Hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại theo khuynh hướng hiện thực - Huyền ảo qua nỗi buồn chiến tranh của bảo ninh và ăn mày dĩ vãng của Chu Lai - Trương Thị Kim Anh

Tài liệu Hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại theo khuynh hướng hiện thực - Huyền ảo qua nỗi buồn chiến tranh của bảo ninh và ăn mày dĩ vãng của Chu Lai - Trương Thị Kim Anh: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0062 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 73-79 This paper is available online at HIỆN THỰC CHIẾN TRANH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI THEO KHUYNH HƯỚNG HIỆN THỰC - HUYỀN ẢO QUA NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH VÀ ĂN MÀY DĨ VÃNG CỦA CHU LAI Trương Thị Kim Anh Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Đồng Nai Tóm tắt. Nội dung bài viết muốn nói đến một khuynh hướng viết mới trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, đặc biệt là các tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, đó là khuynh hướng hiện thực huyền ảo. Bài viết đề cập sâu đến hai tác phẩm tiểu biểu cho phương thức viết này là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai. Với hai tác phẩm này, chúng tôi chủ yếu đi khai thác ba phương diện cơ bản viết về chiến tranh theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo, đó là: Chiến tranh với những câu chuyện li kì và những lời tiên tri nhuốm màu sắc tâm linh; Chiến tranh với những chấn thương tinh thầ...

pdf7 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 769 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại theo khuynh hướng hiện thực - Huyền ảo qua nỗi buồn chiến tranh của bảo ninh và ăn mày dĩ vãng của Chu Lai - Trương Thị Kim Anh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0062 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 73-79 This paper is available online at HIỆN THỰC CHIẾN TRANH TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI THEO KHUYNH HƯỚNG HIỆN THỰC - HUYỀN ẢO QUA NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH VÀ ĂN MÀY DĨ VÃNG CỦA CHU LAI Trương Thị Kim Anh Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Đồng Nai Tóm tắt. Nội dung bài viết muốn nói đến một khuynh hướng viết mới trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, đặc biệt là các tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, đó là khuynh hướng hiện thực huyền ảo. Bài viết đề cập sâu đến hai tác phẩm tiểu biểu cho phương thức viết này là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai. Với hai tác phẩm này, chúng tôi chủ yếu đi khai thác ba phương diện cơ bản viết về chiến tranh theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo, đó là: Chiến tranh với những câu chuyện li kì và những lời tiên tri nhuốm màu sắc tâm linh; Chiến tranh với những chấn thương tinh thần của người lính khi trở về. Từ khóa: Tiểu thuyết, đương đại, khuynh hướng, hiện thực, huyền ảo, chiến tranh, người lính, phụ nữ. 1. Mở đầu Đề cập đến vấn đề huyền ảo trong văn học Việt Nam đương đại, tác giả Bùi Thanh Truyền trong công trình Yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam cho rằng: “Yếu tố kì ảo giờ đây không đơn thuần chỉ là công cụ nhận thức, khám phá thế giới, một cái nhìn thế giới mang tính nghệ thuật, hơn thế nữa, nó đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật đắc lực để văn học tích cực nắm bắt mọi biểu hiện của đời sống” [7;32]. Còn trong công trình Vấn đề nhận và xử lí chất liệu hiện thực tiểu thuyết Việt Nam đương đại trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, tác giả Biện Minh Điền cho rằng: “Hiện thực – huyền ảo với tư cách là một phương thức hay bút pháp trong văn học đương đại Việt Nam nói chung, trong tiểu thuyết nói riêng từng được bàn đến nhiều – nhiều nhất trong thời gian qua, cả trên phương diện lí luận cũng như qua nghiên cứu, phê bình các tác phẩm cụ thể [1;13]. Khi đề cập tới tiểu thuyết Việt Nam đương đại viết về chiến tranh có công trình Tiểu thuyết về chiến tranh trong văn học Việt Nam sau 1975 – Những khuynh hướng và sự đổi mới nghệ thuật, tác giả Nguyễn Thị Thanh cho rằng: “Sự gia tăng yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết về chiến tranh đã cho thấy thái độ ứng xử tự do của nhà văn với hiện thực và tính chất năng động, suồng sã, chơi giỡn của thể loại” [6;155]. Trong bài viết Người kể chuyện tự ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh tác giả Cao Kim Lan nhận định: “Tiếng nói tự ý thức về bản thân mình, về nhân vật và hiện thực chiến tranh với những góc nhìn khủng khiếp, về tình yêu với đủ các cung Ngày nhận bài: 15/1/2016. Ngày nhận đăng: 20/5/2016 Liên hệ: Trương Thị Kim Anh, e-mail: ttka83@gmail.com 73 Trương Thị Kim Anh bậc huyền ảo và mê muội đến mức hoang đường của tiểu thuyết tạo ra một kênh giao tiếp riêng trong thế giới nghệ thuật của Bảo Ninh” [5]. So với những công trình trên thì cái mới của chúng tôi là muốn khai thác sâu hơn khuynh hướng hiện thực huyền ảo được biểu hiện qua cái nhìn về hiện thực chiến tranh tác động trực tiếp tới những người lính trở về sau chiến tranh của Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và Chu Lai với Ăn mày dĩ vãng. Chúng tôi muốn soi chiếu chiến tranh bằng nỗi đau nhân tính hơn là ca ngợi, bởi vì dù là chiến thắng hay là chiến bại thì cũng đều có những mất mát và đau thương nhất định mà không gì bù đắp nổi. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Chiến tranh với những câu chuyện ma quái và li kì nhuốm màu sắc tâm linh Khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, cảm giác đầu tiên đem đến cho người đọc đó là sự hãi, rùng rợn, có phần nào đó xót xa nữa. Ngay khi vào những trang viết đầu tiên thì Bảo Ninh đã làm cho người đọc phải “rùng mình” bởi những câu chuyện li kì đậm chất huyền bí về những cánh rừng mà Kiên đã đi qua trong thời chinh chiến của anh. Những kí ức ấy đến từ giấc mơ của Kiên khi anh nhớ đến cái ngày anh cùng đồng đội quay lại truông núi “Gọi Hồn” để tìm hài cốt sĩ tử nơi đây. Câu chuyện về truông núi “Gọi Hồn” bắt đầu gợi cho Kiên nhớ lại những điều kì lạ đậm chất hoang đường kì ảo nơi đây từ việc “đi đêm ở vùng này có thể nghe thấy chim chóc khóc than như người” rồi đến “các loại măng nhuốm một màu đỏ dễ sợ đến vậy, đỏ như những tảng thịt ròng ròng máu”, rồi những “con đom đóm thì to kinh dị. . . quầng sáng đom đóm lớn tày cái mũ cối, có khi hơn” [3;12]. Chưa hẳn đã hết, người ta còn bảo rằng buổi tối cây cối ở đây “hòa giọng với gió rên lên những bản nhạc ma. Và không một ai có thể quen được vì chẳng góc rừng nào, chẳng tối nào như tối nào” [3;13]. Và kết luận cho những câu chuyện kì lạ nơi đây người ta cho rằng: “có lẽ là núi là rừng chứ không phải con người đã làm nảy sinh ra ở vùng này những huyền thoại rùng rợn, những truyền thuyết man rợ, nguyên thủy nhất về cuộc chiến tranh vừa qua” [3;13]. Ở đây người ta có thể “trông thấy nhiều quái vật lông lá có cả cánh lẫn vú với cái đuôi kì nhông kéo lết và họ ngửi thấy mùi tanh máu từ chúng, nghe thấy chúng gào rú và ca hát trong các hang động tối om ở chân đèo Thăng Thiên bên kia truông Gọi Hồn. Nhiều người đã chính mắt nom thấy những toán lính da đen không đầu chơi trò rước đèn ở ven rừng. Song đặt biệt rùng rợn là những tiếng rú man dại thường cất lên vào những buổi tinh mơ mờ mịt mưa giăng làm tái sạm mặt mày những ai chẳng may mà nghe phải” [3;21]. Và tất cả những điều mắt thấy tai nghe đó họ điều “quy thành điềm trời cảnh báo một thời tai họa, thảm khốc và đẫm máu” rồi bắt đầu họ “cúng tế vong linh đồng đội. . . xin hồn thiêng phù hộ anh em vượt vòng binh lửa đánh trận rửa thù” [3;21]. Người lính đã nhìn thấy tận mắt vô khối sự hão huyền ở những cánh rừng họ đi qua, đi kèm với sự hão huyền đó là những lời tiên tri được dự báo trước trong nỗi sợ hãi và bất an của con người trước “thời buổi ác nghiệt. . . cuốn đi mất bao nhiêu là con người” [3;66]. Không sợ, không lo lắng và bất an sao được khi mà Chu Lai trong Ăn mày dĩ vãng đã trần trụi chỉ ra rằng: “Chiến tranh. . . nó là cái gì nếu không phải là ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà vẫn chưa đến lượt mình” [4;42]. Điều đáng buồn là chiến tranh đã làm cho con người chẳng còn là con người nữa khi mà đồng loại không nhận ra đồng loại nữa, họ cho đó là “con vượn”, là “ma núi”, là “cái bóng”, là “một hình thù lồm xồm lông lá” chứ không phải là con người, khi mà nhận ra đó là “con người” thì họ trở nên sợ hãi, đau đớn cho số phận một kiếp người trong thời buổi chiến tranh. Trong hồi 74 Hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại theo khuynh hướng hiện thực - huyền ảo... ức của Kiên về cuộc chiến tranh đã qua, anh nhớ Thịnh “con” đã bắn chết “một con vượn rất to” nhưng “lạy Chúa tôi, đến khi ngả nó ra, cạo sạch được bộ lông thì ôi giời đất ơi, con vật hiện nguyên hình một mụ đàn bà béo xệ, da sùi lở nửa xám nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược” [3;14]. Tại sao một con người lại biến thành “con vượn”, thời buổi chiến tranh là đây sao? Trong truyện ngắn Người sót lại rừng cười của Võ Thị Hảo hình ảnh “con vượn” cũng xuất hiện: “hình như có con vượn trắng vừa nhảy từ chòi canh xuống và lẩn vào đám lá. Ba người tản ra, một người chui vào bụi đuổi theo con vượn”, nhưng anh đã bàng hoàng nhận ra rằng: “con vượn trắng ấy lại là một người con gái hoàn toàn trần truồng, tóc xõa, vẻ mặt bơ phờ và đang ngửa cổ ra sau cười khanh khách” [1;92]. Và trong cuốn nhật kí nhàu nát của người lính khi chứng kiến cảnh này sau này anh ta đã viết: “Sẽ không bao giờ mình quên được những gì đã thấy ở Rừng Cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn! Ôi! Thế là sau chín năm ở chiến trường, nay tôi đã nhìn thấy ở Rừng Cười cái méo mó man dại của chiến tranh” [1;95]. Bộ mặt chiến tranh là đây sao? Nó “méo mó và man dại” trong sự chứng kiến khủng khiếp của người lính khi nghĩ về thân phận người phụ nữ trong chiến tranh. Ngoài việc chứng kiến cảnh con người biến thành “con vượn”, Kiên còn chứng kiến cảnh loài “ma núi” với những tiếng “hú” rùng rợn vang vọng khắp bên kia truông núi Gọi Hồn. Vào một hôm gần sáng “rùng mình Kiên chợt tỉnh và anh nghe thấy từ đáy giấc chiêm bao vừa tắt một tiếng hú dài, buồn đau, ghê rợn khoan xoay qua anh, ngân vọng lên như tiếng vọng truyền giữa hai bờ núi” [3;33]. Tiếng “hú” đó có phải là ma không? Không, không phải là ma mà đó là tiếng lòng gọi bạn tình của những đôi trai gái yêu nhau, bởi vì mọi người nơi đây cho rằng tiếng “hú” cất lên từ bên kia núi dội sang bên này là “tiếng hú của loài ma núi, nhưng Kiên thì biết ấy là tiếng gọi tình yêu” [3;34], rồi “nghe thật buồn, thê thảm, nhưng Kiên biết đấy là tiếng lòng, người nam người nữ gọi truyền theo vách núi để tạm biệt nhau và để hẹn ước” [3;37]. Câu chuyện huyền bí về tình yêu thời chiến tranh là đây. Vào những đêm Kiên không ngủ được, Kiên nghe tiếng sột soạt những bước chân đồng đội của anh đi tìm loài “ma núi” bên kia núi trở về trái tim anh như nghẹn lại “trước tiếng gọi man sơ, hoang dã ấy của tuổi thanh xuân” [3;38]. Khát vọng tình yêu của người lính trong chiến tranh là đây. Họ rời làng quê với một tuổi xuân đầy phơi phới, ai cũng đều ở tuổi đôi mươi với một thực thể tràn đầy nhựa sống, với một lí tưởng luôn sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì quê hương đất nước, nhưng trong họ cũng luôn khát khao có được một tình yêu chân chính, chỉ có điều chiến tranh cướp đi hết quyền nhu cầu cá nhân của họ, bởi vì chiến tranh là “cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tự tuyệt khủng khiếp nhất của dòng giống con người” [3;40]. Không chỉ có câu chuyện về loài “ma núi” mà còn có loài “ma ỏm” - người Triêng gọi thế. Loài “ma ỏm” lại có tiếng cười một cách “Rũ rượi. Sằng sặc, vọng ra dưới đồi 300 bên bờ sông Sa Thầy” [3;117]. Tiếng cười nghe rất tinh quái, người ta không biết được là “quỷ rừng” hay con người cười, chỉ có điều khi nghe tiếng cười ai cũng lạnh chết người. Có một người trong tổ hài cốt của Kiên đã lần về hướng phát ra tiếng cười thì gặp một túp lều và “trước cửa lều trong ánh nhá nhem tối thấy một hình thù lồm xồm lông lá, đúng hơn là râu tóc quá dài, cởi trần, trần truồng đang ngồi trên một thân cây đổ nhìn thẳng về chỗ bụi cây tôi đang núp. . . Tôi bò lui. Hình như có làm động cành cây nên con ma để ý hơn” [3;118]. Lại một lần nữa họ gọi đó là “con ma”, là “bóng ma”. Nhưng không, không phải là “con ma” mà đó là một con người bị hóa điên trong chiến tranh sống ẩn nấp nơi rừng sâu, đó là Tùng điên. Người ta bảo rằng ở trong rừng có những mạch suối ma, nếu ai uống phải thì sẽ dễ hóa điên nhưng bác sĩ trong trung đoàn bảo Tùng bị điên là “do bị một viên bom bi lọt vào não” [3;119]. Kiên đã tìm đến cái lều và hỏi to “anh là ai?” nhưng đáp lại lời Kiên là “một chuỗi kinh khủng tiếng cười sởn tóc gáy. . . Và dường như không phải chỉ có một giọng cười. Bên dưới cái giọng khan khan là một giọng run run nho nhỏ cười nương theo” “họ - 75 Trương Thị Kim Anh nghĩa là không phải chỉ có một cái bóng, vút lao đi bay biến và vô hình vào triền cỏ tranh cao lút đầu” [3;120]. Và trong một phút chốc người ta thấy trong bãi gianh tiếp giáp rừng tre “hiện thoáng lên chỉ trong tích tắc một bóng ma rách bươm, uyển chuyển và huyền bí, lướt ngang luồng ánh sáng rồi mất hút đi với mái tóc đen dài xõa bay. Còn một bóng ma nữa nhưng do rạp cúi xuống chạy nên chỉ lộ cho mọi người vụt thấy một cái sống lưng đen cháy như lưng vượn. Ảo giác và cảnh thực đan xen lẫn vào nhau như hai vòng sóng giao thoa trên nền xanh thẫm tối của thảm rừng” [3;121]. “Họ” nghĩa là trong túp lều này không chỉ có một tiếng cười mà là hai tiếng cười, hai “cái bóng”, một đàn ông và một đàn bà cùng sống hạnh phúc trong một túp lều với một thế giới mà chỉ họ mới hiểu nhau, chỉ có rừng mới hiểu được tại sao hết chiến tranh rồi họ vẫn quay về rừng để ẩn núp dưới một hình hài khác lạ với những tiếng cười nghe man dại, tiếng cười hay là tiếng khóc, hay là những tiếng hô hú điên loạn mất trí ở họ, hay xa hơn là tiếng kêu thảm khóc của loài “ma ỏm” về cuộc chiến tranh đã đi qua đến não lòng. 2.2. Chiến tranh với những ám ảnh khi người lính trở về Đi ra khỏi cuộc chiến tranh, Kiên là người may mắn sống sót tới ngày hòa bình nhưng cũng từ đây bắt đầu kiếp sống với những tháng ngày u buồn của thời hậu chiến. Nỗi ám ảnh của Kiên bắt đầu sau một năm sau chiến tranh khi anh gia nhập đội quân đi tìm hài cốt, đi tìm những người đồng đội của anh, đi tìm một thời đã qua, cái thời mà sau này luôn ám ảnh vào cả giấc mơ của anh. Kiên bảo rằng: “Từ dạo về đội hài cốt đêm nào cũng hoảng loạn vì mộng” [3;51], nhất là từ khi anh trở lại truông núi Gọi Hồn thì trong giấc mơ, những cơn ú ớ hoảng loạn của anh có “Đủ loại. Lính cũ. Lính mới. Lính sư 10, sư 2, quân tỉnh đội, quân cơ động 320, đoàn 559. Thỉnh thoảng có cả các “mộng” tóc dài. . . Đôi khi chen vào vài anh ngụy” [3;51]. Cuộc sống của Kiên từ ngày trở về sau chiến tranh là chuỗi ngày với những kí ức đau buồn, với Kiên tương lai là một cái gì đó xa mờ và tăm tối, cuộc sống hiện tại của Kiên bây giờ chỉ còn lại những hồi ức đau thương của chiến tranh. Anh luôn nghĩ rằng: “chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của những hồi tưởng” [3;59]. Kiên may mắn sống sót trở về với một thân thể lành lặn, đó có thể là một điều kì diệu đối với người lính nhưng đâu ai biết được rằng những ngày tháng sống trong hòa bình còn đau khổ hơn đối với Kiên, vì anh luôn bị ám ảnh bởi sự khốc liệt của chiến tranh – nơi mà nhân tính và tình người bị phá hủy một cách chẳng thương tiếc, nơi chỉ có lòng thù hận choáng ngợp cả tâm hồn con người, vì thế có thể nói chiến tranh là một cái gì đó phi lí và khốc liệt nhất đối với con người. Nỗi ám ảnh về chiến tranh không phải chỉ kéo dài một đêm, một ngày hay một tháng, một năm trong lòng Kiên, mà nỗi ám ảnh đó kéo dài năm này hết năm khác, có thể hết cả cuộc đời còn lại của anh. Những đêm mộng mị hoảng loạn giữa tranh tối tranh sáng, giữa quá khứ và hiện tại cứ ùa về trong Kiên, nỗi khủng khiếp bởi những âm thanh của tiếng súng, tiếng máy bay, pháo đạn trong chiến tranh cứ bám riết lấy anh, “có đêm anh giật mình thức dậy nghe tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang” rồi trong anh như “sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lí thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá” [3;59]. Trong cơn mộng mị hoảng loạn với những kí ức khủng khiếp của chiến tranh Kiên tưởng tượng “không khí trong căn phòng này khi đấy thật kì lạ, như thể bị hút vào tường hấp dẫn của quá khứ: cũng rên lên, xô giật, đập thình thình vì sóng xung kích của hàng trăm trái đạn pháo dội cấp tập xuống lòng truông Gọi Hồn. Và tường vách căn phòng rầm rầm rung lên trong tiếng động cơ máy bay bổ nhào. Kiên giật mình bật lùi khỏi cửa sổ” [3;103]. Và khi đó “anh có cảm giác giống như khi bị thương mất nhiều máu, ngất đi, vừa hồi tỉnh lại ngay trên bãi chiến trường. Thế giới trước mắt anh cơ hồ đã đổi khác” [3;104]. Tất cả như kéo anh về với cuộc chiến năm xưa, để rồi khi “Kiên choàng tỉnh bắt gặp mình 76 Hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại theo khuynh hướng hiện thực - huyền ảo... không phải đang ở trên giường mà vật vã, dụi dọ dưới sàn nhà nước mắt ướt mặt, run lên vì lạnh, vì khiếp đảm, vì tê dại trong lòng một niềm thương thân não nùng và vô duyên cớ” [3;86]. Những ám ảnh từ đời nảo đời nào trong chiến tranh những tưởng rằng đã ngủ yên từ lâu nhưng dường như có một phép màu ma quái nào đó hùa nhau thức dậy cả làm cho tâm hồn Kiên “mỗi ngày một thêm hoang phế, tranh tối tranh sáng, vật vờ toàn những hồn ma bóng quỷ” [3;86]. Không chỉ ám ảnh bởi cảnh chém giết, chết chóc, bởi những âm thanh rùng rợn nơi chiến trận mà Kiên còn một ám ảnh khác, đó là mối tình giữa anh và Phương trước thềm chiến tranh. Hòa bình trở về anh gặp Phương, người con gái anh yêu trước khi gia nhập quân ngũ, cứ nghĩ rằng Phương sẽ kéo vớt cuộc đời còn lại của anh nhưng Phương đã không thể và cô đã ra đi với một người đàn ông khác, bỏ lại anh trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Vì sao lại như vậy? Phải chăng với Kiên “mảnh đời còn lại sau mười năm bị lửa đạn của chiến tranh vằm xé lại bị móng vuốt của tình yêu xéo nát” [3;101]. Kí ức về chuyến tàu định mệnh năm xưa chẳng buông tha cho anh và Phương. Kiên nhớ lại đoàn tàu chiến tranh năm ấy với một nỗi niềm đau xót cho cả anh và Phương, chính đoàn tàu đau thương đó đã giúp anh nhận ra rằng “chiến tranh trong phút chốc đã không như anh tưởng. Nỗi đau đầu tiên trong đời lính, hầu như mơ hồ, hầu như không có thật, bám riết lấy Kiên” [3;240]. Trên đoàn tàu chiến tranh ấy trong phút chốc những kẻ man rợn đã cướp đi đời con gái của Phương, cướp đi tình yêu trong trắng giữa anh và Phương, kể từ đây cuộc đời của anh và Phương trở thành hai lối rẽ khác nhau, anh có cuộc chiến của anh, còn Phương có cuộc đời riêng của cô. Điều còn lại trong anh bây giờ khi nghĩ về đoàn tàu định mệnh năm ấy chỉ “có nỗi buồn, mênh mang nỗi buồn – nỗi buồn chiến tranh” [3;257]. Không chỉ có Kiên, nhân vật Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai cũng bị ám ảnh bởi chiến tranh. Nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời của Hai Hùng khi trở về sau chiến tranh đó là cái chết của người con gái anh yêu có tên là Ba Sương. Cái ngày Hai Hùng trở lại miền Tây, đi tìm một cái gì đó của thời dĩ vãng đã xa thì vô tình anh đã nghe được âm thanh một giọng nói mà cách đó gần hai chục năm trước nó rất đỗi quen thuộc đối với anh, đó là giọng nói của Ba Sương. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn anh luôn khẳng định rằng: “cô ấy chết ở miền Đông, đây lại là chót cùng miền Tây, hồn ma bóng quế có vật vờ thì nơi âm phủ lấy đâu ra phương tiện hiện đại như kiểu cái Toyota của thằng cha Quân để vật vờ xa xôi đến thế. Vớ vẩn! Láo toét! Chết rồi. Chôn rồi. Chính tay mình cướp xác rồi cũng chính tay mình chôn chứ ai chôn mà còn ám ảnh bệnh hoạn?” [4;18]. Thế nhưng Hai Hùng đâu biết được rằng cuộc đời Ba Sương trong chiến tranh và sau chiến tranh là một sự “đổi trắng thay đen”, vì tên gọi Ba Sương bây giờ không còn nữa mà bây giờ là Tư Lan – một giám đốc sở nông nghiệp. Kết thúc chiến tranh Hai Hùng trở về quê nhà và cũng lấy vợ xây dựng tổ ấm gia đình như bao nhiêu người lính khác nhưng oái ăm thay cái nhát cắt tình yêu năm xưa nơi chiến trường luôn bao quanh phủ kín lấy tâm trạng anh, anh không thể nào thoát ra khỏi cái dư âm về một buổi sáng định mệnh giữa anh và Ba Sương năm ấy. Để rồi cuộc sống còn lại của anh bây giờ là: “không vợ, không con, không tương lai, không hiện tại, không cắc bạc dính túi, chỉ có mảnh quá khứ phập phồng đập trong lồng ngực. . . Tôi là kẻ không còn gì để mất mà lại đang đi tìm cái để còn” [4;54]. Đúng là Hai Hùng không còn gì để mất nhưng lại đi tìm cái để còn – đó là sự thật về cái chết năm xưa. Bởi vì sau cái đêm nghe giọng nói người đàn bà có tên mà hiện tại mọi người vẫn thường gọi là Tư Lan kia trong con người Hai Hùng “bỗng trở thành ám ảnh. Cái ám ảnh về người đàn bà chết bỗng lột xác thành bà Giám đốc sở” [4;51]. Những kỉ niệm đau buồn cứ lởn vởn trong lòng anh khi trở lại “bưng biền” quen thuộc năm xưa, cuộc đời xô đẩy để anh gặp lại người phụ nữ năm xưa anh yêu, đó là định mệnh giữa hai người chăng hay đó chỉ là trò đùa của cuộc đời dành cho anh và Ba Sương của quá khứ và Tư Lan của ngày hôm nay. Khi đi tìm lại quá khứ để biết được liệu Tư Lan bây giờ có phải là Ba Sương ngày xưa của 77 Trương Thị Kim Anh anh không thì trong lòng Hai Hùng luôn nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Anh ta nghĩ rằng: “nếu đúng cô ấy không chết thì tôi sẽ được cứu rỗi. Còn cô ấy đúng là chết thật rồi thì tôi sẽ tiếp tục bị ám ảnh như đã từng bị ám ảnh vì chính tôi, dù có biện minh thế nào đi chăng nữa, cũng là kẻ phần lớn gây nên cái chết ấy” [4;93]. Khi Hai Hùng tìm đến Tuấn, người đồng đội đã từng cùng anh cướp xác Ba Sương ngay sau khi cô ấy bị giặc giết chết anh đã luôn lo sợ nếu như nó bảo cô ấy đã chết nhưng cũng “càng lo sợ khi nó nói cô ấy còn sống” [4;157]. Nhưng một đằng khác thì Hai Hùng luôn khẳng định với chính mình rằng: “rõ ràng cô ấy chết rồi, chết ngay trước mắt tôi, chính tay tôi đã cướp xác và chôn cất cơ mà?” [4;91]. Thì ra càng đi tìm kiếm bao nhiêu thì trong lòng anh càng nổi lên nhiều nỗi giằng xé bấy nhiêu không biết đâu là sự thật, đâu là sự dối trá lừa lọc của người đời. Một nửa thì anh mong cái chết năm xưa là thật, nhưng một nửa thì anh lại mong rằng đó không phải là sự thật, rằng Ba Sương vẫn còn sống, để tâm hồn anh được cứu rỗi khỏi nỗi đau mà bao nhiêu năm qua anh cho rằng tại anh mà cô ấy chết. Anh đã trở lại quê hương, nơi Ba Sương sinh ra và lớn lên để tìm nhưng “ở đây không ai biết thêm gì về Sương ngoài sự hi sinh cực kì anh dũng đã được ghi vào sử đoàn, sử Đảng hôm đó” [4;165], và người dân nơi đây còn khẳng định: “chúng tôi đã tìm kiếm, đã bốc cốt, đã đưa về nghĩa trang, đã làm đúng thủ tục, đã cho vào danh sách” [4;164]. Ba Sương đã chết thật rồi sao hay dưới nấm mồ kia chỉ là một cái xác khác thay thế cô ấy chứ không phải là cô ấy. Khi Hai Hùng tìm lần ra nghĩa trang, nơi có hàng ngàn liệt sĩ anh dũng ngã xuống trong chiến tranh đã nằm lại nơi đây, nơi có đồng đội của anh năm xưa yên nghỉ nơi đây, trong bóng tối nhạt nhòa cái thế giới vô hình và hữu hình của người chết anh chỉ thấy những cái bóng của đồng đội anh năm xưa đuổi theo anh, vây bủa anh nào là “cái bóng của Viên” rồi đến “cái bóng Bảo”, “cái bóng của Khiển”, vậy cái bóng của người con gái anh yêu năm xưa đâu sao chẳng thấy mà chỉ thấy một nấm mồ có ghi tên “Phạm Thị Thanh Sương”. Tấm bia đá giống như một sự trêu ngươi phũ phàng, thật hư, nóng lạnh đan xen kẽ trong con người anh nhưng “dù sao dưới đó, dưới tấm bia câm lặng này cũng có một nửa, một nửa sự thật và cả một đời trận mạc của tôi trong đó” [4;170]. Một nỗi niềm ẩn uất dấy lên trong Hai Hùng khi biết được có sự tồn tại của một nấm mồ có tên là Sương, nhưng đi cùng với đó lại là sự tồn tại hiện giờ của Tư Lan. Giá như buổi sáng năm xưa khi bị địch vây ráp trên hầm bí mật của hai người thì anh nên đẩy cô ấy lên trước chứ không phải anh nhảy lên trước rồi cứ thế mà vùng chạy phó mặc cho cô ấy ở đằng sau để rồi bị địch vây bắt. Rồi còn “giá như. . . Vâng, cả cái giá như ba đêm sau lấy được xác, tôi tĩnh trí vượt qua cái mặc cảm sợ hãi tồi tệ để nhìn kỹ vào mặt em, vào bàn tay thiếu ngón của em thì giờ đây, tôi đâu có đến nỗi lòng dạ phải ngược xuôi chia nửa bên mộ em! Mộ em hay mộ của. . . ” [4;170 -171]. Và khi đã tìm ra được sự thật là người nằm dưới nấm mồ kia là Hai Hợi, chị em họ với Ba Sương chứ không phải là Ba Sương, còn Tư Lan bây giờ mới chính là Ba Sương, anh như cởi bỏ được gánh nặng cái quá khứ mà anh luôn bị ám ảnh sau chiến tranh: “như thế em không chết. Tức là tôi không giết em, tôi vô tội, tôi trắng án trong tòa án lương tâm” [4;253]. Anh đã trắng án trong tòa án lương tâm của mình nhưng dường như anh nhận ra một điều rằng bây giờ tất cả mới hết thật sự “hết quá khứ, hết những năm tháng trận mạc khổ mà vui, hết tình yêu, tình đồng đội và cả tình đồng chí. Hết nhẵn! Tựu trung mọi sự chỉ là trò đùa của quỷ” [4;258]. Sau cái chiến thắng oai hùng này, dường như mỗi người lính trở về đều mang trong mình một nỗi đau riêng, không chỉ có Kiên, Hai Hùng mà còn có cả những người lính khác nữa. 3. Kết luận Dù rằng cuộc chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng những tàn dư của nó để lại cho con người thì không bao giờ xóa hết được. Và khi viết về chiến tranh với một phương thức mới dựa trên những hồi ức đang xen của chính những người lính trở về từ cuộc chiến thì bộ mặt của chiến 78 Hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại theo khuynh hướng hiện thực - huyền ảo... tranh hiện lên càng rõ nét và chân thực hơn bao giờ. Từ những câu chuyện đậm chất huyền thoại có một chút gì đó nhuốm màu sắc tâm linh ở những cánh rừng từng phải hứng chịu hàng tấn bom đạn dội xuống mỗi ngày, rồi đến những câu chuyện tình yêu của những người trong cuộc, những thay đổi của con người trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh như thế nào đều hiện rõ trên từng trang viết của các nhà văn. Qua từng trang viết chúng ta càng thấu hiểu hơn về nỗi trăn trở trong quá trình nhận thức về quá khứ, về cuộc chiến tranh, về những gì được và mất của con người trong cuộc chiến ở Bảo Ninh và Chu Lai. Đây được xem như là một bước tiến trên con đường hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam đương đại thời kì hội nhập, ở đó nhà văn được nâng cao vai trò chủ thể sáng tạo của mình một cách triệt để. Vì thế dù viết về chiến tranh, về những mất mát đau thương của con người nhưng ở Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai lại là tiếng nói phản kháng chiến tranh một cách mạnh mẽ nhất. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đoàn Ánh Dương, 2014. Truyện ngắn đặc sắc Việt Nam từ 1986 đến nay (Tuyển chọn và giới thiệu). Nxb Phụ nữ. [2] Biện Minh Điền, 2015. Vấn đề nhận và xử lí chất liệu hiện thực tiểu thuyết Việt Nam đương đại trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn (Số 1), tr.5-17. [3] Bảo Ninh, 2011 Nỗi buồn chiến tranh. Nxb Trẻ. [4] Chu Lai, 2013. Ăn mày dĩ vãng. Nxb Văn học. [5] Cao Kim Lan. Người kể chuyện tự ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. [6] Nguyễn Thị Thanh, 2012. Tiểu thuyết về chiến tranh trong văn học Việt Nam sau 1975 – Những khuynh hướng và sự đổi mới nghệ thuật. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [7] Bùi Thanh Truyền, 2014. Yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam. Nxb Văn học. ABSTRACT The tendency war in Vietnam contemporary novels about tendency magic realism in The Sorrow of War by Bao Ninh and Bum past of Chu Lai The contents of the article refers to a tendency to write new in Vietnam contemporary novels, especially novels written on the subject of war, there is a tendency magic realism. The article mentions two works deep to typical methods of this writing is The Sorrow of War by Bao Ninh and Bum past of Chu Lai. With these two works, we mainly go exploited three basic aspects to write about war-oriented magic realism, that is: War with thrilling stories and prophecies color tinged spirituality; War with the mental trauma of soldiers when they return. Keywords: Fiction, contemporary, trend, realism, fantasy, war, soldiers, women. 79

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4176_ttkanh_2886_2132828.pdf
Tài liệu liên quan