phách véo von”(Thượng Ngàn Sơn Tinh công chúa văn). Lâm Cung Thánh Mẫu có thể rộng tay ban phát lộc nhưng cũng thẳng tay trừng phạt những người xấu: “Yêu ai tài lộc Chầu ban/ Ghét ai Chầu quở khôn ngoan được nào” (Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn) [13]. Cũng giống như khi nói về lai lịch của Mẫu Thượng Ngàn, vở chèo Bắc Lệ đền thiêng chỉ nói chung chung về sự hiền hậu nhưng cũng rất quyết liệt của Mẫu chứ không mô tả cụ thể và đặc biệt, nét tính cách ấy được biểu hiện qua những con dân Lệ Thượng. Thấm nhuần Đạo Mẹ nên họ sống hiền lương chăm chỉ, không bao giờ làm hại đến ai. Mẹ luôn hiện hữu trong ánh mắt, nụ cười và trong những câu hát. Mẹ hiền hậu che chở cho đàn con nhưng Mẹ cũng rất quyết liệt khi thôi thúc đàn con của mình đứng lên đấu tranh chống giặc vì đó là con đường sống duy nhất. Nhìn chung, tính cách của Mẫu Thượng Ngàn có sự biến đổi từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo mới xây dựng này, từ chỗ đơn nhất, một chiều đến ngày càng sinh động hơn, gần gũi hơn với tính cách của con người chúng ta. 2.2.3. Sự xuất hiện và hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn Sự xuất hiện và hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn trong truyền thuyết, chầu văn và vở chèo Bắc Lệ đền thiêng tuy mang đậm những yếu tố kì ảo nhưng vẫn có nhiều điểm đặc biệt bị chi phối bởi đặc trưng của từng thể loại. Ở truyền thuyết, sự ra đời của Mẫu được thể hiện bằng các motip quen thuộc như sinh nở thần kì hay cuộc hôn nhân giữa người và tiên. Bản kể về nàng Quế Hoa nói rằng: Hoàng hậu An Nương mang thai ba năm không đẻ, một hôm đi dạo chơi trong vườn thượng uyển thì cơn đau đẻ ập đến. Bà đã ôm vào cây quế sau đó sinh ra công chúa. Nàng La Bình là con của thần núi Tản Viên và nàng công chúa trần gian Mỵ Nương. Như thế, sự xuất hiện của hai vị công chúa khi ra đời đã chứa nhiều điểm đặc biệt khác với người thường. Điều này mang tính chất dự báo cho hành trạng và chiến công lừng lẫy sau này của nhân vật. Với quan niệm anh hùng trong truyền thuyết là những người "sinh vi tướng, tử vi thần", dân gian đã để cho Mẫu Nhạc không chỉ phi thường lúc giáng thế mà còn hết sức kì lạ trong những lần hóa thân. Nàng Quế Nương được đám mây ngũ sắc xuống đón về trời còn La Bình, thì hóa thành bó đuốc soi đường cho Lê Lợi rút quân. Ở các bài văn chầu, Mẫu Thượng Ngàn và các hóa thân của Mẫu bao giờ cũng xuất hiện hết sức tự nhiên. Hành trạng và công tích của Mẫu thường xuất hiện sau đoạn miêu tả thiên hoặc lời ca ngợi công lao to lớn: “Anh linh hiển hách chúa Sơn Trang/ Cai quản ba mươi sáu cửa ngàn/ Lúc ngự lầu son cùng phủ tía/ Khi chơi núi ngọc với non vàng” (Văn Mẫu Thượng Ngàn). Sau khi về trời, Mẫu hiển linh về ngự ở các đền, điện để phù hộ cho dân chúng: “Tiên Cô biến hóa hiện hình/ Cung thỉnh các bộ sơn tinh ngự về/ Chữ biển đề Đại Vương Lê Mại/ Phép Khuông phù quốc thái dân an” [13]. Đến với vở chèo Bắc Lệ đền thiêng, Mẫu Thượng Ngàn xuất hiện qua các bức tượng cũng như sự mường tượng của dân làng (cụ thể ở đây là sự mường tượng của cô Thị Nhường khi kể cho Daniel nghe về Mẹ và ngôi đền Bắc Lệ: “Mẹ chẳng hiển linh hình hài trên cõi thực mà vẫn như hiện hóa chốn nhân gian. . . Mẹ là con suối, là dòng sông hiền hòa chảy mãi, là hoa trái bốn mùa trĩu nặng oằn sai” [13]. Ngoài ra, Mẫu Thượng Ngàn còn xuất hiện trên sân khấu mờ mờ ảo ảo khi cô Thị Nhường khoác trên mình bộ áo xanh bước vào giá hầu đồng cũng như hóa vào núi rừng, cây cỏ và tâm thức mỗi người dân vùng Lệ Thượng như Bà Đền, cô Thị Nhường, cô bé Bắc Lệ lẫn 59 Nguyễn Thị Hường và Nguyễn Thị Thanh Phương tiếng hát của ông Thuấn. Như vậy, sự hóa thân của Mẫu qua các thể loại cũng có sự chuyển biến, từ chỗ mang đậm chất hoang đường như bó đuốc, đám mây ngũ sắc đến hình hài của con người thật. Mẫu Thượng Ngàn cứ thế bước dần ra khỏi lớp kì ảo bao bọc và tiến sâu hơn đến cuộc sống bình thường của con người. 2.2.4. Mục đích xây dựng hình tượng Mẫu Thượng Ngàn Khi xây dựng hình tượng Mẫu Thượng Ngàn, truyền thuyết, chầu văn và vở chèo Bắc Lệ đền thiêng hướng tới những mục đích không hoàn toàn giống nhau. Truyền thuyết và chầu văn xây tập trung ca ngợi Mẫu với vẻ đẹp hoàn mĩ, công lao to lớn và sự linh thiêng. Mục đích chính mà truyền thuyết và chầu văn hướng tới là giáo dục con người tôn thờ Đạo Mẫu và làm điều thiện. Nhắc đến Mẫu là nhắc đến “quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người” [27;10]. Truyền thuyết và chầu văn hướng người ta đến lòng tin vào Đạo Mẫu. Bắc Lệ đền thiêng ca ngợi Mẫu Thượng Ngàn không phải chỉ để giáo dục người ta tôn sùng Đạo Mẫu mà mục đích chính của nhà soạn vở là để nhấn mạnh Đạo Mẹ như một điểm tựa tinh thần vững chắc của những người dân Lệ Thượng trong công cuộc chống ngoại xâm. Không phải ngẫu nhiên, vở chèo lại đặt việc thờ Mẫu trong thế đối lập với sự tôn sùng Đức Chúa Jesu của người Pháp. Kẻ xâm lược muốn đồng hóa dân ta bằng cách bắt người Lệ Thượng dỡ bỏ đền Bắc Lệ để xây nhà thờ Thiên Chúa bởi đây là linh hồn của cả ngôi làng, là biểu trưng cho truyền thống văn hóa lâu đời đã sâu gốc bền rễ vào cuộc sống con dân nước Việt: “Đạo Mẹ đã bám rễ sâu bền trên mảnh đất nơi đây. Câu hát cung văn đã thấm sâu vào máu thịt bao người. Cây cỏ, đất trời cũng nằm trong câu Cờn, điệu Dọc. Bà con ta bấy lâu nay đã coi Đạo Mẫu là quốc hồn, quốc túy. Đời nối đời gìn giữ đã bao năm. Lòng trời hòa quyện lòng dân. Thủy chung giữ Đạo nhất tâm đại đồng” [13]. Vai trò của Thánh Mẫu còn thể hiện rất rõ khi người dân bị cấm hát văn và hầu đồng. Lúc ấy, Thạch - một con dân Lệ Thượng yêu tiếng hát cung đàn cứ ngẩn ngơ rồi trầm ngâm suy tư ngâm sống những câu hát chất chứa trong lòng: “Đền thiêng đất Mẹ/ Linh khí bao đời/ Thẳm sâu nguồn cội/ Mạch sống sinh sôi/ Nay nước mất nhà tan /Lầm than nô lệ/ Câu hát kia sao ứa lệ trong lòng” [13]. Đạo Mẫu, trong vở chèo này, còn ẩn chứa một sức mạnh ghê gớm. Đó là sức mạnh đồng hóa ngược trở lại kẻ xâm lược. Cha của Daniel là viên Công sứ Lạng Sơn muốn đưa con sang mảnh đất khắc nghiệt này để “luyện rèn ý chí”. Ông ta muốn biến Daniel thành một chiến binh đi đồng hóa nhưng cuối cùng, Daniel lại bị chính những cái nguyên sơ thuần hậu nhất nơi đây đồng hóa lại. Daniel say mê với điệu hát văn và đã có mấy lần anh ta cất giọng lơ lớ của mình hát bài hát của những người dân Việt ngay tại dinh Công sứ. Trước ngôi đền Bắc Lệ, Daniel đã nhận ra rằng: “Trong cái vẻ khiêm nhường của tại vật dường như luôn ẩn chứa một sức mạnh màu nhiệm linh thiêng” [13]. Đạo Mẹ, những câu hát văn không những có sức mạnh đồng hóa mà còn có thể đánh thức mỗi con người. Nhân vật Lý trưởng trong vở chèo vốn là một người theo Pháp. Ông đã bỏ bê thờ Mẫu để xưng tụng cây thánh giá. Điều không ai ngờ tới là ban ngày, ông cấm dân làng hát văn nhưng ban đêm chính ông lại là người hát văn rồi tưởng ông Hoàng Bẩy hiện về nên sì sụp khấn vái. Hóa ra, Đạo Mẫu có thể bị tạm thời lãng quên nhưng không bao giờ mất đi mà vẫn luôn tiềm tàng trong tiềm thức của con người nơi đây. Để bảo vệ Đạo Mẹ, những người con dân Lệ Thượng phải đánh đổi bằng cả máu của mình. Thế hệ như Trưởng lão ngã xuống để những thế hệ sau tiếp tục đứng lên. Khi phải lựa chọn giữa đàn, sáo để hát và búa, cuốc, thuổng để phá đền - đây cũng chính là lúc lựa chọn con đường sống - chết, dân Lệ Thượng vẫn bất chấp tất cả để dâng tiếng hát của mình lên Mẹ. Cả làng Lệ Thượng nhuốm đỏ máu đến mức tưởng như sự sống đã bị tuyệt diệt nhưng rồi cuối vở chèo xuất hiện một em bé cất hát văn và gọi hồn dân làng dậy. Hóa ra, kẻ thù có thể giết hết những cung văn nhưng sẽ chẳng thể giết được tiếng hát, cung đàn. Như vậy, vở chèo này không chỉ dừng lại ở việc ca ngợi Mẫu Thượng Ngàn như một điểm tựa tinh thần khẳng định tinh thần tự tôn cùng ý thức giữ gìn vốn văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc. Đó chẳng phải 60 Hình tượng Mẫu Thượng ngàn từ truyền thuyết, chầu văn đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng là câu trả lời của nhân dân về bài toán hòa nhập thế nào với xu thế toàn cầu hóa hiện nay hay sao? 3. Kết luận Có thể thấy, hình tượng Mẫu được cụ thể hóa từ truyền thuyết, chầu văn cho đến vở chèo Bắc Lệ đền thiêng. Mẫu vừa thần thánh lại vừa trần thế, linh thiêng mà cũng rất gần gũi. Mẫu có khác gì những người phụ nữ Việt Nam: cần cù, chăm chỉ, giàu tình yêu thương. Cái thực hài hòa với cái kì làm cho Mẫu vừa mang những nét linh thiêng, huyền bí lại vừa đời thường gần gũi. Mẫu là hiện thân của văn hóa truyền thống, của hồn thiêng dân tộc đời đời còn mãi. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Sĩ Vịnh, 2013. Những làn điệu thông dụng trong đàn và hát chầu văn. Nxb Hải Phòng. [2] Nguyễn Văn Cường, 2006. Truyền thuyết về Bà chúa Thượng Ngàn ở Hữu Lũng-Lạng Sơn và lễ hội đền Bắc Lệ. Luận văn Thạc sĩ khoa Ngữ Văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội. [3] Lê Quý Đôn, 1962. Kiến văn tiểu lục. Nxb Sử học. [4] Đỗ Thị Hảo, Mai Thị Ngọc Chúc, 1984. Các nữ thần Việt Nam. Nxb Phụ nữ. [5] Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc, Phạm Hồng Hà, 2002. Nữ thần và Thánh mẫu Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin. [6] Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, 2002. Linh thần Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin. [7] Dương Ngọc Phương, 2012.Truyền thuyết về Thánh mẫu Thượng Ngàn Quế Mị Nương và lễ hội tại khu di tích lịch sử văn hóa Suối Mỡ ( xã Nghĩa Phương – huyện Lục Nam – tỉnh Bắc Giang). Khóa luận tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội. [8] Ngô Đức Thịnh, 2004. Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á. Nxb Văn hóa Thông tin. [9] Ngô Đức Thịnh, 2010. Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận. Nxb Thế giới. [10] Ngô Đức Thịnh, 2012. Đạo Mẫu Việt Nam. Nxb Thế giới. [11] Ngô Đức Thịnh, 2013. Văn hóa thờ Nữ thần – Mẫu ở Việt Nam và Châu Á bản sắc và giá trị. Nxb Thế giới. [12] Vũ Anh Tuấn, Phạm Thu Yến, Nguyễn Việt Hùng, Phạm Đặng Xuân Hương, 2012. Giáo trình văn học dân gian. Nxb Giáo dục Việt Nam. [13] Kịch bản Chèo do tác giả điền dã tại nhà Hát chèo Kim Mã năm 2013. ABSTRACT The image of princess of the forest in the legend ‘chant sung for a trance’ and classical drama Bac Le den thieng According to Vietnamese Four Palaces, the Princess of the Forest (Mau Thuong Ngan) was the woman who ruled a vast mountainous area. Together with the Goddess of the Upper Sky (Mau Thuong Thien) and Mother Water (Mau Thoai), the Princes of the Forest has become a source of endless inspiration in many art forms and genres of folklore. This research investigated the similarities and differences between the legends and chants sung for trance and classical drama Bac Le den thieng in whichMau Nhac Phu was used as the primary image. Moreover, the predominance of genre-related features in literature is also clarified. Keywords: Bac Le den thieng, Princess of the Forest, legend, chant sung for trance, classical drama. 61

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4038_nthuong_3651_2132811.pdf
Tài liệu liên quan