Đổi mới tư duy và phương thức tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986

Tài liệu Đổi mới tư duy và phương thức tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 24 (49) - Thaùng 01/2017 70 Đổi mới tư duy và phương thức tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 Changes of narrative thinking and method in Vietnamese historical novels after 1986 TS. Nguyễn Văn Hùng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế Nguyen Van Hung, Ph.D. Hue University, College of Sciences Tóm tắt Tiểu luận nhận diện, phân tích những đổi mới trong hệ hình tư duy tự sự của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 từ các bình diện cơ bản: người kể chuyện, điểm nhìn tự sự, thời gian tự sự, kết cấu tự sự, diễn ngôn tự sự và các chiến lược tự sự. Những thể nghiệm sáng tạo mới mẻ của các tiểu thuyết gia về tư duy và các phương thức tự sự hướng tới phản ánh, luận giải hiện thực lịch sử và con người trong sự phức hợp, nhiều chiều. Nhìn chung, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 là một bước phát triển mới của tiểu thuyết lịch sử nói riêng và tiểu thuyết Việt Nam nói chung. Bước phát triển này không ch...

pdf12 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 479 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đổi mới tư duy và phương thức tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 24 (49) - Thaùng 01/2017 70 Đổi mới tư duy và phương thức tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 Changes of narrative thinking and method in Vietnamese historical novels after 1986 TS. Nguyễn Văn Hùng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế Nguyen Van Hung, Ph.D. Hue University, College of Sciences Tóm tắt Tiểu luận nhận diện, phân tích những đổi mới trong hệ hình tư duy tự sự của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 từ các bình diện cơ bản: người kể chuyện, điểm nhìn tự sự, thời gian tự sự, kết cấu tự sự, diễn ngôn tự sự và các chiến lược tự sự. Những thể nghiệm sáng tạo mới mẻ của các tiểu thuyết gia về tư duy và các phương thức tự sự hướng tới phản ánh, luận giải hiện thực lịch sử và con người trong sự phức hợp, nhiều chiều. Nhìn chung, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 là một bước phát triển mới của tiểu thuyết lịch sử nói riêng và tiểu thuyết Việt Nam nói chung. Bước phát triển này không chỉ là ảnh xạ của những vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội, khung tri thức thời đại trong không gian sáng tạo mới sau 1986, mà còn cả về phương diện cách tân tiểu thuyết để hòa nhập vào nghệ thuật tiểu thuyết của thế giới. Từ khóa: luận giải lịch sử, tiểu thuyết lịch sử, tư duy và phương thức tự sự. Abstract The essay identifies and analyzes changes in the paradigm of narration in Vietnamese historical novels after 1986 on basic aspects such as narrator, point of view, narrative time, narrative structure, narrative discourse and narrative strategy. Vietnamese novelists have experimented new narrative thinking and methods to reflect and explain the history and human from multi-dimensional perspective. Vietnamese historical novels after 1986 have made another step in the development of historical novels in particular and of Vietnamese novels in general. This step of development not only reflects historical, cultural, social and intellectual issues of the new period of creation, but also innovates Vietnamese novels, integrating them into international world of novels. Keywords: historical interpretation, historical novel, narrative thinking and method. 1. Dẫn nhập Trong tình hình chung của sự “phục hưng” thể loại, văn xuôi hư cấu lịch sử sau năm 1986 đang làm cuộc chuyển mình với sự thay đổi trong nguyên tắc cảm nhận thế giới và con người; đề xuất quan niệm thẩm mĩ mới về lịch sử và thể loại văn xuôi hư cấu lịch sử; tìm tòi, thể nghiệm tư duy, phương thức tự sự lịch sử gắn với tinh thần hiện đại/hậu hiện đại. Lịch sử và diễn giải lịch sử luôn là mối quan tâm của con người, nhất là khi có một độ lùi nhất định 71 về thời gian cùng nhu cầu nhận thức lại, định giá lại lịch sử. Viết trong bầu không khí dân chủ, bối cảnh hiện đại/hậu hiện đại, các tiểu thuyết gia đã thể hiện khát vọng khám phá, giải mã và đối thoại với lịch sử bằng nhãn quan cá nhân của mình. Không còn minh họa cho chính trị, không bị hối thúc bởi hoàn cảnh chiến tranh, người nghệ sĩ trở thành “nhà thám hiểm cuộc sống” (M.Kundera). Sứ mệnh thiêng liêng của họ là khơi mở những khuất lấp, nhìn vào “bề sâu, bề sau, bề xa” của quá khứ để nối kết thực tại, gửi gắm niềm tin và khai phóng tương lai. Từ đó, nhà văn buộc phải tìm kiếm hình thức mới cho thể loại và không ngừng cách tân, đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết. Đối với các tiểu thuyết gia giai đoạn trước, dường như câu hỏi “viết về cái gì” quan trọng hơn là “viết như thế nào”. Thay vì tìm tòi những hình thức kết cấu mới cho tiểu thuyết, họ quan tâm nhiều đến yếu tố chất liệu cũng như độ hoành tráng sử thi và tính chất giáo huấn từ lịch sử. Xem phương thức xây dựng tiểu thuyết quan trọng như chính chất liệu, các nhà văn viết về đề tài lịch sử sau năm 1986 đã chủ động làm mới, làm khác bằng việc kiếm tìm những lối viết hiện đại, mạnh dạn đổi mới tư duy tự sự lịch sử bằng các phương thức độc đáo. Trong tinh thần dân chủ hóa và tự do sáng tác, lĩnh vực thể loại văn xuôi hư cấu lịch sử bắt đầu hồi sinh và trở thành một trong những đề tài chủ chốt của văn học nước nhà. Văn học đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Trong khi miêu tả lịch sử, nhà văn đã mang lại cho lịch sử những “gương mặt người”. Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại. Nhiều sự thể nghiệm độc đáo về phương thức xây dựng nhân vật, kết cấu tiểu thuyết, mô hình tổ chức tự sự đã mang lại những thành tựu lớn lao cho thể loại văn học lịch sử. 2. Đổi mới tư duy và phương thức tự sự lịch sử 2.1. Kiến tạo nguyên tắc xây dựng nhân vật từ điểm tựa đời tư - nhân bản Vừa mang trong mình những đặc điểm của tiểu thuyết đương đại đồng thời phải tuân thủ “luật chơi” riêng của thể loại, nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử sau năm 1986 có nhiều sự đổi mới về loại hình và nguyên tắc xây dựng nhân vật lịch sử. Với thể loại tiểu thuyết lịch sử, thế giới nhân vật vừa là những con người có thật trong lịch sử vừa là những con người được nhà văn hư cấu, tưởng tượng. Thậm chí dù đó là những “nguyên mẫu” của lịch sử, trước hết họ vẫn là những nhân vật tiểu thuyết, được khoác trên mình chiếc áo choàng nhuốm màu huyền thoại, là nơi gửi gắm tình cảm sâu kín và tư tưởng nhân sinh, triết học nhân bản của người nghệ sĩ. Từ chân dung lịch sử đến chân dung nghệ thuật, các nhân vật sau năm 1986 hiện lên không còn là những pho tượng cẩm thạch vô tri vô giác mà mang một hình hài chân thực, sống động. Nếu như nhân vật của tiểu thuyết lịch sử giai đoạn trước còn khá đơn giản trong tính cách, nhất phiến trong tư tưởng, chân dung chủ yếu khắc họa bằng hành động và lời nói thì nhân vật giai đoạn này được nhìn nhận ở tính đa trị, lưỡng diện của nó. Nhiều nhân vật hiện lên như một trạng thái đời sống, một dòng chảy tư tưởng, một tiếng nói, một cái nhìn. Và để thể hiện cái nhìn mới về lịch sử, tác 72 giả đã đặt các nhân vật trong vô vàn mối quan hệ đời thường, để nhân vật đối thoại với chính mình, xoáy sâu vào phần khuất lấp và bi kịch nội tâm, nơi có sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, phi thường và đời thường, hữu thức và vô thức, nhằm tìm ra “tiếng nói tối hậu về con người”. Suy cho cùng, dẫu là các nhân vật lịch sử, các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, huyền thoại tôn giáo như Trần Thủ Độ (Bão táp cung đình), Nguyễn Huệ (Sông Côn mùa lũ, Gió lửa), Từ Đạo Hạnh, Ỷ Lan (Giàn thiêu), Hồ Quý Ly (Hồ Quý Ly), Nguyễn Trãi, Lê Lợi (Hội thề, Oan khuất), Nguyễn Du (Nguyễn Du), trước tiên họ vẫn là con người, mà đã là con người thì luôn bị chi phối và tác động bởi muôn vàn mối quan hệ phức tạp, ngổn ngang của đời sống xã hội. Nhân vật lịch sử sau năm 1986 được nhìn nhận, khám phá trong muôn vàn mối quan hệ đời tư, thế sự, khiến nó trở nên gần gũi, đời thường hơn bao giờ hết. Lịch sử được “đời thường hóa” từ giác độ nhân bản và được nhìn ngắm dưới tọa độ đời tư - thế sự. Bằng cách đan cài, tạo dựng nhiều chủ đề như tình yêu và ước mơ hạnh phúc, khát vọng tự do, giải phóng bản năng, ý chí quyền lực, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Thế Quang... đã thể hiện cảm quan về cuộc sống đa chiều, ngổn ngang cùng quan niệm về con người đa diện, phức tạp. Chúng ta bắt gặp sự phức tạp, đa đoan trong tính cách của Nguyễn Huệ (Sông Côn mùa lũ, Gió lửa), Lê Lợi (Đất trời), Nguyễn Trãi (Oan khuất), Từ Đạo Hạnh, Ỷ Lan (Giàn thiêu), Hồ Quý Ly, Trần Khát Chân (Hồ Quý Ly). Những góc tối, những vùng mờ mà lịch sử “bỏ quên”, nay đã được soi rọi và giải mã một cách chân thực, sắc nét. Chọn Hồ Quý Ly để luận bàn về tư tưởng đổi mới, ý nghĩa thời thế, Nguyễn Xuân Khánh đã khắc họa rõ nét hai mặt tính cách ở cả phần khuất lấp và lộ diện, cả phần sáng và phần tối của một trong những nhân vật phức tạp bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Hành động “tiếm ngôi đoạt vị” của Hồ Quý Ly là thái độ vứt bỏ lời thề với nhà Trần (chữ Trung), phũ phàng chà đạp lên sự yêu vì của Nghệ Tông (chữ Nghĩa), đang tâm mưu hại những người thân nhất của mình (chữ Nhân), nhưng trong thâm tâm, ông tự nhủ ông không vứt bỏ nhân nghĩa mà “trái lại! Chính vì nhân nghĩa nên đã vứt bỏ”. Ông chủ trương bằng mọi cách, mọi giá phải canh tân đất nước, ngăn chặn sự khủng hoảng, xác lập sức mạnh tự cường, tự chủ của dân tộc. Hồ Quý Ly càng lạnh lùng, nghiệt ngã, tàn nhẫn trên chính trường bao nhiêu thì ông lại càng bộc lộ sự trắc ẩn, day dứt, đớn đau bấy nhiêu trong cuộc sống đời tư của mình. Chính khoảnh khắc sám hối bên tượng người vợ yêu là “nỗi cô đơn khủng khiếp”, “nỗi cô đơn của một kẻ thoán nghịch, một kẻ làm việc lớn”. Nguyễn Xuân Khánh đã khám phá một góc khuất tâm hồn với những khát khao thầm kín, thành thực rất người, rất đời của nhân vật. Trong Sông Côn mùa lũ, bên cạnh mạch chảy cuồn cuộn của những chuyển vần lịch sử, là dòng chảy âm thầm, ám ảnh và bất diệt của tiếng gọi tình yêu. Người anh hùng đánh Nam dẹp Bắc bách chiến bách thắng Nguyễn Huệ suốt một đời ân hận, day dứt về mối tình đầu ngây dại với An. Đặt Nguyễn Huệ vào một cuộc tình không trọn vẹn, trong sự giăng mắc của quan hệ đời tư, thế sự, Nguyễn Mộng Giác đã khám phá người anh hùng này ở khía cạnh đời thường nhất, để thấy ông là người nặng ân tình và cũng bị bủa vây bởi những 73 giới hạn thường tình. Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 cũng xây dựng cho mình hệ thống các nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng, song so với truyền thống, chúng ta nhận thấy đã có những khác biệt trong quan niệm nghệ thuật, ý thức thẩm mĩ cũng như cách thức xây dựng nhân vật. Trong các tiểu thuyết lịch sử truyền thống, các nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng chủ yếu là những nhân vật có thật trong lịch sử, chí ít là đã được ghi lại trong chính sử, nay được nhà văn hư cấu thêm cho hấp dẫn. Trong khi đó, nhân vật biểu tượng trong tiểu thuyết lịch sử sau 1986 bên cạnh là các nhân vật có thật trong lịch sử, còn là những nhân vật được nhà văn hư cấu, tưởng tượng hoàn toàn. Các nhân vật như Sử Văn Hoa, Phạm Sinh, Thanh Mai (Hồ Quý Ly), bà Tổ Cô, Mùi, Nhụ (Mẫu Thượng Ngàn), giáo Hiến, An, Lãng, Lợi, Kiên (Sông Côn mùa lũ), Nhuệ Anh, Ngạn La (Giàn thiêu), Toàn, Thức (Gió lửa), Gia Tân, Ngô Minh (Bí mật hậu cung), Cả Hinh, Lụa (Thế kỉ bị mất) là những nhân vật hư cấu hoàn toàn nhưng đã trở thành những biểu tượng sâu sắc. Ngay trong bản thân nhân vật có thật trong lịch sử, tính chất và ý nghĩa biểu tượng so với các tác phẩm giai đoạn trước đã có sự thay đổi trên nguyên tắc đối thoại, tinh thần dân chủ và cảm quan cá nhân. Chân dung biểu tượng không hoàn toàn thuần khiết như trong tâm thức cộng đồng và ở nhiều sáng tác trước đó. Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Lưu Văn Khuê đã hé mở “một sự thật khác” về các thần tượng của dân tộc (Nguyễn Huệ, Trần Khát Chân, Ỷ Lan) cũng như đối thoại với cái nhìn phiến diện, một chiều bằng cái nhìn đa chiều, công bằng hơn về các “tội nhân” (Hồ Quý Ly, Mặc Đăng Dung). Rõ ràng nhân vật mang giá trị biểu tượng không hề được xây dựng một cách đơn phiến, một chiều mà ở đó luôn có sự tranh biện, đối thoại, một hình thức “giải huyền thoại” của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. Có thể nhận thấy, những nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 không còn là những sản phẩm được đắp nặn theo một khuôn khổ, kích cỡ có sẵn mà đã được tái tạo, thụ hưởng trên một tâm thế hoàn toàn mới. Quan niệm “con người đời thường”, “không hoàn hảo”, con người đa trị, phức tạp vừa giống như một sự đối thoại với quá khứ, khước từ những quy phạm cũ, vừa đề xuất những giá trị, nguyên tắc mới để định giá lịch sử và con người: hệ giá trị nhân bản và nguyên tắc đối thoại đa chiều. Nhờ đó, văn học có những khám phá đa diện, nhiều chiều về con người, mở ra những tầng sâu mới mẻ và thú vị đời sống đầy bí ẩn, vô cùng vô tận của những cá thể người sinh động và gần gũi. 2.2. Những dịch chuyển động hình diễn ngôn lịch sử - văn hóa Suy cho cùng, lịch sử là sự diễn giải, là cách hình dung, là lối tự sự/diễn ngôn của chủ thể (sử gia/tiểu thuyết gia, cá nhân/cộng đồng). Với cái nhìn đa nguyên về thế giới và con người, nhiều vấn đề trong cuộc sống và nhân sinh tưởng chừng như là những chân lí tuyệt đối, xác tín, hiển nhiên thì nay được lật xới lại, soi rọi dưới nhiều giác độ khác nhau. Đa nguyên lúc này đồng nghĩa với đa trị. Lịch sử được giả định như là một “khả năng khác” của đời sống. Đó thật sự là một bước chuyển đổi hệ hình tư duy lịch sử của các nhà văn. Sự chuyển đổi ấy diễn ra trước hết và quan trọng nhất ở bình diện diễn ngôn lịch sử. Diễn ngôn trong văn học giai đoạn trước năm 1986 chủ yếu là diễn ngôn cách 74 mạng, diễn ngôn dân tộc gắn liền với giai cấp. Yếu tố đời tư, cuộc sống riêng của mỗi người ít được quan tâm chú ý, mà được tập trung cho lí tưởng, quan điểm cách mạng. Phạm trù cái bi nhường chỗ cho cái hùng, cái tầm thường, nhỏ bé được thay thế bởi cái cao cả, lớn lao. Đi cùng với cảm thức ngợi ca truyền thống, tôn vinh các anh hùng, danh nhân của dân tộc là diễn ngôn mang tính khẳng định, chiêm bái, ngưỡng vọng. Điều này đã ảnh hưởng đến cách thức lựa chọn, xử lí chất liệu cũng như cách thức xây dựng nhân vật lịch sử của các nhà văn. Sau năm 1986, khi ý thức cá nhân được khai phóng, lịch sử và diễn ngôn lịch sử đã mang một hình hài, tinh thần mới. Lịch sử chỉ là cái cớ, là chất liệu để các tác giả trình bày những suy tư, trăn trở của mình về cõi nhân sinh vốn dung chứa vô vàn những yếu tố tất yếu và ngẫu nhiên, hợp lí và phi lí. Ở một phương diện nào đó, chính diễn ngôn văn học với việc kiến tạo ra thế giới quan mới đã có khả năng thay đổi thói quen cảm nhận và đánh giá về lịch sử của người đọc. Nó tìm cách tạo ra ý nghĩa mới về sự vật, đem lại cho con người cách nhìn khác/mới về hiện thực lịch sử và bản chất con người. Khám phá sự vận động của diễn ngôn trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986, chúng tôi thấy có sự dịch chuyển động hình diễn ngôn so với tiểu thuyết lịch sử những giai đoạn trước đó: Từ diễn ngôn mang tính khẳng định, chiêm bái, ngưỡng vọng sang diễn ngôn mang tính giả định, phân tích, giải thiêng; từ diễn ngôn dân tộc, đạo lí, giai cấp sang diễn ngôn đời tư, thế sự, nhân văn; từ diễn ngôn lịch sử - đấu tranh sang diễn ngôn lịch sử - văn hóa phong tục Song song với quá trình đó là sự “chuyển vai” chủ thể của diễn ngôn: từ vị thế con người, chủ nhân của lịch sử đến con người, nạn nhân nhỏ bé mang bi kịch và hệ lụy lịch sử; từ vị thế con người bị giới hạn bởi kinh nghiệm cộng đồng đến con người chủ động thụ hưởng, đối thoại lại lịch sử bằng suy tư, cảm thụ cá nhân. Trong “khí hậu” hiện đại/hậu hiện đại, chưa bao giờ, sự đòi hỏi khả năng nắm bắt hằng số lịch sử, văn hóa trên tinh thần dân tộc, nhân bản lại trở nên ráo riết với người cầm bút như vậy. Những tác phẩm của Nam Dao, Nguyễn Mộng Giác, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Thu Hằng, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Thái Bá Lợi, Uông Triều không chỉ dừng lại ở việc tái hiện các sự kiện, nhân vật lịch sử mà còn kiếm tìm, lí giải những giá trị cùng những yếu tố bền vững đảm bảo cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc trong mối xung đột, xâm thực với văn hóa ngoại lai. Trong các sáng tác về đề tài lịch sử của mình, Nguyễn Xuân Khánh đã khởi đi từ tâm thức đạo Phật và tín ngưỡng văn hóa bản địa để suy tư về con đường chính đạo cũng như sức mạnh nội tại trong hành trình khẳng định “căn cước” dân tộc. Nếu như ở Hồ Quý Ly, tác giả đã luận giải vấn đề “hồn nước” - “phần linh thiêng, phần chìm, phần lặng lẽ và phần thâm thúy của núi sông” qua tâm thức Phật giáo và tư tưởng Trần Nhân Tông, thì trong Mẫu Thượng Ngàn, ông đề cập đến “Hồn Đất”, “Hương Đất” như là biểu tượng cho sức mạnh và bản sắc của một phương Đông huyền bí. Cùng với các thành tố của nền văn hóa bản địa, thiên nhiên và con người hiện diện như một sức sống mãnh liệt nhằm phản kháng trước âm mưu đồng hóa của văn hóa ngoại lai. Thông qua tín ngưỡng đa thần độc đáo, niềm tin thiêng liêng vào sức mạnh của Mẫu, cùng với việc khám phá cuộc sống đời thường ở một làng 75 quê bán sơn địa ở Bắc Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Nguyễn Xuân Khánh đã vẽ cho mình một nẻo đi riêng, làm nên một cuộc hành trình vô cùng thú vị, kiếm tìm và giải mã sức sống văn hóa Việt qua tín ngưỡng thờ Mẫu. Vẻ đẹp của tín ngưỡng đậm màu bản địa này được nhà văn soi rọi ở nhiều giác độ, trên một tinh thần hiện đại thấm đẫm chất nhân văn sâu sắc. Đất trời, Gió lửa (Nam Dao), Đàn đáy (Trần Thu Hằng), Minh sư (Thái Bá Lợi) cũng thể hiện mối quan tâm đặc biệt về các vấn đề văn hóa, dân tộc. Nam Dao thấy được sức mạnh nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai của văn hóa thông qua phong tục tập quán, cách làm người với nhau, làm người cùng nhau, làm người trước tương lai. Từ đó, nhân vật của ông đi tìm lẽ sống, lẽ tồn vong của dân tộc, khẳng định bản sắc văn hóa qua ngôn từ giản dị, trong trẻo, giàu sức sống của ca dao, tục ngữ, dân ca ví dặm (Đất trời). Để lí giải xung đột trong đời sống chính trị và trong tâm thức người Việt, tìm ra mẫu hình văn hóa chung, Gió lửa lại đặt văn hoá trong sự xung đột cá nhân và xã hội, văn hóa trong sự áp chế của quyền lực, văn hóa trong hành trình truy tìm những giá trị vĩnh hằng của tự do, dân chủ. Ở một nẻo đường khác, Trần Thu Hằng trong Đàn đáy, qua những ngón đàn mê hoặc, tiếng hát tài hoa đã tái hiện số phận của các ca nữ và kép đàn trong một giáo phường hát ca trù nổi tiếng kinh kì. Trong mỗi lời ca, tiếng đàn không chỉ là khát vọng một cuộc sống bình yên mà còn mang những nỗi đau thế thái nhân tình, chuyên chở những thân phận mong manh của người nghệ sĩ trong cơn giông bão của thời cuộc. Thiên nhiên hùng vĩ với núi non điệp trùng, biển cả bao la, cảnh tượng huyền bí, u tịch của kinh đô Trà Bàn, Thánh địa Mỹ Sơn trong Minh sư lại gợi biết bao khắc khoải, nuối tiếc về quá khứ một đi không trở lại. Đằng sau hình ảnh phế đô oai nghiêm một thuở chỉ còn lại những nền đất, kinh thành Sư tử lẫm liệt mấy trăm năm giờ chỉ còn lác đác những bóng người dưới chân thành rêu phong là những suy tư, trăn trở của Thái Bá Lợi về lẽ tồn vong và bản sắc dân tộc trong những xung đột văn hóa, lịch sử. Qua hành trình mở cõi của cha ông, tác giả đã phân tích quy luật tất yếu của bước đi lịch sử khi những toan tính, những ứng xử, những hành động trong việc tìm kiếm không gian sống cho dân tộc này là nguồn cơn tạo nên sự suy yếu, đồng hóa và biến mất của cả một dân tộc khác. Quan trọng hơn cả, nhiều nhà văn qua các câu chuyện về lịch sử muốn chuyển tải nghĩ suy cá nhân về vận mệnh và sức mạnh dân tộc trong những cuộc thử lửa cam go, trong sự thịnh suy, đổi dời của các triều đại. Hoàng Quốc Hải là một trong những nhà văn thể hiện sâu sắc nhãn quan dân tộc tính trên tinh thần của triết học lịch sử. Trong Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý, quan điểm “Các triều đại hưng vong thành bại xoay vần như con thò lò sáu mặt: chợt mặt nhất, thoắt đã mặt tam, mặt lục; chỉ có dân tộc, phải, chỉ có dân tộc mãi mãi là trường tồn” cứ trở đi trở lại tạo thành nốt nhất chi phối cảm hứng và thi pháp hư cấu lịch sử của nhà văn. Trong “khí hậu” hiện đại/hậu hiện đại, việc các nhà văn đưa ra cách lí giải về dân tộc, văn hóa tất sẽ tạo ra sự cộng cảm từ phía người đọc. Từ đó khơi gợi trong tâm thức người đọc niềm tin, sự kiêu hãnh về sự vĩnh cửu của văn hóa bản địa. Bởi chính sự giao lưu, tiếp xúc và xung đột văn hóa bên ngoài không những không làm mất đi bản sắc dân tộc mà ngày càng bồi đắp khiến văn hóa dân tộc trở nên phong phú, 76 đậm đà hơn. Trước năm 1986, cảm thức và diễn ngôn chiêm bái, ngưỡng vọng, khẳng định đã đem lại cho các tiểu thuyết một tinh thần dân tộc và một nội dung yêu nước sâu sắc. Cảm hứng ấy đã được nối dài trong nhiều sáng tác sau năm 1986 như Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần, Vằng vặc sao Khuê, Sao Khuê lấp lánh, Minh sư, Thế kỉ bị mất Tuy vậy, trong những sáng tác này, lịch sử đã được nhìn nhận đa chiều hơn, được phân tích, luận giải sâu sắc hơn cũng như phương thức tự sự cũng phức tạp và độc đáo hơn. Ảnh hưởng “tiếng gọi của trò chơi” (M.Kundera), tiểu thuyết lịch sử trở thành mảnh đất để các nhà văn tự do đưa ra những giả định lịch sử, tiến hành những thử nghiệm, thậm chí “tùy tiện” trong cách ứng xử với đề tài như là một sự khiêu khích, thách đố với những cách ứng xử, kinh nghiệm quen thuộc của cộng đồng. Viết về thần tượng của dân tộc, rõ ràng, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Quang Thân, Bùi Anh Tấn đã khước từ diễn ngôn ca ngợi, chiêm bái một chiều để lựa chọn diễn ngôn phân tích, giả định, “giải thiêng”. Các nhà văn đã kéo thần tượng của cộng đồng trở về với kích cỡ của con người mang thân phận làm người, quan tâm khắc họa những khía cạnh nhân tính và nhân bản chìm khuất phía sau các biến cố, tình huống lịch sử. Nhờ đó, những góc tối, những vùng mờ mà chính sử không hề nhắc tới, nay đã được soi rọi và giải mã trên tinh nhân bản và nguyên tắc đối thoại. Dưới con mắt của con người hôm nay, lịch sử được nhìn nhận, lí giải qua số phận của dân tộc, qua hành trình gìn giữ bản sắc và trên tất cả là qua số phận, bi kịch của mỗi cá nhân trong tiến trình lịch sử. Chưa bao giờ thân phận con người trong lịch sử lại được nhắc nhiều và ám ảnh đến vậy. Tái hiện lại những giai đoạn có tính chất bước ngoặt của mỗi triều đại, nhiều nhà văn đã suy tư về thân phận vương giả trong lẽ thịnh suy của thời đại, trăn trở với số phận người phụ nữ trong cơn bão tố của lịch sử và ưu tư cùng bi kịch người trí thức trong mối xung đột của thời cuộc. Nhận thức sâu sắc sứ mệnh của tiểu thuyết gia viết/diễn giải về lịch sử, các tác giả đã không quên khắc họa số phận của những đám đông nhỏ bé, vô danh trong sự xoay vần của lịch sử. Lần đầu tiên trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, những con người nhỏ bé được cất lên tiếng nói của mình. Chủ thể diễn ngôn từ vị thế con người - chủ nhân của lịch sử chuyển dần sang vị thế con người - nạn nhân nhỏ bé thua thiệt. Từ người dân chốn kinh thành trong những ngày gió lửa của chiến tranh, loạn lạc (Sông Côn mùa lũ, Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý), trong cơn bão tranh giành quyền lực (Hồ Quý Ly), đến những người dân trong làng Cổ Đình xa xôi, heo hút (Mẫu Thượng Ngàn), những anh kép cô đào trong phường hát ca trù Cổ Tâm (Đàn đáy), những người dân quanh năm chân lấm tay bùn ở đất nghèo xứ Quảng (Thế kỉ bị mất) tất cả đã trở thành điểm tựa nhân bản trong cái nhìn về lịch sử của các nhà văn. Lắng nghe từ những số phận nhỏ bé ấy, tiểu thuyết gia giúp người đọc nhận ra gương mặt, tiếng nói, bước đi của lịch sử. Gần gũi, bình dị nhưng mỗi cuộc đời, mỗi số phận lại mang một chiều sâu của thứ triết học nhân sinh - lịch sử sâu sắc. 2.3. Tổ chức mô thức tự sự trên nguyên tắc đối thoại, luận giải Sự dịch chuyển, gia tăng, gấp bội điểm nhìn là biểu hiện độc đáo trong nỗ lực hiện đại hóa mô hình tổ chức tự sự của các tiểu thuyết gia viết về đề tài lịch sử sau năm 77 1986. Với những tác phẩm hư cấu lịch sử thì điều này nên xem là một đột phá táo bạo. Nó đã giúp tiểu thuyết vượt thoát tính đơn thanh, độc thoại một chiều của kiểu tự sự truyền thống. Nhìn lại tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn trước năm 1986, hầu hết các tác phẩm đều sử dụng lối tự sự toàn tri với điểm nhìn đơn nhất của người kể chuyện. Người kể chuyện trong các sáng tác của Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Tử Siêu, Thái Vũ, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên luôn là con người thông tuệ, có thể trải rộng góc nhìn, quan sát với tầm bao quát rất lớn về nhiều giai đoạn với vô vàn sự kiện, nhân vật lịch sử. Tất cả những biểu hiện bên ngoài cùng thế giới nội tâm bên trong của nhân vật đều nằm trong “tầm kiểm soát”, “sự hiểu biết”, “tài điều khiển” của người trần thuật. Việc lựa chọn hình thức tự sự này, các tiểu thuyết gia giai đoạn trước đã đáp ứng đòi hỏi sự chính xác, khách quan của sử liệu, và đặc biệt quan trọng là trùng khít với cái nhìn, hiểu biết của cộng đồng. Tuy nhiên, điều đó đã hạn chế rất nhiều cá tính sáng tạo cũng như cảm thức nhận thức lại lịch sử của nhà văn. Trở lại tiểu thuyết lịch sử sau năm 1986, với ý thức đòi quyền bình đẳng giữa kinh nghiệm cá nhân bên cạnh hiểu biết cộng đồng, diễn ngôn cá nhân bên cạnh diễn ngôn tập thể, nhiều tác phẩm đã cung cấp cho người đọc thêm nhiều điểm nhìn mới về các sự kiện, nhân vật quen thuộc. Bằng thủ pháp gia tăng và gấp bội điểm nhìn trên nguyên tắc đối thoại, nhiều tác phẩm có khả năng luận giải cao, đem lại những khám phá thú vị cho người đọc. Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết của mình đã từ bỏ quan niệm truyền thống về tiểu thuyết thế kỉ XIX và chọn lựa một cách kể chuyện phân đoạn. Điểm nhìn của người kể chuyện di chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác, cho ta một cái nhìn vạn hoa về các sự kiện, nhân vật. Với cách tiếp cận theo từng mảng, tiểu thuyết Hồ Quý Ly được chia thành nhiều chương, mỗi chương được đặt theo tên của một nhân vật tiêu biểu (Chương III: Ông vua già, chương V: Trần Khát Chân, chương VII: Vua Thuận tông và bà hoàng Thánh Ngẫu, chương IX và X: Một ngày của Thái sư). Các sử gia có thể nhìn nhận ở Hồ Quý Ly một con người có tài, khát khao quyền lực vô biên và một kẻ độc tài bạo tàn, nhưng dưới điểm nhìn của các nhân vật thì con người này lại được khám phá dưới góc độ một con người rất đỗi bình thường, thậm chí là một nhân vật mang bi kịch đời thường. Con người này cũng chứa đựng những ý chí khát khao lớn lao nhằm làm thay đổi, canh tân đất nước (điểm nhìn của Hồ Hán Thương, Nguyên Cẩn), đa mưu, đa sát, thâm hiểm (điểm nhìn của Trần Nguyên Uyên, Trần Khát Chân), biết yêu và rung động trước tình yêu (điểm nhìn của Huy Ninh), cũng có những giây phút cô đơn, yếu đuối, đáng thương (điểm nhìn của Hồ Nguyên Trừng), vừa vĩ đại vừa bạo tàn (điểm nhìn của Phạm Sinh, Sử Văn Hoa) Vấn đề canh tân đất nước, thông qua điểm nhìn của các nhân vật, cũng có những cách nhìn và theo đó là hành động, ứng xử khác nhau. Với chính công trình sư Hồ Quý Ly, ông đã nhìn rõ được tình thế buộc phải “thay máu” nếu không muốn đất nước rơi vào sự suy thoái, sụp đổ hoàn toàn. Với quan Thái bảo Nguyễn Hàng, ông thấy rõ sự bế tắc, hỗn loạn của đất nước nhưng ông lại không hiểu đất nước cần đổi thay. Còn Sư Hiền, bằng những trải nghiệm của kẻ sắp đi trọn con đường trần thế, ông hiểu vận mệnh nhà Trần đã hết. Ông đành giả câm giả điếc mặc cho cơn bão lịch sử xoay 78 vần, bởi trong “thời thiên túy” này, cái đúng cái sai khó mà phân định. Soi rọi vấn đề lịch sử, văn hóa dưới nhiều điểm nhìn khác nhau, của người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc như là phương thức để Nguyễn Xuân Khánh đã “giải phẫu” sức sống văn hóa Việt trong sự đối kháng và xung đột văn hóa. Hình tượng Mẫu và hình thức lên đồng, với những người trong cuộc, cộng đồng làng Cổ Đình, đặc biệt là những người phụ nữ, đó là một điều thiêng liêng, huyền nhiệm đã ăn sâu vào tâm thức từ ngàn đời. Còn với những nhà chinh phục thuộc địa, điểm nhìn được phân tán theo hai chiều hướng: chiêm ngưỡng, thức tỉnh (Pierre, René), coi thường, chế giễu (Philippe, Julien). Suy tư về đồng hóa và phản đồng hóa tiếp tục được tác giả đưa ra bàn luận, đối thoại nhiều chiều. Trong cuộc đối thoại ở chương X, người kể chuyện đã đặt vấn đề này dưới nhiều điểm nhìn khác nhau. Khẳng định sứ mệnh khai hóa văn minh cho dân bản xứ, Julien đã đặt ra mục tiêu muốn biến xứ sở này thành một nước Pháp thu nhỏ Anh ta đã bảo vệ quyết liệt niềm tin về sự đồng hóa của phương Tây, cụ thể là Pháp với xứ sở phương Đông. Với ông Lềnh, bài học nhãn tiền của tổ tiên hàng ngàn đời với tư tưởng “Hán hóa” người Việt khiến ông tỉnh ngộ, cay đắng nhận ra thân phận “chú khách”, đến rồi lại đi của mình. Qua cái nhìn khách quan, biện chứng khoa học pha chút màu sắc siêu hình, thần bí, nhà dân tộc học René đã lờ mờ nhận ra bi kịch “bị đồng hóa” trở lại của những kẻ đi xâm lược, được ông lí giải bằng sự nhiệm màu của thần thánh và nguyên lí Mẹ trong văn hóa xứ sở. Từ những tình cảm sâu nặng với mảnh đất và con người hiền hòa, cần cù, nhà truyền giáo Colombert sẵn sàng chấp nhận “bị đồng hóa ngược” để trở thành một ông già An Nam đích thực. Cuộc đối thoại, tranh cãi tuy chưa có hồi kết, song chúng ta cũng cảm nhận được ưu thế của những người coi trọng và bênh vực tín ngưỡng bản địa. Đây rõ ràng là một “đụng độ” không khoan nhượng giữa hai nền văn hóa Tây và Đông. Người phương Tây đã nhận ra sức kháng cự tuy vô hình nhưng mạnh mẽ của người bản xứ để bảo vệ bản sắc văn hóa mà cha ông họ đã bao đời gìn giữ. Họ hiểu rằng, sức mạnh đó không có lí giải nào thuyết phục, sinh động bằng hình tượng người Đàn bà giàu sức sống, đằm thắm, dịu dàng, cam chịu trong tâm thức Việt. Chính việc kiến tạo, tổ chức các góc nhìn, cách nhìn, quan điểm nhìn đã giúp nhà văn thể hiện sự luận giải, đối thoại đa chiều về nhiều vấn đề của quá khứ, từ đó nói kết với hiện tại, tìm ra những bài học sâu sắc cho hiện tại và tương lai. Những vấn đề được đặt ra trong Hồ Quý Ly như cách tân hay bảo thủ, cách tân như thế nào, vai trò và cách hành xử của trí thức trước thời cuộc, vấn đề đổi mới với quyền lực, đổi mới như thế nào để phù hợp với thời thế, nhân tâm, số phận, bi kịch những cá nhân, cộng đồng trong cơn cuồng nộ của lịch sử, khiến người đọc phải trăn trở, suy ngẫm, nối kết quá khứ với thực tại tình hình đổi mới đất nước hôm nay. Mẫu Thượng Ngàn lại là sự suy tư của nhà văn về vấn đề cội nguồn sức mạnh văn hóa dân tộc Việt, làm sao để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp biến, xâm lấn văn hóa trong khu vực và trên thế giới, đâu là giá trị của các thành tố văn hóa trong cộng đồng người Việt. Bằng việc gia tăng điểm nhìn, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Mộng Giác, Võ Thị Hảo, Thái Bá Lợi, Nguyễn Thế Quang, Hoàng Quốc Hải đã có những khám phá, 79 kiến giải vô cùng tinh tế và độc đáo về các nhân vật lịch sử. Trong Hội thề, Nguyễn Du, Oan khuất với sự dịch chuyển điểm nhìn bên trong vào nhân vật, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Thế Quang, Bùi Anh Tấn đã khai thác chiều sâu thế giới nội tâm phức tạp cũng như tấn bi kịch tâm hồn của các vĩ nhân Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Những đấu tranh nội tâm, những cảm xúc phức tạp, những nỗi lòng thầm kín cùng tấn bi kịch tâm hồn được trình hiện chân thực bởi chính điểm nhìn của nhân vật. Từ điểm nhìn bên trong, nhiều bí mật, khuất lấp trong lịch sử được khơi mở, phân tích thấu đáo, thuyết phục. Trong Sông Côn mùa lũ, điểm nhìn liên tục được dịch chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác. Có lúc được trao cho Nguyễn Huệ (chương 17, 19, 30, 32), có khi lại gửi gắm ở giáo Hiến (chương 1, 7, 15), nhiều lúc lại chuyển sang An (chương 75, 92, 97), có lúc lại dời chỗ vào Lãng (chương 87, 99) Những bí mật của lịch sử như việc Nguyễn Huệ chọn Phú Xuân làm thủ phủ, hành động quay nòng pháo về Quy Nhơn nhằm vào vua anh của Huệ được lí giải bằng chính điểm nhìn bên trong của Nguyễn Huệ. Qua điểm nhìn đó, Nguyễn Mộng Giác đã hé mở “một sự thật khác” đằng sau hình tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và sự nghiệp sáng chói của ông. Theo sự phân tích đa chiều của nhà văn, sự nghiệp vinh hiển ấy phần lớn do tài năng, bản lĩnh cá nhân của Nguyễn Huệ, nhưng cũng có yếu tố rất quan trọng là do thời thế và sự may mắn. Hơn nữa, bên cạnh sự thật về người anh hùng áo vải còn có một sự thật khác: chính Nguyễn Huệ là người chủ động quay nòng súng về Quy Nhơn, nhằm vào vua anh Nguyễn Nhạc, khuấy động bàn thờ ông bà, cha mẹ để xác lập quyền uy và ngôi báu của mình, làm tiền đề để thống nhất đất nước. Gia tăng điểm nhìn gắn với độc thoại/đối thoại nội tâm là thủ pháp độc đáo được Võ Thị Hảo sử dụng trong việc khắc họa nhân vật lịch sử. Trong Giàn thiêu, tác giả đã đưa ra những “giả thuyết” mới mẻ về nhân vật lịch sử và cũng là nhân vật truyền thuyết Từ Đạo Hạnh. Nhà văn đã dành nhiều tiết đoạn để cho Từ Đạo Hạnh phân thân và tự đối thoại với chính mình. Tác giả có ý thức lý giải lịch sử theo cách riêng của mình. Điều đó bộc lộ cái nhìn mỉa mai, ngược chiều, xoay chiều lịch sử, phi huyền thoại hoá những nhân vật, sự kiện đã bị huyền thoại hoá. Từ nhận thức của con người đương đại, Võ Thị Hảo đã hé mở sự thật lịch sử: chính Nguyên phi Ỷ Lan đã giết chết Dương Thái hậu và bảy mươi sáu cung nữ. Còn với Từ Đạo Hạnh, tác giả đã “lật tẩy”, phơi bày khía cạnh con người phàm tục, nhận ra sự ham hố quyền lực, bản năng dục vọng, sự ích kỉ nhỏ nhen nơi nhân vật lịch sử - huyền thoại tôn giáo này. Đặc biệt, các tiểu thuyết gia sau năm 1986 đã thể nghiệm hình thức tự sự từ ngôi thứ nhất như là phương thức tiếp cận, khám phá, luận giải có chiều sâu về lịch sử và con người. Người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi” trong Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Oan khuất, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng, Thế kỉ bị mất vừa là chứng nhân của câu chuyện vừa tham gia trực tiếp vào các biến cố, sự kiện của tác phẩm. Nhờ đó, sự kiện lịch sử được cá thể hóa vào đời sống cá nhân, được khúc xạ qua cuộc đời, số phận mỗi người. Cá nhân trở thành trung tâm của tự sự. Lịch sử lúc này còn được khám phá qua hàng loạt chuỗi sự kiện về tâm lý của những con người đã sống, chứng kiến, góp phần tham gia làm nên lịch sử thời kỳ ấy. Đan xen việc sử dụng người kể chuyện 80 ngôi thứ ba, Nguyễn Xuân Khánh trong Hồ Quý Ly sáng tạo hình thức tự sự từ ngôi thứ nhất - Hồ Nguyên Trừng xưng “tôi” kể chuyện (165 trang/802 trang, chiếm 20,5%) trong chương II: Hồ Nguyên Trừng, chương VI: Cô gái vườn mai, chương XII (một phần): Đường lên Yên Tử, chương XIII (một phần): Hội thề Đốn Sơn. Chọn Hồ Nguyên Trừng kể chuyện là một dụng ý khá sâu sắc của nhà văn. Trong tác phẩm của mình, tác giả đã xây dựng nhân vật Hồ Nguyên Trừng có đời sống nội tâm khá phức tạp. Anh vừa là trợ thủ đắc lực trong canh bài canh tân của Hồ Quý Ly đồng thời lại là một con người nhạy cảm, ưu tư, giằng xé trong những nghĩ suy miên man về thời cuộc. Bằng điểm nhìn nội cảm của một con người mang nỗi buồn thời tao loạn, Nguyễn Xuân Khánh đã giúp người đọc không những có một niềm tin vô cùng lớn lao đối với câu chuyện mà còn tạo dựng những góc nhìn mới để khám phá, lí giải về lịch sử và con người. Mẫu Thượng Ngàn cũng là một tác phẩm sử dụng hình thức trần thuật ngôi thứ nhất nhưng dung lượng lại ít hơn so với Hồ Quý Ly. Mặc dù bà ba Váy xưng “tôi” kể chuyện (chương XI. Bà ba Váy kể chuyện, chương XII, tiết 3. Lời bà ba Váy) chỉ chiếm dung lượng 46 trang/807 trang tiểu thuyết (khoảng 5,7%) nhưng chừng ấy cũng đủ để lại những dấu ấn đậm nét về người đàn bà đa tình, hồn nhiên, ngồn ngộn sức sống. Với cái tôi thành thực, nếm trải, người đọc như được chứng kiến cuộc đời bất hạnh, những rung động, khát khao bản năng cùng vẻ đẹp Thiên tính nữ như là biểu tượng sinh động của nguyên lí tính Mẫu trong văn hóa Việt. Nếu như trong Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn, tần số xuất hiện của NKC ngôi thứ nhất là khá khiêm tốn thì với Thế kỉ bị mất tần số ấy đã được nâng lên đáng kể. Thế kỉ bị mất là sự gối tiếp liên tục giữa hình thức tự sự ngôi thứ ba và hình thức tự sự ngôi thứ nhất. Với tần số xuất hiện của ngôi thứ nhất là 255 trang/467 trang (chiếm khoảng 55%), tác phẩm được thi triển trên nền một câu chuyện tình dân dã nhuốm màu sắc bi thảm. Cái “tôi” trong tiểu thuyết Thế kỉ bị mất là cái “tôi” kí ức, hồi tưởng, chiêm nghiệm về quá khứ. Nó vừa là chứng nhân của lịch sử, vừa là chủ thể tham gia vào mọi biến cố, sự kiện lịch sử. Với điểm nhìn bên trong, người kể chuyện đã tái hiện một dấu mốc quan trọng của lịch sử, thời điểm diễn ra phong trào Duy Tân, một biểu hiện của quá trình vận động, trưởng thành trong tư tưởng, ý thức dân tộc Việt. Là người sống cùng thời với các lãnh tụ của phong trào Duy Tân, người kể chuyện đã phác họa chân dung của nhiều nhân vật lịch sử quan trọng. Đặc biệt là hình tượng Phan Châu Trinh trong sự cảm nhận của Cả Hinh là một lãnh tụ kiệt xuất, một nhân cách văn hóa lớn, một nhiệt huyết phi thường với hoạt động truyền bá tư tưởng dân quyền nhằm thức tỉnh ý thức làm chủ của người dân. Khúc ca bi tráng về một thời đoạn trong lịch sử dân tộc khép lại bằng bài điếu văn xót thương những số phận bất hạnh và mở ra những hi vọng về một thời đại mới theo bước chân của Cả Hinh nơi miền đất lạ. Từ những quan sát, trải nghiệm của chính người trong cuộc, lịch sử được nhìn ngắm từ giác độ đời thường, cá nhân. Đó chính là một trong những biểu hiện sâu sắc về sự thức tỉnh của cái tôi - chủ thể sáng tạo được thẩm thấu, kết tinh trong cấu trúc bề sâu của các hư cấu lịch sử. Ngoài ra, phương thức tổ chức không - thời gian và kết cấu tự sự trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 cũng được 81 nhiều tác giả quan tâm như là nỗ lực đổi mới trong hệ hình tư duy tự sự hiện đại, khẳng định tham vọng khắc phục/vượt qua mô hình truyền thống nhằm đưa tiểu thuyết tiệm cận quỹ đạo chung của văn học thế giới. Cùng với tìm tòi hình thức kể chuyện và đa dạng hóa điểm nhìn, những thể nghiệm trong việc xử lí thời gian và tổ chức kết cấu góp phần mở rộng khả năng phản ánh, chiếm lĩnh, lí giải lịch sử và con người có chiều sâu, tạo ra một không gian truyện kể đa tầng bậc, nhiều cấp độ, giàu giá trị biểu tượng 3. Kết luận Như vậy, từ không khí đổi mới và tinh thần dân chủ của xã hội, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 đang có sự vận động không ngừng vừa theo kịp với thế giới đồng thời khẳng định được bản sắc riêng của mình. Nhiều tác phẩm là sự biểu hiện sinh động cho tư duy đổi mới trong quan niệm về thể loại, nguyên tắc xây dựng nhân vật và phương thức tục sự lịch sử. Nhờ đó, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đã vượt qua tâm lí, kinh nghiệm cộng đồng, để đối thoại, thức nhận lại lịch sử. Lịch sử luôn biến thiên, luôn có những con đường khác nhau và mỗi người có những cách hình dung về gương mặt của nó, nối kết với thực tại và thụ hưởng trên tinh thần dân tộc - cá nhân - nhân văn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bakhtin M. (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 2. Nguyễn Thị Bình (2012), Văn xuôi Việt Nam sau 1975, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 3. Trương Đăng Dung (1998), “Tiểu thuyết lịch sử trong quan niệm mĩ học của G.Lucacs”, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 4. Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên), Đoàn Ánh Dương, Đỗ Hải Ninh (2012), Lịch sử và văn hóa, cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội. 5. Kundera M. (1998), Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội), Nguyên Ngọc dịch, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 6. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006, đồng chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 7. Mai Hải Oanh (2009), Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. 8. Popper Karl (2012), Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận, Chu Lan Đình dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội. 9. Trần Đình Sử (chủ biên, 2004, 2008), Tự sự học, một số vấn đề lí luận và lịch sử, Phần 1 và 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 10. Trần Đình Sử (2014), “Suy nghĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử”, in trong Trên đường biên của lý luận văn học, Nxb Văn học, Hà Nội. Ngày nhận bài: 24/11/2015 Biên tập xong: 15/01/2017 Duyệt đăng: 20/01/2017

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf134_8122_2215186.pdf
Tài liệu liên quan