Dụ ngôn trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh

Tài liệu Dụ ngôn trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 63 (3/2019) No. 63 (3/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 3 DỤ NGÔN TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH The parable in Nguyen Xuan Khanh’s historical novels TS. Ngô Thanh Hải Trường THPT Lạng Giang số 2, Lạng Giang, Bắc Giang Tóm tắt Trong tiểu thuyết lịch sử, yếu tố lịch sử chỉ là một ký hiệu để mã hóa, tạo sinh ý nghĩa. Việc mã hóa đó tạo nên những mặt nạ ngôn ngữ đặc trưng, hình thành các loại hình, xu hướng khác nhau. Từ những phân tích cụ thể về tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi đem đến một góc tiếp cận lý thuyết khác về thể loại tiểu thuyết lịch sử, đi sâu nghiên cứu mô hình cấu trúc của ký hiệu học, thực hiện một chiến lược giao tiếp riêng với sự tham gia của các yếu tố: Chủ thể phát ngôn – đối tượng tiếp nhận và bức tranh thế giới riêng trong một hình thức ngôn ngữ ...

pdf11 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 476 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dụ ngôn trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 63 (3/2019) No. 63 (3/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 3 DỤ NGÔN TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH The parable in Nguyen Xuan Khanh’s historical novels TS. Ngô Thanh Hải Trường THPT Lạng Giang số 2, Lạng Giang, Bắc Giang Tóm tắt Trong tiểu thuyết lịch sử, yếu tố lịch sử chỉ là một ký hiệu để mã hóa, tạo sinh ý nghĩa. Việc mã hóa đó tạo nên những mặt nạ ngôn ngữ đặc trưng, hình thành các loại hình, xu hướng khác nhau. Từ những phân tích cụ thể về tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi đem đến một góc tiếp cận lý thuyết khác về thể loại tiểu thuyết lịch sử, đi sâu nghiên cứu mô hình cấu trúc của ký hiệu học, thực hiện một chiến lược giao tiếp riêng với sự tham gia của các yếu tố: Chủ thể phát ngôn – đối tượng tiếp nhận và bức tranh thế giới riêng trong một hình thức ngôn ngữ đặc thù. Tiếp cận tiểu thuyết lịch sử như vậy sẽ tránh được những tranh luận không đáng có về vấn đề sự thật và hư cấu. Bởi xét đến cùng, thể loại chẳng qua là một sự thỏa thuận để thực hiện các quy ước trong chiến lược giao tiếp diễn ngôn giữa chủ thể và đối tượng tiếp nhận. Từ khóa: diễn ngôn, dụ ngôn, mô hình cấu trúc, Nguyễn Xuân Khánh, tiểu thuyết lịch sử Abstract In historical fiction, the historical element is just a symbol for coding and generating meaning. That coding creates typical language masks, forming different genres and trends. From the detailed analysis of Nguyen Xuan Khanh's novels, we provide another perspective on the theory of historical fiction, undertaking in-depth research on the structure model of semiotics, using a particular communication strategy with the involvement of those elements: subject, receiver and the private world picture in a specific language form. Such approach will avoid unreasonable arguments on the truth and fiction. After all, genre is only a deal to implement conventions in the communication strategy of discourse between subject and the receiver. Keywords: discourse, the parable, structure model, Nguyen Xuan Khanh, historical fiction 1. Mở đầu Theo N.D.Tamarchenko, dụ ngôn “tiếng Nga: “притча”; tiếng Pháp “parabole” - ND) là thể tự sự cỡ nhỏ, mang tính quá độ, chuyển từ folklore qua văn học viết. Dụ ngôn khác với giai thoại (tiếng Nga “анекдот”; tiếng Pháp “anecdote”. - ND), nhưng giống với ngụ ngôn (tiếng Nga “басня”, tiếng Pháp: “fable”. - ND). Nó là câu chuyện bóng gió về một trường hợp không phải là sự hiếu kì, minh chứng hiển nhiên cho một quy luật phổ quát buộc người ta phải tuân thủ, chứ không khiến người ta kinh ngạc. Do đó, dụ ngôn bao giờ Email: thanhhai.xeko@gmail.com SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (03/2019) 4 cũng nghiêm túc, có tính chất giáo huấn, khác hẳn giọng bỡn cợt của giai thoại, còn tính cách và giọng điệu của ngụ ngôn lại có tính hai mặt (Tarmachenko, 2015). Từ cơ sở thế giới quan phi truyền thống này (trên nền văn hóa Kitô giáo thời trung đại), dần dần hình thành hai nguyên tắc và hai con đường sử dụng dụ ngôn trong biến thể mở rộng của nó (nguyên thể là truyện kể thử thách): Thứ nhất, nó trở thành mô hình (mẫu gốc) được dùng, hoặc là để tạo ra các dụ ngôn mới, dụ ngôn có tác giả, nhất là trong sáng tác của L. Tolstoi thời kì cuối (ví như Ba dụ ngôn, Vua Esarhaddon của Assyria), trong sáng tác của Franz Kafka (Cây cầu), hoặc là để tăng cường tính chất dụ ngôn cho các thể loại khác. Thứ hai, dụ ngôn trở thành một trong những thể loại lồng ghép hết sức phổ biến trong truyện vừa (Người con gái viên đại úy của Pushkin, Cây thập ác và Karma của L. Tolstoi), trong tiểu thuyết (câu chuyện về Kif Mokievich và Moki Kifovich trong Những linh hồn chết của Gogol, về Cổng Luật trong Vụ án của Kafka), cũng như trong truyện ngắn (Sinh viên của Chekhov, Trẻ và Già của Bunhin), trong kịch (M. Gorki, Bertolt Brecht). Đôi khi cả hai tuyến nói trên giao cắt nhau: tác phẩm vừa có bản chất dụ ngôn, vừa có DỤ NGÔN truyền thống được lồng vào (Phục sinh của L. Tolstoi)” (Tarmachenko, 2015). Hiểu như vậy, dụ ngôn là một mô hình cấu trúc nền móng, có cội nguồn từ ký ức thể loại trong nền văn học xa xưa. Và mã gen của thể loại này vẫn được duy trì, lưu truyền lại trong quá trình phát triển, đổi mới văn học. Hạt nhân cấu trúc thể loại vẫn được giữ lại, thành những mã nghệ thuật, quy định chiến lược giao tiếp, tạo nên những đặc trưng riêng của loại hình diễn ngôn – dụ ngôn. Truyện lịch sử dù là những biến thể của tử số trong các thể tài song vẫn mang mẫu số chung của mô hình cấu trúc thể loại. Với bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2008) và Đội gạo lên chùa (2011), nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thực sự đã tạo ra một hiện tượng trong đời sống văn học, đặc biệt là xu hướng khai thác về lịch sử. Tiểu thuyết của ông đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, của giới nghiên cứu, phê bình văn học. Hàng trăm bài báo, công trình, luận án, luận văn tiếp cận ba tác phẩm này ở nhiều góc nhìn, phương pháp, lý thuyết khác nhau. Ở bài viết này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh từ lý thuyết diễn ngôn, ký hiệu học văn hóa, trên một bình diện nhỏ là tìm hạt nhân cấu trúc thể loại, phân xuất thành mô hình cấu trúc đặc trưng – kiểu dụ ngôn về lịch sử. Mô hình cấu trúc ấy cũng chính là một mô hình ký hiệu học lịch sử thực hiện một chiến lược giao tiếp diễn ngôn riêng, thể hiện bản chất thể loại qua bức tranh thế giới và ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù. Trong mô hình này, lịch sử là một ký hiệu, một mã để tạo nghĩa, làm phương tiện thực hiện chiến lược giao tiếp thể loại/ diễn ngôn có sự thống nhất của ba yếu tố chủ thể phát ngôn – đối tượng tiếp nhận – cái được đề cập tới (Chiupa, 2013). 2. Nội dung 2.1. Sự đan cài, chồng xếp các lớp truyện kể để chuyển tải bài học Chủ thể trong diễn ngôn tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh luôn luôn là con người nhiều suy tư, luôn mang những bài học muốn chia sẻ, truyền đạt lại NGÔ THANH HẢI TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 5 cho người đọc. Chính vì thế, những tác phẩm của ông, dù có dung lượng rất lớn, chi tiết dày đặc thì ta vẫn nhận ra các lớp bài học, chân lý được kết tụ lại từ những chỉ dẫn lịch sử, những biến cố và số phận của con người trong đó. Do đó, ở tiểu thuyết của ông, chúng tôi nhận thấy chủ thể đang kể câu chuyện về mình/ câu chuyện của mình cho người khác nghe. Các tác phẩm được tổ chức theo nguyên tắc nhiều lớp, nhiều tầng truyện kể của tiểu thuyết, còn lịch sử được tiểu thuyết hóa. Lịch sử không còn là mục đích cuối cùng mà chỉ được sử dụng như phương tiện, một mã nghệ thuật chuyển tải bài học/ thông điệp. Chủ thể của những câu chuyện như đang đàm tâm, đối thoại, truyền lại những kinh nghiệm/ bài học của mình cho đối tượng người nghe về lịch sử, cuộc đời và lẽ xuất xử của con người. Những bài học ấy có thể được nêu ra ngay từ đầu, có thể dồn tụ, kết đọng ở phần kết thúc hoặc ẩn sâu dưới tầng tầng lớp lớp các câu chuyện được kể trong tác phẩm. Dù tồn tại dưới dạng thức nào chăng nữa thì những bài học luôn luôn mang đến cho người đọc nhiều nhận thức mới mẻ, như ngộ ra một chân lý, vỡ ra những sự thực khác, có khi là đối lập với nhận thức, với những điều đã được biết tới/ đã được mặc định là chân lý hay sự thật tuyệt đối. Cho nên, mỗi tiểu thuyết của ông bao chứa, chồng xếp nhiều câu chuyện khác nhau. Những câu chuyện này khi tồn tại song song, độc lập thành các tuyến, các lớp riêng, khi thì hòa vào nhau, cùng hướng tới bài học chung. Cốt truyện thường được ông tổ chức theo nguyên tắc “nhị phân”, tạo ra hai đối cực, hai mạch truyện kể, hai trường nghĩa khác nhau với ranh giới rõ rệt. Khảo sát bộ ba tác phẩm Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa chúng tôi nhận ra một điều là cả ba tác phẩm đều có sự đan cài hai tuyến/ lớp truyện song hành, hoặc tương tác với nhau: lớp/ tuyến truyện lịch sử gắn với những xung đột sử thi, vận mệnh dân tộc trong cái nhìn kiểu tương quan chúng ta - chúng nó và lớp/ tuyến truyện về số phận cá nhân của đời tư gắn với những xung đột thế sự trong những tương quan kiểu bề bậc (trên - dưới, anh - tôi, quân - thần...), đạo đức, hệ tư tưởng (thiện - ác, trung - gian, tiến bộ - bảo thủ...), xã hội - giai cấp (người giữ ngôi - kẻ tiếm vị, quan - dân, cán bộ - nhân dân, giàu - nghèo...) v.v... Mỗi câu chuyện đó đem đến cho người đọc những nhận thức, suy tư và cảm xúc khác nhau để cùng hướng tới/ minh họa, làm sáng rõ bài học chung cục. Những truyện kể về lịch sử, dân tộc tương tác với những truyện kể về phận người, những cá nhân, lồng ghép với những truyện kể về tôn giáo, tâm linh, tư tưởng hệ, ý thức hệ tạo nên cái nhìn đa chiều, mang tính lập thể. Từ đó những khả năng bài học sâu sắc được thể hiện qua hình tượng ám dụ và cách nói bằng những ẩn ngữ lịch sử. Để thực hiện mục đích giao tiếp diễn ngôn của dụ ngôn lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh đã chọn cách thức tổ chức trần thuật theo kiểu nhiều bè, nhiều giọng của tiểu thuyết đa thanh, phức điệu mà F.Dostoievski đã sáng tạo ra. Lý thuyết tiểu thuyết này đã được M.Bakhtin chỉ rõ trong các công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên cái đích của Nguyễn Xuân Khánh không phải tạo ra tính đối thoại giữa các giọng, hệ tư tưởng, mà lại hướng đến đồng thanh phát ngôn bài học chung – một kiểu bắt nhịp đồng ca cho nhiều giọng hay dạng hát bè đệm cho một giọng chính. Sự đối SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (03/2019) 6 thoại nếu có là đối thoại về quan điểm lịch sử trong tiểu thuyết với cái nhìn lịch sử cố hữu trong các diễn ngôn chính sử. Cả ba cuốn tiểu thuyết của ông đều được trần thuật theo ngôi thứ ba, bằng một người kể chuyện giấu mặt. Người kể chuyện đó như sự hóa thân của chủ thể, mang sẵn bài học, gửi bài học ấy bằng những câu chuyện khác sẽ được kể trong tác phẩm. Những câu chuyện khác đó được kể từ nhiều điểm nhìn khác nhau của người kể, và của các nhân vật – các nhân vật tự kể về mình và kể về người khác. Điểm nhìn trần thuật được di chuyển linh hoạt, được đặt ở những vị thế, quan điểm rất khác nhau vừa song hành, vừa tương tác đối thoại, để làm tường minh, để chuyển tải bài học. 2.2. Nhân vật trung tâm - những chủ thể lựa chọn Đặc trưng quan trọng của mô hình cấu trúc dụ ngôn là mỗi nhân vật được xây dựng như một chủ thể lựa chọn trong bức tranh thế giới mà nhà văn tạo nên. Việc nhân vật ở nguyên tại một vị trí hay vượt qua ranh giới của các không gian điểm, các trường nghĩa biểu hiện những sự lựa chọn khác nhau, tạo nên cấu trúc truyện kể đặc thù trong vùng chức năng của các không gian. Mỗi sự lựa chọn gắn với một không gian nào đó đều tự mang trong nó một thông điệp, chiêm nghiệm hay bài học. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi nhận thấy ông chia thành các không gian điểm và đặt nhân vật của mình trong mối quan hệ mật thiết với các không gian đó. Qua ba tác phẩm Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa, chúng tôi nhận thấy có ba nhóm chủ thể lựa chọn gắn với những luận đề tư tưởng, những bài học lịch sử, mà thực chất đó là việc lựa chọn cách hành xử trước lịch sử và biến cố thời đại: 1/ Những chủ thể lựa chọn lối sống nhập thế; 2/ Những chủ thể lựa chọn lối sống tùy duyên; 3/ Những chủ thể lựa chọn hoặc buộc phải chọn lối sống trung dung, chọn vị trí trung lập giữa hai lối sống trên. Sự phân chia này mang tính chất tương đối bởi một số chủ thể có nhiều sự lựa chọn hoặc sự chuyển đổi lựa chọn qua không gian và thời gian khá phức tạp. Vậy, đây chỉ là một cách chia xuất phát từ góc nhìn của chúng tôi về bức tranh thế giới trong diễn ngôn. 2.1.1. Kiểu nhân vật/ chủ thể của lối sống nhập thế Con người nhập thế còn là con người của khát vọng/ tham vọng, hoài bão, sẵn sàng vượt qua tất cả để đến cái đích cuối cùng là lập thân thì phải lập công, lập danh, lập ngôn. Tác giả mượn lời của nhân vật Đức trong Đội gạo lên chùa gọi đây là lối sống “dương tính”. Lựa chọn lối hành xử nhập thế - lối sống dương tính là những chủ thể hành động, thường có cái nhìn cực đoan, theo đuổi đến cùng mục đích của mình. Họ chủ động hành động để hiện thực hóa tất cả những hoài bão, tráng chí, lý tưởng. Chúng ta có thể thấy điều đó rất rõ trong Hồ Quý Ly qua những con người lựa chọn thực hiện lý tưởng của Nho gia, muốn làm những việc kinh bang tế thế, thực hiện tráng chí, hoặc giữ trọn đạo của người quân tử. Họ ứng xử dựa trên nền tảng những tín điều bất di bất dịch ấy nên khó chấp nhận lựa chọn, lý lẽ, tư tưởng của phe đối lập/ đối nghịch. Do vậy, họ sẽ không có bất cứ đối thoại, thỏa hiệp nào. Đó là lựa chọn của các nhân vật Trần Nghệ Tông, Duệ Tông, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Nguyễn Cẩn. Nhưng chính từ trong nhóm nhân vật lựa chọn lối sống nhập thế này lại phân hóa NGÔ THANH HẢI TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 7 thành hai phe đối lập, xung đột gay gắt với nhau trên quan điểm chính trị, tham vọng quyền lực và lý tưởng đạo đức riêng. Bởi hệ tư tưởng nền tảng chi phối lối sống, cách hành xử của họ không phải là hướng nội mà là hướng ngoại, đưa họ đến những hành động quyết liệt và kết cục là sự tranh giành, tước đoạt, chiến tranh đẫm máu. Cho nên, các không gian kinh thành Thăng Long hay Tây Đô, những cung vua phủ chúa gắn liền với cuộc xung đột, tranh đoạt này, trở thành bãi chiến trường. Cái đẹp của lầu son gác tía, của cảnh sắc nguy nga tự chứa trong nó bao cơ mưu, tội ác. Những sự hủy hoại và xây dựng cứ nối tiếp, đan xen tạo nên một bức tranh liên tục trong loạn ly, biến động, chết chóc. Tất cả các không gian dù rộng hay hẹp đều trở thành những đấu trường để người ta đấu trí, thử lòng, chinh chiến, giành giật bằng sức mạnh, bằng bản năng ác của mình. Vì vậy, sự lựa chọn của các chủ thể gắn với không gian đặc thù ở đây đã cấu thành một lớp truyện đặc thù, trong tổng thể cấu trúc truyện kể Hồ Quý Ly nói riêng và các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh nói chung. Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa cũng có những chủ thể lựa chọn tương tự, lựa chọn sống nhập thế, hành động đấu tranh quyết liệt. Tuy nhiên, sự giành giật và những mâu thuẫn ở đây không phải là trong nội bộ của thế lực tiếm quyền và giữ quyền, mà là xung đột của dân tộc, văn hóa, ý thức hệ. Tất cả vẫn dẫn đến những loạn ly, mạt vận và hủy diệt. Như vậy, sự lựa chọn lối sống nhập thế của các chủ thể hành động gắn với một trường nghĩa, tạo nên một lớp truyện kể đặc trưng trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Nó khiến người ta thấm thía một điều: lịch sử thấm đẫu máu và nước mắt của chúng sinh, không chỉ là máu để lập công mà còn là máu, nước mắt của những sự trả giá, của những sự tiêu hủy từ lòng tham và sự thù hận. Sự lựa chọn của những cá nhân nhập thế, dù trực tiếp hay gián tiếp sẽ thành một động lực tạo nên sự xoay chuyển của xã hội và thời thế. Và để dựng xây một cái mới, cái khác thì trước đó luôn luôn diễn ra quá trình phá hoại, hủy diệt, thậm chí là tận diệt kiệt cùng cái cũ. Cho nên, chữ “biến” và “dịch” không phải của riêng một thời kỳ nào, của một quốc gia nào mà nó là quy luật chung của lịch sử nhân loại. 2.2.2. Kiểu nhân vật/ chủ thể của lối sống tùy duyên Một đối cực khác của chủ thể nhập thế, để cân bằng lại, làm hài hòa âm – dương cho mạch truyện kể trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, là sự lựa chọn của những chủ thể với lối sống an nhàn, tự tại – cách ứng xử “tùy duyên”. Họ không hẳn quay lưng với cuộc đời, không phải tất cả đều ẩn dật nhưng họ không tham gia vào những mưu đồ chính trị, những tranh chấp, không có những hành động gây hấn, hoặc là tránh tất cả các cuộc chiến ấy. Họ sống an nhiên và chấp nhận nhiều điều, kể cả thiệt thòi về bản thân để được làm điều mình mong muốn, được sống hòa hợp, sống đúng là mình. Rất nhiều chủ thể này đã tìm về với Phật, chọn không gian của nhà Phật làm điểm tựa để nuôi dưỡng Phật tính, nuôi dưỡng cho mình lòng từ, bi, hỉ, xả. Trong hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Đội gạo lên chùa, ta thấy nhà văn dành một sự quan tâm đặc biệt cho Phật giáo, cho các nhân vật sống theo nguyên tắc và tư tưởng của nhà Phật mà điều cơ bản nhất ấy chính là “Tùy duyên lạc đạo”. Đó là các nhân vật SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (03/2019) 8 như nhà sư Vô Trụ, Sử Văn Hoa trong Hồ Quý Ly, sư Vô Úy, Khoan Độ, cậu An trong Đội gạo lên chùa. Quan niệm “Tùy duyên” đã đưa đến một quan niệm sống khác, tích cực và nhân ái, quan niệm về khổ và nghiệp. Người ta sinh ra trên đời đã khổ (Đời là bể khổ), sinh ra để tạo nghiệp và chịu nghiệp (có khi nghiệp từ kiếp trước của mình). Sống tùy duyên, sống tìm về với Phật tính tức là sống với phần căn tính thiện của mình, vượt lên trên tất cả những “tham”, “sân”, “si”, để lòng mình thanh tịnh, trong sạch, bằng an. Cõi lòng ấy như mặt nước phẳng lặng, không chút gợn sóng trước mọi biến động của cuộc đời, xã hội. Những con người này theo đến cùng việc thực hiện lý tưởng sống từ bi, bác ái, sống vì cái tốt, tình thương, tránh xa cái ác, cái xấu và hành động gây đau thương. Đó là những tâm hồn lớn lao, cao cả, luôn giang rộng cánh tay mình để cứu nhân độ thế, để làm việc nhân đức. Dường như cả cuộc đời của họ dành để cứu khổ cứu nạn cho nhân gian, để tìm ra hướng giải thoát cho con người hết khổ, và bản thân họ có thể chấp nhận hứng chịu nhiều tai ách. Cho nên, không gian của những ngôi chùa, nơi thanh tĩnh, tâm linh không cao xa vời vợi, không vắng vẻ lánh đời mà lại ở giữa nhân gian, ở trong cuộc đời. Không gian ấy không chỉ gắn với những chủ thể lựa chọn lối sống Phật tính, tùy duyên lạc đạo, mà nó còn là nơi che chở, cứu rỗi tâm hồn mỗi con người. Đó là nơi bình yên để người ta nương náu, để con người bình tâm, giải thoát khỏi bể khổ trần ai. Dường như không gian chùa làng là nơi bất khả xâm phạm, khiến cho bất cứ ai, bất cứ kẻ thù nào trước khi tấn công cũng phải đắn đo, suy nghĩ, hay kiêng dè. Ngôi chùa, từ trong ý nghĩa của sự sống, như một đối cực để cân bằng, kìm hãm dương khí ngùn ngụt của thời đại, những chém giết, biến loạn trên khắp các không gian ngoài kia. Nó níu giữ con người lại, để mỗi người biết sống bằng lòng nhân, tính nhân, bằng tính thiện của mình. Và như thế, không gian của Phật với lối sống Phật tính giống như một sự hóa giải, tạo nên sự thăng bằng, ổn định lâu dài cho đất nước, thế cục. Do vậy chùa làng, lối sống chay tịnh, sống hướng về Phật còn là một trong những cội nguồn, nhân tố căn cốt nhất tạo nên tinh thần dân tộc, hồn nước, cũng là cội nguồn. Bên cạnh những chủ thể lựa chọn đường về với Phật, chúng ta nhận thấy còn những sự lựa chọn khác, hướng đến cuộc sống an nhiên, tránh xa tục lụy, giành giật, tranh đoạt – lối sống nhàn dật. Họ tìm cho mình một không gian yên tĩnh tu tâm dưỡng tính, tránh phải làm điều tàn nhẫn, độc ác, để tâm hồn thanh thản. Mục đích cuối cùng của các nhân vật này vẫn là hướng thiện, giúp đời, cứu người. Họ cũng đi tìm một không gian sống thoáng khí, trong lành, tìm một điểm tựa tinh thần cho bản thân được sống trong bình yên, sống thật với chính mình. Đây là lối sống “Nhàn” của các bậc trí thức bất gặp thời. Đó là cụ lang Phạm – cha vợ Hồ Quý Ly – suốt đời tránh xa lầu son gác tía, cung điện nguy nga, sống với vườn thuốc, với niềm say mê y thuật của mình; là quan tư đồ Trần Nguyên Đán, tránh xa mọi thị phi, tranh chấp, ẩn mình chốn Thanh Hư Động trên núi Côn Sơn, nuôi dưỡng, dạy dỗ người cháu mà sau này thành người anh hùng lỗi lạc – Nguyễn Trãi. Sư Tề bỏ kinh thành, bỏ nghề cung kiếm, bỏ lại tất cả, lên núi làm ông già tiều phu cũng là một sự lựa chọn như thế. Một kiểu chủ thể tùy duyên khác là NGÔ THANH HẢI TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 9 những con người tìm về với đạo Mẫu trong Mẫu Thượng Ngàn. Tinh thần của Mẫu, tấm lòng của Mẫu, không gian Mẫu luôn tạo ra cho con người cảm giác an toàn, một niềm tin, sức mạnh tinh thần để vượt qua tất cả tai ách, hiểm họa. Nhìn từ một góc độ nào đó, đây chính là cuốn tiểu thuyết tập trung thể hiện, ngợi ca Mẫu tính trong văn hóa, trong tâm hồn của con người Việt Nam. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết với nhiều câu chuyện đan cài, cùng những biến cố, biết bao số phận, để cuối cùng nhà văn rút ra một tâm niệm (qua lời nhân vật Nhụ): “Đã là người ta, con ơi, ai chẳng là con của Mẫu” (Nguyễn Xuân Khánh, 2012, tr.807). Cho nên, ai đi xa đâu, lưu lạc bao lâu rồi cũng sẽ trở về, trở về làng Cổ Đình thân thuộc, về với Mẫu, với những gì gắn bó, yêu thương. Không phải ngẫu nhiên, tác phẩm được bắt đầu bằng chương “Người trở về” nói về cuộc hồi hương của Trịnh Huyền và Nhụ. Họ trở về và lòng luôn hướng về Mẫu, về một chốn bình yên cho những khởi đầu mới. Trong tác phẩm này, đền Mẫu bên sông có ý nghĩa tinh thần lớn lao với người dân Cổ Đình và những cuộc hầu đồng ở đền Mẫu luôn luôn được chờ đợi trong niềm thành kính tuyệt đối. Sự lựa chọn của những chủ thể hướng về lối sống tĩnh tại, niềm tin tôn giáo của Phật, đạo Mẫu tạo ra một tuyến truyện kể thứ hai, lồng trong tuyến truyện của những tao loạn, chiến tranh, giành đoạt. Chính những con người âm thầm, lặng lẽ sống “tùy duyên” này thể hiện cái nhìn sáng suốt, trí tuệ, bản lĩnh và khí phách hơn người. Họ kiến tạo, gìn giữ những khoảng không bình yên, đem đến niềm tin, tinh thần lạc quan sống cho con người trong thời loạn, trong bão táp lịch sử. Sự lựa chọn của họ hóa giải những lửa tang tóc và thù hằn, hướng đến một sự cân bằng, duy trì xã hội, đất nước phát triển, nhất là thiện lương và cái tâm lành vững cho con người. Qua đó, người đọc càng thấm thía được vẻ đẹp văn hóa truyền thống, những giá trị văn hiến đích thực của dân tộc, của đất nước trải qua bao cuộc binh đao, chiến lửa. 2.2.3. Kiểu nhân vật/ chủ thể của lối sống trung dung Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, bức tranh thế giới được dựng lên với hai nhóm chủ thể lựa chọn đối lập: một bên là lối sống hành động, nhập thế theo lý tưởng Nho gia, theo lý tưởng đấu tranh và một bên là lối sống tự tại, an nhiên theo tư tưởng “tùy duyên lạc đạo” của Phật giáo, tìm về Mẫu tính, đã hình thành cấu trúc truyện kể độc đáo, tạo ra những mã nghĩa, trường nghĩa mới. Song, ở giữa hai đối cực nêu trên, ta nhận thấy còn có một sự lựa chọn nữa (cũng có những trường hợp là buộc phải lựa chọn): con đường ở giữa, lối sống trung dung, tư tưởng trung lập. Số lượng nhân vật lựa chọn/ phải lựa chọn chỗ đứng và lối sống này không nhiều nhưng tự họ tách ra thành một lực lượng, với hệ tư tưởng, những triết lý riêng, để lại cho người đọc những thức nhận khác về lịch sử, về thời đại, về những gì đã được phân định mặc nhiên theo kiểu tư duy nhị nguyên đúng/ sai; xấu/ tốt; tích cực/ tiêu cực.v.v. Ở mỗi sự lựa chọn ấy, ta thấy rõ hơn bi kịch lịch sử của những con người bị mắc kẹt giữa những lằn đạn trong cuộc chiến quyền lực, cuộc chiến trong tư tưởng hệ và trong lẽ sống. Đại diện tiêu biểu nhất cho sự lựa chọn này và cho bi kịch này là nhân vật Hồ Nguyên Trừng trong Hồ Quý Ly. Con người của Nguyên Trừng giống như một sự hội tụ của nhiều đối cực trong tư tưởng, trong lối sống và SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (03/2019) 10 cách hành xử, trong trạng thái hòa giải/ mâu thuẫn không thể hóa giải. Lối sống của Pierre Messmer trong Mẫu Thượng Ngàn, nếu nhìn từ góc độ của sự lựa chọn thì ta cũng có thể xếp vào sự lựa chọn của lối sống trung tính. Pierre là người ngoại quốc nên không hiểu và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho hay Phật, nên lối sống anh ta chọn đơn giản là sự lựa chọn một cuộc sống theo ý thích của mình, khao khát tìm kiếm những điều đẹp đẽ, mới lạ ở mảnh đất và con người Bắc Kỳ. Chủ thể trung dung luôn là những người tỉnh táo, sáng suốt, nhận rõ thời cuộc. Họ có cái nhìn, cách hành xử văn hóa, theo quan niệm tôn trọng sự khác biệt, sự lựa chọn của kẻ khác. Đó là căn cốt của tư duy đa nguyên trong nhân cách văn hóa. Nhưng cũng chính vì lẽ đó họ sống giữa những ranh giới mong manh của thiện - ác, của những lựa chọn khó khăn và khốc liệt. Bản thân những chủ thể này, với lựa chọn của mình, luôn sống trong dằn vặt, bi kịch và đau thương. Họ di chuyển qua các không gian, thời gian với biến thiên, thăng trầm của lịch sử. Kết cục bi đát từ trong tâm thức của họ nhói lên một tuyến truyện khác trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh – tuyến về thân phận con người. Ba chủ thể lựa chọn trong bức tranh thế giới mà Nguyễn Xuân Khánh tạo nên trong tác phẩm của mình đã tạo nên ba tuyến truyện kể đan lồng vào nhau. Các chủ thể này vừa mang tính tương đối độc lập, vừa tương tác qua lại, xung đột với nhau tạo nên một bức tranh thế giới gồm nhiều mảng, nhiều bè đan xen, chồng xếp. Do đó, bức tranh thế giới mà Nguyễn Xuân Khánh tạo dựng là mô hình tam vị nhất thể. Ba cụm chủ thể lựa chọn tạo nên bộ xương vững chắc như ba đỉnh của thế chân vạc trong cấu trúc truyện kể lịch sử. Cái bài học sâu sắc về sự hài hòa của âm – dương, của tiếp nhận – bảo tồn, của cá nhân – cộng đồng, biến động – tĩnh tại... đã được ông đúc rút từ bao vật đổi sao dời, bao phen đất nước nghiêng ngả, bao lẽ hưng phế. 2.3. Kết cấu – hình thức ngôn ngữ độc đáo thể hiện bài học Nếu chỉ nhìn bề mặt và về tổng thể thì cả ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh đều sử dụng lối viết truyền thống theo kết cấu của tiểu thuyết cổ điển. Nó vẫn là những đại tự sự với việc phân chia thành các phần lớn, nhỏ, các chương, mục với những tên gọi cụ thể. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều đó khi đọc tác phẩm: Hồ Quý Ly chia thành 13 phần và mỗi phần này lại chia thành các mục đánh dấu bằng các số theo thứ tự từ nhỏ đến lớn; Mẫu Thượng Ngàn chia thành 15 chương và được đặt tên gọi tương tự; Đội gạo lên chùa chia thành 3 phần lớn: “Trôi sông”, “Bão nổi can qua” và “Về cõi nhân gian”. Mỗi phần lớn lại chia thành các mục, với số lượng nhiều ít không đều nhau, nhưng tất cả đều được đặt tiêu đề cụ thể. Việc bố trí các phần, các mục như trên ở trong cả ba cuốn tiểu thuyết đã tạo nên một đường viền, một khung khổ bao chứa các sự kiện, biến cố, các tình tiết của các câu chuyện được kể. Các thành tố cấu tạo nên bộ khung đó liên kết chặt chẽ hay lỏng lẻo là do sự lựa chọn của tác giả, chuyển tải những thông điệp nghệ thuật và bài học của mình. Với Nguyễn Xuân Khánh, khung ông tạo dựng cho kết cấu tác phẩm là cái khung lớn, còn kết cấu chi tiết bên trong tương đối linh hoạt, cơ động, hay nói theo cách khác ông chỉ định dạng chứ không định lượng cho tác phẩm của mình theo kết cấu NGÔ THANH HẢI TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 11 truyền thống. Ta dễ nhận ra ông chọn bối cảnh của một triều đại, một giai đoạn lịch sử, với những điểm nút diễn biến chính theo đúng sự thật trong diễn ngôn lịch sử giống như những cái cột, cái kèo, tạo ra những điểm tựa cho khung kết cấu. Kết cấu tác phẩm của ông không có một truyện kể trung tâm, hành động chính yếu, xuyên suốt, chi phối các hành động, truyện kể khác. Mỗi phần, mỗi mục trong tác phẩm của ông kể một chuyện, dựng một chân dung, miêu tả một khung cảnh tạo nên cấu trúc nhiều bè, nhiều mảng, cấu trúc của những mảnh ghép kiến tạo bức tranh chung. Các tuyến/ lớp truyện kể, các phối cảnh trong tác phẩm của ông thường soi chiếu, tương tác trong thế đối thoại làm nới rộng khung, theo kiểu kiến trúc nhiều tầng bậc, chuyển tải những bài học đằng sau nó. Như thế, những lớp phần của những truyện kể sẽ tương ứng với các lớp, phần của những bài học, những triết lý tương tự như trong dụ ngôn và ngụ ngôn truyền thống. Sáng tạo độc đáo của Nguyễn Xuân Khánh khi viết tiểu thuyết lịch sử là việc tạo ra “kết cấu thời gian lỏng”. Ông phá vỡ trật tự thời gian biên niên, không đặt những mốc thời gian, những sự kiện lịch sử cố định trong mỗi tác phẩm. Ý niệm về lịch sử trong những tác phẩm này chỉ là sự chuyển giao: chuyển giao triều đại Trần sang Hồ (Hồ Quý Ly); chuyển giao chế độ, văn hóa, tư tưởng và hành động (Mẫu Thượng Ngàn); chuyển giao thời đại, giai đoạn lịch sử (Đội gạo lên chùa). Đặc biệt, cả ba tác phẩm đều được kể theo một quy trình đảo lộn trật tự thời gian tuyến tính, khởi đầu bằng một sự kiện ở hiện tại, rồi ngược về quá khứ, sau đến các sự kiện, tình tiết của hiện tại nối tiếp đến một kết thúc. Quá khứ và hiện tại tiếp diễn cứ lần lượt được tái hiện qua lời của người kể chuyện, nhất là qua lời của bản thân các nhân vật tự thuật. Cho đến lúc kết thúc tác phẩm, những câu chuyện đó vẫn không hết, không dừng mà còn tiếp diễn. Chính điều đó khiến nhà văn viết về lịch sử, về cái đã qua nhưng thực ra là nói về hiện thực đang diễn ra, chưa hoàn kết, thể hiện được những vấn đề của ngày hôm nay, cả những vấn đề thời sự. Những chuyện như cải cách, đổi mới đất nước, tiếp thu và bảo tồn văn hóa truyền thống, chuyện của cái thiện và ác... đâu chỉ là chuyện của một thời, mà là chuyện của mọi thời, mọi dân tộc trong tiến trình lịch sử phát triển, tồn vong. Liên quan mật thiết đến trình tự thời gian truyện kể là cách thức mở đầu và kết thúc mà tác giả lựa chọn cho tác phẩm. Các chi tiết mở đầu và kết thúc tác phẩm được Nguyễn Xuân Khánh gia công lựa chọn, xử lý tinh tế. Chúng lặp lại nhưng không hoàn toàn giống, trùng khít với nhau. Nhìn bề ngoài, ta dễ lầm tưởng Nguyễn Xuân Khánh kết cấu tác phẩm của mình theo nguyên tắc hồi hoàn, đầu cuối tương ứng. Song khi đi sâu tìm hiểu ý nghĩa của các mô hình mở đầu và kết thúc này trong cấu trúc truyện kể, ta sẽ thấy chúng tương ứng với một lớp truyện được đan cài, lồng xếp vào tác phẩm. Về thực chất, theo chúng tôi thì đây là “kiểu kết cấu đầu cuối song trùng mà đối lập”. Song trùng vì cả hai giống nhau ở cái hình thức bên ngoài – cùng một típ truyện, còn đối lập là ở ý nghĩa thực của chúng trong cấu trúc tác phẩm. Quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy, tất cả các mô hình mở đầu đều mang ý nghĩa một cái kết cục đã rồi, một kết quả đã hoàn thành và không thể khác. Còn các mô hình kết thúc lại tạo ra những sự bắt đầu, làm nảy sinh, tạo tác một cái mới. Theo nhà nghiên cứu Lã SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (03/2019) 12 Nguyên thì đó là hai lớp truyện: lớp “chung cục” ở trên cùng, tương ứng với phần mở đầu và tiếp theo đó là lớp “khởi nguyên” ứng với phần kết thúc (Lã Nguyên, 2018, tr.268 - 269). Như thế mở đầu tự nó mang trong mình một sự kết thúc, một sự phá vỡ, hủy diệt, còn kết thúc lại tạo ra những bắt đầu, những khởi nguyên mới của sự vật. Như vậy, Nguyễn Xuân Khánh đã lựa chọn được một ngôn ngữ hữu dụng để chuyển tải – ngôn ngữ kết cấu. Mỗi tác phẩm của ông là sự đan xen, hòa quyện nhiều lớp truyện, nhiều tuyến truyện, tạo ra những mô hình kết cấu riêng có thể khái quát như sau: Chủ thể (nhân vật) – Không gian – sự kiện (biến cố truyện kể) gắn với các lớp nghĩa của: Cái chung cục (hoàn tất) – cái diễn tiến của sự kiện – cái khởi đầu của những câu chuyện mới. Tất cả được thể hiện bằng những mã truyện kể, mã nghệ thuật riêng, mà nổi bật là mã lịch sử - văn hóa, là những câu chuyện đời những câu chuyện thế sự chen vào chuyện của lịch sử, chính biến. 3. Kết luận Với tư duy nghệ thuật, cách nhìn, xử lý chất liệu lịch sử riêng, Nguyễn Xuân Khánh đã tạo nên một mô hình cấu trúc truyện lịch sử đặc thù – mô hình dụ ngôn lịch sử. Trong mô hình đó, ta thấy một chiến lược giao tiếp diễn ngôn được thực hiện với những đặc điểm đặc trưng của chủ thể sở đắc chân lý, mang sẵn những bài học để chuyển tải, chia sẻ; bức tranh thế giới được tạo nên bởi những chủ thể lựa chọn; ngôn ngữ mang tính ám dụ, tạo ra ẩn ngữ bằng các biểu tượng và kết cấu đan xen nhiều lớp, nhiều tầng. Mô hình cấu trúc này có cội nguồn sâu xa từ trong kho tàng ký ức thể loại của văn học dân gian, cũng là một loại hình diễn ngôn độc đáo về lịch sử. Cấu trúc dụ ngôn giúp nhà văn dung hòa được nhiều yếu tố như lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tâm linh trong tác phẩm, đặt ra những vấn đề thời sự và thời đại. Mục đích cuối cùng của những dụ ngôn lịch sử không phải là sử mà là các thông điệp, bài học về lẽ sống, đạo lý, tư tưởng, ý thức hệ, quy luật vận động của thời thế, xã hội. Do đó, đằng sau bề mặt cấu trúc truyện kể truyền thống là những vỉa tầng truyện kể khác, nhiều khi mới mẻ, khác lạ về các nhân vật, sự kiện lịch sử đã đóng khung, thành chuẩn mực. Cho nên, các tiểu thuyết của ông có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận thức về lịch sử và thực tại, hình thành nhãn quan, tư tưởng riêng về các vấn đề của thời đại, xã hội và con người. Góc nhìn của ký hiệu học văn hóa và lý thuyết diễn ngôn trên cơ sở đi tìm hạt nhân cấu trúc thể loại, đưa ra những mô hình ký hiệu học lịch sử sẽ tìm ra các mã, các gen thể loại. Phương pháp này sẽ giúp ta lý giải được những hiện tượng văn học phức tạp, đưa ra góc nhìn mới về đặc trưng các thể loại, chia ra từng xu hướng, phong cách thể loại. Khi ấy, thể loại được quan niệm như một sự thỏa thuận giữa chủ thể và đối tượng tiếp nhận để thực hiện một chiến lược giao tiếp diễn ngôn. Do đó, bình diện lịch sử văn học cũng sẽ được tổng kết, nhìn nhận lại từ quá trình vận động, tiếp biến, làm mới những mô hình cấu trúc nền móng cổ xưa. NGÔ THANH HẢI TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 13 TÀI LIỆU THAM KHẢO Chiupa, V.I. (2013). Diễn ngôn như là một phạm trù của tu từ học và thi pháp học hiện đại. Phê bình văn học phiên bản điện tử đăng ngày 08/4/2013. Lã Nguyên dịch. Truy xuất từ: http: //phebinhvanhoc.com.vn/ Nguyễn Xuân Khánh (2012). Mẫu Thượng Ngàn (In lần thứ 6). Hà Nội. NXB Phụ nữ. Lã Nguyên (2018). Phê bình ký hiệu học: Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn từ. Hà Nội. NXB Phụ nữ. Tamarchenko, N.D. (2015). Dụ ngôn. Phê bình văn học phiên bản điện tử đăng ngày 04/02/2015. Lã Nguyên dịch từ bản tiếng Nga Поэтика//Словарь актуальных терминов и понятий.- Изд. Кулагиной, Intrada.- 2008. Cтр. 187-188. Truy xuất từ: http: //phebinhvanhoc.com.vn/ TÀI LIỆU CÓ LIÊN QUAN Bakhtin, M. (2003). Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn và dịch. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn. Nguyễn Xuân Khánh. (2012). Hồ Quý Ly (In lần thứ 10). Hà Nội: NXB Phụ nữ. Nguyễn Xuân Khánh. (2012). Đội gạo lên chùa (In lần thứ 3). Hà Nội: NXB Phụ nữ. Lotman, Iu.M. (2016). Ký hiệu học văn hóa. Lã Nguyên – Đỗ Hải Phong – Trần Đình Sử dịch. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Lã Nguyên. (2012). Lý luận văn học: Những vấn đề hiện đại. Hà Nội: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội. Trần Đình Sử. (2005). Dẫn luận thi pháp học. Hà Nội: NXB Giáo dục. Ngày nhận bài: 01/9/2017 Biên tập xong: 15/3/2019 Duyệt đăng: 20/3/2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf52_7524_2214957.pdf
Tài liệu liên quan