Gia đình, dòng họ và thôn làng với tư cách là các giá trị cơ bản của văn hoá làng Việt

Tài liệu Gia đình, dòng họ và thôn làng với tư cách là các giá trị cơ bản của văn hoá làng Việt: 36 Xã hội học, số 1 - 2009 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ VÀ THÔN LÀNG VỚI TƯ CÁCH LÀ CÁC GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA VĂN HOÁ LÀNG VIỆT MAI VĂN HAI I Lâu nay, trên sách báo, chúng ta thường bắt gặp những bài viết về mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, dòng họ, thôn làng xảy ra ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác. Trước thực tế đó, nhiều người lo ngại rằng trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhất là trong điều kiện đô thị hoá nhanh và sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, liệu rồi đây gia đình, dòng họ và thôn làng có còn tồn tại những giá trị cơ bản nữa hay không, hay chúng bị mai một dần để cuối cùng đi đến tan rã. Để góp phần trả lời câu hỏi trên, trong 2 năm 2005 - 2006, Viện Xã hội học đã triển khai đề tài cấp Bộ ‘‘Một số giá trị của văn hoá làng Việt vùng châu thổ sông Hồng trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đậi hoá đất nước’’ nhằm tìm hiểu quan niệm và hành vi của chính người nông dân nông thôn về vấn ...

pdf6 trang | Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 829 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Gia đình, dòng họ và thôn làng với tư cách là các giá trị cơ bản của văn hoá làng Việt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
36 Xã hội học, số 1 - 2009 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ VÀ THÔN LÀNG VỚI TƯ CÁCH LÀ CÁC GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA VĂN HOÁ LÀNG VIỆT MAI VĂN HAI I Lâu nay, trên sách báo, chúng ta thường bắt gặp những bài viết về mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, dòng họ, thôn làng xảy ra ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác. Trước thực tế đó, nhiều người lo ngại rằng trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhất là trong điều kiện đô thị hoá nhanh và sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, liệu rồi đây gia đình, dòng họ và thôn làng có còn tồn tại những giá trị cơ bản nữa hay không, hay chúng bị mai một dần để cuối cùng đi đến tan rã. Để góp phần trả lời câu hỏi trên, trong 2 năm 2005 - 2006, Viện Xã hội học đã triển khai đề tài cấp Bộ ‘‘Một số giá trị của văn hoá làng Việt vùng châu thổ sông Hồng trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đậi hoá đất nước’’ nhằm tìm hiểu quan niệm và hành vi của chính người nông dân nông thôn về vấn đề này. Địa bàn khảo sát được chọn mang tính đối sánh 2 làng Tam Sơn và Đồng Kỵ, đều thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do khuôn khổ bài viết có hạn, ở đây chúng tôi không giới thiệu kỹ về địa bàn, phương pháp nghiên cứu, mà trình bày ngay một số kết quả thu được. II Giả thuyết thứ nhất của cuộc nghiên cứu là: Trong điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, các giá trị cơ bản của văn hoá làng như gia đình, dòng họ và thôn làng đang giảm dần ý nghĩa đối với người dân nơi làng xã. Kết quả điều tra cho thấy, người dân trên địa bàn hiểu rất rõ những hạn chế, bất cập của cả 3 thiết chế cổ đã nêu. Chẳng hạn, ở Tam Sơn và Đồng Kỵ cũng có người cho rằng cuộc sống gia đình hiện nay với các công việc cơm áo gạo tiền làm ‘‘tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực’’, các chuẩn mực gia đình thì ‘‘gò bó, cản trở tự do cá nhân’’, thậm chí có người còn nói ‘‘không có gia đình người ta vẫn sống được’’. Với dòng họ, thì bên trong nội bộ cũng có tư tưởng ‘‘gia trưởng, ngôi thứ’’, về đối ngoại tuy không có chuyện cục bộ, bè phái nhưng cũng có việc ‘‘ganh đua giữa các dòng họ’’. Còn thôn làng thì đầy những mặt trái như ‘‘các khoản đóng góp cho làng nhiều và nặng nề’’, ‘‘trong làng có nhiều mâu thuẫn’’, rồi tư tưởng ‘‘cục bộ, bản vị’’, ‘‘tranh chấp đất đai’’, v.v... Tuy nhiên các số liệu khảo sát ở cả Tam Sơn và Đồng Kỵ đã không xác nhận cho giả thuyết đã nêu. Trái lại, trong tổng số 420 hộ gia đình được phỏng vấn có từ 97% đến 99.6% đã khẳng định rằng hiện thời gia đình, dòng họ và thôn làng vẫn có vai trò ‘‘quan trọng’’ hoặc ‘‘rất quan trọng’’ và điều thú vị là sự đánh giá này có sự thống nhất ở tất cả các nhóm khác nhau về giới, lứa tuổi, mức sống, nghề nghiệp, Mai Văn Hai Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 37 v.v... Sở dĩ người dân đánh giá cao vai trò của gia đình như thế vì họ cho rằng đó là ‘‘nơi không chỉ đáp ứng nhu cầu tình cảm và tái sinh giống nòi’’ mà còn là nơi ‘‘tốt nhất cho việc di dưỡng tuổi già’’, cho ‘‘sự phát triển của trẻ em’’. Trong tâm tưởng của người dân, dòng họ cũng có vai trò không kém. Gần 100% số người được hỏi cho rằng đến nay các câu nói theo khẩu ngữ dân gian như ‘‘một giọt máu đào hơn ao nước lã’’, hay ‘‘xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì’’ ‘‘vẫn đúng’’ hoặc ‘‘đúng một phần’’ ; số người cho là ‘‘không đúng nữa’’ hoặc ‘‘khó nói’’ chỉ đạt 0.3% đến 3.5%. Còn thôn làng được đánh giá cao vì nó là ‘‘nơi mồ mả tổ tiên’’, là ‘‘quê hương bản quán mà ai cũng phải có’’. Chẳng những thế, khi đặt vấn đề từ góc nhìn lịch sử, cuộc nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, trong quan niệm của đại đa số người dân, vai trò của gia đình, của dòng họ và thôn làng hiện nay lớn hơn thời bao cấp, và trong tương lai vai trò đó còn lớn hơn cả hiện nay. Xuất phát từ yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế thì sự đánh giá như trên là rất đáng phấn khởi. Nhưng nếu đặt trong điều kiện cụ thể của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khi không chỉ có gia đình, mà cả dòng họ và thôn làng đều có sự biến động mạnh mẽ, thậm chí nhiều làng mạc sẽ mất đi để nhường chỗ cho phường cho phố, người ta phải băn khoan tự hỏi : Liệu sự đánh giá như trên có lạc quan hay không ? Giải nỗi băn khoăn này, theo chúng tôi, không gì tốt hơn là cần tìm hiểu xem hành vi của người dân có phản ánh đúng như những gì họ quan niệm về gia đình, dòng họ và thôn làng hay không ? Nói rộng ra là phải phát hiện cho được cái cơ sở xã hội nào đã đảm bảo cho sự đánh giá của người dân là đúng với những gì họ nghĩ. Với tinh thần này, dưới đây sẽ trình bày từng giá trị một. III 1. Gia đình. Nhiều công trình nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, sau 20 năm đổi mới, gia đình ở Việt Nam đã có nhiều biến đổi. Tam Sơn và Đồng Kỵ cũng không là ngoại lệ. Về mặt kinh tế, từ chỗ chỉ có chức năng tiêu thụ dưới thời hợp tác xã bao cấp, từ khi đổi mới, gia đình trở thành một đơn vị kinh tế có quyền tự chủ trong sản xuất và kinh doanh, nên ngành nghề phát triển, mức sống cao hơn, điều kiện sống được cải thiện... Trong quan hệ gia đình, nếu trước đây những bất cập nổi bật là sự bất bình đẳng, sự thủ tiêu lợi ích cá nhân, cá tính thì ngày nay - sau nhiều cuộc cải cách xã hội, quan hệ giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái có tính dân chủ hơn, do đó vị thế xã hội của người phụ nữ được nâng cao, quyền tự do của mỗi cá nhân được coi trọng. Xét theo cơ cấu, ở mỗi gia đình, số con đã giảm xuống, việc sinh con trai để ‘‘nối dõi tông đường’’ không còn là nguyên tắc bất di bất dịch, tỷ lệ ly hôn ở đây chỉ chiếm chưa đến 1%. Từ góc độ văn hoá tinh thần, các hình thức hưởng thu văn hoá mới như xem tivi, nghe rađio, nghe Gia đình, dòng họ và thôn làng với tư cách là... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 38 nhạc, đọc sách báo... đã chiếm tỷ lệ áp đảo. Nếp sống mới khuyến khích việc đưa con cháu nhỏ tới lớp mẫu giáo để bố mẹ, ông bà có thêm thời gian lao động, nghỉ ngơi cũng được hầu hết các nhóm xã hội ủng hộ, v.v... Rõ ràng, những biến đổi theo chiều hướng ngày càng no đủ, bình đẳng, dân chủ và văn minh như thế đang làm tăng thêm vai trò và làm vững chắc thêm vị trí của gia đình, chứ không phải ngược lại. Nhưng, bên cạnh cái động, cái biến đổi trong gia đình cũng có cái tĩnh, cái ít biến đổi hơn. Ấn tượng đầu tiên của nhóm nghiên cứu đến Tam Sơn và Đồng Kỵ là đời sống gia đình nơi đây vẫn bảo lưu nhiều nét của gia đình cổ truyền. Chẳng hạn, ở Đồng Kỵ - nơi có mức sống rất cao, riêng nguồn thu từ các nguồn sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồ gỗ đem lại thu nhập cho nhiều hộ mỗi năm hàng trăm triệu - người dân vẫn không xa rời với truyền thống nông nghiệp. Hầu như nhà nào cũng giữ đất canh tác, nhiều hộ có trên 10 sào, số hộ không còn đất chỉ chiếm 5.6%. Hơn nữa, họ vẫn tự sản xuất - kinh doanh trên phần ruộng của mình, số cho thuê, cho mượn không đáng kể, vì vậy các hộ hầu hết đều có thu nhập thấp từ trồng trọt và chăn nuôi. Trong sinh hoạt hàng ngày, gần 100% các gia đình ở cả hai làng vẫn giữ thói quen ăn chung cho tất cả mọi người trong nhà 3 bữa sáng, trưa và tối. Giữa các thế hệ lại luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ và ấm áp. Với những người có bố mẹ còn sống, dù không ở cùng nhà, song họ vẫn giúp đỡ và thăm nom hàng ngày hoặc hàng tuần. Còn những người có con cái còn nhỏ, khi được hỏi ‘‘về già thích sống với ai’’, có đến 39% vẫn giữ nếp sống cổ truyền là thích sống với con trai trưởng, v.v... Như vậy, không chỉ những yếu tố động, biến đổi mà cả những yếu tố bền vững, ít biến đổi đều góp phần củng cố sự bền vững cho gia đình, với tư cách là một giá trị trong hệ giá trị văn hoá làng. 2. Dòng họ. Chúng ta đều biết, từ khi hợp tác xã nông nghiệp bị giải thể, các hộ nông thôn phải tự chủ trong sản xuất kinh doanh trên phần ruộng được giao khoán lâu dài của mình. Trong điều kiện đó, để có thể tồn tại và phát triển, người nông dân đã quay trở về tìm chỗ dựa trong các mối quan hệ của họ hàng thân tộc nhằm khắc phục những khó khăn của buổi đầu tự lập như công cụ, sức lao động, vốn liếng, kỹ thuật, v.v... Việc điều tra hồi cố cho thấy ở thời điểm ấy có đến 81.9% số người ở Tam Sơn và Đồng Kỵ khi gặp khó khăn đã nhờ vả nương tựa vào họ hàng nội ngoại, nhất là các mối quan hệ cận huyết. Còn ngày nay, khi nền kinh tế thị trường đã len lách vào mọi ngõ ngách của cuộc sống trong việc kinh doanh ở Đồng Kỵ, khi cần lao động người ta vẫn ưu tiên cho ‘‘họ hàng’’ tới 19.4%, ở Tam Sơn tiêu chuẩn này còn đạt tới 41%. Những con số thống kê này chứng tỏ là, dẫu không đóng vai trò như một đơn vị kinh tế, song trong thời kỳ đổi mới dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, dòng họ và các quan hệ họ hàng vẫn có vai trò quan trọng về mặt kinh tế. Trên bình diện quản lý và quyền lực, người ta thường nói đến tệ kéo bè kéo cánh của dòng họ. Nhưng điều đó có mang tính phổ biến và ảnh hưởng tiêu cực của nó có thực sự to lớn không? Kết quả nghiên cứu trả lời là không. Bởi vì, nếu như trước đây ở Mai Văn Hai Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 39 nông thôn, với sự đan xen của nhiều nguyên lý tập hợp người khác nhau như lớp tuổi (giáp), địa vực (xóm, ngõ), sự tự nguyện (phe, phường, hội) và nhất là về kinh tế (giai cấp, tầng lớp) làm cho dòng họ không phải là một đơn vị thống nhất và duy nhất để có thể khuynh loát mọi điều, thì ngày nay, với sự bổ sung của các nhân tố mới như Đảng, các đoàn thể và nhất là sự tác động của kinh tế thị trường, các quan hệ dòng họ càng không thể giữ vai trò quyết định trong đời sống chính trị - xã hội trong làng xã. Tại địa bàn khảo sát, khi làm việc với đội ngũ lãnh đạo, kể cả những người đã nghỉ và những người đương chức, câu hỏi đặt ra là: ‘‘Trong những năm làm quản lý, ông/bà có ưu đãi gì đặc biệt cho người trong họ không?’’. Tất cả khẳng định ‘‘không có ưu đãi đặc biệt’’. Người ta có thể chưa thật tin vào sự khẳng định này. Nhưng khi kiểm chứng qua người dân ở câu hỏi ‘‘Ông bà nghĩthế nào về thành ngữ : Một người làm quan cả họ được nhờ’’ thì 85.9% số người được hỏi nói rằng câu ấy ngày nay ‘‘không đúng nữa’’, số người cho là ‘‘vẫn đúng’’ chỉ chiếm 14.1%. Cũng như vậy ở câu hỏi ‘‘tiêu chuẩn bầu chọn người lãnh đạo’’ ở địa phương có 75% đến 94% nói là bầu chọn cho ‘‘ người có năng lực quản lí’’, ‘‘người có đạo đức trong sạch’’, rồi ‘‘người làm kinh tế giỏi’’, chứ rất ít người nói bầu cho ‘‘người trong họ’’. Thái độ và cách ứng xử khá nhất quán từ người quản lí đến người dân ở Tam Sơn và Đồng Kỵ chứng tỏ sự ‘‘kéo bè kéo cánh’’ trong các dòng họ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết trong xóm làng thực sự không phải trầm trọng và mang tính phổ biến như nhiều người vẫn tưởng. Và điều này, đương nhiên làm cho hình ảnh dòng họ ngày càng đẹp hơn trong đời sống ở nông thôn, chứ không phải ngược lại. Về văn hoá tinh thần, nhờ việc tạo ra ‘‘một nền cộng cảm dựa trên huyết thống’’, dòng họ từ xưa đến nay vẫn là chỗ dựa ‘‘vững chãi và vĩnh hằng’’ của từng thành viên của nó. Đúng như nhận xét của Trần Từ, rằng bất luận trong hiện thực có diễn ra như thế nào thì trong ‘‘cấu trúc hữu thức’’, tức là trong quan niệm của người dân, dòng họ vẫn có vị trí và vai trò cực kì quan trọng. Nhưng không chỉ dừng lại ở ý nghĩ hay quan niệm, việc đề cao dòng họ ở phương diện văn hoá hay tinh thần còn được thể hiện ở các hành vi cụ thể của mỗi người, như sự tham dự của dòng họ trong các ngày giỗ tổ, trong việc sửa sang từ đường, xây cất mồ mả tổ tiên hay trong các việc cưới xin, ma chay, khuyến học, khuyến tài trong dòng họ. Có thể nói, nếu dòng họ không còn ý nghĩa thì không có lí do gì để người ta tin tưởng và tham gia vào các hoạt động kể trên một cách đầy đủ, nhiệt tình và hào hứng như vậy. 3. Thôn làng. Nói đến thôn làng với tư cách là một giá trị, trước hết người ta muốn nói đến tâm lí cộng đồng làng. Trong điều kiện của nền sản xuất ‘‘tự cấp tự túc, tự sản tự tiêu’’ thì quả là tâm lý cộng đồng làng có một vai trò rất quan trọng. Nhưng cần nhớ rằng tâm lí đó không phải bây giờ mới có, mà đã được hình thành, tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, nó không chỉ ăn sâu vào tâm tính của những người hiện đang sinh sống tại làng, mà còn có cả ở những người đã xa quê hương bản xứ từ nhiều đời. Không phải ngẫu nhiên khi bàn về sức sống của dân tộc, có người đã nói ‘‘không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam’’. Một tác giả khác Gia đình, dòng họ và thôn làng với tư cách là... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 40 cũng khẳng định rằng, cho đến nay, mỗi người Việt Nam đều là một người làng - dù họ sống ở bất cứ nơi đâu trên trái đất. Nói gọn lại thì tâm lí cộng đồng làng (hay tính cộng đồng làng) không phải là vấn đề của vài ba chục năm biến đổi, mà là chuyện của hàng nghìn năm lịch sử. Trên tinh thần ấy ta sẽ không ngạc nhiên khi người dân Tam Sơn và Đồng Kỵ đánh giá cao thôn làng và tin tưởng ở sức sống trường tồn của nó. Việc đề cao thôn làng của người dân sẽ được minh chứng cụ thể khi quan sát đời sống tâm linh tín ngưỡng của họ. Ở Tam Sơn và Đồng Kỵ, chỉ tính riêng về các lễ hội làng, người ta không chỉ tham dự một cách đầy đủ, mà còn sẵn sàng đóng góp cho việc tổ chức trên cả 3 phương diện là tiền mặt, hiện vật và ngày công lao động. Số người thấy lo ‘‘vì phải đóng góp cho lễ hội làng’’ có tỷ lệ không đáng kể, chỉ chiếm 0.9%. Lí do quan trọng để người dân tham gia và sẵn sàng đóng góp vào lễ hội làng vì người ta tìm thấy ở đó rất nhiều ý nghĩa: ‘‘để giữ gìn truyền thống của làng’’, để ‘‘bày tỏ lòng biết ơn với những người có công với dân với nước’’, để ‘‘nhằm gắn bó các thành viên trong làng với nhau, v. v...’’ ở đây cần ghi nhận một điều là, đối với người dân, giá trị của làng rất đa dạng, chứ không chỉ bó hẹp trong làm ăn kinh tế. Một biểu hiện cụ thể nữa của việc đề cao thôn làng là sự gắn bó với làng. Ở các câu hỏi trắc nghiệm ‘‘ông/bà nghĩ thế nào về câu : Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn’’ hay ‘‘Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau’’, phần đông người được hỏi cho là các câu ấy hiện nay ‘‘vẫn đúng’’ hoặc ‘‘đúng một phần’’ ; số người cho là ‘‘không đúng nữa’’ có tỷ lệ rất thấp (2.3% và 1.4%). Ý nghĩ như vậy, còn việc làm thì sao? ở Tam Sơn và Đồng Kỵ có đến 82.5% người dược hỏi đã lấy vợ làng, chỉ có 17.5% lấy vợ khác làng. Trong việc kết bạn, có 23.1% chỉ kết bạn trong làng; 60.2% có phần lơn số bạn là người làng; 10.0% có một nửa bạn là người làng ; chỉ có 6.5% có số bạn nhiều hơn ở làng và 0.2% có số bạn trong làng. Xin lưu ý việc lấy vợ và kết bạn trong làng được thể hiện như một niềm tự hào, chứ không phải họ không có điều kiện lấy vợ và kết bạn ở nơi khác. Rõ ràng, việc đề cao thôn làng ở Tam Sơn và Đồng Kỵ không phải là một lời nói suông, cũng không chỉ tồn tại trong ‘‘cấu trúc hữu thức’’ của người dân, mà đã được thể hiện trong chính việc làm và hành vi của họ. IV Giả thuyết thứ hai của cuộc nghiên cứu là: ở các làng xã nào chủ yếu còn sống bằng nông nghiệp thì gia đình, dòng họ và thôn làng vẫn được bảo lưu khá bền vững, trái lại làng xã nào có nghề phụ phát triển, giàu có, đã hoà nhập vào kinh tế thị trường, lại chịu tác động mạnh của công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì các giá trị này đang bị thử thách mạnh mẽ và mất dần vai trò trong đời sống xã hội. Nhằm xác định giả thuyết, khi chọn địa bàn nghiên cứu, chúng tôi cố gắng tìm hai làng có hoàn cảnh khác nhau theo nghĩa Tam Sơn chủ yếu sống bằng nghề nông, do đó Mai Văn Hai Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 41 lối sống còn mang đậm tính tiểu nông; còn Đồng Kỵ sống chủ yếu bằng sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ nên lối sống đã có phần đô thị hoá. Chuyển sang kinh tế thị trường, Tam Sơn đang tìm cách hoà nhập, trong khi Đồng Kỵ đã ở một trình độ khá, thậm chí đã trở thành một trung tâm sản xuất và kinh doanh mạnh. Về mức sống, trong khi Tam Sơn ở mức trung bình và trên trung bình thì Đồng Kỵ đã là một làng khá giả không chỉ so với những làng xã xung quanh, mà còn nổi tiếng toàn quốc. Tất cả những khác biệt đó, cố nhiên đã có sự tác động không giống nhau đến gia đình, dòng họ và thôn làng trên hai địa bàn này. Nhưng kết quả điều tra cũng không hoàn toàn chứng minh cho giả thuyết. Cũng có một số chỉ báo về việc giữ gìn các giá trị cổ truyền ở Tam Sơn có tỷ lệ cao hơn ở Đồng Kỵ. Nhưng nếu xét một cách tổng thể, thì chính Đồng Kỵ mới là làng có nhiều chỉ báo đạt tỷ lệ cao hơn về việc bảo lưu và phát huy các giá trị cổ truyền nơi làng xã. Chẳng hạn, trong phạm vi gia đình, đó là việc duy trì các bữa ăn chung hàng ngày, việc tổ chức các ngày lễ - tết trong năm, việc thăm nom bố mẹ, mối quan hệ chặt chẽ giữa bố mẹ và con cái, v.v... ra tới dòng họ và thôn làng thì đó là việc liên kết làm ăn kinh tế trong dòng họ, việc giỗ tổ họ, sự gắn bó của người làng trong cùng một nghề nghiệp, việc coi trọng hàng xóm láng giềng, đề cao quê hương bản quán, việc lấy vợ làng, kết bạn trong làng, sự phấn khởi tham gia đóng góp cho lễ hội làng, v.v... Quả đây là một phát hiện thú vị về sức sống gia đình, dòng họ và thôn làng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và trong điều kiện của nền kinh tế thị trường mà Đồng Kỵ là một đại diện. V Tóm lại, sự lo ngại rằng trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhất là trong điều kiện của nền kinh tế thị trường như hiện nay, khi mà gia đình, dòng họ và thôn làng đều có sự biến đổi mạnh mẽ về mặt thiết chế thì cũng có sự biến đổi về mặt giá trị theo chiều hướng bị lãng quên và mai một dần là không có cơ sở. Đúng là ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác cũng có những hiện tượng như thế, nhưng cuộc điều tra xã hội học ở Tam Sơn và Đồng Kỵ với số mẫu là 420 hộ gia đình đã không chứng minh cho điều đó. Ngược lại, cuộc điều tra đã ghi nhận về giá trị gia đình, dòng họ và thôn làng không chỉ ở khả năng đổi mới và thích ứng, mà còn cả ở sự trường tồn của chúng. Trước kết quả điều tra trên, người ta có thể nghĩ những biểu hiện của gia đình, dòng họ và thôn làng hiện nay không có điều gì mới, rằng đó chẳng qua chỉ là các thiết chế cổ truyền này đang lấy lại các giá trị của mình sau nhiều năm bị mai một trong cơ chế hợp tác xã thời bao cấp mà thôi. Nhưng, từ một góc độ khác, cũng có thể nói, chính trong điều kiện kinh tế - xã hội mới, cụ thể là trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nền kinh tế thị trường mà gia đình, dòng họ và thôn làng đã chứng minh thêm được sức sống của mình, tức là chúng đã có thêm ý nghĩa mới mà trước đây chưa hề có./.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfso1_2009_maivanhai_3427.pdf
Tài liệu liên quan