Tài liệu Giáo trình Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn: Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Chương 1
TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ ĐÔ THỊ
1.1. Điểm dân cư đô thị
1.1.1. Khái niệm
Đô thị là một trong hai hình thức cư trú của xã hội. Mỗi nước có một quy định riêng về
điểm dân cư đô thị. Việc xác định quy mô tối thiểu phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế - xã hội
của nước đó và tỷ lệ phần trăm dân phi nông nghiệp của một đô thị.
Ở nước ta, theo Quyết định số 132/HĐBT ngày 5 tháng 5 năm 1990 của Hội đồng Bộ
trưởng (nay là Chính phủ) quy định đô thị là các điểm dân cư có các yếu tố cơ bản sau:
* Là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát
triển kinh tế xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định.
* Quy mô dân số nhỏ nhất là 4000 người (miền núi có thể thấp hơn nhưng tối thiểu
không dưới 2000 người). Quy mô dân số chỉ tính trong phạm vi nội thị.
* Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ≥ 60% trong tổng số lao động, là nơi có sản xuất và
dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển.
* Có cơ sở hạ tầng kỹ t...
95 trang |
Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 2450 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Giáo trình Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Chương 1
TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ ĐÔ THỊ
1.1. Điểm dân cư đô thị
1.1.1. Khái niệm
Đô thị là một trong hai hình thức cư trú của xã hội. Mỗi nước có một quy định riêng về
điểm dân cư đô thị. Việc xác định quy mô tối thiểu phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế - xã hội
của nước đó và tỷ lệ phần trăm dân phi nông nghiệp của một đô thị.
Ở nước ta, theo Quyết định số 132/HĐBT ngày 5 tháng 5 năm 1990 của Hội đồng Bộ
trưởng (nay là Chính phủ) quy định đô thị là các điểm dân cư có các yếu tố cơ bản sau:
* Là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát
triển kinh tế xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định.
* Quy mô dân số nhỏ nhất là 4000 người (miền núi có thể thấp hơn nhưng tối thiểu
không dưới 2000 người). Quy mô dân số chỉ tính trong phạm vi nội thị.
* Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ≥ 60% trong tổng số lao động, là nơi có sản xuất và
dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển.
* Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng phục vụ dân cư đô thị.
* Mật độ dân cư được xác định tùy theo từng loại đô thị phù hợp với đặc điểm của
từng vùng.
Đô thị là gì?
Đô thị là điểm tập trung dân cư với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp,
có hạ tầng cơ sở thích hợp, là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò
thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của cả nước, của một miền lãnh thổ, của một
tỉnh, của một huyện hoặc một vùng trong tỉnh, trong huyện.
- Đô thị gồm: Thành phố, thị xã, thị trấn.
- Vùng lãnh thổ đô thị:
+ Thành phố: bao gồm nội thành và ngoại thành
+ Thị xã: bao gồm nội thị và ngoại thị
+ Thị trấn: chỉ có nội thị, không có ngoại thị.
- Đơn vị hành chính:
+ Thành phố trực thuộc trung ương: khu vực nội thành được chia thành các quận, quận
chia thành các phường. Khu vực ngoại thành được chia thành các huyện và huyện được chia
thành các xã, thị trấn. Ngoài ra trong thành phố trực thuộc trung ương còn có thêm thị xã.
+ Thành phố trực thuộc tỉnh: khu vực nội thành được chia thành các phường và khu
vực ngoại thành được chia thành các xã.
+ Thị xã: khu vực nội thị được chia thành các phường và khu vực ngoại thị đuợc chia
thành các xã.
+ Thị trấn: khu vực nội thị được chia thành các khu vực hoặc khu phố tùy theo cách
gọi của từng vùng.
1
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 1.1. Bản đồ phân bố và phát triển đô thị trên các vùng lãnh thổ Việt Nam
2
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
1.1.2. Một số đặc điểm của điểm dân cư đô thị
- Mỗi đô thị là một trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành của một vùng
lãnh thổ nào đó, thậm chí là trung tâm của một quốc gia. Ví dụ như thành phố Hà Nội là
trung tâm tổng hợp (kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh - quốc phòng) của cả
nước. Thành phố Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuậtcủa khu vực
miền Tây Nam Bộ.
- Đô thị không những là nơi tiêu biểu cho sự phát triển, thịnh vượng và văn minh của
mỗi quốc gia mà còn là trung tâm truyền bá văn minh, là đầu tàu thúc đẩy các vùng xung
quanh phát triển.
- Đô thị có tính tập trung rất cao:
Đô thị là nơi tập trung các cơ quan hành chính của địa phương và là nơi tập trung
giao lưu các bộ phận của sản xuất như đầu mối giao thông, đầu mối buôn bán, sản xuất
công nghiệp tập trung,...
Đô thị là nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo Đảng và chính quyền, là nơi tập trung
dân cư sinh sống với mật độ cao, tập trung các đầu mối giao thông, tập trung hàng hóa, tập
trung thông tin và tập trung giao lưu trong nước cũng như quốc tế. Đô thị là nơi thể hiện tập
trung nhất những hiện tượng điển hình của xã hội, tập trung cả cái tốt lẫn cái xấu, cả mặt tích
cực lẫn mặt tiêu cực.
- Đô thị có tính đồng bộ và tính thống nhất:
Mọi chức năng của thành phố, thị xã là một khối thống nhất. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật
đô thị như giao thông, cấp nước, cấp điện,là những mạng lưới đồng bộ, xuyên suốt từ
đơn vị này sang đơn vị khác và đến từng gia đình nên mọi sự cố xảy ra có thể ảnh hưởng
đến một khu vực rộng lớn gồm nhiều phường, nhiều quận. Địa giới hành chính giữa các
quận, phường chỉ mang ý nghĩa phân định ranh giới quản lý hành chính nhà nước, còn mọi
hoạt động buôn bán, làm việc, sinh hoạt, đi lạicủa người dân đều không phụ thuộc vào
ranh giới hành chính này.
1.2. Khái quát quá trình phát triển đô thị
1.2.1. Khái quát quá trình phát triển đô thị trên thế giới
1.2.1.1. Thời kỳ cổ đại
Thời kỳ này bao gồm thời kỳ tiền sử được tính từ 30.000 năm đến 1000 năm trước
Công nguyên (tr.CN) và giai đoạn cổ đại phát triển được tính đến năm 500 sau công nguyên.
• Đô thị cổ Ai Cập
Người Ai Cập cổ đại sống tập trung dọc theo sông Nin. Các vua chúa đề cao cuộc
sống sau khi chết là có giá trị nên tập trung xây dựng các khu lăng mộ, điển hình là các Kim
tự tháp. Kim tự tháp là điển hình cho một tư tưởng về quyền uy của nhà nước và vua chúa.
Các Faraon là những người chỉ đạo chính trong việc xây dựng Kim tư tháp. Faraon I, II, III
là những người có công lớn trong việc tạo nên quần thể Kim tự tháp Ai Cập.
Đô thị cổ đại Ai Cập ở hạ lưu sông Nin thường là hình chữ nhật, xây dựng vào
khoảng 3500 năm trước công nguyên. Thành phố Kahan là một ví dụ: thành phố có mật độ
3
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
xây dựng cao, cơ cấu thành phố phân rõ khu chủ nô và nô lệ. Khu ở của người giàu là nhà
ở có vườn với diện tích lô là 600m2. Nhà ở cho những người nghèo là những khu ở thấp
tầng. Đặc biệt, trong thành phố có hệ thống tưới nước cho cây, các đường phố đã được
trồng cây, cây xanh được coi là một yếu tố quan trọng trong cấu đô thị.
Hình 1.2. Kim Tự Tháp - Ai Cập
Hình 1.3. Bản đồ khu Kim Tự Tháp – Ai Cập
• Hy Lạp cổ đại
Hy Lạp là nơi tập trung nhiều kiến trúc quy hoạch cổ đại. Nhiều nhân vật nổi tiếng cổ
Hy Lạp đã tạo nên cho quy hoạch và kiến trúc đô thị cổ Hy Lạp có những giá trị đặc biệt.
Thành phố bàn cờ của Hyppodamus (khoảng 500 năm trước CN tại Miletus) là điểm
đặc trưng của quy hoạch Hy Lạp cổ đại. Bố cục mặt bằng của thành phố được chia thành các
4
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
lô phố theo hệ thống đường ô cờ với hai hướng chính là Nam Bắc và Đông Tây; khoảng
cách giữa các đường nói chung khoảng từ 30m đến 50m.
Suốt mấy thế kỷ trước công nguyên, đô thị cổ Hy Lạp đã phát triển mạnh do đặc điểm
chính trị cổ Hy Lạp có nhiều tiến bộ, luật lệ nghiêm ngặt nhưng ít khắc nghiệt. Xã hội cổ Hy
Lạp đề cao tính dân chủ, quan tâm đến việc giáo dục của con người và môi trường sống ở đô thị.
• La Mã cổ đại
Đế quốc La Mã được hình thành từ thế kỷ thứ III trước công nguyên và hưng thịnh
nhất vào khoảng thế kỷ thứ II và thế kỷ thứ I cho đến tận năm 30 trước công nguyên.
Thành phố cổ La Mã phản ánh tính chất xã hội của chế độ cộng hòa đế quốc La Mã.
Trong các thành phố có rất nhiều quảng trường và nhóm quảng trường cùng với hệ thống
các công trình công cộng lớn như nhà hát, đấu trường, nhà tắm, mậu dịch, chợ, cung điện,
nhà thờ, miếu tự và các đài kỷ niệm.
Quy hoạch và kiến trúc La Mã cổ đại đã tiếp thu những thành tựu của nền văn hóa trước
đó cũng như bị ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Hy Lạp.
• Nền văn minh Lưỡng Hà (có từ 4300 năm tr.CN)
Thành phố lớn nhất thời kỳ này là Babilon, xây dựng khoảng năm 602 – 562
(tr.CN), trở thành một trong 7 kỳ quan thế giới mang nhiều truyền thuyết. Thời kỳ văn
minh Lưỡng Hà đã tạo ra điều kiện cho sự phát triển của nhiều thành phố. Vật liệu chính
để xây dựng thành phố lúc bấy giờ là gạch phơi khô từ phù sa của sông Euphrat.
Hình 1.4. Thành phố Babilon
• Các vùng khác
- Ở Trung Quốc: vào thế kỷ thứ III tr.CN, Mencius đã đề xuất hệ thống quy hoạch sử
dụng đất theo bố cục 9 ô vuông. Mỗi ô vuông có một chức năng riêng, mỗi cạnh dài khoảng
1000 bước. Cách bố trí theo kiểu phân lô này cũng là ứng dụng cho Bắc Kinh về sau. Bắc
Kinh hình thành từ 2400 năm tr.CN và trở thành thủ đô của Trung Quốc năm 878 sau CN.
5
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Ấn Độ cũng có những thành phố được hình thành từ 3000 năm tr.CN, được xây
dựng theo kiểu phân lô.
- Nhiều nơi khác trên thế giới, các điểm dân cư đô thị cũng có xuất hiện nhưng nói
chung các đô thị này không để lại những tính chất điển hình.
1.2.1.2. Đô thị thời trung đại
Đô thị thời trung đại xuất hiện chủ yếu vào đầu công nguyên thuộc chế độ phong
kiến. Quy mô thành phố nhỏ, không lớn hơn 5000 đến 10000 người, hầu hết có thành
quách bao ngoài.
Nói chung đô thị thời kỳ này phát triển chậm, bố cục thành phố lộn xộn, phát triển tự
phát, thiếu quy hoạch và môi trường đô thị không hợp lý.
1.2.1.3. Thời kỳ cận đại
Giữa thế kỷ XVII cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra đã thúc đẩy sản xuất phát triển,
các xí nghiệp công nghiệp phát triển nhanh, nhiều ngành công nghiệp lớn ra đời đã thu hút
nhiều nhân lực vào sản xuất. Các khu nhà ở mọc lên nhanh chóng bên cạnh các khu vực sản
xuất, dân số đô thị tăng nhanh, các đô thị phát triển ồ ạt và các thành phố phân bố không đều.
Các công trình cơ sở hạ tầng như: nhà ở, các khu công nghiệp phát triển một cách ồ
ạt, thiếu sự kiểm soát, mang tính tự phát nên gây nên tình trạng mất cân đối trong các thành
phố, nhất là ở các nước tư bản phát triển. Do đó người ta đã tiến hành hàng loạt công cuộc
cải tạo các đô thị, đặc biệt là ở Pháp và ở Nga (Paris và Petecbua). Từ cuối thế kỷ XIX đến
đầu thế kỷ XX hàng loạt tư tưởng mới và quan điểm mới đã xuất hiện, mở đầu cho sự phát
triển của ngành quy hoạch hiện đại
1.2.2. Khái quát quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam
1.2.2.1. Tình hình phát triển đô thị từ trước thế kỷ XVIII
- Dấu vết đô thị đầu tiên ở nước ta là thành Cổ Loa của An Dương Vương ở tả ngạn
sông Hồng (năm 25 tr.CN), là trung tâm chính trị của nước Âu Lạc. Cổ Loa có 3 vòng thành
với tổng cộng chiều dài là 16km.
- Trong thời kỳ Bắc thuộc, một số thành thị khác nhau mang tính chất quân sự và
thương mại đã được hình thành. Một trong những đô thị lớn nhất thời Bắc thuộc là thành
Tống Bình (Hà Nội ngày nay).
- Năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô về Đại La (thành Tống Bình cũ) và đổi tên là Thăng
Long. Đây là mốc khai sinh cho Hà Nội ngày nay.
- Dưới thời phong kiến nhiều loại đô thị khác cũng đã hình thành như thành Hoa Lư –
Ninh Bình (kinh đô của nhà Đinh), thành Tây Đô ở Thanh Hóa (thành nhà Hồ)
6
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 1.5. Cổng thành nhà Hồ - Thanh Hóa
Hình 1.6. Bản đồ thành Thăng Long thời nhà Lê - 1490
7
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
1.2.2.2. Đô thị dưới thời nhà Nguyễn
- Đầu thế kỷ XIX, hệ thống đô thị phát triển đến Hà Tiên và bắt đầu mở các mối quan
hệ ra nước ngoài, về sau phát triển theo dạng tập trung tại khu chợ Lớn, hình thành chuỗi đô
thị phía Nam.
- Năm 1830, nhà Nguyễn chọn Huế làm thủ đô với hình thức đô thị vẫn là thành
quách, sông Hương bao bọc bên ngoài thành.
- Dưới thời nhà Nguyễn, các đô thị khác cũng đã bắt đầu phát triển. Trong thành là các
công trình nhà ở, nơi làm việc của quan lại và các trại lính. Ngoài thành là các khu dân cư và
phố phường buôn bán của dân thường. Với hình thức đó đô thị đã thể hiện rõ sự cách biệt
giữa chính quyền và dân trong cấu trúc đô thị.
Hình 1.7. Sơ đồ kinh thành Huế dưới triều Nhà Nguyễn
1.2.2.3. Đô thị từ thời Pháp thuộc đến nay
- Thời Pháp thuộc, ngoài các khu vực thành quách, các khu dân cư bắt đầu phát triển,
phố xá xuất hiện. Pháp thống trị với các chính sách khai thác các nguồn tài nguyên ở thuộc
địa đã làm xuất hiện một loạt các đô thị mới mang tính chất khai thác, thương mại, công
nghiệp, nghỉ ngơi, giải trí.
8
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Sau Cách mạng tháng Tám chúng ta phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và Đế quốc Mỹ. Thời gian hòa bình để xây dựng CNXH rất ngắn, do đó quá trình phát
triển đô thị bị hạn chế rất nhiều.
- Miền Bắc sau năm 1954, mặc dù một số dân cư đô thị đã di cư vào Nam song dân số
đô thị vẫn tăng lên.
- Miền Nam những năm dưới ách thống trị của Mỹ, các đô thị phát triển nhanh trong
tình trạng không có tổ chức. Đây là quá trình đô thị hóa giả tạo.
- Sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã
phải khắc phục những hậu quả xấu của quá trình đô thị hóa trong những năm chiến tranh lạnh,
đồng thời tiến hành cải tạo các đô thị theo quy hoạch thống nhất, đáp ứng các yêu cầu về sản
xuất, sinh hoạt và cải thiện đời sống của nhân dân.
- Hiện nay cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, chúng ta đã và đang ra sức
nghiên cứu quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị và dân cư trên địa bàn cả nước, đáp
ứng đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa của đất nước trong
thời kỳ đổi mới.
1.3. Các yếu tố tạo thành đô thị
Căn cứ thông tư số 02/2002 – BXD – TCCBCP ngày 08 tháng 03 năm 2002 của Liên
tịch Bộ Xây dựng và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về hướng dẫn phân loại đô thị và phân
cấp quản lý đô thị, các yếu tố tạo thành đô thị bao gồm: chức năng của đô thị, tỷ lệ lao động
phi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng đô thị, quy mô dân số và mật độ dân số. Trong 5 yếu tố tạo thị,
hai yếu tố: cơ sở hạ tầng và mật độ dân số có vai trò quan trọng nhất đối với công tác quy
hoạch vì hai yếu tố này chiếm đất nhiều và chi phối hầu hết đất đai đô thị.
1.3.1. Chức năng của đô thị
Các chỉ tiêu thể hiện chức năng của một đô thị gồm:
* Vị trí của đô thị trong hệ thống đô thị cả nước
- Vị trí của một đô thị trong cả nước phụ thuộc vào cấp quản lý đô thị và phạm vi ảnh
hưởng của đô thị như: đô thị là trung tâm cấp quốc gia (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), đô thị là
trung tâm cấp vùng (Vinh là đô thị trung tâm của Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng là đô thị trung tâm
của Nam Trung Bộ, Cần Thơ là đô thị trung tâm của Đồng bằng Sông Cửu Long,...), đô thị
là trung tâm cấp tỉnh (Huế là đô thị trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế, Biên Hòa là đô thị
trung tâm của tỉnh Đồng Nai, Thanh Hóa là đô thị trung tâm của tỉnh Thanh Hóa,...), đô thị
là trung tâm cấp huyện (Phú Bài là đô thị trung tâm của huyện Hương Thủy – Thừa Thiên
Huế,...) hoặc đô thị là trung tâm cấp tiểu vùng (trong huyện).
Ngoài ra, theo tính chất, một đô thị có thể là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm
chuyên ngành của một hệ thống đô thị.
+ Đô thị là trung tâm tổng hợp khi có chức năng tổng hợp về nhiều mặt như: Hành
chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh - quốc phòng,...Ví
dụ: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
9
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
+ Đô thị là trung tâm chuyên ngành khi có một vài chức năng nào đó nổi trội hơn so
với các chức năng khác và giữ vai trò quyết định tính chất của đô thị đó như: đô thị du lịch -
nghỉ mát (Huế, Nha Trang, Hạ Long), đô thị công nghiệp (Thái Nguyên, Biên Hòa), đô thị
cảng (Hải Phòng),...
- Xét về yếu tố điều kiện tự nhiên, vị trí phân bố không gian của đô thị thường là
những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đô thị đó như: vị trí địa lý thuận
lợi, ít có thiên tai, hệ thống giao thông thuận lợi,...
* Các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của đô thị
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của một đô thị gồm:
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn (tỷ đồng/năm), không kể ngân sách của Trung ương
trên địa bàn và ngân sách của cấp trên cấp cho.
- Thu nhập bình quân đầu người: GNP/người/năm.
- Cân đối thu – chi ngân sách.
- Mức tăng trưởng kinh tế trung bình năm (%).
- Mức tăng dân số trung bình hàng năm (%).
- Tỷ lệ các hộ nghèo (%).
Các chỉ tiêu về kinh tế của một đô thị cao gấp nhiều lần so với khu vực nông thôn và
chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế của cả địa bàn lãnh thổ đó.
1.3.2. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp
- Lao động phi nông nghiệp của một đô thị là lao động trong khu vực thành phố, thị
xã, thị trấn thuộc các ngành kinh tế quốc dân như: Công nghiệp, thương nghiệp, xây dựng,
giao thông vận tải, bưu điện, dịch vụ công cộng, tài chính tín dụng, giáo dục đào tạo, văn
hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, quản lý nhà nước và các ngành khác không thuộc ngành
sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của một đô thị được tính theo công thức sau:
K = (E0/Et) x 100
Trong đó: K: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. (%)
E0: Số lao động phi nông nghiệp. (người)
Et: Tổng số lao động của đô thị. (người)
Trong đô thị, lao động phi nông nghiệp chiếm đa số trong tổng số lao động. Ví dụ, mỗi đô thị
đều có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu là 65%, đô thị loại đặc biệt có tỷ lệ lao động
phi nông nghịêp tối thiểu là 90%, đô thị loại I tối thiểu là 85%,...
1.3.3. Cơ sở hạ tầng đô thị
- Cơ sở hạ tầng đô thị bao gồm:
+ Hạ tầng kỹ thuật: giao thông, thông tin - liên lạc, cấp nước, cấp năng lượng, thoát
nước, xử lý phân rác, vệ sinh môi trường.
10
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất ra của cải
vật chất và trong quá trình phát triển của đô thị. Một đô thị muốn phát triển tốt trước hết phải
có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển, được đầu tư xây dựng bài bản, đồng bộ và hiện
đại, đặc biệt là các cơ sở kinh tế, kỹ thuật và công nghiệp.
Quá trình công nghiệp hóa dẫn đến sự ra đời của hàng loạt khu công nghiệp, khu chế
xuất, các cơ sở sản xuất công nghiệp khác, bên cạnh đó các ngành khác như: giao thông,
thương mại, du lịch, dịch vụ, khoa học công nghệcũng phát triển theo, thúc đẩy nền kinh
tế của đô thị phát triển. Do đó, khả năng nâng cao tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của đô thị bên
cạnh việc phụ thuộc vào tỷ lệ đầu tư vào các ngành kinh tế chủ đạo còn phụ thuộc vào các
chính sách đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng sản xuất và kỹ thuật của đô thị đó.
Để phát triển nền kinh tế cũng như phát triển hệ thống các cơ sở hạ tầng nói
chung, hạ tầng kỹ thuật nói riêng thì mỗi đô thị cần phải tạo ra cho mình một thế mạnh
riêng và thu hút được nhiều nguồn đầu tư từ bên ngoài vào, đặc biệt là từ các dự án và
các nhà đầu tư nước ngoài.
+ Hạ tầng xã hội: nhà ở, các công trình thương nghiệp, dịch vụ công cộng, ăn uống,
nghỉ dưỡng, y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, công
viên, cây xanh và các công trình phục vụ lợi ích công cộng khác.
Bên cạnh các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì các cơ sở hạ tầng xã hội cũng đóng vai trò rất
quan trọng trong sự phát triển của đô thị, thỏa mãn các nhu cầu ngày càng cao của nhân dân,
tạo ra sự phát triển toàn diện và văn minh cho đô thị. Một đô thị phát triển bên cạnh việc có
nền kinh tế phát triển cao thì việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân,
chăm lo sức khỏe, phát triển nguồn nhân lực,...là một việc làm rất được quan tâm. Ngày nay,
khi mà đời sống vật chất của dân cư ngày càng được nâng cao thì các nhu cầu về đời sống
tinh thần như vui chơi, giải trí, hoạt động thể dục, thể thao, nhu cầu làm đẹp,ngày càng rất
phong phú và đa dạng. Để đáp ứng các nhu cầu này của người dân đòi hỏi các đô thị phải
đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng xã hội như các trường học, bệnh viện, các
khu mua sắm, các trung tâm tập luyện thể dục, thể thao, các trung tâm vui chơi, giải trímột
cách đồng bộ, hợp lý và hiện đại. Đây là điểm khác biệt cơ bản của đô thị so với nông thôn.
Một đô thị thực sự phát triển khi đô thị đó có nền kinh tế phát triển, có hệ thống cơ sở hạ
tầng phát triển và người dân được chăm lo chu đáo về mọi mặt, được tạo mọi điều kiện để
phát triển các khả năng của mình.
- Cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình hình
thành và phát triển đô thị. Yếu tố này phản ánh trình độ phát triển, mức tiện nghi sinh hoạt
của người dân đô thị.
- Cơ sở hạ tầng đô thị được đánh giá là đồng bộ khi tất cả các loại công trình cơ sở hạ
tầng đô thị đều được xây dựng, nhưng mỗi loại phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu từ 70% trở lên so
với mức quy định của quy chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị.
11
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Cơ sở hạ tầng đô thị được đánh giá là hoàn chỉnh khi tất cả các loại công cơ sở hạ
tầng của đô thị đều được xây dựng, nhưng mỗi loại phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu từ 90% trở lên
so với mức quy định của quy chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng đô thị.
1.3.4. Quy mô dân số
- Quy mô dân số đô thị (N) bao gồm số dân thường trú (N1) và số dân tạm trú trên sáu
tháng (N0) trong đô thị.
N = N1 + N0
Dân số tạm trú quy về dân số đô thị được tính theo công thức sau:
N0 = (2Nt x m) / 365
Trong đó: N0: Số dân tạm trú quy về dân số đô thị. (người)
Nt: Tổng số lượt khách đến tạm trú trong đô thị hàng năm. (người)
m: Số ngày tạm trú trung bình của một khách. (ngày)
- Dân số và lao động đô thị là động lực chính thúc đẩy sự hình thành và phát triển của đô
thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đô thị, là cơ sở để phân loại đô thị trong
quản lý và xác định quy mô đất đai của đô thị, xác định khối lượng nhà ở, công trình công cộng,
mạng lưới công trình kỹ thuật khác cũng như định ra những chính sách phát triển và quản lý của
từng kế hoạch đầu tư. Do vậy, việc xác định quy mô dân số đô thị có vai trò rất quan trọng và là
một trong những nội dung cơ bản nhất của công việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.
Việc tính toán quy mô dân số đô thị chủ yếu theo phương pháp dự đoán.
* Tính toán quy mô dân số đô thị
Dân số đô thị ngày càng phát triển. Nhịp độ tăng dân số đô thị nhanh hay chậm là do tốc
độ phát triển của đô thị và các động lực phát triển đô thị mạnh hay yếu.
Việc tính toán quy mô dân số đô thị thường theo các quy luật sau:
* Quy luật gia tăng tự nhiên:
Đây là phương pháp dự tính dân số đô thị tương lai dựa theo tỉ lệ gia tăng tự nhiên
trung bình hàng năm của dân số đô thị, được xác định theo công thức:
Pt = Po.(1 + α)t
Trong đó: Pt: Dân số năm dự báo
Po: Dân số năm điều tra
α: Tỷ lệ gia tăng tự nhiên (%)
t: Số năm dự báo
* Quy luật gia tăng tự nhiên kết hợp với gia tăng cơ học:
Tăng cơ học bao gồm quy luật tăng giảm bình thường cùng với các luồng dịch cư và
tỷ lệ dịch cư có thể tính toán được. Người ta có thể dự báo dân số kết hợp giữa quy luật gia
tăng tự nhiên và quy luật gia tăng cơ học như sau:
Pt = P0 (1 + [α ± β])t
Trong đó: β là tỷ lệ gia tăng cơ học.
12
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
* Phương pháp lập biểu đồ
Đây là phương pháp mô tả sự phát triển và tình hình tăng trưởng dân số của đô thị qua
nhiều năm bằng biểu đồ. Từ biểu đồ đã có ta có thể kéo dài đường biểu diễn đến thời điểm dự
kiến để có dự báo dân số ở thời gian cần biết. Phương pháp này có độ chính xác không cao do
nó không có đầy đủ các cơ sở dữ liệu để tính toán.
* Phương pháp dự báo tổng hợp
Sự gia tăng dân số đô thị là sự tổng hợp gia tăng của nhiều thành phần khác nhau bao
gồm: tăng tự nhiên, tăng cơ học, tăng hỗn hợp và nhiều thành phần khác. Do đó quy mô dân
số đô thị là tổng hợp của sự tăng trưởng các yếu tố trên.
Như vậy, để xác định quy mô dân số đô thị có nhiều cách khác nhau, tùy theo mức độ
chính xác của các số liệu thu thập được để vận dụng các phương pháp trên trong việc tính toán
quy mô dân số của một đô thị.
1.3.5. Mật độ dân số
- Mật độ dân số là chỉ tiêu phản ánh mức độ tập trung dân cư của đô thị, được xác định
dựa trên quy mô dân số đô thị và diện tích đất đai của đô thị.
- Mật độ dân số của đô thị được tính theo công thức sau:
D = N/S
Trong đó: D: Mật độ dân số của đô thị. (Người/km2)
N: Dân số đô thị. (Người)
S: Diện tích đất đô thị. (km2)
- Trong các đô thị, mật độ dân số rất cao và cao gấp nhiều lần so với khu vực nông
thôn. Nguyên nhân là do diện tích đất đô thị có hạn nhưng quy mô dân số đô thị cao và ngày
càng tăng.
1.4. Phân loại và quản lý đô thị
1.4.1. Phân loại đô thị
Việc phân loại đô thị nhằm phục vụ cho công tác quản lý hành chính về đô thị cũng
như để xác định cơ cấu và định hướng phát triển đô thị. Việc phân loại đô thị thường dựa
vào nhiều chỉ tiêu khác nhau như: tính chất, quy mô và vị trí của đô thị.
Ở nước ta theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 05 năm 2009
của Chính phủ về việc phân loại và phân cấp quản lý đô thị, đô thị được chia thành 6 loại và
được tóm tắt như sau:
a. Đô thị loại đặc biệt
- Chức năng đô thị: Đô thị là Thủ đô hoặc có chức năng là trung tâm kinh tế, tài
chính, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, du lịch, y tế, đầu mối giao thông,
giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
- Quy mô dân số toàn đô thị từ 5 triệu người trở lên.
- Mật độ dân số khu vực nội thành từ 15.000 người/km2 trở lên.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 90% so với tổng số lao động.
- Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị:
13
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Khu vực nội thành: được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh, bảo đảm
tiêu chuẩn vệ sinh môi trường đô thị; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng
công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường;
Khu vực ngoại thành: được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ mạng lưới hạ tầng và các
công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối phục vụ đô thị; hạn chế tối đa việc phát triển các dự án
gây ô nhiễm môi trường; mạng lưới công trình hạ tầng tại các điểm dân cư nông thôn phải
được đầu tư xây dựng đồng bộ; phải bảo vệ những khu vực đất đai thuận lợi cho việc phát
triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái.
- Kiến trúc, cảnh quan đô thị: thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản
lý kiến trúc đô thị. Các khu đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 60% các
trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị, có các không gian công
cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân, có các tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc
tiêu biểu mang ý nghĩa quốc tế và quốc gia.
b. Đô thị loại I
- Chức năng đô thị:
Đô thị trực thuộc Trung ương có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học –
kỹ thuật, hành chính, giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong
nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên
tỉnh hoặc của cả nước.
Đô thị trực thuộc tỉnh có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật,
hành chính, giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước, có
vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một hoặc một số vùng lãnh thổ liên tỉnh.
- Quy mô dân số đô thị:
Đô thị trực thuộc Trung ương có quy mô dân số toàn đô thị từ 1 triệu người trở lên.
Đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô dân số toàn đô thị từ 500 nghìn người trở lên.
- Mật độ dân số bình quân khu vực nội thành:
Đô thị trực thuộc Trung ương từ 12.000 người/km2 trở lên.
Đô thị trực thuộc tỉnh từ 10.000 người/km2 trở lên.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành ≥ 85% so với tổng số lao động.
- Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị:
Khu vực nội thành: nhiều mặt được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh;
bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp
dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường;
Khu vực ngoại thành: nhiều mặt được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh;
hạn chế việc phát triển các dự án gây ô nhiễm môi trường; mạng lưới công trình hạ tầng tại
các điểm dân cư nông thôn phải được đầu tư xây dựng đồng bộ; bảo vệ những khu vực đất
đai thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh
quan sinh thái.
- Kiến trúc, cảnh quan đô thị:
14
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Các khu
đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 50% các trục phố chính đô thị phải đạt
tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Phải có các không gian công cộng, phục vụ đời sống
tinh thần nhân dân và có các tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý
nghĩa quốc gia.
c. Đô thị loại II
- Chức năng đô thị:
Đô thị có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, hành chính,
giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên
tỉnh có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng lãnh thổ
liên tỉnh. Trường hợp đô thị loại II là thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có chức năng
là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, hành chính, giáo dục – đào tạo, du lịch,
dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển
kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc một số lĩnh vực đối với cả nước.
- Quy mô dân số toàn đô thị phải đạt từ 300 nghìn người trở lên.
Trong trường hợp đô thị loại II trực thuộc Trung ương thì quy mô dân số toàn đô thị phải đạt
trên 800 nghìn người.
- Mật độ dân số khu vực nội thành.
Đô thị trực thuộc tỉnh từ 8.000 người/km2 trở lên.
Đô thị trực thuộc Trung ương từ 10.000 người/km2 trở lên.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành ≥ 80% so với tổng số lao động.
- Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị:
Khu vực nội thành: được đầu tư xây dựng đồng bộ và tiến tới cơ bản hoàn chỉnh;
100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải được áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang
bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường;
Khu vực ngoại thành: một số mặt được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ; mạng lưới
công trình hạ tầng tại các điểm dân cư nông thôn cơ bản được đầu tư xây dựng; hạn chế việc
phát triển các dự án gây ô nhiễm môi trường; bảo vệ những khu vực đất đai thuận lợi cho
việc phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái.
- Kiến trúc, cảnh quan đô thị: Thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản
lý kiến trúc đô thị. Các khu đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 40% các
trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Phải có các không gian
công cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và có tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến
trúc tiêu biểu mang ý nghĩa quốc gia.
d. Đô thị loại III
- Chức năng đô thị:
Đô thị là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, hành chính, giáo dục – đào
tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh hoặc vùng liên tỉnh. Có vai trò
15
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng trong tỉnh, một tỉnh hoặc một số lĩnh
vực đối với vùng liên tỉnh.
- Quy mô dân số toàn đô thị từ 150 nghìn người trở lên.
- Mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị từ 6.000 người/km2 trở lên.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị ≥ 75% tổng số lao động.
- Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị:
Khu vực nội thành: từng mặt được đầu tư xây dựng đồng bộ và tiến tới cơ bản hoàn
chỉnh; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải được áp dụng công nghệ sạch hoặc được
trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường;
Khu vực ngoại thành: từng mặt được đầu tư xây dựng tiến tới đồng bộ; hạn chế việc
phát triển các dự án gây ô nhiễm môi trường; mạng lưới công trình hạ tầng tại các điểm dân
cư nông thôn cơ bản được đầu tư xây dựng; bảo vệ những khu vực đất đai thuận lợi cho việc
phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái.
- Kiến trúc, cảnh quan đô thị: thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản
lý kiến trúc đô thị. Các khu đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 40% các
trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị, có các không gian công
cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và có công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý nghĩa
vùng hoặc quốc gia.
e. Đô thị loại IV
- Chức năng đô thị:
Đô thị là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục –
đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu của một vùng trong tỉnh hoặc một
tỉnh. Có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng trong tỉnh hoặc một số
lĩnh vực đối với một tỉnh.
- Quy mô dân số toàn đô thị từ 50 nghìn người trở lên.
- Mật độ dân số khu vực nội thị từ 4.000 người/km2 trở lên.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị tối thiểu đạt 70% tổng số lao động.
- Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị:
Khu vực nội thành: đã hoặc đang được xây dựng từng mặt tiến tới đồng bộ và hoàn
chỉnh; các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải được áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang
bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường;
Khu vực ngoại thành: từng mặt đang được đầu tư xây dựng tiến tới đồng bộ; phải bảo
vệ những khu vực đất đai thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô
thị và các vùng cảnh quan sinh thái.
- Kiến trúc, cảnh quan đô thị: từng bước thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo
quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
f. Đô thị loại V
- Chức năng đô thị:
16
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Đô thị là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành về kinh tế, hành chính, văn hóa,
giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của
huyện hoặc một cụm xã.
- Quy mô dân số toàn đô thị từ 4 nghìn người trở lên.
- Mật độ dân số bình quân từ 2.000 người/km2 trở lên.
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tại các khu phố xây dựng ≥ 65% tổng số lao động.
- Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị: từng mặt đã hoặc đang được xây dựng tiến
tới đồng bộ, các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải được áp dụng công nghệ sạch hoặc được
trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.
- Kiến trúc, cảnh quan đô thị: từng bước thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo
quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
1.4.2. Quản lý đô thị
1.4.2.1. Khái niệm
Hiện nay có rất nhiều khái niệm về quản lý đô thị tùy theo cách tiếp cận và nghiên cứu.
Dưới đây là 2 cách khái niệm thông dụng:
“Quản lý đô thị là các hoạt động nhằm huy động các nguồn lực vào công tác quy
hoạch, hoạch định các chương trình phát triển và duy trì các hoạt động đó để đạt đuợc các mục
tiêu phát triển của chính quyền đô thị”.
Hoặc:
“Quản lý đô thị là một khoa học tổng hợp được xây dựng trên cơ sở của nhiều
khoa học chuyên ngành, bao gồm hệ thống chính sách, cơ chế, biện pháp và phương tiện
được chính quyền nhà nước các cấp sử dụng để tạo điều kiện quản lý và kiểm soát quá
trình tăng trưởng đô thị”.
Theo nghĩa rộng thì quản lý đô thị là quản lý con người và không gian sống (ăn, ở, làm
việc, nghỉ ngơi,...) ở một đô thị.
Vậy, thực chất của quản lý đô thị là là sự can thiệp bằng quyền lực của chính quyền
vào các quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị, với mục đích làm cho các đô thị trở thành
những trung tâm hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật và giao lưu
quốc tế của mỗi vùng lãnh thổ.
1.4.2.2. Phân cấp quản lý đô thị
Việc phân loại đô thị trước tiên là để phục vụ cho cho công tác phân cấp quản lý đô thị
về mặt hành chính Nhà nước, được cụ thể hóa như sau:
- Các thành phố trực thuộc trung ương tương đương cấp tỉnh phải là đô thị loại đặc biệt,
loại I do Trung ương quản lý.
- Các thành phố trực thuộc tỉnh là đô thị loại II hoặc loại III do tỉnh quản lý. Trường hợp
đặc biệt thì đô thị loại I do tỉnh quản lý.
- Các thị xã là đô thị loại III hoặc loại IV do tỉnh quản lý.
- Các thị trấn thuộc huyện là đô thị loại V do huyện quản lý.
17
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
1.5. Đô thị hóa
1.5.1. Khái niệm, dặc điểm và xu hướng đô thị hóa
1.5.1.1. Khái niệm đô thị hóa
Đô thị hóa là một xu thế tất yếu, đó là một quá trình phát triển của xã hội mang tính
chất toàn cầu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, không
một quốc gia nào đạt mức tăng trưởng cao mà không trải qua quá trình đô thị hóa.
Hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau về quá trình đô thị hóa, dưới đây là khái niệm
được sử dụng phổ biến nhất.
Khái niệm 1: Đô thị hóa (urbanization) là quá trình tập trung dân số vào các đô thị, là
sự hình thành nhanh chóng các điểm dân cư đô thị trên cơ sở phát triển sản xuất và đời sống.
Chú ý:
Mức độ đô thị hóa được tính bằng tỷ lệ phần trăm dân số đô thị so với tổng dân số
toàn quốc hay vùng.
Tốc độ đô thị hóa được tính bằng tỷ lệ phần trăm diện tích đất đô thị so với tổng diện
tích toàn quốc hay vùng.
1.5.1.2. Một số đặc điểm của quá trình đô thị hóa:
- Quá trình đô thị hóa là người bạn đồng hành của công nghiệp hóa. Ở nơi nào có đô
thị hóa thì ở đó có quá trình công nghiệp hóa và ngược lại. Đôi lúc người ta nói rằng quá
trình đô thị hóa chính là quá trình công nghiệp hóa.
- Quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi sâu sắc và đưa đến nhiều thành tựu quan
trọng trong quá trình phát triển của các đô thị nói riêng và cả xã hội nói chung. Bên cạnh
đó, đô thị hóa cũng kéo theo nhiều mặt tiêu cực đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết
của toàn xã hội nhằm đảm bảo cho xã hội phát triển bền vững. Cụ thể:
Những biến đổi theo hướng tích cực trong quá trình đô thị hóa là:
Cơ cấu sản xuất: thành phần kinh tế hoạt động đa dạng hơn, phát triển sản xuất theo
hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế thị trường,....
Cơ cấu nghề nghiệp: tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, giảm tỷ lệ lao động nông
nghiệp,...
Cơ cấu tổ chức hoạt động xã hội: phố, phường, quận,
Cơ cấu tổ chức không gian kiến trúc và hình thái xây dựng từ dạng nông thôn sang
thành thị, tạo nên nhiều kiểu kiến trúc mới hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn.
Những biến đổi theo hướng tiêu cực trong quá trình đô thị hóa là:
Những mặt tồn tại, tiêu cực kéo theo quá trình đô thị hóa là: thất nghiệp, tệ nạn xã hội
(ma túy, mại dâm, cướp giật, cờ bạc,...), ô nhiễm môi trường, quy hoạch thiếu đồng
bộ,...Những tồn tại này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và nền văn minh của đô thị và
cả xã hội, do đó đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết của các cấp chính quyền và toàn thể
nhân dân nhằm đảm bảo đời sống ấm no, văn minh và lành mạnh.
1.5.1.3. Xu hướng đô thị hóa
Hiện nay quá trình đô thị hóa diễn ra theo hai xu hướng sau:
18
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
* Đô thị hóa tập trung: là toàn bộ công nghiệp và dịch vụ công cộng tập trung vào các
thành phố lớn và xung quanh, hình thành các đô thị khổng lồ như New York, Mehico City,...,tạo
ra sự đối lập giữa thành thị với nông thôn, đồng thời gây ra sự mất cân bằng sinh thái.
* Đô thị hóa phân tán: là hình thái mạng lưới điểm dân cư đô thị có tầng bậc, phát
triển cân đối công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công cộng, bảo đảm cân bằng sinh thái,
tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt và nghĩ ngơi tốt cho dân cư đô thị và nông thôn. Hiện nay
đây là xu hướng chủ đạo nhất trong quá trình đô thị hóa mà đa số các nước đang phát triển
lựa chọn vì thực chất của quá trình đô thị hóa cũng là quá trình công nghiệp hóa, xu hướng
này giúp phát triển công nghiệp đồng đều giữa các vùng, góp phần giải quyết việc làm cho
lao động tại địa phương, hạn chế luồng di cư vào đô thị của các vùng lân cận.
1.5.2. Những đặc trưng của quá trình đô thị hóa
Đô thị hóa có các đặc trưng cơ bản sau:
- Số lượng các thành phố, kể cả các thành phố lớn ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là
từ sau chiến tranh thế giới II.
Năm 1800 toàn thế giới có 65 thành phố, năm 1900 tăng lên 360 thành phố, năm 1950
là 950 thành phố và đến năm 2000 đã có hơn 2000 thành phố trên toàn thế giới. Ở Việt Nam,
tính đến cuối quý III năm 2008, cả nước có 49 thành phố, trong đó có 44 thành phố trực thuộc
tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh
và Cần Thơ. Ngoài ra, hệ thống đô thị cả nước còn có 45 thị xã và trên 500 thị trấn.
- Quy mô dân số tập trung trong mỗi thành phố ngày càng lớn
Nguyên nhân là do cường độ của quá trình di cư từ các vùng nông thôn vào thành thị
ngày càng tăng, điều này đã làm thay đổi tương quan dân số thành thị và nông thôn. Đồng
thời số lượng thành phố có trên 1 triệu dân ngày càng nhiều.
19
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Bảng 1.3: Dân số thành thị trên thế giới qua các thời kỳ
TT Thời điểm Số dân thành thị
(triệu dân)
% so với dân số
thế giới
1 Đầu thế kỷ XIX 29,3 3
2 Đầu thế kỷ XX 224,4 13,6
3 Năm 1950 706,4 29,2
4 Những năm 1990 2400 45
20
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Bảng 1.4. Số lượng các thành phố triệu dân trên thế giới qua các thời kỳ
TT Thời điểm Số lượng thành phố triệu
dân (thành phố)
1 Năm 1800 1
2 Năm 1980 200
3 Năm 2000 350
Ở Việt Nam, theo niên giám thống kê năm 2008, số thành phố trên 1 triệu dân bao
gồm: Hà Nội (3.289.300 người), Hải Phòng (1.827.700 người), TP Hồ Chí Minh
(6.347.000 người) và Cần Thơ (1.154.900 người). Riêng Hà Nội, sau khi mở rộng (ngày
01/08/2008) thì dân số của Hà Nội mới là 6.200.000 người.
- Cơ cấu lao động ngày càng thay đổi trong quá trình đô thị hóa
Cơ cấu lao động thay đổi là hệ quả của việc thay đổi thành phần kinh tế xã hội và lực
lượng sản xuất, thể hiện ở sự chuyển giao lao động xã hội từ khu vực kinh tế này sang khu
vực kinh tế khác. Xu hướng chung của sự thay đổi cơ cấu lao động này là tăng dần tỷ lệ lao
động phi nông nghiệp và giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, cụ thể là:
+ Lao động trong khối ngành nghề nông lâm ngư nghiệp từ chỗ chiếm tỷ lệ cao trong
thời kỳ tiền công nghiệp sẽ giảm dần ở các giai đoạn sau đó và chiếm tỷ lệ thấp nhất ở giai
đoạn hậu công nghiệp (là giai đoạn văn minh khoa học - kỹ thuật).
+ Lao động trong khối ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất trong quá trình
công nghiệp hóa và giảm dần ở các giai đoạn sau do sự thay thế bằng lao động tự động hóa.
+ Lao động trong khối ngành khoa học - thương mại và dịch vụ chiếm tỷ lệ thấp nhất ở
giai đoạn tiền công nghiệp, tăng dần ở các giai đoạn sau đó và chiếm tỷ lệ cao nhất ở giai đoạn
hậu công nghiệp.
- Việc hình thành và phát triển nhiều thành phố gần nhau về mặt địa lí, liên quan
chặt chẽ với nhau do phân công lao động đã tạo nên các vùng đô thị.
Thông thường vùng đô thị bao gồm một vài thành phố lớn và xung quanh chúng là
các thành phố nhỏ vệ tinh.
- Qúa trình đô thị hóa biểu thị trình độ phát triển xã hội nói chung, song vẫn có các
đặc thù riêng cho mỗi nước.
Đối với các nước phát triển, đô thị hóa chủ yếu diễn ra theo chiều sâu, chất lượng cuộc
sống, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật ở các thành phố ngày càng hoàn thiện.
Ở các nước đang phát triển, tốc độ đô thị hóa rất cao, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Tuy
nhiên quá trình đô thị hóa diễn ra theo chiều rộng đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cần giải
quyết như thất nghiệp, nghèo đói, ô nhiễm môi trường và các tệ nạn xã hội.
21
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 1.8. Bản đồ dự báo phát triển không gian đô thị hóa giai đoạn I (1996 - 2010)
22
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 1.9. Bản đồ dự báo phát triển không gian đô thị hóa giai đoạn II (2010 - 2020)
23
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 1.10. Bản đồ dự báo phát triển không gian đô thị hóa giai đoạn III (2020 - 2030)
24
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
1.5.3. Tác động của đô thị hóa đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội:
Đô thị hoá có những tác động hai mặt lên sự phát triển kinh tế - xã hội.
* Tác động tích cực
- Thứ nhất, quá trình đô thị hoá đã cung cấp một lực lượng lao động lớn, trẻ, có trình độ
cho nền kinh tế và cho đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố năng động bậc
nhất ở nước ta, có nền kinh tế phát triển và năng động, tăng trưởng kinh tế liên tục trong 20
năm, bình quân 10,02%/năm, năm 2005 đóng góp 21% cơ cấu GDP và 30% tổng thu ngân
sách nhà nước, 29% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong
những đóng góp này, có lực lượng lao động do quá trình đô thị hoá thu hút. So với người
thành phố, lao động nhập cư thường linh hoạt và tích cực hơn trong việc tìm kiếm việc làm,
chấp nhận nặng nhọc, độc hại, công việc có thu nhập thấp mà người thành phố không muốn
làm. Lao động nhập cư chiếm 70% lao động trong các khu công nghiệp 44% lao động hoạt
động vận tải phương tiện xe 2, 3 bánh công cộng, 43% hoạt động trên vỉa hè, 55% người buôn
bán lưu động. Họ đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế thành phố khoảng 30% GDP.
- Thứ hai, góp phần giải quyết công ăn việc làm, làm giảm bớt lao động dư thừa hiện
nay. Quá trình đô thị hoá ở các đô thị lớn đã thu hút một lực lượng lớn lao động nông nghiệp
dư thừa, mỗi năm có hàng trăm ngàn người. Do sự phát triển khoa học - công nghệ đặc biệt
công nghệ sinh học, lực lượng lao động nông thôn hiện nay mỗi năm chỉ làm việc từ 30 - 40
ngày. Những ngành nghề phi nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp nông thôn chưa
phát triển, lao động nông nghiệp không thể tìm việc làm ngay ở quê hương mình. Hơn thế
nữa, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện
toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế, người nông dân ít được đào tạo luôn luôn nằm trong tình trạng
bị bật khỏi đồng ruộng. Họ là đội quân tiềm năng ngày một lớn cho đô thị hoá. Họ bắt đầu
bươn chải, tha phương kiếm sống. Con đường nhiều hy vọng nhất là trở về các đô thị. Nhiều
nơi chưa mất đất, sản xuất nông nghiệp hiện nay do khoa học - công nghệ phát triển, họ chỉ
làm một vài tháng là xong việc. Thời gian nông nhàn quá lớn, họ chuyển về thành phố tìm
việc làm. Quá trình đô thị hoá ở các đô thị lớn chẳng những tiếp nhận lao động cho mình, mà
còn góp phần giải bài toán xã hội quan trọng cho nền kinh tế - xã hội nước nhà. Giải quyết lao
động dư thừa là một bài toán lớn để đảm bảo ổn định chính trị, an toàn xã hội, điều kiện tiên
quyết để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp nhận đầu tư.
- Thứ ba, đô thị hoá đã góp phần sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả đất đai. Đất đai
luôn có giới hạn, việc tập trung cao dân cư trong các vùng đô thị hóa hay vùng ven đô thị
hoá cao đã góp phần khai thác gần như tốt nhất quỹ đất của các địa phương vào phục vụ cho
nhu cầu của xã hội, đặc biệt là ở các đô thị lớn, những địa phương có quá trình đô thị hóa
mạnh, làm cho hệ số sử dụng đất cao nhất, tiết kiệm nhất.
- Thứ tư, đô thị hoá tạo điều kiện thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn.
Nó tạo tiền đề, thị trường cho khu vực công nghiệp, đặc biệt là dịch vụ. Sự giao lưu kinh tế -
văn hoá giữa các vùng, miền, ngành kinh tế được thể hiện nhờ quá trình đô thị hoá cũng là
quá trình thị trường hoá. Nó kích thích cầu và mở đường cho cung ứng.
25
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Thứ năm, đô thị hoá tạo điều kiện giao lưu và giữ gìn văn hoá các vùng miền, làm
phong phú hơn văn hoá dân tộc, tiếp thu văn hoá hiện đại. Khi người dân di cư đến thành
phố đồng thời mang văn hoá riêng có của vùng quê của họ, góp vào một văn hoá chung được
hình thành và lưu giữ ở thành phố.
- Thứ sáu, đô thị hoá tạo điều kiện cải biến con người thuần nông sang người thành
thị, có tính công nghiệp cao hơn từ những người nông dân với nền sản xuất lúa nước, phụ
thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Nhiều người nông dân vốn được tự do, nền kinh tế nông
nghiệp nước ta hiện nay chưa đủ điều kiện đào tạo họ thành người biết tuân thủ đầy đủ yêu
cầu của điều kiện khách quan. Nhưng nền kinh tế thị trường mà họ đang gia nhập ở các đô
thị với những đòi hỏi cao hơn nhiều lần ở nông thôn sẽ buộc họ tự rút bài học trong thất bại
và thành công của chính mình và thực hiện theo yêu cầu của nó để đạt được các lợi ích kinh
tế. Họ được rèn luyện trong quá trình kiếm sống, phải tự điều chỉnh mình cho phù hợp với
yêu cầu khách quan. Nền kinh tế thị trường buộc họ phải hướng về nó, theo nó chỉ bảo mà
hành động. Quá trình này đã rèn luyện họ có nhiều phẩm chất mới từ ý thức kỷ luật đến kỹ
thuật và cả trình độ văn hoá, khoa học. Nhiều thế hệ đi qua từ người nông dân tự do ban đầu
trở thành người dân thành phố, tính công nghiệp, chuyên nghiệp cao.
* Những tác động tiêu cực
- Thứ nhất: Vấn đề lao động, việc làm. Không gian và tốc độ đô thị hoá sẽ phát triển
mạnh mẽ hơn nữa ở các đô thị trong nhiều năm tiếp theo. Nền kinh tế thị trường trong điều
kiện toàn cầu hoá và chủ động hội nhập đã thể hiện cuộc cạnh tranh gay gắt, trong đó các công
ty, đơn vị kinh tế muốn tồn tại và phát triển mạnh thì hàng hóa phải có chất lượng và sức cạnh
tranh cao, muốn vậy họ phải có đội ngũ lao động có trình độ. Người lao động nhập cư chủ yếu
chưa qua đào tạo, lao động vẫn là cơ bắp, giản đơn. Họ đi về thành phố với nhiều lý do, có thể
là do không có đất canh tác, muốn tìm việc làm mới để tăng thu nhập, tìm kiếm vận may cho
tương lai...Tuy nhiên do không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng nên rất nhiều
trong số họ không tìm được việc làm như mong muốn ở chốn thị thành, hơn nữa nhiều người
đã tìm được việc làm nhưng do những biến động của nền kinh tế thế giới như khủng hoảng
kinh tế đã làm cho một số công ty, xí nghiệp bị phá sản, người lao động trở thành những người
thất nghiệp hoặc kiếm sống bằng những công việc tạm bợ và đây là gánh nặng cho xã hội nói
chung và các đô thị nói riêng.
- Thứ 2: Cơ sở hạ tầng giao thông và môi trường sống luôn bị phá vỡ, không theo kịp
với yêu cầu của thực tiễn. Sự tăng lên đột biến của dân số trong quá trình đô thị hóa đã làm
cho cơ sở hạ tầng giao thông đã có bị lạc hậu nhanh chóng trong khi những cơ sở hạ tầng
giao thông mới chưa được xây dựng hoặc xây dựng dở dang. Tình trạng đó là nguyên nhân
chính làm cho tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng và ùn tắc giao thông liên tục
xảy ra vào những giờ cao điểm tại các đô thị, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ tính riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2009 đã có 574 vụ tai nạn
giao thông (tăng 8,35% so với cùng kỳ năm ngoái) và số vụ ùn tắc giao thông xảy ra là
“không tính nổi vì có ở mọi nơi”.
26
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Vấn đề môi trường ở các đô thị hiện nay trong quá trình đô thị hóa cũng là một chủ đề
nóng, tình trạng ô nhiểm môi trường ngày càng trầm trọng làm cho sự phát triển bền vững bị
đe dọa. Ô nhiểm tiếng ồn công nghiệp và các phương tiện giao thông làm ảnh hưởng khá lớn
đến sức khỏe thần kinh của người lao động và người dân, ô nhiểm không khí với nhiều loại
khí độc hại được thải loại ra ngoài không khí qua hoạt động sản xuất công nghiệp và các
phương tiện giao thông, ô nhiểm không khí trở thành “kẻ giết người thầm lặng” với khoảng 2
triệu người trên toàn thế giới/năm (theo Tổ chức khí tượng thế giới WMO). Ô nhiểm nguồn
nước thải và rác thải ở các đô thị hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị lớn là rất trầm trọng, gây
ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, là một nguyên nhân làm cho con người mắc phải các
căn bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư.
Thứ 3: Quá trình đô thị hóa gây sức ép về chất lượng giáo duc̣ và y tế, đồng thời làm
gia tăng cać tệ nạn xã hội. Sự tăng lên đột biến về dân số đồng thời cũng tăng lên số người
trong độ tuổi đến trường. Trong quá trình di cư từ nông thôn ra thành thi,̣ số lượng thanh
niên là rất lớn, họ lập gia đình, sinh con. Ngoài ra còn có một số người bố hoặc mẹ ra thành
thị trước, làm ăn được nên họ đưa cả gia đình ra thành thị sống cùng mình. Chính những
điều này đã làm gia tăng lên về quy mô dân số lẫn số lượng người trong độ tuổi đến trường.
Số lượng người đi học tăng cao đã dẫn đến tình trạng thiếu chổ học hoặc quá tải tại một số
trường, lớp hoc̣gây sức ép cho ngành giáo duc̣.
Mặt khać, khi dân số tăng nhanh do quá trình đô thị hoá thì kéo theo hàng loạt vấn đề
về y tế và an sinh xã hội. Môi trường ô nhiểm, điều kiện sống và sinh hoạt thiếu thốn, lao
động vất vảlà nguyên nhân làm tăng nguy cơ măć bệnh tật. Nhiều ổ dịch bùng phát ở các
đô thị ở nước ta chủ yêú bùng phát tại những khu vực có điều kiện sống thiếu thốn, tạm
bợqua đó gây áp lực cho ngành y tê.́ Hiện nay nhiều bệnh viện trong các đô thị luôn ở
trong tình trạng quá tải, nhất là về muà hè khi cać dịch bệnh có nhiều điều kiện để bùng phát
và gây hại.
Hiện nay tình trạng các tệ nạn xã hội ngaỳ càng có xu hướng gia tăng là một điều rất
đáng lo ngại. Một trong các nguyên nhân làm gia tăng vấn đề naỳ chính là do quá trình đô
thị hóa. Viêc̣ phát triển kinh tế ở các đô thị đã thu hút rất đông đúc các lao động nhập cư đô ̉
về đây làm việc, bên caṇh đó cać loại tội phạm như ma túy, mại dâm, cướp giật, cờ bạc,
đánh nhau,cũng gia tăng theo. Nguyên nhân naỳ có thể là do một số thành phần dân di cư
và dân bản địa sống buông thả hoăc̣ không có viêc̣ làm, sống thích hưởng thụ nên dễ sa ngã
vào con đường phạm pháp và là các đối tượng để bọn buôn bán ma túy lợi dụng khai thać để
thu lại lợi nhuận cho chúng. Cać vũ trường, cać cơ sở kinh doanh Karaoke, một số khách
sạn, cơ sở massagetrở thành những tụ điểm an chơi trác táng của một số bộ phận dân cư,
trong đó phần nhiều là thanh niên.
27
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
1.5.4 Khái quát quá trình đô thị hóa ở Việt Nam
1.5.4.1. Đô thị hóa dưới thời phong kiến
Năm 679 thời nhà Đường xâm lược lại nước ta, từ trung tâm Tống Bình (Hà Nội ngày
nay) dần dần mở các tuyến đường lên Tây Bắc thông với Vân Nam, Thượng Lào, Miến Điện
và xuống Ái Châu, Hoan Châu (Thanh Nghệ Tĩnh) đến Nam Chămpa, Tống Bình trở thành
trung tâm kiểm soát mọi tuyến đường bộ và đường sông nội địa.
Khi nước Đại Việt ta giành lại quyền tự chủ, trung tâm kinh đô chính trị được dịch
chuyển nhiều nơi từ Cổ Loa đến Hoa Lư (nhà Đinh), đến Thiên Trường (nhà Trần), Tây Đô
(nhà Hồ), Phú Xuân - Huế (nhà Nguyễn) và Thăng Long – Đông Đô - Kẻ Chợ trên cơ sở
Tống Bình, đô thị cổ Đại La và Thăng Long.
Các đô thị thương mại - trạm dịch vẫn tiếp tục hình thành như Vĩnh Bình (Lạng Sơn),
Vân Đồn (Quảng Ninh) thế kỷ XI – XIV, cảng thị Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng
Nam), Sài Gòn – Gia Định thế kỷ XVII – XVIII, Hải Phòng, Đà Nẵng thế kỷ XIX.
Song ở các triều đại phong kiến tự chủ, tuy có công phát triển nông nghiệp, nhưng do
chính sách trọng nho sĩ mà coi thường công thương nghiệp đồng thời lại bài ngoại, bế quan
tỏa cảng, bảo tồn một nền kinh tế tiểu nông tự cung, tự cấp nên đã kìm hãm sự phát triển
kinh tế đô thị.
Các đặc điểm:
Đô thị chủ yếu là các trung tâm hành chính và thương mại, được hình thành trên cơ
sở nhữg thành lũy, lâu đài của vua chúa phong kiến trên những khu vực có điều kiện địa lý
tự nhiên thuận lợi cho giao lưu buôn bán.
Các đô thị bị chi phối bởi nền kinh tế tiểu nông, tự nhiên, tự cung, tự cấp, đông kín
nên không có được vai trò và địa vị kinh tế quan trọng đối với nông thôn và toàn xã hội.
Về mặt xã hội, quan hệ cộng đồng làng xã chiếm ưu thế tuyệt đối. Những nhân tố
thúc đẩy sản xuất hàng hóa và buôn bán còn rất yếu.
1.5.4.2. Đô thị hóa dưới thời Pháp thuộc
Dưới sự thống trị của thực dân Pháp với chính sách khai thác các nguồn tài nguyên
ở xứ thuộc địa, chính quyền cai trị đã căn cứ vào các địa danh có các tài nguyên khoáng
sản, cảnh quan thiên nhiên đẹp mà hình thành một loạt các đô thị mới mang tính chất
khác nhau như: Hòn Gai, Cẩm Phả, Lào Cai (thành phố mỏ phục vụ cho khai thác); Hải
Phòng (thành phố công nghiệp và cảng); Nam Định, Vinh, Đà Nẵng (thành phố công
nghiệp); Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt (thành phố nghỉ ngơi, giải trí); Đồ Sơn, Nha Trang
(thành phố nghỉ mát, tắm biển),
Đi đôi với việc phát triển các thành phần mới, các khu vực thành quách cũ, các khu dân
cư tập trung cũng được mở mang và phát triển, phố xá xuất hiện, các cơ sở sản xuất tiểu thủ
công nghiệp và công nghiệp cũng như các cửa hàng buôn bán cũng hình thành.
28
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Các đặc điểm
Các đô thị hành chính thời kỳ này hầu như không có các cơ sở hoạt động kinh tế thúc
đẩy nên tốc độ tăng trưởng chậm. Dân số sống ở đô thị mới chỉ đạt được 10% so với tổng số
dân cả nước, thuộc loại mức đô thị hóa thấp so với các nước trên thế giới thời đó.
Môi trường đô thị được cải thiện dần từng bước, nhưng một bất hợp lý nổi bật kéo dài
là các khu nhà ổ chuột thiếu những điều kiện tối thiểu của cuộc sống, của những người lao
động ở các ven đô.
Đô thị đã có mang màu sắc công nghiệp, thương nghiệp dịch vụ, song được ưu tiên
chỉnh trang, chủ yếu tập trung vào các công sở, nhà ở của các viên chức thượng lưu, trung
lưu trong bộ máy hành chính, cai trị.
Khu công nghiệp, khu thương mại, khu văn hóa vui chơi giải trí chưa hình thành
riêng biệt mà còn xen kẽ với nhau.
1.5.4.3. Đô thị hóa sau Cách mạng tháng Tám năm 1945
Tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu một mốc mới
trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Tuy nhiên không lâu sau đó thực
dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, hầu
như các đô thị trong cả nước đều phải phá huỷ, chỉ còn Hà Nội và Sài Gòn là còn nguyên
vẹn do Pháp chiếm đóng. Dân số đô thị lúc này chủ yếu sống ở 2 thành phố Hà Nội và Sài
Gòn cùng với một số thành phố khác do Pháp chiếm đóng. Sau khi Pháp đầu hàng thì Mỹ đổ
quân vào miền Nam và dựng nên nhà nước tư bản Việt Nam Cộng hòa, miền Nam đặt dưới
sự thống trị của Mỹ - Ngụy. Do đó quá trình đô thị hóa ở 2 miền Nam Bắc trong giai đoạn
này cũng có những nét riêng biệt.
Ở miền Bắc
Năm 1954 lập lại, miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển đất nước, dân
số đô thị mới chỉ chiếm 7,4%. Năm 1960 là 8,9%; năm 1965 là 9,8%; năm 1972 là 10,5%.
Dân cư ở các thành phố, thị xã cũ di tản nay trở về buôn bán, làm ăn và sinh sống.
Năm 1954 Hà Nội được tiếp quản nguyên vẹn và trở thành thủ đô của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa. Dân số nội thành năm 1955 mới chỉ có 370 ngàn người, với diện tích nội
thành là 12,2 km2. Ngoài các thị xã, thị trấn cũ, còn phát triển thêm một số thành phố mới
như các thành phố công nghiệp Việt Trì, Thái Nguyên, mở rộng thành phố cảng Hải Phòng.
Trong khi miền Bắc đang khôi phục và phát triển kinh tế thì Đế quốc Mỹ lại gây ra
cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân kéo dài gần 10 năm, hầu hết thành phố, làng mạc
của ta bị tàn phá, dân cư đô thị phải sơ tán về các vùng nông thôn; xây dựng kinh tế và phát
triển đô thị bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, tốc độ đô thị hóa chậm lại trong suốt thời
gian từ 1955 đến 1975.
Ở miền Nam
Do hoạt động chiến tranh và chính sách đàn áp, khủng bố, đặc biệt là chiến tranh bình
định nông thôn của Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, hàng triệu nông dân miền Nam
29
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
buộc phải chạy vào thành phố tị nạn. Do quá trình “đô thị hóa cưỡng bức” này nên tỷ lệ dân
số đô thị miền Nam từ 10% năm 1960 đã tăng lên 30% vào đầu những năm 1965. Đô thị
phát triển theo quy luật của một xã hội tiêu thụ hiện đại vừa mang tính hiện đại, vừa mang
tính lệ thuộc về kinh tế với nước ngoài, lại vừa có sự chi phối của các hoạt động quân sự do
Mỹ điều khiển. Cho đến cuối năm 1965, phong trào đấu tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược
trong các đô thị của nhân dân ta nối tiếp nhau tấn công vào các đô thị, quá trình đô thị hóa ở
miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt.
1.5.4.4. Đô thị hóa thời kỳ sau năm 1975
Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nước ta bước vào thời kỳ khôi phục
nền kinh tế và phát triển công nghiệp hóa đất nước. Các đô thị trong cả nước bước vào thời kỳ
phát triển mới, nền kinh tế chuyển từ cơ chế quản lý, kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền
kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời
thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các đô thị cũ được cải tạo, mở
rộng, xây dựng mới thêm nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và các hải cảng nên mạng lưới
đô thị trong cả nước đã tăng thêm, dân số đô thị ngày càng đông hơn do có sự chuyển đổi từ
nghề nông sang các ngành nghề công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ khác. Tính đến năm
1998 cả nước có 644 điểm dân cư đạt tiêu chuẩn là đô thị và dân số đô thị đã có gần 17 triệu
người , chiếm khoảng 22% dân số cả nước. Đặc biệt từ khi có Luật đầu tư nước ngoài ở nước
ta, đã có hàng trăm dự án phát triển sản xuất công nghiệp ở các thành phố lớn và các khu chế
xuất đã thu hút hàng chục ngàn công nhân vào các khu công nghiệp mới, làm tăng dân số đô
thị về mặt cơ học.
30
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Chương 2
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ
2.1. Mục tiêu và nhiệm vụ của quy hoạch đô thị
2.1.1. Mục tiêu
Quy hoạch đô thị nhằm xác định sự phát triển hợp lý của đô thị trong từng giai đoạn
và định hướng phát triển lâu dài cho đô thị đó về các mặt tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống,
tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và môi trường phù hợp với quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội và môi trường của vùng. Quy hoạch đô thị thực hiện các mục tiêu sau:
- Bảo đảm sự phát triển ổn định, hài hòa và cân đối giữa các thành phần kinh tế
trong và ngoài đô thị.
Ở đô thị có rất nhiều điều kiện để phát triển sản xuất nhờ lực lượng lao động dồi dào,
trình độ nghiệp vụ cao, điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phát triển. Do đó đã thúc đẩy sự
phát triển rất đa dạng của các thành phần kinh tế, dẫn đến sự mâu thuẫn trong phân bố cơ sở
sản xuất và sản xuất, thậm chí là cản trở lẫn nhau làm ảnh hưởng lớn đến môi trường đô thị.
Quy hoạch đô thị là công cụ tích cực và có hiệu quả nhất để giải quyết các mối bất hòa
giữa các cơ sở sản xuất và các hoạt động của các thành phần kinh tế khác nhau trong đô thị
cũng như mối quan hệ của nó với bên ngoài đô thị.
- Bảo đảm sự cân đối, thống nhất giữa các chức năng hoạt động trong và ngoài đô thị.
Đô thị ngày càng phát triển và mở rộng không gian ra các vùng ngoại ô, lấn chiếm đất
nông nghiệp và các vùng cảnh quan thiên nhiên khác. Quy hoạch đô thị điều hòa sự phát
triển của các bộ phận chức năng trong đô thị và các vùng ảnh hưởng ở bên ngoài đô thị,
nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan đô thị, bảo tồn các di tích và an toàn cho đô thị,
có tính đến hậu quả của thiên tai và các sự cố kỹ thuật khác có thể xảy ra.
- Bảo đảm điều kiện sống, lao động và phát triển toàn diện của người dân đô thị.
Quy hoạch đô thị nghiên cứu các hình thức tổ chức cuộc sống và cơ cấu chức năng hoạt
động của các bộ phận trong đô thị, nhằm tạo điều kiện cho con người có nhiều thuận lợi nhất
trong cuộc sống ngày càng cao ở đô thị.
2.1.2. Nhiệm vụ
Quy hoạch đô thị thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức sản xuất
Quy hoạch đô thị bảo đảm phân bố hợp lý các khu vực sản xuất trong đô thị, trước tiên
là các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung, các xí nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, các cơ
sở tiểu thủ công nghiệp và các loại hình sản xuất đặc trưng khác.
Quy hoạch đô thị cần giải quyết tốt các mối quan hệ giữa hoạt động sản xuất của các
khu công nghiệp với bên ngoài và các hoạt động khác của các khu chức năng trong đô thị.
- Tổ chức đời sống
Quy hoạch đô thị có nhiệm vụ tạo điều kiện tổ chức tốt cuộc sống và mọi hoạt động
hàng ngày của người dân đô thị, tạo cơ cấu hợp lý trong việc phân bố dân cư và sử dụng đất
đai đô thị, tổ chức xây dựng các khu ở, khu trung tâm và dịch vụ công cộng, khu nghỉ ngơi,
31
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
giải trí,...của người dân đô thị. Bên cạnh đó còn tạo ra môi trường sống trong sạch, an toàn,
tạo điều kiện hiện đại hóa cuộc sống người dân đô thị, phục vụ con người phát triển một
cách toàn diện.
- Tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và môi trường đô thị
Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng của quy hoạch đô thị nhằm cụ thể hóa công tác xây
dựng và phát triển đô thị, tạo cho đô thị một đặc trưng về hình thái kiến trúc đẹp, hài hòa với
thiên nhiên, môi trường và cảnh quan.
Quy hoạch đô thị cần xác định được hướng bố cục không gian kiến trúc, xác định vị
trí và hình thái kiến trúc các công trình chủ đạo, xác định tầng cao, màu sắc và một số chỉ
tiêu cơ bản trong quy hoạch nhằm cân đối việc sử dụng đất đai phù hợp với điều kiện tự
nhiên, điều kiện địa phương, phong tục tập quán và truyền thống dân tộc của đô thị.
Tính bền vững của đô thị phải luôn được chú ý trong việc tổ chức không gian kiến trúc
quy hoạch đô thị, đảm bảo cho đô thị phát triển ổn định, lâu dài, không xâm hại đến môi
trường cảnh quan...
2.2. Nội dung quy hoạch đô thị
2.2.1. Phân loại quy hoạch đô thị
Quy hoạch đô thị bao gồm các loại hình quy hoạch sau:
2.2.1.1. Quy hoạch tổng thể đô thị
Quy hoạch tổng thể đô thị là việc xác định phương hướng cải tạo, xây dựng phát triển
đô thị về tổ chức không gian và cơ cấu sử dụng đất đô thị, về cơ sở hạ tầng và mối quan hệ
hữu cơ giữa các mặt bên trong và bên ngoài đô thị nhằm tạo lập môi trường và khung cảnh
sống thích hợp cùng với các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khác.
Đồ án quy hoạch tổng thể đô thị được lập cho một đô thị riêng biệt hoặc cho một hệ
thống đô thị và điểm dân cư có mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ với nhau về mọi mặt.
Đồ án quy hoạch tổng thể đô thị được nghiên cứu theo thời gian ngắn hạn 5 ÷ 10 năm và cho
dài hạn từ 15 ÷ 20 năm.
Nhiệm vụ của quy hoạch tổng thể đô thị là:
- Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên và hiện trạng của đô thị, xác định thế mạnh và
động lực chính phát triển đô thị.
- Xác định tính chất, quy mô, cơ sở kinh tế - kỹ thuật và các chỉ tiêu quy hoạch để xây
dựng và phát triển đô thị.
- Định hướng phát triển không gian kiến trúc, môi trường và cơ sở hạ tầng đô thị.
- Quy hoạch xây dựng đợt đầu 5 ÷ 10 năm và hình thành các cơ sở để lập các đồ án
quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng.
- Xác lập các căn cứ pháp lý để xây dựng đô thị.
32
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
2.2.1.2. Quy hoạch chi tiết đô thị
Quy hoạch chi tiết đô thị là việc cụ thể hóa ý đồ, nội dung của quy hoạch tổng thể đô
thị. Đồ án quy hoạch chi tiết sẽ phân chia và quy định cụ thể chế độ sử dụng đất đai cho từng
chức năng công cộng hoặc riêng lẻ, xác định chỉ giới xây dựng, phân rõ chức năng cụ thể và tỷ
trọng xây dựng cho từng loại đất theo một cơ cấu thống nhất.
Ngoài ra quy hoạch chi tiết đô thị còn nghiên cứu bố trí các hạng mục công trình
xây dựng trong từng lô đất nhằm nêu rõ ý đồ về bố cục không gian kiến trúc quy hoạch.
Đồ án quy hoạch chi tiết đô thị thường được nghiên cứu ở tỷ lệ 1/2000, 1/1000 và
1/500 tùy theo quy mô và mức độ yêu cầu của nhiệm vụ đề ra.
Nhiệm vụ chủ yếu của quy hoạch chi tiết đô thị bao gồm các mặt sau:
- Cụ thể hóa và làm chính xác ý đồ, nội dung và những quy định của quy hoạch tổng
thể đô thị.
- Đánh giá thực trạng xây dựng, khả năng sử dụng và phát triển quỹ đất hiện có.
- Tập hợp và cân đối các yêu cầu đầu tư xây dựng.
- Nghiên cứu đề xuất các định hướng kiến trúc và bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị.
- Quy hoạch mặt bằng sử dụng đất đai, phân chia lô đất cho từng đối tượng sử dụng và
lập chỉ giới xây dựng, xác định tầng cao, diện tích và tỷ trọng xây dựng các loại công trình.
- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải tạo xây dựng hệ thống công trình hạ tầng
kỹ thuật.
- Soạn thảo quy chế quản lý xây dựng.
Tùy theo yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ thiết kế mà quy hoạch chi tiết đô thị được thể hiện
dưới nhiều mức độ khác nhau, trong đó có 2 mức độ cần được nghiên cứu là:
+ Đồ án chi tiết quy hoạch sử dụng đất đai.
+ Đồ án quy hoạch phân lô tỷ lệ 1/2000 và 1/500 cho những khu đất dưới 20 ha.
2.2.1.3. Quy hoạch cải tạo đô thị
2.2.1.3.1. Ý nghĩa và mục đích:
- Trong thực tế đời sống của con người, các hoạt động sống luôn luôn biến đổi và
phát triển không ngừng. Các đô thị đã được xây dựng và tồn tại cố định từ lâu, trong nhiều
trường hợp dần dần trở nên không phù hợp với những yêu cầu hoạt động sản xuất và đời
sống xã hội mới. Vì vậy, quy hoạch cải tạo là rất cần thiết nhằm cải tạo những đô thị cũ cho
phù hợp với những yêu cầu mới.
- Quy hoạch cải tạo là một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều mặt kinh tế, chính trị
và xã hội. Quy hoạch cải tạo vừa phải đáp ứng được những yêu cầu mới của tiến bộ xã hội
và sự phát triển của khoa học kỹ thuật nhưng đồng thời phải biết lựa chọn và kế thừa những
di sản cũ, những thành tựu cổ truyền trong xây dựng và những di tích lịch sử có giá trị.
33
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
2.2.1.3.2. Các phương pháp quy hoạch cải tạo đô thị
Có nhiều phương pháp để cải tạo đô thị nhưng lựa chọn phương pháp nào thì phải
căn cứ vào điều kiện, đặc điểm về mọi mặt của bản thân đô thị đó. Lựa chọn phương pháp
làm sao cho việc cải tạo diễn ra thuận lợi nhất, nhanh nhất và ít tốn kém nhất.
* Cải tạo theo mảng từ nhỏ đến lớn:
Theo phương pháp này, việc cải tạo sẽ tiến hành trước tiên ở một khu vực nào đó rồi
dần dần mở rộng sang các khu vực khác theo kiểu “vết dầu loang”, cải tạo đến đâu giải
quyết triệt để các vấn đề liên quan đến đó.
Khu vực được chọn cải tạo đầu tiên thường là khu vực có nhiều nhà trong tình trạng
không đảm bảo an toàn hoặc hư hỏng nặng, đòi hỏi phải được cải tạo trước, đồng thời khu
vực đó phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo.
* Cải tạo theo từng điểm rải rác:
Trong thực tế cho thấy, các điểm hư hỏng cần cải tạo không phải nằm tập trung vào
một khu vực nào đó ở trong đô thị mà thường nằm rải rác ở nhiều nơi. Do đó cần phải xác
định những điểm hư hỏng nặng và thuận lợi cho việc cải tạo để làm trước, sau đó mở rộng
dần ra xung quanh.
* Cải tạo theo tuyến:
Đây là hình thức cải tạo tiến hành trên những đường phố chính kết hợp với việc
mở mang đường phố, có thể tiến hành những mặt phố chính. Phương pháp này có ưu
điểm là cải thiện bộ mặt đường phố nhanh chóng. Tuy nhiên, hiệu quả thường chỉ giải
quyết được về mặt hình thức bên ngoài mà chưa đi sâu vào trong các khu vực ở.
* Cải tạo theo dải:
Cải tạo theo dải tương tự như cải tạo theo tuyến nhưng không đơn thuần chỉ giải
quyết về bộ mặt dọc đường phố mà xuất phát từ đường phố tiến dần vào phía trong theo từng
vệt dài song song.
34
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 2.1. Bản đồ quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020
35
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 2.2. Bản đồ quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội (Hà Nội mới)
2.2.2. Quy hoạch các khu chức năng
Hiện nay tùy theo mục đích sử dụng đất trong đô thị mà người ta chia đô thị thành các
khu chức năng, bao gồm: Khu công nghiệp, khu kho tàng, khu dân dụng, khu trung tâm đô
thị,...Các khu chức năng được khái niệm hóa như sau:
- Khu công nghiệp là khu chức năng có đất đai được dùng để xây dựng các xí nghiệp
công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (trong đó tính cả đất giao thông nội bộ, các bến bãi hoặc
các công trình quản lý phục vụ cho các nhà máy), được bố trí tập trung thành từng khu vực
nhất định ở trong đô thị. Lưu ý rằng ở ngoài đô thị người ta cũng có thể bố trí khu công
nghiệp chứ không nhất thiết phải bố trí khu công nghiệp ở trong đô thị.
- Khu kho tàng là khu chức năng có đất đai được dùng để xây dựng các loại kho trực
thuộc hoặc không trực thuộc đô thị. Các loại kho này tùy theo mục đích sử dụng mà được
thiết kế xây dựng theo những kiểu riêng và chứa các loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu
riêng biệt hoặc hỗn hợp.
36
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Khu dân dụng là khu chức năng chiếm diện tích lớn nhất trong đô thị. Đây là khu
chức năng có đất đai được sử dụng để phục vụ nhu cầu về nhà ở, nghỉ ngơi, giải trí, sinh hoạt
văn hóa, thể thao,...của nhân dân đô thị. Khu dân dụng có chức năng chính là ở và phục vụ
cho việc ở. Trong khu dân dụng đất đai được sử dụng để xây dựng nhà ở các loại, các công
trình phục vụ công cộng, hệ thống giao thông, quảng trường, công viên,...
- Khu trung tâm đô thị là khái niệm để chỉ khu đất có vị trí nằm ở trung tâm của đô
thị, nơi kế thừa các di tích lịch sử hình thành đô thị, nơi có mật độ xây dựng tập trung cao về
nhà ở có trang thiết bị hiện đại, các công trình công cộng về hành chính, văn hóa, thương
mại, dịch vụ công cộng,...Khu trung tâm luôn có không khí tấp nập, nhộn nhịp do tập trung
nhiều chức năng đối với sự phát triển của đô thị.
2.2.2.1. Quy hoạch khu công nghiệp
2.2.2.1.1. Phân loại khu công nghiệp
Hiện nay có các loại hình khu công nghiệp sau:
- Khu công nghiệp tập trung đa ngành hoặc chuyên ngành.
+ Khu công nghiệp tập trung đa ngành là khu công nghiệp được hình thành từ những
xí nghiệp thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau nhưng quá trình sản xuất không hoặc ít
gây ảnh hưởng xấu đến nhau.
+ Khu công nghiệp chuyên ngành là khu công nghịêp được hình thành từ các xí
nghiệp thuộc một ngành hoặc một số ít ngành công nghiệp sản xuất một loại sản phẩm.
- Khu công nghiệp tập trung hàng xuất khẩu, còn gọi là khu chế xuất, được hình thành
từ chiến lược phát triển kinh tế. Ở trong khu chế xuất này, mục tiêu của nước chủ nhà và các
công ty xuyên quốc gia là trùng hợp nhau, tức là chỉ tập trung sản xuất hàng hóa để xuất
khẩu chứ không tiêu thụ ở trong nước. Ví dụ: Khu chế xuất Linh Trung - phường Linh
Trung - quận Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh.
- Khu công nghiệp kỹ thuật cao (còn gọi là khu công nghệ cao), đây là khu công
nghiệp tạo ra những sản phẩm kỹ thuật cao tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Ví dụ: các sản
phẩm điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghệ thông tin khác...
2.2.2.1.2. Ảnh hưởng của sản xuất công nghiệp đến môi trường
Khi hoạt động sản xuất công nghiệp, các nhà máy công nghiệp sẽ tác động tiêu cực
đến môi trường xung quanh thông qua một số tác nhân như: tiếng ồn, nước thải, khí thải và
các chất phế liệu, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như các hoạt động sinh hoạt
khác của con người và các loại sinh vật khác.
- Tiếng ồn của các nhà máy công nghiệp là rất lớn, âm thanh rất to nên đã ảnh hưởng
đến trạng thái tâm sinh lý của con người, đến các hoạt động sinh hoạt cũng như nghỉ ngơi
của người dân.
- Nước thải công nghiệp mang theo các chất hóa học độc hại, làm bẩn nguồn nước và
ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sức khỏe của con người cũng như các loài sinh vật
sống trong nước và trong đất, nơi có nước thải chảy qua.
37
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Khí thải công nghiệp mang theo các chất khí độc như: S, SO2, SO3, NOx, hơi kim
loại và các chất khí hại khác vào trong không khí gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến
sức khỏe của con người.
- Các phế liệu công nghiệp như: xỉ than, rác,...cũng gây ô nhiễm môi trường sống
của chúng ta.
2.2.2.1.3. Các nguyên tắc bố trí khu công nghiệp trong đô thị
Khi bố trí khu công nghiệp trong đô thị cần tuân theo các nguyên tắc sau:
- Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp cần xây dựng tập trung thành từng cụm, từng khu
công nghiệp và bố trí ở ngoài khu dân dụng đô thị. Khu công nghiệp phải đặt ở cuối hướng gió
và cuối nguồn nước nếu ở gần sông. Vị trí của khu công nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về giao
thông, yêu cầu về cung cấp nước, điện và các dịch vụ khác.
- Đất xây dựng khu công nghiệp phụ thuộc vào tính chất, quy mô của xí nghiệp
công nghiệp, được tính toán theo nhiệm vụ thiết kế của các xí nghiệp.
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2000 quy định: trong trường hợp chưa có danh
mục công nghiệp cụ thể, muốn dự tính đất đai khu công nghiệp (kể cả đất dự trữ) có thể
căn cứ vào loại đô thị để tính theo tiêu chuẩn sau:
+ Đối với đô thị lớn và rất lớn (loại đặc biệt và loại 1): 15 - 20 m2/người.
+ Đối với đô thị loại trung bình( loại 2, loại 3 và loại 4): 10 – 15 m2/người.
+ Đối với đô thị loại nhỏ (loại 5): 5 - 10 m2/người.
Năm 2006, Bộ TNMT đã ban hành hướng dẫn áp dụng định mức sử dụng đất
trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, được thể hiện ở
bảng 2.1:
Bảng 2.1. Định mức sử dụng đất các ngành công nghiệp
Đơn vị tính:m2/lao động công nghiệp
Ngành công nghiệp Phân theo vùng địa lý
Miền núi Trung du Đồng bằng Ven biển
Công nghiệp cơ bản (cơ khí, luyện kim,
điện tử, thông tin, hóa chất).
110 – 120 100 - 110 80 - 90 90 – 100
Công nghiệp dệt, may, da giày. 85 - 90 80 – 85 75 - 80 80 – 85
Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. 120 - 130 110 - 120 90 - 100 100 – 110
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. 125 - 135 115 - 125 95 - 105 105 – 115
Công nghiệp phân điện, ga, nước. 105 - 110 100 - 105 90 - 95 95 – 100
Công nghiệp khác. 110 - 120 100 – 110 80 - 90 90 - 100
38
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Trong các cụm khu công nghiệp phải chia thành các khu chức năng, bao gồm:
+ Các khu đất xây dựng các xí nghiệp công nghiệp và các công trình phụ trợ của
nhà máy.
+ Khu vực trung tâm công cộng, hành chính, nghiên cứu khoa học, dịch vụ, kỹ thuật,
vườn hoa, cây xanh, bến bãi,...
+ Hệ thống đường giao thông (đường ô tô, quảng trường giao thông, bến bãi xe
công cộng,...), các công trình giao thông vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, đưa đón
công nhân đi lại...
+ Các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, điện, hơi đốt, thông tin,...phục
vụ cho cả cụm khu công nghiệp.
+ Các khu vực thu gom rác, chất thải, cây xanh cách ly và đất dự trữ phát triển.
- Các nhà máy, khu cụm công nghiệp có thải chất độc thì phải có khoảng cách ly thích
hợp với khu ở và các khu vực xung quanh.
- Các khu công nghiệp đặc biệt có chất phóng xạ hoặc sản xuất các chất nổ, vũ
khí...nhất thiết không được bố trí trong phạm vi đô thị. Vị trí loại công nghiệp này phải được
cấp có thẩm quyền cho phép và phải có điều kiện cách ly tốt.
- Ở các khoảng cách ly chủ yếu phải dùng biện pháp trồng cây xanh, bởi vì cây xanh
là loại hình tự nhiên có tác dụng tích cực về nhiều mặt như: làm giảm khói, bụi, tiếng ồn, tốc
độ gió cũng như cải tạo môi trường tự nhiên.
- Bố trí khu công nghiệp phải đảm bảo điều kiện liên hệ thuận tiện với nơi ở để
người đi làm đến khu công nghiệp không vượt quá 30 km bằng các loại phương tiện giao
thông của đô thị.
2.2.2.1.4. Các hình thức bố trí khu công nghiệp
Khi bố trí khu công nghiệp, tùy theo địa hình và tính chất sản xuất của khu công
nghiệp mà có thể bố trí theo một trong những hình thức sau:
* Bố trí khu công nghiệp về một phía hoặc song song so với khu dân dụng.
- Đây là cách bố trí khu công nghiệp và khu dân dụng cùng phát triển song song về
một hướng theo kiểu thành dải. Cần chú ý rằng việc bố trí khu công nghiệp về một phía hoặc
song song so với khu dân dụng nhưng phát triển theo chiều ngược nhau với khu dân dụng là
không hợp lý do càng ngày thì khoảng cách 2 loại hình này càng xa nhau.
39
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 2.3. Minh họa khu dân dụng và khu công nghiệp bố trí về cùng một phía
Hình 2.4. Minh họa khu công nghiệp và khu dân dụng bố trí song song nhau
* Bố trí khu công nghiệp xen kẽ với khu dân dụng và phát triển phân tán xen kẽ
theo nhiều hướng. Trên thực tế hình thức bố trí này chiếm phổ biến trong các đô thị.
Hình 2.5: Minh họa khu công nghiệp và khu dân dụng bố trí xen kẽ nhau
Đường giao thông
đối ngoại
Cây xanh cách ly
Khu dân dụng
Khu công nghiệp
Đường giao thông
đối ngoại
Khu dân dụng
Khu công nghiệp
Khu DD
Khu
CN
Khu
CN
Khu
CN
Khu
CN
Khu DD
Khu DD
Khu DD
40
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 2.6. Bản đồ phân bố Khu công nghiệp trên toàn quốc
41
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
2.2.2.2. Quy hoạch khu kho tàng
Kho tàng là nơi chứa các tài sản, vật tư, nhiên liệu, hàng hóa của Nhà nước, của tư nhân,
của xí nghiệp sản xuất và dịch vụ công cộng trong thành phố. Với chức năng như vậy nên kho
tàng chiếm vị trí khá quan trọng trong quy hoạch đô thị đối với việc điều hòa phân phối và dự
trữ các tài sản phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân đô thị và các vùng xung quanh.
2.2.2.2.1. Phân loại kho tàng và nguyên tắc thiết kế
Hiện nay, tùy theo tính chất, chức năng và quản lý, kho tàng đô thị có thể phân ra
các loại sau:
- Kho dự trữ quốc gia ngoài đô thị
Đây là loại kho đặc biệt do Nhà nước quản lý. Chức năng của loại kho này là dự
trữ những tài sản đặc biệt như lương thực, vũ khí, chất đốt để điều phối thị trường và đề
phòng những sự cố, tai nạn có thể xảy ra trong quá trình phát triển của đất nước.
Các loại kho này bố trí bên ngoài đô thị ở những vị trí đặc biệt an toàn, bí mật, thuận
lợi giao thông và có điều kiện bảo vệ tốt nhất, tránh khỏi thiên tai, hỏa hoạn, đảm bảo an
ninh, quốc phòng.
- Kho trung chuyển
Đây là loại kho phục vụ cho việc chuyển giao hàng hóa, tài sản trước khi phân phối,
vận chuyển đi nơi khác hoặc từ phương tiện này sang phương tiện khác. Khu đất của loại
kho này thường chiếm diện tích lớn, phân bố chủ yếu ở các đầu mối giao thông như nhà ga,
bến cảng, bến xe, sân bay,
Kho trung chuyển phải bố trí ở khu vực thuận lợi nhất về mặt giao thông nhằm giải
tỏa nhanh chóng hàng hóa, tránh việc ứ đọng quá lâu, đặc biệt là ở các khu vực ga cảng.
- Kho công nghiệp
Là loại kho chủ yếu phục vụ cho các hoạt động của các nhà máy và của toàn khu
công nghiệp.
Loại kho này thường được bố trí cạnh khu công nghiệp hoặc trong khu công nghiệp,
bên cạnh các nhà máy.
- Kho vật liệu xây dựng, vật tư và nguyên liệu phụ
Đây là loại kho phục vụ cho đô thị và các khu công nghiệp. Loại kho này thường
được bố trí thành cụm ở phía ngoài, cạnh các đầu mối giao thông, liên hệ tốt với đô thị và dễ
dàng trong điều phối lưu thông hàng ngày.
- Kho phân phối
Các kho phân phối bao gồm các kho chứa: lương thực, thực phẩm, hàng hóa,...Các loại
kho này thường được bố trí đều trong khu dân dụng đô thị, trên những khu đất riêng có
khoảng cách ly cần thiết đối với các khu ở và khu công cộng khác.
- Kho lạnh
Kho lạnh là loại kho đặc biệt chức các loại hàng hóa dễ hỏng dưới tác động của thời
tiết, chủ yếu là các loại thực phẩm đông lạnh. Loại kho này có yêu cầu đặc biệt về kĩ thuật
và được bố trí thành những khu vực riêng, bảo đảm yêu cầu về bảo quản và bốc dỡ.
42
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Kho dễ cháy nổ, kho nhiên liệu, kho bãi chứa chất thải rắn
Loại kho này chứa những loại vật liệu có ảnh hưởng không tốt cho người dân nên
được bố trí cách xa đô thị và có khoảng cách ly an toàn.
2.2.2.2.2. Quy mô kho tàng
Việc xác định quy mô kho tàng phụ thuộc vào các yếu tố: địa điểm và chức năng của
từng loại kho, khả năng lưu thông hàng hóa, thời gian hàng hóa lưu kho và đặc điểm của
từng loại hàng hóa.
Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2000 quy định: trừ những loại kho chuyên dùng
đặc biệt, diện tích đất đai kho tàng phục vụ cho đô thị có thể tính toán như sau:
- Đô thị đặc biệt và lớn: 3 - 4 m2/người dân
- Đô thị trung bình và nhỏ: 2 - 3 m2/người dân.
Mỗi khu vực kho tàng cần chú ý phải dành đất dự trữ phát triển và bảo đảm
khoảng cách ly vệ sinh cần thiết giữa kho tàng với các khu ở và các công trình công cộng
theo bảng sau:
Bảng 2.2: Khoảng cách ly của các loại kho tàng với các khu ở
và công trình công cộng
TT Các loại kho Khoảng cách ly (m)
1 Kho xi măng, kho phế liệu, kho da chưa
thuộc, nguyên vật liệu nhiều bụi.
300
2 Kho vật liệu xây dựng, chất đốt, kho
lạnh có dung tích lớn hơn 5000 m3
100
3 Kho chứa hoa quả, lương thực thực
phẩm phân phối, thức ăn gia súc, thiết
bị, vật liệu không bụi,...
50
2.2.2.3. Quy hoạch khu dân dụng
2.2.2.3.1. Các bộ phận đất đai trong khu dân dụng
* Đất ở đô thị
Đất ở tại đô thị là đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống
trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị đã
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
* Đất xây dựng các công trình công cộng
Đất xây dựng các công trình công cộng là đất sử dụng vào mục đích xây dựng công
trình, hệ thống hạ tầng phục vụ nhu cầu hoạt động hàng ngày của người dân trong đô thị (bao
gồm đất để dẫn chuyền năng lượng, truyền thông, đất cơ sở văn hóa, đất cơ sở y tế, giáo dục,
thể dục thể thao, đất chợ, đất bãi thải, xử lý chất thải,...). Các công trình phục vụ công cộng
này có thể được xây dựng tập trung hay phân tán tùy vào chức năng dịch vụ của nó.
43
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
* Đất giao thông, quảng trường
Đất giao thông (bao gồm giao thông tĩnh, giao thông động trong khu dân dụng và
giao thông đối ngoại) là đất sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình giao thông như:
đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, bến xe, ga tàu hỏa,...
Quảng trường là không gian trước các công trình công cộng của đô thị, nơi có thể tổ
chức các cuộc mít tinh, biểu tình lớn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nơi hội tụ nhiều trục
đường chính của đô thị, cũng có thể là nơi làm bãi đỗ xe hay vườn hoa,...
Ví dụ: quảng trường Ba Đình (Hà Nội), quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), quảng trường
Ngọ Môn (Huế).
* Đất cây xanh
Đất cây xanh là đất dùng để trồng cây xanh sử dụng công cộng (công viên, vườn
hoa,...), cây xanh sử dụng hạn chế trong các khu chức năng (khu ở, khu công nghiệp, kho tàng,
trường học,...), cây xanh cách ly (cách ly, phòng hộ, nghiên cứu,...)
Định mức sử dụng đất đai khu dân dụng được thể hiện qua bảng 2.4
Bảng 2.3: Định mức sử dụng đất trong khu dân dụng
TT Loại đô thị
Định mức sử dụng đất trong khu dân dụng
(m2/người)
Tổng số
Trong đó
Đất ở
tại
đô thị
Đất xây
dựng các
công trình
công cộng
Đất giao
thông
Đất cây
xanh
1 Đô thị loại đặc biệt 54 – 63 22 – 26 4 – 6 20 - 22 8 – 9
2 Đô thị loại I 56 - 66 24 - 28 5 – 6 19 - 22 8 – 10
3 Đô thị loại II 58 - 67 26 - 30 4 – 5 20 - 22 8 – 10
4 Đô thị loại III 60 – 72 32 – 38 3 – 5 18 – 20 7 – 9
5 Đô thị loại IV 62 – 75 37 – 44 3 – 4 16 – 19 6 – 8
6 Đô thị loại V 64 – 82 44 - 55 3 – 4 12 - 17 5 - 6
(Hướng dẫn áp dụng định mức sử dụng đất trong công tác lập và điều chỉnh quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất - Bộ TNMT, năm 2006)
44
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
2.2.2.3.2. Cơ cấu tổ chức khu dân dụng
Cơ cấu tổ chức khu dân dụng phải phản ánh được ý đồ tổ chức không gian, tổ chức
cuộc sống của đô thị đó. Cơ cấu tổ chức khu dân dụng dựa trên cơ sở xây dựng các khu chức
năng mà vai trò chính ở đây là đơn vị ở.
Khái niệm đơn vị ở:
Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đơn vị ở được khái niệm như sau:
“Đơn vị ở là một bộ phận chức năng cơ bản của đô thị, trong đó đảm bảo đáp ứng các
nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân như: ở, học tập, vui chơi giải trí, mua bán,...”.
Đơn vị ở tương đương tiểu khu trong các khái niệm trước đây và tương đương cấp
phường đối với các đô thị hiện có (mặc dù không đồng nhất) khi xét về quy mô phục vụ nhu
cầu ở và sinh hoạt hàng ngày của người dân đô thị. Trong các quy hoạch mới, đường giao
thông chính của đô thị không được chia cắt đơn vị ở.
Phân loại đơn vị ở: Đơn vị ở được phân ra thành các loại sau:
- Đơn vị ở láng giềng là đơn vị nhỏ nhất, tương đương với một tổ dân phố hiện nay ở
đô thị Việt Nam, nó không có giới hạn quá chặt chẽ về quy mô dân số. Quy mô diện tích của
đơn vị ở láng giềng khoảng từ 3 đến 4 ha. Đất đai của đơn vị ở láng giềng hiện nay chủ yếu
là đất xây dựng nhà ở các loại. Sở dĩ nó có tên là đơn vị ở láng giềng vì trong đơn vị ở này
mối quan hệ xã hội chủ yếu mang tính láng giềng cùng xóm, cùng ngõ, quen biết nhau, quan
tâm đến nhau, cùng chung mối quan tâm hàng ngày trong sinh hoạt, giao tiếp,...
- Đơn vị ở cấp phường là đơn vị cơ sở trong cơ cấu quy hoạch khu dân dụng, là đơn
vị ở tương đương với một đơn vị hành chính cấp phường. Quy mô đất đai của đơn vị ở cấp
phường khoảng 16 đến 25 ha, với số dân từ 4000 đến 10000 người (có thể lớn hơn tùy theo
tầng cao xây dựng nhà ở). Một đơn vị ở cấp phường bao gồm nhiều đơn vị ở láng giềng.
- Khu nhà ở là một đơn vị quy hoạch cơ bản đối với các đô thị lớn và rất lớn, nó bao
gồm một số phường có điều kiện địa lý tương tự nhau. Giới hạn của khu nhà ở là các đường
giao thông chính của đô thị và các ranh giới tự nhiên khác như sông ngòi, hồ hoặc kênh
mương trong đô thị. Khu nhà ở có quy mô diện tích trung bình từ 80 đến 100 ha. Trong khu
nhà ở, ngoài các công trình dịch vụ công cộng còn có thể bố trí trường trung học phổ thông,
các cơ sở sản xuất nhỏ không độc hại, các xí nghiệp thủ công nghiệp.
- Khu thành phố: Bao gồm một số khu nhà ở và các công trình văn hóa, hành chính,
chính trị, các công trình dịch vụ công cộng cấp cao như: UBND cấp tỉnh, thành phố, rạp xiếc
cấp tỉnh, cấp trung ương, nhà văn hóa trung tâm tỉnh, bưu điện tỉnh, trường đại học..., nó được
áp dụng cho các thành phố loại I và loại đặc biệt, có quy mô tương đương cấp quận. Khu thành
phố có quy mô diện tích trung bình từ 300 đến 500 ha.
Như vậy, đơn vị hạt nhân của việc phân loại đơn vị ở là đơn vị ở cấp phường. Tùy theo
yêu cầu về quản lý và đầu tư quy hoạch, xây dựng mà người ta có thể chia nhỏ đơn vị ở cấp
phường ra làm nhiều bộ phận nhỏ hơn (đơn vị ở láng giềng) hoặc gộp một số đơn vị ở cấp
phường lại với nhau để trở thành đơn vị lớn hơn (khu nhà ở, khu thành phố). Khi nói đơn vị ở
thì ta hiểu đó là đơn vị ở cấp phường.
45
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Đơn vị ở có các đặc điểm cơ bản sau:
- Đơn vị ở có giới hạn về quy mô dân số
Mỗi đơn vị ở đều có một quy mô dân số nhất định, thường là từ 4000 đến 15000 người.
Trên thực tế, đối với các đô thị có từ lâu đời (đô thị cần được cải tạo) thì quy mô dân số của
các đơn vị ở có thể sai lệch đôi chút do tính phát triển tự do từ lâu.Vì thế nên người ta có thể
chia một đơn vị ở thành nhiều đơn vị ở (nếu dân số của đơn vị ở đó quá lớn) hoặc là gộp một
số đơn vị ở lại với nhau (nếu dân số của các đơn vị ở đó quá nhỏ). Khi quy hoạch các đơn vị ở
mới thì nhà quy hoạch phải tuân thủ theo giới hạn quy mô này và thường lấy con số 7000 dân
làm số chuẩn trung bình.
- Đơn vị ở có giới hạn về quy mô diện tích đất đai:
Giới hạn về quy mô diện tích đất đai của một đơn vị ở được xác định dựa trên:
khoảng cách đi bộ tối đa lấy bằng 5 phút là tới các công trình phúc lợi và dịch vụ công cộng
(tương đương khoảng cách vật lý là 200m - 350m). Nếu các công trình phúc lợi này đặt tại
trung tâm đơn vị ở thì giới hạn quy mô diện tích của đơn vị ở sẽ là một hình tròn có bán kính
200 - 350m hoặc hình vuông có chiều dài cạnh từ 400 -700m. Như vậy, giới hạn về diện tích
giúp cho mọi người trong đơn vị ở có thể tiếp cận đến các công trình công cộng, các dịch vụ
cần thiết hàng ngày một cách nhanh chóng, thuận tiện mà không nhất thiết phải sử dụng bất
cứ một phương tiện giao thông cá nhân nào.
- Đơn vị ở là một tổng thể cân bằng các hoạt động xã hội: cư trú, mua sắm, làm việc,...
Chất lượng môi trường sống không chỉ do điều kiện nhà ở quyết định mà còn được
quyết định bởi sự hiện diện các chức năng phụ trợ cho cuộc sống như: mua sắm, nghỉ ngơi,
sinh hoạt văn hóa,...Trong đơn vị ở có tất cả các hoạt động trên và có các công trình phục vụ
các hoạt động trên.
- Đơn vị ở có ranh giới và có một trung tâm:
Ranh giới của đơn vị ở có thể là ranh giới tự nhiên như rừng, đồng ruộng, sông,
kênh,...hay ranh giới nhân tạo như: đường giao thông chính, đường ray tàu hỏa.
Trung tâm là một thành phần thiết yếu trong đơn vị ở. Trung tâm đơn vị ở là một khu
đất công cộng - lý tưởng nhất là đặt tại trung tâm địa lý của đơn vị ở hoặc sát bờ sông, bờ
biển (đối với các đô thị ven sông, ven biển). Hạt nhân của không gian trung tâm có thể là
một quảng trường, một ngã tư giao thông chính,...Thông thường các công trình như trụ sở ủy
ban, trạm y tế,...được bố trí ở trung tâm đơn vị ở.
- Đơn vị ở có hệ thống giao thông chỉ phục vụ nội bộ, hạn chế đến mức tối thiểu
đường giao thông cấp khu vực trở lên xuyên qua:
Điều này đặc biệt quan trọng để đảm bảo an toàn về mặt giao thông trong đơn vị ở.
Chính vì vậy, phải hạn chế đến mức tối đa những tuyến đường có mật độ xe cộ lớn xuyên qua
đơn vị ở. Lưu ý rằng đối với các đơn vị ở có từ lâu đời thì có thể có đường giao thông cấp khu
vực xuyên qua nhưng các quy hoạch các đơn vị ở mới thì không được phép để điều đó xảy ra.
46
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Đơn vị ở phải được liên kết với các yếu tố bên ngoài về cả giao thông lẫn cơ sở hạ tầng:
Đơn vị ở không thể trở thành một khu vực sống lý tưởng nếu nó không được kết nối
với các khu chức năng khác trong đô thị và các khu vực lân cận khác. Đơn vị ở phải được
kết nối với bên ngoài về giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó phải có sự liên kết làm
sao để khoảng cách từ đơn vị ở đến các công trình như bệnh viện, trường học,...là nhỏ nhất.
Đơn vị ở của khu dân dụng được phân ra như sau:
- Đối với đô thị rất lớn có: Đơn vị ở láng giềng, đơn vị ở cơ sở cấp phường, khu nhà ở
và khu thành phố.
- Đối với đô thị lớn có: Đơn vị ở láng giềng, đơn vị ở cơ sở cấp phường và khu nhà ở.
- Đối với đô thị trung bình có: Đơn vị ở láng giềng, đơn vị ở cấp phường và khu nhà
ở (có thể có hoặc không).
- Đối với đô thị nhỏ chỉ có: Các đơn vị ở láng giềng hoặc đơn vị ở cấp phường tùy
theo điều kiện cụ thể để bố trí.
Cơ cấu tổ chức khu dân dụng
Cơ cấu tổ chức khu dân dụng là hình thức bố cục các khu chức năng trong đô thị bảo
đảm cho các đơn vị chức năng đó hoạt động và phát triển hài hòa. Cơ cấu tổ chức khu dân
dụng được thể hiện qua sơ đồ:
Đơn vị đô thị Đơn vị hạt nhân tương ứng
Thành phố Trung tâm
thành phố
Không gian công
cộng cụm nhà ở
T.T quận hay
khu thành phố
T.T đơn vị ở cơ
sở cấp Phường
T.T Khu nhà ở
Đơn vị ở
láng giềng
Khu
nhà ở
Đơn vị ở
cấp phường
Khu
thành phố
47
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 2.7: Sơ đồ cấu trúc tổ chức khu dân dụng
2.2.2.3.3. Bố trí nhà ở trong khu dân dụng
* Các loại nhà ở
Nhà ở là bộ phận chủ yếu trong tổ chức không gian khu ở. Nhà ở có thể phân thành
những loại sau:
- Nhà ở ít tầng: là loại nhà có từ 1 đến 2 tầng, xây dựng khá phổ biến ở nhiều nơi,
đặc biệt là trong các đô thị nhỏ. Nhà ở ít tầng bao gồm loại có vườn riêng và loại không
có vườn riêng. Nói chung nhà ở ít tầng nên có vườn, dù chỉ là một mảnh đất nhỏ.
Nhà ở ít tầng được bố trí theo nhiều hình thức gồm nhà ở độc lập, nhà ghép đôi, nhà
ghép theo từng dãy hay từng cụm.
- Nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ: là loại nhà ở chung cư được dùng rộng rãi trong
quy hoạch các khu nhà ở. Loại nhà này được thiết kế theo nhiều kiểu khác nhau, có chiều
cao từ 3 tầng trở lên.
Hình 2.8. Mô hình một căn biệt thự cao cấp
48
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
* Các hình thức bố trí nhà ở
Trong quy hoạch các khu nhà ở, ngoài việc chọn các loại nhà cho thích hợp với
người ở trong ngôi nhà, việc bố trí sắp xếp các công trình đó trên khu đất xây dựng có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng. Bố trí nhà ở hợp lý tức là giải quyết tốt mối quan hệ giữa công
trình với mọi điều kiện tự nhiên, điều kiện kỹ thuật, nghệ thuật kiến trúc và tổ chức cuộc
sống trong môi trường ở.
Khi bố cục nhà ở, khoảng cách giữa các nhà ở được xác định tùy theo cách bố cục
công trình, nhưng phải đảm bảo được yêu cầu vệ sinh, yêu cầu về thi công, yêu cầu
chống ồn, chống cháy.
Nghệ thuật bố cục không gian kiến trúc trong quy hoạch khu nhà ở rất phong phú và có
nhiều hình thức khác nhau:
- Hình thức bố cục dạng song song: là hình thức bố trí phổ biến để phù hợp với điều
kiện địa hình và khí hậu, song dễ đơn điệu.
Hình 2.9. Bố cục nhà ở dạng song song
- Hình thức bố cục dạng hình học: các công trình có xu hướng tập trung xung quanh một
yếu tố không gian nào đó (ví dụ: trung tâm).
Hình 2.10. Bố cục nhà ở dạng hình học
Nhà ở
các loại
Cây xanh
Nhà ở các loại
Trung tâm công cộng
49
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
- Hình thức bố cục dạng tự do: là hình thức bố trí công trình tùy theo địa hình, khu vực.
Hình 2.11. Bố cục nhà ở dạng tự do
- Hình thức bố cục theo dạng hỗn hợp: là hỗn hợp của dạng tự do và dạng hình học.
Địa hình dốc
Nhà ở các loại
Địa hình phẳng
50
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Hình 2.12. Bố cục nhà ở dạng hỗn hợp
Nói chung, có nhiều cách bố trí nhà ở khác nhau trong khu ở để có được những không
gian ở sinh động và thích hợp. Điều quan trọng là nhà quy hoạch phải biết sử dụng linh hoạt
và kết hợp nhiều cách bố cục khác nhau để bố trí nhà ở cho thích hợp. Tuy nhiên, dù bố trí
theo cách nào đi nữa thì cũng phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:
+ Bố trí nhà ở cần áp dụng các biện pháp thiết kế thích hợp với điều kiện địa hình,
khí hậu của địa phương, đảm bảo nhà ở nằm trong phạm vi phục vụ của các công trình
công cộng khác.
+ Bố trí nhà ở phải bố trí theo hướng tốt. Nếu cần tạo không gian mặt phố có thể bố trí
một số nhà không theo hướng tốt nhưng không quá 10% diện tích ở so với tổng diện tích khu
nhà ở. Những nhà có hướng xấu cần được thiết kế riêng với những khoảng cách thích hợp.
Chú thích: Hướng nhà ở tốt là hướng đón được nhiều gió mát và tránh được ánh
sáng chiếu trực tiếp vào phòng ở về mùa hè, tránh được gió lạnh và nhận được ánh sáng
chiếu trực tiếp vào phòng về mùa đông.
2.2.2.3.4. Bố trí công trình dịch vụ công cộng trong đơn vị ở
Các công trình dịch vụ công cộng trong đơn vị ở bao gồm các công trình phục vụ các
nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người ở về các lĩnh vực:
- Nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý và giáo dục trẻ em.
- Cung cấp các nhu yếu phẩm thông thường hàng ngày.
- Ăn uống, giải khát và lương thực, thực phẩm.
- Sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ vệ sinh thẩm mỹ, dịch vụ kỹ thuật đơn giản.
- Y tế và bảo vệ sức khỏe, bảo hiểm xã hội.
- Văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em, người già.
- Thông tin liên lạc, giao thông đi lại.
- Quản lý xã hội, quản lý đô thị.
- Chợ, buôn bán,...
Nhà ở các loại
51
Quy hoạch đô thị và khu dân cư nông thôn Trần Trọng Tấn
Với số lượng loại công trình dịch vụ rất đa dạng phân bố trên một quy mô không lớn
lắm của đơn vị ở đô thị thì rất khó có thể xác định và phân bố một cách cụ thể vị trí cho từng
công trình. Tuy nhiên, có thể bố trí kết hợp tất cả các loại dịch vụ công cộng gần giống nhau
vào một công trình hay một cửa hàng, tuy có nhiều bất cập nhưng đây vẫn là loại hình cần
được nghiên cứu và phát huy.
+ Có thể bố trí các cơ sở kinh doanh ngay tại nơi ở. Hình thức này thường xuất hiện
nhiều ở các gia đình ở vị trí mặt tiền, gần các trung tâm buôn bán, thường kinh doanh ở các
tầng dưới và ở các tầng trên.
+ Các công trình nhà trẻ và trường học nên bố trí ở khu đất riêng biệt gần khu cây
xanh trong đơn vị ở, tạo điều kiện vui chơi giải trí và học tập tốt hơn, môi trường trong sạch
hơn cho các em.
+ Các công trình dịch vụ xã hội, văn hóa, y tế,...có thể bố trí tập trung vào một khu
vực, ở đó có cả các dịch vụ như giải khát, ăn uống,...
+ Chợ là một loại hình dịch vụ kinh tế rất phổ biến ở đô thị Việt Nam. Chợ nên bố trí
ở gần các lối vào chính của đơn vị ở, không bố trí chợ ngay sát dọc các đường phố chính của
đô thị làm ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan của đô thị.
+ Các công trình khác như ga ra, sân bãi đỗ xe, chỗ chứa rác,...được bố trí kết hợp với
việc quy hoạch giao thông trong đơn vị ở sao cho hợp lý và khoa học.
2.2.2.3.5. Bố trí đường trong đơn vị ở
Giao thông trong đơn vị ở là một yếu tố rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu đi lại của
người dân. Trong đơn vị ở, đường giao thông được chia thành hai loại là đường ô tô và
đường đi bộ. Nguyên tắc cơ bản khi bố trí đường trong đơn vị ở là phải thuận lợi cho việc sử
dụng các loại phương tiện tham gia giao thông và đảm bảo các phương tiện giao thông có
thể đi đến tận từng công trình được xây dựng tại các vị trí khác nhau trong
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bai_giang_qh_dt_kdcnt_0141.pdf