Tài liệu Hình thành quốc gia – dân tộc ở Nhật Bản thời cận đại tiếp cận từ chính sách văn hóa - Nghệ thuật: 72
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0071
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 10, pp. 72-79
This paper is available online at
HÌNH THÀNH QUỐC GIA – DÂN TỘC Ở NHẬT BẢN THỜI CẬN ĐẠI
TIẾP CẬN TỪ CHÍNH SÁCH VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT
Nguyễn Dương Đỗ Quyên
Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tóm tắt. Xây dựng “quốc gia - dân tộc” là một chủ trương quyết liệt của chính quyền Nhật
Bản thời cận đại trên cơ sở du nhập các hệ thống tư tưởng và học thuyết chính trị của phương
Tây. Trên cơ sở khảo cứu các tài liệu nghiên cứu và sử liệu đương thời, bài viết phân tích
những thành công và hạn chế trong chính sách văn hóa - nghệ thuật của chính quyền Meiji
trên các phương diện giáo hóa tư tưởng quốc dân, tái cấu trúc văn hóa truyền thống, cải thiện
hình ảnh của Nhật Bản và vị trí của văn hoá - nghệ thuật trong nhận thức về dân quyền. Từ
góc nhìn này, tác giả bài viết mong muốn đóng góp thêm một số hiểu biết và nhận thức về...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 514 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình thành quốc gia – dân tộc ở Nhật Bản thời cận đại tiếp cận từ chính sách văn hóa - Nghệ thuật, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
72
HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0071
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 10, pp. 72-79
This paper is available online at
HÌNH THÀNH QUỐC GIA – DÂN TỘC Ở NHẬT BẢN THỜI CẬN ĐẠI
TIẾP CẬN TỪ CHÍNH SÁCH VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT
Nguyễn Dương Đỗ Quyên
Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tóm tắt. Xây dựng “quốc gia - dân tộc” là một chủ trương quyết liệt của chính quyền Nhật
Bản thời cận đại trên cơ sở du nhập các hệ thống tư tưởng và học thuyết chính trị của phương
Tây. Trên cơ sở khảo cứu các tài liệu nghiên cứu và sử liệu đương thời, bài viết phân tích
những thành công và hạn chế trong chính sách văn hóa - nghệ thuật của chính quyền Meiji
trên các phương diện giáo hóa tư tưởng quốc dân, tái cấu trúc văn hóa truyền thống, cải thiện
hình ảnh của Nhật Bản và vị trí của văn hoá - nghệ thuật trong nhận thức về dân quyền. Từ
góc nhìn này, tác giả bài viết mong muốn đóng góp thêm một số hiểu biết và nhận thức về quá
trình hình thành những nền tảng cơ bản của “quốc gia - dân tộc” trong cận đại hóa Nhật Bản
thời Meiji.
Từ khóa: Nhật Bản, Quốc gia - dân tộc, Thời Meiji, Cận đại hóa, Chính sách Văn hóa - Nghệ
thuật, Truyền thống, Nghệ thuật đại chúng.
1. Mở đầu
Trong những năm qua, nghiên cứu về lịch sử cận đại Nhật Bản ở Việt Nam đã thu được nhiều
thành tựu nhất định. Tiêu biểu, có thể kể đến Vĩnh Sính với “Nhật Bản cận đại” (1991), các
nghiên cứu có tính hệ thống về Minh Trị Duy tân của Nguyễn Tiến Lực như “Sứ đoàn Iwakura và
sự nghiệp cận đại hóa Nhật Bản” (2004), “Về cách thức tiếp nhận nền văn minh bên ngoài của
Nhật Bản” (2013), chuyên khảo “Fukuzawa Yukichi & Nguyễn Trường Tộ: Tư tưởng cải cách
giáo dục” (NXB tp.HCM, 2013), chuyên khảo “Minh Trị Duy tân và Việt Nam” (2015), Phạm Thị
Thu Giang với mối quan tâm nghiên cứu quá trình cận đại hóa Phật giáo Nhật Bản qua các công
trình như「世俗化から見た近代仏教―日本とベトナムとの比較」(“Phật giáo thời cận đại nhìn từ
vấn đề thế tục hóa - So sánh giữa Nhật Bản và Việt Nam” (2010)), 「明治期の法制改革及び僧尼
身分の「近代化」」(“Công cuộc cải cách luật thời Meiji và quá trình “cận đại hóa” thân phận
tăng ni” (2011)), các nghiên cứu về Fukuzawa Yukichi cùng công trình dịch thuật trước tác nổi
tiếng「福翁自伝」(“Phúc Ông tự truyện”) của ông được đánh giá cao.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy phần lớn các nghiên cứu về công cuộc cận đại hóa thời Meiji
hầu như mới dừng lại ở tiếp cận thượng tầng và có tính một chiều khi tập trung tìm hiểu những
chuyển biến và thành công của công cuộc cải cách trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế hay giáo dục
và đề cao vai trò và nỗ lực cải cách của chính quyền và lực lượng võ sĩ - trí thức tinh hoa Nhật
Bản thời Meiji. Còn nhiều khoảng trống bỏ ngỏ hết sức thú vị trong nghiên cứu quá trình cận đại
hóa Nhật Bản, trong đó có quá trình chuyển biến về tư tưởng và tinh thần của quần chúng xã hội,
mà nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù có khả năng phản ánh sâu sắc điều đó.
Hình thành quốc gia – dân tộc ở Nhật Bản thời cận đại tiếp cận từ chính sách văn hóa - nghệ thuật
73
Ngày nhận bài: 19/7/2018. Ngày sửa bài: 1/10/2018. Ngày nhận đăng: 12/10/2018.
Tác giả liên hệ: Nguyễn Dương Đỗ Quyên. Địa chỉ e-mail: quyen.ndd@gmail.com
Trong thế kỉ XIX, hình thành quốc gia - dân tộc trở thành một hiện tượng phổ biến của nền
chính trị và xã hội châu Âu. Cũng vào cuối thế kỉ này trong thời Meiji (1868-1912), Nhật Bản là
quốc gia châu Á đầu tiên và duy nhất du nhập tư tưởng và mô hình chính trị của châu Âu, trong đó
có việc xây dựng quốc gia - dân tộc. Ngày nay, Nhật Bản vẫn là một ví dụ điển hình về một quốc
gia - dân tộc (trong tiếng Nhật, thuật ngữ “quốc gia – quốc dân” (国家国民) được sử dụng với ý
nghĩa tương đồng) với quy mô dân số thuần gốc lớn nhất.
Từ một nền chính trị trung ương phân quyền, cát cứ kéo dài trong lịch sử tới thời Mạc phủ
Tokugawa, chính quyền Meiji đã không ngừng thử nghiệm nhằm xây dựng một quốc gia - dân tộc
thống nhất và từng bước xác lập vị thế quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu Yamamuro Shinichi, “Tri
thức và chính trị Nhật Bản cận đại – Từ Inoue Kaoru đến nghệ thuật đại chúng” (1985) đã chỉ ra
rằng, việc hình thành “quốc gia - dân tộc” bao hàm hai ý nghĩa đối nội và đối ngoại – là sự hoàn bị
về cấu trúc của nền chính trị với tư cách một quốc gia có chủ quyền và năng lực hội nhập quốc tế,
đồng thời là một hệ thống chính trị - xã hội mà mọi người dân trong quốc gia có lợi ích bình đẳng
cũng như quyền bình đẳng tham gia quá trình quyết định chính sách – hai khía cạnh tưởng như tồn
tại song song, trên thực tế lại không hề có thể đồng thời tiến hành một cách dễ dàng. Một trong
những công trình khảo cứu sâu về mối liên hệ giữa chính sách quốc gia và lĩnh vực nghệ thuật
thời Meiji phải kể đến là Luận án của Hashimoto Konsuke, “Chính sách nghệ thuật của nhà nước
Meiji và xã hội khu vực – Từ lịch sử biểu diễn nghệ thuật Cận đại” (2011), trong đó xem xét quá
trình chuyển biến trong các chính sách nghệ thuật của chính quyền Meiji qua các văn bản sắc lệnh
đương thời và trong đối sánh với nghiên cứu trường hợp tỉnh Fukushima (vùng đông bắc Nhật Bản).
Kurata Yoshihiro là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật hàng đầu Nhật Bản với một hệ thống
các công trình tiêu biểu như “Đại hệ tư tưởng Nhật Bản cận đại quyển 18 – Nghệ thuật” (1988),
“Khai hóa văn minh nghệ thuật – Nhà nước Meiji và Cận đại hóa nghệ thuật” (1999), “Thời cận
đại của Kịch quán và rạp tạp kỹ - Từ “du nghệ” đến “văn hóa”” (2006), trong đó ông khảo cứu
quá trình cận đại hóa nền nghệ thuật Nhật Bản từ các chính sách quốc gia, đến xâu chuỗi các sự
kiện lịch sử liên quan và trong từng lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, từ đó đưa đến một trong nhiều
nhận định quan trọng: giống như nhiều lĩnh vực của xã hội Nhật Bản, quá trình cận đại hóa nền
nghệ thuật Nhật Bản đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành
công lẫn thất bại, và đã được thực hiện với chủ trương quyết liệt của chính quyền trong mục tiêu
đồng đẳng về văn hóa - văn minh với các quốc gia phát triển ở Âu – Mỹ cùng sự chuyển biến tích
cực của đông đảo trí thức, nhà nghệ thuật và quần chúng.
Trên cơ sở tham khảo các nghiên cứu của các học giả Nhật Bản, tác giả bài viết sẽ bước đầu
khảo sát quá trình hình thành những nền tảng cơ bản của “quốc gia - dân tộc” trong nền chính trị -
xã hội cận đại Nhật Bản thông qua việc phân tích những thành công và hạn chế trong chính sách
văn hóa - nghệ thuật của chính quyền Meiji, một khía cạnh chưa từng được khảo sát trong các
nghiên cứu về cận đại hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Các phương diện chủ yếu được xem xét bao
gồm giáo hóa tư tưởng quốc dân, xác lập văn hóa truyền thống, cải thiện và nâng cao hình ảnh
quốc gia - dân tộc Nhật Bản, và vị trí của văn hoá - nghệ thuật trong nhận thức về dân quyền.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Phân kì Chính sách quản lí văn hóa - nghệ thuật thời Meiji
Đầu tiên, có thể khái quát chính sách quản lí văn hóa - nghệ thuật của chính quyền Meiji theo
ba giai đoạn chủ yếu.
Nguyễn Dương Đỗ Quyên
74
Giai đoạn đầu kéo dài khoảng 10 năm kể từ chiến tranh Mậu Thìn (戊辰戦, cuộc nội chiến
kéo dài từ tháng 1 năm 1868 đến tháng 6 năm 1869 giữa quân ủng hộ thể chế Mạc phủ và quân
đội ủng hộ Thiên hoàng, với thắng lợi thuộc về phe ủng hộ Thiên hoàng) và Minh Trị Duy tân
(1868-1869) đến thời kì thực hiện chế độ phân chia hành chính toàn quốc bằng việc ban hành Tam
tân pháp (三新法, bao gồm “Quận khu đinh thôn biên chế pháp” (郡区町村編制法), “Phủ huyện
hội quy tắc” (府県会規則), “Địa phương thuế quy tắc” (地方税規則) do hội đồng Thái chính
quan (太政官) ban hành, thừa nhận tư cách tự trị địa phương của các thị trấn, làng xã, thực hiện
bầu cử lựa chọn người đứng đầu, và thành lập Phủ huyện hội là cơ quan đại diện cấp phủ (đối với
Osaka và Kyoto) hoặc cấp tỉnh) năm Meiji 11 (1878), với đặc trưng là chính sách “cựu tệ nhất
tẩy” (旧弊一洗, hàm nghĩa xóa bỏ mọi phong tục hủ cựu) một cách cực đoan theo chủ trương
Văn minh khai hoá. Đáng lưu ý trong giai đoạn này là pháp lệnh “Thị trung chế pháp” (「市中制
法」) do tân chính phủ bố cáo về việc quản lí nghệ thuật đối với Phủ Kyoto năm Meiji 2 (1869) –
được coi là văn bản quốc gia đầu tiên sau Duy tân quy định về phong tục đời sống liên quan đến
quản lí văn hóa - nghệ thuật địa phương, và “Nghệ năng thủ đế tam điều” (芸能取り締まり三か条)
được bố đạt trên khắp toàn quốc năm Meiji 5 (1872).
Về cơ bản, tân chính sách vẫn là sự liên hệ mật thiết và kế thừa các chính sách quản lí từ thời
Mạc phủ Edo, nhưng có điểm mới ở chỗ không còn là nguyên tắc cấm đồng loạt mà đã được thay
bằng hình thức cấp phép (可請免許), phần nào thể hiện tính chất “giải phóng” sau Duy tân. Trên
thực tế, trong bối cảnh vô cùng bất ổn của nền chính trị và xã hội Nhật Bản đương thời, bản chất
của tân chính sách vẫn là sự kiểm soát hà khắc không kém gì Cải cách thời Tenpo (天保の改革,
1842 - một trong ba cuộc cải cách lớn thời Edo với mục tiêu tiết kiệm, chấn chỉnh phong tục tập
quán và tái cấu trúc Mạc phủ trong bối cảnh nền chính trị đang ngày lâm vào khủng hoảng, trong
đó có việc can thiệp và phá vỡ những ảnh hưởng của nghệ thuật, vốn bị coi là hạ đẳng, đối với đời
sống xã hội), trước khi bước sang giai đoạn kiểm soát còn hà khắc hơn mang đặc trưng tư tưởng
quốc gia - dân tộc của nền chính trị cận đại Nhật Bản. Giai đoạn thứ hai này kéo dài hơn 10 năm
giữa thời Meiji đến khoảng thời điểm hình thành nền chính trị lập hiến ngay trước chiến tranh
Nhật - Thanh (năm Meiji 27, 1894) với việc siết chặt kiểm soát đối với các hoạt động nghệ thuật,
tiêu biểu bằng việc ban hành mức thuế cao tại các Phủ huyện hội trên cơ sở thực thi Quy tắc thuế
địa phương.
Giai đoạn thứ ba cũng kéo dài hơn 10 năm kể từ khi hình thành Nội các chính đảng (nội các
mà người đứng đầu chính đảng chiếm số ghế áp đảo trong quốc hội được bầu làm Thủ tướng) đầu
tiên năm Meji 31 (1898, với sự thắng thế của Hiến chính đảng của Okuma Shigenobu (1838-1922)
và Itagaki Taisuke (1837-1919)) cho đến sau khi kết thúc chiến tranh Nhật - Nga (1904-1905), với
tính cách khá ôn hoà trong chính sách quản lí văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, đến thời Taisho
(1912-1926), trước sức phát triển của phong trào dân chủ, chính quyền tăng cường trở lại hoạt
động kiểm soát và trấn áp mạnh của cảnh sát.
Trong ba điểm cốt lõi “Hoàng thượng phụng đới – Khuyến thiện trừng ác, dâm phong cấm
chỉ – Dịch giả tự túc” (「皇上奉戴」 ,「勧善懲悪・淫風禁止」,「役者自粛」), được quy định trong
“Nghệ năng thủ đế tam điều”, “Hoàng thượng phụng đới” được coi là tôn chỉ quan trọng nhất
mang đặc trưng xuyên suốt của chính sách văn hóa - nghệ thuật thời cận đại.
2.2. Giáo hóa quốc dân dưới nền chính trị Thiên hoàng
Hình thành quốc gia – dân tộc ở Nhật Bản thời cận đại tiếp cận từ chính sách văn hóa - nghệ thuật
75
Ngày 13 tháng 3 năm Meiji 1, tân chính quyền bố cáo Vương chính phục cổ (王政復古), khôi
phục chế độ Tế chính nhất trí (祭政一致) và vai trò của Thần chỉ quan (神祇官) thời cổ đại. Theo
Chính thể thư (正体書) công bố năm Keio 4 (1868), mô hình Thái chính quan (太政官) – cơ quan
tối cao phụ trách tư pháp, hành chính, lập pháp, và Thần chỉ quan (神祇官) – cơ quan nhà nước
tối cao quản lí mọi hoạt động tế lễ, tuyên giáo, đền chùa của các địa phương dưới thời Nhà nước
Luật lệnh thời cổ đại được khôi phục. Chủ trương này được củng cố bằng Chiếu thư “Đại giáo
tuyên bố” (「宣布大教ノ詔」) năm Meiji 3 và “Tam điều chi giáo tắc” (「三条之教則」) do Giáo bộ
tỉnh (教部省, cơ quan cao nhất của chính quyền Meiji tổng quản mọi công việc liên quan đến tư
tưởng và tôn giáo (chủ yếu là Thần đạo và Phật giáo) với mục tiêu giáo hóa quốc dân) ban hành
năm Meiji 5. Nội dung của “Tam điều chi giáo tắc” gồm ba tôn chỉ ngắn gọn “Kính thần ái quốc –
Thiên lí nhân đạo – Hoàng thượng phụng đới” (「敬神愛国ノ旨ヲ体スヘキ事」,「天理人道ヲ明ニス
ヘキ事」,「皇上ヲ奉戴シ朝旨ヲ遵守セシムヘキ事」」) . Chính sách kế tiếp được triệt để thực hiện
nhằm độc tôn vị trí của Thần đạo là “Thần Phật phân ly” (神仏分離) và “Bài Phật hủy Thích”
(廃仏毀釈, cực đoan phủ nhận Phật giáo ngoại lai vốn đã bám rễ sâu trong đời sống). Như vậy,
Thần đạo bị “cách ly” khỏi tín ngưỡng dân gian và lần đầu tiên trong lịch sử được thể chế hóa
trở thành tôn giáo quốc gia - nền tảng tư tưởng tôn thờ Thiên hoàng làm biểu tượng thiêng liêng,
bất khả xâm phạm nhằm thống nhất quốc gia - dân tộc về tinh thần và tư tưởng.
“Nghệ năng thủ đế tam điều” được bố đạt chỉ 4 tháng sau “Tam điều chi giáo tắc” hoàn toàn
dựa trên những tôn chỉ này, đã cho thấy nhận thức rõ ràng của chính quyền mới đối với việc kiểm
soát và sử dụng sức ảnh hưởng của nghệ thuật trong giáo hóa quốc dân. Theo Ueda Masaaki,
“nghệ thuật được tổ chức theo hướng Thần đạo quốc giáo hoá”, và những động thái chính trị này
đã có ảnh hưởng vô cùng lớn tới các loại hình nghệ thuật biểu diễn trong suốt thời cận đại. Trong
đó, từ những năm Meiji 5, chính quyền liên tiếp chỉ định những nghệ sĩ biểu diễn tên tuổi trong
vai trò “giáo đạo chức” – chức vụ vốn chỉ dành cho thần quan chuyên trách trong đền thờ Thần
đạo – nhằm thông qua họ tuyên truyền chủ trương giáo hóa của chính quyền. Trên thực tế, hoạt
động của các giáo đạo chức vừa mang ý nghĩa giáo huấn tích cực, song cũng vừa bộc lộ nhiều
khía cạnh mâu thuẫn, trong đó có việc cổ xúy cho xu hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan của nền
chính trị Nhật Bản những giai đoạn về sau.
Trong bối cảnh phong trào dân quyền ngày càng lớn mạnh, tích cực sử dụng sân khấu nghệ
thuật như những diễn đàn tranh biện và tuyên truyền các quan điểm và tư tưởng mới, các buổi
diễn tạp kĩ ở Yose, đặc biệt là kể chuyện Kodan và tấu nói Rakugo trở thành đối tượng chịu sự
kiểm soát ngặt nghèo nhất của Cảnh sát quan thự (警察官署), thậm chí bị khép vào “tội bất kính”
(「不敬罪」) với Thiên hoàng và hoàng tộc theo Cựu hình pháp (旧刑法, ban hành năm Meiji 13).
Mặc dù vậy, tư tưởng “Hoàng thượng phụng đới” đã không đủ tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi
nước Nhật. Minh chứng tiêu biểu là sự kiện thành công ngoài sức tưởng tượng của vở hài kịch
operetta “Mikado” của tác giả người Anh William S.Gilbert mượn hình tượng Thiên hoàng Nhật
Bản nhằm gián tiếp châm biếm nền chính trị Anh quốc nhân làn sóng văn hóa Nhật Bản xuất phát
từ Hội chợ Triển lãm phong tục Nhật Bản (日本風俗博覧会) được tổ chức tại thủ đô các nước
châu Âu từ tháng 1 năm Meiji 17 (1884). Bất chấp nỗ lực của các nhà ngoại giao Nhật Bản trong
việc ngăn vở diễn sử dụng hình tượng Thiên hoàng làm chất liệu hài hước, với 672 buổi diễn và
công diễn bởi 150 công ty tại các quốc gia Âu - Mỹ chỉ trong năm này, vở kịch đã trở thành một
trong những vở opera thành công nhất của thế giới thời cận đại. Kurata Yoshihiro nhận định
Nguyễn Dương Đỗ Quyên
76
“chính quyền Nhật Bản đã không thể thực hiện bất kì một đối sách nào”, và cũng sẽ “không thể lí
giải được mạch chảy của tư tưởng nghệ thuật Nhật Bản thời kì này nếu bỏ qua những xáo động
mà vở diễn này đã tạo ra”.
Có thể nói, đặc trưng của nền chính trị Thiên hoàng ở Nhật Bản đầu thời cận đại hoàn toàn
không phù hợp với bối cảnh chính trị quốc tế. Hẳn là chính quyền Meiji không phải không nhận
thức được tính chất đầy mâu thuẫn trong chính sách Văn minh khai hoá, cận đại hóa của mình,
nhưng họ đã lựa chọn đi ngược lại xu hướng chính trị tiên tiến phổ quát nhằm bảo toàn quyền lực
chính trị và thống nhất quốc gia Nhật Bản trong buổi sơ khai hình thành quốc gia - dân tộc.
2.3. Tái cấu trúc văn hoá truyền thống đại diện quốc gia
Một mặt kịch liệt phê phán hoặc phủ nhận những tập quán văn hóa cố hữu bị cho là không
phù hợp với quốc gia cận đại khi tham chiếu “hệ chuẩn” văn minh phương Tây, mặt khác, chính
quyền Meiji đã nỗ lực xác lập và thể chế hóa các Truyền thống nhằm tạo nền tảng văn hóa và lí
tưởng về bản sắc dân tộc trên cơ sở kế thừa những truyền thống đã có.
Những năm đầu thời Meiji, kịch Noh, Trà đạo và nhiều loại hình văn hoá truyền thống vốn
luôn được bảo trợ bởi chính quyền cũ đã gặp phải hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt. Nhưng không
lâu sau, năm Meiji 6 (1873), phái bộ Iwakura sau chuyến công du Âu - Mỹ trở về đã đánh giá lại
Noh là “Kịch lễ phục”. Từ năm Meiji 9, các buổi diễn Noh thường xuyên được tổ chức trước
Thiên hoàng và hoàng thân quốc thích ở Tokyo. Đại thần Iwakura là người tích cực đề xuất việc
đưa Noh trở thành một lĩnh vực nghiên cứu của Tu sử quán (修史館, cơ quan nghiên cứu lịch sử
thuộc Thái chính quan). Hai nhà sử học uy tín đương thời là Kume Kunitake (thư ký của phái bộ
Iwakura) và Shigeno Yasutsugu, bằng công trình nghiên cứu có ý nghĩa khởi đầu là “Phong tục ca
vũ nguồn lưu khảo” (風俗歌舞源流考, Khảo cứu nguồn gốc của ca múa phong tục) đã chứng
minh Noh là một nghệ thuật độc đáo Nhật Bản có nguồn gốc từ những cư dân Hayato ở Satsuma
thời cổ đại. Một lần nữa, Noh được trọng dụng trong thể chế mới.
Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Ullysee Grant, chuyến công du đầu tiên của
một nguyên thủ phương Tây tới Nhật Bản năm Meiji 12 (1879), mối quan tâm bên lề nghị sự của
ông đối với những loại hình nghệ thuật mang giá trị độc đáo Nhật Bản được coi là cú hích quan
trọng giúp chính quyền Nhật Bản nhận thức giá trị của nghệ thuật như là một biểu hiện của văn
hóa - văn minh. Nhân vật trung tâm của chính quyền Nhật đảm trách việc tiếp đón Tổng thống Mỹ
là Đại thần Iwakura Tomomi, Đại sứ của phái bộ Iwakura tới Âu - Mỹ 6 năm trước đó. Kết quả là,
từ quan niệm lâu nay coi “du nghệ không ích lợi gì cho quốc gia” (国家に益なき遊芸), chính
quyền Nhật Bản đã từng bước thay đổi nhận thức.
Đáng chú ý là, tiếp sau Noh, sân khấu kịch Kabuki và kịch rối Bunraku - những nghệ thuật
thị dân tiêu biểu vốn luôn bị xem là hạ đẳng trong thời Edo – cũng được chính quyền nỗ lực thể
chế hóa và bảo trợ chính thức với tư cách một văn hoá truyền thống đại diện của quốc gia. Năm
Meiji 20 (1887), Kabuki được diễn trước Thiên hoàng và đông đảo quan khách quốc tế. Năm
Meiji 22 (1889) nhà hát Kabuki quốc gia được thành lập ở Tokyo, tập trung mọi nỗ lực của chính
quyền và giới nghệ thuật trong việc cách tân Kabuki thành một nghệ thuật tinh hoa và văn minh
ngang tầm với Opera và kịch nói cận đại của phương Tây.
Ở một phương diện khác, từ những năm 1880 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của tư tưởng
dân tộc phản biện gay gắt “chủ nghĩa Âu hóa” cực đoan và khởi đầu phong trào Quốc túy bảo tồn
(国粋保存). Xu hướng này được cổ vũ bởi chính những luồng tư tưởng phương Tây và cao trào tự
do - dân quyền, đặc biệt có đóng góp quan trọng của giáo sư Earnest Fenollosa (1853 - 1908), nhà
sử học nghệ thuật người Mỹ về nghệ thuật Nhật Bản, giáo sư triết học và kinh tế chính trị tại Đại
học Đế quốc Tokyo có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống Nhật Bản trong
Hình thành quốc gia – dân tộc ở Nhật Bản thời cận đại tiếp cận từ chính sách văn hóa - nghệ thuật
77
quá trình cận đại hoá. Các cụm từ “quốc gia”, “quốc dân” xuất hiện ồ ạt trên các phương tiện đại
chúng và diễn đàn xã hội. Những cuộc tranh biện sôi nổi diễn ra giữa nhiều trường phái thậm chí
đối lập nhau về con đường phát triển cận đại hoá, vị thế của nước Nhật trong thế giới và văn hoá
độc đáo Nhật Bản. Tuy vậy, cũng cần lưu ý là lập trường của những người chủ xướng “Quốc túy”
lại rất khác nhau, trong đó có chủ nghĩa quốc túy (国粋主義) – một xu hướng cực đoan của chủ
nghĩa quốc gia phát triển từ nửa sau thời Meiji gắn với “lí luận quốc thể” ca ngợi tính ưu việt và
trường tồn của thể chế quốc gia Nhật Bản mà Thiên hoàng đời đời cai trị, là nguồn gốc của chủ
nghĩa quân phiệt Nhật Bản nửa đầu thế kỉ XX.
2.4. Cải cách sân khấu kịch trong sứ mệnh ngoại giao
Tháng 10 năm Meiji 19 (1886), theo chủ kiến của Thủ tướng Ito Hirobumi (chính khách tiêu
biểu, liên tục giữ cương vị Thủ tướng đời thứ I, III, V, VII và X trong chính quyền Nhật Bản thời
Meiji), chính trị gia Suematsu Kencho (末松謙澄, 1855-1920, con rể của Thủ tướng Ito Hirobumi
- là nhà báo, chính trị gia và nhà sử học, thành viên Đế quốc Học sĩ Viện, từng lưu học tại Đại học
Cambridge) phát biểu một bài diễn thuyết nổi tiếng về đổi mới sân khấu kịch và cùng với nhiều
chính trị gia và trí thức tên tuổi khởi xướng phong trào cải cách sân khấu kịch (演劇改良運動),
với trung tâm là việc nâng tầm Kabuki - sân khấu đại chúng tiêu biểu thời Edo. Đây thực chất là
một phần trong chính sách Âu hoá nhằm sửa đổi các điều ước bất bình đẳng mà Mạc phủ từng ký
với các nước phương Tây, một vấn đề chính trị quan trọng bậc nhất của chính quyền Meiji.
Nhưng trên thực tế, sau nhiều nỗ lực, ngoài đóng góp duy nhất là buỗi diễn được Thiên
hoàng ngự lãm tháng 5 năm Meiji 20 (1887), vấp phải nhiều chỉ trích mạnh mẽ coi đây là một
công cụ chính trị (御用機関化) của chính quyền, hoạt động của Hội cải cách kết thúc mà hầu như
không đạt được thành quả mong đợi nào. Lí do lớn nhất là bởi mục tiêu thượng lưu hóa sân khấu
kịch đã hoàn toàn xa rời bản chất của Kabuki vốn được sản sinh và gắn bó mật thiết với đời sống
tinh thần của quần chúng xã hội. Sân khấu kịch miễn cưỡng bị khuôn gò thành sách giáo khoa Tu
thân về tư tưởng “khuyến thiện trừng ác”, trong đó mỗi vở kịch phải là “tư liệu lịch sử chính xác”,
còn nhà hát bị biến thành nơi giải trí của giới thượng lưu và những con người được coi là văn
minh đến từ nước ngoài. Mọi nỗ lực của giới sân khấu kịch trung ương và chính sách nghệ thuật
của chính phủ Meiji – khởi đầu bằng chính sách Khai hoá, “cựu tệ nhất tẩy” trước áp lực phải chứng
tỏ trình độ văn minh nhằm đạt tới mục tiêu “đồng đẳng với các cường quốc” (「万国に対峙せん」) –
đã bế tắc cùng với thất bại của việc sửa đổi các điều ước bất bình đẳng năm Meiji 20 (1887).
Ở một phương diện khác, sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền đối với văn hóa - nghệ
thuật đại chúng chỉ được nới lỏng phần nào sau thắng lợi của Nhật Bản trong chiến tranh Nhật -
Nga – bước khởi đầu quan trọng trong nỗ lực “phú quốc cường binh” và “thực sản hưng nghiệp”
hướng tới mục tiêu “đuổi kịp và vượt các liệt cường” phương Tây. Mặc cảm tự ti được cải thiện,
toàn xã hội hồ hởi với một niềm tự hào vừa được nhen nhóm về quốc gia - dân tộc Nhật Bản.
2.5. Vị trí của nghệ thuật trong nhận thức về dân quyền
Trong sự nghiệp xây dựng quốc gia - dân tộc, bên cạnh mục tiêu thống nhất về văn hóa - tư
tưởng, thì dân quyền, trong đó có quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần bao gồm tri thức
và giải trí, là một phương diện thiết yếu thể hiện đặc trưng của một quốc gia - dân tộc. Chính
quyền Nhật Bản đầu thời cận đại đã nhận thức vấn đề này như thế nào?
Như được trình bày ở trên, trong “Nghệ thuật thủ đế tam điều”, bên cạnh “Hoàng thượng
phụng đới”, thì “khuyến thiện trừng ác, dâm phong cấm chỉ” cũng là chủ trương nhất quán và
cứng rắn xuyên suốt mà chính quyền Meiji áp đặt đối với nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình sân
khấu kịch. Trong các văn bản chính thống đương thời, sân khấu kịch thường xuyên được mô tả
Nguyễn Dương Đỗ Quyên
78
đầy định kiến là “dâm bôn làm loạn phong tục” (「淫奔ヲ媒シ風俗ヲ濫ス」), “phá hoại phong tục”
(「風俗ヲ敗ル」), “loạn phong nghi” (「風儀ヲ乱ス」), “tổn hại trị an” (「公安ヲ害スルモノ」), “không
ích lợi gì với chính quyền” (「公儀ヨリ有難キ御神ハナキモノ」). Tương tự, do tích cực góp mặt như
một diễn đàn của phong trào dân quyền đang lớn mạnh, các sân khấu kể chuyện – tấu nói trong
các rạp tạp kĩ Yose cũng bị xem là “Kodan dâm nghệ” (「猥褻ノ講談」) hay “phá hoại trị an” (「治
安ヲ敗ル」).
Đối với thân phận người làm nghệ thuật, theo Kurata Yoshihiro, “Dịch giả tự túc” (「役者自
粛」) – điều thứ ba trong “Nghệ thuật thủ đế tam điều” đã ít nhiều cho thấy ít nhiều chủ trương đổi
mới của tân chính quyền khi thừa nhận tư cách diễn viên - nghệ sĩ, giải phóng họ khỏi thân phận
tiện dân (河原者, sống ở ven sông tương tự như ăn mày hay đồ tể) vốn luôn bị miệt thị và xếp
ngoài các đẳng cấp xã hội cơ bản trong suốt thời kì phong kiến. Tuy vậy, trong các văn bản và
phát ngôn chính thống, nghệ sĩ biểu diễn hay các hào thương vẫn bị xem thường với tư cách
hạ dân.
Với nhận thức đó, từ thời Meiji trở đi, đặc biệt từ năm Meiji 12 cùng với việc thực thi Tam
tân pháp, việc cấp phép tạm thời đối với các chương trình biểu diễn được đặt dưới sự giám sát của
các quận trưởng. Tuy nhiên, theo văn bản “Chư hưng hành thủ đế quy tắc thập nhị điều” (「諸興行
取締規則十二条」, Quy tắc 12 điều về quản lí các loại hình biểu diễn) những năm Meiji 20 của
tỉnh Fukushima, có thể thấy, sau một số lần sửa đổi, ngay trong Điều 1 đã quy định về việc phải
trình báo cảnh sát sau khi nộp giấy xin phép đến văn phòng quận, theo đó, mỗi chương trình biểu
diễn đều có sự tuần tra, can thiệp của cảnh sát. Hoạt động kiểm soát còn được tăng cường bằng
việc đánh thuế cao đối với cả chương trình và nghệ sĩ biểu diễn. Đồng thời, kiểm duyệt kịch bản
cũng nghiêm ngặt tới mức nhà biên kịch, nhà báo kiêm chính trị gia nổi tiếng Fukuchi Ochi phải
lên tiếng chỉ trích về sự bất hợp lí của việc làm này.
Trong một thời gian dài, chủ trương “Nghệ thuật không ích lợi gì đối với quốc gia” (「国家二
有益ナキ遊芸」) chỉ thay đổi một cách thụ động nhờ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và những
đề xuất của phái bộ Iwakura. Nhưng sự thay đổi này hầu như chỉ nhằm hướng tới mục tiêu đối
ngoại. Trên thực tế, nghệ thuật của quần chúng vẫn tiếp tục chịu sự đối xử phân biệt, và rõ ràng, ý
nghĩa của nghệ thuật với tư cách văn hóa tinh thần thiết yếu và việc thụ hưởng nghệ thuật như một
quyền cơ bản của quần chúng đã không được chính quyền quan tâm và nhận thức đúng mực. Vô
hình chung, nhu cầu tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, nhu cầu thụ hưởng văn hoá tinh thần của
công chúng, cũng như tính chất thương mại vốn đã phát triển trong văn hóa thị dân thời Edo đáng
lí phải tiếp tục được dung dưỡng của nền nghệ thuật cận đại, đã bị phủ nhận một cách căn bản, thậm
chí trong nhiều khía cạnh bị kiểm soát còn hà khắc hơn dưới chế độ phong kiến Mạc phủ.
Mặt khác, trong một thời gian dài trên quan điểm của những nhà hoạt động dân quyền cấp
tiến đương thời, về cơ bản, khái niệm “dân quyền” cũng bị đồng nhất với “quốc quyền” – quyền
lực kiểm soát, chi phối của nhà nước đối với dân chúng. Điều mà họ theo đuổi là các mục tiêu
chính trị như thành lập Quốc hội, chứ hoàn toàn không phải là dân quyền cơ bản theo đúng nghĩa.
3. Kết luận
Xây dựng “quốc gia - dân tộc” là một kim chỉ nam hành động của chính quyền Nhật Bản cận
đại trên cơ sở du nhập các hệ thống tư tưởng và học thuyết chính trị của phương Tây. Do chưa
Hình thành quốc gia – dân tộc ở Nhật Bản thời cận đại tiếp cận từ chính sách văn hóa - nghệ thuật
79
tích lũy đủ kinh nghiệm để có thể thiết lập hay phá bỏ một cách tuyệt đối, cách thức mà chính
quyền Meiji theo đuổi là một mặt nỗ lực tạo ra cuộc cải tổ chưa từng có về thể chế và luật pháp,
mặt khác vẫn kế thừa và duy trì một cách cực đoan nhiều di sản cũ, trong đó có nền chính trị thời
cổ đại và phong kiến thời Tokugawa.
Tiếp cận trên phương diện văn hóa - nghệ thuật, có thể thấy chính quyền Meiji đã thể hiện
những nỗ lực phi thường trong việc xây dựng và thực thi các chính sách tái cấu trúc truyền thống
văn hóa nhằm chính thống hóa quyền lực của chính quyền trung ương cũng như từng bước xác lập
vị thế quốc tế của Nhật Bản. Tuy nhiên, như đã phân tích, bên cạnh những thành tựu đáng khâm
phục, chủ trương và động thái của chính quyền cận đại Nhật Bản đối với văn hóa - nghệ thuật đại
chúng đã bộc lộ nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn về ý nghĩa “quốc gia - dân tộc”. Về cơ bản,
hai phương diện “quốc gia” và “dân tộc” đã không được hiện thực hoá đồng thời trong suốt thời
cận đại – một thời kì ngột ngạt và căng thẳng bất thường, mà ở đó, các trạng thái tư duy và tình
cảm tự nhiên của quần chúng bị kiểm soát ngặt nghèo, cùng với việc đàn áp phong trào dân chủ
cũng như sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Hoàn cảnh chính trị đặc thù đó đã ảnh
hưởng quan trọng tới hình thái và diện mạo của văn hóa - nghệ thuật.
Như vậy, có thể thấy việc hiện thực hoá “quốc gia - dân tộc” ở Nhật Bản thời cận đại đã trải
qua một quá trình lịch sử đầy khó khăn, trong đó, Minh Trị Duy tân không phải là một cuộc cách
mạng tạo ra chủ nghĩa dân tộc kiểu cận đại nhằm giải phóng quần chúng, nhưng chính quyền đã
đóng vai trò tiền đề cho việc tập hợp quần chúng và thống nhất tinh thần dân tộc Nhật Bản. May
mắn thay, quần chúng được trang bị tri thức và khao khát tầm cứu tri thức, cùng với một mạng
lưới truyền dẫn trung gian có sự góp mặt tích cực của đông đảo các nhà hoạt động văn hoá - nghệ
thuật, đã không ngừng nỗ lực đấu tranh và phản biện, đóng góp quan trọng vào việc hiện thực hoá
một quốc gia - dân tộc được đề cao trên thế giới ngày nay. Bài viết đóng góp một góc nhìn khác
với mong muốn phần nào bổ khuyết những khoảng trống còn bỏ ngỏ trong nghiên cứu lịch sử cận
đại hóa Nhật Bản tại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ogasawara Kyoko, 1992. Đô thị và Nhà hát – Trấn hồn, giải trí và quyền lực thời Trung – Cận
thế. Nxb Heibonsha (小笠原恭子(1992)、『都市と劇場―中・近世の鎮魂・娯楽・権力』、平
凡社).
[2] Hashimoto Konsuke, 2011. Chính sách nghệ thuật của nhà nước Meiji và xã hội khu vực – Từ
lịch sử biểu diễn nghệ thuật Cận đại. Nxb Bình luận kinh tế Nhật Bản.
(橋本今祐( ) 、2011 『 明治国家の芸能政策と地域社会 近代芸能興行史の裾野から― 』 、日本経済評論社 ).
[3] Kurata Yoshihiro, 1988. Đại hệ tư tưởng Nhật Bản cận đại quyển 18 – Nghệ thuật. Nxb Iwanami
shoten. (倉田喜弘( ) 、1988 『 日本近代思想体系18―芸能』 、岩波書店).
[4] Kurata Yoshihiro, 1999. Khai hóa văn minh nghệ thuật – Nhà nước Meiji và Cận đại hóa nghệ
thuật, Nxb Heibonsha. (倉田喜弘(1999)、『芸能の文明開化―明治国家と芸能近代化』、平
凡社).
[5] Kurata Yoshihiro, 2006. Thời cận đại của Kịch quán và rạp tạp kỹ - Từ “du nghệ” đến “văn
hóa”. Nxb Iwanami shoten. (倉田喜弘(2006)、『芝居小屋と寄席の近代・「遊芸」から「文化」
へ』、岩波書店).
[6] Nguyễn Dương Đỗ Quyên, 2016. Luận án tiến sĩ “Vai trò của Sanyutei Encho trong đời sống xã
hội – văn hóa Nhật Bản thời kì Minh Trị”. Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguyễn Dương Đỗ Quyên
80
[7] Phillip Pons (Kamiya Mikio dịch), 1992. Từ Edo đến Tokyo – Văn hóa thị dân và văn hóa bình
dân. Nxb Chikuma shobo. (フィリップ・ポンス(神谷幹夫訳)(1992)、『江戸から東京へ・町人
文化と庶民文化』、筑摩書房).
[8] Yamamuro Shinichi, 1985. Tri thức và chính trị Nhật Bản cận đại – Từ Inoue Kaoru đến nghệ
thuật đại chúng. Nxb Kintakusha. (山室信一(1985)、『近代日本の知と政治―井上毅から大
衆演芸まで』、金鐸社).
ABSTRACT
Nation-state building in modern Japan: an approach from culture-arts policy
Nguyen Duong Do Quyen
Institute of Social Sciences Information, Vietnam Academy of Social Sciences
The creation of a new modern nation-state was hastened by the Japanese government
modelled on Western political ideologies. Based on secondary literature and historical materials
research, this paper aims at examining both successes and failures in Meiji government’s culture
and arts policy in terms of national enlightenment, reconstructing traditions, promoting Japan’s
image, and the role of arts and culture in the perceptions of civil rights. From this perspective, it is
hoped that further knowledge could be contributed to the Vietnamese researchers in understanding
the fundamental basis of nation-state building in the Meiji modernization.
Keywords: Japan, Nation-state, Meiji period, Modernization, Arts and Culture Policy,
Traditions, Popular Arts.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 5352_9_nguyen_duong_do_quyen_9198_2122854.pdf