Hiệu quả can thiệp truyền thông thay đổi thực hành vệ sinh tay của điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh

Tài liệu Hiệu quả can thiệp truyền thông thay đổi thực hành vệ sinh tay của điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 410 HIỆU QUẢ CAN THIỆP TRUYỀN THÔNG THAY ĐỔI THỰC HÀNH VỆ SINH TAY CỦA ĐIỀU DƯỠNG BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Đỗ Thị Hà*, Lâm Thị Thu Tâm*, Lê Văn Tỉnh*, Lê Thụy Bích Thủy* TÓM TẮT Đặt vấn đề: Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang là vấn đề y tế toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện và tăng chi phí điều trị. Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), vệ sinh tay (VST) từ lâu luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả chương trình can thiệp thay đổi thực hành vệ sinh tay thường quy (VSTTQ) của điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp không có nhóm chứng trên 251 điều dưỡng (ĐD) đang công tác tại các khoa lâm sàng của bệnh viện Thống Nhất với phương pháp chọn mẫu theo cụm. P...

pdf7 trang | Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 07/07/2023 | Lượt xem: 202 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiệu quả can thiệp truyền thông thay đổi thực hành vệ sinh tay của điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 410 HIỆU QUẢ CAN THIỆP TRUYỀN THÔNG THAY ĐỔI THỰC HÀNH VỆ SINH TAY CỦA ĐIỀU DƯỠNG BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Đỗ Thị Hà*, Lâm Thị Thu Tâm*, Lê Văn Tỉnh*, Lê Thụy Bích Thủy* TÓM TẮT Đặt vấn đề: Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang là vấn đề y tế toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện và tăng chi phí điều trị. Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), vệ sinh tay (VST) từ lâu luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả chương trình can thiệp thay đổi thực hành vệ sinh tay thường quy (VSTTQ) của điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp không có nhóm chứng trên 251 điều dưỡng (ĐD) đang công tác tại các khoa lâm sàng của bệnh viện Thống Nhất với phương pháp chọn mẫu theo cụm. Phương pháp can thiệp bao gồm truyền thông trực tiếp lồng ghép tập huấn về VSTTQ được áp dụng. Phần mềm thống kê SPSS 22.0 được sử dụng để phân tích số liệu. Phép kiểm Mc Nemar được sử dụng để đánh giá sự thay đổi về kỹ thuật thực hành VSTTQ của điều dưỡng thông qua chương trình can thiệp, thống kê có ý nghĩa khi giá trị p < 0,05. Kết quả: Phần lớn điều dưỡng tham gia nghiên cứu là nữ (85,3%). Tỷ lệ điều dưỡng thực hành đúng kỹ thuật vệ sinh tay thường quy tăng cao sau can thiệp, 96,4% so với 54,2% trước can thiệp. Kết luận: Phương pháp can thiệp đã làm cải thiện đáng kể tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay ở điều dưỡng. Các cơ sở y tế cần duy trì và tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay thường quy ở nhân viên y tế góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc. Từ khóa: vệ sinh tay, can thiệp, điều dưỡng ABSTRACT EFFECTIVENESS OF AN INTERVENTION PROGRAM TO IMPROVE HAND HYGIENE COMPLIANCE AMONG NURSES IN THONG NHAT HOSPITAL Do Thi Ha, Lam Thi Thu Tam, Le Van Tinh, Le Thuy Bich Thuy * Ho Chi Minh City Journal of Medicine * Supplement of Vol. 23 - No 3- 2019: 410-416 Background: Hospital infections are a global health problem due to increased morbidity, mortality, prolonged hospital stay, and increase treatment costs. Hand hygiene is a basis and most effective of infection control strategies. Objective: The aim of this study was to evaluate the effectiveness of communication intervention program to enhand hand hygiene compliance among nurses in Thong Nhat Hospital, Ho Chi Minh City in 2017. Methods: One group pretest – posttest design on 251 nurses working in clinical departments of Thong Nhat Hospital undertaken a directly communication intervention on hand hygiene integrated with hand hygiene training program. Cluster sampling method was applied to recruit the participants. The SPSS version 22.0 was used to analyze data. Mc Nemar test was applied to evaluate the effectiveness of the intervention pgrogram with p <0.05. *Khoa Điều dưỡng–Kỹ thuật Y học, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh. Tác giả liên lạc: TS.ĐD. Đỗ Thị Hà ĐT: 0944831458 E-mail: doha@pnt.edu.vn Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Nghiên cứu Y học Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 411 Results: The majority of nurses participating in the study were female (85.3%). The reseults showed that, there was a significant improvement of hand hygiene compliance among nurses after intervention program (96.4%) compared to before intervention (54.2%) (p < 0.001). Conclusion: The intervention program has made good improvements in hand hygiene compliance among nurses. It is importance to maintain and enhance communication and training programs to improve routine hand hygiene compliance among health care providers, contributing to improving the quality of treatment and care. Keywords: hand hygiene, intervention, nurses ĐẶT VẤN ĐỀ Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế đang là vấn đề y tế toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện và tăng chi phí điều trị. Kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh (KBCB), là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh (NB) tại các cơ sở KBCB. Trong các biện pháp KSNK, vệ sinh tay (VST) từ lâu luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong chăm sóc người bệnh (NB)(2). Trong môi trường bệnh viện, mọi nơi bàn tay đụng chạm vào đều có vi khuẩn trên đó. Trong quá trình chăm sóc NB, bàn tay nhân viên y tế (NVYT) thường xuyên bị ô nhiễm vi sinh vật (VSV) có ở trên da NB cũng như ở bề mặt môi trường bệnh viện. Thời gian thao tác càng dài thì mức độ ô nhiễm bàn tay càng lớn. Không VST trước khi chăm sóc NB là nguyên nhân quan trọng làm lan truyền NKBV. Các VSV có ở bàn tay ô nhiễm lan truyền trực tiếp sang NB thông qua các thực hành chăm sóc hoặc gián tiếp do bàn tay làm ô nhiễm các dụng cụ chăm sóc(2). Nghiên cứu của Nguyễn Việt Hùng và cộng sự tại bệnh viện Bạch Mai cho thấy bàn tay NVYT bị ô nhiễm trung bình: 1,65 log khuẩn lạc. Đáng chú ý, NVYT không thực hiện bất kỳ thực hành chăm sóc nào trong buồng bệnh có mức ô nhiễm bàn tay cao nhất (2,1 log)(6). Nghiên cứu này càng khẳng định sự cần thiết phải VST thường xuyên, đặc biệt là VST trước khi vào buồng bệnh. Bàn tay NVYT là phương tiện lan truyền bệnh quan trọng trong các vụ dịch NKBV. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ tuân thủ VST ở NVYT thay đổi từ 13% - 81%, tính chung là 40,5%. Tại Việt Nam, tuân thủ VST trong các cơ sở KBCB hiện nay chưa tốt. Khảo sát tại 10 bệnh viện năm 2005 cho thấy tỷ lệ tuân thủ VST ở NVYT là 13,4%(6). Trong những năm gần đây, tỉ lệ tuân thủ VST ở các cơ sở KBCB đã cải thiện đáng kể, dao động từ 30% đến 40%. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tuân thủ VST ở NVYT gồm thiếu phương tiện, thiếu kiến thức, thiếu NVYT (quá tải), lạm dụng găng, thiếu kiểm tra giám sát và thiếu các biện pháp tạo dựng thói quen VST(2). VST giúp loại bỏ VSV có ở bàn tay. Hiệu quả loại bỏ VSV trên bàn tay của thực hành VST phụ thuộc vào một số yếu tố như kỹ thuật vệ sinh tay, thời gian vệ sinh tay, hóa chất vệ sinh tay, mang đồ trang sức và móng tay giả. VST không đúng quy trình sẽ không loại bỏ hết được VSV trên tay. Những năm gần đây, tuy đã có nhiều tiến bộ trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện ở nước ta, song tỷ lệ tuân thủ rửa tay của nhân viên y tế theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn còn thấp. Năm 2017, Bộ Y tế đã đưa ra Hướng dẫn thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh(2). Theo đó, thời điểm vệ sinh tay thường quy được yêu cầu thực hiện trước và sau khi NVYT tiếp xúc trực tiếp với mỗi NB; trước khi thực hiện mỗi thủ thuật sạch/vô khuẩn; ngay sau mỗi khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể; sau tiếp xúc với bề mặt đồ dùng, vật dụng trong buồng bệnh và một số tình huống đụng chạm khác. Quy định về Kỹ thuật vệ sinh tay thường quy, dù VST bằng xà phòng và nước Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 412 hoặc chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn cần thực hiện theo kỹ thuật 6 bước. Bộ Y tế cũng khuyến cáo các cơ sở y tế hàng năm cần tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo và truyền thông về VST cho nhân viên y tế. Theo nghiên cứu Mona và cộng sự (2013), tỷ lệ tuân thủ rửa tay của nhân viên y tế sau can thiệp tăng từ 43% lên 61,4%(9). Tại bệnh viện Hùng Vương, nghiên cứu Phan Thị Hằng (2014) cho thấy tỷ lệ tuân thủ rửa tay tăng từ 29% năm 2010 lên 40% năm 2011 và 53% năm 2012 và nhiễm khuẩn bệnh viện cũng giảm rõ rệt(8). Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả chương trình can thiệp bằng phương pháp truyền thông trực tiếp trên việc thay đổi thực hành vệ sinh tay thường quy (VSTTQ) của điều dưỡng từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho phòng kiểm soát nhiễm khuẩn cùng các phòng ban chức năng của bệnh viện duy trì và tăng cường công tác tập huấn, truyền thông cho NVYT về VSTTQ, góp phần phòng chống NKBV, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị. ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Đây là nghiên cứu can thiệp trước – sau không có nhóm chứng trên 251 điều dưỡng đang công tác tại 15 khoa lâm sàng của bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Phương pháp chọn mẫu Phương pháp chọn mẫu theo cụm được áp dụng. Nghiên cứu viên lập danh sách và đánh số thứ tự các tổ tại các khoa lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất. Mỗi tổ bao gồm từ 9 đến 11 điều dưỡng viên. 25 tổ (251 điều dưỡng) sau đó được chọn ngẫu nhiên với hệ số k = 3 từ 85 tổ trong bệnh viện. Thời gian nghiên cứu Tháng 7 đến tháng 12 năm 2017. Tiêu chí chọn mẫu Điều dưỡng công tác tại các khoa lâm sàng, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và đồng ý tham gia nghiên cứu. Tiêu chí loại trừ Điều dưỡng đang mang thai, điều dưỡng vắng mặt trong thời gian nghiên cứu. Công cụ và quy trình thu thập số liệu Nghiên cứu được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 Khảo sát thực trạng thực hành VST của điều dưỡng trước can thiệp và chuẩn bị can thiệp. Ở giai đoạn này, đối tượng nghiên cứu được quan sát về thực hành kỹ thuật VSTTQ gồm 6 bước theo bảng kiểm được soạn sẵn theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Bước 1: chà 2 lòng bàn tay vào nhau; Bước 2: chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại; Bước 3: chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón; Bước 4: chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay); Bước 5: chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái); Bước 6: chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Giai đoạn 2 Giai đoạn thực hiện can thiệp. Ở giai đoạn này, phương pháp truyền thông trực tiếp lồng ghép tập huấn về VSTTQ được áp dụng. Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt điều dưỡng của bệnh viện, các đối tượng nghiên cứu được mời tham dự buổi truyền thông và tập huấn về VSTTQ tại hội trường của Bệnh viện. Nội dung truyền thông – giáo dục sức khỏe (GDSK) theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới bao gồm Tình hình và hậu quả NKBV; Lan truyền tác nhân gây bệnh; Chiến lược phòng ngừa lan truyền tác nhân gây bệnh; Chỉ định và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ kỹ thuật VSTTQ. Lồng ghép với lý thuyết là phần hướng dẫn, tập huấn về thực hành VST theo kỹ thuật 6 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế(12). Buổi truyền thông trực tiếp và tập huấn kéo dài khoảng 4 tiếng. Đối tượng nghiên cứu được khuyến khích tương tác, tham gia thảo luận, chia sẻ trong suốt buổi tập huấn. Ngoài truyền thông nhóm lớn thì đối tượng nghiên cứu còn được Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Nghiên cứu Y học Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 413 thảo luận theo nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 10 thành viên, và tư vấn trực tiếp cho các cá nhân về vấn đề VSTTQ. Việc truyền thông – Giáo dục sức khỏe (GDSK), tập huấn và tư vấn được phụ trách bởi các thành viên của nhóm nghiên cứu, là các giảng viên của Khoa Điều dưỡng –Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Để hạn chế sai lệch trong kết quả nghiên cứu, các thành viên của nhóm nghiên cứu được tập huấn kỹ và thống nhất quy trình thực hiện. Giai đoạn 3 Giai đoạn đánh giá hiệu quả can thiệp. Một tuần đến ba tháng sau chương trình can thiệp, đối tượng nghiên cứu được quan sát việc thực hành VSTTQ theo kỹ thuật 6 bước một cách ngẫu nhiên trong thời gian đối tượng nghiên cứu thực hành chăm sóc bệnh nhân theo bảng kiểm được soạn sẵn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau đó, kết quả được so sánh giữa trước và sau can thiệp nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình can thiệp. Mỗi bước thực hiện VSTTQ của đối tượng nghiên cứu được ghi nhận theo 3 mức độ từ thấp đến cao: không thực hiện, có thực hiện nhưng không đầy đủ hoặc không đúng, và thực hiện đúng và đầy đủ. Không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ hoặc không đúng được 0 điểm, thực hiện đúng và đầy đủ được 1 điểm. Tổng điểm tối thiểu thực hành kỹ thuật VSTTQ là 0 điểm và tối đa là 6 điểm. Việc tuân thủ kỹ thuật VSTTQ chung của điều dưỡng được chia thành 2 nhóm Đạt và Không Đạt. Các đối tượng nghiên cứu được 6 điểm được xếp vào nhóm Đạt, < 6 điểm được xếp vào nhóm Không Đạt. Trường hợp đối tượng nghiên cứu thực hiện đủ 6 Bước trong kỹ thuật VSTTQ nhưng không tuân thủ đúng về thời gian, lấy không đủ dung dịch VST cho mỗi lần VST, không tháo đồ trang sức (nếu có), để móng tay dài, hoặc làm lộn trình tự các bước thì được xếp vào nhóm không đạt. Đạo đức trong nghiên cứu Đề cương nghiên cứu được Hội đồng Khoa học của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Hội đồng Đạo đức của Bệnh viện Thống Nhất thông qua. Tên của đối tượng nghiên cứu được mã hóa và tất cả thông tin liên quan đến đối tượng nghiên cứu được bảo mật. Việc tham gia vào nghiên cứu là hoàn toàn tự nguyện và điều dưỡng được quyền dừng tham gia bất cứ lúc nào, không cần thông báo lý do. Xử lý và phân tích số liệu Sử dụng phần mềm thống kê SPSS 22.0 để phân tích số liệu. Thống kê mô tả được sử dụng để phân tích đặc điểm đối tượng nghiên cứu, mô tả thực hành rửa tay đúng cách của điều dưỡng (trước và sau khi can thiệp) theo tần suất và tỷ lệ phần trăm. Sử dụng phép kiểm Mc Nemar để đánh giá sự thay đổi về kỹ thuật thực hành VSTTQ của điều dưỡng thông qua chương trình can thiệp. Thống kê có ý nghĩa khi giá trị p < 0,05. KẾT QUẢ Nghiên cứu can thiệp trên 251 điều dưỡng đang công tác tại các khoa lâm sàng của bệnh viện Thống Nhất nhằm đánh giá hiệu quả chương trình can thiệp truyền thông trực tiếp và tập huấn về kỹ thuật vệ sinh tay thường quy của điều dưỡng. Kết quả tại Biểu đồ 1 cho thấy phần lớn điều dưỡng tham gia nghiên cứu là nữ, chiếm 85,3%. Biểu đồ 1: Phân bố đối tượng nghiên cứu theo giới tính Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 414 Các bước thực hành kỹ thuật VSTTQ của điều dưỡng trước và sau can thiệp Bảng 1: Các bước thực hành kỹ thuật VSTTQ của điều dưỡng trước và sau can thiệp (N = 251) Trước can thiệp Sau can thiệp VSTTQ Tần số (%) Tần số (%) Bước 1 Không làm 9 3,6 1 0,4 Có làm 97 38,6 5 2,0 Làm tốt 145 57,8 145 97,6 Bước 2 Không làm 17 6,8 0 0,0 Có làm 97 38,6 10 4,0 Làm tốt 137 54,6 241 96,0 Bước 3 Không làm 15 6,0 3 1,2 Có làm 99 39,4 13 5,2 Làm tốt 137 54,6 235 93,6 Bước 4 Không làm 28 11,2 3 1,2 Có làm 93 37,1 19 7,6 Làm tốt 130 51,8 229 91,2 Bước 5 Không làm 29 11,6 3 1,2 Có làm 98 39,0 31 12,4 Làm tốt 124 49,4 217 86,5 Bước 6 Không làm 28 11,2 2 0,8 Có làm 107 42,6 42 16,7 Làm tốt 116 46,2 207 82,5 Bảng 1 cho thấy, trong tất cả 6 bước VSTTQ trước can thiệp, tỉ lệ điều dưỡng không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đủ hoặc không đúng kỹ thuật VSTTQ chiếm khoảng một nửa. Trong đó, bước 6 có tỉ lệ cao nhất với 53,8%. Kết quả cũng cho thấy có sự thay đổi rõ rệt từ không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đủ hoặc không đúng kỹ thuật giữa trước và sau khi can thiệp; tỉ lệ này giảm mạnh sau can thiệp. Tỉ lệ điều dưỡng làm đủ và đúng kỹ thuật ở tất cả các bước sau can thiệp tăng cao so với trước can thiệp, trong đó Bước 1 tỷ lệ làm tốt sau khi được truyền thông và tập huấn đạt tới 97,6%, tỷ lệ này lúc chưa được truyền thông và tập huấn chỉ đạt 57,8%. Bảng 2 cho thấy tỷ lệ điều dưỡng đạt về thực hành chung về kỹ thuật VSTTQ có sự thay đổi rõ rệt giữa trước và sau khi được truyền thông – GDSK, tập huấn và tư vấn. Trước khi được truyền thông và tập huấn tỷ lệ này chỉ là 54,2%, nhưng sau khi được truyền thông và tập huấn thì đạt đến 96,4%. Bảng 2: Thực hành chung kỹ thuật VSTTQ của điều dưỡng trước và sau can thiệp (N = 251) Trước can thiệp Sau can thiệp VSTTQ Tần số (%) Tần số (%) Đạt 136 54,2 242 96,4 Không đạt 115 45,8 9 3,6 Sự thay đổi thực hành VSTTQ trước và sau khi can thiệp của điều dưỡng Bảng 3: Thay đổi thực hành của điều dưỡng về kỹ thuật VSTTQ (N = 251) Trước N (%) Sau N (%) McNemar's  2 p – value Đạt 136(54,2) 242(96,4) 9,84 <0,001 Không đạt 115(45,8) 9(3,6) Bảng 3 cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về thực hành kỹ thuật VSTTQ của điều dưỡng trước và sau can thiệp (p < 0,001). BÀN LUẬN Trước can thiệp, tỷ lệ điều dưỡng trong nghiên cứu tuân thủ kỹ thuật VSTTQ đạt 54,2%. Tỷ lệ này tương đương với kết quả khảo sát của Mona (2016)(9), cao hơn kết quả trong một số nghiên cứu khác(1,6,7,10,11) và thấp hơn kết quả trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hà (2012) về tỷ lệ tuân thủ rửa tay chung của NVYT ở bệnh viện Nhi Đồng 1 là 62%(5) và Chen (2016) ở Đài Loan là 62,3%(3). Từ kết quả điều tra ban đầu và kết thúc chương trình can thiệp cho thấy có sự cải thiện rõ rệt về tuân thủ kỹ thuật VSTTQ của điều dưỡng. Hiệu số thay đổi tỷ lệ thực hành chung đạt trước – sau can thiệp của nhóm nghiên cứu là 42,2%, tăng từ 54,2% trước can thiệp lên 96,4% sau can thiệp. Kết quả này phù hợp với kết quả từ một số nghiên cứu khác trên thế giới và Việt Nam(1,3,4,8,11). Kết quả cho thấy có sự thay đổi rõ ràng từ không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đủ hoặc không đúng kỹ thuật VSTTQ, đặc biệt là ở Bước 1 tỷ lệ làm tốt Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Nghiên cứu Y học Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 415 sau khi được truyền thông - GDSK và tập huấn đạt tới 97,6%, tỷ lệ này khi chưa được truyền thông - GDSK và tập huấn chỉ đạt 57,8%. Tỷ lệ điều dưỡng không thực hiện và thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các bước đều xuất hiện ở cả trước và sau can thiệp; tuy nhiên, ở thời điểm trước can thiệp tỷ lệ này đều cao hơn so với sau khi can thiệp. Như ở bước 4 (chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại), tỷ lệ này trước can thiệp lần lượt là 11,2% và 37,1% và sau can thiệp giảm mạnh chỉ còn 1,2% và 7,6. Đặc biệt ở Bước 2 (chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại) không có trường hợp nào không thực hiện và chỉ có 4% đối tượng nghiên cứu thực hiện không đúng kỹ thuật hoặc số lần chà tay không đầy đủ theo yêu cầu sau can thiệp (Bảng 1). Cũng dùng phương pháp truyền thông để thay đổi hành vi rửa tay trong nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Liên và cộng sự tại Bệnh viện nhi đồng 2 về việc đánh giá thực hành rửa tay cho thấy thực hành đúng vệ sinh bàn tay trong nhóm khảo sát đạt đến 90% sau can thiệp (4). Nghiên cứu can thiệp của Arntz và cộng sự năm 2016 cho thấy tỷ lệ điều dưỡng tuân thủ vệ sinh tay sau can thiệp tăng cao (46%) so với trước can thiệp (18%)(1). Biện pháp can thiệp đa mô thức trong cải thiện tỷ lệ tuân thủ VST tay của nhân viên y tế của tác giả Trương Ngọc Hải và cộng sự tại bệnh viện chợ rẫy cũng ghi nhận hiệu quả với tỷ lệ tuân thủ rửa tay chung của nhân viên y tế trước can thiệp là 25,8%, tăng lên đến 60,2 (±19,9%) sau can thiệp. Trong đó, mức độ tuân thủ của điều dưỡng là cao nhất sau ca thiệp (77,3%)(11). Điều này cho thấy việc duy trì và tăng cường các biện pháp can thiệp, truyền thông, GDSK và tập huấn cho NVYT về tuân thủ VSTTQ là cần thiết. Sự khác biệt giữa phương pháp can thiệp trong nghiên cứu này so với các nghiên cứu khác đó là trong nghiên cứu này chúng tôi đã áp dụng phương pháp truyền thông trực tiếp tích cực lồng ghép với tập huấn cho đối tượng nghiên cứu về kỹ thuật VSTTQ. Trong suốt buổi truyền thông – GDSK và tập huấn, đối tượng nghiên cứu được khuyến khích chủ động tương tác, tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến của mình. Sau khi truyền thông nhóm lớn thì đối tượng nghiên cứu được chia thành từng nhóm nhỏ để thảo luận và thực hành kỹ thuật VSTTQ. Ngoài ra, đối tượng nghiên cứu còn được tư vấn trực tiếp về những vấn đề liên quan đến VST. Do đó, điều dưỡng có cơ hội chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện VSTTQ trong thực tế. Trong quá trình quan sát trước can thiệp, chúng tôi nhận thấy một số lỗi điều dưỡng hay mắc phải khi thực hành kỹ thuật VSTTQ đó là không chà đủ 5 lần cho các bước, thời gian VST quá ngắn so với quy định, lấy chế phẩm VST chứa cồn quá ít, mang đồ trang sức ở tay khi thực hiện kỹ thuật VSTTQ. Một số điều dưỡng còn để móng tay dài và đặc biệt, rất nhiều điều dưỡng không sử dụng khăn lau tay để khóa vòi nước theo như hướng dẫn của Bộ Y tế. Những trường hợp này, chúng tôi đã tư vấn trực tiếp và nhấn mạnh trong buổi truyền thông – GDSK và tập huấn. Tỷ lệ điều dưỡng mắc phải các lỗi trên sau can thiệp đều giảm mạnh. VST không đúng quy trình sẽ không loại bỏ hết được VSV trên tay. Một số vị trí như đầu ngón tay, kẽ móng tay, kẽ ngón tay, mu ngón cái và mu bàn tay là những vùng NVYT thường bỏ quên không chà tay, do vậy đã không được tiếp xúc với hóa chất VST và VSV không được loại bỏ ở những nơi này. VST đúng quy trình giúp loại bỏ VSV ở bàn tay hiệu quả hơn. Nghiên cứu tại bệnh viện Bạch Mai (2007) cho thấy số lượng VSV ở tay NVYT thực hiện đúng kỹ thuật VST (0,2 log), thấp hơn so với NVYT thực hiện VST không đúng kỹ thuật (1,0 log). Thời gian VST cũng ảnh hưởng tới mức độ loại bỏ vi khuẩn trên bàn tay. Thực tế nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, lượng vi khuẩn ở 5 đầu ngón tay NVYT sau VST ≥ 20 giây (0,7 log), giảm hơn nhóm VST < 20 giây (1,1 log)(2). Theo các khuyến cáo hiện nay, thời gian chà tay với hóa chất trong VST thường quy là 20 giây - 30 giây. Việc mang Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 416 đồ trang sức cũng ảnh hưởng tới mức độ loại bỏ VSV trên bàn tay. Vùng da ngón tay dưới chỗ mang nhẫn chứa nhiều VSV gây bệnh hơn vùng da không mang nhẫn. Các hướng dẫn thực hành VST hiện nay khuyến cáo NVYT không để móng tay dài, không mang nhẫn và các đồ trang sức khác khi VST(2). Việc tư vấn trực tiếp và nêu ra các lỗi thường mắc của điều dưỡng trong thực hành VSTTQ của điều dưỡng do đó cần được chú trọng trong các chương trình can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình. Hạn chế của đề tài Mặc dù nghiên cứu can thiệp được thực hiện tại nhiều khoa lâm sàng khác nhau trong bệnh viện; tuy nhiên, chỉ có nhóm can thiệp mà không có nhóm chứng. Đây là một hạn chế của đề tài, vì chỉ cho phép so sánh việc tuân thủ VSTTQ của điều dưỡng trước và sau chương trình can thiệp chứ không so sánh được giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng. Bên cạnh đó, việc đánh giá hiệu quả của chương trình cũng chỉ mới dừng lại ở việc đánh giá thực hành VSTTQ theo kỹ thuật 6 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế chứ chưa đánh giá được hiệu quả của chương trình can thiệp trong VSTTQ theo các thời điểm. KẾT LUẬN Điều dưỡng giữ vai trò trụ cột trong hệ thống y tế ở tất cả các quốc gia. Chất lượng chăm sóc ĐD và là một trong những nhân tố quyết định chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế. Từ trước đến nay, ngành Y tế nước ta đã rất nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức và thực hành phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện cho nhân viên y tế, nhất là những đối tượng trực tiếp và thường xuyên tiếp với bệnh nhân. Những biện pháp can thiệp đa mô thức cũng được áp dụng và mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu chuyên biệt về hiệu quả của truyền thông trực tiếp, chủ động có tương tác lồng ghép tập huấn VSTTQ trên đối tượng điều dưỡng. Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy tính hiệu quả tích cực của phương pháp can thiệp nêu trên, từ đó có thể cung cấp những thông tin hữu ích giúp các cơ sở y tế xây dựng những chiến lược can thiệp thích hợp, hiệu quả nhằm nâng cao tỷ lệ tuân thủ VSTTQ ở nhân viên y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng góp phần hạn chế tới mức thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện, nâng cao tối đa chất lượng điều trị và chăm sóc. TÀI LIỆU THAM KHAO 1. Arntz PR et al (2016). Effectiveness of a multimodal hand hygiene improvement strategy in the emergency department. American Journal of Infection Control, pp 1203-07. 2. Bộ Y tế (2017). Hướng dẫn thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hà Nội. 3. Chen JK et al (2016). Impact of implementation of the World Health Organization multimodal hand hygiene improvement strategy in a teaching hospital in Taiwan. American Journal of Infection Control, 44(2):pp.222-227. 4. Nguyễn Thị Kim Liên (2013). Đánh giá thực hành rửa tay của nhân viên y tế bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2013. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 17(4):pp.71 -75. 5. Nguyễn Thị Thanh Hà và cộng sự (2012). Đánh giá tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế bệnh viện Nhi Đồng 1 năm 2012. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 16(2):pp.128. 6. Nguyễn Việt Hùng và CS (2008). Thực trạng phương tiện vệ sinh tay, nhận thức và thực hành vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế tại một số bệnh viện khu vực phía Bắc, 2005. Y học Lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, 6:pp.136-141. 7. Phan HT et al (2018). An educational intervention to improve hand hygiene compliance in Vietnam. BMC Infectious Diseases, 18:pp.116. 8. Phan Thị Hằng (2014). Hiệu quả chiến dịch Bàn tay sạch trong cải thiện sự tuân thủ rửa tay của nhân viên y tế và giảm nhiễm khuẩn bệnh viện tại BV Hùng Vương. Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập 18(6):pp.634 – 638. 9. Salama MF et al (2016). The effect of hand hygiene compliance on hospital-acquired infections in an ICU setting in a Kuwaiti teaching hospital. Journal of Infection and Public Health, 6:pp.27-34. 10. Trần Thị Mỹ Hạnh và cộng sự (2014). Khảo sát kiến thức - thái độ - các yếu tố ảnh hướng đến vệ sinh tay của nhân viên y tế tại BV Hùng Vương. Y học Thực hành, 904:pp.96-99. 11. Trương Ngọc Hải và cộng sự (2013). Hiệu quả của biện pháp can thiệp đa mô thức trong cải thiện tỷ lệ tuân thủ rửa tay của nhân viên y tế tại khoa Nội Tổng Quát bệnh viện Chợ Rẫy. Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 17(1):pp.648 - 652. 12. World Health Organization (WHO) (2009). WHO Guidelines on Hand Hygiene in Health Care. Geneva, Switzerland, pp.6. Ngày nhận bài báo: 31/01/2019 Ngày phản biện nhận xét bài báo: 19/02/2019 Ngày bài báo được đăng: 20/04/2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfhieu_qua_can_thiep_truyen_thong_thay_doi_thuc_hanh_ve_sinh_t.pdf
Tài liệu liên quan