Ghe xuồng trong ca dao của vùng văn hóa sông nước Tây Nam Bộ - Tiếp cận từ góc nhìn ngôn ngữ biểu tượng

Tài liệu Ghe xuồng trong ca dao của vùng văn hóa sông nước Tây Nam Bộ - Tiếp cận từ góc nhìn ngôn ngữ biểu tượng: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 66 (6/2019) No. 66 (6/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 23 GHE XUỒNG TRONG CA DAO CỦA VÙNG VĂN HÓA SÔNG NƯỚC TÂY NAM BỘ - TIẾP CẬN TỪ GÓC NHÌN NGÔN NGỮ BIỂU TƯỢNG Boats in the folksongs of river culture in the Southwest – An access from the symbolic language perspective TS. Nguyễn Đăng Khánh Trường Đại học Sài Gòn TÓM TẮT Nằm ở vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc, Tây Nam Bộ mang trong mình hình ảnh của nền “văn minh kênh rạch”, với biểu tượng ghe xuồng ghi đậm dấu ấn đời sống văn hóa - ngôn ngữ suốt bao đời qua. Từ góc nhìn ngôn ngữ biểu tượng, qua khảo sát 2462 câu ca dao Nam Bộ, chúng tôi đã xác định được 9 ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng. Đó là ý nghĩa biểu tượng về đời sống vật chất gắn với những nét khắc nghiệt và hoang dã của thiên nhiên thời mở cõi hoặc nét thanh bình, no đủ của đời sốn...

pdf14 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 364 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ghe xuồng trong ca dao của vùng văn hóa sông nước Tây Nam Bộ - Tiếp cận từ góc nhìn ngôn ngữ biểu tượng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 66 (6/2019) No. 66 (6/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 23 GHE XUỒNG TRONG CA DAO CỦA VÙNG VĂN HÓA SÔNG NƯỚC TÂY NAM BỘ - TIẾP CẬN TỪ GÓC NHÌN NGÔN NGỮ BIỂU TƯỢNG Boats in the folksongs of river culture in the Southwest – An access from the symbolic language perspective TS. Nguyễn Đăng Khánh Trường Đại học Sài Gòn TÓM TẮT Nằm ở vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc, Tây Nam Bộ mang trong mình hình ảnh của nền “văn minh kênh rạch”, với biểu tượng ghe xuồng ghi đậm dấu ấn đời sống văn hóa - ngôn ngữ suốt bao đời qua. Từ góc nhìn ngôn ngữ biểu tượng, qua khảo sát 2462 câu ca dao Nam Bộ, chúng tôi đã xác định được 9 ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng. Đó là ý nghĩa biểu tượng về đời sống vật chất gắn với những nét khắc nghiệt và hoang dã của thiên nhiên thời mở cõi hoặc nét thanh bình, no đủ của đời sống cư dân nơi đây. Đó còn là ý nghĩa biểu tượng về đời sống tinh thần phong phú với nét hào sảng của tình yêu quê hương đất nước hay vẻ chân chất, bộc trực của tình yêu lứa đôi, hoặc khí phách hào hiệp, tính cách phóng khoáng cùng những nét vất vả mưu sinh của những phận đời lênh đênh chìm nổi theo con nước lớn ròng. Đó cũng là những vẻ đẹp giá trị của một bản sắc, một biểu tượng mà nền văn hóa sông nước Nam Bộ đã sản sinh. Từ khóa: Ghe xuồng, ý nghĩa biểu tượng, biểu tượng, Tây Nam Bộ. ABSTRACT Located in the southern end of the country, the Southwest possesses the image of the "civilization of the canals", with the boat logo symbolizing the cultural-linguistic life throughout the past. From symbolic language perspective, through the survey of 2462 Southern folk songs, we have identified 9 symbolic meanings of boats. It is the symbolic meaning of material life associated with the harsh and wild features of the nature of the open realms or the serenity and fullness of the life of the people there. It is also the symbolic meaning of the spiritual life enriched with the pride of the homeland's love of the country or the naivety, straightforwardness of the love of couple, or chivalrous temperament, liberal personality and the the hardship of life floating under the great water. These nine symbolic meanings are the nine valuable beauties of an identity and a symbol that the Southern River culture has produced. Keywords: Boats, symbolic meaning, symbol, Southwest. 1. Đặt vấn đề 1.1. Như đứa con sinh thành được thừa hưởng tất cả sự yêu thương bao bọc của dòng sông mẹ Mekong(1) hùng tráng - một trong mười hai con sông lớn nhất thế giới, Tây Nam Bộ (còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long, hay gọi một cách thân thương là “Đất Chín Rồng”, “miệt vườn Miền Tây” hoặc nói gọn “miệt Miền Tây”, gọn hơn nữa: “Miền Tây”), là vùng đất ở tận cùng Email: dangkhanhvhdlsgu@gmail.com SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 66 (6/2019) 24 phía nam của Tổ quốc, với diện tích hơn 40.000 km2, là trung tâm nông nghiệp lớn nhất nước ta, nơi hội tụ của các cư dân Việt, Khmer, Hoa, Chăm. Trên cơ thể tự nhiên của vùng Đất Chín Rồng được tưới tắm bởi chín con rồng huyền thoại, dòng Cửu Long đã tạo nên một mạng lưới khoảng hơn 5000km sông rạch chằng chịt dọc ngang tựa như hệ mạch máu khiến Tây Nam Bộ trở nên mềm mại uyển chuyển, phô diễn vẻ phì nhiêu của tấm thảm xanh đồng bằng trù phú. Chính môi trường sông nước đặc thù ấy đã hình thành tập quán ưa đi lại bằng những phương tiện đường thuỷ mà chủ yếu là ghe xuồng của cư dân nơi đây. Và từ không gian ấy, ghe xuồng - một biểu tượng văn hóa được sản sinh, tạo nên nét độc đáo của “văn minh kênh rạch” không nơi nào có trên dải đất hình chữ S. 1.2. Xét từ đặc điểm nguồn gốc ngôn ngữ, “ghe”, “xuồng”, theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm (2014), là khái niệm do người Việt xứ Đàng Trong sử dụng, có nguồn gốc Đông Nam Á (tiếng Chăm là gaiy; tiếng Mã Lai là gay), tương đương với “ghe” là “thuyền” ở xứ Đàng Ngoài. Ghe xuồng là từ dùng chung để chỉ loại phương tiện di chuyển trên sông nước, nhưng trong thực tế sử dụng, cũng có sự phân biệt ghe và xuồng. Ghe là loại có kích thước nhỏ, thường không có mui và sức tải nhỏ hơn, còn xuồng chỉ loại “ghe” có kích thước và sức tải lớn, thường có mui. Nói chung, ghe xuồng luôn đáp ứng được mọi loại nhu cầu vận chuyển hàng hóa, con người và các loại nông sản, cơ động và linh hoạt, có thể đi qua mọi khóm ấp và mọi loại địa hình kinh rạch lớn nhỏ, nông sâu. Bởi vậy, với cư dân vùng sông nước, ghe xuồng là người bạn thân thiết. Hơn thế, nó là thành tố quan trọng để lập ra các đơn vị quần cư, đó là những làng ghe, làng chài, làng nghề. Tây Nam Bộ có những làng đóng ghe xuồng nổi tiếng như Bình Đại (Bến Tre), Cần Đước (Long An), Phú Quốc (Kiên Giang), Cần Thơ, An Giang là vì thế. Từ đó, ghe xuồng trở thành biểu tượng cho vùng văn hóa sông nước miền Tây. Trong các tài liệu viết về Nam Bộ của nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Thanh Lợi (2005; 2007), Trần Ngọc Thêm (2014), khi viết về đời sống cư trú và sinh hoạt của người dân vùng này, đều có nói tới vai trò, đặc điểm cấu tạo và công năng sử dụng của các loại ghe xuồng nhưng đề cập đến mặt biểu tượng ghe xuồng trong ca dao thì cho tới nay, chưa hề thấy công trình nào bàn tới. 1.3. Kể từ thế kỉ XVII, ngay buổi đầu tiên lưu dân người Việt vào đến vùng Nam Bộ khai phá, trong suốt hơn ba thế kỉ, ghe xuồng luôn gắn bó khắng khít với sinh hoạt vật chất và tinh thần của họ. Với đời sống vật chất, ghe xuồng là tài sản, là phương tiện di chuyển cơ bản, phương tiện chuyên chở con người và hàng hóa chủ yếu không chỉ của khách thương hồ mà còn của cư dân bản địa. “Ghe xuồng trở thành phương tiện đi lại tiêu biểu ở Tây Nam Bộ, không chỉ là dấu hiệu phân biệt Tây Nam Bộ với Bắc Bộ và Trung Bộ mà còn phân biệt rõ rệt với cả Sài Gòn nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung” (Trần Ngọc Thêm, 2014, tr. 421). Với đời sống tinh thần, ghe xuồng mang giá trị tinh thần của một biểu tượng văn hóa, được nhân sinh hóa, nhân cách hóa. Bởi vậy, ghe xuồng cũng có mắt mũi, cũng phục sức chạm trổ thân mình, cũng có thân phận, số phận, và cao hơn, nó hình thành một tín ngưỡng. Đó là tục vẽ mắt hai bên mũi ghe hay lễ cúng khai nhãn để thổi linh hồn cho ghe nhằm tránh mọi rủi ro, bất trắc, và công việc làm ăn thuận lợi. NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 25 2. Con đường hình thành nhận thức biểu tượng và sự nhận thức biểu tượng ghe xuồng 2.1. Biểu tượng (tiếng Anh: symbol, tiếng Pháp: symbole, tiếng Đức: symbol), vốn bắt nguồn từ tiếng La Mã symbolus và Hy Lạp cổ symbolon/ sumbolum, có nghĩa “một đối tượng đại diện cho một đối tượng khác” (something stands for something else), là dấu hiệu được phô bày ra bên ngoài, bao gồm mọi dạng thức hình ảnh, hữu hình hay vô hình, thể hiện ở thể tĩnh hay thể động (tĩnh như một pho tượng, một bức tranh, một con thuyền, một con đò, một chiếc thuyền hay một chiếc lá; động như một hoạt động nghi lễ, một khuôn mẫu ứng xử, một chuỗi hành động trong nghệ thuật sân khấu biểu diễn) tác động vào giác quan con người, tạo nên những rung động về chúng trong tâm hồn theo từng mức độ khác nhau. Từ điển Petit Larousse (1993) của Pháp định nghĩa: “Biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, bằng con vật sống động hay bằng đồ vật, nó biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự hay một điều gì đó” (tr. 978). Nhà khoa học Jung C. G. lại xác định: “Cái mà chúng ta gọi là biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh, ngay cả khi chúng là quen thuộc trong đời sống hàng ngày vẫn chứa đựng những ý nghĩa khác, bổ sung vào cái ý nghĩa ước định hiển nhiên và trực tiếp của nó” (dẫn lại trong Jean Chevier & Alain Gheerbrant, 1997, tr. 28). Tác giả cũng chỉ rõ: “biểu tượng được định hình thành một vế có khả năng nắm bắt được, gắn liền với một vế khác không nắm bắt được” (Jean Chevier & Alain Gheerbrant, 1997, tr.23). Từ đấy, có thể thấy, việc sử dụng dụng các hình ảnh, sự vật tự nhiên để thể hiện những quan niệm, những nhận thức về thế giới là xu hướng biểu tượng hóa mà nhân loại thường làm, như “mặt trời”- khối sáng của vì tinh tú ban ngày được dùng để biểu tượng cho trí tuệ vũ trụ bao trùm và soi sáng tất cả các bí ẩn, “mặt trăng”- khối sáng của vì tinh tú ban đêm với chu kì mọc lặn của nó được dùng để biểu tượng cho thước đo thời gian, “bánh xe pháp luân” với cấu tạo và chức năng của nó được nhà Phật dùng để biểu tượng cho sự vận động của vũ trụ cùng Phật pháp, “bọc trăm trứng” với huyền tích trong truyện Họ Hồng Bàng là biểu tượng cho nguồn gốc giống nòi người Việt, “chợ nổi” với đặc trưng “nổi” trên sông và mọi hoạt động mua bán, trao đổi diễn ra trên ghe xuồng vào thời điểm từ tờ mờ sáng đến lúc bình minh (chợ nổi Cần Thơ chẳng hạn), được Nhà nước công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, là biểu tượng cho văn hóa sông nước, cho “văn minh miệt vườn Tây Nam Bộ”. 2.2. Ngôn ngữ biểu tượng (symbolic language), theo Đinh Hồng Hải (2015) “là một thành tố văn hóa do con người tạo ra để sử dụng như một loại công cụ thông tin và giao tiếp có tính tượng trưng. Chúng ra đời, tồn tại và tác động đến đời sống con người. Vì vậy, việc tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng cũng là tìm hiểu đời sống văn hóa xã hội và loài người thông qua các biểu tượng văn hóa do họ tạo ra” (NĐK nhấn mạnh, tr. 27). Tuy có những cách giải thích khác nhau ở nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bộ từ điển và bách khoa thư trên thế giới nhưng chung quy đều cho rằng, đó là loại ngôn ngữ có thể kết hợp với ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hoặc có thể dùng độc lập để giao tiếp và hòa nhập với nhau mà không nhất thiết nói chung một thứ tiếng, sống chung với nhau cùng một khu vực không SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 66 (6/2019) 26 gian, thời gian, thậm chí cách xa nhau nhiều nền văn minh, nhiều thế hệ khác nhau trong lịch sử loài người. Nếu văn hóa là một hệ thống ý nghĩa, thì ý nghĩa chính là nội dung hàm chứa trong biểu tượng, tức “cái được biểu đạt”(signified) hay là ý nghĩa biểu tượng tồn tại cùng với “cái biểu đạt”(signifier) của một kí hiệu. Điều này có nghĩa là việc nhận thức biểu tượng khác với ý nghĩa biểu tượng. Mặt khác, do biểu tượng có tính đa chiều và phụ thuộc vào hiểu biết khoa học và kinh nghiệm trực giác trong việc “đọc”, giải mã nên ý nghĩa biểu tượng tuy có tính bao quát, tính chung, tính quy luật và được cộng đồng chấp nhận sử dụng nhưng việc hiểu, tiếp nhận ý nghĩa ấy cũng không hề giản đơn. Đúng như Lời mở đầu của cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã viết: “Không cách gì định nghĩa cho được một biểu tượng. Nó giống mũi tên bay mà không bay, đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà lại không nắm bắt được. Ta sẽ phải dùng các từ để gợi ra một hay nhiều ý nghĩa của biểu tượng nên phải luôn nhớ rằng, các từ không thể diễn tả hết các ý nghĩa của biểu tượng” (Jean Chevier & Alain Gheebrant, 1997, tr.14). Chính vì thế, nhà khoa học Nga Iu. Lotman đã khẳng định: “Biểu tượng là một trong những từ nhiều nghĩa nhất trong hệ thống các khoa học về kí hiệu” (dẫn theo Trịnh Bá Dĩnh, 2017, tr.23). 2.3. Ca dao Nam Bộ là tiếng lòng ân tình, mộc mạc của người dân Nam Bộ, mang trong đó hình ảnh của nền “văn minh kênh rạch”, với biểu tượng ghe xuồng gần gũi quen thuộc, ghi dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa-ngôn ngữ vùng này suốt bao đời qua. Có thể nói, trong suốt hàng trăm năm nay, trên nền bức tranh vùng sông nước mà người Mẹ thiên nhiên vĩ đại tạo ra, nổi bật lên dáng hình của chiếc ghe xuồng mềm mại, đẩy đưa lả lướt theo dòng nước, con nước và neo đậu bên những dòng ca dao dung dị, chân thực, hồn nhiên nhất. Thế giới ca dao ân tình ấy mở ra nhiều biểu tượng cực kì đặc sắc, trong đó, ghe xuồng nổi lên như một biểu tượng trung tâm. Bởi, nói tới Nam Bộ cũng như miền Tây, là nói đến miệt vườn sông nước, kinh rạch, mà nói đến sông nước, kinh rạch là nói đến ghe xuồng. Ghe xuồng là đại biểu xứng đáng nhất của không gian “văn minh sông nước miệt vườn” (chữ dùng của nhà Nam Bộ học Sơn Nam). Trong kí ức dân giã, nếu như mái đình, cây đa, bến nước là biểu tượng trung tâm của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, thì ghe xuồng là biểu tượng trung tâm của nền văn hóa sông nước Nam Bộ nói chung, và văn hóa miệt vườn sông nước Tây Nam Bộ nói riêng. Xét trong nhiều biểu tượng khác của Tây Nam Bộ liên quan đến địa hình như sông, nước, kênh, rạch, biển hay phương tiện di chuyển như đò, thuyền, phà thì ghe xuồng là biểu tượng đáng chú ý và nổi bật nhất. Đây là một nét đẹp văn hoá độc đáo được lưu giữ qua ca dao cũng như kí ức, cảm thức ngôn ngữ và văn hóa của con người vùng đất này suốt hàng thế kỷ. 3. Hệ ý nghĩa của biểu tượng ghe xuồng trong đời sống sông nước vùng Tây Nam Bộ Trong tâm thức và trong dòng chảy văn hóa ngôn ngữ của vùng Tây Nam Bộ, ghe xuồng mang một hệ ý nghĩa biểu tượng khá đặc biệt. Với nhận thức của người miền Tây, ghe xuồng vừa là vật thể hữu hình vì nó có hình dáng, kích thước và sự đa dạng về chủng loại, có hình khối, đường nét, mà người ta thể sờ lấy, nắm lấy, hay NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 27 trao trọn tính mạng mình cho nó. Đồng thời, ghe xuồng cũng có mặt vô hình, bởi nó còn có linh hồn riêng, neo vào lòng người và dòng đời, mở đôi mắt dõi nhìn theo cảnh huống, tâm trạng và nhịp sống chủ nhân: khi lắng sâu, trầm tĩnh, lúc ào ạt bung phá, lúc thủ thỉ tâm tình, khi rộn ràng, cởi mở, khi mưa xuống, nắng lên, lúc đầy vơi con nước, lúc say tràn cung mây. 3.1. Về mặt định danh Chính sự ra đời trên nền cảnh sông nước như vậy nên cảm thức ngôn ngữ - văn hóa ấy của người Tây Nam Bộ thể hiện thông qua cách đặt tên gọi ghe xuồng là rất phong phú, linh hoạt và cực kì cụ thể. Chẳng hạn, khi định danh, tùy theo cấu tạo, mục đích sử dụng, thậm chí tùy theo hình dáng, hình thức, ghe xuồng được gọi tên để dễ phân biệt. Ghe lớn thì có nhiều loại như ghe bầu, ghe cửa, ghe lồng, ghe giàn, ghe be, ghe chài, ghe hầu, ghe quyển, ghe ô, ghe điệu, ghe hàng bố, ghe bè, ghe cá, ghe rổi, ghe đục.v.v. Ghe nhỏ cũng vậy, có ghe lườn, ghe mỏ vạch, ghe tam bản, ghe cà vom, ghe cui, ghe lưới, ghe cào. Theo thống kê của Nguyễn Văn Lợi (2007), ở Tây Nam Bộ có 36 loại ghe. Tương tự, xuồng do đặc điểm nhỏ gọn, rất linh hoạt và dễ luồn lách trên kinh rạch quanh co, nên cũng có nhiều tên gọi như xuồng ba lá, xuồng tam bản, xuồng năm lá, xuồng be bẩy, xuồng be chín, xuồng câu, xuồng mui, xuồng đục, xuồng máy, xuồng năm quăng.v.v. Từ phương diện chức năng, ghe xuồng không chỉ đảm nhận vai trò là phương tiện đi lại đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt, chuyên chở sản phẩm hàng hóa mà còn đảm nhận vai trò của là một sản phẩm văn hoá chứa đựng không gian sinh hoạt, không gian văn hóa tinh thần của người dân, với những phong tục tập quán, nghi lễ như tục vẽ mắt cho ghe, tục đua ghe ngo của người Khmer hay những điệu hò, câu hát như hò chèo ghe, hò mái dài, mái cụt, hò sông Hậu, hò Đồng Tháp.v.v. Tất cả đã tạo nên sắc thái rất riêng của văn minh miệt vườn vùng Tây Nam Bộ. 3.2. Về mặt biểu hiện Trên cơ sở hình ảnh thực, trong đời sống ngôn ngữ văn hóa, ghe xuồng được nâng lên thành biểu tượng cho cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân miền Tây. Ghe xuồng trở thành một miền kí ức, một không gian sinh tồn, một không gian văn hóa mà sự phong phú về ý nghĩa biểu tượng của nó đã mở ra cho mọi người thấy được thế giới vật chất với những hoạt động cư trú, sinh sống, làm ăn cũng như một thế giới tinh thần với những tâm lí, tình cảm, khát vọng của con người miền Tây chân chất, hào sảng. Trong đời sống thường ngày, người Tây Nam Bộ, nhất là khách thương hồ, đều xem ghe xuồng là nhà, sông nước là quê hương. Điều này, cách đây hơn hai thế kỉ, sách “Gia Định thành thông chí” đã mô tả: “Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe, thuyền, hoặc dùng thuyền để làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân thích, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi, mà ghe thuyền chật sông ngày đêm qua lại...” (Trịnh Hoài Đức, 1998, tr.27). Do đặc trưng sông ngòi dày đặc, địa bàn làm ăn, cư trú, sinh hoạt hầu như quanh năm gặp cảnh sình lầy, ngập nước nên ghe xuồng là phương tiện hữu dụng và phổ biến nhất trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Trên cơ sở cảm nhận và hiểu được sâu sắc nhịp biến động của thiên nhiên, nhịp đầy vơi của con nước, dòng nước, nên người Tây Nam Bộ đã chế tạo ra nhiều loại ghe thuyền nhằm tận dụng, đối SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 66 (6/2019) 28 phó và phát huy tối đa các phương tiện đi lại, vận chuyển trên sông nước. Bởi thế, ghe xuồng rất đa dạng về kiểu loại, chủng loại. Từ những chiếc ghe xuồng hoạt động bằng bơi, chèo, chống, luồn lách trong kinh, rạch nhỏ đến những chiếc ghe, tàu vài chục tấn, vài trăm tấn chạy bằng động cơ máy nổ được sử dụng đan xen nhau chở hàng hóa, nông sản, thủy hải sản tạo nên cảnh tấp nập, nhộn nhịp mang đặc trưng riêng của miệt vườn sông nước miền Tây. Khảo sát trên 2462 câu ca dao Nam Bộ, ý nghĩa biểu tượng về đời sống vật chất càng được thể hiện rõ. Khi thì ghe xuồng gắn với ý nghĩa biểu tượng về môi trường sông nước với những nét khắc nghiệt và hoang dã của thiên nhiên thời mở cõi. Từ buổi đầu lưu dân người Việt mới đến khai phá, vùng đất Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng còn hết sức hoang sơ, cả trời, đất, thực vật, động vật tạo ra một cảnh tượng: “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội tựa bánh canh/ Cỏ mọc thành tinh/Rắn đồng biết gáy”; kèm theo đó là một ý nghĩa biểu tượng về sự khắc nghiệt, dữ dằn, bất trắc và đầy ám ảnh: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”; “Ai ơi Rạch Giá qua truông/ Gió rung ngọn sậy ngồi buồn nhớ em/ U Minh Rạch Giá thị quá Sơn Trường/ Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua”; “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Kẻo khúc sông này bờ bụi bụi tối tăm”; “Chèo ghe xuống biển bắt cua/ Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi”. Từ đó, ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng xuất hiện trong mô hình thứ nhất: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện sự khắc nghiệt, dữ dằn của vùng sông nước Nam Bộ thời khẩn hoang Sự khắc nghiệt, hoang dã ấy chỉ là hình ảnh buổi đầu của vùng đất thời khẩn hoang còn thực tế ngày nay, nhờ sự bồi đắp của hệ thống sông Cửu Long, tài nguyên phong phú, dồi dào với nhiều nguồn lợi thủy sản phong phú, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với những miệt vườn xanh mướt, với nhiều sản vật vang danh khắp xứ. Bởi thế, trong không gian văn hóa sông nước miệt vườn ấy, ghe xuồng còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sự trù phú, no đủ của đời sống cư dân: “Sông Tiền, sông Hậu cùng nguồn/ Ghe xuồng tấp nập bán buôn dập dìu”; “Kinh Vĩnh Tế biển Hà Tiên/ Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu”; “Sài Gòn là xứ ngựa xe/ Mỹ An là xứ xuồng ghe dập dìu”; “Có ai đến với xứ thơ/ Ghé qua xứ lụa bên bờ Tiền Giang/ Dòng sông thẳng tắp hàng ngàn/ Tàu ghe xuôi ngược, đò sang bên này/ Bên này mặc Lãnh Mỹ A/ Đưa đò sang chợ tưởng xa hóa gần”; “Bớ ghe ai chờ đợi em cùng/ Kẻo ghe anh nặng vẫy vùng chẳng đi”. Theo đó, ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng xuất hiện trong mô hình thứ hai: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện sự trù phú, no đủ của miệt vườn sông nước miền Tây Mỗi khi xuất hiện trong những lời ca dao ân tình, mộc mạc như vậy, ghe xuồng thường gợi lên hình ảnh một cuộc sống đời thường dung dị, thanh bình, yên ả của miệt NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 29 vườn sông nước, hay một cuộc sống tinh thần thanh thoát, thăng hoa từ chính những dòng nước, con nước. Đặc biệt, cảm giác về sự yên bình, no đủ ấy khi có mặt của xuồng ba lá- biểu tượng của sự thanh bình êm ái, yên ả, thậm chí ngay cả trong cảnh huống “lênh đênh”: “Dẫu xuồng ba lá lênh đênh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi/ Anh ơi chớ ngại ngần chi/ Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên"; “Quan cưới em bằng kiệu em cũng không thèm/ Anh cưới em bằng xuồng ba lá em cũng nguyền đi theo”. Ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng, do vậy, xuất hiện trong mô hình thứ ba: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện sự thanh bình, êm ái, yên ả ở chốn miệt vườn sông nước miền Tây Đối với giới thương hồ, chiếc ghe dùng để chở hàng hoá cũng là căn nhà di động, nay đậu ở vàm kinh này, mai lại dời đi bến khác, len lỏi vào tận những con kinh, con rạch chằng chịt để buôn bán tìm kế mưu sinh. Do vậy, ghe xuồng mang ý nghĩa biểu tượng cho cuộc sống của khách thương hồ, cho những phận đời nổi trôi, nhiều bất trắc, sớm hôm mưu sinh trên những con nước lớn ròng: “Thảm thiết thương cho chiếc ghe lườn đi ngược/ Không biết chừng nào mới được nước xuôi”; “Tôi ở Trà Vinh tôi nghèo quá/ Tôi chèo ghe vô Cà Mau, Rạch Giá/ Tôi mua ít tạ khoai lang/ Tôi đi thẳng Trà Bang/ Tôi bán một tạ chỉ lời mấy cắc/ Tôi trở về nhà thấy anh ở sòng tứ sắc/ Tôi kể chắc anh đã thua rồi/ Trời đất ơi! Con năm bảy đứa, gạo tôi kiếm từng nồi anh thấy không?”; “Anh đi ghe rổi chín chèo/ Bởi anh thua bạc nên nghèo, nợ treo/ Nợ treo mặc kệ nợ treo/ Em bán bánh bèo trả nợ nuôi anh”; “Bước xuống ghe quạt che quạt ngoắt/ Cất mái chèo ruột thắt từng cơn”; “Chèo ghe đi bán lòng tong/ Nước chảy ròng ròng chẳng thấy ai mua”; “Thuyền lên Châu Đốc, ghe xuống Vàm Nao/ Thẳng tới Ba Sao coi chừng con nước đẩy”Cái địa danh “Vàm Nao”, vốn chỉ dòng sông chuyển nước sông Tiền vào sông Hậu, nổi danh có dòng chảy xiết, có nhiều nước xoáy nên rất hiểm nguy cho tàu bè, là một nỗi ám ảnh đối với cư dân và khách thương hồ mỗi khi đi ghe xuồng qua đây. Không phải ngẫu nhiên mà sông Vàm Nao còn được gọi là “Hồi Oa” có nghĩa là “nước chảy xoáy tròn”. Bởi thế, ý nghĩa biểu tượng cho thân phận của khách thương hồ miền sông nước, nổi nênh và bất trắc càng được tô đậm. Do đó, ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng lại được xuất hiện trong mô hình thứ tư: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện thân phận khách thương hồ lênh đênh, chìm nổi nơi miền Tây sông nước Đối với người dân vùng sông nước, ghe xuồng là cả không gian sống. Cho dù trên thực tế, mỗi ghe xuồng có diện tích khá hạn chế, nhưng do được nối kết với sông nước nên không gian tự nhiên của nó được mở rộng khoáng hoạt với đất trời. Bởi vậy, sau một ngày vất vả bán buôn hoặc rong ruổi trên sông nước tha phương, dưới ánh trăng lúc mờ lúc tỏ, khách thương hồ tụ họp lại bên tách trà, ly rượu hoặc ngân lên một điệu SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 66 (6/2019) 30 hò mái đẩy với rộn ràng đàn ca tài tử, cất lên một lớp Nam ai, lẩy vài câu vọng cổ, hòa quyện với tiếng đàn kìm, đàn ghi ta ngân vang trên nhịp đầy vơi của con nước hữu tình. Ghe xuồng, lúc ấy, mang ý nghĩa biểu tượng cho tâm hồn trong sáng, hồn hậu, cho tiếng lòng con người dung dị ở miệt vườn sông nước miền Tây. Tiếng lòng đó, lúc thì tâm tình, thủ thỉ, lúc thì bừng bừng khí thế: “Xuồng ai đi trước/ Giọt nước chảy ròng ròng/ Phải xuồng người nghĩa, quay vòng tôi hỏi thăm”; “Ghe ai ngọn sóng vỗ bờ/ Nghe vang tiếng hát tiếng hò mà thương”; “Hai đứa mình ngồi xuống một ghe/ Khoan khoan chèo chậm để nghe huê tình”; “Ghe bầu dọn dẹp kéo neo/ Mấy chú bạn chèo bắt cái hò khoan”; “Bớ chiếc thuyền loan, khoan khoan ngớt mái/ Đặng đây tỏ một đôi lời phải trái nghe chơi/ Đây cũng muốn chờ/ Ngặt bóng trăng lờ, tiếng đàn diệu vợi/ Xuồng lái em sẵng sàng, em đợi luống công”. Qua cách thức đó, ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng xuất hiện trong mô hình thứ năm: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện cho tâm hồn trong sáng, hồn hậu, dung dị của con người miền Tây Nhưng có lẽ, khó tìm thấy ở đâu đẹp đẽ và hào sảng, giàu sức biểu cảm, “lao lung’ hơn như ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng về tình cảm quê hương đất nước thông qua cảnh sinh hoạt gia đình cụ thể, dung dị: “Con nước lớn cha chống xuồng/ Con nước ròng mẹ nhóm bếp cà ràng đợi gió/ Vàng bông điên điển Châu Giang/ Ai đến Văn Lang/ Ai về châu thổ/ Con nước rong chảy tràn mùa nước nổi/ Con nước kém ai dừng lại bên bờ châu thổ/ Gác mái dầm nghe câu hát lao lung". Và từ đấy, ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng xuất hiện trong mô hình thứ sáu: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện tình cảm quê hương đất nước hào sảng của người dân vùng sông nước miền Tây Đời sống sông nước đã cho họ những tình cảm hồn nhiên chân chất và ghe xuồng trở thành một sinh thể chứa đầy cảm xúc, tâm trạng. Trong bối cảnh ấy, ghe xuồng mang ý nghĩa biểu tượng cho tính cách hào hiệp, phóng khoáng của con người xứ miệt vườn với niềm hứng khởi dâng tràn: “Gió lên rồi căng buồm cho sướng/ Gác chèo lên ta nướng ngô khoai/ Nhậu cho tuôn hết mấy chai/ Bỏ ghe nghiêng ngửa không ai chống chèo”; “Đi xuồng có bốn cái vui/ Lúc chống, lúc bạo, lúc bơi, lúc chèo”. Qua đây, ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng xuất hiện trong mô hình thứ bảy: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện tính cách hào hiệp, phóng khoáng của con người miền Tây Có lẽ cái hồn hậu, trong trẻo ấy trong đời sống tâm hồn người dân vốn có căn nguyên từ môi trường sông nước trong lành đã cho họ một cách sống, cách suy NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 31 nghĩ, cách cảm vừa hồn nhiên, trong sáng, vừa phóng khoáng, vừa hài hước, lạc quan, dí dỏm. Điều đáng lưu ý là tất cả cảm xúc, cung bậc tình cảm con người đều được ghe xuồng chuyên chở lặng lẽ, say mê và đầy tận tụy như một người bạn tri kỉ, tri âm, lúc lắng sâu, diệu vợi hay lúc tột đỉnh thăng hoa. Nhất là trong tình yêu đôi lứa, nhờ sự nhân cách hóa, ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng được thắp sáng với tất cả vẻ đằm thắm, dịu dàng, hồn nhiên, bộc trực. Đây là tâm trạng của một chàng trai lúc khởi đầu muốn làm quen, chưa biết thực hư “đối tác” thế nào, trong sự hóa thân của ghe xuồng, tâm trạng chàng trai mang một chút lao xao và một chút thăm dò: “Chèo ghe tới bến cắm sào/ Nghe em có chỗ, anh lộn nhào xuống sông”. Và cô gái cũng vậy, trước tình thế ấy, buộc phải lên tiếng giãi bày, thề thốt, cởi mở thẳng thắn: “Chiếc ghe kia nói có/ Chiếc ghe nọ nói không/ Phải chi miễu ở gần sông/ Em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi”; “Đừng theo cái thói ghe buôn/ Khi vui thì ở, khi buồn thì đi”. Rồi cả hai đều vỡ òa trong sự giải tỏa, vui vẻ, hào hứng: “Xuồng đã chèo lơi, đặng chờ người tri kỷ/ Gặp mặt chuyện trò cho phỉ ước mơ”; “Chèo ghe mái nổi mái chìm/ Lòng thương em bậu anh tìm tới đây”. Còn đây là tâm trạng khấp khởi, hồi hộp của của cô gái trong buổi đầu hò hẹn, sự mạnh mẽ dễ thương bất chấp cảnh nghèo, cảnh khó của chàng trai đã làm cho cô gái mềm long. Ghe xuồng, lúc này như chứng nhân lắng nghe và thấu hiểu: “Ghe ai đỏ mũi xanh lườn/ Phải trên Gia Định xuống vườn thăm em”; “Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch/ Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím/ Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá/ Chẳng đành lội kinh dính sình sang bên gặp em” để rồi nhanh chóng chuyển thành sự ngóng đợi, nhớ nhung, trao gửi: “Chiếc xuồng nhỏ đưa em về xóm nhỏ/ Bỏ anh một mình chiều ra ngõ ngó trông/ Trông trời mây trắng vây quanh/ Ghe mờ lối nhỏ nên đành xa em”; “Ghe lên, ghe xuống dập dìu/ Ghe củi, ghe nghều chẳng thấy ghe em”; “Chiều chiều con quạ nó đứng đầu cầu/ Nó kêu bớ má ghe bầu đã vô”; “Ghe lên, ghe xuống dầm dề/ Sao em không gửi thư về thăm anh?”; “Nóp nồng em gửi tặng anh/ Xuồng em bơi tận trong kinh Tháp Mười”; “Ghe lui khỏi vịnh/ Em thọ bịnh đau liền/ Không tin anh hỏi xóm giềng mà coi”. Hãy nghe những lời nhắn gửi của cô gái gửi đến chàng trai, nghe xao lòng, da diết thấu đến ruột gan: “Anh ơi đừng ham đi bạn ghe chài/ Cột buồm cao, bao lúa nặng có ngày anh xa em”. Lúc này, ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng được xuất hiện trong mô hình thứ tám: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện các cung bậc tình yêu đôi lứa đằm thắm, hồn nhiên, bộc trực của con người miền Tây Mô hình này biểu hiện các cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa có thể nói là đa dạng bậc nhất và thú vị bậc nhất. Điều này lí giải tại sao trong kết quả khảo sát, tần suất xuất hiện của ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu đôi lứa đằm thắm, dịu dàng, hồn nhiên, bộc trực lại chiếm tỉ lệ áp đảo, với 93/218 câu ca dao, chiếm 43%. Tình yêu trên sông nước hữu tình, trong sự hóa thân của những ghe xuồng đậm chất thi vị, lãng mạn và rất đặc trưng càng làm nổi bật những vẻ đẹp ý nghĩa SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 66 (6/2019) 32 biểu tượng của nó: “Đèn treo trước mũi ghe lồng/ Thấy em còn nhỏ chưa chồng anh thương”; “Gió thổi lao xao khúc sông nào sóng nấy/ Xuồng em đi giữa dòng anh thấy anh thương”; “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi anh dắt em luôn/ Em đi có té anh bơi xuồng vớt em”; “Ghe anh bóng loáng mỏng ván nhẹ chèo/ Xin anh bớt mái buông chèo chờ em”. Đến khi chia tay trở về với công việc thường nhật, họ quyến luyến, bịn rịn, không đành rời xa, ghe xuồng, lúc ấy, lại trở thành chứng nhân cho những điều thầm kín: "Bước xuống ghe ba lần không dứt/ Khuyên em vào chỗ khuất anh lui”;“Ghe lui em chẳng dám cầm/ Hai tay áo lụa ướt dầm như mưa”; “Biển cạn láng khô ghe vô không được/ Phải trở lề đi ngược lòng em”; “Ghe lui khỏi bến còn dầm/ Người thương đâu vắng, chỗ nằm còn đây”; “Gió năm non thổi lòn hang chuột/ Thấy em bơi xuồng, đứt ruột đứt gan”. Đến lúc tỏ tình, có khi cần nói đẩy đưa “vòng vo tam quốc”, hay lúc cần bộc trực nói thẳng “nói huỵch tẹc”, ghe xuồng cũng làm rất tốt công việc “đóng thế”. Ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng, lúc này, hàm chứa trong lời tỏ tình vừa chân chất, bộc trực, vừa mạnh bạo, kiên quyết: “Chèo ghe mái nổi, mái chìm/ Thương con thợ lưới mới tìm tới đây/ Tới đây dây vắn gàu thưa/ Hỏi người cố hữu giếng xưa ai đào”; “Chiếc tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát/ Chiếc xuồng câu tôm đậu sát đống chà/ Anh thấy em có một mẹ già/ Muốn vô phụng dưỡng biết là đặng không?”; “Em bán giống chi, em đi xuồng ba lá/ Em ghé lại đây, anh gửi thư về thăm má cùng ba”; “Anh cất tiếng kêu cho thấu vô buồng/ Cho em thức dậy bơi xuồng với anh/ Theo anh thời cũng muốn theo/ Tôi sợ anh nghèo anh bán tôi đi”; “Tàu Nam Vang mũi đỏ/ Ghe Sa Đéc mũi đen/ Em ở chi nước rẫy nước phèn/ Theo anh về chợ đốt đèn măng-xông”. Lời tỏ tình ấy, đôi khi mang dáng dấp của một lời thề nguyền: “Mái chèo có cột nơi nao/ Xuồng anh thương nhớ cắm sào ngàn năm”. Hiểu được thâm ý tuy lém lỉnh dễ thương nhưng cũng khá vội vàng này của chàng trai, trong vai của chiếc ghe xuồng, cô gái đã rất tài tình, khôn khéo hóa giải: “Không cho ghe vội cắm sào/ Vườn quê mới lập, lựu với đào còn non”; “Kiếm nơi nước vận cắm sào/ Đợi cha mẹ định, cắm xuồng nào em cũng chơi”. Tính cách người miền Tây là vậy, rõ ràng, dứt khoát. Nhưng có khi “nói dzậy mà không phải dzậy”, “ghe cá, ghe tôm” kiếm cớ than trách: “Nào khi anh dỗ chẳng nghe/ Bây giờ xách nón chèo ghe đi tìm”; “Trách ai nỡ đốn cây bần/ Chẳng cho ghe cá đậu gần ghe tôm”. Tình yêu là vậy, khi nở hoa, kết trái, cô gái miệt quê nghèo có cơ may được sánh duyên cùng chàng trai trong sự hóa thân của chiếc ghe bầu – mang ý nghĩa biểu tượng cho sự giàu có: “Chị kia búi tóc cánh tiên/ Ghe bầu lại cưới một thiên cá mòi/ Không tin giở hộp ra coi/ Cây trâm ở dưới tiền bồi ở trên”; “Ghe bầu trở lái về đông/ Làm thân con gái theo chồng nuôi con”. Và khi đã là vợ chồng, ghe xuồng lại là câu chuyện của đạo nghĩa. Ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng lúc này, lại khoác một màu sắc mới, một ẩn ý nhắc nhở: “Ai chèo ghe bí qua sông /Đạo nghĩa vợ chồng nặng lắm anh ơi’". Và đây cũng là ý nghĩa biểu tượng ghe xuồng xuất hiện trong mô hình thứ chín- mô hình biểu hiện cuối cùng trong số ngữ liệu 2462 câu ca dao mà chúng tôi khảo sát: Ý nghĩa biểu tượng GHE/XUỒNG = Hình ảnh sự vật tự nhiên + Yếu tố tĩnh/động biểu hiện sự giàu có trong đạo nghĩa vợ chồng của con người xứ sông nước miền Tây NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 33 Như vậy, thông qua ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng kể trên, chúng ta có thể lập thức được một mô hình đầy đủ về ngôn ngữ biểu tượng của ghe/xuồng như sau: Ngôn ngữ biểu tượng GHE/XUỒNG = X (ý nghĩa ước định hiển nhiên, trực tiếp biểu thị hình ảnh sự vật tự nhiên) + Y1; 2; 3;- n-1 (yếu tố tĩnh/động kết hợp biểu thị các ý nghĩa bổ sung) Với mô hình khái quát này, chúng ta dễ dàng hình dung cách mà ngôn ngữ biểu tượng hình thành, cách con người lập mã và giải mã, “đọc”, diễn giải một biểu tượng, và xa hơn, cách nhận thức, cách tư duy về một biểu tượng nhằm hiểu đúng, nhận thức đúng đặc tính vượt thời gian, không gian mà con người ưu ái dành tặng cho nó. 3.3. Về tần suất xuất hiện Khảo sát trên 2462 câu ca dao mà chúng tôi thu thập, có 218 câu ca dao sử dụng tên gọi ghe/xuồng(2) (chưa kể các bộ phận và những hoạt động liên quan như mái, dầm, sào, bơi, chèo. Theo đó, tần suất và tỉ lệ của tên gọi ghe xuồng gắn với chín ý nghĩa biểu tượng cụ thể được chúng tôi biểu diễn trong biểu đồ dưới đây: Biểu đồ về tần suất và ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng trong ca dao Nam Bộ Biểu đồ trên cho thấy, ý nghĩa biểu tượng cho cuộc sống thanh bình, yên ả có tần suất là khá cao, (với 35/218 câu ca dao, chiếm tỉ lệ 16%) trong khi ý nghĩa biểu SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 66 (6/2019) 34 tượng cho miệt vườn sông nước miền Tây trù phú lại có tần suất và tỉ lệ khá thấp (6/218 câu, chiếm 3%). Điều này không hề mâu thuẫn mà trái lại, nó cho thấy, đây là vùng đất lành, vùng đất nên thơ, vùng đất đầy ý nghĩa. Nhưng trong tổng số đó, cao nhất vẫn là tần suất và tỉ lệ áp đảo của ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu đôi lứa đằm thắm, dịu dàng, hồn nhiên, bộc trực (với 93/218 câu, chiếm 43%). Điều ấy cho thấy, đời sống tinh thần, tình cảm của những chàng trai và cô gái miền sông nước là hết sức đẹp đẽ, trong sáng. Không những thế, ý nghĩa biểu tượng cho tình cảm hồn hậu, chân chất, dung dị (với 39/218 câu, chiếm 18%) càng khẳng định bản chất phóng khoáng của con người xứ miệt vườn. Bên cạnh đó, ý nghĩa biểu tượng về tình yêu quê hương đất nước hào sảng với tần suất 15/218 câu, chiếm tỉ lệ 7% cũng là một sự khẳng định khác vẻ đẹp của con người vùng đất tận cùng phía nam Tổ quốc. Hơn nữa, ý nghĩa biểu tượng về tính cách con người miền Tây hào hiệp, phóng khoáng cũng được thể hiện qua tần suất 10/218 câu ca dao, chiếm 6% cũng góp phần tô đậm hình ảnh đất và người Nam Bộ. Mặt khác, tần suất và tỉ lệ của ý nghĩa biểu tượng cho một thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt, dữ dằn, ám ảnh (với 6/218 câu, chiếm 3%) và tần suất của ý nghĩa biểu tượng cho thân phận khách thương hồ lênh đênh chìm nổi, nhiều bất trắc theo dòng nước, con nước, (với 8/218 câu, chiếm 4%) càng làm nổi bật quá trình sống, quá trình chinh phục thiên nhiên của cư dân phương Nam trên mảnh đất giàu tiềm năng phát triển như đã thấy ở ngày hôm nay. Từ sự diễn giải đó, chúng tôi rú ra mấy nhận định quan trọng: i/ Ghe xuồng là biểu tượng nổi bật và là biểu tượng trung tâm của văn minh kinh rạch, văn minh sông nước miền Tây; ii/ Ghe xuồng vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho cuộc sống vật chất vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho cuộc sống tinh thần phong phú và đẹp đẽ của cư dân miền sông nước. iii/ Với tổng số 9 ý nghĩa, tuy khác nhau về tần suất và tỉ lệ nhưng mỗi ý nghĩa là một giá trị lập thành một hệ biểu tượng của ghe xuồng. Một điều khá thú vị, 9 ý nghĩa biểu tượng ấy là kết quả của sự khảo sát khách quan, khoa học của chúng tôi lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên với con số 9. Trong văn hóa Đông phương, số 9 là con số của sự viên mãn, tròn đầy, đồng nghĩa với sự tiếp tục sinh sôi, phát triển. Với người Việt, theo triết lí Âm Dương, số 9 là con số lớn nhất trong dãy số dương, vừa báo hiệu cho sự kết thúc, vừa báo hiệu cho sự bắt đầu, nó chứa ý niệm về tái sinh và nảy mầm nên nó hàm ý nghĩa tốt lành, biểu trưng cho ước mơ trường thọ, trường tồn, vĩnh cửu của con người. Vì vậy, có thể kết luận, biểu tượng của ghe xuồng là biểu tượng của sự viên mãn, trường tồn và ngôn ngữ biểu tượng của nó cũng là là sự biểu hiện của sự tốt lành, trường tồn và vĩnh cửu. 4. Kết luận Kể từ ngày ông cha ta đi mở cõi, suốt lịch sử hình thành và phát triển của Nam Bộ nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng, ghe xuồng luôn giữ một vị trí quan trọng. Nó không chỉ là vật gắn bó khắng khít với người dân mà còn là “linh hồn” của một vùng văn hóa, một cốt cách văn hóa được tạo dựng trong hàng trăm năm qua, tạo nên vẻ đẹp riêng có của văn minh miệt vườn vùng Tây Nam Bộ. Từ cách nhận thức và tư duy về ngôn ngữ biểu tượng, qua những bài ca dao ân tình mộc mạc, sự đa sắc, đa NGUYỄN ĐĂNG KHÁNH TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 35 dạng, sự phong phú về ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng đã khẳng định nét đẹp về đất và người của một vùng sông nước phương Nam không chỉ về phương diện vật chất mà còn về phương diện tinh thần. Chín ý nghĩa biểu tượng của ghe xuồng là chín sự thăng hoa của một biểu tượng, chín sự giao cảm giữa trời-đất-người, chín sắc thái văn hóa-ngôn ngữ làm nên tính giá trị, tính độc đáo của một bản sắc, xứng đáng với biểu tượng trung tâm mà vùng Đất Chín Rồng hào phóng đã sản sinh. Chú thích: (1) Theo Phạm Đức Dương, trong cấu trúc địa danh Lào – Thái, các sông lớn đều gọi là “sông mẹ”. Mekong, tiếng Lào là “Mè Khoóng”, nghĩa là “sông mẹ”. Từ “khoóng” hay “kroong” để chỉ sông, gần như phổ biến khắp vùng Đông Nam Á, người Việt dùng tên Hán Việt “Cửu Long” để phiên âm từ Kroong (Lê Anh Trà 1984, Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long tr. 83). (2) Một cuộc khảo sát khác với quy mô nhỏ hơn và với mục đích khẳng định vai trò của ghe xuồng trong đời sống người dân Tây Nam Bộ, do Nguyễn Tuấn Anh thực hiện (dẫn theo Trần Ngọc Thêm, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, tr.424), thống kê đã chỉ ra, trong số 1554 câu ca dao thì có 68 lần xuất hiện từ “ghe”, 46 lần xuất hiện từ “xuồng”. TÀI LIỆU THAM KHẢO Chevier Jean và Gheerbrant Alain (1997). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. NXB Đà Nẵng. Trịnh Bá Đĩnh (2017). Từ kí hiệu đến biểu tượng. NXB Khoa học Xã hội. Trịnh Hoài Đức (1998). Gia Định thành thông chí. Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. NXB Giáo dục. Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị (1984). Ca dao dân ca Nam Bộ. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh. Đinh Hồng Hải (2015). Nghiên cứu biểu tượng- Một số hướng tiếp cận lí thuyết. NXB Thế Giới. Nguyễn Thanh Lợi (2005). Ghe xuồng ở Nam Bộ. Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 1. Nguyễn Thanh Lợi (2007). Tên ghe xuồng ở Nam Bộ. Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 62. Iu.Lotman (2015). “Biểu tượng trong hệ thống văn hóa” (Trần Đình Sử dịch) trong Kí hiệu học văn hóa. NXB ĐHQG Hà Nội. Sơn Nam (1997). Đồng Bằng Sông Cửu Long- Nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn. NXB Trẻ. Trần Ngọc Thêm (2014). Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ. NXB Văn hóa-Văn nghệ. SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 66 (6/2019) 36 Lê Anh Trà (1984). Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. H: Viện Văn hóa. Petit Larousse. 1993. tr. 978. Ngày nhận bài: 02/6/2019 Biên tập xong: 15/6/2019 Duyệt đăng: 20/6/2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf12_9527_2214917.pdf
Tài liệu liên quan