Tài liệu Đời sống văn hóa sông nước và tính cách của người bình dân miền Tây Nam Bộ: 317
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA SÔNG NƯỚC VÀ TÍNH CÁCH CỦA
NGƯỜI BÌNH DÂN MIỀN TÂY NAM BỘ
Th.S Trần Minh Thương
TÓM TẮT
Đặc điểm văn hóa gắn liền với môi trường và chủ thể văn hóa. Khi đặt
chân đến vùng đất Cửu Long để khai hóa, khẩn hoang mở làng, dựng chợ,
người dân tứ xứ đã tiếp cận với không gian độc đáo: Chèo ghe sợ sấu cắn chân/
Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma. Một hệ thống sông rạch chằng chịt nên việc
đi lại, sinh hoạt, ăn uống, đều gắn với chặt với nước! Dần dần những nét văn
hóa hình thành và tạo thành bản sắc vùng miền. Trong bài tham luận này, chúng
tôi sơ bộ tìm hiểu Tính cách của người bình dân miền sông nước Tây Nam Bộ
qua các hoạt động trên môi trường này.
Từ khóa: Miền Tây Nam Bộ, sông nước, văn hóa, tính cách, người bình
dân.
1. Sông rạch tự nhiên ở miền Tây Nam Bộ
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở phía cực nam của dải đất hình chữ S,
còn được gọi là mi...
18 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 463 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đời sống văn hóa sông nước và tính cách của người bình dân miền Tây Nam Bộ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
317
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA SÔNG NƯỚC VÀ TÍNH CÁCH CỦA
NGƯỜI BÌNH DÂN MIỀN TÂY NAM BỘ
Th.S Trần Minh Thương
TÓM TẮT
Đặc điểm văn hóa gắn liền với môi trường và chủ thể văn hóa. Khi đặt
chân đến vùng đất Cửu Long để khai hóa, khẩn hoang mở làng, dựng chợ,
người dân tứ xứ đã tiếp cận với không gian độc đáo: Chèo ghe sợ sấu cắn chân/
Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma. Một hệ thống sông rạch chằng chịt nên việc
đi lại, sinh hoạt, ăn uống, đều gắn với chặt với nước! Dần dần những nét văn
hóa hình thành và tạo thành bản sắc vùng miền. Trong bài tham luận này, chúng
tôi sơ bộ tìm hiểu Tính cách của người bình dân miền sông nước Tây Nam Bộ
qua các hoạt động trên môi trường này.
Từ khóa: Miền Tây Nam Bộ, sông nước, văn hóa, tính cách, người bình
dân.
1. Sông rạch tự nhiên ở miền Tây Nam Bộ
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở phía cực nam của dải đất hình chữ S,
còn được gọi là miền Tây Nam Bộ hoặc nói theo ngôn ngữ dân gian của người
dân miệt này một cách ngắn gọn là Miền Tây. Về đơn vị hành chính, vùng này
có một thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long
An; Tiền Giang; Bến Tre; Vĩnh Long; Trà Vinh; Hậu Giang; Sóc Trăng; Đồng
Tháp; An Giang; Kiên Giang; Bạc Liêu và Cà Mau.
Đây là vùng đất được mệnh danh là kênh rạch chằng chịt như ô bàn cờ.
Hai hệ thống sông lớn tạo nên châu thổ rộng lớn là hạ lưu sông Mê Kông và
sông Vàm Cỏ.
Từ thượng nguồn Tân Châu (An Giang) sông Mê Kông khi vào miền đất
này, nó được gọi sông Cửu Long, chia đôi dòng nước thành sông Tiền và sông
Hậu. Từ đó, dòng sông mẹ sản sinh vô số sông rạch tỏa khắp đồng bằng, cùng
kênh đào nối những tuyến đường thủy nhộn nhịp. Dân gian miệt này hay hát
rằng:
Sông Cửu Long chín cửa hai dòng,
Người thương anh vô số nhưng chỉ một lòng với em.
Trường THPT Mai Thanh Thế, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng.
318
Về phía tây, đồng bằng sông Cửu Long được giới hạn bởi sông Châu Đốc
và kênh Vĩnh Tế, một dòng kênh đào từ thời Nguyễn chảy dọc theo biên giới
Việt Nam - Campuchia, nhận nước sông Hậu Giang qua sông Châu Đốc tại
thành phố Châu Đốc đổ nước ra vịnh Thái Lan, giới hạn một vùng đất thấp
ngập nước theo mùa gọi là tứ giác Long Xuyên.
Ở khu vực giữa hai dòng sông Hậu và sông Tiền, Đồng bằng sông Cửu
Long được giới hạn đầu nguồn bởi các dòng kênh nối ngang tại hai huyện, thị
đầu nguồn Tân Châu và An Phú của tỉnh An Giang trong đó có kênh Vĩnh
An,...
Nối liền giữa hai nhánh Tiền giang và Hậu giang là sông Vàm Nao. Cụ
Vương Hồng Sển mô tả như sau: "Vàm Nao, tên chữ Hồi Oa. Sông này nối liền
sông Tiền qua sông Hậu, và đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc,
chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc,
nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là "pãm pênk
nàv". Cũng theo học giả này, thì Vàm do chữ "Pàm" hay "Péam" của Khmer
biến ra. Péam là cửa biển, cửa sông. Nao, với nghĩa "nao núng, nao lòng", vì
nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc (nên gọi là Hồi Oa), rất dễ đắm
thuyền .
Về phía đông bắc và đông, đồng bằng sông Cửu Long được giới hạn bằng
hàng loạt các dòng sông kênh rạch liên thông với nhau, chảy dọc theo biên giới
Việt Nam – Campuchia, (giới hạn vùng đất trũng khác ngập nước theo mùa là
vùng Đồng Tháp Mười), và đều là phân lưu của sông Mê Kông: hoặc trực tiếp
của dòng chính sông Tiền Giang, hay nhận nước gián tiếp qua một phân lưu
chính của Mê Kông là Preak Banam đổ ra biển Đông.
Bên cạnh hệ thống sông Mê Kông, ở vùng đất này còn có hệ thống sông
Vàm Cỏ. Hai dòng Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông nước có màu xanh khi thủy
triều lên và vàng đục khi thủy triều xuống. Đây là nét đặc trưng riêng của sông
Vàm Cỏ, khác với các sông khác ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu lại tại tại ngã ba Bần Quỳ rồi tạo
thành ranh giới tự nhiên và ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Long An (huyện
Cần Đước ở tả ngạn) và Tiền Giang (thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông ở
hữu ngạn) trước khi đổ ra cửa Soài Rạp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, miền Tây Nam Bộ có khoảng 54.000 km chiều
dài sông rạch. Ngoài hệ thống sông rạch tự nhiên mà người địa phương gọi là
sông rạch Trời sanh, còn vô số những con kênh đào ngang, xẻ dọc chằng chịt,
mà nếu được nhìn trên đồ hình có cảm tưởng là cái mạng nhện chồng lên một
bàn cờ, với hàng trăm cù lao, cùng hàng chục cửa sông đưa nước ra biển tạo
thuận lợi cho cuộc sống của người dân nơi đây.
2. Đời sống và tính cách của người bình dân miền sông nước
2.1. Văn hóa sinh hoạt của cư dân sống trên xuồng, ghe
Người bình dân miền Tây sử dụng xuồng, ghe đi lại. Có những chuyến đi
ngắn thì về trong ngày như ra chợ, thăm bà con hàng xóm, hoặc chà gạo, xay
lúa, nhưng cũng không ít chuyến đi dài ngày.
319
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
Đôi lứa yêu nhau cũng đến với nhau bằng những con xuồng hay chiếc ghe
chèo:
Quản chi nắng sớm mưa chiều,
Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em.
Hay đó là những chiếc ghe thương hồ mua bán dọc miền sông nước. Hay
những chuyến lên rừng kiếm củi, bắt ba khía về bán, rồi những chuyến di cư xa
từ địa phương này đến địa phương khác. Phương tiện thường là cặp mái chèo,
cái dầm bơi, chủ yếu dùng sức người. Từng gia đình hoặc từng nhóm gia đình
năm bảy nhà rủ nhau đi cho có bầu có bạn. Và thế là chuyện ăn uống nói riêng
và sinh hoạt nói chung đều diễn ra trên những chiếc ghe, chiếc xuồng đó.
Đối với đồng bào Khơ Me, dân gian còn ghi dậm dấu ấn của không gian
ăn uống trên sông nước qua việc lí giải nguồn gốc của lễ hội Sel Dol ta. Người
cao niên thường kể cho con cháu nghe rằng: Theo tập quán, cứ khoảng tháng 4
gieo mạ, tháng 6 - 7, người Khơ Me cũng như người Việt ở vùng này bắt đầu
nhổ mạ cấy lúa. Cấy xong thì nước lũ tràn về ngập đồng, đường sá cách trở.
Cuối tháng tám nước lũ đã rút, con cháu chống xuồng chèo ghe tìm đến để thăm
hỏi ông bà cha mẹ già yếu, đường xa họ phải mang theo lúa, gạo, trái cây, cơm
nước, để vừa dâng biếu cho ông bà cha mẹ vừa để mình ăn dọc đường đi.
Người may mắn còn gặp lại ông bà, cha mẹ, nhưng cũng có những người già
yếu đã qua đời trong thời gian nước lũ mà cháu con không hay biết,
Dần dần những người cùng đi, họ hẹn hò gặp nhau ở một chỗ nào đó để
làm lễ nhớ ơn, hoặc cùng chia buồn với bạn bè là người tìm không gặp ông bà
cha mẹ. Sau khi có chùa Phật, thì họ hẹn nhau tụ hội về đấy làm lễ. Sen Dol ta,
lễ cúng tưởng nhớ ông bà hình thành từ ngày ấy.
Những chiếc ghe lớn không thể cặp sát bờ. Phương tiện nối liền giữa ghe
và đất liền là chiếc đòn dài.
Đây là miếng ván bề ngang rộng hơn gang tay, dày cỡ hai, ba lóng tay, có
độ dài tương thích để bắc một đầu dưới ghe lớn, một đầu gác lên bờ. Bởi ghe
lớn không cặp sát bờ được, bắc đòn dài để người dưới ghe khiêng vác hàng hóa
lên bờ và ngược lại.
Đối với người đi ghe, làm nghề sông nước, chiếc đòn dài còn một chức
năng tâm linh đặc biệt quan trọng. Khi bán ghe, chủ ghe không bao giờ bán đòn
dài và máng tát nước ghe. Nếu bỏ nghề, những thứ này có thể đem tặng, cho
người khác.
Trong không gian chật hẹp, làm sao vừa đảm bảo việc nấu một bữa ăn là
một thử thách thật sự cho người đi ghe. Và cũng từ trên những ngôi nhà di động
trên sông nước xuất hiện hình ảnh cái cà ràn, một vật dụng để nấu cơm tiện lợi
ở không gian này.
Ngược dòng thời gian, chúng ta biết khi mới đặt chân đến vùng đất muỗi
kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh này, trong sinh hoạt thường nhật, để nấu
chín thức ăn, người thường bắc ba cục đất chụm lại rồi đặt nồi nấu lên trên. Khi
mọi chuyện đã dần ổn định, người ta mới đào đất đắp lò. Lò được đắp đơn giản
320
theo hình tròn hoặc elip. Cửa lò quay ra ngoài, khi chụm củi thường hay bật ra
ngoài rất dễ gây cháy lan, nguy hiểm! Tro nhiều tràn ra miệng lò phải khều ra
bỏ, vừa mất công, vừa không sạch. Cái lò càng bất tiện khi đi xuồng, ghe. Bởi
than rớt ra, cháy luôn sạp ván. Trong khi đó, người Khơ Me lại thích dùng cà
ràn. Nó có hình dáng như số 8 được uốn bằng đất sét một đầu to có 3 cạnh để
kê nồi, đầu còn lại nhỏ để đưa củi vào. Phần trước cà ràn, nơi có lửa ngọn thì
nấu, còn phần sau đuôi, thì cào than để nướng hoặc để giảm bớt sức nóng cho
món ăn đang nấu. Cà ràn tiện nhất cho dân đi xuồng, ghe, bởi củi lửa nằm
nguyên hết trong chiếc lò ấy. Từ đó, những chiếc cà ràn cũng luôn có mặt để
hực hiện chức năng nấu cơm, nước, hàng ngày.
Có thuyết cho rằng chiếc cà ràn trước hết người Xiêm sáng tạo, đem bán ở
chợ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia), rồi dân thương hồ người Việt sang
tận nơi ấy làm ăn, thấy tiện nên học lóm dùng đất sét ở quê nhà đắp để xài.
Cà ràn có hai loại: cà ràn đơn với một miệng bếp, và cà ràn đôi hai miệng
bếp; cà ràn đôi thường có một bếp chính phía trước và một bếp nhỏ hơn ở phía
sau; cả hai loại cà ràn này chỉ có thể nấu được bằng củi.
Hình ảnh cái ca ràn bằng đất vừa giản đơn, vừa tiện lợi đã gắn chặt với
biết bao đời thương hồ ăn sóng ngủ gió, thả hồn lãng tử giữa đất trời sông nước
mênh mang.
Do trên ghe không gian chật chội nên việc đem lương thực, thực phẩm dự
trữ không quá nhiều. Trước hết, thứ không thể thiếu được là khạp nước mưa,
vừa để uống, vừa để phòng hờ lỡ vào vùng nước mặn, nước lợ thì dùng để nấu
nồi cơm. Cơm nấu nước mặn ăn có vị đắng, không thể nuốt nổi. Bên cạnh khạp
nước sẽ là hủ gạo. Đây là hai thứ thiết yếu nhất, rồi mới đến các vật dụng khác.
Cà ràn, xoong, chảo, ít chén, đũa, củi khô mấy bó, cả lá dừa khô nhóm lửa
cũng phải mang theo.
Trái cây đem theo ghe thường là bầu, bí rợ, bí đao, khoai lang, khoai mì,
khoai ngọt, những thứ ăn được vài ngày đến nửa tháng. Ít khi người ta đem
theo nhiều rau xanh, bởi loại này chỉ ăn được một hai bữa là cùng. Những ghe
lớn, người ta còn đem nếp, đậu, ít đường để khi rảnh rỗi thì nấu chè ăn chơi.
Thịt cá thì ít xuồng, ghe nào đem đi mà thường là các loại mắm, khô, trứng vịt
tươi, trứng vịt muối, củ cải muối, một hai keo chao, tương hột, một vài ghe
sang thì đem theo lạp xưởng, tôm khô, nhưng rất hiếm gặp.
Độc đáo hơn là dọc theo đường đi, khi gần đến bữa ăn người ta có thể ghé
dọc hai bên bờ sông để kiếm thêm những thứ cần thiết. Những cánh bông lục
bình nở tím là thứ rau xanh lí tưởng để chấm nồi mắm kho. Rồi những dề rau
nhút hay những khóm bông súng mọc chen với những đám rong đuôi chồn là
thứ rau bổi ngon cho nồi canh chua nấu cùng khô cá mặn,
Theo hai bên bờ sông rạch chằng chịt là những hàng dừa nước mọc xanh
um. Môi trường ấy thuận lợi cho dây giác, ráng, ô rô, cóc kèn, mái dầm, chen
chúc vươn lên. Giữa rừng dừa nước, có nhiều cây bần lớn cỡ người ôm, rễ đâm
tua tủa trên các bãi bùn sình sụp, Bần có thể ăn sống, có thể dầm với cá kho,
mắm kho cho thêm hương vị. Bông bần hái về làm gỏi ăn với cơm. Trái giác,
321
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
trái bần là những thứ nấu canh chua khó gì ngon bằng. Nhiều khi để đổi món,
người ta còn thọt ổ kiến vàng lấy trứng kiến non nấu canh. Vị chua độc đáo này
ngày nay đã có mặt trong cả các nhà hàng sang trọng.
Dọc theo triền sông, người ta cũng còn gặp không ít điên điển, so đũa
hoang, những loại bông này nấu canh thì hết ý. Bông điển điển nở vàng rực, tấp
ghe lại hái cả mấy nón lá, rảnh tay chèo thì lặt sạch rồi nhận vô hủ, chế nước
cơm vo vào ngâm một vài đêm là có món dưa chua chấm với cá kho, hay ăn
kèm với ba khía trộn chua ngọt thì cơm hết nồi còn chưa hay.
Cũng có ghe khi đi còn mang theo vài chục cần câu hoặc vài tấm lưới để
trước khi đậu nghỉ, họ tranh thủ kiếm thêm vài con cá. Mồi câu thì thọt ổ kiến
vàng lấy trứng, hoặc quần kiếm ở đám sậy, đám lát mọc hoang ở bưng biền nào
đó kiếm lấy ổ ong bần, ong nghệ,
Cá cắm câu, giăng lưới được thì làm sạch kho khô hoặc muối để dành
chiên ăn từ từ,
Cũng có nhiều ghe, khi đi ngang qua chợ thì tranh thủ mua thêm những đồ
ăn cần thiết mang theo có khi là trái chanh, trái ớt hay thêm đường, bột ngọt,
Như vậy, cứ mỗi lần ngang chợ là mỗi lần thức ăn được bổ sung, vừa đầy đủ
chất dinh dưỡng cho người sống cuộc đời sông nước vừa làm cho bữa ăn phong
phú.
Trên ghe nhiều khi còn có những nhạc cụ đờn ca tài tử: đờn kìm, đờn cò,
đờn sến, để ca hát khi rỗi rảnh.
Trên xuồng, ghe còn có trầu, cau, thuốc lá và chai rượu đế. Đây là những
thứ không thể thiếu đối với dân sông nước.
Dân gian miền Tây Nam Bộ nói chung, những người có cuộc sống gắn liền
với chiếc xuồng, chiếc ghe thì chiếc nóp là vật bất ly thân. Ban ngày, chiếc nóp
có thể được sử dụng chứa đựng những thứ đồ khô, sạch, hay kê đầu nằm. Ban
đêm, muỗi xứ này nhiều kêu như sáo thổi, có được cái nóp chun vô đó ngủ thì
mới mong yên thân. Tuy vậy, trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì
công việc mưu sinh, nhiều lúc, người dân quê phải ngủ mùng nước, mùng gió.
Trong Văn minh miệt vườn, nhà văn Sơn Nam viết: Bàng là loại cỏ cao, mình
tròn, dùng để đươn cà ròn, đươn đệm (...) Nhổ bàng là nghề dễ kiếm tiền nhưng
quá khổ cực. Họ chống chiếc xuồng độc mộc vào vùng đất hoang, giữa bờ biển
và vùng Thất Sơn, xa nhà hàng chín mười cây số ngàn, nơi đất thấp nước phèn,
bốn phía đìu hiu không nhà cửa, không cây cao bóng mát, không đất gò, gió
thổi triền miên qua vùng đồng cỏ tạo nên bản nhạc lạ thường, qua ngày đêm.
(...) Cọng bàng mọc cao hơn đầu người, muỗi bay ào ào. Muốn nhổ được năm
bảy chục bó bàng, phải chịu cực năm ba ngày để tìm nơi có bàng tốt. Trên vùng
đất thấp đầy muỗi mòng ấy, đôi ba đêm liên tiếp người nhổ bàng cứ thức vì
không chỗ ngủ, vì không tài nào ngủ khi muỗi quá nhiều (...) đành ngủ theo lối
khắc khổ, gọi khôi hài là ngủ mùng gió và ngủ mùng nước.
“Ngủ mùng gió” là cứ đứng trên chiếc xuồng độc mộc, dùng sào mà chống
thật nhanh để cho muỗi bay theo không kịp. Rồi thì ngồi xuống, gối đầu vào lái
xuồng, lim dim. Lát sau, muỗi bu lại, cứ đứng dậy và tiếp tục chống xuồng,
322
chống tới, chống lui, như mũi tên xẹt qua xẹt lại trên đồng cỏ (...) Ban ngày, ít
muỗi hơn nhưng không ai ngủ được vì thiếu bóng mát, không căn chòi hoặc gốc
cây to nào ở gần cả.
“Ngủ mùng nước” là nghiêng xuồng cho nước tràn vào gần ngập be, thêm
chút nữa là chìm. Người nhổ bàng cứ nằm trong xuồng, nước bao phủ tứ phía,
đầu gối lên mũi hoặc lái xuồng. Ngâm mình trong nước lạnh để tránh muỗi.
Ngủ mùng nước dễ bị cảm mạo, đòi hỏi một sức khỏe phi thường.
Cái nóp đươn bằng bàng đã gắn chặt với đời sống của người dân quê cũng
chỉ nhằm mục đích tránh muỗi. Người ta lấy một tấm đệm bàng nguyên miếng,
xếp một mí chừng ba tấc, rồi gắp đôi phần còn lại, sao cho mí xếp nằm vào bên
trong, dùng chỉ gai may hai đầu, chỗ mí xếp là cửa hay miệng nóp. Người ngủ
giở miệng nóp ra, nắm một mí, giũ thật mạnh nhiều lần để đuổi muỗi bay đi
hết, rồi chui nhanh vào trong nóp, vừa nằm xuống, lưng đè lên trên mí xếp, vừa
xoay cho cái nóp dựng lên, hai lằn chỉ may ở hai đầu đứng theo chiều dọc. Nhờ
toàn thân đè lên mí nóp, nên muỗi không lọt vào trong nóp được. Muỗi cũng
không chích thủng nổi lớp đệm dầy. Đôi khi do trở mình, miệng nóp hở, muỗi
chui vào, người ngủ nóp phải ra ngoài, giũ nóp mới chui vô móp ngủ lại.
Đêm nằm trong nóp dưới trăng,
Thương cha, nhớ mẹ không bằng nhớ em.
Hằng ngày, từ khi mở mắt thức dậy cho đến ngủ say, gần như không hoạt
động nào của con người thiếu sự hiện diện của nước. Con người từ khi mở mắt
chào đời đã được tắm bằng nước, cho đến lúc trút hơi cuối cùng của cuộc đời
về với thế giới bên kia, nước cũng là phương tiện đẩy tẩy sạch ô uế của bụi
trần. Vì nhu cầu cấp thiết như vậy, nên không quá khi nói rằng có nước là có sự
sống. Được thiên nhiên ban tặng hệ thống sông ngòi dày đặc như vậy nên việc
sử dụng nước trong sinh hoạt hành ngày của cư dân miền Tây luôn thoải mái.
Nước được sử dụng tắm giặt, gội, rửa và nhiều nhu cầu thiết yếu khác. Nước
ngọt dưới sông, đìa, ao, hồ dùng để uống khi nước trời mưa đã hết vào dịp nắng
hạn. Nước sông cũng dùng để nấu cơm và các loại thức ăn khác. Chỉ có những
vùng gần biển, hay những xóm ven biển miệt Bạc Liêu, Cà Mau hoặc ở vùng
Thất Sơn, Bảy Núi hay Hà Tiên một số gia đình mới phải đào giếng, hoặc đổi
nước. Nước được những ghe chở từ vùng nước ngọt khác đến để bán cho bà
con. Dân gian ngại từ “bán nước” nên gọi trại thành đổi. Thực ra là đổi nước
lấy tiền!
Sinh hoạt của gia đình người bình dân gắn liền với những con sông ngay
trước cửa nhà mình. Như chúng tôi đã miêu tả ở phần nhà cửa, người dân quê
thường bắc cầu cây dưới bến sông. Tại đây, con người có thể rửa chân tay sau
mỗi buổi đi làm đồng về. Rồi tắm giặt, rửa ráy đều diễn ra nơi chiếc cầu này.
Và cũng từ hình ảnh chiếc cầu bên sông này đã là nguồn cảm hứng cho nhiều
lời thơ, điệu hò được nam nữ trao qua đáp lại:
- Chim kêu dưới bến, trên cầu
Trai thương vợ cũ, gái sầu chồng xưa.
- Chim quyên đậu lái ghe bầu
323
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
Miệng kêu bớ bậu xuống cầu trao thơ.
- Bến sông sâu, bắc mấy cầu,
Thân em là gái biết hầu mấy nơi.
- Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Chị dâu ra cầu té ướt, nắm chỗ nào kéo lên?
- Đi quanh về tắt, thấy em hỏi gắt, anh đáp phứt cho rồi:
Nam theo nam, nữ theo nữ, anh đứng làm người quân tử, đâu dám gần chị
dâu
Anh lấy thang lầu xuống bắc cầu cho chị lên!
Muốn tắm, người ta chỉ cần xuống cầu múc nước tắm lộ thiên, nhiều
trường hợp nhất là thanh niên, trẻ con chỉ mặc độc nhất chiếc quần xà lỏn
phóng xuống sông lặn hụp đã đời rồi leo lên cầu, rửa chân cho sạch bùn đất là
xong. Các cô, các bà thì bận nguyên cả bộ đồ và tắm như vậy rồi kiếm lùm bụi
nào đó, hoặc có nhà thì cất luôn nhà tắm trên sông để phụ nữ thay quần áo cho
tiện.
Ngày trước người dân quê còn dựng cả cầu tiêu trên sông. Sau này, nền
kinh tế đã khá dần lên, dấu ấn tự túc, tự cấp với những điều lạc hậu, mất vệ
sinh ấy đã dần thay đổi. Dù cá biệt vẫn còn những cây cầu này. Đi thực tế tìm
tài liệu viết chuyên luận này chúng tôi vẫn còn thấy hình ảnh cầu tiêu trên
sông, trên ao đìa. Nó là minh chứng cho thói quen, nếp sống của thời hoang sơ.
Ngày nay, ở phía trước nhà, thỉnh thoảng người ta chỉ còn thấy những cây
cầu bắc ra ngoài sông để rửa chén, giặt giũ, nhất là để ghé xuồng, ghe, người
bước lên xuống được dễ dàng hơn.
2.2. Chợ nổi và rính cách của người bình dân nhìn từ hoạt động ở chợ
nổi
2.2.1. Chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ
2.2.1.1. Khái niệm
Chợ ra đời từ rất sớm trong lịch sử loài người, khi mà con người đã sản
xuất được hàng hóa, mang đi trao đổi, lấy một loại hàng hóa khác.
Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên đã đưa ra định nghĩa về chợ
như sau: “Chợ là nơi công cộng để đông người đến mua bán vào những ngày,
buổi nhất định”1.
Theo tác giả Nhâm Hùng, thật ra, khái niệm chợ nổi chỉ xuất hiện khoảng
ba mươi năm gần đây Khi các nhà nghiên cứu để mắt tới, cũng như sự hấp
1 Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ Hà Nội, 1992,
tr.181.
324
dẫn của cung cách mua bán trên mặt sông, thu hút ngày càng nhiều tour du
lịch, lúc ấy mô hình chợ nổi mới được đề cập nhiều.1
Khảo sát các bài viết về chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ, chúng tôi còn gặp
nhiều bài viết của các tác giả thể hiện những cách hiểu về nó trên các trang
website. Có thể dẫn ra như sau: Chợ nổi là một loại hình chợ thường xuất hiện
tại vùng sông nước được coi là tuyến giao thông chính. Nơi cả người bán và
người mua đều dùng ghe hoặc thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển.
Địa điểm có chợ nổi thường tại các khúc sông không rộng quá mà cũng không
hẹp quá. Khúc sông phải tương đối rộng, không cạn quá mà cũng không sâu
quá. Nếu sông sâu quá, lớn quá thì không thể neo đậu xuồng, ghe một cách dễ
dàng và rất nguy hiểm2; Chợ nổi là nét sinh hoạt độc đáo của vùng châu thổ
sông Cửu Long. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng
trăm, hàng nghìn chiếc xuồng, ghe của dân miệt vườn miền Tây Nam Bộ về đây
tụ tập mua bán3; Sở dĩ chợ nơi đây được gọi là chợ nổi vì chợ không họp ở gần
nơi đông đúc dân cư mà lại họp ở trên sông, giữa một vùng sông nước bao la
với hàng trăm chiếc xuồng, ghe tụ họp mua bán tấp nập. Điều khác lạ của
những ngôi chợ này xuất phát từ chính vị trí địa lí của vùng đất này. Vùng
Đồng bằng sông Cửu Long vốn là một vùng đất phù sa, được bồi đắp quanh
năm bởi hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Vì tập quán sống trên sông
nước, di chuyển chủ yếu bằng ghe thuyền, nên chợ cũng được tổ chức ngay
chính trên sông4; ...
Từ một số cách hiểu này, chúng tôi đưa ra định nghĩa ngắn gọn và khái
quát về chợ nổi như sau: Chợ nổi là nơi có nhiều xuồng, ghe cùng tụ họp và
mua bán, trao đổi hàng hóa ngay trên mặt sông. Nơi họp chợ là các vàm sông
hay là nơi các ngả sông giao nhau.
2.2.1.2. Một số chợ nổi tiêu biểu ở miền Tây Nam Bộ
a. Chợ nổi Cái Bè
Chợ họp trên sông Tiền, từ cầu Cái Bè, qua kênh 28, xuôi theo cù lao Tân
Phong về phía hạ lưu. Chợ nổi Cái Bè có chiều dài cả cây số ngàn. Chợ ở vị trí
giáp ranh giữa 3 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre
Chợ nổi Cái Bè hình thành hai khu vực riêng biệt: khu vực bán sỉ hàng hóa
nông sản và khu mua bán trái cây. Chợ hoạt động theo con nước lớn, nhưng
thường diễn ra ở bờ Nam vào khoảng 3 – 5 giờ sáng và từ 13 – 16 giờ chiều.
Quy mô chợ phụ thuộc vào vụ mùa trái cây, trung bình hàng ngày có vài chục
phương tiện trọng tải lớn neo đậu và khoảng vài trăm phương tiện ghe, thuyền
1 Nhâm Hùng, Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Trẻ Tp. HCM, 2009, tr.21.
2 Wikipedia: web
3 Cuộc sống Việt: web
4 Thanh Nguyên: web
325
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
lớn nhỏ của các hộ dân địa phương hội tụ lại đây để giao dịch. Số lượng trái
cây mua bán bình quân mỗi ngày khoảng 100 – 200 tấn.1
b. Chợ nổi Long Xuyên
Chợ nổi ở Long Xuyên từ lâu đã trở thành cái tên quen thuộc trong vùng.
Chợ nằm trên sông Hậu, thuộc phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh
An Giang. Nơi đây tập trung hàng trăm xuồng, ghe neo đậu san sát trên sông,
sinh hoạt và buôn bán quanh năm suốt tháng.2
c. Chợ nổi Phong Điền
Chợ nằm ngay ngã ba sông, một nhánh từ Cần Thơ vào, một nhánh rẽ đi
Cầu Nhím và một nhánh xuôi về Trường Long (thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong
Điền), cách thành phố Cần Thơ khoảng 17 km. Các nhà thuyền ở đây chủ yếu
là dân địa phương, đem các loại hàng nông sản, hoa quả miệt vườn đến bán
cho ghe thuyền các nơi khác. Chợ hoạt động tập trung nhất vào khoảng 6 đến 7
giờ sáng. Chợ nổi Phong Điền cũng là một trong những chợ buôn bán trái cây
lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.3
d. Chợ nổi Ngã Bảy
Còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, là một chợ nổi thuộc thị xã Ngã Bảy, được
hình thành từ năm 1915. Với bảy nhánh kênh, rạch tụ hội đã tạo nên sức lan
toả, tác động quá lớn, vùng trung tâm Ngã Bảy trở thành đầu mối giao thông
thuỷ lớn nhất Nam Kỳ, song hành với một trung tâm giao thương hàng hoá lớn
của cả miền cực Nam, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. Đây là
chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang và cả Đồng bằng sông Cửu Long.4
e. Chợ nổi Cái Răng
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ chỉ khoảng 5 cây số, chợ nổi Cái Răng
được xem là chợ đầu mối giữa thành phố Cần Thơ lan tỏa hàng hóa đi các
huyện và các tỉnh trong toàn miền Tây Nam Bộ. Khác với chợ nổi Ngã Bảy và
Phong Điền, chợ nổi Cái Răng tập trung rất đông ghe, thuyền từ các tỉnh khác
đem hàng hóa đến cho dân địa phương. Do gần trung tâm thành phố Cần Thơ
nên chợ nổi Cái Răng có mật độ ghe, thuyền qua lại buôn bán nhộn nhịp5.
f. Chợ nổi Trà Ôn
Chợ nổi Trà Ôn nằm ngay giữa ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, thuộc
huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Đây là chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước
khi đổ ra biển. Nét đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn so với các chợ nổi khác chính
là việc nhóm họp chợ theo con nước. Do đó, du khách có thể ngắm nhìn nét đẹp
1 Nhâm Hùng (sđd) tr.104, 105.
2 Trithucviet: web.
3 Nam Bộ - Đất và Người, 2004, tr. 407.
4 Nam Bộ - Đất và Người, 2004, tr. 406.
5 Nam Bộ - Đất và Người (II) 2004, tr. 407 – 408.
326
của chợ vào các buổi trong ngày tùy theo con nước, lúc cao điểm của con nước
lớn. Tất cả các loại hàng hóa nông sản tại đây đều được mua bán theo nhóm
hàng, được phân phối từ các ghe vườn theo dạng bán sỉ. Nét độc đáo này cũng
đã tạo cho khu chợ nổi Trà Ôn một nét riêng, có sức cuốn hút du khách gần
xa.1
g. Chợ nổi Ngã Năm
Chợ họp tại giao điểm của 5 dòng sông tỏa đi 5 ngả: kênh xáng Quản Lộ
Phụng Hiệp chạy từ Cà Mau lên Ngả Bảy, đường sông tự nhiên từ Vĩnh Quới
chảy ra rồi vươn dài về Thạnh Trị, trước đây sông nhỏ nay được xáng múc vừa
sâu vừa rộng. Và ngả còn lại từ Ngã Năm được xáng múc về hướng Long Mỹ,
Hậu Giang. Ngay nay, chợ họp chính là đoạn này hướng về Xáng Chìm.
Ðây là một trong những chợ nổi có từ lâu và sầm uất vào loại bậc nhất
trong vùng.
h. Chợ nổi Miệt Thứ
Miệt Thứ (thuộc Vĩnh Thuận, Kiên Giang) là vùng đất chạy dọc theo vịnh
Thái Lan thuộc hai huyện An Minh và An Biên (Kiên Giang), kéo dài đến rừng
U Minh. Về tên gọi các thứ, chúng tôi đã nói ở phần trên. Mỗi thứ có nhóm chợ
tại các đầu kênh. Chợ nổi vùng Miệt Thứ, được hình thành bằng những chiếc
ghe lớn, như những ngôi nhà nổi, bềnh bồng trên sông nước, chở theo nhiều
loại hàng hóa. Trong đó, nhiều ghe bán các loại chén bát, bếp củi, bếp lò đun
bằng trấu, bàn ghế Đặc biệt, do ở đây không có nhiều dừa nước để lấy lá lợp
nhà, nên một số ghe lá từ huyện Gò Quao, huyện Giồng Riềng thường đến buôn
bán. Vào mùa mưa, mặt hàng này bán rất chạy.2
i. Chợ nổi Gành Hào
Chợ họp trên sông Gành Hào, cách cầu Gành Hào khoảng hơn 200m,
thuộc địa bàn phường 8 ở trung tâm thành phố Cà Mau. Ngày trước, chợ ở giữa
ngã ba chùa Bà cách đó khoảng hơn chục cây số. Điều thích thú ở đây mà các
chợ nổi khác không có là thỉnh thoảng có một vài chiếc ghe bán chiếu rong.
Xưa kia, đây là nơi tụ tập kiếm sống của người tứ xứ và bán nhiều loại hàng
hóa khác nhau. Bây giờ, chợ chỉ còn bán các sản vật của miệt vườn.
Xuất hiện muộn hơn còn có chợ nổi Ngan Dừa (Bạc Liêu), chợ nổi An
Hữu (Cái Bè – Tiền Giang),
2.2.1. Tính cách của người bình dân miền sông nước nhìn từ hoạt động
chợ nổi
a. Tính nguyên thủy, tận dụng của người bình dân nhìn qua hàng hóa từ
chợ nổi
1 Ngọc Trân, Chợ nổi Trà Ôn: Mọi miền đất nước, in trên Sài Gòn Giải Phóng, ngày 15 tháng
9 năm 2001, tr.6.
2 Dẫn theo phóng sự Đi chợ quê Miệt Thứ, Đài PTTH Vĩnh Long.
327
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
Đến với chợ nổi, ngày nay chúng ta vẫn còn thấy rõ nét hoang sơ từ ngày
mới hình thành hay xa hơn là đời sống của những người đến đây khai làng, mở
xóm. Dấu ấn đó thể hiện ở việc mua bán những thứ sẵn có trong tự nhiên.
Thiên nhiên ban tặng cho miền Tây Nam Bộ hệ động, thực vật vô cùng
phong phú. Ngoài vườn tạp, những lung bàu bỏ hoang hay dưới lòng sông rạch,
ở đâu cũng không thiếu những thứ có thể đáp ứng được cho nhu cầu con người.
Từ con cá, con tép, đến đọt choại, đọt ráng, Thứ thì cung cấp thức ăn, thứ thì
dùng để ngâm rượu làm thuốc, thứ để chế tác những vật dụng trong gia đình,
Người ta chỉ bỏ chút công tìm kiếm, đánh bắt là có thể có đủ thứ. Những đám
mưa đầu mùa nhái ếch kêu vang đồng, chạng vạng tối xách lồng đèn đi soi
nhái, ếch, hay đặt lờ đón cá sặt, cá chốt lên ruộng, Sáng hôm sau, người nhà
đi chợ đem đi bán. Dần dà, nghề đặt trúm lươn, nghề cắm câu, giăng lưới,
bắt cá đem bán mua gạo cũng giúp họ sống được qua mùa nước nổi.
Những cụ già, muốn có miếng trầu ăn mà không phải xin tiền con cháu thì
cắp nón lá ra vườn tạp hái đọt nhãn lồng, rau má, lá cách, lá nhàu, về bó lọn,
phân mớ lại rồi gửi người thân đi chợ bán giùm. Vài ba cắc bạc cũng đổi được
ốp trầu, chục cau, qua được cơn ghiền!
Những ngày nông nhàn, tước chục lá dừa, đốn mấy chục nhánh ráng đem
về bó chổi, hay đập lấy dây bình bát, cắt dây chuối phơi khô rồi đánh thành
những chiếc võng, cũng có người khi gần tết, thấy đám lát ngoài bưng xanh tốt
thì cắt về chẻ dây, phơi khô, róc thêm chục xấp lá chuối, tất cả đều trở thành
hàng hóa để đem ra chợ nổi. Thêm được đồng nào hay đồng nấy, không làm,
những thứ ấy cũng bỏ đi, tận dụng một chút để có thêm nồi thịt kho, miếng mỡ
thắng để dành ăn,
Nói chung dấu ấn của sự nguyên thủy và nên kinh tế tự túc tự cấp hiển
hiện rõ qua tâm lí có gì bán nấy, không chú trọng lời lỗ, cây nhà lá vườn cả.
Và cũng từ hình thức manh nha như vậy dẫn tới việc trồng tỉa, chăn nuôi
một cách quy mô hơn, chuyển từ tính nguyên thủy sang tính chuyên nghiệp.
b. Chợ nổi – nơi hỗn dung giao thoa về văn hóa
Ở phần đặc tính của người dân miền sông nước chúng tôi đã có đề cập đến
luận điểm này. Xét phạm vi hẹp hơn, ở bình diện chợ, chợ nổi có sự hỗn dung
và là nơi giao thoa văn hóa của nhiều vùng, miền. Bởi đời sống thương hồ, dân
Vĩnh Long, dân Đồng Tháp, Cà Mau rồi Rạch Giá, Mỹ Tho, cùng hội ngộ.
Sống chung trong môi trường ấy, những kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống
được họ đem ra chia sẻ. Chẳng hạn, người miệt U Minh có kinh nghiệm nhìn và
chọn ba khía muối ngon thì người dân Tháp Mười chia sẻ cách nấu canh chua
bằng trứng kiến vàng với cá trê trắng hay lươn, rồi cách nấu xiêm lo của người
dân Trà Vinh, Sóc Trăng được phổ biến cho bà con vùng miền khác.
Không dừng lại ở đó, những kinh nghiệm trồng trọt chăn nuôi, xử lí sao
cho hoa nở đúng dịp tết, cách làm cho rau, củ, quả ngon hơn, ngọt hơn, đều
được truyền miệng trong những buổi tối khi công việc mua bán đã tạm xong.
Chuyện ăn mặc, chuyện chọn dâu, kén rể hay cách thức cúng kiến ông bà,
thậm chí đến những trò chơi dân gian, những câu hò điệu lí, những câu chuyện
328
tiếu lâm, những lời hát ru nổi trôi theo đời người thương hồ. Nó giống như trái
bần, trái vẹt hễ gặp đất phù sa và điều kiện thuận lợi là dừng chân, bén rễ.
Một điều kiện thuận lợi nữa tạo nên đặc tính giao thoa của dân thương hồ
là do hôn nhân. Không hiếm chuyện chàng trai con của chủ ghe này phải lòng
cô gái con của chủ ghe xứ khác. Họ đến với nhau và nên vợ chồng. Dân tộc
Hoa với dân tộc Khơ Me và dân tộc Việt hòa nhau thành một khối. Tất nhiên,
văn hóa cũng sẽ đi theo, giao thoa, tổng hòa vào làm một.
Một biểu hiện nữa của đặc điểm này không thể không nhắc đến đó là sự
tồn tại song song giữa truyền thống và hiện đại qua các phương thức mua bán.
Thậm chí nhiều yếu tố của văn hóa phương Tây chen vào những yếu tố văn hóa
bản địa truyền thống rồi cùng song song tồn tại. Những chiếc áo thun, quần
jean dần thay cho áo bà ba, chiếc nón lá và cái khăn rằn truyền thống. Xuồng,
ghe chạy máy động cơ mã lực lớn thay dần cho những chiếc ghe chèo, xuồng
bơi, Ghe sắt, xuồng nhựa composite thay cho xuồng, ghe đóng bằng cây
truyền thống, Phương thức cân kí thay cho việc đếm chục, đếm trăm,
Ngay trong việc định lượng bằng chục, trăm cũng khác đi nhiều, theo hướng
giản tiện chục chỉ bằng mười,
c. Tính bao dung, phóng khoáng thể hiện qua phương thức mua bán
Nơi chợ nổi, lượng xuồng, ghe luôn dày đặc. Ngoài những xuồng, ghe
đang tham gia mua bán, còn có những xuồng, ghe khác chỉ đi ngang qua, đã
góp phần làm cho chợ nổi thêm nhộn nhịp. Có khi chuyện mua bán đang diễn
ra, gặp chiếc ghe lớn trờ tới thì người ta cũng vui vẻ dừng lại. Chiếc ghe ấy đi
khuất thì cuộc mua bán lại tiếp tục. Vào dịp tết, xuồng, ghe đậu ken khít cả mặt
sông rộng. Những ngày ấy, người từ bờ bên đây sông sang bờ bên kia sông chỉ
cần bước nhờ, chuyền từ ghe này sang xuồng khác, cứ vậy là tới bờ bên kia,
khỏi tốn tiền đò. Xuồng, ghe như vậy nhưng rất ít khi va chạm nhau. Phải nói
rằng nghệ thuật bơi xuồng, chèo ghe của người dân miền sông nước thể hiện rõ
“đẳng cấp” ở chợ nổi. Người ta có thể bơi xuôi, móc ngược, nại phải, chống
trái, tiến lùi trên chiếc xuồng tròng trành như làm xiếc. Hơn thế, nếu chẳng
may có va chạm, người ta cũng nói những câu xin lỗi và phía đối diện cũng rất
nhẹ nhàng cho qua. Chuyện trên sông nhường nhau một chút, nhịn nhau một
chút, khi mình khi người, có sao đâu. Có lẽ vì thế mà rất ít khi xảy ra tai nạn
đường thủy ở chợ nổi. Nặng lắm, rủi ro lắm là đụng gãy chèo, gãy cột chèo mà
thôi, Những thứ đó, thì dân đi xuồng, ghe không quá khó kiếm nên người ta
cũng sẵn lòng “tha thứ” hết.
Nơi bên sông, xuồng không cặp sát mé được bởi ở trong có xuồng, ghe
khác đã đậu kín từ trước, thì người ta có thể đi nhờ, bước nhờ. Chỉ cần mở
miệng hỏi, chủ xuồng, ghe sẽ vui vẻ chấp nhận, ít có trường hợp làm hiểm từ
chối. Bởi trong dòng chảy chung đó, ai đi ngược lại hoặc làm khác là cộng
đồng sẽ cho là ích kỉ.
Tính phóng khoáng thể hiện rõ nhất ở chợ nổi qua phương thức mua, bán.
Ở đây, tập quán “buôn có bạn, bán có hàng”, “mất lòng trước đặng lòng sau”,
“thuận mua, vừa bán”, do đó ngay từ khi cáp giá cả, họ đã cởi mở và thẳng
329
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
thắn. Trong mua bán trên chợ nổi điều đặc biệt là không tồn tại hiện tượng nói
thách và trả giá. Đặc trưng của cách mua bán ở chợ nổi là bán sỉ và sang ghe.
Bán sỉ là hình thức mua bán theo cách ước chừng, nhắm chừng, lượng ở
đây chỉ phỏng đoán không cần chính xác từng ly, từng tí như cân đo đông đếm
hiện đại. Đơn vị tính là lít, táo, giạ, cần xé; chục, thiên, muôn, cân, yến, tạ,
Từ thực tế điền dã, chúng tôi xin ghi lại các việc đong đếm theo cách tính
vừa nói như sau:
Mỗi lít có sức chứa tương đương với ba lon sữa bò, theo hình dáng chúng
tôi quan sát và đo đạc được thì một lít là một cái lon bằng thiếc hình trụ tròn,
có đường kính một tấc và chiều cao cũng một tấc tây. Nếu lấy gạo để so sánh
thì 4 lon sữa bò gạo mới được một kí lô. Như vậy, một lít gạo chưa đầy kí.
Lít thường đong các loại lương thực như lúa, cám, gạo, hay các loại
hàng hóa khác như muối, đậu xanh, đậu nành, Đối với các chất lỏng như dầu
lửa, dầu dừa, mật ong, nước tương, nước mắm, người ta cũng đong bằng lít.
Sau nay, người ta chế cái cống bằng nhựa mũ, cống này có khi chỉ bằng một
phần tư lít gọi là xị, hoặc bằng một phần hai lít thì gọi là nửa lít, Cũng có
những cống hai lít, tùy theo yêu cầu. Cách đong này đến nay vẫn tồn tại.
20 chục lít như vậy sẽ được một táo, mỗi táo gạo dân gian còn gọi là một
thùng, nặng chừng 13 – 14 kí tùy theo từng loại gạo. Táo gạo này đổ ra thì
đựng vừa đầy một thúng. Khi đươn thúng, người ta thường lấy cỡ như vậy và
gọi thúng đó là thúng táo. Hai táo bằng một giạ. Như vậy, thúng giạ lớn gấp đôi
thúng táo. Một giạ bằng 40 lít. Nếu lúa tốt không lép thì mỗi giạ lúa có thể hơn
20 kí, nếu lúa lép nhiều thì mỗi giạ lúa chừng 18 – 19 kí, Có nơi tính giạ
bằng 25 kí,
Ngày trước, người ta dùng táo để tính lượng tép tôm hay cá chốt, cá sặt
bắt được từ dỡ chà, tát đìa, Đơn vị giạ để tính các loại trái cây nhỏ như xoài,
mận, ổi
Mua bán nhỏ hơn thì mão bằng rổ, bằng mớ, chỉ nhắm chừng rồi ra giá.
Lớn hơn là tính bằng cần xé, mỗi cần xé thường là hai giạ, cũng có thể nhỏ
hoặc lớn. Cũng có khi, người ta sẽ cân thử cần xé đầu tiên để đoán tính các cần
xé sau, dân gian gọi là “hạo”. Hạo xong rồi cứ ra giá để người mua tính. Bằng
lòng thì đếm hàng, không bằng lòng thì đi sang ghe khác.
Việc đếm khóm, dưa hấu, dừa tươi hay cam, bưởi, bắp trái, ổi, ô môi,
thì các đơn vị là chục, trăm, thiên (ngàn), muôn (mười ngàn). Trong số các đơn
vị này, chục là cách tính lộn xộn nhất. Chục về cơ bản là mười, nhưng cũng có
khi quy ước là mười hai, rồi mười bốn, mười sáu, mười tám; nếu chục đôi là hai
mươi, có khi lại là hai mươi bốn (đôi của chục 12). Cá biệt, chúng tôi còn được
nghe những người buôn bán lớn tuổi sống trọn đời thương hồ ở chợ Ngã Năm
cho rằng, ngày trước có nơi quy ước một chục chỉ có sáu mà thôi. Tất nhiên,
ngày nay chắc cách đếm như vậy không còn tồn tại. Trăm tưởng là đơn giản
nhưng không phải vậy. Nếu chục đôi hai mươi thì một trăm theo cách tính này
trên thực tế phải tới 200 trái. Vì dân gian cứ tính 10 chục mới một trăm, rất
330
rõ ràng nhưng thật phức tạp. Từ đó, cứ 10 trăm thì gọi là một thiên, tức một
ngàn (dù thực tế có thể tới hơn 2000!), rồi 10 ngàn thì gọi là muôn,
Đối các sản phẩm sành sứ như lu, kiệu, khạp, hay các vật dụng bằng tre
như thúng, rổ, nia, sàng, hoặc chổi tàu dừa, chổi tàu ráng thì mấy cái, mấy cây
đếm như vậy, không tính chục tính thiên,
Dân gian đã tạo ra hệ thống đong, đếm thật phong phú và lạ kì mà sách vở
gặp không ít khó khăn khi cố định lại, Quả trăm nghe không bằng một thấy.
Đến các đơn vị sử dụng cân cũng khá phong phú. Lượng, cân, yến, tạ,
Tục ngữ có câu: Kẻ tám lượng, người nửa cân để chỉ sự so sánh ngang nhau,
không ai hơn ai. Theo cách tính của dân gian thì một cân tương đương với
800gram.
Rồi đơn vị yến, thường được áp dụng để cân các loại củ: khoai lang, khoai
môn, khoai mì, mỗi yến có nơi là 6 kí, có nơi lại là chục kí. Tạ bằng 10 yến,
như vậy nếu yến 6 kí thì tạ là 60 kí, hay yến 10 kí thì tạ bằng 100 kí,
Mua bán theo các phương thức vừa nói thể hiện sự phóng khoáng, không
chi li, câu nệ, cũng không có chuyện “cò kè bớt một thêm hai”. Bên mua là mua
trọn, bên bán bán chung, không phân biệt tốt, xấu lớn nhỏ bởi bổ đồng qua lại,
khi người này thiệt, khi người kia thiệt chút đỉnh.
Với kiểu mua bán này, dân thương hồ có kinh nghiệm lâu năm mới dám
thương lượng. Bởi họ đoán trúng phóc, ít khi sai lệch.
Hình thức sang ghe còn thể hiện tính phóng khoáng ở biên độ rộng hơn.
Khi một ghe lớn chở hàng xuống chợ nổi mà hàng hóa đã bán hết, dọc đường
gặp một ghe khác chở đầy hàng hóa đến. Nếu xét thấy có nhu cầu tiêu thụ được
và đặc biệt hơn là thuận lợi trên đường để không phải chạy ghe không về, thế là
họ cáp giá, sang cả ghe, Bên bán lời meo, nhưng cái được là nhanh, sẽ quay đi
chuyến khác. Người sang lại trong trường hợp này cũng sẽ đem đi chỗ khác bán
lại. Chỉ cần coi sơ qua mặt hàng, hỏi ước chừng là chuyện mua bán diễn ra
chóng vánh. Tất nhiên khi sang, người ta cũng đếm thử. Xong, gần đúng như
lời thì cười tươi, hai bên bắt tay, trả tiền.
Cũng xin nói thêm, có trường hợp ghe mua không đem đi đâu cả mà chỉ
neo đậu bán tại chợ nổi. Những chủ ghe này chịu khó tốn thời gian để kiếm
đồng lời và cũng khỏi tốn công xuôi ngược trên những dòng sông xa thẳm,
Gặp dịp may hay những phiên chợ tết hút hàng, nhiều khi chiếc ghe sang hàng
hóa cho họ quay trở lại thì cũng là lúc họ bán gần hết, công việc sang ghe lại
tiếp tục,
d. Tính sáng tạo, thích nghi
Chúng tôi cho rằng ở chợ nổi, tính sáng tạo và sự thích nghi của người
bình dân không thể không nhắc đến.
Đầu tiên phải thấy ngay rằng: chợ nổi là do dân miền sông nước tạo ra.
Chính họ chứ không phải ai khác, xuất phát từ những nhu cầu thực tế của đời
sống, họ đã dùng xuồng, ghe mua bán trao đổi trên sông để rồi dần dần phát
331
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
triển thành những chợ nổi sầm uất. Cũng theo thời gian, cuộc sống trên sông
nước bập bềnh nhanh chóng được thích nghi.
Một trong những biểu hiện của sự thích nghi và sáng tạo đó là việc dùng
hình thức bẹo hàng để báo cho người mua biết thứ cần bán. Có lẽ đây là hình
thức sơ khai của quảng cáo hiện đại ngày nay. Từ thực tế điền dã, quan sát cách
thức mua bán ở chợ nổi chúng tôi nhận thấy, sự manh nha của việc beo hàng có
bắt đầu từ những chiếc xuồng, chiếc ghe chèo chở rau cải, cá tép từ đồng ruộng
ra chợ. Để cho dễ thấy, người ta để những rổ rau nhãn lồng, đọt choại, có khi
chở cả xuồng cọng bông súng hay năn bộp, rau mác, cọng lục bình, ... phía
trước mũi xuồng. Người ta chỉ nhìn thấy là đã biết mặt hàng được bán. Người
mua cứ việc kêu xuồng tấp lại để mua. Sau này, những chiếc xuồng để ở phía
trước mũi sề bánh lá dừa, bánh ú, bánh ít, hay một vịm mắm ruốc đỏ tươi, bơi
tới bơi lui để bán. Đặc điểm của chợ nổi là rất nhiều tiếng ồn ào, náo nhiệt của
kẻ bán, người mua nên không thể rao hàng như các xuồng hàng bán trên sông
rạch. Rao hàng, chào hàng chỉ có thể bằng thị giác. Nhìn thấy, ngó thấy người
muốn mua sẽ tấp xuồng, ghe lại. Ghe chở kiệu, chở lu, chở khạp thì thứ hàng
hóa cần bán đã bày ra trước mặt. Ghe chở cà ràn, bếp lò thì không thể bán
bông, bán cá, ... Ai cũng biết chắc chắn như vậy. Thích nghi với thực tế này,
những ghe lớn chở hàng bông với nhiều loại rau, củ quả khác nhau để trong
khoang. Người mua sẽ không thấy, và người bán hàng đã sáng tạo ra cây bẹo để
trưng mời hàng hóa trên ghe.
Trong ngôn ngữ dân gian miền Tây có từ bẹo dạng (bẹo dáng), bẹo gan.
Tra Từ điển tiếng Việt thì thấy nghĩa của nó là phơi bày ra với hàm ý chọc tức.
- Bấy lâu bẹo dạng trêu ngươi,
Mẹ cha gả bán cho nơi chẳng vừa.
- Trời ơi sao nỡ bẹo gan,
Người ăn không hết, người lần không ra.
Văn cảnh có nghĩa là phơi bày ra, trưng ra, ... Vậy từ bẹo theo nghĩa gốc
và nghĩa dùng làm ... bẹo.
Trở lại vấn đề cây bẹo trên chợ nổi, hình thức của nó chỉ đơn giản là cây
sào cắm xuống lòng sông, phía trên người chủ ghe treo tòn ten những loại rau,
quả, mà ghe mình cần bán. Bán gì thì bẹo nấy. Vì thế, có cây bẹo bẹo cả
chục thứ trái, củ trên đó, Người muốn mua loại nào cứ việc nhìn cây bẹo ghé
vào mà lựa chọn.
Cũng có khi người ta bẹo đồ bán trên mui ghe. Cái thanh gỗ gác ngang
cũng được dùng treo hàng để bẹo, không cần cầu kì. Bởi thực tình cây bẹo trên
chợ nổi mang chức năng chính là thông báo những thứ hàng hóa muốn bán.
Người miền Tây có tính thực tế và dân dã, nên họ cũng không quá cầu kì trang
trí,
Nguyên tắc là bán gì bẹo nấy, nhưng cũng có lúc bẹo mang ý nghĩa tượng
trưng. Phải có vốn sống từ thực tiễn và am hiểu đời sống người bình dân mới lí
giải được. Chẳng hạn, khi bập bềnh trên sông người ta thấy trên mui ghe nào đó
332
có cắm một khúc cây ngắn, trên đó có gắn một đoạn của tấm lá chằm đốp (cần
đốp, loại lá chằm của người Khơ Me, có xống cũng bằng cọng lá dừa nước chẻ
ra). Đó là dấu hiệu muốn bán ghe của người gắn cây bẹo. Đời sống của cư dân
miền sông nước gần như cả đời trôi nổi trên ghe, họ coi xuồng, ghe như cái nhà
của mình. Mà nhà ở quê thì mái lợp bằng lá dừa nước là chủ yếu. Như vậy, mỗi
khi muốn bán ghe tức là bán đi “căn nhà” di động của mình. Họ chọn cách bẹo
lá, chứ không phải bẹo tấm ván dùng đóng ghe hay mái dầm, cột chèo gì cả.
Biểu hiện đó có thể góp phần khẳng định tính cách vừa sáng tạo vừa sâu
sắc của người bình dân miền đất nhiều kênh rạch này.
Chúng tôi cũng xin mở rộng thêm, dù nó không phải là nét văn hóa lành
mạnh, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại trong dân gian. Nó là một góc khuất trong
đời sống của người bình dân, là mặt trái của cuộc sống thường nhật, không ai
khuyến khích, thậm chí có thể nói nó đi ngược lại với thuần phong mỹ tục.
Những chiếc xuồng bán bánh lá dừa về đêm thường hay bẹo bằng chiếc đèn
chong cóc. Nhiều người làm ăn lương thiện, nhiều cụ bà tuổi ngũ tuần, lục tuần
tranh thủ kiếm thêm đồng lời quả thật là đáng quý. Song, việc bẹo bằng ánh đèn
dầu đó dần cũng bị biến tướng. Chuyện trai tứ chiếng đi chợ đêm để tìm gái
giang hồ cũng sẽ dựa vào những ngọn đèn chấp chới ấy để tìm hàng, để hỏi
mua và được bán. Có điều, giống như ánh đèn dầu yếu ớt ấy ẩn sau nó là cuộc
sống đầy bóng tối của những người bị đày vào kiếp đời sương gió. Như đã nói
ở trên tính sáng tạo, thích nghi này có thể hiểu theo nét nghĩa tiêu cực mà đời
sống đặc trưng vùng sông nước đã tạo ra.
Cũng từ chuyện thực tế này, trong phương ngữ Nam Bộ xuất hiện cụm từ
gái bán vàm. Nghĩa thực của nó dùng để chỉ những người lam lũ bán bánh, bán
cháo đêm ở vàm sông, chợ nổi. Nhà khảo cứu Huỳnh Minh đã có lần nhắc đến
hình ảnh này: “Các cô gái bán vàm với giọng rao hò lảnh lót đã làm say mê các
tay thương hồ chuyên sống cuộc đời nổi trôi trên sóng nước” . Song, dân gian
miền Tây vốn rất “nhạy”, nên đã sớm suy diễn nghĩa gái bán vàm thành những
cách hiểu khác nhau. Rồi như để thanh minh cho người lương thiện, cũng chính
dân gian đã mượn lời cô gái hò trên sông đáp rằng:
Em là cô gái bán vàm,
Bán vàm em bán nhưng điếm đàng em không!
Nghe thật thú vị, thật đáng để chúng ta đồng cảm và chia sẻ vậy!
Một trong tính thích nghi và sáng tạo để biểu hiện ở chợ nổi theo chúng
tôi đó là hệ thống những chiếc xuồng ba lá chèo, bơi bán vật dụng sinh hoạt và
đồ ăn, thức uống, thậm chí có những xuồng ra công phục vụ cho đời sống con
người trên các chiếc ghe lớn.
Ghe lớn hàng hóa nhiều, ít khi đậu sát mé bờ, mũi lại quay hướng ra sông
rộng để tiện bề mua bán. Ban ngày, công việc bán buôn cũng tất bật đâu có
nhiều thời gian để lo việc ăn uống. Thế là những xuồng bán bún nước lèo, bán
cháo lòng, bán bánh tằm, ... xuất hiện. Nhiều xuồng bán cà phê bọc, đá chanh,
đá me, ... cũng bơi len lỏi giữa các ghe lớn. Ai cần gì thì kêu xuồng ấy lại mua,
người bán kiếm được thêm những đồng lời lo cho gia đình. Ở chợ nổi Ngả
333
KỶ YẾU HỘI THẢO
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TỪ THỰC TIỄN ĐẾN CHÍNH SÁCH
Năm, chợ nổi Ngả Bảy còn có những xuồng bán thịt heo phục vụ cho người
trên ghe. Gần đây, trên chợ nổi còn xuất hiện luôn những xuồng chèo đi làm
móng tay, móng chân. Các bà, các cô trên ghe có nhu cầu, thì gọi những chiếc
xuồng tấp lại và chừng một thời gian nhất định việc làm đẹp đã hoàn tất.
Sống nơi môi trường sông nước, người ta thải ra một lượng chất thải
không ít, vậy mà những dòng sông nơi chợ nổi ít ô nhiễm, bởi ở đó thỉnh
thoảng người ta còn thấy xuất hiện những chiếc xuồng bơi của những người đi
lượm ve chai nhựa hay bọc nilon. Công việc làm sạch môi trường một cách tự
nguyện này cũng đã đem lại cho họ ít tiền, dù không nhiều nhưng cũng đủ nuôi
thân.
Tất cả những chiếc xuồng, ghe tham gia vào công việc mà nhiều người gọi
là “dịch vụ” của chợ nổi đã góp phần là đa dạng thêm các tầng văn hóa do
chính người bình dân tạo ra rồi truyền lại từ đời này sang đời khác.
3. Kết luận
Văn hóa dân gian miền sông nước ở miền Tây Nam Bộ là một kho tàng
phong phú vô cùng quí giá. Từ những nhận thức đến biểu hiện được lưu truyền
trong dân gian qua con đường truyền khẩu, qua thị phạm...
Khảo sát và nghiên cứu những biểu hiện đó đã giúp chúng ta dựng lại
được chân dung, tính cách của người bình dân vùng đất mới. Việc làm này góp
phần cố định những nét cơ bản vốn rất phong phú, đa dạng và dao động ở biên
độ lớn: VĂN HÓA DÂN GIAN. Đây cũng là công việc góp phần bảo tồn và lưu
giữ cho thế hệ mai sau. Bởi khi hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội dần biến đổi
kéo theo sự biến đổi không nhỏ của văn hóa. Nhiều nét văn hóa xưa gắn liền
với môi trường sông nước đã dần lui vào dĩ vãng, một số không nhỏ sắp bị thất
truyền.
Dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sưu tầm, lưu giữ, truyền bá
cũng như những điều kiện để văn hóa dân gian sông nước tiếp tục phát triển
trong đời sống của người bình dân nhưng chúng tôi tin rằng với những nỗ lực
của nhiều nhà nghiên cứu trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên để có một chiến lược phát triển lâu dài, cần lắm những sự
chung tay của cộng đồng, đặc biệt là những nhà khoa học, những nhà văn hóa
tâm huyết với sự tồn tại và phát triển của văn hóa miền Tây Nam Bộ nói chung
và văn hóa miền sông nước nơi này nói riêng. Thành quả đạt được không chỉ
dành riêng cho người dân một vùng miền mà sẽ làm phong phú thêm bản sắc
văn hóa vốn đã rực rỡ của dân tộc Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đình Đầu (1994), Tổng kết nghiên cứu địa bạ: Nam Kỳ Lục
Tỉnh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Vũ Minh Giang (chủ biên, 2006), Lịch sử vùng đất Nam Bộ - Việt Nam,
NXB Thế giới, Hà Nội.
334
4. Nguyễn Hữu Hiếu (2010), Diễn trình văn hóa Sông Cửu Long, NXB
Thời đại, Hà Nội.
5. Vương Hồng Sển (2012), Hậu Giang Ba Thắc, NXB Trẻ, thành phố Hồ
Chí Minh.
6. Trần Minh Thương, Đặc điểm văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ
(Khảo cứu – sưu tầm, 2017), NXB Mỹ Thuật, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 25_0869_2207242.pdf