Hành trình sống hay là sự hình thành của cổ mẫu mẹ trong chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck - Nguyễn Thị Thu Hằng

Tài liệu Hành trình sống hay là sự hình thành của cổ mẫu mẹ trong chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck - Nguyễn Thị Thu Hằng: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0055 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 25-30 This paper is available online at HÀNH TRÌNH SỐNG HAY LÀ SỰ HÌNH THÀNH CỦA CỔMẪUMẸ TRONG CHÙM NHO PHẪN NỘ CỦA JOHN STEINBECK Nguyễn Thị Thu Hằng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Tóm tắt. Ở bài viết này, chúng tôi phân tích mối liên hệ giữa cổ mẫu Mẹ và Hành trình sống của gia đình Joad để hiểu được đặc điểm của cổ mẫu Mẹ tạo sinh trong Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck. Hành trình sống là quá trình hình thành và khẳng định vai trò quan trọng của cổ mẫu Mẹ. Mặt khác, sự hình thành của cổ mẫu Mẹ cũng là một quy luật tất yếu, tựa như sự vận hành của vũ trụ. Từ khóa: Hành trình sống, cổ mẫu Mẹ, John Steinbeck, Chùm nho phẫn nộ. . . 1. Mở đầu Trong phê bình văn học, “các mô hình trần thuật, các loại hành động, các kiểu nhân vật, các chủ đề và các hình ảnh lặp lại được nhận diện trong hàng loạt tác phẩm văn học, cũng như trong các huyền thoại, các giấc...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 660 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hành trình sống hay là sự hình thành của cổ mẫu mẹ trong chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck - Nguyễn Thị Thu Hằng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0055 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 25-30 This paper is available online at HÀNH TRÌNH SỐNG HAY LÀ SỰ HÌNH THÀNH CỦA CỔMẪUMẸ TRONG CHÙM NHO PHẪN NỘ CỦA JOHN STEINBECK Nguyễn Thị Thu Hằng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Tóm tắt. Ở bài viết này, chúng tôi phân tích mối liên hệ giữa cổ mẫu Mẹ và Hành trình sống của gia đình Joad để hiểu được đặc điểm của cổ mẫu Mẹ tạo sinh trong Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck. Hành trình sống là quá trình hình thành và khẳng định vai trò quan trọng của cổ mẫu Mẹ. Mặt khác, sự hình thành của cổ mẫu Mẹ cũng là một quy luật tất yếu, tựa như sự vận hành của vũ trụ. Từ khóa: Hành trình sống, cổ mẫu Mẹ, John Steinbeck, Chùm nho phẫn nộ. . . 1. Mở đầu Trong phê bình văn học, “các mô hình trần thuật, các loại hành động, các kiểu nhân vật, các chủ đề và các hình ảnh lặp lại được nhận diện trong hàng loạt tác phẩm văn học, cũng như trong các huyền thoại, các giấc mơ và thậm chí trong các nghi lễ xã hội” [4;15] được xem là cổ mẫu. Là biểu tượng phổ quát, hiện hữu trong tâm thức của nhân loại, cổ mẫu liên tục được tái sinh trong các sáng tác văn chương. Trong thế giới cổ mẫu của văn chương nhân loại, từ Kinh Thánh, Thần thoại Hy Lạp cho đến những tác phẩm văn học hiện đại, có thể nói, Mẹ là một cổ mẫu nhân vật sớm xuất hiện và giữ vị trí quan trọng. Mỗi áng văn (chứa đựng cổ mẫu Mẹ) không chỉ thừa hưởng các đặc điểm vốn có của cổ mẫu Mẹ mà còn tạo sinh cho nó những nét nghĩa mới mẻ, độc đáo. Ở Chùm nho phẫn nộ, cổ mẫu Mẹ được khắc họa với những đặc điểm chung của cổ mẫu Mẹ trong tâm thức nhân loại. Điều đó được thể hiện rõ qua cổ mẫu Mẹ thế giới và cổ mẫu Mẹ gia đình. Bên cạnh đó, John Steinbeck còn kiến tạo những đặc điểm riêng của cổ mẫu Mẹ (cổ mẫu Mẹ tạo sinh) làm nên bản sắc của cổ mẫu Mẹ trong tác phẩm. Ở bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu mối liên hệ giữa cổ mẫu Mẹ và Hành trình sống như là một trong những đặc điểm của cổ mẫu Mẹ tạo sinh. Đó là sự gắn kết giữa cổ mẫu Mẹ và Hành trình sống của những con người đói khổ, không nơi nương tựa. 2. Nội dung nghiên cứu “Hành trình” là một cổ mẫu được hình thành từ xa xưa trong tâm thức nhân loại. Mẫu gốc nguyên thủy của nó có thể kể đến là Hành trình của những người Do Thái từ Ai Cập đến Canaan (Miền Đất Hứa). Kinh Thánh đã ghi lại sự kiện này như sau: một lần trong khi Moses dẫn cừu đi Ngày nhận bài: 5/1/2016. Ngày nhận đăng: 25/5/2016 Liên hệ: Nguyễn Thị Thu Hằng, e-mail: hangvsphue@gmail.com 25 Nguyễn Thị Thu Hằng sâu vào vùng núi thiêng Sinai, bỗng nhiên Thiên Chúa hiện ra ở giữa một bụi gai đang bốc cháy. Ngài nói với Moses: “Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân ta ở Ai Cập, nơi họ đang bị đối xử như nô lệ. Ta sẽ giải phóng chúng khỏi đất nước tàn bạo đó, và ban cho chúng một mảnh đất khác tốt lành, đượm sữa và mật. Vì thế, ngươi, Moses, phải dẫn dắt dân ta ra khỏi Ai Cập về Miền Đất Hứa” [3;36]. Trải qua bốn mươi năm ròng rã, Moses đã đưa người Do Thái đến Miền Đất Hứa, vùng đất hứa hẹn nhiều điều tốt lành. Từ đó, cổ mẫu Hành trình được xem như là ước muốn thay đổi hiện tại, tìm kiếm những miền đất mới hoặc trở về với cội nguồn. Trên con đường đó, con người phải trải qua nhiều gian truân, khổ ải, thậm chí hi sinh mồ hôi, xương máu nhưng đích đến của Hành trình luôn hứa hẹn những giá trị tốt đẹp. Giống như những người Do Thái hành hương đến Miền Đất Hứa, những người nông dân trong Chùm nho phẫn nộ phải đi tìm một Miền Đất Hứa cho riêng mình. Là một nhà văn của thời đại khủng hoảng, Steinbeck được tận mắt chứng kiến “dòng suối người tị nạn” khắp nơi di tản về miền tây. Tiếp nối “truyền thống viết về sự di chuyển” trong văn học phương tây, ông đã tái hiện cuộc trốn chạy của những con người bất hạnh. Họ là nạn nhân của cuộc Đại Suy Thoái (The Great Depression) những năm 1930: mùa màng thất bát, nợ nần chồng chất cùng với công cuộc cơ khí hóa nông nghiệp đã khiến người nông dân mất đi ruộng đất và bị xua đuổi khỏi quê hương xứ sở. Những người vô gia cư buộc phải lìa xa mảnh đất gắn liền với quá khứ của họ, tổ tiên của họ, nơi họ đã trải qua “những năm tháng lụt lội, những năm tháng mưa lũ và những năm tháng khô hạn”, để tiếp tục Hành trình sống nhọc nhằn với ước mơ có thể bắt đầu làm lại ở một miền đất mới, “miền đất trù phú. . . tại California, bốn mùa hoa trái” [1;285]. Trên Hành trình đến Đất Hứa California, những người di cư “đã trải qua bao nhiêu chuyện lạ lùng, bao nhiêu chuyện đắng cay khốc liệt với bao nhiêu chuyện cao đẹp đến nỗi niềm tin luôn được thổi bùng lên, nhen lên mãi mãi” [1;256]. Xuất phát từ cổ mẫu Hành trình trong Kinh Thánh, Steinbeck đã tái tạo nên một cổ mẫu Hành trình mới. Đó là Hành trình sống của những người nông dân vô gia cư, mà cụ thể là Hành trình sống của gia đình Joad. Sở dĩ, chúng tôi gọi tên là Hành trình sống. Bởi vì mục đích của cuộc Hành trình này là duy trì sự sống, tìm kiếm sự sống. Những người nông dân rời bỏ quê hương xứ sở không phải để đi tìm một lý tưởng cao vợi, cũng không phải đi tìm một tình yêu thánh thiện, với họ, quan trọng và thiết thực nhất trong thời đại đầy biến động là giữ lấy sự sống cho bản thân và gia đình. Nổi bật trong đoàn người di tản đến miền tây là gia đình Joad. Cùng với hàng loạt gia đình bất hạnh khác, cả nhà Joad buộc phải rời bỏ mảnh đất cha ông để lại, tìm kiếm một vùng đất mới để duy trì sự sống. Nếu như trước đây, người lãnh đạo, người chỉ huy mọi cuộc Hành trình phần lớn là đàn ông thì giờ đây, trong thời buổi khủng hoảng, Steinbeck phát hiện thấy sức mạnh của người phụ nữ và để cho họ vươn lên nắm lấy vai trò quan trọng đó. Bởi lẽ, theo Steinbeck, phụ nữ dễ thay đổi hơn đàn ông. Họ dễ thích nghi và vững vàng trước những biến động của xã hội. Vì vậy, khi người đàn ông bị chao đảo, bất lực trước thực tại thì phụ nữ là người đứng lên nắm lấy quyền chỉ huy. Điều này đã được nhà văn thể hiện thành công qua nhân vật Ma Joad. Nhân vật này không có tên riêng, người kể chuyện gọi bà là Ma Joad [Ma (Mẹ) + họ của chồng] như một biểu tượng của người mẹ, người vợ. Nhân vật Ma Joad là một người mẹ, người phụ nữ lý tưởng (chứ không phải điển hình), với vẻ đẹp nữ tính, tình yêu thương, quyền năng sinh sản và nuôi dưỡng. . . Đó cũng là những đặc điểm ưu việt của cổ mẫu Mẹ trong tâm thức nhân loại. Ở Chùm nho phẫn nộ, Ma Joad còn là một người mẹ mạnh mẽ. Bằng sức mạnh của niềm tin và tình yêu thương, bà đã thay thế vị trí của người đàn ông, trở thành chỗ dựa vững chắc, “bức thành lũy” của gia đình Joad. Sự thay đổi vị trí trụ cột của gia đình, phẩm tính của nhân vật Ma Joad được đặt trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Đó là lúc gia đình Joad bị xua đuổi khỏi quê hương xứ sở, rong ruổi hàng tháng dài đến miền tây và tìm cách duy trì sự tồn tại ở vùng đất mới. Như vậy, cổ mẫu Mẹ trong tác phẩm được hình thành trên Hành trình sống của gia đình Joad. 26 Hành trình sống hay là sự hình thành của cổ mẫu Mẹ trong Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck Hành trình sống đó có thể khái quát qua ba giai đoạn và tương ứng với mỗi giai đoạn là từng bước hình thành cổ mẫu Mẹ trong tác phẩm: chuẩn bị cho Hành trình (Ma Joad bắt đầu ý thức được vị trí của mình trong gia đình); Hành trình đến miền đất hứa (Ma Joad dần dần khẳng định vai trò chỉ huy của mình); Hành trình trên miền đất hứa (Ma Joad là người chỉ huy, người dẫn đầu). Không giống như cuộc Hành trình của người Do Thái, đặt chân đến “Miền Đất Hứa” là hoàn tất hành trình, trong Chùm nho phẫn nộ, sau khi đến Miền Đất Hứa, Hành trình của gia đình Joad vẫn chưa dừng lại, họ vẫn tiếp tục di chuyển khắp nơi trong vùng California để kiếm miếng cơm manh áo, duy trì sự sống. Thậm chí đến cuối tác phẩm, cả nhà Joad vẫn tiếp tục di chuyển với hi vọng tìm được một nơi tốt đẹp hơn. Thiết nghĩ đâu phải Hành trình nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp, mĩ mãn. Người Do Thái tìm thấy vùng đất đượm sữa và mật, còn người nông dân trong tác phẩm của Steinbeck vẫn không thoát khỏi cảnh đói rách, kì thị. Tình cảnh của gia đình Joad tiêu biểu cho số phận bi đát của những người nông dân vô gia cư trong thời kì Đại Suy Thoái. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, vai trò của người mẹ càng được khẳng định và thể hiện xuyên suốt trên Hành trình sống. Ngay cả khi tác phẩm đã kết thúc thì Hành trình sống của gia đình Joad vẫn có thể tiếp tục trong tâm tưởng của bạn đọc. Ở giai đoạn chuẩn bị cho Hành trình, thực ra lúc này gia đình Joad đã bị xua đuổi khỏi ngôi nhà của họ, mảnh đất của họ và đến ở tạm nhà chú John. Vào trước ngày ra đi, nhà Joad bán đồ đạc và họp gia đình. Đây cũng là thời điểm nhân vật Ma Joad bắt đầu ý thức được vai trò của mình. Khi Casy rụt rè ngỏ ý muốn đi cùng với gia đình Joad đến miền tây, Mẹ nhìn Tom, “nhường lời cho anh vì anh là đàn ông, nhưng Tom không lên tiếng” [1;198]. Bà chờ anh con trai sử dụng quyền của mình, thế nhưng Tom đã tự đánh mất quyền quyết định và Mẹ là người thay thế anh. Bà nói với Casy bằng tấm lòng hào hiệp, chân thành: “Ồ, sao ông lại hỏi thế, có ông đi với chúng tôi, đấy là một vinh dự” [1;198]. Tuy nhiên, lúc này Mẹ vẫn chưa trả lời dứt khoát, bà nghĩ “tốt nhất là không quyết định gì hết, chờ cho người lớn về đủ cả” [1;198]. Thời điểm Mẹ thực sự ý thức được vai trò của mình là vào cuộc họp gia đình. Khi Bố tỏ ra lúng túng, do dự không biết có thể “đèo bòng” thêm một miệng ăn hay không thì chính bà là người đưa ra tiếng nói quyết định: “Không nên nói có thể hay không có thể mà phải nói muốn hay không muốn. . . Không đủ chỗ cho sáu người, ấy thế mà chắc chắn có mười hai người đi. Thêm một người, có hại quái gì lắm đâu, mà lại là một người khỏe mạnh, thế thì chả bao giờ có chuyện phiền hà, khó xử” [1;216]. Lí lẽ và tấm lòng bao dung của Mẹ khiến Bố cảm thấy hổ thẹn và xấu hổ. Kể từ đây, các thành viên còn lại đều thừa nhận vị trí quan trọng của bà mẹ trong gia đình: “Mẹ lại trở vào nhà. . . Cả nhà nhìn vào cái sân tối sầm, chờ bà trở lại, vì bà có uy lực trong nhóm” [1;218]. Trong tâm thức nhân loại, Hành trình là một sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà ở đó con người thường xuyên gặp phải những nguy hiểm và tích lũy kinh nghiệm. Hành trình đến Miền Đất Hứa của gia đình Joad không nằm ngoài quy luật đó. Từ Oklahoma đến California, cả nhà Joad rong ruổi trên con đường cao tốc 66, “con đường cái chính của những cuộc di tản” [1;246], và cũng là “con đường của sự trốn tránh” [1;247]. Họ bị xua đuổi khỏi xứ sở bởi thiên tai và văn minh cơ khí. John Steinbeck đã nhìn thấy mặt trái của sự phát triển văn minh cơ khí mà đứng đằng sau nó là các bộ máy doanh nghiệp, ngân hàng. Những con người đó sẵn sàng vì “lợi nhuận” của một số ít mà xua đuổi những người nông dân khốn khổ, đẩy họ vào con đường đói khát, không chốn nương tựa. Số phận của tầng lớp nghèo khổ trong xã hội Mỹ đã được nhà văn tái hiện như một huyền thoại hiện đại. Hành trình đến Miền Đất Hứa của hàng nghìn gia đình như nhà Joad luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro: thiếu thốn, đói khát và mất đi người thân. Ông Nội và bà Nội chưa kịp thấy Đất Hứa thì đã qua đời vì nỗi đau xa lìa quê hương và sức lực có hạn mà đường trường lắm gian nan. Rồi Noah, Connie, Tom cũng lần lượt bỏ đi. Trên Hành trình đến miền đất hứa, Mẹ Joad từng bước một khẳng định vai trò dẫn đầu của mình. Trong bài viết “Phân tích nhân vật cổ mẫu 27 Nguyễn Thị Thu Hằng Jim Casy trong Chùm nho phẫn nộ”, Yanhong Fan cho rằng Jim Casy là “người dẫn đầu gia đình Joad và những người khác để thăm dò vùng đất mới” [5]. Theo chúng tôi, người dẫn đầu gia đình Joad là nhân vật Ma Joad. Bởi vì, bà luôn là người đưa ra tiếng nói quyết định mọi việc trên Hành trình. Khi cả nhà khởi hành, Bố đã nhường vị trí danh dự cạnh tài xế cho Mẹ và Bà: “Mẹ mày và Bà ngồi lên phía trước với Al một lúc. Sẽ lần lượt đổi chỗ cho nhau, như vậy sẽ dễ dàng hơn, mẹ mày với bà lên trước đi” [1;238]. Nghĩa là lúc này, sự phân biệt vị trí của đàn ông - đàn bà không còn quan trọng, điều quan trọng là làm sao để cả nhà có thể đến California an toàn và nhanh nhất có thể; đồng thời, vị trí của người mẹ, người phụ nữ trong gia đình cũng được những thành viên khác thừa nhận. Trên Hành trình đến Miền Đất Hứa, có hai lần Mẹ “nổi loạn”: một lần suýt đánh lại Bố và một lần suýt đánh viên cảnh sát. Lần thứ nhất là lúc xe của nhà Wilson bị hỏng, Tom đề nghị cả nhà lên đường trước, còn anh và Casy ở lại sửa xe xong hẵng đuổi theo. Bố đồng ý: “nếu chỉ còn cách đó thì chẳng thà lên đường ngay thôi” [1;358]. Ngay lập tức, Mẹ bước lên đứng ngay phía trước ông và nói gay gắt: “Tôi, tôi không đi đâu hết” [1;358] khiến Bố sửng sốt. Rồi bà lại gần chiếc xe, lôi ra một cái chuôi kích, thong thả đu đưa trong tay: “Muốn cho tôi đi, chỉ có cách là ông cứ đánh tôi xem. . . Rồi ông sẽ phải xấu hổ với tôi, Bố nó ạ. Tôi không chịu để ông đánh đâu, tôi chẳng khóc lóc, chẳng lạy van gì hết. Tôi sẽ nhảy bổ vào ông” [1;359]. Cuộc khởi loạn của Mẹ khiến mọi người thêm một phen sửng sốt, ai nấy theo dõi, chờ đợi Bố nổi cơn thịnh nộ, nhưng cơn giận của ông không dâng lên và cả nhóm hiểu rằng mẹ đã thắng thế: “Tất cả mọi người lại dồn con mắt vào bà. Bà là quyền uy. Bà nắm lấy quyền điều khiển” [1;361]. Lần thứ hai Mẹ nổi loạn là lúc cả nhà dừng chân ở con sông cạnh dãy núi Needles. Khác với lần trước, lần này Mẹ nổi loạn với người ngoài để bảo vệ danh dự của gia đình. Khi tên cảnh sát tới xua đuổi và có thái độ vô lễ, bà giận dữ, cầm lấy cái xoong bằng sắt và tiến lại gần y: “Cứ bắn đi. . . Dọa một người đàn bà. May mà đàn ông nhà tôi không ở đây, không thì họ sẽ xé xác ông ra. Ở xứ tôi những người như ông phải trông chừng lời ăn tiếng nói” [1;453]. Với tính cách mạnh mẽ và tình yêu thương vô bờ bến, bà là “thành lũy của gia đình”, là một nữ thần mẹ, là người nắm lấy quyền uy trong gia đình. Còn Casy thì lại thiên về kiểu người anh hùng đi tìm kiếm chân lí và điều ông đúc kết được là tinh thần đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh vô biên giúp con người chiến thắng mọi nỗi khốn khổ trên thế gian này. Đối với gia đình Joad và nhiều gia đình di tản khác, Hành trình vượt qua hàng nghìn cây số, qua núi cao hiểm trở, qua sa mạc khô cằn để đặt chân đến Miền Đất Hứa gian nan bao nhiêu thì Hành trình mưu sinh trên Miền Đất Hứa khổ cực bấy nhiêu. Bởi lẽ, Đất Hứa không phải chỉ có những vườn cây trái um tùm, những ngôi nhà nhỏ bé xinh xắn mà ở đó cánh cửa của sự bất công, sự phân biệt giàu nghèo cũng được mở ra để “nghênh đón” họ. Trái ngược với tất cả những suy tưởng, mơ ước của họ, Miền Đất Hứa trở thành nơi chôn vùi những người thân yêu; nơi cái đói cái khát đeo bám, rình rập; nơi những người vô gia cư bị hắt hủi và xua đuổi; nơi luật pháp chỉ dành cho người có tiền, có quyền; nơi người nghèo không có gì để ăn trong khi các doanh nghiệp đốt/ chôn/ đổ xuống biển hàng tấn hoa quả, thực phẩm. . . Vì vậy, để mưu sinh, gia đình Joad và những gia đình khác buộc phải chạy trốn từ vùng này sang vùng khác, họ rong ruổi khắp mọi nẻo đường miền tây, dừng chân ở đâu có việc làm và ra đi khi mùa vụ kết thúc. Trên Hành trình nhọc nhằn, đầy may rủi đó, mỗi quyết định ra đi hay ở lại đều liên quan đến số phận của họ. Vào những thời khắc cam go đó, Ma Joad thực sự khẳng định vai trò trụ cột của mình. Hầu hết đàn ông trong nhà đều bất lực, phó mặc cho số phận, không dám đối diện với thực tế nghiệt ngã, chỉ có Mẹ là luôn luôn vững tin, bình tĩnh đưa cả nhà vượt qua tình cảnh bi đát. Ở trại Weedpatch, tuy nhà Joad được đối xử tử tế nhưng cả tháng trời không có việc làm. Thấy tình hình không thể kéo dài thêm nữa, Mẹ là người lên tiếng đầu tiên: “Chúng ta không còn tiền nữa. Các ông không dám nói ra. Các ông sợ không dám nói ra. Tối tối ăn xong, các ông lại đi tha thẩn. Các ông không chịu nói ra. Thế không được. Phải nói ra. . . Ai ở đâu cứ ngồi đấy, vắt óc nghĩ xem” [2;257]. Chính bà đã nói trắng ra mọi việc, dẫu cho ở đây có nước nóng, có nhà vệ sinh thì những thứ đó đâu có ăn được, Rosasharn sắp 28 Hành trình sống hay là sự hình thành của cổ mẫu Mẹ trong Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck đến ngày ở cữ còn tụi nhỏ ốm yếu vì đói. Không còn lựa chọn nào cả, cả nhà phải ra đi. Chưa biết nơi sắp đến có tốt hơn hay không nhưng không thể đứng yên nhìn cả nhà chết đói. Lời lẽ rành mạch và quả quyết của Mẹ đã thức tỉnh cả gia đình, Tom cũng phải thừa nhận: “Mẹ thắng rồi, mẹ ơi. Con thiết nghĩ ta nên rời đi” [2;260]. Tuy phải chống chọi với cái đói, cái rét đe dọa sự sống còn của gia đình nhưng niềm tin vào tương lai không bao giờ lụy tắt trong trái tim người mẹ mạnh mẽ ấy. Ở đoạn cuối tác phẩm, trận mưa lũ lớn ập đến và kéo dài hàng chục ngày, đứa con của Rosasharn chết trước khi ra đời, cả nhà ngồi co rúm trên chiếc xe tải, Mẹ cũng là người quyết định: “Chúng ta đi thôi. . . Ta đi tìm một xó nào cao ráo hơn. Đi hay không thì tùy các ông. Tôi đưa Rosasharn và bọn nhỏ đi” [2;464]. Giọng nói gay gắt của bà khiến Bố chỉ có thể phản đối yếu ớt và miễn cưỡng chấp nhận. Cả nhà lại kéo nhau chạy trốn đến một nơi khác để tránh mưa, rét. Có thể nói, Ma Joad là người mẹ mạnh mẽ hơn cả trong số các nhân vật nữ của Steinbeck. Juana trong Viên ngọc trai cũng là một người mẹ mạnh mẽ, giàu sức chịu đựng, nhưng Juana vẫn còn bị động khi tuân theo mọi quyết định của người chồng và chưa thực sự có tiếng nói riêng. Ngược lại, tính cách của Carthy trong Phía đông vườn địa đàng phát triển theo chiều hướng tiêu cực như một người mẹ khủng khiếp, cô bỏ rơi hai đứa con trai vừa mới chào đời, bỏ rơi người chồng tội nghiệp để đi tìm cuộc sống cho riêng mình. Rõ ràng, nhân vật Carthy đối lập hoàn toàn với Ma Joad và Juana. Cổ mẫu Mẹ trong Chùm nho phẫn nộ còn ánh xạ hình bóng người mẹ của Steinbeck, bà Olive Halminton, người đã truyền cho cậu bé Steinbeck tình yêu văn chương. Olive là một phụ nữ mạnh mẽ, luôn ý thức rạch ròi về cái đúng, cái sai và ý thức về đúng sai cũng là điểm nổi bật trong sáng tác của Steinbeck. Khi bố của Steinbeck mất việc do tác động của cuộc Đại Suy Thoái, ông cũng đánh mất vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình và bị trầm cảm nặng, chính bà Olive là người cáng đáng mọi việc, vừa lo tài chính vừa nuôi dưỡng giáo dục con cái. Có thể nói, John Steinbeck chịu ảnh hưởng rất lớn từ mẹ. Hình ảnh người mẹ đã bám rễ sâu vào tâm hồn của Steinbeck, chi phối cách xây dựng nhân vật nữ trong tác phẩm của ông. Do đó, nhân vật Ma Joad có nhiều nét tương đồng với bà mẹ của Steinbeck. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Hemingway cũng nhìn thấy những người mẹ, người phụ nữ là điểm tựa tinh thần cho những người đàn ông. Tiêu biểu là nhân vật Pilar trong Chuông nguyện hồn ai. Pilar và Ma Joad đều là những người phụ nữ, người vợ giàu tình yêu thương, sức chịu đựng và sức mạnh tinh thần phi thường. Họ cũng là những người nữ nắm quyền chỉ huy trong nhóm. Tuy nhiên, Pilar chỉ nắm giữ vai trò dẫn đầu khi Pablo (chồng Pilar) mất niềm tin, trở nên hèn nhát vì không chịu đựng được thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến tranh. Vị trí dẫn đầu của Pilar cũng chỉ mang tính tức thời, bởi cuối tác phẩm, Pablo đã khôi phục niềm tin và sức mạnh tranh đấu để tiếp tục dẫn dắt nhóm du kích đấu tranh cách mạng. Còn Ma Joad nắm giữ vị trí trụ cột của gia đình, là người chỉ huy nhóm trên Hành trình sống khi Pa Joad bất lực, chao đảo bởi những tác động của cuộc Đại suy thoái. Thiết nghĩ, ở những hoàn cảnh khó khăn, thử thách (trong chiến tranh hay đời thường), người phụ nữ, người vợ, người mẹ lại là những người mạnh mẽ hơn cả, họ dễ dàng trở thành chỗ dựa tinh thần cho người đàn ông. Hành trình sống của những con người bất hạnh còn được Steinbeck thể hiện qua biểu tượng con Rùa với cuộc hành trình về phía tây nam ở đầu tác phẩm. Tuy chậm chạp, di chuyển một cách nặng nhọc và suýt bị một chiếc xe con nghiến nát nhưng con Rùa vẫn ráng sức và chăm chỉ trên Hành trình của mình. “Đôi mắt già nua và châm biếm” của nó luôn nhìn thẳng ra phía trước. Sau khi được Tom trả tự do, con Rùa “lại đi ra và rẽ về hướng tây nam như lúc mới đầu” [1;96]. Sự cần mẫn và ý chí của con Rùa được thể hiện qua nhận xét của Tom: “Đời tôi, tôi đã thấy ối rùa. Bao giờ chúng cũng có một cái đích. Bao giờ chúng cũng có vẻ muốn đi tới đâu đó” [1;97]. Đây cũng là biểu tượng của sự kiên cường và niềm tin của những người di tản. Sự trùng hợp ở đây là Hành 29 Nguyễn Thị Thu Hằng trình của con rùa và Hành trình của những người di tản (trong đó có gia đình Joad) đều xuất phát từ đông sang tây. Phải chăng đó không phải là một sự ngẫu nhiên, hay vô ý của Steinbeck. Hành trình từ đông sang tây khiến ta liên tưởng đến chiều vận hành của quả đất. Steinbeck xây dựng quá trình hình thành cổ mẫu Mẹ trên Hành trình sống của gia đình Joad, nghĩa là sự hình thành cổ mẫu Mẹ cũng tuân theo sự vận hành của vũ trụ tựa như một quy luật tất yếu. Điều này bổ sung tính thuyết phục cho sức mạnh, vai trò của người mẹ trong tác phẩm. Vai trò của họ được hình thành trong một hoàn cảnh xã hội đặc biệt, khi họ có thể sẵn sàng thay thế vị trí của người đàn ông. 3. Kết luận Có thể nói, với Chùm nho phẫn nộ, John Steinbeck đã kế thừa và làm mới những biểu tượng nguyên sơ của nhân loại, mà cụ thể là cổ mẫu Mẹ và cổ mẫu Hành trình. Cổ mẫu Mẹ trong trong tác phẩm có những điểm gặp gỡ với mẫu hình người mẹ trong tâm thức nhân loại nói chung và trong những áng văn chương từ xa xưa cho đến hôm nay. Hơn nữa, Steinbeck còn tạo sinh cho cổ mẫu Mẹ những phẩm tính mang đậm tinh thần của thời đại. Xuất phát từ cổ mẫu Hành trình trong Kinh Thánh, nhà văn đã tái tạo nên Hành trình sống của những con người cùng khổ. Hơn nữa, Steinbeck còn khai thác mối liên hệ mật thiết giữa cổ mẫu Mẹ với Hành trình sống. Trên Hành trình sống, người mẹ từng bước một khẳng định và nắm lấy vai trò trụ cột, là người dẫn đầu của gia đình. Sự hình thành của cổ mẫu Mẹ là một quy luật tất yếu, tựa như sự vận hành của vũ trụ. Khi người chồng, người cha bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội, vấp phải những chấn thương tinh thần và không thể tiếp tục làm tròn bổn phận với gia đình, người mẹ, người phụ nữ vốn lệ thuộc vào người đàn ông sẽ thoát khỏi màng bọc vô hình, để chiếm lấy vị trí khuyết thiếu, duy trì sự sống cho gia đình. Như vậy, Hành trình sống cũng chính là quá trình hình thành và từng bước khẳng định vai trò quan trọng của cổ mẫu Mẹ. Đây là một nét độc đáo của cổ mẫu Mẹ tạo sinh trong tác phẩm của Steinbeck. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] John Steinbeck, 1997. Chùm nho phẫn nộ (Phạm Thủy Ba dịch), tập 1. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [2] John Steinbeck, 1997. Chùm nho phẫn nộ (Phạm Thủy Ba dịch), tập 2. Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. [3] Nhiều tác giả, 1998. Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. [4] M. H. Abrams, 2008. A Glossary of Literary Terms. Thomson Heinle, Boston. [5] Yanhong Fan, 2014. Analysis of Archetypal Character Jim Casy in The Grapes of Wrath. Theory and Practice in Language Studies, Vol 4, No 12, pp.2576-2580. ABSTRACT The living jouney or formation of the mother archetype in The Grapes of wrath by John Steinbeck In this article, we analyse the relation between the Mother archetype and the Joad’s living Jouney in order to understand characteristic of the generative Mother archetype in The Grapes of Wrath by John Steinbeck. The living Jouney is formative and affirmative process the important role of the Mother archetype. On the other hand, the fomation of the Mother archetype is also the necessary rule, similar to the moving of the universe. Keywords: The living Jouney, the Mother archetype, John Steinbeck, The Grapes of Wrath. 30

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4170_ntthang_9691_2132822.pdf
Tài liệu liên quan