Giá trị nhân văn của những hồi ức về thời thơ ấu trong văn học Việt Nam sau 1975

Tài liệu Giá trị nhân văn của những hồi ức về thời thơ ấu trong văn học Việt Nam sau 1975: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 15 GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA NHỮNG HỒI ỨC VỀ THỜI THƠ ẤU TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM SAU 1975 Humanistic values of childhood recollections in Vietnamese literature after 1975 TS. Ngô Thị Ngọc Diệp Trường Đại học Sài Gòn Tóm tắt Trong văn xuôi Việt Nam sau 1975, các dạng thức hồi ức tuổi thơ rất phát triển, khẳng định vị trí ưu trội của nó trong việc thỏa mãn nhu cầu tìm về tuổi thơ, bộc lộ cái nhìn và sự chiêm nghiệm cá nhân. Giá trị nổi trội của mảng sáng tác đặc biệt này là đưa lại một thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đẹp đẽ, đậm chất nhân văn. Ở đó, có những kỉ niệm ngọt ngào, nhân cách trẻ thơ trong sáng, tình cảm gia đình sâu nặng và tình người ấm áp; ở đó trẻ thơ được yêu thương, quí trọng và đề cao. Bị chi phối bởi cơ chế hồi ức và sự trải nghiệm...

pdf13 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 450 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giá trị nhân văn của những hồi ức về thời thơ ấu trong văn học Việt Nam sau 1975, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 15 GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA NHỮNG HỒI ỨC VỀ THỜI THƠ ẤU TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM SAU 1975 Humanistic values of childhood recollections in Vietnamese literature after 1975 TS. Ngô Thị Ngọc Diệp Trường Đại học Sài Gòn Tóm tắt Trong văn xuôi Việt Nam sau 1975, các dạng thức hồi ức tuổi thơ rất phát triển, khẳng định vị trí ưu trội của nó trong việc thỏa mãn nhu cầu tìm về tuổi thơ, bộc lộ cái nhìn và sự chiêm nghiệm cá nhân. Giá trị nổi trội của mảng sáng tác đặc biệt này là đưa lại một thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đẹp đẽ, đậm chất nhân văn. Ở đó, có những kỉ niệm ngọt ngào, nhân cách trẻ thơ trong sáng, tình cảm gia đình sâu nặng và tình người ấm áp; ở đó trẻ thơ được yêu thương, quí trọng và đề cao. Bị chi phối bởi cơ chế hồi ức và sự trải nghiệm của nhà văn, thế giới đó hiện lên vừa lung linh, đẹp đẽ, vừa đọng lại nhiều điều để suy ngẫm, tiếc nuối về thời đã qua, về trẻ thơ, về tình cảm con người và đặt ra vấn đề xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ khóa: hồi ức, giá trị nhân văn, thời thơ ấu, trẻ thơ Abstract In Vietnamese prose after 1975, the forms of childhood recollections have very much developed, affirming its dominant position in satisfying the needs to recall childhood, revealing personal insight and contemplation. The outstanding value of this special composition is to bring back an innocent, beautiful, and humanistic childhood world. There are sweet memories, pure young child’s personality, deep family affection and warm human love, in which children are loved, valued and appreciated. To be controlled by the recollection mechanism and the writer's experience, that world appears sparkling and beautiful; still, it has many things to ponder and regret about the past, the childhood, human emotions and raise a problem of building a better life. Keywords: recollection, humanistic values, childhood, young child 1. Mở đầu Một điểm đáng chú ý của văn xuôi Việt Nam sau 1975 là sự xuất hiện nhiều tác phẩm sử dụng hồi ức tuổi thơ làm chất liệu nghệ thuật (bao gồm hồi kí, tự truyện, tiểu thuyết có tính tự truyện viết về thời thơ ấu, có thể gọi chung là các dạng thức hồi ức tuổi thơ). Mảng sáng tác đặc biệt này khẳng định vị trí ưu trội trong việc thỏa mãn nhu cầu tìm về tuổi thơ, về với miền kí ức trong trẻo luôn có xu hướng sống dậy trong tâm thức mỗi người. Đến với thời thơ ấu, con người như đang kiếm tìm sự bằng an cho tâm hồn khi phải đối diện quá nhiều những bon chen, áp lực, sự căng thẳng và nhiễu tâm. Giá trị nổi trội Email: nhatdiep71@gmail.com SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 16 của những hồi ức về thời thơ ấu là đưa lại một thế giới tuổi thơ trong sáng, đẹp đẽ, đậm chất nhân văn. Ở đó, có những kỉ niệm của thời đã qua, vẻ đẹp của nhân cách trẻ thơ, tình cảm gia đình sâu nặng và tình người ấm áp. Bị chi phối bởi cơ chế hồi ức và sự trải nghiệm của nhà văn, thế giới đó hiện lên vừa lung linh, đẹp đẽ, vừa đọng lại nhiều điều để suy ngẫm, nuối tiếc. Làm sao để nhớ về tuổi thơ của mình với tất cả niềm yêu thương dịu dàng, bởi: “Tuổi thơ của ai cũng vậy, nó chứa đựng những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có thể cho ta, khi nắng bao giờ cũng lấp lánh và gió bao giờ cũng ngát hương” (Vũ Thư Hiên)? Làm sao để mọi người sống với nhau bằng trái tim con trẻ hồn nhiên, thánh thiện khi cuộc sống cứ quá căng thẳng, phức tạp, nhiều bất ổn mà nhân văn lại có chiều giảm sút? Từ sự trở về tuổi thơ mà đánh thức phần tâm hồn đẹp đẽ ở mỗi người; từ sự nâng niu, quý trọng nhân cách các em mà có ý thức xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó chẳng phải là giá trị nhân văn thấm đẫm, sâu sắc của loạt tác phẩm viết về thời thơ ấu trong văn học Việt Nam sau 1975 sao? 2. Nội dung Nói giá trị nhân văn là chạm đến cái cốt lõi của văn chương. Văn chương luôn hướng tới những vấn đề của con người nên nhân văn bao giờ cũng là thước đo giá trị tác phẩm mọi thời đại. Trong văn học nói chung, các nhà nhân văn chủ nghĩa coi con người và đời sống trần thế của nó là mục đích cao nhất. Họ khẳng định "Con người là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài" (Wiliam Shakespeare); lên tiếng ca ngợi tình yêu trần thế, tự do; đặt ra vấn đề giải phóng cá nhân, chống lại những gì gây ra cho nhân loại cảnh bất hạnh, tội lỗi... Không đi ra ngoài quỹ đạo tiếng nói nhân văn, nhưng văn học viết cho thiếu nhi thể hiện giá trị này ở góc độ khá đặc biệt, phù hợp với đối tượng thẩm mĩ của nó. Trẻ thơ chính là hiện thân của cái đẹp, nói như nhà thơ Định Hải: "Đó là thế giới thần tiên trong sạch, chỉ có cái đẹp và vươn tới cái đẹp". Các nhà văn bao giờ cũng chú ý khắc họa vẻ đẹp tâm hồn tuổi thơ với những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ, những hành động giàu lòng trắc ẩn, những khát khao khám phá, sáng tạo. Thế giới xung quanh các em cũng trở nên tốt đẹp hơn, ở đó vẫn có sự hiện diện của cái xấu, cái ác nhưng sự chính nghĩa, lòng tốt, cái cao thượng mới khẳng định ưu thế và sức mạnh của nó. Tất cả thể hiện một chất nhân văn lí tưởng, tạo niềm tin về sự tất thắng của những giá trị tốt đẹp, vĩnh hằng trong cuộc sống. 2.1. Ngợi ca thế giới tuổi thơ đẹp đẽ trong kí ức, hoài niệm Thế giới tuổi thơ vốn trong sáng, tươi vui, đẹp đẽ. Với các hồi ức về thời thơ ấu, khi đắm mình trong cảm xúc yêu thương, tiếc nhớ, thế giới đó càng được tô đậm, lung linh hơn. Các nhà văn cho ta hình dung rõ nét về một cuộc sống hồn nhiên, trong trẻo và đầy sôi nổi, đam mê của trẻ thơ. Nét thơ ngây, đáng yêu của các em luôn được ống kính hồi tưởng của nhà văn bắt lấy trước tiên. Đó là cái ấm ức của một chú bé sơ sinh khi không hiểu sao những gì mình thích đều bị giật ra, bị treo lên: “Tôi đúng là bị biến thành con chó, chỉ được phép giương mắt nhìn những thứ mà mình thích, nhưng không thể gặm mõm vào được” (Kao Sơn, 2017, tr.14); cái thật thà của cậu bé Mừng khai “biết bồng em” khi xin vào Vệ quốc đoàn (Tuổi thơ dữ dội); hay cái ngây thơ nghĩ mình có thể thay đổi cả thế giới của cu Mùi, Hải cò, Tủn, Tí sún (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ) Quãng NGÔ THỊ NGỌC DIỆP TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 17 đời tuổi thơ luôn hấp dẫn với những sinh hoạt, vui chơi đầy hào hứng. Kí ức các nhà văn mở ra cả một thế giới trò chơi và thú vui thuở bé vô cùng ngọt ngào cuốn hút, trong đó không thiếu những chuyến “phiêu lưu”, những trò nghịch dại. Vũ Thư Hiên đưa người đọc trở về miền thơ ấu với bao trò chơi mải mê của bọn trẻ trong làng: chơi trốn tìm, ô ăn quan, giải gianh, câu công cống, câu cá, thả diều (Miền thơ ấu). Trong Miền xanh thẳm, Thiện và Bảo có thể đội mưa, chịu rét cả đêm để bắt “cá cóng” hay lũ ếch béo mầm. Hai cô bé Bê và Loan có cả một kho tàng bí mật giấu trên đảo Hoa Vàng và thường xuyên trốn mẹ bơi thuyền vượt sông để thăm nó (Hành trình ngày thơ ấu). Có thể nói, các cậu bé, cô bé tuổi học trò luôn tạo cho mình một thế giới riêng để đắm mình trong đó với bao thích thú, say mê và mơ mộng. Tuổi thơ rất giàu tình cảm, giàu lòng trắc ẩn. Bản tính thiện, lòng tốt, tình yêu trong sáng luôn sẵn có trong các em để sẻ chia với những người xung quanh. Có thể thấy hình ảnh một cậu bé Khán nhạy cảm, biết quan tâm những con người nhỏ bé, tàn tật, sống cô đơn, còm cõi như bà Chùa, bà Vinh, bà Sứt, ông Đống trong Tuổi thơ im lặng. Ở Miền thơ ấu, cậu bé Thư gần gũi và yêu thương những con người khắc khổ, cơ nhỡ như ông Nhiêu Tuất, cô Thiệp, cô Nhất, cô Gái, chú Khóa. Cô bé Bê mạnh mẽ, bướng bỉnh nhưng luôn dành tình cảm chân thành cho những con người có cảnh ngộ đáng thương như Ly, Đào Ca, Dũng còm, bé Cau và người mẹ tàn tật (Hành trình ngày thơ ấu) Một nét đẹp của tâm hồn trẻ thơ là ước mơ, khát vọng. Khi quay về tuổi thơ, chắc chắn mỗi chúng ta đều mỉm cười nhớ lại những mơ ước thuở bé. Hồi ức tuổi thơ đã đi sâu vào đời sống nội tâm, hé lộ những ước mơ riêng tư, thầm kín của các em. Khát vọng cháy bỏng của mọi đứa trẻ là được đến trường. Đó tưởng chừng là ước mơ bình thường, nhỏ bé nhưng rất lớn lao vì nó mở ra nhiều kì vọng tốt đẹp cho con người và không phải ai cũng dễ dàng đạt được. Với mỗi em, ước mơ đến trường hiện lên trong niềm khao khát và mong mỏi khác nhau. Cô bé Bê đau khổ, luyến tiếc với ước mơ đã trở nên xa vời khi bị đuổi học (Hành trình thời thơ ấu); những học sinh Cao Bằng phải trải qua bao khó khăn thử thách để chinh phục con chữ (Đường về với mẹ Chữ) Không chỉ được đến trường, ước vọng tuổi thơ còn mở ra vô tận và niềm khát khao đủ lớn để trong mọi hoàn cảnh các em luôn nuôi dưỡng nó. Những ngày trọ học khổ cực, thiếu thốn nhưng các bạn nhỏ trong Miền xanh thẳm vẫn không ngừng đeo đuổi những ước mơ bay bổng như trở thành kĩ sư địa chất để tìm ra những vỉa quặng lớn nhất nước, trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người, trở thành nhà văn viết những tác phẩm thật hay... Khát vọng lớn nhất của trẻ thơ là vượt lên chính mình. Trong những hoàn cảnh bất hạnh nhất các em vẫn không ngừng khao khát vươn lên. Mong muốn có cuộc sống như bao đứa trẻ bình thường khác, Vững đã vượt qua mặc cảm thân phận con nuôi, là gánh nặng cho gia đình, kiên quyết đứng lên trên đôi chân gần như bại liệt. Nỗ lực, kiên trì luyện tập, học tập trong đau đớn và chua xót, sau cùng cậu bé ốm yếu, tật nguyền ngày nào đã tốt nghiệp đại học y khoa, rồi trở thành nhà văn nổi tiếng (Tuổi thơ khát vọng). Sẽ không hoàn thiện vẻ đẹp của trẻ thơ nếu không nhắc đến cái mạnh mẽ, dũng cảm của lứa tuổi đang muốn khẳng định SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 18 mình. Chính sự trong sáng, hồn nhiên khiến các em có sức mạnh và sự can đảm kì lạ mà đôi khi người lớn không có được. Người đọc thật sự xúc động và ấn tượng với một Vịnh-sưa đột nhập khu vực giặc đóng, trèo lên nóc lầu chót vót, dùng cờ tín hiệu báo cho quân ta về kho xăng đạn bí mật của địch. Em đã hi sinh và tạc một tượng đài lịch sử “tưởng như chính lửa đã tạc khắc nên” (Tuổi thơ dữ dội). Trong Cơn giông tuổi thơ, những đứa trẻ chăn trâu, ở đợ như Thắng, Tâm-đen đã rất gan góc từ những lần đánh nhau với cá sấu đến những trận chiến trực diện với kẻ thù Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, cuộc sống sinh hoạt bình thường cũng cho thấy khí chất mạnh mẽ, can đảm của các em. Cô bé Bê một mình dám chống trả thầy Gia - một con người giả dối, bất công (Hành trình ngày thơ ấu). Bảy em học sinh Lư, Hồng, Hỏn, Tập, Hoảnh, Tâm, Lạng phải trèo đèo lội suối suốt chín ngày đêm, vượt qua chặng đường dài gần 300 cây số, thường xuyên chống lại trộm cướp, hổ báo, rắn rết để đến trường (Đường về với mẹ Chữ). Đó là những hình ảnh trẻ thơ cứng cỏi, đầy nghị lực, tạo ấn tượng sâu đậm trong kí ức nhà văn. Có thể nói, với cảm hứng hồi tưởng, tiếc nhớ, sự ùa về của bao kỉ niệm khó phai và cái nhìn tinh tế, nhập thân vào trẻ thơ, hiểu các em, các nhà văn đã khắc họa khá đầy đặn, sinh động vẻ đẹp tuổi thơ. Kí ức tuổi thơ mở ra một thế giới hồn nhiên, trong sáng, đầy ắp tình yêu thương, sự ngay thẳng, mạnh mẽ, những hoạt động sôi nổi, những niềm vui bất tận. Làm sống dậy những hình ảnh đẹp đẽ về trẻ thơ, các tác giả đã thể hiện sự nâng niu đối với tuổi ngọc ngà, gửi gắm ước vọng về những điều tươi sáng, tốt đẹp. 2.2. Đề cao tình cảm gia đình và tình người ấm áp Một phương diện thể hiện rõ giá trị nhân văn trong hồi ức về thời thơ ấu sau 1975 là ngợi ca phẩm chất, tình cảm tốt đẹp của con người. Gia đình là nơi khởi đầu những phẩm chất đẹp đẽ, là cái nôi của sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ thơ. Không phải ngẫu nhiên mỗi người trưởng thành đều nhớ da diết và biết ơn nơi nuôi dưỡng tâm hồn mình từ thuở ấu thơ. Với tâm thế đó, các hồi ức về tuổi thơ thường nhớ lại những kỉ niệm gắn bó của các em với gia đình, tình cảm tốt đẹp của những người thân dành cho nhau. Cuốn tiểu thuyết tự truyện Miền thơ ấu cứ làm người đọc nhớ đến một đại gia đình yêu thương, một cộng đồng gắn kết tối lửa tắt đèn có nhau. Cậu bé Thư biết gắn bó với quê hương và hướng về tổ tiên nguồn cội chính là nhờ những năm tháng sống ở quê nội với người cô như được sinh ra với sứ mệnh gìn giữ “nếp nhà”. Cái gốc rễ gia đình ở quê hương bé Thư vẫn còn sâu nặng lắm. Trong Miệt vườn xa lắm, cô bé Tám Tiệp phác họa một cách dí dỏm cái tôn ti trật tự của gia đình mình mà “thủ lĩnh” Tư Ràng cất công xây dựng để: “Bầy con của anh Ba tui lớn lên biết kính trên nhường dưới, biết ngó trước ngó sau, biết chân chỉ thật thà” (Dạ Ngân, 2012, tr.58). Trong gia đình này ai cũng phải có nghĩa vụ lao động và sống “thắt lưng buộc bụng” nhưng lại rộng rãi hay “cho chác” người khác, bởi theo cô Tư Ràng thì: “Của ăn là của hết, của cho là của còn” (Dạ Ngân, 2012, tr.52). Đó là suy nghĩ sâu sắc, thể hiện lối sống nghĩa tình, thơm thảo của người dân Nam bộ xưa. Trẻ thơ luôn được thừa hưởng những phẩm chất tốt đẹp của các thành viên NGÔ THỊ NGỌC DIỆP TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 19 “người lớn” trong gia đình. Đặc biệt, các em rất gần gũi, quấn quýt với ông bà. Với trẻ con ngây thơ, bồng bột thì ông bà mới là người có đủ trải nghiệm, thời gian và lòng yêu thương để lắng nghe, chăm bẵm chúng. Những ngày đầu xa gia đình, cậu bé Thư đã “nhớ mẹ thì ít mà nhớ bà thì nhiều”. Người bà của Thư như bước ra từ chuyện cổ tích với đôi mắt hiền từ, gương mặt phúc hậu, cái nhìn dịu dàng. Bà dạy bọn trẻ biết yêu thương, trân trọng người kém may mắn quanh ta từ những việc nhỏ, như cách giúp đỡ những người ăn mày: “Bà cấm chúng tôi không được ném tiền xuống đất để bắt người ăn mày mù sờ soạng tìm, mà phải đặt tiền vào tận tay hoặc bỏ vào đấu, bỏ chứ không được ném” (Vũ Thư Hiên, 1988, tr.43). Tâm hồn giàu tình cảm của Thư có lẽ ảnh hưởng từ người bà nhân từ. Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng làm nổi bật phẩm chất của một người bà nhân hậu, giàu đức hi sinh. Với hai đứa cháu côi cút, bé bỏng, bà như cây sào mảnh mai mà cứng cỏi, cố gắng chèo chống để nuôi nấng, bảo bọc, nhẫn nhịn nhận về mình mọi cơ cực, khổ đau. Cậu bé Duy mãi nhớ về bà của mình với lòng biết ơn vô hạn: “Ơn bà mãi mãi cháu để hai vai. Bà nhịn cho chúng cháu ăn. Bà lạnh cho chúng cháu ấm. Bà bế bồng dìu dắt chúng cháu đi qua những năm tháng cách trở, lừa lọc, phản trắc, bất công” (Ma Văn Kháng, 2006, tr.275). Nhà văn Vũ Đức Nguyên viết cuốn tự truyện Tuổi thơ khát vọng để tưởng nhớ công ơn người ông của mình: “Tôi viết cuốn sách này là để tưởng nhớ hương hồn ông ngoại và tặng con trai tôi, cùng các em nhỏ tàn tật yêu thương” (Lời đề từ tác phẩm Tuổi thơ khát vọng). Người đọc không khỏi xúc động với hình ảnh ông ngoại của Vững qua từng trang sách. Là người thâm trầm, sâu sắc, ông cảm thông cho đứa con gái một nách ba con vất vả nhưng cũng trách con cạn nghĩ, xốc nổi khi nỡ cay nghiệt với đứa con nuôi đang ốm liệt giường. Chính ông đã thức trắng đêm để tìm cách cứu đứa cháu bất hạnh trong cơn thập tử nhất sinh rồi sắp đặt mọi việc để đỡ con nuôi cháu Có thể nói, hình ảnh người ông, người bà qua màn sương hoài niệm được nâng lên thành những biểu tượng cho thiên tính, luôn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Cha mẹ là hình tượng thể hiện rõ nhất tình cảm gia đình, bởi tình yêu thương họ dành cho con cái là nguồn tình cảm dạt dào nhất. Người mẹ là đối tượng gắn bó đặc biệt với trẻ thơ. Trong kí ức của cậu bé Khán, hình ảnh mẹ luôn hiện về với dáng vẻ lo toan vất vả. Tác giả không bao giờ quên đôi vai gầy chai sạn vì gánh gồng của mẹ: “Đôi vai của mẹ thành chai từ bao giờ con không biết Nhưng chính đôi vai xương xẩu, bé nhỏ, mỏng manh ấy lại gánh được bao thứ mà người thường không gánh nổi” (Duy Khán, 1985, tr.57). Cuộc đời của mẹ gắn với bao công việc làm lụng tất bật: gánh củi đi bán, gánh thóc về xay giã, gánh gạo đến nơi con trọ học, những chuyến buôn bán chợ gần, chợ xa. Ấn tượng sâu đậm nhất là những lần ngóng trông mẹ về. Thật cảm động và vui sướng khi đi đâu về, mẹ cũng có quà cho con trẻ, như chim mẹ tha mồi về cho chim con. Sống lại niềm vui nhỏ bé ngày xưa, tác giả không nguôi nhớ thương, tiếc nuối: “Ước gì mình cứ bé mãi để được reo lên: “U về! U về!”. Ước gì u cứ sống mãi để chúng tôi được reo lên “U về! U về!” (Duy Khán, 1985, tr.66). Trong cuốn tự truyện Miền xanh thẳm, mẹ của Thiện tuy ốm yếu nhưng luôn lo lắng cho con hết mực. Trí SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 20 nhớ trẻ con của em vẫn không bao giờ quên được hình ảnh người mẹ hoảng hốt lo sợ ngồi che chắn máy bay cho con: “Thật giống cái cảnh gà mẹ xòe cánh che chở cho bầy gà con khi có diều hâu chao liệng trên đầu” (Trần Hoài Dương, 2000, tr.130). Mẹ sinh nở tám lần, ốm đau mà không có điều kiện chạy chữa thuốc thang, trong lúc hấp hối mẹ đã khóc lặng lẽ vì thương đàn con nhỏ dại. Chính mẹ đã đặt cho Thiện một cái tên thật ý nghĩa (sau này trở thành bút danh: Trần Hoài Dương): “Mẹ tôi rất yêu hoa, thích trồng hoa, đặc biệt là hoa quỳ, tức hoa hướng dương. Chắc mẹ mong mỏi con trai mẹ cũng giống loài hoa ấy, lúc nào cũng hướng về phía mặt trời, hướng về phía ánh sáng, phía ngay thẳng, chính trực, phía của cái đẹp, hướng thiện” (Trần Hoài Dương, 2000, tr.133). Cùng là đấng sinh thành, hiện thân cho tình yêu thương và đức hi sinh nhưng trong văn học nói chung và hồi ức tuổi thơ nói riêng, hình ảnh người cha thường không được thể hiện nổi bật, phong phú bằng hình ảnh người mẹ. Hơn nữa, quá khứ được tái hiện trong hồi ức sau 1975 thường là những câu chuyện về một thời khó khăn của đất nước, những người đàn ông phải xa gia đình để gánh vác trọng trách xã hội, ít được trực tiếp thể hiện tình cảm với con cái. Điều này giải thích vì sao xuất hiện nhiều ông bố “đi vắng” đến vậy: ba của Tiệp Kiến Vàng giao cả ba má, vườn tược và bầy con của mình cho cô em gái để đi làm cách mạng rồi trở thành tù chính trị thụ án hai mươi năm ở Côn Đảo (Miệt vườn xa lắm); bố của Bê là thủ trưởng một đơn vị bộ đội biên phòng ở Khậu Phai, Cao Bằng, thuộc biên giới phía Bắc xa xôi (Hành trình ngày thơ ấu); bố của Vững tham gia cách mạng, làm công tác đoàn thể nên cứ đi biền biệt (Tuổi thơ khát vọng); bố của Thiện tham gia kháng chiến trong một đơn vị quân y nay đây mai đó khắp nhiều miền đồi núi Thái Nguyên (Miền xanh thẳm) Tuy nhiên, hồi ức tuổi thơ cũng khắc họa được một số hình ảnh đẹp về người cha. Nếu hình ảnh người mẹ hiện lên rõ nét với tình thương yêu, chăm sóc, đức hi sinh thì những người bố lại hiện thân cho chỗ dựa tinh thần, sự dạy dỗ, bảo ban con cái. Trong Tuổi thơ im lặng, tác giả luôn nhớ về người cha nhọc nhằn với đôi bàn chân dầm sương giãi nắng đã thành bệnh: “Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm” (Duy Khán, 1985, tr.55). Ấy vậy mà cha luôn dạy con có ý thức giữ gìn đôi bàn chân để đi cho thật khỏe, thật xa! Cha của Khán hay dạy chữ, dạy con đọc sách và hay mang về những món quà để mở rộng hiểu biết và làm giàu tâm hồn con trẻ. Qua hồi ức của Trần Hoài Dương, hình ảnh người cha hiện lên với vẻ đẹp truyền thống. Ông có tấm lòng yêu thương, giúp đỡ mọi người, biết gắn kết mọi người trong gia tộc, chăm lo đến chuyện họ hàng, huyết thống, mồ mả đất cát ông bà. Đó chính là những gì tốt đẹp nhất ông “trang bị” cho con cái: “Tóm lại, chúng tôi đã thừa hưởng ở bố tôi một tình cảm cốt lõi và bậc nhất của nhân cách con người, đó là tấm lòng nhân hậu, khoan hòa” (Trần Hoài Dương, 2000, tr.175). Có thể nói, hồi ức tuổi thơ đã làm sống dậy truyền thống gia đình và hình ảnh bao người thân yêu như những biểu tượng đẹp đẽ. Màn sương hoài niệm và cảm xúc yêu thương càng tô đậm vẻ đẹp của mái nhà xưa, làm cho mỗi gương mặt thân thương hiện ra đẹp hơn, đáng nhớ hơn. Ngợi ca vẻ NGÔ THỊ NGỌC DIỆP TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 21 đẹp của tình mẫu tử, phụ tử và thấy được sự tác động ở chiều sâu nhân cách trẻ thơ, đó chính là sự thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của hồi ức tuổi thơ sau 1975. Không chỉ đề cao tình yêu thương giữa những người thân trong gia đình, tình cảm cộng đồng cũng được thể hiện vô cùng ấm áp, đặc biệt khi các nhà văn nói đến thầy cô giáo, đối tượng rất gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi. Hình ảnh thầy cô như một phần kí ức đẹp đẽ luôn hiện về trong nỗi nhớ và sự yêu thương, kính trọng của các em. Một điển hình cho vẻ đẹp nhân cách của người thầy qua hồi ức tuổi thơ đó là “bố Thế” trong Hành trình ngày thơ ấu. Các em học sinh gọi thầy là “bố” với tất cả tình yêu thương, trìu mến và kính trọng, xem thầy như người cha thứ hai của mình. Đây là cảm nhận của cô bé Bê về người thầy tuyệt vời: “Công bằng và nhân hậu, nâng đỡ và dìu dắt con người cho tới khả năng cuối cùng, thành thực và chất phác, đó là những đức tính chúng tôi nhận được ở thầy” (Dương Thu Hương, 1985, tr.29). Thầy giáo Khang trong Tuổi thơ khát vọng cũng là một người thầy đáng kính. Thầy rất thương những học trò tật nguyền và luôn quan tâm, động viên các em. Thầy tìm từng cuốn sách hay cho học trò đọc, vui mừng mỗi khi các em đến lớp đầy đủ. Chính thầy là người khích lệ và nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ của người học trò có đôi chân bại liệt. Những lời nhắn nhủ và tin tưởng của thầy là động lực để Vững biến ước mơ thành hiện thực: “Nếu em khao khát trở thành người thầy thuốc đem sức lực và tài năng phục vụ nhân dân thì phải chuyên tâm học tập mới đạt được. Thầy tin là em sẽ vượt qua mọi khó khăn” (Vũ Đức Nguyên, 2004, tr.194) Có thể nói, hình ảnh thầy cô trong hồi ức tuổi thơ thường được khắc họa với góc nhìn truyền thống, đậm tính nhân văn. Hiện lên trong nỗi nhớ, sự quý trọng cùng cảm hứng lí giải quá trình hình thành nhân cách của trẻ thơ, hình ảnh thầy cô càng được khắc sâu, đề cao những phẩm chất đáng quý và sức ảnh hưởng sâu sắc của nó. Trong khi trở về tuổi thơ, các nhà văn còn đưa người đọc trở về làng quê, cội nguồn quê hương của người dân Việt để chứng kiến những mối quan hệ cộng đồng tốt đẹp còn lưu giữ. Ở miền quê nghèo khó của Duy Khán trong Tuổi thơ im lặng, con người khắc khổ, lam lũ nhưng luôn đối xử với nhau bằng cái tình chân chất, đơn sơ nhưng nồng ấm. Bà cả Tuệ với cái quán nghèo nhưng hào phóng đã che chở cho nhiều người cơ nhỡ; lòng nhân hậu của bác Xa, lòng trắc ẩn của bác Dao; tình bạn của Khán với em Dị, của bà Vinh với bà Nụ Kí ức của cậu bé Thư cũng hiện rõ sự coi trọng tổ tiên họ hàng, tình làng nghĩa xóm như một nét đẹp văn hóa của quê hương. Sự mộ đạo thêm phần gắn kết mọi người. Những buổi lễ sớm để lại hình ảnh thật đẹp: “Con đường trước cổng nhà tôi bỗng nườm nượp bóng người và vang lên những lời chào hỏi niềm nở Làng tôi bỗng trở thành một gia đình. Mọi người đều bộc lộ lòng yêu thương đối với nhau và trong thâm tâm có dễ người ta chỉ mong cho nhau sự tốt lành” (Vũ Thư Hiên, 1988, tr.102). Tình hàng xóm láng giềng thể hiện rõ và cảm động qua những hành động cưu mang, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Trong Côi cút giữa cảnh đời, những người hàng xóm tốt bụng, giàu lòng trắc ẩn như cô Đại Bàng, cô Quyên, ông Vinh pháo, cụ Xương, cụ Tuệ, mỗi người một tay, cảm thông, chia sẻ đã giúp bà cháu Duy vượt qua cơn khốn khó. Họ đã cho SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 22 Duy thấu hiểu: “Nỗi đau khổ được con người nhân hậu nghiêng xuống lắng nghe, thông cảm, cũng có thể được vợi bớt đi và người ta vì thế có thể lại vui sống được” (Ma Văn Kháng, 2006, tr.142). Nhìn chung, kí ức của các nhà văn đã mở ra cả quãng đời tuổi thơ với nhiều kỉ niệm ngọt ngào và tình cảm ấm áp. Truyền thống gia đình tốt đẹp và phẩm chất đáng quý của những người thân yêu, hình ảnh những người thầy đáng kính và bao con người tốt bụng luôn yêu thương, giúp đỡ các em trên từng bước đường đời như những mảng sáng lấp lánh trong hồi ức tuổi thơ. Sự nâng niu, ca ngợi quá khứ, ca ngợi thế giới tuổi thơ cho thấy tinh thần lạc quan và ý thức hướng đến giá trị nhân văn cao đẹp của hồi ức về thời thơ ấu sau 1975. 2.3. Tiếng nói bênh vực trẻ thơ Chiều sâu của tư tưởng nhân văn là chống lại những gì gây ra cảnh bất hạnh, tội lỗi cho con người. Thuộc dòng mạch hồi thuật nói chung, các hồi kí, tự truyện, tiểu thuyết có tính tự truyện về thời thơ ấu cũng tỏ ra có ưu thế trong việc nhìn lại quá khứ, đánh giá lại nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống của trẻ thơ, qua đó thể hiện rõ tiếng nói bênh vực trẻ thơ. Hoài niệm về một thời tuổi thơ khói lửa cho thấy các nhà văn đã tình nguyện đứng về phía các em khi nhìn rõ số phận trẻ thơ bị cuốn trong chiến tranh vừa hùng tráng, vừa có cái bi thương, thảm khốc như bản chất muôn đời của nó. Các em hoặc là chủ nhân hoặc là nạn nhân của chiến tranh, ở góc độ nào cũng ẩn sâu cái đau đớn của nhà văn khi cuộc sống của trẻ thơ bị những cú va đập dữ dội từ cuộc chiến. Sự tàn phá, hủy diệt của chiến tranh không chừa một ai. Những cái chết thương tâm nhất trong bom đạn là cái chết của những đứa trẻ ngây thơ vô tội. Trong ám ảnh kinh hoàng về sự chết chóc luôn có hình ảnh đau thương của trẻ thơ: “Một em bé gái cổ chân đeo cái vòng bạc bị đại bác phanh ruột cạnh một gốc mít, ruồi nhặng bâu kín cả mặt em” (Phùng Quán, 2005, tr.211); “Ở xóm Bãi chúng bắn pháo lân tinh. Một em nhỏ bị bỏng lân tinh gào thét thảm thiết” (Bùi Minh Quốc, 2006, tr.173) Những thiếu niên cầm súng ra trận cũng hi sinh rất nhiều. Kết thúc tác phẩm Tuổi thơ dữ dội, hầu hết các chiến sĩ của đội thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân đều nằm lại nơi chiến trường: Mừng, Vịnh-sưa, Quỳnh-sơn ca, Châu, Hiền, Hòa-đen Những cái chết của các chiến sĩ nhỏ tuổi tạo một âm hưởng bi tráng cho cuộc chiến đấu. Vượt qua cái chết thì bom đạn chiến tranh luôn đưa đến những mất mát, thiệt thòi, để lại nhiều vết chai, vết sẹo trên thể xác và tâm hồn các em. Tuổi thơ hồn nhiên bị đánh cắp cùng cái yên bình của làng quê khi bọn giặc “bắt mang đi tất cả những người trong làng để xóa dấu vết làng tôi. Chúng giết tất cả những con trâu Trích, trâu Mỡ, trâu Ve để xóa nhòa đồng ruộng tuổi thơ và dĩ vãng của những đứa trẻ con làng quê” (Thu Bồn, 1978, tr.38). Không còn cảnh đồng quê yên ả mỗi buổi chiều để lũ trẻ thong dong lùa trâu về, không còn những dòng sông trong mát để trẻ thơ thỏa sức vẫy vùng và cũng không còn những ngày yên bình rong chơi. Cuộc sống thời chiến vất vả, căng thẳng, hiểm nghèo in hằn lên dáng dấp, tâm trạng của những đứa trẻ: “Em nào cũng đen nhẻm, gầy sắt, ánh mắt mệt mỏi vì đói ngủ, vì phải làm việc quá sức Trên gương mặt trẻ thơ của các em đều hằn lên khá rõ cái vẻ suy nghĩ, lo toan Tính nết các em cũng thay đổi NGÔ THỊ NGỌC DIỆP TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 23 nhiều, không một tiếng cười đùa, không một lời trêu chọc” (Phùng Quán, 2005, tr.174). Trẻ thơ vốn rất nhạy cảm, dễ tổn thương nên bom đạn, chết chóc cùng áp lực của cuộc chiến đấu không khỏi ảnh hưởng nặng nề đến tâm lí của các em. Những đoạn kí ức như chùng xuống, trĩu nặng tâm trạng đau xót của nhà văn. Chiến tranh đã không cho trẻ thơ sống đúng lứa tuổi hồn nhiên, ngây thơ của mình. Nhà văn Phùng Quán không khỏi chua xót nhìn lại tuổi thơ của mình cũng như những đứa trẻ trong thiên sử thi hoành tráng Tuổi thơ dữ dội: “Tuổi thơ tôi là một tuổi thơ nghiệt ngã 13 tuổi tôi đã phải cầm lấy khẩu súng ra trận cứu nước cùng với thế hệ cha anh. Vào cái tuổi chơi bi chơi đáo thì tôi đã phải nhìn thấy cảnh đầu rơi máu chảy, phải trộm súng vượt ngục. Tất cả những điều này tôi đã kể lại trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán trả lời phỏng vấn của báo Ấp Bắc). Đằng sau chiến công, những tấm huy chương còn có cái xô bồ, phức tạp, những trớ trêu, oan trái tác động không nhỏ đến đời sống trẻ thơ. Trong Dòng sông thơ ấu, cậu bé Minh khổ sở vì sự lôi kéo của ông Tư Khởi đang ngả nghiêng theo giáo phái Hòa Hảo. Tác phẩm Tuổi thơ dữ dội cho thấy nỗi oan ức đến tuyệt vọng của cậu bé Mừng khi bị lãnh đạo nghi ngờ là Việt gian. Trẻ thơ như cây non mọc thẳng, các em không chịu được bất cứ sự bẻ cong nào! Trong lúc hấp hối, Mừng đã cầu xin khẩn thiết: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa, anh hí”, lời nói yếu ớt và nhỏ gần như một hơi thở nhưng trong khoảnh khắc ấy “đã trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc” (Phùng Quán, 2005, tr.715). Đó thực sự là tiếng kêu thống thiết của một tâm hồn trong trắng bị nghi ngờ oan ức. Chỉ bằng chiến công và cái chết, Mừng mới lấy lại được sự trong sáng, ngay thẳng của mình. Nhìn chung, các nhà văn đã ngoái về quá khứ để nhìn rõ đời sống, số phận trẻ thơ trong chiến tranh, mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật mất mát, đau thương để chua xót cho những mảnh đời trẻ thơ đặt trong bối cảnh khốc liệt, vốn không phải là môi trường của các em. Hồi ức về tuổi thơ trong chiến tranh như gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy chấm dứt chiến tranh, trả lại tuổi thơ cho tuổi thơ, trả lại cuộc sống bình yên cho những đứa trẻ. Tiếng nói bênh vực trẻ thơ còn được thể hiện trong sự nhìn nhận lại mối quan hệ của các em với gia đình, nhà trường và xã hội. Trong môi trường gia đình, quan hệ giữa người lớn và trẻ em thường đặt ra theo hướng người lớn bao giờ cũng tốt, cũng đúng và trẻ em là đối tượng để dạy bảo, phải tuân theo sự sắp đặt, hướng dẫn của họ. Với tinh thần nhân văn, đứng về phía trẻ thơ, các nhà văn đã có cái nhìn khác. Giờ đây, các em không còn là đối tượng để sai khiến, dạy bảo của người lớn mà đã trở thành một nhân cách, một cá tính độc lập. Tuy có liên quan chặt chẽ nhưng không phải lúc nào các em cũng phụ thuộc vào người lớn mà có sự chủ động, vận động riêng. Nếu người lớn là một thế giới bí ẩn mà trẻ em không thể nào hiểu được thì đến lượt mình, các em cũng là một thế giới khác lạ mà người lớn không khi nào hiểu hết. Hồi ức tuổi thơ sau 1975 chỉ ra nguyên nhân của những mâu thuẫn, xung đột giữa bố mẹ và con cái luôn là bố mẹ không hiểu hết tâm tư, tình cảm của những đứa trẻ. Trong Hành trình ngày thơ ấu, mẹ của Bê rất thương em nhưng cũng hay dùng đòn roi với đứa con gái cứng đầu. Mẹ không hiểu Bê bởi cô bé có tư tưởng “nổi SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 24 loạn” còn bà vẫn theo quan niệm cũ. Khi Bê chống lại thầy Gia, mẹ cho rằng: “Bất luận là gì, thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò. Trò dám chống lại thầy là tội không dung thứ” (Dương Thu Hương, 1985, tr.87). Bà bắt buộc con phải kính trọng thầy dù đó là người thầy vô đạo đức và ra sức ngăn chặn tư tưởng phản kháng của con. Phải chăng việc dùng đến đòn roi chứng tỏ người mẹ đã đuối lí, bất lực trước lời lẽ của Bê. Quan niệm phải kính trọng thầy một cách bất chấp của bà có phần lung lay. Quyết định bỏ nhà lên biên giới tìm bố của Bê thực chất là một phản ứng mạnh mẽ với mẹ, với những gì bất công vô lí. Trong sự việc “trầm trọng” Bê gây ra, không chỉ có người mẹ tức giận, đau khổ mà Bê cũng day dứt, đau đớn khôn cùng. Có thể thấy, Bê là một đứa trẻ biết suy nghĩ sâu sắc, có ý thức trân trọng nề nếp gia đình chứ không phải “hư hỏng”, “bất trị” như lời của mẹ. Không chỉ trường hợp của Bê, trong cuộc sống đời thường, còn bao ông bố bà mẹ không thấu hiểu con trẻ dù họ cũng từng là trẻ con. Cậu bé Cao nhiều lần tủi thân, ấm ức giấu kín trong tâm hồn thơ dại khi bị bố mẹ thường xuyên mắng mỏ, đánh đập. Bố mẹ đã vô tình hắt hủi, tạo áp lực cho Cao mà bỏ quên những xúc cảm, tình cảm tốt đẹp của một đứa trẻ. Cậu cảm thấy đau không phải vì những cái “đét mông, tát má, cốc đầu” mà vì bị mẹ bắt đi lấy mũ về khi cậu đội cho thằng bù nhìn rơm, vì bị quát là điên khi cho con chó Đốm một miếng thịt, vì bị bắt đi đòi lại chiếc đèn ông sao cậu đã cho bé Tâm, vì bị nghi ngờ là copy bài toán đã cố gắng tự làm! Cái đau đớn, tổn thương tinh thần của Cao lặng lẽ nhưng không dễ nguôi quên: “Nước mắt tôi chảy ra. Không phải tôi khóc vì cái cốc đầu của mẹ Và cả sau này nữa, khi tôi đã lớn khôn, tôi vẫn tiếp tục bị làm đau, những cái đau vô hình” (Kao Sơn, 2017, tr.98). Trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, bố mẹ của cu Mùi và “những người bạn” cũng không hiểu hết suy nghĩ, hành động của chúng. Họ không hình dung ra bọn trẻ cảm thấy buồn tẻ và nhàm chán như thế nào khi ngày ngày lặp đi lặp lại từng ấy thứ: rửa mặt, ăn cơm, học bài, đi ngủ... lại phải răm rắp tuân theo sự chỉ bảo và chịu sự giám sát của bố mẹ. Họ không hiểu trẻ thơ luôn thích những cái mới mẻ, khác lạ và hiếu động, nghịch phá gần như là bản chất. Họ luôn đem những tiêu chí, chuẩn mực của người lớn để lí giải, đánh giá trẻ con. Rốt cục, trong mắt người lớn, các em toàn là rồ dại, phá phách, hư hỏng, phải dùng đòn roi, trách phạt để “trị tội” chúng. Nguyên nhân của những hành động “điên điên” kia chỉ có các em mới hiểu và được giấu kín trong thế giới riêng của mình. Tình yêu thương, bênh vực trẻ thơ giúp các nhà văn soi rọi cả những ẩn khuất của số phận các em. Với tâm hồn nhạy cảm, Thiện sớm nhận ra câu chuyện phức tạp của người lớn trong gia đình khi vợ kế của bố cũng là em ruột của mẹ. Đằng sau cái êm ấm, hòa thuận là một sự rạn nứt, đổ vỡ ngấm ngầm. Điều này không khỏi gieo vào lòng cậu bé nỗi buồn chán, khổ tâm (Miền xanh thẳm). Trong Tuổi thơ khát vọng, người đọc thật xót xa khi chứng kiến cảnh cậu bé Vững tật nguyền thường xuyên bị người mẹ nuôi gắt gỏng, cáu kỉnh đến cay nghiệt. Em trở thành gánh nặng trong mắt người mẹ. Áp lực cơm áo dường như che lấp tình cảm của bà. Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, đôi khi bố mẹ cũng không làm tròn trách nhiệm với con cái, như trường hợp mẹ của Duy đã bỏ rơi con mà tâm hồn trẻ dại của em không thể nào NGÔ THỊ NGỌC DIỆP TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 25 hiểu được: “Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi lí do gì mà mẹ tôi bỏ tôi lại cho bà, ra đi theo cái ông lái xe tải nọ. Bà nội đã già và tôi thì còn quá bé bỏng” (Ma Văn Kháng, 2006, tr.3). Với góc nhìn đa chiều, sâu sắc, các nhà văn giúp người đọc thấy rõ đời sống trẻ thơ trong quan hệ gia đình. Trẻ em cũng phải chịu đời sống gia đình phức tạp, nhiều ẩn khuất, chịu đựng những ấm ức do sự áp đặt, bảo thủ của người lớn và cha mẹ không phải lúc nào cũng giữ được hình ảnh đẹp đẽ trong mắt con trẻ. Đi cùng những rạn nứt trong tình cảm gia đình là những đổ vỡ, thương tổn trong tâm hồn trẻ thơ. Không chỉ trong gia đình, nhà trường và môi trường xã hội vẫn còn những đối tượng, những vấn đề gây bao buồn tủi, đau khổ cho trẻ thơ. Đến trường không phải lúc nào các em cũng được học với những người thầy đáng kính. Với tinh thần đứng về phía trẻ thơ, các nhà văn đã dựng lên chân dung những thầy cô yếu kém về năng lực, không đủ tư cách, phẩm chất để dạy học sinh. Đó là cô Thìn không có đạo đức làm người khi nỡ đối xử tàn nhẫn, bất công với một đứa bé mới năm tuổi đầu chỉ vì: “Tôi không có quần áo đẹp, không có đồ chơi, không được cô giáo Thìn yêu chiều chăm sóc như nhiều đứa” (Ma Văn Kháng, 2006, tr.98); đó là cô Tuyết hám tiền, hám quyền mà đánh rơi lòng tự trọng, không xứng đáng là nhà giáo khi“phù kẻ thịnh, về hùa với kẻ có quyền hành và giàu có, quen thói tác yêu tác quái vào mọi việc” (Ma Văn Kháng, 2006, tr.236); đó là thầy Gia đồi bại, cổ hũ, chẳng những yếu kém về chuyên môn mà còn không có tư cách, đạo đức nhà giáo khi quấy nhiễu, tán tỉnh, trù úm học sinh (Hành trình ngày thơ ấu) Như vậy, quan niệm về người thầy đã có sự thay đổi, không phải lúc nào thầy cô cũng đúng, cũng tốt. Quan niệm về học sinh cũng khác trước, không phải lúc nào các em cũng ngoan ngoãn tuân theo sự dạy bảo của thầy cô. Các em cũng là những cá nhân, cá tính, có thể phản ứng, nổi loạn nếu thật sự đứng trên bục giảng không phải là những người đáng kính. Quan niệm học trò “ngoan - hư” cũng được xem xét lại, không phải lúc nào học sinh phản ứng với thầy cô hay đấu tranh chống lại những bất công, vô lí trong nhà trường cũng là “hư”. Nhà văn đã không né tránh sự phán xét của học sinh với thầy cô, tuy nhiên, không khỏi chua xót khi khắc họa hình tượng trẻ thơ với những thương tổn, đổ vỡ về thầy cô giáo vốn là những “tượng đài” đẹp đẽ trong lòng học sinh. Mạnh dạn thể hiện mặt trái trong môi trường giáo dục, các tác giả đã tỏ rõ thái độ đứng về phía trẻ thơ, cảm thông và trân trọng các em, đồng thời phê phán mạnh mẽ những mặt tiêu cực, xấu xa không đáng tồn tại ở nơi dành cho các em học tập và rèn luyện. Trong mối quan hệ của trẻ thơ với đời sống xã hội, các nhà văn rất quan tâm đến những tác động không tốt và thể hiện với cái nhìn khác trước. Nhân cách của các em không chỉ được bồi đắp từ những điều tốt đẹp mà còn có sự ảnh hưởng của cái xấu, cái ác. Do vậy, nhà văn đã mạnh dạn phanh phui mặt trái của quá khứ, phơi bày những gì bảo thủ, lạc hậu, xấu xa. Cậu bé Khán từng chứng kiến những chú mõ ở quê mình bị coi thường, khinh khi, thái độ đó có tác động không tốt đến trẻ con. Chú Ất tóc đã bạc vẫn bị đánh chửi, kêu thẳng tên tục, Khán thương xót nhưng cũng có những đứa trẻ gọi chú là “thằng Ất”! (Tuổi thơ im lặng). Trong Hành trình ngày thơ ấu, cô bé Loan rất ghét lão cai Cân vì lão coi trọng SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 26 tiền bạc hơn cả con ruột, hơn cả tình nghĩa. Lão cưới mẹ Loan rồi lừa tiền, đánh đập, hắt hủi. Lão thà mất con chứ không bỏ tiền chuộc khi Dũng còm bị bắt cóc, khiến cậu bé chua xót xem như mình không có bố. Trong Côi cút giữa cảnh đời, mỗi khi kí ức tuổi thơ sống dậy là Duy lại rùng mình nhớ đến hành động của những kẻ như lão Hứng, lão Luông, chị em con Vành Khuyên. Đó như những “con quỷ” ám ảnh Duy từ thời thơ ấu. Có thể nói, đối diện với cuộc sống còn nhiều phức tạp, cái xấu, cái ác vẫn có cơ hội tồn tại, đòi hỏi các em có một độ trưởng thành nhất định về mặt nhân cách, phải can đảm, mạnh mẽ, có cái nhìn sâu sắc hơn, biết phân biệt cái đúng, cái sai, nhận ra người tốt kẻ xấu để học hỏi những điều hay và nguyện đứng bên này của bờ vực xấu xa, tội lỗi. 3. Kết luận Trở về tuổi thơ là trở về với những giá trị thuần khiết, đẹp đẽ, cảm hứng chung của mảng hồi ức về thời thơ ấu trong văn học Việt Nam sau 1975 là ngợi ca thế giới tuổi thơ, những phẩm chất tốt đẹp, tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu của con người. Kí ức về thời thơ ấu cũng giúp nhà văn suy tư nhiều về đời sống trẻ thơ, bộc lộ sự nâng niu, quý trọng, bênh vực trẻ thơ, lên tiếng phê phán những gì gây đau khổ, buồn tủi cho các em. Qua màn sương hoài niệm, cuộc sống thường đẹp hơn và những câu chuyện của chính mình bao giờ cũng thuyết phục hơn, do vậy, tiếng nói nhân văn trong các dạng thức hồi ức tuổi thơ cũng lấp lánh vẻ đẹp của sự ngợi ca, tiếc nhớ và đạt đến độ chân thực, sâu sắc trong cái nhìn của những con người trưởng thành, từng trải. Giá trị nhân văn mà các hồi ức về thời thơ ấu sau 1975 đưa lại có sức thuyết phục và tác động ở chiều sâu tâm hồn mỗi người để cùng suy ngẫm và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ thơ và cho con người nói chung. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bùi Minh Quốc. (2006). Hồi đó ở Sa Kỳ. Hà Nội: NXB Kim Đồng. Dạ Ngân. (2012). Miệt vườn xa lắm, Hà Nội: NXB Kim Đồng. Duy Khán. (1985). Tuổi thơ im lặng. Hà Nội: NXB Tác phẩm mới. Dương Thu Hương. (1985). Hành trình ngày thơ ấu. Hà Nội: NXB Kim Đồng. Kao Sơn. (2017). Khúc đồng dao lấm láp. Hà Nội: NXB Kim Đồng. Lã Thị Bắc Lý. (2000). Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia. Ma Văn Kháng. (2006). Côi cút giữa cảnh đời. Hà Nội: NXB Kim Đồng. Ngô Thị Phương Trà. (2009). Kí ức tuổi thơ trong tiểu thuyết Việt Nam 1975 – 2000. Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn. Nguyễn Nhật Ánh. (2008). Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. TP.HCM: NXB Trẻ. Nguyễn Quang Sáng. (2005). Dòng sông thơ ấu. Hà Nội: NXB Hội nhà văn. Nhiều tác giả. (2012). Trần Hoài Dương - Vẫn còn một miền xanh thẳm. TP.HCM: NXB Trẻ. NGÔ THỊ NGỌC DIỆP TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 27 Phong Lan. (1989). Miền thơ ấu - Một cuốn sách đẹp. Nghiên cứu Văn học, Số 4, 96 - 100. Phùng Quán. (2005). Tuổi thơ dữ dội. Huế: NXB Thuận Hoá. Thu Bồn. (1978). Cơn giông tuổi thơ. Hà Nội: NXB Hà Nội. Trần Đình Sử. (1986). Tuổi thơ im lặng - Kỉ niệm về một tầng văn hóa làng quê lâu đời. Văn nghệ, Số 39. Trần Hoài Dương. (2000). Miền xanh thẳm. Hà Nội: NXB Văn học. Vi Hồng. (2015). Đường về với mẹ Chữ. Hà Nội: NXB Hội nhà văn. Vũ Đức Nguyên. (2004). Tuổi thơ khát vọng. Hà Nội: NXB Hà Nội. Vũ Quần Phương. (1990). Đọc Côi cút giữa cảnh đời. Tác phẩm mới, Số 1, 185 - 188. Vũ Thư Hiên (1988), Miền thơ ấu, NXB Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. Ngày nhận bài: 19/3/2019 Biên tập xong: 15/4/2019 Duyệt đăng: 20/4/2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf34_2591_2214939.pdf
Tài liệu liên quan